Sáng hôm sau, y hẹn, Lợi đem đoạn kết truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua lên lớp.
– Truyện này chỉ kết thúc tạm thời thôi – Lợi nói khi chĩa xấp giấy ra trước mặt Xí Muội.
Thọ giằng lấy xấp giấy trước khi con nhỏ này kịp cầm:
– Việc chéo vào cuốn các-nê từ từ cũng được, Xí Muội. Đưa thằng Sơn đánh máy trước cho kịp in.
Thọ quay sang vỗ vai Lợi, miệng cười toe:
– Truyện của mày coi như kết thúc “phần 1”. Mày cứ viết tiếp đi, tao sẽ quảng cáo trên đặc san Mùa Hè “Mời các bạn đón đọc ‘phần 2’ trên đặc san Mùa Thu, phần sau bảo đảm hấp dẫn gấp mười lần phần trước”!
Trước lời tán tụng của Thọ, mặt Lợi ửng lên như có nắng chiếu vào. Đang lâng lâng với viễn ảnh truyện của mình được trưởng ban báo chí ưu ái, văn sĩ Mã Phú quên béng sang năm cả bọn lên cấp ba, không còn học trường này nữa, dĩ nhiên cái đặc san Mùa Thu do thằng Thọ đang ba hoa kia chắc chắn chỉ có trong mơ.
Đâu phải thầy hiệu trưởng nào cũng yêu văn chương như thầy hiệu trưởng trường tôi. Đó là chưa kể một tương lai u ám sẵn sàng trút xuống đầu bọn tôi bất cứ lúc nào: bút nhóm Mặt Trời Khuya ra thành phố sẽ không được học chung trường và nếu tình cảnh tan đàn xẻ nghé đó xảy ra chắc chắn ý tưởng làm đặc san sẽ tan như bong bóng xà phòng và truyện chàng chăn ngựa của thi sĩ Mã Phú sẽ suốt đời chìm trong bóng tối.
Nhưng đó chỉ là ý nghĩ sau này khi tôi đã đủ tỉnh táo để nhớ ra bọn tôi đang học năm cuối cấp ở trường trung học thị trấn, còn ngay lúc đó tôi vẫn hào hứng toét miệng ra cười với tụi bạn như những kẻ vô tư nhất trên đời.
Dĩ nhiên trong buổi sáng hạnh phúc đó, không đứa nào trong bọn tôi nhắc đến những gì tôi và Sơn đã trông thấy và kể lại, cũng không hỏi xem nhỏ em họ của Lợi là ai và tại sao nó không ưa thằng anh họ của nó là đứa mà tụi tôi cảm thấy rất đáng để ưa.
Bọn tôi làm lơ trước mặt Lợi nhưng khi tiếng trống ra chơi vang lên, cả bọn ùa nhau ra hành lang, xúm xít rọi mắt về phía hành lang đối diện.
Trường tôi có hai lớp tám, tôi và Sơn chẳng biết nhỏ em họ thằng Lợi học lớp nào. Tôi bỏ nhỏ vào tai Sơn:
– Mày canh lớp tám 1, tao canh lớp tám 2.
Hai đứa tôi chong mắt một hồi, Sơn bật kêu:
– Nó kìa!
Tôi nhìn theo tay chỉ của Sơn, thấy một con nhỏ quen quen đi lẫn trong đám học trò đang chen nhau ra cửa. Hôm nay con nhỏ đó mặc áo dài trắng nhưng tôi vẫn nhận ra nó chính là đứa con gái tôi gặp trước cổng nhà cậu thằng Lợi hôm chủ nhật, đặc biệt qua cách đánh vai kiêu kỳ của nó mỗi khi bước đi.
– Đúng là nó rồi. – Tôi quay sang Thọ và Hòa, gật đầu xác nhận.
Thọ xuýt xoa:
– Con nhỏ xinh ghê hả tụi mày.
Lúc gặp con nhỏ này ở Liễu Trì, tôi chẳng để ý đến nhan sắc của nó (lúc đó tâm trí tôi chỉ nghĩ đến thằng Lợi). Bây giờ nghe Thọ trầm trồ, tôi mới nhận ra em họ thằng Lợi không những khá xinh, mà còn trông hay hay, ngồ ngộ. Nó khác hẳn tụi bạn chung quanh qua mái tóc cắt ngắn và dáng di mạnh mẽ nhưng vẫn không đánh mất vẻ yêu kiều thục nữ. Nhớ lại lúc nó đốp chát với thằng Sơn khiến thằng này méo xệch miệng, tôi không khỏi cười thầm trong bụng.
Sơn dường như cũng đang nghĩ đến cuộc chạm trán ê chề đó nên tôi nghe nó thở hắt ra và qua cách nói của nó có vẻ nó đang ngầm phản đối nhận xét của Thọ:
– Con nhỏ dữ dằn lắm đó!
– Dữ dằn thì đâu có mâu thuẫn gì với xinh đẹp! – Thọ nhún vai, triết lý.
Hòa nhanh nhảu phụ họa:
– Thiếu gì đứa hiền lành mà xấu hoắc!
Hòa không chỉ vào hùa với Thọ. Nó còn đi xa hơn bằng cách tặc lưỡi hít hà:
– Tao muốn làm em rể thằng Mã Phú quá hà.
– Được thôi.
