Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mười Tội Ác – Tập 2: Hiện Trường Vụ Án

Phần 2: Quán Trọ Kinh Hoàng

Tác giả: Tri Thù

Lời dẫn

Bàn chân nào giẫm lên khóm Violet, hương hoa sẽ lưu lại trên bàn chân đó. Và lòng khoan dung chính là như vậy! – Andrew Matthews.

 

Rất nhiều người có chung một thói quen khi ở khách sạn hay nhà nghỉ, đó là kiêng ở phòng cuối hành lang.

Những căn phòng ở vị trí này âm thịnh dương suy, thường xuyên xảy ra những sự việc rất kì quái. Ví dụ như nửa đêm có tiếng gõ cửa, nhà vệ sinh tự động xả nước, hay ti vi tự động bật. Những người mê tín tin rằng những căn phòng như thế này thường dễ có ma. Không chỉ có con người ở trong các khách sạn nhà nghỉ, mà người ta cho rằng ngay cả các cô hồn dã quỷ cũng coi đó là chốn dừng chân sau chặng đường dài.

Đó tất nhiên chỉ là những lời vô căn cứ, nhưng có một sự thật, rất nhiều vụ án mạng đều xảy ra tại những căn phòng cuối hành lang như thế.

Tháng 3 năm 2009, trong chuyến công tác của mình, một người phụ nữ nghỉ lại tại phòng 101 của khách sạn Hoàng Thành. Đây là căn phòng nằm cuối hành lang tầng một của khách sạn.

Tối đó, cô bật máy tính nói chuyện trực tuyến cùng người chồng sắp cưới. Trong lúc đang nói chuyện vui vẻ, hòa theo tiếng nhạc du dương, cô đứng dậy nhảy múa vui vẻ cùng một nửa của mình đang ở đầu bên kia. Người chồng sắp cưới nhìn cô say đắm, hòa theo nụ cười và sự uyển chuyển của nàng, khen ngợi người vợ sắp cưới yêu kiều diễm lệ.

Đang vui vẻ nhìn ngắm nửa kia của mình, bỗng người chồng sắp cưới thấy chiếc rèm cửa sổ phòng khách sạn sau lưng cô gái động đậy. Cửa sổ phòng lúc đó chắc chắn đang đóng chặt, nên không thể có gió lùa vào, lẽ nào có người nấp sau rèm cửa?

Người chồng sắp cưới giật mình hoảng sợ, vội vàng gõ lên cửa sổ nói chuyện nhắc nhở cô gái.

Cô quay đầu nhìn lại, không thấy rèm cửa sổ có gì khác lạ. Lấy hết can đảm, cô bước lại gần, đưa tay vén bức rèm lên, phía sau không hề thấy gì bất thường.

Cô trở lại chỗ máy tính, viết lại cho chồng tương lai: “Ông xã, anh xấu quá, định dọa em đấy à!”

Người chồng sắp cưới trả lời một cách miễn cưỡng: “Có lẽ là do anh hoa mắt, nhìn nhầm thôi?”

Cô gái tiếp tục với điệu múa của mình. Lúc này, ánh mắt của người chồng sắp cưới đã không còn tập trung vào cô được nữa, mà chuyển sự chú ý sang bức tường phía sau tấm rèm cửa sổ. Anh càng nhìn càng thấy căn phòng này có gì đó không bình thường, dường như trên bức tường kia có thấp thoáng bóng dáng một người nào đó.

Một bóng đèn trong phòng bỗng nhiên vụt tắt. Nhìn qua máy tính, căn phòng có phần tối đi rất nhiều.

Đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa, cô gái ghé mắt nhìn qua mắt mèo trên cửa… Không có ai, khắp hành lang cũng chẳng có lấy một cái bóng nào.

Cô gái vừa quay người về phòng, thì lại nghe có tiếng gõ cửa. Khi cô ghé sát vào mắt mèo xem đó là ai thì vô cùng kinh hoàng khi thấy một con mắt đỏ ngầu phía ngoài đang nhìn chằm chằm vào mình.

Ngày 19 tháng 3 năm 2009, tại khách sạn Hoàng Thành xảy ra một vụ án mạng. Một cô gái vào thuê căn phòng số 101 của khách sạn. Tại phòng đối diện, một người đàn ông, sau khi uống say đưa một cô gái bán hoa về phòng. Do xảy ra bất đồng về tiền thù lao, người đàn ông đánh đập cô gái. Cô gái thương tích đầy mình, gục xuống trước cửa phòng 101, không ngừng gõ cửa cầu cứu sau khi cô gái tại phòng 101 báo cảnh sát, người đàn ông say rượu mua dâm đã bị bắt giữ.

Khi thực hiện ghi chép lời khai, phía cảnh sát phát hiện thấy căn phòng 101 có gì đó khác thường. Trong không khí có mùi như mùi xác chết.

Cảnh sát lập tức tiến hành kiểm tra. Căn phòng này nằm cuối hành lang tầng một của khách sạn, trông rất cũ kĩ, điều hòa có dấu vết bị lửa hun cháy đen, các vết mốc lốm đốm khắp tường. Một bóng đèn đầu giường đã cháy, nhà vệ sinh tối tăm ẩm ướt, chiếc gương cũ loang lổ soi vào chỉ còn thấy lờ mờ không rõ bóng người. Trong nhà vệ sinh còn có một chiếc cửa sổ gỗ vuông đã bị đóng chặt, mốc meo.

Một cảnh sát sau khi đứng quan sát tỉ mỉ hồi lâu trước bức tường đã phải hét lên gọi mọi người. Anh phát hiện ra trên tường mập mờ hình khuôn mặt của một ai đó.

Sau quá trình điều tra sơ bộ bước đầu, phía cảnh sát kết luận rằng trong bức tường này có thể đang giấu một xác người. Thi thể trong trạng thái bị xây kín sẽ tự phân hủy. Dung dịch chảy ra dần dần ngấm vào tường, rồi ngấm ra bên ngoài, hình thành lên hình ảnh đúng như dáng người đã chết.

Cảnh sát sử dụng khoan máy, chùy lớn, xà beng cùng nhiều công cụ khác, khoan dỡ đoạn tường nghi ngờ có thi thể. Sau hơn ba giờ đồng hồ cố gắng, cuối cùng cả đội cũng ngả được đoạn tường bê tông hình chữ nhật xuống. Sau khi đưa vào chụp X-Quang, hình ảnh bộ xương nằm trong bức tường bê tông đã hiện ra rõ ràng trước mắt.

Câu chuyện về xác người trong bức tường, hoặc cũng có người gọi với cái tên “tường giấu xác” làm chấn động cả thành phố.

Nhận được lời mời của cảnh sát địa phương, tổ chuyên án lập tức tới ngay khách sạn Hoàng Thành. Chi đội trưởng phụ trách mảng trinh sát hình sự đưa bốn người của tổ chuyên án vào phòng pháp y. Tuy nhiên, họ gặp phải một vấn đề nan giải, làm cách nào để lấy được thi thể ra khỏi tấm bê tông một cách hoàn thiện?

Các bác sỹ pháp y đã bó tay, còn những thiết bị giải phẫu đứng trước tấm bê tông đồ sộ này thì hoàn toàn vô tác dụng.

Một cậu cảnh sát dùng khoan điện khoan một lỗ nhỏ trên tấm bê tông. Một thứ dịch màu vàng chảy ra. Trong dịch có độc, mùi vô cùng khó ngửi, khiến mọi người đều phải đưa tay bịt mũi.

Giáo sư Lương ngay lập tức ngăn cản hành động vừa rồi của cậu cảnh sát. Thi thể nạn nhân ẩn chứa một lượng lớn thông tin quan trọng, một khi những thông tin đó bị hư hỏng, việc phá án sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Giáo sư Lương yêu cầu phía cảnh sát Hoàng Thành tìm một vài người thợ điêu khắc đá, và rất nhanh chóng, họ đã có mặt tại phòng pháp y.

Người thợ cả giận dữ, nói: “Tôi là thợ đục đá chứ có phải thợ đục bê tông đâu?”

Chi đội trưởng cũng hơi gắt gỏng: “Thì có khác nhau là mấy!”

Người thợ cả hỏi tiếp: “Đục thành hình gì đây? Có bản vẽ không?”

Chi đội trưởng giờ mới nhẹ nhàng, nói: “Trong tấm bê tông này có một xác người, các anh đục cẩn thận, đừng để hư hỏng cái xác…”

Vừa nghe đến đấy, cả đội thợ cong đuôi chạy hết, phía cảnh sát hứa trả thêm tiền công cũng nhất định không ai dám chịu làm. Chi đội trưởng cũng không miễn cưỡng, để họ ra về. Bỗng anh nhớ ra một người có thể giúp họ thực hiện việc này. Anh có một người bạn là nhà điêu khắc. Bất kể trên chất liệu gỗ hay đá, người này đều có một tay nghề đáng nể. Các tác phẩm của anh ta đã từng đạt nhiều giải thưởng lớn trong nước.

Chi đội trưởng cho mời nhà điêu khắc đến phòng pháp y. Nhà điêu khắc đồng ý giúp họ giải quyết bài toán khó này. Trước tiên, anh nhìn tổng thể cả tấm bê tông, trên đó vẫn còn in hằn một hình mặt người. Bằng những công cụ chuyên dụng như thước ba chiều, đục, rìu khoan, máy mài, sau nửa ngày vất vả, nhà điêu khắc cuối cùng cũng bóc tách thành công phần phức tạp nhất, đó là phần đầu. Tiếp đó, anh tiến hành đẽo gọt phần thân. Sau một hồi lâu, hình dáng một người đang đứng hiện ra trước mắt, nằm lẫn giữa những sợi cốt thép nhưng vẫn rất rõ ràng, và chỉ còn phủ một lớp xi măng mỏng.

Nhà điêu khắc nói với chi đội trưởng: “Đây là tác phẩm tuyệt vời nhất của tôi!”

Chi đội trưởng tiễn nhà điêu khắc về, rồi hứa buổi tối sẽ mời người bạn nhiệt tình này đi ăn. Nhà điêu khắc trước khi rời khỏi đó còn muốn chụp một bức hình với “tác phẩm” kia để làm kỉ niệm, nhưng phía cảnh sát đã từ chối khéo.

Bao Triển và bác sỹ pháp y dùng búa nhỏ gõ hết lớp xi măng mỏng còn lại trên mặt thi thể. Một khuôn mặt sưng phù lạ thường, đã phân hủy rất nhiều xuất hiện trước mắt họ, nhưng đã rất khó để nhận ra hình dạng của ngũ quan. Giáo sư Lương yêu cầu Bao Triển và bác sỹ pháp y nhanh chóng tiến hành kiểm tra, kể cả những miếng bê tông được bóc ra cũng phải mang đi xét nghiệm rõ ràng. Cùng lúc, Chi đội trưởng và Họa Long tiến hành điều tra về công ty xây dựng đã nhận thầu công trình này, thu thập một danh sách các đối tượng tình nghi. Còn Tô My tìm kiếm danh sách những người được báo mất tích trong thang máy mấy năm vừa qua.

Sau hai ngày trời vất vả, các thành viên đã tìm được rất nhiều các manh mối. Giáo sư Lương triệu tập mọi người mở cuộc họp báo cáo và triển khai tình hình.

