Ở hoàn cảnh nào người đàn bà cũng có lắm cớ đau khổ hơn đàn ông, và họ đau khổ hơn đàn ông bội phần. Người đàn ông đã có nghị lực, lại còn phải bận thi thố quyền lực của họ: họ làm việc, họ đi lại, họ bận rộn, họ suy nghĩ, họ nhìn quán xuyến tương lai và tìm thấy trong ấy nhiều an ủi. Saclo đã sống như thế. Còn người đàn bà thì ngồi một chỗ, đối diện với nỗi u sầu không có cách gì khuây khỏa; họ cứ buông mình rơi xuống vực sâu thẳm của khổ đau, vực sâu bao nhiêu thì lời cầu nguyện và nước mắt chan chứa bấy nhiêu. Ogieni đã sống như thế. Nàng tập sống cái số kiếp của nàng. Trang tiểu sủ của người đành bà bao giờ cũng gồm mấy chữ cảm xúc, yêu thương, đau buồn và tận tụy. Ogieni là hiện thân của phụ nữ, duy thiếu nguồn an ủi mà phụ nữ thường có. Nếu dùng hình tượng tuyệt vời của Botxuye thì phải nói rằng hạnh phúc của nàng, nàng thu nhặt như thu nhặt từng cái đanh đóng trên tường, thế mà chung quy vẫn không đầy lòng bàn tay. Đến như chuyện buồn thì chẳng phải đợi, với Ogieni nó tới rất nhanh. °(Bossuet- giám mục Pháp thế kỷ XVIII, là một nhà thuyết giáo nổi tiếng hùng biện của nhà chung, đã đọc nhiều bài văn tế và thuyết pháp có danh tiếng).
Saclo đi khỏi, tòa nhà Grangde trở về không khí cũ với mọi người, trừ Ogieni. Riêng nàng thì bỗng nhiên nàng thấy nó trống trải quá. Nàng giấu cha, muốn giữ căn buồng Saclo y nguyên như lúc chàng ra đi. Bà Grangde với mụ Nanong cũng đồng tình chấp nhận cái quy chế ấy.
– Biết đâu cậu ấy sẽ không trở về sớm hơn là chúng ta nghĩ.
– Chao! Tôi muốn được thấy cậu ấy ở đây quá! Mụ Nanong nói. Tôi quen hơi bén tiếng rồi, con người đến lành đến tốt, lại xinh làm sao, và tóc cứ quăn như con gái ấy.
Ogieni nhìn mụ Nanong.
– Đức Mẹ ơi! Con mắt của cô ấy thế nào ấy! Cho khéo không thì mất phần hồn như chơi. Van cô đừng nhìn như thế nữa.
Từ ngày ấy, nhan sắc Ogieni thay đổi. Những ý nghĩ yêu thương nghiêm túc lắng sâu vào tâm hồn, cùng với phẩm cách của người đàn bà được yêu, làm cho gương mặt nàng đượm vẻ rực rỡ mà các họa sĩ thường thể hiện bằng một vành hào quang. Trước khi Saclo đến, có thể so sánh Ogieni với Đức Mẹ đồng trinh lúc chưa hoài thai; sau khi Saclo đi, nàng giống Đức Mẹ đã có con: thai nhi của nàng là tình yêu. Hai hình ảnh khác xa nhau ấy của bà Maria, mà một vài họa sĩ Tây Ban Nha đã vẽ rất thành công, là một trong những hình tượng đẹp nhất trong đạo Thiên Chúa.
Buổi sáng sau hôm Saclo lên đường, Ogieni đi lễ về- nàng đã nguyện đi lễ hàng ngày- ghé vào hàng sách mua một tấm bản đồ thế giới đem về đóng bên cạnh gương soi. Nàng muốn theo dõi người yêu trên con đường đi Ấn Độ, nàng muốn sớm sớm chiều chiều có mặt một chút trên chiếc tàu chở Saclo, để được nhìn thấy chàng, để hỏi chàng muôn nghìn câu hỏi, để nói với chàng:
Saclo có khỏe không? Chắc là buồn lắm nhỉ? Cái ngôi sao kia anh đã chỉ cho em thấy nó đẹp và dạy cho em biết dùng nó làm gì, bây giờ trông thấy nó, anh có nghĩ đến em nhiều không? °(Sao Bắc đẩu).
Mỗi buổi sáng nàng ngồi thừ trước cây bạch đào, trên chiếc ghế mọt bám đầy rêu xám. Trên ghế ấy, đôi bạn đã nói với nhau bao điều ngọt ngào và chuyện ngớ ngẩn, đã xây với nhau bao nhiêu mộng ảo về cái tổ ấm êm mai sau. Nàng vừa nghĩ đến tương lai vừa nhìn khoảng trời bé nhỏ trên mấy bức tường, nhìn bức thành đổ rồi, cái mái nhà che trên buồng Saclo. Tình yêu của nàng là thứ tình yêu cô đơn, thứ tình yêu chân chất, nó bền bỉ, nó len vào tất cả mọi ý nghĩ và trở thành suốt đời, lẽ sống của con người ta, như cha ông ta thường bảo. Buổi tối, khi những người gọi là bạn hữu của ông Grangde đến đánh bài thì Ogieni vui vẻ, nàng giấu kín nỗi lòng. Nhưng suốt ngày, nàng chỉ nói chuyện Saclo với mẹ và mụ ở. Mụ Nanong cũng hiểu rằng mụ có thể chia sẻ nỗi buồn của cô chủ, mà không phạm gì đến bổn phận của mụ đối với cụ chủ gia đình. Mụ nói:
– Nếu tôi có được tấm chồng thì chồng tôi có xuống âm ty tôi cũng… theo. Tôi có thể…ừ… nghĩa là có chết vì hắn tôi cũng vui lòng. Thế mà tôi…chả có gì cả. Tôi sẽ nhắm mắt chết mà không biết sự đời là gì. Cô có thể tưởng không? Cái lão già Coocnoie ấy, lão cũng là người tốt đấy, lão cứ bám mãi quanh tôi, cô ạ. Chả là vì cái khoản vốn liếng của tôi ấy mà. Không khác gì những ngài đánh hơi cái hũ bạc của ông già đến đây ve vãn cô. Tôi biết chán cái trò ấy. Mặc dù tôi to như cái bồ, tôi cũng cứ tinh ý, nên tôi biết. Cô ạ, chả phải tình yêu tình iếc gì đâu đấy, nhưng cũng cứ thinh thích.
Hai tháng trôi qua như thế. Đời sống ở đây ngày xưa tẻ ngắt, ngày nay linh hoạt bội phần nhờ câu chuyện yêu thương vụng trộm của Ogieni, nó buộc chặt ba tâm hồn phụ nữ lại với nhau. Trong con mắt họ, dưới trần nhà xam xám ở gian lớn, Saclo vẫn đang đi lại. Sớm cũng như chiều, Ogieni mở hộp trang sức ngắm bức chân dung bà thím để tìm thấy nét mặt Saclo qua nét mặt bà. Một sớm chủ nhật, bà Grangde bắt gặp. Nhờ đó bà biết được điều bí mật kinh khủng là Ogieni đã trao cả túi vàng riêng của nàng cho Saclo, và nhận cất giữ cái hộp trang sức kia. Bà kinh hoàng:
– Cho Saclo hết cả rồi ư? Mai kia đến ngày đầu năm, cha con đòi xem vàng thì con nói thế nào cho xuôi hở con?
Mắt Ogieni đứng tròng. Và cho đến trưa, hai mẹ con sống trong cảnh kinh hãi rụng rời. Hãi quá, họ để nhỡ buổi lễ sớm, đến lễ trưa mới đi nhà thờ. Còn ba ngày nữa là hết năm 1819. còn ba ngày nữa là sẽ mở màn một tấn tuồng, một lớp bi kịch tư sản, không thuốc độc, không dao găm, không lưu huyết, nhưng đối với các vai tuồng thì còn ác nghiệt bằng mấy những bi thương đã diễn ra trong dòng họ Atorido lừng danh.°(Atrides- một dòng họ quý tộc lớn, dòng dõi vua Atore ở Misen, nổi tiếng về những tội ác và thảm họa xảy ra trong gia đình). Bà Grangde đặt đôi tay áo đan dở lên đùi, thở dài nói với con:
– Mẹ con ta rồi sẽ ra sao đây?
Hai tháng nay, bà thường bị xúc động mạnh quá, đến nỗi mãi vẫn không đan xong đôi ống tay áo len để dùng vào mùa rét.
Các chi tiết gia đình bề ngoài tuồng như nhỏ nhặt ấy sẽ có những hậu quả thương tâm; trước một cơn giận dữ khủng khiếp của chồng, bà Grangde sợ toát mồ hôi và vì không có tay áo ấm nên bị nhiễm lạnh.
– Khổ thân con tôi, bà nói tiếp. Mẹ nghĩ giá con nói cho mẹ hay từ đầu, thì mẹ con ta hẳn đã có đủ thì giờ viết thư cho ông Đe Gratxanh ở Pari rồi. Và ông ấy hẳn có thể gửi cho chúng ta những đồng vàng giống thứ của con, như thế mặc dù cha con tinh tường, cũng có lẽ…
– Nhưng chúng ta lấy đâu ra tiền như vậy để đổi?
– Mẹ đem cầm cố của cải riêng của mẹ chứ. Vả lại có thể ông Đe Gratxanh…
– Muộn rồi? Ogieni ngắt lời mẹ, giọng trầm xuống và lạc đi. Rạng ngày mai đây, mẹ con chúng ta đã phải cùng nhau vào buồng cha con mừng tuổi rồi.
– Này con, hay là mẹ thử tới nhà Cruyso xem?
– Không, không được đâu mẹ ạ! Làm thế cũng bằng nộp con cho bọn Cruyso và khiến chúng ta phải lệ thuộc vào họ. Con đã liệu rồi. Con làm vậy là phải, con chả có gì ân hận. Chúa sẽ che chở cho con. Chúa thiêng liêng định đoạt thế nào ta nhờ thế ấy. Chao ơi! Giá mẹ được đọc cái thư của anh ấy thì mẹ cũng đến phải luôn nghĩ tới anh ấy mà thôi. °(Bức thư Saclo viết cho Anphong).
Sáng hôm sau, ngày mồng một tháng giêng năm 1820, vì nơm nớp lo sợ, nên mẹ con Ogieni nghĩ ra được cái lý do tự nhiên nhất để xin miễn cái lễ nghi chúc Tết ở buồng Grangde. Mùa đông năm 1819 bước qua năm 1820 là một trong những mùa đông rét nhất thuở ấy. Tuyết rơi đầy mái nhà. Mờ sáng, nghe chồng khua động trong buồng, bà Grangde gọi:
– Ông Grangde, ông bảo mụ Nanong nhóm cho tôi một ít lửa. Rét dữ quá, nằm trong chăn mà tôi vẫn thấy cóng. Đến tuổi tôi cần phải giữ gìn mới được. Bà nghỉ một tí rồi tiếp:
– Vả lại con Ogieni sắp sang đây thay áo, vì rét thế này mà con bé thay áo xống ở buồng nó thì cảm bệnh ngay. Xong rồi mẹ con tôi sẽ xuống mừng tuổi ông ở gian lớn, bên cạnh lò sưởi.
– Cha cha cha cha, mồm mép đâu mà lắm thế! Bà mở hàng năm mới khá đấy, bà Grangde ạ. Bà không ăn bánh mỳ nhúng rượu đấy chứ? °(dân quê Pháp bảo rằng hễ ăn bánh mỳ nhúng rượu vang thì hóa lắm lời).
Một lát yên lặng. Sau đó, thấy đề nghị của vợ cũng thuận tiện cho mình, Grangde nói tiếp:
– Ừ, bà đã muốn thế thì tôi làm thế. Bà là một bà vợ tốt, thật đấy. Bà cũng đã đến tuổi gần đất xa trời, tôi không muốn có sự gì rủi ro xảy ra cho bà, mặc dù họ Bectenlie nhà bà đều rắn chắc như xi măng cả.
