Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Thông Minh Học Tập Như Thế Nào ?

Chương 6. Cải Thiện Kỹ Năng Học, Đọc Và Nhớ

Tác giả: Ronald Gross

Làm thế nào bạn có thể nâng cao khả năng học tập trong quá trình học từng ngày, từng giờ của mình? Bạn làm gì trước, trong và sau khi học để tăng cảm hứng trong lúc học, bảo đảm thu được hiệu quả tối đa từ thời gian mà mình bỏ ra để học?

Kỹ năng mà bạn sẽ được biết đến dưới đây mang tính cụ thể hơn những chiến lược chung chung bạn đã biết ở chương trước, ví dụ như cách bạn làm bài tập hay nhiệm vụ phù hợp với cách học của cá nhân bạn cũng như nguồn tài liệu bạn lựa chọn. Những chiến lược ở chương trước xác định phương hướng chính, quyết định đích mà bạn muốn hướng tới và cách thức chung để bạn có thể đến được đích đó. Mặt khác, những kỹ năng mới này là công cụ cụ thể của bạn – compa, thước đo chiều sâu – với những công cụ này bạn có thể dẫn dắt bài học của mình, điều chỉnh hướng đi giống như một người lái tàu biển lão luyện.

CÁC KỸ NĂNG HỌC

Trước khi học

Kỹ năng đọc lấy thông tin, kỹ năng để thu được chính xác điều bạn cần từ sách, báo.

Kỹ năng khám phá theo mô hình chữ V, để duyệt trước trong đầu những câu hỏi quan trọng bạn muốn trả lời trong mọi bài học.

Trong quá trình học

Lập bản đồ tư duy, kỹ năng dùng để hỗ trợ việc sử dụng mối liên tưởng tự nhiên của trí óc nhằm tổ chức, sắp xếp những thông tin bạn tiếp nhận.

Câu hỏi khám phá, loại câu hỏi mà bạn thường chủ động đặt ra để xoáy vào những thông tin bạn có bằng cách dự đoán một cách sáng tạo xem những thông tin đó sẽ dẫn tới đâu.

Sau khi học

Cải thiện trí nhớ, kỹ năng này giúp lưu giữ những dữ liệu thực tế dễ dàng hơn.

Quay chậm, kỹ năng gợi nhớ và xem lại bất kỳ điều gì bạn đã biết về bài học để bổ sung kiến thức về bài học đó.

TRƯỚC KHI HỌC

Một nguyên tắc được nhấn mạnh xuyên suốt cuốn sách này là bất kỳ quyết định nào bạn đưa ra trước khi học cũng quan trọng đối với thành công của bạn. Lựa chọn của bạn về đối tượng nghiên cứu, nguồn tài liệu sử dụng, thời gian và địa điểm bạn học có hiệu quả nhất đều mang tính quyết định mức độ hiệu quả và hứng thú của bạn.

Còn một số kỹ năng cụ thể khác mà bạn cần sử dụng khi chuẩn bị bắt đầu học một cái mới. Hai kỹ năng mà tôi thấy hiệu quả nhất là đọc lấy thông tin, trong trường hợp bạn có ý định học từ sách, và khám phá theo mô hình chữ V hay khi bạn muốn làm giàu kiến thức từ một số hình thức khác.

Đọc lấy thông tin

Khoảng thời gian học ở trường, phần lớn chúng ta đều đọc sách một cách thụ động. Chúng ta thường cảm thấy hơi có lỗi nếu không bắt đầu đọc từ trang đầu tới trang cuối. Nếu chúng ta quyết định bỏ dở trước khi đọc đến trang cuối, ta sẽ cảm thấy rằng mình chưa thực sự đọc cuốn sách đó. Quan trọng hơn cả là chúng ta đã để những điều tác giả chọn và ưu tiên nhấn mạnh chi phối mối quan tâm của mình. Chúng ta đã trao quyền quyết định học cái gì cho tác giả. Máy tính đang dạy chúng ta cách đọc một cuốn sách có hiệu quả hơn, khá khác biệt với cách mà hầu hết chúng ta được dạy ở trường. Đó là chủ động, tự định hướng, và sáng tạo. Khi ta ngồi trước máy tính là ta đang tự chịu trách nhiệm. Khi truy cập các thông tin và thủ tục ta cần, lựa chọn từ rất nhiều các trình đơn hay các lệnh khác nhau để hoàn thành công việc. Ta tiến thẳng tới cái ta muốn. Ta có thể xem qua toàn bộ chương trình hay cơ sở dữ liệu trước khi đi sâu thêm để có cảm nhận chung về nội dung và quy trình. Chúng ta nhảy cóc từ phần này sang phần khác, khơi dậy các lĩnh vực quan tâm khác nhau để tìm hiểu về chúng.

Khi đã quen với cách đọc này, ta sẽ thấy mỗi cuốn sách mang một đặc điểm. Thay vì là nguồn thông tin một chiều – từ tác giả tới độc giả – sách đã trở thành nguồn tài liệu mang tính tương tác nhờ có phương pháp học tự định hướng.

Nhưng đối với phần lớn các sách mà nhiều người trong chúng ta đọc để lấy thông tin và tri thức thì phương pháp đọc lấy thông tin này thích hợp hơn là đọc từ đầu đến cuối cuốn sách. Thay vì sự tẻ ngắt đi theo sở thích của các tác giả thể hiện trong những thông tin mà họ đưa ra, chúng ta có thể tìm kiếm những mẩu thông tin nhỏ lý thú mà chúng ta cần để đạt được mục tiêu.

Bài tập dưới đây, do Giáo sư Robert Smith ở Đại học Bắc Illinois phát triển cho khóa học đầu tiên về phương pháp học, sẽ giúp bạn thực hiện điều này.

♦ ♦ ♦ ♦

Đọc lấy thông tin

Bạn cần thông tin từ một cuốn sách mà bạn chưa đọc, hãy đọc bìa, mục lục, một số thông tin mở đầu (lời tựa, lời nói đầu, giới thiệu), phụ lục:

1. Mở trang đầu và đọc xem nhà xuất bản viết gì về cuốn sách.

2. Giở ngược lại và đọc xem nhà xuất bản nói gì về tác giả và trình độ chuyên môn của họ để viết một cuốn sách như vậy.

3. Chuyển qua phần mở đầu (lời tựa, lời nói đầu, phần giới thiệu) và đọc xem tác giả hay người biên tập muốn hướng tới điều gì trong cuốn sách.

4. Mở phần mục lục xem tác giả đã tổ chức thông tin thành từng phần, từng chương, hay các phần nhỏ hơn như thế nào.

5. Giở qua cuốn sách, lướt nhanh hay đọc nhanh một đoạn, một tiêu đề thu hút sự chú ý của bạn. Cố gắng nắm được tinh thần chung của cuốn sách.

6. Đặt cuốn sách xuống và viết ba câu hỏi liên quan đến vấn đề bạn thấy tò mò sau lần xem qua đầu tiên này.

7. Tiếp theo, xem xét câu hỏi đầu tiên và tìm trong đó một từ hoặc một cụm từ khóa mà bạn nghĩ có thể có trong phần phụ lục. Mở phần phụ lục và tìm kiếm từ khóa; nếu bạn không tìm thấy, thử tìm một từ đồng nghĩa. Nếu cũng không có từ đồng nghĩa, hãy xem phần mục lục có thể dẫn bạn đến phần có câu trả lời cho câu hỏi của mình.

8. Bây giờ lật sách đến phần liên quan đến câu hỏi của bạn và tìm câu trả lời. Nếu tác giả chỉ dẫn đến một phần khác trong cuốn sách, theo chỉ dẫn này cho đến khi có được đầy đủ thông tin liên quan đến câu hỏi.

9. Áp dụng quá trình tương tự đối với câu hỏi thứ hai và thứ ba.

Câu hỏi

1. Bạn cảm thấy khác biệt gì khi coi sách như một nguồn tài nguyên để học với cách bạn vẫn thường cảm nhận về sách?

2. Có khác biệt gì về chất lượng thông tin mà bạn thu được?

♦ ♦ ♦ ♦

Điểm cơ bản của bài tập này là phát hiện khi bạn đặt ba câu hỏi. Đó không phải là sau khi bạn đã đọc toàn bộ cuốn sách từ trang này sang trang khác. Thay vào đó, bạn mới chỉ lướt qua nội dung cuốn sách lần đầu tiên. Khi đó bạn đã có thể dễ dàng xác định cuốn sách này có hữu ích cho bạn hay không – có nghĩa là tác giả có nói về điều gì quan trọng liên quan tới điều mà bạn muốn tìm hiểu hay không. Nếu không, bạn không cần thiết phải đọc thêm nữa.

Tuy nhiên, có điều thú vị là nếu bạn đã có một cái nhìn tổng quan về vấn đề mà bạn muốn tìm hiểu thì chỉ một lần đọc lướt qua như vậy cũng có thể gợi cho bạn những câu hỏi cụ thể hơn mà có thể tìm được câu trả lời trong cuốn sách. Tất nhiên, cũng có nhiều thông tin khác trong cuốn sách đó ngoài những câu trả lời bạn cần, nhưng bạn sẽ quyết định mức độ phù hợp của những thông tin đó đối với nhu cầu của bạn. Có thể việc tìm kiếm phần trả lời cho ba câu hỏi đó sẽ dẫn bạn đến quyết định đọc toàn bộ cuốn sách. Mặt khác, có thể chỉ ba câu trả lời là toàn bộ những gì bạn cần ở cuốn sách đó, và bạn có thể chuyển sang đọc cuốn sách tiếp theo.

Bạn chọn cách sử dụng sách như thế nào là phụ thuộc vào bạn. Như bạn đã biết, điểm khác biệt cơ bản giữa phương pháp học tập đỉnh cao và cách học bạn từng được dạy trong nhà trường là với phương pháp học tập đỉnh cao: bạn có thể chọn bất cứ điều gì bạn muốn.

Đến lúc này, bạn đã biết thế nào là sử dụng sách như một nguồn tài nguyên trong việc học tập của cá nhân. Có một số kỹ năng nâng cao hơn có thể bạn muốn thử. Ví dụ, bạn có thể kiểm tra nội dung của cuốn sách giống như cách mà người ta thường tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu của máy tính bằng cách sử dụng từ khóa.

Tất nhiên, trong một cuốn sách những từ khóa thường được liệt kê trong phần Phụ lục. Thường thì những từ khóa đóng góp vào khoảng 15% nội dung của toàn bộ cuốn sách, 85% còn lại sẽ chỉ có từ một hai đến ba trang cho mỗi mục trong phụ lục. Bằng cách đọc phụ lục một cuốn sách, bạn sẽ có câu trả lời ngay cho những câu hỏi quan trọng dưới đây:

  1. Mười vấn đề quan trọng nhất của cuốn sách là gì?

  2. Trong số những vấn đề này, đâu là điểm xuất phát phù hợp với vốn hiểu biết sẵn có của tôi?

  3. Vấn đề nào được đề cập hoàn toàn mới đối với tôi, và những vấn đề ấy có hấp dẫn và hữu ích hay không?

  4. Đáp ứng những vấn đề trên, và phù hợp với mục tiêu học tập của tôi, liệu tôi có đủ lý do để tiếp tục đọc cuốn sách này hay tôi nên tìm thông tin thêm nữa?

Để tóm tắt về giá trị của kỹ năng đọc lấy thông tin, hoàn toàn có thể nói:

  • Đọc lướt nhanh qua phần miêu tả, giới thiệu, mục lục, phụ lục của một cuốn sách cho bạn cảm nhận ngay liệu cuốn sách này có đáp ứng được mục tiêu học tập mà bạn đặt ra hay không. Nếu cuốn sách không giúp bạn đạt được mục tiêu đề ra, chắc chắn bạn có thể bỏ qua cuốn sách đó.

  • Nếu sau khi đọc lướt, trong đầu bạn nảy ra câu hỏi bạn muốn tìm câu trả lời, bạn có thể chỉ đọc những phần trong cuốn sách có câu trả lời (và bất cứ chỉ dẫn tham khảo cần thiết nào để hiểu vấn đề), và tiếp tục với nguồn tài liệu học tập khác. Không phải tự trách mình vì chưa đọc hết cuốn sách – không ai kiểm tra bạn về việc đó!

  • Phân tích phụ lục một cuốn sách có thể giúp bạn quyết định có nên tiếp tục dành thời gian vào cuốn sách đó hay không và đâu là điểm bắt đầu tốt nhất đối với bạn. Không phải e ngại “cảnh sát giám sát đọc sách” sẽ bắt bạn nếu bạn không từ trang đầu tiên.

Biến mọi trải nghiệm thành cơ hội học tập

Một số người đã xây dựng được phương pháp học từ những sự kiện trong cuộc sống một cách có hệ thống. Thường thì điều tốt nhất chúng ta làm là cố gắng tỉnh táo theo dõi những gì đang diễn ra suốt khoảng thời gian đó, và rồi nghiệm lại – nếu bạn có thời gian để làm như vậy. Kết quả là bạn không thu được đầy đủ giá trị giáo dục từ nhiều kinh nghiệm cuộc sống có ý nghĩa nhất. Có một kỹ năng đơn giản giúp chúng ta học từ những sự kiện trong cuộc sống tốt hơn. Kỹ năng “Khám phá theo mô hình chữ V” giúp chúng ta có thể:

  1. Xác định những sự kiện sắp tới mà chúng ta muốn thu được gì từ đó.

  2. Sắp xếp những kiến thức và hiểu biết của bạn có để có thể sử dụng trong thời gian sắp tới.

  3. Đặt ra những câu hỏi hữu ích, thú vị, và hiệu quả mà bạn muốn tìm câu trả lời bằng cách học từ những kinh nghiệm trong cuộc sống.

  4. Dự kiến hành động của bạn để những sự kiện trong cuộc sống cho bạn câu trả lời mà bạn tìm kiếm.

Sơ đồ trên là sự đơn giản hóa và có sửa đổi của tôi dựa trên sơ đồ mà Joseph Novak và Bob Gorwin đưa ra căn cứ theo nhu cầu của người học lớn tuổi.

Kỹ năng này cung cấp khung, giúp bạn tư duy sáng tạo về điều mà bạn học từ sự kiện sắp xảy ra. Bạn tìm cách đặt câu hỏi hay hành động để có được những kiến thức hay tri thức bạn cần. Bạn có thể dùng kỹ năng này để học trong buổi hội thảo mà bạn sẽ phải ngồi nghe trong hai tiếng sắp tới, hay từ vai trò như thành viên của ban hội thẩm trong ba tuần tới.

Những thông tin mà một sinh viên trong nhóm của tôi đã ghi lại về hoạt động này là: bộ phim kinh điển Twelve angry men (12 người đàn ông nổi giận), một cuốn sách giáo khoa về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ mà cô ấy đã học ở trường đại học, một bài báo trên tạp chí về vai trò của hội thẩm đoàn trong phiên tòa đáng chú ý gần đây, một số nguyên tắc mà cô đã học về việc thể hiện vai trò lãnh đạo như thế nào trong một nhóm nhỏ, và cảm nhận của cô về ảnh hưởng của việc này đối với gia đình và nghề nghiệp của cô. Mỗi mẩu kiến thức hay cảm nhận được ghi lại tạo cơ sở thuận lợi cho việc thu lượm nhiều thông tin hơn từ kinh nghiệm thực tế của một hội thẩm đoàn.

Đó chính là điểm trọng tâm nhắm tới. Khi bạn đã xác định được bạn đã biết gì và cảm nhận được gì (bên trái mô hình chữ V) và quyết định bạn muốn học gì từ sự kiện này, bạn sẽ đặt ra những câu hỏi mà bạn muốn tìm câu trả lời.

Sau khi đã xác định những câu hỏi của riêng bạn, chuyển sang bên phải của hình chữ V và viết ra danh sách những hành động của bạn để lấy thông tin bạn muốn tìm kiếm. Ví dụ, bạn có thể đọc trước một số tài liệu, hay thậm chí là xem lại bộ phim Twelve angry men. Hay bạn có thể theo dõi hành vi của những người khác trong hội thẩm đoàn để xem ai ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định của người khác. Hay có thể bạn muốn thảo luận trước với những người khác về kinh nghiệm làm hội thẩm viên của chính họ.

Đôi khi quá trình chuẩn bị sẽ làm bạn nghĩ lại về câu hỏi trọng tâm. Thường thì bạn sẽ nhớ lại một số kinh nghiệm liên quan mà bạn đã quên liệt kê lúc đầu, hay bạn có thể nghĩ ra một số thông tin mới để tìm kiếm trong và sau sự kiện đó. Đặc điểm cơ bản của kỹ năng này là bất cứ trải nghiệm nào mà bạn áp dụng kỹ năng “Khám phá theo mô hình chữ V” là trải nghiệm mà trong đó bạn chủ động tham gia vào quá trình học tập ở mức cao nhất có thể.

