Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nạn Nhân Thứ Tư

Chương 4

Tác giả: Tess Gerritsen

Moore và Rizzoli ngồi vã mồ hôi trong ô tô. Luồng khí nóng kêu ầm ĩ qua lỗ thông hơi xoay chiều. Họ đã bị mắc kẹt mười phút trong đám xe cộ và chiếc xe không mát mẻ lên chút nào.

– Những người nộp thuế nhận được những gì họ phải chi trả – Rizzoli bực tức – Chiếc xe này chỉ là món đồ chơi.

Moore đóng cánh quạt điều hòa, cuộn cửa xuống. Không khí nóng bức và chất thải xe cộ bay vào xe. Người anh ướt đẫm mồ hôi. Anh không hiểu nổi tại sao Rizzoli vẫn có thể mặc chiếc áo cộc tay như quân phục được. Anh đã cởi áo khoác ngay khi họ ra khỏi Trung tâm y tế Hành hương. Một làn không khí ẩm ướt dày đặc bao trùm lấy họ. Anh biết chắc chắn cô cảm thấy hơi nóng vì anh thấy mồ hôi lấp lánh trên môi cô. Có lẽ đôi môi đó chưa bao giờ tiếp xúc với thỏi son nào. Rizzoli trông không xấu, nhưng thay vì có thể làm da mềm nhờ trang điểm hay đeo bông tai thì Rizzoli dường như rất ngoan cố và che giấu sự quyến rũ của chính mình.

Cô mặc những bộ com-lê tối màu. Chúng không thể tôn thân hình mảnh mai của cô. Tóc cô trông như một búi lọn xoăn lộn xộn. Cô chỉ là cô. Người khác phải chấp nhận điều đó, nếu không muốn xuống địa ngục. Anh hiểu tại sao cô có kiểu hành xử tùy người khác nghĩ sao thì nghĩ, có thể cô cần làm như vậy để là một nữ cảnh sát. Rốt cuộc Rizzoli là người sống sót.

Giống như Catherine Cordell cũng là người may mắn sống sót. Nhưng Cordell đã áp dụng một chiến lược tồn tại khác: đó là rút lui, tạo khoảng cách. Trong suốt thời gian thẩm tra, anh có cảm giác anh đang nhìn cô qua một tấm kính mờ. Dường như cô quá xa vời.

Chính sự khác biệt đó khiến Rizzoli khó chịu.

– Cô ấy có vấn đề gì đó – Rizzoli thắc mắc – Có cái gì đó thiếu sót về mặt tình cảm và cảm xúc.

– Cô ấy là một bác sỹ phẫu thuật chấn thương. Cô ấy đã rèn luyện cho bản thân phải lạnh lùng.

– Đúng, lạnh như băng vậy. Hai năm trước, cô ấy đã bị trói, cưỡng bức và suýt nữa thì bị mổ xẻ. Giờ cô ấy lạnh lùng về chuyện đó đến mức khó chịu. Điều đó khiến tôi băn khoăn.

Moore dừng xe lại trước đèn đỏ. Anh ngồi trên xe, nhìn khu ngã tư ùn tắc. Mồ hôi nhỏ từng giọt trên lưng anh. Anh làm việc không được tốt khi trời nóng, nó khiến anh cảm thấy bơ phờ và ngu muội. Nó khiến anh mong cho mau đến cuối hè và khao khát sự tinh khiết của những bông tuyết đầu tiên của mùa đông…

– Này – Rizzoli nhắc – Anh có nghe không đấy?

– Cô ấy hoàn toàn tự chủ – Anh thừa nhận. Nhưng đó không phải là băng đá, anh nghĩ và nhớ lại bàn tay Catherine đã run rẩy như thế nào khi cô trả lại anh những tấm ảnh của hai người phụ nữ.

Khi trở lại văn phòng làm việc, anh uống một long cô-ca ấm và đọc lại bài báo được phát hành cách đây vài tuần trên tờ Quốc tế Boston: “Những người phụ nữ cầm dao”. Bài báo nói về ba bác sỹ phẫu thuật nữ ở Boston – thành công và những khó khăn của họ, những vấn đề đặc biệt họ gặp phải trong chuyên môn. Trong số ba bức ảnh, Cordell trông quyến rũ nhất. Không chỉ do cô rất xinh đẹp, mà đó là do ánh mắt của cô. Đôi mắt cô tự tin và thẳng thắn đến nỗi chúng như thách thức chiếc máy ảnh. Bức ảnh và cả bài báo đều khắc sâu ấn tượng rằng người phụ nữ này hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình.

Anh bỏ bài báo sang bên và nghĩ xem những ấn tượng đầu tiên có thể nhầm lẫn mức nào. Một nỗi đau có thể dễ dàng che giấu bằng một nụ cười hay một chiếc cằm hếch lên ngạo nghễ như thế nào.

Giờ anh mở hồ sơ khác. Anh hít sâu một hơi, rồi đọc lại báo cáo của cảnh sát ở Savannah về Andrew Capra.

Capra được biết đến lần đầu tiên khi hắn giết một sinh viên y khoa năm cuối tại Đại học Emory ở Atlanta. Nạn nhân là Dora Ciccone, sinh viên chưa tốt nghiệp tại Đại học Emory. Thi thể cô được tìm thấy, bị trói trên giường tại căn hộ thuê bên ngoài. Người ta tìm thấy dấu vết của thuốc Rohypno khi khám nghiệm tử thi cho cô. Căn hộ của cô không có bất cứ dấu vết bị xâm nhập nào.

Nạn nhân đã mời kẻ giết người về nhà.

Khi bị tiêm thuốc xong, Dora Ciccone bị trói vào giường bằng dây ni-lông. Cô bị dán băng dính ống nhựa vào miệng nên không la hét được. Đầu tiên, tên sát nhân cưỡng bức cô. Rồi hắn cắt mổ bộ phận trên người cô.

