Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mạnh Hơn Sợ Hãi

Chương 10

Tác giả: Marc Levy

Suzie vẫn đang ngủ, co ro trên thảm sàn.

Andrew đi vào bếp, mang theo những giấy tờ mà Ben Morton đã phó thác cho mình. Anh pha cà phê và ngồi bên quầy. Bàn tay anh càng lúc càng run rẩy và phải cố gắng đến hai lần anh mới đưa được cốc cà phê lên miệng. Khi chùi những giọt nước bắn lên túi hồ sơ, anh có cảm giác phần miệng túi cồm cộm. Anh nhẹ nhàng mở nó ra thì thấy hai trang đánh máy.

Morton đã đổ sức vào cuộc điều tra nhiều hơn điều mà ông ta nói với Andrew vào cái hôm anh tới thăm. Tay phóng viên ấy đã thu thập lời chứng của những người thân cận với Liliane Walker. Chẳng có mấy người chịu chia sẻ với ông ta.

Giáo viên dạy dương cầm của Liliane đã thông báo qua điện thoại là đang nắm giữ một số bí mật của cô học viên. Cuộc gặp dự kiến giữa Ben Morton và thầy giáo Jacobson đã không bao giờ xảy ra, vì ông này bị đột quỵ do một cơn đau tim ngay trước hôm diễn ra cuộc hẹn.

Jeremiah Fishburn, người phụ trách một quỹ từ thiện do dòng họ Walker thành lập, tỏ ra ngạc nhiên trước một điều mâu thuẫn mà không một nhà báo nào làm sáng tỏ. Tại sao phải tốn chừng ấy thời gian và tiền bạc để hỗ trợ các cựu binh rồi lại có động thái đưa những người lính trẻ trung vào vòng nguy hiểm?

Một người quen thân với gia đình, muốn giấu tên, đã bộc bạch với phóng viên rằng cuộc sống của Liliane không hẳn êm ấm như những gì bà khiến người ngoài lầm tưởng. Người này đã nghe nói đến một vụ dàn xếp nho nhỏ giữa bà Walker và một người bạn gái của bà, người khẳng định đã ở cùng Liliane khi bà tới đảo Clarks.

Andrew ghi lại tên hòn đảo vào sổ tay và đọc tiếp.

Anh nghe thấy tiếng nước từ vòi sen, chờ thêm một lát, và khi vừa dứt tiếng nước chảy, anh rót đầy một tách cà phê rồi mang sang phòng ngủ cho Suzie. Cô đã mượn tạm áo choàng tắm của anh.

– Cô biết bà cô chơi dương cầm chứ?

– Tôi bắt đầu học về thang âm trên chiếc đàn Steinway của bà. Dường như ngày ấy bà là một nhạc công điêu luyện. Những khi ông tôi tổ chức tiệc, bà thường chơi jazz cho các quan khách nghe.

– Đảo Clarks, cái tên này có gợi nhắc điều gì với cô không?

– Phải như vậy sao?

Andrew mở tủ quần áo, lấy hai chiếc quần, hai áo thun dày và một va li nhỏ.

– Lát nữa chúng ta sẽ ghé qua nhà cô, để cô lấy ít đồ đạc. Cô thay đồ đi

*

Chiếc Pilatus của hãng hàng không American Eagle hạ cánh xuống đường băng của sân bay thành phố Ticonderoga vào đầu giờ chiều. Mùa đông đang ngự trị trên dãy Adirondacks và những cánh rừng phủ trắng tuyết.

– Biên giới Canada cách đây cũng không xa lắm, Andrew nói trong lúc ngồi vào chiếc xe thuê.

– Mất bao lâu? Suzie vừa bật hệ thống sưởi vừa hỏi.

– Nửa giờ đường, có thể hơn một chút với thời tiết như hôm nay. Tôi cảm giác sắp có bão.

Suzie, vẻ tư lự, ngắm nhìn phong cảnh. Gió bắt đầu táp mạnh từng cơn, khiến tuyết cuộn lên trên vùng đồng quê thê lương, tiếng gió rít chói tai vọng cả vào trong xe. Suzie hạ cửa kính xuống và thò đầu ra ngoài rồi vỗ vỗ vào đầu gối Andrew để bảo anh dừng lại.

Chiếc xe đỗ vào vệ đường và Suzie cuồng cuồng lao ra phía mương nước để nôn thốc nôn háo chiếc sandwich mới ăn ở sân bay.

Andrew ra chỗ cô và giữ hai vai cô. Khi những cơn no thắt dạ dạy của cô ngưng lại, anh giúp cô vào trong xe còn anh lại ngồi sau vô lăng.

– Tôi rất tiếc, xin lỗi, cô nói.

– Cái thứ đồ ăn gói kín trong ni long ấy, ai mà biết họ cho gì vào bên trong.

– Ban đầu, Suzie thều thào đến khó nghe, tôi tỉnh dậy mà nghĩ rằng đó chỉ là một cơn ác mộng, rằng anh ấy đã thức dậy trước tôi, và tôi sẽ tìm thấy anh ấy trong bếp. Tôi luôn mở mắt trước anh ấy, nhưng tôi cứ vờ như vẫn đang ngủ để chờ anh ấy làm bữa sáng cho mình. Khi ấm nước réo lên, tôi biết mình chỉ còn việc ngồi vào bàn ăn. Tôi là người lười biếng. Những tháng đầu tiên sau khi anh ấy mất, tôi thay đồ và suốt cả ngày cứ đi lang thang mà chẳng có một ý niệm về nơi mình sẽ đến. Có khi tôi vào siêu thị, đẩy xe đi hết các gian hàng mà chẳng mua gì. Tôi nhìn ngắm mọi người và tôi ao ước như họ. Khi anh nhớ người anh yêu, ngày như dài vô tận.

Andrew mở hé cửa kính chỗ anh ngồi và chỉnh gương chiếu hậu, cân nhắc điều muốn nói.

– Sau khi ra viện, rốt cuộc anh cũng lên tiếng, tôi thường đến dưới cửa sổ nhà Valérie suốt cả buổi chiều. Tôi cứ ở đó, ngồi trên ghế băng suốt hàng giờ đồng hồ, chằm chằm nhìn cánh cửa ra vào tòa nhà ấy.

– Cô ấy chưa một lần bắt gặp anh sao?

– Không, không có nguy cơ ấy đâu, cô ấy chuyển nhà rồi. Hai chúng ta thành một đội hay ho đấy chứ.

Suzie vẫn lặng im, chăm chú quan sát cơn bão đang tiến về phía họ. Chiếc xe trượt ngang khi bắt vào một ngã rẽ. Andrew rời chân ga nhưng chiếc xe Ford vẫn tiếp tục trượt dài trước khi đâm sầm vào một đống tuyết, khiến cú va chạm bớt nguy hiểm.

– Chỗ này không khác gì sân bay, anh bật cười nói.

– Anh uống rượu đấy à?

– Một chút thôi, lúc trên máy bay, nhưng thật sự là chỉ một chút thôi.

– Tắt ngay động cơ đi!

Và vì Andrew không làm theo, Suzie bắt đầu đấm anh tới tấp lên cánh tay và ngực. Andrew tóm lấy tay cô rồi giữ chặt chúng.

– Shamir chết rồi, Valérie rời bỏ tôi rồi, chúng ta chỉ còn lại một mình và chúng ta chẳng thể làm gì, giờ thì cô bình tĩnh lại đi! Tôi sẽ để cô lái nếu cô muốn, nhưng ngay cả khi không uống một giọt nào thì chắc là tôi cũng chẳng thể làm gì được với lớp váng băng ở đây.

Suzie giật tay ra khỏi tay anh rồi quay ra phía cửa kính.

Andrew cho xe đi tiếp. Gió đang mạnh thêm, khiến chiếc Ford hơi lảo đảo. Tầm nhìn giảm xuốn theo màn đêm đang dần buông. Họ đi qua một ngôi làng đìu hiu và Andrew tự hỏi không biết những kẻ khốn cùng nào có thể sống ở nơi này. Trong làn gió bão, anh nhìn thấy tấm biển sặc sỡ của một quán tên là Dixie Lee và đỗ xe vào bãi.

– Tối nay, chúng ta sẽ không đi xa thêm, anh nói khi ngắt công tắc.

Chỉ có hai thực khách trong cái quán ăn có lối bài trí có lẽ sẽ gợi cảm hứng cho Hopper. Hai người ngồi vào một ngăn. Nhân viên của quán mời họ uống cà phê và đưa thực đơn. Andrew gọi bánh kếp, Suzie đẩy thực đơn ra mà không chọn gì.

– Cô nên ăn chút gì đó.

– Tôi không đói.

– Cô đã đoán ra bà mình có tội à?

– Không, không bao giờ.

– Tôi không nói là bà ấy có tội, nhưng bắt đầu một cuộc điều tra mà trong đầu mang sẵn định kiến thường dẫn người ta đến nước lừa dối chính mình.

Một tài xế xe tải ngồi bên quầy liếc nhìn Suzie với ánh mắt không hề dễ chịu. Andrew không nao núng trước ánh mắt của hắn.

– Đừng có dây với lũ cao bồi, Suzie nói.

– Tay này làm tôi lộn ruột.

Suzie đứng dậy và lại bắt chuyện với gã tài xế.

– Anh có muốn nhập bọn với chúng tôi không? Ngồi một mình sau tay lái suốt cả ngày dài, rồi lại ngồi ăn một mình, tới đây tranh thủ chút không khí bằng hữu đi, cô nói với anh ta bằng giọng không hề có gì mỉa mai.

Gã đàn ông ngẩn người ra,

– Điều duy nhất tôi yêu cầu anh, đó là hãy thôi nhìn vào ngực tôi đi, điều đó khiến anh bạn tôi hơi khó chịu và tôi dám chắc rằng vợ anh cũng không thích điều này đâu, cô vừa lướt tay trên nhẫn cưỡi của anh ta vừa nói thêm.

Tay tài xế trả tiền hóa đơn rồi đi khỏi.

Suzie quay lại ngồi xuống trước mặt anh.

– Điều mà đàn ông các anh thiếu, chính là từ ngữ.

– Có một quán trọ ở phía bên kia đường, sẽ tốt hơn nếu chúng ta quan đêm tại đó, Andrew đề xuất.

– Còn có một quán bar ngay cạnh quán trọ đó, không phải sao? Suzie vừa ngoái nhìn ra cửa sổ vừa nói. Anh tính xuống lê la ở đó ngay khi tôi ngủ chắc?

– Có thể, chuyện đó có giúp gì cho cô không?

– Chả giúp gì cho tôi hết, nhìn thấy hai tay anh run rẩy khiến tôi thấy khó chịu, thế thôi.

Nhân viên phục vụ bàn mang món ăn ra cho Andrew. Anh đẩy đĩa đồ ăn ra giữa bàn.

– Nếu cô ăn gì đó, tối nay tôi sẽ không uống giọt nào.

Suzie nhìn Andrew. Cô cầm đĩa lên, day chồng bánh kếp thành hai phần bằng nhau rồi rưới xốt cây thích lên đó.

– Hồ Schroon cách đây ba mươi dặm, cô nói, tới đó rồi thì chúng ta làm gì?

– Tôi không biết, mai đến đó xem sao đã.

Đến cuối bữa ăn, Andrew chuồn ra để đi toa lét. Anh vừa quay lưng đi, Suzie đã chộp lấy điện thoại di động của mình.

– Mà cháu đang ở đâu đấy, ta đi tìm cháu hai hôm nay rồi?

– Tôi đi loanh quanh ấy mà, Suzie đáp.

– Cháu có chuyện buồn à?

– Ông đã từng nghe chuyện bà tôi thỉnh thoảng vẫn đến một hòn đảo nào đó chưa?

Knopf nín thinh.