TRONG QUÁ TRÌNH HỌC

Khi bạn học – dù bạn đọc, nghe, hay thảo luận – bạn cũng không nên thụ động cố gắng tiếp thu các thông tin. Thay vào đó bạn nên chủ động. Bạn nên tự đưa ra những câu hỏi cho bản thân mình, tổ chức những thông tin thu được phù hợp với sở thích, mục tiêu học tập, và nhu cầu của bạn.

Hai kỹ năng tốt nhất làm đầu óc bạn hoạt động khi học tập mà tôi biết là lập bản đồ tư duy và đặt câu hỏi khám phá

Lập bản đồ tư duy

Lập bản đồ tư duy sẽ đặc biệt lôi cuốn đối với những người có khả năng tư duy hình ảnh cao. Những người này thường cảm thấy như có gì thúc bách mình phải phác thảo các chủ đề theo trật tự tuyến tính, đề tài này nối tiếp đề tài kia. Cũng giống như những người có lối tư duy tổng hợp, họ thích có một cái nhìn khái quát phức tạp với những nhánh theo nhiều hướng. Tuy nhiên, lập bản đồ tư duy là một kỹ năng khá đơn giản để những người có lối tư duy khác cũng dễ dàng sử dụng, và do đó, đây là phương pháp hay để điều chỉnh cách học của chúng ta theo hướng tổng hợp hình ảnh. Thậm chí nếu sở thích của bạn là ngôn ngữ hay toán học chuyên sâu, bạn cũng có thể thấy rằng lập bản đồ tư duy là một phương pháp hấp dẫn có thể lựa chọn để xem xét các thông tin và ý tưởng.

Lập bản đồ tư duy được Tony Buzan, một giáo viên phương pháp học hàng đầu người Anh, phổ biến rộng rãi lần đầu tiên trong tác phẩm Use both sides of your brain (Hãy sử dụng cả hai bán cầu não). Gabriele Rico, trong cuốn sách Writing the natural way (Phương pháp viết tự nhiên), đã tiên phong trong việc sử dụng kỹ năng này để làm nghiệp viết dễ dàng và thú vị hơn; bà gọi đó là tổng hợp lại. Ý tưởng này đã được Charle Hess và Carol Colman, Anne Robinson, và Dubley Lynch ứng dụng, cho ra đời những ý tưởng, giải pháp trong kinh doanh và công nghiệp. Họ coi những bản đồ tư duy là mạng lưới não bộ. Với một số sửa đổi bổ sung, kỹ năng này đã được nhiều nhà giáo dục gợi ý trong việc dạy thanh niên tại các trường học.

Lập bản đồ tư duy cũng phù hợp đối với việc học nâng cao: một trong những bản đồ tư duy đáng ngạc nhiên nhất trong bộ sưu tập cá nhân của tôi là đã sắp xếp mối liên hệ giữa những nhà tư tưởng lớn trong nền văn minh đương đại. Do Mauric Stein và Larry Miller ở Đại học California tại Santa Cruz tạo ra, tấm bản đồ khổng lồ liên kết các nhân vật như Sigmund Freud, Karl Marx, và Charles Darwin với những nhân vật gần đây như Herbert Marcuse, và Marshall McLuhan. Ví dụ dưới đây là một bản đồ tư duy về các khái niệm trong kinh tế học của Tony Buzan, một sinh viên người Anh.

Thoạt nhìn trông bản đồ này thật rối rắm, các nhánh mũi tên, lẫn lộn với những ghi chú. Nhưng khi xem xét kỹ, bạn sẽ thấy bản đồ này dễ hiểu hơn. Điểm bắt đầu là ở trung tâm của bản đồ, cũng là điểm bạn sẽ bắt đầu với bản đồ tư duy của riêng bạn ngay sau đây. Vòng tròn trung tâm, được ghi chú là điểm bản đồ này bắt đầu.

Từ trung tâm ta thấy một loạt các nhánh được đánh dấu với từng khái niệm riêng và không theo trật tự nhất định nào. Đó là những thuật ngữ đầu tiên mà người sinh viên này nghĩ đến khi nhắc đến kinh tế học. Không có quy định nào buộc danh sách này phải đầy đủ hay chính xác về mặt lý thuyết; suy cho cùng đó chỉ là bản đồ của cá nhân người sinh viên này. Một số ý phụ làm tăng số nhánh cây, một số khác thì không – hơn nữa số lượng và sự phân bố của thông tin phụ thuộc vào người lập bản đồ. Anh ta hoàn toàn có thể xem lại và vẽ thêm các nhánh mới ở bất cứ vị trí nào. Cuối cùng, các mũi tên bao quanh thể hiện mối liên hệ giữa các nhánh khác nhau mà sinh viên này muốn nhấn mạnh.

Một số người sẽ thắc mắc tại sao lập bản đồ tư duy lại có hiệu quả hơn viết đề cương thông thường mà tất cả chúng ta được học ở trường. Có vài lý do cho thấy tại sao kỹ năng này lại hiệu quả hơn và thú vị hơn đối với hầu hết mọi người.

  1. Kỹ năng này thường được định hướng theo mô hình, và do đó giúp kích hoạt thêm những khu vực khác của bộ não phục vụ việc học tập của chúng ta.

  2. Kỹ năng này không hạn chế những bổ sung sáng tạo tại bất cứ vị trí nào, do đó thúc đẩy chúng ta nghĩ về nhiều hướng hơn chứ không chỉ đơn giản là trước và sau.

  3. Kỹ năng này cho phép chúng ta sử dụng màu sắc và mô hình giúp chúng ta ghi nhớ dễ dàng hơn.

  4. Kỹ năng này còn cho phép chúng ta thấy được mối liên hệ giữa các vấn đề khác xa nhau của chủ đề (bởi vì tất cả chúng đều nằm trên một trang giấy).

Bài tập dưới đây sẽ hướng dẫn bạn lập ra một bản đồ tư duy.

♦ ♦ ♦ ♦

Lập bản đồ tư duy về vấn đề bạn quan tâm

Phát triển bản đồ tư duy về một ý tưởng, vấn đề, bài toán, hay tình trạng bạn đang quan tâm. Lĩnh vực bạn chú ý đến có thể là một bài toán trong kinh doanh, hay một chủ đề bạn đang học ở trường hay chỉ là vấn đề của riêng bạn.

Để bắt đầu lập bản đồ tư duy, hãy viết từ khóa của vấn đề mà bạn muốn tìm hiểu vào trong một hình oval ở trung tâm của trang giấy có kích thước khoảng 20x27cm hoặc rộng hơn (càng rộng càng tốt). Trong các nhóm học tập theo phương pháp học tập đỉnh cao, các thành viên sẽ làm việc trên những trang giấy có kích cỡ bằng các hình minh họa dùng trong thuyết trình (khoảng 67x85cm). Ban đầu, họ cảm thấy nản lòng khi nhìn thấy kích cỡ của trang giấy, nhưng ngay khi bắt đầu, họ thấy là họ có nhiều ý tưởng đến nỗi khó có thể ghi tất cả lên trang giấy. Hãy viết bằng bút chì vì như vậy bạn có thể dễ dàng tẩy xoá hay thay thế các mục mà bạn tìm thấy từ diễn đạt ý của mình chính xác hơn.

Bây giờ, bắt đầu tạo ra các nhánh tới những hình oval khác để thể hiện các ý nhỏ hơn. (Ban đầu,việc đọc ghi chú của các ý phụ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng được ghi trong các hình oval riêng thay vì chỉ đơn giản ghi trên các nhánh như đã thấy ở ví dụ trước ). Thông thường điều này sẽ giúp sắp xếp các ý phụ mà bạn nghĩ ra liên hệ chặt chẽ nhất tới khái niệm trung tâm như là các nhánh trực tiếp của khái niệm này; ý ít quan trọng hơn sau đó phân nhánh từ các ý phụ trên. Tuy nhiên, đừng lo lắng về việc bạn có chắc chắn một ý nào đó có quan trọng hay không – lúc nào bạn cũng có thể tẩy, di chuyển ý đó ra lề, và cho thêm những ý mới và quan trọng hơn vào trong hình oval đó, đồng thời tạo ra các khoảng trống cho hình oval mới mà bạn nghĩ ra sau đó.

Mỗi khi bạn tạo ra một hình oval tương ứng với một ý mà bạn quan tâm, hãy thêm vào các nhánh xung quanh nó để thể hiện các ý có liên quan. Đây có thể là những ví dụ cụ thể, thảm khảo, hoặc những ý suy ra từ ý phụ. Lưu ý rằng trong một số trường hợp bản thân những nhánh này cũng tạo ra những nhánh khác, như ở góc phía dưới bên phải trong ví dụ trên của chúng ta. Ta có thể thấy từ “cạnh tranh” dẫn đến “không hoàn hảo” tiếp đến “độc quyền”, từ đó chia ra các nhánh nhỏ hơn là “liên doanh”“tiếp quản”.

Như bạn có thể thấy, những quy tắc lập bản đồ tư duy có thể linh động, điểm chính là tạo ra và thể hiện được ý tưởng của bạn theo cách của riêng bạn, phản ánh hình ảnh của riêng bạn về những ý bạn đang phác thảo. Sử dụng bất cứ nguồn hay phương pháp nào thu hút bạn.

Tôi thích dùng bút chì có từ 3 đến 5 màu (hay bút dạ) khi lập một bản đồ tư duy nhóm hay khi tôi muốn chia các nhánh thành các loại khác nhau. Ví dụ, tôi có thể sử dụng một màu cho tất cả những tác giả đã viết về đề tài của tôi, một màu khác cho các ý phụ rút ra từ kinh nghiệm bản thân, và màu thứ ba cho các ý liên kết tôi cần nghiên cứu.

Tự do sử dụng các hình ký hiệu giống như những ký hiệu trong phương pháp tốc ký. Bạn có thể sử dụng biểu tượng bộ não để thể hiện tất cả các cách thức mà trong đó các chức năng của não liên quan tới ý tưởng của bạn, hay vẽ hình một cuốn sách cạnh một cái tên để thể hiện nguồn tài liệu tham khảo. Bạn có thể tạo ra những ký hiệu đặc biệt để thể hiện cách cảm nhận của bạn về những ý khác nhau với những từ khóa của riêng bạn. Ví dụ như lợi ích và những ứng dụng hứa hẹn có thể ký hiệu bằng một khuôn mặt cười, một mặt trời đang mọc, một bóng đèn, hoặc ký hiệu đô-la. Các điểm nguy hiểm hay nghi ngờ được thể hiện bằng một dấu hỏi, mũi tên đi xuống, hay ký hiệu nguy hiểm (một hộp sọ và hai xương chéo).

♦ ♦ ♦ ♦

Đừng ngạc nhiên nếu bản đồ tư duy này dẫn đến một bản đồ khác. Việc này thường xảy ra khi bạn cảm thấy một trong số các oval của mình trở nên rất quan trọng. Từ oval đó rẽ ra nhiều nhánh, nhiều trong số đó là những ý quan trọng tự tạo ra những nhánh riêng cho mình, và mọi việc dường như đã ngoài tầm kiểm soát! Đó là thời điểm bắt đầu một bản đồ khác, với tâm là ý phụ của bản đồ gốc.

Đương nhiên, bạn phải lập một số bản đồ tư duy để có được cảm giác về quá trình trước khi nó đến một cách tự nhiên. Bạn có một sự kiện thú vị để mong đợi. Đỉnh cao sáng tạo của kỹ năng lập bản đồ tư duy, tức là tại điểm thành công nhất, thực tế cho nhiều thông tin hơn điểm bạn bắt đầu! Bạn có thể thấy rằng, khi các ý liên kết đã tràn ra toàn trang giấy, tỏa ra các hướng từ oval ở tâm, bạn có thể đột nhiên nảy ra một ý tưởng nào đó mà bạn chưa từng nghĩ đến trước đó.

Đây chính là thời điểm mà Rico đã khuyên sinh viên của mình bắt đầu viết một đoạn tóm tắt ngắn gọn miêu tả hình ảnh nào vừa diễn ra.

Ở đây, hãy chú ý điều gì đang diễn ra. Chúng ta bắt đầu với một chủ đề – bất cứ vấn đề gì mà chúng ta quyết định sẽ tìm hiểu. Chúng ta đã thu thập được một số thông tin về vấn đề này bằng cách nào đó. Bằng kỹ năng lập bản đồ tư duy hay tổng hợp, mỗi chúng ta tạo ra cho mình một mô hình, một mạng lưới thể hiện cách thức những mảnh vụn kiến thức khác nhau liên quan tới nhau. Sau khi khoảnh khắc đó đến, chúng ta quay trở lại với lối tư duy ngôn ngữ thông thường và viết một đoạn tóm tắt thể hiện cái nhìn mới.

Chúng ta đã chủ động sử dụng nhiều hơn khả năng của bộ não để tạo ra mối liên hệ giúp chúng ta học tập. Bằng cách nào?

Bây giờ chúng ta đã có thể tiếp cận thông tin mới theo một số hướng. Ta có thể sử dụng hình ảnh của bản đồ, và bất cứ bản đồ phát sinh nào mà ta tạo ra như tấm bản đồ bằng chữ viết gợi nhớ cho ta về tổng thể miền đất mà chúng ta vừa đi qua. Danh sách các khái niệm được sử dụng trong bản đồ có thể cung cấp cho bạn những từ khóa để định hướng tìm kiếm thêm nguồn tài liệu (mà có thể sử dụng, ví dụ như kiểm tra phụ lục của một cuốn sách).

Mô hình này cũng có thể giúp chúng ta tổ chức dữ liệu theo cách phù hợp hơn đối với một đề cương hay một báo cáo thông thường, giúp cho đoạn tóm tắt của chúng ta phù hợp và chính xác hơn. Nếu bạn muốn viết những gì học được dưới dạng một bài luận, thì một đoạn văn tóm tắt có thể sẽ dễ hiểu cho người khác hơn là một bản đồ tư duy của cá nhân bạn.

Bạn sẽ thấy lập bản đồ tư duy hữu ích khi bạn:

  • Chuẩn bị một bài báo hay bài phát biểu, giống như dạng thay thế cho đề cương thông thường;

  • Ghi chép trong khi đọc, nghe giảng, học nhóm, tham dự hội thảo, hội họp, hay xem phim tài liệu;

  • Thể hiện những kiến thức, ý tưởng, cảm nhận của bạn về vấn đề mới;

  • Tóm tắt hoặc gợi lại những gì bạn đã biết về một vấn đề cho đến giờ;

  • Tạo ra những ý tưởng mới về những bài toán, tình huống, hay vấn đề mà bạn quan tâm; và:

  • Nghĩ ra ứng dụng của khái niệm mới mà bạn

  • vừa biết.

Câu hỏi khám phá

Câu hỏi khám phá là những ý tưởng và câu hỏi bạn phát triển trong quá trình học tập trước khi bạn biết nhiều về bất cứ lĩnh vực mới nào. Ý tưởng về câu hỏi khám phá gây tranh cãi với hầu hết mọi người, vì tất cả chúng ta đều học ở trường là trong bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta cần học hỏi trước khi chúng ta có thể nghĩ đến việc đóng góp ý kiến riêng của mình. Ngược lại, bạn có thể và nên bắt đầu với những ý tưởng của riêng bạn ngay từ đầu bởi hai lý do. Trước tiên, những ý tưởng này có thể giúp bạn tìm hiểu vấn đề bằng cách giữ cho bạn luôn chủ động tập trung vào vấn đề bạn đang học.

Lý do đó cũng đã đủ để chúng ta nên có những ý tưởng ngay từ đầu, nhưng còn một lý do thứ hai thậm chí còn quan trọng hơn là: đôi khi, một trong số những câu hỏi khám phá trước đó về lĩnh vực mới mẻ sẽ chứa đựng cách nhìn mà bạn có thể đánh mất nếu bạn đợi cho đến khi biết nhiều hơn.

Điều này gọi là hiệu ứng bắt đầu, khái niệm này đã được Michael Hutchinson định nghĩa trong cuốn Megabrain của ông. Hutchinson đã chỉ ra sự tiếp xúc lần đầu tiên của một người đối với lĩnh vực mới sẽ gây ra những thay đổi về hóa học trong não. Ông trích dẫn tần số xuất hiện của “những bông hoa nở muộn”, đó là những người có đóng góp đầu tiên cho một lĩnh vực, thậm chí trong khoa học, lĩnh vực mà thông thường là phát hiện quý giá nhất thường xuất hiện trong giai đoạn đầu sự nghiệp của một cá nhân.