Khi đã cắt và lấy đi chiến lợi phẩm, hắn thực hiện hai nhát cắt: một nhát cắt duy nhất rất sâu ngang cổ: từ trái sang phải. Mặc dù cảnh sát có mẫu ADN từ tinh trùng của tên sát nhân nhưng họ không có manh mối nào. Cuộc điều tra rất phức tạp vì Dora được mọi người biết đến là một cô gái rất ham tiệc tùng. Cô thích lui tới các quán rượu địa phương và thường đưa những người đàn ông mới gặp về nhà.

Vào đêm cô chết, người đàn ông cô đưa về nhà là một sinh viên y khoa tên là Andrew Capra. Nhưng cảnh sát không hề chú ý đến tên Andrew Capra cho đến khi ba cô gái khác bị giết tại thành phố Savannah, cách đó hai trăm dặm.

Cuối cùng, vào một đêm tháng sáu oi bức, những vụ giết người đó chấm dứt.

Catherine Cordell, ba mươi mốt tuổi, trưởng bộ phận phẫu thuật tại bệnh viện Riverland ở Savannah giật mình khi có người gõ cửa. Khi mở cửa, cô thấy Andrew Capra, sinh viên thực tập tại phòng phẫu thuật của cô đang đứng ngoài mái hiên. Cách đó một hôm, tại bệnh viện, cô đã khiển trách hắn vì hắn đã mắc lỗi. Và giờ hắn tuyệt vọng tìm cách chuộc lỗi. Hắn muốn vào để nói chuyện với cô về việc đó.

Trong khi uống bia, họ xem xét lại việc thực tập y khoa của Capra, những lỗi lầm hắn mắc phải, những người bệnh có thể đã bị hại do sự bất cẩn của hắn. Cô không hề che giấu sự thật rằng: Capra đã thất bại và sẽ không được phép hoàn thành chương trình thực tập. Rồi sau đó Catherine rời phòng khách, vào nhà vệ sinh, quay lại tiếp tục cuộc nói chuyện và uống nốt chỗ bia.

Khi cô tỉnh lại, cô thấy mình bị lột truồng, bị trói vào giường bằng dây ni-lông.

Báo cáo của cảnh sát đã miêu tả chi tiết cơn ác mộng diễn ra sau đó.

Những bức ảnh chụp cô trong bệnh viện cho thấy một phụ nữ với cặp mắt như bị ma ám. Má bị một vết thâm tím và sưng to. Những gì anh nhìn thấy trong bức ảnh được tóm gọn lại bằng một từ duy nhất: nạn nhân.

Đó không phải là từ dành cho người phụ nữ kỳ lạ mà anh gặp hôm nay.

Khi đọc lại những lời khai của Cordell, anh có thể nghe thấy giọng nói của cô trong đầu mình. Những lời nói đó không phải của một nạn nhân vô danh mà của một phụ nữ anh biết mặt.

Tôi không biết tôi cởi trói tay bằng cách nào. Lúc đó cổ tay tôi bị trầy xước hết nên chắc tôi đã lôi nó ra khỏi dây trói. Tôi xin lỗi, nhưng mọi việc trong đầu tôi không được rõ ràng. Tất cả những gì tôi còn nhớ là tôi cầm dao mổ. Tôi biết nhất định tôi phải lấy con dao mổ ra khỏi chiếc khay và tôi phải cắt dây trói trước khi Andrew trở lại…

Tôi nhớ tôi đã lăn sang bên kia giường. Tôi ngã xuống sàn, đập đầu xuống. Rồi tôi cố tìm khẩu súng. Đó là khẩu súng của bố tôi. Sau khi cô gái thứ ba bị sát hại ở Savannah, ông yêu cầu tôi giữ nó.

Tôi nhớ đã luồn tay xuống dưới giường, cầm lấy khẩu súng. Tôi nhớ những bước chân đi về phía phòng ngủ. Rồi tôi không chắc lắm. Hình như đó là khi tôi bắn hắn. Vâng, tôi nghĩ mọi việc đã xảy ra như vậy. Họ nói với tôi là tôi đã bắn hắn hai phát. Tôi nghĩ điều đó chắc là đúng.

Moore dừng lại, ngẫm nghĩ về những lời khai đó. Bộ phận Nghiên cứu Đường đạn đã xác nhận cả hai viên đạn được bắn từ khẩu súng của bố Catherine và được tìm thấy bên cạnh giường. Các bài thử máu tại bệnh viện xác nhận có chất Rohypno trong máu của cô, đó là một loại thuốc khiến người ta mất trí nhớ. Do vậy rất có thể trí nhớ của cô bị mất một phần, có thể do thuốc mất trí nhớ hay do chấn thương. Chỉ một cú đấm rất mạnh mới có thể gây ra vết thâm tím và sưng phồng như vậy. Cô không nhớ cô đã bị đấm và đấm khi nào.

Moore quay sang nhìn những tấm ảnh chụp hiện trường. Trên sàn nhà trong phòng ngủ, Andrew Capra đã chết, nằm úp mặt xuống sàn. Hắn đã bị bắn hai lần, một viên ở bụng, một viên ở mắt. Cả hai đều được bắn ở cự ly gần.

Anh nghiên cứu những bức ảnh rất lâu, chú ý tư thế của Andrew Capra và mẫu những vết máu.

Anh quay sang bản báo cáo của cảnh sát, đọc đi đọc lại nhiều lần.

Rồi anh lại nhìn tấm ảnh chụp hiện trường lần nữa.

Có cái gì đó không ổn ở đây, anh nghĩ. Những lời khai của Cordell rất vô lý.

Đột nhiên một bản báo cáo được đặt lên bàn anh. Anh ngước lên và giật mình khi thấy Rizzoli.

– Anh đã nhận được cái này chưa?

– Cái gì vậy?

– Bản báo cáo về sợi tóc tìm thấy ở mép vết thương của Elena Ortiz.

Moore nhìn câu cuối. Và anh nói.

– Tôi không hiểu điều này có nghĩa gì.

