Tiểu Mai Sa, bãi biển đắm say lòng người.
Đây là khu tắm biển nổi tiếng khắp Thâm Quyến, được mệnh danh là “Hawaii của phương Đông”. Cứ tới cuối tuần là các đoàn du khách lũ lượt kéo đến đây nghỉ dưỡng ngâm mình trong làn nước mát.
Vào lúc chiều tối, những căn lều dã ngoại được dựng dọc bãi cát, tạo thành tuyến đường đầy màu sắc của Tiểu Mai Sa. Lều ở đây, với đủ kích cỡ, hình dạng, có chiếc hình cong, chiếc khác hình tam giác, các đỉnh nối tiếp nhau, này màu hồng, kia màu xanh, đây màu vàng. Từ xa nhìn lại chẳng khác nào những đóa hoa tươi nở rộ, rực rỡ sắc màu trong ánh nắng chiều. Du khách chỉ cần bỏ ra tám mươi tệ là có thể thuê được một chiếc lều, so với việc bỏ ra bốn, năm trăm tệ để ở một đêm trong khách sạn thì rẻ hơn rất nhiều, hơn nữa lại còn rất lãng mạn. Đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi và các cặp tình nhân. Khi mặt trời dần dần hạ xuống ở phía tây, du khách lần lượt dựng lều của mình, tận hưởng gió biển lồng lộng hoặc cùng nhau ca hát nhảy múa, hay gối đầu lên cát ngắm sóng vỗ bờ, tất cả tạo nên khung cảnh vui vẻ, náo nhiệt.
Buổi sáng ngày hai mươi lăm tháng sáu vào khoảng sáu giờ, khi ánh mặt trời vừa phá tan sương mù. Một đôi nam nữ có vẻ như tình nhân của nhau từ chiếc lều màu xanh bước ra. Người đàn ông đeo kính, mặc quần bò, bụng hơi phệ do uống nhiều bia rượu. Cô gái mặc chiếc áo sơ mi màu vàng, quần soóc màu trắng, mặt mũi không được xinh đẹp cho lắm nhưng nom còn rất trẻ. Vừa ra khỏi lều người đàn ông đã suồng sã ôm lấy eo cô gái. Khuôn mặt hiện rõ vẻ mãn nguyện sau một đêm hoan lạc. Cô gái khẽ đẩy tay anh ta ra, khóe miệng nở nụ cười ngượng nghịu, bối rối. Hai người kết đôi và vừa mới đến Tiểu Mai Sa chiều tối ngàyhôm qua. Người đàn ông bụng bia hiện là giám đốc của một công ty máy tính, còn cô gái là nhân viên văn phòng của một công ty khác. Nói theo cách thời thượng của cánh đàn ông hiện nay thì đó là một bí mật ngọt ngào “nho nhỏ”. Sau đêm phong tình, dư vị vẫn còn đọng lại. Dưới ánh ban mai mờ mờ hơi sương, họ dính chặt lấy nhau, tay trong tay sóng bước trên bãi biển. Vết chân hằn trên cát mềm mát dịu, một cảm giác sung sướng thỏa nguyện. Sóng biển nhẹ nhàng vỗ về hôn vào bờ cát, để lại những vòng bọt trắng xóa lấp lánh.
Biển yên tĩnh đến kỳ lạ, phía xa xa xuất hiện một cồn cát với những mỏm đá nhô lên ẩn mình trong làn sương mỏng.
“Vịnh Đại Bàng thật là đẹp!”. Cô gái chợt thốt lên.
“Xin chúc mừng em, biển lớn vĩnh hằng.Tiếng sóng của em giống thanh âm quê hương ta…”. Người đàn ông dang rộng đôi tay, giọng nói vút lên như đang ngâm một câu thơ.
“Anh điên à?”.Cô gái nhìn anh ta một cái rồi bật cười chọc quê.
“Ấy! Là thơ của Heine đấy”.
“Heine là aivậy?”.
“Là con trai của Long Vương, cưng không biết thật à?”. Người đàn ông bụng bia nheo mắt cười bông lơn.
“Đáng ghét! Anh chẳng lúc nào nghiêm chỉnh cả”.
“Ông ấy là nhà thơ lớn người Đức, em đã đọc qua tập thơ Ca tụng biểnchưa?”.
“Chưa từng…”.
“Lần sau anh sẽ mang đến cho em đọc”.
“Em không đọc”. Cô gái làm bộ giận dỗi.
“Em đừng suốt ngày chỉ đọc sách của Haruki Murakami nữa… Thật chán chết đi được”.
“Nhưng em thích ông ấy, ông ấy viết cuốn Nhảy, nhảy, nhảy mới tuyệt vời làm sao”.
“Lại là cái gã “người cừu ” cổ quái kì dị đó”.
“Nhưng em vẫn thích đấy!”.
“Này, nhìn xem…”. Người đàn ông bụng bia chợt chỉ lên phía bầu trời.
Cô gái ngẩng mặt lên, chỉ có mấy con chim màu trắng lặng lẽ bay lướt qua đỉnh đầu.
“Những con hải âu thật đẹp”. Cô nhắm nghiền đôi mắt nhỏ mơ màng.
“Mở mắt ra đi! Cưng nhìn kỹ xem… là cò đấy”.
Những con cò trắng bay thật chậm, đôi chân dài của chúng duỗi thẳng về phía đuôi.
“Đàn cò làm sao bay tới biển được nhỉ?”.
“Chúng cũng muốn nhảy, nhảy, nhảy đó!”. Người đàn ông tinh nghịch nhại lại cô gái.
“Anh thật đáng ghét!”.
“Trên cái cây đằng kia có tổ của chúng đấy!”. Người đàn ông chỉ hướng gần đầu bãi biển, ở đó nhô lên một dãy núi nhấp nhô cao tới hàng trăm mét, cây cỏ rậm rạp, xanh tốt.
Đàn có kêu lên mấy tiếng rồi hướng về phía đỉnh núi bay lên.
