Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nói Sao Cho Trẻ Nghe Lời

Chương 6: Bồi Dưỡng Thói Quen Tốt Cho Trẻ

Tác giả: Hoa Dương

Trong cuộc sống hàng ngày, một thói quen tưởng là nhỏ nhặt cũng có thể hủy hoại cuộc đời một con người. Cha mẹ tuyệt đối không được coi nhẹ vấn đề này, bắt buộc phải có biện pháp thích hợp khắc phục những thói quen không tốt ở trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho những thành công trong trương lại của chon..
 
Đổi cách nói 40 Không kén ăn thì mới cao lên được!
 
Cha mẹ thường nói: Được rồi, con không muốn ăn cái này, vậy con thích ăn cái gì? để cha mua cho!
 
Việc trẻ kén ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề cân bằng dinh dưỡng của chúng. Con người là động vật ăn tạp, ăn uống đơn nhất đương nhiên sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, gây ra hiện tượng suy dinh dưỡng ở trẻ.
 
Khi khắc phục thói quen kén ăn của bé, cha mẹ cần chú ý, vừa cho trẻ có quyền lựa chọn món ăn cho mình, vừa không thể hoàn toàn để mặc trẻ muốn ăn gì thì ăn. Lúc trẻ ăn cơm, cha mẹ thường dễ mắc phải một sai lầm là sợ trẻ không ăn hoặc ăn ít sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy thường từ bỏ nguyên tắc của mình. Về điểm này, cha mẹ cần thống nhất ý kiến. Nếu như trẻ không chịu ăn cơm trong giờ ăn, cha mẹ nên cho trẻ có quyền tự chủ, nhưng cần phải nói cho chúng biết hậu quả của việc không ăn. Nếu như không ăn cơm cũng sẽ không được ăn các đồ ăn khác. Cha mẹ nói được thì phải làm được: cất hết đồ ăn vặt trong nhà đi. Qua một hai lần, trẻ sẽ ngoan ngoãn hơn, biết phải ăn cơm, nếu không sẽ bị đói.
 
Ví dụ thực tế
 
Cả nhà vui vẻ ngồi vào bàn chuẩn bị ăn cơm, Dũng nhìn thấy có món cá hấp, dạ dày hầm, mướp đắng xào, canh rong biển, vui vẻ nói: “Oa tuyệt quá, hôm nay con có món dạ dày hầm để ăn rồi!”, nói rồi cậu bé kéo đĩa dạ dày hầm về phía mình, cầm đũa gắp lấy gắp để. Mẹ bảo Dũng phải ăn nhiều mướp đắng, bởi mướp đắng có tác dụng thanh nhiệt, nhưng Dũng không nghe. Cha gắp cá rồi bỏ xương và cho vào trong bát của con Dũng nhưng em liền gắp trả lại cho cha. Nhìn thấy Dũng chỉ ăn mỗi món mình thích, mẹ đứng bên cạnh chỉ biết lắc đầu.
 
Cha nói: “Dũng, hôm nay con phải ăn nhiều rau xanh, không được chỉ ăn có mỗi món dạ dày, nếu không hôm nay con không được ra ngoài chơi!”.
 
Dũng phụng phịu nói: “Con không ăn, không ăn miếng nào hết, con ghét ăn rau lắm!”.
 
Lúc này, mẹ nói: “Dũng, con nhìn bạn Duy nhà hàng xóm đi, chính vì thường ngày bạn ấy rất ít khi kén ăn nên bạn ấy mới cao như thế đấy! Mẹ thấy con cứ kén ăn như vậy, sau này sẽ thấp hơn bạn ấy, không khỏe mạnh bằng bạn ấy đâu!”.
 
Lúc này Dũng mới tự tin nói: “Mẹ ơi, sau này con sẽ không kén ăn nữa, con muốn cao lớn và khỏe mạnh, cao hơn cả bạn Duy nữa. Mẹ cho con ăn rau đi!”.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Kén ăn là thói quen thường thấy ở trẻ con, nhưng trách nhiệm lại thuộc về cha mẹ. Bất cứ một thói quen nào cũng không thể hình thành trong một chốc một lát, trẻ kén ăn có liên quan mật thiết đến kết cấu bữa ăn, thái độ của cha mẹ với cách ăn uống của trẻ, thói quen ăn uống của cha mẹ….
 
Ví dụ trên lấy cảnh là một bữa ăn, là tình huống chúng ta thường gặp ở trong bữa cơm của các gia đình. Đúng như vậy, việc trẻ con kén ăn là hiện tượng quá phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Ví dụ, có đứa trẻ chỉ ăn thịt, không ăn rau; cũng có đứa trẻ chỉ ăn một số loại rau, có đứa trẻ chỉ ăn thức ăn, không ăn cơm cũng có đứa trẻ chỉ thích ăn hoa quả….
 
Nếu con bạn khi ăn cơm mà không chịu há miệng, hoặc là ngậm cơm trong miệng không chịu nuốt, hay nhè ra cơm ra… thì bạn sẽ vô cùng mệt mỏi, mỗi lần cho con ăn mà vất vả như đi đánh trận. Dưới đây là vài cách để uốn nắn thói quen kén ăn, lười ăn của trẻ?
 
Thứ nhất: Cần có đủ kiên nhẫn để chờ đợi
 
“Con ăn hết chỗ măng này mẹ sẽ lấy đồ uống cho con!”, làm như vậy chỉ khiến trẻ càng thêm ghét món “măng”, đã thế còn khiến trẻ học được kiểu “mặc cả”. Ví dụ, trẻ nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ lấy đồ uống cho con trước đi rồi con mới ăn cái này!”. Thực ra, cha mẹ không cần thiết phải dùng những món trẻ thích để làm “mồi” dụ, chỉ cần bạn liên tục để măng và các thức ăn khác
 
lên bàn, không cần nói nhiều hoặc hứa hẹn gì với trẻ, cũng không cần phải “đe dọa”, kiên nhẫn chờ đợi. Khi trẻ nhìn thấy cha mẹ ăn ngon lành những món ăn ấy, sau vài lần, chúng sẽ dần thay đổi chủ ý, bắt đầu tiếp nhận món ăn chúng ghét.
 
Thứ hai: Không nên cho trẻ có quá nhiều sự lựa chọn
 
“Con yêu, hôm nay con muốn ăn gì nào?”, đáp án của trẻ đương nhiên là những món mà chúng thích. Nhưng nếu bạn đổi sang cách khác để hỏi: “Tối nay con muốn ăn cháo bí đỏ hay là cháo ngô?”, cho trẻ chỉ được chọn trong hai loại thức ăn này, chúng sẽ không còn sự lựa chọn nào khác. Đương nhiên, cha mẹ sẽ không chỉ chuẩn bị hai món này, mà vẫn nên quan tâm đến khẩu vị của trẻ, không cần quá nhiều, có một loại thức ăn chúng thích để ăn kèm là đủ rồi.
 
Thứ ba: Xác định lượng đồ ăn trẻ có thể ăn
 
Mặc dù trẻ vận động nhiều nhưng dạ dày vẫn còn nhỏ, chúng ta không thể kì vọng quá nhiều vào lượng thức ăn chúng có thể ăn. Trên thực tế, nhiều lúc trẻ ăn hết một cái bánh trứng là đủ lượng tinh bột và protein thiết yếu cho cơ thể rồi. Nếu như bạn vẫn lo lắng, có thể lựa chọn nguyên tắc ăn ít, chia thành nhiều bữa, có thể bổ sung thêm vitamin vào bữa sau cho trẻ để tránh mất cân bằng dinh dương.
 
Thứ tư: Để trẻ cảm nhận niềm vui khi động tay làm việc
 
Khi bạn đang chuẩn bị đồ ăn ở trong bếp, bạn có thể bảo trẻ làm một vài việc lặt vặt, ví dụ: lấy sữa chua ở trong tủ lạnh, giúp mẹ nhặt rau, trộn thức ăn… Làm như vậy không chỉ bồi dưỡng cảm hứng lao động cho trẻ mà còn khiến trẻ cảm nhận được thành quả lao động của chính mình. Có thể lúc ấy trẻ sẽ không kén ăn nữa mà chuyên tâm thưởng thức món ăn mà chúng tự tay làm ra.
 
Thứ năm: sử dụng trò chơi
 
Khi ăn, bạn có thể chọn một số bài hát có liên quan đến đồ ăn, thông qua bài hát để dẫn dắt trẻ ăn rau xanh.
 
