Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ruồi Trâu

Chương 24

Tác giả: Ethel L.Voynich

Nghe tiếng mở khoá cửa xà lim, Ruồi Trâu uể oải quay mặt nhìn đi nơi khác với vẻ dửng dưng. Anh yên trí rằng lại chỉ là tên Giám binh đến quấy rầy anh bằng một cuộc hỏi cung. Nhưng có tiếng chân nhiều tên lính bước lên cầu thang nhỏ hẹp, tiếng báng súng lách cách đập vào tường.

Đoạn có tiếng kính cẩn nói:

– Thưa Đức Hồng y, bậc thang dốc lắm đấy ạ.

Ruồi Trâu giật bắn người, nhưng dây da càng siết chặt khiến anh đau điếng phải co người lại, thở hổn hển.

Mông-ta-ne-li bước vào xà lim cùng với một viên đội và ba người lính gác.

Viên đội có vẻ căng thẳng thần kinh, bẩm:

– Xin Đức Hồng y vui lòng chờ một chút, con đã cho người đi lấy ghế. Xin Đức Hồng y tha lỗi. Nếu chúng con được biết trước để nghênh tiếp ngài thì chúng con đã chuẩn bị tề chỉnh từ lâu.

– Không cần chuẩn bị gì cả. Ông đội hãy làm ơn để chúng tôi nói chuyện riêng một lát. Ông cùng với lính của ông đợi tôi ở dưới chân cầu thang chứ?

– Bẩm vâng… thưa Đức Hồng y, ghế đây ạ. ngài cho phép đặt ghế cạnh ông ta chứ?

Ruồi Trâu nằm, mắt nhắm nghiền, nhưng anh vẫn cảm thấy Mông-ta-ne-li đang nhìn mình.

Viên đội nói:

– Thưa Đức Hồng y, có lẽ ông ta ngủ.

Nhưng Ruồi Trâu đã mở mắt, nói:

– Không đâu.

Toán lính đang bước ra cửa xà lim, bỗng nghe Mông-ta-ne-li kêu rú lên, họ bèn dừng bước và quay lại thì thấy ông ta đang cúi nhìn những vòng dây da trói quanh mình Ruồi Trâu.

Ông hỏi:

– Ai làm chuyện này?

Viên đội vò chiếc mũ lính:

– Thưa Đức Hồng y, đó là do lệnh khẩn cấp của ngài Giám binh.

Mông-ta-ne-li phân trần, tỏ vẻ rất đau lòng:

– Ông Ri-va-ret, chuyện này tôi không hề biết gì cả.

Ruồi Trâu mỉm cười chua chát:

– Tôi đã từng nói với ngài rằng không… không bao giờ tôi mong chờ người ta xoa đầu mình.

– Ông đội, lệnh ra từ lúc nào?

– Thưa Đức Hồng y, từ sau hôm ông ấy định trốn.

– Nghĩa là cách đây hơn hai tuần lễ ư? Mang dao đến đây, cắt ngay dây ra.

– Xin Đức Hồng y tha lỗi, ông y sĩ đã định cởi trói nhưng đại tá Pherari không cho.

– Mang ngay dao đến đây.

Mông-ta-ne-li không cất cao giọng, nhưng những người lính thấy mặt ông tái đi vì giận dữ. Viên đội rút dao díp ra khỏi túi quần và cúi xuống cắt dây trói tay Ruồi Trâu. Nhưng không phải là người khéo tay, anh ta lóng ngóng làm cho dây càng siết chặt hơn, khiến Ruồi Trâu rùng mình, không nén nổi đau đơớ, cắn chặt lấy môi.

Mông-ta-ne-li bước ngay lại:

– Ông không biết làm, đưa dao đây tôi.

– A… a… a!

Ruồi Trâu duỗi hai tay, trút một hơi thở dài sung sướng khi đoạn dây da rơi xuống.

Một lát sau Mông-ta-ne-li đã cắt xong cả dây trói chân.

– Ông đội, hãy tháo nốt cả cùm cho ông ta rồi lại đây tôi bảo.

Mông-ta-ne-li đứng bên cửa sổ, theo dõi cho tới khi viên đội ném những chiếc cùm xuống sàn, rồi tiến lại gần anh ta, ông bảo:

– Ông thuật lại cho tôi nghe mọi việc xảy ra trong thời gian qua.

Viên đội sốt sắng kể lại tất cả những chuyện mà anh ta biết, nào là chuyện Ruồi Trâu ốm, chuyện viên đại tá dùng những “biện pháp xử lý kỷ luật” đối với Ruồi Trâu và chuyện viên y sĩ đã can thiệp nhưng không hiệu quả.

Rồi anh ta nói thêm:

– Nhưng thưa Đức Hồng y, theo con thì đại tá cố tình không ra lệnh cởi trói là để lấy khẩu cung.

– Khẩu cung?

– Thưa Đức Hồng y, vâng. Hôm kia con nghe đại tá nói nếu ông đây muốn được cởi trói thì – viên đội liếc mắt nhìn Ruồi Trâu – phải trả lời một câu hỏi của đại tá.

Bàn tay Mông-ta-ne-li tì trên bậu cửa sổ bỗng nắm chặt lại. Toán lính đưa mắt nhìn nhau, vì chưa bao giờ họ thấy Đức Hồng y điềm đạm này nổi giận cả.

Còn Ruồi Trâu lúc bấy giờ, anh không hề để ý tới họ. Anh quên hết cả họ và cả mọi sự trên đời này, trừ cảm giác được tự do về thân thể. Bị tù túng lâu nay cả tứ chi, giờ đây anh khoan khoái vươn mình và vùng vẫy, sau những ngày chân tay bị tê dại.