Một giọng chua lè như phát ra từ một hũ giấm vang lên ngay sau lưng khiến cả bọn giật mình ngoảnh phắt lại và đứa nào đứa nấy giật mình thêm cái nữa khi nhận ra hũ giấm di động đó có tên là Cúc Tần.
o O o
Thằng Hòa vẫn khẳng định (như ba đứa còn lại luôn khẳng định như thế về những mối quan hệ của mình) rằng giữa nó và Cúc Tần không có gì đặc biệt, rằng Romeo và Juliet hôm trước ngồi trong đống rơm tối thui chỉ để nói những chuyện bâng quơ nhưng khi phát hiện Juliet tiến sát sau lưng mình không biết từ lúc nào và dĩ nhiên là đã nghe rõ mồn một cái ao ước rất bá láp của nó, mặt Romeo thoạt xanh thoạt đỏ như một tấm bảng quảng cáo điện tử và có vẻ như vẫn không biết nên chọn màu nào mới thực là phù hợp với tâm trạng rối bời của mình nên mặt nó cứ tiếp tục nhảy từ xanh qua đỏ và ngược lại, hoài hoài như thế.
Tôi thấy rõ thằng Hòa há họng thật to nhưng không có tiếng nói nào phát ra, giống như nó đang diễn xuất trong một sô diễn trên tivi (ước mong cháy bỏng của thằng này là được lên tivi một lần hình ảnh trong đời!) thì âm thanh đột ngột bị hỏng.
Trong tình thế ngặt nghèo đó, thủ lĩnh Lãnh Nguyệt Hàn đành phải lên tiếng cứu vãn tình thế, nhất là đôi mắt con nhỏ Cúc Tần lúc này lóe lên như hai họng súng sẵn sàng nhả đạn:
– Thằng Hòa nói đùa thôi!
– Đùa? – Cúc tần vẫn đằng đằng sát khí, giọng đanh gọn như tiếng nổ.
– Ờ… ờ… đùa… – Hòa ấp úng, âm thanh rời rạc nghe như không phải nó nói mà nó đang nấc lên từng từ.
Ánh mắt sắc như dao của Cúc Tần cứa qua cứa lại trên mặt bốn đứa tôi rát bỏng. Nó vẫn mím chặt môi, không nói tiếng nào, chỉ dò xét bằng mắt thôi nhưng như thế lại khiến bọn tôi nhột nhạt kinh khủng.
– Đùa thật mà. – Tôi cười giả lả – Tụi này đang nói về nhỏ em họ của thằng Lợi.
– Em họ của Mã Phú? – Cúc Tần thoáng ngạc nhiên.
– Ờ, con nhỏ đó học lớp tám trường mình. Lớp đàn em! Con nít mà!
Tôi cố nhấn tình nhấn mạng ba chữ “con nít mà” nhằm đánh tan sự nghi ngờ trong đầu Cúc Tần (sau này tôi mới biết em họ thằng Lợi học lớp tám nhưng bằng tuổi với tôi và thằng Hòa). Quả nhiên, giọng Cúc Tần chùng xuống và ánh mắt lửa trong đáy mắt có phần dịu đi:
– Em họ Mã Phú là con nhỏ nào đâu?
Như để tăng công, Hòa là người đầu tiên chỉ tay về phía em họ thằng Lợi, miệng láu táu:
– Nó kia kìa!
Cúc Tần nhìn theo tay chỉ của Hòa, căng mắt một lát rồi bất thần kêu lên:
– Con Duyên!
Có cả đống cái miệng ồ lên sau tiếng kêu của Cúc Tần, mắt dựng lên, làm như thể một đứa con gái biết một đứa con gái khác học cùng trường là điều không thể nào xảy ra.
– Biết. Nó ở Liễu Trì, hay ghé nhà chơi với em gái tôi.
– Ở Liễu Trì thì đúng rồi. – Sơn reo lên, mặt nó nở ra như một bông hoa, quên bẵng Duyên từng làm bẽ mặt nó như thế nào – Nó là em họ thằng Lợi đó.
– Chuyện đó thì tôi không biết.
Đang nói, Cúc Tần thình lình lại nghiêm mặt lại:
– Nhưng mấy ông làm gì mà “nghiên cứu” nhỏ Duyên kỹ thế?
Cúc Tần hỏi “mấy ông” nhưng lại quay mặt về phía thằng Hòa, như muốn chính miệng thằng này trả lời.
– Có gì đâu! – Hòa gãi đầu – Chẳng qua tụi tôi nghe thằng Lợi than thở nhỏ em họ rất ghét nó nên muốn coi mặt mũi con nhỏ này thế nào thôi.
– Nhỏ Duyên ghét Mã Phú? – Tới lượt Cúc Tần tròn xoe mắt – Không thể nào!
Thọ nhún vai, giọng giễu cợt:
– Nhưng theo lời ca cẩm của thằng Lợi thì chuyện đó lại “rất có thể nào”!
– Sao lại như thế được! – Cúc Tần cau mày – Nhỏ Duyên rất mê truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua. Nó sắm riêng một cuốn tập chỉ để chép truyện này…
Như chợt nhớ ra điều gì, Cúc Tần khựng lại một thoáng rồi thở hắt ra:
– Ờ nhỉ! Nhỏ Duyên vẫn tưởng Mã Phú là Xí Muội.
Dĩ nhiên khi đám con gái đều biết chuyện này, Xí Muội được cử đi tiếp xúc với nhỏ Duyên, với mục đích cụ thể là lân la hỏi chuyện và tìm hiểu xem có đúng là nhỏ Duyên không ưa ông anh họ bất hạnh của nó hay không và nếu quả đúng vậy thì dò hỏi thêm tại làm sao mà nó ghét thằng Lợi ghê thế.
Nhỏ Duyên rất ái mộ văn sĩ Mã Phú nên tụi tôi tin rằng nếu Xí Muội dò hỏi khéo léo thế nào độc giả cũng sẵn lòng thổ lộ tâm tư với thần tượng.
