Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Không Gia Đình

Chương 3 – Gánh xiếc rong của ông Vitali

Tác giả: Hector Malot

Đêm trước tôi đã mê man trong một cơn ác mộng đầy sợ hãi lo âu, nên sáng dậy, cử chỉ thứ nhất của tôi là sờ lại giường, nhìn những vật xung quanh nhà để yên trí là trong đêm, người ta không bế tôi đi nơi khác.

Suốt buổi sáng hôm đó, ông Giêrôm không nói gì. Tôi tưởng rằng dự định đem tôi đi trại trẻ rơi đã bỏ rồi. Có lẽ, mẹ tôi đã nói được cho tôi ở lại. Nhưng đến trưa, ông Giêrôm bảo tôi đội mũ và theo ông. Sợ quá, tôi đưa mắt nhìn mẹ để cầu cứu. Nhưng bà ra hiệu cho tôi phải tuân lời, đồng thời, bàn tay bà đưa đi đưa lại, ngụ ý bảo không việc gì mà sợ. Không nói năng gì, tôi bước ra theo ông.

Con đường từ nhà tôi vào trong làng khá xa, phải đi đến một giờ. Trong lúc đi đường, ông không hề nói với tôi một câu nào. Ông bước khập khiễng, cổ cứng đờ, thỉnh thoảng quay cả hai vai lại nhìn xem tôi có còn theo nữa không.

Ông định đưa tôi đi đâu?

Câu hỏi này làm tôi buồn, mặc dầu bàn tay của mẹ tôi đã ra hiệu cho tôi cứ vững lòng, và muốn thoát cái tai họa tuy không trông thấy, nhưng đã cảm thấy, tôi định chạy trốn. Vì thế, tôi có ý chùn lại đằng sau. Khi nào cách xa ông, tôi sẽ nhảy xuống cái hào bên đường rồi trốn đi, ông không thể nào đuổi kịp tôi được.

Ban đầu, ông bảo tôi bước theo gót chân ông. Nhưng sau, có lẽ đoán được ý định của tôi, ông liền cầm cánh tay dắt đi. Tôi chỉ còn cách theo ông thôi. Hết nhóc nhách. Chúng tôi cứ đi như thế vào tới trong làng. Trên đường, mọi người đều quay lại nhìn chúng tôi, vì lúc đó tôi lếch thếch như con chó hay cắn càn bị xích cổ lôi đi.

Khi chúng tôi đi qua một hàng cà phê, một người đàn ông đứng ở cửa gọi và mời ông Giêrôm vào. Ông liền cầm tay tôi kéo lên và đẩy vào trước. Ông vào sau, rồi đóng cửa lại. Tôi thấy dễ thở. Hiệu cà phê có vẻ không phải là một nơi nguy hiểm, vả lại đã từ lâu, khi qua hiệu này, tôi rất muốn vào xem.

Quán cà phê Đức Bà! Không biết đó là gì? Đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi thế. Tôi thường trông thấy những người ở quán ra, mặt đỏ gay, chân lảo đảo. Khi đi qua cửa, tôi thường nghe thấy tiếng kêu, tiếng hát làm rung cả cửa kính. Người ta làm gì trong đó? Sau bức màn đỏ có những trò gì? Bây giờ tôi sắp được trông thấy.

Trong góc đối diện với góc tôi ngồi, có một ông già, cao lớn, râu bạc, mặc một bộ quần áo kỳ dị chưa từng trông thấy bao giờ. Đầu đội một cái mũ phớt cao màu xám có cắm những chiếc lông xanh đỏ; mấy chùm tóc dài thõng xuống tới vai. Một thứ áo trấn thủ bằng da cừu lông quay vào trong, bó chặt lấy người. Chiếc áo đó không có tay, ở hai lỗ hổng trên vai thò ra hai ống tay bằng nhung lam đã bạc màu. Đôi ủng lớn bằng len cao lên đến tận đầu gối, buộc những dây vải đỏ quấn chéo nhiều lần chằng chịt.