Hồng y giáo chủ nói:

– Ông đội, bây giờ ông ra được rồi. Ông chớ sợ phạm kỷ luật, vì ông có trách nhiệm phải trả lời tôi. Ông nhớ trông cho cẩn thận, đừng để cho ai quấy rầy chúng tôi. Nói chuyện xong tôi sẽ ra.

Khi toán lính đã lui, cửa đã đóng lại, Mông-ta-ne-li đứng tựa khuỷu tay vào bậu cửa sổ nhìn mặt trời đang lặn trong giây lát và để đợi cho Ruồi Trâu hít thở không khí thêm ít phút. Sau đó, ông rời cửa sổ, ngồi xuống cạnh giường mà nói:

– Tôi được biết ông muốn nói chuyện riêng với tôi. Nếu ông thấy dễ chịu đôi chút để có thể nói điều ông cần nói với tôi, thì tôi xin sẵn sàng hầu chuyện ông.

Giọng nói của Mông-ta-ne-li rất lạnh lùng, cung cách của ông cứng nhắc và uy nghi khác hẳn bản tính tự nhiên của ông. Đối với ông, Ruồi Trâu khi chưa được cởi trói, chỉ là một sinh linh đang bị giày xéo và đoạ đày. Nhưng giờ đây Mông-ta-ne-li đã nhớ lại cuộc nói chuyện bữa trước và nhớ tới lời sỉ nhục thậm tệ đã khép lại cuộc nói chuyện hôm ấy.

Ruồi Trâu uể oải gối đầu lên một tay, ngước nhìn lên.

Anh vốn có những bộ điệu duyên dáng bẩm sinh. Khi mặt anh bị che khuất trong bóng tối thì người ta khó lòng đoán biết anh đã từng nếm trải bao nhiêu cực nhục. Nhưng giờ đây khi anh nhìn lên, quay mặt ra ánh chiều còn sáng sủa thì thấy mặt anh hốc hác và tái nhợt xiết bao, và thấy mấy ngày vừa qua đã để lại trên gương mặt ấy những vết tích khủng khiếp nhường nào. Cơn giận dữ của Mông-ta-ne-li bỗng dưng biến mất. Ông nói:

– Tôi e rằng ông ốm quá mất rồi. Tôi thành thực tiếc là tôi không được biết sớm tất cả cơ sự này. Nếu biết sớm tôi đã chặn lại từ trước.

Ruồi Trâu nhún vai, thản nhiên nói:

– Trong chiến tranh, cái gì mà chẳng là có lý. Đứng về lý thuyết, trên quan điểm đạo Cơ đốc, ngài phản đối lối trói bằng dây da, nhưng nếu mong chờ viên đại tá cũng có quan điểm như vậy thì vị tất đã là có lý? Hẳn là ông ta chẳng muốn nếm mùi dây da lên chính da thịt mình như… như tôi. Nhưng đó là vấn đề sở… sở thích cá nhân. Làm thế nào được? Tôi là kẻ đang bị chà đạp mà. Dù sao chăng nữa, Đức Hồng y đến thăm tôi là rất có nhã ý. Nhưng có lẽ ngài lại cũng đứng trên quan điểm đạo Cơ… Cơ đốc mà làm việc này! Thăm hỏi tù nhân mà! À phải, thế mà tôi quên khuấy đi mất. “Khi ngươi làm điều ấy cho một trong những kẻ hèn… kèn mọn nhất này” (1). Kể ra thì thăm hỏi cũng chưa thật đáng khen lắm, nhưng dù sao “kẻ hèn mọn nhất này” cũng vẫn phải đội ơn ngài.

Hồng y giáo chủ ngắt lời Ruồi Trâu:

– Ông Ri-va-ret, tôi đến đây là vì ông chứ không phải vì tôi. Nếu ông không phải là kẻ bị chà đạp như ông vừa nói, thì sau những lời ông nói bữa trước, tôi chẳng đến gặp ông một lần nữa làm gì. Tôi không thể từ chối được ông, vì ông có đặc quyền kép: vừa là người tù và lại vừa là người bệnh. Có thật ông muốn cho tôi biết điều gì không, hay là ông chỉ gọi thân già này đến để bỡn cợt và sỉ vả?

Không có tiếng trả lời. Ruồi Trâu đã nằm quay mặt đi, đưa một tay che mắt. Cuối cùng, giọng khàn khàn, anh nói:

– Xin lỗi làm phiền ngài… ngài làm ơn cho xin ngụm nước.

Trên cửa sổ có một bình nước. Mông-ta-ne-li đứng dậy mang bình nước đến. Khi cúi xuống luồn tay dưới lưng Ruồi Trâu để vực anh dậy, ông bỗng cảm thấy những ngón tay lạnh lẽo và nhớp nháp của Ruồi Trâu siết chặt lấy cổ tay mình như một chiếc kìm sắt.

Ruồi Trâu thều thào:

– Ngài cho tôi cầm tay… nhanh lên… chỉ một tí thôi. Ôi, đối với ngài có sao đâu! Chỉ một phút thôi!

Anh lả mình xuống, úp mặt vào tay Mông-ta-ne-li, toàn thân run rẩy.

Một lát sau, Mông-ta-ne-li nói:

– Uống chút nước đi.

Ruồi Trâu lặng lẽ nghe theo rồi lại nằm xuống giường nhắm mắt lại. Khi tay Mông-ta-ne-li sờ vào má anh, anh đã không thể hiểu được tâm trạng mình ra sao, chỉ biết rằng đó là giây phút kinh khủng nhất trong đời.

Mông-ta-ne-li kéo ghế lại sát giường rồi ngồi xuống.