Sau khi giao nhiệm vụ cho Xí Muội, cả bọn coi như có thể kê cao gối ngủ yên.
Chỉ có thằng Thọ là băn kho
– Mày và thằng Sơn nói thế nào ấy chứ! – Thọ sờ cằm, giọng tư lự – Chẳng lẽ bữa nào tan học về thằng Lợi cũng è cổ làm hết việc nặng nhọc này đến việc cực khổ khác?
– Chính mắt tụi tao trông thấy nó đẩy xe đi moi bùn mà! – Sơn cao giọng, trông nó có vẻ bất bình khi thấy thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn không tin mình.
– Chuyện đó thì tao tin! – Thọ gật gù – Nhưng nó lấy bùn trát vách cũng chỉ lấy một, hai ngày thôi. Những ngày khác, tao nghĩ nó cũng đi chơi hoặc ngồi ôn tập như tụi mình.
Tôi chép miệng:
– Nó bảo với tao nó không có thì giờ học bài.
Khi tôi nói vậy, Thọ làm thinh. Nhưng khoảng ba giờ chiều, nó rủ tôi, Hòa và Sơn xuống Liễu Trì. Thọ Chỉ nói ngắn gọn:
– Tới nhà nó xem nó đang làm gì?
Lần này, tôi và thằng Sơn đã biết nhà cậu thằng Lợi nên bốn đứa hai chiếc xe cứ phi thẳng một lèo.
Tới nơi, tụi tôi không đứng ngoài ngõ kêu réo om sòm như hôm trước. Thọ và Sơn dựng xe cạnh mấy gốc cau trước ngõ, sau đó bốn đứa lục tục kéo nhau vào nhà.
Bọn tôi chưa vào tới hàng hiên đã thấy một người đàn ông trong nhà đi ra, tay cầm liềm, vẻ như chuẩn bị đi cắt cỏ.
– Chào cậu ạ. – Thọ lễ phép cúi đầu, chắc nó đoán đây là cậu thằng Lợi.
Người đàn ông có vẻ bất ngờ trước sự xuất hiện của bọn tôi. Ông hỏi, có lẽ ông không biết tụi tôi là bạn thằng Lợi hay bạn con Duyên:
– Các cháu tìm ai?
– Dạ, tụi cháu tìm bạn Lợi ạ. – Vẫn Thọ trả lời – Lợi có nhà không, cậu?
– Nó đi chơi rồi.
Người đàn ông vừa nói vừa đi thẳng ra ngõ, không buồn hỏi bọn tôi tìm thằng Lợi làm gì. Trông mặt thì không rõ ông đang bận hay là ông không thích bọn tôi mò
Hòa và Thọ đưa mắt nhìn vào trong nhà, nghiêng ngó một lúc. Nhà vắng ngắt, mợ thằng Lợi và nhỏ Duyên cũng chẳng thấy đâu.
Đột nhiên Thọ chỉ tay vào hàng rào kế con mương, reo lên:
– Hoa bông tai kìa, tụi mày.
Tôi ngơ ngác nhìn những chùm hoa nâu đỏ và vàng mọc chen giữa bụi tre gai, thoạt đầu không hiểu những chùm hoa đó có gì hay ho mà thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn reo lên phấn khích như thế, nhưng khi sực nhớ đến câu chuyện chàng chăn ngựa của Mã Phú, đến lượt tôi reo lên:
– Thì ra nó tả chùm hoa này!
Sau tôi, đến thằng Hòa:
– Tụi mày nhìn kỹ xem! Mọc kế bụi chuối chỗ giếng nước là cây hoa móng tay chứ gì nữa!
– Cả cái giếng này nữa! – Sơn hào hứng bổ sung – Cái giếng mà công chúa soi mặt trong truyện chính là cái giếng này rồi!
Trên đường về, bốn chàng thi sĩ thi nhau bàn tán về chàng văn sĩ, về những chi tiết mà chàng văn sĩ bê từ nhà cậu của văn sĩ đưa vào trong truyện. Những chi tiết đó ở ngoài thì thấy tầm thường nhưng dưới ngòi bít của Mã Phú bỗng trở lên lung linh và thơ mộng như có phép màu.
Thọ xuýt xoa:
– Thằng Lợi này tài hoa lãng mạn ghê!
Sơn chép miệng, cảm khái:
– Nó sống có vẻ tình cảm mà sao cậu nó và con nhỏ em họ nó trông lạnh lùng quá, tụi mày!
Câu hỏi của Sơn khiến câu chuyện lâm vào ngõ cụt bởi chẳng đứa nào biết được câu trả lời và vì không giải đáp được thắc mắc đó nên cả bọn thấy lòng đột nhiên nặng nề như đổ đầy chì.
Không đứa nào nói gì một lúc lâu cho đến khi Thọ cất tiếng hỏi vu vơ:
– Thằng Lợi đi đâu giờ này nhỉ?
– Lạ thật đấy! – Hòa thở ra – Nó mới dọn về đây, ngoài tụi mình ra nó đâu đã quen ai.
Tôi hắng giọng:
– Hơn nữa ở Liêu Trì có chỗ nào đâu mà đi chơi.
– Một quán cà phê cũng không có… Quán ăn lại càng…
Sơn vừa nói vừa đảo mắt nhìn các ao đầm và các cánh đồng nằm im lìm buồn tẻ hai bên con đường đất. Xét theo ngữ điệu thì rõ ràng Sơn chưa nói hết câu nhưng rồi chẳng đứa nào nghe thấy một âm thanh nào nữa, cứ như thể có ai thình lình giật tiếng nói khỏi đôi môi nó.
