Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quyền Lực Thứ Tư

Chương 8

Tác giả: Jeffrey Archer

Báo

ST. ANDY

Ngày 12 tháng Chín, 1945

BÌNH MINH CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ MỚI

“Hủy bỏ hệ thống huân chương”, một tít lớn trong số thứ 3 của tờ St. Andy.

Theo ý kiến của tổng biên tập, hệ thống huân chương chỉ là cái cớ để một nhóm chính trị gia tự khen nhau và tặng cho bè bạn những danh hiệu mà họ không xứng đáng được nhận. “Huân chương hầu như được tặng cho những kẻ không xứng đáng. Cái lối tự tô vẽ mình đáng ghét này là một ví dụ nữa về những tàn dư của đế chế thực dân, cần phải xoá bỏ ngay khi có điều kiện. Chúng ta cần quẳng cái hệ thống đã lỗi thời này vào sọt rác của lịch sử’.

Môt số học sinh viết thư cho Keith nói rằng cha chúng đã nhận tước phong, và những đứa hiểu biết hơn về lịch sử thì nói thêm rằng câu cuối của bài báo là ăn cắp ở một bài viết về một vấn đề khác có mục đích tốt hơn.

Keith không thể ghi lại được ý kiến của ông hiệu trưởng trong cuộc họp cuối tuần của giáo viên nhà trường, vì Penny không còn nói chuyện với cậu. Alexander Ducan và bạn bè công khai gọi cậu là kẻ phản bội. Mặc hết, Keith tỏ ra không quan tâm đến việc họ nghĩ gì.

Kỳ học tiếp tục, cậu bắt đầu tự hỏi liệu còn có khả năng bị hội đồng quân nhân gọi đến cho một suất học bổng ở Oxford hay không. Mặc dù chưa đâu vào đâu, cậu vẫn thôi làm cho tờ Courier, để tập trung thời gian vào học tập, cố gắng gấp đôi, khi cha cậu nói sẽ tặng một ô tô thể thao nếu cậu thi đỗ. Ý nghĩ phải chứng minh là ông hiệu trưởng nghĩ sai và có được chiếc xe là điều không cưỡng lại được. Cô Steadman, người vẫn tiếp tục phụ đạo cho cậu, nhiều đêm tới rất khuya, có vẻ sung sướng khi thấy phải cố gắng gấp đôi.

Khi Keith trở lại trường dự thi hết cấp, cậu cảm thấy đã sẵn sàng để đối mặt với cả giám khảo lẫn ông hiệu trưởng: số tiền quyên góp đến nay chỉ còn thiếu vài trăm bảng nữa là đạt mục tiêu năm ngàn. Keith dự định sẽ dùng số báo cuối cùng để thông báo thắng lợi. Cậu hy vọng việc này sẽ làm ông hiệu trưởng khó có thể làm gì về một bài báo mà cậu sẽ đăng trong số báo tới, kêu gọi xóa bỏ chế độ quân chủ.

“Nước Úc không cần một gia đình thượng lưu sống cách xa hàng ngàn dặm thống trị. Làm sao chúng ta bước qua nửa sau của thế kỷ XX mà vẫn còn giữ hệ thống đó? Hãy rũ bỏ tất cả bọn họ, cùng quốc ca, cờ Anh và đồng Bảng”, bài báo kêu gọi. “Một khi chiến tranh kết thúc, chắc chắn sẽ đến lúc Úc tuyên bố mình là nước cộng hoà”.

Ông Jessop vẫn im lặng, trong khi tờ Melbourne Age trả Keith 50 bảng để đăng lại bài đó, mà phải suy nghĩ mãi cậu mới có thể từ chối. Alexander Ducan nói toạc ra rằng một ngưòi rất gần gũi với ông hiệu trưởng đã bảo với cậu ta rằng sẽ rất ngạc nhiên nếu Keith Townsend còn trụ được đến cuối học kỳ.

Trong mấy tuần đầu của học kỳ cuối cùng, Keith dành phần lớn thời gian học bài, chỉ thỉnh thoảng mới gặp Betsy, và cứ thứ Tư của tuần lễ lẻ là đến trường đua trong khi những học sinh khác dùng thời gian dó làm những việc tốn nhiều sinh lực hơn.