Ruồi Trâu nằm bất động như một xác chết. Mặt anh tái nhợt, hốc hác. Sau một hồi lâu im lặng, anh mở mắt trừng trừng nhìn Hồng y giáo chủ với tia mắt của một con ma. Anh nói:

– Cảm ơn ngài. Tôi xin… xin lỗi… tôi nghĩ là ngài có hỏi tôi điều gì?

– Bây giờ chắc chưa tiện để ông nói chuyện được. Nếu ông có điều gì muốn nói với tôi, thì ngày mai tôi lại xin cố gắng đến.

– Không, xin Đức Hồng y đừng đi vội. Quả là tôi không sao đâu. Mấy… mấy ngày qua tôi hơi bị rối trí đấy thôi, mà có đến một nửa là rối trí vờ chứ không phải là rối trí thật, ngài cứ hỏi ông đại tá thì chắc chắn ông ta sẽ bảo như vậy.

Mông-ta-ne-li trầm tĩnh trả lời:

– Tôi vốn ưa tự kết luận lấy.

– Ông đại tá cũng… cũng thế thôi. Và, ngài biết không, đôi khi những kết luận của ông ta cũng khá sắc sảo. Trông mặt khó mà đoán được ông ta sắc sảo đến thế, nhưng thỉnh… thỉnh thoảng ông ta lại nảy ra những ý nghĩ rất độc đáo. Ví dụ như thứ sáu tuần trước, phải, tôi nhớ là thứ sáu đấy… trong những ngày cùng tháng tận này, tôi có hơi… hơi lẫn ngày đôi chút, nhưng không sao… hôm ấy tôi có xin một liều thuốc phiện… điều này tôi nhớ rõ lắm mà. Lúc ấy ông ta có vào đây tuyên bố rằng, nếu tôi cung khai kẻ nào mở… mở cửa sân cho tôi trốn thì ông ta mới… mới cho thuốc phiện. Tôi còn nhớ ông ấy bảo rằng: “Nếu thật là anh ốm anh đồng ý khai đi. Nếu anh không chịu khai thì chúng tôi sẽ xem đó là một chứng… chứng tỏ rõ anh giả vờ.” Cả đời tôi… tôi chưa bao giờ thấy có chuyện khôi hài đến thế. Thật là một câu… câu chuyện hết sức nực cười…

Và Ruồi Trâu phá lên cười, một trận cười nghe đến váng cả tai, chói cả óc. Rồi anh quay ngoắt lại nhìn Hồng y giáo chủ đang nín lặng, mà nói mỗi lúc một gấp gáp và nói lắp đến nỗi khó lòng mà nghe được:

– Ngài không… không thấy chuyện đó buồn cười sao? Dĩ… dĩ nhiên là không rồi. Đã là tín… tín đồ thì còn… còn có đâu tính hài hước nữa. Cái gì các ngài cũng cho là bi… bi kịch cả. Ví… ví dụ như tối hôm ở nhà… nhà thờ chính toà, trông ngài oai nghiêm ra trò. mà nhân thể cả… cả tôi nữa, trông tôi cũng phải vào vai rất tội nghiệp trong bộ quần áo khách hành hương! Vì thế tôi tin rằng chắc ngài cũng… cũng không thể thấy được cái gì là khôi… khôi hài trong việc ngài đến thăm tôi chiều nay…

Mông-ta-ne-li đứng dậy.

– Tôi đến cốt để nghe xem ông có gì cần nói không. Nhưng có lẽ ông còn đang quá xúc động chưa thể nói ra được. Tốt hơn là để y sĩ cho ông một liều thuốc an thần đã, để ông ngủ được một giấc rồi đến mai ta sẽ lại nói chuyện.

– Ngủ… ngủ à? Ồ, thưa Đức Hồng y, tôi sẽ… sẽ tha hồ được ngủ say khi nào ngài đồng ý với kế hoạch của ông đại tá. Một viên… viên chì, đó là liều thuốc an thần tuyệt… tuyệt vời.

Mông-ta-ne-li ngạc nhiên quay lại nhìn anh:

– Tôi không hiểu ông nói gì.

Ruồi Trâu lại phá lên cười:

– Thưa Đức Hồng y, thưa Đức Hồng y, thật thà là đức… đức tính quan trọng nhất của đạo Cơ đốc! Ngài… ngài tưởng tôi không… không biết rằng ông Giám… Giám binh nằng nặc đòi ngài đồng… đồng ý cho lập Toà án binh hay sao? Ngài nên đồng… đồng ý ngai đi thôi Đức Hồng y ạ, ở địa vị của ngài, bạn đồng giám chức (1) nào mà chẳng làm thế? Cosi fan tutti (2). Mà ngài lại làm được bao nhiêu chuyện phúc đức ấy chứ, chẳng… chẳng thiệt hại gì mấy đâu. Chuyện cỏn con ấy có đáng gì mà ngài phải mất… mất ngủ mấy đêm liền!

Mông-ta-ne-li ngắt lời:

– Xin ông ngừng cười cho một phút, và xin ông cho biết làm thế nào ông nghe được mọi chuyện đó? Ai nói với ông?

– Ông đại… đại tá chẳng đã trình với ngài rằng tôi là quỷ… quỷ sứ chứ không phải là người đó sao? Không ư? Vậy mà ông ta luôn mồm nói… nói với tôi điều đó! Phải, tôi đã là quỷ sức đến mức có đủ phép để nhìn thấu khá nhiều ý nghĩ của… của người khác. Thưa Đức Hồng y, ngài cho tôi là nguồn quấy nhiễu đáng ghét và ngài rất mong có một… một ai khác thu xếp cho việc xử lý tôi sao cho lương tâm nhạy… nhạy cảm của ngài khỏi bị cắn… cắn rứt. Tôi đoán khá đúng đấy chứ, thưa Đức Hồng y?