Khách sạn Hoàng Thành nằm ở gần trạm xe cuối cùng của cả đoạn đường dài. Khu vực này tập trung đông người ngoại tỉnh, tình hình trị an tương đối phức tạp. Khách sạn Hoàng Thành được xây dựng xong vào khoảng nửa năm trước, do Công ty Xây dựng Hoàng Thành đứng thầu. Một viên quản lý dự án cho biết, do nguồn lao động thay đổi rất nhanh, nên giờ đây về cơ bản đã không còn tìm được những người thợ thi công của năm đó nữa, dẫn đến việc lập danh sách tình nghi vô cùng khó khăn. Chi đội trưởng phải tạo áp lực với Giám đốc công ty, mới có được một bảng lương cũ từ thời gian đó. Nhưng trên bảng lương chỉ có tên công công nhân thi công, mà không có bất cứ thông tin địa chỉ hoặc điện thoại, hay cách thức liên lạc nào khác, khiến cho công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Bao Triển và bác sỹ pháp y đã làm xong báo cáo. Theo kết quả phân tích xương, thi thể là một nam giới tầm sáu mươi tuổi. Trên thân người chỉ mặc duy nhất một chiếc quần đùi, ngón tay có đeo một chiếc nhẫn vàng. Thi thể nạn nhân bị nhét vào một cột trụ bê tông của tòa nhà. Trong cột trụ có cốt thép, và thi thể bị kẹt trong chính những đoạn thép đó và đổ bê tông vào. Từ việc phân tích bản thiết kế thi công tòa nhà cho thấy, ban đầu nơi này vốn được dự kiến xây thành một khu thương mại, nhưng giữa chừng phải ngừng thi công một thời gian, rồi sau đó mới sửa lại thành khách sạn. Kết cấu chịu tải của tòa nhà này được thiết kế một cách kiên cố lạ thường, và khu vực tường nơi phát hiện thi thể cũng được xây dày hơn các công trình dân sinh thông thường khác rất nhiều.

Chi đội trưởng lên tiếng hỏi: “Nếu thi thể bị chôn kín trong bê tông thì sẽ thế nào?”

Bác sỹ pháp y trả lời: “Thi thể bị lớp xi măng bọc kín, khi xi măng khô lại sẽ vẫn còn rất nhiều những lỗ khí nhỏ, nước và không khí vẫn có thể xâm nhập. Hơn nữa, khi xi măng khô lại, sẽ trở về môi trường trung tính, tốc độ phân hủy vô cùng chậm, xương cốt có thể lưu giữ trong thời gian dài, do đó rất khó đánh giá về tình trạng hiện thời của thi thể này. Thông thường trong giai đoạn đầu sau khi chết, một thi thể sẽ bắt đầu bằng giai đoạn hạ nhiệt, tím tái, cứng lại, khô cục bộ, giác mạc đục lại, rồi tự phân giải. Giai đoạn tiếp theo, thi thể có thối rữa, hoặc trở thành xác khô, giữ nguyên hiện trạng. Các biểu hiện của thi thể là những dấu hiệu quan trọng giúp các bác sỹ pháp y phán đoán thời gian tử vong. Thế nhưng cái xác vùi trong bê tông này có những phần đã phân hủy, lại có những phần vẫn còn tương đối hoàn chỉnh, nên rất khó phán đoán thời gian tử vong chính xác. Theo những đánh giá sơ bộ, ít nhất nạn nhân cũng đã chết từ nửa năm trước.”

Giáo sư Lương có ý định mời các chuyên gia trong nước giúp đỡ, nhất định phải làm rõ được thời gian tử vong.

Tô My nhìn vào bản báo cáo khám nghiệm tử thi, quay sang nói với Họa Long: “Trời ạ! Ông cụ này bị giết đến tận hai lần cơ à!”

Bao Triển trả lời: “Không! Ba lần chứ!”

Họa Long nhìn qua bản báo cáo, lên tiếng xác nhận: “Ừ! Đúng thế!”

Hộp sọ của người chết có nhiều chỗ bị vỡ, lõm xuống. Xương sườn khu vực trước ngực có vết bị vật nhọn đâm. Một mũi tên hợp kim nhôm xuyên từ trực tràng đến khoang bụng. Cả ba đều là những vết thương chí mạng. Điều đó cho thấy, hung thủ vô cùng tàn nhẫn quyết dồn nạn nhân vào chỗ chết. Mũi tên hợp kim nhôm thuộc loại dành cho cung nỏ cao cấp, ngoài ra không phát hiện thấy hung khí gây sát thương nào khác.

Tổ chuyên án và cảnh sát Hoàng Thành bắt đầu thảo luận. Mọi người đều phân tích cho rằng mũi tên kia, nhiều khả năng là do hung thủ dùng tay đâm nạn nhân, chứ không phải do cung bắn.

Việc quan trọng tiếp theo là cần xác định danh tính nạn nhân. Tô My so sánh danh sách những người mất tích trong khu vực với những đặc điểm nhận dạng của nạn nhân, và nhanh chóng tìm thấy người có nhiều điểm trùng khớp. Ông cụ này mất tích cách đây hơn nửa năm, người thân đã nhiều lần báo án, và còn đăng tin tìm người thân trên truyền hình, nhưng chưa có kết quả. Ông cụ khi mất tích đi một đôi dép lê và mặc một chiếc quần đùi rộng, cởi trần, rất ăn khớp với đặc điểm của nạn nhân. Qua kết quả xét nghiệm DNA, danh tính của ông cụ đã được xác định.

Họa Long và Chi đội trưởng tiến hành điều tra tại nơi ở của nạn nhân. Mọi người thường gọi ông là chú Lỗ.

Vợ chú Lỗ đã qua đời cách đây mấy năm. Sau khi về hưu, ông chỉ ở nhà, sống bằng số tiền lương dưỡng lão. Ngoài việc đưa đón đứa cháu nội đi học, ông không còn việc gì khác nên hàng ngày thích đi bộ trên phố, hoặc vào công viên chơi cờ.

Hàng xóm cho biết, tiếng tăm của chú Lỗ không được tốt cho lắm, ông thường rất thích vào cửa tiệm cắt tóc gội đầu ở ngoài mặt phố.

Một cô gái cho cảnh sát biết, có lần khi cô đi học thêm về nhà buổi tối, thấy chú Lỗ đứng trong một con ngõ tối và có những hành động rất kì quặc.

Con trai của chú Lỗ ban đầu không muốn nhắc đến chuyện này, nhưng sau khi được Họa Long và Chi đội trưởng làm công tác tư tưởng, cộng thêm tâm lý muốn tìm ra kẻ đã giết hại cha mình, con trai chú Lỗ sau hồi do dự cũng ngập ngừng kể một sự việc rất ngượng ngùng từng xảy ra.

Ở mỗi thành phố đều có những tiệm cắt tóc gội đầu mà không cắt tóc hành nghề chính đáng. Những cô gái mặt đầy son phấn, áo quần hở hang đứng sau tấm cửa kính mời chào khách qua đường.

Có lần, con trai chú Lỗ đi ngang qua một cửa tiệm như vậy. Anh thấy một thiếu phụ ăn mặc hở hang đứng sau cánh cửa ngoắc ngón tay chào mời. Không vượt qua được cám dỗ, anh quyết định đi vào. Nhưng, vừa bước vào bên trong, anh ta đã thấy cha mình cũng đang ở đó.

Chú Lỗ có lẽ đã chán cảnh đứng từ xa nhìn vào trong cửa tiệm, nên đã lấy hết dũng cảm bước vào đó.

Khi con trai hỏi, chú Lỗ trả lời rất bình tĩnh: “Tao đến cắt tóc chứ làm gì nữa!”

Anh con trai hỏi lại: “Chẳng phải bố vừa cạo trọc đầu tuần trước rồi còn gì?”

Sau một vài câu xã giao qua lại, anh con trai quyết định ra về, còn chú Lỗ đi theo người thiếu phụ vào một căn phòng khác qua con đường bí mật phía sau tủ quần áo để tránh bị công an phát hiện.

Trong lịch sử tội phạm của thế giới, có hai vụ án dùng bê tông giấu xác từng gây chấn động một thời!

Vụ thứ nhất là vụ thảm sát một em bé trong bê tông xảy ra tại huyện Nghi Lan, Đài Loan. Một cô bé năm tuổi bị người tình của mẹ là Ngô Văn Hoành sát hại. Cảnh sát tìm thấy dưới rãnh nước phía sau ngôi nhà thuê trong một khối bê tông hình chữ nhật, nặng khoảng sáu mươi cân, rất khả nghi. Sau khi đưa về nhà xác dùng khoan điện từ từ khoan khối bê tông trong vòng một tiếng đồng hồ, cảnh sát đã phát hiện xác cô bé nằm co ro bên trong. Cô bé đã chết cách đó hơn một năm, khi mới năm tuổi. Cảnh sát phát hiện hốc mắt nạn nhân sâu rỗng, hai bên má có nhiều vết bầm tím, chân tay và trên cơ thể cũng có nhiều vết thương. Cô bé vẫn mặc bộ váy hoa và đeo chiếc vòng cổ vỏ sò. Khi bị chôn trong khối bê tông, cô bé ở tư thế cuộn người, giống như đang ngồi co ro, trông vô cùng đáng thương.

Vụ án thứ hai là vụ sát hại một nữ sinh trung học tại Tokyo, Nhật Bản, từng gây chấn động cả thế giới. Hung thủ gồm bốn học sinh thất học tuổi từ mười sáu đến mười tám. Chúng thấy cô bé xinh xắn đi chiếc xe trượt liền cố ý đâm vào, rồi giả bộ chạy lại giúp, sau đó bắt cóc nạn nhân. Chúng giam giữ cô bé bốn mươi mốt ngày, hãm hại rồi giết người diệt khẩu. Xác cô bé bị chôn bằng bê tông trong một thùng nhựa đường rỗng, rồi ném xuống dòng sông Wasaku phía Đông Miyako, Tokyo (Gần công viên biển Wasaku hiện nay). Các chuyên gia Nhật Bản gọi những vụ án mạng kiểu này là “Bữa tiệc điên cuồng” của “Những con sói qua đường”. Vụ án đã gây một cú sốc lớn với xã hội thời bấy giờ, và còn được nhắc tới rất lâu sau này.

Trong buổi họp phân tích tình hình vụ án, một cảnh sát tên Hồ Hạo Nhiên đã có phần phân tích rất xuất sắc.

Vụ án xác người giấu trong khối bê tông lần này có ba điểm cần đặc biệt lưu ý.

Thứ nhất, nạn nhân chỉ là một ông cụ trên sáu mươi tuổi, không phải là người giàu có, chiếc nhẫn vàng trên tay cũng vẫn còn, chứng tỏ động cơ giết người không phải vì cướp của.

Thứ hai, thi thể nằm trong cột trụ, có một lớp dây cốt thép phía ngoài rồi mới đổ xi măng lên. Những ai từng làm thi công đều hiểu rõ, sau khi buộc xong cốt thép, đại đa số công nhân đều đã nghỉ rồi. Do diện tích thi công rộng, nên việc trộn bê tông thường phải làm về đêm. Một số xe trộn bê tông vì không có giấy phép hoạt động, nên càng phải đợi đến ban đêm mới có thể vận hành công việc. Thông thường chỉ có một người lái xe trộn là ở lại trực đêm, cùng một vài công nhân ở lại trông coi là đủ. Hung thủ đặt xác nạn nhân vào phía trong lớp dây thép, phía ngoài còn có một lớp tấm sắt chặn, nên giữa lúc đêm tối, công nhân thi công không nhận ra có gì lạ thường cũng là điều dễ hiểu. Công nhân trộn bê tông lúc đó rất có thể chỉ là người ngoài cuộc, không hề biết gì. Và sau khi cột trụ được đổ xi măng, sẽ không ai còn nhìn thấy gì hết nữa.