– Tôi phải hiểu khoảng im lặng này là có à?

– Đừng có tới đó, dù với bất cứ lý do gì, rốt cuộc Knopf nói.

– Ông đã giấy tôi những chuyện khác hệt như chuyện này hả?

– Chỉ những chuyện sẽ khiến cháu đau khổ.

– Chuyện gì sẽ khiến tôi đau khổ chứ, Knopf?

– Đánh mất ảo tưởng. Chúng đã xoa dịu tuổi thơ cháu, nhưng làm sau cháu trách cứ chuyện đó được, hồi ấy cháu quá cô đơn.

– Ông đang cố nói với tôi chuyện gì à?

– Liliane là anh hùng trong lòng cháu, cháu đã viết lại câu chuyện về bà ấy dựa vào những lời nói bâng quơ của mẹ, nhưng ta xin lỗi, Suzie, bà ấy không phải là người như cháu vẫn nghĩ đâu.

– Giá như hồi ấy ông nói cho tôi biết, Knopf ạ, giờ tôi đã là một phụ nữ trưởng thành.

– Liliane đã lừa dối ông ngoại cháu, ông nói.

– Ông ngoại biết chuyện ư?

– Đương nhiên là ông ấy biết, nhưng đã nhắm mắt làm ngơ. Ông ấy yêu Liliane quá đỗi nên không liều lĩnh để mất bà ấy.

– Tôi không tin ông.

– Không có gì ép cháu phải tin. Dù sao, tự cháu cũng sẽ sớm tìm ra sư thật thôi, vì ta cho là cháu đã lên đường tới cái hồ đó rồi.

Giờ thì đến lượt Suzie nín thở.

– Khi tới hồ Schroon, cháu hãy đến gặp ông chủ tiệm tạp hóa trong làng, chỉ có một tiệm tạp hóa ở đó thôi. Phần tiếp theo thì tùy cháu, nhưng nếu ta được phép nhắc lại lời khuyên tự đáy lòng mình, thì cháu hãy quay về đi.

– Tại sao tôi phải làm thế?

– Vì cháu vốn yếu đuối hơn những gì cháu muốn thừa nhận, và cháu vẫn đang bấu víu vào những ảo ảnh.

– Người tình của bà tôi là ai? Suzie nghiến răng hỏi ông.

Knopf gác máy mà không đáp.

Tì tay trên máy bán thuốc lá, Andrew kiên nhẫn chờ đến khi Suzie cất điện thoại vào túi áo rồi mới tiến lại phía cô.

*

Knopf đặt lại ống nghe xuống đế điện thoại và đan hai tay ra sau gáy.

– Khi nào mới được ngủ trọn một đêm mà không bị làm phiền? Bạn đời của ông gặng hỏi.

– Ngủ đi, Stan, muộn rồi.

– Và để mình lại đơn độc với chứng mất ngủ à? Giá kể mình nhìn thấy mặt mình lúc này. Chuyện gì khiến mình sầu não đến vậy?

– Chẳng có gì, tôi mệt thôi.

– Là còn bé à?

– Ừ.

– Mình giận con bé à?

– Tôi cũng chẳng biết nữa, lúc có lúc không.

– Mình không biết điều gì nữa? Stan vừa hỏi vừa nắm tay Knopf.

– Rằng đâu là sự thật.

– Từ khi tôi quen biết mình, gia đình ấy đã hùy hoại cuộc đời mình, và chúng ta đã sắp kỷ niệm bốn mươi năm chung sống. Dù kết cuộc có ra sao, nếu chuyện này có thể chấm dứt, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm thực sự.

– Chính lời tôi từng hứa đã hủy hoại cuộc sống của hai ta.

– Lời hứa đó, mình đã nói vì khi ấy mình còn trẻ và lại đang si mê một thượng nghị sĩ. Cũng bởi vì chúng ta không có con và vì mình đã chọn gánh vác một trọng trách không phải là của mình. Đã bao nhiêu lần tôi nhắc mình cảnh giác với điều đó? Mình không thể cứ tiếp tục mãi trò chơi hai mặt này được. Mình sẽ vì chuyện đó mà bỏ mạng mất thôi.

– Đến tuổi này rồi thì chuyện đó cũng đâu có sao? Mà đừng nói linh tinh nữa, tôi luôn ngưỡng mộ Walker, ông ấy là quân sư của tôi.

– Với mình thì ông ấy còn hơn cả như thế. Mình tắt đèn nhé? Stanley nói.

*

– Tôi không đi quá lâu đấy chứ, hy vọng thế, Andrew hỏi lúc ngồi lại vào bàn.

– Không, tôi đang ngắm tuyết rơi, cũng như lúc ngắm những đốm than, chẳng bao giờ ta thấy chán.

Người bồi bàn quay lại tiếp cà phê vào đầy tách của họ. Andrew quan sát bảng tên cài trên áo khoác ngoài của bà ta.

– Anita, bà có thể cho tôi biết quán trọ bên đường kia có ổn không?

Anita tuổi đã ngoài sáu mươi, bà ta đeo mi giả, những sợi lông mì dài như mi búp bê sáp, đôi môi được tô quá tay với lớp son dày bự, và lớp phấn trên gò má chỉ làm hằn sâu thêm những nếp nhăn của một cuộc đời buồn tẻ làm bồi bàn cho một quán ăn ven đường ở phía Bắc bang.

– Cậu từ New York tới à? Bà vừa nhai kẹo cao su vừa hỏi. Tôi tới đó một lần rồi. Quảng trường Thời Đại và Broadway, ở đó vui thật đấy, đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Chúng tôi đã đi bộ hàng giờ liền, tôi bị vẹo cả cổ vì mải ngắm những tòa nhà chọc trời. Thật bất hạnh cho tòa tháp đôi, nói để biết là tôi từng tham quan chúng, mỗi lần nghĩ đến tôi lại thấy đau lòng. Họa có điên khi làm chuyện đó với chúng ta.

– Phải, đúng là họa có điên, Andrew đáp lại.

– Khi họ tiêu diệt được tên khốn đó, mọi người ở đây đã òa khóc vì vui mừng. Tôi đoán ở Manhattan các cậu hẳn phải tổ chức cả tiệc tùng để chúc mừng sự kiện đó nhỉ.

– Tôi đoán thế, Andrew thở dài, tôi không có mặt ở Manhattan vào thời điểm ấy.

– Thật đáng tiếc khi bỏ lỡ chuyện đó. Tôi với chồng, chúng tôi đã quyết định sẽ quay lại đó vào dịp sinh nhật bảy mươi tuổi của tôi. Cũng may mà tôi chưa phải xách va li đi ngay ngày mai.

– Thế quán trọ kia thì thế nào, bà Anita?

– Nó sạch sẽ đấy chàng trai, cũng không tệ lắm. Với một chuyến trăng mật cùng cô gái xinh đẹp nhường này thì chỗ đó không bằng Copacabana được, bà bồi bàn nói thêm với giọng the thé cao vút như đôi giày cao gót mà bà ta đang đi. Còn có một chỗ tên là Holiday Inn lịch sự hơn một chút thì cách đây hai mươi dặm, nhưng với thời tiết này, tốt nhất là không nên ra đường nữa. Dù gì thì khi con người ta yêu nhau, chỉ cần một chiếc gối êm đã là đủ. Tôi phục vụ cô cậu chút gì nhé? Nhà bếp sắp nghỉ rồi.

Andrew chìa cho bà ta một tờ hai mươi đô la, cảm ơn vì thái độ lịch sự, lời khen mà bà ta hiểu theo đúng nghĩa đen, và ra hiệu bà cứ giữ lấy tiền thừa.

– Cứ nói với ông chủ quán trọ là cô cậu do tôi giới thiệu, ông ấy sẽ giảm giá thêm cho một ít, và hãy yêu cầu phòng phía sau nhà, nếu không thì đến sáng cô cậu sẽ bị đánh thức bởi tiếng ồn ào của những chiếc xe tải đỗ lại tại đây, và tôi dám chắc với cậu rằng ông ấy sẽ bỏ qua chi tiết đó.

Andrew và Suzie sang bên kia đường. Andrew đặt hai phòng với ông chủ quán trọ, nhưng Suzie phản đối, nói rằng chỉ một phòng là đủ.

Một chiếc giường lớn, một thảm trải sàn đã cũ, một ghế bành còn cũ hơn nữa, một chiếc bàn từ những năm 1970 và một máy thu hình cùng niên đại, đấy là tất cả những gì được gọi là nội thất của căn phòng này, trên tầng hai của một tòa nhà xấu xí.

Phòng tắm chẳng có gì hấp dẫn hơn, nhưng nước nóng thì tràn trề.

Andrew lấy từ trong tủ ra một chiếc chăn, một chiếc gối từ trên giường, và sắp xếp một chỗ ngủ sát cửa sổ. Rồi, anh chui vào chăn và để đèn đầu giường sáng nguyên trong khi Suzie đang tắm. Cô ra khỏi nhà tắm, một chiếc khăn quấn quanh hông, ngực để trần, và đến nép sát vào anh.

– Đừng làm thế, anh nói.

– Tôi vẫn chưa làm gì mà.

– Đã lâu rồi tôi không nhìn thấy phụ nữ ở trần.

– Thế điều đó tác động tới anh à? Cô vừa thì thầm vừa luồn tay vào trong chăn.

Bàn tay cô lên xuống chầm chậm, nắm chặt dương vật của Andrew, cổ họng anh nghẹn lại không thốt ra được lời nào. Cô làm tiếp, cho đến khi khoái lạc ập đến. Đến lượt mình, anh cũng muốn dâng tặng lạc thú cho cô và quay sang hôn lên ngực cô, nhưng cô khẽ đẩy anh ra và tắt đèn ngủ.

– Tôi không thể, cô lẩm bẩm, vẫn chưa.

Rồi, cô nép sát vào anh và nhắm mắt lại.

Andrew vẫn mở to mắt, cái nhìn găm chặt lên trần nhà và nín thở. Phần bụng dưới của anh dính chặt vào chăn khiến anh cảm giác khó chịu. Cảm giác về một sai lầm mắc phải, về một tội lỗi nho nhỏ mà anh không biết cưỡng lại cách nào và là thứ, sau khi hưng phấn qua đi, khiến anh lúc này có cảm giác mình thật tồi tệ.

Hơi thở của Suzie dịu dần. Andrew đứng dậy và đi về phía chiếc tủ nhỏ đặt dưới giá treo tivi. Anh mở tủ, nhìn những chai rượu lóe sáng dưới ánh đèn với vẻ thèm thuồng rồi đóng cửa tủ lại.

Anh vào phòng tắm và dựa người vào cửa sổ. Cơn bão tuyết đang quét qua các cánh đồng trải dài quá cả đường chân trời giờ đã không còn đoán biết nổi. một đông cơ gió đã han gỉ quay cọt kẹt trên trục, phần mái của một nhà kho kêu lạch xạch theo từng cơn gió táp, một con bù nhìn héo hắt với dáng vẻ của một vũ công gầy đét dường như đang muốn kết lại một điệu lượn mà bất thành. New York xa thật xa, Andrew tư lự, nhưng nước Mỹ của tuổi thơ anh vẫn đó, nguyên vẹn trong những vùng hiu quạnh như thế này, và anh khao khát được thấy lại, dù chỉ một khoảnh khắc, khuôn mặt đầy tin cậy của bố anh.

Khi anh trở vào phòng, Suzie đã xuống khỏi giường và ngủ tiếp dưới sàn nhà.

*

Phòng ăn của quán Dixie Lee không còn chút nào giống với căn phòng họ mới ăn tối qua. Một bản tạp âm những giọng nói đang chào buổi sáng. Tất cả các ô bàn và ghế, mới hôm qua còn trơ ra không ai ngồi, giờ đều đã kín chỗ. Anita chạy từ bàn này qua bàn khác, bê những chồng đĩa cao ngất kín cả cẳng tay phân chia cho các bàn với sự khéo léo chẳng khác nào những nghệ sĩ xiếc thăng bằng.