Ông già ngồi trên ghế tựa, khuỷu tay chống lên đầu gối co lại, bàn tay đỡ lấy cằm. Chưa bao giờ tôi trông thấy một người sống lại có bộ dạng ngay đờ như thế, chẳng khác chi một pho tượng trong nhà thờ.

Ở gần ghế ông già ngồi, có ba con chó đang nằm nép vào nhau cho ấm, không động đậy: một con chó trắng, một con chó xù đen và một con chó cái nhỏ lông xám, vẻ tinh khôn và dịu dàng. Con chó trắng đội một cái mũ cảnh sát có dây da buộc xuống cằm.

Khi tôi tò mò nhìn ông già, thì ông Giêrôm và chủ quán nói nhỏ với nhau. Tôi nghe thấy họ đang nói về chuyện tôi. Ông Giêrôm kể lại rằng ông ấy đang định đưa tôi đến nhà xã trưởng nhờ ông này nói với trại trẻ rơi xin một món trợ cấp để nuôi tôi. Điều này chắc mẹ tôi đã được biết rồi, và tôi hiểu ngay rằng nếu Giêrôm nuôi tôi có lợi, thì tôi không lo sợ gì nữa.

Ông già như không để ý đến chuyện của hai ông kia, nhưng đã nghe được tất cả. Chợt ông giơ tay về phía tôi và hỏi ông Giêrôm:

– Có phải thằng bé này nó làm ông lúng túng?

– Chính nó!

– Phải, vì nó không có cha và tôi nuôi nó. Phải có người trả tiền cho nó thì mới công bằng chứ?

– Ông tưởng rằng ban quản trị trại trẻ rơi quận sẽ trả tiền tháng cho ông chăng?

– Hẳn chứ. Tôi tưởng cái đó là công bằng.

– Tôi không nói là không. Nhưng ông tưởng rằng bất cứ cái gì gọi là công bằng đều được thực hiện cả, phải không?

– Điều đó tất nhiên là không rồi.

– Theo ý tôi, không đời nào ông lại xin được tiền trợ cấp.

– Thế thì cho nó vào trại trẻ rơi. Chẳng có luật nào lại bắt tôi nuôi nó suốt đời, nếu tôi không muốn chứa nó nữa.

– Ngày xưa, ông đã bằng lòng nhận nó về, thế là ông đã cam kết giữ nó.

– Tôi sẽ không giữ nó nữa. Khi nào tôi cần cho nó ra đường mà còn kiếm được chút ít nữa kia!

– Nếu ông mách tôi cách đó, tôi xin đãi ông một chai rượu và thết một cách vui lòng.

– Gọi rượu đi! việc của ông tất xong.

– Chắc không?

– Chắc chắn.

Ông già bỏ ghế tựa, lại ngồi đối diện với ông Giêrôm. Lạ lùng quá, khi ông đứng dậy, có vật gì lùng bùng trong áo da cừu của ông: tôi đoán trong đó có con chó con. Ông sắp nói gì? Có chuyện gì sắp diễn ra? Tôi nhìn theo ông, lòng xúc động nặng nề.

– Ý ông muốn rằng thằng bé này không được ăn ở nhà ông nữa, hoặc nếu nó cứ tiếp tục ăn thì người ta phải trả tiền ông, có phải thế không?

– Đúng thế, vì rằng…

– Khỏi “vì rằng”. Ông phải biết nguyên nhân đó vô ích đối với tôi, tôi không cần biết tới nguyên nhân. Chỉ cần biết ông không muốn nuôi nó nữa là đủ rồi. Nếu vậy, ông cho tôi, tôi nuôi.

– Cho ông?

– Thì ông muốn trút gánh nặng mà!

– Cho ông một đứa trẻ như thế này, một đứa bé đẹp. Quả nó là một đứa bé đẹp, ông hãy nhìn xem.

– Tôi đã nhìn rồi.

– Rêmi, con lại đây.

Tôi bước run run đến cạnh bàn, ông già nói:

– Lại đây, con đừng sợ.

Ông Giêrôm nói tiếp:

– Ông nhìn lại xem.

