Cục công an khu Y, tầng sáu phòng làm việc của đội cảnh sát hình sự vẫn còn sáng đèn.
Đây là buổi phân tích án lần thứ hai, không khí khẩn trương và kỹ càn hơn hẳn lần trước. Cục trưởng Ngũ Kiên phụ trách án hình sự của cục thân chinh tham dự buổi họp. Ông mặc chiếc áo sơ mi màu xanh, vóc người tầm thước, dáng người điển hình của người miền nam. Khuôn mặt ông đen sạm, cặp môi dày, vẻ bên ngoài đem lại cho người ta ấn tượng đây là một con người ôn hòa, chất phát, chân thật. Thực ra ông đã có hơn hai mươi năm trong nghề, phong cách làm việc quyết đoán, mạnh mẽ, phụ trách phá thành công nhiều chuyên án lớn.
Đội trưởng Thôi là người lên tiếng đầu tiên: “Báo cáo yêu cầu khám nghiệm tử thi Hồ Quốc Hào chiều nay sẽ được cục công an thành phố phê chuẩn”. Anh ngừng lại rồi nói tiếp: “Bệnh viện công an hiện nay đã sẵn sàng giải phẫu pháp y tử thi, tôi đã yêu cầu Điền Thanh sang bên đó nắm bắt tình hình”.
Mọi người trao đổi rất sôi nổi.
Đội trưởng Thôi hết sức nhấn mạnh: “Di thể Hồ Quốc Hào sẽ được hỏa thiêu vào ngày mùng hai. Thời gian dành cho chúng ta còn rất ít…”.
“Vì sao phải hỏa thiêu sớm vậy?”. Trịnh Dũng nói nhỏ.
Thôi Đại Cân đưa mắt về phía Trịnh Dũng, “Ngày giờ tiến hành hỏa thiêu đã được thông qua HĐQT Địa Hào, và cũng được sự đồng ý của thân nhân ông ta. Nếu như không có bằng chứng cái chết của Hồ Quốc Hào là án mạng thì bên cảnh sát không thể ngăn cản”.
“HĐQT Địa Hào Trí Nghiệp quyết định như vậy cũng là điều bình thường”. Cục trưởng Ngũ giải thích, giọng nói của ông tuy ôn hòa song rất có uy lực, “Một là di hài không thể để lâu được, hai là ngày mùng hai tháng bảy là chủ nhật, tổ chức lễ truy điệu sẽ có nhiều người đến dự”.
“Sau đây mọi người hãy báo cáo tình hình diễn ra trong hai ngày vừa qua. Đội trưởng Thôi nói, đoạn anh đưa điếu thuốc mời Cục trưởng Ngũ, ông mỉm cười xua tay từ chối. Trịnh Đúng chuyển cho đội trưởng chiếc bật lửa, anh châm điếu thuốc hít một hơi dài, vòng khói trắng đục tỏa ra khắp phòng.
Tiểu Xuyên và Đào Lợi mở sổ công tác, báo cáo kết quả điều tra Chu Mỹ Phượng và Chung Đào.
“Về Chu Mỹ Phượng, căn cứ vào lời khai của cô ta, mười hai giờ hai mươi phút trưa ngày hai mươi tư tháng sáu cô ta đi chuyến xe bus của công ty Trung Khí từ Văn Cẩm Độ đến Cửu Long. Hơn tám giờ sáng ngày hôm sau thì Chu Mỹ Phượng nhận được điện thoại của lái xe Tiểu Lưu thông báo Hồ Quốc Hào xảy ra chuyện, cô vội vã đáp chuyến xe bus cũng của hãng Trung Khí vào lúc mười giờ hai mươi quay trở lại Văn Cẩm Độ.
“Có gì chứng minh?”.
Tiểu Xuyên bổ sung: “Vé của chuyến xe đó vẫn còn lưu lại, sau đó chúng tôi đã đến hải quan Văn Cẩm Độ kiểm tra trong máy tính và xác nhận những điều Chu Mỹ Phượng nói hoàn toàn là sự thật”.
Đào Lợi tiếp tục báo cáo: “Theo chỉ thị của đội trưởng Thôi, chúng tôi đã tìm hiểu buổi tối ngày hai mươi tư tháng sáu Chung Đào cũng có mặt ở Tiểu Mai Sa. Tối hôm đó anh ta cùng sáu người bạn tụ tập ăn uống tại vườn nướng trung tâm du lịch Tiểu Mai Sa. Theo lời khai anh ta cung cấp sáu người đó gồm bốn nam, hai nữ: phó Đồng, Trương Tuấn Sinh, Tề Hiểu Huy, Đới Chí Cường, Đinh Lam và La Vi, họ đều tốt nghiệp trường Đại học ở Tứ Xuyên, có người học khoa ngoại thương, có người học khoa Trung văn”.
Đào Lợi lật sang trang tiếp theo, kết quả điều tra Chung Đào và sáu người bạn. Trừ Đới Chí Cường chưa liên hệ được do đi công tác, năm người còn lại đều chứng chực những điều Chung Đào nói.
Trong bữa tiệc hội ngộ bạn bè tại Tiểu Mai Sa hôm đó bọn họ ngồi với nhau từ khi mặt trời vừa khuất núi đến tận hai giờ sáng hôm sau. Năm người làm chứng đều nói Chung Đào và họ luôn có mặt tại vườn nướng. Chỉ có một khoảng thời gian ngắn, khi Trung Đào uống say nôn hết cả ra, Đinh Lam phải dìu anh ta quay về phòng nghỉ gần đấy thay y phục. Lúc đó vào quãng mười một giờ mười lăm phút, khoảng hai mươi lăm phút sau Đinh Lam cùng Chung Đào quay trở lại bàn tiệc, mọi người ở đó còn cười nhạo Chung Đào một trận. Bảy người ngồi nói chuyện đến tận hai giờ năm phút sáng mới quay về nhà nghỉ, Đinh Lam và La Vi ở cùng phòng bốn người đàn ông còn lại chia nhau ở trong các phòng đôi, riêng Chung Đào ngay từ thời đi học đã mắc bệnh ngáy to nên ở một mình một phòng.
“Hai mươi lăm phút rời khỏi bàn tiệc có Đinh Lam làm chứng”. Đào Lợi nói rõ.
Cục trưởng Ngũ hỏi: “Đinh Lam là người như thế nào?”.
“Cũng không có gì đặc biệt, đã tốt nghiệp khoa Trung văn Đại học C từng làm cán bộ lớp, năm nào cũng được nhận giải thưởng về học tập có rất nhiều người theo đuổi song cô ta đều từ chối, hiện nay phụ trách một chuyên mục của tạp chí Phụ nữ Thâm Quyến. Có một chiếc ô tô hiệu Fukang màu trắng, theo phản ánh của đồng nghiệp tính cách của cô ấy khá chua ngoa, ăn miếng trả miếng, song trong công việc rất nghiêm túc cẩn thận, có trách nhiệm cao và đạt hiệu quả”. Đào Lợi trả lời.
Tiểu Xuyên tiếp tục bổ sung: “Là một phụ nữ nhiệt tình, tính tình khá thẳng thắn.
Thôi Đại Cân góp ý: “Hai mươi lăm phút không thể coi là “thời điểm trống”.”
Điều tra lý lịch từng người còn lại gồm:
Phó Đồng: Tốt nghiệp khoa Ngoại Thương Đại học C, thành tích học tập bình thường, sở thích chơi cờ vây. Tối đó, anh ta chạy đi chạy lại trong phòng ngủ tìm người chơi cờ với mình, có chút đại khái thân nhân tốt. Hiện nay mở một công ty kinh doanh tại Thâm Quyến, mỗi năm thu nhập bảy, tám mươi vạn tệ, có một chiếc ô tô Honda màu đen. Hôm đó tự lái xe riêng đến Tiểu Mai Sa.
Trương Tuấn Sinh: Tính tình trung thực, ngay thẳng, tốt nghiệp khoa ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh, thời trung học thành tích học tập rất tốt. Là người đỗ đầu Đại học C trong toàn huyện, luôn nỗ lực trong học tập, hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa, từng nghiên cứu tâm lý học. Hiện nay trung tâm bồi dưỡng Tân thế giới của anh ta, cũng có chút danh tiếng tại Thâm Quyến.
Tề Hiểu Huy: Tốt nghiệp khoa Luật Đại học C, cha làm phó giám đốc sở, gia đình có điều kiện, ngay từ thời đại học đã ưa thích uống rượu, hút thuốc. Hiện nay mở một văn phòng luật tại Thâm Quyến, đã từng bào chữa nhiều vụ án lớn nhỏ. Trong đó liên quan đến các vụ án về xâm hại nhân quyền cũng có chút thành công, đã từng phụ trách chuyên mục pháp chế ở đài truyền hình, bà mẹ anh ta là lãnh đạo của đài truyền hình. Trong ngày hội ngộ ở Tiểu Mai Sa anh ta chuốc cho Chung Đào say bí tỉ.