Mông-ta-ne-li lại ngồi xuống bên anh, nét mặt hết sức nghiêm nghị:

– Ông hãy nghe tôi. Mặc dù ông biết được điều đó bằng cách nào đi nữa, điều đó cũng là sự thật. Đại tá Pherari sợ rằng bạn bè ông lại đánh tháo cho ông một lần nữa, nên ông ta muốn ngăn chặn bằng… cách mà ông vừa nói. Ông xem, tôi rất thật bụng đối với ông…

Ruồi Trâu chêm ngay vào bằng một giọng chua chát:

– Đức… Đức Hồng y xưa nay vốn nổi tiếng thành… thành thật.

Mông-ta-ne-li nói tiếp:

– Chắc ông thừa hiểu là về mặt pháp lý tôi không có thẩm quyền gì về việc người đời… Tôi là giám mục (3) chứ không phải là đặc sứ của Giáo hoàng. Nhưng tôi có uy tín khá lớn trong địa phận này, nên nếu không được sự đồng ý của tôi, dù chỉ là sự đồng ý mặc nhiên, thì đại tá Pherari cũng chẳng dám dùng đến các biện pháp quyết liệt. Cho tới ngày hôm nay tôi vẫn hoàn toàn phản đối kế hoạch của ông ta. Bây giờ ông ta đang cố hết sức thuyết phục tôi đứng về phía ông ta. Ông ta lấy cớ rằng, thứ năm tuần tới giáo hữu đi rước đông đảo thì các bạn bè của ông có thể dùng bạo động vũ trang để cứu thoát ông và sẽ gây ra đổ máu. Ông có nghe tôi nói không đấy?

Ruồi Trâu đang lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Anh quay lại uể oải trả lời:

– Có, tôi vẫn nghe.

– Đêm nay chắc ông thật sự là đang còn mệt, không thể nói chuyện nhiều. Sáng mai tôi lại đến thì hơn. Vấn đề nghiêm trọng lắm, ông cần phải tập trung chú ý mới được.

Ruồi Trâu vẫn uể oải trả lời:

– Tôi muốn kết thúc câu chuyện ngay bây giờ. Mỗi lời ngài nói tôi vẫn nghe thấy hết.

Mông-ta-ne-li bèn nói tiếp:

– Thế cho nên, nếu quả vì ông mà xảy ra bạo loạn và đổ máu thì chính tôi sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn, vì tôi đã phản đối ông đại tá. Tôi cũng cho răng chí ít ông ta nói có phần đúng, mặt khác, tôi cảm thấy nỗi hiềm khích cá nhân của ông ta đối với ông đã làm cho ông ta không thể vô tư và đã khiến ông ta thổi phồng nguy cơ lên. Tôi cảm thấy tình hình rất có khả năng là như vậy, kể từ lúc tôi thấy sự tàn ác nhục nhã của ông ta – Mông-ta-ne-li đưa mắt nhìn đống dây da và cùm gông ngổn ngang trên sàn nhà – Nếu tôi đồng ý thì tức là tôi giết ông! Nếu tôi phản đối thì tôi sẽ đứng trước nguy cơ làm nguy hại tới tính mệnh của bao nhiêu người vô tội. Tôi đã tận tâm suy nghĩ về việc này, hết lòng tìm một lối thoát ra khỏi sự lựa chọn khủng khiếp đó. Và bây giờ tôi đã có một ý định rõ rệt.

– Ý định giết tôi để… để cứu bao nhiêu người vô tội chứ gì? Một người Cơ đốc nào cũng chỉ có thể đi đến quyết định như thế mà thôi. “Nếu tay phải của bay gây… gây nên tội cho bay… và v.v…” (1) Mà tôi cũng không được hân hạnh làm tay… tay phải của ngài, lại còn xúc phạm cả đến ngài nữa. Kết… kết luận đã rõ ràng rồi. Ngài không thể nói trắng ra như vậy hay sao mà phải giáo đầu dài dòng thế?

Ruồi Trâu uể oải nói với vẻ vừa thản nhiên vừa khinh bạc, dường như đã chán chường về toàn bộ câu chuyện này rồi.

Sau một phút im lặng, anh hỏi:

– Thế nào ạ? Có phải quyết định của Đức Hồng y là như thế không?

– Không.

Ruồi Trâu trở mình, gối đầu lên hai tay, mắt lim dim nhìn Mông-ta-ne-li. Hồng y giáo chủ ngồi, cúi gục đầu miên man suy nghĩ, ngón tay khẽ gõ vào tay ghế. Trời, đúng là cử chỉ xa xưa quen thuộc quá!

Cuối cùng, Mông-ta-ne-li ngẩng đầu nói:

– Tôi đã quyết định làm một việc mà có lẽ xưa nay chưa ai xử sự như tôi. Khi nghe nói ông muốn gặp, tôi lập tức quyết định đến ngay. Tôi đã nói cho ông biết hết mọi việc, như ông đã thấy, và đặt vấn đề vào tay ông.

– Vào… tay tôi?

– Ông Ri-va-ret, tôi đến đây thăm ông bình thường như người với người, chứ chẳng nhân danh là Hồng y giáo chủ, là giám mục, hoặc là quan toà. Tôi không hề hỏi xem ông có biết gì về một kế hoạch như ông đại tá đã nói. Tôi thừa hiểu rằng nếu ông có biết chăng nữa, thì đó vẫn là điều bí mật mà ông không thể bộc lộ với tôi. Nhưng xin ông hãy đứng vào địa vị tôi. Tôi già rồi, chắc chắn là chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôi muốn nằm xuống mồ với hai tay không vấy máu…

– Hai bàn tay ngài chưa hề vấy máu sao, thưa Đức Hồng y?