Thứ ba, mũi tên hợp kim nhôm là loại mũi tên vừa có tính đàn hồi vừa có độ cứng, hơn thế nữa có thể tự vặn thành các hình dạng phức tạp mà mình thích. Ví dụ như một số loại mũi tên hợp kim nhôm, hai bên được làm hơi bẹt, ở giữa tròn, giúp giảm tình trạng mũi tên bị bay lệch. Đây là loại sản phẩm cao cấp, và hiện tại ở Hoàng Thành vẫn chưa có cửa hàng nào bán sản phẩm này. Vì thế hung thủ có thể là một kẻ có tiền, và đã mua mũi tên đó trên mạng gửi về.

Theo những phân tích phía trên, cảnh sát Hồ cho rằng hướng điều tra tiếp theo là chủ đầu tư khách sạn, chứ không phải công nhân thi công hay những cô gái bán hoa trong tiệm gội đầu, vì họ chắc sẽ không bỏ qua chiếc nhẫn, và cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc mua mũi tên kia.

Giáo sư Lương tán đồng quan điểm của cảnh sát Hồ, và còn đưa ra một câu hỏi: “Mũi tên kia đáng lẽ phải phóng ra từ cung tên, nhưng tại sao ở đây hung thủ lại dùng tay đâm từ dưới lên? Đây chỉ là một hành động nhất thời, hay phản ánh tâm lý khác thường của hung thủ?”

Họa Long trả lời: “Ông cụ này có thói quen thích đi cửa sau, nên mới gặp phải họa sát thân này. Có khả năng nào là do một cô ả nào đó được đại gia lắm tiền “bao” gây ra không nhỉ? Tôi đồng ý với suy nghĩ của cảnh sát Hồ. Giả sử đại gia đó là chủ đầu tư, thì ba điểm nghi vấn kia có thể xâu thành một chuỗi rồi. Ông lão vì xung đột nên đã mất mạng chăng?”

Bao Triển lên tiếng: “Vẫn còn một vấn đề nữa. Bấy giờ ở đó là công trường thi công nhưng liệu đây có phải là hiện trường đầu tiên xảy ra vụ án không?”

Bác sỹ pháp y bổ sung thêm: “Chúng ta tìm thấy vết phân trên cạp quần phía sau của nạn nhân. Vì nạn nhân chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, nên có thể nạn nhân bị tấn công lúc đang đi vệ sinh. Do bị tấn công nhưng chưa chết hẳn, nên ông cụ vừa kéo quần vừa bỏ chạy, dẫn đến việc vẫn còn phân dính vào cạp phía sau.”

Giáo sư Lương hỏi: “Phân tích trong đó có những gì?”

Bác sỹ pháp y trả lời: “Kết quả kiểm tra cho thấy, ông cụ này trước khi chết có ăn nấm kim châm.”

Tô My ngạc nhiên, nói: “Nấm kim châm á? Thứ đó thật kinh khủng! Tôi chưa bao giờ đụng đến nó.”

Kết thúc cuộc họp, giáo sư Lương sắp xếp công việc để mọi người chia nhau thực hiện. Phía cảnh sát Hoàng Thành tập trung toàn bộ lực lượng, chia làm ba nhóm phụ trách những công việc riêng.

Nhóm thứ nhất có nhiệm vụ mở rộng phạm vi điều tra, tăng cường dò hỏi thông tin từ các nguồn xa hơn. Bao Triển và cảnh sát Hồ tập trung điều tra thân thế và địa vị xã hội của chủ đầu tư, đồng thời phải thu thập tin tức cụ thể từ phía các nhân viên khách sạn và các cửa hàng xung quanh.

Nhóm thứ hai do Tô My phụ trách, điều tra rõ nguồn gốc của mũi tên hợp kim nhôm. Nhiệm vụ của cô là bắt buộc phải tìm ra lai lịch của hung khí quan trọng đó, và lập một danh sách những người trong thành phố có sở hữu loại mũi tên đắt tiền này.

Nhóm thứ ba do Họa Long và Chi đội trưởng dẫn đầu. Trong vòng một tuần phải làm gắt gao việc càn quét các nhóm người và đơn vị có hành vi mua bán dâm trên địa bàn thành phố, tìm ra những người đã từng tiếp xúc với nạn nhân để tăng cường thẩm vấn, tìm ra những nhân vật khả nghi trong vụ này.

Sau một tuần vất vả, Tô My vẫn không có thêm được đầu mối gì. Loại mũi tên đặc biệt này rất khó điều tra vì nó thuộc dòng sản phẩm bị cấm lưu hành. Các cửa hàng hầu như không bày bán và cũng không dám tiết lộ việc mình có bán hay không. Chỉ có một số cửa hàng trên mạng có rao bán. Cung nỏ là loại vũ khí có tính sát thương cao, được đặt trong danh mục các sản phẩm cần tăng cường quản lý của nhà nước. Bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào khi chưa được phép đều không có quyền tự ý sản xuất, kinh doanh hay mua bán sản phẩm này.

Khác với Tô My, nhóm càn quét gái mại dâm lại thành công rực rỡ. Gần như toàn bộ các cô gái làng chơi đều bị “tóm” chỉ sau vài “mẻ lưới”, nhân dân trong thành phố đều vô cùng tán thưởng.

Trong quá trình bủa vây, cảnh sát còn bắt được một cậu học sinh lớp chín. Hàng ngày đi học cậu đều phải đi ngang qua một dãy phố gội đầu như thế này. Không kìm được sự tò mò của tuổi mới lớn, cậu đã đánh mất mình trong những nơi không đàng hoàng ấy.

Cảnh sát tiến hành thẩm vấn từng cô gái bán hoa, đưa ảnh của nạn nhân ra để họ nhận dạng. Có bốn cô gái thừa nhận từng tiếp xúc với chú Lỗ. Trong số những cô gái này có một cô bé mới vừa tròn mười tám tuổi tên là Mao Mao. Nhưng điều khiến cảnh sát bất ngờ là kẻ đứng sau ổ mại dâm nơi cô bé đang làm lại chính là bố mẹ cô bé.

Bố mẹ Mao Mao mở một cửa tiệm mát-xa chân, rồi không quan tâm đến nơi đến chốn nên không biết con gái mình cũng bị ép bán thân trong đó cùng với hai người chị em họ của mình.

Cảnh sát lục soát thấy một cuốn sổ ghi tiền trong quán mát-xa chân, và còn có một cuốn nhật kí bị khóa.

Mao Mao ghi lại quãng đời đau khổ phải làm gái bán hoa của mình, những oán hận với bố mẹ, cùng mối tình của mình với một vị khách làng chơi vào trong nhật kí.

Ở đoạn cuối của mỗi bài nhật kí, cô bé đều viết một câu giống nhau: “Chúc công việc ngày càng phát đạt! Cố lên! Cố lên!”

Trong cuốn nhật kí của mình, Mao Mao cũng nhắc đến chú Lỗ! cô bé viết: “Hôm nay lão già kia lại mò đến. Tôi dẫn lão ta vào phòng phía sau. Ngày xưa lão ta từng mắc lừa một lần vì tưởng tôi vẫn còn là “con gái”. Tôi chỉ muốn được đi học như các bạn khác, nhưng biết làm sao bây giờ. Thôi, lại chúc công việc ngày càng phát đạt vậy! Cố lên! Cố lên!”

Nhóm của Bao Triển và cảnh sát Hồ cũng thu được một manh mối quan trọng. Ông cụ sửa giày đối diện khách sạn cho biết, khách sạn này chứa gái mại dâm. Ông thường xuyên thấy các cô gái trang điểm đậm, ăn mặc hở hang đi vào trong đó, chẳng cần nói ra nhưng ai cũng biết họ làm nghề gì.

Rất nhiều khách sạn đều có tấm biển nhỏ ghi số điện thoại dịch vụ mát-xa ở đầu giường. Nơi nào không có thì những cô gái làng chơi cũng tìm cách nhét mấy tờ quảng cáo vào cửa.

Cảnh sát Hồ và Bao Triển vây bắt toàn bộ số gái làng chơi trong khách sạn, và ra lệnh cho khách sạn tạm ngừng kinh doanh để chỉnh đốn.

Ông cụ sửa giày còn tiết lộ với Bao Triển và cảnh sát Hồ một tình tiết quan trọng. Mấy tháng trước, có một người đến sửa giày và nhờ ông cụ chụp giúp anh ta một bức ảnh. Cách nói chuyện của vị khách đó giờ nghĩ lại thì hình như có liên quan đến vụ án trong khách sạn. Bao Triển gặng hỏi nhiều lần, nhưng ông cụ sửa giày vẫn không thể nào nhớ lại được hình dáng và đặc điểm của vị khách lạ đó, chỉ nhớ rằng người đó còn rất trẻ.

Lúc đó, vì cuộc nói chuyện của ông cụ với vị khách lạ vô cùng kì cục, nên ông mới nhớ lâu như thế.

Vị khách trẻ ngồi trên ghế, dáng ngồi rất mẫu mực. Anh ta rút điện thoại bật sang chế độ chụp hình, rồi đưa cho ông cụ, nói: “Bác! Giúp bọn cháu chụp bức ảnh chung với!”

Ông cụ sửa giày cầm lấy chiếc điện thoại, hỏi: “Cái này dùng thế nào đấy? Tôi có biết dùng đâu!”

Người thanh niên đáp: “Bác cứ quay lưng máy về phía cháu, rồi bấm cái nút ở giữa ấy là được mà!”

Ông cụ làm theo hướng dẫn, nhưng lại thấy là lạ, rồi hỏi lại: “Có mỗi mình cậu à?”

Người thanh niên tỉnh bơ, đáp: “Vâng!”

Ông cụ cười phá lên, bảo: “Ôi giời! Có mỗi một mình mà lại bảo là chụp ảnh chung cho chúng cháu!”

Người thanh niên trả lời: “Vâng ạ! Phía sau cháu vẫn còn một người nữa mà?”

Sau này khi nhớ lại câu nói của vị khách trẻ, ông cụ bỗng cảm thấy dựng tóc gáy. Lúc đó rõ ràng phía sau cậu ta không hề có ai. Ông cụ cứ nghĩ cậu ta nói đùa, nên cũng chẳng để ý. Sau này, khi vụ giết người giấu xác trong tường khách sạn vỡ lở, ông cụ mới nghĩ ra khung cảnh nền của bức ảnh đó chính là căn phòng nơi xảy ra vụ án.

Bao Triển và cảnh sát Hồ dẫn ông cụ sửa giày về đồn cảnh sát. Do thời gian đã qua khá lâu rồi, nên ông cụ không thể nào hồi tưởng lại được hình dáng của người đó, vì thế chuyên gia dựng hình cũng không có cách nào dựng lại được khuôn mặt của kẻ bị tình nghi. Ông cụ cố gắng nghĩ một hồi lâu, rồi bổ sung thêm một đặc điểm nữa. Người thanh niên đó nhìn bề ngoài rất gọn gàng trắng trẻo, nhưng hai tay anh ta lại có rất nhiều vết chai sần.

Giáo sư Lương đặt một câu hỏi quan trọng: “Thế sau đó anh ta đi đâu bác có nhớ không?”

Ông cụ trả lời rất nhanh, không cần suy nghĩ: “Cậu ta đi vào khách sạn đó rồi!”

Trong tường của khách sạn có một cái xác. Hung thủ sau khi phi tang xong rất nhiều khả năng sẽ quay lại hiện trường kiểm tra. Trong biết bao nhiêu vụ án chôn xác, kẻ giết người cho rằng mình đã an toàn, nên sẽ quay trở lại hiện trường nơi phi tang. Hắn sẽ đứng trên mặt đất, trên đồng cỏ xanh, hoặc ở một góc nào đó của công viên, nơi mà chỉ hắn mới biết… Dưới chân mình có một xác người.