Ông ngừng lại một tí, rồi oang oang:
– Hử? tôi nói thế có đúng không? Tuy vậy chung quy chúng ta vẫn được hưởng gia tài của họ cho nên tôi cũng chả oán họ nữa.
Ông ho mấy tiếng. Bà vợ đáng thương ấy nghiêm chỉnh nói:
– Sáng nay ông vui tính quá, ông ạ.
– Tôi bao giờ chả vui…
Vui, vui, vui vui,
Vá cái chậu giặt đi thôi.
Bác phó thùng!
Ông vừa hát vừa vào buồng vợ, áo quần tề chỉnh.
– Ừ, mẹ cha nó, rét gì mà rét ghê gớm, rét thật đấy! Trưa nay chúng mình có thức ăn ngon, bà ạ. Đê Gratxanh có gửi cho ta một khúc bate gan hấp nấm. Tôi ra bến xe lấy đây.
Ông ghé tai vợ nói nhỏ:
– Chắc hắn có gửi kèm một đồng Napoleon đôi cho con Ogieni. Tôi hết vàng rồi, bà ạ. Trước tôi có mấy đồng vàng cũ,- với bà, tôi có thể nói chuyện ấy- nhưng rồi cũng phải buông ra vì công việc làm ăn.
Rồi để mừng năm mới, Grangde hôn trán vợ và đi ra.
Bà Grangde mừng rỡ gọi con:
– Ogieni à! Không biết cha mày mộng mị thấy gì mà sớm nay vui tính thế. Ừ! May ra mẹ con ta tai qua nạn khỏi.
Mụ Nanong vào nhóm lửa cùng nói:
– Ông chủ có cái gì ấy! Thoạt đầu ông bảo tôi: “Cái bồ sứt cạp kia! Ta chúc mụ năm lành tháng tốt đó. Thôi vào nhóm lửa trong buồng bà đi, bà rét”. Tôi suýt phát dại khi ông chìa tay đưa cho tôi một đồng ê-quy sáu phorang gần như chưa mòn mẻ chút nào. Này bà thử mà coi. Ôi! Ông quý hóa thật! Nói gì thì nói, ông chủ là một người tốt. Thiên hà họ càng già càng hóa gỗ đá, còn ông nhà ta thì càng già càng hiền, càng dịu như thứ rượu catxi của bà ấy. Quả là một người tốt, không chê vào đâu được….
Ông Grangde vui vẻ như thế là vì ông thành công hoàn toàn trong công việc đầu cơ. Ông vừa nhận được ba vạn phorang tiền lãi thực lợi do ông Đe Gratxanh gửi về theo xe trạm. Ông Đe Gratxanh đã khấu khoản lãi của mười lăm vạn phorang hối phiếu Hà Lan, và khoản ông ta tạm ứng cho Grangde để cho đủ mua mười vạn phorang thực lợi °(Những người mua rượu thanh toán bằng một phần hối phiếu trên một ngân hàng Hà Lan. Grangde muốn có tiền trước kỳ hạn phải nhờ ngân hàng của Đe Gratxanh triết khấu). Ông ta lại báo cho biết phiếu thực lợi lên giá. Lúc ấy giá phiếu thực lợi là tám mươi chín phorang; đến cuối giêng những nhà tư bản trứ danh nhất cũng phải mua đến chín mươi ba. Thế là mới hai tháng, cái vốn Grangde bỏ ra mua phiếu thực lợi tự nhiên tăng mười hai phần trăm. Ông ta đã duyệt xét sổ sách và kết toán xong. Từ nay, cứ mỗi sáu tháng ông lại lĩnh năm vạn phorang tiền lãi mà chả có gì phải tu bổ, cảh phải nạp thuế má gì ráo. Bây giờ, ông ta mới quan niệm thế nào là thu lợi, vì cái lối đặt tiền sinh lợi này vốn người tỉnh nhỏ chúa ghét. Ông ta thấy trước rằng không đầy năm năm nữa ông sẽ có một cái vốn tiền mặt sáu triệu mà không mất nhiều công lắm; cái vốn ấy đập vào với những bất động sản của ông thì sẽ thành một gia tài khổng lồ. Ông ta cho mụ Nanong sáu phorang có lẽ là để trả công khó mụ ta đã giúp ông một việc to tát mà chính mụ cũng không biết.
Ông Grangde ra phố, mấy chủ hiệu đương mở cửa bày hàng trông thấy bảo nhau:
– Ồ! Ồ! Cái nhà ông Grangde đi đâu mà sớm thế, tất tưởi như đi chữa cháy ấy!
Khi họ thấy ông ta từ bến xe về, theo sau có một người phu vận tải đẩy cái xe cút kít chất những bao đầy ắp, thì có người nói:
– Nước cứ chảy về sông, ông già đi khuân của về đó.
– Tiền chảy về nhà ông ta từ Pari này, Phoroaphong này, Hà Lan này, một người khác nói.
– Rồi ông ấy tậu cả cái tỉnh Xomuya này cho mà xem, người thứ ba kêu lên.
Một chị nói với chồng: rét mướt thế này mà ông ta chẳng coi ra mùi gì, cứ đi công việc.
Người láng giềng buôn dạ ở gần nhà ông ta nhất, gọi ông bảo:
– Này, này! Cụ Grangde, nếu cụ thấy rầy rà quá thì để đấy tôi cất thay cho.
Grangde đáp:
– Ái chà! Chỉ là xu thôi.
– Xu bạc, người phu khẽ nói.
Grangde mở cổng và quay lại anh phu khuân vác:
– Nếu chú mày muốn ta để yên thì chú mày hãy khóa cái mõm lại.
Anh phu vác nghĩ thầm: Chao ôi, con cáo già! thế mà cứ tưởng lão ấy điếc. Hình như kkhi trời lạnh thì lão ấy nghe rõ hay sao ấy?
Grangde lại bảo:
– Đây, mừng tuổi chú một phorang và nhớ câm cái mồm. Thôi cút. Mụ Nanong sẽ mang xe trả chú.
– Mụ Nanong, đôi chim khuyên đi lễ rồi chứ?
– Thưa ông, vâng.
– Xắn tay lên: vào việc.
Grangde vừa hét vừa chất bao lên vai mụ ở. Trong nháy mắt, mấy bao bạc đã được khuân lên buồng, và thế là ông khóa cửa ngồi một mình. Ông dặn theo mụ Nanong:
– Khi nào có cơm, mụ lên gõ cửa, và nhớ mang xe trả hãng Vận tải nhé!
Lệ thường, mười giờ mới ăn trưa. Bà Grangde đi lễ về, bảo con gái:
– Ở gian này thì cha mày không đòi xem vàng đâu. Vả con cứ kêu rét cho mẹ. Sau này thì mẹ con ta sẽ có thời giờ để kiếm lại đủ số vàng chờ ngày sinh nhật con.
Grangde vừa đi xuống thang gác vừa nghĩ cách hóa phép biến nhanh đống êquy mới nhận từ Pari ra vàng ròng; ông lại đang đắc ý về vụ mua thực lợi có kết quả rực rỡ. Ông quyết từ nay về sau dùng tất cả lợi tức của mình mua phiếu thực lợi cho đến khi giá phiếu lên một trăm. Những sự suy tính của ông thật là tai hại cho Ogieni.
Grangde vừa bước vào phòng thì bà Grangde và Ogieni chúc mừng năm mới ông ta. Bà Grangde đàng hoàng trịnh trọng, còn Ogieni thì đìu lên cổ cha mơn trớn. Grangde hôn hai bên má con, nói:
– Này, này! Cha làm việc vì con đấy, con biết không? Cha muốn cho đời con hạnh phúc. Có tiền mới sung sướng, không tiền thì bánh vẽ! Cho con một đồng vàng mới toanh đây này. Cha bảo gửi từ Pari về đấy. Khốn nạn, ở cái nhà này chẳng có lấy một tí ti vàng, chỉ có con là có vàng thôi. Đem vàng của con ra cho cha xem thử nào!
– Ôi rét lắm! Chúng ta ăn sáng đi thôi.
– Vậy thì khi ăn xong nhé! Như thế càng dễ tiêu cơm. Cái món ba tê kia là của lão Đe Gratxanh phệ gửi biếu đấy, thương hại hắn ta! Mẹ con cứ việc chén đi, không mất tiền mà! Lão Đe Gratxanh làm vừa lòng ta lắm, lão ta vẫn khỏe đấy, và rất được việc cho thằng Saclo mà chẳng đòi đồng xu nhỏ nào. Công việc của mồ ma chú hai, lão giải quyết ổn thỏa cả.
Grangde dừng lại một lát, tọng đầy mồm ba tê:
– Ồ, ồ! Ngon quá. Bà ăn đi! Của này ăn một bữa no hai ngày là ít.
– Tôi không đói. Tạng tôi yếu, ông không biết sao?
– Ô! bà cứ việc tọng cho đầy bụng, không ốm đâu mà lo. Bà thuộc dòng dõi Bectenlie, nghĩa là một người khỏe chịu. Nước da bà kể cũng hơi vàng một tí đấy, nhưng tôi thích màu vàng.
Một người tử tù đương chờ hành hình ô nhục giữa công chúng có lẽ cũng không khiếp sợ bằng mẹ con bà Grangde, trong lúc chờ những biến cố sắp diễn ra sau bữa trưa ấy. Grangde càng ăn nói vui vẻ bao nhiêu, thì lòng hai mẹ con càng thắt lại bấy nhiêu. Nhưng Ogieni còn có chỗ dựa: tình yêu tiếp sức cho nàng. Nàng tự nhủ: “Vì Saclo, thì dù trăm ngàn cay đắng ta cũng chịu được”. Nghĩ tới đó, nàng nhìn mẹ, mắt ngùn ngụt dũng khí.
Ăn xong vào khoảng mười một giờ, Grangde bảo mụ Nanong:
– Dọn dẹp tất, chỉ để lại cái bàn thôi.
Lão nhìn Ogieni nói:
– Như thế sẽ có chỗ rộng để ngắm nghía cái kho vàng nhỏ của con. Nhỏ à? Ồ! Không nhỏ đâu! Kho vàng ấy trị giá năm nghìn chín trăm năm mươi phorang, thêm vào bốn mươi phorang cho ban sáng nữa, thế là đi thiếu một phorang là chẵn sáu nghìn. Cái phorang ấy cha sẽ bù vào cho đủ số, bởi vì, con gái cưng của cha ạ!… Ơ kìa! Mụ Nanong, mụ nghe cái gì? Cút đi! Đi làm việc đi chứ!
Mụ Nanong bước ra.
– Ogieni ơi, con trao số vàng của con cho cha nhé. Con không từ chối chứ, con gái quý?
Bà Grangde và Ogieni vẫn im lặng.
– Cha chẳng còn lấy một tí vàng nào nữa. Trước cha có, bây giờ cha hết sạch. Lấy vàng của con, cha sẽ trả cho con sáu nghìn phỏrang, rồi con sẽ đem làm sinh lợi theo cách cha sẽ bày cho con. Con không cần nghĩ đến tá quà cưới làm gì. Khi gả con, cũng sắp thôi, cha sẽ tìm một thằng chồng nó đi cho con một tá sính lễ to nhất ở tỉnh này. Con ạ! Chúng ta hiện thời có một mối bở lắm: Con lấy sáu nghìn phorang ấy mua quốc trái thì cứ sáu tháng con lĩnh hai trăm phorang tiền lời, hai trăm phorang tiền thu vào mà không mất thuế, không phải tu bổ, không bị mưa đá, không bị giá rét, không lôi thôi như các khoản thu hoạch khác. Con không muốn rời bỏ cái kho vàng của con có phải không? Thì hãy cứ đưa ra đây xem đã!… Rồi cha sẽ nhặt nhạnh cho con những đồng vàng Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ấn, Giên, gộp lại với những đồng cha sẽ cho trong các ngày lễ, thì trong ba năm, con sẽ gom góp lại được nửa cái kho vàng của con ngày hôm nay. Con tính thế nào? Ngẩng mặt lên xem thử! Thôi, đi lấy vàng đi, con gái yêu! Đáng lẽ con phải hôn cha, cảm ơn cha đã truyền cho con những bí quyết sinh tử của đồng tiền. Quả thế đấy, đồng tiền cũng sống, cũng nhốn nháo như con người: nó cũng đi lại, cũng đổ mồ hôi, cũng sinh sôi nảy nở.