Thứ sáu: Mẹ làm “đầu bếp tài năng”
 
Mẹ nên rèn luyện tay nghề nấu nướng của mình, các món ăn cần đa dạng, thức ăn của các bữa không nên lặp lại. Nếu ngày nào cũng ăn những món ăn giống nhau, cách nấu nướng không có gì thay đổi, cho dù là người lớn cũng thấy ngán chứ đừng nói là trẻ con. Vì vậy, các mẹ đừng ngại học hỏi kinh nghiệm từ các đầu bếp nổi tiếng, hoặc giao lưu với nhau để làm phong phú thêm các món ăn cho trẻ.
 
Thứ bảy: Có thể sử dụng món ăn trẻ thích làm phần thưởng khích lệ trẻ khi thích hợp
 
Có nhiều trẻ rất không thích ăn một số món nào đó, do vậy, khi chúng không chịu ăn, có thể lấy một lượng nhỏ thức ăn mà trẻ thích để làm phần thưởng cho trẻ. Điều quan trọng nhất là, không được ép trẻ. Khi cha mẹ dùng “vũ lực” để ép trẻ phải ăn, trẻ sẽ cảm thấy việc ăn uống thật đáng sợ, từ đó nảy sinh thái độ chống đối. Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không được dùng đồ ăn vặt để mua chuộc trẻ. Một số bậc cha mẹ thường lấy đồ ăn nhanh hoặc đồ ăn vặt làm “mồi” dụ trẻ, nhưng kết quả thì hoàn toàn trái với mong muốn. Bởi vì, một khi trẻ biết có đồ ăn vặt đang đợi nó, thì sẽ không bao giờ ăn uống nghiêm túc.
 
Đổi cách nói 41 Chăm rửa tay mới không bị đau bụng!
 
Cha mẹ thường nói: Con bẩn thỉu quá, xấu hổ chưa!
 
Trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều đứa trẻ thiếu ý thức vệ sinh, sáng dậy không đánh răng, ăn đồ ăn xong không chịu rửa tay, tối đi ngủ không chịu rửa chân… Đây đều là những thói quen mất vệ sinh. Lâu dần sẽ rước đủ thứ vi khuẩn, bệnh tật vào người như: bụng giun, đau bụng đi ngoài, hệ miễn dịch sút giảm… Do vậy, để giúp con cái có sức khỏe tốt, hằng ngày cha mẹ cần bồi dưỡng thói quen vệ sinh cho trẻ.
 
Ví dụ thực tế
 
Mẹ Long rất chú ý giữ gìn vệ sinh, nhưng Long ở bẩn vô cùng, người ngợm lúc nào cũng bẩn thỉu, hơn nữa cậu còn có một thói quen xấu, đó là đi vệ sinh xong mà không chịu rửa tay.
 
Mẹ luôn mong con trai có ý thức vệ sinh một chút, nhưng nói không biết bao nhiêu lần mà Long toàn quên. Các bé trai thường ít chú ý đến những chuyện lặt vặt trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy mà lúc nào mẹ cũng phải nhắc nhở: “sao con không đi rửa tay đi?”, lúc ấy Long mới lè lưỡi rồi lững thững đi rửa tay.
 
Lúc ăn cơm trưa, Long lấy tay ôm bụng, tỏ vẻ vô cùng đau đớn. Long chạy đến bên mẹ, nói: “Mẹ ơi, bụng con đau quá!”. Mẹ nhíu mày hỏi: “Đau chỗ nào?”, Long lấy tay chỉ vào chỗ đau ở bụng và nói: “Ở đây ạ!”. Mẹ nói: “Bởi vì thường ngày con không giữ vệ sinh nên mới đau bụng như thế đấy! Đau bụng trên là do đói, cần phải ăn rồi, đau giữa bụng cho thấy trong bụng con có giun, nó đang gặm nhấm bụng con đấy. Sau này con phải rửa tay sạch sẽ, như thế bụng mới không bị đau!”.
 
Nghe mẹ nói thế, Long sợ lắm, từ đó trở đi bắt đầu có ý thức giữ gìn vệ sinh.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Nhiều đứa trẻ không có ý thức giữ gìn vệ sinh, không bao giờ rửa tay trước khi ăn cơm, chơi ở ngoài về cũng không chịu rửa tay, hoa quả chưa rửa đã ăn…
 
Là cha mẹ, bạn nên tiến hành uốn nắn những thói quen xấu của trẻ. Phải để trẻ hiểu rằng: ăn mặc không gọn gàng, không sạch sẽ là biểu hiện của kẻ vô dụng. Với những đứa trẻ không có ý thức vệ sinh, cha mẹ không nên chỉ trách móc hay đánh mắng, như vậy sẽ không uốn nắn được thói quen của trẻ mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng. Phương pháp giải quyết là, cha mẹ có thể nói cho trẻ nghe những hậu quả không hay khi không giữ gìn vệ sinh. Ví dụ, khi Long quên rửa tay, mẹ Long có thể nói: “Không rửa tay là trong bụng sẽ có giun đấy, chúng sẽ khiến con bị đau bụng! Không rửa tay sẽ khiến các loại vi khuẩn chui vào trong bụng, không có lợi cho sức khỏe!”. Nghe mẹ nói như vậy, nếu quên không rửa tay, trẻ sẽ nhớ lại những gì mẹ đã nói. Dần dần sẽ có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn.
 
Đôi tay chúng ta hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều thứ, sẽ nhiễm rất nhiều vi khuẩn có hại. Theo điều tra, một bàn tay không rửa sạch có khoảng 40~400 nghìn con vi khuẩn có hại. Trong một gam móng tay có thể chứa hơn 380 triệu vi khuẩn và trứng giun. Vì vậy chúng ta nhất định phải giúp trẻ có thói quen rửa tay trước khi ăn cơm, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.
 
Muốn bồi dưỡng thói quen giữ gìn vệ sinh cho trẻ, cha mẹ cần:
 
Thứ nhất: Chăm chỉ rửa tay, rửa mặt
 
Cha mẹ bắt buộc phải yêu cầu trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; rửa tay, rửa mặt sạch sẽ sau khi ở bên ngoài về hoặc sau khi làm việc hay vui chơi… Ngoài ra, nhất định phải rửa tay với xà phòng thì mới sạch được.
 
Thứ hai: Đánh răng vào buổi sáng – tối, súc miệng sau khi ăn cơm
 
Cha mẹ cần phải huấn luyện cho trẻ có thói quen đánh răng, súc miệng từ lúc trẻ lên 2~3 tuổi. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ đánh răng đúng cách, bàn chải đánh răng cần thay mới định kì.
 
Thứ ba: Tắm gội, rửa chân
 
Cha mẹ cần để trẻ biết không tắm rửa, người sẽ có mùi hôi, sẽ bị người khác xa lánh. Không chịu tắm còn khiến người ngợm ngứa ngáy. Trước khi đi ngủ cần hình thành thói quen rửa chân sạch sẽ, rửa chân xong phải lau khô chân mới được đi ngủ.
 
Thứ tư: Chăm chỉ cắt tóc, cắt móng tay, móng chân
 
Đầu tóc phải gọn gàng; móng tay, móng chân dài phải cắt sạch sẽ, nhưng không nên cắt quá ngắn.
 
Thứ năm: bảo vệ lỗ mũi và lỗ tai
 
Cha mẹ cần để trẻ hiểu phải bảo vệ lỗ mũi và lỗ tai của mình. Không ngoáy mũi, không ngoáy tai, không nhét dị vật vào trong mũi hoặc tai. Khi tắm phải rửa sạch lỗ tai, tránh làm tổn thương màng nhĩ, gây bệnh viêm tai, ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.
 
Đổi cách nói 42 Đến giờ rồi, tắt đèn đi ngủ thôi!
 
Cha mẹ thường nói: Thôi được rồi, đừng khóc nữa, xem thêm nửa tiếng nữa…thế xem thêm một tiếng nữa là được chứ gì?
 
Chúng ta thường nghe thấy cha mẹ nói: Trẻ con ở nhà chỉ thích xem ti vi, có cấm cũng chẳng được. Đúng là như vậy, hiện giờ đa phần trẻ con đều thích xem ti vi, hơn nữa cứ xem là ngồi cả buổi. Lúc chúng đã mải xem thì có nói gì cũng chẳng vào đầu được. “Làm thế nào để trẻ rời khỏi chiếc ti vi” là vấn đề đau đầu cho các bậc cha mẹ.
 
Ví dụ thực tế
 
Thanh năm nay năm tuổi, vô cùng đam mê xem hoạt hình. Ngày nào đi mẫu giáo về, việc đầu tiên Thanh làm là bật ti vi xem hoạt hình, chẳng đếm xỉa gì đến sự thúc giục của cha mẹ, nhất định phải xem hết hoạt hình mới chịu đi ăn cơm, nếu không cũng phải vừa ăn vừa xem. Cha mẹ Thanh rất đau đầu về chuyện này, nhưng lại không biết phải làm thế nào. Để Thanh tiếp tục xem thì không được, mà tắt ti vi đi là Thanh lại khóc ầm ĩ. Khó khăn lắm mới đợi con ăn tối xong, vừa đặt bát đũa xuống là thằng bé lại ngồi xem ti vi, đến tận mười giờ tối vẫn không chịu đi ngủ.
 
