(Trích tác phẩm: Scientia sacra)
2.
(Trích tác phẩm: Scientia sacra)
Một nỗ lực vô nghĩa là gần đây người ta mong muốn gán cho văn hóa một sự quan trọng thái quá, để thời nào văn hóa cũng được coi trọng.
Không cần thiết cứ phải đặt tên là văn hóa, Có thể canh tác đất, thiên nhiên, vật chất, khả năng, tài năng, tri thức con người; và chỉ canh tác được những thứ này. Không thể canh tác tinh thần, bởi tinh thần là kẻ thực hiện việc canh tác.
Văn hóa là sự canh tác thế giới vật chất một cách tích cực.
Nhưng những thời cổ, văn hóa không nằm trong ý nghĩa như thế. Bởi vì canh tác cũng giống như các hoạt động khác, không sở hữu ý nghĩa độc lập riêng liên quan đến thế giới vật chất.
Trong thời cổ, người ta không tách thế giới vật chất ra khỏi hiện thực tinh thần, không coi là hai sự vật riêng biệt; khi canh tác thiên nhiên, sự canh tác này được đặt thành sự phụ thuộc từ hiện thực tinh thần.
Văn hóa như một lí thuyết độc lập không có ý nghĩa gì hết.
Gần đây người ta nói, văn hóa là tư tưởng hình thành độc lập với con người, là thứ sáng tạo ra trật tự sống, các tập quán, các hình thức, các công cụ, các đối tượng xã hội từ trên xuống một cách độc quyền như thống tri, giống như việc tạo ra nghệ thuật, pháp luật, quan điểm, thậm chí: tinh thần, và như vậy gần đây nhất người ta đã nâng văn hóa lên thành một lí thuyết điều chỉnh sự sống tự trị.
Một từ duy nhất về lí thuyết này cũng chớ nên “để xổng”, bởi nhầm lẫn này đưa lại một cơ hội cực kì hiếm hoi để diễn đạt sự khác biệt giữa canh tác thời cổ và thời kì lịch sử.
Không nên để lỡ cơ hội này, bởi vì sự khác biệt trong canh tác thời cổ và trong thời kì lịch sử có ý nghĩa quyết định đến mức, nếu một người nào đó định miêu tả sự canh tác thời cổ, mà quên xem xét thời hiện tại, thì chỉ nêu một từ thôi, người ngày nay cũng không thể hiểu nổi.
Câu chuyện bắt đầu như sau: con người thời kì lịch sử cũng giống con người trước thời kì lịch sử đều cực kì nhấn mạnh đến việc nâng cao mức sống. Con người hiện đại đã thành công trong việc tạo ra cả một đội quân công cụ và các phụ tùng, nhưng các công cụ và các phụ tùng này chỉ liên quan đến tất cả những gì bên ngoài.
Trong khi việc hoàn hảo hóa bề mặt bên ngoài đạt đến mức độ cực kì cao, thì con người, không chỉ không thay đổi mà còn đặc biệt suy thoái. Ở đây không phải vấn đề: chất lượng đời sống tinh thần của con người hiện đại được trang bị bằng điện, sưởi ga, telefon, radio hay máy bay không cao hơn đời sống tinh thần của người nguyên thủy bao nhiêu. Mà vấn đề là: lí tưởng tính con người trang bị cho mình không dựa trên một nền tảng nào cả.
Những lí thuyết đạo đức lí tưởng cao vời không ngăn nổi con người sống một đời sống gần như hoàn toàn vô giá trị đạo đức. Những yêu cầu to lớn quá mức tràn ngập trong các lí thuyết về nhà nước, nghệ thuật, trong các sở thích ưu tiên, nhưng không ai có thể thực hiện nổi, thậm chí niềm cảm hứng về các yêu cầu này cũng biến mất từ hàng thế kỉ nạy.
Hiện thực tinh thần trong tầm vóc tổng thể của nó đang có mặt trong hiện tại, tôn giáo, nghệ thuật, triết học, đạo đức đại diện cho nó. Nhưng khả năng hiện thực hóa hiện thực tinh thần này từ phía con người đã hoàn toàn biến mất.
Người ta thản nhiên xây dựng những lí thuyết “quá khổ” về tôn giáo, về đạo đức, về trật tự, về sự sống đích thực.
Yêu cầu đặt ra của hiện thực tinh thần có, nhưng không phù hợp với ai, và vì thế không thể hiện thực hóa nổi.
Con người hiện đại sống trong một giả bộ về trình độ tinh thần cực kì cao; nhưng thực chất trình độ này là một ảo tưởng trắng trợn, bởi từ hệ thống tinh thần này không ai thực hiện nổi bất cứ cái gì.