Hutchinson viết: “Chịu tác động do mớ rào cản của những sự kiện, những kích thích, bộ não buộc phải phát triển, tạo ra các liên kết không rõ ràng, thúc đẩy các chuỗi phản ứng hóa học mới, giữ độ mềm dẻo, nhìn thế giới với con mắt trẻ trung”. Sự mới mẻ, trẻ trung đó nằm ở nguồn gốc của nhận thức, điều đó không thể đến với ai đã đắm mình trong cùng một lĩnh vực trong suốt 20 năm.

Một phương pháp sử dụng câu hỏi khám phá để học có hiệu quả hơn là chủ động tập trung vào tài liệu học tập. Não của bạn xử lý nhanh hơn tốc độ đọc của bạn – và nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ nói của bất cứ giảng viên nào. Bộ não luôn thích được bận rộn. Do đó, sau khi lĩnh hội được vấn đề đang được truyền tải, bộ não nhìn quanh để tìm việc khác nữa mà làm. Kết quả là dẫn đến sự mất tập trung. Dần dần, bạn có thể nổi cáu bởi sự chênh lệch giữa tốc độ tiếp thu của bạn và tốc độ thông tin được truyền đạt, sự khác biệt đó đã làm bạn không biết mình đang đọc gì hay nghe gì.

Phương thuốc hữu hiệu là buộc bộ não của bạn làm việc một cách hữu ích. Hãy cho bộ não cái gì đó để nghiền ngẫm giúp bạn giữ tập trung, để kích hoạt những phản ứng sáng tạo của riêng bạn, hay nhảy vọt lên phía trước. Tôi gọi những bước nhảy đó là câu hỏi khám phá.

Xem xét việc đặt các câu hỏi khám phá bất cứ khi nào bạn cảm thấy những lý lẽ đưa ra hơi quá chậm đối với bạn. Hãy bắt đầu không chỉ đơn giản là việc ghi chép lại những gì bạn đang được truyền đạt hay đọc; thay vào đó, hãy bắt đầu ghi lại cả những gì xảy ra tiếp đó. Đoán xem người nói hay người viết muốn đưa ta đến cái gì. Tôi gọi những ghi chép này là tiền ghi chú – những ghi chép được thực hiện trước khi bạn tiếp xúc với tài liệu.

Sau đó, khi bạn đã đọc hết văn bản, cân nhắc xem bạn cần phải sửa đổi giả định của mình như thế nào dưới “ánh sáng” của những gì bạn đang đọc. Thực tế, bạn đã trở thành người đồng sáng tạo với tác giả. Bạn tiếp thu những điều tác giả nói đồng thời tìm hiểu những ý kiến, những lời giải thích của riêng mình. Kết quả dẫn đến một cuộc đối thoại, thảo luận chủ động, hấp dẫn, thú vị, thoải mái hơn nhiều so với việc tiếp thu thụ động các thông tin được đưa ra.

Câu hỏi khám phá là một công cụ học tập hữu hiệu đến mức các tác giả thường sử dụng kỹ năng này khi viết. Một tác giả thường đặt ra các giả định ban đầu, thể hiện dưới dạng một giả thuyết, rồi kiểm chứng xem giả thuyết này đứng vững đến mức độ nào.

Vì vậy, Perkin đã mở đầu một chương bằng giả định đơn giản: “Chắc hẳn phải có gì đặc biệt trong quá trình tư duy để dẫn đến khám phá”. Ông giải thích tại sao đây là giả định đáng để tìm hiểu: “Những tác động đặc biệt như khoảnh khắc khám phá hẳn phải liên quan tới những phương pháp đặc biệt”.

Phần sau của chương này, Perkins cho thấy khám phá sáng tạo có thể được giải thích đầy đủ bằng các quá trình tư duy khá bình thường như phương pháp nhớ và nhận biết. Ở đoạn cuối của chương, ông đã xem xét lại giả định ban đầu của ông. Ông nhận ra rằng, nếu có điều gì đó đặc biệt trong quá trình tư duy dẫn đến khám phá, thì đó không phải là các hoạt động khác thường, giấu kín của các phương thức đặc biệt hay vô thức trong chức năng bộ não như chúng ta thường nghĩ. Sau đó ông đưa ra giả định sửa đổi:

Giả định sửa đổi: Khám phá không phụ thuộc vào các quá trình đặc biệt mà phụ thuộc vào các mục đích đặc biệt. Sự sáng tạo xuất hiện khi quá trình tư duy thông thường của một cá nhân có năng lực được đưa dẫn bằng các mục đích sáng tạo hoặc “vô lý” một cách hợp lý.

Câu hỏi khám phá cũng có thể được phát triển dựa trên những kiến thức hoặc nhận thức từ trước của bạn về vấn đề bạn đang nghiên cứu. Khi bạn thể hiện những kiến thức này qua bản đồ tư duy hoặc mô hình chữ V, bạn có thể thấy nhiều cách thành lập hoặc tái lập câu hỏi trọng tâm. Bạn có thể sử dụng câu hỏi khám phá để kiểm tra những câu hỏi này trong quá trình nghiên cứu. Bài tập dưới đây sẽ phát triển câu hỏi khám phá của riêng bạn.

♦ ♦ ♦ ♦

Phát triển câu hỏi khám phá

Bài tập này gồm hai phần. Phần đầu, bạn đọc kỹ đoạn văn ví dụ và giải thích bạn sử dụng những bước nào để dẫn dắt câu hỏi khám phá đến mục tiêu tác giả muốn hướng tới. Phần thứ hai, bạn xem lại một số hướng dẫn bạn có thể sử dụng trong đoạn văn bạn tự chọn.

PHẦN 1

Đoạn ví dụ dưới đây được trích từ chương Role playing (Nhập vai) trong cuốn Six thinking hats (Sáu chiếc mũ tư duy) của Edward de Bono. Chúng ta sẽ trở lại với cuốn sách này vào chương sau. Đọc hai đoạn văn dưới đây:

Người ta sẽ không ngại hành động một cách ngớ ngẩn chỉ trong trường hợp họ đang diễn kịch. Thậm chí, họ còn tự hào khi thể hiện tốt điều đó, thậm chí khi đóng vai một thằng hề ngớ ngẩn. Điều đó bây giờ trở thành thước đo của thành công và mức độ xuất sắc. Khi diễn xuất, lúc đó, cái “tôi” cá nhân là người chỉ đạo diễn xuất.

Một trong những vấn đề đối với Thiền Tông, một phái của Phật Giáo, đó là càng cố gắng để quên đi cái “tôi” cá nhân thì sự hiện diện của nó lại càng rõ ràng hơn. Một kiểu diễn viên quên đi cái “tôi” của mình và đón nhận cái “tôi” của nhân vật (phương pháp diễn xuất). Một kiểu diễn viên khác tự chỉ đạo diễn xuất của mình. Cả hai nhóm đều là những diễn viên tốt. Cả hai đều đang cho cái “tôi” của mình “đi nghỉ”. Một bên thì đi nghỉ ở nước ngoài, một bên thì nghỉ ở trong nước.

Bây giờ hãy mở sang một trang mới trong cuốn nhật ký học tập của bạn và đặt câu hỏi khám phá. Những câu hỏi đầu tiên của bạn có thể là: “Tác giả này đang nói về vấn đề gì?”. Có phải là về một tên ngốc? Về những vấn đề của Thiền Tông? Về các kiểu diễn xuất? hay về vai trò của cái “tôi”?

Khi bạn cảm thấy mình đã có câu trả lời đúng, hãy đoán thử xem nó sẽ dẫn đến đâu. Nó liên quan như thế nào tới các kiểu tư duy, mà dường như là chủ đề của cuốn sách? Dưới đây là một số khả năng, nhưng trước hết hãy dành ra vài phút để nghĩ câu trả lời của riêng bạn.

  • Ông sẽ chứng minh rằng cái “tôi” có liên quan đến cách tư duy.

  • Ông muốn chỉ ra rằng có nhiều cách phát triển cái “tôi” trong diễn xuất.

  • Ông đang cố gắng thuyết phục chúng ta rằng nhập vai là một quá trình, trong đó chúng ta đánh giá diễn xuất của mình theo một cách khác hơn là việc chúng ta cảm thấy chính mình đang bị đánh giá.

Bây giờ thì gấp cuốn sách lại và nghĩ đến câu hỏi khám phá và câu trả lời của cá nhân bạn. Khi đã sẵn sàng, quay trở lại phần này và đọc hai đoạn văn tiếp theo.

Đóng vai một người khác cho phép cái “tôi” được vượt ra khỏi hình ảnh bó hẹp hàng ngày. Diễn viên thường khá nhút nhát trong cuộc sống đời thường. Nhưng vai diễn đã cho họ sự tự tin. Chúng ta cảm thấy khó khăn khi thấy chính bản thân mình ngốc nghếch, tội lỗi, hay tinh ranh hơn. Với một vai diễn được xác định rõ ràng, chúng ta có thể vui vẻ diễn với kỹ năng diễn xuất của mình thay vì làm hỏng cái “tôi”. Có danh tiếng, bạn sẽ được xem là một diễn viên tài năng.

Không có vỏ bọc của một vai diễn chính thức, cái “tôi” có thể gặp nguy hiểm. Đó là lý do tại sao những người bình thường lại đòi đóng vai những người thích chống đối khi họ muốn phủ nhận. Điều đó ngụ ý rằng bình thường họ không tiêu cực, nhưng sẽ tốt hơn nếu có ai đóng vai này, và rằng họ có xu hướng diễn vai này rất tốt…

Câu hỏi khám phá của bạn phù hợp với phần tiếp theo này đến mức nào? Rõ ràng là de Bono đang nói nhiều hơn là chỉ đơn giản “cái ‘tôi’ liên quan đến tư duy.” Đoạn văn trên đã giải thích thêm tại sao đóng kịch lại là một cách làm cho cái tôi cảm thấy an toàn. Thay vì cảm thấy có lỗi khi liên tục chỉ ra điều gì đó không đúng, người có suy nghĩ tiêu cực có thể cảm thấy tự hào vì đóng vai người thích chống đối bởi vì một người nào đó phải nhiệt tình và lạc quan lắm thì mới đoán trước được những lỗi khinh xuất.

Bây giờ bạn xem lại câu hỏi khám phá của mình. Bạn vẫn đang cố gắng hiểu mối quan hệ giữa nhập vai và cách chúng ta tư duy. Viết một số dự đoán vào nhật ký học tập của bạn. Dưới đây là một số khả năng.

  • Có thể de Bono muốn chúng ta tin rằng diễn viên là những người tư duy giỏi nhất.

  • Có lẽ ông sẽ nói với chúng ta rằng nhìn vào góc tối của bất cứ ý tưởng nào là một việc xấu, bởi vì những người thường nhìn vào góc tối chỉ coi vai diễn tiêu cực làm cái cớ để bào chữa cho mình.

  • Có lẽ đây là một kiểu nhập vai giống như trong bài tập ở Chương 3 về “Khơi dậy người học viên tiềm ẩn bên trong bạn” (Sử dụng kỹ năng Khám phá theo mô hình chữ V có thể giúp bạn nhớ lại bài tập này và kinh nghiệm có liên quan).

Bạn đã xem lại câu hỏi khám phá của mình, bây giờ hãy đọc một số đoạn cuối trong tác phẩm của de Bono.

Nhập vai một nhà tư tưởng theo nghĩa chung nhất là bước quan trọng để tiến tới trở thành một nhà tư tưởng. Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở đó bằng cách cắt nhỏ những vai diễn thành những phần tính cách cụ thể hơn. Những phần này sẽ trở thành những mảnh nhân vật trong một vở kịch câm, một vở opera trên truyền hình, hoặc là một bộ phim truyền thống của phương Tây…

Chiếc mũ tư duy khái quát được chia nhỏ thành sáu vai mang đặc điểm khác nhau, thể hiện bằng sáu chiếc mũ tư duy màu sắc khác nhau.

Bạn chọn bất cứ chiếc mũ nào và đội nó vào bất kỳ lúc nào. Bạn đội chiếc mũ nào thì sẽ đóng vai chiếc mũ đó quy định. Bạn xem chính bạn thể hiện vai đó. Bạn nhập vai đạt nhất mà bạn có thể. Cái tôi của bạn cũng được bảo vệ bằng vai diễn. Cái tôi của bạn được tham gia vào việc đóng vai…

Tư duy bây giờ bắt nguồn từ vai diễn chứ không phải từ cái tôi của bạn…

Bạn đã làm thế nào? Đây không phải là câu hỏi liệu những dự đoán của bạn về hướng đi của tác giả có đúng không – câu hỏi như vậy sẽ biến bài tập này thành một bài kiểm tra. Câu hỏi của tôi là liệu bạn có thu được nhiều từ tài liệu này khi tham gia tích cực vào vấn đề được đưa ra và chú ý rằng không chỉ những điều bạn đọc mà cả những điều trong các đoạn văn này bạn cảm thấy mới có thể bám theo. Tôi chắc rằng việc sử dụng câu hỏi khám phá sẽ làm phong phú kiến thức của chúng ta.

PHẦN 2

Trong phần hai của bài tập này, hãy tự chọn một đoạn văn cho mình, có thể là một bài xã luận trên báo hôm nay hay một cuốn sách bạn chuẩn bị đọc. Tiến hành tất cả các công việc ghi chú và tự xây dựng mô hình chữ V bạn cần trước khi đọc một đoạn mở đầu ngắn gọn của bài văn. Bây giờ thì dừng lại, lấy nhật ký học tập và bắt đầu nghĩ ra một số câu hỏi khám phá giống phần trên.

  • Mục đích của phần thứ nhất này là gì? Tác giả đang muốn nói điều gì?

  • Kiến thức hoặc kinh nghiệm của bạn về vấn đề này cho bạn suy đoán gì về điều mà tác giả muốn hướng tới?

  • Tác giả có đưa ra quan điểm về một số vấn đề hay không? Nếu có, chứng cứ hay lập luận nào tác giả sẽ đưa ra để chứng minh? Nếu chưa đưa ra một quan điểm rõ ràng nào, bạn nghĩ điều tác giả chuẩn bị đưa ra là gì? Và như thế nào?

  • Bạn muốn tác giả sẽ đưa ra thông tin gì liên quan đến chủ đề đang bàn trong phần tiếp theo? (Ai, cái gì, ở đâu, hay khi nào một việc gì đó sẽ xảy ra? Như thế nào hoặc tại sao tình huống đó lại trở nên như vậy?). Có thể mong đợi kết quả gì với vấn đề này?

Như bạn có thể thấy, mỗi mẫu câu hỏi khám phá chung này có thể tạo ra nhiều thông tin hơn, và tất cả đều chính xác đối với bất kỳ điều gì bạn đang đọc hoặc đang nghe. Thậm chí xem xét phần nhỏ câu hỏi khám phá bạn đưa ra cũng có thể giúp não bạn thoải mái khi chờ đợi những mẩu thông tin tiếp theo.

♦ ♦ ♦ ♦

Phần này gồm hai công cụ của phương pháp học tập đỉnh cao để chủ động tham gia vào vấn đề bạn đang tìm hiểu trong quá trình bạn tìm hiểu vấn đề này. Bản đồ tư duy giúp bạn xây dựng bức tranh về các mối quan hệ mà bạn thấy trong tài liệu trong khi câu hỏi dự đoán cho phép bạn dự đoán việc học tập của bạn sẽ đi đến đâu và sửa chữa nhận thức của bạn trong quá trình học tập. Bây giờ đã đến lúc chuyển sang những kỹ năng giúp bạn nhớ được những điều bạn đã học.

SAU KHI HỌC

Cho dù mục tiêu học tập của bạn có rõ ràng đến đâu, kế hoạch học tập của bạn phù hợp với phương pháp học của bạn như thế nào, và bạn ghi chép cũng như sắp xếp chúng cẩn thận ra sao thì sớm hay muộn tất cả chúng ta cũng phải nhớ một vài điều chúng ta từng học để sử dụng hiệu quả. Chúng ta có thể làm gì để tăng cường khả năng lưu giữ những điều mà chúng ta đang học hoặc vừa mới học?