Bà nháy mắt với Andrew và chỉ cho anh một bàn nhỏ nơi hai tài xế đường dài sắp sửa đứng dậy.

Suzie và Andrew ngồi xuống.

– Thế nào, ngủ ngon chứ, đôi tình nhân? Đêm qua gió thổi khiếp quá, chắc là cô cậu đã nhìn thấy mặt đường lúc sáng rồi nhỉ, tất cá đã trắng xóa, nhưng lớp tuyết này sẽ chóng tan thôi. Dù độ dày có khi phải đến cả tấc. Tôi mang cho cô cậu hamburger nhé? Đùa thôi, vì thấy tối qua hai người gọi bánh kếp…

– Hai cà phê và hai trứng ốp lết đầy đủ, suất của tôi thì không jambon, Suzie đáp.

– Hóa ra cô ấy biết nói đấy, công chúa! Hôm qua, tôi cứ ngỡ cô bị câm. Hai ốp lết, một không jambon, và hai cà phê, Anita nghêu ngao trong lúc trở lại quầy bar.

– Sao có người đàn ông nào lại ngủ được trên giường nhà bà ta chứ, Suzie thở dài.

– Tôi thấy bà ấy được mà, hẳn là bà ấy từng rất xinh đẹp.

– Broadway thật là vui! Suzie nói tiếp bằng một giọng chói tai, phóng đại câu giễu nhại của cô bằng cách làm như vẻ đang nhai kẹo cao su.

– Tôi đã lớn lên từ một vùng quê như ở đây, Andrew nói. Những người dân sống ở đó độ lượng hơn hàng xóm của tôi ở New York.

– Hãy chuyển nhà đi!

– Tôi có thể biết điều gì khiến cô có tâm trạng vui vẻ thế này không?

– Tôi ngủ ít và tôi không thích tiếng réo khi dạ dạy rỗng tuếch.

– Tối qua…

– Đó là chuyện tối qua, và tôi không muốn nhắc tới nữa.

Anita mang bữa sáng ra cho họ.

– Cơn gió nào đưa cô cậu tới đây thế? Bà ta vừa đặt hai suất ăn xuống trước mặt họ vừa hỏi.

– Những kỳ nghỉ bõ công sức, Andrew đáp, chúng tôi đi thăm thú dãy Adirondacks.

– Nhớ đến tham quan khu bảo tồn Tupper ấy. Giờ không phải mùa đẹp nhất, nhưng ngay cả vào mùa đồng, nơi đó cũng tuyệt đẹp.

– Vâng, chúng tôi sẽ tới hồ Tupper, Andrew đáp.

– Hãy ghé lại bảo tàng Lịch sử tự nhiên, rất đáng xem đấy.

Suzie không chịu nổi nữa. Cô bảo Anita tính tiền, bà hiểu ra rằng sự hiện diện của mình không hề được chào đón. Bà ta viết vội vào cuốn sổ, xé tờ phiếu và đưa cho Suzie.

– Đã bao gồm phí phục vụ, bà ta đáp rồi đi khỏi, vẻ kiêu kỳ.

*

Nửa giờ sau, họ đi qua làng Schroon Lake.

Andrew dừng xe ở giữa đường lớn.

– Đỗ xe trước tiệm tạp hóa kia, Suzie bảo anh.

– Rồi sau đó?

– Ở cái chốn khỉ ho cò gáy thế này, chủ tiệm tạp hóa thường có uy quyền đáng kể đấy, tôi biết mình đang nói gì.

Tiệm tạp hóa có vẻ ngoài như một cửa hàng bách hóa lớn. Hai bên cửa vào bày la liệt các sọt rau và thực phẩm muối. Ở giữa, các giá kệ chất đầy đồ gia dụng, phía sau cửa hàng là khu bày bán đồ ngũ kim và dụng cụ sửa chữa lặt vặt. Có thể tìm thấy mọi thứ ở tiệm Broody & Sons này, ngoại trừ dáng vẻ hiện đại. Suzie bắt chuyện với người đán ông đứng sau quầy thu ngân và nhờ anh ta cho nói chuyện với chủ cửa hàng.

– Ông ấy đang đứng trước mặt cô đây, Dylon Broody đáp, có chút kiêu căng của người độ tuổi tam thập nhi lập.

– Người mà tôi muốn tìm lớn tuổi hơn anh một chút.

– Jack đang ở Afghanistan còn Jason thì ở Irak, không phải cô đem tin xấu đến đấy chứ, hy vọng thế?

– Người thuôc thế hệ trước cơ, Suzie nói tiếp, à không, không có tin xấu nào đâu.

– Bố tôi đang làm sổ sách ở sau cửa hàng, nhưng giờ không phải là lúc làm phiền ông ấy.

Suzie đi đến cuối cửa hàng và gõ cửa phòng, trong khi ấy Andrew cũng lại chỗ cô.

– Xéo ngay, Dylon, tao còn chưa tính xong, cô nghe thấy tiếng hét từ trong vọng ra.

Suzie bước vào trước. Elliott Broody là một người đàn ông nhỏ thỏ với khuôn mặt khắc khổ. Ông ta ngẩng lên khỏi cuốn sổ lớn và cau mày nhìn vị khách không mời. Ông ta chỉnh lại kính trên mũi rồi lại chìm đắm trong những phép tính.

– Nếu là để bán gì đó cho tôi, thì cô đến vô ích rồi. Tôi đang kiểm kê hàng mà thằng con ngốc nghếch của tôi thì vẫn không biết quản lý lượng hàng tồn đâu.

Suzie rút một bức ảnh từ trong túi ra và đặt nó lên trên cuốn sổ kế toán.

– Ông có biết người phụ nữ này không?

Ông chủ tạp hóa nhìn bức ảnh đã bị thời gian làm cho phai mờ. Ông ta chăm chú qun sát bức ảnh rồi nhìn chằm chằm vào Suzie. Rồi ông ta đứng dậy và đưa khuôn mặt đen trắng của Liliane Walker lại gần khuôn mặt hầu như đã tái nhợt của cô cháu gái.

– Cô giống bà ấy quá, ông chủ tiệm già nua nói. Chuyện lâu lắm rồi. Nhưng tôi không hiểu, cô còn quá trẻ để có thể là con gái của bà ấy?

– Liliane là bà ngoại tôi, vậy là ông biết bà ấy?

– Đóng cửa lại đi và ngồi xuống đây. À mà không, ông ta đổi ý, không phải ở đây.

Ông ta cầm lấy chiếc áo vest lót da cừu từ móc áo rồi xoay chốt của một cánh cửa nhỏ thông với một bãi đất hoang phía sau cửa hàng.

– Đây là chỗ để tôi hút trộm thuốc lá, Elliott vừa mở nắp một thùng phuy vừa thú nhận. Ông ta lấy ra một bao thuốc, mời hai vị khách hút, rồi ngậm lấy một điếu và quẹt diêm.

– Sau này, tôi mời ông đi uống cà phê nhé?

Vẻ căng thẳng toát ra từ Suzie rõ mồn một. Andrew đặt tay lên vai cô và nhìn cô với ánh mắt khích lệ để cô hiểu rằng không nên bộc lộ cảm xúc ở đây.

– Trong làng, bà cô được gọi là Mata Hari.

– Sao lại là tên đó?

– Không ai ở đây bị qua mắt trước việc mà bà ấy đến đây làm. Ban đầu, chuyện đó cũng chẳng dễ chịu gì, nhưng bà cô luôn biết cách lấy lòng những người xung quanh. Bà ấy đáng mến và độ lượng. Vậy nên, người trong làng rốt cuộc cũng nhắm mắt làm ngơ và quý mến bà ấy như còn người bà ấy thể hiện.

– Nhắm mắt làm ngơ chuyện gì? Suzie hỏi lại bằng giọng đã dao động.

– Mọi chuyện giờ cũng không còn quan trọng nữa, đã là quá khứ rồi. Điều đáng kể là thứ bà ấy đã để lại cho cô. Tôi vẫn luôn ngờ rằng một ngày nào đó có người sẽ tới, với tất cả chỗ tiền đã chi ra, nhưng người tôi đợi là con gái bà ấy.

– Bà tôi đã để lại gì đó cho tôi, ở đây, trong cửa hàng của ông ư?

Elliott Broody bật cười ha hả.

– Không, không hẳn là như thế, có lẽ tôi khó mà xếp thứ đó vào kho nhà tôi được.

– Xếp cái gì?

– Đi nào, hai người theo tôi, Elliott vừa nói vừa rút một chùm chìa khóa ra khỏi túi.

Ông ta đi về phía một chiếc xe bán tải đỗ ở cuối bãi đất hoang.

– Cả ba chúng ta ngồi lên phía trước, ông ta vừa mở cửa xe vừa nói. Lên thôi!

Mặt da của băng ghế nhăn nheo không khác nào gương mặt Elliott. Trong cabin phảng phất mùi xăng. Động cơ khạc lên vài tiếng rồi bắt đầu kêu ro ro. Elliott Broody vào số và chiếc xe chồm lên phía trước.

Ông chủ tiệm tạp hóa bấm còi khi đi qua phía trước cửa hàng nhà mình và ra hiệu với con trai, người đang nhìn ông ta với vẻ sửng sốt. Đi được ba cây số, chiếc xe bán tải rẽ vào một con đường đất và dừng lại trước một cầu tàu.

– Gần đến rồi, vừa xuống xe ông ta vừa nói.

Ông ta đi ra tận cuối cầu tàu, rồi mời Suzie và Andrew lên chiếc thuyền con đang neo ở đó. Elliott nhổ vào hai bàn tay rồi lấy hết sức bình sinh kéo dây kích hoạt một động cơ hai thì cũ kỹ gắn vào đuôi thuyền. Ông ta phải kéo đến ba lần mới khởi động được máy. Andrew đề nghị giúp, nhưng anh chỉ nhận được ánh mắt khó chịu thay cho câu trả lời.

Chiếc thuyền rẽ trên mặt hồ một đường xoáy nước vừa mới thành hình đã tan biến, tiến về phía một hòn đảo nhỏ xanh cây vươn mình như chiếc sà lan dài đậu bên doi cát.

– Chúng ta đang đi đâu vậy? Suzie hỏi.

Elliott Broody mỉm cười rồi trả lời cô:

– Đi về quá khứ, đến gặp bà cô.

Chiếc thuyền chạy vòng quanh hòn đảo và đỗ dọc vào bến. Elliott tắt động cơ, nhảy lên bờ, cầm sợi chão quấn quanh cọc neo thuyền. Công việc này có vẻ rất quen thuộc với ông ta. Suzie và Andrew đi theo sau.

Họ ngược lên một con đường ngoằn ngoèo xuyên qua khu rừng, và trên bầu trời mờ đục báo hiệu một cơn mưa tuyết sắp tới dần hiện lên phần chân một ống khói bằng đá xám, xám như màu đất sét phơi khô.

– Lối này, Elliott Broody lên tiếng khi tới một ngã ba trước một căn lán lụp xụp. Cứ đi thẳng theo đường này sẽ tới một bãi cát nhỏ rất đẹp. Bà cô rất thích tới đó đi dạo khi mặt trời lặn, nhưng chưa đến mùa. Còn vài bước nữa là tới nơi thôi, ông chủ tiệm tạp hóa nói thêm.

Và phía sau một hàng rào toàn thông trắng, Suzie và Andrew nhận ra một ngôi nhà đang im lìm say ngủ.

– Đây là nhà nghỉ của bà cô, Elliott Broody thông báo. Cả hòn đảo này là của bà ấy, và bây giờ, tôi đoán nó thuộc về cô.