Ogieni đứng lên, đi vài bước về phía cửa. Bỗng nàng ngoảnh lại, nhìn thẳng vào mặt Grangde nói:
– Vàng của con không còn nữa.
Grangde chồm lên như con ngựa nghe tiếng đại bác nổ bên tai.
– Con không còn vàng nữa à?
– Vâng, không còn nữa.
– Con nhầm đấy chứ, con?
– Không, con không nhầm!
– Thế thì có chết cha tôi không!
Mỗi khi ông thợ thùng chửi lên như thế thì sàn nhà rung chuyển.
Mụ Nanong kêu:
– Trời ơi! Mặt bà tôi tái mét đi rồi!
– Ông ơi- Bà Grangde nói- ông nóng thế thì tôi chết mất!
– Cha, cha, cha, cha! Những người bên họ nhà bà chẳng bao giờ chịu chết cho!
Grangde nhảy xổ đến Ogieni, thét:
– Ogieni! Mày mang vàng của mày làm gì rồi hở con kia?
Ogieni đương quỳ dưới chân mẹ, trả lời:
– Cha ơi, mẹ con đau lắm đấy…cha thấy không? Cha đừng giết mẹ con!
Thấy mặt vợ đương vàng biến ra xanh mét, Grangde đâm sợ. Bà Grangde hổn hển:
– Mụ Nanong, dìu tôi lên buồng cho tôi nằm. Tôi chết mất.
Mụ Nanong và Ogieni đưa tay dìu đỡ bà. Lên mỗi bậc thang, bà mỗi ngất đi, hai người vất vả lắm mới đưa lên được phòng ngủ. Grangde còn lại một mình. Tuy vậy, một lát sau, lão cũng leo lên bảy tám cấp mà gọi Ogieni:
– Ogieni! Lúc nào mẹ mày nằm yên, máy xuống tao bảo!
– Vâng ạ!
Ogieni dặn mẹ yên tâm, rồi xuống ngay, Grangde bảo con:
– Ogieni, mày hãy nói cho tao biết cái số vàng của mày hiện để ở đâu?
– Thưa cha, những của cha mà cha cho con mà con không được trọn quyền sử dụng thì thà rằng cha lấy lại.
Ogieni vừa trả lời một cách lạnh lùng vừa tìm đồng vàng để trên bệ sưởi, cầm đưa cho Grangde. Grangde vội vàng chụp lâý nhét vào túi.
– Nhất định từ nay tao sẽ không cho mày cái gì ráo, kể cả cái này nữa. Grangde vừa nói vừa búng móng tay vào hàm răng tướng. Mày coi thường cha mày như thế à? Mày không tin cha mày sao? Mày không biết thế nào là một người cha hở? Làm con mà không tuyệt đối tôn trọng cha thì cũng bằng coi cha như không. Vàng của mày đâu?
– Thưa cha, cha có giận con đi nữa, con cũng yêu cha , kính cha; nhưng con cắn rơm cắn cỏ trình cha nhớ rằng con đã hai mươi hai tuổi rồi. Cha thường nhắc con là con đã đến tuổi thành niên. Vì vậy con đã sử dụng của cải của con theo sở nguyện của con. Cha nên tin rằng của ấy đã được dùng đúng chỗ.
– Chỗ nào?
– Đó là một điều bí mật không tiết lộ được. Cha cũng có những bí mật của cha.
– Trong nhà này tao không phải là lớn hay sao? Tao không có quyền có việc riêng à?
– Bởi thế, việc này cũng là việc riêng của con.
– Mày không dám nói với cha mày, thì việc đó tất phải là việc thua lỗ.
– Việc ấy là việc rất có lợi, nhưng con không thể nói với cha.
– Ít nhất mày cũng phải cho tao biết mày đem cho số vàng ấy đi từ lúc nào?
– Hôm sinh nhật mày, mày vẫn còn vàng kia mà?
Tình yêu làm Ogieni trở nên tinh khôn cũng như tính keo kiệt đã làm cho Grangde hóa ra lắm mưu mẹo. Nàng lắc đầu.
– Tao chưa từng thấy con cái nhà ai cứng đầu cứng cổ như mày! Cũng như chưa bao giờ thấy cái lối trộm cắp thế này!
Giọng Grangde cao dần lên và càng cao, càng làm chuyển động căn nhà.
– Quái gở chưa? Ai đã lấy vàng của mày, ở đây, ở ngay trong nhà tao? Trong nhà này chỉ còn chừng ấy vàng thôi! Thế mà ai lấy, tao lại không có quyền biết đến! Vàng là một món hết sức đắt. Những đứa con gái đứng đắn nhất cũng có khi lỗi lầm, đem tặng người ta cái kia cái nọ, việc ấy vẫn thấy xẩy ra trong gia đình quý tộc, ngay cả trong gia đình tư sản nữa. Đến như cho vàng… Ừ mày đã mang cho một đứa nào phải không?
Ogieni vẫn thản nhiên.
– Có ai từng thấy con cái như thế này không? Tao có phải là cha mày không? Hở con kia? Nếu mày cho vay đặt lãi thì có giấy biên nhận chứ?
– Thưa cha, của ấy có phải con được tự do muốn làm gì thì làm, có phải thế không? Có phải là của con không?
– Nhưng mà mày là một đứa trẻ…
– Thành niên.
Trước lý lẽ đanh thép ấy, Grangde ngẩn người, mặt tái đi; lão run lẩy bẩy, nguyền rủa lầm bầm. Khi tìm ra lời lẽ, lão thét:
– Con chết băm chết vằm! Rõ là đồ mất giống? Mày biết tao quý mày, nên mày làm càn. Thế là mày cắt cổ cha mày. Ơi giời ơi! Có ngày rồi mày dâng cả cái gia tài cho thằng khố rách đi hài nhung chứ không chơi. Khổ bố tôi chưa? Tao không thể truất quyền thừa kế của mày, nhưng tao nguyền rủa mày suốt đời, tao nguyền rủa mày, thằng em họ của mày và con cái mày! Mày ăn ở như thế thì không thể gặp việc gì lành đâu, con ạ! Nếu phải mày đưa cho thằng Saclo thì… nhưng không, không có lý. Ôi chao ôi! Có thể nào chính cái thằng đĩ trai ác hại ấy phá nhà tao?
Grangde nhìn Ogieni. Nàng vẫn lạnh lùng im lặng.
– Nó không nhúc nhích! Nó cũng không cau mày nữa! Quả là dòng máu Grangde chảy trong người nó, nên nó gan lì hơn cả cha nó. Mày đưa vàng ra ít nhất cũng lấy lạ được cái gì chứ? Nào, nói đi!
Ogieni nhìn bố một cách mỉa mai, làm cho lão điên tiết.
– Ogieni, mày vẫn ở trong nhà tao, tức là nhờ cha mày. Muốn ở, phải nghe lời cha mày. Các vị cha cố cũng bảo mày phục tùng tao kia mà.
Ogieni cúi đầu.
– Mày xúc phạm tình cảm tha thiết nhất của tao. Tao chỉ muốn mày ngoan ngoãn, dễ bảo. Thôi, về buồng đi. Mày phải ở trong buồng cho đến khi nào tao cho phép ra mới được ra. Mụ Nanong sẽ mang bánh và nước cho mày. Mày nghe rõ rồi chứ, bước!
°(người Châu Âu có lối phạt con cái nhỏ tuổi ở cấm cố trong buồng, ăn bánh không thức ăn, uống nước trong không cho rượu vang).
Ogieni òa khóc chạy vào buồng mẹ.
Grangde quanh quẩn mấy vòng trong vườn, lội trong tuyết mà không biết lạnh. Lão đoán là Ogieni ở trong phòng bà Grangde. Thích bắt con gái quả tang vi lệnh, lão trèo lên trên gác nhanh như một con mèo và đột ngột bước vào phòng bà Grangde.
Lúc ấy, Ogieni đang úp mặt trong lòng mẹ, bà Grangde vuốt ve mái tóc con:
– Con ơi! Con đừng có buồn. Rồi cha con sẽ nguôi giận thôi.
Grangde nói:
– Cha con gì nữa! Tôi với bà có sinh ra một đứa con gái ương ngạnh như thế đâu! Giáo dục hay đấy! Hừ, thế mà bảo là giáo dục theo đạo Chúa! Ơ này! Cô không ở trong buồng à? Đi, đi vào tù đi, thưa cô.
Bà Grangde ngước cái mặt đỏ bừng vì sốt lên:
– Ông định bắt tôi phải xa con tôi ư?
– Bà muốn giữ nó thì đem nó đi mà giữ, mẹ con đưa nhau ra khỏi cái nhà này… Mẹ kiếp! Vàng đâu? Vàng chạy đi đâu rồi?
Ogieni đứng lên nhìn cha một cách kiêu hãnh rồi đi vào buồng. Grangde khóa trái cửa lại, thét mụ Nanong:
– Mụ Nanong, dập lửa sưởi ở gian lớn đi.
Rồi ông ta đến ngồi chiếc ghế bành bên cạnh lò sưởi ở trong buồng vợ và bảo:
– Chắc nó đem vàng cho thằng Saclo, thằng sở khanh chó chết ấy rồi, cái thằng ấy chỉ chằm chằm cọc bạc nhà mình.
Yêu con và sợ con mang họa, bà Grangde tìm thấy đủ nghị lực để làm câm, điếc, hờ hững. Bà quay về phía tường để tránh nhãn quang cháy bỏng của Grangde.
– Tôi chả biết tí gì trong việc này. Ông nổi nóng lên làm cho tôi khổ sở quá, nếu linh tính tôi báo không sai thì chắc rằng chuyến này tôi có ra khỏi nhà cũng là đôi chân ra trước. °(Thành ngữ Pháp, ý nói ra trong cỗ áo quan). Cả đời tôi, tôi nghĩ rằng chưa bao giờ làm phiền lòng ông, thì lúc tôi ốm đau thế này, tưởng ông cũng nên buông tha cho tôi mới phải. Con gái ông nó kính yêu ông, nó ngây thơ trong trắng như trẻ lọt lòng, ông không nên làm tình làm tội nó, ông hãy hủy bỏ cái lệnh nghiệt ngã của ông đi. Trời rét như cắt, khéo không ông làm cho nó ốm nặng đấy.
– Tôi không nhìn mặt nó, cũng không thèm nói năng gì với nó nữa. Nó phải bị cấm cố trong buồng ăn bánh nhạt, uống nước trong cho đến khi nó chịu làm vừa lòng cha nó. Mẹ kiếp! Vàng trong nhà chạy đi đằng nào thì chủ nhà phải biết chứ? Ở nước Pháp ta có lẽ chỉ có nó là có tiền ru-pi mà thôi, rồi còn những đồng vàng thành Giên, những đồng đuy-ca Hà Lan…
– Ông ạ, Ogieni là con một của chúng ta, nói giả dụ nó có đem vứt xuống sông…
– Xuống sông! Grangde thét lên. Xuống sông! Bà điên rồi, bà Grangde ạ. Bà biết tính tôi chứ, tôi nói rồi là rồi, không có lôi thôi. Nếu bà muốn cho êm cửa êm nhà thì bà hãy dỗ cho con Ogieni xưng ra, bà phải bắt con tằm rút ruột. Cái món ấy, cùng là phụ nữ với nhau thì dễ bảo hơn. Nó có làm gì đi nữa thì tôi cũng không ăn thịt nó. Nó sợ tôi ư? Dù nó có phết vàng thằng em họ từ đầu đến chân, thì thằng ấy cũng đã ở ngoài biển khơi mù mịt rồi, phải không? Đuổi theo thế nào được.