Giáo sư Lương yêu cầu Bao Triển và cảnh sát Hồ ngay lập tức điều tra những người đã từng đến ở trong khách sạn này, đặc biệt là những ai ở trong căn phòng hiện trường phi tang đó.

Những thành phần đến đăng kí ở trong khách sạn rất phức tạp, trong đó không ít khách là người ngoại tỉnh. Bao Triển và cảnh sát Hồ phải mất liên tục nhiều ngày đêm kiểm tra danh sách khách hàng, rồi sau đó nhờ phía cảnh sát đi xác nhận danh tính từng người. Những công việc điều tra như thế này rất mất thời gian và công sức, nên trong một khoảng thời gian ngắn chưa thể tìm ngay ra được kẻ tình nghi.

Các mối quan hệ xã hội của chú Lỗ tương đối đơn giản. Họ hàng làng xóm đều không ai có thù sâu oán đậm gì. Phía cảnh sát cho rằng động cơ gây án của hung thủ là để trả thù. Như vậy, khi tìm được người có mâu thuẫn xung đột với chú Lỗ là có thể giải quyết được vấn đề mấu chốt của vụ án. Phía cảnh sát một lần nữa chú ý đến những nhân vật làng chơi. Số lượng gái bán hoa trong thành phố tương đối nhiều, công tác vây quét cũng đã thực hiện tương đối triệt để.

Tổ chuyên án đặt việc điều tra những cô gái có tiếp xúc với chú Lỗ lên hàng đầu. Trong quá trình thẩm vấn, Mao Mao cứ ấp a ấp úng, dường như có điều gì đó khó nói.

Sau khi được giáo sư Lương và Tô My làm công tác tư tưởng, Mao Mao mới khai rằng, mẹ cô bé cũng từng có quan hệ với chú Lỗ.

Trong một lần khi vừa lĩnh tiền dưỡng lão, chú Lỗ đến quán mát-xa chân và yêu cầu mẹ cô bé phục vụ. Bố Mao Mao đứng ngoài canh chừng cảnh sát. Một gia đình chỉ vì tiền mà mất hết cả liêm sỉ.

Đại đa số các cô gái đều không thích thú gì với thói quen của chú Lỗ, nhưng mẹ của Mao Mao là một trong số ít những người còn lại. Mẹ Mao Mao không chỉ là tú bà, mà còn kiêm luôn cả việc bán hoa cho khách.

Giáo sư Lương vô cùng tức giận, cho gọi bố Mao Mao vào thẩm vấn.

Giáo sư nghiêm giọng hỏi: “Đó là vợ và con gái đẻ của anh, mà anh nỡ để nó phải đi làm cái nghề đó sao?”

Bố Mao Mao vẫn giảo biện: “Mát-xa có gì là xấu đâu!”

Tô My đứng một bên tức giận quát lên: “Khốn nạn! Một đứa trẻ mới có mười tám tuổi.”

Bao Triển cũng to tiếng: “Chỗ của con bé phải là ở trường học, chứ không phải ở tiệm cắt tóc gội đầu, mát-xa thế này. Có một người cha như ông, tôi thật sự cảm thấy đau đớn thay cho cô bé.”

Bố Mao Mao cúi gằm mặt lải nhải: “Đi học thì được ích lợi gì? Tốt nghiệp xong rồi liệu có tìm được công việc tử tế không? Tất cả chẳng phải đều chỉ vì kiếm tiền thôi sao? Mà thôi không phải nói nhiều. Tôi đáng chết! Tôi có tội! Tôi đáng bị phạt! Bao nhiêu tiền? Tôi nộp! Được chưa?”

Giáo sư Lương nghiêm mặt, nói: “Lần này không đơn giản như thế đâu! Việc càn quét hoạt động mại dâm không phải do chúng tôi quản lí. Mà anh cũng đừng tưởng cứ nộp tiền phạt là sẽ được thả về.”

Họa Long tức giận đấm mạnh xuống bàn, gào vào mặt kẻ vô lương tâm: “Mày có phải là con người nữa không hả? Đúng là đồ lòng lang dạ sói! Nhìn cái gì mà nhìn! Còn nhìn nữa tao cho mày mấy quả trời giáng bây giờ!”

Bố Mao Mao sợ sệt cúi đầu, không dám nhìn thẳng vào mặt Họa Long đang nổi giận.

Tổ chuyên án cho rằng, trong quá trình thẩm vấn Mao Mao có phần cố ý làm nhẹ sự việc. Cô bé bán hoa này dường như đang muốn giấu điều gì đó. Tổ chuyên án tiến hành phân tích nội dung trong cuốn “Nhật kí bán hoa” của cô bé, hy vọng sẽ tìm ra được manh mối nào đó quan trọng. Trong cuốn nhật kí của mình, Mao Mao nhiều lần nhắc đến một vị khách làng chơi mà cô gọi là “Bảo Bối” và câu chuyện tình yêu giữa hai người họ.

Cục trưởng Cục công an Hoàng Thành phân tích cái tên “Bảo Bối” nhiều khả năng là một biệt danh, cách mà những người đang yêu dùng để gọi nửa kia của mình.

Bốn người trong tổ chuyên án quay sang nhìn nhau, Họa Long không nhịn nổi cười, thủ thỉ với Bao Triển và Tô My: “Nói thế thì thà không nói còn hơn!”

Cục trưởng tiếp tục phân tích: “Bước tiếp theo, chúng ta cần thẩm vấn Mao Mao sâu hơn nữa, nhất định phải bắt cô ta mở miệng.”

Tổ chuyên án yêu cầu Mao Mao giải thích về người có tên “Bảo Bối” được nhắc tới trong cuốn nhật kí của mình. Mao Mao có phần hốt hoảng. Cô bé cắn môi chảy máu cũng không chịu khai người đó là ai. Xem ra, cô bé này vô cùng lo sợ người trong mộng của mình bị cảnh sát bắt. Cô nguyện dùng cái chết để bảo vệ tình yêu của mình.

Cuốn “Nhật kí bán hoa” được đặt trên bàn của Cục trưởng Cục công an Hoàng Thành, bên cạnh còn đặt một bản thảo cho bài phát biểu của Cục trưởng do thư kí của ông chuẩn bị sẵn. Công tác loại bỏ hoạt động mại dâm được người dân trong thành phố vô cùng hưởng ứng, Chủ tịch Thành phố sẽ tuyên dương và khen thưởng tổ công tác trong hội nghị tổng kết công tác xử lí tệ nạn xã hội lần này.

Bài phát biểu của Cục trưởng được in trên giấy A4, từng câu từng chữ mượt mà, trôi chảy. Trong mỗi dấu ngoặc đơn còn có phần ghi chú đặc biệt mà thư kí viết cho cục trưởng.

Trong cuốn “nhật kí bán hoa” có rất nhiều chữ viết sai chính tả, cuốn sổ đã vô cùng cũ kĩ, nhưng mỗi một trang đều chứa đựng rất nhiều kí ức và dấu ấn trong cuộc đời của Mao Mao.

Sau đây là một phần trích từ bài phát biểu của Cục trưởng.

“Thưa các đồng chí! Hôm nay thành phố Hoàng Thành tổ chức hội nghị tổng kết công tác xử lí tệ nạn xã hội toàn thành phố. Tôi cho rằng đây là một việc làm vô cùng quan trọng. Việc triển khai công tác quét sạch các ổ nhóm mại dâm có ý nghĩa chỉ đạo rất lớn đối với thành phố chúng ta.

Sau đây, tôi đề nghị chúng ta dùng một tràng pháo tay thật lớn để cảm ơn sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Về những lời vừa rồi của Chủ tịch Vương, tôi thấy rằng đó là những điều rất tuyệt vời và đáng ghi nhớ, giống như chúng ta vừa được học một tiết học có ý nghĩa sâu sắc. Hy vọng các đồng chí đang ngồi tại đây sẽ suy nghĩ sâu hơn nữa, để hiểu về những gì Chủ tịch Vương vừa chỉ dạy chúng ta. Sau khi trở về, mọi người nên truyền đạt lại những tinh thần mà Chủ tịch Vương vừa nói, và thực hiện một cách nghiêm chỉnh, để công tác quét sạch hoạt động mại dâm trong thành phố được đi sâu, đi rộng hơn nữa, cố gắng tạo dựng một thành phố văn minh hơn.”

Cuốn “Nhật kí bán hoa” của Mao Mao, sau khi sửa lại những chỗ sai chính tả, tóm tắt lại như sau:

“Tôi vẫn còn nhớ như in, ngày Bảo Bối đẩy cửa bước vào tiệm là một ngày mưa gió. Và cũng từ đó, tôi đã trở nên yêu những ngày mưa một cách lạ kì.

Tôi và Bảo Bối đã quen nhau được gần ba tháng. Anh vì tôi mà tiêu tốn không biết bao nhiêu bạc tiền. Tình yêu đích thực là hóa thân của Thiên sứ, còn chướng duyên chẳng qua là trò đùa của ma quỷ. Tôi và Bảo Bối rốt cục là tình yêu, hay là chướng duyên đây?

Hôm nay là một ngày mệt mỏi. Cánh công nhân nhận lương xong kéo đến ùn ùn. Thực sự tôi không hiểu mình đang sống vì cái gì? Chẳng lẽ là vì mấy đồng tiền sao? Cuộc sống như thế này có đáng để sống không?

Đời người thực sự là bể khổ sao? Hay chỉ có những đứa trẻ là phải chịu như thế?

Bảo Bối! Anh vẫn luôn hùng hồn nói với em rằng mọi thứ với anh đều không quan trọng. Bây giờ vì điều đó mà chúng ta cãi vã đến mức này, thực sự là một điều đáng buồn. Người con gái hoàn hảo trong mắt anh có phải là người có thể hằng ngày cùng anh đi dạo? Thường xuyên cùng anh xem phim? Em không phải là người ấy. Anh chỉ luôn nghĩ cho mình mà không nghĩ vì em. Em chỉ mong anh hiểu em mà thôi. Có sự động viên của anh, em như có thêm sức mạnh! Bây giờ em đang dần vì anh mà thay đổi. Em mong tình yêu của chúng mình sẽ vượt qua được mọi thử thách!

Cho dù trong bất kì hoàn cảnh nào tôi cũng luôn tin tưởng anh ấy. Tôi tin Bảo Bối của tôi yêu tôi chân thành. Anh sẽ vì tôi mà gánh đỡ trách nhiệm. Hôm ấy, anh nói với tôi: “Chúng ta cùng nhau tiết kiệm tiền để tính chuyện tương lai em nhé?” Đó là một ý tưởng tuyệt vời. Và tôi phải cố gắng hơn nữa!

Bảo Bối không biết rằng tôi là một cô bé rất tự ti. Tôi chẳng phải đứa con gái tốt đẹp gì, tất cả mọi người đều nhìn tôi bằng ánh mắt khinh miệt.

Tôi bảo anh đừng đến nữa. Đừng vung tiền vào những nơi như thế này, vì như thế không đáng, nhưng anh không nghe, cứ vài ba hôm lại tìm đến tôi.

Nghe nói từ nhỏ tôi chưa được ăn Pizza bao giờ, Bảo Bối hôm nay chạy đến Pizza Hut mua cho riêng tôi một cái thật lớn, tôi cảm động vô cùng. Hai chị họ dặn tôi nên cẩn thận. Những người làm cái nghề như chúng tôi không được phép có tình yêu đâu! Chẳng lẽ đó là sự thật hay sao?