Người ta gọi văn hóa là mức độ tinh thần, đạo đức, trật tự, sở thích đã qua giáo dục, là sự sống hối hả, là những yêu cầu cao, những lí tưởng con người hiện đại tự đặt ra cho mình.
Bản thân con người hiện đại không với tới được nền văn hóa này, ở sâu hơn, trong bản năng, trong tư tưởng, trong đam mê, nhu cầu tinh thần của họ thực ra phát triển một cách buông thả. Cái mà con người hiện tại đặt tên là văn hóa, không phải một sự tích cực mà là một thứ lí tưởng tính “quá cỡ”.
Bằng ánh sáng soi rọi từ bên trong có thể hiểu ngay được tình thế này. Con người càng hoạt động năng động bao nhiêu, càng nảy sinh nhiều tư tưởng tinh thần sáng sủa bấy nhiêu. Điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Sự hoạt động càng có hiệu quả bao nhiêu, tinh thần – người cha của hoạt động – càng được hiện thực hóa một cách trực tiếp bấy nhiêu.
Từ điều này tự nó cho thấy sự hoạt động càng yếu ớt và vô hiệu quả bao nhiêu, trong con người càng ít tư tưởng bấy nhiêu, nói cách khác: hoạt động tinh thần càng bị thu hẹp lại bao nhiêu, hành động càng bất lực và trống rỗng bấy nhiêu.
Bởi, hoạt động không là gì khác ngoài một tinh thần đã được thực hiện, và tinh thần không là gì khác, ngoài tình yêu thương, một thứ tinh thần tích cực, thứ tinh thần của NGƯỜI CHA, không cần chỉ dẫn tự nó cũng đã có thể hiểu được.
Có loại hoạt động trong đó tinh thần được thực hiện một cách đầy đủ; có loại hoạt động trong đó tinh thần bị thu hẹp lại; và có loại hoạt động trong đó hoàn toàn vắng bóng tinh thần. Đây là loại hoạt động trong đó không có sự tích cực, sự tạo dựng, không có tình yêu thương. Đây là loại hoạt động trống rỗng, phi bản chất, phi sức mạnh, trong đó không thể thực hiện bất cứ cái gì, bởi không có gì để thực hiện.
Sự thu hẹp tinh thần xảy ra khi trong hành động, con người không thực hiện tinh thần người cha của tình yêu thương nhân gian, mà thay thế vào đấy cái TÔI của cá nhân, khiến hành động chỉ mang tính chất cá nhân; không để hành động xảy ra trong sự tích cực trong sạch ban đầu của nó, mà gắn cái TÔI vào, và như vậy, phá vỡ tình yêu thương.
Văn hóa, mà con người hiện đại đặt tên và cho là như vậy, không phải sự canh tác tích cực thế giới vật chất, mà là sự lí tưởng hóa đặt trên đời sống và không liên quan gì đến đời sống,
Hoạt động của con người hiện đại không tạo dựng, không mang tính tích cực, mà là thứ hoạt động rỗng, phi bản chất, yếu ớt, chỉ thu hẹp, đóng khung tinh thần lại, trong nhiều trường hợp còn làm biến mất tinh thần. Sự lí tưởng hóa văn hóa, đối nghịch với việc ứng dụng hóa hành động, bởi vậy hiện thực và thực hành vắng bóng trong sự lí tưởng hóa này.
Khả năng canh tác tích cực thế giới vật chất ở đây hoàn toàn không nổi lên. Tinh thần không chạm tới đời sống và đời sống cũng chẳng chạm tới tinh thần. Không có khả năng cho quá trình hiện thực hóa.
Một mặt là sự trừu tượng hóa lí tưởng, mặt khác, không tìm ra mối quan hệ của tính thần với sự thực hành đã vật chất hóa thô thiển, bởi con người hiện đại không sống trong tinh thần đồng nhất với tình yêu thương, mà chỉ sống trong cái TÔI riêng của nó. Về điều này, bàn thế là đủ.
Con người thời lịch sử, nhất là thời hiện nay sống trong một sự nhầm lẫn, rằng sự canh tác đích thực tự mình cần tạo ra, mục đích tự mình cần lập ra, tiêu chuẩn tự mình cần xây dựng, và các lí tưởng tự mình cần nghĩ ra. Họ quay cái TÔI của họ vào việc đi tìm tinh thần, mục đích, tiêu chuẩn và các lí tưởng. Sau đó gọi sự tìm kiếm những thứ họ tự đặt ra là văn hóa.
Họ không biết rằng: tinh thần của canh tác tích cực thế giới vật chất không cần tìm kiếm.