– Ông ơi, nếu vậy thì…
Không biết cơn khủng hoảng thần kinh vừa qua kích thích hay là vì tai ách của cô con gái làm bà mẹ thêm yêu con, thêm sáng suốt, mà bà Grande trở nên tinh ý. Nhờ vậy, khi bà nói đến đó thì bà kịp thấy chóp mũi ông Grangde động đậy một cách dễ sợ. Bà đổi ý nhưng không đổi giọng:
– Ông ơi, nếu vậy thì đối với nó, tôi có uy tín hơn ông hay sao? Nó có nói gì với tôi đâu, nó cũng kín miệng như ông vậy.
– Ối chao ơi! Sớm nay bà nói như con sáo ấy. Cha cah cha! Hình như bà muốn trêu tôi thì phải! Có lẽ bà đồng mưu với nó?
Ông ta nhìn vợ chằm chằm.
– Ông Grangde ạ, tôi nói thật, nếu ông muốn giết tôi thì ông cứ tiếp tục cái điệu ấy. Tôi nói cho ông biết, và nếu ông có giết tôi, tôi cũng cứ nói rằng ông đối xử với con gái ông như vậy là không đúng, nó còn biết điều hơn ông nhiều. Tiền ấy của nó, tôi tin chắc rằng nó đã đem tiêu dùng vào một công việc tốt lành. Tôi tưởng chỉ có Chúa là có quyền hỏi xem ta đã làm những công việc phúc đức gì mà thôi. Ông ơi, tôi van ông, ông hãy làm lành với con Ogieni!… Cơn giận dữ của ông đã hại tôi, nhưng được vậy nó cũng sẽ bớt tai hại và có lẽ ông sẽ cứu sống tôi cũng nên. Con tôi đâu? Trả con gái cho tôi!
– Tôi đi đây. Cái nhà này không ở được nữa! Cả mẹ lẫn con nói năng, lý luận như là… hư!… Mẹ kiếp! Grangde kêu to: Mày mừng tuổi năm mới tao một cách độc địa quá chừng. Ogieni nhớ! Ư ừ! Khóc đi! Mai kia rồi mày phải ân hận suốt đời cho mà xem. Mày đem vàng của cha mày lén lút cho một thằng lười chảy thây như thế, thì mỗi tháng hai lần ăn bánh mà làm gì? Cái thằng ấy, khi mày chỉ còn vẻn vẹn có quả tim để dâng cho nó, thì nó cũng ngốn tuốt chứ khỏi đâu! Rồi mày sẽ biết thằng Saclo của mày đáng giá mấy trinh, cái thằng Saclo đi hài nhung với bộ mặt khinh khỉnh ấy. Nó muối mặt vơ cái lưng vốn của một đứa con gái khổ sở, mà không có sự đòng ý của cha mẹ đứa con gái, thì quả là một thằng bất nhân vô đạo, mười mươi đã rõ.
Khi cửa ngoài vừa khép thì Ogieni ra khỏi buồng, chạy đến bên mẹ.
– Mẹ ơi! Mẹ thương con gái nên mẹ gan dạ quá.
– Con thấy những việc con làm vụng trộm đưa mẹ con ta đến đâu chưa?… Con làm cho mẹ phạm tội nói dối.
– Mẹ ôi! Con sẽ xin Chúa trừng phạt một mình con.
Mụ Nanong hớt hải chạy vào:
– Có thật là từ nay cho đến già, cô Ogieni phải phạt ăn bánh suông, uống nước lã, thật như vậy à?
– Như thế thì đã làm sao, chị Nanong? Ogieni đáp rất tự nhiên.
– Ơi chao! Tôi mà thịt cá, còn cô con gái ông chủ ăn bánh nhạt à?… Không được, không được.
– Đừng nói về việc ấy nữa, chị Nanong ạ.
– Có họa là cắt cái lưỡi tôi ấy, để rồi cô xem.
Hai mươi bốn năm nay, lần đầu tiên Grangde ăn tối một mình. Mụ Nanong bảo:
– Thế là ông chịu cảnh góa vợ rồi đấy, ông ạ. Có vợ con trong nhà mà phải chịu cảnh lẻ loi, nghĩ cũng buồn.
– Việc gì đến mụ! Khớp cái hàm lại không ta đuổi đi bây giờ. Mụ nấu cái gì xèo xèo trên bếp vậy?
– Tôi rán mỡ đấy…
– Mụ đốt lò sưởi lên nhé! Tối nay có khách.
Tám giờ, bộ ba nhà Cruyso và mẹ con bà Đe Gratxanh đến. Họ tỏ ý ngạc nhiên sao vắng bà Grangde và Ogieni, Grangde không biến sắc đáp:
– Nhà tôi hơi khó ở, con Ogieni phải ở bên giường mẹ nó.
Chủ khách nói chuyện bâng quơ một chặp, còn bà Đe Gratxanh thì lên thăm bà Grangde. Khi bà ta xuống mọi người hỏi:
– Bà Grangde sức khỏe thế nào?
– Ồ! Không khỏe, rất không khỏe. Bệnh tình của bà tôi trông ra thật đáng lo ngại. Đến cái tuổi ấy, phải chạy chữa cẩn thận mới được, cụ nhà ạ!
Ông chủ lơ đãng đáp:
– Để tôi xem.
Rồi mọi người cáo từ ra về. Khi đã ra đường, bà Đe Gratxanh nói với bọn các ông Cruyso:
– Ở nhà Grangde có chuyện gì là lạ. Bà mẹ ốm nặng mà không biết. Cô con gái thì cặp mắt đỏ mọng như tuồng đã khóc nhiều lắm. Họ định gả ép con bé chăng?
Chờ cho ông Grangde ngủ yên, mụ Nanong rón rén lên buồng Ogieni giở ra cho nàng xem một miếng ba tê áp chảo.
– Này cô ạ, lão Coocnoie cho tôi một con thỏ rừng.
– Cô ăn uống chả là bao, khúc ba tê này dùng cũng đến tám ngày mới hết. Và trời rét thế này thì nó không ôi đâu. Như thế cũng đỡ đi được một điều là cô khỏi phải ăn bánh nhạt. Ăn bánh nhạt chả tốt.
– Tội nghiệp chị quá! Ogieni vừa nói vừa siết bàn tay mụ Nanong.
– Món ba tê này tôi làm ngon đáo để đấy, có ý vị lắm, mà ông nhà không biết đâu. Mỡ và gia vị tôi dùng đồng sáu phorang của tôi mà mua. Tiền đó thực là tiền của tôi, tôi có quyền tiêu.
Nói đến đấy, mụ Nanong nghe thấy như có Grangde lên, vội vàng chạy đi.
Suốt hai tháng, ngày nào Grangde cũng lên thăm bà Grangde vào những giờ khác nhau, mà không lúc nào thăm Ogieni, hoặc nhắc tên nàng hoặc nói một tí gì liên quan xa xôi đến nàng. Bà grangde không rời khỏi buồng bệnh ngày càng trầm trộng. Không gì lay chuyển nổi Grangde. Ông ta nghiêm, lạnh, trơ trơ như một thớt đá. Ông vẫn đi về theo nếp cũ, nhưng ông không nói lắp nữa, cũng ít nói chuyện hơn, và trong công việc mua bán thì lại càng tỏ ra nghiệt ngã. Đôi khi ông tính nhầm một con số.
Trong phái Cruyso và phái Đe Gratxanh người ta bảo nhau:
– Chắc chắn là có việc khác thường ở nhà Grangde.
Câu đầu mép mà người ta hỏi nhau trong các buổi tối họp khác ở Xomuya là:
– Có chuyện gì ở nhà lão Grangde nhỉ?
Ogieni đi lễ nhà thờ với mụ Nanong. Lẽ ra, nếu bà Đe Gratxanh có gợi chuyện thì nàng trả lời vu vơ, khiến bà ta chẳng hiểu thêm tí gì. Tuy vậy, cũng không thể nào giấu được việc Ogieni bị cấm cố với bọn Cruyso và bà Đe Gratxanh quá hai tháng, vì mãi rồi cũng đến lúc Grangde không tìm ra cớ gì để giải thích việc Ogieni cứ mãi vắng mặt. Rồi thì không biết ai tiết lộ mà cả thành phố đều hay rằng từ ngày mồng một đầu năm, cô Grangde bị cha cô nhốt trong buồng, theo chế độ bánh nhạt, nước trong, không lửa sưởi. Người ta nói mụ Nanong làm quà bánh chờ đêm đến mang vào buồng cho nàng; người ta lại còn biết rằng chỉ khi nào ông Grangde vắng mặt, Ogieni mới dám ra thăm mẹ và săn sóc cho mẹ.
Bây giờ người ta phê phán việc làm của ông Grangde nghiêm khắc lắm. Tất cả thành phố hầu như đặt ông ta ra ngoài pháp luật. Luôn dịp, người ta nhớ lại những sự phản phúc, những hành vi tàn nhẫn của ông ta, nên người ta tẩy chay ông ta. Mỗi lần thấy ông đi qua thì người ta chỉ chỏ thầm thì. Mỗi lần Ogieni theo con đường khúc khuỷu đi lễ, mụ Nanong lẽo đẽo theo sau, thì tất cả mọi người đổ ra cửa sổ chăm chú theo dõi dáng điệu và nét mặt cô thừa kế triệu phú hiền dịu và đượm vẻ u hoài.
Đối với Ogieni, việc nàng bị cấm cố và cha nàng mất uy tín đều chẳng có ý nghĩa gì cả. Nàng đã có cái bản đồ thế giới, chiếc ghế dài, cái vườn nhỏ, mảnh thành xưa; nàng vẫn thường xuyên nếm lại cái mùi mật lịm mà những chiếc hôn tình rót trên môi nàng thuở nọ. Một độ, cũng như cha nàng, nàng không hay biết gì cả về những lời bàn tán xôn xao ở trong thành phố. Một niềm kính Chúa,, trong sạch trước Chúa à nhờ tin ở sự trong trắng ấy, nhờ vào sức mạnh của tình yêu, nàng kiên nhẫn cúi đầu chịu đựng cảnh giận dữ và sự trả thù của cha nàng. Nhưng có một mối đau lòng sâu sắc át tất cả những nỗi đau lòng khác. Đó là việc mẹ nàng ngày càng héo hắt, bà mẹ dịu hiền âu yếm, lộng lẫy ánh hào quang của linh hồn khi sắp về trời. Nhiều khi Ogieni tự trách mình đã là cái nguyên nhân vô ý thức làm cho mẹ lâm bệnh dai dẳng và ác nghiệt, chết dần chết mòn. Bà Grangde hết sức an ủi nàng, cố làm dịu niềm ân hận của nàng, nhưng chính niềm ân hận ấy lại ràng buộc nàng với Saclo chặt chẽ hơn. Mỗi buổi sáng, Grangde vừa ra khỏi nhà thì Ogieni chạy đến bên giường mẹ và mụ Nanong cũng mang quà sáng của nàng lên đó. Nhưng nàng buồn, nàng đau những nối đau đớn của mẹ; nàng lặng lẽ ra hiệu cho mụ Nanong nhìn mặt mẹ, rồi nàng khóc. Nàng không nỡ nhắc chuyện Saclo. Bà Grangđe phải mở đầu:
– Người ta ở đâu nhỉ? Sao người ta không viết thư?
Mẹ con nàng có hình dung làm sao được những hành trình muôn dặm biển khơi!
– Mẹ ơi, ta nghĩ đến anh ấy mà thôi, chứ không nên nói đến anh ấy. Mẹ ốm, phải lo cho mẹ trước tất cả.
– Tất cả tức là chàng.
Bà Grangde nói:
– Các con ạ, mẹ không tiếc cõi đời. Nhờ Chúa phù hộ nên mẹ hân hoan mà nghĩ đến cái ngày khổ tận.