Gương mặt hơi biến sắc, nhưng Mông-ta-ne-li vẫn bình tĩnh nói tiếp:

– Tôi đã suốt đời chống lại các thủ đoạn đàn áp và sự tàn bạo ở bất cứ đâu, và bao giờ tôi cũng phản đối xử tử dưới bất kỳ hình thức nào. Thời Giáo hoàng trước đây, nhiều lần tôi kiên quyết chống các hội đồng quân sự nên đã bị mất lòng ưu ái của Đức Thánh Cha. Cho tới nay, bao giờ tôi cũng dùng uy tín và quyền lực của tôi vào việc từ thiện. Xin ông hãy tin tôi, chí ít ở chỗ là tôi đã nói thật. Bây giờ tôi bị đặt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tôi từ chối cách giải quyết của ông đại tá thì tôi sẽ đẩy thành phố vào nguy cơ bạo loạn cùng với mọi hậu quả của nó. Mà lại là để cứu lấy một người vẫn thành lăng mạ tôn giáo của tôi, vu cáo, bêu riếu và sỉ nhục cá nhân tôi (mặc dù điều này chỉ là một tiểu tiết không quan trọng lắm), và tôi tin chắc rằng nếu được sống sót thì người đó vẫn sẽ sử dụng cuộc đời mình vào mục đích xấu. Nhưng dù sao, đây vẫn là vấn đề cứu vớt tính mạng một con người.

Mông-ta-ne-li ngừng lời giây lát rồi nói:

– Ông Ri-va-ret, tất cả những hoạt động của ông mà tôi được biết, đều buộc tôi phải coi ông là một người xấu xa, độc ác và từ lâu tôi tin rằng ông là con người liều lĩnh, vừa thô bạo lại vừa tàn nhẫn. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn phần nào vướng vất ý nghĩ đó. Nhưng hai tuần qua tôi thấy ông là người dũng cảm và trung thành với đồng chí của mình. Ông cũng đã làm cho binh lính yêu mến và kính phục, điều đó không phải ai cũng làm được. Có lẽ tôi đã xét lầm ông và nhất định trong ông có một cái gì tốt hơn cái vẻ bề ngoài của ông. Tôi kêu gọi cái bản chất tốt đẹp ấy trong ông, và tôi trang nghiêm, trân trọng yêu cầu ông, với lương tâm mình, ông hãy thành thật cho tôi biết: ở vào địa vị tôi ông sẽ làm thế nào?

Im lặng hồi lâu. Rồi Ruồi Trâu ngước nhìn lên.

– Ít ra tôi cũng sẽ tự mình quyết định lấy những hành động của mình và gánh lấy mọi hậu quả. Tôi sẽ không hèn nhát theo kiểu Cơ đốc giáo, lén lút đến nhờ vả người khác giải quyết hộ vấn đề cho mình.

Ngọn đòn giáng xuống thật mãnh liệt và bất ngờ, và vẻ sôi nổi, phẫn nộ phi thường trái ngược hẳn với thái độ uể oải vừa rồi, khiến người ta có cảm tưởng rằng anh đã gỡ bỏ chiếc mặt nạ vẫn đeo trên mặt. Anh sôi sục nói tiếp:

– Những người vô thần chúng tôi cho rằng, đã mang gánh nặng trên vai thì dù có nặng đến đâu cũng cứ phải cố sức mà gánh, dù có gục xuống cũng mặc. Nhưng người Kitô giáo thì lúc ấy lại rên rỉ, đi cầu cứu Chúa Trời và các vị thánh của Chúa; hoặc là, nếu Chúa Trời và các thánh không giúp đỡ thì lại đi van xin đến cả các kẻ thù, miễn sao tìm được một cái lưng của người khác để trút gánh nặng của mình sang. Trong Kinh Thánh, trong sách kinh cầu nguyện (1) và cả trong bất cứ các sách thần học giả dối nào của các ngài còn thiếu quy tắc gì nữa mà ngài phải đến hỏi tôi làm thế nào? Trời đất ơi! Ngài ơi! Gánh nợ của tôi còn chưa đủ nặng hay sao mà ngài còn đi trút cả trách nhiệm của ngài sang hai vai tôi? Hãy quay về hỏi ông Giêsu của ngài đi, ông ấy đòi hỏi chi li đến từng đồng xu một ấy chứ, ngài cứ làm theo ông ấy là hơn (2). Sau hết, vì rằng kẻ vô thần này nó không thuộc mật khẩu (3) của các ngài, nên ngài cứ việc đem giết quách nó đi là xong tất cả thôi mà. Việc giết chóc này có phải là một tội lỗi lớn gì cho cam?