Về sau, cha mẹ Thanh nghĩ ra một cách. Suốt mấy ngày liền, cha mẹ ngồi xem ti vi với Thanh. Đến khoảng chín giờ tối, mẹ
 
Thanh nói: “Thôi được rồi, hôm nay xem đến đây thôi, nên đi ngủ rồi!”. Thanh nghe xong liền phụng phịu: “Không đâu, mẹ cho con xem một chút nữa đi mà!”.
 
“Thanh, con xem đi, cha mẹ cũng rất thích xem ti vi, ngày nào cũng xem, nhưng xem ti vi cũng phải tuân thủ giờ giấc chứ! Từ nay về sau, chúng ta chỉ được xem nhiều lắm là đến chín giờ tối, sau đó bắt buộc phải đi ngủ! Cha mẹ còn làm được, con ngoan như thế mà không làm được à?”, mẹ Thanh nói.
 
Thanh nghe mẹ nói vậy liền vui vẻ nói: “Con làm được chứ. Thôi được rồi, sau này chúng ta cùng xem ti vi, cùng đi ngủ mẹ nhé!”, nói rồi cậu bé liền đi ngủ với cha mẹ.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Cha mẹ thường có hai phản ứng trước việc trẻ xem ti vi: một là mặc kệ, cho trẻ thích xem thì xem; hai là hạn chế, không cho trẻ xem. Cả hai cách hành xử này đều cực đoan. Nếu con cái bạn đã đắm chìm vào ti vi, đừng vội đánh mắng, như vậy chỉ khiến trẻ nảy sinh tâm lí chống đối mà thôi.
 
Ti vi có thể tạo ra sức hút không thể chối từ với trẻ con. Ti vi có thể làm phong phú kiến thức, mở rộng tầm mắt cho trẻ, nhưng, ti vi có thể sẽ khiến trẻ chịu những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và việc học tập. Nếu cha mẹ biết cách uốn nắn, trẻ có thể thu được rất nhiều kiến thức ở trên ti vi mà sách vở không có được.
 
Rõ ràng, cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ xem ti vi một cách đúng đắn. Vậy, cha mẹ cần làm những gì?
 
Thứ nhất: hướng dẫn trẻ xem ti vi có chọn lọc
 
Cha mẹ có thể cùng con cái lựa chọn những chương trình bắt buộc phải xem. Có thể tìm hiểu một số chương trình có lời thoại hợp với trẻ, sau đó giới thiệu cho trẻ xem, nói với trẻ những tiết mục nào hay, hay ở đâu, có ích gì cho chúng, khi xem cần chú ý những gì. Để trẻ không bỏ lỡ những tiết mục hay, cha mẹ có thể mua một cái bảng nhỏ treo trên tường, trên đó có ghi rõ những chương trình hay trẻ nên xem. Còn những chương trình chỉ thích hợp với người lớn, cha mẹ cần nói rõ cho con biết, để chúng hiểu rõ và không ghen tị với cha mẹ.
 
Thứ hai: Kiểm soát thời gian xem ti vi
 
Quy định rõ thời gian là một điều cần thiết phải làm. Chỉ có quy định thời gian mới khiến trẻ không hình thành thói quen xấu khi xem ti vi. Ví dụ: yêu cầu trẻ khi ăn cơm không được xem ti vi, lúc đang làm bài tập cũng không được xem ti vi… Một khi đã ra quy định thì nhất thiết phải làm cho bằng được. Cha mẹ có thể cho trẻ xem các tiết mục phù hợp vào cuối tuần, các ngày lễ tết… Ngoài ra, trước khi trẻ bắt đầu xem ti vi, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ tuân thủ thời gian đã quy định; trước khi đến giờ ngừng xem, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ để chúng chuẩn bị sẵn sàng về tâm lí. Bởi mắt của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, vì vậy mỗi lần chỉ nên cho trẻ xem không quá 40 phút.
 
Thứ ba: Chuyển hướng chú ý của trẻ
 
Nếu trẻ quá đam mê xem ti vi, khuyên mãi mà không được, cha mẹ có thể dùng biện pháp chuyển hướng chú ý của trẻ, ví dụ: cho trẻ làm một việc mà chúng thích nhất….
 
Thứ tư: Thường xuyên dẫn trẻ tham gia vào các hoạt động ngoài trời
 
Thực ra, rất nhiều đứa trẻ nghiện xem ti vi là vì bị ở nhà trong thời gian quá dài. Cha mẹ đừng ngại dẫn con ra ngoài, tham gia vào các hoạt động ngoài trời, đừng để trẻ ngồi cả ngày trong nhà, ví dụ: sau khi ăn cơm tối xong có thể dẫn trẻ đi dạo quanh khu phố, không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn khiến trẻ thoát khỏi cám dỗ của ti vi.
 
Đổi cách nói 43 Con à, lao động là vinh quang!
 
Cha mẹ thường nói: Sao con lười thế, sau này rồi chẳng làm được gì ra hồn đâu!
 
Có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”, không chịu bỏ ra công sức sẽ không có thành quả. Khi một người hiểu rằng, không có thứ gì đến dễ dàng, anh ta mới biết trân trọng những gì mình đang có, mới có thể trải nghiệm được niềm vui và hạnh phúc.
 
Ví dụ thực tế
 
Lâm rất lười lao động, mỗi lần ở nhà, mẹ bảo Lâm làm chút việc gì đó là cậu lại bĩu môi tỏ vẻ rất khó chịu. Mặc dù cha thường xuyên kể những câu chuyện các danh nhân yêu lao động như thế nào cho cậu bé nghe nhưng Lâm vẫn chứng nào tật nấy. Thường ngày ở trường, cứ đến giờ lao động là Lâm lại giả vờ đau bụng rồi chạy biến đâu mất, đến cô giáo cũng hết cách với cậu. Tuy nhiên, dạo này Lâm bỗng nhiên trở nên vô cùng chăm chỉ, cứ về đến nhà là làm những việc mình có thể làm. Cha Lâm cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, mẹ Lâm vô cùng phấn khởi, bởi vì đây là bí mật giữa mẹ và Lâm mà.
 
Một lần, mẹ dẫn Lâm đi công viên chơi, đang đi thì họ nhìn thấy một bạn nhỏ tay chống nạng đang tưới hoa ven đường. Lâm cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, liền hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bạn ấy sao lại chống nạng làm việc thế?”.
 
Mẹ nghe xong liền chớp lấy cơ hội, nói: “Chân bạn ấy bị thương rồi, nhưng con nhìn xem, bạn ấy rất yêu lao động, có lẽ con nên học tập bạn ấy đi! Lao động là vinh quang mà!”. Lâm nghe xong liền trầm ngâm nghĩ ngợi, suốt dọc đường cậu không nói gì cả.
 
Về đến nhà, mẹ chuẩn bị giặt quần áo, Lâm nhìn thấy chậu quần áo của mẹ có rất nhiều bọt, cảm thấy rất thú vị liền thò tay chộp lấy bọt. Mẹ lấy một cái chậu nhỏ, đổ một ít bọt vào trong chậu cho Lâm cho cái áo của Lâm vào chậu rồi lại tiếp tục giặt quần áo. Lâm bắt chước hành động của mẹ, cũng lấy tay vò quần áo. Mẹ nhìn thấy thế liền bảo: “Bé Lâm biết giặt quần áo rồi, chứng tỏ là người rất thông minh, lại yêu lao động nữa!”. Kể từ đó về sau, mẹ phát hiện Lâm có những thay đổi nho nhỏ, cậu bé bắt đầu chủ động làm việc mà không cần mẹ phải nhắc nhở nữa.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Trong cuộc sống hàng ngày, có những đứa trẻ không thích làm việc, cha mẹ nghĩ đủ cách mà không thay đổi được. Muốn trẻ bắt tay vào làm thứ gì đó, thì cha mẹ không được ép buộc mà phải kiên nhẫn giảng giải cho trẻ hiểu, lao động là vinh quang. Chỉ khi trẻ hiểu được ý nghĩa của lao động, chúng mới sẵn sàng lao động.
 