Vào năm 1997, nhiều bộ phận khác nhau của Phòng cảnh sát Boston hoạt động trong cùng một cơ quan. Cơ quan đó được đặt bên trong khu nhà mới xây tại Plaza One Schroeder, gần khu Roxbury tồi tàn và cũ nát của Boston. Các nhân viên cảnh sát gọi cơ quan mới của mình là “cung điện cẩm thạch” vì tòa nhà của họ dùng đá granit đánh bóng để xây hành lang phụ. Người ta thường nói đùa với nhau “Hãy cho chúng tôi vài năm để bày bừa nơi này và chúng tôi sẽ có cảm giác nó là nhà của chúng tôi”. Schroeder Plaza không giống với các sở cảnh sát tồi tàn mà người ta thường thấy trên ti vi. Đó là một tòa nhà hiện đại và sang trọng, sáng lên vì những ô cửa và ánh sáng tự nhiên. Bộ phận điều tra các vụ giết người có sàn nhà trải thảm và hệ thống máy tính hiện đại. Đáng lẽ nó phải dành cho một văn phòng thuộc tổng công ty nào đó. Điều mà các cảnh sát thích nhất về Schroeder Plaza là các nhánh của Sở Cảnh sát Boston có sự liên kết.

Các thám tử điều tra vụ giết người chỉ cần đi bộ xuống hành lang là đến phòng thí nghiệm hình sự. Nó nằm ở mạn trái của tòa nhà.

Tại Phòng Kiểm tra Tóc và Sợi vải, Moore và Rizzoli đang quan sát Erin Volchko, nhà khoa học chuyên về pháp lý, đang xem xét tỉ mỉ các túi đựng vật chứng.

– Tất cả những gì tôi nghiên cứu chỉ là sợi tóc đó – Erin nói – Nhưng thật kỳ diệu khi chỉ một sợi tóc lại có thể cho ta biết nhiều điều. Được rồi, nó đây rồi – Cô tìm túi đựng có đánh số vụ án của Elena Ortiz, rồi cho nó lên kính hiển vi – Tôi sẽ cho các bạn thấy trông nó như thế nào dưới kính hiển vi. Các số liệu đã được ghi lại trong bản báo cáo.

– Các con số này à? – Rizzoli hỏi và nhìn một chuỗi các mã số dài trên trang giấy.

– Đúng vậy.

Mỗi mã số miêu tả một đặc điểm khác nhau của tóc, từ màu sắc và độ xoăn đến các đặc điểm siêu nhỏ. Sợi tóc này thuộc lớp A01 – một sợi tóc màu vàng đậm. Độ xoăn của nó thuộc loại B01, tức là xoăn và đường kính mỗi lọn xoăn không quá tám mươi. Nó không hẳn nhưng gần như thẳng. Độ dài của sợi tóc là bốn centimet. Thật đáng tiếc, sợi tóc này đã ở giai đoạn hình thành, vì vậy không có các biểu mô bao bọc quanh nó.

– Nghĩa là không có ADN.

– Đúng vậy. Telogen là quá trình kết thúc sự phát triển của ngọn tóc. Sợi tóc này rụng ra do tự nhiên, là một phần của quá trình rụng tóc tự nhiên. Nói cách khác thì nó không bị giật đứt. Nếu có bất cứ tế bào biểu mô nào ở ngọn tóc thì chúng ta có thể sử dụng hạt nhân bên trong để phân tích ADN. Nhưng sợi tóc này lại không có loại tế bào đó.

Rizzoli và Moore thất vọng nhìn nhau.

– Nhưng – Erin nói thêm – Ở đây chúng ta lại có một thứ khác khá có ích. Nó không hữu ích bằng ADN nhưng nó có thể được giữ lại khi ra tòa khi các vị đã tìm được kẻ tình nghi. Thật tệ là chúng ta không có sợi tóc nào trong vụ của Diana Sterling để đối chiếu – Cô nhìn vào ống kính hiển vi rồi đứng sang bên – Nhìn xem!

Chiếc kính hiển vi có kính quan sát để giải thích cho người xem nên cả Moore và Rizzoli có thể quan sát hình ảnh cùng lúc. Khi nhìn vào ống kính, vật Moore nhìn thấy là một sợi tóc bị gập cong bởi những nút phồng.

– Các nốt nhỏ đó là gì? – Rizzoli hỏi – Chúng không bình thường.

– Không chỉ bất thường, mà nó còn rất hiếm – Erin giải thích – Đó là một tình trạng mà chúng tôi gọi là Trichorrhexis invaginata, nó còn có tên khác là “tóc tre”. Các bạn có thể thấy tại sao nó có tên đó. Các nút nhỏ đó khiến nó trông như một đoạn thân cây tre, đúng không?

– Đó là các nút gì? – Moore tò mò.

– Đó là các khiếm khuyết lớn trong sợi tóc, là các điểm yếu khiến tóc tự gập lại, khiến người đó bị hói hay trọc đầu. Các nút phồng lên là các điểm yếu. Tại đó, sợi tóc bị thu ngắn lại và tạo thành các nút.

– Tại sao người ta lại bị như vậy?

– Thường thì tình trạng đó gia tăng khi làm đầu quá nhiều, nhuộm, buộc, đại loại như vậy. Nhưng vì có nhiều khả năng chúng ta đang đối đầu với một đối tượng tình nghi là nam và tôi không thấy dấu hiệu tẩy màu nhân tạo nên tôi nghiêng về khả năng đây không phải do làm đầu nhiều mà là một loại lỗi gen nào đó.

– Cụ thể là gì?

– Ví dụ như triệu chứng Netherton. Đó là tình trạng thoái hóa tóc tự nhiên, ảnh hưởng đến sự phát triển của chất sừng kê-ra-tin trong tóc. Chất sừng rất cứng, là một loại pro-tê-in dạng sợi được tìm thấy trong tóc và móng tay hay móng chân. Nó cũng là lớp ngoài cùng trên da chúng ta.