Ruồi Trâu nghẹn lời, lấy lại hơi thở, rồi lại bật ra:

– Ngài mà cũng còn nói đến tàn bạo nữa cơ đấy! Nhưng ngài nên biết rằng con lừa ngu… ngu ngốc ấy có thẩm vấn tôi đến một năm cũng không bằng ngài hành hạ tôi trong mấy phút. Nó có đầu mà có óc đâu. Nó chẳng nghĩ được gì hơn là siết dây da cho chặt, và khi dây đã chặt quá rồi thì nó chỉ ngồi bó tay. Việc đó kẻ ngu ngốc nào cũng làm được! Còn ngài thì: “Xin ông ký cho một chữ vào bản án tử hình của chính ông. Tim tôi mềm yếu lắm, tôi không dám làm.” Ôi, chỉ có người Cơ đốc giáo, một người Cơ đốc giáo hiền lành, đầy lòng trắc ẩn, trông thấy dây da siết chặt quá là tái mặt đi, thì mới nghĩ ra thủ đoạn như thế. Khi ngài bước chân tới đây, tôi trông ngài chẳng khác một vị thiên thần nhân từ, công phẫn vì “hành vi dã man” của ông đại tá, là tôi có thể hiểu được rằng bây giờ trò hay mới thực sự bắt đầu! Ngài cứ nhìn tôi mãi như thế làm gì? Dĩ nhiên rồi, ngài ơi, ngài cứ việc đồng ý đi rồi về nhà mà ăn bữa tối kẻo muộn. Chuyện cỏn con này chả đáng gì phải om xòm lên cả đâu. Ngài hãy về nói với tên đại tá của ngài rằng hắn có thể bắn tôi đi, treo cổ tôi len hoặc dùng bất kỳ cách nào tiện lợi nhất, kể cả rán sống tôi đi nữa, nếu hắn thấy cách ấy mua vui được cho hắn, và bảo hắn làm cho xong chuyện đi!

Khó mà nhận ra nổi Ruồi Trâu. Anh điên khùng và tuyệt vọng, thở hồng hộc, toàn thân run lên, mắt loé ra tia xanh lét như mắt mèo dữ.

Mông-ta-ne-li đứng dậy, lặng lẽ nhìn Ruồi Trâu. Ông không hiểu được dụng ý những lời trách móc điên cuồng của anh, nhưng ông rất hiểu chỉ có người nào đã cùng cực thì mới tuôn ra những lời gay gắt đến thế. Cho nên, bao nhiêu lời sỉ vả trước đó của Ruồi Trâu, ông đều tha thứ cả. Ông bảo:

– Thôi đi, ông. Tôi không muốn làm ông đau lòng thế đâu. Tôi cũng không có ý định trút gánh nặng lên lưng ông làm gì vì ông đã quá nặng gánh rồi. Tôi không chủ tâm làm vậy đối với bất kỳ một sinh linh nào…

Cặp mắt toé lửa, Ruồi Trâu hét:

– Nói dối! Thế còn chức giám mục thì sao?

– Chức giám mục nào?

– À! Thế ra ông quên rồi sao? Sao mà dễ quên thế! “Ác-tơ, nếu con muốn, cha sẽ nói rằng cha không thể đi được.” Mới mười chín tuổi đầu mà tôi đã phải quyết định cuộc đời ông thay ông rồi đấy! Câu chuyện ấy nếu không phải xấu xa đến thế, thì cũng là nực cười!

– Im đi!

Mông-ta-ne-li rú lên một tiếng tuyệt vọng và đưa cả hai tay lên ôm lấy đầu.

Rồi ông lại buông thõng tay xuống, từ từ bước ra phía cửa sổ. Đến cửa sổ, ông ngồi lên bậu cửa, bíu một tay vào chấn song, rồi áp trán vào cánh tay ấy.

Nằm run rẩy, Ruồi Trâu dõi nhìn theo.

Mông-ta-ne-li đứng xuống, quay lại chỗ Ruồi Trâu, đôi môi tái xám một màu tro. Nhưng ông cố gắng gượng một cách thảm hại để lấy lại vẻ bình tĩnh thường ngày.

– Xin ông tha lỗi. Tôi phải về thôi… tôi không được khoẻ.

Mông-ta-ne-li run lẩy bẩy như lên cơn sốt rét. Và cơn điên giận của Ruồi Trâu lập tức tiêu tan.

– Padre, lẽ nào cha vẫn không…

Mông-ta-ne-li giật nảy mình, lùi lại đứng lặng người. Cuối cùng, ông thều thào:

– Không phải thế đâu! Lạy Chúa tôi, sao cũng được miễn là không phải thế! Tôi phát điên lên mất…

Ruồi Trâu chống một tay nhổm dậy, còn một tay anh nắm lấy đôi tay run rẩy của Mông-ta-ne-li.

– Padre, con chưa chết đuối đâu, mà cha vẫn không sao hiểu ra được ư?

Đôi tay đang run rẩy bỗng lạnh toát và cứng đờ. Trong khoảnh khắc, mọi vật đều chết lặng. Rồi Mông-ta-ne-li quỳ gối, gục đầu vào ngực Ruồi Trâu.

*

* *

Khi Mông-ta-ne-li ngẩng đầu lên thì mặt trời đã lặn, ráng chiều đỏ dần tắt ở đằng tây. Họ đã lãng quên tất cả, quên cả thời gian và không gian, quên cả sự sống và cái chết, thậm chí quên rằng hai người là kẻ thù của nhau.

Mông-ta-ne-li thì thào:

– Ác-tơ, có thật là con đấy không?… Con đã từ cõi chết trở về với cha đấy ư?

Ruồi Trâu rùng mình nhắc lại:

– Từ cõi chết trở về…

Anh gục đầu vào vai Mông-ta-ne-li như một đứa bé ốm nằm trong lòng mẹ.

– Con về rồi… thế là con đã về rồi!

Ruồi Trâu nặng nhọc thở dài:

– Vâng, và bây giờ cha phải đấu tranh với con hoặc giết con.

