Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ơgiêni Grăngđê

Chương 2: Cậu em họ Pari

Tác giả: Honoré de Balzac

Saclo Grangde là một thanh niên hăm hai tuổi, đẹp trai. Giữa chàng trai ấy với những người thị dân tỉnh nhỏ đơn giản kia có một sự tương phản lạ lùng cho nên họ đã bắt đầu bực tức vì dáng điệu đài các của chàng. Họ quan sát chàng ta để tìm cách chế nhạo. Điểm này cần được giải thích. Thanh niên mà hăm hai tuổi thì cũng còn khá gần trẻ con, nên vẫn hay làm trò trẻ con. Trong một trăm chú gặp trường hợp Saclo, dễ có đến chín mươi chín chú làm y như Saclo. Mấy hôm trước đây, bố Saclo bảo chàng về nhà ông bác ở Xomuya chơi mấy tháng. Xếp đặt như thế, ông nghĩ đến Ogieni chăng? Về tỉnh nhỏ lần đầu, Saclo định ra mắt công chúng với cái uy thế của một trang phong lưu công tử, để cho thiên hạ lác mắt về cách ăn diện của mình: chàng muốn rằng việc chàng đến Xomuya phải thành một sự kiện đối với cái thành phố ấy; chàng định nhập vào đấy mọi phát minh trong lối sống thủ đô. Tóm lại, nếu muốn nói một câu mà đủ giải thích tất cả thì về Xomuya, chàng định dùng còn nhiều thì giờ hơn ở Pari để chăm sóc móng tay, và luôn luôn đóng những bộ cánh cực kỳ tươm tất, chứ không làm như một vài thanh niên diện kẻng khác, thỉnh thoảng bỏ bộ cánh đẹp để ăn mặc xuềnh xoàng mà vẫn có duyên.

Saclo đem theo bộ quần áo đi săn đẹp nhất, cây súng săn đẹp nhất, cái bao súng đẹp nhất, con dao găm đẹp nhất thành Pari. Chàng đem tất cả mớ gile cầu kỳ nhất của chàng, cái xám, cái đen, cái trắng, cái màu bọ dừa điểm vàng, cái kim tuyến long lanh, cái sặc sỡ, cái có lót, cái cổ lật, cái cổ thẳng, cái cổ bẻ, cái cài cúc vàng đến tận cằm; tất cả những thứ cổ cồn và cà vạt được người đương thời ưa chuộng; hai bộ quần áo may ở hiệu Buytxong và những sơ mi vải mướt mịn nhất. Chàng đem theo cả bộ đồ dùng để trang sức bằng vàng của mẹ cho. Chàng đem theo tất cả những thứ lăng nhăng của một tay ăn diện, kể cả cái lọ mực xinh xắn, tặng phẩm của người đàn bà đáng yêu nhất trên đời theo ý chàng. Người đàn bà ấy là một bà thượng lưu mà chàng gọi thân mật là Annet. Lúc ấy Annet đang đi Ecot với chồng, chán lắm nhưng vẫn phải đi vì nàng đang bị nghi ngờ, cần phải tạm hoãn giờ hội ngộ với Saclo. Trong hành lý chàng có hàng chồng giấy viết thư xinh xinh để mỗi tháng viết cho người yêu hai bức.

Tóm lại Saclo đã chở theo cả một đống những thứ phù phiếm của cái Pari hào hoa. Không có vật gì thiếu mặt, từ ái roi da để bắt đầu, cho đến đôi súng ngắn chạm trổ rất đẹp để két thúc một cuộc đấu sức tay đôi vì danh dự, và giữa hai thứ ấy là hàng ngàn khí cụ để cho những chàng trai vô công rồi nghề chăm bón tủn mủn cái đời sống của mình.

Cha chàng bảo chàng đi một mình, không người hầu, nhũn nhặn, nên chàng đáp xe tốc hành chở khách, ngồi chiếc ghế hạng nhất dành riêng cho chàng. Chàng lấy làm sung sướng vì không phải làm xây xát chiếc xe song mã đi đường xinh đẹp mới sắm để chờ đi đón bà lớn thượng lưu Annet. Cuộc hội ngộ giữa đôi tình nhân đã định vào tháng sáu ở suối tắm Badang.

Saclo nghĩ bụng sẽ gặp hàng trăm khách lạ ở nhà bác, sẽ được cưỡi ngựa đi săn ở rừng bác, tóm lại chàng chắc mẩm sẽ được sống đời sống của người chúa đất. Chàng không nghĩ rằng ông bác chàng lại ở Xomuya, nên khi đến Xomuya, chàng có hỏi thăm cũng chẳng qua là vì muốn hỏi đường đi đến lâu đài Phoroaphong. Đến khi biết ông ta ở Xomuya, Saclo lại tưởng rằng ông ở một biệt thự lớn. Chàng nghĩ rằng dù ở Phoroaphong hay ở Xomuya cũng phải ra mắt thiên hạ một cách dễ coi mới được. Bởi thế, chàng đã mặc bộ quần áo đi đường đỏm dáng nhất, giản dị nhất mà cầu kỳ nhất, hay nếu muốn dùng cái tiếng thường dùng nhất ấy ở thời ấy để diễn tả cái gì toàn thiện , toàn mỹ thì phải nói là mê ly nhất. Chàng đã ghé thành Tua để uốn lại mớ tóc nâu đỏ xinh đẹp. Chàng thay sơ mi và thắt cà vạt xa tanh đen, cố ý cho chiếc cà vạt ăn màu với cái cổ cồn tròn để làm nổi bật khuôn mặt trắng trẻo tươi vui. Một cái áo choàng đi đường cài cúc nửa chừng thắt lấy giữa người chàng và để lộ cái gile Casomia mặc ra ngoài gile trắng. Đồng hồ bỏ đâu đó trong một cái túi áo nào đó, buộc vào sợi dây chuyền vàng gài ở khuy áo. Chiếc quần xám cài cúc hai bên, quanh đường may dọc ống có thêu chỉ tơ đen. Tay chàng cầm cây can rất duyên dáng chuôi can bằng vàng chạm không át nổi màu sắc tươi tắn của đôi găng xám. Sau cùng, cái mũ két của chàng thật là đẹp mắt.

Một người ở Pari, và thuộc giới Pari thượng lưu nhất, mới có thể ăn mặc như thế mà không ra vẻ lố lăng và mới hòa hợp những cái rởm với nhau tài tình đến thế. Vả lại chàng cũng có cái vẻ tự tin của một thanh niên có những khẩu súng đẹp, cái tay bắn không sai và một người nhân tình như Annet.

