Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nạn Nhân Thứ Tư

Chương 18

Tác giả: Tess Gerritsen

Máu dính đến khuỷu tay Peter Falco. Anh ngước lên nhìn sang bên kia bàn khi Catherine vào phòng chấn thương. Những căng thẳng trong mối quan hệ của họ, sự khó chịu của cô khi Peter xuất hiện đều lập tức bị gạt sang bên. Họ đã đóng vai hai bác sỹ chuyên nghiệp, làm việc cùng nhau trong trận chiến ác liệt.

– Một người nữa đang được chuyển đến! – Peter nói – Tổng cộng đã có bốn người. Họ vẫn đang cố cưa ô tô để đưa anh ta ra.

Máu ộc ra từ vết mổ. Anh cầm kẹp máu trên khay, kẹp vào chỗ bụng bị mổ phanh.

– Tôi sẽ giúp – Catherine nói và xé băng dính trên áo tiệt trùng.

– Không, tôi có thể lo vụ này. Kimball cần cô ở phòng chấn thương số hai.

Như để nhấn mạnh thêm lời nói của anh, một chiếc xe cứu thương rú còi, át hết sự ồn ào trong phòng.

– Của cô đấy – Falco nói – Vui vẻ nhé!

Catherine chạy ra khu đỗ của xe cứu thương. Bác sỹ Kimball và hai y tá khác đang chờ ở bên ngoài khi chiếc xe rú còi lùi lại. Thậm chí trước khi Kimball giật mạnh cửa xe phía sau, họ đã nghe thấy tiếng la hét của bệnh nhân.

Đó là một thanh niên trẻ. Cánh tay và vai anh ta chi chít hình xăm. Anh ta giãy giụa và chửi thề khi nhóm y bác sỹ đưa anh ta vào cáng. Catherine thoáng thấy tấm khăn phủ đầy máu bọc lấy tứ chi của anh ta và hiểu tại sao anh ta lại la hét quá mức như vậy.

– Chúng tôi đã tiêm cho anh ta một tấn morphine ở nơi xảy ra vụ việc – một bác sỹ nói khi họ đưa anh ta vào Phòng Chấn thương số hai – Dường như morphine không có tác dụng!

– Bao nhiêu?

– Bốn mươi, bốn mươi lăm miligam nước truyền. Chúng tôi dừng lại khi huyết áp ngừng giảm xuống.

– Hãy chuyển sang đây! – Một y tá nói – Một, hai, ba!

– Chúa ơi! Mẹ kiếp! CHÚA ƠI! ĐAU QUÁ!

– Tôi biết, anh bạn. Tôi biết mà.

– Cô không biết CÁI THỨ CHẾT TIỆT này đâu.

– Một phút nữa anh sẽ thấy ổn thôi. Anh tên gì, anh hạn?

– Rick… Ôi, Chúa ơi! Chân tôi.

– Rick, sao thế?

– Thuốc Roland!

– Anh có bị dị ứng không, Rick?

– Có chuyện gì với BỌN KHỐN CÁC NGƯỜI thế?

– Chúng tôi có những thuốc nguy hiểm đến tính mạng – Catherine xen vào và đeo găng tay.

– Huyết áp một trăm linh hai trên sáu mươi. Mạch một trăm ba mươi.

– Mười miligam morphine, truyền nước – Kimball nói.

– KHỐN NẠN! CHO TÔI MỘT TRĂM ĐI!

Trong khi các y bác sỹ còn lại cuống cuồng lấy máu và treo các túi truyền nước, Catherine lật tấm vải đầy máu lên. Cô há hốc miệng khi thấy ga-rô y tế buộc vội quanh bộ phận mà hầu như trông không còn giống chân nữa.

– Cho anh ấy ba mươi miligam – cô nói. Phần dưới chân phải chỉ còn lủng lẳng nhờ một mảng da. Phần chân bị thương nặng chỉ còn là một đống thịt nhão màu đỏ. Chân anh ta gần như xoắn ngược về sau.