– Tôi không hiểu, Suzie nói.

– Thời đó, còn có một sân bay nhỏ ở phía Bắc làng. Hai tuần một lần, vào thứ Sáu, và cô lại lái một chiếc Piper Cherokee hạ cánh xuống sân bay đó. Bà ấy ở đây đến hết cuối tuần rồi lại đi khỏi vào thứ Hai. Bố tôi là người trông nom ngôi nhà, hồi đó tôi mười sáu tuổi, tôi thường phụ giúp bố. Ngôi nhà không còn được sử dụng từ cuối mùa hè năm 1966. Một năm sau khi bà cô mất tích, chồng bà ấy đến thăm nhà tôi. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy vì nhiều lẽ đã rõ. Ông ấy nói là tha thiết mong ngôi nhà này vẫn thuộc sở hữu của gia đình. Đó là tài sản duy nhất thuộc về vợ ông ấy mà không bị Nhà nước tịch thu.Ông ấy giải thích với chúng tôi rằng đứng tên chủ sở hữu căn nhà là một công ty nên người ta không thể tịch biên nó được. Tóm lại, chuyện đó không liên quan gì tới chúng tôi, mọi chuyện đã đủ đau buồn và phiền phức nên chúng tôi cũng chẳng đặt câu hỏi. Hằng tháng, chúng tôi vẫn nhận được tiền chuyển khoản để trông nom nhà cửa và lau chùi đồ đạc. Khi bố tôi mất, tôi là người kế tục.

– Một cách tự nguyện? Andrew hỏi.

– Không, tiền công vẫn tiếp tục được chuyển khoản và thậm chí mỗi năm còn đều đặn tăng thêm một chút. Ngôi nhà đã được chăm chút đâu ra đấy. Tôi không nói là trong đó sạch tinh không một vết bụi, nhưng tôi cùng với mấy thằng con, bố con tôi đã làm hết sức, ngay cả khi bây giờ tôi có tới hai đứa trong quân ngũ, công việc cũng vất vả hơn một chút. Mọi thứ vẫn chạy tốt, nồi hơi mới được thay năm ngoái, mái nhà luôn được sửa sang khi cần thiết, lò sưởi cháy đều, và bình gaz đầy nguyên. Chỉ cần lau dọn một chút là ngôi nhà này lại như mới. Cô đang ở trong nhà mình, thưa cô, vì đó là di nguyện của ông cô, Elliott kết lại và đưa chìa khóa nhà cho Suzie.

Suzie quan sát hồi lâu ngôi nhà. Cô bước lên các bậc thềm và tra chìa vào ổ khóa.

– Tôi sẽ giúp cô, Ellitott vừa bước lại vừa nói, cánh cửa này hơi đỏng đảnh, phải mạnh tay một chút.

Và cánh cửa mở vào một phòng khách rộng rãi với đồ đạc được phủ kín bằng vải trắng.

Elliott đẩy các cánh cửa chớp ra, và ánh sáng tràn vào phòng. Bên trên một lò sưởi rất to, Suzie nhìn thấy bức chân dung của bà cô, như đang mỉm cười với cô.

– Không thể tin nổi là cô giống bà ấy đến thế, Andrew nói. Ánh nhìn của hai người, đôi mắt và khuôn miệng đều y hệt nhau.

Suzie đến bên bức chân dung, cảm xúc trong cô hiện rõ mồn một ra bên ngoài. Cô kiễng chân rồi mơn man phần dưới bức tranh với động tác nhẹ nhàng phảng phất nỗi buồn mơ hồ. Cô quay người lại và nhìn khắp phòng khách.

– Cô có muốn tôi dỡ khăn phủ đồ đạc ra không? Elliott Broody hỏi.

– Không, tôi muốn lên tầng trên xem qua trước đã.

– Chờ tôi một lát, ông chủ tiệm nói rồi bước ra ngoài.

Suzie bước đi trong phòng, lướt tay lên khắp các đồ nội thất, từng góc mép của ô cửa sổ, cứ mỗi lần như thế lại ngoảnh lại để ngắm nghía cảnh tượng từ một góc nhìn khác. Andrew im lặng quan sát cô.

Có tiếng động cơ chạy xình xịch và từng bóng của chiếc đèn chum treo trên trần bắt đầu le lói rồi bừng lên sáng rỡ.

Elliott trở vào chỗ họ.

– Đó là hệ thống máy phát điện. Sẽ quen với tiếng ồn thôi. Nếu nó ngừng chạy, cô có thể ra nhà kho thì sẽ thấy. Tháng nào tôi cũng cho nó hoạt động, bình dầu dự trữ gần như còn đầy. Công suất thì bao nhiêu cũng được, nhưng cô đừng bật tất cả các đèn cùng một lúc. Tôi cũng đã bật lại nồi hơi, khoảng một tiếng nữa sẽ có nước nóng. Phòng tắm và phòng ngủ ở trên tầng, theo tôi nào.

Cầu thang thơm mùi gỗ thích và lan can hơi lung lay khi vịn tay lên đó. Khi bước đến bậc trên cùng, Suzie chần chừ trước cánh cửa chắn trước mặt cô.

Andrew ngoảnh lại ra hiệu cho Broody trở xuống cùng anh.

Suzie không nhận ra sự vắng mặt của họ, cô đặt tay lên nắm cửa và bước vào phòng ngủ của Liliane.

Ở đây, không hề có mảnh vải nào phủ lên đồ đạc. Căn phòng được sửa soạn tinh tươm như thể tối hôm nay, chủ nhân của nơi này sẽ đến. Một chiếc chăn Ấn Độ dày dặn điểm những đốm màu đỏ và xanh lá cây phủ trên chiếc giường rộng rãi nơi hai chiếc gối căng phồng đang chờ người gối đầu lên. Giữa hai ô cửa sổ hình vuông vướng vít những dây nho là một chiếc bàn cùng chiếc ghế tựa bằng gỗ bu lô. Một tấm thảm Apalache lớn trải trên mặt sàn lát bằng nhưng ván gỗ thông to bản mà những vân gỗ to như nắm tay, và phía bên phải, dọc theo tường phòng, là một lò sưởi bằng đá với mặt trong lò đã ám khói đen sì sau những buổi tối mùa đông.

Suzie mở một ngăn kéo tủ com mốt. Quần áo của Liliane vẫn được xếp gọn gàng trong đó dưới những mảnh giấy lụa mà cô vừa nhấc lên.

Cô giở một chiếc khăn san ra và quàng nó qua vai rồi tự ngắm mình trong gương. Rồi cô vào trong phòng tắm và đến bên lavabo tráng men. Một chiếc cốc với hai bàn chải đánh răng và hai lọ nước hoa kề bên nhau trên chiếc gia bên trên lavabo. Một nước hoa phụ nữ và một nước hoa nam giới. Cô hít hà cả hai lọ, đóng nắm lại và ra khỏi phòng.

Khi cô xuống dến phòng khách, Andrew đang gỡ các tấm vải phủ trên đồ đạc.

– Broody đâu?

– Ông ấy đi rồi. Ông ấy cho là chúng ta muốn qua đêm ở đây. Con trai ông ấy sẽ để một sọt đồ dự trữ cho chúng ta ở cần tàu vào buổi chiều. Lán dụng cụ chất đầy củi, ông ấy bảo tôi thế, lát nữa tôi sẽ đi lấy. Sau đó, chúng ta sẽ làm một vòng quanh nhà, nếu cô muốn.

– Tôi vẫn chưa quen với điều này.

– Rằng cô là người thừa kế một nơi đẹp đẽ nhường này sao?

– Rằng bà tôi có một nhân tình.

– Có thể đó chỉ là những chuyện ngồi lê đôi mách trong làng?

– Ở trên kia, tôi đã thấy một lọ nước hoa không phải của ông tôi.

Cánh cửa bật mở và Elliott Broody hổn hển bước vào.

– Tôi quên không để lại số điện thoại của tôi. Nếu cần bất cứ thứ gì, cô cứ gọi.

– Ông Broody này, nhân tình của bà tôi là ai vậy? Suzie hỏi.

– Không ai trong thấy ông ấy cả, ông ấy đến vào tối thứ Sáu, sau khi bà cô đến, vào cái giờ mà mọi nhà đều đã đóng cửa, và ông ấy lại đi vào Chủ nhật. Chúng tôi thường chuyển đồ tiếp tế trước khi ông ấy đến và trong suốt dịp cuối tuần, chúng tôi không được phép lại gần hòn đảo. Cha tôi không được phép vi phạm quy định đó, bà cô rất rắn trong chuyện này.

Andrew tiến lại chỗ Broody.

– Cha ông thì tôi không nghi ngờ gì cả, nhưng một cậu thiếu niên mười sáu tuổi chẳng nhẽ lại không thấy cám dỗ trước việc vi phạm một điều cấm kỵ, Andrew nói.

Broody cụp mắt xuống và húng hắng ho.

– Tôi cần được biết, Suzie nói tiếp, chính ông đã nói câu này, những chuyện đó giờ dã là chuyện cũ. Giờ chuyện đó có thể ảnh hưởng gì được nữa chứ?

– Tôi trông nom ngôi nhà này đã bốn mươi năm, tôi được trả lương hằng tháng, chưa bao giờ phải thắc mắc chuyện thù lao. Không phải khách hàng nào của tôi cũng được như vậy. Tôi không muốn gặp phiền phức.

– Kiểu phiền phức gì? Andrew hỏi.

– Ông cô đã bắt bố tôi phải thề danh dự rằng ông ấy sẽ không bao giờ nói gì về những cuộc lẩn trốn của bà Walker. Nếu ai đó biết được bất cứ chuyện gì, hòn đảo sẽ bị rao bán và tiền công sẽ bị cắt.

Andrew lục tìm trong túi quần và lấy ra năm tờ hai mươi đô.

– Tôi có hai câu muốn hỏi ông, ông Broody. Câu thứ nhất: ai là người chuyển tiền hằng tháng?

– Chẳng gì buộc được tôi phải trả lời anh, nhưng tôi vẫn sẽ làm thế, vì lòng trung thực, Broody vừa nhận những tờ tiền từ tay Andrew vừa nói. Tôi được trả bốn nghìn đô la, cũng hợp lý so với khối lượng công việc phải làm trên đảo. các khoản thanh toán do một công ty thực hiện, tôi cũng không biết gì về công ty đó, tôi chỉ biết tên công ty in trên biên lai nhận tiền của tôi thôi.

– Tên nó là gì?

– Brewswater Norvegian Inc.

– Và bây giờ là câu hỏi thứ hai: người đàn ông ở cùng Liliane Walker vào các dịp cuối tuần là ai?

– Hồi đó chúng tôi còn nhỏ. Vào mùa hè, bà cô thích đi bơi cùng người đó. Bà ấy thật sự rất đẹp. Thỉnh thoảng chúng tôi bơi qua đó và trốn trong rừng, mạn trên hồ. Hồi đó ông ta vẫn còn chưa được nhiều người biết đến. Tôi chỉ nhìn thấy ông ta có hai lần, tôi cam đoan với cô điều đó. Phải rất lâu sau tôi mới biết đó là ai.

– Bla blab la, Suzie thở dài, người đó là ai?

– Kỳ cục thật, bà cô cũng có phản ứng chính xác như vậy mỗi lần sốt ruột. Đó là một người vừa giàu có vừa có uy quyền, Elliott Broody nói tiếp, không phải kiểu người cô muốn gây thù chuốc oán đâu. Điều trớ trêu trong toàn bộ chuyện này nằm ở chỗ bà cô không phải là đối tượng tranh giành duy nhất giữa ông cô và ông ấy. Cứ hình dung mà xem, vợ của một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ có quan hệ với một người của đảng Cộng hòa. Nhưng tất cả những chuyện đó đều đã là quá khứ và nên để yên như vậy. Có gì buộc tôi phải kể những chuyện này cho cô cậu chứ?