Bây giờ nếu các bạn muốn hiểu vì sao cả các bậc Xomuya lẫn chàng công tử Pari đều ngạc nhiên, và muốn nhìn thấy rõ ràng hình ảnh anh chàng diện bảnh chói lọi như thế nào giữa đám hình nhân nhờ nhờ trong bức tranh gia đình kia, thì hãy cố gắng tưởng tượng cho được chân dung của bọn Cruyso. Cả ba ông Cruyso đều nghiện thuốc lá. Đã từ lâu, họ mặc cho nước mũi và những tàn đen in vết lên nền ngực sơ mi màu hung, cổ đã cuốn kèn lại và đầy những nếp nhàu vàng bẩn. Mấy chiếc cà vạt mềm nhũn, hễ thắt vào cổ thì cuộn như dây thừng. Sơ mi họ có hàng mớ, sáu tháng mới phải giặt một lần. Vì xếp cất thường xuyên dưới đáy tủ, những quần áo ấy đã cũ kỹ và để lâu quá nên ngả màu xám xịt. Vô duyên và cằn cỗi đã gặp nhau trên người họ. Mặt họ tàn tạ như áo của họ, nhàu nát như quần của họ, trông như sờn đi trải lại, nhăn nhăn nhíu nhíu. Những người khác ăn mặc cũng cẩu thả không kém bọn Cruyso. Ở tỉnh nhỏ người ta không đóng đủ bộ, áo quần lại không bao giờ tinh tươm. Hình như dần dần họ quên nghĩ rằng mình phải vì người khác mà ăn mặc, và họ quá quan tâm đến giá tiền một đôi găng tay. Chỉ có một điểm mà hai phái Cruyso và Đe Gratxanh hoàn toàn nhất trí với nhau, đó là sự thù ghét thời trang.

Có khi chàng công tử Pari cầm mặt kính lên quan sát những vật trang trí kỳ khôi ở trong phòng. Chàng nhìn những cây xà ngang đỡ sàn gác, nhìn màu sắc những tấm ván lát tường và những chấm đen ruồi in lên trên ấy dày đặc, những chấm đen ấy dễ thường đủ để dùng làm dấu chấm cho toàn bộ Bách khoa toàn thư lẫn kho tạp chí Người Huấn Luyện. Những lúc ấy các tay bài hếch mũi lên, trố mắt nhìn anh chàng mới đến như một con vật kỳ lạ, con hươu cao cổ chẳng hạn. Cha con ông Đe Gratxanh tuy không lạ gì những tay ăn diện, cũng về hùa với những người khác mà tỏ bộ ngạc nhiên, hoặc vì họ bị cái cảm tưởng chung của mọi người ảnh hưởng, hoặc vì họ muốn tỏ ý đồng tình với những người kia. Họ đưa mắt cho các người khác, ý mỉa mai: “Ở Pari, chúng nó như thế đấy”. Mọi người ngắm nghía Saclo tha hồ, không sợ phật ý chủ nhân vì ông ta mải đọc một bức thư dài cầm ở tay. Ông đã mang cây đèn duy nhất trên bàn đi để đọc thư, không hề để ý đến khách và cuộc vui của họ.

Ogieni chưa từng thấy ai xinh trai và ăn mặc tuyệt mỹ như thế, nên nàng tưởng như Saclo là người cõi tiên xuống trần. Nàng ước được sờ vào đôi găng tay xa tanh mịn. Nàng ước có đôi tay bé nhỏ của Saclo, màu da và nét mặt tươi tắn thanh tú của chàng. Chung qui có lẽ có một tỷ dụ có thể tóm gọn những cảm giác chàng công tử đã gây ra cho người thiếu nữ ngây thơ, người thiếu nữ cả ngày chỉ biết mạng bít tất và vá áo cho cha, phôi pha đời sống giữa bốn bức tường nhơ bẩn, ở con đường phố mỗi giờ không quá một người khách qua lại này. Nhìn chàng, nàng cảm thấy dậy lên trong lòng những khoái cảm của một người thanh niên kkhi xem những bức tranh phụ nữ dị kỳ của Westall trong sách in ảnh Anh và do Finden khắc( hai nhà họa sĩ và khắc họa Anh), nét khắc tinh vi đến nỗi người ta sợ thở lên giấy thì những hình ảnh thần tiên hiển hiện kia sẽ thay đi.

Saclo rút túi lấy cái khăn thêu của bà lớn quý tộc đang du lịch ở Ecot tặng. Cái khăn này bà ta đã âu yếm thêu nên trong những giờ đằng đẵng không được dùng vào việc âu yếm. Trông thấy cái công trình mỹ thuật ấy, Ogieni nhìn Saclo để xem thử có thật chàng rút ra để dùng không. Dáng điệu của Saclo, cử chỉ của chàng, cách chàng cầm mặt kính lên nhìn, vẻ táo tợn cố ý của chàng, việc chàng coi thường cái hộp trang sức nàng ham thích nhưng chàng lại cho là lố lăng, chả ra gì, tóm lại tất cả những gì ở Saclo làm cho bọn Cruyso và Đe Gratxanh khó chịu thì nàng lạ ưa thích hết sức. Chắc là trước khi ngủ, nàng phải mơ tưởng nhiều đến người em họ thần tiên giáng thế này.

Mấy tay bài đã tỏ vẻ uể oải từ lâu và cuối cùng thì nghỉ chơi hẳn. Mụ Nanong vào, nói lớn:

– Bà ơi! Bà phải cho tấm khăn trải giường để xếp đặt chỗ cậu ấy ngủ chứ.

Bà Grangde đứng lên đi với mụ Nanong. Bà Đe Gratxanh bảo khẽ mọi người.

– Chúng ta cất tiền đi thôi, đừng đánh nữa.

Mỗi người bốc lại hai đồng xu mình đã góp trong chiếc đĩa sứt, rồi cử tọa chuyển động nhất loạt mỗi người kéo ghế nhích lại phía lò sưởi. Ông Grangde mắt không rời bức thư hỏi:

– Các bạn không đánh nữa ư?

– Vâng, vâng. Bà Đe Gratxanh vừa trả lời vừa đến ngồi ghế bên cạnh Saclo.