Vào cái ngày thứ Tư đặc biệt ấy, lẽ ra Keith đã không đến trường đua nếu như không có một người trông chuồng ngựa cho biết một điều “chắc chắn”. Keith cẩn thận kiểm tra tài chính của mình. Cậu vẫn còn dành dụm được một chút do làm việc trong ngày nghỉ, cộng thêm số tiền tiêu vặt mẹ cho. Cậu quyết định chỉ đặt cược trong cuộc đua đầu tiên, và nếu thắng sẽ trở về trường tiếp tục ôn bài và tự hứa sẽ vào thăm Betsy trên đường về trường.

“Điều chắc chắn” đó là con ngựa có tên Rum Punch, sẽ bắt đầu đua vào lúc hai giờ. Người nói với cậu có vẻ rất tin vào con ngựa của mình, đến nỗi Keith đặt hẳn năm bảng, một ăn bảy. Trước khi rào chắn được mở, cậu đã nghĩ tới chuyện sẽ sử dụng số tiền thắng cược thế nào.

Suốt chặng đua, Rum Punch dẫn đầu, song ở vòng cuối, một con khác chạy sát rào phía trong đã phóng lên ngang nó. Keith giơ cả hai tay lên trời khi hai con ngựa cùng phóng qua đích. Cậu đi lại phía bàn để nhận tiền thắng cược.

“Kết quả cuộc đua đầu tiên của buổi chiều sẽ công bố chậm một chút để xem lại ảnh chụp Rum Punch và Colombus lúc về đích”, tiếng loa phóng thanh thông báo. Từ góc đứng của mình, Keith chắc chắn là Rum Punch đã thắng, nên không hiểu sao họ lại còn phải xem lại ảnh. Có lẽ để mọi người nghĩ các nhân viên làm việc nghiêm chỉnh, cậu nghĩ. Cậu nhìn đồng hồ và bắt đầu nghĩ đến Betsy.

“Sau đây là kết quả cuộc đua”, tiếng loa oang oang, “về đích trước một đầu ngựa là Columbus, bốn ăn năm, và về sau là Rum Punch, một ăn bảy”.

Keith chửi ầm lên. Giá như đặt cược hai chiều thì giờ đây cậu vẫn nhân đôi được số tiền của mình. Trên đường ra chỗ để xe đạp, cậu nhìn danh sách những con ngựa ở trong cuộc đua tiếp theo. Drumstick được lợi thế đứng ngay ở hàng đầu. Keith bước chậm lại. Trước đây cậu đã hai lần thắng khi đặt cược vào Drumstick, và rất có thể đây sẽ là lần thứ ba. Nhưng chỉ có vấn đề là cậu đã đặt toàn bộ số tiền mình có vào con Rum Punch mất rồi.

Tiếp tục đi về nhà để xe, cậu chợt nhớ mình có quyền rút tiền trong tài khoản có số dư là hơn ngàn bảng trong Ngân hàng Úc.

Cậu xem lại tên các con ngựa trong cuộc đua tiếp theo, thấy Drumstick khó có thể thua. Lần này cậu đặt cược hai chiều, mỗi chiều năm bảng, một ăn ba, để nếu Drumstick có về thứ ba, cậu cũng thu hồi dược vốn. Keith đẩy cửa xoay, lấy xe rồi đạp như bay đến ngân hàng cách đó một dặm. Cậu viết một cái séc mười bảng.

Vẫn còn mười phút trước khi bắt đầu cuộc đua thứ hai, vì vậy cậu yên tâm đủ thời gian lĩnh tiền rồi trở lại trường đua. Nhân viên ngân hàng nhìn người khách, xem rất kỹ tấm séc, rồi gọi điện cho chi nhánh ngân hàng của Keith ở Melbourne. Họ lập tức khẳng định ông Townsend có đủ tư cách ký séc lĩnh tiền từ tài khoản đó, và tài khoản vẫn có số dư cao. Vào lúc hai giờ năm mươi ba phút, nhân viên ngân hàng trao mười bảng cho chàng thiếu niên đang có vẻ sốt ruột.

Keith đạp xe trở lại với tốc độ mà chắc đội trưởng đội thể thao quốc gia phải có ấn tượng sâu sắc. Cậu đánh cược vào Drumstick và Honest Syd, mỗi con năm bảng. Khi rào chắn vừa nhấc lên, Keith vội vàng lao đến cạnh rào, kịp nhìn một đàn ngựa phóng qua mặt trong vòng đầu tiên. Cậu không tin vào mắt mình. Drumstick chắc xuất phát chậm, chạy mãi phía cuối trong vòng thứ hai, nên mặc dù đã cố gắng hết sức cũng chỉ về đích thứ tư.