Bà Stoner từng nói: “Để hướng sự chú ý của trẻ về phía tích cực, chúng ta phải để các em lao động và yêu lao động càng sớm càng tốt.” Lao động là ngọn nguồn của hạnh phúc và thành công. Cha mẹ thông minh sẽ biết coi lao động là khóa học cần thiết cho con; căn cứ vào đặc điểm sinh lý và năng lực theo độ tuổi để giao cho con những công việc nhà phù hợp, giúp bồi dưỡng tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong lao động, hình thành những thói quen tốt cho trẻ.
 
Nếu trước đây con cái bạn không thích lao động, nhiệm vụ của bạn hiện giờ là phải nhanh chóng bồi dưỡng thói quen lao động cho con. Dưới đây là một số phương pháp có thể tham khảo:
 
Thứ nhất: Để trẻ làm những việc phù hợp với bản thân
 
Ví dụ: quét nhà, giặt quần áo, tưới cây…
 
Thực ra, trẻ có thể làm được nhiều việc hơn bạn tưởng, vì vậy không cần phải lo lắng trẻ sẽ mệt mỏi, bạn hoàn toàn có thể giao thêm một chút việc cho trẻ. Trẻ càng lớn càng trở nên nhanh nhẹn hơn.
 
Thứ hai: Dạy trẻ cách làm việc
 
Cha mẹ có thể làm mẫu trước cho trẻ nhìn, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình làm việc. Nếu là những việc không có tính nguy hiểm, cha mẹ có thể để trẻ tự làm theo cách của mình, có thể không hiệu quả lắm nhưng cha mẹ không nên can thiệp.
 
Thứ ba: Để trẻ tự quyết định
 
Cha mẹ cần nói cho trẻ biết việc cha mẹ muốn trẻ làm, nếu như trẻ chưa làm xong, đừng làm hộ trẻ, hãy để trẻ nghĩ xem nên làm như thế nào. Cuối cùng, hãy để trẻ hiểu rõ sai lầm của mình có thể gây ra hậu quả gì. Có lẽ sau đó không cần bạn đốc thúc, trẻ sẽ tự giác làm và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt.
 
Thứ tư: Đừng bắt trẻ làm mãi một việc gì đó
 
Khả năng nhẫn nại của trẻ còn hạn chế, nếu cứ bắt trẻ làm mãi một việc có thể gây ra tâm lí chán ghét ở trẻ. Tốt nhất bạn nên thay đổi công việc cho trẻ hoặc cho trẻ thay đổi luân phiên với anh chị em trong nhà, như thế, trẻ có thể nắm được nhiều kĩ năng làm việc hơn mà không bị nhàm chán.
 
Thứ năm: Đừng bắt trẻ làm việc khi đang say sưa học tập hoặc vui chơi
 
Như thế dễ gây tâm lí bất mãn cho trẻ. Cha mẹ nên có kế hoạch từ trước, nói với trẻ khi nào bắt buộc phải làm gì, để trẻ có ý thức về kế hoạch thời gian, như vậy có lợi cho khả năng tự sắp xếp thời gian và nâng cao hiệu quả làm việc.
 
Thứ sáu: Chú ý quan sát cách thức và sở thích làm của trẻ
 
Quan sát xem trẻ thích tự làm hay thích hợp tác với người khác, thích làm theo hướng dẫn hay thích tự mày mò, tự tìm ra lối đi riêng cho mình… Căn cứ vào các tình huống cụ thể, cha mẹ có thể sắp đặt các nhiệm vụ khác nhau cho trẻ. Nếu con bạn thích hợp tác với người khác, bạn có thể cùng làm với con. Trong quá trình hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ, người lớn có thêm thời gian tiếp xúc với con cái, tăng cường mối quan hệ với trẻ, trẻ cũng có thời gian để tìm hiểu và cảm nhận sự vất vả của cha mẹ.
 
Thứ bảy: nếu trẻ làm chưa tốt, cha mẹ tuyệt đối không mắng mỏ
 
Cha mẹ nên hạ thấp tiêu chuẩn của mình, khoan dung nhiều hơn với con cái. Khi trẻ tham gia vào các việc lặt vặt trong nhà cũng chính là quá trình học hỏi và rèn luyện của chúng. Trong quá trình này, đương nhiên khó tránh khỏi thất bại. Cha mẹ nên cổ vũ trẻ dũng cảm làm thử và đối mặt với thử thách, không sợ khó, không sợ khổ, có dũng khí và sự quyết tâm. Hơn nữa cha mẹ cũng nên tinh ý phát hiện ra những sở trường và sở đoản của con cái, tích cực khen ngợi và cổ vũ trẻ, đồng thời dịu dàng chỉ ra điểm thiếu sót của trẻ. Tốt nhất không nên lấy tiền bạc ra làm phần thưởng, vì như vậy dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến tâm lí, khiến trẻ nhầm tưởng mối quan hệ giữa mình và cha mẹ cũng là mối quan hệ lợi ích, điều này không có lợi cho trẻ trong việc tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể. Thực ra, cha mẹ chỉ cần ôm hôn, khen ngợi và cổ vũ con là đủ.
 
Đổi cách nói 44 Làm xong việc này mới làm việc khác!
 
Cha mẹ thường nói: “Thôi được rồi, chưa làm xong thì để đấy đi!”.
 
Trẻ con thường làm việc rất tùy tiện, do vậy, cha mẹ cần kịp thời đốc thúc, bảo trẻ làm xong việc này mới được làm việc khác, nên hình thành thói quen làm việc đến nơi đến chốn cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, điều này có lợi rất lớn cho sự trưởng thành của trẻ.
 
Ví dụ thực tế
 
Lệ rất yêu lao động, nhưng cô bé có một cái tật là cứ đang làm cái này lại chuyển sang làm việc khác. Vừa mới quét nhà, còn chưa xong đã bỏ đấy đi giặt khăn mặt. Khăn mặt chưa giặt xong đã đi học bài. Mẹ Lệ rất đau đầu vì thói quen xấu này của con gái.
 
Sáng chủ nhật, Lệ bắt đầu giúp mẹ quét nhà, mẹ nói: “Lệ, con quét phòng ngủ, mẹ quét phòng khách, chúng ta thi xem ai quét vừa nhanh vừa sạch sẽ hơn nhé!”. Lệ rất hiếu thắng, chẳng mấy chốc đã quét dọn xong phòng ngủ. Lúc Lệ vui vẻ chạy ra ngoài, nhìn thấy mẹ đang hót rác, cô bé mới nhớ ra mình còn chưa đổ rác vào túi. Thế là Lệ vội vàng hót rác như mẹ. Lúc này Lệ lại nhìn thấy mẹ vừa lau bụi bặm ở phòng khác vừa sắp xếp lại đồ đạc, cô bé lại vội vàng làm theo. “Ôi, con gái mẹ làm vừa nhanh vừa sạch này!”, mẹ Lệ lớn tiếng khen ngợi con gái, sau đó nói: “Sau này con cũng phải làm giống như hôm nay nhé, làm xong việc này rồi mới chuyển sang làm việc khác!”. Lệ gật đầu, vui vẻ mỉm cười. Sau đó mẹ liền nói với Lệ, làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, như vậy mới có thể cảm nhận được niềm vui của sự thành công!
 
“Dạ, con biết rồi mẹ ạ, giờ con phải đi giặt cái khăn tay bẩn đang ngâm ở trong chậu, sau đó phơi ra ngoài rồi mới đi đọc sách mẹ nhé!”.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên đốc thúc con cái làm xong từng việc môt, hình thành thói quen làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn.
 
Hiện nay, có rất nhiều đứa trẻ làm việc không chỉn chu, thường bỏ cuộc giữa chừng, không thể hoàn thành nhiệm vụ. Lúc mới đầu có thể trẻ rất quyết tâm, làm việc rất hăng say, nhưng chẳng mấy chốc lại bỏ dở. Cha mẹ không nên coi nhẹ việc này. Bởi vì những đứa trẻ làm việc không đến nơi đến chốn tâm lí thường yếu đuối, ý chí cũng kém, tâm trạng không ổn định, khó tập trung… Những đứa trẻ như vậy thường không mấy tự lập, khả năng tổng hợp kém… Do đó, trẻ rất ít khi thành công trong việc gì, dần dần khiến cho trẻ thiếu tự tin, thậm chí có cảm giác bi quan…
 
Vậy, cha mẹ cần làm gì để bồi dưỡng thói quen làm việc đến nơi đến chốn của trẻ?
 
Thứ nhất: Khi trẻ làm việc, cha mẹ cần cổ vũ trẻ
 
Nhiều đứa trẻ đang làm việc thường bỏ dỡ giữa chừng, không muốn hoàn thành. Lúc này, cha mẹ không nên cằn nhằn hay mắng mỏ. Làm như vậy dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lí chống đối. Cách làm đúng đắn là cha mẹ cần chăm chú quan sát và giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn. Điều này khiến trẻ cảm thấy vui vẻ, tự tin và đủ kiên nhẫn để hoàn thành nhiệm vụ.
 