Ngay từ thuở ban đầu, tinh thần như một lời tuyên ngôn đã có sẵn, và nếu như nó không được gìn giữ trong các cuốn sách thiêng đi chăng nữa, nó vẫn được giữ như tình cảm bất biến bất tử của linh hồn con người.
Cần phải làm gì, cần tiếp tục hoạt động gì, cần duy trì tiêu chuẩn nào, cần thực hiện những lí tưởng nào, điều này cái tinh thần của tình yêu thương trong con người đều biết đến từ sự vĩnh cửu.
Các sức mạnh trong con người có đâu phải để tìm ra một tinh thần mới. Và điều này cũng không thể; một tinh thần mang tính chất cá nhân chỉ là sự bóp méo của một định luật tinh thần siêu việt duy nhất mà người Ấn Độ gọi là dharma. Và khi con người thời kì lịch sử đặt ý chí của cái TÔI cá nhân vào vị trí của định luật tính thần phổ quát, họ đã phá hỏng tinh thần.
Các sức mạnh không dùng để tìm ra tinh thần mới mà để thực hiện tinh thần vĩnh cửu và phổ quát. Truyền thống bảo vệ thứ tinh thần vĩnh cửu và phổ quát này, thứ tinh thần ngay từ thuở ban đầu đã từng có, vẫn đang có và sẽ tiếp tục có như một lời tuyên ngôn.
Như vậy vân hóa không phải là sự tìm ra, tạo ra một tinh thần, một mục đích tiêu chuẩn chưa bao giờ có ở đâu, mà: văn hóa là việc hiện thực hóa thứ tinh thần đã được truyền thống giữ gìn.
Lấy một ví dụ đơn giản: Các thư viện khoa học lớn của thời hiện đại giữ gìn những thể hiện nỗ lực tinh thần lớn của con người trong hàng triệu tập sách. Để thực hiện điều này con người phải bỏ vào đấy một số lượng lớn các nhà bác học, rất nhiều công việc, công sức, thời gian, giấy mực, công việc in ấn. Và không bao giờ có thể đo đếm hết nổi những hi vọng, đam mê, lương tâm, kỉ luật, suy tư đi kèm với việc thực hiện những cuốn sách đó.
Vậy mà chẳng có gì chắc chắn, giữa hàng triệu cuốn sách này có một tác phẩm là hiện thực của nhận loại trong đời sống. Toàn bộ nền văn hóa nhân đạo thời hiện đại, tâm lí học, khoa học xã hội, vãn học, triết học, đạo đức học, mĩ học, ngôn ngữ học, khoa học tôn giáo đều không thể thực hiện nổi, thậm chí không bao giờ thực hiện nổi, không bao giờ có thể hiện thực hóa, và tất cả các tác phẩm đều được tạo ra để không bao giờ có thể hiện thực hóa chúng.
Hàng triệu tác phẩm này vô ích, thừa thãi, trong một khía canh nào đấy vô nghĩa một cách đau đớn, như thể chưa bao giờ được viết ra. Nỗi nhọc nhằn, niềm hi vọng, công sức, chất liệu, đam mê, đổ vào một thứ lãng phí, bởi từ các tác phẩm này không thể học được gì từ thực tế, tinh thần của những tác phẩm này không thể thực hiện nổi.
Một “nền văn hóa hùng hậu” – lí tưởng tính, một sự ba hoa khoác lác, vô nội dung, tạo dựng từ nhu cầu phi hiện thực, với lợi ích phi hiện thực, với tiêu chuẩn hoang tưởng, không chút quan hệ gì với sự sống thực chất của con người, chưa từng có, và sẽ không bao giờ có.
Triết học hiện đại, đạo đức học, xã hội học, tâm lí học tạo dựng trong một lí tưởng tính rỗng tuếch khiến chúng không thể tác động đến đời sống của bất kì ai. Và nếu một ngày toàn bộ những thư viện sách này biến mất trên trái đất, không ai nhận ra sự thiếu hụt của chúng.
Thậm chí có thể đánh cuộc rằng: con người hiện đại đang sống trong tôn giáo Thiên Chúa, nhưng nếu Thiên Chúa giáo một ngày bỗng biến mất khỏi trái đất, không ai nhận ra sự thiếu vắng này, nhất là các vị linh mục.
Tóm lại: trong toàn bộ thế giới hiện đại có một cái gì đó thiếu cơ bản, giả dối, thổi phồng, bên trong nó là một sự lường gạt rỗng tuếch, luôn vin vào các lí tưởng, vào Thiên Chúa giáo, vào các giá trị đạo đức, nhưng không ai tin và thậm chí không ai có ý định thực hiện nó. Toàn bộ đời sống hiện đại có một cái gì đó không thực chất.