Cải thiện trí nhớ

Tất cả chúng ta có khuynh hướng cảm thấy khó khăn khi ghi nhớ. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, hầu hết chúng ta đều phải nhớ những thứ tẻ nhạt, rời rạc, không quen thuộc như danh sách từ vựng, hay những công thức toán học. Lẽ tự nhiên, chúng ta cảm thấy khó khăn khi nhớ những thứ như vậy. Từ kinh nghiệm đó, chúng tôi khái quát hóa những khó khăn, khó chịu của quá trình ghi nhớ.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn khác với khi bạn đang làm việc với những thông tin bạn biết mình cần và những ý tưởng gây sự chú ý của bạn. Khi bạn sử dụng hướng tiếp cận và kỹ năng của phương pháp học tập đỉnh cao trong quá trình học tập tự định hướng của bạn, ghi nhớ trở nên dễ dàng không ngờ. Học theo phương pháp chủ động, cảm nhận nhiều chiều, phù hợp với mỗi cá nhân, bạn sẽ tiếp thu thông tin mà không cảm thấy căng thẳng. Những kỹ năng và chiến lược dưới đây có thể giúp những điều bạn học dễ nhớ hơn.

Lựa chọn mục tiêu cho bản thân bạn. Điều này bảo đảm rằng bạn biết tại sao bạn học và sử dụng ngay. Cái bạn đang học không phải là một đống những điều xa lạ mà bạn đang cố gắng nhồi nhét vào đầu. Sự quan tâm sâu sắc của bạn, tự nó, sẽ giúp bạn ghi nhớ dễ dàng hơn. Sự hiểu biết sâu của bạn về vấn đề sẽ củng cố hơn nữa khả năng ghi nhớ của bạn, và việc sử dụng ngay lập tức những kiến thức mới sẽ làm kiến thức đó không trôi mất.

Sử dụng kỹ năng để “kích hoạt” trí não của bạn. Điều này giúp làm sinh động những gì bạn đang học, biến nó dễ nhớ hơn và mang tính cá nhân hơn đối với bạn. Bạn đặt câu hỏi, trả lời một cách sáng tạo, và xử lý thông tin theo những cách khác nhau. Khi thực hiện điều này, bạn đang tự động lưu lại những thông tin theo hình thức đơn giản hơn, phong phú hơn, tự kết nối thông tin đó với những dữ liệu khác.

Ba phương pháp và kỹ năng khác của phương pháp học tập đỉnh cao đã nói ở trên cũng củng cố trí nhớ của bạn.

Học tập trong trạng thái sảng khoái. Như bạn đã thấy ở Chương 3, trạng thái học tập sảng khoái tránh bất kỳ sự cản trở hay lo lắng nào, do đó hãy mở rộng trí óc của bạn để đón nhận dữ liệu và tri thức, điều đó sẽ thúc đẩy khả năng ghi nhớ tối đa.

Đánh thức lòng nhiệt thành và tận tâm của bạn. Điều này sẽ khơi dậy những cảm xúc, tình cảm hỗ trợ cho việc học tập, vì vậy tài liệu mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Sử dụng phương pháp hiệu quả nhất của bạn. Điều này cho phép bạn tiếp cận việc học tập theo cách thoải mái và hiệu quả nhất đối với cá nhân bạn.

Kết quả của tất cả biện pháp này là cần ít nỗ lực hơn trong học tập, và học tập trở nên dễ dàng hơn. Thái độ và kỹ năng đúng sẽ mang lại sự thoải mái trong học tập. Theo nghĩa rộng, phương pháp học dễ dàng hơn là việc thay đổi quan điểm hạn chế của bản thân và tiếp thu những kỹ năng hiệu quả hơn”.

Tất nhiên, có một số trường hợp đặc biệt chúng ta cần tin tưởng vào chính trí nhớ của mình. Có thể bạn muốn nhớ tên của một số người bạn được giới thiệu tại một bữa tiệc hay một buổi họp mặt, hay bạn cần nhớ một danh mục được đọc liền một mạch trong khi bạn không thể ghi chép nổi. Hay có thể bạn muốn nhớ số thẻ tín dụng, điện thoại đường dài và những dãy số khác mà bạn hay sử dụng. Đây không phải một phần của kế hoạch học tập, và bạn không thể sử dụng hầu hết các chiến lược hay kỹ năng nói đến ở trên.

Liên tưởng. Trước tiên là liên tưởng giữa các dạng khác nhau. Bằng cách liên tưởng, bạn tập trung vào kết hợp những cái tên hay các số vô nghĩa với cái gì đó có nghĩa, nó sẽ giúp gợi lại những cái tên hay dãy số này trong đầu óc bạn.

Tony Buzan, người đã giới thiệu ở phần trước khi đề cập đến kỹ năng lập bản đồ tư duy, đã liệt kê một số nguyên tắc cơ bản để liên kết các dữ kiện dễ dàng hơn. Những nguyên tắc này bao gồm:

  • Sử dụng càng nhiều giác quan càng tốt. Tạo ra trong đầu những hình ảnh ba chiều, chuyển động, và nhiều màu sắc, bổ sung thêm âm thanh, giai điệu, cảm nhận bằng xúc giác, và thậm chí là hương thơm để kết hợp với điều bạn muốn nhớ. Viết, nói, vẽ, sờ, nghe – càng nhiều giác quan bạn sử dụng trong quá trình ghi nhớ điều gì, bạn sẽ gọi lại chúng càng rõ ràng hơn.

  • Tạo ra một dãy theo thứ tự hình ảnh liên tưởng cho chuỗi những điều bạn cần nhớ. Có thể bạn đơn giản chỉ đếm các mục hay sử dụng một biện pháp vẫn dùng đó là tưởng tượng mỗi mục ở vị trí cụ thể.

  • Sử dụng lối cường điệu, những điều ngớ ngẩn, hoặc thậm chí bản năng giới tính làm hình ảnh liên tưởng mang một ấn tượng mà bạn khó có thể quên.

  • Đơn giản hóa. Một liên kết quá hóm hỉnh hay phức tạp giữa hình ảnh và điều bạn muốn nhớ sẽ gây ra nhầm lẫn; hãy tạo ra những liên kết trực tiếp.

Ôn lại trí nhớ. Phương pháp thứ hai để có trí nhớ tốt là “ôn lại trí nhớ”, cũng giúp bạn có thể lưu giữ những dữ liệu phức tạp với độ tin cậy cao. Trong thực tế, bạn có thể đảo ngược lại “đường cong lãng quên” và tăng khả năng nhớ lại khi thời gian qua đi. Đường cong thông thường được trình bày ở trên góc phải.

Đường cong này trượt nhanh theo hướng đi xuống: chỉ sau năm phút một lượng lớn những thông tin mới học đã bị mất; sau một giờ là khoảng 2/3; và sau một ngày bạn mất khoảng 90% lượng thông tin mới học.

Nhưng một tin tốt là ta có thể đảo đường cong này theo chiều ngược lại. Bạn có thể tự rèn luyện mình để nhớ lại được nhiều hơn cùng với dòng chảy của thời gian. Phần lớn những gì bạn đã quên sau 5 phút có thể được gợi lại sau một tiếng, và những thông tin bị mất sau một ngày có thể được khôi phục vào ngày thứ hai. Kết quả là cho ta một đường cong giống như đường cong được trình bày ở góc bên phải phía dưới.

Khả năng ghi nhớ của bạn có thể lên đến đỉnh điểm sau hai ngày, và bạn có thể kết thúc quá trình lưu lại với 90% lượng thông tin bạn muốn nhớ chứ không phải lượng thông tin bạn quên đi.

Người đã phát hiện ra hiện tượng cũng như kỹ năng trên là Giáo sư Matthew Erdelyi ở Đại học New York. Ôn lại trí nhớ là cách có hiệu quả nhất để “ghim chặt” những bài thuyết trình mang tính giải thích được tổ chức tốt, như diễn thuyết, thuyết trình trong hội thảo, hay bài giảng trên lớp. Dưới đây là bài tập giúp bạn học cách sử dụng kỹ năng nhớ này.

♦ ♦ ♦ ♦

Ôn lại trí nhớ

1. Chọn một bài tập. Khi bạn đọc, nghe, nhìn, hay tham gia vào một cuộc họp, cuộc nói chuyện, hãy ghi lại trong đầu (không phải trên giấy) những điểm quan trọng. (Bởi vì kỹ năng này không cần đến ghi chép, đây là phương pháp yêu thích của nhiều nhà quản lý hàng đầu.Họ thường phải nhớ được những thông tin quan trọng trong các cuộc nói chuyện khi dùng bữa trưa hay tại các cuộc gặp mặt xã giao mà ghi chép trở nên bất tiện). Kiểm soát tổng số hiện có bao nhiêu ý bạn cần nhớ.

2. Sau năm phút, bỏ ra hai hoặc ba phút tập trung xem lại các ý chính. Nhẩm lần lượt mỗi ý, nhưng chỉ một lần. Hãy thư giãn và vui vẻ, đừng lo lắng hay căng thẳng nhớ lại bất cứ điều gì bạn đã quên, nhưng ”ước đoán” xem có thể bạn đã quên ý nào.

3. Khoảng một giờ sau, tiến hành lần thứ hai, làm chính xác những gì bạn đã làm ở phần trước. Một lần nữa hãy thoải mái và đơn giản chỉ nhẩm lần lượt các ý một lượt. Chú ý mỗi lần như vậy chỉ kéo dài khoảng hai phút và có thể thực hiện ở bất cứ đâu, có thể là trong ôtô trên đường về nhà sau bài giảng, hay trong thời gian quảng cáo khi xem một bộ phim tài liệu trên ti vi.

4. Sau khoảng ba giờ, thực hiện lần thứ ba.

5. Sáu giờ sau thực hiện lần thứ tư.

6. Thực hiện lần cuối cùng trước khi đi ngủ.

7. Lặp lại quy trình này ba lần vào ngày thứ 2 và thứ 3, trải đều trong cả ngày.

8. Sau đó, bạn có thể nhớ rành mạch những dữ liệu này trong đầu bằng cách nhắc lại ba đến bốn ngày một lần.

Không cần phải nói, quy trình trên có thể được kết hợp với bất cứ thủ thuật ghi nhớ nào đã nói đến ở trên. Bạn có thể liên tưởng những vật bạn cần nhớ với những hình ảnh nhìn thấy, đặc biệt là những hình ảnh độc đáo và sống động.

♦ ♦ ♦ ♦

Quay chậm

Sau khi xem xét lại một số bài học mới, bạn cảm thấy rằng mình đã bỏ qua một số khía cạnh quan trọng của sự kiện đã diễn ra. Bạn nhận ra rằng có những sự kiện, hình ảnh, hay ý tưởng mới bạn nhận thức được nhưng đã không chú ý. Có thể những sự kiện đó xảy ra quá nhanh hoặc bạn còn đang bận tâm đến bài tập trước mắt. Đó không phải là xem lại cái bạn cần mà là bạn đang đề cập đến việc nắm bắt những thông tin quan trọng mà đơn giản bạn không tiếp nhận trong lần đầu tiên tiếp xúc.

Thật may, có cách đơn giản và thú vị để tách những thông tin đó từ bất cứ sự kiện nào sau khi đã xảy ra. Bạn có thể trình chiếu những trải nghiệm của bạn, lấy lại những gì bạn bỏ qua trong lần thứ nhất. Trên thực tế, bạn thường nhận thức và lĩnh hội được nhiều hơn bạn có thể khi sự kiện đó diễn ra. Giống với kỹ năng liên tưởng chúng ta sử dụng ở Chương 3 để khơi dậy người học viên tiềm ẩn bên trong bạn, phương pháp này thực hiện bằng cách gọi lại những hình ảnh trong tiềm thức với tất cả các chi tiết. Bởi vì bạn gọi lại những thước phim, nên đầu tiên bài tập này có vẻ hơi phức tạp. Hầu hết chúng ta có khuynh hướng ghi nhớ các từ. Nhưng chỉ với một chút tập luyện, bạn sẽ thấy kỹ năng này trở nên đơn giản hơn và đáng để luyện tập.

Lợi ích của kỹ năng quay chậm cũng tương tự như lợi ích của việc quay chậm lại một trận đấu bóng trên truyền hình. Bạn có thể xem điều gì đã xảy ra ở một góc độ khác mà không quan sát được vào lúc nó xảy ra. Bạn cũng có thể phân tích sự việc đó để hiểu được cấu trúc và quá trình, giống như các nhà bình luận trên truyền hình vẫn làm bằng cách nhấn mạnh những khác biệt nhỏ mà bạn không nhìn thấy được khi theo dõi hành động. Vấn đề cơ bản ở đây là gợi ra được thước phim về việc đã xảy ra càng rõ ràng càng tốt.

Bài tập dưới sẽ hướng dẫn bạn cách học kỹ năng quay chậm.

♦ ♦ ♦ ♦

Quay chậm

Chọn việc xảy ra gần đây, sự kiện mà bạn cảm thấy là chưa thấy hết được ý nghĩa của nó, ưu tiên những sự kiện xảy ra trong vòng 48 giờ trở lại đây. Đó có thể là cơ hội gặp gỡ với một người, xem một bộ phim, hoặc chương trình truyền hình, hay chỉ đơn giản là khoảnh khắc quan sát khung cảnh hay một hình ảnh.

Nhắm mắt lại và miêu tả to cho người khác hay chiếc máy ghi âm theo hướng dẫn dưới đây.

  1. Bắt đầu với những chi tiết cảm nhận được và cảm giác của bạn – điều bạn nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, hay cảm nhận được. Sử dụng thời hiện tại trong cả bài tập. (Tôi đang dùng bữa trưa với nhóm tiếp thị trong quán ăn tự phục vụ của công ty).

  2. Miêu tả chi tiết tất cả mọi thứ để người nghe có thể gần như nhìn thấy, nghe thấy, và cảm thấy như bạn. (Bill đang mặc một chiếc áo sơ mi kẻ, và đã nới lỏng cà vạt. Chiếc áo cánh của Janet màu vàng. Frank đang nghịch chiếc bút. Tôi thấy ánh nắng mặt trời chói chang chiếu thẳng xuống mặt bàn bên cạnh). Hãy thực sự nỗ lực tìm lại nguyên bản của sự việc. Dành thời gian cho việc này từ ba đến năm phút.

  3. Sau khi nỗ lực hết sức để gợi lại cảnh tượng và tình huống, cố gắng đến gần hơn nữa. Tự hỏi mình về những chi tiết thoáng qua. (Liếc nhìn Frank, tôi thấy ngón tay của anh xiết chặt chiếc bút. Có vấn đề gì xảy ra chăng?) Cố gắng kết nối những chi tiết mới với những chi tiết có sẵn trong trí nhớ của bạn theo một số cách. Thông thường, một vài cái nhìn mới về ý nghĩa của sự việc sẽ tự nó thể hiện. (Bill cười sự lựa chọn màu sắc trong buổi giới thiệu sản phẩm mới của Janet. Có thể Frank đồng ý với Janet, nhưng việc có Bill làm anh ta bực).

  4. Tiếp tục ít nhất mười phút hay kéo dài đến nửa tiếng nếu bạn thích.

  5. Nghe lại băng thu và viết nhanh bất cứ ghi chú nào bạn có về cách nhận thức mới hay cách nhìn mới.

♦ ♦ ♦ ♦

Khi bạn đã nắm vững kỹ năng quay chậm, bạn có thể bổ sung thêm một khía cạnh khác vào kỹ năng này, được gọi là ti vi giả định, và đây là phát minh tưởng tượng của Douglas Hofstadter. Giả định có chiếc ti vi trong tưởng tượng mà bạn có thể chọn những khả năng khác nhau – những việc có thể đã xảy ra. Dưới đây là cách bạn có thể sử dụng kỹ năng này.

  1. Chọn sự kiện gần đây bạn muốn diễn ra khác đi. Thực hiện các bước giống như trong kỹ năng quay chậm: nhắm mắt, bắt đầu với những chi tiết cảm nhận được, dùng thời hiện tại, làm cho tình huống sinh động và thực tế đối với người nghe.

  2. Bây giờ tưởng tượng bạn với tay và chuyển kênh sang cách tường thuật mới với cùng một sự kiện.

  3. Bây giờ thực hiện cụ thể những gì diễn ra vì bạn đặt mình vào tình huống thực tế đã xảy ra.

  4. Cuối cùng hãy cảm nhận cảm giác của sự việc diễn ra.

Chương này bàn về một số công cụ cơ bản của phương pháp học tập đỉnh cao bạn sử dụng giúp cho việc học theo phương thức tự định hướng của mình hiệu quả hơn, bao gồm các kỹ năng bạn sử dụng trước khi bắt đầu kế hoạch học tập, ví dụ như kỹ năng đọc lấy thông tin, và kỹ năng Khám phá theo mô hình chữ V, để đảm bảo rằng bạn thu được nhiều kiến thức nhất với khoảng thời gian bạn đã bỏ ra. Ngoài ra còn có các kỹ năng bạn có thể sử dụng trong quá trình học, ví dụ như lập bản đồ tư duy và câu hỏi khám phá. Những kỹ năng này giúp bạn chủ động tham gia vào quá trình học tập và biến chính quá trình đó trở thành hoạt động sáng tạo thú vị. Cuối cùng, tôi đã đề cập đến một vài kỹ năng bạn sử dụng sau khi học để ghi nhớ những thông tin mà bạn muốn.