– Tôi không bảo nó xấu. Nếu nó xấu, tôi không cần đến. Nuôi những quái thai không phải việc của tôi.

– Nhưng nếu là những quái thai hai đầu, hay là một thằng lùn.

– Thì ông đã không đuổi nó vào trại trẻ rơi. Ông phải biêt một quái thai có thể có giá trị, nếu người ta biết lợi dụng, hoặc cho gánh hát thuê, hoặc tự mình khai thác lấy. Nhưng mà thằng bé này không phải quái thai, mà cũng không lùn, nó được cấu tạo như tất cả mọi người, thành ra nó không được tích sự gì.

– Được việc làm lụng chứ!

– Nó yếu quá.

– Nó yếu à? Nhìn lại xem. Nó khỏe như những đứa lành mạnh. Ông trông đôi chân nó kia, không có đôi chân nào thẳng thắn hơn.

Ông Giêrôm vừa nói vừa vén quần tôi lên. Ông già chê:

– Mảnh dẻ quá!

Ông Giêrôm nói:

– Còn hai cánh tay nữa.

– Tay cũng như chân, tạm được, nhưng không chịu đựng được nhọc nhằn gian khổ.

– Nó không chịu đựng được à? Ông nắn những bắp thịt nó xem.

Ông già đưa bàn tay xương xẩu ra sờ nắn những bắp chân tôi, rồi lắc đầu bĩu môi. Tôi đã từng chứng kiến một tấn kịch tượng tự. Khi người lái đến mua bò nhà tôi. Người lái đó cũng sờ, cũng nắn. Người lái đó cũng lắc đầu, bĩu môi nói: Không phải giống bò tốt và không thể bán lại được. Rồi rút cục lại, cũng mua, cũng dắt đi. Ông già này không biết rồi có mua tôi và dắt tôi đi không? Mẹ ơi! Khổ thân con quá! Mẹ ơi!

Mẹ tôi nào có ở đó để bênh tôi.

Nếu tôi dám thì tôi đã kêu lên rằng: đúng đấy, mới ngày hôm qua đây ông Giêrôm vẫn chê tôi là yếu ớt không có bắp tay, không có bắp chân, nhưng tôi hiểu rằng câu nói leo đó chỉ chuốc cho tôi những cái tát, nên tôi đành câm miệng. Ông già nói:

– Nó là một đứa trẻ như tất cả những đứa trẻ khác, không có gì lạ. Nhưng nó là trẻ thành phố. Trẻ thành phố không bao giờ thích hợp với việc nhà nông. Ông thử cho nó theo cày để thúc bò xem nó chịu đựng việc đó được bao lâu?

– Mười năm.

– Không chắc được lấy một tháng.

– Ông nhìn lại xem!

– Ông cứ nhìn lấy!

Tôi đứng ở bên bàn, giữa ông Giêrôm và ông già, bị xô đi đẩy lại, ngắm nghía nhiều lần. Sau cùng ông già nói:

– Dù thế, tôi cũng thuận. Nhưng tôi chỉ bằng lòng thuê, chứ không mua nó. Mỗi năm tôi trả ông hai mươi phơ răng.

– Hai mươi phơ răng!

– Đó là giá hời và tôi trả tiền trước. Ông nhận bốn đồng bạc năm đồng này, ông sẽ trút được một cái nợ.

– Nhưng nếu tôi giữ nó lại, trại trẻ rơi sẽ trả cho tôi một tháng hơn mười phơ răng cơ.

– Bảy, cùng lắm là tám thôi, tôi đã biết giá, mà ông còn phải nuôi nó nữa.

– Nó sẽ làm được việc.

– Nếu ông biết nó làm được việc, thì ông đã không ruồng bỏ nó. Không phải vì tiền trợ cấp của trại trẻ rơi mà người ta thường xin những trẻ mồ côi ra, cái chính là vì công việc chúng làm. Người ta dùng chúng làm đầy tớ, những đứa đầy tớ trả tiền ăn cho chủ và không được lĩnh công. Nếu thằng bé này có thể làm được việc thì ông cứ giữ nó lại.