Cô chạm ngón chân. Chúng lạnh như đá, tất nhiên không còn mạch nữa.

– Họ nói động mạch đã chảy hết máu – nhân viên cấp cứu nói – Cảnh sát đầu tiên đến hiện trường đã quấn băng ga-rô đó.

– Cảnh sát đó đã cứu sống anh ta.

– Morphine đã vào!

Catherine chiếu đèn vào vết thương.

– Trông có vẻ như dây thần kinh và động mạch vùng kheo đã bị hỏng hết. Chân bên này đã không được truyền máu – Cô nhìn Kimball. Họ đều hiểu sẽ phải làm gì.

– Hãy đưa anh ta vào phòng mổ – Catherine nói – Anh ta vẫn ổn định để có thể di chuyển đến đó. Như vậy phòng chấn thương này sẽ được giải tỏa.

– Vừa kịp lúc – Kimball nói khi họ nghe thấy tiếng còi xe cứu thương khác đang lại gần. Anh quay đầu bỏ đi.

– Này, này! – Bệnh nhân túm tay Kimball – Anh không phải là bác sỹ sao? Nó đau chết đấy! Hãy bảo những con chó cái khác làm việc gì đó đi chứ!

Kimball nhăn nhở nhìn Catherine. Rồi anh nói.

– Hãy cư xử tốt với họ, anh bạn! Những con chó cái đó sẽ thực hiện công việc ở đây!

Cắt bỏ chân tay là việc không dễ dàng với Catherine. Nếu có thể cứu một cánh tay hay một đôi chân, cô có thể làm bất cứ điều gì trong quyền hạn của mình để nối lại. Nhưng nửa tiếng sau, khi cô đứng trong phòng mổ, cầm dao mổ trong tay và nhìn những gì còn lại ở cẳng chân bên phải của bệnh nhân thì lựa chọn của cô đã rõ. Bắp đùi đã bị nát, xương ống chân và xương mác bị vỡ thành nhiều mảnh vụn. Căn cứ vào chân trái còn nguyên vẹn thì chân phải của anh ta đã từng khá to và cơ bắp, cẳng chân nhuốm màu đồng vì dãi nắng. Bàn chân trần vẫn còn nguyên vẹn đáng ngạc nhiên mặc dù nó đã bị xoay lệch hẳn một góc lớn. Trên đó còn in lại vệt dép quai hậu và có cát dưới ngón chân. Cô không thích bệnh nhân này, không thích cách anh ta chửi thề hay lăng mạ cô và những người phụ nữ khác trong đội ngũ nhân viên bệnh viện khi anh ta bị đau.

Nhưng khi dao mổ của cô cắt vào thịt của anh ta, lật ngược mặt da bên trong lên, khi cô cưa góc nham nhở trên xương ống và xương mác thì cô cảm thấy rất buồn.

Ý tá phòng mổ bỏ phần chân đã bị hỏng khỏi bàn mổ, quấn băng gạc quanh nó. Bàn chân đã từng tận hưởng sự ấm áp của cát biển sẽ sớm bị đốt thành tro. Nó sẽ bị thiêu hủy cùng các nội tạng và chân tay khác được hiến tặng cho Bộ phận nghiên cứu bệnh học của bệnh viện.

Ca mổ khiến Catherine buồn chán và kiệt sức. Cuối cùng, khi tháo găng tay, áo choàng, rồi ra khỏi phòng mổ, cô không có tâm trí nào để nói chuyện với thám tử Rizzoli đã đợi cô ở bên ngoài.

Cô đến bồn rửa mùi thuốc sát trùng và mùi nhựa cao su dính trên tay.

– Đã nửa đêm rồi, thưa cô thám tử. Cô không bao giờ đi ngủ vào ban đêm sao?

– Có lẽ tôi cũng ngủ đủ như cô thôi. Tôi muốn hỏi cô vài câu.

– Tôi nghĩ cô không còn được tham gia vào việc điều tra.

– Tôi sẽ không bao giờ bỏ vụ này, cho dù người khác nói gì.