– Nếu bị lỗi gen thì chất sừng sẽ không phát triển bình thường và tóc bị yếu đúng không?

Erin gật đầu.

– Và không chỉ tóc bị ảnh hưởng. Những người mắc chứng bệnh Netherton thường cũng bị rối loạn trên da như tẩy đỏ hay tróc vảy.

– Vậy chúng ta đang tìm tên sát nhân bị bệnh gàu rất nhiều à? – Rizzoli hỏi.

– Có thể nó còn rõ hơn thế. Vài bệnh nhân mắc bệnh này còn mắc một chứng bệnh nặng tên là icthyosis. Da của họ khô đến mức trông giống như vảy cá sấu.

Rizzoli cười.

– Vậy là chúng ta đang tìm người bò sát! Điều đó sẽ thu hẹp phạm vi tìm kiếm.

– Không hẳn đâu. Vì bây giờ là mùa hè.

– Điều đó thì có liên quan gì?

– Cái nóng và sự ẩm ướt sẽ khiến da khô bớt thoái hóa. Trông hắn có thể hoàn toàn bình thường vào thời gian này trong năm.

Rizzoli và Moore nhìn nhau, họ có chung một suy nghĩ.

Cả hai nạn nhân đều bị giết vào mùa hè.

– Miễn là thời tiết oi bức này kéo dài – Erin nói – thì hắn vẫn như bao người khác.

– Bây giờ mới là tháng bảy – Rizzoli lẩm bẩm.

Moore gật đầu.

– Mùa săn của hắn chỉ mới bắt đầu.

Bệnh nhân vô danh giờ đã có tên. Các y tá phòng cấp cứu đã tìm thấy một thẻ tên được gắn trên móc chìa khóa của ông. Ông ấy là Herman Gwadowski, sáu mươi chín tuổi.

Catherine đứng trong buồng bệnh thuộc Bộ phận chăm sóc đặc biệt sau khi phẫu thuật. Cô nghiên cứu một cách chuyên nghiệp những màn hình và các thiết bị được đặt quanh giường của ông. Đường tim điện tâm đồ bình thường hiện trên máy nghiệm dao động. Các đường động mạch ở mức một trăm mười trên bảy mươi. Sơ đồ đường tĩnh mạch trung tâm của ông lên xuống như những con sóng cồn trên biển nổi gió. Căn cứ vào những con số thì ca mổ của ông Gwadowski đã thành công.

Nhưng ông vẫn chưa tỉnh lại, Catherine nghĩ khi cô soi đèn pin vào con ngươi bên trái, rồi bên phải. Gần tám mươi tiếng sau ca mổ mà ông ấy vẫn trong tình trạng hôn mê sâu.

Cô đứng thẳng lên, nhìn ngực ông nâng lên hạ xuống theo nhịp quay của máy thông khí. Cô đã giúp ông ấy không bị chảy máu đến chết. Nhưng thực sự cô đã cứu vãn được gì? Một cơ thể có trái tim còn đập nhưng bộ não thì tê liệt chăng?

Cô nghe tiếng gõ cửa trên kính. Qua ô cửa phòng bệnh, cô thấy bạn đồng nghiệp của mình, bác sỹ Peter Falco. Anh đang vẫy tay chào cô. Khuôn mặt lúc nào cũng vui vẻ của anh có vẻ lo lắng.

Vài bác sỹ phẫu thuật nổi tiếng vì hay phát cáu trong phòng mổ. Có người hùng hổ lao vào phòng mổ và khoác áo choàng của họ theo cái cách mà người ta khoác áo choàng của hoàng đế. Có người lại tỏ ra là những kỹ thuật viên tài ba lạnh lùng. Với họ, bệnh nhân chỉ là một mớ dụng cụ kỹ thuật cần được sửa chữa.

Và rồi sau đó có Peter, Peter hài hước, cởi mở, luôn hát lạc điệu những bài hát chói tai của Elvis Presley trong phòng mổ, người tổ chức cuộc thi máy bay giấy trong văn phòng và vui vẻ bò bằng tay và đầu gối để chơi trò Lego với các bệnh nhân nhỏ tuổi. Cô đã quen nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của Peter. Vì vậy khi thấy anh cau mày bên ô cửa phòng bệnh, cô bước ra khỏi phòng bệnh ngay.

– Mọi việc đã ổn chứ? – Anh hỏi.

– Mới xong các bước đầu.

Peter nhìn ống dẫn và đống máy móc quanh giường ông Gwadowski.

– Tôi nghe nói cô đã cứu sống ông ấy một cách tuyệt vời, một ca chảy máu cần mười hai đơn vị máu liền.

– Tôi không biết có nên gọi đó là cứu sống ông ấy hay không – Cô quay lại nhìn người bệnh – Mọi bộ phận đều hoạt động, trừ não.

Họ im lặng một lúc. Cả hai đều nhìn ngực ông Gwadowski nâng lên, hạ xuống.

– Helen nói với tôi là hôm nay cảnh sát đến gặp cô, có chuyện gì vậy?

– Không có gì.

– Lại quên không trả tiền phạt đỗ xe sai quy định à?

Cô cố cười.

– Đúng vậy, và tôi chỉ còn biết trông cậy vào anh thôi.

Họ rời Bộ phận chăm sóc đặc biệt, đi dọc hành lang. Peter cao lênh khênh thong thả đi bên cạnh cô. Khi họ vào thang máy, anh hỏi.

– Cô ổn chứ, Catherine?

– Sao anh hỏi vậy? Trông tôi không ổn sao?

– Thật chứ? – Anh nhìn kỹ mặt cô. Đôi mắt màu xanh dương của anh thẳng thắn đến mức cô có cảm giác anh đang nhìn thấu tâm trạng cô – Có vẻ như cô cần một cốc rượu và một bữa ăn tối bên ngoài thật ngon. Cô muốn đi cùng tôi chứ?