Làm thế nào bạn có thể nâng cao khả năng học tập trong quá trình học từng ngày, từng giờ của mình? Bạn làm gì trước, trong và sau khi học để tăng cảm hứng trong lúc học, bảo đảm thu được hiệu quả tối đa từ thời gian mà mình bỏ ra để học?

Kỹ năng mà bạn sẽ được biết đến dưới đây mang tính cụ thể hơn những chiến lược chung chung bạn đã biết ở chương trước, ví dụ như cách bạn làm bài tập hay nhiệm vụ phù hợp với cách học của cá nhân bạn cũng như nguồn tài liệu bạn lựa chọn. Những chiến lược ở chương trước xác định phương hướng chính, quyết định đích mà bạn muốn hướng tới và cách thức chung để bạn có thể đến được đích đó. Mặt khác, những kỹ năng mới này là công cụ cụ thể của bạn – compa, thước đo chiều sâu – với những công cụ này bạn có thể dẫn dắt bài học của mình, điều chỉnh hướng đi giống như một người lái tàu biển lão luyện.

CÁC KỸ NĂNG HỌC

Trước khi học

Kỹ năng đọc lấy thông tin, kỹ năng để thu được chính xác điều bạn cần từ sách, báo.

Kỹ năng khám phá theo mô hình chữ V, để duyệt trước trong đầu những câu hỏi quan trọng bạn muốn trả lời trong mọi bài học.

Trong quá trình học

Lập bản đồ tư duy, kỹ năng dùng để hỗ trợ việc sử dụng mối liên tưởng tự nhiên của trí óc nhằm tổ chức, sắp xếp những thông tin bạn tiếp nhận.

Câu hỏi khám phá, loại câu hỏi mà bạn thường chủ động đặt ra để xoáy vào những thông tin bạn có bằng cách dự đoán một cách sáng tạo xem những thông tin đó sẽ dẫn tới đâu.

Sau khi học

Cải thiện trí nhớ, kỹ năng này giúp lưu giữ những dữ liệu thực tế dễ dàng hơn.

Quay chậm, kỹ năng gợi nhớ và xem lại bất kỳ điều gì bạn đã biết về bài học để bổ sung kiến thức về bài học đó.

TRƯỚC KHI HỌC

Một nguyên tắc được nhấn mạnh xuyên suốt cuốn sách này là bất kỳ quyết định nào bạn đưa ra trước khi học cũng quan trọng đối với thành công của bạn. Lựa chọn của bạn về đối tượng nghiên cứu, nguồn tài liệu sử dụng, thời gian và địa điểm bạn học có hiệu quả nhất đều mang tính quyết định mức độ hiệu quả và hứng thú của bạn.

Còn một số kỹ năng cụ thể khác mà bạn cần sử dụng khi chuẩn bị bắt đầu học một cái mới. Hai kỹ năng mà tôi thấy hiệu quả nhất là đọc lấy thông tin, trong trường hợp bạn có ý định học từ sách, và khám phá theo mô hình chữ V hay khi bạn muốn làm giàu kiến thức từ một số hình thức khác.

Đọc lấy thông tin

Khoảng thời gian học ở trường, phần lớn chúng ta đều đọc sách một cách thụ động. Chúng ta thường cảm thấy hơi có lỗi nếu không bắt đầu đọc từ trang đầu tới trang cuối. Nếu chúng ta quyết định bỏ dở trước khi đọc đến trang cuối, ta sẽ cảm thấy rằng mình chưa thực sự đọc cuốn sách đó. Quan trọng hơn cả là chúng ta đã để những điều tác giả chọn và ưu tiên nhấn mạnh chi phối mối quan tâm của mình. Chúng ta đã trao quyền quyết định học cái gì cho tác giả. Máy tính đang dạy chúng ta cách đọc một cuốn sách có hiệu quả hơn, khá khác biệt với cách mà hầu hết chúng ta được dạy ở trường. Đó là chủ động, tự định hướng, và sáng tạo. Khi ta ngồi trước máy tính là ta đang tự chịu trách nhiệm. Khi truy cập các thông tin và thủ tục ta cần, lựa chọn từ rất nhiều các trình đơn hay các lệnh khác nhau để hoàn thành công việc. Ta tiến thẳng tới cái ta muốn. Ta có thể xem qua toàn bộ chương trình hay cơ sở dữ liệu trước khi đi sâu thêm để có cảm nhận chung về nội dung và quy trình. Chúng ta nhảy cóc từ phần này sang phần khác, khơi dậy các lĩnh vực quan tâm khác nhau để tìm hiểu về chúng.

Khi đã quen với cách đọc này, ta sẽ thấy mỗi cuốn sách mang một đặc điểm. Thay vì là nguồn thông tin một chiều – từ tác giả tới độc giả – sách đã trở thành nguồn tài liệu mang tính tương tác nhờ có phương pháp học tự định hướng.

Nhưng đối với phần lớn các sách mà nhiều người trong chúng ta đọc để lấy thông tin và tri thức thì phương pháp đọc lấy thông tin này thích hợp hơn là đọc từ đầu đến cuối cuốn sách. Thay vì sự tẻ ngắt đi theo sở thích của các tác giả thể hiện trong những thông tin mà họ đưa ra, chúng ta có thể tìm kiếm những mẩu thông tin nhỏ lý thú mà chúng ta cần để đạt được mục tiêu.

Bài tập dưới đây, do Giáo sư Robert Smith ở Đại học Bắc Illinois phát triển cho khóa học đầu tiên về phương pháp học, sẽ giúp bạn thực hiện điều này.

♦ ♦ ♦ ♦

Đọc lấy thông tin

Bạn cần thông tin từ một cuốn sách mà bạn chưa đọc, hãy đọc bìa, mục lục, một số thông tin mở đầu (lời tựa, lời nói đầu, giới thiệu), phụ lục:

1. Mở trang đầu và đọc xem nhà xuất bản viết gì về cuốn sách.

2. Giở ngược lại và đọc xem nhà xuất bản nói gì về tác giả và trình độ chuyên môn của họ để viết một cuốn sách như vậy.

3. Chuyển qua phần mở đầu (lời tựa, lời nói đầu, phần giới thiệu) và đọc xem tác giả hay người biên tập muốn hướng tới điều gì trong cuốn sách.

4. Mở phần mục lục xem tác giả đã tổ chức thông tin thành từng phần, từng chương, hay các phần nhỏ hơn như thế nào.

5. Giở qua cuốn sách, lướt nhanh hay đọc nhanh một đoạn, một tiêu đề thu hút sự chú ý của bạn. Cố gắng nắm được tinh thần chung của cuốn sách.

6. Đặt cuốn sách xuống và viết ba câu hỏi liên quan đến vấn đề bạn thấy tò mò sau lần xem qua đầu tiên này.

7. Tiếp theo, xem xét câu hỏi đầu tiên và tìm trong đó một từ hoặc một cụm từ khóa mà bạn nghĩ có thể có trong phần phụ lục. Mở phần phụ lục và tìm kiếm từ khóa; nếu bạn không tìm thấy, thử tìm một từ đồng nghĩa. Nếu cũng không có từ đồng nghĩa, hãy xem phần mục lục có thể dẫn bạn đến phần có câu trả lời cho câu hỏi của mình.

8. Bây giờ lật sách đến phần liên quan đến câu hỏi của bạn và tìm câu trả lời. Nếu tác giả chỉ dẫn đến một phần khác trong cuốn sách, theo chỉ dẫn này cho đến khi có được đầy đủ thông tin liên quan đến câu hỏi.

9. Áp dụng quá trình tương tự đối với câu hỏi thứ hai và thứ ba.

Câu hỏi

1. Bạn cảm thấy khác biệt gì khi coi sách như một nguồn tài nguyên để học với cách bạn vẫn thường cảm nhận về sách?

2. Có khác biệt gì về chất lượng thông tin mà bạn thu được?

♦ ♦ ♦ ♦

Điểm cơ bản của bài tập này là phát hiện khi bạn đặt ba câu hỏi. Đó không phải là sau khi bạn đã đọc toàn bộ cuốn sách từ trang này sang trang khác. Thay vào đó, bạn mới chỉ lướt qua nội dung cuốn sách lần đầu tiên. Khi đó bạn đã có thể dễ dàng xác định cuốn sách này có hữu ích cho bạn hay không – có nghĩa là tác giả có nói về điều gì quan trọng liên quan tới điều mà bạn muốn tìm hiểu hay không. Nếu không, bạn không cần thiết phải đọc thêm nữa.

Tuy nhiên, có điều thú vị là nếu bạn đã có một cái nhìn tổng quan về vấn đề mà bạn muốn tìm hiểu thì chỉ một lần đọc lướt qua như vậy cũng có thể gợi cho bạn những câu hỏi cụ thể hơn mà có thể tìm được câu trả lời trong cuốn sách. Tất nhiên, cũng có nhiều thông tin khác trong cuốn sách đó ngoài những câu trả lời bạn cần, nhưng bạn sẽ quyết định mức độ phù hợp của những thông tin đó đối với nhu cầu của bạn. Có thể việc tìm kiếm phần trả lời cho ba câu hỏi đó sẽ dẫn bạn đến quyết định đọc toàn bộ cuốn sách. Mặt khác, có thể chỉ ba câu trả lời là toàn bộ những gì bạn cần ở cuốn sách đó, và bạn có thể chuyển sang đọc cuốn sách tiếp theo.

Bạn chọn cách sử dụng sách như thế nào là phụ thuộc vào bạn. Như bạn đã biết, điểm khác biệt cơ bản giữa phương pháp học tập đỉnh cao và cách học bạn từng được dạy trong nhà trường là với phương pháp học tập đỉnh cao: bạn có thể chọn bất cứ điều gì bạn muốn.

Đến lúc này, bạn đã biết thế nào là sử dụng sách như một nguồn tài nguyên trong việc học tập của cá nhân. Có một số kỹ năng nâng cao hơn có thể bạn muốn thử. Ví dụ, bạn có thể kiểm tra nội dung của cuốn sách giống như cách mà người ta thường tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu của máy tính bằng cách sử dụng từ khóa.

Tất nhiên, trong một cuốn sách những từ khóa thường được liệt kê trong phần Phụ lục. Thường thì những từ khóa đóng góp vào khoảng 15% nội dung của toàn bộ cuốn sách, 85% còn lại sẽ chỉ có từ một hai đến ba trang cho mỗi mục trong phụ lục. Bằng cách đọc phụ lục một cuốn sách, bạn sẽ có câu trả lời ngay cho những câu hỏi quan trọng dưới đây:

Mười vấn đề quan trọng nhất của cuốn sách là gì?

Trong số những vấn đề này, đâu là điểm xuất phát phù hợp với vốn hiểu biết sẵn có của tôi?

Vấn đề nào được đề cập hoàn toàn mới đối với tôi, và những vấn đề ấy có hấp dẫn và hữu ích hay không?

Đáp ứng những vấn đề trên, và phù hợp với mục tiêu học tập của tôi, liệu tôi có đủ lý do để tiếp tục đọc cuốn sách này hay tôi nên tìm thông tin thêm nữa?

Để tóm tắt về giá trị của kỹ năng đọc lấy thông tin, hoàn toàn có thể nói:

Đọc lướt nhanh qua phần miêu tả, giới thiệu, mục lục, phụ lục của một cuốn sách cho bạn cảm nhận ngay liệu cuốn sách này có đáp ứng được mục tiêu học tập mà bạn đặt ra hay không. Nếu cuốn sách không giúp bạn đạt được mục tiêu đề ra, chắc chắn bạn có thể bỏ qua cuốn sách đó.

Nếu sau khi đọc lướt, trong đầu bạn nảy ra câu hỏi bạn muốn tìm câu trả lời, bạn có thể chỉ đọc những phần trong cuốn sách có câu trả lời (và bất cứ chỉ dẫn tham khảo cần thiết nào để hiểu vấn đề), và tiếp tục với nguồn tài liệu học tập khác. Không phải tự trách mình vì chưa đọc hết cuốn sách – không ai kiểm tra bạn về việc đó!

Phân tích phụ lục một cuốn sách có thể giúp bạn quyết định có nên tiếp tục dành thời gian vào cuốn sách đó hay không và đâu là điểm bắt đầu tốt nhất đối với bạn. Không phải e ngại “cảnh sát giám sát đọc sách” sẽ bắt bạn nếu bạn không từ trang đầu tiên.

Biến mọi trải nghiệm thành cơ hội học tập

Một số người đã xây dựng được phương pháp học từ những sự kiện trong cuộc sống một cách có hệ thống. Thường thì điều tốt nhất chúng ta làm là cố gắng tỉnh táo theo dõi những gì đang diễn ra suốt khoảng thời gian đó, và rồi nghiệm lại – nếu bạn có thời gian để làm như vậy. Kết quả là bạn không thu được đầy đủ giá trị giáo dục từ nhiều kinh nghiệm cuộc sống có ý nghĩa nhất. Có một kỹ năng đơn giản giúp chúng ta học từ những sự kiện trong cuộc sống tốt hơn. Kỹ năng “Khám phá theo mô hình chữ V” giúp chúng ta có thể:

Xác định những sự kiện sắp tới mà chúng ta muốn thu được gì từ đó.

Sắp xếp những kiến thức và hiểu biết của bạn có để có thể sử dụng trong thời gian sắp tới.

Đặt ra những câu hỏi hữu ích, thú vị, và hiệu quả mà bạn muốn tìm câu trả lời bằng cách học từ những kinh nghiệm trong cuộc sống.

Dự kiến hành động của bạn để những sự kiện trong cuộc sống cho bạn câu trả lời mà bạn tìm kiếm.

Sơ đồ trên là sự đơn giản hóa và có sửa đổi của tôi dựa trên sơ đồ mà Joseph Novak và Bob Gorwin đưa ra căn cứ theo nhu cầu của người học lớn tuổi.

Kỹ năng này cung cấp khung, giúp bạn tư duy sáng tạo về điều mà bạn học từ sự kiện sắp xảy ra. Bạn tìm cách đặt câu hỏi hay hành động để có được những kiến thức hay tri thức bạn cần. Bạn có thể dùng kỹ năng này để học trong buổi hội thảo mà bạn sẽ phải ngồi nghe trong hai tiếng sắp tới, hay từ vai trò như thành viên của ban hội thẩm trong ba tuần tới.

Những thông tin mà một sinh viên trong nhóm của tôi đã ghi lại về hoạt động này là: bộ phim kinh điển Twelve angry men (12 người đàn ông nổi giận), một cuốn sách giáo khoa về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ mà cô ấy đã học ở trường đại học, một bài báo trên tạp chí về vai trò của hội thẩm đoàn trong phiên tòa đáng chú ý gần đây, một số nguyên tắc mà cô đã học về việc thể hiện vai trò lãnh đạo như thế nào trong một nhóm nhỏ, và cảm nhận của cô về ảnh hưởng của việc này đối với gia đình và nghề nghiệp của cô. Mỗi mẩu kiến thức hay cảm nhận được ghi lại tạo cơ sở thuận lợi cho việc thu lượm nhiều thông tin hơn từ kinh nghiệm thực tế của một hội thẩm đoàn.

Đó chính là điểm trọng tâm nhắm tới. Khi bạn đã xác định được bạn đã biết gì và cảm nhận được gì (bên trái mô hình chữ V) và quyết định bạn muốn học gì từ sự kiện này, bạn sẽ đặt ra những câu hỏi mà bạn muốn tìm câu trả lời.

Sau khi đã xác định những câu hỏi của riêng bạn, chuyển sang bên phải của hình chữ V và viết ra danh sách những hành động của bạn để lấy thông tin bạn muốn tìm kiếm. Ví dụ, bạn có thể đọc trước một số tài liệu, hay thậm chí là xem lại bộ phim Twelve angry men. Hay bạn có thể theo dõi hành vi của những người khác trong hội thẩm đoàn để xem ai ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định của người khác. Hay có thể bạn muốn thảo luận trước với những người khác về kinh nghiệm làm hội thẩm viên của chính họ.

Đôi khi quá trình chuẩn bị sẽ làm bạn nghĩ lại về câu hỏi trọng tâm. Thường thì bạn sẽ nhớ lại một số kinh nghiệm liên quan mà bạn đã quên liệt kê lúc đầu, hay bạn có thể nghĩ ra một số thông tin mới để tìm kiếm trong và sau sự kiện đó. Đặc điểm cơ bản của kỹ năng này là bất cứ trải nghiệm nào mà bạn áp dụng kỹ năng “Khám phá theo mô hình chữ V” là trải nghiệm mà trong đó bạn chủ động tham gia vào quá trình học tập ở mức cao nhất có thể.