Và điều để phân biệt con người cổ với con người hiện đại chính là điều này: sự thực chất của con người.
Tinh thần về bản chất không khác; tôn giáo, siêu hình học, đạo đức, trật tự nhà nước, các lí tưởng, sở thích, các mục đích giống nhau, bởi vì những thứ này trong thời gian và ở các dân tộc đều như nhau.
Sự khác biệt là: con người cổ sống trong tinh thần, tin vào tinh thần và đấy là nội dung và số phận của họ, để thực hiện tinh thần. Sự thực hiện này là hoạt động siêu hình của đời sống; đây chính là sự canh tác mạnh mẽ, tích cực của con người vào thế giới vật chất.
Trong hoạt động thực hiện tinh thần này mang tinh thần người cha của tình yêu thương; chính vì vậy trong toàn bộ sự canh tác chứa đựng tính chất tôn giáo và siêu hình, và chính vì vậy hoạt động này là một sự sùng bái.
Con người hiện đại, dù biết về siêu hình, về tính chất sùng bái của hoạt động, về đặc tính tôn giáo của sự canh tác nhưng họ không tin, họ vứt bỏ yếu tố tinh thần, và nội dung cuộc đời của họ: thay cái TÔI cá nhân vào vị trí tình thương yêu của người cha trong bản chất của hoạt động.
Tất cả những gì liên quan đến tinh thần của thời hiện đại đều mang tính chất không tưởng. Cái sẽ thực hiện trong tương lai không bao giờ hiện thực hóa, mà chỉ là không tưởng: bởi vậy thời hiện đại là Lời mang tính chất không tưởng và chủ nghĩa không tưởng là hành vi đặc thù của nó.
Bởi vậy lương tâm của toàn bộ nhân loại thời hiện đại là một lương tâm hư hỏng: nó thừa biết tất cả những gì nó nói, đòi hỏi, tuyên bố, thành lập phải đi liền với sự thực hiện. Nó thu thập lí thuyết, đề ra các mục tiêu, nói về các tiêu chuẩn, tuyên bố các giá trị, nhưng kẻ đầu tiên không nghĩ đến việc thực hiện những điều này chính là kẻ đề ra và tuyên truyền.
Tất cả những gì nhân loại thời hiện đại suy nghĩ và lên kế hoạch, như một kẻ bắt buộc chịu đựng những khó khăn thường xuyên đổ lên đầu, không hi vọng nhỏ nhất là được trả công. Tinh thần thời hiện đại, như mới đây nhất người ta nói: phi hiện sinh, là một thứ phi bản chất, phi tinh thần, phi cá nhân, rỗng tuếch và không thể hiện thực hóa.
Nhân loại thời hiện đại về tổng thể đã tự nhầm lẫn bản thân với các loại lí thuyết của họ. Từng con người hiện đại, nhất là những kẻ mệnh danh sáng tạo ra văn hóa, các nhà đạo đức, nhà giáo, các nhà bác học, linh mục, các đại diện nhà nước đều cho rằng mình đang sống một đòi sống tinh thần rất cao mà không hề nhận ra thứ tinh thần họ tuyên bố không cái gì được thực hiện.
Những tư tưởng cao siêu đẹp đẽ không hề mang tính phổ quát, và đứng về mặt cá nhân cũng không thực hiện nổi, toàn bộ là một ảo tưởng tri thức, núp dưới nó là những con người đê tiện, kiêu ngạo, huênh hoang, rỗng tuếch, kệch cỡm, và trước hết là những kẻ ngu muội.
Cần đặt giới hạn cho khái niệm hậu quả. Bởi vì trên nền tảng này, nếu ai muốn kiểm tra những hiện tượng của đời sống hiện đại, cặn giải thích và mổ xẻ ra toàn bộ.
Một lần nữa cần nhấn mạnh rằng, trong đời sống hiện đại, hiện thực tinh thần cũng có mặt trong thời kỳ hiện tại như trong tất cả các thời kì khác, chỉ không được hiện thực hóa. Không được hiện thực hóa bởi con người không canh tác thiên nhiên vật chất trong tinh thần của yêu thương người cha vĩnh cửu, mà chỉ muốn canh tác bằng cái TÔI. Và bởi thế không thể.
Hậu quả là: tinh thần không tiếp xúc được với thiên nhiên, mối quan hệ và tương quan giữa hai thế gian bị gián đoạn: tinh thần nằm lại trong lí tưởng tính, bởi không hiện thực nổi, hàng triệu cuốn sách thừa thãi vô nghĩa, các sức mạnh tự nhiên tự giải phóng thoát khỏi sự kiểm tra của tinh thần, tự do gây sự và rồ dại, điều này có thể thấy rõ trong đời sống nhà nước, trong xã hội, trong số phận và trong thế giới linh hồn của con người.