– Một lời mời hấp dẫn đấy.

– Nhưng?

– Nhưng tôi nghĩ tối nay tôi sẽ ở nhà.

Peter ôm ngực như bị thương nặng.

– Lại bị bắn hạ! Hãy nói cho tôi biết, lời nào có thể thuyết phục nổi cô đây?

Cô cười.

– Anh phải tự tìm ra điều đó.

– Còn chuyện này thì sao? Một chú chim nhỏ bảo tôi rằng sinh nhật cô vào thứ bảy này. Hãy để tôi đưa cô đi bằng máy bay của tôi!

– Không được. Hôm đó tôi phải trực.

– Cô có thể đổi cho Ames. Tôi sẽ nói với anh ấy.

– Ôi, Peter. Anh biết tôi không thích bay mà.

– Đừng nói với tôi là cô có chứng bệnh sợ bay đấy nhé!

– Tôi chỉ không giỏi điều khiển khi lơ lửng thôi.

Anh buồn bã gật đầu.

– Tính cách cổ điển của một bác sỹ phẫu thuật.

– Đó là cách nói lịch sự rằng tôi là kẻ cứng nhắc.

– Vậy là sẽ không có buổi hẹn hò bay bổng nào sao? Tôi không thể khiến cô thay đổi ý kiến à?

– Tôi nghĩ vậy.

Anh thở dài.

– Ồ, đó là những lời của tôi. Tôi đã xài hết mọi tiết mục rồi.

– Tôi biết. Anh đã bắt đầu xào lại rồi đấy.

– Helen cũng nói vậy.

Cô nhìn anh ngạc nhiên.

– Helen có khuyên anh làm cách nào để mời tôi đi chơi không?

– Cô ấy nói cô ấy không thể chịu đựng được cảnh tượng đáng thương khi thấy một người đàn ông đập đầu vào bức tường rắn chắc.

Họ đều cười khi bước ra khỏi thang máy và đi về phía phòng làm việc của mình. Đó là những tiếng cười sảng khoái của những người đồng nghiệp, những người hiểu rằng trò chơi này chỉ là đùa vui. Giữ nó ở mức độ đó nghĩa là cảm giác của họ không bị tổn thương, cảm xúc của họ sẽ không quá mạo hiểm. Đó là chút phỉnh phờ giúp họ tránh những điều rối rắm. Anh mời cô đi chơi một cách tếu táo, và cô cũng tếu táo từ chối. Cả văn phòng làm việc của họ chỉ là một trò đùa vui.

Năm giờ rưỡi. Các nhân viên của họ đã về hết. Peter lui về văn phòng của mình, cô về văn phòng của cô, treo áo khoác và lấy ví. Khi cô treo áo lên móc cửa, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu.

Cô đi qua hành lang, thò đầu vào văn phòng của Peter. Anh đang xem lại các bản đồ, cặp kính lủng lẳng trên sống mũi. Khác văn phòng gọn gàng của cô, phòng làm việc của Peter trông như một trung tâm hỗn độn. Sọt rác đầy máy bay giấy. Sách báo về phẫu thuật chồng chất trên ghế. Một vách tường chằng chịt cây ráy thơm bò lổm ngổm. Vùi trong đống lá cây đó có những bằng cấp của Peter: một bằng cử nhân về kỹ thuật hàng không của Đại học MIT, một bằng tiến sỹ của Đại học Y khoa Harvard.

– Peter, câu hỏi này hơi ngớ ngẩn một chút…

Anh nhìn lên qua cặp kính.

– Vậy là cô đã tìm đúng người rồi.

– Anh đã bao giờ vào văn phòng của tôi chưa?

– Tôi có nên gọi luật sư trước khi trả lời câu hỏi đó không?

– Thôi nào, tôi nói nghiêm túc đấy.

Anh ngồi thẳng lên, ánh mắt anh nghiêm túc nhìn cô.

– Không, chưa hề. Sao thế?

– Không có gì. Việc đó chẳng có gì quan trọng – Cô quay đầu đi ra và nghe thấy tiếng ghế cót két khi anh đứng lên. Anh đi theo cô vào văn phòng của cô.

– Cái gì không quan trọng? – Anh hỏi.

– Tôi đang bị ám ảnh và ép buộc, thế thôi! Tôi thấy bực mình vì mọi thứ không ở chỗ mọi khi.

– Ví dụ như?

– Áo khoác phòng thí nghiệm của tôi. Tôi luôn treo nó trên cánh cửa. Không biết bằng cách nào mà nó lại phủ trên tủ hồ sơ hay trên chiếc ghế. Tôi biết đó không phải do Helen hay các y tá khác. Tôi đã hỏi họ rồi.

– Có thể cô nhân viên vệ sinh đã để nó ra chỗ khác.

– Vậy thì tôi càng phát điên lên vì không tìm thấy ống nghe.

– Vẫn chưa tìm thấy à?

– Tôi phải mượn ống nghe của người trông coi việc chăm sóc bệnh nhân.

Anh cau mày, nhìn khắp phòng.

– Ồ, nó đây rồi, trên giá sách – Anh đi về phía giá sách, trên đó ống nghe của cô nằm cuộn trong những cuốn sách.

Cô im lặng nhận lại nó từ tay anh và nhìn nó chằm chằm, như thể nó là một sinh vật lạ, một con trăn màu đen, cuộn quanh tay cô.

– Này, có chuyện gì vậy?

Cô hít sâu.

– Tôi nghĩ tôi mệt rồi – Cô đặt ống nghe vào túi áo khoác bên trái, chỗ cô vẫn thường để nó.

– Cô có chắc là chỉ mệt không? Có chuyện gì đang xảy ra vậy?

– Tôi phải về nhà – Cô ra khỏi văn phòng, anh theo cô đến tận hành lang.

