Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ruồi Trâu

Chương 23

Tác giả: Ethel L.Voynich

Suốt một tuần lễ liền, Ruồi Trâu đã mê man vật vã với một cơn đau dữ dội. Thế mà viên Giám binh đã trở nên hung hãn hơn do sợ hãi và bối rối, chẳng những đã cho cùm cả chân tay anh lại, còn đã đòi bằng được việc dùng dây da cột chặt anh vào giường sắt. Dây da siết căng đến nỗi cứ hơi động đậy là cứa vào da thịt. Cho tới tận chiều ngày thứ sáu, Ruồi Trâu vẫn cắn răng chịu đựng với tinh thần quyết tâm khắc khổ và ngoan cường. Nhưng rồi ý chí kiêu hãnh của anh cũng đã nhụt xuống và anh đành nuốt nước mắt xin người y sĩ nhà tù cho một liều thuốc phiện. Người y sĩ rất muốn cho ngay. Nhưng viên Giám binh nghe được tin thì lập tức cấm ngặt “mọi sự dại dột tương tự”. Ông ta bảo:

– Ông biết hắn xin thuốc phiện để làm gì? Hắn là chúa giả vờ, bây giờ hắn định đánh thuốc mê lính canh hoặc lại định giở trò quái quỷ gì đấy. Ri-va-ret là thằng tinh ranh ghê gớm lắm.

Người y sĩ cố nhịn cười, đáp:

– Tôi chỉ cho một liều nhỏ thôi, không đủ đánh thuốc mê lính canh được đâu. Còn chuyện giả vờ thì cũng không đáng sợ lắm. Xem chừng anh ta sắp chết đến nơi rồi.

– Dù sao, tôi cũng không cho phép ai được cho hắn uống thuốc phiện. Nếu muốn ưa nhẹ thì hắn phải biết điều mới được chứ. Hắn hoàn toàn đáng phải chịu một chế độ kỷ luật nghiêm khắc một chút. Đó là một bài học dạy cho hắn chớ chơi trò bịp bợm về chấn song xà lim một lần nữa.

Người y sĩ đánh bạo nói:

– Nhưng pháp luật không cho phép tra tấn, mà ông đang đi mấp mé đến chỗ đó một cách rất nguy hiểm rồi đấy.

Viên Giám binh đốp lại:

– Theo tôi, pháp luật không hề nói gì tới thuốc phiện cả.

– Cái đó tuỳ ông quyết định thôi, thưa đại tá. Nhưng tôi mong thế nào ông cũng nên cởi bỏ dây da cho tù nhân. Trói như thế chỉ làm cho người ta thêm đau đớn một cách không cần thiết. Bây giờ không lo Ri-va-ret chạy trốn được nữa rồi. Dù có thả ra anh ta đứng cũng không vững nữa rồi.

– Ông bạn thân mến của tôi ơi, ông nên nhớ rằng đốc tờ cũng vẫn có thể lầm lẫn như mọi người đời. Tôi đã cho trói hắn an toàn rồi thì cứ để mặc cho hắn bị trói.

– Vậy, chí ít ông cũng phải cho nới dây ra một chút. Trói căng như thế thì dã man quá.

– Trói thế nào thì cứ để nguyên xi như thế. Và tôi xin ông đừng nói chuyện dã man hay không dã man với tôi nưã. Nếu tôi đã làm là tôi có đủ lý do.

Cứ như thế đêm thứ bảy trôi qua mà không có một sự nới lỏng nào. Suốt đêm nghe tiếng rên xiết như xé lòng người của Ruồi Trâu, người lính gác đứng ngoài cửa xà lim phát rùng mình, chốc chốc lại phải làm dấu thánh giá. Cuối cùng Ruồi Trâu đã không chịu đựng nổi nữa rồi.

Sáu giờ sáng, trước khi đổi gác, người lính khẽ mở khoá cửa bước vào xà lim. Anh ta biết như thế là phạm kỷ luật rất nặng, nhưng nếu trước khi đi không thân tình an ủi Ruồi Trâu lấy một câu thì anh không đành lòng.