Hậu quả đầu tiên của tinh thần không hiện thực họa là ý nghĩa của đời sống bị thất lạc và lu mờ.
Bởi vì đời sống không phải là một cái gì tự nó có ý nghĩa, tự nó mang một ý nghĩa. Đời sống tồn tại trong vòng quay của thiên nhiên vật chất, và nếu thiếu sự tiếp xúc với tinh thần, nó trở nên bất lực và mù lòa, cũng như trở nên vô nghĩa và tối tăm.
Giữa những môi trường như vậy không có một khả năng để biến bất kì mức độ nào thành cái phổ quát. Mức độ của các sự vật sẽ là con người, là cái TÔI, là cái bắt đầu của sự phi mức độ, của sự vắng thiếu mức độ, của chủ nghĩa ngụy biện trí tuệ, của đạo đức vô chính phủ trong đời sống nhà nước, như Khổng Tử đã nói: “Quyền lực là những kẻ to mồm, mốt thuật nghệ thuật, và đạo đức giả là đời sống hằng ngày.”
Hậu quả của việc đánh mất mức độ – một lần và mãi mãi – là tất cả mọi người bắt buộc phải tự đặt ra cho mình chuẩn mực của cái tốt và cái xấu, thực ra chỉ là một chuẩn mực nhất thời. Đạo đức bị cá nhân hóa và tự ứng biến đánh mất đi đặc thù hợp lí của nó, để rốt cuộc cái tốt và cái xấu không là gì khác ngoài quyền lợi cá nhân, là thứ thay đổi từng giây từng phút.
Các quy tắc đời sống biến mất; sự bắt chước vô nghĩa, lối sống tự do cá nhân trở thành tập quán. Tính chất trực tiếp của cộng đồng xã hội chấm dứt, phép lịch sự, sự sang trọng, nền nếp giáo dục, sự nhạy cảm đối với cái TÔI hỗn loạn chỉ còn là gánh nặng. Không ai quan tâm đến một đời sống chung lành mạnh, bởi tất cả mọi người còn mải tìm kiếm cho thú vui riêng của mình.
Giữa những môi trường như vậy không thể nói đến một sự canh tác tích cực. Đời sống trở nên vô nghĩa, sự vô nghĩa này thẩm thấu toàn bộ mọi khía cạnh, mọi khoảnh khắc của cuộc sống. Sự canh tác tích cực lúc đầu trở thành gánh nặng, sau đó trở nên sự cưỡng bức và cuối cùng thành sự nô lệ. Ở mức độ này sự canh tác mang tên gọi: lao động.
Lao động thực chất chính là hoạt động, nhưng vì không có quá trình hiện thực hóa của tinh thần nên lao động trở thành một hoạt động vô nghĩa, khổ sở, nặng nhọc, thấp hèn và đày đọa trong đời sống.
Nếu cuộc sống không có ý nghĩa, lúc đó mục đích sống của con người là sự hưởng thụ vô nghĩa, sự hưởng thụ của một cái TÔI vô trách nhiệm. Và nếu đời sống vô nghĩa, hoạt động lúc đó cũng vô nghĩa, và hoạt động vô nghĩa này chính là: công việc làm hằng ngày.
Nhân loại thời hiện đại, đặc biệt trong khoảng một trăm năm gần đây, đã đặt việc giải quyết vấn đề lao động thành một trong những mục đích quan trọng nhất của tư tường. Nhưng không đạt được kết quả gì, lao động tiếp tục vẫn ở vị trí như cũ: lao động là nô lệ, là cưỡng bức, là sự rùng rợn, và nguyên nhân của nó thật đơn giản.
Người ta không nhìn thấy tất cả không phải bắt đầu từ lao động, mà từ điều này: tất cả các hoạt động của đời sống cần mang một Ý Nghĩa.
Trong tức khắc, lao động một lần nữa sẽ biến thành một canh tác tích cực, nghĩa là nếu một lần nữa các giá trị tinh thần được hiện thực hóa, mọi vấn đề được giải quyết ngay lập tức.
Trong thời hiện đại, chỉ duy nhất một hình thức lao động giữ đặc tính canh tác. Người nghệ sĩ trong thời hiện đại là kẻ duy nhất hiện thực hóa nổi các giá trị tinh thần. Và lao động nghệ thuật là thứ lao động duy nhất không biến thành sự nô lệ bức bối, mà thậm chí tồn tại một cách lôi cuốn, đẹp đẽ và hoàn chỉnh.