Keith kiểm tra tên ngựa và tên kỵ mã của cuộc đua thứ ba và lại vội vàng trở lại ngân hàng, đứng hẳn người trên bàn đạp. Cậu yêu cầu được lĩnh chiếc séc hai mươi bảng. Lại một cú điện thoại, và lần này trợ lý giám đốc ngân hàng ỏ Melbourne đề nghị được nói chuyện trực tiếp với Keith. Sau khi đã xác định rõ nhân thân của Keith, ông ta đồng ý dể ngân hàng chi cái séc đó.

Trong cuộc đua thứ ba, Keith cũng không khá hơn, và khi loa phóng thanh công bố kết quả của thứ sáu, cậu đã rút một trăm bảng từ tài khoản quyên góp cho sân tenit. Cậu từ từ đạp xe về phía bưu điện, suy nghĩ về hậu quả của những việc mình đã làm. Cậu biết đến cuối tháng, tài khoản sẽ được thủ quỹ của trường kiểm tra, và nếu có vấn đề gì chưa rõ về các khoản thu chi, ông ta sẽ báo với ông hiệu trưởng; và ông này sẽ yêu cầu ngân hàng làm rõ. Trợ lý giám đổc ngân hàng lúc đó sẽ đáp rằng ông Townsend đã năm lần điện thoại từ một trạm điện thoại công cộng gần trường đua chiều thứ Tư đó, yêu cầu được lĩnh tiền từ tài khoản này. Chắc chắn Keith sẽ bị đuổi học; một học sinh năm trước đã bị đuổi chỉ vì ăn cắp một lọ mực. Nhưng tệ hại hơn, tin này sẽ được đăng trên trang nhất của các báo ở Úc kình địch với bố cậu.

Betsy ngạc nhiên không thấy Keith tạt vào, dù để nói với cô một câu, sau khi quẳng xe đạp ngay trước nhà bưu điện. Cậu đi bộ về trường, biết rằng mình chỉ có ba tuần để xoay cho đủ số một trăm bảng đó. Cậu ngồi học ngay, cố tập trung vào các bài kiểm tra, nhưng đầu óc cứ bận bịu mãi với số tiền đó. Cậu nghĩ ra cả chục câu chuyện trong những tình huống có thể rất đáng tin. Nhưng làm sao mà giải thích được việc các séc này lĩnh cách nhau có ba mươi phút ở một chi nhánh ngân hàng rất gần trường đua?

Sáng hôm sau, cậu nghĩ sẽ ghi tên vào lính, để rồi chuyển qua đóng ở Miến Điện trước khi mọi người phát hiện ra việc cậu làm. Nếu cậu chết, được tặng huân chương chiến công, chắc họ sẽ không nhắc đến một trăm bảng thụt két trong điếu văn của cậu. Một việc cậu tính không làm là cá cược tiếp tuần sau đó, mặc dù cậu vẫn được tay làm ở chuồng ngựa cung cấp cho nguồn tin “chắc chắn” khác. Cậu cũng chẳng vui lên được chút nào khi đọc trong tờ Sporting Globe biết con ngựa “chắc chắn” này đã về nhất, một ăn mười.

Chính trong giờ lên lớp thứ Hai tiếp đó, trong khi Keith đang đánh vật với một bài viết về “tiêu chuẩn vàng” thì có người đưa cho cậu mảnh giấy, trong đó ghi: “Ông hiệu trưởng muốn gặp cậu tại văn phòng ngay bây giờ ”.

Keith hoảng. Cậu bỏ bài đang làm giở trên bàn, từ từ đi đến phòng hiệu truởng. Sao họ biết nhanh thế nhỉ? Chả lẽ ngân hàng muốn rũ trách nhiệm nên đã báo cho thủ quỹ của trường biết về những món tiền rút bất thường? Làm sao họ dám chắc số tiền đó đã không được dùng vào những việc chính đáng? “Nào, những chi dùng chính đáng, rút từ ngân hàng ba mươi phút một lần, chỉ cách trường đua có một dặm vào chiều thứ Tư là thế nào đây, Townsend?” Cậu có thể mường tượng ông hiệu trưởng hỏi câu đó với giọng giễu cợt ra sao.