Ogieni giống như mọi người con gái lần đầu nẩy lòng cảm mến: một ý định thúc đẩy nàng rời bỏ gian lớn để đi giúp mẹ và mụ Nanong. Bấy giờ nếu cha rửa tội khôn khéo dò hỏi thì chắc nàng đã thú nhận rằng nàng không nghĩ đến đỡ mẹ, cũng chẳng nghĩ đến Nanong; nàng thiết tha muốn lên thăm buồng dành cho cậu em họ chẳng qua chỉ đề săn sóc cậu em họ, đặt vào đó một cái gì, xem người ta quên thứ gì thì nhắc, cố lo chu toàn mọi việc để cái buồng của cậu em được sạch sẽ, lịch sự. Chưa gì nàng đã cho là chỉ có mình hiểu được ý muốn và sở thích của Saclo. Thật thế, lúc mẹ nàng và chị ở quay ra vì cho là đã xếp đặt đau ra đấy thì may sao nàng đến kịp để giải thích cho họ thấy là chưa ra làm sao cả. Nàng gợi ý cho mụ Nanong đem chăn và khăn trải giường hơ lửa cho ấm. Tự tay nàng trải một chiếc khăn đặt lên cái bàn cũ kỹ và căn dặn mụ Nanong phải nhận thấy rằng cần đốt lửa trong buồng, và nàng thuyết phục mụ Nanong giấu bố mình mang một đống củi to lên hành lang. Nàng chạy đi lấy ở góc tường một cái khay sơn cổ do cụ cố Bectenlie lưu lại, một chiếc cốc pha lê sáu cạnh, một cái thìa con nước mạ vàng đã tróc, một chiếc lọ xưa có chạm nhiều thần ái tình. Nàng đắc thắng mang tất cả những thứ ấy đặt lên bệ sưởi. Chỉ trong khoảnh khắc nàng nảy ra nhiều sáng kiến hơn là từ khi lọt lòng mẹ đến giờ. Nàng nói:

– Mẹ ơi, cậu ấy chịu thế nào được mùi nến mỡ! Hay là ta mua nến lạp?…

Nhẹ nhàng như con chim, nàng đi tìm túi tiền, lấy đồng trăm xu bố cho để tiêu vặt trong tháng, đem đưa mụ Nanong:

– Tiền đây, mụ Nanong. Chạy nhanh lên!

Bà Grangde thấy con gái bưng cái bình đựng đường bằng sứ cổ mà ông Grangde moi ở lâu đài Phoroaphong ra thì buột miệng kêu lên mấy tiếng hãi hùng:

– Cha con biết thì làm sao?

Bà nói thêm:

– Và đào đâu cho ra đường? Con điên hay sao ấy?

– Mẹ ơi, mụ Nanong đi mua nến lạp thì sẽ mua cả đường nữa chứ sao.

– Thế còn cha con?

– Cháu đến nhà bác mà không có lấy một cốc nước đường để uống thì coi sao được? Vả lại cha con không để ý đâu.

Bà Grabgde lắc đầu:

– Có cái gì qua mắt được cha con!

Mụ Nanong biết rõ tính chủ, đang còn ngại ngần.

– Ô hay! Mụ Nanong, đi đi chứ, ngày lễ của tôi cơ mà!

Mụ Nanong nghe câu pha trò của Ogieni – câu pha trò đầu tiên trong đời nàng thì buột miệng cười to và tuân lệnh chủ.

Trong khi mẹ con Ogieni cố sức trang hoàng cái buồng ông Grangde dành cho cháu thì bà Đe Gratxanh cố săn đón Saclo. Bà õng ẹo nói:

– Ông rời bỏ chốn phồn hoa trong tiết đông này để về Xomuya thì thật can đảm. Nhưng, nếu ông không chê chúng tôi quê mùa mà kinh sợ, thì rồi ông cũng thấy ở đây cũng có thể tiêu khiển được chứ không phải không.

Đến đây bà Đe Gratxanh liếc Saclo một cái. Ở tỉnh nhỏ người phụ nữ có thói quen dùng cặp mắt một cách cẩn thận và e dè dặt, cho cái nhìn của họ chứa chan háo hức, cũng như cái nhìn của các vị cố đạo coi mỗi lạc thú ở đời như một sự đánh cắp, một tội lỗi.

Về phần Saclo, chàng cảm thấy mình quá lạc lõng ở trong gian nhà này. Sự thực trước mắt khác xa với tòa lâu đài mênh mông, với đời sống vương giả của ông bác mà chàng mộng tưởng, nên khi nhìn kỹ bà Đe Gratxanh, chàng thấy phảng phất như một nhân vật Pari. Chàng đáp lại sự khuyến khích khéo léo ấy của bà ta một cách lịch sự và giữa hai người, tự nhiên câu chuyện bắt đầu. Giọng bà Đe Graxanh hạ dần xuống cho hợp với tính chất những câu chuyện tâm tình. Hai người đều cần có nơi gửi gắm tâm sự. Vì thế sau một lúc đàm luận cợt nhả và bông đùa nghiêm trang, bà Đe Gratxanh khôn khéo đã có thể mặc các vị khách sa vào câu chuyện thời sự của tỉnh Xomuya, chuyện bán rượu mà thỏ thẻ với Saclo, không sợ ai nghe thấy:

– “Thưa ông, nếu chúng tôi có cái vinh hạnh được tiếp ông, thì nhà tôi cũng sẽ sung sướng không kém gì tôi. Phòng khách của chúng tôi là phòng khách duy nhất ở Xomuya họp mặt cả giới quý tộc lẫn giới đại thương. Chúng tôi vừa ở giới nọ, vừa ở giới kia, họ chỉ thích gặp nhau ở phòng khách nhà chúng tôi vì ở đó mua vui được. Cả hai giới đều trọng vọng ông nhà tôi, tôi lấy làm kiêu hãnh mà bày tỏ điều đó. Thế là chúng tôi cố gắng giải buồn cho ông, trong thời gian ông ở Xomuya. Nếu ông cứ co ro trong nhà ông Grangde thì trời đất ơi, ông sẽ ra sao nhỉ? Ông bác ông cả đời keo cú, cả đời chỉ nghĩ đến mấy cái tược nho, bà bác là một người mê đạo ngây ngô, cô chị họ là một cô bé dại dột chẳng được học hành gì, tầm thường, không của hồi môn, cả ngày lẫn đêm vùi đầu vào công việc vá may những tã rách”.

Saclo vừa đáp những trò õng ẹo của bà Đe Gratxanh, vừa nghĩ thầm:

– “Cái ả này được đấy chứ!”

Ông chủ to béo của nhà băng lớn, ông Đe Gratxanh vừa cười vừa bảo vợ:

– Hình như mình muốn chiếm độc quyền ông khách hay sao ấy!

Nghe thế, ông chưởng khế và ông chánh án chêm vào một vài lời xỏ xiên. Còn ông linh mục thì nhìn hai ông kia ranh mãnh rồi lấy một dúm thuốc lá và đưa hộp mời mọi người. Ông tóm tắt ý kiến của hai ông ấy bằng một câu:

– Có ai đủ tư cách hơn bà để thay mặt thành phố Xomuya ta mà thù tiếp ông khách quý nữa?

– Ô hay! Ông linh mục, ông nói thế ngụ ý gì?- ông Đe Gratxanh hỏi:

– Thưa ông, ngụ ý tốt nhất đối với ông bà, với thành phố Xomuya và với ông khách quý. Ông già ranh mãnh vừa nói vừa thêm mấy tiếng sau vừa quay về phía Saclo.