Trong lao động nghệ thuật, con người trực tiếp hoàn thành những giá trị tinh thần, và như vậy trực tiếp canh tác thiên nhiên vật chất. Công việc này là tấm gương và giấc mơ đáng ghen tị cho những công việc khác. Và chắc chắn, chừng nào sự hiện thực hóa trong các lĩnh vực đời sống – như công việc của người nghệ sĩ – còn chưa thực hiện được, chừng đó mọi lí thuyết, luật lệ, mọi công cuộc cải cách lao động, mọi cưỡng bức đều vô ích.
Đây không phải vấn đề tiền công, thời gian lao động, không phải vấn đề xã hội, mà duy nhất – độc nhất chỉ là: mối quan hệ vối thế giới vật chất của tinh thần yêu thương từ người Cha.
Con người, như Zarathustra nói, hoặc là người cha hoặc là kẻ cướp của thiên nhiên. Con người, hoặc hiện thực hóa tinh thần yêu thương, lúc đó là người CHA của thiên nhiên, hoặc không hiện thực hóa nổi, lúc đó là kẻ cướp của thiên nhiên.
Chúng ta biết ơn sự canh tác cổ không chỉ vì các loài thực vật, lúa, cây ăn quả, cây trồng đã thuần hóa; không chỉ vì những loài gia cầm, ngựa, bò, cừu; không chi vì tất cả những đồ vật cơ bản dành cho gia đình và đời sống của chúng ta; mà chúng ta còn biết ơn thời cổ vì tri thức hoàn hảo của thế giới con người, vì hình ảnh đã tạo dựng và hoàn chỉnh về con người.
Bởi vì thời cổ đã canh tác thiên nhiên bằng tinh thần của người cha âu yếm vị tha, tinh thần này thấm đẫm trong sự thuần hóa mỗi loài thực vật, trong cộng đồng, trong linh hồn con người. Sự hiện thực hóa tinh thần người cha tạo dựng vẻ đẹp của trái đất, tạo dựng hòa bình cho cộng đồng, cho sự phát triển của thành phố, cho sự hiền hòa của tính cách.
Và khi con người không bao giờ hiện thực hóa nổi tinh thần của người cha nữa, nó nhất thiết trở thành kẻ cướp của thiên nhiên.
Kẻ cướp không chỉ của đất, không chỉ triệt hạ những cánh rừng, tàn sát lũ súc vật, tước đoạt tài nguyên của núi, mà nhân dân còn trở thành kẻ cướp của nhân dân, giai cấp trở thành kẻ cướp của giai cấp, con trẻ thành kẻ cướp của các bậc thân sinh, thân sinh thành kẻ cướp của con trẻ, đàn ông thành kẻ cướp của đàn bà, đàn bà thành kẻ cướp của đàn ông, nông dân thành kẻ cướp của thị dân, thị dân thành kẻ cướp của công nhân, giai cấp thống tri thành kẻ cướp của kẻ bị trị.
Con người hoặc là cha hoặc là kẻ cướp của đất, Zarathustra đã nói.
Và khi không là người cha của đất, không thể hiện thực hóa tinh thần của lòng yêu thương, lúc đó nó nhất thiết trở thành kẻ cướp, coi đất như chiến lợi phẩm cần phân chia cho một bè lũ, bất kể đấy là một dân tộc hay một giai cấp.
Bản năng ăn cướp đã tạo ra cuộc đấu tranh của các dân tộc, các giới tính, các chủng loài, tạo ra cuộc đấu tranh của các thế giới quan – hay nói một cách ngắn gọn: tạo ra cuộc đấu tranh người ta hay gọi là đấu tranh sinh tồn.
Thời cổ có nhận thức về khái niệm chăm lo sự sống, nhưng không có khái niệm đấu tranh sinh tồn.
Bởi con người thời cổ đứng trên thiên nhiên, như một người chủ, người cha của thiên nhiên, như một vị vua tốt cai trị trên thế gian.
Ở đây phê phán nhân loại thời kì lịch sử không phải là mục đích, mà mục đích là làm nổi bật sự khác biệt của văn hóa thời cổ và thời kì lịch sử, và chỉ cần trích dẫn một câu nói của Zarathustra, cùng sự giải thích câu nói đó là đủ đạt đến mục đích này.
Con người thời cổ là người cha của thiên nhiên; là cha của thiên nhiên bởi con người đã canh tác đời sống với tinh thần tích cực của tình yêu thương của người cha.
Bởi vì: “Tất cả, cái gì sống và có trên thế gian” – Kinh Zohár đã nói – “chỉ để cho, và vì con người. Bầu trời có để cho, và vì mọi thực thể, bởi bản thân các thực thể và các sự vật không ý nghĩa và cũng chẳng có giá trị gì.”
