Khi Gringoire đi khỏi Tòa án thì đường phố đã tối sẫm. Anh thích trời tối để suy ngẫm về thất bại của vở kịch. Ngoài ra anh không dám về nhà ở phố Grenier-sur-l’Eau. Anh đã trông mong vào món tiền cha bề trên thù lao cho tác phẩm thơ để trả cho chủ nhà, ông Guillaume Doulx-Sire, sáu tháng tiền thuê nhà còn nợ. Suy nghĩ một lát anh nhớ ra là tuần trước anh đã thấy trước cửa nhà một nghị sĩ, ở phố Savaterie, một bậc thềm, anh đã tự nhủ: khi cần thì bậc đá này sẽ là một cái gối rất tốt cho một gã ăn mày hay một nhà thơ. Anh cảm ơn Thượng đế đã ban cho anh ý nghĩ tốt đẹp ấy.
Anh sắp vượt qua quảng trường của tòa dinh thự để đi vào cái mê lộ khúc khuỷu của thành phố thì thấy đám rước giáo hoàng của những thằng Điên đi ngang qua đường. Tiếng la hét ầm ĩ, đuốc sáng rực. Cảnh tượng ấy làm nhói lên những vết xước trong lòng tự trọng của anh; anh lẩn trốn trong nỗi cay đắng vì bi kịch không may. Tất cả những gì gợi lại lễ hội ban ngày làm cho anh chua xót và làm rỉ máu vết thương lòng.
Anh muốn đi qua cầu Saint-Michel, một bọn trẻ con chạy lăng xăng, tay cầm pháo sáng.
Xa hơn, đám đông hò reo, chiêm ngưỡng những lá cờ trên đó họa sĩ Jehan Fourbault vẽ chân dung đức vua, thái tử và nhiều nhân vật quan trọng khác. Gringoire thở dài:
– Sung sướng thay họa sĩ Jehan Fourbault! -Anh quay lưng lại những mảnh giẻ.
Một con phố phía trước mặt. Anh thấy nó tối quá, hoang vắng quá. Anh hy vọng ở đây sẽ thoát khỏi những âm vang của lễ hội. Anh đi sâu vào con phố, ra tận bờ sông. Men theo bức tường lớn của vườn ngự uyển, bước trên kè không lát đá, bùn ngập tới mắt cá chân, anh đến đầu phía tây thành phố. Anh đứng ngắm một lát hòn đảo nhỏ của người hướng dẫn bò. Trong bóng tối, hòn đảo nhỏ trông như một khối đen sì, bên kia là dòng sông hẹp trắng nhờ. Nhờ ánh sáng leo lét của một ngọn đèn nhỏ, người ta đoán ra túp lều hình tổ ong, nơi đó người hướng dẫn bò nghỉ qua đêm..Gringoire nghĩ:
– Sung sướng thay người dẫn bò! Anh ta không hề nghĩ đến hư vinh, chuyện nhà vua lấy vợ, những nữ quận chúa De Bourgogne thì bận gì đến anh! Anh không thèm biết đến nàng Marguerites nào khác ngoài bồn cỏ tháng tư của anh, nơi những con bò đang gậm cỏ! Còn ta, một thi sĩ, ta bị hò la, ta run rẩy và đế giày của ta thì mòn mỏng, trong veo có thể làm kính cho cái đèn của anh. Cám ơn anh hướng dẫn bò! Túp lều của anh làm dịu mắt ta và giúp ta quên đi Paris!
Một tiếng pháo đôi thình lình bật ra từ túp lều hạnh phúc, làm anh tỉnh giấc mơ màng. Đó là người hướng dẫn bò góp phần mình vào lễ hội, đốt một cây pháo hoa.
Tiếng pháo làm Gringoire sởn da gà:
– Lễ hội phải gió! – Anh kêu lên. – Mi theo đuổi ta khắp nơi chăng? Trời ơi! Đến tận túp lều của gã hướng dẫn bò!
Anh nhìn dòng sông Seine dưới chân. Một ý định kinh khủng xâm chiếm anh:
– ôi! Nếu nước không buốt giá thế, thì ta sẵn sàng nhảy xuống sông cho chết quách!