Người đàn bà ấy lúc nào cũng nói những lời đạo hạnh. Mấy tháng đầu năm, khi Grangde lên phòng bà đi bách bộ để chờ ăn trưa bên cạnh bà, thì hôm nào bà cũng nói đi nói lại mấy câu. Tiếng nói của bà cịu dàng trong sáng như tiếng của thiên thần, nhưng lại có tất cả sự cương quyết của một người đàn bà suốt đời sợ sệt, chỉ đến lúc sắp chết mới có can đảm mà thôi. Mỗi khi Grangde hỏi thăm một câu chiếu lệ thì bà đáp:
– Ông ạ, tôi cảm ơn ông đã chăm sóc đến sức khỏe của tôi. Nếu ông muốn làm cho những giờ phút cuối cùng của tôi bớt cay đắng, bớt đau đớn hơn thì xin ông hãy vui lòng làm lành với con gái chúng ta. Ông hãy tỏ ra là một người ngoan đạo, một người chồng, một người cha xứng đáng.
Thoạt nghe những lời ấy, Grangde ngồi xuống bên cạnh giường, và làm như người đi đường thấy mưa đến thì bình tĩnh chui vào cái mái hiên mà núp, ông ta lặng lẽ nghe bà vợ nói, không đáp làm sao cả. Khi ông ta đã nghe hết lời cầu khẩn cảm động, ân tình và đạo hạnh nhất đời, thì ông ta nói:
– Bà hôm nay hơi xanh, tội nghiệp quá.
Nhìn đôi môi khít rịt, vầng trấn rắn như sành của ông ta, người ta có cảm giác là Ogieni đã bị bỏ quên hẳn. Những câu trả lời vu vơ hầu như không thay đổi của ông ta làm cho bà vợ khóc, những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt trắng nhợt của bà cũng không làm cho ông mảy may cảm động. Bà vợ cùng quá, bảo:
– Cầu Chúa tha tội cho ông, cũng như tôi tha thứ cho ông vậy. Một ngày kia rồi ông phải cần đến sự khoan hồng đấy.
Từ ngày bà Grangde lâm bệnh, Grangde không dám dùng đến những tiếng cha cha cha cha! ghê gớm nữa. Tuy vậy tính độc đoán của ông ta không hề vì sự hiền dịu của bà vợ mà giảm bớt. Về phần bà thì những đức tính cao quý của tâm hồn ngày càng biểu hiện trên mặt và xua đuổi gần hết những nét xấu xí. Bà chỉ còn như là một linh hồn thuần túy. Sự cầu nguyện thiêng liêng đã làm lặn đi một phần, đã lọc sạch những nét thô kệch, làm cho gương mặt bà ngời sáng. Ai cũng đã thấy hiện tượng biến hóa ấy trên sắc diện những người đạo hạnh: ở họ, những ý nghĩ cao quý và trong sạch thành nếp đã khiến cho sự linh hoạt bên trong tỏa ra bên ngoài, thấm đượm các đường nét trên mặt và làm tiêu biến những nets thô kệch nhất. Đau thương và bệnh hoạn đã làm tiêu mòn tấm hình hài tả tơi của bà Grangde và thực sự biến cải nó. Cảnh biến cải tuy có ảnh hưởng tới Grangde nhưng rất ít; tính tình ông ta vẫn rắn như sắt nguội. Lời lẽ của ông tuy hết sức khinh bạc, nhưng thường thường thì ông kiên quyết làm thinh để bảo vệ cái uy thế gia trưởng của ông.
Mụ Nanong có thoáng ra chợ thì nghe ngay những lời trách móc, những câu chế giễu bên tai. Mặc dù dư luận lên án Grangde công khai, mụ vẫn bênh vực ông chủ vì sĩ diện gia đình. Mụ trả lời những người chỉ trích:
– Hay chửa! Già thì sinh tật chứ! Sao các người không cho phép cái ông già ấy cằn đi một chút? Thôi, các người hãy dẹp những chuyện láo toét của các người lại. Cô tôi sống đường hoàng như một bà chúa. Cô ở một mình đấy, nhưng đó là tùy thích của cô. Với lại ông bà tôi cúng có lý do đúng đắn.
Bà Grangde mòn mỏi vì phiền muộn hơn là bệnh hoạn. Van xin bao nhiêu cũng không làm cho Grangde giải hòa với con. Một buổi tối cuối xuân, bà Grangde cùng quá đành phải thổ lộ tâm sự với nhà bọn Cruyso. Ông chánh án nghe thế, kêu:
– Bắt phạt một phụ nữ hai mươi ba tuổi ăn bánh nhạt uống nước trong… và không có lý do, cái đó thuộc loại hành động khảo đả, dùng nhục hình. Cô ấy có thể khiếu nại chiếu theo…
– Thôi thôi, anh cháu ạ, ông chưởng khế nói. Anh hãy để yên cái thứ chữ nghĩa tào án lỗ mỗ của anh lại đó. Thưa bà, bà cứ yên tâm, tôi sẽ làm cho cái việc cấm cố này chấm dứt ngay từ ngày mai.
Ogieni nghe bàn đến việc mình thì từ trong buồng đi ra. Nàng bước lên kiêu hãnh.
– Thưa các ông, xin các ông đừng bận tâm đến việc này. Ở nhà này, cha tôi là chủ, tôi còn ở đây ngày nào thì còn phải vâng lời cha tôi ngày ấy. Hành vi của cha tôi không thể đưa ra lấy ý kiến tán thành hay phản đối của công chúng, cha tôi chỉ bắt buộc trả lời Chúa mà thôi. Nếu các ông có bụng mến chúng tôi thì yêu cầu các ông đừng nói gì hết về việc này. Chỉ trích cha tôi tức là phạm đến danh dự chúng tôi. Tôi cảm tạ các ông đã chiếu cố đến tôi. Nhưng các ông còn làm ơn cho tôi nhiều hơn nữa, nếu các ông vui lòng dập tắt hộ những lời ong tiếng ve ngoài phố mà tình cờ tôi được biết.
– Con tôi nó nói phải, bà Grangde bảo.
Ông chưởng khế già lấy làm kinh ngạc trước cái nhan sắc của Ogieni. Cảnh sống cấm cung, tình yêu và sự phiền muộn đã làm cho nàng đẹp lên bội phần. Ông đáp kính cẩn:
– Thưa cô, cái cách tốt nhất để khiến cho người ta khỏi xôn xao, dị nghị là cụ nhà trả lại tự do cho cô.
– Con ơi, thế thì cứ để cho ông Cruyso lo liệu việc này, vì ông đã đảm bảo kết quả. Ông biết rõ cha con, biết cách nói thế nào cho cha con nghe lọt tai. Mẹ không còn sống được mấy ngày, nếu con muốn những ngày cuối cùng của mẹ được mát mẻ, thì thế nào con cũng phải để người ta hòa giải cha con với con.
Sáng hôm sau, Grangde ra vườn đi dạo mấy vòng theo thói quen mới tâpj từ ngày giam cầm Ogieni. Ông lừa lúc Ogieni soi gương chải tóc để đi dạo. Đến cây hạnh đào lớn, ông nép sau thân cây và đứng yên giây lát để ngắm nhìn mớ tóc dài của con gái. Có lẽ ông ta phân vân, nửa muốn lên ôm con vào lòng, nửa muốn gan lỳ đến cùng.
Lắm lúc ông ngồi thừ trên cái ghế mục nát trên ấy Saclo và Ogieni đã thề yêu nhau trọn đời. Những lúc ấy, Ogieni cũng nhìn ông vụng trộm hay qua tấm gương soi mặt. Khi ông đứng lên và tiếp tục đi dạo như trước thì Ogieni lại cố ý lên ngồi ở cửa sổ, ngắm nhìn mảnh thành xưa; từ mặt thành rủ xuống những cành hoa xinh nhất, từ các đường nứt nẻ trồi lên những dây tơ hồng, dây bìm bìm và những giống xương rồng vàng vàng, trăng trắng, loại ấy thường mọc nhiều trên đồng nho ở Xomuya và Tua.
Một buổi sáng đẹp trời, ông chưởng khế đến sớm, gặp ông chủ nho ngồi trên ghế gỗ ngoài vườn, lưng tựa vào tường, mắt mải ngắm con gái. Trông thấy Cruyso, Grangde hỏi:
– Ông có việc gì cần tôi đấy, ông Cruyso?
– Tôi đến nói chuyện làm ăn với ông.
– A! a! Ông có ít vàng mang bán cho tôi lấy bạc đồng chăng?
– Không, không, không phải về chuyện tiền bạc mà về chuyện cô con gái ông. Ai người ta cũng bàn tán về chuyện bố con ông.
– Người ta xen vào công việc của kẻ khác làm gì thế? Ở nhà anh đốt than thì anh đốt than có quyền chứ?
– Vâng, nghĩa là anh ta cũng có quyền tự tử hoặc tai hại hơn nữa, đem tiền bạc vứt qua cửa sổ.
– Vứt thế nào?
– Có gì đâu! Bà nhà ốm nặng lắm đấy, ông bạn ạ. Tôi tưởng ông cũng nên mời ông Becgioranh, vì tính mệnh bà ta nguy ngập đến nơi. Bà ấy ốm mà không được chăm sóc chu đáo, rủi có mệnh hệ gì thì chắc ông cũng ân hận.
– Cha cha cha cha! Ông đã biết nhà tôi đau gì rồi. Còn cái bọn thầy lang ấy, hễ chúng đặt chân vào nhà ai thì y như là mỗi ngày lui tới năm sáu bận.
– Nhưng mà thôi, ông Grangde ạ, ông làm gì thì làm mặc ông. Chúng ta là bạn cố tri, khắp tỉnh Xomuya này không có ai quan tâm đến chuyện quyền lợi của ông cho bằng tôi, cho nên tôi phải nói. Bây giờ thì mặc nó ra sao thì ra, ông đâu có phải đương tuổi vị thành niên, ông biết sử sự mà. Vả tôi đến đây không phải vì chuyện ấy. Có chuyện này đối với ông có le còn nguy hiểm hơn. Nói gì đi nữa, chắc ông cũng không muốn cho bà vợ ông chết, vì bà ấy có ích lợi cho ông quá. Hãy tưởng tượng xem cái vị trí của ông đối với con gái ông, nếu bà ấy chết. Ông phải tính toán minh bạch với Ogieni, bởi vì ông với bà Grangde cộng đồng tài sản. Ogieni sẽ có quyền đòi ông chia gia tài với nó, đòi ông bán ấp Phoroaphong để chia. Nói gọn lại, Ogieni có quyền thừa hưởng phần tài sản của bà Grangde lưu lại, mà ông thì không.
Những lời ấy bổ xuống đầu grangde như sét giáng: ông ta thạo về thương mại nhưng về pháo luật thì chả lấy gì làm cừ. Chưa bao giờ ông nghĩ đến việc phát mãi gia tài để chia. Ông Cruyso kết thúc.
– Vì thế tôi khuyên ông nên đối xử với nó dịu dàng.
– Nhưng ông có biết nó đã làm gì không đã?
Ông Cruyso tò mò muốn nghe những lời tâm sự của ông Grangde và xem thử, vì đâu cha con vợ chồng họ xích mích với nhau. Grangde bảo:
– Nó đem cái vốn vàng của nó mà cho đi!
– Ô hay! Vàng ấy không phải của nó là gì?
Ông Grangde buông thõng hai tay một cách thê thảm:
– Ai cũng nói rặt một điệu!
– Khi bà nhà qua đời, ông sẽ phải điều đình cho nó nhân nhượng quyền lợi với ông. Bây giờ vì một cái rác ấy mà ông định làm trở ngại cuộc điều đình về sau ư?
– Chao ôi! Sáu nghìn phorang vàng mà ông gọi là rác à?
– Ê, ông bạn già này! Nếu Ogieni đòi chia di sản của mẹ, thì chỉ mỗi khoản lên bảng thống kê và chia phần cũng đã tốn hết bao nhiêu, ông có biết không?
– Bao nhiêu?
– Hai, ba mươi vạn phorang có lẽ bốn mươi cũng nên. Không phải là bán những của chung đi mới biết giá trị mỗi món ư? Còn thỏa thuận với nhau…
Ông chủ nho thét:
– Thế này thì bỏ cha tôi!
Ông tái mặt ngồi xuống và nói tiếp:
– Để tôi còn xem, ông Cruyso ạ.