– Có chuyện gì mà cảnh sát lại đến? Nghe này, nếu cô gặp rắc rối gì, nếu tôi có thể giúp cô…

– Tôi không cần ai giúp đỡ, cảm ơn! – Câu trả lời của cô lạnh lùng hơn cô mong muốn. Lập tức cô cảm thấy hối hận về điều đó. Peter không đáng bị đối xử như vậy.

– Tôi biết, tôi sẽ không phiền nếu cô nhờ tôi giúp đỡ thường xuyên hơn – Anh khẽ nói – Đó là một phần khi chúng ta làm việc cùng nhau và là đồng nghiệp. Cô không nghĩ vậy sao?

Cô không trả lời.

Anh trở về văn phòng của mình.

– Hẹn gặp cô sáng mai.

– Peter.

– Sao?

– Về hai nhân viên cảnh sát đó và lý do họ đến gặp tôi…

– Cô không phải nói với tôi.

– Không, tôi nên nói ra. Anh sẽ thắc mắc chuyện đó nếu tôi không nói ra. Họ đến hỏi tôi về một vụ giết người. Một cô gái bị sát hại vào đêm thứ năm. Họ nghĩ có thể tôi biết cô ấy.

– Cô biết à?

– Không. Đó là một sự nhầm lẫn, thế thôi – Cô thở dài – Chỉ là một sự nhầm lẫn.

Catherine xoay chốt cửa, cảm nhận nó đã vào đúng chỗ khi một âm thanh gọn vang lên, rồi cô luồn dây xích vào. Lại thêm một hàng rào bảo vệ khỏi nỗi sợ không tên lẩn khuất bên ngoài bức tường của cô. Sau khi đã được ngăn cách an toàn trong căn hộ của mình, cô tháo giày, đặt ví và chìa khóa ô tô lên chiếc bàn bằng gỗ anh đào. Đôi chân đeo tất dài của cô bước đi trên tấm thảm màu trắng dày trong phòng khách. Căn hộ mát mẻ và dễ chịu, nhờ hệ thống điều hòa trung tâm. Nhiệt độ ngoài trời là ba mươi độ nhưng trong này, nhiệt độ hiếm khi dao động trên mức hai mươi hai độ vào mùa hè hay hai mươi độ trong mùa đông. Rất ít việc trong cuộc sống mà ta có thể thiết lập hay quyết định trước. Và cô cố hết sức duy trì trật tự mà cô có thể làm được trong phạm vi cuộc sống đã được vạch sẵn của mình.

Cô đã chọn tòa nhà gồm mười hai bộ phận cai quản trên đại lộ Commonwelth vì nó mới được xây và có khu đỗ xe an toàn. Dù nó không đẹp nên thơ và không có những ngôi nhà xây bằng gạch đỏ như ở Back Bay nhưng nó không phiền nhiễu vì các sự cố đường ống nước hay dây điện như những tòa nhà cũ khác. Sự bất ổn là điều cô không thể chịu đựng nổi. Cô giữ cho căn hộ của mình không có một vết bẩn. Trừ vài gam màu sặc sỡ thì cô chọn các đồ đạc trong phòng hầu hết là màu trắng: ghế trắng, bàn trắng và gạch lát trắng. Đó là màu tinh khiết, không bị vấy bẩn và trinh nguyên.

Cô vào phòng ngủ, cởi hết quần áo. Cô treo váy lên, đặt áo khoác sang bên để nhân viên giặt quần áo làm sạch sẽ. Cô mặc quần thụng và một chiếc áo sát nách bằng lụa. Khi đi chân trần vào bếp, cô đã cảm thấy bình tĩnh và trở lại trạng thái kiểm soát mọi việc.

Cô không còn cảm thấy như lúc trước đây. Chuyến thăm của hai thám tử khiến cô run rẩy. Suốt buổi chiều, cô nhận thấy mình mắc những lỗi lầm ngớ ngẩn: bị trượt chân trong phòng thí nghiệm, viết những dữ liệu sai trong hồ sơ bệnh án. Đó chỉ là những lỗi nhỏ nhưng chúng như những gợn sóng lăn tăn, làm xao động mặt nước và khuấy động mặt nước đó rất nhiều. Trong hai năm qua, cô đã nén tất cả những suy nghĩ về việc đã xảy ra ở Savannah. Nhưng không hề báo trước, một hình ảnh nào đó thường bất chợt hiện về. Nó sắc như lưỡi dao. Cô đã cố nhảy nhót, trốn chạy nó, khéo léo lượn những dòng suy nghĩ của mình sang chuyện khác. Hôm nay, cô không thể trốn tránh những ký ức đó. Hôm nay, cô không thể vờ như đã không có chuyện gì ở Savannah.

Những viên gạch lát trong bếp dường như lạnh hơn dưới đôi chân trần của cô. Cô cầm cái vặn nút, bật chai vodka và nhấp một ngụm. Cô nạo pho mát Parmesan, thái cà chua, hành và rau thơm. Sau bữa sáng, cô vẫn chưa ăn gì. Chất cồn ào ào chảy thẳng vào mạch máu. Ga của vodka thật dễ chịu và đê mê. Cô thấy thoải mái khi nghe tiếng dao gõ đều đều trên mặt thớt, khi cảm thấy mùi thơm của rau húng quế và tỏi. Nấu ăn cũng là một liệu pháp.

Bên ngoài cửa sổ phòng bếp của cô, thành phố Boston là một cái vạc bị nấu chín với những chiếc xe ùn tắc, những người dễ nổi giận. Nhưng ở đây, cô được bao bọc trong lớp kính, lặng lẽ chiên áp chảo cà chua trong dầu ô-liu, đổ một cốc Chianti và đun sôi nước để chuẩn bị món mỳ sợi – tóc – thiên thần mới. Luồng khí mát mẻ kêu xè xè từ lỗ thông hơi trên máy điều hòa.