TRONG QUÁ TRÌNH HỌC

Khi bạn học – dù bạn đọc, nghe, hay thảo luận – bạn cũng không nên thụ động cố gắng tiếp thu các thông tin. Thay vào đó bạn nên chủ động. Bạn nên tự đưa ra những câu hỏi cho bản thân mình, tổ chức những thông tin thu được phù hợp với sở thích, mục tiêu học tập, và nhu cầu của bạn.

Hai kỹ năng tốt nhất làm đầu óc bạn hoạt động khi học tập mà tôi biết là lập bản đồ tư duy và đặt câu hỏi khám phá

Lập bản đồ tư duy

Lập bản đồ tư duy sẽ đặc biệt lôi cuốn đối với những người có khả năng tư duy hình ảnh cao. Những người này thường cảm thấy như có gì thúc bách mình phải phác thảo các chủ đề theo trật tự tuyến tính, đề tài này nối tiếp đề tài kia. Cũng giống như những người có lối tư duy tổng hợp, họ thích có một cái nhìn khái quát phức tạp với những nhánh theo nhiều hướng. Tuy nhiên, lập bản đồ tư duy là một kỹ năng khá đơn giản để những người có lối tư duy khác cũng dễ dàng sử dụng, và do đó, đây là phương pháp hay để điều chỉnh cách học của chúng ta theo hướng tổng hợp hình ảnh. Thậm chí nếu sở thích của bạn là ngôn ngữ hay toán học chuyên sâu, bạn cũng có thể thấy rằng lập bản đồ tư duy là một phương pháp hấp dẫn có thể lựa chọn để xem xét các thông tin và ý tưởng.

Lập bản đồ tư duy được Tony Buzan, một giáo viên phương pháp học hàng đầu người Anh, phổ biến rộng rãi lần đầu tiên trong tác phẩm Use both sides of your brain (Hãy sử dụng cả hai bán cầu não). Gabriele Rico, trong cuốn sách Writing the natural way (Phương pháp viết tự nhiên), đã tiên phong trong việc sử dụng kỹ năng này để làm nghiệp viết dễ dàng và thú vị hơn; bà gọi đó là tổng hợp lại. Ý tưởng này đã được Charle Hess và Carol Colman, Anne Robinson, và Dubley Lynch ứng dụng, cho ra đời những ý tưởng, giải pháp trong kinh doanh và công nghiệp. Họ coi những bản đồ tư duy là mạng lưới não bộ. Với một số sửa đổi bổ sung, kỹ năng này đã được nhiều nhà giáo dục gợi ý trong việc dạy thanh niên tại các trường học.

Lập bản đồ tư duy cũng phù hợp đối với việc học nâng cao: một trong những bản đồ tư duy đáng ngạc nhiên nhất trong bộ sưu tập cá nhân của tôi là đã sắp xếp mối liên hệ giữa những nhà tư tưởng lớn trong nền văn minh đương đại. Do Mauric Stein và Larry Miller ở Đại học California tại Santa Cruz tạo ra, tấm bản đồ khổng lồ liên kết các nhân vật như Sigmund Freud, Karl Marx, và Charles Darwin với những nhân vật gần đây như Herbert Marcuse, và Marshall McLuhan. Ví dụ dưới đây là một bản đồ tư duy về các khái niệm trong kinh tế học của Tony Buzan, một sinh viên người Anh.

Thoạt nhìn trông bản đồ này thật rối rắm, các nhánh mũi tên, lẫn lộn với những ghi chú. Nhưng khi xem xét kỹ, bạn sẽ thấy bản đồ này dễ hiểu hơn. Điểm bắt đầu là ở trung tâm của bản đồ, cũng là điểm bạn sẽ bắt đầu với bản đồ tư duy của riêng bạn ngay sau đây. Vòng tròn trung tâm, được ghi chú là điểm bản đồ này bắt đầu.

Từ trung tâm ta thấy một loạt các nhánh được đánh dấu với từng khái niệm riêng và không theo trật tự nhất định nào. Đó là những thuật ngữ đầu tiên mà người sinh viên này nghĩ đến khi nhắc đến kinh tế học. Không có quy định nào buộc danh sách này phải đầy đủ hay chính xác về mặt lý thuyết; suy cho cùng đó chỉ là bản đồ của cá nhân người sinh viên này. Một số ý phụ làm tăng số nhánh cây, một số khác thì không – hơn nữa số lượng và sự phân bố của thông tin phụ thuộc vào người lập bản đồ. Anh ta hoàn toàn có thể xem lại và vẽ thêm các nhánh mới ở bất cứ vị trí nào. Cuối cùng, các mũi tên bao quanh thể hiện mối liên hệ giữa các nhánh khác nhau mà sinh viên này muốn nhấn mạnh.

Một số người sẽ thắc mắc tại sao lập bản đồ tư duy lại có hiệu quả hơn viết đề cương thông thường mà tất cả chúng ta được học ở trường. Có vài lý do cho thấy tại sao kỹ năng này lại hiệu quả hơn và thú vị hơn đối với hầu hết mọi người.

Kỹ năng này thường được định hướng theo mô hình, và do đó giúp kích hoạt thêm những khu vực khác của bộ não phục vụ việc học tập của chúng ta.

Kỹ năng này không hạn chế những bổ sung sáng tạo tại bất cứ vị trí nào, do đó thúc đẩy chúng ta nghĩ về nhiều hướng hơn chứ không chỉ đơn giản là trước và sau.

Kỹ năng này cho phép chúng ta sử dụng màu sắc và mô hình giúp chúng ta ghi nhớ dễ dàng hơn.

Kỹ năng này còn cho phép chúng ta thấy được mối liên hệ giữa các vấn đề khác xa nhau của chủ đề (bởi vì tất cả chúng đều nằm trên một trang giấy).

Bài tập dưới đây sẽ hướng dẫn bạn lập ra một bản đồ tư duy.

♦ ♦ ♦ ♦

Lập bản đồ tư duy về vấn đề bạn quan tâm

Phát triển bản đồ tư duy về một ý tưởng, vấn đề, bài toán, hay tình trạng bạn đang quan tâm. Lĩnh vực bạn chú ý đến có thể là một bài toán trong kinh doanh, hay một chủ đề bạn đang học ở trường hay chỉ là vấn đề của riêng bạn.

Để bắt đầu lập bản đồ tư duy, hãy viết từ khóa của vấn đề mà bạn muốn tìm hiểu vào trong một hình oval ở trung tâm của trang giấy có kích thước khoảng 20x27cm hoặc rộng hơn (càng rộng càng tốt). Trong các nhóm học tập theo phương pháp học tập đỉnh cao, các thành viên sẽ làm việc trên những trang giấy có kích cỡ bằng các hình minh họa dùng trong thuyết trình (khoảng 67x85cm). Ban đầu, họ cảm thấy nản lòng khi nhìn thấy kích cỡ của trang giấy, nhưng ngay khi bắt đầu, họ thấy là họ có nhiều ý tưởng đến nỗi khó có thể ghi tất cả lên trang giấy. Hãy viết bằng bút chì vì như vậy bạn có thể dễ dàng tẩy xoá hay thay thế các mục mà bạn tìm thấy từ diễn đạt ý của mình chính xác hơn.

Bây giờ, bắt đầu tạo ra các nhánh tới những hình oval khác để thể hiện các ý nhỏ hơn. (Ban đầu,việc đọc ghi chú của các ý phụ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng được ghi trong các hình oval riêng thay vì chỉ đơn giản ghi trên các nhánh như đã thấy ở ví dụ trước ). Thông thường điều này sẽ giúp sắp xếp các ý phụ mà bạn nghĩ ra liên hệ chặt chẽ nhất tới khái niệm trung tâm như là các nhánh trực tiếp của khái niệm này; ý ít quan trọng hơn sau đó phân nhánh từ các ý phụ trên. Tuy nhiên, đừng lo lắng về việc bạn có chắc chắn một ý nào đó có quan trọng hay không – lúc nào bạn cũng có thể tẩy, di chuyển ý đó ra lề, và cho thêm những ý mới và quan trọng hơn vào trong hình oval đó, đồng thời tạo ra các khoảng trống cho hình oval mới mà bạn nghĩ ra sau đó.

Mỗi khi bạn tạo ra một hình oval tương ứng với một ý mà bạn quan tâm, hãy thêm vào các nhánh xung quanh nó để thể hiện các ý có liên quan. Đây có thể là những ví dụ cụ thể, thảm khảo, hoặc những ý suy ra từ ý phụ. Lưu ý rằng trong một số trường hợp bản thân những nhánh này cũng tạo ra những nhánh khác, như ở góc phía dưới bên phải trong ví dụ trên của chúng ta. Ta có thể thấy từ “cạnh tranh” dẫn đến “không hoàn hảo” tiếp đến “độc quyền”, từ đó chia ra các nhánh nhỏ hơn là “liên doanh”“tiếp quản”.

Như bạn có thể thấy, những quy tắc lập bản đồ tư duy có thể linh động, điểm chính là tạo ra và thể hiện được ý tưởng của bạn theo cách của riêng bạn, phản ánh hình ảnh của riêng bạn về những ý bạn đang phác thảo. Sử dụng bất cứ nguồn hay phương pháp nào thu hút bạn.

Tôi thích dùng bút chì có từ 3 đến 5 màu (hay bút dạ) khi lập một bản đồ tư duy nhóm hay khi tôi muốn chia các nhánh thành các loại khác nhau. Ví dụ, tôi có thể sử dụng một màu cho tất cả những tác giả đã viết về đề tài của tôi, một màu khác cho các ý phụ rút ra từ kinh nghiệm bản thân, và màu thứ ba cho các ý liên kết tôi cần nghiên cứu.

Tự do sử dụng các hình ký hiệu giống như những ký hiệu trong phương pháp tốc ký. Bạn có thể sử dụng biểu tượng bộ não để thể hiện tất cả các cách thức mà trong đó các chức năng của não liên quan tới ý tưởng của bạn, hay vẽ hình một cuốn sách cạnh một cái tên để thể hiện nguồn tài liệu tham khảo. Bạn có thể tạo ra những ký hiệu đặc biệt để thể hiện cách cảm nhận của bạn về những ý khác nhau với những từ khóa của riêng bạn. Ví dụ như lợi ích và những ứng dụng hứa hẹn có thể ký hiệu bằng một khuôn mặt cười, một mặt trời đang mọc, một bóng đèn, hoặc ký hiệu đô-la. Các điểm nguy hiểm hay nghi ngờ được thể hiện bằng một dấu hỏi, mũi tên đi xuống, hay ký hiệu nguy hiểm (một hộp sọ và hai xương chéo).

♦ ♦ ♦ ♦

Đừng ngạc nhiên nếu bản đồ tư duy này dẫn đến một bản đồ khác. Việc này thường xảy ra khi bạn cảm thấy một trong số các oval của mình trở nên rất quan trọng. Từ oval đó rẽ ra nhiều nhánh, nhiều trong số đó là những ý quan trọng tự tạo ra những nhánh riêng cho mình, và mọi việc dường như đã ngoài tầm kiểm soát! Đó là thời điểm bắt đầu một bản đồ khác, với tâm là ý phụ của bản đồ gốc.

Đương nhiên, bạn phải lập một số bản đồ tư duy để có được cảm giác về quá trình trước khi nó đến một cách tự nhiên. Bạn có một sự kiện thú vị để mong đợi. Đỉnh cao sáng tạo của kỹ năng lập bản đồ tư duy, tức là tại điểm thành công nhất, thực tế cho nhiều thông tin hơn điểm bạn bắt đầu! Bạn có thể thấy rằng, khi các ý liên kết đã tràn ra toàn trang giấy, tỏa ra các hướng từ oval ở tâm, bạn có thể đột nhiên nảy ra một ý tưởng nào đó mà bạn chưa từng nghĩ đến trước đó.

Đây chính là thời điểm mà Rico đã khuyên sinh viên của mình bắt đầu viết một đoạn tóm tắt ngắn gọn miêu tả hình ảnh nào vừa diễn ra.

Ở đây, hãy chú ý điều gì đang diễn ra. Chúng ta bắt đầu với một chủ đề – bất cứ vấn đề gì mà chúng ta quyết định sẽ tìm hiểu. Chúng ta đã thu thập được một số thông tin về vấn đề này bằng cách nào đó. Bằng kỹ năng lập bản đồ tư duy hay tổng hợp, mỗi chúng ta tạo ra cho mình một mô hình, một mạng lưới thể hiện cách thức những mảnh vụn kiến thức khác nhau liên quan tới nhau. Sau khi khoảnh khắc đó đến, chúng ta quay trở lại với lối tư duy ngôn ngữ thông thường và viết một đoạn tóm tắt thể hiện cái nhìn mới.

Chúng ta đã chủ động sử dụng nhiều hơn khả năng của bộ não để tạo ra mối liên hệ giúp chúng ta học tập. Bằng cách nào?

Bây giờ chúng ta đã có thể tiếp cận thông tin mới theo một số hướng. Ta có thể sử dụng hình ảnh của bản đồ, và bất cứ bản đồ phát sinh nào mà ta tạo ra như tấm bản đồ bằng chữ viết gợi nhớ cho ta về tổng thể miền đất mà chúng ta vừa đi qua. Danh sách các khái niệm được sử dụng trong bản đồ có thể cung cấp cho bạn những từ khóa để định hướng tìm kiếm thêm nguồn tài liệu (mà có thể sử dụng, ví dụ như kiểm tra phụ lục của một cuốn sách).

Mô hình này cũng có thể giúp chúng ta tổ chức dữ liệu theo cách phù hợp hơn đối với một đề cương hay một báo cáo thông thường, giúp cho đoạn tóm tắt của chúng ta phù hợp và chính xác hơn. Nếu bạn muốn viết những gì học được dưới dạng một bài luận, thì một đoạn văn tóm tắt có thể sẽ dễ hiểu cho người khác hơn là một bản đồ tư duy của cá nhân bạn.

Bạn sẽ thấy lập bản đồ tư duy hữu ích khi bạn:

Chuẩn bị một bài báo hay bài phát biểu, giống như dạng thay thế cho đề cương thông thường;

Ghi chép trong khi đọc, nghe giảng, học nhóm, tham dự hội thảo, hội họp, hay xem phim tài liệu;

Thể hiện những kiến thức, ý tưởng, cảm nhận của bạn về vấn đề mới;

Tóm tắt hoặc gợi lại những gì bạn đã biết về một vấn đề cho đến giờ;

Tạo ra những ý tưởng mới về những bài toán, tình huống, hay vấn đề mà bạn quan tâm; và:

Nghĩ ra ứng dụng của khái niệm mới mà bạn

vừa biết.

Câu hỏi khám phá

Câu hỏi khám phá là những ý tưởng và câu hỏi bạn phát triển trong quá trình học tập trước khi bạn biết nhiều về bất cứ lĩnh vực mới nào. Ý tưởng về câu hỏi khám phá gây tranh cãi với hầu hết mọi người, vì tất cả chúng ta đều học ở trường là trong bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta cần học hỏi trước khi chúng ta có thể nghĩ đến việc đóng góp ý kiến riêng của mình. Ngược lại, bạn có thể và nên bắt đầu với những ý tưởng của riêng bạn ngay từ đầu bởi hai lý do. Trước tiên, những ý tưởng này có thể giúp bạn tìm hiểu vấn đề bằng cách giữ cho bạn luôn chủ động tập trung vào vấn đề bạn đang học.

Lý do đó cũng đã đủ để chúng ta nên có những ý tưởng ngay từ đầu, nhưng còn một lý do thứ hai thậm chí còn quan trọng hơn là: đôi khi, một trong số những câu hỏi khám phá trước đó về lĩnh vực mới mẻ sẽ chứa đựng cách nhìn mà bạn có thể đánh mất nếu bạn đợi cho đến khi biết nhiều hơn.

Điều này gọi là hiệu ứng bắt đầu, khái niệm này đã được Michael Hutchinson định nghĩa trong cuốn Megabrain của ông. Hutchinson đã chỉ ra sự tiếp xúc lần đầu tiên của một người đối với lĩnh vực mới sẽ gây ra những thay đổi về hóa học trong não. Ông trích dẫn tần số xuất hiện của “những bông hoa nở muộn”, đó là những người có đóng góp đầu tiên cho một lĩnh vực, thậm chí trong khoa học, lĩnh vực mà thông thường là phát hiện quý giá nhất thường xuất hiện trong giai đoạn đầu sự nghiệp của một cá nhân.