Đới Chí Cường: Tốt nghiệp khoa Toán Đại học C, là kiểu mọt sách, hiện làm phần mềm cho một công ty máy tính ở Thâm Quyến.
La Vi: Học khoa quản lý kinh tế Đại học C, thông minh, có khả năng làm việc. Hiện công tác tại bộ phận tín dụng của một ngân hàng, là chuyên viên cao cấp, chồng làm sở trưởng một sở của Cục tài chính thành phố.
Cục trưởng Ngũ hỏi: “Thế còn lý lịch của Chung Đào?”.
“Vâng! Chung Đào là chuyên gia tài chính, tốt nghiệp khoa ngoại chương Đại học C, thành tích học tập rất tốt, thông minh, nhanh nhẹn, làm việc không khoa trương. Thời đại học rất hay giúp đỡ người khác về mặt tiền bạc và không đòi lại, ngoài ra có sở thích chơi bóng bàn, từng giành chức á quân ở trường. Thời đi học rất có sức thu hút quần chúng, đã từng làm cán bộ lớp. Sau khi tới Thâm Quyến lập nghiệp, cùng làm việc tại một công ty chứng khoán lớn, môi giới thành công nhiều thương vụ, cũng gọi là có chút danh tiếng, sau này chuyển sang công ty Địa Hào Trí Nghiệp làm trợ lý chủ tịch HĐQT, cho đến nay vẫn chưa kết hôn”.
“Đội trưởng Thôi!”. Tiểu Xuyên đề xuất: “Em thấy không thể bỏ qua quãng thời gian hai mươi phút Chung Đào uống say”.
Trịnh Dũng trêu chọc: “Cậu chẳng nói anh ta đi cùng Đinh Lam sao?”.
Nghe vậy, có người cười trộm.
“Không phải…”. Tiểu Xuyên ngắc ngứ mặt hơi đỏ lên.
“Ấy, mọi việc đều rõ ràng cả rồi”. Đội trưởng Thôi giải vây cho cấp dưới. “Có thể coi là Chung Đào có chứng cứ ngoại phạm”.
Tiếp đó Tiểu Xuyên báo cáo tình hình điều tra Hồng Diệc Minh: “Chiều hôm đó tôi có gặp nhà báo Nhiếp. Anh ấy có gợi ý. Trong bữa ăn cuối cùng tại Đại Mai Sa, rốt cuộc Hồng Diệc Minh và Hồ Quốc Hào bàn chuyện gì là chi tiết cực kỳ quan trọng”.
Thôi Đại Cân bật cười: “Tay nhà báo quèn đó có thể phá được án thì cần cảnh sát chúng ta làm gì nữa?”.
“Ha ha…!”. Nhiều tiếng cười phụ họa theo.
“Nhiếp Phong không phải là nhà báo quèn”. Tiểu Xuyên bực tức đáp trả.
“Báo “Tây Bộ Thái Dương” đúng không? Đánh trận trên giấy thì có gì khó”.
“Không phải là “Tây Bộ Thái Dương” mà là “Tây Bộ Dương Quang”. Tiểu Xuyên cải chính.
“Tiểu tử nhà ngươi dám vuốt sừng trâu hả? Nhiều chuyện quá, không có mặt trời thì lấy đâu ra ánh nắng?”.
Mọi người trong cuộc họp cười ồ cả lên, Cục trưởng Ngũ cũng cười.
Tiểu Xuyên vẫn chưa chịu, đợi mọi người cười xong cậu tiếp tục nhắc lại: “Dù thế nào đi nữa, nhân vật Hồng Diệc Minh cũng là mắt xích quan trọng”.
Cục trưởng Ngũ hỏi vặn: “Theo cậu nói, ông ta có đầu mối quan trọng gì?”.
Tiểu Xuyên nói qua về tiến trình điều tra Hồng Diệc Minh có chứng cứ ngoại phạm, tối ngày hai mươi tư tháng sáu ông ta cùng mấy người bạn làm ăn chơi mạt chược cả đêm.
Đồng thời Hồng Diệc Minh cung cấp nội dung gặp gỡ tại Đại Mai Sa: Khoảng sáu giờ chiều ngày hai mươi tư Hồ Quốc Hào mời ông ta dùng bữa tối tại nhà hàng Hào Cảnh, Hồ Quốc Hào đã đặt trước một nồi ba ba, một đĩa cua rang muối, một cân trùng trục và rau quả. Bọn họ ăn uống rất ngon miệng. Cả hai nói chuyện phiếm với nhau. Hồ Quốc Hào nói rằng từ trước đến nay chưa bao giờ chơi golf, chỉ thích bơi lội và tụ họp bạn bè làm ăn tổ chức tiệc tùng hay nói chuyện phiếm và rất thích chọn nhà hàng này là bến đỗ. Nghe nói Hồng Diệc Minh và Hồ Quốc Hào là bạn bè lâu năm. Năm ấy khi đến Hải Nam lập nghiệp Hồng Diệc Minh từng là trợ thủ đắc lực cho Hồ Quốc Hào, sau này kiếm được nhiều tiền phát triển ở Thâm Quyến Hồng Diệc Minh tách ra khỏi Hồ Quốc Hào, tìm chỗ đứng độc lập, hai người vừa là đối tác vừa là đối thủ làm ăn của nhau. Hôm đó Hồ Quốc Hào chủ động gọi điện thoại hẹn gặp ông ta tại Đại Mai Sa để ăn hải sản, trong suốt bữa tiệc câu chuyện chỉ xoay quanh chủ đề bất động sản chứ không đề cập tới vấn đề gì đặc biệt.
“Cậu có hỏi Hồng Diệc Minh về dự án Điền Đông Bối không?”. Đội trưởng Thôi hỏi thêm.
“Có ạ! Em hỏi: “Hai ông là đối thủ cạnh tranh trên thương trường, gặp nhau chắc không thể không bàn đến dự án đó?”. Hồng Diệc Minh đáp: “Lúc đầu tôi cũng cho là vậy. Hồ Quốc Hào sẽ dò xét thái độ của Đại Đông chúng tôi, nhưng kết quả là ông ta không đề cập đến, điều này có chút không giống với tác phong của ông ta…”.
“Còn gì nữa không?”.
“Hồng Diệc Minh sau đấy có bổ sung thêm “Có lẽ ông Hào còn muốn nói điều gì đó song cuối cùng lại không nói ra…”.
Lúc đó em có hỏi: “Vì sao ông có cảm giác đó?”.
Hồng Diệc Minh trả lời: “Sau đó ông ấy nhận được một cú điện thoại, nói là có việc gấp, rồi chúng tôi chia tay nhau”.
Em hỏi tiếp: “Lúc đó là mấy giờ?”.
Ông ta đáp: “Khoảng trên dưới bảy giờ tối”. Em lại hỏi: “Hồ Quốc Hào có bảo ông đợi ông ta không?” Hồng Diệc Minh khẳng định: “Không có”. Hôm ấy Hồng Diệc Minh có hẹn mấy người bạn bên ngân hàng dùng bữa tại Hương Mật Hồ, nên hai người vội vã chia tay”.
Hồng Diệc Minh tự mình lái xe đến Hương Mật Hồ, ông ta bình thường rất thích nơi thôn dã điền viên, Hồ Quốc Hào rời khỏi nhà hàng đi đâu thì ông ta cũng không rõ.
Đào Lợi tiếp tục bổ sung nội dung kết quả điều tra của cô.
“Buổi tối cùng ngày, tại phòng số hai khu nghỉ mát Hương Mật Hồ, Hồng Diệc Minh chơi mạt chược cùng ba người bạn suốt đêm. Một người là giám đốc ngân hàng xây dựng thành phố ông Lý, một người là cục trưởng Tôn cục địa chính khu T, một người là tổng giám đốc Tiều của công ty thương mại Vạn Sự Đạt. Vào khoảng mười hai giờ, người phục vụ còn đem đồ ăn đêm lên cho bọn họ”.
Đội trưởng Thôi trầm tư: “Cần phải làm rõ cuộc điện thoại mà Hồ Quốc Hào nhận được vào khoảng bảy giờ, đó là manh mối quan trọng”.
Tiểu Xuyên báo cáo: “Chúng tôi đã đến bưu điện để điều tra cuộc điện thoại lúc bảy giờ một phút ngày hai mươi tư tháng sáu, thời gian thông máy chưa đầy một phút”.
“Chủ nhân của số điện thoại di động đó là ai?”.
“Số điện thoại có đầu số 136 là loại sim rác, tra tìm chủ nhân chỉ được biết số này mới kích hoạt chưa lâu”.
“Mẹ kiếp!”. Đội trưởng Thôi buộc miệng chửi thề,
Cục trưởng Ngũ nói với Thôi Đại Cân: “Số điện thoại này rất quan trọng, yêu cầu các thành viên trong tổ kiểm tra trong vòng hai mươi tư giờ”.
“Rõ!”.