Thứ hai: Cha mẹ nên cho trẻ cơ hội gánh vác trách nhiệm
 
Khi trẻ thường bỏ dở giữa chừng, cha mẹ cần trịnh trọng giao cho trẻ một số “nhiệm vụ”. Ví dụ: trong nhà có nuôi con vật gì đó, cha mẹ có thể giao cho trẻ nhiệm vụ cho nó ăn, khiến trẻ cảm thấy mình có trách nhiệm nhất định, cũng giúp trẻ tăng cường thêm dũng khí khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ thông qua sự cố gắng của mình.
 
Thứ ba: Để trẻ hiểu rõ tác hại của việc bỏ dở giữa chừng
 
Có thể kể cho trẻ nghe một số câu chuyện có liên quan, hoặc giúp trẻ phân tích đạo lí này. Cũng có thể để trẻ đích thân trải nghiệm tác hại của việc không làm việc đến nơi đến chốn, từ đó rút ra bài học để lần sau không tái phạm.
 
Thứ tư: Cha mẹ đốc thúc trẻ: “Chuyện hôm nay chớ để ngày mai”
 
Nhất quyết yêu cầu trẻ hoàn thành nhiệm vụ của ngày hôm nay, không được kéo dài sang ngày hôm sau. Ví dụ: phải làm xong bài tập, giặt tất, soạn sách vở… của ngày hôm đó. Có thể bảo trẻ viết ra những nhiệm vụ cần hoàn thành trong ngày rồi dán lên tường để nhớ cho kĩ.
 
Đổi cách nói 45 Mẹ không thích những người nói dối, con thì sao?
 
Cha mẹ thường nói: Con học ai nói dối thế hả? lần sau còn nói dối là mẹ đánh cho đấy!
 
Một nhà tâm lí học nổi tiếng từng nói: “Nói dối là một khiếm khuyết nghiêm trọng trong dị biến”, đối với người trưởng thành, câu nói này hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu là ở trẻ con, chúng ta nên phân tích cụ thể vấn đề.
 
Một số phụ huynh cho rằng những lời nói dối nhỏ của trẻ chẳng có gì nghiêm trọng, thậm chí cảm thấy con mình rất tinh quái, dễ thương. Cha mẹ tuyệt đối không nên có tâm lí này. Các bạn nhất định phải nhớ kĩ: Nói dối một khi đã thành thói quen, sau này lớn lên rất có thể sẽ trở thành căn nguyên của tội ác. Hơn nữa, đợi đến khi thói quen này hình thành rồi, bạn mong thay đổi cũng chỉ phí công mà thôi.
 
Ví dụ thực tế
 
Mẹ bảo Lợi ra siêu thị mua một chai xì dầu, Lợi vui vẻ nhận lời. Bởi vì không có tiền lẻ nên mẹ đã đưa cho Lợi năm mươi nghìn đồng. Lợi mua xì dầu về và nói với mẹ: “Con xin lỗi mẹ, trên đường về con đã đánh rơi mất số tiền thừa rồi!”. Mẹ nhìn thấy Lợi đỏ mặt, ấp a ấp úng nhưng không nói gì, chỉ bảo cậu đi làm bài tập. Buổi tối, mẹ lấy cớ là sửa soạn đồ dùng học tập cho Lợi để kiểm tra thì phát hiện dưới đáy hộp bút của cậu bé có một nắm tiền lẻ được bọc kín trong tờ hóa đơn thanh toán của siêu thị. Lúc ấy, mẹ không nói gì. Trước khi đi ngủ, mẹ kể cho Lợi nghe một câu chuyện.
 
Ngày xưa có một người thợ mộc, cả đời không kết hôn, lúc về già ông ấy rất cô độc, muốn có một đứa con ở bên cạnh. Thế là ông lão thợ mộc liền lấy gỗ khắc thành một cậu bé, không ngờ sáng hôm sau tỉnh dậy, ông thấy người gỗ sống được, liền đặt tên cho cậu bé là Pinochio. Cậu bé người gỗ giống như một đứa trẻ không hiểu biết, cái gì cũng không biết, ông lão liền cho cậu bé đi học. Nhưng bởi vì giao du với một số bạn xấu, cậu bé người gỗ cũng trở nên hư hỏng, cậu bé học cách nói dối. Ông lão phát hiện ra điều đó, đã dạy bảo cậu bé nhưng không được. Ông lão thợ mộc liền cầu xin sự giúp đỡ của thượng đế, mong thượng đế hãy cho Pinochio một bài học. Thế là bắt đầu từ ngày hôm sau, Pinochio cứ nói dối một câu là cái mũi của cậu lại dài ra. Cho đến một ngày cậu bé không thể chịu nổi nữa, cậu cầu xin thượng đế hãy khoan hồng. Thượng đế nói: “Kể từ bây giờ, mỗi câu nói thật của cháu sẽ khiến cái mũi của cháu ngắn đi một chút, cho đến khi nó hồi phục lại như cũ thì thôi. Nhưng chỉ cần cháu nói dối, cái mũi sẽ lập tức trở lại như bây giờ!”. Ba ngày liền cậu bé người gỗ không nói dối câu nào, nhưng một lần không chú ý, cậu nói dối một câu khiến cái mũi lại dài ra.
 
Sau lần đó, cậu bé người gỗ không bao giờ dám nói dối nữa.
 
Kể xong câu chuyện, mẹ Lợi nói: “Con à, mẹ không thích cậu bé người gỗ nói dối ấy, con thì sao?”. Lợi xấu hổ cúi gằm mặt xuống, không nói tiếng nào. Sáng ngày hôm sau, Lợi ăn sáng xong liền đi học từ sớm. Mẹ nhìn thấy trên bàn uống trà có đặt số tiền lẻ còn thừa sau khi mua xì dầu hôm qua, bên cạnh là một mảnh giấy có viết: “Mẹ ơi, con sai rồi, con nhớ kĩ rồi ạ, con cũng không thích cậu bé người gỗ đâu mẹ ạ!”.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Nói dối là cố ý không nói sự thật, là một hành vi không thành thật. Mặc dù khi trẻ nói dối, cha mẹ rất bực bội nhưng thường lại không biết làm thế nào. Mẹ của Lợi đã sử dụng câu chuyện cậu bé người gỗ Pinochio để giáo dục con trai, cũng may là cậu bé Lợi đã kịp thời sửa sai.
 
Khi phát hiện ra con cái nói dối, cha mẹ cần phải giáo dục, giúp con nhận ra tác hại của sự nói dối. Cha mẹ nên nói với con cái, nói dối chỉ có được sự vui vẻ tạm thời nhưng lại mất đi sự tin cậy của cha mẹ, bạn bè và thầy cô. Cha mẹ không nên mù quáng chỉ trích hoặc đánh mắng trẻ vì hành vi này. Khi trẻ thừa nhận hành vi nói dối là không đúng, hứa sau này sẽ sửa chữa, cha mẹ nên thể hiện sự vui mừng và tin tưởng vào quyết tâm sửa sai của con. Có như vậy, trẻ được khích lệ mới triệt để từ bỏ thói quen nói dối, dần hình thành thói quen thành thật.
 
Vị tổng thống đầu tiên của Mỹ là Oashington, lúc còn nhỏ vừa hiếu động lại vừa thông minh. Một hôm, vì muốn thử xem cây rìu có sắc không cậu bé Oashington đã chặt gãy cây anh đào của cha trồng. Cha Oashington phát hiện, vô cùng tức giận: “Chuyện này là do ai làm?”. Cậu bé Oashington sợ hãi, không định thừa nhận, nhưng ngẫm nghĩ một lát, cậu bé lại dũng cảm đến trước mặt cha, nói: “Cha ơi, là do con đấy ạ!”. Cha nói: “Con à, con dám thừa nhận đã chặt gãy cây anh đào mà cha thích, chẳng lẽ con không sợ bị ăn đòn à?”. Oashington nhìn thấy cha đã nguôi giận, liền dũng cảm nói: “Nhưng mà con phải nói sự thật cho cha biết mà!”. Nghe Oashington nói thế, cha cậu liền nguôi giận, vui vẻ nói: “Oashington, cha rất vui vì con dám nói thật, cha thà mất đi một ngàn cây anh đào, cũng còn hơn là nghe con nói dối!”. Nhờ ánh mắt tha thứ và kì vọng của người cha, Oashington cảm nhận được sự khích lệ lớn lao. Nhờ sống trong một gia đình như vậy mà Oashington đã hình thành được các phẩm chất đạo đức tốt.
 