Thế là, một quyết định tuyệt vọng nảy ra:
Nếu đã không thể thoát khỏi giáo hoàng của những thằng Điên, khỏi những mảnh giẻ của Jehan Fourbault, khỏi những quả pháo, thì sao ta không mạnh dạn xông thẳng vào giữa lễ hội, đi đến quảng trường Grève.
– ít ra, biết đâu ta chẳng vớ được một thanh củi của đống lửa liên hoan để sưởi, và còn có thể có gì để ăn tối nữa. Người ta đã dựng lên ba cái gia huy lớn bằng đường… Biết đâu mình chẳng có dịp kiếm được vài mẩu vụn…?
Khi Pierre Gringoire đến quảng trường Grève thì anh rét run. Anh đã đi qua cầu Pont-aux-Meuniers để tránh cái huyên náo của Pont-au-Change và những lá cờ, giẻ rách của Jehan Fourbault, nhưng các bánh xe cối xay của đức giám mục đã té bùn vào anh khi đi ngang. Chiếc áo choàng của anh ướt sũng. Bởi thế anh vội vàng đến gần đống lửa liên hoan đang cháy rực giữa quảng trường. Nhưng một đám rất đông đã vây quanh ngọn lửa. Nhìn gần hơn, anh thấy vòng người đông quá, không thể tính chuyện sưởi nhờ lửa nhà vua được. Khán giả kéo đến càng lúc càng đông. Họ không chỉ bị thu hút bởi những thanh củi cháy.
Trên một khoảng rộng giữa quần chúng và đống lửa, một cô gái đang nhảy..Cô không cao lớn, nhưng trông dường như cao lớn, do thân hình mảnh mai cao dong dỏng vươn thẳng của cô. Nước da cô bánh mật. Có thể đoán rằng ban ngày nước da ấy có ánh vàng của người †ng-đa-lu và người La Mã. Bàn chân nhỏ nhắn cũng rất †ng-đa-lu vì trông chúng gọn gàng, thoải mái trong đôi giày xinh xinh. Cô nhảy, cô lượn vòng, cô xoay tít trên tấm thảm Ba Tư cũ, trải cẩu thả dưới chân cô. Mỗi khi lượn trước khán giả, cô phóng vào họ tia chớp của cặp mắt to đen láy.
Xung quanh cô, mọi cặp mắt đều chăm chú, mọi cái miệng hé mở, trong lúc cô nhảy theo nhịp trống rộn ràng. Đôi tay nâng cao trên đầu, mảnh mai, mềm mại, sống động như một con ong bầu. Bộ đồ lót óng ánh vàng. Cái váy sặc sỡ phồng lên. Mái tóc huyền. Cặp mắt bừng lửa:
Cô là một tạo vật siêu nhiên! Gringoire nghĩ: -Đ úng là một nàng tiên!
Giữa lúc đó, một bím tóc của nàng tiên xổ ra. Một đồng xu đồng vàng chóe đính vào tóc cô lăn xuống đất.
– ‰, không được. Đây là một đứa con gái bô-hê-miêng.
Mọi ảo tưởng tan biến.
Cô lại nhảy. Đúng là một cô gái bô-hê-miêng.
Giữa những bộ mặt đỏ lửa, có một người nhìn cô vũ nữ chăm chú hơn cả. Quần áo anh bị đám quần chúng vây quanh che khuất. Có vẻ như anh chưa quá ba mươi lăm tuổi, nhưng đã hói. Vài túm tóc lưa thưa, xám, lơ thơ trên thái dương. Vầng trán cao rộng hằn những nếp nhăn.
Con mắt sâu ánh lên những nét trẻ trung lạ thường. Anh không ngừng dán mắt vào cô gái, trong lúc cô nhảy nhót điên dại, bay lượn trong niềm hân hoan của mọi người. Giấc mơ màng của anh chàng dường như mỗi lúc một u tối.
Người con gái độ mười sáu tuổi, mệt thở dốc ra. Nàng ngừng lại, quần chúng hoan hô nhiệt liệt.
– Djali! – Cô gái bô-hê-miêng gọi.
Gringoire thấy một con dê nhỏ, lông trắng tiến ra, nhanh nhẹn, linh hoạt, bóng láng. Nó có cặp sừng vàng. Cẳng chân vàng. Vòng cổ vàng.
– Đến lượt mi, Djali. – Cô gái nói.