Ra ông linh mục tuy bề ngoài có vẻ không để ý đến câu chuyện giữa Saclo và bà Đe Gratxanh, nhưng thật ra đã đoán biết họ nói gì. Còn Adon, mãi chàng mới cố làm ra vẻ tự nhiên, nói với Saclo:

– Thưa ông, tôi không biết ông còn nhớ ra tôi không. Tôi đã được hân hạnh ngồi đối diện với ông trong đêm khiêu vũ ở nhà nam tước Đo Nuyxanhgiang và…

– Nhớ chứ, thưa ông, nhớ lắm.

Được mọi người chú ý, Saclo lấy làm ngạc nhiên. Chàng hỏi bà Đe Gratxanh:

– Ông đây là lệnh nam?

Ông linh mục ranh mãnh nhìn xem thái độ bà mẹ.

Bà ta trả lời:

– Thưa ông, vâng!

Saclo nói với Adon:

– Vậy ra ông lên Pari từ khi còn ít tuổi lắm nhỉ?

– Chính thế đấy, ông linh mục nói. Con cái chúng tôi, vừa rời vú mẹ là chúng tôi đã cho lên kinh kỳ rồi.

Bà Đe gratxanh đưa mắt chất vấn ông linh mục, với một cái nhìn thật là sâu thẳm. Ông linh mục nói tiếp:

– Phải về tỉnh nhỏ mới tìm thấy những người phụ nữ quá ba mươi, con sắp ra cử nhân luật, mà vẫn tươi trẻ như bà đây. Thưa bà, tôi cứ tưởng đang sống những ngày mà thanh niên chúng và các bà thượng lưu đứng lên ghế để xem bà khiêu vũ. Đối với tôi, cái thời oanh liệt của bà là chuyện hôm qua…

Bà Đe Gratxanh nghĩ thầm:

– Ô! cái lão bợm già này! Hắn đã đoán được ý nghĩ của mình chăng?

Saclo vừa cởi cúc áo ngoài, vừa nghĩ thầm: “Xem chừng ở xứ Xomuya này mình sẽ được hâm mộ lắm đây”! Chàng thọc tay vào túi áo gile và đưa tầm mắt nhìn vào cõi xa xăm để cho gióng dáng điệu của huân tước Bairon trong bức truyền thần của Sangtore.

Ông Grangde vô tình hay nói cho đúng, ông quá chuyên chú vào bức thư, việc ấy ông chưởng khế và ông chánh án đều nhận thấy. Hai ông chăm chú nhìn mặt ông Grangde hiện rõ dưới ánh nến để cố đoán nội dung lá thư qua những nét biến hóa tinh vi trên bộ mật ấy. Ông Grangde phải khó nhọc lắm mới giữ nổi vẻ điềm tĩnh thường ngày. Đọc bức thư bi đát sau đây chúng ta sẽ mường tượng được sự cố gắng tự chủ của ông ta.

“Thưa anh

Thấm thoắt thế mà đã ngót hai mươi ba năm nay chúng ta không gặp nhau. Lễ cưới của tôi là dịp gặp nhau lần cuối và khi chúng ta chia tay, anh với tôi đều vui vẻ. Thật lúc ấy tôi không ngờ là một ngày kia anh sẽ trở thành trụ cột độc nhất của gia đình ta; tôi nhớ lúc bấy giờ anh đã tỏ vẻ hết sức vui mừng khi biết nhà ta đang hồi phát đạt.

Anh ơi, khi anh đọc bức thư này thì tôi không còn ở trên cõi đời này nữa. Ở địa vị tôi, tôi không thể sống với cái nhục vỡ nợ. Tôi đã cố gắng bíu trên miệng vực đến phút cuối cùng, hy vọng bám được mãi ở đấy. Nhưng rồi cũng phải buông tay cho rơi xuống đáy. Hai vụ phá sản của người trung gian thương mại và người chưởng khế của tôi đã cuốn đi những món tiền cuối cùng, và làm cho tôi bây giờ hoàn toàn tay trắng. Tôi đau đớn nhận thấy rằng mình mắc nợ bốn triệu phorang mà đối lại, số dự thu chỉ đến hai mươi lăm phần trăm số kia thôi. Lô rượu ang của tôi trữ sụt giá một cách tai hại vì nho của các ông quá được mùa, cả về lượng lẫn chất. Ba ngày nữa Pari sẽ bảo: “Té ra ông Grangde là một thằng xỏ lá!”. Suốt đời tôi, tôi ngay thật là thế mà không ngờ lại chết với danh nhơ là tên bịp bợm. Tôi đã làm cho con tôi không còn tên họ, vì tên họ ấy đã vì tôi mà ô nhục, tôi lại đoạt mất của cải của mẹ nó. Tuy vậy, cái thằng bé mà tôi tôn thờ ấy nó không hay biết gì cả. Cha con tôi từ biệt nhau rất âu yếm. May mà nó không biết rằng tôi đã dốc cạn nguồn sinh lực cuối cùng của tôi trong giờ phút chia tay. Một ngày kia nó có nguyền rủa oán hận tôi không? Anh ơi, anh! Làm cha mẹ mà bị con cái nguyền rủa thì còn gì khổ sở cho bằng! Chúng ta nguyền rủa con cái thì chúng còn yêu cầu xét lại được, dến chúng mà nguyền rủa thì chúng ta vô phương. Anh Grangde ơi, anh là anh cả, anh phải che chở cho tôi: anh làm thế nào cho Saclo đừng buông lời oán hận trước mồ tôi. Anh ơi, nếu tôi có thể lấy máu và nước mắt viết thư cho anh thì tôi cũng không đến nỗi quá đau khổ khi viết bức thư này. Bởi vì như thế thì tôi đã khóc, đã rỏ máu, tôi đã chết trong người, không còn biết đau đớn là gì nữa. Nhưng không! Tôi lại nhìn cái chết bằng con mắt ráo khô, tôi đau khổ quá.