Cô ngồi xuống, cầm món mỳ Ý, rau trộn và rượu. Cô vừa ăn, vừa nghe những giai điệu nhẹ nhàng của nhóm Debussy được chơi trên máy nghe nhạc. Mặc dù rất đói và chuẩn bị công phu cho bữa ăn nhưng mọi thứ hình như đều vô vị. Cô ép mình phải ăn nhưng cô thấy cổ họng đầy ứ, như thể cô vừa nuốt thứ gì rất to và dinh dính. Ngay cả khi đã uống cốc rượu thứ hai, cô vẫn không thể nuốt trôi vật tắc nghẽn trong cổ họng. Cô bỏ dĩa xuống, nhìn bữa tối bỏ dở. Tiếng nhạc lớn dần và cuốn cô đi theo những con sóng đứt đoạn.

Cô gục đầu vào lòng bàn tay. Đầu tiên không có âm thanh gì. Dường như nỗi buồn khổ của cô đã bị nhốt quá lâu, nút chai đã bị gắn quá chặt đến mức đóng thành băng. Rồi một âm thanh thoát ra khỏi cổ họng cô, một thứ âm rất mỏng và nhẹ. Cô hớp lấy không khí, ngay lập tức tiếng khóc của nỗi đau giằng xé suốt hai năm cứ thế tuôn ra. Sự xúc động mạnh mẽ của cô khiến cô sợ hãi vì cô không thể kìm nó lại. Cô không thể thăm dò nỗi đau của mình sâu mức nào hay liệu cô có ngăn nó lại được hay không. Cô khóc cho tới khi cổ họng khô rát, hai lá phổi co thắt và tiếng thút thít của cô bị cách âm hoàn toàn trong căn phòng được đóng kín bằng các tấm kim loại.

Cuối cùng, khi nước mắt đã cạn, cô nằm xuống ghế băng và lập tức chìm vào giấc ngủ sâu và mệt mỏi.

Cô chợt tỉnh và thấy mình nằm trong bóng tối. Tim cô đập thình thịch. Áo cô đẫm mồ hôi. m thanh gì vậy? Tiếng cửa kính bị nạy, tiếng bước chân xa xăm chăng? Có phải đó chính là âm thanh khiến cô bừng tỉnh khi đang ngủ say? Cô không dám nhúc nhích vì sợ mình sẽ bỏ lỡ mất tiếng động nào đó của kẻ đột nhập.

Một luồng sáng chuyển động chiếu qua cửa sổ, đó là ánh đèn của một chiếc ô tô đi qua. Phòng khách của cô chợt sáng, rồi lại tối như trước. Cô lắng nghe tiếng không khí rì rì từ cánh quạt trong máy điều hòa, tiếng ầm ì của tủ lạnh trong bếp. Không có gì lạ. Không gì có thể gợi lên cảm giác sợ hãi như vậy.

Cô ngồi dậy, thu hết can đảm bật đèn lên. Nỗi sợ hãi tưởng tượng của cô lập tức tan biến dưới ánh đèn ấm áp. Cô đứng lên khỏi ghế băng, chủ ý đi hết phòng này sang phòng khác, bật hết điện lên, nhìn vào từng ngõ ngách. Nếu suy nghĩ lô-gic, cô biết rằng không có kẻ đột nhập, rằng căn hộ của cô được trang bị hệ thống báo động phức tạp, chốt cửa và các cửa sổ đã được chốt chặt. Nó được bảo vệ như mọi ngôi nhà khác. Nhưng cô không dừng lại cho đến khi đã làm xong việc đó và đã kiểm tra mọi ngách tối trong nhà. Khi đã hài lòng vì sự an toàn của cô không bị đe dọa, cô mới cho phép mình thở nhẹ nhàng như trước.

Mười giờ rưỡi. Hôm nay là thứ tư. Mình cần nói chuyện với ai đó. Đêm nay mình không thể chịu đựng sự cô đơn.

Cô ngồi xuống bàn, khởi động máy tính và nhìn màn hình sáng lên. Nó là nhựa sống, là chuyên gia chữa bệnh của cô. Nó chỉ là một đống thiết bị điện, dây rợ và nhựa nhưng nó là nơi an toàn duy nhất mà cô có thể thổ lộ mọi nỗi đau của mình.

Cô đánh tên của mình, CCORD, đăng nhập vào mạng. Chỉ sau vài cú nhấp chuột và đánh vài chữ trên bàn phím, cô đã tìm được phòng nói chuyện riêng của mình, tên đơn giản là phụ nữ giúp nhau.

Gần sáu cái tên đã hiện trên đó. Những phụ nữ không mặt, không tên, tất cả bọn họ đều lao vào nơi ẩn náu an toàn, ẩn danh này trên mạng. Cô ngồi một lúc, nhìn những tin nhắn chạy dọc theo màn hình. Trong tâm tưởng, cô nghe thấy giọng nói của những người phụ nữ bị tổn thương mà cô chưa từng gặp, ngoại trừ trong căn phòng ảo này.

LAURIE 45: Vậy sau đó cô làm gì?

VOTIVE: Tôi nói với anh ấy tôi chưa sẵn sàng. Tôi vẫn hồi tưởng lại chuyện cũ. Tôi nói với anh ấy rằng nếu anh ấy sợ tôi thì anh ấy nên chờ đợi.

HBREAKER: Điều đó tốt cho cô.

WINKY98: Đừng để anh ấy lấn át cô!

LAURIE 45: Anh ấy phản ứng sao?

VOTIVE: Anh ấy nói tôi chỉ cần VƯỢT QUA CHUYỆN ĐÓ. Như thể tôi là người yếu đuối, hay đại loại như vậy.

WINKY98: Đàn ông đáng bị cưỡng hiếp!!!

HBREAKER: Tôi mất hai năm mới sẵn sàng.

LAURIE 45: Còn tôi thì hơn một năm.

WINKY98: Tất cả những gì những gã đàn ông đó nghĩ đến là của quý của họ. Chỉ vì cái đó thôi. Họ chỉ muốn CÁI CỦA NỢ ĐÓ của họ được thỏa mãn.

LAURIE 45: Ôi! Hôm nay bạn nói hơi quá đấy, Wink.