Catherine lau tay, quay lại nhìn Rizzoli.

– Cô chẳng ưa gì tôi, đúng không?

– Dù tôi có ưa cô hay không thì cũng chẳng có nghĩa gì.

– Có phải vì tôi đã nói với cô điều gì, hay làm gì không phải với cô?

– Nghe này, việc của cô ở đây đêm nay xong rồi chứ?

– Đó là vì Moore phải không? Đó là lý do cô ghét tôi.

Hàm Rizzoli bạnh lên.

– Vấn đề đời tư của thám tử Moore là việc của anh ta.

– Nhưng cô không đồng ý.

– Anh ta không bao giờ hỏi ý kiến tôi.

– Ý cô đã rõ quá rồi.

Rizzoli nhìn cô, lộ rõ vẻ khinh bỉ.

– Tôi đã từng ngưỡng mộ Moore. Tôi nghĩ anh ấy là người tốt, một cảnh sát không bao giờ vượt qua giới hạn. Nhưng hóa ra anh ấy cũng chẳng hơn những kẻ khác. Điều tôi không thể tin nổi là anh ấy lại gặp rắc rối vì một phụ nữ.

Catherine cởi áo khoác phòng mổ, cho vào sọt rác.

– Anh ấy biết đó là một sai lầm – cô nói, rồi ra khỏi phòng mổ, đi về phía hành lang.

Rizzoli đi theo cô.

– Từ khi nào?

– Từ khi anh ấy bỏ thành phố này mà không nói một lời. Tôi nghĩ tôi là một quyết định sai lầm nhất thời của anh ấy.

– Có phải với cô anh ấy cũng vậy không? Một quyết định sai lầm?

Catherine đứng ở hành lang, chớp cho hết nước mắt. Tôi không biết. Tôi không biết phải nghĩ gì đây.

– Dường như cô là trung tâm của mọi việc, Catherine. Cô đã lên sân khấu, được tất cả mọi người chú ý, sự chú ý của Moore và cả tên Bác sỹ phẫu thuật.

Catherine giận dữ quay lại nhìn Rizzoli.

– Cô nghĩ tôi muốn như vậy sao? Tôi không bao giờ muốn là nạn nhân.

– Nhưng chuyện đó cứ xảy ra với cô đúng không? Có một sợi dây liên lạc kỳ lạ giữa cô và tên Bác sỹ phẫu thuật. Đầu tiên tôi không nhận thấy điều đó. Tối nghĩ hắn giết những nạn nhân khác để thỏa mãn thú tính và những ảo giác bệnh hoạn của hắn. Giờ tôi nghĩ tất cả là do cô. Hắn như một con mèo, giết những con chim để mang về cho bà chúa của hắn, để chứng minh hắn là một tay săn mồi cừ khôi. Các nạn nhân khác bị giết để gây ấn tượng với cô. Cô càng sợ thì hắn càng thấy thành công. Đó là lý do tại sao hắn không giết Nina Peyton cho đến khi cô ấy vào bệnh viện này, được cô chăm sóc. Cô là nỗi ám ảnh của hắn. Tôi muốn biết tại sao.

– Hắn là người duy nhất có thể trả lời câu hỏi đó.

– Cô không biết sao?

– Sao tôi biết được? Tôi còn không biết hắn là ai.

– Hắn đã ở trong nhà cô với Andrew Capra. Nếu những gì cô nói khi bị thôi miên là đúng.

– Andrew là người duy nhất tôi thấy đêm đó. Andrew là người duy nhất… – Cô dừng lại – Có thể tôi không phải là nỗi ám ảnh thực sự của hắn, nữ thám tử – Cô đã bao giờ nghĩ đến điều đó chưa? Có thể đó chính là Andrew.

Rizzoli cau mày và ngạc nhiên vì câu nói đó. Catherine bỗng nhận ra là cô đã nói đúng sự thật. Trung tâm vũ trụ của Bác sỹ phẫu thuật không phải là cô, mà là Andrew Capra. Đó là người hắn ganh đua, thậm chí tôn sùng. Đó là tên đồng bọn mà Catherine đã cướp của hắn.