Sau một lát im lặng, hay nói hấp hối thì đúng hơn, Grangde nhìn ông chưởng khế mà nói:
– Cuộc đời sao mà cay cực quá! Có biết bao nhiêu chuyện đau buồn trong một kiếp người.
Ông lại tiếp, long trọng:
– Ông Cruyso, ông không định lừa tôi chứ? Ông hãy lấy danh dự thề với tôi là những điều ông nói có cơ sở pháp lý cả. Ông chỉ bộ luật Hộ cho tôi, tôi muốn xem luật Hộ.
– Ông bạn đáng thương ơi, tôi không thạo cái nghề của tôi ư?
– Thế ra cái chuyện đó mà thật à? Thế ra con gaí tôi sẽ lột da tôi, phản tôi, giết tôi, ăn thịt tôi?
– Nó chỉ thừa hưởngdi sản của mẹ.
– Thế thì con cái ích gì đây? Ôi! Vợ tôi, tôi yêu vợ tôi. Cũng may, bà ấy khỏe lắm; huyết thống Bectenlie mà lại!
– Bà ấy không sống mấy nỗi nữa, một tháng là cùng.
Ông phó thùng vỗ trán, bước đi rồi lảo đảo trở lại, nhìn ông Cruyso một cách dễ sợ:
– Làm thế nào bây giờ?
– Có cách là Ogieni dứt khoát từ bỏ quyền thừa kế mẹ không lôi thôi gì hết. Mà ông không định tước quyền thừa kế của nó sau này đấy chứ? Muốn nó nhân nhượng thì đừng bạc đãi nó. Ông bạn ạ, tôi nói với ông như thế là đi ngược lại quyền lợi của bản thân tôi. Công việc của tôi là gì nào?… Thanh toán, liệt kê, phát mãi, chia gia tài…
– Để tôi xem, để tôi xem. Ông Cruyso ơi, ông đừng nói chuyện ấy nữa. Ông làm tôi đứt từng khúc ruột đây này. Gần đây ông có nhận được ít nhiều vàng chứ?
– Không. Nhưng tôi có mấy đồng lu-i cũ, độ một chục đồng, tôi sẽ đưa ông. Ông bạn ạ, hãy làm lành với Ogieni đi. Ông không thấy à? Cả thành phố Xomuya thóa mạ ông.
– Cái bọn kỳ quặc thật!
– Này, phiếu thực lợi lên chín mươi chín phorang rồi đó. Hãy sướng một bụng đi, một đời người, ông cũng phải sướng bụng một lần chứ.
– Chín mươi chín ư, ông Cruyso?
– Vâng.
– Hừ! hừ! Chín mươi chín.
Grangde vừa nói vừa tiễn ông chưởng khế ra cửa ngoài. Rồi ông lên phòng bà Grangde, vì những điều vừa nghe làm ông ta đứng ngồi không yên:
– Này mẹ nó ạ, bà có thể bầu bạn với con Ogieni suốt ngày hôm nay. Tôi đi Phoroaphong đây. Hai mẹ con ngoan ngoãn dễ yêu nhé! Hôm nay là ngày kỷ niệm lễ cưới của chúng ta đấy: này đây là một chục e-quy để bà thiết cái vọng án trong dịp lễ Thánh thể. Bà ao ước khá lâu rồi, lần này thì sung sướng nhé! Hai mẹ con đùa giỡn tha hồ đi, vui vẻ đi, mạnh khỏe đi. Vui vẻ muôn năm!
Ông Grangde tung mười đồng e-quy ăn sáu lên giường bà vợ, rồi ôm đầu bà, hôn lên trán.
– Mẹ nó ơi, mẹ nó thấy đỡ chứ?
Bà Grangde cảm động:
– Ông đã đày con ông ra khỏi cõi lòng thì làm sao có thể thờ Đức Chúa ở trong nhà được?
Ông Grangde dịu ngọt:
– Cha cha cha cha! Để xem sao!
Bà Grangde sung sướng đỏ mặt, gọi con:
– Thật là ơn trời! Ogieni con ơi, ra đây hôn cha con, cha con đã tha lỗi cho con rồi.
Nhưng ông già lẩn mất. Ông rảo bước đến các đồng nho, cố sắp xếp lại những ý nghĩ bị đảo ngược trong óc.
Thuở ấy Grangde đã đến tuổi bảy mươi sáu. Hai năm nay, bệnh keo kiệt của ông lại càng trâm ftrongj, cũng như tất cả những thị dục tồn tại lâu dài ở con người, thì tuổi càng già càng nặng thêm mãi. Như người ta đã quan sát những người keo kiệt, những người nặng tham vọng, những người biến cả cuộc đời cho một ý định, giác quan của Grangde tập trung vào một vật tượng trưng cho dục vọng của ông ta. Ông chỉ nghiện một điều là có vàng và được nhìn vàng. Óc chuyên quyền của ông cũng lớn lên theo với tật keo bẩn, cho nên ông cho rằng khi bà Grangde chết mà ông phải từ bỏ quyền quản lý, dù chỉ trên một phần nhỏ gia tài, cũng là trái với thiên lý. Khai báo gia sản với con gái mình? Thống kê toàn bộ động sản và bất động sản để đem bán chia?… Đứng giữa một cánh đồng xem xét các gốc nho, ông Grangde buột miệng kêu lên thành tiếng:
– Nếu thế thà là cắt cổ mà chết cho xong!
Rốt cuộc, ông quyết định trở về Xomuya vào lúc ăn cơm tối, sẽ xử nhũn với Ogieni, ngọt ngào với nàng, xoa dịu nàng, để cầm cương các triệu bạc cho đến hơi thở cuối cùng và chết oanh liệt như một vị tướng soái.
Tình cờ ông có mang theo chùm chìa khóa mở được nhiều cửa. Khi ông rón rén leo lên thang gác để vào buồng bà vợ, thì Ogieni đã mang bộ trang sức quý giá của Saclo đến đây. Trong lúc vắng mặt Grangde, hai mẹ con vui thích ngắm nhìn Saclo qua chân dung mẹ chàng.
Ogieni bảo:
– Thật y hệt cái trán và cái miệng của chàng.
Vừa lúc ấy Grangde mở cửa.
Bắt gặp cặp mắt của ông ta nhìn vàng, bà Grangde kêu:
– Lạy Chúa! Xin Chúa phù hộ cho chúng con!
Grangde nhảy đến vồ bộ đồ vàng như con cọp vồ một em bé ngủ:
– Cái gì thế này? Vừa hỏi ông ta vừa mang nó đến cửa sổ, ông kêu.
– Vàng thật! Vàng! Nhiều lắm! Dễ đến hai cân. Ờ, ờ! Saclo cho con để đổi lấy những đồng tiền vàng đẹp đẽ của con phải không? Tại sao con không nói cho cha biết? Ồ con gái ơi! Món này hời đây. Con quả là con của cha, cha nhận ra rồi đó.
Ogieni run lẩy bẩy, Grangde tiếp:
– Đúng là của Saclo chứ?
– Thưa cha, vâng, đồ ấy không phải của con. Đó là một vật ký thác thiêng liêng.
– Cha cha cha cha! Nó đã lấy hết vốn liếng của con, con phải khôi phục lại chứ.
– Cha ơi!
Grangde định lấy con dao cậy một chiếc lập lắc. Nên phải đặt bộ đò vàng xuống ghế tựa. Ogieni xông đến lấy lại. Nhưng vẫn để mắt đến con gái lẫn cái hộp, Grangde dang tay ra gạt nàng trở lại mạnh đến nỗi nàng ngã vật xuống giường mẹ. Bà Grangde chồm lên, thét:
– Kìa ông! Kìa ông !
Grangde đã rút dao ra, sắp sửa nạy nắp vàng. Ogieni quỳ xuống van: “Cha ôi!” và cứ thế lết đến gần ông ta, tay chắp lại giơ lên cầu khẩn:
– Cha ôi! Nhân danh chư vị thánh, nhân danh Đức Mẹ, nhân danh Chúa Giesu hy sinh trên cây thánh giá, vì vĩnh phúc của linh hồn cha, vì tính mệnh của con gái cha, con xin cha đừng sờ tới vật ấy! Nó không phải là sở hữu của cha, cũng không phải sở hữu của con. Nó là sở hữu của một người bà con khốn khổ, họ đã ký thác cho con, con phải trả lại họ nguyên lành.
– Nếu là một vật ký thác sao mày còn nhìn ngắm? Ngắm nghía thì còn tệ hơn là sờ mó.
– Cha ơi! Cha đừng phá hủy vật ấy, phá hủy nó là làm mất danh giá con! Cha nghe không hở cha?
– Ông ơi! Ông buông tha cho mẹ con tôi.
– Cha! Ogieni hét to đến nỗi mụ Nanong kinh hoảng lật đật chạy lên.
Sẵn có con dao ở một bên, Ogieni vồ lấy, cầm chắc trong tay. Grangde cười nhạt và thản nhiên hỏi:
– Mày định làm gì?
– Ông ơi, ông giết tôi! Bà Gangde kêu.
– Thưa cha, hễ cha cạy một tí vàng trong ấy thì con đâm cổ con với con dao này. Cha đã làm mẹ con ốm thập tử nhất sinh, cha lại định giết con nữa. Thôi thì cha cứ việc, rồi đòn trả đòn cho coi!
Grangde kê con dao lên bộ đồ vàng, nhìn con do dự.
– Ogieni mày làm thật ư?
– Thật chứ, bà mẹ đáp.
Mụ Nanong thét:
– Cô ấy nói sao thì làm vậy mà thôi. Ông chủ ơi, ông phải biết điều, ông biết điều một lần thử xem, ông chủ.
Bác phó thùng hết trông vàng lại trông con gái. Bà Grangde ngất đi.
– Kìa ông chủ! Ông thấy không? Bà tôi ngất rồi.
Grangde vội vàng nói:
– Thôi con gái, ta đừng gây gổ nhau vì cái hộp nữa. Cầm lấy. Ông ta vứt cái hộp ra gường.
– Còn mụ, mụ đi mời ông Becgioranh đi, mụ Nanong.
Ông ta quay lại hôn bàn tay bà vợ dỗ dành:
– Này mẹ nó ạ! Chả có gì đâu, cha con tôi làm lành với nhau rồi.- Phải không con gái? Không bánh nhạt nữa, con muốn ăn gì tùy thích… Ờ may! Mẹ nó đã mở mắt.- Này mẹ nó ơi, bu nó ơi, nhà ơi, thôi xúy xóa! Coi này, tôi hôn Ogieni đây. Nó yêu thằng em họ nó, nó muốn lấy chồng thì tùy thích nó, và cho nó cứ tha hồ cất giữ cái hộp ấy cho thằng kia. Miễn là bà sẽ sống đời với tôi, nhà ạ. Nào, nhà ngồi dậy đi! Nhà nghe không, nhà sẽ có cái vọng án đẹp nhất từ trước tới nay ở thành phố Xomuya này.
Bà Grangde nói giọng yếu đuối:
– Trời ơi! Sao ông nỡ xử tệ với vợ con ông đến thế?
Grangde kêu to:
– Tôi không làm thế nữa, nhất định không. Rồi nhà xem.
Ông ta lên buồng lấy một vốc lu-i xuống rải trên gường rồi nói:
– Này, Ogieni, này mẹ nó, biếu hai mẹ con đây. Thôi vui lên, nhà ạ. Chóng mạnh, tôi không để cho nhà thiếu thức gì đâu, cả con Ogieni cũng thế. Đây này, phần nó một trăm lu-i vàng đấy! Cái món này thì mày không mang mà cho đi chứ, Ogieni!
Mẹ con bà Grangde nhìn nhau kinh ngạc.
– Cha cất đi, cha ạ. Mẹ con con chỉ cần tình yêu thương của cha mà thôi.
– Ờ phải đấy! Grangde nói và hốt tiền bỏ vào túi. Chúng ta sẽ sống hào thuận với nhau. Tối tối, chồng vợ cha con chúng ta xuống hết gian lớn để đánh lô tô hai xu góp. Mẹ con cứ tha hồ vui đùa. Ý mẹ nó thế nào hở mẹ nó?