Dưới chân núi có một con đường, gọi là “lối nhỏ tình yêu”. Men theo con đường một bên dựa vào biển, một bên dựa vào núi, rồi đi qua cây đa cổ thụ cao vút tận trời xanh là có thể thong dong leo lên đỉnh Quan Âm, từ vách đá Quan Âm đi xuống mươi bước băng qua cây cầu gỗ nhỏ là có thể quan sát rõ cồn cát nổi giữa biển.
Hai người bọn họ đi theo hướng đàn cò bay về phía tây, bỏ lại phía sau một dãy dài những dấu chân còn mới nguyên in hằn trên cát.
Cồn cát nhấp nhô, các mỏm đá trong vịnh Đại Bàng dần dần hiện ra trong làn sương mờ.
Khi bước nhanh đến bãi biển, họ chợt đứng sững lại.
Từ xa nhìn lại, phía dưới, cách chiếc cầu đá ở bến thuyền không xa, dường như có một người đàn ông lõa thể đang nằm sấp, thân hình đỏ sẫm, đầu hướng về phía bờ, bên cạnh là bãi đá ngầm lởm chởm, tiếp đó là con đập bằng đá ngăn sóng, cách bãi biển rất gần, phía trên là con đường “lối nhỏ tình yêu”.
Người đàn ông bụng bia và bạn gái vội vàng chạy tới gần cầu đá, họ phát hiện ra có điều rất lạ.
Người đàn ông nằm trên cát chỉ mặc độc chiếc quần bơi màu hồng, hai chân dạng ra ửng đỏ, dường như cơ thể theo thủy triều bị sóng đánh dạt vào bờ. Do ông ta gối đầu lên tay, mặt úp xuống dưới nên không thể nhìn rõ mặt.
Người đàn ông bụng bia lật ngửa thân người đó, đưa tay thử vào mũi không thấy có hơi thở, anh ta tiếp tục sờ nắn khắp cánh tay song cơ thể ấy đã lạnh cóng từ bao giờ.
“Ông ta… chết rồi!”. Anh ta hoảng hốt nói.
“…”. Cô gái mặt trắng bệch, lặng đi không thốt lên lời. Người đàn ông nhìn khắp bốn phía, xung quanh tĩnh lặng như tờ.
“Mình báo cảnh sát chứ?”. Anh ta quay sang hỏi bạn gái.
“Anh bảo gì cơ?”. Cô gái hỏi lại với vẻ thất thần.
Nếu cảnh sát yêu cầu họ làm nhân chứng, chuyện tình bí mật của họ sẽ không thể giữ kín được nữa.
“Phải đi báo án thôi!”. Người đàn ông quyết định.
Cô gái do dự gật đầu.
Hai người vội vã quay trở lại, họ tìm đến căn phòng sơn trắng có gắn biển “Trung tâm quản lý du lịch Tiểu Mai Sa” đánh thức nhân viên trực ban.
“Này, này tối qua có người chết đuối ở bãi biển”. Người đàn ông bụng bia giật giọng gọi lớn.
“Cái gì…? Có người chết đuối sao?”. Người quản lý vội vã đưa tay dụi mắt, giọng nói thất kinh.
Để bảo đảm an toàn cho những người đi bơi, người ta đã đặt mấy vọng quan sát dọc theo bãi tắm Tiểu Mai Sa, trên đó luôn có nhân viên cứu hộ thường trực theo dõi. Đương nhiên điều ấy cũng không thể đảm bảo an toàn đến mức tuyệt đối, đôi khi cũng có những sự cố nằm ngoài dự liệu. Đặc biệt là vào thời điểm người tắm biển quá đông, hỗn loạn như nồi bánh sủi cảo, thì người cứu hộ cũng khó mà quản lý được hết. Hơn nữa, số nhân viên này cũng không thể bao quát được cả hai mươi tư giờ trong ngày, đối với những người thích tắm đêm thì mức độ nguy hiểm càng lớn hơn. Ngoại trừ những tay bơi lội cừ khôi hay những người thích tắm tiên, thì chẳng mấy ai hứng thú với việc đêm hôm khuya khoắt bơi lội trên biển.
Người quản lý vội vã gọi điện đến đồn cảnh sát báo cáo sự việc.
Sau mười lăm phút hai đồng chí công an địa phương mặc cảnh phục được cử đến hiện trường.
Do vị trí xác chết được phát hiện trên bãi biển, sát với cầu đá ở bến thuyền, nằm ngoài phạm vi quy định được phép tắm biển nên họ lập tức báo cáo lên cấp trên. Nửa giờ sau, đội trưởng đội hình sự khu Y Thôi Đại Cân dẫn theo vài cộng sự và cán bộ điều tra đến đó. Vừa đến nơi, cảnh sát đã nhanh chóng đêm dây vàng khoanh vùng hiện trường. Chiếc xe cảnh sát đỗ ngoài lan can trên con đường “lối nhỏ tình yêu”.
Lúc này trời đã hửng sáng, song sương mù vẫn còn lẩn quất chưa tan hết. Lều dã ngoại của những người tắm biển lờ mờ hiện ra trong ánh nắng ban mai. Trên bãi biển, từ phía xa thấp thoáng bóng du khách dậy sớm nhặt vỏ ốc.
Thôi Đại Cân khoảng ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi, áo jacket mở tung để lộ chiếc sơ mi màu trắng bên trong. Anh cao chưa đầy một mét bảy mươi song đôi mắt cực kỳ sắc bén, uy nghi, khiến người khác nể phục, e ngại. Anh hướng về phía người đàn ông bụng bia và cô bạn gái của anh ta thẩm vấn vài câu liên quan đến tử thi do họ phát hiện, đồng thời gọi người cấp dưới còn rất trẻ của mình là Vương Tiểu Xuyên ghi lại lời khai. Nữ cảnh sát trẻ Đào Lợi đứng lặng im bên cạnh, đôi mắt của cô không ngừng quan sát hai người làm chứng. Hai người cảnh sát có mặt đầu tiên đứng vòng ngoài dây vàng đảm nhiệm việc giữ nguyên hiện trường.
