Thành phố Pô đã để lại cho tôi một kỷ niệm rất êm đềm. Mùa đông, trời ít gió. Ngày nào chúng tôi cũng diễn trò trong các phố, trong các công trường, trên các đại lộ và thu thập được khá nhiều.
Suốt mùa đông, chúng tôi ngày nào cũng có một lượng khán giả rất đông, phần nhiều là trẻ con Anh, những em trai da thịt hồng hào, những em gái nhỏ xinh tươi với đôi mắt dịu dàng như đôi mắt Đônxơ. Các em xem mãi và không kêu “Cú mãi một trò”. Các em thường đem sẵn các thứ bánh ngọt trong túi để lúc xem phân phát cho Giôlicơ, cho các con chó và cho cả tôi nữa, do đó tôi mới biết mùi những thứ bánh ngon.
Mùa xuân đến, ngày bắt đầu nóng thì chúng tôi cũng bắt đầu thưa khách dần. Một chiều, sau khi diễn trò, các em bé lần lượt bắt tay Giôlicơ và Capi như thể vĩnh biệt chúng tôi. Hôm sau, chúng tôi không có lấy một khán giả. Chúng tôi nghĩ phải rời đi nơi khác.
Một buổi sáng, chúng tôi lên đường. Ngoảnh lại thì những ngọn tháp thành Pô đã xa mờ. Chúng tôi tiếp tục cuộc sống lang thang trên đường cái. Chúng tôi cứ thẳng trước mặt mà đi, khi xuống thung lũng, lúc lên đồi, khi qua rừng, lúc lội suối, cứ đi như thế không biết bao nhiêu là ngày, bao nhiêu là tuần, bên tay phải chúng tôi vẫn thấy dãy Pyrênê xa trông như những đám mây chồng chất lên nhau.
Rồi một buổi chiều, chúng tôi đến một thành phố lớn, bên một dòng sông, trong miền ruộng đất phì nhiêu. Nhà cửa xây toàn bằng gạch đỏ trông không đẹp mấy. Đường sá rải đá sỏi vừa rắn vừa nhọn làm đau chân những kẻ lữ hành, đã mỏi mệt vì đi mỗi ngày mười dặm.
Thầy tôi bảo chúng tôi đã tới tỉnh Tuludơ và sẽ lưu trú ở đó ít lâu. Theo lệ thường, công việc thứ nhất của chúng tôi là phải tìm chỗ để hôm sau ra mắt công chúng. Chúng tôi tìm được ngay vì nơi dạo chơi ở Tuludơ không hiếm, nhất là về phía vườn Bách Thảo. Ở đó có một hoa viên đẹp và râm mát, bốn ngả có đại lộ đổ vào. Chúng tôi chọn một chỗ rất tốt bên lề một đại lộ đó để dựng rạp. Ngay buổi diễn đầu tiên đã thu hút nhiều người thưởng thức.
Không may, viên cảnh sát coi phố đó không đồng ý cho chúng tôi diễn tại chỗ ấy, hoặc vì ông ta không thích chó, hoặc vì chúng tôi làm ngăn cản công vụ của ông ta, hoặc vì một lẽ gì khác ông ta cố tình đuổi chúng tôi đi.
Vào địa vị của chúng tôi, nên nhượng bộ viên cảnh sát là phải, là khôn, vì cuộc tranh chấp giữa những kẻ diễn trò rong với cảnh sát là không cân sức, cầm chắc cái thua. Nhưng, không hiểu sao thầy tôi ngày thường nhẫn nại là thế, bỗng nổi nóng lên và không chịu bãi trò.
Tuy là người diễn trò nghèo túng, thầy tôi vẫn kiêu hãnh. Hơn nữa, thầy tôi lại cho mình là phải, sẽ được bênh cực, vì không làm gì hại đến luật pháp hoặc mệnh lệnh cảnh sát cả.
Khi thầy tôi muốn nén tức giận, thầy tôi thường cố tình tỏ ra quá lễ phép. Cứ nghe những lời bẩm báo của thầy tôi đang đứng trước mắt một vị cao cấp.