Thôi Đại Cân quay sang phía Trịnh Dũng, Trịnh Dũng vội báo cáo: “Còn việc này nữa. Điền Thanh cho biết nhờ chuyên gia pháp y cục trinh sát hình sự thành phố giám định xác nhận những vết xước bên ngực trái thi thể Hồ Quốc Hào là do có người cố ý tạo ra, các vết đó được tạo thành bởi đầu một vật sắc nhọn bằng kim loại, hình dáng giống chữ U”.
Tiểu Xuyên đưa ra phán đoán của mình: “Nói như vậy, rất có thể hung thủ gây án cố ý lưu lại biểu tượng hoặc dấu tích…”.
“Khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra”. Đội trưởng Thôi khẳng định thêm “Hơn nữa từ cuộc điện thoại thần bí cho đến việc trang phục của Hồ Quốc Hào biến mất đều cho thấy, cái chết của Hồ Quốc Hào hoàn toàn không hề đơn giản chỉ là “Sơ ý đuối nước” mà có thể là một vụ “án mạng”. Chính vì vậy tôi đã đề nghị Cục trưởng Ngũ chính thức cho thành lập chuyên án”.
Cục trưởng Ngũ phát biểu: “Đảng ủy cục đã nghiên cứu và quyết định đồng ý lập chuyên án mang bí số “6.25” do đội trưởng Thôi làm tổ trưởng và điều động lực lượng”.
“Ngoài hai người Tiểu Quan và Tiểu Lục đang phụ trách vụ án lừa đảo ở Sa Đầu Giác, tất cả thành viên trong đội tập trung vào vụ án này”.
Đội trưởng Thôi phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đội viên trong đội, tất cả mọi người trong cuộc họp vỗ tay hưởng ứng.
“Anh Thôi, em còn có điều nghi vấn không thể không đưa ra”. Tiểu Xuyên lên tiếng.
“Cậu cứ nói đi”.
“Tại địa điểm phát hiện xác chết Hồ Quốc Hào cách bến thuyền Tiểu Mai Sa rất gần, liệu việc đó có phải là ngẫu nhiên hay không?”.
Gương mặt Thôi Đại Cân rạng rỡ.
“Câu hỏi này rất hay, còn có một khả năng nữa là xác chết được di chuyển bằng thuyền máy rồi vứt ở bãi cát, vừa dễ vận chuyển lại không để lại dấu tích. Nếu đúng như vậy thì trong vụ án này rõ ràng có “hung thủ”.
Đội trưởng Thôi chỉ thị cho Trịnh Dũng: “Ngày mai cậu và Đại Ngô phụ trách điều tra những thuyền máy hiện có ở Đại, Tiểu Mai Sa”.
2.
Trong khi cả đội hình sự thảo luận suốt đêm thì Nhiếp Phong đang đứng ở bến thuyền bãi tắm Tiểu Mai Sa, mặt biển trong vắt hắt lên ánh sáng huyền bí.
Bóng tối bao trùm vạn vật, chiếc cầu đá làm nơi neo thuyền dài hơn mười mét vươn thẳng ra biển cả. Mặt nước lúc này đã theo thủy triều hạ thấp xuống chân cầu đá, lúc này ở đó chẳng có chiếc thuyền nào neo đậu, phóng tầm mắt ra xa, bên trái là dãy núi mờ mờ đen thẳm, giống như tấm lưng của người khổng lồ, mỏm đá nằm phía không xa bên trái là Đôn Châu. Trong bóng đêm dày đặc mặt biển lập lòe ánh lân tinh, ngắm thật kỹ mới thấy đường viền đen mờ mờ phía chân trời xa tắp.
Ba giờ chiều hôm nay Nhiếp Phong đã đáp chuyến xe bus số 103 từ của khẩu đường La Phương mất hơn bốn mươi phút đến được Tiểu Mai Sa, giá vé chín tệ, chặt quá rẻ. Nơi đây được mệnh danh là “Hawaii của phương Đông”, một bãi biển tuyệt đẹp, Nhiếp Phong đã ngưỡng mộ từ lâu. Anh muốn đắm mình dưới ánh nắng biển, bơi trong làn nước trong xanh nhưng mục đích chủ yếu của anh trong chuyến đi này là kiểm tra lại hiện trường nơi phát hiện tử thi Hồ Quốc Hào.
Hôm nay Nhiếp Phong mặc chiếc áo phông cổ tròn, quần ngố, đầu đội mũ lưỡi trai vai đeo chiếc túi vải nhãn hiệu ESPN màu trắng, dáng vẻ nhàn tản, phong thái đĩnh đạc, nhanh nhẹn.
Vé qua cổng giá mười lăm tệ, từ cửa chính bước vào trung tâm du lịch Tiểu Mai Sa ngay lập tức đã cảm nhận được luồng không khí từ biển thổi vào mát rượi. Hàng dừa hai bên đường tỏa bóng mát, cành lá khẽ đung đưa theo gió, bên tai văng vẳng tiếng sóng vỗ bờ ì oạp.
Bãi cát vàng mịn màng óng ánh trải dài, tuy trời không có nắng lại không phải là ngày nghỉ song lượng người đi tắm biển vẫn rất đông. Giữa bãi cát người ta cầm một chiếc ô lớn sọc trắng xanh. Theo lời một người bạn Nhiếp Phong, bãi tắm này có những cô gái xinh đẹp sẽ tắm cùng nếu anh muốn và chịu chi.
Nhiếp Phong mua một chiếc quần bơi màu đỏ đen ở của hàng gần đó, gửi lại y phục anh bước xuống biển. Sau một hồi bị sóng xô đập Nhiếp Phong cũng bơi đến tấm lưới ngăn cá có gắn những chiếc phao màu đỏ nổi ở trên. Bơi đi bơi lại hai lần, thật thoải mái. Anh rất thích rèn luyện thân thể, mong là trong lần xuống Tiểu Mai Sa này mình sẽ có được làn da màu đồng hun nhưng đáng tiếc hôm nay mây đã che hết ánh mặt trời, không đủ nắng để nhuộm màu làn da của Nhiếp Phong.
Sau hồi bơi lội thỏa thích, Nhiếp Phong đưa mắt quan sát một vòng. Nơi đây các công trình giải trí phục vụ cho việc du lịch rất đầy đủ, biệt thự riêng, phòng nghỉ, nhà hàng, moto nước, dù bay lướt sóng, vườn nướng nghìn người… muốn thứ gì đều được đáp ứng hoàn hảo, thật xứng đáng với cái tên “Thiên đường nghỉ dưỡng”. Khi đã quen với khung cảnh xung quanh anh tìm đến người quản lý của Ngôi làng nghỉ mát này để tìm hiểu các tình tiết vào buổi sáng ngày hai mươi lăm, cái ngày người ta phát hiện ra thi thể Hồ Quốc Hào.
Người quản lý là một người đàn ông trung niên, dáng người phúc hậu, thái độ rất cởi mở. Sau khi kiểm tra thẻ nhà báo của Nhiếp Phong ông dẫn anh ra tận hiện trường.
Ông chỉ cho anh vị trí nơi người ta phát hiện xác chết trên bãi biển.
Nhiếp Phong đứng trên con đê được xếp bằng nhiều lớp đá chồng lên nhau. Từ trên cao anh lấy máy ảnh bấm máy chụp những bức hình ở các góc độ khác nhau. Vừa chụp ảnh vừa thầm nghĩ: Đây là nơi Hồ Quốc Hào vong mạng sao?
Anh nhìn ra bốn phía, nơi này đã vượt quá phạm vi cho phép tắm biển đến ba, bốn mươi mét. Bên trái trên mặt biển nổi lên dải phao màu đỏ, cũng là điểm để ngăn những chiếc moto nước cố ý định vượt qua, bên phải là con đường “lối nhỏ tình yêu” tựa vào đê và biển. Anh ngồi xổm xuống, đặc biệt chú ý ước lượng khoảng cách từ vị trí tử thi nằm đến bãi đá ngầm.
Buổi tối là lúc thủy triều rút, sau giờ Ngọ nửa đêm thủy triều lên. Có thể nhận ra vào nửa đêm vị trí của cái xác trên bãi cát cách mực nước biển khoảng bảy, tám mét. Điều khó hiểu là theo lời của chàng cảnh sát trẻ Tiểu Xuyên tại hiện trường không phát hiện dấu chân hay bất cứ vết tích nào ngoài dấu tích của người báo tin. Nếu như có dấu chân của người nào đó phía sau xác chết thì vào buổi sáng khi thủy triều lên cũng sẽ bị sóng xóa đi hết. Nếu như điều đó là sự thật thì địa điểm và thời gian xác chết được vứt xuống đều nằm trong một kế hoạch tính toán hết sức chi tiết.