Suzie lại gần ông chủ tiệm tạp hóa và cầm bàn tay ông lên.

– Những bí mật gia đình này thuộc về tôi, và kể từ giờ phút này, cô nói, tôi sẽ là người thanh toán tiền trông nom ngôi nhà. Vậy thì, ông Broody, hãy coi đó là mệnh lệnh đầu tiên của một cô chủ cũng khắt khe và cứng rắn như bà tôi từng thế, và nói cho tôi nghe những điều ông biết.

Broody chần chừ một lúc.

– Đi cùng tôi ra thuyền, tôi phải về.

Và trên đường xuống bến thuyền, Elliott Broody bắt đầu kể.

– Tôi phải nói với một một chuyện mà tôi đã cho ông ngoại cô biết vào ngày ông ấy đến đây. Bà cô và người tình đã chia tay trên hòn đảo này. Tôi cùng lũ bạn có mặt tại đây, núp sau những cái cây mà cô thấy phía đằng kia, vào cái ngày xảy ra cãi vã giữa họ. Không biết điều gì đã châm mồi cho mâu thuẫn giữa hai người, khi ấy họ chưa to tiếng đến mức chúng tôi có thể nghe thấy từ vị trí quan sát. Nhưng khi trận cãi vã bùng nổ, chúng tôi lại ở vị trí đẹp và chưa bao giờ chúng tôi nghe người khác tuôn ra chừng ấy lời rủa xả… Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhớ vài từ. Bà ấy mắng nhiếc ông ấy hèn nhát, thối nát, thôi tôi bỏ qua nhé, tôi không dám nhắc lại với cô những từ ấy. Bà ấy nói sẽ không bao giờ gặp lại ông ấy nữa, rằng bà sẽ đi tới cùng, với bất kỳ giá nào, dù có ông ấy hay không. Ông ấy nổi khùng lên và tát bà mấy cái. Những cái tát như trời giáng. Đến nỗi mà tôi cùng chúng bạn, chúng tôi còn tự hỏi có nên chạy ra can hay không. Không ai được phép động tay với phụ nữ. Nhưng khi bà ấy ngã xuống mặt cát, ông ấy rốt cuộc cũng bình tĩnh lại. Ông ấy gom nhặt đồ đạc, và ông ấy ra thuyền đi mất, bỏ lại bà ở đó.

– Thế còn bà ấy, bà ấy đã làm gì? Suzie cố nài.

– Tôi thề với cô điều này, thưa cô, nếu cha tôi mà tát tôi dù chỉ một cái như cái tát bà cô phải chịu thì hẳn tôi đã khóc hết nước mắt rồi. Bà cô thì không, không một giọt nước mắt! Chúng tôi muốn chạy ra giúp bà ấy lắm, nhưng lại sợ! Bà ấy quỳ sụp ở đó một lúc, rồi đứng dậy, ngược theo đường mòn và bà ấy vào trong nhà. Ngày hôm sau, tôi lén lút trở lại xem bà ấy thế nào, nhưng bà ấy đã đi khỏi. Tôi không bao giờ còn gặp lại bà ấy nữa.

– Quý ông kia là ai? Andrew gặng hỏi.

– Một người đàn ông sau đó đã kết hôn và quyền lực của ông ấy không ngừng lớn mạnh, đạt tới đỉnh cao quyền lực, nhưng đấy là rất nhiều năm về sau. Giờ thì tôi đã nói đủ về chuyện đó rồi. Tôi sẽ để cô cậu lại đây, Elliott Broody vừa nhảy lên thuyền vừa nói. Khi nào con trai tôi đến mang đồ tiếp tế cho hai người, đừng hỏi nó những câu này, nó không biết gì về mấy chuyện đó đâu. Tôi chưa bao giờ kể nó nghe, và cũng không kể với bất kỳ ai. Hãy tận hưởng kỳ nghỉ của cô cậu ở đây, nơi này rất yên bình và tuyệt đẹp.

Chiếc thuyền của Elliott Broody chẳng mấy chốc chỉ còn là một dấu chấm ở phía chân trời. Suzie và Andrew bàng hoàng nhìn nhau.

– Giờ thì có quá nhiều thông tin cần xử lý và chừng ấy hướng điều tra phải xem xét, Andrew nói.

– Tại sao ông tôi lại cứ muốn bảo tồn nơi này nhỉ? Đây đáng ra phải là chốn ác mộng của ông chứ?

– Tôi không nghĩ nên bắt đầu từ hướng đó, nhưng đó là một câu hỏi đáng để suy nghĩ. Tôi nhường cô làm sáng tỏ bí mật đó của gia đình, điều thu hút tôi, đó là tìm hiểu sâu hơn về cái công ty đã không tiếc tiền trả lương hào phóng cho ông chủ tiệm tạp hóa, mà ông này thì chưa kể với chúng ta tất cả dâu. Và tôi cũng muốn biết bà cô đã nhắc tới chuyện gì khi đe dọa người tình rằng sẽ làm tới cùng, dù có cùng ông ấy hay không.

– Liệu ông ta có thể ám chỉ tới ai khi nói là “đạt tới tỉnh cao quyền lực”?

– Tôi không biết, Andrew đáp.

Họ chia tay nhau khi đén ngã rẽ trên đầu dốc. Andrew chui vào trong nhà kho còn Suzie đi xuyên qua hàng thông trắng để quay về nhà.

Trong một góc phòng khách có hình dạng trông như một chiếc dương cầm. Cô vén tấm vải phủ lên, mở nắp đậy và đặt tay lên phím đàn.

Andrew bước vào ngay sau đó, hai tay ôm đầy củi.

– Cô định chơi bản gì cho chúng ta nghe vậy? Anh hỏi. Sự im lặng ở nơi này thật ngột ngạt.

Suzie đưa tay lên, mỉm cười buồn bã hướng ánh mắt xuống ngón trỏ và ngón giữa đã cụt. Andrew đặt củi xuống cạnh lò sưởi rồi tới ngồi bên cạnh cô. Anh bấm vài nốt nhạc bằng tay phải và hích một cú khích lệ vào người ngồi bên. Cô chần chừ rồi rốt cuộc cũng bấm các hợp âm đệm theo giai điệu mổ cò của Andrew.

– Cô thấy không, chúng ta bổ sung cho nhau đấy chứ, anh vừa nói vừa tăng nhịp độ.

Rồi mỗi người lại trở về với bận bịu của riêng mình. Andrew mang vào nhiều củi hơn cần thiết, nhưng anh cảm thấy cần phải làm thế. Như thể việc đi lấy củi ở bên ngoài giúp anh không phải nghĩ ngợi gì. Còn Suzie, cô kiểm tra lần lượt từng ngăn kéo và tủ âm tường.

– Cô đang phí thì giờ đấy. Cô cho là nên lục tung ngôi nhà này từ hầm tới nóc chắc, Andrew vừa nói vừa cuối xuống nhìn dưới lanh tô lò sưởi.

Anh lần được sợi dây xích để mở một ô cửa ngập tràn và kéo nó lên. Một tia sáng xám xịt chiếu qua ống khói trong khi những mảng bồ hóng rơi lả tả xuống lò sưởi.

– Anh chơi trò ông già Noel đấy à? Suzie hỏi khi thấy anh thò hẳn mặt vào trong ống khói.

– Cô có thể mang cho tôi cái đèn pin tôi để trong túi đeo được không? Andrew hỏi.

Suzie làm theo.

– Có gì trong đó vậy?

– Thứ gì đó khác thường, anh đáp.

Lò sưởi đủ rộng để cả Suzie cũng đứng vào trong đó được.

– Nhìn này, Andrew vừa nói vừa di chuyển ngọn đèn. Ống khói này phủ kín bồ hóng, mạch vữa giữa các viên gạch đều đen kịt, trừ khoảng xung quanh những viên này, phía trên đầu tôi. Hẳn phải có dụng cụ ở chái nhà. Theo tôi.

Suzie rùng mình khi bước ra đến thềm. Andrew cởi áo vest và khoác nó lên vai cô.

– Trời bắt đầu lạnh thật rồi, anh nói.

Và trong lúc đi về phía lán dụng cụ, họ nghe thấy từ phía xa tiếng động cơ của một chiếc xuồng máy.

– Chắc là con trai của Broody mang thứ gì cho chúng ta ăn tối. Vừa kịp lúc, tôi sắp chết vì đói rồi. Cố tìm cho tôi một cá tuốc nơ vít to, và một cái búa. Tôi đi lấy đồ tiếp tế ngoài cầu tàu rồi trở lại sau.

Suzie nhìn Andrew đi xa dần trên con đường, cô bước vào lán dụng cụ.

Khi mở cánh cửa, cô nghe thấy tiếng lạch cạch của một cái xẻng, một cái cào, một cái cuốc và một cái chĩa bị đổ xuống sàn. Cô cúi xuống để xếp chúng vào chỗ cũ và chật vật mãi mới dựa vào tường được. Phía trên một bàn thợ, cô nhìn thấy những chiếc cưa nhiều kích cỡ cũng như rất nhiều dụng cụ khác vẫn treo trên móc. Cô do dự một lúc lâu rồi mới chọn lấy một cái đục, một cái búa và một cái giũa dài bằng sắt.

Cô ra khỏi lán dụng cụ. Những cành bu lô trơ trụi lá oằn mình trong làn gió đêm. Suzie máy móc đưa tay lên nhìn đồng hồ và bắt đầu thấy sốt ruột, đáng lẽ Andrew phải trở lại rồi. Cô nghĩ có lẽ anh không cưỡng lại được mong muốn dò hỏi thêm con trai ông chủ tiệm tạp hóa. Không muốn đi bộ, nhưng Suzie lại nghĩ có thể Andrew cần cô trợ giúp một tay để mang đồ dự trữ về. Cô ra để dụng cụ trên bậc thềm rồi đi ngược đường mòn, hai tay đút túi.

Khi lại gần bến thuyền, cô nghe thấy một tiếng quẫy nước, tiếng óc ách trầm đục càng lúc càng to. Cô rảo bước rồi đột nhiên khựng lại khi nghe thấy những tiếng kêu tắc nghẹn. Một người đàn ông dáng vẻ vạm vỡ đang quỳ gối phía cuối cầu tàu, cúi gập cả người xuống, hai cánh tay ngập trong nước hồ tới tận khuỷu. Đột nhiên, Suzie thấy khuôn mặt ngộp thở của Andrew trồi lên khỏi mặt nước, rồi lại bị người đàn ông kia thẳng tay dìm xuống nước.

Cô không thấy sợ, dường như cô chỉ thấy thời gian đang trôi chậm lại, cô biết chính xác điều mình sắp làm và các hành động cứ nói tiếp nhau một cách hoàn hảo. Khuôn mặt Andrew lại nhô lên trong giây lát. Suzie rảo bước hơn. Trước khi gã đàn ông kịp nhận ra sự hiện diện của cô, Suzie tóm lấy khẩu súng lục trong túi áo khoác của Andrew, tháo chốt an toàn và bắn liền hai phát ở cự li gần.

Viên đạn đầu tiên găm trúng bả vai mục tiêu, gã đàn ông gầm lên và đứng bật dậy thì bị viên đạn thứ hai xuyên trúng gáy. Viên đạn xuyên vỡ đốt sống trước khi xé toang động mạch cổ. Gã đàn ông đổ sụp xuống, úp mặt xuống đất, giữa vũng máu đang loang dần trên mặt hồ.

Suzie buông rơi khẩu súng và chạy vội lại phía Andrew đang khó nhọc trồi lên mặt nước. Cô nằm bò ra để kéo anh lên. Cuối cùng Andrew cũng bám được một vòng neo trên bến thuyền và họ ngã lăn ra trên bến sau nỗ lực cuối cùng.