Sau khi đội trưởng Thôi hỏi xong, Tiểu Xuyên bảo người đàn ông bụng bia và cô gái cùng ký tên vào bản khai báo.
“Nếu như sau này cần đến, chúng tôi sẽ liên hệ với anh chị”.
Hai người đó cùng gật đầu đồng ý.
Hiện trường cơ bản đã được điều tra, cảnh sát cho chụp ảnh xác chết dưới nhiều góc độ.
Người chết ước chừng năm mươi bảy, năm mươi tám tuổi. Ông ta mặc chiếc quần bơi màu hồng khá bắt mắt, dáng người tầm thước, thể trạng hơi béo, nằm sấp trên cát, bên cạnh là bãi đá ngầm rất gần mép đường “lối nhỏ tình yêu”. Sóng biển tung bọt trắng xóa cách hai chân tử thị khoảng bốn, năm mét.
Trên mặt cát, ngoài vết chân còn mới của hai người làm chứng thì không còn phát hiện thêm dấu vết nào khác. Nếu có chắc cũng đã bị sóng biển xóa sạch đi rồi. Xung quanh vùng gần xác chết không tìm thấy quần áo hay vật dụng cá nhân của người chết. Xa hơn một chút là chiếc cầu đá dài hướng ra biển, sóng biển cuộn trào lên gần mặt cầu, sóng đập vào các mỏm đá tạo nên tiếng ầm ì vang vọng.
Nhân viên pháp y Điền Thanh ngồi xổm xuống, mắt nhìn vào kính lúp tỉ mỉ quan sát phần lưng và sau gáy tử thi rồi lấy ngón tay ấn nhẹ lên trên. Khi anh lật ngửa cái xác ra, chợt có người phát hiện gương mặt đó có gì đó rất quen.
Khuôn mặt to bè, lấm lem đầy cát, sắc mặt xám ngoét sưng phù, cặp môi cũng tương tự như vậy.
“Có nhiều nét giống Hồ Quốc Hào, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của tập đoàn Địa Hào Trí Nghiệp”. Người cảnh sát trẻ béo lùn Vương Tiểu Xuyên lẩm nhẩm nói trong miệng.
“Cậu nhận ra người này hả?”. Đội trưởng Thôi nghi hoặc đưa mắt nhìn Tiểu Xuyên.
“Trên ti vi trong chương trình “Nhân vật nổi tiếng trong giới bất động sản” phát sóng tối qua còn quay rõ mặt và dòng chữ ghi tên tuổi và chức vụ ông ta ở dưới”. Chàng cảnh sát trẻ khẳng định.
Người cảnh sát cao lớn đưa máy ảnh chụp lại toàn bộ gương mặc xác chết.
“Em hình như cũng nhìn thấy ảnh người này rồi!”. Nữ cảnh sát Đào Lợi ngoảnh đầu lại góp lời.
Đội trưởng Thôi nhìn kỹ một lần nữa, trong lòng pha chút kinh ngạc.
“Quả thật cũng rất giống! Có lẽ nào là ông ta?”.
2.
Hồ Quốc Hào là con cá lớn rất nổi danh trong lĩnh vực bất động sản Thâm Quyến, ông ta là người đứng đầu công ty TNHH Địa Hào Trí Nghiệp, một tập đoàn thâu tóm giới đầu tư bất động sản phương nam. Là nhân vật có tầm ảnh hưởng mạnh đến nhiều công ty và giới kinh doanh, nên mọi hành vi, cử chỉ của ông ta đều thu hút sự chú ý của công chúng. Hồ Quốc Hào là ủy viên chính trị hiệp thương thành phố Thâm Quyến, doanh nhân ưu tú tỉnh Quảng Đông. Từng được bầu là một trong mười nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tới hoạt động bất động sản phía nam Trung Quốc.
Nếu như người chết là Hồ Quốc Hào thì đây sẽ là một tin nóng gây chấn động Thâm Quyến.
Đội trưởng Thôi rút máy di động, anh bấm số 114 gọi cho tổng đài.
“A lô, cho tôi xin số điện thoại của công ty TNHH Địa Hào Trí Nghiệp!… Vâng! Xin cám ơn!”.
Anh lập tức bấm số máy điện thoại vừa nhận được, tiếng chuông đổ dồn liên tục nhưng không có người nhấc máy. Bấm lại lần nữa, kết quả vẫn như cũ.
Đến lần thứ ba gọi điện, đầu dây bên kia mới có người lên tiếng.
“Ai đó…?”. Một giọng nữ cất lên như còn ngái ngủ.
“A lô, đây có phải là công ty Địa Hào Trí Nghiệp? Xin cho tôi gặp Chủ tịch HĐQT”.
“Xin lỗi ông, hôm nay là ngày nghỉ, văn phòng không có người làm việc”.
Đối phương trả lời nhã nhặn nhưng khuôn mặt đội trưởng Thôi lại trở nên khó coi, giọng nói đầy vẻ bực dọc.
“Công ty các chị là một tập đoàn lớn, chủ nhật mà không có người trực ban là sao?”.
“Dạ… Phiền ông đợi cho một phút”.
Dường như điện thoại được chuyển đến phòng trực ban, một giọng nam tiếp nhận.
“Xin hỏi, ông có việc gì ạ?”.
“Tôi ở cục công an khu Y, có việc gấy muốn liên hệ với ông Hồ Quốc Hào”. Đội trưởng Thôi thử thăm dò.
“Ồ, hôm nay là chủ nhật, chủ tịch không có mặt ở công ty”.
“Vậy làm thế nào để tôi liên lạc được với ông ấy?”.
“Chuyện này…”. Người kia có vẻ khá do dự, nghi hoặc. “Tôi đọc cho anh số di động lái xe riêng của ông chủ”.
Khoảng hai phút sau Thôi Đại Cân liên lạc được với lái xe Tiểu Lưu.
“Phải anh Lưu không? Bây giờ anh đang ở đâu?”.
“Ai đó? Tôi đang ở nhà riêng ở Bội Lĩnh”.