Thầy tôi, mũ cầm tay, nghiêng mình trả lời viên cảnh sát:
– Kính thưa vị đại diện khả kính của Nha cảnh sát, xin ngài sẵn lòng làm ơn cho chúng tôi xem bản sắc lệnh của quý Nha nói về việc cấm những kẻ làm trò hèn mọn như chúng tôi không được trình diễn cái nghề tầm thường ở nơi công cộng này.
Viên cảnh sát bảo không phải là việc cãi vã, mà là việc tuân lệnh. Thầy Vitali đáp:
– Đành thế. Tôi đã hiểu rõ. Tôi xin cam đoan là tuân lệnh ngay lập tức, nếu ngài đại diện cho tôi biết ngài đã thi hành khoản nào trong mệnh lệnh của cảnh sát?
Hôm đó viên cảnh sát quay ra, thầy tôi, mũ cầm tay giả bộ lễ phép theo tiễn chân và cúi rạp xuống chào.
Nhưng hôm sau, viên cảnh sát lại đến, bước qua dây và nhảy vào giữa vòng tròn đang diễn, hầm hầm bảo:
– Rọ miệng chó lại!
– Rọ miệng chó?
– Đó là luật cảnh sát, ông phải biết.
Lúc đó chúng tôi đang diễn “Liều thuốc tẩy”. Vì vở đó khai diễn hôm nay là lần thứ nhất tại thành phố này, nên đông người xem lắm. Bởi thế, sự can thiệp của người cảnh sát làm cho công chúng xôn xao và bất mãn.
– Đừng phá đám!
– Để họ diễn xong đã!
Thầy Vitali giơ tay yêu cầu yên lặng. Tồi cất mũ cúi chào quá thấp, lông mũ quét cả đất, thầy Vitali lại trước mặt viên cảnh sát, kính cẩn nghiêng mình ba lần và hỏi:
– Kính thưa ngài đại diện khả kính của Nha cảnh sát, có phải ngài truyền tôi phải rọ miệng chó lại không?
– Phải, rọ ngay lại. Còn lôi thôi cái gì?
Thầy Vitali liền hướng vào công chúng và cả viên cảnh sát nói to:
– Rọ miệng Capi, Decbinô, Đônxơ! Đó là ngài chưa soi xét cho. Hiện bác sĩ Capi, thông thái và nổi tiếng khắp hoàn cầu đang cho bệnh nhân uống thuốc, nếu rọ miệng bệnh nhân lại thì uống làm sao được? Kính thưa ngài, tôi xin thất lễ trình ngài biết cho rằng chính qua miệng mà y học mới có đường để dẫn thuốc trị bệnh. Nay bác sĩ Capi không dám tự tiện dùng lối khác để dẫn thuốc trước mặt các vị khán giả ưu tú này.
Đến câu này tiếng cười nổi lên vang dậy. Ai cũng khen ngợi thầy Vitali và chế nhạo viên cảnh binh. Họ thích nhất khi thấy con Giôlicơ cũng làm trò trêu cợt. Nó đứng đằng sau vị đại diện cảnh sát. Nó bắt chước đúng điệu bộ của vị này, khi khoanh tay trước ngực, khi khuỳnh tay hai bên sườn, khi ngả đầu về đằng sau và nhăn nhó mặt mũi, trông không nhịn cười được.
Khó chịu về những câu nói của thầy Vitali, lại bực tức bởi những tiếng cười của công chúng, viên cảnh sát coi bộ không phải là người kiên nhẫn, quay phắt ra.
Viên cảnh sát gặp ngay con khỉ đứng khuỳnh tay hai bên sườn ra vẻ đắc chí. Người và vật trừng mắt nhìn nhau trong mấy giây đồng hồ như để xem ai phải cúi mặt chịu thua. Tiếng cười rộ lên làm viên cảnh sát bỏ đi ra, còn ngoái lại giơ nắm tay đe rằng:
– Đến mai, nếu ông không rọ miệng chó, tôi sẽ lập biên bản trình tòa. Bảo ông biết thế.
Ông Vitali đáp:
– Đến mai! Thưa ngài, đến mai! Rồi, thầy Vitali lại khúm núm cúi chào rất lễ phép. Cuộc diễn lại tiếp tục.