Vườn nướng nằm ở phía tây bãi biển, rặng liễu lùn rũ lá xuống điểm xuyết khung cảnh xung quanh. Nhiếp Phong kiểm tra kỹ hiện trường, đếm cẩn thận có tổng cộng một trăm mười tám lò nướng đều được làm bằng xi măng, bốn mặt lò được đắp thêm bốn ghế cũng bằng xi măng. Dựa vào màu sơn không giống nhau của mỗi lò, vườn nướng phân thành ba khu xanh lam, vàng, xanh đậm kê sát nhau. Mỗi lò có thể phục vụ bảy, tám thực khách vì thế gọi “vườn nướng nghìn người” quả cũng không quá đáng.
Mấy nghìn viên phục vụ nữ mặc tạp đề đang chuẩn bị thực phẩm cho bữa tối nay, bên ngoài cửa sổ treo một tấm bảng báo giá. Người ta cho trồng liễu lùn để ngăn cách giữa các lò. Người phục vụ cho biết ông chủ làm như vậy là để những cây liễu hút bớt khói khi nướng thức ăn.
Nhiếp Phong nhìn đồng hồ kiểm nghiệm, từ vườn nướng đến bến thuyền chỉ mất có hai phút.
Ngồi ở bến thuyền bên tai anh vẫn văng vẳng nghe tiếng huyên náo cười đùa từ vườn nướng vọng đến. Trong đầu Nhiếp Phong chợt hiện lên những giả thiết giây phút cuối cùng trong đời Hồ Quốc Hào:
– Màn đêm buông xuống mờ mịt, Hồ Quốc Hào cố sức bò lên trên bờ cát rồi hôn mê sâu.
– Thi thể Hồ Quốc Hào nổi lên trên mặt biển bên ngoài sau đó bị sóng biển khi thủy triều lên đánh dạt vào bờ.
– Một bóng đen vác cái xác Hồ Quốc Hào nhẹ nhàng ném xuống bãi cát, sau đó bí mật biến mất trong bóng đêm.
Anh thầm nghĩ “Ngoài ba cách lý giải trên, liệu còn có khả năng thứ tư không nhỉ?”.
Điều khiến người ta không thể hiểu nổi là trang phục của Hồ Quốc Hào hiện đang nằm ở đâu?
Còn có một bí ẩn nữa – A Anh đã tiết lộ tờ giấy Hồ Quốc Hào nhận được, rốt cuộc tờ giấy đó ẩn giấu điều gì? Biểu tượng kỳ lạ và dãy số có ý nghĩa gì?
“791,791…”.
Nhiếp Phong lẩm bẩm đọc đi đọc lại.
Gió đêm từ biển thổi đến mang theo một chút vị tanh và không khí mát lạnh. Nhiếp Phong dừng lại trên cây cầu đá, anh vươn vai cho người đỡ mỏi chợt nghĩ ra phải gọi điện ngay cho Tiểu Xuyên.
“Có phải cảnh sát Tiểu Xuyên không? Xin chào, mình là Nhiếp Phong đây”.
“A! Chào anh, nhà báo Nhiếp Phong!”.
“Cậu đang làm gì vậy?”.
“Em đang họp phân tích án với cả đội”. Tiểu Xuyên đáp rất khẽ.
“Vất vả nhỉ, mình đang ở Tiểu Mai Sa”.
“Ồ…”.
“Việc hôm qua mình nhờ cậu đến đâu rồi…”. Nhiếp Phong hỏi.
“Em đã…”.
“Điện thoại của ai vậy?”. Điện thoại vọng tới tiếng nói của đội trưởng Thôi.
“Là nhà báo Nhiếp Phong ạ!”.
“Lại là tay nhà báo của “Tây Bộ Thái Dương” hả?”.
“Là “Tây Bộ Dương Quang””. Tiểu Xuyên lại cải chính.
“Anh ấy muốn được theo sát quá trình phá án để đưa tin. Việc này mình trả lời thế nào anh?”
“Cậu cứ bảo tay nhà báo “lớn” đó chỉ cần có giấy giới thiệu của sở công an tỉnh, thì không thành vấn đề”. Đội trưởng Thôi quả quyết.
“Vậy…”. Khuôn mặt Tiểu Xuyên trở nên khó coi.
“Cậu cũng bảo anh ta ít làm phiền việc của người khác đi”. Thôi Đại Cân bực bội nói.
“Nào! Tiếp tục thảo luận…”.
“Đội trưởng Thôi nói rằng có thể cho phép anh tham gia, chỉ có điều…”. Tiểu Xuyên cảm thấy miệng đắng ngắt khó giãi bày.
“Chỉ có điều làm sao?”. Nhiếp Phong hỏi lại.
“Chỉ có điều… cần có giấy giới thiệu của sở công an tỉnh…”.
“Giấy giới thiệu của công an tỉnh” đúng không?”.
“Vâng”. Tiểu Xuyên lúng túng khó xử tắt máy.
Nhiếp Phong nghe những lời Tiểu Xuyên nói, anh ngán ngẩm mỉm cười lắc đầu. Ngồi ngẫm nghĩ một lát Nhiếp Phong bấm máy gọi điện về nhà.
“Tiểu bảo mẫu” bắt máy nghe thấy giọng anh cô ấy mừng rỡ: “Ôi! Là anh Nhiếp hả! Anh đang ở đâu?”.
“Tôi đang ở Thâm Quyến”.
“Bà nội suốt ngày than thở làm sao lâu thế vẫn chưa thấy anh về nhà”.
“Tôi có việc gấp cần nán lại mấy ngày nữa”. Nhiếp Phong giải thích sau đó hỏi nhỏ: “Bố tôi có ở đấy không?”.
“Có, ông đang tiếp khách”.
“Khách ở đâu vậy?”.
“Em không biết, có vẻ như là bên cục công an tỉnh ngoài”. “Thế mẹ tôi”.
“Dì vẫn ở bệnh viện, chưa đến giờ giao ca mà”.
“Vậy cô gọi bố tôi đến nghe điện thoại đi”.
Nhiếp Phong từng nghe bố anh kể có nhiều mối quan hệ với sở công an tỉnh. Vài giây sau trong điện thoại vang lên giọng nói trầm ấm: “A lô!”.
“Bố ạ! Công việc của con ở Thâm Quyến vẫn chưa xong, vài ngày nữa mới về nhà được”.
“Công việc có thuận lợi không?”.
“Nhìn chung tạm ổn, chỉ có điều giá cá ở Thâm Quyến đắt đỏ quá”.
“Con gọi điện cho bố xin tiền tiêu à?”. Người cha già đáng kính bật cười.
“Điều này thì bố yên tâm, tổng biên tập Ngô đã hứa bài tốt thì tiền tốt. Những phụ phí phụ trội con sẽ tìm anh ấy để thanh toán”.
“Ha ha… tổng biên tập Ngô quả là người biết dùng người”. Ông Nhiếp bật cười sảng khoái.
“Bố ạ, con nghe nói có một việc”.
“Việc gì thế? Con nói đi”.
“Bố” có nhiều người quen ở sở công an Quảng Đông phải không ạ”.
“Sở công an Quáng Đông à! Có, ông Đào phó giám đốc sở phụ trách hình sự là bạn cũ”.
“A, vậy thì tốt quá rồi”. Nhiếp Phong vui mừng ra mặt.
“Cái gì mà tốt?”.
“Tạp chí của con đang bám theo một vụ án để đưa tin, con có việc phải lên công an tỉnh tiện thể sẽ tới thăm bác Đào luôn”. Nhiếp Phong cố ý ngừng lại một lát: “Bố có ủy thác điều gì không ạ?”.
“Ồ, bọn bố đã không gặp nhau hai năm rồi”.
Ông không biết “âm mưu” của Nhiếp Phong nên trầm giọng nói tiếp: “Con mua mấy cân hoa quả, chè ngon, nói là có ông Nhiếp ở Tứ Xuyên hỏi thăm. Không nói nhiều nữa, bố đang có khách”.
“Báo cáo ngài cảnh sát. Tôi hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ”. Nhiếp Phong đùa lại.
“Ngài cảnh sát Nhiếp hay là ông cảnh sát khó tính ưa nổi nóng đây?”. Ông Nhiếp bật cười lớn qua điện thoại.
3.
Phòng làm việc của đội cảnh sát hình sự. Buổi họp phân tích án đang diễn ra.
Đội trưởng Thôi đốt thuốc, những vòng khói trắng đục bay lên lơ lửng.
“Liên quan đến châu Chính Hưng, chúng tôi cũng đã điều tra kỹ”. Tiểu Xuyên báo cáo.
“Hiện nay anh ta đang đi công tác và vẫn chưa về nhưng nhờ sự giúp đỡ của A Anh nữ thư ký riêng Hồ Quốc Hào, sáng nay chúng tôi đã liên lạc điện thoại với anh ta”.
“Hiện giờ Châu Chính Hưng đang ở đâu?”.
“Anh ta đang ở Phố Đông (khu phố chuyên kinh doanh tài chính tiền tệ), Thượng Hải, nghe nói đến giải quyết chuyện tiền vốn”.
“Anh ta trả lời thế nào?”.