Ngày nay anh là cha của Saclo! Nó không còn bà con bên ngoại, anh đã rõ vì sao. Tại sao tôi bất chấp lễ giáo? Tại sao tôi đã để cho tình yêu lôi cuốn? Tại sao tôi đã cưới người con gái ngoại tình của một ông đại quý tộc? Saclo không còn gia đình! Ôi Saclo, con khốn khổ cuẩ cha! Con cha ơi!…Này anh Grangde ơi, tôi không van xin anh cái gì cho tôi cả; vả chăng gia sản của anh có lẽ không đủ đảm bảo trả ba triệu bạc nợ đâu. Nhưng tôi van xin anh hãy vì con tôi. Anh nên biết rằng vì nó, tôi đã chắp hai tay lại để nghĩ đến anh. Anh ơi. Tôi gửi Saclo cho anh trước khi nhắm mắt. Giờ đây tôi nhìn cái súng lục không thấy giày vò nữa vì tôi đã nghĩ rằng có anh thay thế tôi làm cha Saclo. Saclo nó yêu quý tôi lắm. Tôi là một người cha tốt, không bao giờ tôi làm phật ý nó. Nó sẽ không nguyền rủa tôi đâu. Nó hiền lành lắm, để rồi anh xem, nó giống tính mẹ nó, nó sẽ không làm phiền lòng anh đâu. Tội nghiệp thằng bé! Quen sống cảnh xa hoa sung túc, nó chưa từng trải những nỗi túng nghèo thiếu thốn mà anh và tôi đã từng chịu lúc thiếu thời. Thế mà đùng một cái, nó phải lâm vào cảnh suy sụp, cô đơn. Phải, cô đơn vì bạn bè của nó sẽ bỏ nó, mà chính tôi là người đã gây ra sự bẽ bàng tủi nhục ấy. Ôi! Tôi chỉ ước sao có cánh tay hết sức khỏe để tung một cái cho nó lên trời ở với mẹ nó. Nhưng tôi hóa điên rồi! Tôi phải trở về với cái tai biến của cha con tôi. Tôi gửi nó đến cho anh để anh báo cho nó biết một cách khéo léo cái tin tôi chết và tình cảnh tôi. Anh đừng bắt nó từ bỏ đột ngột nếp sống nhàn nhã, làm thế nó sẽ chết mất. Tôi muốn quỳ xuống cầu xin nó đừng lấy tư cách thừa tự của mẹ nó mà áp dụng pháp quyền chủ nợ đối với tôi. Có lẽ lời cầu xin này cũng thừa thôi: con tôi nó có ý thức danh dự và tất nhiên sẽ cảm thấy không nên nhập bọn với bọn chủ nợ của tôi. Khi nào thấy cần thì anh bảo nó từ bỏ quyền thừa kế gia sản. Anh bày tỏ cho nó biết những điều kiện sinh sống cơ cực của nó, do tôi làm ra, và nếu nó còn yêu thương cha nó phần nào, thĩ anh hãy nhân danh tôi mà bảo cho nó biết như thế cũng chưa phải là đời nó hỏng hết đâu. Thật thế, anh em ta do làm ăn cần cù mà trở nên khá giả thì nó, nếu nó chịu thương chịu khó, nó cũng có thể thu hồi lại những của cải mà tôi đánh mất. Nếu nó muốn nghe lời cha nó, thì vì con, tiếng nói của cha nó cũng sẽ từ đáy mồ vọng lên để mà khuyên nó đi xa, đi Ấn Độ(Thời Balzac, Indes – Ấn Độ chỉ một vùng rộng lớn bao gồm Ấn Độ, Miến Điện, Nam Dương,Đông Dương, Phi Luật Tân). Anh ơi, Saclo là một thanh niên trung hậu và can đảm, anh hãy cấp cho nó một chuyến tạp hóa, tôi biết nó thà chết chứ không đời nào không giả lại cái vốn anh giúp lúc ban đầu ấy. Anh sẽ giúp vốn nó phải không , anh Grangde? Nếu không, anh sẽ ân hận về sau đấy. Thật thế, nếu con tôi mà không được anh thương yêu, giúp đỡ thì tôi sẽ đời đời kiếp kiếp van xin Chúa vì tôi mà trừng phạt cái lòng dạ gỗ đá của anh. Giá tôi cứu vớt được một ít giá khoán (Giấy tờ thay thế cho một số tiền sở hữu như phiếu tiết kiệm, cổ phần…), thì tôi cũng có quyến trao cho nó một số tiền tính vào gia tài riêng của mẹ nó. Nhưng các khoản trang trải cuối tháng đã ngốn tất cả. Tôi cũng chưa đành lòng nhắm mắt khi số phận của con tôi còn chưa yên, tôi còn muốn bắt tay anh để cảm thấy trong hơi nóng của bàn tay anh một sự hứa hẹn thiêng liêng làm ấm lòng tôi, nhưng giờ thì gấp quá rồi. Khi Saclo lên đường thì tôi phải làm bản tổng kết toán. Tôi sẽ cố gắng làm để tỏ rõ lòng ngay thẳng của tôi trong mọi việc kinh doanh để chứng minh rằng cái tai họa phá sản này xảy ra không phải vì tôi lỗi lầm hay gian xảo. Như thế là lo cho Saclo đấy, phải không anh?

Xin vĩnh biệt anh. Tôi cầu Chúa ban mọi phúc lành cho anh vì anh đỡ đầu con tôi một cách hào hiệp: tôi tin chắc là anh vui lòng nhận đỡ đầu cho nó, phải không anh? Anh nên tin rằng sẽ có một người luôn luôn cầu nguyện cho anh ở cái thế giới mà ai ai rồi cũng sẽ tựu về và riêng tôi thì hầu như đã đến ở.

VICHTO ANGGIO GUYOM GRANGDE”.

Ông Grangde vừa gấp bức thư lại theo đúng nếp cũ, cất vào túi áo gile, vừa nói:

– Các ông các bà đang nói chuyện đấy à?

Ông nhìn người cháu với một vẻ nhũn nhặn e dè, che giấu niềm xúc động và những sự tính toán bên trong.

– Anh đã đỡ rét chưa?

– Thưa bác, đỡ nhiều rồi ạ.

– Ơ kìa! Bọn đàn bà nhà tôi đâu nhỉ?- ông ta hỏi thế vì đã quên mất rằng Saclo sẽ ngủ ở nhà mình.

Lúc ấy mẹ con Ogieni trỏ lại. Ông Grangde cũng vừa trấn tĩnh. Ông hỏi:

– Ở trên ấy đã xếp đặt yên cả chưa?

– Thưa cha đã ạ.

– Này cháu ạ, nếu cháu thấy mệ thì mụ Nanong sẽ đưa cháu về buồng nghỉ. Ôi chao, chẳng phải buồng công tử công tôn gì, cháu nên miễn thứ cho cái bọn giồng nho này, cả đời không có một xu dính túi. Thuế má nuốt ráo, có còn gì đâu!

Ông Đe Gratxanh nói:

– Chúng tôi không muốn tọc mạch, bác Grangde ạ. Có lẽ bác cần trò chuyện với ông cháu, chúng tôi xin cáo về. Đến mai lại gặp nhau.

Thế là các vị khách đứng dậy, nghiêng mình cáo biệt, mỗi người mỗi cách, tùy tâm tùy tính từng người. Ông cụ chưởng khế đi lấy chiếc đèn lồng để sau cửa, thắp lên và ngỏ ý muốn đưa gia đình họ Đe Gratxanh về tận nhà. Bà Đe Gratxanh không ngờ có việc xảy ra làm cuộc họp giải tán trước giờ nên người nhà không biết để đến đón sớm hơn mọi khi. Ông linh mục nói:

– Thưa bà, tôi muốn hân hạnh đưa bà đi.