– Dù sao, tôi vẫn sẽ được mười phơ răng.

– Nếu trại trẻ rơi đáng lẽ để nó cho ông, lại lấy về giao cho người khác, có phải ông không được gì không? Có phải là ông vẫn bấp bênh không? Nếu giao dịch với tôi, ông không e ngại gì, ông chỉ có việc chìa tay ra lấy tiền.

Nói xong, ông móc ở túi ra một cái ví da, và lấy bốn đồng bạc trắng xỉa lên mặt bàn kêu loong coong.

Ông Giêrôm nói:

– Ông nên biết rằng, ngày một ngày hai, thằng bé này sẽ có cha mẹ.

– Ích gì cho tôi?

– Có lợi cho người nuôi chứ! Nếu tôi không tính đến cái lợi đó thì không bao giờ tôi lại rước nó về.

Câu nói của ông Giêrôm: ” Nếu tôi không tính đến cái lợi đó thì không bao giờ tôi lại rước nó về” làm cho tôi khinh ghét ông ta vô cùng. Thực là con người tham ác.

Ông già nói:

– Chính ông đợi mãi, món lời ấy không đến, nên ông mới định đuổi nó ra đường. Sau này, nếu cha mẹ nó đến thật thì họ hỏi ai? Chắc là hỏi ông chứ hỏi gì tôi, người ngoài cuộc.

– Nếu chính ông gặp cha mẹ nó trước?

– Thế thì chúng ta giao ước rằng một ngày kia cha mẹ nó tìm đến thì món lợi phải chia đôi. Đồng ý thế tôi trả ông lên ba mươi phơ răng.

– Đúng bốn mươi phơ răng.

– Không. Công việc mà nó sẽ giúp tôi không đáng món tiền đó.

– Nào, những việc gì nó sẽ giúp ông? Muốn chân tốt thì chân nó tốt, muốn tay tốt thì tay nó tốt. Tôi nhất định giữu giá đó. Thế ông bảo nó thích hợp việc gì cho ông?

Ông già nhìn ông Giêrôm vẻ giễu cợt, nhấp nhấp cốc rượu rồi nói:

– Để cùng đi với tôi cho có bạn. Tôi có tuổi rồi, đôi khi sau một ngày đi rong nhọc mệt, chiều xuống, gió lạnh, mưa sa, tôi thường cảm thấy cô đơn, có nó tôi sẽ khuây lòng.

– Chắc hẳn vì thế mà chân phải cứng?

– Nó sẽ phải nhảy, phải múa, phải đi. Đi rồi lại nhảy, tóm lại là nó sẽ nhập vào đoàn xiếc của ông bầu Vitali.

– Thế đoàn ấy ở đâu?

– Ông bầu Vitali là tôi. Còn đoàn của tôi, nếu ông nghi ngờ thì tôi xin giới thiệu ngay, chắc là ông cũng muốn biết.

Nói xong, ông mở cái áo da cừu, lấy ra một con vật lạ, ôm vào ngực. Chính con vật đó, nhiều lần tôi thấy nó lùng bùng trong áo ông mà tôi tưởng lầm là con chó con. Con vật đó là con vật gì? Có phải là con vật không? Tôi không tìm được tên để gọi con vật kỳ lạ đó, vì tôi mới trông thấy lần đầu tiên, hai tay và hai chân nó để trần, vì chính nó có hai tay và hai chân, chứ không phải những cẳng như những con vật khác, nhưng da tay và da chân nó đều đen, chứ không trắng hoặc hồng. Đầu nó cũng đen và to hơn nắm tay tôi. Mặt thì rộng và ngắn, mũi hếch có hai lỗ cách nhau, môi vàng. Nhưng điều làm tôi chú ý nhất là hai con mắt nó gần nhau, mở trừng trừng và sáng như gương. Ông Giêrôm kêu:

– A! Con khỉ!

Tiếng đó làm cho tôi bớt sợ, vì tôi chưa bao giờ trông thấy khỉ, nhưng đã nghe nói đến nó một đôi lần. Vậy không phải là thằng bé tí hon đen sì đứng trước mặt tôi, mà là con khỉ. Ông Vitali nói:

– Con này là đầu trò của đoàn tôi. Giôlicơ ơi! Con ra chào công chúng đi!