Chị bảo: “Tìm mối tình đầu trên thân kĩ nữ, thật đáng buồn cười!”

Bảo Bối, anh có biết không? Anh là mối tình đầu của em. Cả cuộc đời này em chỉ muốn cùng anh sống cuộc sống bình thường như bao người khác, dù cho có phải đi đến cuối biển cùng trời.

Đôi lúc, em vẫn thường nghĩ, những cô gái khác được đến trường, vì sao số phận của em lại không được như họ? Nếu cuộc sống không như bây giờ, chắc Bảo Bối đã có thể bên em cười nói suốt ngày! Ai ya! Thôi đừng mơ mộng nữa! Còn quá nhiều những việc khiến em phải đau đầu phiền não. Thôi thì em sẽ lại cố gắng kiếm tiền vậy! Mẹ đã hứa, chỉ cần hai năm nữa, em sẽ được về nhà.

Cố lên! Cố lên! Em tin rằng số phận nhất định sẽ không quay lại đùa giỡn với em một lần nữa. Vì giấc mơ tương lai, em phải vững tin bước tiếp! Go! Go!

Hôm nay nguy hiểm quá, xém chút nữa là bị tóm rồi! Nghe thấy ám hiệu của bảo kê, em đẩy khách qua lối cửa sau bỏ chạy! Thôi vậy! Người còn vẹn nguyên là tốt rồi! Dạo này cảnh sát làm gắt gao, ở đây cũng bị quản chặt hơn, mấy cửa tiệm xung quanh đã dừng hoạt động từ mấy hôm trước rồi, chỉ nhà em là còn cố mãi đến bây giờ.

Bảo Bối à! Tự nhiên em thấy mình thật là đê tiện. Rõ ràng có một người yêu em, thương em, sẵn sàng làm mọi thứ vì em, ấy thế mà tại sao em vẫn sống cuộc sống như thế này? Em tự cảm thấy mình thật mất mặt? Anh càng đối xử tốt với em, cảm giác tội lỗi trong em lại càng thêm nặng.

Gần đây công việc không được thuận lợi cho lắm! Cả ngày hôm nay chỉ có hai khách, tổng cộng được tám mươi tệ. Bố mẹ ngồi than vãn, còn em thì mở cờ trong bụng. Hôm nay, người khách thứ hai còn chưa về, Bảo Bối đã đến. Tại lão dê già ấy đến mà Bảo Bối của em nổi máu ghen, rồi quay lưng bỏ về, sau đó còn gửi tin nhắn trách móc. Thế là hai đứa cãi nhau.

“Lúc ăn cơm cũng nhớ em! Xem ti vi cũng nhớ em! Trời mưa cũng nhớ em! Đi đường một mình cũng nhớ em!”

Tin nhắn này em sẽ luôn lưu trong điện thoại. Đó là tin anh gửi đến lúc trưa nay. Chiều nay mưa lại rơi, em ngồi ngẩn ngơ nhìn ra ngoài trời. Em tin anh. Em tin đến khi chúng ta có đủ tiền, em sẽ bỏ nghề, em phải là cô dâu của anh, em phải thành vợ anh trong một chiều mưa lãng mạn.”

Thật nực cười khi chúng ta mang đặt một bài phát biểu kiểu Nhà nước và Chính phủ bên cạnh nhật kí của một cô bé bán hoa. Nhưng hỡi ôi, bài phát biểu kia chứa đựng những gì ngoài mấy lời sáo rỗng? Còn những dòng nhật kí của một cô bé thất học lại chan chứa tình yêu và sự chân thành đến vậy.

Bốn người trong tổ chuyên án không tham gia hội nghị tổng kết lần này, họ còn phải toàn tâm toàn ý, chăm chút tìm kiếm những điểm nghi vấn ở đây, rồi triển khai việc điều tra kĩ càng hơn. Đã ba ngày ba đêm Bao Triển không được chợp mắt, tinh thần và sức chịu đựng của anh khiến các cảnh sát Hoàng Thành đều vô cùng cảm phục. Mọi người đều tận tâm tận lực, bỏ hết thời gian nghỉ lễ, chuyển đến ăn ở tại Cục công an, đi điều tra cả mấy trăm người, cuối cùng cũng có được những bước tiến quan trọng. Bao Triển cuối cùng đã tìm thấy người nhờ ông cụ sửa giày chụp ảnh. Vài tháng trước đây, người đó vào thuê phòng tại khách sạn Hoàng Thành, và ngủ lại một đêm ngay chính tại căn phòng “giấu xác”.

Chi đội trưởng cảm thấy cái tên này rất quen. Người từng ngủ lại một đêm tại phòng “giấu xác” không ai khác mà chính là bạn của anh – Nhà điêu khắc!

Người này bị tình nghi hàng đầu về hành vi gây án. Việc chụp ảnh chứng tỏ anh ta hoàn toàn biết bên trong bức tường có giấu xác người, thậm chí còn cố ý ở lại căn phòng đó một đêm. Trong đêm hôm đó, anh ta đã làm gì? Liệu có phải cả đêm ngồi đó nhìn chằm chằm vào bức tường, hoặc lấy tay gõ gõ vào tường rồi nói chuyện cùng “người trong tường” cho vui?

Trong bộ môn tâm lý phạm tội, những tên biến thái thường có một đặc điểm chung, đó là giết người chỉ là một sự bắt đầu, chứ không phải kết thúc.

Hung thủ sẽ thường xuyên nhớ lại quá trình gây án. Đối với những kẻ thần kinh biến thái đó, giết người giống như là một bộ môn nghệ thuật.

Tên “sát nhân dã thú Serhiy Tkach[1]” từng gây hàng trăm vụ giết người, thậm chí còn tham gia cả lễ tang của nạn nhân. Hắn ta giống như đang đến tham gia một bữa tiệc âm nhạc lớn vậy, thật trang nghiêm, thật đĩnh đạc, lẳng lặng quan sát “thành quả” của mình mà không hề rơi một giọt lệ.

Khi Họa Long và Chi đội trưởng nhận được lệnh truy bắt, nhà điêu khắc đã đưa vợ và con cao chạy xa bay. Trước khi đi, hắn còn nói với hàng xóm rằng gia đình mình đi ngoại ô nghỉ mát, và còn mang theo toàn bộ những giải thưởng mình có. Ngay ngày hôm sau, bức ảnh một tác phẩm điêu khắc đã được đăng trên trang báo của tỉnh. Tác phẩm đó chính là bức tượng khắc bê tông có xác chết. Có lẽ hôm đó, nhân lúc phía cảnh sát lơ là, hắn đã dùng điện thoại chụp lại được xác nạn nhân. Tô My liên lạc với biên tập viên của tờ báo. Phía biên tập tờ báo không hề biết bên trong “bức tượng điêu khắc” có một xác người. Họ chỉ biết nhà điêu khắc này là nhân vật có tiếng trong tỉnh, nên đã đồng ý đăng bức hình điêu khắc đó. Ông ta nói, đây là tác phẩm đẹp nhất của mình, có thể làm rúng động cả thế giới!

Hôm đó, tất cả số báo đã được bán hết sạch, tiếng của nhà điêu khắc bị tình nghi giết người cũng lan như sấm chớp. Chỉ trong một đêm, anh ta đã trở thành nhân vật tiêu điểm. Bức ảnh về bức tượng bê tông chứa xác người là chủ đề sôi nổi nhất tại các bàn trà, quán rượu. Phóng viên khắp nơi đổ về Hoàng Thành, khách sạn nơi xảy ra vụ án ngày nào cũng có phóng viên đến chụp ảnh đăng tin. Ông cụ sửa giày phải trả lời cả trăm lượt phỏng vấn. Cục trưởng Cục công an Hoàng Thành dưới áp lực dư luận không thể không mở cuộc họp báo.

Trước hôm diễn ra cuộc họp báo, các bên đăng tin đều đã chuẩn bị các loại thiết bị chuyên nghiệp nhất để đón chờ, nhưng họ chờ mãi, chờ mãi, vẫn không thấy ai của Cục cảnh sát đến.

Cục trưởng Cục công an Hoàng Thành, Chi đội trưởng, cảnh sát Hồ và tổ chuyên án xảy ra bất đồng ý kiến.

Cục trưởng cho rằng nên lợi dụng sức mạnh truyền thông, gửi đi lệnh truy nã mức độ B, để tiến hành vây bắt nhà điêu khắc trên phạm vi cả nước.

Cảnh sát Hồ lại cho rằng nên hủy buổi họp báo. Trước khi bắt được hung thủ, không nên để tiết lộ quá nhiều thông tin liên quan.

Chi đội trưởng là bạn của nhà điêu khắc, rất hiểu các mối quan hệ xã hội của anh ta. Anh có ý muốn tự mình dẫn một đội truy bắt tìm ra ngoại thành để điều tra tung tích của nghi phạm, như thế cơ hội bắt sống hoặc dụ được nghi phạm ra là rất cao.

Mỗi người một ý kiến, không ai muốn thay đổi. Tổ chuyên án không ai lên tiếng. Bao Triển ngáp ngắn ngáp dài. Đã mấy ngày nay anh chưa được ngủ. Tô My và Họa Long đều có phần mất tập trung. Giáo sư Lương nhìn vào tập hồ sơ vụ án, hình như đang suy nghĩ gì.

Phía cảnh sát hỏi ý kiến của tổ chuyên án. Giáo sư Lương lên tiếng một cách quyết đoán: “Nhà điêu khắc đó không phải là hung thủ.”

Kết luận của giáo sư Lương như một quả bom làm nổ tan hết mọi công sức của phía cảnh sát. Các cảnh sát đã cố gắng rất nhiều ngày mới tìm được một nghi phạm, nay lại bị một câu nói của tổ chuyên án phủ nhận tất cả.

Cục trưởng lên tiếng hỏi: “Nếu không phải là hung thủ, làm sao hắn biết được trong bức tường có người chết?”

Giáo sư Lương giải thích: “Chỉ có một khả năng duy nhất… Anh ta là người chứng kiến sự việc.”

Cảnh sát Hồ cũng hỏi thêm: “Nhà điêu khắc này là một nghi phạm, hơn nữa hiện giờ mọi bằng chứng đều đang chỉ về phía anh ta, các nhà báo cũng cho rằng anh ta chính là kẻ đã giết chú Lỗ. Nếu anh ta chỉ là một người chứng kiến vô tội, thì tại sao lại phải bỏ chạy? Còn lừa gạt biên tập báo, đăng ảnh bức tượng bê tông. Mọi thứ rõ ràng như thế, tôi nghĩ đây chính là hành động điên cuồng của kẻ giết người khi biết mình đã hết đường thoát.”

Tô My nói: “Nhà điêu khắc coi xác người trong tường là một tác phẩm nghệ thuật.”

Họa Long chen vào: “Lúc đó, Chi đội trưởng gọi nhà điêu khắc đến giúp đỡ đó là một nhân tố ngẫu nhiên. Nếu anh ta đúng là hung thủ giấu xác trong tường, sau thời gian hơn nửa năm, cảnh sát lại tìm ta đến để dỡ bỏ lớp bê tông bên ngoài ra, thì thực sự là trùng hợp quá mức.”

Giáo sư Lương lên tiếng: “Tại sao anh ta lại chụp trộm cái xác? Rồi lại cho công khai đăng trên báo chí nữa? Câu trả lời là: Anh ta muốn trở nên nổi tiếng.”

Bao Triển hỏi: “Còn một điều quan trọng nữa, chiếc nhẫn trên tay chú Lỗ là ở đâu ra? Chúng ta còn chưa làm rõ vấn đề này.”