Tôi yên trí thế nào thầy cũng đi mua “rọ mõm” cho chó, nhưng không, suốt cả buổi chiều, thầy tôi chẳng nói gì đến chuyện cảnh sát cả. Tôi đành báo nhắc thầy tôi:
– Thầy nên mua rọ đeo trước cho Capi quen đi, kẻo đến lúc làm trò mới dùng sợ nó bứt ra.
– Con tưởng ta phải đeo rọ sắt cho chó chăng?
– Trời! Thầy không xem ông cảnh sát cố ý hành ta?
– Con cứ yên tâm. Mai ta sẽ thu xếp để khỏi phải làm biên bản và cũng để cho những con chó của ta khỏi phải khổ. Mặt khác, cũng nên nhân dịp đó làm cho công chúng vui thêm. Viên cảnh sát đó có lẽ sẽ giúp chúng ta thu được nhiều tiền, vì hắn sẽ vô tình đóng một trò trong tấn hài kịch mà ta đang chuẩn bị. Muốn thế, ngày mai con sẽ đến nơi diễn một mình với con Giôlicơ. Con sẽ chăng dây và dạo một vài bản độc tấu. Khi công chúng dự khá đông và viên cảnh sát đến, thì sẽ có mặt ta và các con chó ở đây. Lúc đó, hài kịch sẽ mở màn.
Tôi không vui và thấy ngài ngại. Tôi không muốn ra chỗ diễn một mình. Nhưng biết tính thầy tôi một khi đã quyết điều gì thì khó ai lay chuyển được. Tôi đành phải vâng lời.
Sáng hôm sau, tôi đến chỗ diễn cũ xếp đặt và chăng dây. Tôi vừa dạo vài tiếng đã thấy công chúng kéo đến rộn rã chung quanh vòng dây.
Mấy tháng gần đây, nhất là trong thời gian ở Pô, thầy tôi đã dạy tôi độc tấu đàn. Tôi học không đến nỗi dở lắm. Tôi thuộc được nhiều bài, duy có khúc “Dân ca Ý” là tôi đàn và hát trội hơn cả, nhiều lần được công chúng vỗ tay tán thưởng.
Sở dĩ sáng nay công chúng đến đông như vậy là vì họ biết chuyện xảy ra hôm trước. Họ đem theo cả bạn hữu đi. Ở Tuludơ, họ không ưa cảnh sát. Họ tò mò muốn xem ông già người Ý cư xử như thế nào. Mặc dầu thầy Vitali ngọt ngào nói: “Thưa ngài, đến mai!”, người ta cũng đoán được rằng sự gặp gỡ hôm nay sẽ có nhiều trò vui thích do ông già “xuất chiêu” ra để trêu người cảnh sát vụng về và bẩn tính.
Vì thế khi thấy có một mình tôi với con Giôlicơ, mấy người khác đã hỏi: Ông già Ý không đến à?
– Ông sắp đến đấy.
Tôi trả lời và tiếp tục hát bài dân ca của tôi. Một lát sau, không phải thầy tôi đến mà là viên cảnh sát đến. Giôlicơ nhìn thấy trước, nó liền khuỳnh tay lên sườn, ngửa đầu về đằng sau, đi đi lại lại nghênh ngang trong vòng dây.
Công chúng vỗ tay cười nhiều lần. Viên cảnh sát bực tức tròn xoe mắt nhìn tôi. Công chúng lại cười ầm lên.
Tôi cũng rất buồn cười, nhưng lo quá không biết chuyện này sẽ đi đến đâu. Nếu thầy tôi ở đây, thầy tôi sẽ đối đáp với viên cảnh sát. Nhưng tôi có một mình, không biết ăn nói làm sao, nếu người cảnh sát hỏi tôi. Viên cảnh sát trông mặt hầm hầm, có ý tức giận lắm. Ông ta đi đi lại lại ngoài dây, mỗi khi qua mặt tôi, ông lại liếc qua vai lườm tôi, tôi sợ có điều chẳng lành.