Hutchinson viết: “Chịu tác động do mớ rào cản của những sự kiện, những kích thích, bộ não buộc phải phát triển, tạo ra các liên kết không rõ ràng, thúc đẩy các chuỗi phản ứng hóa học mới, giữ độ mềm dẻo, nhìn thế giới với con mắt trẻ trung”. Sự mới mẻ, trẻ trung đó nằm ở nguồn gốc của nhận thức, điều đó không thể đến với ai đã đắm mình trong cùng một lĩnh vực trong suốt 20 năm.

Một phương pháp sử dụng câu hỏi khám phá để học có hiệu quả hơn là chủ động tập trung vào tài liệu học tập. Não của bạn xử lý nhanh hơn tốc độ đọc của bạn – và nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ nói của bất cứ giảng viên nào. Bộ não luôn thích được bận rộn. Do đó, sau khi lĩnh hội được vấn đề đang được truyền tải, bộ não nhìn quanh để tìm việc khác nữa mà làm. Kết quả là dẫn đến sự mất tập trung. Dần dần, bạn có thể nổi cáu bởi sự chênh lệch giữa tốc độ tiếp thu của bạn và tốc độ thông tin được truyền đạt, sự khác biệt đó đã làm bạn không biết mình đang đọc gì hay nghe gì.

Phương thuốc hữu hiệu là buộc bộ não của bạn làm việc một cách hữu ích. Hãy cho bộ não cái gì đó để nghiền ngẫm giúp bạn giữ tập trung, để kích hoạt những phản ứng sáng tạo của riêng bạn, hay nhảy vọt lên phía trước. Tôi gọi những bước nhảy đó là câu hỏi khám phá.

Xem xét việc đặt các câu hỏi khám phá bất cứ khi nào bạn cảm thấy những lý lẽ đưa ra hơi quá chậm đối với bạn. Hãy bắt đầu không chỉ đơn giản là việc ghi chép lại những gì bạn đang được truyền đạt hay đọc; thay vào đó, hãy bắt đầu ghi lại cả những gì xảy ra tiếp đó. Đoán xem người nói hay người viết muốn đưa ta đến cái gì. Tôi gọi những ghi chép này là tiền ghi chú – những ghi chép được thực hiện trước khi bạn tiếp xúc với tài liệu.

Sau đó, khi bạn đã đọc hết văn bản, cân nhắc xem bạn cần phải sửa đổi giả định của mình như thế nào dưới “ánh sáng” của những gì bạn đang đọc. Thực tế, bạn đã trở thành người đồng sáng tạo với tác giả. Bạn tiếp thu những điều tác giả nói đồng thời tìm hiểu những ý kiến, những lời giải thích của riêng mình. Kết quả dẫn đến một cuộc đối thoại, thảo luận chủ động, hấp dẫn, thú vị, thoải mái hơn nhiều so với việc tiếp thu thụ động các thông tin được đưa ra.

Câu hỏi khám phá là một công cụ học tập hữu hiệu đến mức các tác giả thường sử dụng kỹ năng này khi viết. Một tác giả thường đặt ra các giả định ban đầu, thể hiện dưới dạng một giả thuyết, rồi kiểm chứng xem giả thuyết này đứng vững đến mức độ nào.

Vì vậy, Perkin đã mở đầu một chương bằng giả định đơn giản: “Chắc hẳn phải có gì đặc biệt trong quá trình tư duy để dẫn đến khám phá”. Ông giải thích tại sao đây là giả định đáng để tìm hiểu: “Những tác động đặc biệt như khoảnh khắc khám phá hẳn phải liên quan tới những phương pháp đặc biệt”.

Phần sau của chương này, Perkins cho thấy khám phá sáng tạo có thể được giải thích đầy đủ bằng các quá trình tư duy khá bình thường như phương pháp nhớ và nhận biết. Ở đoạn cuối của chương, ông đã xem xét lại giả định ban đầu của ông. Ông nhận ra rằng, nếu có điều gì đó đặc biệt trong quá trình tư duy dẫn đến khám phá, thì đó không phải là các hoạt động khác thường, giấu kín của các phương thức đặc biệt hay vô thức trong chức năng bộ não như chúng ta thường nghĩ. Sau đó ông đưa ra giả định sửa đổi:

Giả định sửa đổi: Khám phá không phụ thuộc vào các quá trình đặc biệt mà phụ thuộc vào các mục đích đặc biệt. Sự sáng tạo xuất hiện khi quá trình tư duy thông thường của một cá nhân có năng lực được đưa dẫn bằng các mục đích sáng tạo hoặc “vô lý” một cách hợp lý.

Câu hỏi khám phá cũng có thể được phát triển dựa trên những kiến thức hoặc nhận thức từ trước của bạn về vấn đề bạn đang nghiên cứu. Khi bạn thể hiện những kiến thức này qua bản đồ tư duy hoặc mô hình chữ V, bạn có thể thấy nhiều cách thành lập hoặc tái lập câu hỏi trọng tâm. Bạn có thể sử dụng câu hỏi khám phá để kiểm tra những câu hỏi này trong quá trình nghiên cứu. Bài tập dưới đây sẽ phát triển câu hỏi khám phá của riêng bạn.

♦ ♦ ♦ ♦

Phát triển câu hỏi khám phá

Bài tập này gồm hai phần. Phần đầu, bạn đọc kỹ đoạn văn ví dụ và giải thích bạn sử dụng những bước nào để dẫn dắt câu hỏi khám phá đến mục tiêu tác giả muốn hướng tới. Phần thứ hai, bạn xem lại một số hướng dẫn bạn có thể sử dụng trong đoạn văn bạn tự chọn.

PHẦN 1

Đoạn ví dụ dưới đây được trích từ chương Role playing (Nhập vai) trong cuốn Six thinking hats (Sáu chiếc mũ tư duy) của Edward de Bono. Chúng ta sẽ trở lại với cuốn sách này vào chương sau. Đọc hai đoạn văn dưới đây:

Người ta sẽ không ngại hành động một cách ngớ ngẩn chỉ trong trường hợp họ đang diễn kịch. Thậm chí, họ còn tự hào khi thể hiện tốt điều đó, thậm chí khi đóng vai một thằng hề ngớ ngẩn. Điều đó bây giờ trở thành thước đo của thành công và mức độ xuất sắc. Khi diễn xuất, lúc đó, cái “tôi” cá nhân là người chỉ đạo diễn xuất.

Một trong những vấn đề đối với Thiền Tông, một phái của Phật Giáo, đó là càng cố gắng để quên đi cái “tôi” cá nhân thì sự hiện diện của nó lại càng rõ ràng hơn. Một kiểu diễn viên quên đi cái “tôi” của mình và đón nhận cái “tôi” của nhân vật (phương pháp diễn xuất). Một kiểu diễn viên khác tự chỉ đạo diễn xuất của mình. Cả hai nhóm đều là những diễn viên tốt. Cả hai đều đang cho cái “tôi” của mình “đi nghỉ”. Một bên thì đi nghỉ ở nước ngoài, một bên thì nghỉ ở trong nước.

Bây giờ hãy mở sang một trang mới trong cuốn nhật ký học tập của bạn và đặt câu hỏi khám phá. Những câu hỏi đầu tiên của bạn có thể là: “Tác giả này đang nói về vấn đề gì?”. Có phải là về một tên ngốc? Về những vấn đề của Thiền Tông? Về các kiểu diễn xuất? hay về vai trò của cái “tôi”?

Khi bạn cảm thấy mình đã có câu trả lời đúng, hãy đoán thử xem nó sẽ dẫn đến đâu. Nó liên quan như thế nào tới các kiểu tư duy, mà dường như là chủ đề của cuốn sách? Dưới đây là một số khả năng, nhưng trước hết hãy dành ra vài phút để nghĩ câu trả lời của riêng bạn.

Ông sẽ chứng minh rằng cái “tôi” có liên quan đến cách tư duy.

Ông muốn chỉ ra rằng có nhiều cách phát triển cái “tôi” trong diễn xuất.

Ông đang cố gắng thuyết phục chúng ta rằng nhập vai là một quá trình, trong đó chúng ta đánh giá diễn xuất của mình theo một cách khác hơn là việc chúng ta cảm thấy chính mình đang bị đánh giá.

Bây giờ thì gấp cuốn sách lại và nghĩ đến câu hỏi khám phá và câu trả lời của cá nhân bạn. Khi đã sẵn sàng, quay trở lại phần này và đọc hai đoạn văn tiếp theo.

Đóng vai một người khác cho phép cái “tôi” được vượt ra khỏi hình ảnh bó hẹp hàng ngày. Diễn viên thường khá nhút nhát trong cuộc sống đời thường. Nhưng vai diễn đã cho họ sự tự tin. Chúng ta cảm thấy khó khăn khi thấy chính bản thân mình ngốc nghếch, tội lỗi, hay tinh ranh hơn. Với một vai diễn được xác định rõ ràng, chúng ta có thể vui vẻ diễn với kỹ năng diễn xuất của mình thay vì làm hỏng cái “tôi”. Có danh tiếng, bạn sẽ được xem là một diễn viên tài năng.

Không có vỏ bọc của một vai diễn chính thức, cái “tôi” có thể gặp nguy hiểm. Đó là lý do tại sao những người bình thường lại đòi đóng vai những người thích chống đối khi họ muốn phủ nhận. Điều đó ngụ ý rằng bình thường họ không tiêu cực, nhưng sẽ tốt hơn nếu có ai đóng vai này, và rằng họ có xu hướng diễn vai này rất tốt…

Câu hỏi khám phá của bạn phù hợp với phần tiếp theo này đến mức nào? Rõ ràng là de Bono đang nói nhiều hơn là chỉ đơn giản “cái ‘tôi’ liên quan đến tư duy.” Đoạn văn trên đã giải thích thêm tại sao đóng kịch lại là một cách làm cho cái tôi cảm thấy an toàn. Thay vì cảm thấy có lỗi khi liên tục chỉ ra điều gì đó không đúng, người có suy nghĩ tiêu cực có thể cảm thấy tự hào vì đóng vai người thích chống đối bởi vì một người nào đó phải nhiệt tình và lạc quan lắm thì mới đoán trước được những lỗi khinh xuất.

Bây giờ bạn xem lại câu hỏi khám phá của mình. Bạn vẫn đang cố gắng hiểu mối quan hệ giữa nhập vai và cách chúng ta tư duy. Viết một số dự đoán vào nhật ký học tập của bạn. Dưới đây là một số khả năng.

Có thể de Bono muốn chúng ta tin rằng diễn viên là những người tư duy giỏi nhất.

Có lẽ ông sẽ nói với chúng ta rằng nhìn vào góc tối của bất cứ ý tưởng nào là một việc xấu, bởi vì những người thường nhìn vào góc tối chỉ coi vai diễn tiêu cực làm cái cớ để bào chữa cho mình.

Có lẽ đây là một kiểu nhập vai giống như trong bài tập ở Chương 3 về “Khơi dậy người học viên tiềm ẩn bên trong bạn” (Sử dụng kỹ năng Khám phá theo mô hình chữ V có thể giúp bạn nhớ lại bài tập này và kinh nghiệm có liên quan).

Bạn đã xem lại câu hỏi khám phá của mình, bây giờ hãy đọc một số đoạn cuối trong tác phẩm của de Bono.

Nhập vai một nhà tư tưởng theo nghĩa chung nhất là bước quan trọng để tiến tới trở thành một nhà tư tưởng. Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở đó bằng cách cắt nhỏ những vai diễn thành những phần tính cách cụ thể hơn. Những phần này sẽ trở thành những mảnh nhân vật trong một vở kịch câm, một vở opera trên truyền hình, hoặc là một bộ phim truyền thống của phương Tây…

Chiếc mũ tư duy khái quát được chia nhỏ thành sáu vai mang đặc điểm khác nhau, thể hiện bằng sáu chiếc mũ tư duy màu sắc khác nhau.

Bạn chọn bất cứ chiếc mũ nào và đội nó vào bất kỳ lúc nào. Bạn đội chiếc mũ nào thì sẽ đóng vai chiếc mũ đó quy định. Bạn xem chính bạn thể hiện vai đó. Bạn nhập vai đạt nhất mà bạn có thể. Cái tôi của bạn cũng được bảo vệ bằng vai diễn. Cái tôi của bạn được tham gia vào việc đóng vai…

Tư duy bây giờ bắt nguồn từ vai diễn chứ không phải từ cái tôi của bạn…

Bạn đã làm thế nào? Đây không phải là câu hỏi liệu những dự đoán của bạn về hướng đi của tác giả có đúng không – câu hỏi như vậy sẽ biến bài tập này thành một bài kiểm tra. Câu hỏi của tôi là liệu bạn có thu được nhiều từ tài liệu này khi tham gia tích cực vào vấn đề được đưa ra và chú ý rằng không chỉ những điều bạn đọc mà cả những điều trong các đoạn văn này bạn cảm thấy mới có thể bám theo. Tôi chắc rằng việc sử dụng câu hỏi khám phá sẽ làm phong phú kiến thức của chúng ta.

PHẦN 2

Trong phần hai của bài tập này, hãy tự chọn một đoạn văn cho mình, có thể là một bài xã luận trên báo hôm nay hay một cuốn sách bạn chuẩn bị đọc. Tiến hành tất cả các công việc ghi chú và tự xây dựng mô hình chữ V bạn cần trước khi đọc một đoạn mở đầu ngắn gọn của bài văn. Bây giờ thì dừng lại, lấy nhật ký học tập và bắt đầu nghĩ ra một số câu hỏi khám phá giống phần trên.

Mục đích của phần thứ nhất này là gì? Tác giả đang muốn nói điều gì?

Kiến thức hoặc kinh nghiệm của bạn về vấn đề này cho bạn suy đoán gì về điều mà tác giả muốn hướng tới?

Tác giả có đưa ra quan điểm về một số vấn đề hay không? Nếu có, chứng cứ hay lập luận nào tác giả sẽ đưa ra để chứng minh? Nếu chưa đưa ra một quan điểm rõ ràng nào, bạn nghĩ điều tác giả chuẩn bị đưa ra là gì? Và như thế nào?

Bạn muốn tác giả sẽ đưa ra thông tin gì liên quan đến chủ đề đang bàn trong phần tiếp theo? (Ai, cái gì, ở đâu, hay khi nào một việc gì đó sẽ xảy ra? Như thế nào hoặc tại sao tình huống đó lại trở nên như vậy?). Có thể mong đợi kết quả gì với vấn đề này?

Như bạn có thể thấy, mỗi mẫu câu hỏi khám phá chung này có thể tạo ra nhiều thông tin hơn, và tất cả đều chính xác đối với bất kỳ điều gì bạn đang đọc hoặc đang nghe. Thậm chí xem xét phần nhỏ câu hỏi khám phá bạn đưa ra cũng có thể giúp não bạn thoải mái khi chờ đợi những mẩu thông tin tiếp theo.

♦ ♦ ♦ ♦

Phần này gồm hai công cụ của phương pháp học tập đỉnh cao để chủ động tham gia vào vấn đề bạn đang tìm hiểu trong quá trình bạn tìm hiểu vấn đề này. Bản đồ tư duy giúp bạn xây dựng bức tranh về các mối quan hệ mà bạn thấy trong tài liệu trong khi câu hỏi dự đoán cho phép bạn dự đoán việc học tập của bạn sẽ đi đến đâu và sửa chữa nhận thức của bạn trong quá trình học tập. Bây giờ đã đến lúc chuyển sang những kỹ năng giúp bạn nhớ được những điều bạn đã học.

SAU KHI HỌC

Cho dù mục tiêu học tập của bạn có rõ ràng đến đâu, kế hoạch học tập của bạn phù hợp với phương pháp học của bạn như thế nào, và bạn ghi chép cũng như sắp xếp chúng cẩn thận ra sao thì sớm hay muộn tất cả chúng ta cũng phải nhớ một vài điều chúng ta từng học để sử dụng hiệu quả. Chúng ta có thể làm gì để tăng cường khả năng lưu giữ những điều mà chúng ta đang học hoặc vừa mới học?

Cải thiện trí nhớ

Tất cả chúng ta có khuynh hướng cảm thấy khó khăn khi ghi nhớ. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, hầu hết chúng ta đều phải nhớ những thứ tẻ nhạt, rời rạc, không quen thuộc như danh sách từ vựng, hay những công thức toán học. Lẽ tự nhiên, chúng ta cảm thấy khó khăn khi nhớ những thứ như vậy. Từ kinh nghiệm đó, chúng tôi khái quát hóa những khó khăn, khó chịu của quá trình ghi nhớ.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn khác với khi bạn đang làm việc với những thông tin bạn biết mình cần và những ý tưởng gây sự chú ý của bạn. Khi bạn sử dụng hướng tiếp cận và kỹ năng của phương pháp học tập đỉnh cao trong quá trình học tập tự định hướng của bạn, ghi nhớ trở nên dễ dàng không ngờ. Học theo phương pháp chủ động, cảm nhận nhiều chiều, phù hợp với mỗi cá nhân, bạn sẽ tiếp thu thông tin mà không cảm thấy căng thẳng. Những kỹ năng và chiến lược dưới đây có thể giúp những điều bạn học dễ nhớ hơn.