Keith leo mấy bậc cầu thang dẫn lên phòng, cảm thấy người ngây ngấy sốt. Người giúp việc mở cửa ngay trước khi cậu định gõ. Bước vào, cậu nghĩ chưa bao giờ thấy hiệu trưởng nghiêm nghị như thế. Nhìn sang phía bên kia, là thầy chủ nhiệm đang ngồi trên sô pha ở góc phòng. Keith vẫn đứng, hiểu rằng lần này cậu sẽ không được mời ngồi, hoặc mời một cốc rượu anh đào.

“Townsend!”, ông hiệu trưởng bắt đầu. “Tôi đang cho điều tra một tin hết sức nghiêm trọng, mà trong đó tôi lấy làm tiếc khi được báo cáo cậu là người trực tiếp dính líu”. Keith bấm chặt móng tay vào lòng bàn tay cho khỏi run. “Cậu thấy có thầy chủ nhiệm ở đây. Việc này là để có thêm người làm chứng trong trường hợp cần thiết phải mời đến cảnh sát”. Keith cảm thấy chân mềm nhũn và nếu không được ngồi xuống ghế, chắc cậu ngã vật xuống sàn.

“Townsend! Tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề”. Ông hiệu trưởng dừng lại, tựa như tìm từ thích hợp. Keith càng run. “Penny, con gái tôi hình như… hình như có thai. Nó nói nó bị hiếp. Hình như cậu (Keith định phản đối) là người chứng kiến duy nhất việc đó. Thủ phạm là đứa không những ở cùng nhà với cậu, mà còn là lớp trưởng. Tôi coi việc cậu hoàn toàn hợp tác trong vụ này là điều hết sức quan trọng”.

Keith thở phào thành tiếng. “Thưa thầy ! Em sẽ cố gắng hết sức”. Cậu nói trong khi ông hiệu trưởng liếc mắt nhìn vào những tờ giấy mà cậu nghĩ là một bài viết sẵn.

“Vào khoảng ba giờ chiều thứ Bảy, ngày 6 tháng Mười, có đúng là cậu vào sân vận động không?”.

“Thưa ngài, thưa thầy”, Keith trả lời ngay. “Em thường phải tới sân vận động vì có liên quan đến trách nhiệm của em trong đợt quyên góp”.

“A, tất nhiên”, ông hiệu trưởng nói. “Cậu làm như thế là tốt đấy”. Ông Clarke vẻ mặt nghiêm trang, gật đầu có vẻ tán thưởng.

“Cậu nói lại chính xác bằng từ ngữ của cậu, cậu đã gặp những gì khi vào sân hôm ấy?”.

Keith những muốn phì cười khi nghe ông ta dùng từ “gặp”, nhưng cậu cố giữ vẻ nghiêm chỉnh.

“Cứ nghĩ cho kỹ”, ông Jessop bảo. “Dù thế nào đi nữa, cậu đừng lo mang tiếng rình rập người khác”.

Khỏi phải bảo, tôi chẳng ngại đâu, Keith nghĩ. Cậu đắn đo không biết có nên nhân dịp này giải quyết luôn hai món nợ cũ hay không. Nhưng cậu có thể được lợi hơn nếu…

“Cậu cũng có thể xem xét việc cậu diễn giải sự vụ sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của cậu”. Chính chữ “danh tiếng” đã giúp Keith đi đến quyết định dứt khoát. Cậu nhíu mày, làm như đang cân nhắc kỹ hậu quả những điều mình sắp nói, và tự hỏi nên kéo dài giây phút khắc khoải này trong bao lâu.

“Thưa thầy hiệu trưởng ! Khi em vào phòng”, cậu mở đầu với vẻ rất có trách nhiệm, “em thấy đèn đóm tốỉ om. Em lấy làm lạ, nhưng sau phát hiện ra rằng tất cả các rèm cửa đều đã được kéo kín. Em lại càng ngạc nhiên khi nghe tiếng động trong phòng thay đồ của đội khách, vì biết đội bóng đã sang đấu ở sân trường bạn Em dò dẫm tìm công tắc điện, và khi bật đèn lên thì sững sờ nhìn thấy…”. Keith ngập ngừng, cố làm ra vẻ ngượng khi phải nói tiếp.