Anh thấy Ruồi Trâu nằm im không động đậy, mắt nhắm nghiền, mồm há hốc. Anh đứng im lặng một lúc rồi cúi xuống hỏi:

– Thưa ông, ông có cần tôi giúp gì không? Tôi chỉ ở đây được một phút thôi.

Ruồi Trâu mở mắt và rên rỉ:

– Anh cứ mặc tôi, anh cứ mặc tôi…

Người lính chưa kịp quay ra thì Ruồi Trâu đã thiếp đi.

Mười ngày sau, viên Giám binh lại đến lâu đài xin yết kiến, nhưng người ta cho biết Hồng y giáo chủ đi thăm người ốm ở Piêvê Đốttavô (1) đến chiều mới về. Tối hôm ấy, mới ngồi vào bàn ăn thì ông ta được đầy tớ vào báo:

– Đức Hồng y muốn nói chuyện với ông.

Viên Giám binh vội soi gương thấy sắc phục đã chỉnh tề bèn lên mặt rất oai nghiêm mà bước vào phòng khách. Mông-ta-ne-li đang ngồi, trầm ngâm nhìn ra cửa sổ, ngón tay khẽ gõ vào tay ghế, đôi hàng lông mày nhíu lại hằn xuống thành một vết giữa trán, lộ vẻ lo âu.

Mông-ta-ne-li cắt ngang những lời khách sáo của viên Giám binh bằng một giọng có chút uy nghi mà người ta chưa từng thấy ông mang vẻ đó khi nói với con dân.

– Nghe nói sáng nay ông đến gặp tôi. Và có lẽ ông đến cũng là vì câu chuyện mà bây giờ tôi muốn nói với ông.

– Thưa Đức Hồng y, sáng nay tôi đến để trình về việc Ri-va-ret.

– Tôi cũng đoán thế. Mấy ngày qua tôi cũng đã suy nghĩ nhiều về việc này. Nhưng trước khi bàn việc chính, tôi muốn biết ông có điều gì mới định nói với tôi.

Viên Giám binh lúng túng giật ria mép:

– Thưa Đức Hồng y, chính tôi cũng đến để định lĩnh ý ngài về việc đó. Nếu ngài vẫn phản đối chủ trương tôi định tiến hành, thì tôi chân thành cảm ơn nếu ngài dạy bảo cho bây giờ phải làm gì. Thật lòng tôi chẳng biết nên làm thế nào cả.

– Có tình hình gì rắc rối hay sao?

– Thứ năm sau, mùng ba tháng sáu, là lễ Viếng Mình Thánh. Dù thế nào cũng phải giải quyết vấn đề bằng cách này hay cách khác trước ngày đó.

– Phải, thứ năm đúng là lễ Viếng Mình Thánh. Nhưng tại sao lại phải đặc biệt giải quyết trước ngày đó?

– Thưa Đức Hồng y, tôi rất lấy làm tiếc nếu có vẻ gì như tôi đã làm trái ý ngài, nhưng nếu chưa trừ khử được Ri-va-ret trước ngày hôm đó thì tôi không thể gánh chịu trách nhiệm về sự yên bình của thành phố được. Chắc ngài đã biết, ngày hôm đó những phần tử nguy hiểm nhất của sơn dân sẽ tập trung trong thành phố này. Rất có thể họ sẽ phá bung các cửa vào pháo đài mà đánh tháo cho Ri-va-ret. Nhưng nhất định họ sẽ thất bại, tôi sẽ không để cho họ làm như thế đâu. Ít nhất tôi sẽ dùng súng đạn quét sạch họ ngay trước cửa pháo đài. Nhưng thể nào họ cũng sẽ chơi ta một vố trong ngày hôm ấy. Dân Rômanha này tính khí ngổ ngáo lắm, khi họ đã rút dao ra thì…

– Tôi thiết nghĩ chỉ cần chú ý một tí là ta có thể ngăn chặn không để tình hình đi đến chỗ đổ máu. Tôi vẫn luôn thấy rằng dân ở đây rất dễ bảo. Chỉ cốt đối xử với họ cho hợp tình hợp lý là được. Doạ dẫm và cưỡng bức dân Rômanha sẽ không đem lại kết quả gì, mà còn làm cho họ ương bướng hơn. Nhưng tại sao ông lại nghĩ rằng đang có âm mưu đánh tháo cho Ri-va-ret một lần nữa?