– Hỡi ôi! Tôi cũng rất muốn làm thế bởi vì ông thích thế. Nhưng tôi đứng dậy không nổi.
– Thương hại mẹ nó! Mẹ nó không biết tôi yêu mẹ nó chừng nào! Cả con gái nữa, con gái ạ.
Ông ta ôm con vào lòng hôn.
– Ôi! qua cơn xích mích, được ôm con gái mình cũng thích thật! Coi này, bu nó coi, cha con tôi bây giờ cũng như một thôi.
Ông chỉ cái hộp nói với Ogieni:
– Thôi con cất cái ấy đi. Đừng sợ gì hết. Cha sẽ không bao giờ nhắc chuyện ấy đâu.
Lát sau, ông thầy thuốc có tiếng nhất ở Xomuya, ông Becgioranh đến. Khám xong, ông nói quyết với Grangde rằng bệnh tình bà Grangde rất trầm trọng. Nhưng nếu tâm trí yên tĩnh và được săn sóc dịu dàng chu tất thì có thể lui ngày chết tới cuối thu.
– Các cái ấy có tốn tiền lắm không? Có cần dùng nhiều thuốc thang không?
Ông thầy thuốc không nén nổi nụ cười:
– Các thuốc thang không cần mấy, chăm sóc cần nhiều hơn.
– Ông Bengioranh ơi, nghĩa là ông là một người trọng danh dự, tôi biết, nên tin ở ông. Lúc nào cần và cần bao nhiêu lần là vừa thì ông cứ đến xem bệnh cho bà nhà tôi. Ông cố cứu bà vợ tôi. Tôi yêu bà ấy lắm, ông biết cho, mặc dù bề ngoài không trông thấy. Bởi vì ở tôi, cái gì cũng ngấm ngầm bên trong, để vò xé gan ruột tôi. Tôi đang có chuyện phiềm muộn. Phiền muộn bắt đầu giáng xuống gia đình tôi với cái chết của chú em tôi. Về chuyện chú ấy, tôi phải tiêu tại Pari những món tiền… Những món tiền nghiêng nhà nghiêng cửa! Thế mà cũng đã xong đâu. Xin chào ông nhé. Nếu cứu được bà vợ tôi thì ông gắng cứu, dù phải tiêu tốn một trăm hay hai trăm phorang tôi cũng đành.
Bà Grangde mà chết thì vấn đề thừa kế di sản của bà ta cũng làm cho Grangde chết đi được, bởi vậy ông ta thành tâm cầu nguyện cho bà sống; ông luôn chiều theo ý mẹ con Ogieni từng li từng tí, khiến họ rất đỗi ngạc nhiên; Ogieni thì chăm sóc mẹ hết sức tận tình. Nhưng nguyện vọng tha thiết và sự chiều chuộng của chồng cùng với sự chăm sóc tận tình của con cũng không làm cho cái chết đi chậm lại. Mỗi ngày bà mỗi suy nhược héo hon, cũng như hầu hết những người đàn bà tuổi cao mà lâm bệnh. Mệnh bà mong manh như chiếc lá mùa thu chực rụng. Ánh sáng thiên đường làm cho bà rực rỡ, cũng như ánh mặt trời xuyên vòm cây làm đỏ ối lá thu.
Cái chết của bà rất xứng với cuộc đời bà: Bà chết trong sự trọng đạo kính Chúa, nói như thế phải chăng là nói cái chết ấy cao cả tuyệt vời! Tháng mười năm 1822 là lúc đạo đức của bà, tình nhẫn nại thiên thần của bà biểu lộ rõ nhất. Là ngọn đèn liu riu tắt, bà không một tiếng kêu rên. Bà về chầu trời như con cừu non trong trắng, không luyến tiếc một điều gì ở cõi trần này, trừ người bạn đời đôn hậu Ogieni. Phút cuối cùng, cặp mắt bà nhìn con gái như có ý báo trước cho nàng trăm điều đau khổ. Bà run sợ khi nghĩ rằng rồi đây con chiên kia, trong trắng cũng như mình sẽ phải sống lẻ loi giữa đám người ích kỷ hằm hè chực vặt lông nó, chiếm đoạt của cải của nó. Trước khi nhắm mắt, bà nhủ con:
– Con ơi! Chỉ ở trên trời mới có hạnh phúc. Một ngày kia con sẽ biết.
Mẹ chết rồi, Ogieni càng có nhiều nguyên do để quyến luyến cái nhà của mình: Mẹ nàng sinh nàng ở đó và cũng ở đó mẹ nàng vừa tắt nghỉ; ở đó nàng đã trải qua bao nhiêu chuyện đau buồn. Nàng không thể trông cái cửa sổ, cái ghế tựa có đế mà không tuôn nước mắt. Khi thấy cha nàng chăm sóc nàng quá âu yếm, nàng lại tưởng trước đây mình không hiểu lòng cha. Mỗi buổi sáng cha nàng đến khoác tay nàng xuống ăn cơm; ông ta nhìn nàng hàng giờ với cặp mắt gần như hiền từ; ông ta nâng niu, ấp ủ nàng như chính nàng là một cục vàng. Khác hẳn ngày xưa, bây giờ trước mặt con, ông run lẩy bẩy đến nỗi mụ Nanong và bon Cruyso trông thấy ngỡ ông ta về già sinh tật; họ còn e ngại rằng trí óc ông đã hóa ra lẩm cẩm. Chỉ có ông chưởng khế già là biết điều bí ẩn của người khách hàng của mình. Cái hôm lễ thành phục, sau bữa ăn tối, có mặt ông Cruyso thì người ta mới hiểu thái độ của ông Grangde.
Bàn ăn dọn dẹp và cửa nhà đóng kín xong, Grangde nói với con gái:
– Con nay là người thừa kế của mẹ con, cho nên cha con chúng ta có những việc lặt vặt cần thanh thỏa với nhau, phải không, ông bạn Cruyso?
– Vâng.
– Thưa cha, có cần lắm đến nỗi phải giở ra bàn ngay hôm nay không?
– Cần, cần con gái yêu ạ. Cha ở trong tình thế mập mờ hiện nay khó sống lâu được. Cha thiết tưởng con không nỡ làm phiền lòng cha.
– Chao ôi! Thưa cha…
– Bởi thế, phải xếp đặt mọi công việc ổn thỏa ngay tối nay.
– Thế cha cần con làm những việc gì đây ạ?
– Ồ, con gái ạ, việc ấy không can gì đến cha – Ông Cruyso, ông nói đi.
– Cô ạ, ông thân cô không muốn chia của, không muốn bán gia sản cũng không muốn trả những món thuế kếch xù về khoản tiền mặt của ông.°(Grangde giấu tiền mặt, vì có nhiều tiền mặt dùng làm vốn thì phải đóng thuế). Muốn được vậy thì miễn lên thông kê cái gia tài hiện nay là của chung của ông cụ và cô.
– Ông Cruyso ơi, tất ông đã nắm chắc, nên mới trình bày điều ấy với một con bé chứ?
– Ông để mặc tôi, ông Grangde.
– Vâng, vâng, ông bạn ạ. Cả ông lẫn tôi đều không ai muốn tước đoạt của cải của tôi.- Phải thế không hở con gái yêu?
Ogieni nóng ruột hỏi:
– Nhưng thưa ông, ông hãy bảo cho tôi biết tôi cần phải làm gì mới được chứ?
– Thế này ạ, cô cần ký vào cái tờ giao ước ấy, cô cam kết không đòi quyền thừa kế gia tài của mẹ cô và để cho cha cô hưởng quyền lợi của cái gia tài không chia ấy, ngược lại, ông thân cô bảo đảm quyền sở hữu của cô…
– Tôi chả hiểu tí gì trong những điều ông nói. Ông cứ đưa giấy tờ cho tôi và chỉ chỗ cho tôi ký.
Grangde đưa mắt nhìn qua lại hết nhìn tờ giao ước lại nhìn con gái. Sự xúc động mãnh liệt đến nỗi làm cho ông ta đổ mồ hôi trán, phải đưa bàn tay lên chùi. Ông nói:
– Con gái ạ, cái bản giao ước ấy mà đưa đi đăng ký thì cũng mất khối tiền ra đấy. Giá con cứ nói gọn một tiếng là con từ bỏ quyền thừa kế của mẹ con, mồ ma mẹ yêu dấu của con, và cứ tin ở cha về tương lai thì cha lại càng thích hơn… Được vậy mỗi tháng cha sẽ cấp cho con một trăm phorang ấy thế là tha hồ cho con giả bao nhiêu lễ cầu nguyện cho những ai cũng tùy con… Nhé! Mỗi tháng một trăm phorang bạc nén?
– Thưa cha, cha muốn con làm thế nào thì con làm thế ấy.
– Thưa cô, ông chưởng khế nói, – Tôi có bổn phận phải vạch cho cô rõ cô làm thế là tự tước bỏ gia tài…
– Chao ôi, đối với tôi cái đó có là gì!
Grangde bảo:
– Ông im đi, im đi, ông Cruyso.
Ông ta cầm tay Ogieni lên, đập bàn tay mình vào tay con và kêu:
– Nói rồi là rồi đấy nhé! Ogieni con ơi, con sẽ không sai lời hứa con nhé, con là một đứa con gái đứng đắn phải không?
– Ôi cha ơi! Sao cha nghĩ thế?
Grangde ôm con hôn vồ vập. Ông siết nàng đến đứt hơi.
– Con ơi! Thật là con đẻ ra cha. Con làm thế là con trả nợ sinh dưỡng cho cha: cha con ta không nợ nần gì nhau nữa. Công việc làm ăn thì phải như thế. Đời là một công việc làm ăn thôi. Cha cầu phúc cho con! Con là một đứa con gái hiếu hạnh, biết thương cha. Từ rày thì con muốn làm gì tùy con.
Ông ta quay nhìn ông bạn Cruyso còn đang kinh khủng:
– Mai, ông bạn nhé. Ông hãy chuẩn bị cho chu đáo cái tờ khai từ bỏ quyền thừa kế ở phòng lục sự tòa án.
Trưa hôm sau, Ogieni ký tờ khai tự mình truất bỏ quyền lợi của mình. Tuy thế, hết năm thứ nhất, Grangde vẫn chưa cho Ogieni xu nào trên món trợ cấp một trăm phorang mỗi tháng mà ông trịnh trọng hứa với con. Vì vậy, một hôm Ogieni nghịch chắc đến thì ông ta lấy làm xấu hổ. Ông vội vã lên buồng kín rồi trở xuống đưa cho con độ một phần ba những vật trang sức lấy của Saclo°(Vì đã mua không đúng giá, cũng như là ăn cắp một phần). Giọng ranh mãnh, ông ta hỏi:
– Này con gái, con có ưng lấy chỗ này khấu vào cái khoản một nghìn hai trăm phorang của con không?
– Ồ, thưa cha, thật ư? Cha cho con những thứ này ư? Ông vứt vào tạp dề Ogieni đưa ra hứng.
– Sang năm, cha sẽ trả cho con chừng ấy nữa. Như thế thì không bao lâu con sẽ thu lại đầy đủ những thứ trang sức của nó.
Ông vừa nói vừa xoa hai bàn tay vào nhau, sung sướng vì đã đầu cơ được tình cảm của con.
Mặc dù còn khỏe mạnh, ông già vẫn thấy cần tập cho con quản lý dần việc nhà. Hai năm liền, ông bắt con kê thực đơn và thu tô trước mặt ông ta. Ông ta lần lượt bày cho con biết tên các trại ấp, cùng với chi tiết những tài sản ở mỗi nơi. Đến năm thứ ba ông đã dập khuôn nàng theo nếp hà tiện của ông, ông đã biến bài học thành tập quán sâu sắc đến nỗi có thể giao quyền chi dụng trong nhà cho nàng, và phong nàng làm bà nội trợ không ngại gì hết.