– Gì vậy mày? – Tôi ngồi sau lưng Thọ, đăm đăm nhìn vẻ mặt đăm đăm của Sơn, ngạc nhiên hỏi.
– Dừng xe lại đi! Ai như thằng Lợi!
Sơn giật mình, nói như ra lệnh, và nó là người tuân lệnh nó trước tiên vì nó là một trong hai đứa đang cầm lái.
– Thằng Lợi đâu?
Thọ ngoảnh nhìn Sơn nhíu mày hỏi, sau khi đã thắng xe, chống chân xuống đất.
Tôi cũng chẳng hề thấy bóng dáng thằng Lợi dù cố căng mắt nhìn theo hướng nhìn của Sơn. Bên tay phải, đằng xa, sau các thửa ruộng là một cái ao nở toàn bông súng, xa hơn nữa là đồng cỏ. Không có một bóng người dưới ao. Trên bờ cũng chẳng có chiếc xe đẩy nào.
– Tụi mày thấy hai con bò đằng kia không? – Sơn thấp giọng như sợ ai nghe lỏm, vẻ cảnh giác của nó khiến tôi buồn cười vì tôi biết giữa đồng không mông quạnh thế này nó có hét lồng lộng cũng chẳng ma nào nghe thấy.
Tôi buồn cười nhưng tôi không cười. Tôi lại quay đầu nhìn theo hướng lúc nãy, lần này thì tôi mới để ý hai con bò đang nằm thong thả nhai cỏ chỗ cánh đồng nối liền ao vũng và gò đất thấp tít đằng xa.
Tôi chưa kịp lên tiếng thì Thọ đã hỏi:
– Thấy. Mà sao?
Sơn liếm môi:
– Thằng Lợi đang nấp sau hai con bò đó.
Thọ giật mình một cái, nó xích sát về phía thằng Sơn, mặt lộ vẻ nghi ngờ:
– Sao mày biết?
Cả tôi và Hòa cũng hấp tấp chụm đầu về phía Sơn, mặc dù không cần làm vậy tôi nghĩ tụi tôi vẫn nghe rõ những gì nó nói.
– Lúc chạy đằng kia, tao đã thấy hai con bò này rồi. Tao còn thấy một bóng người đứng cạnh hai con bò. Mái tóc vàng hoe thì chắc là thằng Lợi.
Thọ có vẻ hiểu ra:
– Và thằng Lợi cũng thấy tụi mình nên nó thụp người xuống?
– Ờ.
Thằng Sơn “ờ” nhỏ xíu nhưng sự xác nhận của nó khiến tôi rơi vào một cảm giác khó tả. Tôi định quay đầu nhìn về phía cánh đồng cỏ lần nữa nhưng Thọ đã quát:
– Ngu! Đừng nhìn về phía đó nữa!
Tôi tính hỏi tại sao “đừng nhìn” và nhất là tại sao quát tôi “ngu” nhưng vừa mấp máy môi tôi chợt hiểu ý Thọ liền nín thinh.
– Tụi mình vờ như tụi mình không nhìn thấy nó hả mày? – Hòa nuốt nước bọt, nó nói như thể nó và tôi cùng nghĩ bằng một cái đầu.
– Ờ. – Thọ gật đầu – nó đã không muốn tụi mình biết nó về nhà đi chăn bò, tụi mình không nên làm nó xấu hổ.
Sơn nhăn nhó:
– Nhưng tụi mình đã trót dừng xe…
Thọ khoát tay vào không khí:
– Thì phải nghĩ ra một lý do gì đó!
Chẳng đứa nào nghĩ ra được lý do gì để thằng Lợi hiểu rằng tụi tôi dừng xe ngay ở đoạn đường này không phải vì trông thấy nó. Trừ thằng Hòa.
Hòa toét miệng cười:
– Thôi đi tè đi!
Mười lăm giây sau, bốn chàng thi sĩ đã đứng bên vệ cỏ, xoay lưng về phía chàng văn sĩ, hớn hở kéo quần tè lõm tõm xuống ruộng.
Ba trong bốn chàng thi sĩ chắc đang nghĩ: Mẹo này hay quá! Chàng thi sĩ thứ tư là Cỏ Phong Sương hiển nhiên cũng nghĩ như vậy. Nhưng sau khi nghĩ như vậy rồi, chàng còn ngơ ngác nghĩ thêm một điều nữa: Thằng Hòa này, đời nó hình như chỉ gắn liền với ba thứ: tè, tè và… tè!
Hôm sau, bọn tôi quên bẵng nỗi buồn Mã Phú khi thầy Chinh chủ nhiệm phát học bạ ra cho cả lớp.
Tất nhiên khi học bạ chưa phát ra, tụi trong lớp đã biết tỏng thứ hạng của mình rồi: những đứa được thầy Chinh ưu ái mời tới nhà phụ cộng điểm và giúp thầy vô sổ hôm trước hôm sau đã đi mách lẻo tùm lum. Đó là lý do hôm nọ thằng Thọ bắt tôi è cổ nghe thơ Xuân Diệu và Đinh Hùng cả tiếng đồng hồ nhằm đề cao cái “quyền học dốt” của các thi sĩ, tất nhiên là có cả nó trong đó.