“Tôi là Thôi Đại Cân, đội trưởng đội hình sự cục công an khu vực Y, có việc gấp muốn tìm ông Hồ Quốc Hào”.
“Ồ! Hôm qua, ông chủ đã đi Đại Mai Sa rồi!”.
“Đại Mai Sa? Đi từ khi nào vậy?”.
Quả nhiên đúng là Hồ Quốc Hào, đội trưởng Thôi và Tiểu Xuyên đưa mắt trao đổi nhanh với nhau, biểu lộ vẻ căng thẳng.
“Buổi chiều hôm qua, là chính tôi lái xe đưa ông ấy đi…”.
Đại Mai Sa là bãi tắm khác trong vịnh Đại Bàng, nó nằm khá gần Tiểu Mai Sa.
Theo tin tức mà người lái xe cung cấp. Buổi chiều ngày hai mươi tư Hồ Quốc Hào đi bơi ở Đại Mai Sa. Vào các ngày thứ bảy hàng tuần ông ta thường đến đây tắm biển, có khi hẹn gặp vài người bạn làm ăn, cũng có lúc chỉ đi một mình. Thường là sau đó sẽ qua đêm tại tổ hợp khách sạn nhà hàng Hào Cảnh ở Đại Mai Sa. Nhưng chiều qua cũng là ngày thứ bảy thì ngược lại, khoảng ba giờ mười lăm phút Hồ Quốc Hào đến Đại Mai Sa trên chiếc xe BMW màu đen do Tiểu Lưu lái. Một phòng ăn sang trọng ở Hào Cảnh đã được đặt sẵn. Tiểu Lưu được ông chủ cho phép lái xe một mình về thành phố, hẹn bốn giờ chiều ngày hôm nay đến đó để đón ông ta.
“Ông chủ các anh có khả năng đã xảy ra chuyện rồi, hãy đến ngay Tiểu Mai Sa!”.
“Tiểu Mai Sa?”. Người lái xe không tin hỏi lại.
“Đúng, bãi tắm Tiểu Mai Sa”. Nói đoạn, đội trưởng Thôi cúp máy, chỉ thị cho Tiểu Xuyên và Đào Lợi.
“Hai người đến ngay khách sạn Hào Cảnh ở Đại Mai Sa để kiểm tra thử xem”.
“Rõ!”. Xuyên, Đào quay lưng bước đi.
Lúc này trời đã sáng bảnh mắt. Trên bãi biển người đã đông hơn. Một số du khách hiếu kỳ chạy tới bên sợi dây màu vàng được hai người cảnh sát giăng ra để ngăn những người không liên quan đến gần.
Đội trưởng Thôi nhìn vào đồng hồ đeo tay thầm nghĩ: “Chưa đầy nửa ngày, cái tin có người chết ở đây sẽ lan ra khắp thành phố”.
Nửa giờ đồng hồ trôi qua, lái xe Tiểu Lưu hấp tấp chạy đến Tiểu Mai Sa với khuôn mặt trắng bệch, thần kinh căng thẳng, anh ta mặc chiếc áo sơ mi cổ bẻ màu đỏ, có vẻ không hợp với không khí tang tóc tại hiện trường.
Qua lời khai của Tiểu Lưu, người chết đúng là Hồ Quốc Hào. Anh ta lắp bắp: “Ông chủ rất thích bơi đêm, ông ấy nói vào đêm tối, nước biển thật mát mẻ…”.
Đội trưởng Thôi căn vặn: “Khả năng bơi lội của ông Hồ Quốc Hào thế nào?”.
“Ông ấy bơi rất giỏi, có thể bơi liền một mạch năm, sáu kilomet trên biển là chuyện thường”.
“Nói như vậy, ông ta hoàn toàn có thể bơi từ Đại Mai Sa đến Tiểu Mai Sa?”.
“Chắc cũng không khó lắm”. Một nhân viên pháp y chen lời phỏng đoán.
“Hay là ông ấy bị đuối nước?”.
“Có thể lắm”. Tiểu Lưu vẫn chưa hết bàng hoàng. “Hơn nữa…, ông chủ còn có tiền sử bệnh tim”.
“Tiền sử bệnh tim?”. Thôi Đại Cân cật vấn.
Đúng lúc này Tiểu Xuyên lái chiếc xe cảnh sát chở Đào Lợi từ Đại Mai Sa quay về.
Chiếc xe vừa đỗ lại trên con đường “lối nhỏ tình yêu” cậu đã vội mở cửa vọt qua lan can hấp tấp báo cáo với đội trưởng Thôi.
“Sếp Thôi! Tại khách sạn Hào Cảnh, bọn em đã kiểm tra sổ đăng ký phòng và thu thập một số tình tiết quan trọng”.
“Được. Cậu nói ngay đi”.
Thôi Đại Cân ra dấu cho hai người cảnh sát trẻ lại gần. Theo báo cáo của Tiểu Xuyên, căn cứ vào lời khai của nhân viên phục vụ, Hồ Quốc Hào đã đặt phòng 204 từ ngày thứ sáu, nhưng mãi đến ba rưỡi chiều ngày thứ bảy ông ta mới đến ở. Khách sạn Hào Cảnh cách bãi tắm chỉ một đoạn ngắn. Là nơi rất lý tưởng để ngắm và tắm biển, tuy nhiên giá thuê phòng thì cực kỳ đắt đỏ. Hồ Quốc Hào là khách quen VIP quen thuộc của khách sạn này, hơn nữa ông ta hay trêu đùa, bỡn cợt đám nữ nhân viên, nên nhiều người làm ở đây quen mặt ông ta. Vào thời điểm đó, cũng có người nhìn thấy Hồ Quốc Hào bước vào Hào Cảnh, sau đó đi lên tầng hai, ngoài ra, một nhân viên phục vụ có tên là A Ngọc cung cấp thêm đầu mối, chiều tối, khoảng trên dưới bảy giờ, Hồ Quốc Hào cùng một người bạn dáng cao lớn đến đây dùng bữa tối. Họ nói chuyện rất lâu, sau đó ông ta đi trước, người bạn ngồi lại tới hơn mười phút rồi cũng đi luôn.