“Châu Chính Hưng nói rất thẳng thắn, ngày hai mươi tư tháng sáu anh ta về quê ở thị trấn Nam Áo. Buổi chiều cùng ngày chủ trì buổi lễ trao tặng máy vi tính cho trường tiểu học, do đó anh ta không thể ở Tiểu Mai Sa”.
“Thôn Thủy Đầu thị trấn Nam Áo là quê của Châu Chính Hưng”. Đào Lợi bổ sung thêm.
Bờ biển vịnh Đại Bàng, phía đông Thâm Quyến dài hơn bảy mươi kilômét phân thành các bãi tắm Đại Mai Sa, Tiểu Mai Sa, Xung Sa, Thủy Đầu Sa, Tây Sa đều là khu tắm biển nghỉ dưỡng tuyệt diệu. Thị trấn Nam Áo cách Thủy Đầu Sa hai kilômét về hướng nam, lúc đầu nơi đó là một làng chài nhỏ, từ đây có thể nhìn thấy đảo Bình Châu, Hồng Kông bằng mắt thường, sau này ngày càng phát triển trở thành một thị trấn ven biển trù phú.
Theo điều tra cụ thể, Châu Chính Hưng lấy danh nghĩa cá nhân tặng sáu bộ máy tính cho trường tiểu học. Buổi chiều ngày hôm đó anh ta mời thầy hiệu trưởng và trưởng thôn Thủy Đầu Sa cùng ăn tối tại nhà hàng Hải Loan, buổi tối anh ta về nhà mẹ đẻ ở trong thôn nghỉ ngơi. Cô bác họ hàng và làng xóm xung quanh đều đến thăm hỏi, họ nói chuyện cho tới tận mười hai giờ khuya. Theo nhận xét của những người ở đấy, Châu Chính Hưng là đứa con rất hiếu thảo. Buổi sáng ngày hai mươi lăm anh ta còn đưa mẹ đến bệnh viện thị trấn chữa bệnh, ăn cơm trưa cùng gia đình xong mới tự lái xe về Thâm Quyến.
Đội trưởng Thôi hỏi: “Sau mười hai giờ đêm đến sáng anh ta ở đâu?”.
Tiểu Xuyên đáp: “Nghỉ đêm tại nhà mẹ đẻ”.
“Có ai làm chứng không?”. Cục trưởng Ngũ hỏi.
“Chỉ có mẹ anh ta thôi ạ!”.
“Người ruột thịt không thể làm chứng được”. Cục trưởng Ngũ tiếp lời “Từ tối ngày hai mươi tư đến mười một giờ sáng ngày hai mươi lăm, trong thời quãng thời gian đó Châu Chính Hưng muốn làm gì thì cũng có thể lắm chứ”.
Xem ra đây cũng là một điểm nghi vấn quan trọng.
“Trong điện thoại Châu Chính Hưng có nói bao giờ anh ta sẽ về không?”.
“Anh ta nói tối nay sẽ về Thâm Quyến, sáng mai tham gia cuộc hội thảo “Địa sản tinh anh”. Chúng tôi không phát hiện phản ứng của Châu Chính Hưng có điều gì bất thường”.
Đội trưởng Thôi tổng kết lại: “Bốn người đó đều có chứng cứ ngoại phạm nhưng mọi người thử nghĩ xem ngoài Chung Đào, những đối tượng còn lại đều được hưởng lợi từ cái chết của Hồ Quốc Hào và có động cơ gây án”.
“Hồng Diệc Minh đối thủ cạnh tranh sống còn trên thương trường, Châu Chính Hưng tranh đoạt quyền lợi trong nội bộ tập đoàn, Chu Mỹ Phượng một người đàn bà đẹp thì dường như không có động cơ gì cả…”. Tiểu Xuyên phân tích thêm và loại vợ Hồ Quốc Hào ra khỏi vùng nghi vấn.
“Nghe nói Hồ Quốc Hào là tay đào hoa, quan hệ giữa hai người không được tốt cho lắm”. Đào Lợi phản ánh lại những điều cô nghe được từ nhân viên trong công ty, “Điều đó không đủ để cấu thành động cơ giết người sao?”.
Tiểu Xuyên ưu tư nói: “Tôi cảm thấy ở đây có một nút thắt, chúng ta vẫn chưa cởi ra được”.
Đội trưởng Thôi không lên tiếng, lông mày của anh nhíu lại.
Đào Lợi và tất cả mọi người đều cảm thấy vụ án đang rơi vào ngõ cụt.
Trong căn phòng tràn ngập bầu không khí căng thẳng, đội trưởng Thôi mời cục trưởng Ngũ một điếu Hồng Tháp Sơn, ông nhận lấy, ngậm điếu thuốc vào miệng, Trịnh Dũng nhanh tay bật lửa cho cục trưởng rồi quay người lại khẽ mỉm cười, các thành viên trong đội đều biết rõ nội tình. Cục trưởng Ngũ có người vợ hiền, bình thường không bao giờ cho chồng hút thuốc. Nên bây giờ ông hút thuốc trở lại thì rõ ràng là vì đầu óc ông đang rất căng thẳng khi chưa tìm ra lời giải cho vụ án này.
Cục trưởng Ngũ rít một hơi dài nhà khói. Ông nói: “Nghi vấn lớn nhất là thi thể Hồ Quốc Hào làm thế nào xuất hiện tại Tiểu Mai Sa?”.
Đội trưởng Thôi cảm thán: “Dấu vết để lại hiện trường quá ít”.
“Cho nên tôi đã nói rất nhiều lần. Khám xét hiện trường cực kỳ quan trọng, đó là cơ sở của công tác phá án. Bất cứ một chi tiết dù là nhỏ nhất tưởng chừng không có giá trị nếu bị bỏ qua đều có thể làm lỡ cơ hội phá án”. Cục trưởng Ngũ tiếp tục nhấn mạnh, “Còn nữa, công việc điều tra lưu động cũng là nhân tố giúp ích cho qui trình đánh án. Đại Mai Sa, Tiểu Mai Sa rất đông du khách và người qua lại. Điều này gây khó khăn không nhỏ khi khai thác tìm kiếm manh mối. Song… Hồ Quốc Hào rời khách sạn Hào Cảnh bằng phương tiện gì? Đi bộ? Taxi? Hay loại xe nào? Chắc chắn sẽ có người nhìn thấy, ông ta không thể tàng hình được!”.
Đội trưởng Thôi gật đầu đồng tình: “Vâng, chúng tôi sẽ tìm kiếm tất cả mọi đầu mối, và cần phải bổ sung thêm nhiều chứng cớ hơn nữa”.
“Việc điều tra thành công hay thất bại thông thường diễn ra trong một tuần. Hiện nay đã qua bốn ngày”. Cục trưởng Ngũ nhấn mạnh thêm, “Nếu như trong thời gian này không có bước đột phá thì sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn cho quá trình phá án”.
“Chúng rồi đã hỏi người phụ trách bảo vệ khách sạn Hào Cảnh, nhưng vì hôm đó là ngày nghỉ thứ bảy nên khách ra vào rất đông, họ không để ý được hết”. Tiểu Xuyên giải thích, “Cũng đã đi dò hỏi những người lái xe quanh khu vực, đưa cho họ xem bức hình chụp Hồ Quốc Hào. Họ đều nói ngày hôm đó không chở vị khách nào giống như người trong tấm ảnh”.
Đào Lợi nói thêm
“Lúc đó là quãng bảy giờ tối, nên trời khá nhá nhem, du khách và người đi bộ cũng không mấy người để ý”.
Những điều Đào Lợi nói không phải là không có lý.
Cuộc họp phân tích phá án rơi vào bế tắc.
Cục trưởng Ngũ nhíu mày nhắm mắt suy nghĩ rất mông lung.
Không khí trở nên nặng nề. Mọi người đều trầm tư, ngay cả Trịnh Dũng thường ngày hay tếu táo cười đùa cũng không lên tiếng. Cục trưởng Ngũ – một cảnh sát nhiều kinh nghiệm, người đã trải qua hàng trăm vụ án cũng cảm thấy đau đầu trước vụ án này.
Ông quay sang phía Đào Lợi ra lệnh: “Hỏi Điền Thanh, việc khám nghiệm tử thi có phát hiện gì mới không?”.
“Rõ”.
Đào Lợi tuân lệnh, đi ra khỏi phòng, một lúc sau cô quay lại, mở cửa bước vào khuôn mặt tươi tĩnh: “Anh Điền nói qua điện thoại “Kết quả giải phẫu tại bệnh viện công an đã có”.
Đội trưởng Thôi hào hứng: “Bảo cậu ra fax về ngay”.