“Cậu không phải lo việc mình có thể phản bội bạn bè”, ông hiệu trưởng nhắc. “Cậu cứ tin là chúng tôi sẽ giữ kín”.

Nhiều hơn là ông có thể tin vào tôi, Keith nghĩ.

“…nhìn thấy con gái thầy cùng Alexander Ducan đang nằm trần truồng ở chỗ để đồ”. Keith lại ngừng, nhưng lần này ông hiệu trưởng không thúc cậu phải nói tiếp. Vì vậy, cậu dừng lại rất lâu. “Những gì diễn ra trước đó chắc đã ngừng lại khi đèn bật sáng”. Cậu lại ngập ngừng.

“Cậu nên hiểu việc này cũng chẳng dễ nghe gì đối với tôi đâu, Townsend”.

“Vâng, thưa thầy”, Keith nói, hài lòng về cái cách mô tả toàn bộ câu chuyện.

“Theo cậu thì hai đứa đang hay là đã làm tình xong?”

“Thưa thầy ! Em hoàn toàn tin rằng việc đó đã hoàn tất”.

“Nhưng cậu có chắc không?”.

“Thưa thầy, chắc chắn ạ”, Keith ngừng lại khá lâu rồi tiếp, “bởi vì…”

“Đừng ngượng, Townsend. Cậu nên hiểu điều duy nhất tôi quan tâm là sự thật”.

Nhưng với tôi thì không, Keith nghĩ. Cậu không hề ngượng, tuy rõ ràng hai người đàn ông trong phòng thì đang như vậy.

“Cậu phải kể với chúng tôi chính xác những gì cậu thấy, Townsend”.

“Em nghe thấy nhiều hơn là nhìn thấy”, Keith đáp.

Ông hiệu trưởng cúi đầu, mãi sau mới ngửng lên. “Câu hỏi tiếp theo mới là khó chịu nhất đối với tôi, Townsend. Bởi vì tôi không chỉ cần phải dựa vào trí nhớ, mà còn dựa vào sự suy xét của cậu nữa”.

“Thưa thầy! Em sẽ cố gắng hết sức”.

Đến lượt ông hiệu trưởng ngập ngừng, còn Keith phải cắn vào lưỡi để khỏi buột miệng bảo, “Ngài cứ suy nghĩ cho kỹ”.

“Townsend này! Theo cậu, và nên nhớ chúng ta giữ kín chuyện đang nói, thì con gái tôi, nói thế nào nhỉ…”, ông ta lại ngập ngừng, “con gái tôi có đồng tình trong chuyện này không?” Keith nghĩ -không biết có bao giờ trong cuộc đời, ông hiệu trưởng hỏi một câu gượng gạo đến như vậy.

Keith để ông ta toát mồ hôi trong vài giây rồi mới nói chắc như đinh đóng cột: “Thưa thầy! Em không nghi ngờ gì về việc đó”, cả hai người nhìn thẳng vào mặt cậu. “Đây không phải là vụ hiếp dâm”.

Ông Jessop không có phản ứng gì chỉ hỏi, “Làm sao cậu dám nói chắc?”.

“Thưa thầy, bởi vì những tiếng rên rỉ em nghe thấy trước khi bật đèn không phải vì tức giận hoặc vì sợ. Đó là tiếng rên của hai ngưòi rõ ràng là… thưa thầy, gọi là thế nào nhỉ… là đang đê mê sung sướng”.

“Cậu có hoàn toàn chắc chắn về điều đó không Townsend?”

“Thưa thầy, chắc chắn ạ”.

“Tại sao lại chắc ?”

“Bởi vì… bởi vì em cũng đã trải qua điều đó với con gái thầy cách đó đúng hai tuần”.

“Trong sân vận động?” Hiệu trưởng lắp bắp hỏi, vẻ không tin.

“Không, thưa thầy ! Em xin thú thật là ở trong nhà thể thao. Em có cảm giác con gái thầy thích nhà thể thao hơn là sân vận động. Cô bé thường bảo nằm trên đệm cao su thoải mái hơn là nằm trên những cái đệm gối trong phòng thay đồ”. Ông hiệu trưởng không thốt được lời nào.

“Cám ơn cậu đã rất thẳng thắn, Townsend”, ông ta gượng nói.