Nhưng dù biết trước thứ hạng, lớp học vẫn ồn như cái chợ khi học bạ được phát ra. Đứa nào đứa nấy cắm mắt vô sổ, rà điểm trung bình của từng môn, đặc biệt là xem lời phê của giáo viên để còn nghĩ cách về nhà nói dối hoặc phân trần (chủ yếu là nói dối) với bố mẹ nếu chẳng may một (hoặc vài) giáo viên nào đó phết cho một câu nặng nề. Điểm kém nhưng được phê “Cần cố gắn hơn” hay một câu gì tương tự thì không đến nỗi nào. Đứa nào bị thầy cô phê vô học bạ “Lười” hoặc “Hay nói chuyện trong lớp” đứa đó coi như tới số. Về nhà nếu không bị ông bố cộc tính xách gậy rượt chạy lòng vòng quanh sân cũng phải vác xác qua nhà bạn lánh nạn vài ngày, chờ cho đấng sinh thành nguôi ngoai mới dám mò về.
Học bạ của tôi không có lời phê nào quá tệ, mặc dù năm nay tôi tụt bốn hạng so với năm ngoái. Các môn văn, toán, sinh ngữ có hệ số điểm cao, tôi đều học tốt. Sử địa, vật lý tôi học tạm được. Tôi đại ngu môn hóa học và đại lười môn sinh vật. Nhưng thi học kì điểm hóa học của tôi ngon lành nhờ chép bài giải của thằng Hòa, còn môn sinh vật có “thần hộ mệnh” là cô Hiền giấm giúi đề thi vào tay nên tôi gần như đạt điểm tối đa.
Tôi đọc lời phê của cô Hiền trong học bạ, thở phào khi thấy cô viết “Ngoan. Nhớ dai. Nhưng cần nỗ lực hơn”. Cô không nhắc gì đến chuyện tôi không thuộc bài, còn khen tôi có trí nhớ tốt.
Tôi khoe với thằng Thọ, tay chìa cuốn học bạ vô mặt n
– Cô Hiền khen tao nè!
Thọ lướt mắt qua cuốn sổ trên tay tôi, cười khảy:
– Mày đúng là đứa ngu có bằng cấp!
– Ngu?
– Đúng ra mày không ngu! – Thọ nhếch mép – Nhưng mày có vấn đề về hệ tuần hoàn nên máu và ôxy lên não không đủ. Cô Hiền trêu mày mà mày nghĩ là khen.
Nhìn vẻ mặt ngẩn ra của tôi, Thọ cười hềnh hệch:
– Cô bảo mày “nhớ dai” là có ý trêu mày từ đầu năm đến cuối năm chỉ “nhớ” mỗi một bài. Nếu khen mày, cô đâu cần dặn mày “nỗ lực hơn”!
Từng lời của Thọ như những mũi dao xuyên vào tim tôi. Không phải ý nghĩa câu nói mà chính giọng cười đểu của nó làm tôi ngột ngạt kinh khủng.Tôi thừ người ra đến một lúc và một lúc sau nữa thì tôi cảm giác cơn giận trong lòng tôi đang bị đánh thức.
Mặt tôi từ từ phù ra và trong bộ mặt của người vừa bị trúng độc đó, tôi nghiến răng ken két:
– Tối nay tao sẽ lên nhà cô Hiền!
Tôi bước vô tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường với bộ tịch hùng hổ của người đàn ông quyết đi lấy lại thanh danh.
Vẻ mặt hầm hầm của tôi khiến Thọ lo lắng:
– Đừng có làm chuyện ngu nghe mày!
Khi nói như vậy chắc Thọ đang hối hận về việc nó đã giải thích bức “mật mã” cô Hiền gửi gắm trong sổ học bạ của tôi. Chắc nó đang thầm chửi nó ngu (hi vọng là vậy, vì trước nay chỉ toàn thấy nó mắng người khác ngu!).
Thọ càng run khi tôi vẫn giữ bộ mặt lầm lì, không đáp trả một tiếng nào.
Tối nay chỉ có hai đứa tôi đến nhà cô Hiền. Tôi không muốn đi đông, vì có nhiều người quá tôi sợ tôi sẽ không nỡ nhẫn tâm kể tội cô.
Tôi chỉ có Lãnh Nguyệt Hàn bên cạnh. Nó là người giải mã, là bằng chứng sống, nếu cô Hiền hỏi vặn tôi sẽ đùn cho nó giải thích.
Thọ dường như biết ý đồ của tôi, nhưng nó không thể không đi theo. Nó không muốn mang tiếng phản bạn, nhưng sau này nó thú nhận sở dĩ nó đi theo tôi là nhằm chặn họng (hoặc chặn tay) tôi nếu tôi liều lĩnh một cách ngu ngốc.
Cô Hiền đón hai đứa tôi bằng vẻ niềm nở quen thuộc:
– Chào hai em.
Cô Mười ngạc nhiên:
– Sao hôm nay chỉ có hai em đến thăm tụi cô vậy? Còn hai em kia đâu?
Thọ chà tay lên chóp mũi, ngập ngừng:
– Dạ, bạn Hòa và bạn Sơn hôm nay bận ạ.
Thọ đáp lời cô Mười nhưng lại nhìn tôi, như muốn bằng ánh mắt ngăn tôi thốt ra một câu bá láp, đại loại như “Hôm nay tụi em đến đây để giải quyết ân oán giang hồ chứ không phải đi chơi ạ”.
Có lẽ tôi định buột miệng một câu gì tương tự như thế thật nhưng rốt cuộc tôi đã không nói gì. Tôi im lặng không phải vì ánh mắt đe dọa của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn mà vì tôi chợt phát hiện căn phòng trọ của cô Hiền và cô Mười hôm nay trông khang khác.