Chúng ta thử nghĩ, nếu như trẻ không nói thật, cha mẹ biết trẻ làm sai liền nổi trận lôi đình, đánh cho trẻ một trận, vậy sau này trẻ có còn dám nói thật không? Tôn chỉ của chúng ta là khiến cho trẻ cảm thấy không sợ hãi khi nói ra sự thật, chúng hoàn toàn có thể được tha thứ nên không cần thiết phải nói dối. Phải hiểu rằng trẻ con nói dối là chuyện bất đắc dĩ, cho dù là những đứa trẻ rất ngoan ngoãn thì thỉnh thoảng vẫn phải nói dối. Vì vậy khi biết con nói dối, cha mẹ không nên trừng phạt nghiêm khắc, mà phải để trẻ hiểu bạn vẫn tin tưởng chúng như trước đây. Tuyệt đối đừng gắn cho trẻ cái mác “trẻ hư”, “đồ nói dối”, điều này sẽ khiến trẻ có suy nghĩ bản thân mình là “đồ bỏ đi”.
 
Cha mẹ muốn đề phòng con cái nói dối có thể sử dụng một vài phương pháp sau:
 
Thứ nhất: Cha mẹ cần để trẻ biết nói dối là một sai lầm, hậu quả đem lại là rất nghiêm trọng
 
Khi bạn phát hiện ra dấu hiệu nói dối của trẻ, không được cười cười cho qua, phải nói cho trẻ biết nói dối là không đúng, để trẻ biết chỉ có thành thật với người khác mới có được sự tin tưởng và tôn trọng của họ. Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện “Cậu bé chăn cừu” để trẻ biết hậu quả của việc nói dối.
 
Thứ hai: Khi phê bình con làm sai, phải chú ý đến lòng tự trọng của con
 
Không được vạch trần hành vi nói dối hay buộc tội trẻ trước mặt mọi người hoặc nơi công cộng. Nên chọn lúc chỉ có mình và trẻ để nói chuyện.
 
Thứ ba: bình tĩnh khi trẻ không chịu nhận lỗi
 
Có những đứa trẻ nói dối, mặc dù có bằng chứng đầy đủ rồi nhưng vẫn không chịu nhận lỗi. Lúc này cha mẹ cần bình tĩnh hỏi trẻ tại sao lại làm như thế. Nói cách khác, trọng tâm bạn cần chú ý không phải là buộc trẻ phải thừa nhận lỗi lầm mà là thảo luận vấn đề: tại sao trẻ vẫn không chịu nhận lỗi khi vấn đề đã sáng tỏ. Chỉ có điều cha mẹ cần phải kiểm soát cơn giận dữ của mình, nếu không sẽ càng khiến trẻ khó đối mặt với thực tế hơn.
 
Thứ tư: Phải cho trẻ có cơ hội sửa sai
 
Một khi trẻ thừa nhận đã nói dối, cha mẹ không nên chất vấn thêm nữa, nên cổ vũ và khen ngợi trẻ vì đã dám nói ra sự thật.
 
Thứ năm: Cha mẹ cần nêu gương cho trẻ
 
Trong gia đình, cha mẹ cũng không nên kiếm đủ mọi cớ để nói dối, đừng để ảnh hưởng xấu đến trẻ.
 
Đổi cách nói 46 Nhìn bạn ấy nói tục kìa, chẳng ai thích bạn ấy đâu!
 
Cha mẹ thường nói: Con tôi láu cá ghê chưa!
 
Khả năng bắt chước của trẻ rất tốt, khi cha mẹ ở cùng với con cái, nhất định phải thể hiện sự hòa nhã, khiêm tốn, lễ phép, cởi mở, hào phóng… Khi nói chuyện với người khác, bạn cần nói có lí lẽ, không nên cãi ngang, không được nói tục chửi bậy, thường xuyên nói chuyện một cách lịch sự, nhã nhặn. Cha mẹ cần yêu cầu trẻ không được nói tục chửi bậy.
 
Ví dụ thực tế
 
Năm nay Tâm bốn tuổi. Gần đây, mẹ nghe thấy Tâm nói bậy, nhưng hình như bé Tâm không ý thức được đây là hành vi không tốt, chẳng qua chỉ là bắt chước người khác mà thôi. Điều này khiến mẹ Tâm vô cùng kinh ngạc, cũng vô cùng lo lắng, không biết có phải con mình đã “học thói hư tật xấu” của người khác không?
 
Một buổi trưa, bé Tâm đang chơi đùa cùng các bạn, các bạn nhỏ đang xếp hàng vào nhà vệ sinh đi tiểu, đúng lúc ấy cô giáo gọi các bạn nhỏ cùng đi lấy cốc uống sữa. Tâm liền nói: “Chúng ta cùng đi uống nước tiểu nào!”, cô giáo nghe thấy thế liền kéo bé Tâm vào một góc, hỏi bé sao lại nói như thế, Tâm cho rằng, nhưng nói thế rất thú vị. Cô giáo tức giận phê bình Tâm một hồi, còn nhắc nhở Tâm sau này phải nói năng lễ phép và lịch sự, không được vì một chút thú vị mà hình thành thói quen xấu.
 
Ăn điểm tâm xong, lại có một bạn nhỏ chạy đến mách cô giáo: “Thưa cô, bạn Tâm nói con giống như cái bánh mì, còn nói cha con là đồ lưu manh…”, thế là cô giáo lại gọi Tâm ra một góc, Tâm rụt rè nói: “Thưa cô, con không cố ý đâu, con xin lỗi, con xin lỗi mọi người, lần sau con không nói thế nữa ạ!”.
 
Hóa ra là do mấy đứa trẻ lúc chơi trò chơi thường liên tục nói ra những lời khó nghe kiểu như thế. Mẹ Tâm biết chuyện liền nói với bé; “Các bạn ấy thật không biết xấu hổ, nói ra những lời tục tĩu như thế, thật chẳng văn minh chút nào! Trẻ con mà nói bậy thì chẳng ai yêu đâu, cha mẹ các bạn ấy chắc cũng không yêu các bạn ấy đâu, Tâm à, con là đứa trẻ ngoan, không bao giờ nói tục, vì vậy mẹ và cô giáo đều yêu con!”.
 
Tâm nghe mẹ nói vậy liền nói: “Con xin lỗi mẹ, con cũng từng nói bậy. Sau này nhất định con sẽ sửa, con muốn mọi người đều yêu quý con mẹ ạ!”.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Khi trẻ nói tục, có phải cha mẹ thường ngạc nhiên không dám tin vào tai mình không? Do chịu sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh, lại cộng thêm với bản năng bắt chước của trẻ, vì vậy, hiện tượng này không phải là hiếm trong quá trình trẻ học nói. Nhưng nếu người lớn cứ dung túng, bỏ mặc trẻ nói tục sẽ gây tổn hại đến sự phát triển lành mạnh về tâm lí của trẻ. Cha mẹ phải đặc biệt chú ý đến vấn đề này.
 
Đối mặt với những lời nói bậy của trẻ, cha mẹ nên cảnh giác, phải lập tức có biện pháp thích hợp. Hãy nói cho trẻ biết nói tục là một hành vi không văn minh, phải tiến hành phê bình và giáo dục trẻ. Ngay từ lần đầu tiên nghe thấy trẻ nói tục, cha mẹ cần nghiêm khắc giáo dục trẻ.
 
Để tránh trường hợp trẻ nói tục, nói bậy, cha mẹ cần chú ý những phương diện sau:
 
Thứ nhất: nói với trẻ không được nói bậy
 
Khi trẻ lên 2~3 tuổi, là thời kì học nói, trẻ không chỉ thích nghe người khác nói chuyện mà còn thích nói chuyện cho người khác nghe, khả năng bắt chước cao, cho dù là hành vi xấu hay tốt, bọn trẻ đều bắt chước. Mà lúc này, trẻ còn chưa có quan niệm rõ ràng, không biết phân biệt tốt xấu, cứ vô tình nghe thấy một câu nói tục của người khác mà trẻ cảm thấy thú vị, là sẽ nói luôn mồm, bạn càng cấm, trẻ càng thích nói.
 
Một số phụ huynh khi nghe thấy con cái nói bậy liền nổi trận lôi đình, mắng mỏ, đánh trẻ tới tấp, nhưng điều này chẳng đem lại tác dụng gì. Cách làm chính xác là nói rõ với trẻ, đây là hành vi không tốt, thể hiện rõ thái độ của mình: “Cha mẹ không thích những đứa trẻ nói bậy, các bạn nhỏ cũng sẽ không chịu chơi với những đứa trẻ nói bậy đâu!”, từ đó cho trẻ ý thức được và thay đổi hành vi của mình.
 