Bà Đe Gratxanh trả lời cụt lủn:

– Cảm ơn ông linh mục. Tôi đã có cháu dắt.

– Các quý phu nhân mà đi với tôi thì không sợ tai tiếng gì hết.

Đê Gratxanh bảo vợ:

– Mình khoác tay ông Cruyso đi nào.

Ông linh mục khoác tay bà phu nhân xinh đẹp thoăn thoắt đi lên trước, bỏ đoàn người lại sau. Ông siết chặt cánh tay bà, thủ thỉ:

– Thưa bà, chàng thanh niên ấy kháu đấy chứ! Chào thúng giỏ, nho đã hái rồi. Bà cáo biệt cô Ogieni đi là vừa. Ogieni sẽ là của anh chàng người Pari thôi. Trừ phi cậu ta say mê một cô gái thủ đô nào rồi thì không nói, nhược bằng không thì cậu Adon của bà sẽ gặp một tình địch cực kỳ…

– Ông chả phải lo, ông linh mục ạ. Không sớm thì chầy, gã ấy cũng nhận thấy Ogieni là một cô gái ngây ngô, chả có vẻ gì là tươi tắn đậm đà cả. Ông đã nhìn kỹ nó chưa? Trông tối hôm nay vàng ệch như một quả thị.

– Có lẽ bà đã mách cho cậu em họ chú ý rồi đấy nhỉ?

– Vâng, tôi chẳng câu nệ gì…

– Bà cứ nên luôn luôn đứng bên cạnh Ogieni, như thế là bà chẳng cần gì phải nói xấu cô ta với Saclo nhiều. Tự Saclo sẽ so sánh và…

– Trước hết hãy cứ biết hắn ta đã nhận lời mời ngày kia đến ăn tối với tôi.

– Ơ! thưa bà nếu bà muốn…

– Ông bảo tôi muốn gì, ông linh mục? Ông định khuyên tôi làm việc xấu đấy à? Đã ba mươi chín tuổi trời, thân danh như băng tuyết, đời nào tôi lại chịu mang vết nhơ, dù có vì thế mà được cả một đế quốc! Ông với tôi đều đã đến tuổi nói cái gì phải đúng cho cái ấy. Là cha đạo mà ông có những ý nghĩ như thế thì cũng thật là bất nhã. Ái chà! Thật xứng với Phobla.

– Bà có đọc Phobla ư?

– Không ông linh mục ạ! Tôi muốn nói đến quyển Những sự kết giao nguy hiểm (một tác phẩm của Choderos de Laclos – mấy người đàn bà có đức hạnh bị một chàng công tử trụy lạc dùng mánh khóe tâm lý để quyến rũ) kia.

– Ơ! quyển sách ấy đạo đức hơn nhiều, ông linh mục vừa cười vừa nói. Nhưng bà làm như tôi là một thanh niên đồi trụy thời nay không bằng! Tôi chỉ muốn….

– Ông có dám nói rằng ông không hề có ý khuyên tôi làm điều xằng bậy hay không? Ý ông đã rõ như ban ngày. Cái thằng thanh niên ấy – tôi cũng công nhận nó khá bảnh bao – nếu nó theo tôi mà ve vãn thì nó không nghĩ tới con chị nó nữa. Tôi biết là ở Pari, có những bà mẹ hy sinh cách ấy để con được sung sướng và giàu sang. Nhưng chúng ta đang ở tỉnh quê, ông linh mục ạ.

– Vâng, thưa bà.

– Ví bằng dùng cách ấy mà đánh đổi được một trăm triệu đi nữa thì cả tôi lẫn Adon cũng không thèm làm.

– Thưa bà, tôi đâu dám nói đến một trăm triệu! Một trăm triệu thì sự cám dỗ có thể quá sức chống đỡ của chúng ta. Tôi chỉ nghĩ rằng một người đàn bà đứng đắn vẫn có thể làm duyên chút ít mà không thiệt gì đến thanh danh, đạo đức; cái trò vô hại ấy cũng nằm trong phép xã giao của họ…

– Ông tưởng thế ư?

– Chứ không phải sao, thưa bà? Không phải là chúng ta có bổn phận làm vui lòng nhau hay sao?… Xin phép bà cho tôi hỷ mũi.

Ông linh mục lại nói tiếp:

– Tôi nói thật với bà rằng hắn nhìn bà với con mắt khâm phục hơn là ngắm nhìn tôi chẳng hạn. Nhưng tôi cũng chả trách nó chuộng sắc đẹp hơn ngại tuổi già…

Giọng ông chánh án ồ ồ vang đến:

– Rõ ràng là ông Grangde ở Pari cho con về Xomuya với ý định tìm vợ cho nó.

– Nếu thế thì có đâu ông cháu ấy lại rơi xuống như một quả bom vậy? Ông chưởng khế đáp.

– Cái đó cũng chưa hẳn, lão Grangde ta thường kín như hũ nút mà!

Bà Đe Gratxannh nói:

– Mình ạ, tôi đã mời cậu bé ấy đến xơi tối ở nhà ta. Mình phải đi mời giúp tôi ông bà Đo Latcxonie và gia đình Đuy Holoi, tất nhiên có cả cô tiểu thư Đuy Holoi xinh đẹp; hôm ấy miễn là cô ta ăn mặc lịch sự! Mẹ cô ganh tị, cho cô ăn mặc lôi thôi quá.

Bà chặn đoàn khách lại, quay đầu về phía hai ông Cruyso đi sau, bảo:

– Thưa các ông, tôi hy vọng được hân hạnh đón tiếp các ông hôm đó.

Ông chưởng khế nói:

– Thưa bà, đã đến nhà bà rồi đây.

Ba bà con Cruyso từ biệt ba bà con Đe Gratxanh rồi trở về nhà. Trên đường về họ dùng tài phân tích sẵn có của người hàng tỉnh để nghiên cứu sự việc hôm nay đã thay đổi vị trí chiến lược của hai phe Cruyso và Đe Gratxanh. Cái lương tri thần diệu của các nhà toán học vĩ đại ấy chỉ đạo mọi hành vi của họ. Lần này nó làm cho họ cảm thấy phải tạm thời liên minh với nhau để cùng chống kẻ thù chung. Họ phải tương trợ nhau để làm cho Ogieni không yêu Saclo và Saclo không nghĩ đến Ogieni. Những lời bóng gió quỷ quyệt, đơm đặt ngọt ngào, những lời tán tụng đầy ác ý, những cách tiết lộ khuyết điểm như vô tình, tất cả những cái ấy sẽ luôn bao vây Saclo để đánh lừa chàng ta, làm thế nào chàng chống nổi?