Giôlicơ đưa tay lên môi và gửi cho chúng tôi một cái hôn. Ông Vitali lại lấy tay vẫy con chó xù trắng. nói:

– Bây giờ, chú Capi rất hân hạnh được giới thiệu các bạn của chú trước quý khán giả có mặt tại đây.

Con chó xù trắng, từ nãy vẫn nằm im, vùng dậy, đứng bằng hai chân sau, hai chân trước khoanh vào ngực, cúi chào chủ nó, cúi thấp quá đến nỗi cái mũ cảnh binh chấm đất. Thi lễ xong, Capi quay vào phía các bạn, một tay vẫn để ngang ngực, một tay ra hiệu. Hai con chó khác, đã túc trực, liền đứng dậy, cầm tay nhau như kiểu người ta dắt nhau – tiến lên sáu bước, rồi lại lùi xuống ba bước cúi chào mọi người. Ông Vitali nói:

– Con mà tôi gọi là capi, có nghĩa là chỉ huy, nó là sếp của những con chó kia. Nó thuộc giống chó Ý, rât thông minh, có nhiệm vụ truyền lệnh của tôi cho các bạn nó. Con lông đen kia, tráng kiện và phong nhã, nên gọi là Decbinô. Còn con thứ ba, một con chó cái giống Anh, vẻ nhũn nhặn và dịu dàng rất xứng đáng với cái tên Đônxơ. Với những tên đồ đệ lỗi lạc hiếm có này, tôi ngao du ngày tháng để sinh nhai, khi dồi dào, khi eo hẹp, tùy theo cái may rủi của số phận. Capi! Capi đứng khoanh hai chân trước lại. Chú lại gần đây. Tôi yêu cầu chú phải ngoan vì đây toàn là những nhân vật có giáo dục mà tôi phải giữ lễ, phải ngoan để bảo cho cậu bé đang đứng nhìn chú bằng đôi mắt tròn như hai hòn bi kia biết bây giờ là mấy giờ.

Capi bỏ hai chân xuống, tiến đến gần chủ, mở cái áo da cừu, lấy cái đồng hồ quả quýt, to tướng bằng bạc ra, nhìn vào mặt đồng hồ, rồi ăng ẳng hai tiếng thật to và ba tiếng nhỏ hơn. Lúc đó, đúng hai giờ ba khắc. Ông Vitali nói:

– Tốt lắm! Cảm ơn chú Capi. Bây giờ yêu cầu chú mời cô Đônxơ ra trình bày tài nhảy dây của cô một chút.

Capi liền bới túi áo ông già lấy ra một cuộn dây. Nó ra hiệu cho Decbinô. Con này chạy ra đứng một bên. Capi ném cho nó một đầu dây. Rồi cả hai con cầm dây quay lên thả xuống. Khi dây quay đều tay, Đônxơ nhảy vào trong vòng và nhảy lên, hạ xuống dịu dàng, mắt nhìn chủ. Ông già nói:

– Đấy ông xem. Đám học trò tôi rất thông minh. Nhưng khiếu thông minh đó cần được so sánh thì mới có giá trị rõ rệt. Vì thế, tôi muốn lấy thằng bé vào đoàn của tôi. Nó sẽ đóng vai đần độn. Óc thông minh của đám học trò tôi sẽ được nổi bật lên.

Ông Giêrôm hỏi: – Ô! Để đóng vai ngu đần?

Ông Vitali nói tiếp:

– Phải có trí khôn. Tôi chắc rằng thằng bé này không chịu kém, nếu nó được huấn luyện. Ta có thể tìm ngay bằng chứng được. Nếu nó thông minh, nó hiểu ở với ông bầu Vitali, nó sẽ được diễm phúc đi ngao du khắp nước Pháp và các nước khác nữa, được sống một đời tự do, không phải theo sau con bò, quanh năm suốt tháng không phải dầm dãi ở cánh đồng. Còn như nó kém thông minh, thì nó phải khóc, nó kêu. Mà ông bầu Vitali rất ghét những đứa trẻ hư, ông không cần cho nó theo. Lúc đó, đứa hư sẽ phải vào trại trẻ rơi để ăn ít và lam nhiều.