Năm phút sau, bản báo cáo khám nghiệm tử thi đã có mặt trên bàn làm việc, Đào Lợi đọc bản báo cáo, bỏ qua những quy định văn bản cô đi trực tiếp vào nột dung chính: “Kết quả khám nghiệm tử thi phát hiện hai vấn đề; Thứ nhất, tim của người chết bị vỡ, nguyên nhân là do hoại tử cơ tim nghiêm trọng dẫn đến hoại tử vách tim. Đây là một loại hoại tử bộ phận nghiêm trọng nhất. Các vách tim bị phá vỡ gần với mỏm tim. Nguyên nhân vỡ do lượng lớn tế bào trung tính vùng hoại tử thấm xuống làm cho cơ tim hoại tử bị nhũn ra. Trong động mạch vành của người chết không phát hiện tắc động mạch, cho thấy nguyên nhân gây ra hoại tử cơ tim không phải do… tắc động mạch mà là do động mạch vành co giật thu hẹp, dẫn đến hoại tử cơ tim, co giật cấp tính và gây ra chết người”.
Tất cả những người tham gia cuộc họp giật mình.
Đào Lợi tiếp tục đọc bản fax: “Thứ hai, xét nghiệm nước biển trong dạ dày và phổi tử thi phát hiện ba loại vi tảo đặc biệt khác với các loại khuê tảo thông thường, một loại thực thể đơn bào dài khoảng bốn mươi micromét, rộng khoảng hai mươi lăm micromét, vỏ ngoài có rãnh ngang hẹp và sâu thẫm màu, một loại hình cọc sợi màu đỏ sậm dài khoảng năm mươi micromét, rộng khoảng ba mươi lăm micromét, vỏ dưới tròn thô, có hai chân răng cưa nhỏ. Loại cuối cùng thể tảo có hình bầu dục. Mật độ tế bào vi táo một nghìn trên một mililít nước biển. Những loại tảo này có kết cấu khác với các loại tảo thường thấy khi khám nghiệm tử thi ở những người chết đuối. Tuy nhiên nó thuộc loại tảo cụ thể nào? Mang độc tính gì? Vẫn chưa xác định được một cách rõ ràng. Có nhiều khả năng những loại tảo này liên quan đến hiện tượng Xích Triều (Thủy triều đỏ). Do vậy cần được sự kiểm nghiệm chứng thực của các chuyên gia thuộc lĩnh vực hải dương học và môi trường biển”.
Mọi người không hẹn cùng xôn xao bàn tán,
“Ồ!”.
“Đây là thông tin cực kỳ có giá trị”.
“Phát hiện này rất quan trọng”.
Cục trưởng Ngũ cho ý kiến: “Nó có thể giúp chúng ta khẳng định địa điểm Hồ Quốc Hào chết đuối, rốt cuộc đó là vùng biển nào?.
“Xin cục trưởng Ngũ cho mọi người rõ thêm…”. Đội trưởng Thôi đề nghị.
Cục trưởng Ngũ đưa mắt nhìn tất cả thành viên bằng ánh mắt trìu mến: “Trong nước ngọt và nước biển đều có chứa các loại tảo. Khi một người bị chết đuối, trong nước ở dạ dày và phổi của nạn nhân dễ dàng kiểm tra thấy tảo, nếu như không tìm thấy tảo thì rõ ràng nạn nhân không phải chết do đuối nước mà vì nguyên nhân khác. Trong giới tự nhiên có hàng vạn loại khuê tảo. Khuê tảo ở mỗi vùng nước cũng khác nhau. Do đó có thể căn cứ vào xét nghiệm phân loại tảo để phán đoán địa điểm xảy ra chết đuối… Xét nghiệm tảo để khẳng định có hay không việc chết đuối là một phương pháp có hiệu quả thường được sử dụng trong giới pháp y. Tại nước Anh đã từng xảy ra một vụ án kinh điển. Một người đàn ông giàu có tên là Robert mất tích, sau đó người ta phát hiện thi thể của ông tại bờ biển Bỉ. Cảnh sát hoàn toàn không thể xác định vị trí ông tử nạn, việc phân đi vào bế tắc. Cuối cùng pháp y vào cuộc họ tìm thấy trong dạ dày và phổi của Robert có một loại khuê tảo đặc biệt. Từ đó xác định được quý ông này đã rơi xuống nước từ một con thuyền du lịch ngoài khơi đảo Wight, hòn đảo nằm đối diện với eo biển Anh…”.
“Ồ!”.
Mọi người cũng thán phục sự hiểu biết uyên thâm của cục trưởng Ngũ. Ông không chỉ diễn giải mà còn lấy ví dụ có thực để minh họa cho phân tích của mình.
Cục trưởng Ngũ tiếp tục: “Trong vịnh Đại Bàng, mỗi khu vực có thành phần nước biển khác nhau, cho dù Đại Mai Sa và Tiểu Mai Sa chỉ cách nhau vài kilômét song thành phần vi sinh vật trong nước biển cũng có thể không hoàn toàn giống nhau. Cho nên chỉ cần xét nghiệm so sánh nước biển trong dạ dày, phổi của Hồ Quốc Hào với nước biển của hai khu vực trên, vùng biển nào có loại tảo đặc biệt trên thì có thể biết được nơi Hồ Quốc Hào tử nạn”.
Mọi người đều cảm nhận được tia sáng phía cuối đường hầm, đường cụt đã được mở ra.
“Ngoài ra khi lượng lớn tảo biển xuất hiện, thông thường đó là dấu hiệu của Xích Triều…”.
“Xích Triều?”.
“Đúng, còn gọi là “Âm hồn sắc đỏ””.
Cục trưởng Ngũ là người Sán Đầu, gia đình từ thời cha ông có truyền thống làm nghề cá, liên quan đến Xích Triều, ông có sự hiểu biết khá sâu sắc. Tháng mười năm ngoái, khi ông về thăm quê Sán Đầu, vịnh Thạch Lâm phú một màu đỏ do Xích Triều gây ra. Mặt biển bị sắc đỏ bao trùm, việc đó chỉ diễn ra trong vòng một tháng nhưng tất cả lồng cá trong vịnh cá chết hàng loạt, ngư dân tổn thất rất nặng nề. Sau này nhờ có sự trợ giúp của chính phủ mới có thể khôi phục sản xuất. Cho nên có thể nói ngư dân cực kỳ căm ghét và sợ hãi hiện tượng Xích Triều.
Cục trưởng Ngũ chỉ thị.
“Ngày mai các cậu liên hệ với cục môi trường địa phương tìm hiểu trước và sau ngày hai mươi tư cháng sáu Đại Mai Sa và Tiểu Mai Sa có xảy ra hiện tượng Xích Triều hay không?”.
Đội trưởng Thôi bố trí công việc: “Việc này sẽ giao cho Trịnh Dũng và Tiểu Giá làm”.
“Vâng ạ”. Trịnh Dũng trả lời.
Cục trưởng Ngũ khẽ nhắc: “Ngoài ra, đề nghị bên pháp y cung cấp mẫu vật toàn bộ nội tạng thi thể Hồ Quốc Hào và ngay lập tức chuyển đến trung tâm giám định môi trường Hài Nam xét nghiệm”.
Đội trưởng Thôi phân công: “Đào Lợi và Tiểu Xuyên chịu khó vất vả một chút, sáng sớm ngày mai đi Quảng Châu”.
“Rõ!”. Hai người đồng thanh đáp.
4.
Hải Chu, Quảng Châu. Đi theo Đường Tân Cảng về hướng tây có một đoạn đường râm mát dài ba, bốn trăm mét, nó đem đến cho khách bộ hành cảm giác cực thoải mái, phía trong lan can sắt chạy dọc bờ là hàng cây cổ thụ cao tít tắp, bên ngoài là những khóm hoa xanh, trong bóng cây ven đường râm mát lộ ra những ngôi nhà lẩn khuất.
Chiếc xe cảnh sát chạy đến cuối con đường đó, nơi đây có toà nhà trung tâm giám định môi trường Nam Hải. Tiến vào cổng chính, men theo con dốc thoai thoải bên trái nằm phía sau vườn ươm có một ngôi nhà xây bằng xi măng màu tro năm tầng, phía trước trồng khoảng chục cây dừa lớn. Khối kiến trúc từ bên ngoài nhìn vào không mấy bắt mắt song bố trí rất hợp lý. Đây là trung tâm giám định môi trường Nam Hải trực thuộc cục Hải dương Quốc gia. Nơi đây không chỉ được trang bị các trang chiếc bị giám định môi trường tiên tiến mà còn có các chuyên gia phân tích giám định hái dương đầu ngành.
Tiểu Xuyên lái chiếc xe cảnh sát đỗ lại trước toà nhà, cậu cùng Đào lợi bước xuống xe, hai người đi bộ vào bên trong, hỏi người báo về phòng làm việc của chủ nhiệm trung tâm, anh ta chỉ hướng lên tầng năm. Họ bước theo các bậc cầu thang lát gạch màu đỏ sậm, tay vịn bằng đồng đen xen hoa sắt để lại ấn tượng khá lạ mắt cho người mới đến lần đầu, phụ trách đối ngoại của trung cảm là một phụ nữ trung niên. Bà nhìn thấy Tiểu Xuyên và Đào Lợi mặc cảnh phục nên thái độ có vẻ khá trịnh trọng.