Cô ngồi xuống duyên dáng đưa cho con dê cái trống. Cô tiếp lời:
– Tháng này là tháng mấy trong năm?.Con dê nhấc cẳng đánh một tiếng trên mặt trống. Đúng, tháng này là tháng giêng, quần chúng hoan hô.
Cô gái lại nói:
– Djali, hôm nay là ngày bao nhiêu trong tháng?
Djali nâng cẳng chân vàng đánh mười lần trên mặt trống.
Cô gái tiếp tục trò đánh trống.
– Djali, bây giờ là mấy giờ?
Djali đánh bảy tiếng. Đúng lúc đó, đồng hồ của nhà thờ Maison-aux-Piliers điểm bảy giờ.
Quần chúng kinh ngạc, thán phục.
Một tiếng nói ảm đạm từ đám đông cất lên:
– Đây là trò phù thủy.
Đó là tiếng nói của người đàn ông hói đầu, từ nãy không rời mắt khỏi cô gái bô-hê-miêng.
Cô giật thót người, ngoái lại.
– Trò phạm thánh! Trò ngoại đạo! – Tiếng nói kia lại cất lên.
Cô gái ngoái lại một lần nữa.
– A, lại con người xấu xa! – Cô bĩu môi, xoay mình trên gót chân, nâng cái trống đi thu lượm tiền thưởng của khán giả.
Thình lình cô đi ngang Gringoire. Gringoire choáng người, thò tay vào túi. Cô gái dừng lại.
Thi sĩ kêu lên: Quái quỷ! Anh tìm thấy trong đáy túi cái sự thật: túi rỗng không.
Nhưng cô gái xinh đẹp vẫn đứng đó, chờ đợi, mắt mở to, chìa cái trống về phía anh.
Gringoire toát mồ hôi hột. May thay, một sự cố bất ngờ đã cứu anh.
Một giọng nói gay gắt cất lên từ góc tối nhất của quảng trường.
– Mi có xéo đi không, con châu chấu Ai Cập kia?
Cô gái quay lại hốt hoảng. Không phải là tiếng đàn ông mà là tiếng đàn bà. Tiếng quát ấy làm cho bọn trẻ lảng vảng quanh đó, khoái chí.
– Đó là mụ ẩn cư ở tháp Tour-Roland. -Bọn trẻ cười ré. – Không biết mụ ăn tối chưa?
Thừa lúc cô gái bối rối, Gringoire chuồn thẳng. Tiếng hò la của lũ trẻ, nhắc anh: Cả anh nữa cũng chưa ăn tối. Đi ngủ mà bụng rỗng thì phiền thật, càng chẳng vui tẹo nào khi vừa không ăn tối, vừa không biết ngủ đâu.
Gringoire đang trong tình cảnh như thế.
Không có bánh mì, không nơi trú ngụ..Anh đang ngẫm nghĩ về tình cảnh đáng buồn của mình thì một giọng hát lạ lùng, rất dịu dàng dứt anh ra khỏi nỗi buồn ủ ê. Cô gái trẻ Ai Cập đang hát.
Trong giọng hát, trong vũ điệu, trong vẻ đẹp của cô có cái gì thật quyến rũ đến mê hoặc: trong sáng, thanh thoát, nhẹ lâng.
Lời hát của cô gái thuộc ngôn ngữ gì, Gringoire không biết. Anh nghe say sưa. Từ nhiều giờ nay, đây là những giây phút đầu tiên anh không thấy đau khổ. Giây phút thật ngắn ngủi.
Vẫn cái giọng đàn bà đã làm gián đoạn điệu nhảy, cắt đứt tiếng hát của cô gái:
– Mày có câm đi không, con ve sầu của địa ngục kia!
“Con ve sầu” tội nghiệp ngừng bặt.
– ôi, cái cưa mẻ kia đã làm rối loạn tiếng hát êm dịu! – Nhiều khán giả khác chửi rủa.
– Quỷ tha ma bắt mụ già đi!
Mụ ta có thể sẽ phải hối hận vì đã chống lại cô gái, nếu lúc đó quần chúng không bị sao lãng bởi đám rước giáo hoàng của những thằng Điên, đuốc bật hồng, đổ vào quảng trường Grève, sau khi đã diễu qua vô số phố và ngã tư.