“Đã điều tra người đàn ông cao lớn đó là ai chưa?”. Đội trưởng Thôi đăm chiêu.
“Điều tra rồi ạ”. Khuôn mặt Tiểu Xuyên giãn ra đầy đắc ý. “Ông ta là Hồng Diệc Minh, ông chủ của công ty kinh doanh nhà đất Đại Đông”.
“Có chắc không?”. Đội trưởng Thôi gặng hỏi.
“Chắc chắn”. Đào Lợi bổ sung. “Cô Bạch phụ trách tiếp tân ở đó cho biết Hồng Diệc Minh và Hồ Quốc Hào đều là khách VIP quen thuộc của nhà hàng”.
“Rất tốt!”. Thôi Đại Cân ngợi khen thuộc cấp của mình và hỏi tiếp: “Có người nào nhìn thấy Hồ Quốc Hào đi bơi ở Đại Mai Sa vào quãng bảy giờ tối ngày hôm qua không?”.
“Ban đêm có rất nhiều người đi bơi ở Đại Mai Sa nên chẳng mấy ai chú ý”. Tiểu Xuyên đáp lời. “Bọn em đã kiểm tra ở quầy gửi đồ nhưng không tìm thấy trang phục của ông ta, cũng như không phát hiện có bộ quần áo nào để quên cả”.
Đội trưởng Thôi trở nên hưng phấn.
“Điều này cho thấy có thể Hồng Diệc Minh là người cuối cùng tiếp xúc với Hồ Quốc Hào trước khi ông ta chết, phải nhanh chóng tìm Hồng Diệc Minh để tìm hiểu cụ thể”.
“Tuân lệnh!”. Trước khi “thúc quân” Thôi Đại Cân còn nói một câu: “Nhưng nhiều khả năng, đơn thuần đây chỉ là do không may chết đuối”.
Tuy nói vậy song trong lòng anh vẫn thấy có gì đó gờn gợn.
Bãi tắm Đại Mai Sa cách trung tâm quản lí du lịch Tiểu Mai Sa khoảng bốn cây số rưỡi. Điều khiến người khác khó hiểu là tại sao thi thể của Hồ Quốc Hào lại dạt đến bờ biển Tiểu Mai Sa. Hơn nữa xung quanh khu vực tìm thấy xác chết cũng như tại Đại Mai Sa nơi Hồ Quốc Hào được nhìn thấy lần cuối cùng không phát hiện thấy bất cứ vật dụng cá nhân cũng như quần áo nào của ông ta.
Chỉ có một cách lý giải duy nhất là Hồ Quốc Hào bơi từ bãi biển Đại Mai Sa vượt qua tấm lưới ngăn cá, bệnh tim đột ngột tái phát dẫn đến đuối nước gây tử vong. Sau đó thi thể bị sóng đánh dạt vào bãi cát Tiểu Mai Sa.
Rời khỏi hiện trường, đội trưởng Thôi chợt nhìn thấy chiếc cầu đá vươn ra tới biển, trong đầu anh lóe lên ý nghĩ “Vì sao tử thi lại nằm gần bến thuyền đến vậy?”.
3.
Khách sạn Bạch Vân, Quảng Châu. Phòng 707.
Tám giờ sáng ngày thứ hai Nhiếp Phong vẫn chìm trong giấc ngủ thì bị tiếng chuông điện thoại đánh thức.
“Thưa ông, ông có yêu cầu gọi điện để đánh thức dậy buổi sáng”.
“Ồ vâng, xin cám ơn anh!”. Nhiếp Phong che miệng ngáp rồi bước vội khỏi giường.
Nhiếp Phong là phóng viên giỏi của tạp chí “Tây Bộ Dương Quang” (Ánh nắng miền tây), năm nay anh mới ngoài ba mươi tuổi, làn da đen bóng, dáng vẻ nhanh nhẹn như một vận động viên thể thao, mái tóc húi cua, khuôn mặt luôn nở nụ cười đôn hậu. Nhiếp Phong từng là sinh viên giỏi của khoa truyền thông đại học C Tứ Xuyên, đồng thời cũng đã có bằng thạc sĩ tâm lý. Tổng biên tập tạp chí rất quý mến và trân trọng tài năng của anh.
Tối qua, Nhiếp Phong đã làm việc tới tận đêm khuya, mãi đến ba rưỡi sáng mới viết xong bản thảo để gửi về tòa soạn. Nhiệm vụ được giao đã hoàn thành, anh cảm thấy nhẹ cả người, ngày hôm nay anh có dự định đi Chu Hải một chuyến để gặp một người bạn ở nhà xuất bản, đồng thời cũng kết hợp tìm hiểu tình hình phát hành tạp chí ở đây. “Tây Bộ Dương Quang” là tập san tổng hợp có nhiều bài viết sắc sảo về vùng Tây Nam, phát hành cả trong và ngoài nước, nó có tầm ảnh hưởng khá mạnh. Tổng biên tập Ngô là một nhà báo kỳ cựu và có tiếng tăm trong làng báo cả nước. Đối với bài vở, ông yêu cầu rất cao. Tạp chí thực hiện đúng phương châm mà ông đề ra “Cái nhìn độc đáo, quan niệm đổi mới, tìm kiếm phong thái nhân văn miền tây Trung Quốc”.
Nhiếp Phong vội vàng làm vệ sinh cá nhân rồi xuống tầng một thưởng thức trà sáng ở phòng ăn khách sạn Bạch Vân.
Người Quảng Châu rất thích uống trà vào buổi sáng, còn gọi là tảo trà, trên thực tế là dùng bữa sáng. Một nữ phục vụ khuôn mặt tươi cười đẩy chiếc xe nhỏ, phía trên đặt các vỉ lồng hấp trông rất xinh xắn bắt mắt, bát thủy tinh màu ngọc biếc chứa các món tôm giảo hoàng, bánh chân ngựa, mã lạp quyền… đến cho thực khách lựa chọn. Đương nhiên giá thành các món đó chẳng rẻ chút nào.