Tôi nhìn quanh, chớp mắt mấy cái, nhận ra cây đàn tranh không còn trên vách. Cả mớ sách vở trên ngăn tủ nhỏ cũng biến mất. Chỉ còn mỗi lọ hoa trên bàn nhưng trong lọ chùm hoa phượng đỏ đã thay chỗ cho hoa cúc vàng.
Tôi đảo mắt, lòng bất giác se lại khi bắt gặp những thùng các tông nằm ở góc phòng, cạnh hai chiếc vali và túi đựng đàn.
– Cô sắp về thành phố hả cô? – Tôi ngước nhìn cô Hiền, bâng khuâng hỏi.
– Ờ, sắp hè rồi mà em.
Tự nhiên tôi nhớ ra sang năm bọn tôi không được học với cô nữa. Bọn tôi cũng không còn cơ hội đến chơi với cô thường xuyên. Lên cấp ba, khi bọn tôi rời thị trấn ra thành phố học thì cô và cô Mười đã rời thành phố về đây dạy. Cuối tuần lúc bọn tôi về thị trấn thăm nhà, cô và cô Mười lại về thành phố thăm ba mẹ. Ging như sao Mai với sao Hôm, quay hoài mà chẳng gặp.
Ý nghĩ đó khiến tôi bất giác chạnh lòng và trong một lúc tôi không thể nào dời mắt khỏi lọ hoa trên bàn như bị nhành phượng đỏ thôi miên, lòng không biết hướng cảm xúc của mình vào đâu. Tôi như quên bẵng tối nay mình đến tìm cô để làm gì.
Thọ dường như đọc được những rối ren trong đầu tôi, nó không buồn giới hạn tia nhìn của nó vào mặt tôi để đề phòng và ngăn ngừa nữa. Nó quay sang cô Hiền và cô Mười, cất giọng buồn bã (hoặc cố tỏ ra buồn bã để đánh quỵ ý chí của tôi luôn cho rồi):
– Vậy là sắp tới tụi em sẽ không còn được gặp lại hai cô nữa, phải không cô?
Nỗi buồn là thứ hay lây. Chắc cô Hiền bị vẻ mặt ảm đạm của tôi và giọng điều u sầu của thằng Thọ ru vào tâm trạng của kẻ sắp “sinh ly tử biệt” nên tôi thấy mắt cô hoe hoe đỏ và khi nghe cô nói thì giọng cô còn giống kẻ sắp chết hơn cả thằng Thọ, nghe buồn rười rượi:
– Cô cũng không biết nữa, các em ạ.
Cả cô Mười hay cười lúc này cũng không cười nữa. Đúng ra thì cô có cười, nhưng cô cười như mếu (nên không tính là cười):
– Ngồi xuống ghế đi các em!
Căn phòng trọ Xuân Lan Đường tối hôm đó như nhuộm một màu xa vắng và mọi khuôn mặt như được đẽo từ những khối sầu.
Chỉ đến khi hai khối sầu là tôi và thằng Thọ ngồi xuống ghế và khối sầu thứ ba là cô Hiền bắt đầu hỏi về Mã Phú thì bầu không khí mới nhen lên một chút ấm áp:
– Truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua kết thúc chưa, các em?
– Dạ, tạm thời kết thúc phần một ạ. – Thọ lễ phép – Tuần sau, tụi em sẽ tặng hai cô cuốn đặc san Mùa Hè, trong đó có in trọn vẹn truyện này.
– Hay quá! – Cô Mười reo lên và tôi bắt gặp nụ cười đang thấp thoáng quay về trên môi cô.
Cô Hiền chớp mắt:
– Hôm đó, các em nói cho cô biết Mã Phú là em nào nhỉ?
– Thưa, là bạn Xí Muội ạ. – Tôi nhanh nhẩu.
Cô Hiền mỉm cười, và câu nói kèm theo khiến nụ cười quen thuộc của cô bỗng trở nên bí ẩn:
– Cô cũng nghe học sinh trường mình nói thế, nhưng cô biết Xí Muội không phải là Mã Phú.
– Thưa cô…
Thọ ấp úng đáp, vừa nghiêng người qua một bên, hoàn toàn không ý thức, giống như một con thuyền thình lình bị sóng đánh.
– Em không gạt cô được đâu. – Cô Hiền nhìn chằm chằm vào mắt Thọ, từ tốn nói, giọng tự tin đến mức có cảm tưởng cô đang đứng trước bảng và giảng cho hai đứa tôi về môn sinh vật – Cốt truyện đó, cách viết đó, những chi tiết trong đó không thể nào do một cô gái viết ra.
Ánh mắt cô đi qua đi lại giữa tôi và Thọ:
– Cô nói đúng không, các em?
Tôi trả lời bằng cách quay nhìn thủ lĩnh Lãnh Nguyệt Hàn vì tôi biết trong những trường hợp gay cấn như thế này tôi chỉ có thể trả lời bằng cái miệng của nó.
Cái miệng nó lúc này đang há ra, không phải để đáp lời cô giáo (cũng không phải để cắn cô) mà giống như đang bị một lưỡi câu vô hình móc phải và kéo mạnh.
Tôi trân trân nhìn cái miệng đang mở to của Thọ, hồi hộp như đang nhìn vào một cái hang và nơm nớp lo sợ có con gì trong đó nhảy ra hay không.
Nhưng rốt cuộc chả có con gì hay cái gì nhảy ra hết. Chỉ có lời dặn dò của cô Hiền vang lên bên tai:
– Hôm đó các em nhớ nói cho cô biết đó nhé!
Cô Hiền nheo mắt lặp lại yêu cầu lúc nãy, dường như cô không đủ kiên nhẫn đợi thằng Thọ trả lời là đúng hay không, cũng có thể cô xem các cơ mặt đang cứng như gỗ của nó có giá trị còn hơn một lời thú nhận.