Cô ngước lên và thấy người ta gọi tên mình trên hệ thống liên lạc qua màn hình.

– Bác sỹ Cordell. Phòng xét nghiệm, phòng cấp cứu. Bác sỹ Cordell. Phòng xét nghiệm, phòng cấp cứu.

Lạy Chúa! Bao giờ họ mới để mình yên?

– Bác sỹ Cordell?

– Tôi không có thời gian trả lời những câu hỏi của cô. Tôi còn phải chăm sóc những bệnh nhân.

– Khi nào cô rảnh?

Cánh cửa mở ra, Catherine bước vào và nói.

– Đêm của tôi vừa mới bắt đầu.

Ta biết rõ về họ nhờ những mẫu máu của họ.

Ta xem qua những ống nghiệm như thể người ta thèm một miếng sô-cô-la đựng trong hộp và tự hỏi không biết đó có phải là mẩu ngon nhất không. Máu của chúng ta cũng độc nhất như chính chúng ta. Bằng mắt thường, ta có thể phân biệt những sắc đỏ khác nhau, từ màu đỏ thẫm đến màu đỏ đậm như những trái dâu đen. Ta đã quá quen với những vật chất mang lại cho chúng ta một bảng màu đa dạng như vậy. Ta biết màu đỏ là do hồng cầu hê-mô-glô-bin kết hợp với khí ô-xi trong nhiều trường hợp khác nhau. Đó chỉ là một chất hóa học, không hơn không kém. Nhưng, đúng rồi, chất hóa học đó có một sức mạnh khiến người ta sửng sốt và kinh hãi. Tất cả chúng ta đều xúc động khi nhìn thấy máu.

Mặc dù ta nhìn thấy nó hàng ngày nhưng nó chưa bao giờ thôi khiến ta hồi hộp.

Ta háo hức nhìn các khay ống nghiệm. Các ống nghiệm đó được đưa về từ khắp nơi quanh Boston. Chúng được đưa đến từ các phòng khám tư, các bệnh viện nhỏ và những bệnh viện lân cận. Ta làm việc trong phòng thí nghiệm chẩn đoán lớn nhất thành phố. Ở bất cứ nơi nào trong thành phố Boston, người ta sẽ giơ tay cho nhân viên lấy máu và máu của họ sẽ đến đây, đến tay ta.

Ta chú ý dãy ống nghiệm đầu tiên. Trên mỗi ống nghiệm đều ghi tên nạn nhân, tên bác sỹ và ngày tháng. Cạnh dãy ống nghiệm đó có một tờ giấy yêu cầu kèm theo. Ta lấy tờ giấy, lật nhanh và xem những cái tên trên đó.

Khi đọc được một nửa, ta dừng lại. Ta nhìn yêu cầu xét nghiệm máu cho Karen Sobel, hai mươi lăm tuổi, sống tại số 7536, phố Cloak ở Brooklin. Cô ta là người Cap-ca, chưa lập gia đình. Ta biết tất cả những thông tin đó vì chúng được ghi trên tờ giấy. Có cả số thẻ bảo hiểm xã hội, tên giám đốc và công ty bảo hiểm.

Bác sỹ của cô ta yêu cầu thực hiện hai bài xét nghiệm: HIV, giang mai và bệnh lậu.

Ở mục “Chẩn đoán”, bác sỹ của cô ta ghi: “Bị cưỡng bức tình dục”.

Trong khay, ta tìm thấy ống nghiệm có máu của Karen Sobel. Nó có màu đỏ đậm, rất đặc. Đây là máu của con thú bị thương. Ta cầm nó trong tay, nó rất ấm. Ta nhìn thấy, cảm thấy cô ta, cảm thấy cô gái tên là Karen Sobel này. Cô ta suy sụp, run rẩy, chờ bị xử tử.

Rồi có giọng ai đó làm ta giật mình. Ta ngẩng lên.