Chi đội trưởng lật qua lật lại hồ sơ vụ án, rồi nói: “Đó là chiếc nhẫn của con dâu chú Lỗ, còn cụ thể nguyên nhân thì không rõ.”

Giáo sư Lương cũng lật xem hồ sơ rồi bỗng nói chắc nịch: “Rõ rồi! Đi thôi, chúng ta đi ra chỗ cuộc họp báo đã.”

Cục trưởng không hiểu có chuyện gì xảy ra vội hỏi: “Rõ cái gì hả?”

Giáo sư Lương đáp: “Tôi biết hung thủ là ai rồi.”

Cục trưởng nói vẻ đầy thách thức: “Thôi được, tổ chuyên án của các anh cứ đi mà họp báo, chúng tôi không tham gia, tội vạ đâu các anh tự chịu.”

Trong buổi họp báo, tổ chuyên án cho mọi người học một tiết học trinh thám suy luận vô cùng đặc sắc. Tô My dùng máy chiếu trình chiếu hết hình ảnh những chứng cứ mà cảnh sát hiện đang có, và có kèm phần giải thích cụ thể. Bao Triển chỉ cho mọi người biết những điểm mấu chốt trong đó, ví dụ như: Trong phân có nấm kim châm, mũi tên hung thủ để lại, chiếc nhẫn trên tay nạn nhân, v.v…

Giáo sư Lương hỏi mọi người: “Trong phân của nạn nhân vì sao lại có nấm kim châm?”

Một kí giả bật cười trả lời: “Thì tại ông ta ăn vào chứ sao!”

Giáo sư Lương nói tiếp: “Đúng như thế! Đây chính là hướng suy luận đơn giản nhất.”

Một nhà địa chất học không nhất thiết phải nhìn thấy thác nước Takakkaw[2] mà chỉ từ một giọt nước cũng có thể phán đoán rằng trên đời có thể đang tồn tại một thác nước như thế. Dùng một đồng tiền xu có thể tính toán được khoảng cách trung bình từ trái đất đến mặt trăng. Giả thuyết của Goldbach[3] và “thuyết nhật tâm[4]” của Cô-péc-ních[5] cũng chính là dựa vào việc suy luận mà có. Mặc dù kết quả từ việc suy luận không nhất định chính xác, nhưng đó là con đường quan trọng giúp chúng ta tìm ra chân lí.

Trong quá trình trinh thám điều tra, suy luận là một phương thức phá án không thể thiếu.

Việc suy luận được xây dựng thông qua phân tích các đầu mối và các nhân chứng vật chứng, rồi đưa ra kết luận. Vụ án cháy nổ ở Công ty Edison là một trong những vụ án suy luận tiêu biểu trên thế giới. Tiến sĩ, nhà tâm lí học tội phạm Brussels chỉ bằng một bức thư nặc danh của hung thủ, mà có thể đoán được giới tính, lứa tuổi, nơi ở của kẻ tội phạm, thậm chí còn biết kẻ đó mắc bệnh gì nữa. Cuối cùng, đã giúp ích rất nhiều cho cảnh sát trong việc bắt giữ hung thủ.

Giáo sư Lương đưa chiếc nhẫn của chú Lỗ ra để mọi người quan sát. Các nhà báo thi nhau chụp hình. Giáo sư Lương hỏi: “Ai có thể cho tôi biết, ông ta ăn trộm chiếc nhẫn của con dâu để làm gì?”

Một nhà báo lên tiếng: “Có thể ông ta hết tiền, nên lấy trộm đi bán chăng?”

Một nhà báo khác nói: “Cũng có thể ông ta lấy để làm quà cho ai đó.”

Giáo sư Lương trả lời: “Không sai! Cả hai trường hợp trên đều có khả năng xảy ra. Chúng ta phải loại trừ đi một phương án. Đầu tiên, tôi có thể chắc chắn rằng, thời gian tử vong của nạn nhân là vào khoảng mười giờ tối…”

Chi đội trưởng lắc đầu phản đối: “Thi thể bị chôn giữa tảng bê tông lâu ngày, đến bác sĩ pháp y còn không thể phán đoán được thời gian tử vong, giáo sư dựa vào bằng chứng nào để có kết luận như thế?”

Giáo sư Lương giải thích tiếp: “Các loại thức ăn khác nhau, thời gian tiêu hóa cũng khác nhau. Nấm kim châm thông thường sẽ bị phân giải sau hai giờ đồng hồ. Từ hình dạng của nấm kim châm tìm thấy được, có thể thấy hệ tiêu hóa của nạn nhân không được tốt. Hung thủ không thể nào nhét xác nạn nhân vào trụ cột thép lúc trời còn sáng vì trên công trường có rất nhiều người. Nên chỉ còn một khả năng, đó là nạn nhân bị hại lúc trời tối. Khi cộng thời gian ăn tối mùa hè, với thời gian tiêu hóa thức ăn, chúng ta có thể phần nào đoán được thời gian nạn nhân tử vong. Hơn thế nữa, khoảng thời gian nạn nhân thường đi tìm các cô gái trong tiệm cắt tóc gội đầu trá hình cũng đều vào khoảng mười giờ tối.”

Một nhà báo hỏi tiếp: “Thế tại sao nạn nhân lại ăn trộm chiếc nhẫn?”

Giáo sư Lương trả lời: “Vào khoảng mười giờ tối, các cửa hàng vàng bạc đều đã đóng cửa cả rồi, nên có thể loại trừ khả năng chú Lỗ đi đổi chiếc nhẫn lấy tiền. Như vậy, thì còn một khả năng nữa, đó là chiếc nhẫn được dùng làm quà, tặng sinh nhật cho một kĩ nữ.”

Giáo sư Lương sử dụng phương pháp suy luận mắt xích trong phá án. Sau khi chứng minh xong một giả thiết, sẽ sử dụng kết quả đó làm tiền đề suy luận cho giả thiết tiếp theo. Cứ như thế từng bước từng bước suy luận vấn đề cho tới khi có được kết luận cuối cùng.

Các sự việc về sau đã chứng tỏ rằng suy luận của giáo sư Lương là hoàn toàn chính xác. Chiếc nhẫn đó chú Lỗ muốn mang làm quà sinh nhật cho Mao Mao. Hôm sinh nhật tròn mười tám tuổi của Mao Mao, chú Lỗ lấy trộm chiếc nhẫn của con dâu mình định mang tặng cho cô bé vui lòng. Sau này Mao Mao khai với phía cảnh sát về việc này như sau:

Chú Lỗ hỏi Mao Mao: “Cháu có biết chú không rửa mặt bao lâu rồi không?”

Mao Mao trả lời cộc lốc : “Hai tuần?”

Chú Lỗ: “Sai rồi!”

Mao Mao: “Hai tháng?”

Chú Lỗ lắc đầu, nói: “Cho đoán lại!”

Mao Mao thấy thật vô vị, chẳng buồn đoán nữa. Chú Lỗ cười híp mắt nói: “Lần rửa mặt trước là vào lần tắm trước, là từ hồi tết rồi. Hôm nay chú rửa mặt rồi, còn lau người sạch sẽ nữa. Chú trả tiền rồi, hôm nay sinh nhật cháu, chú phải đưa cháu ra ngoài đi chơi chứ. À, đây, chú còn mua cho cháu cả cái nhẫn nữa này, xem xem, đẹp không?…”

Chú Lỗ đeo chiếc nhẫn vào ngón giữa cho Mao Mao.

Mao Mao bĩu môi, nói: “Cháu không cần, ai mà biết là đồ thật hay đồ giả.”

Một nhà báo nữ lên tiếng nói: “Chú Lỗ này cũng lãng mạn đấy chứ.”

Lúc này, các nhà báo bắt đầu chuyển sang vấn đề về nhà điêu khắc. Giáo sư Lương không muốn nói vấn đề này, ra hiệu cho Bao Triển và Họa Long lên tiếng nói sang vấn đề khác.

Bao Triển nói: “Hung thủ có ba người, hoặc trên ba người!”

Một nhà báo đã có tuổi hỏi: “Làm sao các anh biết hung thủ có ba người? Cũng là bằng cách suy luận sao?”

Bao Triển không trả lời, Họa Long đưa mũi tên ra, các nhà báo lại bắt đầu chụp ảnh. Họa Long nói: “Hung thủ có trong tay loại mũi tên này.”

Các nhà báo như bắt được vàng, vội tranh nhau hỏi thông tin về ba hung thủ, nhưng bốn người trong tổ chuyên án đều không tiết lộ thêm điều gì nữa.

Khi buổi họp báo kết thúc, giáo sư Lương nói với các nhà báo: “Chúng tôi muốn mượn sức ảnh hưởng của giới truyền thông, khuyên hung thủ nên ra đầu thú. Đây là mong muốn lớn nhất của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể đợi trong vòng bảy ngày. Sau thời gian đó, nếu hung thủ vẫn không ra đầu thú, thì chúng tôi sẽ tiến hành vây bắt. Cho dù kẻ đó có chạy đến cùng trời cuối biển, cũng chỉ trốn được trong thời gian ngắn. Kẻ đó sẽ phải mang trên mình bản án truy nã, đêm ngủ không yên cho tới khi chúng tôi bắt được kẻ đó về quy án. Trên thực tế chúng tôi đã có những thông tin chi tiết về hung thủ, tiếp theo đây, chúng tôi sẽ đợi hung thủ tự ra đầu thú, cho hung thủ một cơ hội để được hưởng khoan hồng.”

Trên người nạn nhân chú Lỗ có ba vết thương chí mạng: Đỉnh đầu bị vật tù đập vào, trước ngực có vật sắc đâm vào, và một mũi tên xuyên từ trực tràng lên đến khoang bụng.

Khả năng một hung thủ mang theo ba thứ hung khí giết người là rất ít, vì thế có thể dễ dàng phán đoán được rằng hung thủ gồm có ba người.

Tổ chuyên án lợi dụng báo giới để tiết lộ kết luận “hung thủ có ba người”, đây là một kế sách sáng suốt.

Sau khi lập giả thiết, bây giờ đến việc kiểm chứng giả thiết đó. Cho dù việc đưa ra giả thiết là đúng hay sai thì điều đó cũng giúp việc phá án có được bước đột phá quan trọng. Nếu điều giả thiết là đúng, thì người thân, bạn bè, hàng xóm của hung thủ có thể thông qua những vật chứng mà phía cảnh sát cung cấp, để nhận ra hung thủ, phía cảnh sát sẽ có được những đầu mối quan trọng trong việc phá án. Nếu giả thiết là sai, thì người chứng kiến sự việc, chính là nhà điêu khắc kia, có thể sẽ bị áp lực mà nói hết sự thật với phía cảnh sát. Tổ chuyên án khẳng định rằng hung thủ có ba người, nhà điêu khắc đi ra ngoại ô mang theo cả vợ và con gái, anh ta sẽ rất dễ cho rằng phía cảnh sát đang nghi ngờ cả gia đình mình là hung thủ. Để tránh bị truy nã, rửa sạch oan cho cả gia đình, người đàn ông thích nổi tiếng kia sẽ phải chủ động liên lạc với phía cảnh sát.

Chiêu một mũi tên trúng hai đích này của giáo sư Lương vừa có thể dùng giới truyền thông để ép nhà điêu khắc lên tiếng, vừa có thể khiến hung thủ thực sự suy nghĩ về hoàn cảnh hiện tại của mình. Cho dù những suy đoán trên là đúng hay sai, phía cảnh sát vẫn có thể có được những đầu mối mới về hung thủ.

Ngay ngày hôm sau, một vị lãnh đạo trong cục thể dục thể thao đưa con trai mình đến tự thú.