Cho đến lúc đó quai hàm Thọ mới bắt đầu nhúc nhích và nó bắt đầu tìm lại được tiếng nói. Chỉ để nói một câu yếu xì
– Dạ.
Trên đường về, tôi hỏi Thọ:
– Thế là mình buộc phải tiết lộ sự thật về thằng Lợi cho cô Hiền biết hả mày?
– Ờ. – Thọ thở dài – Cô rất tinh, tụi mình không thể giấu cô được.
Lần đầu tiên tôi thấy một Lãnh Nguyệt Hàn ủ ê trong vai trò người thua cuộc, thậm chí nó nói về kẻ chiến thắng bằng giọng khâm phục không giấu giếm.
Tôi ngập ngừng:
– Nhưng thằng Lợi không muốn bất cứ ai biết nó là Mã Phú.
– Mình sẽ hỏi ý kiến nó. Nếu nó đồng ý, mình mới nói cho cô Hiền biết.
Tôi thót bụng lại:
– Thế nhỡ nó không đồng ý?
– Thì một trong bốn đứa tụi mình phải đóng vai Mã Phú. – Thọ nói ngay, gần như không nghĩ ngợi, như thể nó đã dự liệu hết mọi tình huống, chỉ đợi ai hỏi là phun ra.
Ý của Thọ không phải là tồi, nhưng tôi vẫn phấp phỏng:
– Liệu cô Hiền có tin không?
Thọ vỗ vai tôi, rõ ràng bằng động tác đó nó muốn dập tắt nỗi lo vừa chớm trong lòng tôi (nhưng khi nó nói ra thì tôi biết tôi hoàn toàn yên tâm mà không cần đến động tác đó của nó):
– Cô Hiền chỉ không tin Mã Phú là bút danh của một đứa con gái thôi. Tao không nghĩ cô siêu đến mức đoán được Mã Phú là đứa nào trong bút nhóm!
Tối đó trước khi chia tay trước cổng chợ, tôi và Thọ quyết định sẽ nói chuyện thẳng thắn với thằng Lợi càng sớm càng tốt về đề nghị của cô Hiền, xem nó phản ứng thế nào.
Nhưng sáng hôm sau, tôi và Thọ vừa đặt chân vào lớp, mới nhét cặp vào ngăn bàn, Xí Muội không biết từ đâu hối hả xô lại
– Mấy ông ra đây!
Xí Muội dẫn tụi tôi vòng ra phía sau trường, lúc này đã có thêm Hòa, Sơn và Cúc Tần lẽo đẽo đi theo.
– Làm gì đi tuốt ra ngoài này vậy?
Thọ nhăn nhó, nhưng khi nghe Xí Muội thì thầm”Tôi gặp nhỏ Duyên rồi” thì mắt nó lập tức sáng lên:
– Sao?
Xí Muội không trả lời, chỉ có cặp mắt nó láo liên quét dọc các hành lang, chân vẫn không ngừng bước. Đến khi tin rằng cả bọn đã đi đủ xa và đủ khuất để thằng Lợi và nhỏ Duyên không thể nào nhìn thấy, Xí Muội mới dừng lại.
Nó chưa kịp nói, Sơn đã nôn nóng hỏi:
– Bạn có hỏi con nhỏ đó tại sao nó ghét thằng Lợi không?
Xí Muội lườm Sơn, “xì” một tiếng:
– Ai lại hỏi thẳng tuột như thế! Tôi chỉ trò chuyện lòng vòng thôi.
Xí Muội thoắt nghiêm mặt lại:
– Nhưng nhỏ Duyên có tiết lộ một điều cực kì quan trọng: Ba nó không phải là cậu của Lợi.
– Là sao? – Năm cái miệng cùng bật kêu.
– Lợi là con rơi của ba nó. Là anh cùng cha khác mẹ của nhỏ Duyên.
Y như Xí Muội vừa cho nổ một khối bộc phá. Những cẳng chân như muốn nhảy bắn lên và những bộ mặt lật đật chĩa vào nhau như thể đứa này đang so với đứa kia xem bộ mặt đứa nào sửng sốt hơn.
Như vậy là đã rõ.
Trước đây bọn tôi suy đoán nhỏ Duyên không ưa thằng Lợi vì ba nó tự nhiên đem thằng anh họ này về nuôi, làm nhà nó thêm tốn cơm chật đất. Bây giờ biết ra Lợi là con riêng ba nhỏ Duyên, cái sự ghét bỏ của con nhỏ này đối với Lợi càng thêm dễ hiểu.
– Thế biết thằng Lợi là tác giả truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua không? – Hòa tò mò hỏi.
– Không. – Xí Muội lắc mái tóc – Nó vẫn đinh ninh Mã Phú là tôi.
Giọng Xí Muội chuyển sang hào hứng:
– Nó mê truyện này lắm. Nó còn kêu tôi ký tên vô cuốn tập chép truyện của nó nữa.
Cúc Tần thở ra:
– Nếu biết Lợi là Mã Phú chẳng biết thái độ của nhỏ Duyên ra sao há?
Câu hỏi của Cúc Tần như ném vào gió. Chẳng cái miệng nào trả lời, vì thực ra chẳng đứa nào biết tâm trạng của nhỏ Duyên sẽ như thế nào nếu điều đó xảy ra.
Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn là đứa đầu tiên mở miệng, nhưng không phải để giải đáp thắc mắc của Cúc Tần:
– Như vậy chẳng lẽ thằng Lợi gạt tụi mình. Nó bảo ba nhỏ Duyên là cậu nó kia mà!