– Suỵt, cô vừa xoa cho anh vừa nói. Giờ thì mọi chuyện ổn rồi, anh thở đi, đừng nghĩ đến chuyện gì khác ngoài chuyện thở, cô thì thào khi vuốt má anh.

Andrew nằm nghiêng sang một bên, bị cuốn theo một cơn ho sặc sụa giúp anh nôn hết chỗ nước đã uống vào. Suzie cởi áo khoác mặc vào cho anh.

Andrew đẩy cô ra và ngồi sụp bên cạnh xác của kẻ đã tấn công anh, hai tay ôm đầu. Suzie ở ngay đằng sau anh, lặng im.

– Tôi cứ tưởng đó là con trai của Broody, anh vừa nói vừa nấc lên. Thậm chí tôi còn giúp hắn cập bến. Khi tôi nhận ra không phải là con trai Broody, tôi cũng không chút ngờ vực. Hắn nhảy lên cầu tàu và, trước khi tôi kịp nói lời nào, hắn đã bóp chặt cổ tôi, cố làm tôi nghẹt thở rồi mới đẩy tôi xuống hồ…

– Thế rồi tôi đến, Suzie vừa nhìn xác chết vừa nói.

– Chúng ta sẽ dùng xuồng của hắn để đi gọi cảnh sát, Andrew nói, anh đang rét run người.

– Đầu tiên anh nên đi thay đồ đã, trước khi chết rét. Chúng ta sẽ báo sau, Suzie đáp bằng giọng kiên quyết.

Cô giúp anh đứng dậy và ngược con đường mòn đi lên.

Khi vừa bước vào nhà, cô bắt anh lên tầng và đi trước anh vào phòng.

– Cởi đồ ra đi, cô vừa bước vào phòng tắm vừa ra lệnh cho anh.

Andrew nghe có tiếng nước chảy, Suzie trở ra với một chiếc khăn tắm.

– Cái này khô như ngói ấy, nhưng có còn hơn không, cô vừa nói vừa lẳng nó cho Andrew. Anh tắm luôn đi, không có lại viêm phổi.

Andrew nghe lời, cầm khăn tắm theo.

Phải mất một lúc cơ thể anh mới ấm lại, và nước chảy giàn giụa trên mặt cũng không thể nào xua khỏi tâm trí anh hình ảnh gã đàn ông bê bết máu nằm bất động trên cầu tàu.

Andrew khóa vòi nước và quấn khăn tắm quanh hông. Anh nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong tấm gương gắn trên lavabo và máy móc mở tủ thuốc. Anh tìm thấy một chổi cạo râu, một bàn cạo và một bánh xà phòng trong chiếc hộp sơn mài hình tròn có xuất xứ từ Trung Quốc. Anh hứng nước đầy lavabo, nhúng chổi cạo vào nước nóng, bôi xà phòng lên kín phần râu và chần chừ một lát rồi mới cạo.

Từng chút một, khuôn mặt thuở xưa của anh dần hiện ra.

Khi bước ra khỏi phòng tắm, anh nhìn thấy một chiếc quần lanh, một áo sơ mi và một áo len gi lê để sẵn trên giường. Anh mặc vào và xuống gặp Suzie trong phòng khách.

– Quần áo này là của ai vậy? Anh hỏi.

– Dù gì cũng không phải của bà tôi. Ít ra bây giờ tôi cũng biết người tình của bà mặc đồ cũng cỡ với anh.

Suzie lại gần áp tay lên má Andrew.

– Tôi có cảm giác đang đồng hành cùng một người đàn ông khác.

– Cô thích người trước hơn à? Andrew gạt tay cô ra và hỏi.

– Cả hai ngang nhau, Suzie đáp.

– Phải đi thôi.

– Chúng ta không đi đâu hết.

– Cô đúng là điên rồi.

– Tôi nên coi đó là một lời khen chăng?

– Cô vừa giết một người đàn ông và trông cô như thể điều đó chẳng hề hấn gì tới cô.

– Tôi đã mất khả năng xúc động vào cái ngày mà Shamir tự nguyện chết để cứu mạng tôi. Phải, tôi đã giết ai đó, thật kinh hoàng, nhưng hẳn cũng đang cố dìm chết anh, anh còn muốn tôi khóc thương cho số phận hắn sao?

– Có thể là thế. Hoặc ít nhất cô cũng nên tỏ ra cắn rứt, tôi thì đã buồn nôn.

– Đồng ý, tôi điên khùng, hoàn toàn điên khùng, và tôi luôn như thế! Anh thấy như vậy có vấn đề à? Anh muốn đi khai tuốt tuột với cảnh sát thì cứ đi đi, cửa ở đằng kia kìa! Suzie điên cuồng hét lên.

– Giờ đã quá muộn để qua hồ rồi, đêm đang xuống, Andrew vừa nhìn qua cửa sổ vừa trả lời bằng giọng bình tĩnh. Điện thoại di động trong túi áo khoác của tôi, tôi sẽ gọi họ vậy.

– Tôi thử gọi rồi, chẳng có tín hiệu gì hết và điện thoại cố định cũng không có tín hiệu.

Andrew ngồi trên ghế tựa, khuôn mặt tái nhợt. Cứ nhắm mắt là anh lại thấy cảnh tượng vừa trải qua trên cầu tàu.

Suzie quỳ xuống trước mặt anh và áp mặt lên đầu gối anh.

– Tôi những muốn có thể quay ngược lại, không bao giờ đặt chân lên hòn đảo bất hạnh này.

Hai tay cô run rẩy. Andrew không thể nào rời mắt khỏi cô.

Cả hai cứ lặng im như thế một lúc lâu. Suzie run rẩy, Andrew vuốt tóc cô.

– Tại sao Broody lại quay vào đưa số điện thoại cho chúng ta nếu không có cách gì gọi được? Cô lẩm bẩm.

– Để chúng ta không cảnh giác. Khi ông ta đã lên thuyền, chúng ta sẽ bị bỏ lại đây, cô lập với thế giới.

– Anh nghi ngờ chính ông ta đã dàn dựng vụ này sao?

– Còn ai khác biết chúng ta đang ở đây chứ? Andrew tự vấn.

Anh đứng dậy và lại gần lò sưởi.

– Người bạn cho cô thuê lại căn hộ trên phố Morton ấy, gần đây cô có tin tức gì của cô ấy không?

– Không, nhưng sao anh lại hỏi tôi điều đó?

– Vì nếu cô không ủ sẵn mưu mẹo để tôi lưu tâm đến vụ của cô, thì tôi cho rằng cô đang xem tôi là thằng ngốc.

– Tôi chẳng ủ mưu ủ mẹo gì hết.

– Chỉ cần thêm một lời nói dối, tôi sẽ trở về New York, Andrew nổi khùng.

– Anh nên như thế, tôi không có quyền đưa anh vào vòng nguy hiểm.

– Đúng, cô không có quyền! vậy thì, người bạn đó, cô quen cô ta lâu rồi à?

Suzie không trả lời.

– Tôi cứ nghĩ là mình chủ động để mặc người ta điều khiển, tôi đã trả giá và cái giá ấy vượt quá khả năng của tôi. Tôi sẽ không thể nào quên chuyện mới xảy ra tối qua. Đêm qua, tại Dixie Lee, khi tôi thấy cô lén gọi điện ngay lúc tôi vừa quay gót, tôi đã quyết định để mặc cô.

– Thế anh đổi ý rồi à?

– Tôi không biết bà cô có giao tài liệu cho phương Đông hay không, nhưng giờ, điều mà tôi chắc chắn, ấy là có người sẵn sàng làm mọi thứ để ngăn cô điều tra về bà ấy.

– Knopf đã cảnh báo với tôi điều này, tôi đã thật ngốc nghếch!

– Có thể bà cô không phải người duy nhất phản bội. Và nếu một hay nhiều kẻ đồng lõa với bà ấy cho đến giờ này vẫn chưa bị sa lưới thì chẳng còn gì có thể ngăn họ bảo vệ sự vô danh của mình. Chuyện xảy ra trên cầu tàu đã chứng tỏ điều đó. Giờ thì hãy nói cho tôi biết cô đã gọi cho ai trong quán Dixie Lee?

– Cho Knopf, Suzie lẩm bẩm.

– Ban nãy, cô muốn gọi cho ông ấy nên mới biết không có sóng điện thoại ư?

– Tôi day dứt về một người chết dưới tay mình. Kẻ tấn công anh không có vũ khí, nhưng tôi có. Nếu chúng ta báo cảnh sát, cuộc điều tra của chúng ta sẽ kết thúc tại đây. Knopf là người phù hợp với những tình huống kiểu này, tôi muốn hỏi ông ấy xem phải làm gì.

– Cô có những mối quen biết thú vị thật! Liệu ông ấy có thể khuyên nhủ cô thế nào đây? Andrew hỏi với giọng cay đắng.

– Chắc là ông ấy sẽ phái ai đó tới.

– Ý nghĩ rằng ông ấy đã cử ai đó tới đây không hề lướt qua đầu cô sao?

– Tức là Knopf đã chỉ đạo tên giết người này sao? Chắc chắn là không! Ông ấy coi sóc tôi từ khi tôi còn bé tí, ông ấy sẽ không bao giờ động đến một sợi tóc của tôi.

– Tóc cô thì chắc là không, nhưng tóc tôi thì sao? Broody không kịp lên kế hoạch cho vụ tấn công này. Ngược lại, nhờ có cô, ngay từ tối hôm qua, Knopf đã biết nơi chúng ta định đến.

– Thế nếu ông chủ tiệm tạp hóa muốn giữ lại ngôi nhà này cho mình và nếu chuyến viếng thăm của chúng ta vừa hay phá ngang kế hoạch của ông ta.

– Đừng nói linh tinh như thế. Cô thấy ông ta có dáng vẻ của một sát thủ với cặp kính bé tin hin và đống sổ sách kế toán của ông ta sao?

– Người phụ nữ đã đâm anh mang khuôn mặt một kẻ giết người khi anh gặp cô ta sao?

Andrew im lặng chịu trận.

– Thế bây giờ, chúng ta làm gì? Suzie hỏi.

Andrew đi tới đi lui khắp căn phòng, cố gắng tĩnh tâm. Thiếu hơi men khiến anh khó mà suy nghĩ nổi, khó mà ngăn được một quyết định mà anh biết là đi ngược lại nguyên tắc của chính mình. Anh nhìn xoáy vào Suzie và sập cửa bước ra khỏi nhà.

Cô bước ra hiên và thấy anh đang ngồi trên lan can, ánh mắt lạc vào khoảng không.

– Chúng ta đi chôn cái xác đó, rốt cuộc anh cũng buông lời.

– Tại sao không quăng nó luôn xuống hồ?

– Chẳng điều gì có thể ngăn cô lại, đúng không?

– Hai chúng ta giữa đêm hôm đi đào một cái hố, anh không nghĩ ra kế hoạch nào bẩn hơn à?

Andrew đứng dậy khỏi lan can và quay sang đối diện với Suzie.

– Đồng ý, với điều kiện phải kiếm được thứ gì buộc néo vào hắn.

Anh thắp chiếc đèn dầu treo gần cửa ra vào và dẫn đường cho Suzie đi xuyên bóng tối trong rừng.

– Sao mà bà tôi lại có can đảm ở một mình trên hòn đảo này vào các tối Chủ nhật nhỉ?

– Bà ấy chắc cũng giống cô, nhiều chỗ trông cậy, Andrew đáp khi bước vào lán dụng cụ. Bằng này chắc là đủ, anh vừa nói vừa nhấc một hộp đầy dụng cụ mà anh thấy trên bàn thợ.

– Broody sẽ thắc mắc đồ nghề của ông ấy biến đâu mất.