Sang ngày thứ hai, thêm thiếu niên mười tám tuổi nữa cũng được phụ huynh đưa đến thú tội.

Vài ngày sau, nhà điêu khắc xuất hiện trước cửa phòng công an tỉnh. Sau một hồi do dự, nhà điêu khắc dùng chân dập tắt điếu thuốc đang hút dở, bước vào bên trong.

Sau khi phá xong vụ án, mọi người mới biết được dụng ý sâu xa và lòng nhân từ của giáo sư Lương. Ba hung thủ giết người đều còn ở tuổi vị thành niên. Việc ra đầu thú có thể giúp chúng có cơ hội được hưởng khoan hồng của pháp luật. Sau thời gian giáo dục cải tạo, chúng vẫn có thể trở về hòa nhập lại với xã hội.

Những giọt nước mắt của chúng ta lẽ ra nên rơi kể từ trận mưa rào đầu tiên.

Trong kí ức của mỗi người chúng ta đều có một ngày mưa như vậy. Một trận mưa lớn nhất trong đời, mãi mãi không quên.

Mỗi người đều từng đi ngang qua những quán gội đầu cắt tóc như vậy. Những người ngồi trong đó, và cả những cô gái đứng ở ven đường vẫy khách kia cũng chỉ là vì cuộc sống. Họ nở nụ cười không phải vì vui vẻ, mà chỉ là để che giấu đi sự chua chát trong lòng. Rất nhiều câu chuyện về những cô gái làng chơi đáng thương hơn là đáng trách. Số phận của Mao Mao cũng vậy.

Mao Mao cũng là một cô gái bán hoa.

Cô thích những ngày mưa, nó khiến cho không khí có một vẻ bi thương lạ kì và vô cớ. Mỗi khi trời mưa, khách đến tìm cô cũng ít, và cô có thể được yên tĩnh một hồi. Khi ngoài đường không còn ai đi lại, cô giống như một cái cây trồng trong phòng kín, chỉ biết nhìn ra cơn mưa bên ngoài. Đường phố vắng, cô đơn, cũng giống như nội tâm nàng thiếu nữ. Chỉ có những giọt mưa không ngừng rơi xuống, giúp cô thả hồn theo nước trôi đi. Có rất nhiều câu hỏi cô không tìm nổi câu trả lời, chỉ cảm thấy mê man và u uất, giống như những gì cô viết trong cuốn nhật kí của mình: “Đời người thực sự là bể khổ sao? Hay chỉ có những đứa trẻ là phải chịu như thế?”

Lẽ ra ở tuổi này, cô đang phải bù đầu với bài tập, nhưng giờ lại phải ngồi đây suy nghĩ về nỗi khổ của đời kĩ nữ. Một cô bé mới mười tám tuổi, một cô bé đáng thương.

Nếu một người con gái quá khổ cực, nước mắt chảy quá nhiều thì thượng đế từ bi sẽ ban cho cô một người trong mộng, để cô không còn cảm thấy cô đơn.

Đêm đó trời mưa tầm tã, Mao Mao đứng trước cửa tiệm ngây ngô không biết nghĩ gì. Một cậu bé đẹp trai đeo ba lô bước vào. Nước mưa làm ướt mái tóc phía trước của cậu. Cậu cảm thấy hơi lạnh, nhưng trên mặt vẫn nở nụ cười rạng rỡ đến mê hồn. Mao Mao nhìn cậu, ra ngoài khóa cửa, rồi dẫn cậu vào trong.

Một thiếu nữ luôn thích những thiếu niên anh tú.

Một kĩ nữ cũng luôn thích những khách làng chơi ưa nhìn.

Cậu bé là một học sinh, tuổi đời cũng tầm Mao Mao. Cậu ngồi trên giường, vẻ mặt bình tĩnh, dường như không hề có chút căng thẳng nào.

Mao Mao có chút cảm tình với vị khách trước mặt, nên nói năng cũng có phần e thẹn: “Bóp vai năm mươi tệ, đấm lưng một trăm tệ.”

Cậu bé có phần ngạc nhiên, hỏi: “Cái gì mà đấm lưng, bóp vai cơ?”

Mao Mao hơi ngượng ngùng: “Sao cậu lại hỏi thế, biết rồi còn cứ hỏi.”

Cậu bé thấy lạ lùng, nói: “Ơ, tớ không hiểu thật mà!”

Mao Mao bực mình hỏi: “Thế cậu vào đây làm gì? Cậu đến đây lần đầu tiên đúng không?”

Cậu bé vội giải thích: “Tớ chỉ vào đây trú mưa thôi, bên ngoài mưa to quá.”

Mao Mao hơi giận dữ, bảo: “Cậu nhanh nhanh lên đi đừng lãng phí thời gian nữa. Chỗ chúng tôi có phải chỗ trú mưa đâu. Trả tiền trước đi!”

Cậu bé lấy ra tờ một trăm tệ nói: “Tớ không bóp vai, cũng không đấm lưng gì cả, chúng ta ngồi nói chuyện thế này thôi được không?”

Mao Mao cầm lấy tiền. Đây là lần đầu tiên cô bé gặp một vị khách làng chơi lại không cần phục vụ. Hai người ngồi đó, Mao Mao không biết nên nói gì, đành giữ im lặng. Cả hai có vẻ ngượng ngùng, bên ngoài tiếng sấm vẫn vang rền, mưa càng rơi càng nặng hạt.

Cậu bé rút điện thoại, mở một bài hát. Cả hai chỉ ngồi yên lặng lắng nghe. Về sau, mỗi khi trời mưa, Mao Mao vẫn thường ngâm nga bài hát đầy kỉ niệm này.

“Câu chuyện dù đẹp rồi cũng có hồi kết

Em ra đi là hồi kết của tôi

Nhìn bóng em xa dần rồi xa mãi

Như số kiếp này trời đã định vậy thôi!

Nhưng em ơi, tôi muốn nói bao lời

Rằng tôi nhớ, rằng nhớ em nhiều lắm!

Em trong đời tôi là thiên thần trái đắng

Trọn kiếp này cũng chẳng thể lãng quên.

Cho dù mưa không ngừng trút trong đêm

Cho dù em bỏ tôi trong giấc mộng.

Thì em ơi, tôi vẫn luôn khát vọng

Giấc mộng này, là giấc mộng thiên thu.

Mưa tạnh, cậu bé ra về, bóng cậu khuất dần trong đêm thanh vắng.

Đây là câu chuyện truyền thuyết lãng mạng chỉ dành cho nàng kĩ nữ. Vào một ngày, trời bỗng đổ mưa, một chàng trai tuấn tú bước tới trước mặt cô bé. Không phải khách làng chơi, không làm bất cứ điều gì, họ chỉ ngồi đó, nói chuyện, những câu hỏi và những câu trả lời bâng quơ. Ánh mắt họ không dám nhìn thẳng vào nhau, họ ngồi cùng nghe nhạc, tiếng nhạc lẫn trong tiếng mưa thì thào.

Mao Mao cảm thấy cậu bé này không giống những người khác. Nhưng chị họ nhắc cô bé phải cẩn thận, rất có thể đó là một tên công tử bột giả nai.

Mao Mao lại có thêm niềm hy vọng mới. Mỗi khi đứng ngoài cửa chào khách, ngoài việc vẫy tay mời chào, giờ đây cô còn mong được gặp lại chàng trai kia một lần nữa.

Vài hôm sau, chàng trai lại đi ngang qua cửa tiệm. Mao Mao nhìn trộm cậu một cái rồi lập tức cúi người nấp sau cánh cửa. Trái tim cô thiếu nữ đập liên hồi, mặt bỗng dưng ửng đỏ, đến hơi thở cũng thấy không còn bình thường nữa. Chàng trai liếc mắt nhìn vào trong tiệm mát-xa chân, nhưng phải đợi cậu đi khuất, Mao Mao mới dám đứng dậy nhìn theo.

Cô bé vui mừng khoe với người chị họ: “Em nhìn thấy cậu ấy rồi! Nhìn rõ mồn một. Cậu ấy trông thật đẹp trai. Hi hi!”

Nhưng rồi cô lại lập tức buồn rầu nói: “Nhưng cậu ấy không vào đây. Em… Em cũng mong cậu ấy vĩnh viễn đừng bao giờ tới nơi này. Chỗ của chúng ta không phải là nơi để cậu ấy đến. Nhưng… Nhưng em vẫn muốn được gặp cậu ấy lần nữa. Không biết bao giờ mới tới lúc ấy nhỉ? Ai ya, cậu ấy lẽ ra không nên xuất hiện thì hơn.”

Kể từ đó mỗi lần bâng khuâng nhìn về một nơi xa xăm, cô bé lại mường tượng ra một khu vườn, nơi mọc đầy những khóm hoa mà chỉ cô mới có thể nhìn thấy, ngửi thấy. Trong tim mỗi nàng thiếu nữ đều có một vườn hoa đầy sắc màu như vậy.

Mưa, được làm từ hai thành phần không thể tách rời, ấy là nước và nỗi nhớ.

Mỗi khi có mưa đêm, biết bao nhiêu người sẽ mất ngủ, sẽ hướng mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, vô hồn, rồi bỗng vô cớ cảm thấy cô đơn, buồn tủi. Tất cả những điều ấy đều vì trong lòng đang nhớ đến một ai đó.

Lần mưa thứ hai, Mao Mao nhìn thấy chàng trai đang bước về phía cửa tiệm. Cô cảm thấy vô cùng căng thẳng, đôi chân nhẹ vò lên nhau, trong lòng nghĩ: “Đừng đến, đừng đến, đừng có đến!”

Nhưng chàng trai đã bước vào. Cậu rút ra tờ một trăm tệ đưa cho Mao Mao rồi lại cùng cô ngồi trên chiếc giường nhơ nhám. Lần này Mao Mao không giới thiệu những dịch vụ của cửa tiệm cho cậu nữa. Cô căng thẳng đến suýt khóc, trong lòng vừa chỉ mong chàng trai mau mau rời khỏi nơi bẩn thỉu này, vừa hy vọng cậu sẽ ngồi lại mãi.

Chàng trai kể về những câu chuyện trong trường học, kể về những người bạn của mình.

Mao Mao chỉ cúi đầu lắng nghe, trong lòng bỗng cảm thấy vô cùng buồn tủi. Từ nhỏ đến lớn, dường như cô chưa từng có người bạn nào.

Chàng trai nói: “Ngưỡng mộ cậu thật đấy, cậu chẳng cần phải đi học.”

Mao Mao buồn bã đáp: “Thực ra, tớ muốn được đi học lắm!”

Chàng trai nói tiếp: “Nếu thế, chúng ta học cùng lớp, ngồi cùng một bàn là được rồi.”

Mao Mao càng hụt hẫng, nói: “Nhưng… Nhưng tớ…”

Chàng trai an ủi: “Trong trường không có ai bắt nạt được cậu đâu. Bạn bè của tớ nhiều lắm, đánh nhau cũng rất giỏi nữa.”

Mao Mao tủi thân đáp: “Tớ… Tớ không được đi học. Tớ chỉ có thể ở đây thôi, đến bạn bè cũng chẳng có.”

Chàng trai cười đáp: “Tớ là bạn của cậu là đủ rồi.”

Mao Mao do dự: “Ừ! Nhưng cậu biết không, tớ là một…”

Chàng trai chen ngang quả quyết: “Chẳng sao cả!”