Lựa chọn mục tiêu cho bản thân bạn. Điều này bảo đảm rằng bạn biết tại sao bạn học và sử dụng ngay. Cái bạn đang học không phải là một đống những điều xa lạ mà bạn đang cố gắng nhồi nhét vào đầu. Sự quan tâm sâu sắc của bạn, tự nó, sẽ giúp bạn ghi nhớ dễ dàng hơn. Sự hiểu biết sâu của bạn về vấn đề sẽ củng cố hơn nữa khả năng ghi nhớ của bạn, và việc sử dụng ngay lập tức những kiến thức mới sẽ làm kiến thức đó không trôi mất.

Sử dụng kỹ năng để “kích hoạt” trí não của bạn. Điều này giúp làm sinh động những gì bạn đang học, biến nó dễ nhớ hơn và mang tính cá nhân hơn đối với bạn. Bạn đặt câu hỏi, trả lời một cách sáng tạo, và xử lý thông tin theo những cách khác nhau. Khi thực hiện điều này, bạn đang tự động lưu lại những thông tin theo hình thức đơn giản hơn, phong phú hơn, tự kết nối thông tin đó với những dữ liệu khác.

Ba phương pháp và kỹ năng khác của phương pháp học tập đỉnh cao đã nói ở trên cũng củng cố trí nhớ của bạn.

Học tập trong trạng thái sảng khoái. Như bạn đã thấy ở Chương 3, trạng thái học tập sảng khoái tránh bất kỳ sự cản trở hay lo lắng nào, do đó hãy mở rộng trí óc của bạn để đón nhận dữ liệu và tri thức, điều đó sẽ thúc đẩy khả năng ghi nhớ tối đa.

Đánh thức lòng nhiệt thành và tận tâm của bạn. Điều này sẽ khơi dậy những cảm xúc, tình cảm hỗ trợ cho việc học tập, vì vậy tài liệu mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Sử dụng phương pháp hiệu quả nhất của bạn. Điều này cho phép bạn tiếp cận việc học tập theo cách thoải mái và hiệu quả nhất đối với cá nhân bạn.

Kết quả của tất cả biện pháp này là cần ít nỗ lực hơn trong học tập, và học tập trở nên dễ dàng hơn. Thái độ và kỹ năng đúng sẽ mang lại sự thoải mái trong học tập. Theo nghĩa rộng, phương pháp học dễ dàng hơn là việc thay đổi quan điểm hạn chế của bản thân và tiếp thu những kỹ năng hiệu quả hơn”.

Tất nhiên, có một số trường hợp đặc biệt chúng ta cần tin tưởng vào chính trí nhớ của mình. Có thể bạn muốn nhớ tên của một số người bạn được giới thiệu tại một bữa tiệc hay một buổi họp mặt, hay bạn cần nhớ một danh mục được đọc liền một mạch trong khi bạn không thể ghi chép nổi. Hay có thể bạn muốn nhớ số thẻ tín dụng, điện thoại đường dài và những dãy số khác mà bạn hay sử dụng. Đây không phải một phần của kế hoạch học tập, và bạn không thể sử dụng hầu hết các chiến lược hay kỹ năng nói đến ở trên.

Liên tưởng. Trước tiên là liên tưởng giữa các dạng khác nhau. Bằng cách liên tưởng, bạn tập trung vào kết hợp những cái tên hay các số vô nghĩa với cái gì đó có nghĩa, nó sẽ giúp gợi lại những cái tên hay dãy số này trong đầu óc bạn.

Tony Buzan, người đã giới thiệu ở phần trước khi đề cập đến kỹ năng lập bản đồ tư duy, đã liệt kê một số nguyên tắc cơ bản để liên kết các dữ kiện dễ dàng hơn. Những nguyên tắc này bao gồm:

Sử dụng càng nhiều giác quan càng tốt. Tạo ra trong đầu những hình ảnh ba chiều, chuyển động, và nhiều màu sắc, bổ sung thêm âm thanh, giai điệu, cảm nhận bằng xúc giác, và thậm chí là hương thơm để kết hợp với điều bạn muốn nhớ. Viết, nói, vẽ, sờ, nghe – càng nhiều giác quan bạn sử dụng trong quá trình ghi nhớ điều gì, bạn sẽ gọi lại chúng càng rõ ràng hơn.

Tạo ra một dãy theo thứ tự hình ảnh liên tưởng cho chuỗi những điều bạn cần nhớ. Có thể bạn đơn giản chỉ đếm các mục hay sử dụng một biện pháp vẫn dùng đó là tưởng tượng mỗi mục ở vị trí cụ thể.

Sử dụng lối cường điệu, những điều ngớ ngẩn, hoặc thậm chí bản năng giới tính làm hình ảnh liên tưởng mang một ấn tượng mà bạn khó có thể quên.

Đơn giản hóa. Một liên kết quá hóm hỉnh hay phức tạp giữa hình ảnh và điều bạn muốn nhớ sẽ gây ra nhầm lẫn; hãy tạo ra những liên kết trực tiếp.

Ôn lại trí nhớ. Phương pháp thứ hai để có trí nhớ tốt là “ôn lại trí nhớ”, cũng giúp bạn có thể lưu giữ những dữ liệu phức tạp với độ tin cậy cao. Trong thực tế, bạn có thể đảo ngược lại “đường cong lãng quên” và tăng khả năng nhớ lại khi thời gian qua đi. Đường cong thông thường được trình bày ở trên góc phải.

Đường cong này trượt nhanh theo hướng đi xuống: chỉ sau năm phút một lượng lớn những thông tin mới học đã bị mất; sau một giờ là khoảng 2/3; và sau một ngày bạn mất khoảng 90% lượng thông tin mới học.

Nhưng một tin tốt là ta có thể đảo đường cong này theo chiều ngược lại. Bạn có thể tự rèn luyện mình để nhớ lại được nhiều hơn cùng với dòng chảy của thời gian. Phần lớn những gì bạn đã quên sau 5 phút có thể được gợi lại sau một tiếng, và những thông tin bị mất sau một ngày có thể được khôi phục vào ngày thứ hai. Kết quả là cho ta một đường cong giống như đường cong được trình bày ở góc bên phải phía dưới.

Khả năng ghi nhớ của bạn có thể lên đến đỉnh điểm sau hai ngày, và bạn có thể kết thúc quá trình lưu lại với 90% lượng thông tin bạn muốn nhớ chứ không phải lượng thông tin bạn quên đi.

Người đã phát hiện ra hiện tượng cũng như kỹ năng trên là Giáo sư Matthew Erdelyi ở Đại học New York. Ôn lại trí nhớ là cách có hiệu quả nhất để “ghim chặt” những bài thuyết trình mang tính giải thích được tổ chức tốt, như diễn thuyết, thuyết trình trong hội thảo, hay bài giảng trên lớp. Dưới đây là bài tập giúp bạn học cách sử dụng kỹ năng nhớ này.

♦ ♦ ♦ ♦

Ôn lại trí nhớ

1. Chọn một bài tập. Khi bạn đọc, nghe, nhìn, hay tham gia vào một cuộc họp, cuộc nói chuyện, hãy ghi lại trong đầu (không phải trên giấy) những điểm quan trọng. (Bởi vì kỹ năng này không cần đến ghi chép, đây là phương pháp yêu thích của nhiều nhà quản lý hàng đầu.Họ thường phải nhớ được những thông tin quan trọng trong các cuộc nói chuyện khi dùng bữa trưa hay tại các cuộc gặp mặt xã giao mà ghi chép trở nên bất tiện). Kiểm soát tổng số hiện có bao nhiêu ý bạn cần nhớ.

2. Sau năm phút, bỏ ra hai hoặc ba phút tập trung xem lại các ý chính. Nhẩm lần lượt mỗi ý, nhưng chỉ một lần. Hãy thư giãn và vui vẻ, đừng lo lắng hay căng thẳng nhớ lại bất cứ điều gì bạn đã quên, nhưng ”ước đoán” xem có thể bạn đã quên ý nào.

3. Khoảng một giờ sau, tiến hành lần thứ hai, làm chính xác những gì bạn đã làm ở phần trước. Một lần nữa hãy thoải mái và đơn giản chỉ nhẩm lần lượt các ý một lượt. Chú ý mỗi lần như vậy chỉ kéo dài khoảng hai phút và có thể thực hiện ở bất cứ đâu, có thể là trong ôtô trên đường về nhà sau bài giảng, hay trong thời gian quảng cáo khi xem một bộ phim tài liệu trên ti vi.

4. Sau khoảng ba giờ, thực hiện lần thứ ba.

5. Sáu giờ sau thực hiện lần thứ tư.

6. Thực hiện lần cuối cùng trước khi đi ngủ.

7. Lặp lại quy trình này ba lần vào ngày thứ 2 và thứ 3, trải đều trong cả ngày.

8. Sau đó, bạn có thể nhớ rành mạch những dữ liệu này trong đầu bằng cách nhắc lại ba đến bốn ngày một lần.

Không cần phải nói, quy trình trên có thể được kết hợp với bất cứ thủ thuật ghi nhớ nào đã nói đến ở trên. Bạn có thể liên tưởng những vật bạn cần nhớ với những hình ảnh nhìn thấy, đặc biệt là những hình ảnh độc đáo và sống động.

♦ ♦ ♦ ♦

Quay chậm

Sau khi xem xét lại một số bài học mới, bạn cảm thấy rằng mình đã bỏ qua một số khía cạnh quan trọng của sự kiện đã diễn ra. Bạn nhận ra rằng có những sự kiện, hình ảnh, hay ý tưởng mới bạn nhận thức được nhưng đã không chú ý. Có thể những sự kiện đó xảy ra quá nhanh hoặc bạn còn đang bận tâm đến bài tập trước mắt. Đó không phải là xem lại cái bạn cần mà là bạn đang đề cập đến việc nắm bắt những thông tin quan trọng mà đơn giản bạn không tiếp nhận trong lần đầu tiên tiếp xúc.

Thật may, có cách đơn giản và thú vị để tách những thông tin đó từ bất cứ sự kiện nào sau khi đã xảy ra. Bạn có thể trình chiếu những trải nghiệm của bạn, lấy lại những gì bạn bỏ qua trong lần thứ nhất. Trên thực tế, bạn thường nhận thức và lĩnh hội được nhiều hơn bạn có thể khi sự kiện đó diễn ra. Giống với kỹ năng liên tưởng chúng ta sử dụng ở Chương 3 để khơi dậy người học viên tiềm ẩn bên trong bạn, phương pháp này thực hiện bằng cách gọi lại những hình ảnh trong tiềm thức với tất cả các chi tiết. Bởi vì bạn gọi lại những thước phim, nên đầu tiên bài tập này có vẻ hơi phức tạp. Hầu hết chúng ta có khuynh hướng ghi nhớ các từ. Nhưng chỉ với một chút tập luyện, bạn sẽ thấy kỹ năng này trở nên đơn giản hơn và đáng để luyện tập.

Lợi ích của kỹ năng quay chậm cũng tương tự như lợi ích của việc quay chậm lại một trận đấu bóng trên truyền hình. Bạn có thể xem điều gì đã xảy ra ở một góc độ khác mà không quan sát được vào lúc nó xảy ra. Bạn cũng có thể phân tích sự việc đó để hiểu được cấu trúc và quá trình, giống như các nhà bình luận trên truyền hình vẫn làm bằng cách nhấn mạnh những khác biệt nhỏ mà bạn không nhìn thấy được khi theo dõi hành động. Vấn đề cơ bản ở đây là gợi ra được thước phim về việc đã xảy ra càng rõ ràng càng tốt.

Bài tập dưới sẽ hướng dẫn bạn cách học kỹ năng quay chậm.

♦ ♦ ♦ ♦

Quay chậm

Chọn việc xảy ra gần đây, sự kiện mà bạn cảm thấy là chưa thấy hết được ý nghĩa của nó, ưu tiên những sự kiện xảy ra trong vòng 48 giờ trở lại đây. Đó có thể là cơ hội gặp gỡ với một người, xem một bộ phim, hoặc chương trình truyền hình, hay chỉ đơn giản là khoảnh khắc quan sát khung cảnh hay một hình ảnh.

Nhắm mắt lại và miêu tả to cho người khác hay chiếc máy ghi âm theo hướng dẫn dưới đây.

Bắt đầu với những chi tiết cảm nhận được và cảm giác của bạn – điều bạn nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, hay cảm nhận được. Sử dụng thời hiện tại trong cả bài tập. (Tôi đang dùng bữa trưa với nhóm tiếp thị trong quán ăn tự phục vụ của công ty).

Miêu tả chi tiết tất cả mọi thứ để người nghe có thể gần như nhìn thấy, nghe thấy, và cảm thấy như bạn. (Bill đang mặc một chiếc áo sơ mi kẻ, và đã nới lỏng cà vạt. Chiếc áo cánh của Janet màu vàng. Frank đang nghịch chiếc bút. Tôi thấy ánh nắng mặt trời chói chang chiếu thẳng xuống mặt bàn bên cạnh). Hãy thực sự nỗ lực tìm lại nguyên bản của sự việc. Dành thời gian cho việc này từ ba đến năm phút.

Sau khi nỗ lực hết sức để gợi lại cảnh tượng và tình huống, cố gắng đến gần hơn nữa. Tự hỏi mình về những chi tiết thoáng qua. (Liếc nhìn Frank, tôi thấy ngón tay của anh xiết chặt chiếc bút. Có vấn đề gì xảy ra chăng?) Cố gắng kết nối những chi tiết mới với những chi tiết có sẵn trong trí nhớ của bạn theo một số cách. Thông thường, một vài cái nhìn mới về ý nghĩa của sự việc sẽ tự nó thể hiện. (Bill cười sự lựa chọn màu sắc trong buổi giới thiệu sản phẩm mới của Janet. Có thể Frank đồng ý với Janet, nhưng việc có Bill làm anh ta bực).

Tiếp tục ít nhất mười phút hay kéo dài đến nửa tiếng nếu bạn thích.

Nghe lại băng thu và viết nhanh bất cứ ghi chú nào bạn có về cách nhận thức mới hay cách nhìn mới.

♦ ♦ ♦ ♦

Khi bạn đã nắm vững kỹ năng quay chậm, bạn có thể bổ sung thêm một khía cạnh khác vào kỹ năng này, được gọi là ti vi giả định, và đây là phát minh tưởng tượng của Douglas Hofstadter. Giả định có chiếc ti vi trong tưởng tượng mà bạn có thể chọn những khả năng khác nhau – những việc có thể đã xảy ra. Dưới đây là cách bạn có thể sử dụng kỹ năng này.

Chọn sự kiện gần đây bạn muốn diễn ra khác đi. Thực hiện các bước giống như trong kỹ năng quay chậm: nhắm mắt, bắt đầu với những chi tiết cảm nhận được, dùng thời hiện tại, làm cho tình huống sinh động và thực tế đối với người nghe.

Bây giờ tưởng tượng bạn với tay và chuyển kênh sang cách tường thuật mới với cùng một sự kiện.

Bây giờ thực hiện cụ thể những gì diễn ra vì bạn đặt mình vào tình huống thực tế đã xảy ra.

Cuối cùng hãy cảm nhận cảm giác của sự việc diễn ra.

Chương này bàn về một số công cụ cơ bản của phương pháp học tập đỉnh cao bạn sử dụng giúp cho việc học theo phương thức tự định hướng của mình hiệu quả hơn, bao gồm các kỹ năng bạn sử dụng trước khi bắt đầu kế hoạch học tập, ví dụ như kỹ năng đọc lấy thông tin, và kỹ năng Khám phá theo mô hình chữ V, để đảm bảo rằng bạn thu được nhiều kiến thức nhất với khoảng thời gian bạn đã bỏ ra. Ngoài ra còn có các kỹ năng bạn có thể sử dụng trong quá trình học, ví dụ như lập bản đồ tư duy và câu hỏi khám phá. Những kỹ năng này giúp bạn chủ động tham gia vào quá trình học tập và biến chính quá trình đó trở thành hoạt động sáng tạo thú vị. Cuối cùng, tôi đã đề cập đến một vài kỹ năng bạn sử dụng sau khi học để ghi nhớ những thông tin mà bạn muốn.

Bình luận