Trong nhà Grangde, khi còn lại bốn bà con trong gian lớn, ông Grangde bảo Saclo:

– Ta nên đi ngủ. Bây giờ khuya quá, chưa thể trò chuyện gì được về cái việc đã khiến anh tới đây. Đến mai ta sẽ chọn lúc thích hợp mà nói chuyện. Ở đây tám giờ ăn sáng, trưa nếm qua một quả cây, một rẻo bánh cùng với cốc vang trắng, thế rồi năm giờ chiều chúng tôi ăn tối như người Pari. Nếp nhà chỉ có thế. Nếu anh muốn đi xem thành phố hay vùng lân cận thì anh cứ tha hồ. Tôi bận lắm, nhiều khi không đưa anh đi chơi được, anh miễn chấp. Ra ngoài, có thể anh nghe mọi người trầm trồ là tôi giàu. “Chỗ này rằng Grangde, chỗ kia rằng Grangde”. Tôi để mặc họ, những chuyện tán nhảm ấy không làm thiệt hại gì đến uy tín của tôi. Sự thật thì tôi chẳng có đồng xu nhỏ nào. Tuổi tác như tôi mà phải làm việc quần quật như một anh thợ bạn, tất cả gia tài ở hai cánh tay với một chiếc bào khổ. Có lẽ rồi tự anh cũng sẽ được biết phải khó nhọc bao nhiêu mới làm ra một đồng bạc, nếu tự ta đổ mồ hôi làm lấy. Nanong đâu, đưa nến đây.

– Anh cháu ạ, bà Grangde bảo, tôi tưởng đã thu xếp cho anh đủ mọi thứ cần dùng. Nhưng nếu còn thiếu gì, anh cứ gọi mụ Nanong.

– Thưa bác, cái ấy cũng khó đấy ạ. Tôi tưởng tôi đã mang theo đủ thứ cần rồi! Bác cho phép tôi chúc bác ngủ ngon, chúc cả chị Ogieni tươi trẻ nữa.

Saclo cầm cây nến đã thắp trên tay mụ Nanong. Cây nến lạp Angiu vàng khè, bày lâu ngày ở của hàng nên rất cũ kỹ, rất giống nến mỡ. Ông Grangde vốn đinh ninh rằng ở nhà không làm gì có nến lạp nên không thể đoán ra sự xa hoa ấy. Ông bảo: “Anh đi theo tôi”.

Đáng lẽ đi ra cái cửa phía vòm cuốn, ông Grangde lại vẽ chuyện, dắt chàng đi theo lối hành lang. Từ hành lang bước ra thang gác có cánh cửa tự động lồng một tấm kính bầu dục. Cánh cửa ấy dùng để cản bớt gió lạnh, không cho lùa vào nhà. Tuy vậy, mùa đông gió vẫn rít lên ở quãng ấy, cho nên gian lớn vẫn rét mặc dù mấy cái cửa đã nhét bùi nhùi.

Mụ Nanong đi khóa cổng rồi đóng cửa gian lớn và ra ngời tàu ngựa mở xích cho con chó giữ nhà có giọng sủa khàn khàn như đau họng. Con chó khá dữ đó chỉ biết có mụ Nanong. Người ấy và chó đều sinh ra ở đồng ruộng nên tâm đầu ý hợp.

Khi Saclo nhìn thấy những bức tường chung quanh thang gác vàng khè và bám đầy muội, các bậc thanh mọt ruỗng rung rinh dưới bước chân nặng nề của ông bác, thì mộng của chàng tan vỡ càng nhanh hơn. Chàng tưởng mình đang ở trong cái chuồng gà. Chàng ngoái nhìn bà Grangde và Ogieni để tìm hiểu nét mặt họ. Nhưng mẹ con bà Grangde quá quen với cái cầu thang ấy, không hề đoán là Saclo kinh ngạc vì nó; họ cho là Saclo tỏ cảm tình nên dịu dàng mỉm cười trả lễ, khiến Saclo thất vọng. Chàng tự nhủ: thật không hiểu ông cụ gửi mình về cái xó này làm quái gì thế này?

Đến khoảng nối hai cầu thang, Saclo trông thấy ba cánh cửa không có khung sơn màu gạch, lẩn trong tường vôi nham nhở, có cạp sắt vặn đanh ốc. Mấy chiếc cạp ấy nổi lên rõ rệt và toe thành hình ngọn lửa cũng như miếng sắt ở gần ổ khóa. Ở đầu cầu thang, cái cửa mở vào một cái buồng ngay trên nhà bếp, đã bịt kín. Quả thế, phải đi vòng qua phòng ông Grangde mới vào được buồng ấy. Đó là buồng làm việc, gắn liền với phòng ông ta. Buồng chỉ có một cửa sổ duy nhất để cho ánh sáng lọt vào: cửa có chắn song sắt to tướng và căng lưới mắt cáo để đề phòng kẻ gian từ dưới sân leo lên. Không ai được phép vào buồng ấy, kể cả bà Grangde: ông lão muốn ở trong buồng một thân một mình, y như người luyện vàng bên lò hóa chất. Ở đấy chắc là có một cái hộp bí mật khoét rất kín đáo trong vách, ở đấy chồng chất khế tờ ruộng đất, ở đấy treo những cái cân tiểu ly để cân vàng, ở đấy, ban đêm ông Grangde thức bí mật làm biên lai, viết tờ giấy nhận tô và tính toán sổ sách. Khách hàng thấy ông lúc nào cũng sẵn sàng, tưởng rằng ông có phép sai quỷ khiến thần làm việc cho ông. Đêm đêm, khi mụ Nanong bắt đầu ngáy chuyển sàn gác, khi con chó dữ canh nhà vừa ngáp ngoài sân, khi bà Grangde và cô Ogieni đã yên giấc điệp, khi ấy chắc bác phó thùng già cất bước vào đây để nâng niu, để ve vuốt, để ấp ủ vàng của ông ta và để đổ nó vào hũ, đóng nó vào thùng. Ở đây tường dầy cửa kín. Chỉ mình ông giữ bo bo chìa khóa phòng bào chế ấy. Người ta bảo rằng ông vào đấy để nghiên cứu các bản đồ các vườn cây ăn quả của ông, và để thống kê hoa lợi không sai một cành nho chiết, một ôm củi chạc nào.

Cửa buồng Ogieni đối diện với cái cửa bít ấy. Phòng hai ông bà thì choán cả mặt trước gác và được ngăn làm hai buồng; buồng bà Grangde thông sang buồng cô con gái, buồng cô gái có một cái cửa ra vào có kính. Buồng ông Grangde cách buồng bà bà một tấm phên ván và cánh buồng kín một bức tường dày. Ông ta xếp buồng nghỉ của Saclo ngay trên đầu ông, để nghe tiếng động tĩnh nếu chàng cao hứng đi lại.

Đến giữa khoảng nối hai cầu thang, mẹ con Ogieni hôn nhau như thường lệ trước khi chia tay đi ngủ. Họ nói với Saclo vài ba câu tạm biệt, ngoài miệng thì nhạt nhẽo nhưng nóng hổi trong lòng Ogieni, rồi mỗi người vào buồng riêng.