– Ngày hôm qua và sáng nay, các thám tử mật vụ đã báo cho tôi biết, trong toàn vùng hiện có rất nhiều tin đồn cho thấy chắc chắn là dân chúng đang chuẩn bị gây ra tai hoạ gì đó. Nhưng chúng tôi chưa biết được đích xác, nếu biết thì đã dễ có biện pháp đề phòng. Còn về phần tôi, từ sau khi Ri-va-ret suýt trốn thoát, tôi nghiêng về phía càng phải sao cho an toàn hơn. Với con cáo quỷ quyệt như Ri-va-ret không thể có cái gì gọi là quá cẩn thận được.

– Gần đây tôi nghe nói là Ri-va-ret ốm nặng, không nói năng, không đi lại được. Vậy bây giờ anh ta khỏi rồi sao?

– Thưa Đức Hồng y, bây giờ hắn khá hơn trước nhiều rồi. Trước hắn ốm nặng lắm… nếu không phải là giả vờ.

– Ông có lý do gì để dự tính khả năng đó?

– Thưa Đức Hồng y, y sĩ tin chắc không phải hắn giả vờ, nhưng bệnh tật của hắn hết sức bí hiểm. Dù sao chăng nữa, hắn đã khoẻ lại và đang càng trở nên bất trị hơn bao giờ hết.

– Thế hắn đã làm những gì?

Nhớ tới việc trói bằng dây da, viên Giám binh mỉm cười đáp:

– May thay, hắn chưa làm được gì lắm cả. Nhưng thái độ hắn có một cái gì rất khó tả. Sáng hôm qua tôi có vào buồng giam hỏi hắn mấy câu. Hắn chưa khoẻ lắm nên không gọi lên thẩm vấn được. Và chính vì thế lại càng hay, vì chừng nào hắn chưa khoẻ hẳn thì tôi thấy tốt hơn là ngăn chặn nguy cơ không để cho dân chúng trông thấy hắn. Nếu không làm như thế thì bao nhiêu chuyện tưởng là phi lý đều có thể diễn ra được hết.

– Vậy ông đã đến hỏi cung anh ta rồi sao?

– Thưa Đức Hồng y, vâng. Và tôi hy vọng rằng bây giờ hắn đã biết điều hơn một chút.

Mông-ta-ne-li xét nét ngắm nhìn viên Giám binh như đang cứu xét một giống thú kỳ dị, đáng ghét nào vậy. Nhưng may thay viên Giám binh đang cúi xuống sửa đai đeo kiếm nên không nhìn thấy. Y bình thản nói tiếp:

– Tôi không dùng biện pháp gì đặc biệt khắc nghiệt đối với hắn cả, nhưng tôi vẫn phải nghiêm ngặt hơn, vì đây là nhà tù quân sự. Và tôi cũng nghĩ rằng nếu bây giờ tỏ ra khoan dung một chút thì chắc có kết quả tốt. Tôi bảo hắn rằng nếu chịu biết điều thì tôi sẽ nới lỏng kỷ luật nhiều hơn. Nhưng, thưa Đức Hồng y, ngài có biết hắn trả lời tôi như thế nào không? Hắn nhìn tôi một lát y như con chó sói trong cũi sắt rồi trả lời khá nhẹ nhàng rằng: “Đại tá, tôi không đứng dậy bóp cổ ông được, nhưng răng tôi khá chắc đấy. Ông hãy để cái cổ họng của ông ra xa một chút!” Hắn hung dữ như một con mèo rừng vậy.

Mông-ta-ne-li bình tĩnh trả lời:

– Tôi thấy cái đó chẳng có gì là lạ cả. Nhưng tôi đến đây là để hỏi ông một điều. Ông thành thực tin rằng nếu cứ giam Ri-va-ret trong nhà tù ở đây thì sẽ rất nguy hại cho sự bình yên của địa phương này chứ?

– Thưa Đức Hồng y, tôi hoàn toàn tin chắc như vậy.

– Ông nghĩ rằng muốn ngăn ngừa nguy cơ đổ máu thì nhất thiết phải dùng cách này hay cách khác để trừ khử anh ta trước ngày lễ Viếng Mình Thánh có phải không?