Catherine Cordell vừa bước vào phòng thí nghiệm của ta.

Cô ta đứng rất gần đến nỗi ta gần như có thể đưa tay ra là chạm vào cô ta. Ta ngạc nhiên khi thấy cô ta ở đây, nhất là vào lúc giao thời giữa bóng tối và buổi rạng đông. Rất hiếm khi các bác sỹ chuyên khoa lại bén mảng đến thế giới của ta. Giờ khi nhìn cô ta, ta thấy háo hức kỳ lạ. Nó choán lấy ra như hình ảnh nàng Persephone đi xuống xứ sở địa ngục Hades.

Ta tự hỏi điều gì đã khiến cô ta đến đây. Rồi ta nhìn thấy cô ta đưa mấy ống nghiệm cho nhân viên kỹ thuật ở dãy kế bên. Ta nghe thấy cô ta nói “máu chảy rất nhiều”, và ta hiểu tại sao cô ta lại đến đây. Giống như nhiều bác sỹ chuyên khoa khác, cô ta không tin tưởng những chiếc xe đẩy đưa các mẫu chất lỏng quý giá đi. Đích thân cô ta đã đem những ống đựng chất lỏng đó xuống đường hầm nối Bệnh viện Hành Hương và Phòng thí nghiệm liên thông này.

Ta nhìn cô ta bỏ đi. Cô ta đi ngang qua khu làm việc cửa ta. Vai cô ta trũng xuống. Cô ta lắc lư, chân loạng choạng như thể cô ta đang cố đi trong vũng bùn. Sự mệt mỏi và ánh đèn huỳnh quang màu xanh khiến da cô ta trong như sữa, phủ lên khuôn mặt đầy xương. Cô ta biến mất sau cánh cửa, không bao giờ biết là ta đã nhìn cô ta.

Ta lại nhìn ống nghiệm của Karen Sobel trên tay. Đột nhiên máu của cô ta xám ngoét, lạnh tanh. Con mồi này chẳng đáng cho ta đi săn khi so sánh với con mồi vừa đi ngang qua ta.

Ta vẫn ngửi thấy mùi của Catherine Cordell.

Ta bật máy tính, dưới mục “Tên bác sỹ”, ta đánh chữ “Catherine Cordell”. Màn hình hiện ra các bài xét nghiệm máu mà cô ta đã yêu cầu trong vòng hai mươi tư giờ qua. Ta thấy cô ta đã ở bệnh viện từ lúc mười giờ tối. Giờ đã năm rưỡi, và hôm nay là thứ sáu. Cả một ngày dài làm việc tại phòng khám đang chờ cô ta.

Giờ ngày làm việc của ta đã hết.

Khi ta ra khỏi tòa nhà thì đã là bảy giờ sáng, Ánh sáng một ngày mới rọi thẳng vào mắt ta. Lúc này ta đã cảm thấy nóng bức. Ta đi về phía khu đỗ xe, đi thang máy lên tầng năm và đi về phía khu đỗ xe số 541. Ô tô của cô ta đậu ở đó. Đó là một chiếc Mercedes màu vàng, mốt của năm nay. Cô ta giữ nó sạch bóng.

Ta lấy chùm chìa khóa trong túi. Ta đã cất kỹ chúng trong vòng hai tuần. Ta lấy ra một chiếc, tra vào ổ khóa xe.

Khóa mở tách một cái.

Ta nhìn vào bên trong và thấy thanh gạt nâng thùng để hành lý sau xe hơi. Đây là dụng cụ an toàn tuyệt vời để phòng trường hợp trẻ con khóa ở bên trong xe.

Một chiếc ô tô đang gầm gừ tiến vào khu để xe. Ta nhanh chóng đóng thùng sau xe lại và bỏ đi.

Cuộc chiến thành Troy đã diễn ra đẫm máu trong suốt mười năm. Những giọt máu của cô gái trinh tiết Iphigenia đã nhỏ trên khu tế thần Aulis và nó đã khiến những con tàu Hy Lạp tăng tốc trong cơn gió nhẹ để tiến về phía thành Troy.