Sự canh tác không là gì khác ngoài việc hiện thực hóa tính thần của tình yêu thương; theo một quan điểm nhất định nhiệm vụ của con người trong thiên nhiên vật chất không là gì khác ngoài việc hiện thực hóa tinh thần của người cha, trên tất cả mọi lĩnh vực vật chất và thiên nhiên: đất, quan hệ con người, cộng đồng, với khả năng riêng của mỗi con người.
Đây là mục đích đời sống và nhiệm vụ đời sống duy nhất, con người hãy trở thành chủ, thành người chăm lo, người thầy, thành vua của thiên nhiên. Đây là trật tự sống thiêng liêng. Đây là đời sống người trong mọi lĩnh vực, mọi khoảnh khắc mang tính chất tinh thần, bời vậy nó là sự sùng bái trong cái toàn bộ.
Con người lịch sử không phải là người cha mà là kẻ cướp của thiên nhiên. Họ coi thường vật chất: nhưng sự coi thường này chỉ là một minh chứng sau cùng: họ cho phép mình chống đỡ như vậy, vì trước hết họ chà đạp và cướp bóc vật chất. Hành vi căm thù thiên nhiên vật chất trong những thế kỉ gần đây là một quan niệm muộn mằn và lạc lõng, để đánh lạc hướng việc chú ý đến bản chất.
Con người không thù hằn nổi thế giới vật chất, cái không thể coi thường thì không thể là kẻ thù. Đây là lương tâm tồi tệ của kẻ cướp, một kẻ mong muốn sám hối bằng một thứ đạo đức giả. Thực chất, con người thời kì lịch sử không phải là người cha của thiên nhiên, không biết hiện thực hóa tinh thần của tình yêu thương. Họ không bao giờ biết canh tác đất nữa, mà chỉ biết bằng thủ đoạn, hoặc phi thủ đoạn bóc lột đất.
Đối với con người hiện đại, lúa gạo, ngô, hoa quả, thịt súc vật, cá của biển, quặng của núi, và trăm nghìn khả năng bí ẩn của vật chất đều biến thành chiền lợi phẩm, cũng như những đặc tính của điện, từ trường, hóa học, và những người khác, các dân tộc khác, chủng loại người khác cũng trở thành chiến lợi phẩm, đá, nước, đất, không khí cũng trở thành chiến lợi phẩm, con người hiện đại cướp bóc, dành cho cái TÔI riêng, và trong suốt quá trình cướp bóc này, con người ngày càng trở nên nghèo đói, thô bỉ, thù hằn, khép kín, khô cứng, thất thường, ngu tối, đần độn và độc ác.
Nhiệm vụ đời sống của con người cổ là hiện thực hóa tinh thần của tình yêu thương, đấy là trật tự sống thiêng liêng; đấy là sự sùng bái.
Con người thời kì lịch sử cho rằng nhiệm vụ của đời sống là việc thực hiện quyền lực của cái TÔI, và cảm giác này tạo ra một trật tự đời sống thô bạo, hoang dại, khép kín, ích kỉ, một trật tự đời sống đầy sự xúc phạm. Cái tinh thần cao cả thường được giữ gìn trong lí tưởng tính không dược hiện thực hóa, cái mà con người hiện đại đang thực hiện đấy là bản năng đi giành chiến lợi phẩm của một cái TÔI ăn cướp.
Đây chính là sự khác biệt trong sự canh tác của con người cổ và con người thời kì lịch sử.
Nhân loại thời kì lịch sử là một điển hình tối tăm để sự giáo dục cổ hiện ra với toàn bộ sự sáng láng của nó. Nếu không so sánh với thời kì lịch sử, chỉ nói sự canh tác của con người thời cổ là một quá trình sùng bái vị tha, là một trật tự đời sống thiêng liêng, chắc chắn con người hiện đại sẽ không hiểu gì cả.
Cái gọi là nền văn hóa ngày nay đã che phủ toàn bộ bản chất của sự canh tác cổ.
Mục đích của canh tác cổ không phải tạo ra nền văn hóa, mà là: biến mặt đất (đời sống trần thế) thành thiên đường.
Thành thiên đường: bằng sự hoạt động thiêng liêng có tên là lao động khiến đời sống trở nên trù phú, giàu có, tốt đẹp. Thiên nhiên chưa từng là kẻ thù của con người, mà là cái kho của sự sống tự hiến dâng, để con người từ đó nâng đời sống con người lên thành niềm vui thiêng liêng.
Bởi niềm vui không phải là gì khác, chính là: “sự bổ sung hoàn thiện của đời sống thiên nhiên “, và ai muốn đạt tới niềm vui, người đó muốn sự sống đạt đến sự hoàn thiện.