– Tôi chỉ có thể nhắc lại rằng nếu đến thứ năm hắn còn ở đây, thì lễ hội sẽ không sao tránh khỏi có đụng độ và có lẽ đụng độ kịch liệt nữa là khác.

– Và ông nghĩ rằng nếu anh ta không có đây thì sẽ không còn nguy cơ đó nữa chứ?

– Vâng, thì hoặc là sẽ không có rối loạn nữa, hoặc… có chăng thì cũng chỉ là hò hét và ném đá đôi chút thôi. Nếu Đức Hồng y có cách nào trừ khử được Ri-va-ret thì tôi xin đảm bảo giữ được bình yên. Nếu không sẽ lôi thôi to. Tôi tin chắc họ đang âm mưu cứu thoát Ri-va-ret một lần nữa và rất có thể là vào thứ năm sắp tới. Bây giờ giả dụ đúng vào sáng hôm ấy bọn họ đột nhiên phát hiện Ri-va-ret không còn ở trong pháo đài nữa, thì tự khắc kế hoạch của họ sẽ không thành và họ cũng sẽ không có cớ để gây ra đụng độ nữa. Nhưng nếu đợi đến lúc họ ùa tới rồi mới phản kích và để cho hàng đàn lũ dân chúng rút dao ra đâm chém, thì e rằng trước khi trời tối thành phố này sẽ bị đốt thành bình địa mất.

– Vậy tại sao ông không cho giải anh ta đi Ravena?

– Trời ơi, thưa Đức Hồng y, nếu làm được thế thì tôi xin đội ơn mà làm ngay. Nhưng làm sao tôi ngăn được bọn họ đánh tháo hắn ngay giữa đường? Dân miền núi tên nào cũng có dao và súng kíp, hoặc vài thứ vũ khí gì đó, nếu họ dùng vũ khí tấn công thì tôi không sao đủ lính để đánh lại được.

– Như vậy là ông vẫn một mực đòi lập toà án binh và ông muốn tôi đồng ý.

– Xin Đức Hồng y tha lỗi, điều duy nhất tôi yêu cầu ngài là giúp tôi phòng ngừa rối loạn và đổ máu. Tôi sẵn sàng thừa nhận rằng đôi khi lập ra các hội đồng quân sự như kiểu của đại tá Freddi là quá khắc nghiệt và không cần thiết, sẽ chỉ làm cho dân chúng nổi giận chứ không thu phục được họ. Nhưng trong trường hợp này, toà án binh sẽ là một biện pháp sáng suốt và về lâu dài còn là nhân từ nữa. Nó sẽ ngăn chặn được bạo loạn, mà bản thân bạo loạn nếu nó xảy ra sẽ là một tai hoạ khủng khiếp và rất có thể còn dẫn đến việc lập lại những hội đồng quân sự mà trước đây Đức Thánh Cha đã huỷ bỏ.

Viên Giám binh kết thúc bài diễn văn ngắn ấy một cách rất long trọng và chờ Hồng y giáo chủ trả lời. Hắn đã phải chờ lâu, và câu trả lời lại là điều hắn không mong chờ, khiến hắn phải sửng sốt.

– Đại tá Pherari, ông có tin Đức Chúa Trời không?

– Thân lạy Đức Hồng y! – Viên đại tá há hốc mồm, giọng hắn ta đầy kinh ngạc.

– Ông có tin Đức Chúa Trời không?

Mông-ta-ne-li nhắc lại và đứng dậy trừng trừng nhìn hắn với cặp mắt nghiêm nghị và thử thách.

Viên đại tá cũng đứng dậy.

– Thưa Đức Hồng y, tôi là một tín đồ Kitô giáo, và cho đến nay tôi chưa bao giờ bị rút phép giải tội (1).

Mông-ta-ne-li nâng chiếc thánh giá ở trước ngực mình lên:

– Vậy trước thánh giá của Đấng Cứu chuộc (2) đã vì ông mà chịu chết, ông hãy thề là đang nói thật cùng tôi.

Viên đại tá đứng trơ như pho tượng, hoang mang nhìn trừng trừng vào cây thánh giá, phân vân không hiểu mình phát điên hay Hồng y giáo chủ phát điên?