Con Giôlicơ không hiểu tình hình cứ trêu người cảnh sát mãi. Nó cũng đi đi lại lại, qua mặt tôi, nó cũng ngoẹo cổ lườm tôi và nhăn nhó làm cho công chúng cười phá lên.
Không dám để cho người cảnh sát phẫn nộ đến cực điểm, tôi gọi con Giôlicơ vào, nhưng nó không chịu vì cái trò nó đang làm nó đắc chí. Tôi đuổi bắt nó thì nó lại tưởng tôi thúc giục con khỉ làm trò trêu ông ta, liền nhảy tót vào trong dây. Chỉ hai bước là ông ta đến sát bên tôi và tát tôi một cái ngã gục xuống.
Tôi lóp ngóp bò dậy, mở mắt ra, thì, ủa! Lạ quá! Không biết thầy tôi đến lúc nào mà đã đứng giữa tôi và viên cảnh sát mà ông đang nắm chặt lấy cổ tay. Thầy tôi nói:
– Tôi cấm ông không được đánh đứa trẻ này nữa. Cái cử chỉ vừa rồi của ông rất hèn!
Viên cảnh sát giật tay ra nhưng thầy tôi không chịu buông. Hai người giáp mặt nhau, nhìn nhau chòng chọc.
Người cảnh sát lúc đó mặt vàng như nghệ. Thầy tôi trông vẻ cao quý, ngửa hẳn cái đầu tóc trắng như tuyết để lộ nét mặt phẫn khái và oai hùng.
Trước cử chỉ đó, tôi tưởng viên cảnh sát phải xấu hổ lắm. Nhưng không thế, ông ta giật mạnh tay ra, túm luôn cổ thầy tôi và đẩy về phía trước một cách rất hung hãn.
Thầy tôi ức quá, đứng thẳng người, lấy cánh tay phải quất rất mạnh vào cổ tay viên cảnh sát để gỡ ra. Thầy Vitali hỏi:
– Ông muốn gì?
– Tôi muốn điều ông về bốt. Ông phải đi ngay.
– Muốn đuổi chúng tôi, ông không cần phải đánh thằng bé.
– Không cần phải nói. Đi theo tôi.
Thầy Vitali trấn tĩnh ngay, không sợ sệt gì, quay lại dặn tôi:
– Con hãy về nhà trọ. Cứ ở đó với các bạn con. Ta sẽ báo tin tức cho con hay.
Thầy tôi không nói thêm gì được nữa, vì bị viên cảnh sát lôi tuột đi.
Cuộc diễn của chúng tôi đã kết thúc như thế đó. Thầy tôi tưởng làm cho nó vui hơn, ai ngờ lại đến nước này!
Cử chỉ đầu tiên của các con chó là chạy luôn theo chủ. Nhưng thầy tôi vẫy tay bắt chúng lộn lại với tôi. Tôi ngạc nhiên thấy con nào cũng đeo một cái rọ bằng dải lụa thắt thành những bông hoa rất đẹp. Capi lông trắng đeo rọ đỏ, Decbinô lông đen đeo rọ trắng bạch. Con Đônxơ lông xám đeo rọ xanh. Đó là những cái giàm phường tuồng.
Công chúng giải tán rất nhanh. Một vài người ở lại sau, bàn tán về chuyện vừa xảy ra.
– Ông già có lý.
– Ông già trái.
– Tại sao viên cảnh sát lại đánh thằng bé con? Nó chẳng có tội gì?
– To chuyện đấy! Nếu viên cảnh sát khép tội kháng cự nhà chức trách, ông già tất nhiên phải ở tù!
Tôi về nhà trọ, buồn rầu và lo lắng.