Bữa sáng ở Thành Đô thường gồm hai chiếc bánh nhân thịt, một bát cháo nóng, một đĩa rau trộn. Tổng cộng mới có một tệ rưỡi. Tảo trà của Quảng Châu thường là một bát cháo, hai đĩa rau hấp, một suất đồ ngọt. Ăn sáng ít nhất cũng phải chi mất ba, bốn chục tệ. Tiền thuê phòng trong khách sạn Bạch Vân không bao gồm bữa sáng. Sau khi vào đây ở để hoàn tất bản thảo, Nhiếp Phong thỉnh thoảng lắm mới đến đây xa xỉ một chút.
Anh tiến vào nhà ăn, các bàn đã đầy khách, những vị thực khách sang trọng, quần áo là lượt, họ vừa hút thuốc, vừa gọi điện thoại di động hay nói chuyện phiếm với nhau. Tại một chiếc bàn lớn, một đại gia đình đủ cả nam nữ già trẻ đang cùng nhau dùng bữa sáng vô cùng thân thiết, đầm ấm. Họ nói tiếng Quảng Đông, giọng tuy dễ nghe nhưng rất khó để hiểu được nội dung.
Nhiếp Phong ngồi vào chiếc ghế vải màu đỏ ở phòng ngoài, người nữ phục vụ mặc đồng phục khá đẹp đưa cho anh tờ thực đơn.
“Thưa, ông dùng loại trà nào ạ?”.
Nhiếp Phong mở thực đơn đưa mắt đọc.
Kim bài thiết quan âm: 138 tệ/ suất.
Nhân sâm thiết quan âm: 60 tệ/ suất.
Thế kỷ hoàng trà: 38 tệ/ suất.
…
Nhiếp Phong không nói gì thêm, lật sang trang bên anh chỉ vào loại trà phổ thông nhất “Cao sơn thiết quan âm: 10 tệ/ suất”. Sau này anh mới biết ở đây không bắt buộc phải dùng trà. Trà được mang ra, cô phục vụ đặt quyển thực đơn mỏng màu vàng lên bàn, các hình in trên đó rất đẹp và bắt mắt kèm theo giá cả rõ ràng. Nhiếp Phong lấy bút bi đánh dấu móc vào mấy món điểm tâm, cháo trứng muối, thịt nạc, chân gà hấp tiêu, sườn hấp…
Một lát sau, bữa sáng được mang ra, Nhiếp Phong ăn uống rất ngon miệng. Món chân gà hấp tiêu thật tuyệt. Nhà hàng để một giá báo sát chân tường, trên đó đặt các loại báo chí của Hồng Kông, Ma Cao và địa phương.
Nhiếp Phong húp một miếng cháo, tiện tay với lấy tờ báo buổi sáng của Quảng Đông xem lướt qua.
Báo chí phương nam có chất lượng cao hơn trong nội địa, đặc biệt là mảnh văn hóa và kinh tế. Từ trước đến nay đều không hề dựa vào tin tức giật gân để thu hút độc giả. Điều này làm Nhiếp Phong rất thích.
Các tin tức nổi bật trong ngày hôm nay gồm có:
Trung Quốc đàm phán gia nhập tổ chức thương mại thế giới.
Vệ tinh “Phong Vân” được phóng thành công lên quỹ đạo.
Ngoài ra còn có bài viết về “Bản đồ gene con người”, bài báo dựa vào tin tức của báo chí Mỹ, hai tổ chức khoa học đã liên kết nghiên cứu với nhau cùng công bố hoàn thành bản đồ gene của con người…
Lật sang trang thứ hai trong mục “Tin tức Thâm Quyến” một dòng tiêu đề in chữ đậm nổi bật.
“Chủ tịch HĐQT tập đoàn Địa Hào Trí Nghiệp, Hồ Quốc Hào chết đuối”.
Nhiếp Phong lập tức chú ý. Trên mặt báo đưa thông tin về cái chết của Hồ Quốc Hào khiến anh cảm thấy bất ngờ, thậm chí còn chưa tin hẳn. Mới bốn ngày trước anh còn có buổi phỏng vấn trực tiếp ông ta.
Bỏ dở bát cháo, buông tờ báo trả vào chỗ cũ, Nhiếp Phong vội vã gọi người phục vụ.
“Cô ơi, tính tiền giúp tôi!”.
Người phục vụ đem hóa đơn ra tổng cộng hết bốn mươi sáu tệ. Anh nhanh chóng thanh toán rồi bước nhanh ra khỏi đó. Trên đường đi, đối diện với cửa hàng Hữu Nghị có sạp báo nhỏ, Nhiếp Phong mua lấy vài tờ nhật báo của Thâm Quyến và Quảng Châu, vội vã nhặt thông tin về cái chết của Hồ Quốc Hào. Hầu hết các báo đều giật tít:
Hồ Quốc Hào, ông chủ lớn của Thâm Quyến đột tử ở Tiểu Mai Sa, nhiều khả năng là do bệnh tim tái phát.
Hồ Quốc Hào mất đi, ai sẽ là người thay thế?
Cái chết của Chủ tịch tập đoàn Địa Hào ở Tiểu Mai Sa để lại nhiều nghi vấn.
Trên một tờ báo còn ra thông cáo: Buổi chiều ngày hôm qua, trợ lý Chủ tịch Địa Hào Trí Nghiệp, ông Chung đã chính thức xác nhận cái chết của chủ tịch Hồ Quốc Hào vào ngày 24 – 6, hưởng dương năm mươi tám tuổi. Đây là điều không may xảy ra khi chủ tịch Hồ Quốc Hào tắm biển ở ngoài phạm vi cho phép của bãi biển Tiểu Mai Sa. Nguyên nhân cái chết có thể là do đuối nước hoặc bệnh tim tái phát. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đã quyết định mở cuộc điều tra và chưa có kết luận chính thức.