Tiểu Xuyên đưa cho bà ta giấy giới thiệu và nói rõ ý định của mình: “Chúng tôi là người của cục công an khu Y Thâm Quyến. Có một vụ án liên quan đến các loại tảo biển nên chúng tôi đến đây nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia trong ngành”.
“Vâng, xin quý vị đợi một chút”.
Người phụ nữ để hai cảnh sát ngồi lại trong phòng hội trường sau đó đi sang căn phòng khác thông báo.
Phòng hội trường không lớn, các cửa sổ đều rất sạch sẽ. Tiểu Xuyên đưa mắt quét qua những chiếc tủ kính kê sát tường, trong đó trưng bày nhiều cúp kỷ niệm và giải thưởng, vài cái trong số đó khảm Quốc huy.
Một lát sau, một người đàn ông trung niên ăn mặc chỉnh chu cùng người phụ nữ bước vào, ông trạc ngoài bốn mươi tuổi dáng vẻ còn rất trẻ trung.
“Đây là chủ nhiệm trung tâm của chúng tôi”. Người phụ nữ giới thiệu.
Ông ngồi vào chiết ghế sau chiếc bàn hội nghị nói một cách khá thoải mái: “Có việc gì cần chúng tôi giúp đỡ xin cứ nói”.
Tiểu Xuyên thuật lại một cách tóm tắt vụ án và nhấn mạnh sự liên quan của loại tảo biển được phát hiện khi xét nghiệm tử thi.
Vị chủ nhiệm chăm chú lắng nghe.
“Phía pháp y nhận định: Những loại tảo này có khả năng liên quan đến Xích Triều”.
“A! Xích Triều”.
Nghe nói đến Xích Triều khuôn mặt ông giãn ra hưng phấn một cách kỳ lạ. Ông đã tốt nghiệp trường Đại học Hàng hải Thành Đô, làm việc tại trung tâm gần hai mươi năm, cũng là tu nghiệp sinh tại Canada, đã có thời gian dài nghiên cứu môi trường vi sinh vật biển Nam Hái, là một chuyên gia về Xích Triều rất có uy tín.
Tiểu Xuyên nói một cách rất thực lòng: “Về phương diện này chúng tôi thiếu kiến thức chuyên ngành, đến đây rất mong các vị giúp cho”.
Giọng chủ nhiệm nhẹ nhàng: “Cái gọi là “Xích Triều” nói một cách đơn giản là một loại ô nhiễm do vi tảo phù du trên đại dương gây ra, nước biển bị ô nhiễm thường biến đổi thành màu hồng hoặc màu da cam, cho nên nó còn gọi là Hồng Triều. Trên thực tế có lúc nước biển ô nhiễm do vì tảo còn biến thành màu vàng, màu xanh hay màu lá cọ. Việc đó chủ yếu phụ thuộc vào mật độ cũng như màu sắc của loại tảo khác nhau gây ra”.
Đào Lợi hỏi: “Các chủng loại tảo khác nhau gây ra màu nước biển khác nhau?”.
“Đúng vậy, cũng có cả loại vi tảo gây ra Xích Triều, nhưng hoàn toàn không làm nước biến đổi màu. Theo thống kê trong đại dương hơn bốn nghìn loại vi tảo phù du, trong đó có hơn hai trăm sáu mươi loại có thể gây ra hiện tượng Xích Triều, chỉ có khoảng hơn bảy mươi loại là tảo độc. Trong kinh thánh đã ghi lại hiện tượng liên quan đến Xích Triều: “Nước sông đều biến thành máu, mùi rất tanh hôi…”. Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc cũng ghi lại việc liên quan đến Xích Triều chỉ có điều tính nguy hại của hiện tượng này gần mười năm trở lại đây mới được toàn thế giới chú ý đến. Năm 1990, Liên hợp quốc đã liệt “Xích Triều” vào một trong ba mối nguy hại lớn nhất gây ô nhiễm môi trường biển”.
Theo lời giải thích của chủ nhiệm có một số sinh vật trong Xích Triều có thể sản sinh ra độc tố. Những độc tố này thâm nhập vào cá và các động vật nhuyễn thể, khi con người sử dụng chúng làm thực phẩm cũng sẽ bị nhiễm độc, nghiêm trọng có thể gây ra tử vong. Một số tảo gây ra Xích Triều tuy không có độc nhưng dịch tiết ra bám vào mang cá, động vật nhuyễn thể… làm cho chúng chết hàng loạt. Ngoài ra các loại vi tảo hình thành Xích Triều sinh sôi nảy nở nhanh trên diện rộng với số lượng lớn. Tảo Giáp thông thường chỉ trong hai giờ đồng hồ là đã tạo ra một thế hệ mới. Có thể nói chúng có sức sinh sản khủng khiếp. Một lượng lớn tảo chết đi trong quá trình phân hủy xác sẽ làm tiêu hao hết khí oxy trong nước biển gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường sinh thái, cá, tôm tuyệt diệt, mức độ nguy hại vô cùng to lớn.
Tiếp đó ông giới thiệu về một số hiện tượng ô nhiễm Xích Triều nghiêm trọng đã từng xảy ra ở vùng biển Nam Hải.
“Năm trước tại vùng giáp biển Nhiên Bình, Quảng Đông xảy ra hiện tượng Xích Triều trên diện tích lớn. Tôi đã đến tận hiện trường, do Xích Triều diễn ra quá đột ngột, một lượng lớn cá bị chết. Các ngư dân nuôi cá lồng và đầm tôm chịu thiệt hại cực kỳ nặng nể, tổn thất trực tiếp lên đến sáu mươi sáu triệu tệ… Nhiệm vụ của trung tâm chúng tôi là kịp thời phát hiện Xích Triều xuất hiện ở vùng biển Nam Hải, định kỳ thông báo tin tức môi trường, kiểm soát và khống chế hiện tượng Xích Triều, hạn chế đến mức thấp nhất những nguy hại mà Xích Triều gây ra”.
“Thưa chủ nhiệm, thời gian gần đây vùng biển Thâm Quyến có xảy ra hiện tượng Xích Triều hay không?”. Tiểu Xuyên quan tâm hỏi.
“Mới có, khoảng một tuần trước. Tại vịnh Đại Bàng có hiện tượng Xích Triều song diện tích ô nhiễm không quá lớn, làng chài Nam Áo bị chết một số ít cá, dường như hiện tượng Xích Triều mỗi năm đều xuất hiện một vài lần”.
Tiểu Xuyên và Đào Lợi trao đổi ánh mắt với nhau.
Vị chủ nhiệm tiếp tục câu chuyện của mình: “Sau khi nhận được báo cáo chúng tôi đã cử người xuống ngay Nam Áo, lấy mẫu nước xét nghiệm, căn cứ vào kết quả hóa nghiệm, những loại vi tảo gây ra Xích Triều lần này đều thuộc loại tảo Giáp”.
“Xin hỏi, thời gian đó cụ thể là từ ngày nào?”. Đào Lợi mở quyển sổ công tác ra.
“Để tôi tra lại nhật ký, cô Tấn ơi! lấy giúp tôi tập tư liệu gần đây nhất”. Chủ nhiệm gọi trợ lý của mình.
Một lúc sau, người đó mang ra cặp tài liệu màu xanh, chủ nhiệm mở tập tài liệu kiểm tra, ông đưa mắt về phía hai cảnh sát giải thích: “Xét nghiệm tại hiện trường nhận thấy hiện tượng Xích Triều lần này bắt đầu từ vịnh Đào Lợi phía nam vịnh Đại Bàng, màu nước biển biến thành màu đỏ sẫm. Dựa trên kết quả hóa nghiệm loại tảo gây ra Xích Triều cấu thành từ tảo đa văn, tảo xi câu, tảo đa giáp, những loại tảo này dầu không có độc song do mật độ tập trung dày đặc mỗi lít nước chứa một trăm hai mươi vạn sinh vật tảo. Số lượng tảo lớn như vậy đã triệt tiêu khí oxy trong nước, làm chết nhiều loài cá”.
Ông lật sang một trang khác rồi nói tiếp: Đúng, là chỗ này. Bắt đầu từ ngày mười chín tháng sáu tại vùng biển Hắc Nhan, thị trấn Nam Áo xuất hiện Xích Triểu trên diện tích nhỏ, nước biển biến thành màu đỏ sẫm, hai ngày sau Xích Triều từ phía Bắc dần di chuyển đến giáp thôn Thúy Đầu Sa thị trấn Nam Áo, nghiêm trọng nhất là từ ngày hai mươi hai đến ngày hai mươi tư, song đến chiều ngày hai mươi lăm, Xích Triều dần dần biến mất. Đến ngày hai mươi bảy thì hoàn toàn không còn hiện tượng Xích Triều nữa, nước biển trở lại bình thường”.
“Hiện tượng Xích Triều hôm đó có từ hướng bắc di chuyển đến Tiểu Mai Sa không ạ?”. Đào Lợi dừng bút ghi chép nhìn chủ nhiệm hỏi.