Nhưng người Hy Lạp sẽ không chiến thắng nhanh chóng vì các vị thần trên ngọn núi thiêng Olympus đã chia thành hai phe. Ủng hộ thành Troy có thần Aphrodite, thần Ares, thần Apollo và thần Artemis. Đứng về phía quân Hy Lạp có thần Hera, Athena và thần Poseidon. Chiến thắng cứ nghiêng về bên này, rồi lại sang bên kia, bất định như những cơn gió. Những vị anh hùng đã bị đâm, bị giết và nhà thơ Vigil viết “máu chảy thành sông.”

Cuối cùng, thành Troy đã bị thất thủ, không phải vì sức mạnh mà nhờ mưu trí của quân Hy Lạp. Vào buổi bình minh cuối cùng của thành Troy, binh lính thức dậy và thấy một con ngựa gỗ khổng lồ, chặn hết toàn bộ cổng chính.

Khi ta nghĩ về Con ngựa gỗ thành Troy, ta rất thắc mắc về sự ngu dốt của binh lính thành Troy. Khi họ lăn con vật khổng lồ đó vào trong thành, họ không nhận ra trong đó có kẻ thù đang ẩn nấp sao? Tại sao suốt đêm đó họ say sưa chè chén và tâm trí họ bị lú lẫn hết vì bữa tiệc say khướt để ẩn mừng chiến thắng? Ta ước ta hiểu được điều đó.

Có lẽ chính những bức tường không thể xâm phạm của họ đã khiến họ tự cao tự mãn. Một khi những cánh cổng được đóng lại, những hàng rào bảo vệ sẽ kiên cố và làm sao kẻ thù có thể tấn công họ? Kẻ thù của họ đã bị ngăn cách bên ngoài những bức tường đó.

Không ai thèm dừng lại để nghĩ đến khả năng kẻ thù của họ đã ở bên trong những cánh cổng. Không ai nghĩ kẻ thù của họ ở đó, ngay bên cạnh họ.

Ta nghĩ về con ngựa gỗ thành Troy khi khuấy tan sữa và đường vào cốc cà phê.

Ta nhấc điện thoại.

– Văn phòng phẫu thuật, tôi là Helen – cô nhân viên tiếp khách trả lời.

– Tôi có thể gặp bác sỹ Catherine Cordell chiều nay không? – Ta hỏi.

– Ông có việc gì khẩn cấp không?

– Không hẳn. Tôi bị một khối u nhỏ trên lưng. Nó không đau lắm nhưng tôi muốn cô ấy kiểm tra cho tôi.

– Tôi có thể sắp xếp lịch hẹn cho ông trong vòng hai tuần nữa.

– Tôi không thể gặp cô ấy chiều nay sau cuộc hẹn cuối cùng của cô ấy với bệnh nhân sao?

– Tôi xin lỗi, ông… À xin hỏi ông tên gì ạ?

– Ông Troy.

– Thưa ông Troy, bác sỹ Cordell đã kín lịch đến tận năm giờ chiều và cô ấy sẽ về nhà ngay sau đó. Hai tuần là điều tốt nhất tôi có thể làm cho ông.

– Vậy thì thôi! Tôi sẽ nhờ bác sỹ khác.

Ta gác máy. Vậy là ta đã biết vào lúc khoảng năm giờ chiều, cô ta sẽ ra khỏi văn phòng. Cô ta mệt mỏi nên chắc chắn sẽ lái xe thẳng về nhà.

Giờ là chín giờ sáng. Hôm nay sẽ là một ngày chờ đợi và hy vọng.

Trong suốt mười năm đổ máu, người Hy Lạp đã vây hãm thành Troy. Trong suốt mười năm, họ kiên trì, chiến đấu với bức tường thành của quân thù. Cuối cùng, vận may của họ đã đến và được những vị thần trên núi Olympus ủng hộ.

Ta đã chờ hai năm để có được phần thưởng này.

Như thế là quá đủ.

Bình luận