– Ông ấy sẽ biết thôi vì cô nghĩ chính ông ấy là người lập kế hoạch mà. Tôi không nghĩ kẻ tấn công chúng ta sẽ để chúng ta lại trong nhà sau khi đã hoàn thành công việc. À mà, đó là trong trường hợp Broody có liên quan.

– Tôi thể với anh là Knopf không liên quan gì đến chuyện này.

– Rồi xem. Cầm lấy sợi dây và chúng ta chấm dứt chuyện này thôi.

*

Họ trở ra cầu tàu. Andrew đặt ngọn đèn xuống gần xác chết. Anh buộc chặt một đầu dây vào quai chiếc hộp dụng cụ và buộc đầu dây kia quanh người gã đàn ông.

– Giúp tôi với, anh nói.

Suzie nhăn mặt khó chịu nhấc hai chân người chết lên trong khi Andrew nhấc hai vai hắn. Họ thả xác chết xuống xuồng và Andrew ngồi xuống cạnh đầu máy.

– Cô cứ cầm đèn đứng ở đây nhé, để tôi còn biết hướng quay vào.

Suzie đặt ngọn đèn ra tận đầu cầu tàu rồi nhảy xuống xuồng.

– Tôi đi với anh!

– Tôi thấy rồi, Andrew thở dài và giật động cơ chạy.

Họ đi xa dần ra hồ.

– Nếu nó mà tắt, chúng ta sẽ không tìm được bến thuyền đâu, anh ngoảnh lại phản đối.

Ánh sáng le lói từ ngòn đèn dầu càng lúc càng mờ dần. Andrew ngắt động cơ, chiếc xuồng trôi đi chầm chậm rồi cuối cùng dừng hẳn lại.

Họ đẩy gã đàn ông và hộp dụng cụ qua mạn xuồng. Cơ thể hắn chìm dần trong làn nước thẫm đen.

– Lẽ ra chúng ta nên buộc vào chân hắn, Suzie vừa nói vừa nhìn những xoáy nước cuối cùng dần tan biến trên mặt hồ.

– Sao lại thế?

– Vì khi xuống đến đáy hồ, tên khốn này sẽ chúc đầu xuống đất. Thật bất hạnh, họa có điên mới làm vậy! Suzie nói thêm, vẫn nhại theo bà bồi bàn Anita.

– Độ vô liêm sỉ của cô khiến tôi phát khiếp đấy.

– Tôi là người giết hắn nhưng anh mới là người mang vẻ mặt đưa đám. Đi nào, chúng ta nên về thôi, trước khi gió thổi tắt luôn cả đèn.

Chặng đường về trôi qua trong thinh lặng. Làn gió lạnh buốt táp vào mặt họ, nhưng trong gió phảng phất mùi tuyết và nhựa thông, một mùi hương mùa đông tỏa ra từ rừng già và mùi hương đưa họ trở lại với sự sống.

– Con trai Broody sẽ chẳng bao giờ mang đồ dự trữ cho chúng ta đâu, Suzie nói khi bước vào nhà.

Andrew thổi tắt đèn, treo nó lại chỗ cũ và đi vào bếp.

– Thêm nữa là vì cô đang đói? Anh vừa rửa tay vừa nói.

– Anh thì không chắc?

– Không, không hẳn.

– Vậy thì tôi không cần chia cho anh đâu nhỉ? Cô vừa nói vừa rút một thanh ngũ cốc ra từ túi áo khoác.

Cô cắn ngập miếng bánh, vừa nhìn Andrew vừa nhai, và rút thêm một thanh nữa chìa cho anh.

– Tôi cứ nghĩ điều duy nhất chúng ta còn phải làm là đi ngủ cơ. Với lại, nếu điều này có thể xoa dịu lương tâm cô, thì ngày mai, chúng ta tới đồn báo cảnh sát.

Cô lên tầng và vào phòng ngủ.

Một lát sau Andrew lên chỗ cô. Suzie đã nằm yên trên giường, khỏa thân hoàn toàn. Anh cởi quần áo ra và nằm lên người cô, nồng nhiệt và vụng về. Hơi ấm cơ thể anh đánh thức ham muốn, cô cảm thấy dương vật anh ép lên phần bụng dưới cô. Suzie ôm choàng lấy Andrew, lưỡi cô lướt khắp cổ anh.

Andrew lướt môi anh hôn khắp da thịt cô, hôn ngực cô, vai cô, miệng cô. Cô quặp chặt anh bằng hai đùi và dùng tay dẫn anh vào trong cô. Và lúc anh đi vào trong cô, cô khẽ đẩy anh ra rồi lại giữ anh lại ngay. Hơi thở của họ hòa lẫn với nhau, đầy rạo rực và đầy sức sống, trong khoảnh khắc xua đi cái ký ức rùng rợn họ mới cùng nhau chia sẻ. Cô lăn lại để ngồi lên trên người anh, ngực ưỡn ra, hai tay đưa ra sau bám chặt lấy đùi anh. Bụng cô chuyển động nhịp nhàng trong lúc hai bầu ngực chắc nịch nảy lên nảy xuống. Cô thốt lên một tiếng kêu dài khi Andrew đến đích.

Cô nằm xuống bên cạnh anh, anh cầm lấy tay cô và muốn hôn lên đó. Nhưng Suzie đã đứng dậy mà không nói gì rồi mất hút trong phòng tắm.

Khi cô bước ra, Andrew đã rời khỏi phòng. Cô nghe tiếng chân anh dưới phòng khách. Cô chui vào chăn, tắt đèn và cắn chặt vào gối để anh không nghe thấy tiếng cô nức nở.

*

Có tiếng gõ cửa liên tục. Cô mở mắt và nhận ra mình đang ngủ trên một chiếc giường. Tiếng gõ vẫn vang lên, cô mặc quần áo và đi xuống.

Andrew đã chui vào trong ống khói, cô chỉ còn nhìn thấy mỗi hai cân và phần thân dưới của anh.

– Anh không ngủ à? Cô vừa ngáp vừa hỏi.

– Tôi ngủ ít, nhưng ngủ rất nhanh, anh vừa làu bàu vừa tiếp tục gõ lên lớp vữa.

– Tôi có thể biết anh đang làm gì không?

– Tôi không ngủ được, nên làm việc, mà tôi chẳng thấy việc gì để làm, điều đó khiến tôi khó chịu.

Cô đi ra cửa, tháo chiếc đèn dầu xuống, châm lửa và đặt nó lên trên lò sưởi.

– Như thế này tốt hơn chưa?

– Có, tốt hơn nhiều rồi, Andrew vừa đáp vừa chìa cho cô một viên gạch không dính một vết bồ hóng mà anh vừa gỡ ra.

– Anh định dỡ cả lò sưởi ra đấy à?

Cô nghe thấy tiếng càu nhàu của anh, một viên gạch nữa rơi xuống và vỡ vụn trên sàn.

– Nhấc đèn lên, anh nói với giọng độc đoán.

Suzie cố gắng làm anh vừa lòng.

Andrew ra hiệu cho cô lùi lại, anh cúi xuống để lại luồn qua lanh tô và bắt gặp ánh mắt Suzie đang nhìn anh.

– Gì thế?

– Chả có gì, tôi qua đêm với một kẻ chọn ở hết đêm trong một cái lò sưởi. Nhưng ngoài chuyện đó ra thì không có gì.

– Này, Andrew làu bàu khi đưa cô một gói nhỏ bọc giấy bồi.

– Cái gì thế? Suzie sửng sốt thốt lên.

– Tôi đi lấy dao và chúng ta sẽ biết ngay thôi.

Suzie đi theo anh vào tận bếp. Họ ngồi xuống bên bàn ăn.

Bên trong bọc là những bức ảnh của Liliane, chắc chắn được chup từ tay của người đàn ông mà bà đã bí mật yêu trên hòn đảo lạc lõng giữa dãy Adirondacks này, một bản dàn bè và một phong bì trên đó có dòng tên Mathilde được viết tay.

Suzie chộp lấy cái phong bì.

– Cô không muốn chuyển nó cho người nhận sao? Andrew hỏi.

– Một năm sau lần tắm đêm dưới cảng Boston, mẹ tôi lại như thế. Lần này thì không có đội cảnh sát nào đi tuần.

Suzie xé phong bì và mở lá thư.

Mathilde,

Trên hòn đảo nơi mẹ đang viết những dòng thư này cho con có một người phụ nữ không phải là mẹ con thường đi dạo. Người phụ nữ ấy yêu một người đàn ông không yêu bà nhiều như bà yêu người ấy. Người ấy đã bỏ đi lúc giữa trưa và sẽ không trở lại.

Đừng nghĩ là mẹ phản bội cha con. Ông ấy đã tặng mẹ món quà tuyệt diệu nhất mà mẹ có thể hy vọng từ cuộc đời này, và con chính là đứa con đã lấp đầy cuộc đời mẹ. Con mới năm tuổi khi mẹ bắt gặp cha con trên giường nhà mình, đang cùng một người phụ nữ không phải là mẹ. Mẹ cần thời gian, nhưng mẹ đã tha thứ cho cha con. Cái ngày mà đến lượt mình mẹ cũng yêu, mẹ đã hiểu ra rằng chính bức tường định kiến đã giam hãm cha con trong cuộc đời của chính ông ấy. Có thể một ngày nào đó, thế giới sẽ trở nên độ lượng như mẹ đã học cách độ lượng. Sao phải hạ thấp những người đang yêu?

Trong ngôi nhà nơi mẹ đang viết bức thư này cho con có một người đàn ông không phải là cha con thường dạo bước. Một người đàn ông luôn nói với mẹ những điều mẹ hằng mơ được nghe thấy, người ấy nói với mẹ về tương lai, về những của cải được chia sẻ, về một nên chính trị phục vụ cho người dân chứ không phải cho những người điều hành nó. Vượt lên sự xung đột về đảng phái, mẹ đã tin vào người ấy, vào lòng nhiệt thành, vào niềm đam mê và sự chân thành của người ấy.

Tham vọng quyền lực luôn khó kiểm soát và phá hỏng những dự định tốt đẹp.

Mẹ đã nghe thấy bao nhiêu bí mật sau cánh cửa phòng, bao nhiêu lời dối trá mà mẹ không nói ra, cho đến tận cái ngày đôi mắt quá hiếu kỳ của mẹ nhìn thấy điều mà có thể mẹ không bao giờ nên nhìn.

Để tạo ra ảo tưởng, điều đầu tiên mà nhũng con người quyền lực cần làm, là chiếm được lòng tin. Ảo tưởng đáng lẽ phải thật như thực tế mà nó che giấu. Chỉ một chi tiết không hoàn hảo nhỏ nhất, như chiếc kim chọc vào mặt bóng, sẽ làm ảo tưởng vỡ tan. Và sự thật trở nên đáng phẫn nộ.

Mẹ phải đi, Mathilde ạ, đã quá muộn để từ bỏ. Nếu mẹ thất bại, người ta sẽ nói nhiều điều về mẹ con mà con không nên tin.

Chính vì nghĩ đến những điều đó mà mẹ viết cho con tối nay, trong lúc cầu mong để con không bao giờ phải đọc những dòng này.

Ngày mai, mẹ sẽ giao một chiếc bọc cho người bạn duy nhất mà mẹ có để người đó trao lại cho con, đến khi con đủ tuổi hiểu chuyện và hành động. Con sẽ tìm thấy trong đó một bản nhạc phổ mà con sẽ biết cách giải mã và tìm ra chìa khóa. Nếu điều tồi tệ nhất xảy đến với mẹ, mỗi khi nhớ mẹ, con hãy nhớ về nơi mẹ con ta đôi khi vẫn lén tới trong những dịp cha con đi công tác; con hãy tưởng nhớ mẹ ở đó.