Thứ hai: Phải để trẻ biết nói tục sẽ bị phạt, phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình
 
Khi trẻ lần đầu tiên nói tục, cha mẹ cần nắm bắt cơ hội giáo dục trẻ. Cha mẹ có thể yêu cầu trẻ xin lỗi người bị chửi. Cách làm này đủ để khiến trẻ tăng cường nhận thức về hành vi của bản thân. Hãy để trẻ biết nói tục là không tốt, sẽ bị mọi người căm ghét. Nhờ đó, sau này trẻ sẽ dần có ý thức quản lí hành vi của bản thân.
 
Nếu cha mẹ đã kiên nhẫn dạy bảo mà trẻ vẫn không thể sửa được thói quen nói tục của mình, thì cả nhà phải bắt tay vào hành động, có thể không đếm xỉa đến trẻ một lúc. Thông thường, khi bị lạnh nhạt, thờ ơ, trẻ thường cảm thấy hành vi của mình khiến người khác thất vọng, phản cảm, từ đó sẽ rút ra kinh nghiệm.
 
Thứ ba: Thông qua phương thức giảng giải lí lẽ, để trẻ nhận ra tại sao không được nói bậy
 
Cha mẹ khi dạy bảo trẻ không được nói tục, có thể bảo trẻ thử đặt địa vị của mình vào địa vị người bị nói để suy nghĩ. Cha mẹ có thể hỏi trẻ như thế này: “Con có yêu mẹ không?”, đứa trẻ chắc chắn sẽ trả lời rằng: “Có ạ!”, có thể hỏi tiếp: “Nếu có người khác chửi mắng mẹ, con sẽ làm gì?”, “Con sẽ mắng người ấy!”, “Vậy thì khi con chửi mẹ người ta, đương nhiên người ta sẽ chửi lại mẹ rồi!”. Chắc chắn lúc này trẻ sẽ im lặng. Mẹ có thể nói với trẻ: “Chửi mẹ của người khác cũng như chửi mẹ của mình, sau này nếu con không muốn mẹ bị thiên hạ chửi thì đừng tùy tiện nói bậy như thế nữa!”. Trẻ nghe thấy mẹ nói thế sẽ dần dần thay đổi thói quen.
 
Cha mẹ cần phải dạy bảo trẻ, cho dù hành vi nói bậy của trẻ xuất phát từ động cơ là nói cho vui, là thói quen hay chỉ thể hiện cảm xúc… Hãy dạy trẻ đổi sang cách nói khác, đôi bên đưa ra quy định, luôn nhắc nhở trẻ, bảo trẻ cần phải kiềm chế bản thân không nên nói ra những lời không hay, dùng từ phải phù hợp, như thế mới là đứa trẻ ngoan…
 
Khi nghe thấy trẻ nói bậy, đa phần các bậc cha mẹ đều cảm thấy bực bội, nhưng tuyệt đối không được mất kiểm soát, phải bình tĩnh giải quyết vấn đề. Chỉ cần kiên nhẫn nói rõ với trẻ, chúng sẽ tin tưởng và nghe theo bạn.
 
Đổi cách nói 47 Con làm tốt lắm!
 
Cha mẹ thường nói: Có một chuyện đơn giản như thế mà cũng không làm được, mẹ thấy con sau này chẳng làm nên trò trống gì đâu!
 
Rất nhiều phụ huynh thường hay ca thán rằng: trẻ con hiện giờ lắm thứ phải lo thật, ngày xưa chúng ta còn nhỏ đâu phải để cha mẹ lo lắng nhiều như thế, vậy mà lớn lên đứa nào cũng thành người, ít nhất có thể tự quản lí bản thân, đâu có giống như trẻ con bây giờ, cẩu thả, bừa bãi, lôi tha lôi thôi… Cha mẹ nói là thế nhưng vẫn lẽo đẽo đi theo sửa soạn hết cái nọ đến cái kia cho con cái. Bảo sao con có thể sửa được những thói xấu đó được… Thực ra, tật xấu của con cái đều là do cha mẹ nuông chiều mà ra. Bởi vì trẻ một, hai tuổi thường thích nhặt đồ rơi dưới đất lên đưa cho cha mẹ, điều đó không phải vì chúng thích làm việc, giữ vệ sinh mà là vì chúng muốn chúng minh bản thân mình giỏi giang, nhằm giành được sự khen ngợi của mọi người. Nhưng rất nhiều cha mẹ không ý thức được điều này, không chú ý đến hành vi của trẻ. Không chú ý bồi dưỡng trẻ ngay từ khi còn nhỏ, sau này lớn lên ắt trẻ sẽ có thói quen vứt đồ đạc lung tung. Đến khi hành vi ấy trở thành thói quen xấu, cha mẹ có phê bình hay mắng mỏ cũng chẳng ăn thua gì.
 
Ví dụ thực tế
 
Cậu bé Khang 12 tuổi có một thói quen xấu, cứ tan học về nhà là cậu vứt hết cặp sách, giày, quần áo ra nền nhà phòng ngủ. Mặc dù, thỉnh thoảng Khang cũng cất đồ đạc vào đúng chỗ theo yêu cầu của mẹ nhưng đa phần đều là vứt lung tung khắp phòng. Mẹ Khang đã nhiều lần tìm cách chấn chỉnh thói quen xấu này của con trai. Nhưng dù nhắc nhở, mắng mỏ hay trừng phạt đều không ăn thua gì, Khang vẫn chứng nào tật nấy.
 
Hôm nay, cuối cùng mẹ cũng thấy Khang không vứt đồ bừa bãi ra sàn. Mẹ chạy đến ôm lấy con trai rồi nói: “Con trai, con làm tốt lắm, con đúng là đứa trẻ ngoan!”. Khang mới đầu còn ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng tỏ vẻ tự hào với bản thân. Bởi vì cậu đã đặt đồ đạc đúng chỗ nên được mẹ khen ngợi. Kể từ đó về sau, cho dù làm gì Khang cũng nhớ đến lời khen của mẹ. Dần dần, cậu không còn vứt đồ đạc bừa bãi nữa.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Nhà tâm lý học người Mỹ William James cho rằng: “Nguyên tắc sâu sắc nhất của bản tính con người là hi vọng người khác hiểu mình”. Điều này đặc biệt đúng đối với giáo dục trẻ em. Người mẹ trong câu chuyện trên đã làm khá tốt, dùng những lời khen ngợi và khuyến khích có chủ ý để loại bỏ thói quen xấu cho con.
 
Có nhiều đứa trẻ thường có thói quen vứt đồ bừa bãi, khiến cho căn phòng cứ lộn tung hết cả lên, cha mẹ suốt ngày phải đi theo sau dọn dẹp. Nhưng cũng có những đứa trẻ sắp xếp đồ đạc rất gọn gàng, không cần cha mẹ phải lo lắng. Thực ra, cho dù là thói quen nào đi chăng nữa cũng đều không phải là bản năng, mà là được hình thành trong quá trình trưởng thành của trẻ.
 
Thông thường, trẻ không có thói quen tự thu dọn đồ đạc của mình. Nếu cha mẹ không chú ý bồi dưỡng thói quen này mà thay trẻ làm hết, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tự lập của trẻ.
 
Để giúp trẻ hình thành thói quen gọn gàng, cha mẹ có thể thử những cách sau:
 
Thứ nhất: Không đoái hoài
 
Để mặc trẻ vứt đồ đạc bừa bãi dưới sàn, khi nào cần, trẻ tìm không thấy, lúc này cha mẹ mới cùng trẻ thu dọn, đặt đồ đạc về chỗ cũ rồi để trẻ so sánh, biết được kết quả nào (ném bừa ở dưới đất hoặc thu dọn gọn gàng) là tốt hơn, dần dần trẻ sẽ khắc phục được thói quen xấu.
 
Thứ hai: biến hành vi xấu thành hành vi tốt
 
Nếu trẻ thích vứt đồ đạc lung tung, cha mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ vài cái hộp giấy, bảo trẻ để hết đồ vào cái hộp giấy ấy.
 
Thứ ba: Phải để trẻ hiểu rằng vật ở đâu phải đặt lại chỗ ấy
 
Cha mẹ có thể nói cho trẻ nghe những trật tự cần thiết ở trong nhà (đồ dùng nào đặt ở chỗ nào). Sau khi sử dụng cái gì xong phải đặt trở lại vị trí cũ, lần sau cần dùng tìm cái là thấy ngay.
 
Thứ tư: Cùng trẻ thu dọn
 
Thường xuyên rủ trẻ cùng dọn dẹp nhà cửa. Sau khi dọn dẹp xong, hai mẹ con cùng thưởng thức cảm giác vui vẻ khi hoàn thành nhiệm vụ. Để trẻ cảm nhận được cảm giác sảng khoái với sự ngăn nắp, sạch sẽ.
 