WINKY98: Có lẽ vậy. Có lúc tôi nghĩ Lorena Bobbitt có suy nghĩ đúng.

HBREAKER: Wink đang thoát khỏi lưỡi dao của chính cô ấy!

VOTIVE: Tôi nghĩ anh ấy không sẵn lòng đợi. Tôi nghĩ anh ấy đã bỏ tôi.

WINKY98: Cô đáng được chờ đợi. Cô ĐÁNG ĐƯỢC NHƯ VẬY!

Vài giây trôi qua, hộp thoại trống không. Rồi sau đó…

LAURIE 45: Chào CCord, rất vui khi bạn trở lại.

Catherine gõ.

CCORD: Tôi thấy chúng ta lại nói chuyện về đàn ông.

LAURIE 45: Đúng vậy. Làm sao chúng ta có thể bỏ qua chủ đề mệt mỏi này nhỉ?

VOTIVE: Vì họ là người khiến chúng ta tổn thương.

Họ dừng lại rất lâu. Catherine hít sâu một hơi rồi gõ tiếp.

CCORD: Hôm nay tôi có một ngày tồi tệ.

LAURIE 45: Hãy nói với chúng tôi, CC. Có chuyện gì vậy?

Catherine gần như nghe thấy tiếng thì thầm của cô gái đó, nhẹ nhàng và an ủi.

CCORD: Tối nay tôi bị một trận hoảng loạn. Tôi ở đây, trong căn phòng được khóa kín, nơi không ai có thể chạm vào tôi. Vậy mà chuyện đó vẫn xảy ra.

WINKY98: Đừng để hắn chiến thắng. Đừng để hắn biến bạn thành tù nhân.

CCORD: Muộn rồi. Tôi đã là một tù nhân rồi. Vì đêm nay tôi nhận thấy một chuyện gì đó rất khủng khiếp.

WINKY98: Cái gì vậy?

CCORD: Cái ác không chết! Cái ác không bao giờ chết! Nó chỉ biến tướng thành một gương mặt hay một cái tên khác. Chỉ vì chúng ta bị nó sờ đến một lần thì điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể được miễn dịch khỏi nó và không bị đau đớn nữa. Sét có thể đánh trúng hai lần mà.

Không ai đánh thêm dòng chữ nào nữa. Không ai trả lời.

Dù chúng ta cẩn thận mức nào thì cái ác vẫn biết chúng ta sống ở đâu, cô nghĩ. Nó biết cách tìm ra chúng ta.

Một giọt mồ hôi chạy dọc sống lưng cô.

Giờ tôi đang cảm thấy nó. Ở rất gần.

Nina Peyton sẽ không đi đâu, không gặp ai nữa. Cô ta đã không đi làm mấy tuần liền. Hôm nay ta đã gọi đến văn phòng của cô ta tại Brookline, cô ta làm đại diện bán hàng ở đó và đồng nghiệp của cô ta nói rằng hắn không biết cô ta có trở về với họ không. Cô ta như một con thú cái bị thương, bị nhốt trong hang và sợ hãi chỉ vì tiếng bước chân trong đêm. Cô ta biết điều gì đang chờ cô ta trong đêm đó, vì cô ta đã bị cái ác của bóng đêm sờ đến. Và ngay cả lúc này, cô ta đang cảm thấy nó rỉ ra như hơi nước và ngấm vào những bức tường trong ngôi nhà của cô ta. Rèm cửa đóng kín, những tấm vải đó rất mỏng, và ta nhìn thấy cô ta đi lại bên trong. Dáng người nhỏ bé của cô ta có vẻ bối rối, tay đặt lên ngực như thể cơ thể cô ta đang cuộn vào trong. Những cử động của cô ta giật cục và máy móc khi cô ta đi đi lại lại.

Cô ta kiểm tra khóa cửa, chốt cửa sổ, cố ngăn cách với bóng tối bên ngoài.

Chắc chắn bên trong ngôi nhà đó rất oi bức. Đêm nay như một cái lò hơi, và trên cửa sổ của cô ta không có máy điều hòa. Cô ta ở trong nhà suốt buổi tối và cánh cửa đóng chặt, dù nóng bức. Ta có thể tưởng tượng ra cô ta vã mồ hôi. Cô ta đã chịu đựng cả ngày nóng bức, và giờ lại đến đêm. Cô ta rất muốn cho chút không khí trong lành vào nhưng lại sợ ai đó có thể đột nhập.

Cô ta lại đi qua cửa sổ, dừng lại, nán lại ở đó. Dáng cô ta in rõ dưới bóng đèn hình chữ nhật. Đột nhiên, cửa sổ mở ra. Cô ta thò tay mở chốt cửa. Cô ta cuộn cửa lên, đứng trước nó và vội vàng hớp lấy chút khí trong lành. Cuối cùng, cô ta lui về trong cái căn phòng nóng bức.

Không gì thú vị hơn với một tên đi săn khi thấy con mồi bị thương. Ta có thể ngửi thấy nó đang lan tỏa trong không khí, mùi của con quái vật đẫm máu, mùi của đống thịt ô uế. Chỉ cần cô ta hít thở không khí ban đêm thì ta cũng ngửi thấy mùi của cô ta và nỗi sợ của cô ta.

Tim ta đập nhanh hơn. Ta cho tay vào cặp, mơn trớn những công cụ của ta. Ngay cả thép cũng ấm lại dưới sự đụng chạm của ta.

Cô ta đóng sầm cửa lại. Cô ta chỉ dám cho mình hớp vội chút khí lành. Và giờ cô ta khổ sở rụt đầu vào trong ngôi nhà ngột ngạt.

Ta chấp nhận thất vọng một lúc, ta bỏ đi, để lại cô ta toát mồ hôi suốt đêm trên chiếc giường nóng như lò thiêu.

Người ta nói là ngày mai, trời còn nóng hơn.

Bình luận
2880
× sticky