Cứ hành động theo lương tâm của con. Lựa chọn tiếp tục sự nghiệp của mẹ hay không là tùy ở con, nhưng không có gì bắt buộc con hết.

Nếu con quyết định làm thế, mẹ chỉ yêu cầu con một điều, đừng tin ai hết.

Mẹ yêu con, con gái mẹ, nhiều hơn những gì con có thể hiểu được trước khi đến lượt mình con cũng có một đứa con.

Hãy tha lỗi cho sự vắng mặt của mẹ, vì mẹ đã chọn con đường tước đi mất người mẹ của con. Ý nghĩ không còn được gặp lại con là điều tàn nhẫn mẹ không thể nào hình dung. Nhưng có một vài sự nghiệp còn quan trọng hơn cuộc đời riêng của chúng ta. Mẹ muốn tin rằng nếu ở vị trí của mẹ, con cũng sẽ làm điều tương tự.

Từ giờ trở đi, dù mẹ ở bất cứ đâu, con hãy biết rằng không bao giờ mẹ ngừng yêu con. Con luôn ở trong mẹ từng giây phút và suốt cuộc đời này.

Con là lẽ sống của mẹ.

Mẹ yêu con.

Suzie chìa bức thư cho Andrew, đến lượt mình anh cũng đọc thư.

– Tôi những muốn được gặp bà biết bao, cô thì thầm.

– Cô có ý tưởng nào về địa điểm mà bà ấy nhắc tới trong thư không?

– Không, nó chẳng gợi cho tôi điều gì.

– Thế còn nhạc phổ, cô hẳn là biết chơi bản nhạc đó chứ?

– Ký ức của tôi về dương cầm xa xôi lắm rồi. chơi nhạc thì chắc chắn là không, nhưng giải mã bản nhạc đó thì có thể tôi làm được.

– Khi những kẻ muốn tống khứ chúng ta biết rằng chúng đã thất bại, chúng ta sẽ không còn nhiều thời gian đâu, nên hãy cố gắng nhớ lại đi. Mathilde chưa bao giờ nói với cô về nơi nào đó mà bà ấy thường cùng mẹ trốn tới đó sao?

– Giờ thì anh cũng gọi bà ấy là Mathilde sao? Không, tôi đã nói với anh rồi, tôi không biết gì hết, nhưng có thể Knopf biết nơi đó. Tôi muốn tin rằng ông ấy chính là người đó, người bạn mà bà ngoại muốn gửi gắm chiếc bọc.

– Nếu tôi tìm thấy nó ở đây, tức là đến phút chót bà ấy đã đổi ý!

– Bà không có đủ thời gian, thế thôi.

Andrew trải các tấm ảnh trên mặt bàn. Những bức chân dung của Liliane, được chụp trên đảo. Bà tạo dáng nằm dài trên bãi cát, cầm một chiếc rìu con trước lán củi khô, sắp xếp các chậu hoa trên thềm nhà, quỳ gối trước lò sưởi để nhóm lửa và đang nhăn mặt. Trên một bức ảnh khác, Liliane ở trần trong phòng tắm, xoay lưng ra. Bà đã ngoảnh mặt lại vào phút chót khi phát hiện ra người ở phía sau đang chụp ảnh mình.

– Anh muốn tôi giúp anh nhìn trộm bà tôi sao? Suzie nói đồng thời giật luôn bức ảnh từ tay Andrew.

– Thời đó, thậm chí cô còn chưa ra đời, anh phân trần.

– Bà tôi quả thật là quá duyên dáng, Suzie nói.

– Cô cũng đâu phải ganh tị gì với bà ấy.

Suzie cúi xuống nhìn bức ảnh, nheo mắt nhìn kỹ từng chi tiết.

– Nhìn này, cô nói, chỗ này, trong chiếc gương gắn trên lavabo, có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu gương mặt người tình của bà.

Andrew lấy lại bức ảnh và tự mình xem kỹ.

– Có lẽ thế, nhưng tôi chịu không phân biệt nổi các đường nét của ông ta.

– Trên chiếc bàn cạnh xô pha có một cái kính lúp, Suzie thốt lên rồi đứng dậy.

Cô cầm theo bức ảnh. Andrew chờ ở trong bếp và, khi không thấy cô quay lại, anh ra phòng khách gặp cô.

Suzie săm soi bức ảnh dưới kính lúp.

– Tôi đã hiểu tại sao Knopf bảo tôi rằng bà tôi là một người tiên phong.

– Cô nói gì cơ? Andrew vừa ngồi xuống bên cạnh cô vừa hỏi.

– Người tình của bà tôi kém bà ấy những hai mươi tuổi.

– Cho xem nào? Andrew vừa nói vừa lấy chiếc kính lúp từ tay Suzie.

– Giờ thì tôi cũng hiểu rõ hơn ý của Broody khi ông ấy nói “đạt tới đỉnh cao quyền lực”, Andrew lầm rầm, miệng há hốc. Người đàn ông trong bức ảnh này, ba mươi lẻ vài năm sau, đã trở thành phó tổng thống quyền lực nhất của nước Mỹ, và chắc chắn là đáng gờm nhất lịch sử nước ta.

– Ông ấy vẫn còn sống à?

– Đúng thế, đã yếu hơn vì một số vấn đề tim mạch, nhưng còn sống.

– Tôi nhất định phải nói chuyện với ông ta.

– Cô đúng là vừa điên rồ vừa ngây thơ, ngây thơ nhất trong những phụ nữ mà tôi từng gặp suốt cuộc đời mình, Andrew đáp.

– Thế là anh đã gặp nhiều phụ nữ à?

– Cô không có chút ý niệm nào về loại đàn ông ẩn mình sau gương mặt nhu nhược này, và tôi đánh cược với cô rằng bà cô đã nhận ra điều đó vào cái ngày họ xảy ra cãi vã.

– Họ yêu nhau, chắc chắn ông ấy biết nhiều điều về bà.

– Nhiều điều ư? Hãy để tôi kể cho cô nghe vài điều đã. Ông ta bắt đầu sự nghiệp chính trị năm hai mươi bảy tuổi, với quân sư là Ronald Rumsfeld, Bộ trưởng Quốc phòng gây nhiều tranh cãi nhất từ trước tới nay, và họ đã duy trì mối quan hệ vô cùng bền chặt. Mười hai năm sau khi bức ảnh này được chụp, người tình của bà cô đã trở thành Nghị sĩ. Một nghĩ sĩ luôn phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nam Phi dưới thời Apartheid, một giải pháp của Quốc hội để kêu gọi chính phủ Nam Phi trả tự do cho Mandela và, trong một phiên họp khác, ông ta phản đối thành lập Bộ giáo dục, cho rằng giáo dục quá đắt đỏ. Sau khi được bầu làm người đứng đầu đảng Cộng hòa, ông ta đã cho quân sư của mình tiếp quản chức Bộ trưởng Quốc phòng. Chính ông ta chỉ đạo cuộc tấn công quân sự vào Panama, và chiến dịch Bão táp sa mạc. Điều quá đáng là có người cho rằng ngày trước, ông ta đã vận dụng mọi chiêu trò để trốn nghĩa vụ quân sự và thoát được cuộc chiến ở Việt Nam. Khi phe Dân chủ giành lại được quyền lực, ông ta tạm thời rời khỏi chính trường để quản lý một trong những công ty lọc dầu lớn nhất. Một công ty đa quốc gia mà, dưới sự điều hành của ông ta, đã đa dạng hóa sản phẩm trong các hoạt động bán quân sự đủ thể loại, cài cắm trong nhiều chi nhánh. Sau mười năm cống hiến trung thành và tận tụy, người từng có thuở là người tình của bà cô đã rút lui, để trở thành phó tổng thống Hoa Kỳ, được bù đắp một khoản nho nhỏ xấp xỉ ba trăm triệu đô la cho bước chuyển này. Nhưng là một doanh nhân lọc lõi, ông ta còn khiến cho người ta phải trả một khoản thù lao nho nhỏ là cổ phần công ty. Hẳn là ông ta đã sai lầm nếu không nhận chúng, vì sau khi dối trá về sự tồn tại của các vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Irak và những mối liên hệ giữa Al-Qaeda và Saddam Hussein, ông ta đã sử dụng toàn bộ quyền lực của mình để kích động mở màn cuộc chiến tranh Irak, biến nó thành vụ trả đũa cho vụ khủng bố 11 tháng Chín. Cuộc chiến mà phần lớn hậu cần được giao cho các lực lượng bảo an mà công ty cũ của ông ta là nguồn cung ứng vật tư. Và những cổ phần đó hẳn đã sinh lời dồi dào vì, trong suốt nhiệm kỳ phó tổng thống Hoa Kỳ, công ty đa quốc gia của ông ta đã vơ vét dược gần bảy tỷ đô la từ các hợp đồng với chính phủ. Chính ông ta, với tư cách là tổng chỉ huy các chiến dịch quân sự, đã phân bổ những hợp đồng kỳ quái này. Và nốt điều này thôi, nếu như có một mục đích cho các mưu toan của ông ta, thì đó là ông ta trực tiếp dính líu tới vụ Enron. Một trong những vụ bê bối dầu mỏ lớn nhất từ trước đến nay, trong khi thời đó ông ta cũng đứng đầu ủy ban quốc gia về phát triển năng lượng. Suýt thì tôi quên, ông ta còn bị nghi ngờ là kẻ đầu trò của vụ Valerie Plame. Valerie Plame là một điệp viên CIA, vỏ bọc của bà này đã bị phanh phui trên báo chí qua những nguồn tin rò rỉ từ Nhà Trắng. Valerie Plame còn là vợ của một vị đại sứ Mỹ, người đã phạm sai lầm khi là một trong những người đầu tiên khẳng định rằng các báo cáo trình Quốc hội về sự tồn tại của vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Irak đã bị làm giả và các bằng chứng đều được ngụy tạo. Cô còn muốn đi gặp ông ta để trò chuyện về bà cô nữa không?

– Làm sao anh biết hết những chuyện đó?

– Có thể là vì tôi dùng một cái có bằng cử nhân báo chí, Andrew đáp với vẻ vô cùng khó chịu. Người đàn ông đó là một trong ba “chim ưng” của Nhà Trắng. Và tin tôi đi, sự giống nhau đó không hẳn là khiến những người bảo vệ loài chim này thích thú gì đâu.

– Thế anh chắc chắn rằng người trong bức ảnh này chính là ông ta sao?

– Trừ phi ông ta có anh em song sinh, mà nếu có thì chúng ta phải biết chứ, tôi hoàn toàn chắc chắn. Giờ thì chúng ta thu dọn đồ đạc, cố mà ngủ được đôi ba tiếng rồi chuồn mau ngay khi trời sáng.

– Chuyện nghiêm trọng đến vậy sao?

– Tôi vẫn chưa biết bà cô đã dính líu vào chuyện rắc rối gì, nhưng chúng ta đã nhúng chân vào trong đó rồi, và tin tôi đi, những kẻ chúng ta cần đối phó không phải tay vừa đâu.

– Anh nghĩ có thể ông ta là đồng phạm của bà tôi à?

Andrew suy nghĩ một lát với câu hỏi của Suzie.

– Chuyện đó không khớp với lời kể của Broody về vụ cãi cọ giữa họ.

– Có thể đến phút chót ông ta co vòi, thậm chí có thể chính ông ta đã tố cáo bà.

– Về phần ông ta, chẳng có gì khiến tôi bất ngờ, nhưng tôi rất vui khi thấy cô rốt cuộc cũng đã nghĩ đến khả năng có thể bà cô đã phản bội đất nước.

– Có những lúc tôi rất ghét anh, Stilman ạ, Suzie nói.

– Cô đã yêu cầu tôi giúp cô tìm ra sự thật chứ có yêu cầu tôi tỏ ra dễ thương đâu!

Bình luận