Thứ năm: Cần khen ngợi trẻ đúng lúc
 
Mỗi khi trẻ chủ động dọn dẹp, cho dù rất ít, cha mẹ cũng cần khen ngợi trẻ. Chính sự khen ngợi này có thể củng cố động lực hành động cho trẻ, khiến chúng cảm thấy hào hứng với việc dọn dẹp ngăn nắp, gọn gàng.
 
Thứ sáu: Cần nêu gương cho trẻ
 
Cha mẹ nên lấy bản thân ra làm gương cho con cái. Bởi vì sống trong một môi trường sạch sẽ, trẻ sẽ không dám vứt đồ đạc bừa bãi. Lâu dần trẻ cũng hình thành thói quen chủ động dọn dẹp ngăn nắp đồ đạc.
 
Đổi cách nói 48 Con yêu, con nên tham gia nhiều hoạt động thể thao đi!
 
Cha mẹ thường nói: Còn không biết thể dục thể thao đi, con sắp béo ú lên rồi đấy!
 
Các cậu bé thường hiếu động, thích chạy nhảy lung tung, nhưng nếu cha mẹ muốn trẻ thực sự tập thể dục rèn luyện sức khỏe, trẻ thường tìm rất nhiều lí do để thoái thác: “Con đau bụng lắm!”, “Con phải làm bài tập nữa!”, “Con còn có việc quan trọng phải làm”… Mặc dù các cậu bé thường hiếu động nhưng đa phần đều rất lười, trừ phi chúng thích, hào hứng, nếu không chúng thà nằm ườn trên giường, ngồi lì trước máy vi tính chơi điện tử còn hơn phải ra ngoài tập thể dục.
 
Ví dụ thực tế
 
Nghỉ hè rồi, cuối cùng Nguyên cũng được chơi đùa thoải mái. Thế là cậu bé liền đi tìm bạn chơi đùa thả phanh mất mấy ngày liền. Nhưng chẳng mấy chốc Nguyên cảm thấy nhàm chán, lại thêm thời tiết nóng nực, những ngày sau đó, Nguyên gần như đều ngồi lì trong phòng điều hòa.
 
Để Nguyên không phải ở nhà một mình, cứ có thời gian là mẹ dẫn con trai ra ngoài chơi. Một buổi chiều, Nguyên đang xem ti vi thì mẹ đến bên nói: “Nguyên ơi, đi thôi, chúng ta ra ngoài đi dạo đi!”. Nguyên là đứa trẻ ngoan ngoãn, vừa nghe mẹ nói thế liền đồng ý ngay.
 
Hai mẹ con đi trên phố, phía trước mặt có người đang biểu diễn điệu nhảy đường phố, rất nhiều trẻ con đứng bên cạnh bắt chước theo, thu hút một đám đông khán giả. Nguyên cũng đứng ngây ra nhìn, bộ dạng rất say sưa. Mẹ liền chớp thời cơ, muốn cho con trai tranh thủ rèn luyện sức khỏe, liền bảo cậu cũng bắt chước nhảy theo: “Con trai khỏe mạnh, tập luyện một chút tăng cường sức khỏe càng tốt chứ sao!”, thế là trên đường về, mẹ vào siêu thị mua một tấm thảm để cho Nguyên. Nguyên tập nhảy sốt sắng tập nhảy, đã vậy còn tự tin nói: “Một tháng nữa thôi, con dám thi đấu với anh cao lớn nhảy múa trên đường ngày hôm nay mẹ ạ!”. Nguyên còn hứa với mẹ sẽ tập luyện hàng ngày. Thế là mẹ Nguyên không còn phải lo lắng con trai lười vận động, suốt ngày ngồi trong nhà nữa.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Các cậu bé thường rất háo hức đến ngày nghỉ hè, bởi nghỉ hè chúng sẽ được chơi đùa thỏa thích. Nhưng khi kì nghỉ hè đến, chúng thường không biết chơi thế nào hoặc chơi cái gì, vì vậy phần lớn thời gian nghỉ hè, trẻ đều ngồi lì ở trong nhà. Bởi vì không bị áp lực học hành, lại không có tiết thể dục, trẻ thường vì thiếu vận động, ngồi lì một chỗ mà trở nên “chậm chạp”. Do đồng hồ sinh học rối loạn khiến cho nhu cầu ăn uống giảm đi, dinh dưỡng mất cân bằng, tinh thần kém phấn chấn… hoặc vì mải mê xem ti vi, chơi máy tính, trò chơi điện tử khiến cho thị lực giảm sút.
 
Kì nghỉ hè vốn là thời gian để trẻ điều chỉnh tâm sinh lí, là thời gian để nghỉ ngơi, thế nhưng sau kì nghỉ hè, phần lớn trẻ lại mắc bệnh gì đó. Điều này khiến các bậc phụ huynh lo lắng không yên. Vậy, làm thế nào để trẻ có được một kì nghỉ hè có ý nghĩa và lành mạnh đây?
 
Với những đứa trẻ “lười biếng”, cha mẹ có thể sử dụng rất nhiều mẹo hay, có thể tận dụng tâm lí cạnh tranh để thi chạy bộ với con; tận dụng tâm lí ham chơi của con để tiến hành các trò chơi vận động; tận dụng tính tò mò để dẫn con đi du lịch…
 
Thực ra, trên đời chẳng có cậu bé nào lười cả, chẳng qua chúng thiếu sự dẫn dắt của cha mẹ mà thôi. Chỉ cần cha mẹ tích cực nghĩ cách, cho dù trẻ có hơi lười cũng sẵn sàng tham gia vận động với cha mẹ.
 
Bồi dưỡng thói quen vận động cho trẻ rất có lợi cho sự phát triển cả đời của trẻ, vậy cha mẹ nên kiên trì bồi dưỡng thói quen này như thế nào?
 
Thứ nhất: Cha mẹ nên căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi và sức khỏe của con mình để sắp xếp lượng vận động phù hợp
 
Ví dụ: khi trẻ trong giai đoạn đi mẫu giáo, lượng vận động và cường độ không nên quá lớn, thời gian không quá dài, nhưng nội dung phải đa dạng, nếu không trẻ sẽ mất tập trung. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể kết hợp các động tác vận động vào bài tập, ví dụ: chạy, nhảy, ném… Để trẻ cảm nhận được niềm vui trong vận động, như vậy sẽ có lợi cho thói quen vận động ở trẻ.
 
Thứ hai: nghiêm chỉnh chấp hành thời gian tập luyện và nghỉ ngơi, hình thành quy luật sinh lí
 
Nghiêm chỉnh chấp hành thời gian tập luyện và nghỉ ngơi, tận dụng quy luật tiết tấu sinh lí khiến cho vỏ não hình thành sự
 
hưng phấn đối với việc tập luyện thể dục thể thao. Cha mẹ nên cố gắng yêu cầu trẻ đi ngủ đúng giờ mỗi tối và thức dậy đúng giờ mỗi sáng, đồng thời tập thể dục vào đúng thời điểm quy định trong ngày. Cho dù là trời nắng nóng hay lạnh giá; ngày nghỉ hay ngày thường, đều không nên thay đổi quy luật cuộc sống của trẻ, hình thành nên một “đồng hồ sinh học” có lợi cho sức khỏe. Dần dần, trẻ sẽ cảm thấy quen với việc vận động.
 
Thứ ba: Phải bồi dưỡng hứng thú vận động cho trẻ
 
Trước tiên, phải lựa chọn món đồ chơi mà trẻ thích để phối hợp tập luyện. Sau đó, cha mẹ bớt chút thời gian và công sức, chơi cùng với trẻ. Hoặc cả nhà cùng ra ngoài đá bóng, coi đó là môn thể thao của gia đình mình. Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều thứ có thể giữ đứa trẻ ở lì trong nhà, muốn để trẻ tích cực vận động, bạn phải biết nắm bắt hứng thú của chúng. Căn cứ vào tình hình cụ thể của con, nắm bắt những sở thích của chúng, có thể rủ chúng ra ngoài cùng chơi, việc này có lợi cho việc phát triển tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
 
Thứ tư: Căn cứ vào đặc điểm của từng trẻ để chọn những môn thể thao phù hợp
 
Nếu như trẻ hâm mộ các ngôi sao thể thao của một số môn như: bóng đá, bóng rổ, quyền Anh… đồng thời cũng muốn tìm hiểu kĩ thuật chuyên môn, thì cha mẹ có thể tận dụng điều kiện này, kích thích sự nhiệt tình của trẻ với việc tập luyện thể thao. Cha mẹ cần biết rằng, thói quen rèn luyện tốt thường phát triển từ lòng nhiệt tình.

Bình luận