Sau lần nói chuyện đó, Mao Mao biết tên chàng trai là Tiểu Bắc. Trong cuốn nhật kí bí mật của mình, cô dũng cảm gọi cậu là Bảo Bối. Hai người trở nên thân thiết rất nhanh, chàng trai mỗi lần đến lớp và tan trường đều cố ý đi qua trước cửa tiệm nhà Mao Mao. Cả hai chỉ nhìn nhau cười rồi chia tay bằng ánh mắt. Cũng có lúc Tiểu Bắc đến tiệm chơi. Mao Mao nói dối mẹ rằng cậu ta chỉ vào bóp vai thôi, vì lo tốn tiền của cậu. Nhưng Tiểu Bắc lại rất phóng khoáng, lúc nào cũng trả đủ tiền chỉ để được nói chuyện một cách “vụng trộm” với cô bạn.

Chàng trai thích được ngồi cùng cô gái.

Với họ tình yêu là thứ lớn lao hơn rất nhiều điều tầm thường khác trên đời.

Có lần, cô gái lấy hết can đảm nói với chàng trai: “Cậu biết không, tớ có hơi thích cậu đấy!”

Một tháng sau, trong ngày sinh nhật của Tiểu Bắc, Mao Mao lén lút lấy tiền rồi chạy đi mua rất nhiều quà sinh nhật cho cậu. Không biết Tiểu Bắc thích quà gì, Mao Mao liền mua một dây móc treo điện thoại, một con gấu bông đáng yêu, một chiếc áo mưa, và cả một bông hoa hồng giống như người lớn hay tặng nhau nữa. Tất cả được đặt trong một chiếc túi bóng bình thường, đưa cho Tiểu Bắc. Theo Tiểu Bắc đến quán karaoke cùng bạn bè cậu, Mao Mao cảm thấy hơi ngượng ngùng, ngồi nép vào một góc ghế, chỉ im lặng. Tiểu Bắc và bạn bè mải mê hát hò, uống rượu cùng nhau. Đến khi tiệc sắp tàn, Tiểu Bắc mới để ý thấy bông hoa trong chiếc túi đã bị đè gần nát.

Tiểu Bắc kéo Mao Mao sang một bên, cầm lấy micro, dõng dạc tuyên bố với những người anh em của mình: “Giới thiệu với các bạn, Mao Mao là bạn gái của tôi!”

Mao Mao cảm động muốn khóc. Cô bé chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như lúc này, nhưng trong lòng lại càng cảm thấy tự ti.

Hôm đó cô nấp sau áo mưa của bạn trai, khom người, bám vào vai cậu. Lúc qua đường, tiếng còi ô tô inh ỏi, nhưng cô không hề cảm thấy sợ hãi. Bố mẹ của Tiểu Bắc đều đi công tác cả, cậu đưa Mao Mao về nhà chơi.

Bình nóng lạnh nhà Tiểu Bắc hỏng, nhưng Mao Mao nhất quyết đòi đi tắm. Cô nói rằng, dù phải tắm nước lạnh, cô cũng muốn mình gột sạch bụi trần, vì người trước mặt là người cô yêu.

Mối tình đầu của một cô bé kĩ nữ và cậu học sinh cấp ba thật đẹp nhưng cũng thật buồn.

“Mối tình đầu” là một từ rất đẹp, những cảm xúc đặc biệt trong kí ức, những buồn thương không thể phai mờ. Một trận mưa rơi trên tâm hồn của mỗi con người, từng giọt, đều kéo chúng ta trở về với những tháng ngày ngây dại ấy.

Khi một chàng trai đang trong mối tình đầu, rất dễ vì một chút chuyện nhỏ nhặt mà có hành động điên cuồng. Tại Đài Loan từng có vụ án một chàng trai đâm chết người yêu giữa phố vì ghen tuông, hay vụ hai học sinh vị thành niên ở Mỹ xả súng giết chết một giáo viên và mười hai bạn khác, rồi cũng tự kết liễu đời mình, mà đến nay vẫn không rõ nguyên nhân vụ việc. Nhưng phía cảnh sát phán đoán rằng hai học sinh lúc đó đang thất tình nên đã có những hành động quá khích.

Trong ngày sinh nhật của Mao Mao, Tiểu Bắc và hai người bạn của cậu đã chuẩn bị cho cô một bữa tiệc.

Chú Lỗ hôm đó đến tiệm yêu cầu bao cả đêm. Sau khi đàm phán giá đã trả tiền trước luôn cho tiệm. Chú Lỗ đưa Mao Mao đến khách sạn thuê phòng. Trên đường đi, Tiểu Bắc và hai người bạn chặn đường chú Lỗ. Mao Mao không muốn đến khách sạn cùng chú Lỗ nhưng không có cách nào để bỏ chạy, suốt chặng đường chỉ nghĩ đến Tiểu Bắc, trong lòng vô cùng đau khổ. Tiểu Bắc muốn đưa Mao Mao đi, nhưng chú Lỗ nhất quyết không đồng ý, còn buông lời chửi mắng ba cậu học trò. Mao Mao chỉ khóc, không biết phải làm gì khác. Chú Lỗ kéo Mao Mao sang một bên, rồi mắng ba cậu bé: “Nó chỉ là một đứa con gái tiệm mát-xa, tao đã trả tiền. Ba thằng oắt chúng mày khôn hồn thì tránh ra, đừng có làm lỡ việc của tao.”

Ba cậu học sinh định xông vào cướp Mao Mao. Tiểu Bắc hét lên: “Đánh lão ta đi!”

Chú Lỗ không phải tay vừa, lôi trong túi ra một chiếc dao cạo từ thời xưa, giơ về phía ba cậu bé, cảnh cáo: “Nói tử tế chúng mày không nghe hả? Thích thì vào đây!”

Ba cậu học trò chạy về nhà Tiểu Bắc ở gần đó lấy vũ khí rồi quay trở lại. Cha Tiểu Bắc là lãnh đạo Cục thể dục thể thao. Tiểu Bắc cầm theo chiếc cung do hội bắn cung tặng cha mình đi làm vũ khí. Hai người bạn còn lại một cầm dao, một cầm ống thép. Ba cậu đằng đằng sát khí đi tìm chú Lỗ nhưng không thấy ông ta đâu nữa, chỉ thấy Mao Mao đang đứng một mình bên cạnh một công trường đang xây dựng. Mao Mao nói chú Lỗ đau bụng, phải đi vệ sinh. Ba cậu bé tìm thấy chú Lỗ trong công trường, giết chết ông ta và quẳng xác vào một cột trụ chưa kịp đổ bê tông. Tất cả quá trình đó đã bị một người nhìn thấy.

Tối hôm đó, nhà điêu khắc đến công trường lấy ít đất sét, vì chỉ có ở công trường xây dựng khi người ta đào đất xuống dưới sâu mới có. Nhà điêu khắc định làm một tác phẩm bằng chất liệu này. Khi đến công trường, anh ta vô tình nhìn thấy vụ xung đột và cả quá trình phi tang xác của ba cậu học sinh.

Anh ta không đi báo án, vì thực tế rất nhiều người lựa chọn phương án đó. Một viên cảnh sát hình sự từng phát biểu trước báo chí rằng, đứng trên góc độ cá nhân, người chứng kiến sự việc nhưng không tự nguyện báo án là một sự thật rất nhiều người đều hiểu. Chủ yếu là do sợ bị trả thù hoặc gây khó dễ, đây cũng là tâm lý chung của nhiều người trong xã hội.

Sau khi vụ án được đăng báo, hai cậu học sinh đã ra đầu thú, còn một cậu đã bỏ trốn khỏi nhà.

Bố mẹ của Tiểu Bắc nhận ra mũi tên trong các bức ảnh trên báo là của gia đình mình, hơn nữa hộp mũi tên lại vừa hay thiếu một chiếc. Cậu con trai Tiểu Bắc dạo gần đây tinh thần bấn loạn, không dám đến trường, không dám xem ti vi. Bố mẹ cậu sau nhiều lần gặng hỏi mới thuyết phục được cậu con trai kể ra toàn bộ sự tình. Sau khi suy nghĩ kĩ, bố mẹ cậu đã đưa con ra đầu thú.

Bố mẹ Tiểu Bắc nói với cậu con trai đang đeo còng tay của mình: “Con vẫn chỉ là một đứa trẻ, đưa con đi đầu thú tốt hơn là bao biện để con ở nhà. Bố làm thế này là vì yêu con. Có thể con chưa hiểu thế nào là yêu. Sau mấy năm cải tạo, trở lại với cuộc sống đời thường, nếu con vẫn yêu cô bé ấy, bố mẹ sẽ tôn trọng chọn lựa của con.”

Tổ chuyên án nói cho Mao Mao biết việc Tiểu Bắc đã đến tự thú. Mao Mao vô cùng lo lắng, hỏi: “Liệu cậu ấy có bị xử tử hình không?”

Giáo sư Lương trả lời chân thành: “Cậu ấy tự ra đầu thú nên sẽ được giảm nhẹ tội, không bị xử tử hình đâu.”

Mao Mao lại hỏi: “Thế cậu ấy sẽ bị giam giữ bao nhiêu năm ạ?”

Bao Triển nghĩ một hồi, rồi trả lời bằng một con số đại khái.

Mao Mao nói: “Em sẽ đợi cậu ấy, cho dù là mười năm hay hai mươi năm.”

Họa Long lên tiếng: “Mọi tính toán của con người đều có thể thay đổi theo thời gian cô bé ạ!”

Mao Mao trả lời: “Em sẽ không bao giờ thay đổi. Làm sao em có thể thay đổi được chứ?”

Tô My hỏi: “Nhưng đến lúc đó, có khi cả hai đều đã thành mấy bác trung niên rồi.”

Mao Mao trả lời: “Cậu ấy dám bảo vệ em, em nhất định phải đợi cậu ấy. Nếu cậu ấy vẫn còn muốn lấy em, em sẽ làm vợ cậu ấy.”

Tổ chuyên án rời khỏi phòng thẩm vấn, bên ngoài mặt trời chói lọi, không một làn gió, cũng chẳng có mưa. Mao Mao vẫn ngồi một mình trong phòng thẩm vấn, miệng ngâm nga khúc hát kỉ niệm:

Câu chuyện dù đẹp rồi cũng có hồi kết

Em ra đi là hồi kết của tôi

Nhìn bóng em xa dần rồi xa mãi

Như số kiếp này trời đã định vậy thôi!

Nhưng em ơi, tôi muốn nói bao lời

Rằng tôi nhớ, rằng nhớ em nhiều lắm!

Em trong đời tôi là thiên thần trái đắng

Trọn kiếp này cũng chẳng thể lãng quên.

Cho dù mưa không ngừng trút trong đêm

Cho dù em bỏ tôi trong giấc mộng.

Thì em ơi, tôi vẫn luôn khát vọng

Giấc mộng này, là giấc mộng thiên thu.

[1] Serhiy Tkach: Cựu cảnh sát điều tra hình sự, tại Nga, sinh 1952. Năm 2010 bị bắt tại Ukraina vì tội giết người hàng loạt.

[2] Thác Takakkaw: Thác nước tại vườn quốc gia Yoho, Canada. Chiều cao 381m, được đánh giá là một trong những thác nước hùng vĩ nhất hành tinh.

[3] Goldbach (1690 – 1764): Tên đầy đủ là Christian Goldbach, là nhà toán học nổi tiếng với học thuyết mang tên mình.

[4] Thuyết Nhật Tâm: Học thuyết cho rằng Mặt trời là trung tâm của vũ trụ/hay của hệ mặt trời.

[5] Cô-péc-ních (1473-1543): Tên đầy đủ là Ni-cô-lát Cô-péc-ních, là nhà Thiên văn học nổi tiếng của Ba Lan.

Bình luận