Có tờ báo còn cho đăng bức ảnh Hồ Quốc Hào mặc complet, khuôn mặt hồng hào, nụ cười tươi rói.
Khuôn mặt mãn nguyện kèm theo vẻ tinh quái của kẻ kinh doanh lọc lõi, Nhiếp Phong không thể nhầm lẫn được. Buổi sáng ngày hai mươi hai tháng sáu anh còn phỏng vấn ông ta liên tục suốt ba giờ đồng hồ. Tập bản thảo bài phỏng vấn đó mãi tới tận sáng nay mới hoàn thành. Bài báo của anh có tiêu đề “Chiến lược miền tây rộng lớn của giới địa ốc nam Trung Quốc”. Trong buổi hôm đó, trên tấm bản đồ lớn mà Hồ Quốc Hào cho mua về, ông ta từng bước chỉ ra cho anh những kiến giải độc đáo về việc khai thác, mở rộng tài nguyên bất động sản vùng miền tây, tỏ rõ khí thế của ông chủ địa ốc cỡ bự, hình ảnh ấy như vẫn còn hiện rõ trước mắt anh. Một nhân vật quan trọng như thế làm sao có thể sơ sẩy ra đi đột ngột và đơn giản như vậy?
Trong buổi phỏng vấn, Hồ Quốc Hào nói cười đầy vẻ tự tin, ông ta khẳng định tập đoàn Địa Hào Trí Nghiệp sẽ mở rộng khai thác vùng đất Diêm Điền ven biển. Tuy nhiên Nhiếp Phong cũng cảm thấy ngoài tham vọng bản thân, ở Hồ Quốc Hào có gì đó mệt mỏi, căng thẳng song anh không cảm thấy có điềm gì không lành.
Lẽ nào một ông chủ lớn, mỗi cử chỉ hành động đều rất cẩn trọng lại đi mạo hiểm cả tính mạng của mình bơi bên ngoài vùng cho phép để cuối cùng bị sóng biển Tiểu Mai Sa cướp đi mạng sống?
Hay là theo thói quen của những người làm báo, ở Nhiếp Phong luôn tồn tại cảm giác nghi ngờ.
Bữa sáng mới chỉ dùng nửa chừng, Nhiếp Phong đã vội quay về phòng khách sạn. Mang trong lòng những nghi vấn cá nhân anh quay số máy phòng làm việc của Chủ tịch HĐQT Địa Hào Trí Nghiệp.
“Đây là tập đoàn Địa Hào Trí Nghiệp! Xin hỏi ai ở đầu dây đấy ạ?”.
Giọng nói qua điện thoại rất giống A Anh, nữ thư ký riêng của Hồ Quốc Hào.
“Xin chào, tôi là Nhiếp Phong”.
“Ồ, chào anh”. Giọng nói của A Anh có vẻ khá miễn cưỡng.
“Trên các báo hôm nay đều cho đăng chuyện không may xảy ra với ông Hồ Quốc Hào, tin tức ấy đúng không ạ?”.
“Là… đúng ạ!”.
“Làm sao chủ tịch lại chết đuối đột ngột như vậy?”. Nhiếp Phong thắc mắc.
“Chúng tôi đều cảm thấy bất ngờ. Hình như… cảnh sát…”.
Cái tin Hồ Quốc Hào chết đuối đã được xác nhận, nhưng cách trả lời úp úp mở mở của A Anh khiến anh cảm thấy cô ta đang sốc nặng trước cái chết của ông chủ mình.
“Phía công an đã có kết luận chính thức gì chưa cô?”. Nhiếp Phong dò xét.
“Hình như…”.
Lại là “hình như”, rốt cuộc vẫn chỉ là sự nghi hoặc hay còn bí mật nào ẩn chứa đằng sau mà không thể nói ra. Anh dập máy điện thoại, có hỏi nữa cũng sẽ vô ích. Trầm tư một lúc anh quyết định phải đi Thâm Quyến ngay lập tức. Anh gọi điện cho người bạn ở nhà xuất bản Chu Hải.
“Ông bạn, thật xin lỗi, có việc đột xuất, ngày mai tôi không thể đến Chu Hải được”.
“Chuyện gì mà vội vậy?”.
“Trong điện thoại không nói hết được, sau này tôi sẽ giải thích”.
“Lại có tin nóng phải không?”.
“Có cũng đúng, mà không cũng đúng, nhưng liên quan đến bản thảo bài báo của tôi”.
Ngay sau đó Nhiếp Phong gọi điện cho tổng biên tập Ngô báo cáo bản thảo đã hoàn thành vào tối hôm qua và đã gửi qua email.
Qua điện thoại giọng của tổng biên tập rất vui vẻ, ông động viên anh.
“Rất tốt! Vừa đúng thời gian để đăng vào kỳ này, khi nào về tôi sẽ đãi cậu một bữa ra trò”.
Nhiếp Phong nửa đùa nửa thật nói: “Bữa đó xin miễn cũng được, chỉ cần anh tăng tiền nhuận bút là được rồi”.
“Điều ấy không thành vấn đề, bài tốt tiền tốt! Khi nào cậu về?”.
“Em đã định mua vé tàu vào ngày mai, thế nhưng hiện nay tình hinh có chút thay đổi”.
“Có sự vụ gì mới hả?”. Tổng biên tập Ngô cảnh giác.
“Bây giờ vẫn chưa thể nói rõ được, ngày mai em sẽ báo cáo anh cụ thể”.
Nhiếp Phong đặt điện thoại xuống, chuẩn bị hành lý trả phòng. Ra khỏi khách sạn, anh gọi một chiếc taxi đi đến nhà ga phía đông Quảng Châu, nửa giờ sau Nhiếp Phong đã ngồi lên chuyến tàu T575 đi Thâm Quyến.