Bây giờ tôi không còn ở thời kỳ sợ ông Vitali như buổi đầu nữa. Nói cho đúng, cái thời kỳ đó cũng ngắn thôi. Vì dần dần, tôi thấy mến ông một cách thành thực và mỗi ngày tình yêu ngày càng khăng khít hơn lên. Chúng tôi cùng sống cuộc đời phiêu lãng. Chúng tôi ở bên nhau từ sáng đến chiều, và từ chiều đến sáng nằm chung một ổ rơm. Một người cha săn sóc con vị tất đã được như thầy tôi chăm nom cho tôi. Thầy tôi dạy tôi học, dạy tôi viết, dạy tôi làm tính, dạy tôi hát và đánh đàn. Trong những cuộc đường trường, thầy tôi cho tôi những bài học khi về điều này, khi về điều khác, tùy theo trường hợp hay sự ngẫu nhiên đưa đến vấn đề. Những ngày đông giá lạnh, chúng tôi cùng đắp chung một chăn. Những ngày trời nắng như thiêu, thầy tôi mang bớt những hành lý cho tôi khỏi đeo nặng trên đường xa. Khi ngồi bàn ăn, nói đúng ra là đến bữa ăn, vì chúng tôi không có bàn ăn bao giờ, thầy tôi không bao giờ ăn lấy một mình và dành miếng không ngon cho tôi. Chúng tôi chia đều những miếng ngon cũng như những miếng không ngon. Tóm lại, chúng tôi vui buồn có nhau, ngọt bùi cay đắng có nhau. Thực ra cũng có khi thầy beo tai tôi hay tát tôi, nhưng không phải vì những hình phạt vặt đó mà tôi quên được sự săn sóc, lời ngọt ngào và lòng âu yếm của thầy tôi. Đối với tôi, từ ngày tôi theo thầy tôi, nói vắn tắt: thầy tôi thương tôi và tôi cũng mến thầy tôi. Bởi thế, cuộc chia ly làm cho tôi đau đớn vô cùng.
Bao giờ tôi lại trông thấy thầy tôi?
Người ta đã nói đến “ngồi tù”. Thời gian ngồi khám ước độ bao lâu? Trong thời gian đó tôi sẽ làm gì? Sống thế nào? Sống bằng gì?
Thầy tôi có thói quen giữ tiền trong mình. Trước khi bị bắt không kịp giao tiên cho tôi. Tôi chỉ còn một vài xu trong túi. Số tiền này có đủ nuôi cả bọn, Giôlicơ, ba con chó và tôi không? Mất hai ngày, tôi ngồi yên trong nhà lo lắng, không dám thò ra sân nhà trọ, săn sóc các con chó và Giôlicơ, xem chừng con nào cũng ngơ ngác và buồn rầu.
Ngày thứ ba, một người đem phong thư của thầy tôi cho tôi. Thầy tôi nói trong thư rằng thầy tôi bị giữ để đến thứ bảy tới đưa ra tòa án về tội kháng cự nhà chức trách đang thi hành nhiệm vụ và về tội làm thương tổn đến thân thể viên chức đó.
Thầy tôi nói thêm: trong khi cả giận ta đã phạm một lỗi lớn, nó sẽ làm cho ta khổ não. Ngày phiên tòa, con sẽ đến để nhận một bài học. Đoạn thầy tôi khuyên mấy câu về cách cư xử. Cuối thư, thầy tôi không quên hôn tôi và bảo tôi vuốt ve các con Capi, Giôlicơ, Đônxơ, Decbinô thay cho thầy.
Trong khi tôi đọc thư, Capi đang ngồi dưới chân tôi nghếch mõm lên ngửi hít rồi ve vẩy đuôi, thì ra nó đã đánh hơi biết được tờ giấy đó đã qua tay chủ nó. Đã ba hôm nay, bây giờ tôi mới thấy nó tươi tỉnh lên một chút.
Sáng thứ bảy, hỏi người ta tôi biết tòa án sẽ họp vào lúc 10 giờ. Nhưng mới 9 giờ tôi đã đến tòa trước tiên và lén vào ngồi một góc. Dần dần phòng đầy người. Trong đám đến xem, tôi nhận thấy nhiều người quen mặt vì họ đã chứng kiến tấn kịch hôm nọ.
Tôi chẳng hiểu tòa án và công lý là gì. Nhưng khi vào tòa, tôi cảm thấy một mối lo sợ, mặc dầu người ta sắp xử thầy tôi chứ không phải tôi. Tôi chen vào ngồi sau một cái lò sưởi lớn và sát tường để không ai chú ý đến tôi.