Đám rước xuất phát từ Tòa án, dọc đường mộ thêm những kẻ lang thang, những tên ăn cướp, những tên ma-cà-bông vô công rồi nghề, trông thật kỳ lạ.
Giữa đám rước, những tên anh chị của phường những thằng Điên khiêng một cái cáng cắm đầy nến. Trên cáng chễm chệ vị giáo hoàng mới của những thằng Điên, gã kéo chuông của nhà thờ Đức Bà, thằng gù Quasimodo, lấm bê bết, đầu đội mũ lễ, khoác áo choàng.
Khó mà diễn tả nổi bộ mặt xấu gớm ghiếc của Quasimodo đang nở nang, kiêu hãnh như thế nào. Lần đầu tiên trong đời hắn được hưởng cảm giác tự trọng. Cho đến nay hắn toàn bị thiên hạ xem thường vì thân phận của hắn, ghê tởm vì người ngợm của hắn. Bởi vậy dù điếc đặc hắn vẫn thưởng thức tiếng hoan hô của đám quần chúng hắn thù ghét. Dù thần dân của hắn có là một lũ bát nháo những thằng điên, những kẻ cắp, những tên ăn mày thì đã sao. Chúng vẫn cứ là thần dân và hắn là chúa tể. Hắn coi là nghiêm chỉnh những tiếng hoan hô chế giễu, những sự cung kính vô giá trị, pha chút sợ hãi đối với tên gù khỏe như vâm..Người ta kinh ngạc, sợ hãi thấy từ đám đông vọt ra một người, giận dữ kéo tay hắn, giằng lấy cây gậy gỗ thiếp vàng, biểu tượng quyền lực giáo hoàng điên rồ của hắn.
Người ấy chính là nhân vật hói trán. ông ta mặc quần áo thầy tu. Khi ông mới từ đám đông nhảy ra, thoạt đầu người ta không chú ý nhưng rồi mọi người nhận ra.
– Kìa! Đó là thầy Dom Claude Frollo, phó giám mục. ông định làm gì thằng chột thế này?
Nó sẽ xé xác ông ra.
Tiếng kêu kinh hoàng dội lên. Tên Quasimodo ghê gớm nhảy từ trên cáng xuống. Các bà quay mặt đi để khỏi trông thấy cảnh hắn xé xác phó giám mục. Hắn nhảy bổ đến chỗ linh mục quỳ gối xuống. Linh mục giật cái áo choàng của hắn ra, bẻ gẫy cây gậy, xé tan cái áo của hắn.
Quasimodo vẫn quỳ gối, cúi đầu, chắp tay.
Giữa hai người diễn ra một cuộc đối thoại kỳ lạ bằng dấu hiệu và điệu bộ vì chẳng ai nói năng gì. Linh mục đứng thẳng, giận dữ, vẻ dọa nạt. Quasimodo quỳ mọp khúm núm, vẻ van xin.
Thế mà chỉ bằng một ngón tay trỏ là hắn có thể bóp bẹp ông linh mục.
Cuối cùng, phó giám mục lay mạnh đôi vai lực lưỡng của Quasimodo, ra hiệu cho hắn đứng lên, đi theo ông.
Cơn bàng hoàng ban đầu qua đi. Lũ điên định bảo vệ vị giáo hoàng thình lình bị truất ngôi của chúng.
Quasimodo đứng trước linh mục, nghiến răng kèn kẹt, gườm gườm nhìn đám đông vây quanh, như một con hổ giận dữ.
Linh mục lấy lại vẻ oai nghiêm, ra hiệu cho Quasimodo, và lặng lẽ lui gót.
Quasimodo đi trước ông, gạt đám đông dãn ra.
Sau khi hai người vượt qua quảng trường, bọn hiếu kỳ vô công rồi nghề định đi theo.
Quasimodo liền đi đoạn hậu, đi giật lùi theo phó giám mục. Trông hắn béo mập, hung hăng, sừng sộ, gầm ghè như một con thú dữ. Mọi người để cho họ đi sâu vào một con phố hẹp, tối om.
Không ai dám liều theo.
Gringoire lẩm bẩm:
– Thật là đáng khâm phục… Nhưng ta tìm đâu ra chỗ ăn tối bây giờ?.