“Không có gì, thưa thầy. Thầy còn cần gì không ạ?”.

“Không, lúc này thì không, Townsend”. Keith xoay người định đi. “Tuy nhiên, tôi sẽ rất biết ơn nếu cậu giữ kín những chuyện này”.

“Tất nhiên, thưa thầy”, Keith nói, xoay nguời lại nhìn ông ta. Ông ta đỏ mặt. “Thưa thầy! Em xin lỗi nếu đã làm thầy bối rối, nhưng vì trong buổi lễ nguyện chủ nhật vừa rồi, thầy đã căn dặn bất luận ở hoàn cảnh nào trong cuộc sống, mọi người hãy luôn ghi nhớ câu của George Washington (1) : “Ta không được phép nói dối””.

Mấy tuần tiếp theo, không ai nhìn thấy Penny. Khi được hỏi. ông hiệu trưởng chỉ nói cô ta cùng mẹ đang thăm bà bác ở New Zealand.

Keith nhanh chóng gạt vấn đề của ông hiệu trưởng sang bên và tập trung vào nỗi lo lắng của mình. Cậu vẫn chưa tìm được cách làm thế nào trả lại một trăm bảng thiếu hụt kia.

Một sáng, sau giờ cầu nguyện, Alexander Ducan gõ cửa phòng học của Keith.

“Tớ đến để cám ơn cậu”, cậu ta bảo . “Cậu thật là một thằng bạn tốt”, cậu ta nói thêm, kiểu cách hơn cả người Anh.

“Có gì đâu”, Keith nói đặc sệt kiểu Úc. “Nói đúng ra, tớ chỉ nói với ông ta sự thật”.

“Đúng quá”, cậu lớp trưởng bảo. “Dẫu sao tớ cũng nợ cậu nhiều đấy, anh bạn ạ. Dòng họ Alexander nhà tớ được cái nhớ dai”.

“Họ Townsend nhà tớ cũng vậy”, Keith nói, không nhìn lên.

“Trong tương lai, nếu tớ có thể giúp được gì thì đừng ngại cho tớ biết”.

“Hẳn rồi”, Keith hứa.

Ducan mở cửa, quay đầu lại nói thêm: “Townsend này! Tớ phải nói cậu cũng không đến nỗi đểu như mọi người đồn đại đâu”.

Khi cánh cửa khép lại, Keith đọc câu của Asquith mà cậu trích dẫn trong bài viết của mình: “Người hãy đợi đấy sẽ thấy”.

“Ông Clarke gọi điện thoại bảo anh đến phòng ông ấy”, một học sinh lớp dưới trực hành lang thông báo.

Càng gần kỳ cuối tháng, Keith càng sợ, thậm chí sợ cả việc bóc thư, hoặc tệ hại hơn là nhận được một cú điện thoại lạ. Cậu luôn nghĩ có người đã phát hiện ra. Mỗi ngày qua, cậu lại chờ trợ lý giám đổc ngân hàng tìm cậu, báo cho biết đã đến thời hạn cho thủ quỹ trường biết số tiền mới nhất có trong tài khoản.

“Nhưng em gây quỹ được hẳn bốn ngàn bảng mà”, cậu thường nhắc đi nhắc lại rất to câu đó.

“Vấn đề không phải là chỗ đó, Townsend”, cậu như nghe ông hiệu trưởng nói.

Cậu cố giữ vẻ bình thản để cậu bé kia không biết cậu đang lo đến mức nào. Khi ra tới hành lang, cậu có thể thấy cửa phòng thầy chủ nhiệm để ngỏ. Bước chân cậu chậm dần. Cậu vào phòng, ông đưa cho cậu ống nghe. Keith những mong thầy chủ nhiệm ra khỏi phòng, nhưng ông ta vẫn ngồi làm việc như cũ.

“Keith Townsend đây ạ”, cậu nói.

“Chào Keith. Mike Adams đây”.

Keith lập tức nhận ra tên của ông tổng biên tập tờ Sydney Morning Herald. Làm sao ông ta biết chuyện thụt két nhỉ?

“Cậu vẫn nghe đấy chứ?”, ông Adams hỏi.

“Vâng”, Keith trả lời. “Cháu có thể giúp gì chú?” Cậu mừng vì Adams không thấy cậu đang run bần bật.