Vụ thứ nhất không phải việc của thầy tôi. Tòa xử những người ăn cắp, những người đánh nhau. Ai cũng kêu oan và bị án cả. Cuối cùng, hai người hiến binh kèm thầy tôi ra và để ngồi xuống chỗ ghế những người bị cáo trước.
Đầu tiên, người ta làm gì, hỏi gì và thầy tôi trả lời thế nào, tôi cũng không biết, vì tôi xúc động quá không nghe thấy gì và cũng chẳng hiểu gì cả. Vả lại, tôi không để ý nghe, tôi chỉ để mắt trông thầy tôi. Thầy tôi đứng đó, mái tóc bạc vuốt về đằng sau, trông có vẻ ngượng ngùng và buồn bã. Tôi lại nhìn quan tòa. Quan tòa nói:
– Như vậy ông thú nhận có đánh viên cảnh sát đến bắt ông nhiều cái?
– Thưa ông chánh án. Không phải nhiều cái. Có một cái thôi cốt để gỡ tay ông ấy túm lấy cổ tôi. Khi tôi đến chỗ diễn trò, gặp ông ấy đang tát đứa bé trong đoàn tôi.
– Đứa bé không phải là con ông chứ?
– Thưa ông chánh án, không, nhưng tôi coi nó như con tôi. Khi tôi trông thấy nó bị đánh đập, tôi tức giận, có chạy lại nắm tay ông cảnh sát để ông ta khỏi hành hung nữa.
– Chính ông có đánh viên cảnh sát?
– Nghĩa là khi ông cảnh sát nắm lấy cổ tôi, tôi phẫn uất quên hẳn ông ta là ai, chỉ thấy có người ức hiếp tôi thì tôi chống lại. Đó là một hành động tự nhiên, không cố ý…
– Với tuổi ông, không nên nóng giận quá thế…
– Người ta không nên nóng giận thật. Nhưng khốn nỗi nhiều khi người ta không làm được những điều phải làm. Ngày nay, tôi nhận thấy đúng như thế.
– Bây giờ đến lượt thầy cảnh sát.
Viên cảnh sát khai ra đúng những việc đã xảy ra, nhưng nhấn mạnh về chỗ người ta đã nhạo báng con người ông ta, giọng nói ông ta, điệu bộ ông ta và nhất là việc ông ta bị đánh vào cánh tay.
Khi viên cảnh sát cũng khai như thế, đáng lẽ thầy tôi phải chú ý xem có xuyên tạc không, nhưng thầy tôi nhìn xuống dưới phòng và khắp các phía. Tôi hiểu thầy tôi tìm tôi. Tôi liền lén lên hàng ghế đầu.
Thầy tôi trông thấy tôi và nét mặt bừng lên. Tôi nhận thấy thầy tôi rất mừng rỡ được gặp tôi. Bất giác, hai hàng nước mắt tôi chảy ra. Cuối cùng ông chánh án hỏi:
– Đó là tất cả những lời ông khai để bào chữa? Ông còn nói thêm gì nữa không?
– Riêng về phần tôi, tôi không nói thêm gì nữa. Nhưng về phần đứa trẻ mà tôi thương như con tôi, nó sẽ phải sống một mình. Vì đứa trẻ đó, tôi kêu gọi lượng khoan hồng của tòa và xin tòa đừng để tôi xa cách nó lâu ngày.
Tôi tưởng thầy tôi kêu thế, thì tòa sẽ tha bổng. Nhưng không phải thế.
Một quan tòa nữa đứng lên nói vài phút. Xong, ông chánh án giọng nghiêm nghị tuyên án:
– Xét rằng ông Vitali đích xác có xúc phạm đến danh dự và thân thể một viên chức đang thi hành phận sự, tòa phạt Vitali hai tháng ngồi tù và một trăm phơ răng tiền vạ.
Hai tháng ngồi tù!
Tôi đưa đôi mắt đầy lệ nhìn thầy tôi. Cái cánh cửa đã mở cho thầy tôi vào bây giờ lại mở cho thầy tôi ra với người hiến binh đi theo, rồi lại đóng sập lại.
Hai tháng trời xa cách!
Biết đi đâu bây giờ?