Lên tới gác hai, ông Grangde mở cửa buồng cho Saclo và bảo:

– Buồng anh đây. Nếu anh cần đi ra ngoài thì anh gọi mụ Nanong. Không có mụ ấy thì, thú thật, con chó sẽ ăn thịt anh ngay, không đợi một hai gì cả. Chúc anh ngon giấc. A ha! Các bà ấy còn đốt lửa cho anh cơ!

Ngay lúc ấy, mụ Nanong lại mang vào một nồi than đỏ.

– Lại còn cái mụ này nữa! Ông Grangde nói. Mụ tưởng anh cháu tôi đây là một người đàn bà ở cữ đấy à? Mụ có chịu khó cất cái nồi than đi không, mụ Nanong?

– Nhưng thưa ông, khăn trải giường ẩm ướt quá mà cậu ấy thì yểu điệu như một người đàn bà ấy.

Thôi được, mụ đã yên trí thế thì cứ vào mà làm đi, ông Grangde vừa nói vừa đẩy mụ Nanong vào. Nhưng cho khéo léo kẻo làm cháy nhà ra đấy. Thế rồi ông Grangde đi xuống thang gác, mồm lẩm bẩm những câu gì không rõ.

Saclo đứng ngẩn người giữa đám rương hòm của mình. Chàng nhìn căn buồng áp mái. Tường phất thứ giấy vẽ hoa như cái quán khổ ngoại ô, cái bệ sưởi bằng đá vôi có soi rãnh, thoáng trông đã cảm thấy lạnh trong người, mấy chiếc ghế tựa bằng gỗ vàng, mặt đan cói phết vecni, trông như có nhiều góc chứ không phải chỉ bốn góc, cái tủ đầu giường bỏ ngỏ có thể nhốt một viên đội khinh binh thấp bé, cái tấm thảm mỏng để ở đuôi giường, cái giường có trần, từ trần buông rủ xuống những tấm dạ nhậy nhấm gần hết, rung rung như sắp rơi. Rồi chàng nghiêm trang nhìn mụ Nanong bảo:

– Ái chà! Cô em ơi! Đây có thật là nhà ông Grangde, nguyên thị trưởng thành Xomuya và là anh ông Grangde ở Pari không?

– Thưa cậu đúng rồi đấy, đúng là cậu đang ở nhà một ngài hiền hậu, dễ mến, tốt tuyệt. Cậu có muốn tôi giúp cậu dỡ đồ đạc trong hòm xiểng ra không?

– Được, tôi cũng thích thế lắm bác quyền ạ! Có phải bác đã đăng đi lính hải quân cận vệ của hoàng đế không?

– Ồ! Ồ! Hải quân cận vệ là cái quái gì nhỉ? Có mặn không? Nó đi trên nước phải không?

– Này, lấy cái áo dài mặc ngoài trong cái vali kia cho tôi một tí. Chìa khóa đây.

Nanong trông thấy cái áo bằng lụa xnh dệt hoa kim tuyến và in hình vẽ cổ kính thì trố mắt nhìn, khâm phục. Mụ hỏi:

– Cậu mặc cái của ấy mà ngủ ư?

– Ừ.

– Lạy Đức mẹ! Úi chào! Được cái này làm tấm quấn bàn cho cái án thờ của cụ xứ thì xinh biết bao nhiêu! Này thưa cậu công tử khôi ngô thân mến của tôi, cậu đem cái này biếu cho nhà chung đi, cậu sẽ được lên thiên đường, còn mặc nó thì phải xuống địa ngục đấy! Ôi! Cậu mặc thế trông xinh quá! Để tôi gọi cô nhà lên ngắm mới được.

– Nào, chị Nanong, – đã đặt tên thế thì đành phải gọi thế, – chị có im mồm đi không? Để yên cho tôi ngủ, mai tôi còn phải xếp lại đồ đạc và nếu chị thích cái áo này đến thế thì nhất định chị sẽ được lên thiên đường: tôi cũng ngoan đạo nên không thể không biếu chị khi rời nhà này. Lúc ấy rồi chị muốn đem nó làm gì tùy chị.

Mụ Nanong đứng ngẩn người nhìn Saclo, không dám tin. Rồi mụ vừa lui ra vừa nói:

– Đem cái của là lượt ấy mà cho tôi à? Cái cậu này chưa ngủ đã mơ rồi! Chào cậu.

– Chào chị.

Saclo vừa thiu ngủ vừa ngẫm nghĩ: Ta về nơi đây để làm gì nhỉ? Cha ta đâu phải người ngờ nghệch, cha ta cho ta đi tất phải có mục đích. Chậc! “Chuyện quan trọng mai hẵng hay”, không biết cái anh ngốc Hy Lạp nào đã nói thế!

Đang đọc kinh cầu nguyện, Ogieni ngừng lại reo thầm: “Đức mẹ ơi! Cậu em họ tôi sao mà dễ thương thế nhỉ!”. Và buổi tối hôm đó nàng cầu không hết bài kinh.

Bà Grangde nằm xuống giường chẳng nghĩ ngợi gì. Qua cái cửa thông ở giữa bức phên ngăn cách, bà nghe tiếng chân ông chồng đi đi lại lại. Cũng như tất cả những người phụ nữ e dè nhút nhát, bà đã từng nghiên cứu tính tình đức lang quân. Lần này, nhờ một vài dấu hiệu rất tinh vi, bà đoán trước cơn bão táp dồn dập trong lòng ông, cũng như con chim hải âu biết trước giông tố, và bà nằm giả chết, như bà thường nói. Grangde nhìn cánh cửa buồng làm việc bọc tôn bên trong và nghĩ thầm:

“- Không biết chú hai nghĩ thế nào mà chú lưu thằng con chú lại cho ta. Thật quả là món gia tài đáng giá! Ta không thể cho hắn quá hai mươi equy mà hai mươi equy thì có nghĩa lý quái gì với cái thằng công tử bột ấy. Hắn dòm cái phong vũ biểu của ta như muốn mà đun bếp ngay đi!”.

Khi ông Grangde em cầm bút viết bức chúc thư đau lòng trên kia, ông hết sức bứt rứt, nhưng ông anh, khi nghĩ đến hậu quả của chúc thư ấy, có lẽ lại còn bứt rứt hơn.

Còn mụ Nanong thì sung sướng mình tự bảo mình:

“Ta sẽ được cái áo quý ấy ư?…” Mụ tưởng tượng quấn chiếc quấn bàn trên người mà ngủ và mơ thấy nào hoa, nào thảm, nào hàng gấm Damat. Lần đầu tiên trong đời mụ, mụ mơ những thứ quý ấy cũng như Ogieni mơ giấc mơ tình lần đầu trong tuổi thanh xuân.

Bình luận
× sticky