“Chú vừa đọc số mới nhất của tờ St. Andy, đặc biệt là bài của cháu về việc Úc cần phải tuyên bố thành lập nước cộng hoà. Bài viết rất hay và chú muốn cho đăng lại toàn văn trên tờ Sydney Morning Herald, nếu chúng ta có thể thỏa thuận được số tiền nhuận bút”.

“Bài báo viết không phải để bán”, Keith nói thẳng thừng.

“Chú nghĩ có thể trả cho cháu bảy mươi lăm bảng”

“Cháu chỉ đồng ý nếu chú trả cho cháu….”.

“Trả cho cháu bao nhiêu?”

Tuần lễ trước khi dự thi tuyển vào Oxford, Keith trở về Toorak để cô Steadman phụ đạo thêm lần cuối. Họ cùng nhau ôn lại các câu hỏi, đọc các câu trả lời mẫu mà cô đã chuẩn bị. Cô chỉ không làm nổi có một việc: đó là giúp cho Keith cảm thấy thoải mái. Nhưng cậu không thể cho cô ta biết cậu căng thẳng không phải vì bài vở.

“Mẹ tin là con sẽ đậu”, bà nói một cách tin tưởng trong bữa sáng chủ nhật.

“Con cũng hy vọng thế”, Keith nói, biết chắc ngày hôm sau thì tờ Sydney Morning Herald sẽ đăng bài “Bình minh của nước Cộng hoà”. Nhưng đó cũng là buổi sáng cậu bắt đầu thi, vì vậy Keith chỉ hy vọng cha mẹ cậu hãy giữ lời khuyên ít nhất trong mười ngày tới và đến lúc đó có lẽ họ….

“Kể ra cũng khó đấy”, cha cậu nói, làm gián đoạn ý nghĩ của cậu. ” Bố tin là những lời nhận xét tốt của ông hiệu trưởng sau khi con đã hoàn thành xuất sắc việc quyên góp cho sân vận động của trường sẽ rất có ích cho con. À này ! Bố quên không nói là bà ngoại con, vì rất có ấn tượng với những cố gắng của con nên đã tặng vào tài khoản quyên góp của con một trăm bảng”.

Lần đầu tiên mẹ Keith nghe con trai chửi thề.

Đến sáng thứ Hai, Keith thấy mình đã sẵn sàng đối mặt với giám khảo, và mười ngày sau, khi làm xong bài viết cuối cùng, cậu có ấn tượng sâu sắc là cô Steadman quả là đã “đoán” trước được biết bao câu hỏi. Cậu biết mình đã làm tốt bài Lịch sử và Địa lý, chỉ còn hy vọng ban giám hiệu trường Oxford không quá nhấn mạnh điểm thi môn Văn học cổ điển.

Cậu gọi điện cho mẹ để thông báo mình đã làm tốt các bài thi, và nếu cậu không được nhận vào Oxford thì chỉ có thể phàn nàn là đã không may mắn với các câu hỏi mà thôi.

“Mẹ có phàn nàn gì đâu”, mẹ cậu đáp ngay. “Nhưng mẹ có một lời khuyên, Keith ạ. Cố tránh mặt cha con một vài hôm nữa”.

Rõ ràng sau khi thi phải chờ đợi kết quả khá lâu. Trong thời gian chờ đợi, Keith dành thời gian quyên góp nốt cho sân vận động vài trăm bảng cuối cùng. Đôi lúc cậu ra trường đua đánh cược bằng tiền riêng của mình, một tối với vợ một nhà ngân hàng để cuối cùng bà này bỏ vào quỹ năm mươi bảng.

Vào thứ Hai cuối cùng của học kỳ, trong buổi họp hàng tuần, ông Jessop thông báo cho các giáo viên và nhân viên rằng trường Thánh Andrew tiếp tục truyền thống lớn lao của mình là gửi những học sinh giỏi nhất vào học tại Oxford và Cambridge, để giữ được mối liên hệ với hai trường đại học lớn. Ông đọc tên những người trúng tuyển:

Alexander, D.T.L.

Tomkins, C.

Townsend, K.R.

“Một thằng khốn nạn, một thằng mọt sách và một ngôi sao, nhưng không nhất thiết theo đúng thứ tự ấy”, ông hiệu trưởng lẩm bẩm.

(1) George Washington: Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ

Phần II: Có lợi cho Victor

Bình luận