Mông-ta-ne-li nói tiếp:

– Ông đã yêu cầu tôi chấp thuận cái chết của một con người. Nếu ông thật lòng thì ông hãy cúi hôn thánh giá mà nói cùng tôi, rằng ông tin là không còn cách nào khác để ngăn ngừa một cuộc đổ máu to lớn hơn. Và ông hãy nhớ rằng, nếu ông nói dối thì ông sẽ làm cho linh hồn bất tử của ông bị lâm nguy.

Sau một thoáng im lặng viên Giám binh cúi xuống, đưa thánh giá lên môi.

Hắn nói:

– Tôi tin thế.

Mông-ta-ne-li từ từ quay gót.

– Mai tôi sẽ trả lời ông dứt khoát. Nhưng trước hết tôi phải gặp Ri-va-ret, một mình nói chuyện với anh ta.

– Thưa Đức Hồng y… nếu được phép trình ngài thì tôi nói tôi tin chắc rằng ngài sẽ hối tiếc về việc đó. Ngày hôm qua chính Ri-va-ret cũng đã nhắn lời lính canh xin tôi cho hắn được gặp Đức Hồng y nhưng tôi làm ngơ, vì rằng…

Mông-ta-ne-li đai lời:

– Làm ngơ! Một con người đến bước đường cùng, nhắn lời cùng ông mà ông lại làm ngơ!

– Đức Hồng y xá lỗi, chỉ vì tôi không dám để ngài phải bận tâm về thái độ hoàn toàn chỉ là xấc xược của hắn đấy thôi. Tôi thừa hiểu Ri-va-ret và tin chắc rằng hắn chỉ muốn sỉ nhục ngài. Cũng xin ngài cho tôi nói thêm, là néu một mình lại gần hắn sẽ là cực kỳ khinh suất. Hắn thực sự nguy hiểm, chính vì thế tôi đã phải áp dụng một vài biện pháp kiềm chế về thể chất thuộc loại nhẹ nhàng với hắn…

– Có thật ông cho rằng một người ốm, tay không vũ khí, lại còn bị kiềm chế về thể chất khá nhẹ nhàng, mà hoá ra lại nguy hiểm hơn trước không?

Mông-ta-ne-li nói một cách khá ôn tồn, nhưng viên đại tá cảm thấy ngay ý khinh bỉ sâu cay trong lời của ông ta và hắn tức đỏ mặt.

– Đức Hồng y thấy cần làm gì thì xin ngài cứ làm. Tôi chỉ mong sao ngài khỏi đau khổ khi phải nghe những lời báng bổ tệ hại của tên đó thôi.

– Theo ông thì nỗi bất hạnh nào đau khổ hơn cho người Kitô giáo? Nghe những lời báng bổ hay bỏ mặc người ta trong cơn hoạn nạn?

Viên Giám binh đứng ngay đơ, bộ mặt quan chức của hắn trơ như mặt tượng gỗ. Hắn rất cay cú về cách đối xử của Mông-ta-ne-li và hắn tỏ vẻ đặc biệt lễ phép để biểu lộ sự bất mãn của mình. Hắn hỏi:

– Thưa Đức Hồng y, ngài định đến thăm tù nhân vào lúc nào?

– Tôi đến chỗ anh ta ngay bây giờ.

– Xin tuỳ ý Đức Hồng y. Nhưng xin ngài vui lòng chờ cho một chút để tôi phái người đến chuẩn bị cho hắn.

Viên Giám binh đành phải xuống nước, từ bệ cao của quan chức tụt xuống cho nhanh. Hắn không muốn để Mông-ta-ne-li trông thấy cảnh đã dùng dây da để trói phạm nhân.

– Cám ơn ông. Tôi muốn xem hiện tình hắn ra sao, không có gì phải chuẩn bị cả. Tôi sẽ đi thẳng đến pháo đài. Chào đại tá. Sáng mai ông sẽ nhận được sự phúc đáp của tôi.

— ——–.

(1) Absolution (tiếng Anh): Cũng là sự tha tội, sự xá giải.

(2) Redeemer (tiếng Anh): Cũng là Đấng Chuộc tội, tức Chúa Kitô.

Bình luận