Năm năm trôi qua, trong cuộc đời đơn điệu của cha con Ogieni không xảy ra biến cố nào đáng kể. Họ làm đi làm lại bấy nhiêu công việc hàng ngày, đều đặn như chiếc quả lắc của chiếc đồng hồ treo. Vẻ sầu tư thấm thía của Ogieni ai cũng thấy; nhưng nếu ai cũng cảm thấy lý do thì trái lại tự nàng không bao giờ nói hở ra một tiếng có thể làm cho công chúng Xomuya tin chắc điều phỏng đoán của mình. Khách khứa tới lui chỉ có ba ông Cruyso và một vài thân bằng của họ do dần dà đưa đến. Họ tập cho nàng đánh bài Anh và tối tối đến chơi bài với nàng. Trong năm 1827, cha nàng cảm thấy bệnh tật trĩu người, bắt buộc phải nói cho nàng biết những điều lâu nay ông ta giấu kín về tình hình bất đống sản; ông ta bảo nếu gặp khó khăn thì phải nhờ cậy ông chưởng khế Cruyso, lòng trung thực của ông này, ông ta đã biết rõ.
Rồi cuối năm ấy, là năm ông ta tám mươi hai tuổi, Grangde mắc bệnh bại liệt. Bệnh tình ông tăng rất nhanh. Thầy thuốc Becgioranh quyết đoán rằng ông ta không thể sống cảnh cô quạnh trên đời, nên nàng như dịch lại gần cha hơn và siết chặt cái khâu cuối cùng của sợi dây thân ái. Trong tư tưởng của nàng cũng như trong tư tưởng tất cả mọi người phụ nữ có tình nghĩa, yêu thương là tất cả ở đời, mà Saclo không có ở đấy thì chỉ có mỗi một cha nàng để yêu quý. Nàng chí tình, trí hiếu chăm sóc cha già, chú ý từng li từng tí. Grangde thì mọi năng khiếu trí óc bắt đầu xuống, nhưng về tính keo kiệt ham của thì vẫn tồn tại như một bản năng. Bởi thế, cái chết của ông ta chẳng trái với cuộc đời ông ta.
Cứ sáng ra, ông bắt đầu đẩy chiếc ghế bành có cái bánh xe đến khoảng cách giữa bệ sưởi ở buồng nằm và cái cửa buồng làm việc có lẽ đầy ắp vàng. Ông ngồi ở đó, không nhúc nhích, nhưng cặp mắt lo lắng hết nhìn những khách đến thăm, lại nhìn cái cửa bọc sắt. Nghe một tiếng động nhỏ, ông cũng hỏi cho biết đó là tiếng gì; ông chưởng khế ngạc nhiên hết sức khi thấy Grangde nghe được cả tiếng con chó ngáp ở ngoài sân. Bình thường ông có vẻ như mê mẩn, nhưng cứ đến ngày giờ thu tô, tính sổ với tá điền, làm giấy biên nhận thì ông tỉnh lại. Lúc ấy ông lắc cái ghế bành xe kỳ cho đến khi nó đến đỗ trước cửa buồng làm việc. Ông bảo con gái mở cửa buồng và trông nom cho tự tay nàng bí mật xếp các bị bạc lên nhau, rồi tự tay nàng khóa cửa buồng lại. Khi nàng trả cái chìa khóa cho ông xong thì ông lặng lẽ xe chiếc ghế trở về chỗ cũ. Cái chìa khóa ấy, ông bỏ luôn luôn trong túi áo gile, lát lát lại sờ xem còn hay mất.
Biết trước rằng cô thừa kế- triệu phú thế nào cũng lấy cháu mình nếu Saclo không về, ông bạn già của ông ta, ông chưởng khế Cruyso càng hết lòng chăm sóc cho ông. Ngày nào ông chưởng khế cũng đến cho Grangde sai bảo, khi thì theo lệnh ông ấy đi Phoraophong, khi thì đi thăm đồng ruộng, đồng cỏ, vườn nho, khi đi bán hoa lợi. Được món gì, ông cũng chuyển hóa ra vàng, ra bạc, và vàng bạc lại cứ bí mật vào xếp trong buồng kín, bên cạnh những bao chất đống từ trước.
Cuối cùng, những ngày hấp hối đã đến. Cơ thể rắn chắc của Grangde phải đương đầu với sức hủy hoại của tự nhiên. Ông ta cứ muốn ngồi cạnh lò sưởi của mình trước của buồng đóng kín của mình. Tất cả những tấm chăn người ta đắp lên người ông, ông đều kéo vào lòng, cuộn lại và bảo mụ Nanong:
– Cất đi, cất cái này đi không thì người ta đánh cắp của tao đấy.
Những khi ông mở được cặp mắt thu tóm hết tất cả sinh lực còn sót lại trong người, thì lập tức ông quay nhìn về phía cái cửa buồng chất vàng bạc của ông và hỏi con gái, giọng lạc đi vì một niềm kinh sợ không cùng:
– Các cái bị còn ở đấy không ? Còn đấy không? Ogieni đáp:
– Thưa cha, còn ạ.
– Phải canh giữ vàng!… Đem vàng để trước mặt cha đi!
Ogieni đem những đống lu-i bày trên một cái bàn đặt trước mặt cha. Thế là hàng giờ, mắt Grangde dán lên mấy đồng lu-i vàng, y như một đứa trẻ sơ sinh lúc bắt đầu trông nhìn, thấy vật gì thì đăm đăm như ngây dại; và cũng như đứa bé, ông nở một nụ cười, một nụ cười mệt nhọc.
Đôi khi mặt đầy một niềm khoái trá, ông nói: “Cái này làm người tôi ấm lại”.
Khi cha xứ đến rửa tôi cho ông, cặp mắt ông đã chết lờ đờ từ lâu bỗng nhiên sáng lên khi nhìn thấy cây thánh giá, đôi đèn, lọ nước thánh bằng bạc. Ông nhìn chằm chặp những thứ ấy và chóp mũi ông động đậy lần cuối. Khi ông cố đạo đưa cây thánh giá mạ vàng kề môi ông để ông hôn hình Đức Chúa Giesu thì ông vùng lên một cách khủng khiếp để chụp lấy cây thánh giá. Sự gắng sức cuối cùng ấy đã làm cho ông kiệt sức. Ogieni quỳ trước mặt ông, tuôn nước mắt đầm đìa trên bàn tay lạnh giá, nhưng ông ta không trông thấy và vẫn gọi nàng.
Nàng cầu xin:
– Thưa cha, xin cha ban phúc cho con.
– Con coi ngó trong ngoài chu đáo nhé! Về trên ấy con sẽ báo cáo lại cho cha biết.
Nói lời cuối cùng ấy, ông Grangde chứng minh rằng đạo Thiên chúa phải là đạo của những người keo kiệt.
Grangde chết rồi, ở ngôi nhà này còn lại một mình Ogieni lẻ loi trên đời. Chỉ còn độc mụ Nanong là nghe, là hiểu được nàng, mụ Nanong là người duy nhất thương yêu nàng không tính toán, và có thể nghe nàng tâm sự về những nỗi sầu muộn riêng tây. Mụ Nanong hộ pháp là cứu tinh của Ogieni, bởi vậy mụ không phải là người ở nữa, mụ trở thành một người bạn hèn mọn.
Sau khi Grangde chết, ông chưởng khế Cruyso cho Ogieni biết rằng gia sản của nàng trong phạm vi quận Xomuya thu hoa lợi mỗi năm ba mươi vạn phorang, ngoài ra nàng còn có sáu triệu gửi thực lợi với lãi suất ba phần trên những phiếu mua với giá trị thực tế là sáu mươi phorang nhưng nay đã lên bảy mươi phorang (thêm vào đó một số vàng trị giá hai triệu phorang và mười vạn phorang bằng equy, đó là chưa kể những khoản thu sắp đến kỳ hạn). Tổng kết gia tài Ogieni lên tới con số mười bảy triệu. Nàng tự nhủ:
– Thế mà Saclo thì lại ở đâu kia?
Cái hôm ông chưởng khế Cruyso giao cho Ogieni bản liệt kê di sản rõ ràng và không mắc míu gì thì Ogieni ngồi một mình với mụ Nanong, mỗi người một bên lò sưởi. Trong gian phòng trống trải vật gì cũng gợi lại những chuyện ngày xưa, từ cái ghế tựa có đế mẹ nàng thường ngồi đến cái cốc thủy tinh Saclo uống nước.
– Chị Nanong ơi. Chúng ta cô quạnh quá.
– Thưa cô vâng. Giá tôi biết cậu bé xinh xắn ấy ở đâu thì tôi cất công đi tìm về cho cô ngay.
– Từ ta đến chàng là biển cả muôn trùng, chị Nanong ạ.
Trong lúc cô thừa kế đáng thương sụt sùi với người ở trong cái nhà lạnh lẽo tối tăm đối với cô ta là cả vũ trụ, thì khắp vùng từ Nangto tới Oocleang, người ta chỉ bàn tán về cái gia sản mười bảy triệu của cô. Một trong những việc đầu tiên của Ogieni là mua cho mụ Nanong một nghìn hai trăm phorang thực lợi chung thân. Số ấy cộng với số sáu trăm phorang mụ có sẵn làm cho mụ ta trở nên một mối bở. Bởi vậy, không đầy một tháng sau, mụ đã từ đời con gái bước sang đời người đàn bà, gửi thân cho lão Angtoan Coocnoie. Coonoie được cử làm tổng giám thị đất ruộng của cô Grangde. So với những bạn đồng lứa, bà Coocnoie có một điểm hơn hẳn. Đã năm mươi chín tuổi, nhưng vẻ người bà ta trông chỉ mới đến bốn mươi. Những nét thô kệch của bà lại chịu đựng thắng lợi với thời gian. Nhờ nếp sống khắc khổ như tu viện, bà ta bất chấp tuổi già, cứ giữ mãi nước da hồng hào và sức khỏe chắc nịch. Có lẽ suốt đời chưa lúc nào trông bà dễ coi như lúc đi lấy chồng. Xấu xí thế bây giờ lại hóa hay, thân hình bà trông to béo đầy đặn, vẻ hạnh phúc hiện trên khuôn mặt không hề bị phá hoại chút nào. Một đôi người đâm ra ganh tị với cái số đỏ của lão Coocnoie. Anh hàng dạ bảo:
– Da dẻ mụ ta tốt quá!
Anh hàng muối thêm:
– Mụ ấy sẽ chửa đẻ cho mà xem. Trông mụ vẫn nguyên lành như – xin lỗi các bác- như con cá mắm vậy.
Một láng giềng khác nói:
– Thằng cha Coocnoie vớ bở, mụ ấy giàu lắm.
Từ cái nhà cũ kỹ bước ra, lần theo con đường khúc khuỷu để đến nhà thờ, mụ Nanong nghe toàn những lời khen ngợi bởi vì hàng xóm láng giềng ai cũng mến mụ. Ogieni mừng cưới mụ ba mươi sáu bộ đồ ăn. Lão Coocnoie kinh ngạc về sự hào phóng ấy, lúc nào nói đến cô chủ cũng rơm rớm nước mắt: dù xương tan thịt nát vì chủ, lão cũng sẵn sàng liều thân. Được làm người tin cậy của Ogieni, bà Coonoie cũng sung sướng như được có chồng: bây giờ bà cũng được giữ một chi thu tùy ý xuất nhập, được chi xuất lương thực phẩm mỗi buổi sáng, như mồ ma ông chủ đã làm xưa kia. Bà lại được sai bảo hai anh bồi, một chị bếp, một chị hầu buồng để vá đụp quần áo trong nhà và cắt may áo dài cho Ogieni. Coocnoie thì kiêm hai chức vụ giám thị và quản lý. Có lẽ không cần phải nói rằng chị bếp và chị hầu buồng do bà Nanong chọn là những viên ngọc. Và như thế là cô Grangde có bốn người tay chân trung thành không bờ bến. Bọn tá điền không thấy có vẻ gì là ông Grangde đã qua đời cả bởi vì công việc quản lý của ông trước kia đã thành nề nếp hết sức chặt chẽ, bây giờ lại được vợ chồng ông Coocnoie tiếp tục thực hiện chu đáo.