“Không hề có. Căn cứ vào nhật ký quan sát từ ngày mười chín đến ngày hai mươi bảy nước biển Tiểu Mai Sa không bị ô nhiễm, chất lượng nước rất tốt. Khu du lịch vẫn mở cửa bình thường, tại Đại Mai Sa cũng như vậy”.
Đào Lợi hỏi lại: “Thưa ông, điều này có thể khẳng định được không?”.
“Chắc chắn”.
Theo lời kể lại của chủ nhiệm, trong mùa tắm biển năm ngoái Tiểu Mai Sa đã từng xuất hiện hiện tượng Xích Triều, tuy mức độ rất nhẹ nhưng lại gây chấn động lớn, một khoảng nước biển bị biến thành màu đỏ. Du khách đứng trên bãi cát cũng ngửi thấy mùi tanh hôi. Những người quản lý hết sức lo lắng đã từng nghĩ đến việc có hay không đóng của bãi tắm. May mắn là Xích Triều nhanh chóng biến mất nên không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện tượng Xích Triều được phát hiện lần này tại thị trấn Nam Áo khiến cho trung tâm kiểm nghiệm môi trường ngư nghiệp và hải dương Thâm Quyến hết sức chú ý. Họ sợ ảnh hưởng đến hai vùng biển Tiểu và Đại Mai Sa nên đã cử người xuống lấy mẫu nước, qua hóa nghiệm khẳng định chất lượng nước rất tốt.
“Cám ơn chủ nhiệm đã giúp đỡ cung cấp thông tin cho chúng tôi”.
“Hi vọng là việc này sẽ giúp bên các bạn phá án”. Chủ nhiệm bắt tay với các vị khách, thái độ hết sức nhiệt tình.
“Chủ nhiệm còn cuộc họp”. Người phụ nữ họ Tấn khẽ nhắc.
“Ồ!”. Tiểu Xuyên lộ rõ vẻ mong đợi.
“Các bạn có mang mẫu vật đến đây không?”.
“Có ạ!”. Cậu chợt nhớ ra.
Chủ nhiệm nói với cô Tấn: “Nhờ bác Tiêu xét nghiệm cho họ”.
Cô Tấn dẫn hai người xuống tầng ba, nơi đó là phòng thực nghiệm.
Phòng thực nghiệm sinh vật biển, trên bàn thực nghiệm màu trắng để mươi bộ kính hiển vi kích cỡ khác nhau, trông rất hiện dại, mỗi bộ đều được lắp một thấu kính trong suốt.
Chuyên gia Tiêu khoảng ngoài năm mươi tuổi, tóc điểm sợi bạc, dáng người phúc hậu, dọc hành lang trong phòng để bảy, tám hộp nhựa trong suốt giống như hộp mẫu vật trong đó để nhiều cốc cũng bằng nhựa trắng trong suốt đường kính lớn, trên nắp đậy ghi các chữ cái và số.
“Những cái này để làm gì ạ?”. Tiểu Xuyên hiếu kỳ hỏi.
Chuyên gia Tiêu trả lời: “Trong đó đều là mẫu vật nước biển”.
“Những chữ cái và số ghi ở trên là địa điểm và thời gian”. Cô Tấn bổ sung thêm.
Tiểu Xuyên mở chiếc hộp sắt mang theo bên người, từ trong đó lấy ra một tấm kính chứa mẫu vật cẩn thận đưa cho bác Tiêu.
Chuyên gia Tiêu dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp lấy tấm kính đó nhìn chăm chú, sau đó ông ngồi xuống đặt nó dưới kính hiển vi.
Ông lựa chọn một trong ba tấm kính rồi chuyển tiêu cự vào vùng trung tâm
Hai cảnh sát đứng phía sau hào hứng theo dõi.
Phần đầu của kính hiển vi đặt một hộp số màu trắng, Tiểu Xuyên nhìn vào ngạc nhiên: Tiêu bản thí nghiệm chỉ rõ “chọn CCD 2/3 inch 900 vạn…”, dường như đã để mức phóng cực đại.
Chuyên gia Tiêu cúi xuống, mắt nhìn vào ống kính, tay trái nhẹ nhàng điều chỉnh tiêu cự; Tiểu Xuyên và Đào Lợi hồi hộp nín thở dõi theo.
Vừa quan sát trên tế bào tảo ông vừa dùng tay ấn vào máy ghi số tự động.
Khoảng mười phút sau ông quay đầu lại nói với Tiểu Xuyên.
“Cậu xem này”.
Tiểu Xuyên cúi xuống nhìn vào ống ngắm, dưới mắt cậu là các hình vi tảo khá đẹp, có vô số các tế bào đơn trong suốt, hình dáng kích thước khác nhau. Nhưng chỉ có ba loại là chiếm nhiều hơn cả, các hoa văn và kết cấu của mỗi tế bào dưới kính hiển vi đều hiện lên rõ nét.
“Loại có rãnh ngay bên phải, nhìn rõ không? Đó là tảo hoàn câu”.
“Vâng, cháu nhìn thấy rồi”.
“Loại phía dưới có hình cọc sợi, tảo thể màu hồng đó chính là tảo xi câu”.
“Đúng, đúng, số lượng cũng không phải ít”.
“Cậu chú ý chính cái có hình nhọn, đầu mút bị tóe ra đó là tảo đa giáp”.
“Đúng rồi, cháu nhìn thấy rõ lắm”, Tiểu Xuyên cực kỳ hưng phấn.
“Để ta xem với!”. Tiểu Đào đứng ngoài có vẻ sốt ruột không chịu được.
Tiểu Xuyên chuyển chỗ cho cô ngồi trước kính hiển vi.
Đào Lợi nheo một bên mắt nhìn vào ống kính. Cô kêu lên kinh ngạc: “Ôi!”.
Chuyên gia Tiêu chính thức kết luận đó là ba loại: tảo hoàn câu, tảo xi câu và tảo đa giáp.
“Những loại tảo này hoàn toàn trùng khớp với loại tảo chúng tôi xét nghiệm từ mẫu nước biển Nam Áo”.
Nói đoạn ông vào phòng lấy ra mẫu vật nước biển Nam Áo thực hiện các thao tác như vừa nãy.
Tiểu Xuyên quan sát qua kính hiển vi, hình dáng tế bào hiện lên hoàn toàn giống hình dáng tế bào mẫu phẩm trước. Tuy cũng có một số tế bào tảo khác nhưng số lượng cũng rất ít.
Chuyên gia Tiêu nhìn chỉ số thống kê hiển thị trên bảng ghi số tự động.
“Chỉ số thống kê mỗi mililít chứa 1195 cá thể so với mỗi mililít chứa 1200 cá thể trong mẫu vật anh chị mang đến khá trùng hợp”,
Tiểu Xuyên và Đào Lợi nhìn nhau sững sốt.
Kết quả xét nghiệm cho thấy thành phần nước biển trong phổi Hồ Quốc Hào hoàn toàn giống với nước biển Nam Áo khi xuất hiện Xích Triều từ ngày hai mươi mốt đến ngày hai mươi tư tháng sáu. Điều đó có nghĩa là địa điểm Hồ Quốc Hào tử nạn không phải là Tiểu Mai Sa cũng không phải là Đại Mai Sa mà là thị trấn Nam Áo – quê của Châu Chính Hưng.
“Hiện trường đầu tiên không phải là Tiểu Mai Sa!”. Đào Lợi nói như reo lên.
Nhận được điện thoại của Tiểu Xuyên báo cáo, đội trưởng Thôi vô cùng kinh ngạc.
“Vậy Hồ Quốc Hào không hề chết đuối ở Tiểu Mai Sa phải không?”.
“Đúng ạ”.
“Thì ra là như vậy!”. Đội trưởng Thôi cảm thấy tất cả đều rõ ràng.
Bờ biển Bỉ – Đảo Wjght.
Bãi biển Tiểu Mai Sa – Thị trấn Nam Áo.
….
Không thể ngờ những gì cục trưởng Ngũ kể lại giống như vụ án này…
Trong lúc Đào Lợi và Tiểu Xuyên quay trở về cục thì tổ điều tra của Trịnh Dũng cũng đã về đến nơi. Anh báo cáo theo tư liệu do trưởng khoa Từ ở cục môi trường khu Y cung cấp. Từ ngày mười chín đến ngày hai mươi bảy tháng sáu tại vùng biển Đại Mai Sa đều không xảy ra ô nhiễm nước biển, cũng có thể nói Đại Mai Sa, Tiểu Mai Sa đều không có hiện tượng Xích Triều, xét nghiệm nước biển vẫn bình thường.
Vụ án đã có được một bước đột phá lớn.
Nghi phạm số một chính là Châu Chính Hưng.
Đội trưởng Thôi hưng phấn: “Ngay từ đầu gã họ Châu này đã là nghi phạm lớn nhất, các cậu phải luôn để mắt theo dõi anh ta”.