Những khối kiến trúc màu xám, những cảnh vật nhấp nhô lướt nhanh ngoài khung cửa sổ. Trong tiếng xình xịch ầm ĩ, tiếng bánh tàu nghiến trên đường ray, Nhiếp Phong chợt nhớ lại những gì đã diễn ra trong buổi phỏng vấn ở công ty Địa Hào bốn ngày trước đây. Anh cẩn thận lục lại trí nhớ, văn phòng làm việc của Hồ Quốc Hào cực kỳ sang trọng, rộng đến hơn hai trăm mét vuông. Vừa bước vào phòng anh có cảm giác như tiến vào cung điện của các vị hoàng đế thời xưa. Trong đại lục, e rằng phòng làm việc của chủ tịch tỉnh cũng khó có thể sánh bằng.
Một tấm thảm lớn trang trí hoa văn sặc sỡ trải rộng trên nền nhà, khắp bốn bức tường treo đầy đồ xa xỉ, lộng lẫy. Hồ Quốc Hào ngồi trên chiếc ghế bằng da thật, phía trước là chiếc bàn làm việc lớn. Ông ta rất thoải mái, tự tin nhận lời phỏng vấn của Nhiếp Phong.
Hồ Quốc Hào mặc bộ complet màu xanh thẫm không đeo cà vạt, khuôn mặt bạnh ra thô kệch và chiếc mũi hổ có chút áp chế đe dọa người khác. Nhưng khi trò chuyện ông ta lại tỏ ra rất hào sảng không hề chấp nhặt tiểu tiết. Điều này khiến người đối diện mang hai trạng thái đối nghịch, vừa e dè sợ hãi, vừa thân thiết hòa đồng. Sau lưng Hồ Quốc Hào treo một bức ảnh lớn chụp toàn cảnh tòa nhà Địa Hào, hai bên trái và phải đặt hai chiếc tủ kính, lưu giữ đầy những cúp lưu niệm, giải thưởng và sách. Trên bàn làm việc đặt giá bút bằng kim loại quý, lịch bàn, điện thoại kết nối nội bộ, phía trước để một con cá sấu Châu Phi bằng gỗ, màu đen bóng loáng đang ngoác cái miệng lởm chởm răng nhọn trông sinh động y như thật. Hồ Quốc Hào giới thiệu với Nhiếp Phong về quy mô tập đoàn Địa Hào Trí Nghiệp cũng như con đường đi đến thành công của nó. Tiền thân tập đoàn chỉ là một công ty nhỏ của vùng Hải Nam, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường, trải qua nhiều phong ba bão tố mới có thể đạt được quy mô như ngày nay. Đề cập tới tốc độ phát triển nhà đất của Hải Nam trong năm nay Hồ Quốc Hào tự tin khẳng định: “Mười năm trước, khi tôi và bạn bè có hơn mười lăm nghìn công ty địa ốc. Mẹ kiếp! Tình cảnh lúc ấy giống như là ngoài chợ vậy, trên trời rơi xuống một cái bánh là các ông chủ địa ốc đánh nhau chí chết để giành lấy”.
Giọng nói của Hồ Quốc Hào mang âm sắc vùng địa phương Hà Nam. Ông ta khoa chân múa tay như thể muốn quăng “cái bánh” đi thật xa.
“Thế nhưng sau này chỉ còn vài trăm công ty là sống sót. Chúng tôi ở vào số vài trăm công ty đó. Ha ha… mạng tôi còn lớn lắm!”. Hồ Quốc Hào cười lớn đầy đắc ý, nói đến việc phát triển địa ốc vùng phía tây ông ta nhận định hiện giờ là cơ hội tốt nhất để đầu tư vào đây. Thị trường bất động sản Trung Quốc đã trải qua mười năm phát triển mạnh và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện quy mô kinh doanh. Các công ty nước ngoài cũng sẽ thâm nhập thị trường này. Vì vậy người nào đi trước thì sẽ thu được lợi trước. Để giành được thắng lợi khi đầu tư vào vùng phía tây cần có hai điểm quan trọng: Một là tiềm năng tài chính hùng hầu, hai là thương hiệu. Ông ta không hề giấu giếm tham vọng bước thứ nhất là nắm được dự án “Điền Đông Bối” ở khu “Diêm Điền” sát bờ biển.
“Miếng đất đó chắc chắn sẽ còn lên giá nữa”. Đôi mắt ti hí của ông ta lóe lên những tia sáng khao khát tham lam.
Bước thứ hai là nhắm đến phát triển cả vùng phía tây rộng lớn.
“Cậu chẳng đã bảo Thành Đô (thuộc tỉnh Tứ Xuyên) không có công trình kiến trúc tiêu biểu hay sao? Tôi sẽ cho xây dựng tòa nhà Địa Hào ở quảng trường Nhân Dân Nam Lộ. Được đấy chứ?”.
Đây là lần đầu tiên Nhiếp Phong thấy rõ được tư thế và tác phong của một ông chủ cỡ lớn. Điều đó lý giải tại sao ông ta có thể nắm giữ và điều hành cả một tập đoàn hùng mạnh đến như vậy.
Khi được hỏi sở thích cá nhân, Hồ Quốc Hào nói rằng ông ta thích bơi lội, chạy bộ nhưng từ trước đến nay chưa thử chơi golf lần nào.
“Đó là trò của những người nho nhã”.
Buổi phỏng vấn sắp kết thúc thì nữ thư kí riêng Tuyết Anh bước vào. Cô đưa cho ông chủ của mình cốc nước lọc và khẽ nhắc: “Chủ tịch, ông uống thuốc đi ạ!”.
Hồ Quốc Hào mở cái lọ nhỏ trên bàn lấy ra hai viên thuốc màu trắng đưa lên miệng, sau đó đón cốc nước từ tay Tuyết Anh uống ực một ngụm.
“Aspirin, chữa được bách bệnh”. Ông ta nói vẻ tự trào.
“Ngài bị cảm sao ạ?”. Nhiếp Phong quan tâm.
“Không phải, chủ tịch chúng tôi mắc bệnh tim”. Tuyết Anh trả lời.
“Bác sĩ nói tôi bị bệnh tim, cậu xem có giống vậy không?”.
“Không hề giống”. Nhiếp Phong thành thật đáp.