– Im đi thôi, carino! Tất cả những chuyện đó bây giờ nói làm gì? Cha với con như những đứa trẻ lạc nhau trong bóng tối, lầm nhau là ma quỷ. Bây giờ chúng ta đã tìm được nhau và dắt nhau ra nơi sáng sủa. Con trai khốn khổ của cha, sao con khác đi đến thế, sao con khác đi đến thế. Trước kia con tràn đầy niềm vui của cuộc sống, mà nay trông con như đã từng bị vùi lấp dưới bể khổ của trần gian? Ác-tơ, con có thật là Ác-tơ đấy không? Cha luôn luôn nằm mơ thấy con đã trở về cùng cha, nhưng khi tỉnh lại thì cha thấy quanh cha chỉ toàn là âm thầm vắng vẻ. Vậy giờ đây phải chăng cơn mê ấy vẫn còn giày vò cha? Con hãy cho cha biết những điều đích xác và hãy kể cho cha biết mọi chuyện đã xảy ra thế nào!

– Có gì đâu, giản đơn lắm, cha ạ. Con đã trốn xuống một chiếc tàu buôn và đi lậu vé sang Nam Mỹ.

– Con làm gì bên ấy?

– Nếu cái đó có thể gọi là cuộc sống thì con đã sống ở bên đó… Ồ, và con đã được thấy nhiều điều mới lạ ở ngoài những cái chủng viện thần học mà cha thường dạy triết học cho con! Cha nói cha nằm mơ thấy con… vâng, con cũng nằm mơ thấy cha.

Ruồi Trâu nghẹn lời, rùng mình.

– Có một lần, hồi ấy con làm ở mỏ bên Êcuađor…

– Làm thợ mỏ ư?

– Không, chỉ là phụ việc cho thợ mỏ thôi, cũng là chân sai vặt như những người culi lao khổ khác. Con cùng ngủ với họ trong một lán trại ở ngay cửa hầm mỏ. Lúc ấy con cũng ốm yếu như vừa rồi, trời nắng như thiêu đốt mà hôm nào cũng phải khuân đá suốt cả ngày. Có một đêm, hình như con ngủ mê, vì con thấy cha mở cửa đi vào lán. Tay cha cầm một chiếc thánh giá như chiếc thánh giá treo trên tường này. Cha đang cầu nguyện và đi sát ngay bên cạnh con mà không ngoái lại. Con gọi to lên để xin cha giúp đỡ con, cho con một liều thuốc độc, một lưỡi dao, hoặc bất cứ một cái gì để chấm dứt những nỗi đau khổ của con trước khi con phát điên phát rồ. Thế mà cha… ôi…?

Ruồi Trâu một tay đưa lên che mắt, còn tay kia vẫn được siết chặt trong tay Mông-ta-ne-li:

– Nhìn mặt cha, con biết cha có nghe thấy tiếng con gọi, nhưng cha vẫn cứ tiếp tục cầu nguyện. Rồi đến khi cha cầu nguyện xong, con thấy cha hôn chiếc thánh giá, đưa mắt nhìn quanh mà nói khẽ: “Ác-tơ, cha rất thương con, nhưng cha không dám tỏ lòng thương, vì sợ Người sẽ nổi giận.” Và khi con nhìn lên Người, con thấy tượng gỗ đó cười. Thế rồi, khi con tỉnh dậy, con vẫn chỉ thấy khu lán trại với những người culi bị bệnh hủi, lúc ấy con mới vỡ lẽ. Con hiểu rằng cha chỉ cốt lấy lòng ông Chúa quỷ sứ của cha thôi chứ không thiết gì cứu con ra khỏi địa ngục nào cả. Từ đó con nhớ mãi. Và dù cho bây giờ, khi cha sờ vào người con thì con đã bỗng dưng quên bẵng đi. Đó… là vì… là vì con đang ốm, vả lại trước kia con đã có lúc rất yêu cha. Nhưng giờ đây giữa con và cha chẳng còn gì mà chỉ có chiến tranh, chiến tranh và chiến tranh. Cha còn nắm tay con làm gì? Cha có hiểu rằng chừng nào cha vẫn còn tin vào ông Giêsu của cha thì chúng ta chỉ có thể là những kẻ thù của nhau mà thôi không?

Mông-ta-ne-li cúi gục đầu, hôn vào bàn tay đầy thương tật của Ruồi Trâu:

– Ác-tơ, cha không tin Người sao được? Nếu suốt trong những năm hãi hùng ấy mà cha vẫn giữ được lòng tin và giờ đây khi Người đã cho con trở về với cha, thì cha còn hoài nghi Người sao được? Con nên nhớ rằng cha những tưởng chính tay cha đã giết con cơ đấy.

– Thì cha vẫn sẽ làm như thế đấy.

– Ác-tơ!

Trong tiếng kêu than đó có nỗi khủng khiếp thực sự. Nhưng Ruồi Trâu không để ý, vẫn nói tiếp:

– Dù sao đi nữa, cha con ta nên thật bụng với nhau cho tới cùng, không thể lấp lửng được. Giữa cha và con co một vực thẳm ngăn cách, không hy vọng gì nối tay nhau qua miệng vực thẳm được. Nếu cha quyết định rằng cha không thể hoặc không muốn từ bỏ cái kia – Ruồi Trâu liếc nhìn cây thánh giá treo trên tường – thì cha phải trả lời đồng ý với tên đại tá.

– Đồng ý! Lạy Chúa tôi… đồng ý? Ác-tơ, nhưng cha yêu con!

Mặt Ruồi Trâu quắt lại một cách đáng sợ.

– Cha yêu ai hơn? Cha yêu con hơn hay yêu cái kia hơn?

Mông-ta-ne-li từ từ đứng dậy. Kinh hoàng dường như đã làm cho chính linh hồn ông héo khô và thân thể ông còm cõi. Ông cảm thấy mình yếu ớt, già nua và tàn tạ như chiếc lá gặp cơn giá lạnh đầu mùa. Ông đã tỉnh giấc mơ và trước mặt ông chỉ toàn là âm thầm vắng vẻ.