Thằng Lợi bị bọn tôi kéo ra quán cà phê trong giờ ra chơi. Trông nó chẳng tỏ vẻ hào hứng gì, thậm chí nó đi theo bọn tôi mà mặt mày nơm nớp. Có lẻ nó linh cảm bọn tôi lôi nó ra quán không phải để đãi nó uống cà phê, mặc dù Thọ luôn miệng lải nhải “Sắp nghỉ hè rồi, ra ngồi chơi với tụi tao chút đi”.
Trước đây, chẳng bao giờ Lợi bén mảng quán xá. Bọn tôi chèo kéo nó vài lần không được đâm chán chẳng thèm rủ nữa. Nhưng hôm nay trước quyết tâm của cả bọn. Lợi đành gượng gạo đi theo. Một đám phía trước một đám phía sau, thằng Lợi bị kè ở giữa, cứ thế tuôn thằng ra cổng, trông rất giống cái cảnh cả bọn vừa đẩy vừa lôi một chiếc xe chết máy.
Bọn tôi áp giải thằng Lợi thì hung hăng như thế nhưng đến khi vào quán, ngồi xuống ghế, cà phê đã được bưng ra để trước mặt từng đứa thì chẳng đứa nào biết phải mở đầu câu chuyện như thế nào. Bây giờ bọn tối mới ý thức được rằng bất cứ câu hỏi vụng về nào cũng có thể biến thành mũi dao khoét vào nỗi lòng của Lợi.
Lúc Thọ bảo phải kéo thằng Lợi ra quán cà phê để “hỏi tội”, giọng nó hùng hồn lắm, nhưng khi đã kéo được tội phạm ra đây rồi thì nó lại nín thinh. Nó móc điếu thuốc cong queo trong túi áo ra, đánh lửa, rồi trầm ngân nhả khói, làm như nó hoàn toàn vô can với khung trước mắt.
Bọn tôi đứa này nhìn đứa kia trong khi thằng Lợi nhìn tất cả mọi đứa, không khí quanh chiếc bàn ngột ngạt đến mức tôi có cảm giác quán cà phê đột ngột bít lại mọi cánh cửa.
Tôi nhìn đau đáu vào mặt thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn, vờ ho lên vài tiếng cố làm cho nó chú ý nhưng nó cứ ì ra.
Sự im lặng càng lúc càng trở nên kỳ cục, đến mực tôi buộc phải mở miệng:
– Uống cà phê đi, Lợi!
Câu mời chào của tôi trong khung cảnh nặng trình trịch này dường như có vẻ gì đó gượng gạo nên thằng Lợi múc đường bỏ vô ly khuấy hờ hững vài cái nhưng chẳng buồn bưng ly lên. Vẫn cầm chặt chiếc muỗng trong tay, nó ngước nhìn tôi, ngập ngừng hỏi:
– Tụi mày định nói chuyện gì với tao hả?
– Ờ. – Sơn lên tiếng trả lời thay tôi, nó vọt miệng nhanh đến mức tôi đoán nãy giờ chắc nó đang ở trong tâm trạng của một cái lò xo bị nén – Tụi tao đang muốn hỏi tại sao mày gạt tụi tao.
– Tao gạt tụi mày chuyện gì?
Lợi tròn mắt kêu lên, trông nó vừa có vẻ oan ức vừa có vẻ vờ như oan ức.
Sơn huỵch tẹt:
– Ba nhỏ Duyên không phải là cậu của mày đúng không?
Y như con thú bị trúng đạn, Lợi đột ngột co người lại. Môi nó lập tức vẽ thành hình chữ O, còn câu nói rút gọn thành chữ Ơ:
– Ơ… ơ…
Có vẻ như thằng Lợi sẽ không nói được từ gì khác ngoài từ “ơ” nếu ngay lúc đó Xí Muội không lên tiếng:
– Ông đừng ngạc nhiên. Hôm qua tôi mới gặp em ông.
Lần này thì Lợi bị bắn hạ hoàn toàn. Nó gục đầu vào hai bàn tay, im lặng một lúc rồi buông ra để nhăn nhó khoe bộ mặt của kẻ không còn gì để mà giấu giếm.
Cho đến lúc này, tức là khi mọi khó khăn ban đầu đã qua đi, Thọ mới trở lạ là nó. Nó giụi điến thuốc xuống gạt tàn rồi ngước nhìn như đóng đinh vào mặt Lợi, chậm rãi lên tiếng:
– Thế câu chuyện về hoàn cảnh gia đình mày là do mày bịa ra hả Lợi?
– Không. – Lợi mím môi – Những gì tao kể đều là sự thật.
Thọ nhíu mày:
– Nhưng ba nhỏ Duyên đâu phải là cậu mày?
Lợi phác một cử chỉ gì đó, giống như là định đưa tay lên gãi đầu nhưng nửa chừng nó lại buông xuống, bối rối đáp:
– Ờ, không phải.
– Thấy chưa! – Thọ hớn hở reo lớn, giọng đắc thắng như một quan tòa sắp sửa tống được tên tội phạm ngoan cố vào tù – Vậy mà mày chối là mày không bịa! Ông ta là ba ruột của mày, đúng không! Mày với nhỏ Duyên là anh em cùng cha khác mẹ, đúng không?
Trong khi bọn tôi chong mắt vào mặt Lợi, chờ một cái gật đầu ngượng nghịu thì nó bất thần rên lên, và câu trả lời của nó hoàn toàn ra ngoài tiên liệu của bọn tôi:
– Tụi mày đừng nghe nhỏ Duyên. Nó không biết gì đâu