Tôi cũng đủ thông minh để hiểu những câu nói ấy, nhưng từ chỗ hiểu đến chỗ làm được có một quãng ghê gớm khó qua. Hiển nhiên là đám học trò của ông Vitali ngộ thật, vui thật và được đi ngao du luôn luôn cũng là cái thú. Nhưng đi theo họ thì phải lìa mẹ tôi. Nếu tôi không chịu đi, có lẽ tôi cũng không còn được ở với mẹ tôi nữa. Người ta sẽ đưa tôi vào trại trẻ rơi.

Óc tôi rối bời, nước mắt tôi giàn giụa. Chợt ông Vitali lấy đầu ngón tay khẽ đập vào má tôi và nói:

– Thế là thằng bé này đã hiểu, vì nó không kêu. Nó đã biết lẽ phải, và ngày mai …

Tôi kêu lên:

– Ông ơi! Để con ở nhà với mẹ con. Con xin ông tha cho con.

Tôi đang nói, con Capi kêu ầm lên át cả tiếng tôi. Nó vừa cắn vừa nhảy lên bàn chỗ con Giôlicơ ngồi. Con này thừa dịp mọi người quay lại nhìn tôi, bưng cốc rượu còn đầy của chủ lên uống. Nhưng Capi là một trật tự viên tinh mắt, đã nhìn thấy con khỉ uống vụng và là một đầy tớ trung thành, nó đã chạy đến ngăn kịp thời.

Ông Vitali bảo con khỉ:

– Giôlicơ, mi đã tham lam và ăn cắp. Lại ngay góc kia đứng quay mặt vào tường. Còn Decbinô, hãy lại canh nó cho ta. Nếu nó động đậy sẽ cho nó cái tát. Còn Capi, tốt lắm. Đưa chân cho ta bắt nào.

Con khỉ chạy ngay vào góc tường, tiếng kêu chin chít. Còn con chó vẫy đuôi sung sướng, giơ chân cho chủ bắt.

Ông Vitali nói tiếp với ông Giêrôm.

– Ta hãy trở lại câu chuyện ban nãy. Tôi xin đưa ông ba mươi phơ răng.

– Không được. Đúng bốn mươi phơ răng.

Cuộc bàn cãi bắt đầu. Ông Vitali ngừng lại nói:

– Thằng bé này đứng đây mãi, có vẻ buồn. Nên cho ra ngoài sân chơi một lát.

Đồng thời ông đưa mắt cho ông Giêrôm. Ông Giêrôm bảo:

– Phải đấy. Cho mày ra sân. Khi nào gọi mới được vào. Nếu không nghe, tao cáu tiết đấy.

Ra sân, tôi không còn bụng dạ nào mà chơi được. Tôi ngồi trên một hòn đá, tư lự. Cái số phận của tôi đang được định đoạt trong giờ phút này. Nó sẽ ra sao? Cái rét và cái lo âu làm cho tôi gai người.

Ông Vitali và ông Giêrôm bàn cãi lâu lắm, vì hơn một giờ sau, ông Giêrôm mới ra sân. Ông lững thững ra sân một mình. Ông định dắt tôi giao cho ông Vitali chăng?

Ông bảo tôi: Thôi, đi về nhà.

Về nhà! Có lẽ tôi không phải xa mẹ tôi nữa. Tôi định hỏi ông Giêrôm, nhưng không dám vì ông có vẻ buồn thiu. Đường về lẳng lặng. Nhưng khi còn mươi phút nữa trước khi tới nhà, ông Giêrôm dừng bước, quay lại kéo tai tôi thật đau và dặn rằng:

– Về nhà, nếu mày bép xép, nhắc lại những điều mà mày đã nghe thấy ở quán cà phê thì mày chết với tao. Nghe chưa?

Bình luận