Niềm hạnh phúc trần thế phụ thuộc vào việc con người có biến thế gian thành hoa trái, cái đẹp, sự giàu có hay không; có sắp đặt nổi đời sống theo những định luật của tinh thần người cha hay không; có chiến thắng nổi mọi nhiễu nhương và tăm tối hay không; có hiện thực hóa nổi tinh thần của tình yêu thương giữa những con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên hay không. Nếu thực hiện nổi, thiên nhiên sẽ ban cho con người đầy đủ châu báu của nó; thiên nhiên và con người sẽ sống trong niềm vui và từ niềm hạnh phúc này hóa thiên đường.
“Mọi nền văn hóa chân chính đều là chủ nghĩa diệt trừ ma quỷ (egzorcizmus)”- Baader nói.
Sự sùng bái là một canh tác tích cực, là việc hiện thực hóa tinh thần của tình yêu thương cao cả và là nhiệm vụ lớn. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những sức mạnh đen tối, độc ác và gây tác hại trên thế gian. Sự trù phú và cái đẹp, sự phồn thịnh là kết quả hoạt động trong nhu cầu thu tóm toàn bộ sức mạnh của con người.
Nhưng con người thời lịch sử lại không hiểu nổi chính tác dụng và ý nghĩa của việc xua đuổi ma quỷ trọng hoạt động sùng bái.
Bởi vậy các Quyền lực độc ác, tăm tối, gây tác hại đã được giải phóng trong thời kì lịch sử: các Quyền lực mà các cuộc chiến tranh dân tộc, các cuộc cách mạng, cái bản năng ăn cướp đã phơỉ bày tính chất ma quỷ của nó, nhưng không có gì sâu sắc và khủng khiếp hơn là cách mạng kĩ thuật. Kĩ thuật không phải là sự sùng bái và văn hóa. Kĩ thuật là thí nghiệm của các sức mạnh ma quỷ đã giải phóng để hủy diệt đời sống trần thế.
Sự thức tỉnh đã bị mất cùng với sự biến mất của thời cổ. Thời kì hoàng kim đã biến mất. Con người không bao giờ hiện thực hóa tinh thần của người cha nữa, mà trở thành kẻ cướp của đất, và trái đất trở nên tối tăm.
Sự sống thiên nhiên bị phá hỏng, và sự hoạt động trong thiên nhiên không còn là niềm vui, sự trù phú, niềm hạnh phúc nữa mà trở thành nhu cầu nặng nhọc cay đắng, thành sự đau khổ, sự nghèo đói, và cơ cực.
Từ sự sùng bái được bảo vệ bằng niềm tin và niềm vui, biến thành lao động nặng nhọc. Tinh thần biến mất khỏi lao động. Biến thành một nền văn hóa thực dụng, một kho sách – trừu tượng, rỗng tuếch, vô ích, vô sinh, một thứ văn hóa không làm nảy sinh đời sống trù phú, không gây dựng nên một trật tự phổ quát, và từ đó không nảy sinh một niềm vui cao thượng. Đời sống người khô cằn đi, hóa đá, thô bạo, khổ sở, đày đọa, tăm tối.
Bởi vì: “Có những sức mạnh hiện thực hóa, và có những sức mạnh cướp bóc, làm khô cằn, khô cứng, hóa đá các hiện thực tinh thần”.
“Những sức mạnh để hiện thực hóa những hiện thực tinh thần luôn luôn mở, quay vào trong và hướng lên trên; còn những sức mạnh kẻ cướp luôn luôn mở ra ngoài và hướng xuống dưới.”
Trong khoảnh khắc từ biệt thời cổ, con người không bao giờ hiện thực hóa tinh thần của người cha nữa, mà trở thành kẻ cướp, hướng quay vào trong và lên trên bị khóa lại, để hướng quay ra ngoài và quay xuống dưới mở ra.
Không bao giờ còn có thể nhìn thấy ý nghĩa và mục đích ‘trong hoạt động của con người nữa; con người không biết rằng, nhiệm vụ duy nhất cua nó là xây dựng thiên đường từ đất.
Con người đánh mất tinh thần, đánh mất những lí tưởng, đánh mất thần linh, đánh mất niềm vui, niềm hạnh phúc, còn bản thân nó bị đánh mất trong công việc, trong những sự vật bên ngoài, trong bản năng quyền lực ăn cướp mặt đất, trong việc chiếm đoạt chiến lợi phẩm thiên nhiên.
Sự canh tác không bao giờ còn là sự sùng bái nữa mà chỉ còn là văn hóa.