– Ác-tơ, con hãy thương cha một chút!

– Vậy khi cha lừa gạt con để đày đoạ con đi làm nô lệ trong các đồn điền mía thì cha đã thương con được bao nhiêu?… Cha rùng mình đấy ư? Ôi, những vị thánh thần từ bi ơi! Đây chính là con người vâng theo thánh tâm của Chúa, một người cứ ăn năn hối lỗi rồi sống lấy một mình để mặc xác cho con chết. Cha nói cha yêu con… con đã phải trả một giá khá đắt vì tình yêu ấy của cha rồi! Cha tưởng chỉ vài lời ngon ngọt là con có thể xí xoá hết thảy, là con trở lại thành thằng bé Ác-tơ ngày xưa hay sao? Cha nên nhớ rằng con đã phải rửa bát trong các nhà chứa nhơ nhớp, đã phải rửa chuồng ngựa cho các chủ đồn điền, những người còn tàn nhẫn hơn cả những súc vật của họ. Con đã phải đội mũ, đeo nhạc đóng vai hề trong gánh xiếc rong, làm đầy tớ và đầu sai cho các võ sĩ đấu bò. Con đã làm nô lệ cho mọi loài thú vật để chúng giẫm chân lên cổ mình! Con đã đói rách, bị phỉ nhổ vào mặt và bị chà đạp dưới chân kẻ khác! con đã phải ngửa tay xin chút cơm thừa canh cặn mà người ta vẫn không cho, vì những con chó còn được quyền ưu tiên hàng đầu. Ôi, tất cả những chuyện đó nói ra nào có ích gì? Kể sao cho xiết để cha nghe hết được những gì cha đã đem đến cho con? Vậy mà giờ đây… cha lại nói yêu con! Cha yêu con được bao nhiêu? Có đủ để vì con mà từ bỏ ông Chúa của cha được không? Ồ, cái ông Giêsu mãi không chết ấy đã làm gì cho cha? Ông ấy đã hy sinh khổ sở gì cho cha mà cha lại phải yêu ông ấy hơn con? Vì bị đóng đinh vào tay mà cha yêu ông ấy ư? Vậy cha hãy nhìn vào tay con đây! Cha hãy nhìn vào đây, vào đây, và vào cả đây nữa…

Ruồi Trâu xé toang áo, chỉ vào những vết thương ghê gớm trên người.

– Padre, Chúa của cha là kẻ lừa gạt! Những vết thương của ông ta chỉ là giả vờ. Nỗi đau của ông ta chỉ toàn là trò hề. Chỉ có con là được quyền nhận lòng yêu thương của cha! Padre, không còn cảnh tra tấn nào mà cha chưa đẩy con vào. Nếu cha biết được rằng đời con đã cực khổ biết bao nhiêu! Vậy mà dù sao con vẫn không chết! Con đã chịu đựng hết thảy và làm chủ linh hồn mình trong nhẫn nại, vì con quyết trở về để đấu tranh với ông Chúa này của cha. Con giữ vững mục đích ấy làm tấm lá chắn che chở cho trái tim con, chính tấm lá chắn này đã cứu con khỏi bị điên rồ, và khỏi bị chết đi lần nữa. Và giờ đây, khi đã trở về, con lại thấy kẻ chiếm ngự địa vị của con vẫn là ông ta, một kẻ gặp nạn giả vờ, chỉ bị đóng đinh trên giá chữ thập vẻn vẹn có sáu tiếng đồng hồ, rồi lại từ cõi chết ngóc đầu dậy! Padre, con đã bị đóng đinh trên giá chữ thập năm năm ròng và con cũng đã từ cõi chết trở về! Bây giờ cha định sẽ đối xử với con ra sao? Bây giờ cha định sẽ đối xử với con như thế nào?

Ruồi Trâu nghẹn ngào không nói nên lời. Mông-ta-ne-li ngồi im như một pho tượng đá, hoặc như một xác chết vừa được dựng dậy. Thoạt đầu khi Ruồi Trâu mới trút lên ông một suối lửa tuyệt vọng, thì ông oằn người lại đôi chút với sự quằn quại máy móc của da thịt dưới làn roi da. Nhưng giờ đây ông đã rất bình tĩnh. Sau một hồi lâu nín lặng, ông nhìn lên và cất lên một giọng mất hết sức sống và nhẫn chịu.

– Ác-tơ, con có thể nói cho cha rõ hơn không? Con làm cha hết sức bối rối và kinh sợ, cha không thể hiểu được bây giờ con đòi hỏi gì ở cha?

Ruồi Trâu quay lại nhìn ông, mặt anh tái nhợt như mặt một con ma.

– Con không đòi hỏi gì cả. Có ai cưỡng ép tình yêu bao giờ? Cha được tự do lựa chọn người mà cha yêu quý nhất trong hai người. Nếu cha yêu quý ông ta hơn thì cha cứ việc chọn ông ta.

Mông-ta-ne-li mệt mỏi nhắc lại:

– Cha không thể hiểu được. Cha lựa chọn cái gì được đây? Cha làm sao xoá bỏ được quá khứ?

– Cha phải chọn một trong hai người. Nếu cha yêu con thì cha hãy tháo cái giá chữ thập ia ra khỏi cổ và ra đi cùng con. Các bạn con đang bố trí cho con trốn một lần nữa, nếu cha giúp đỡ thì họ có thể thực hiện được rất dễ dàng. Khi nào chúng ta an toàn sang tới bên kia biên giới, cha hãy công khai thừa nhận con. Còn nếu cha không đủ lòng yêu con, nếu cha quý cái ngẫu tượng bằng gỗ kia hơn con, thì cha cứ việc đến nói với tên đại tá rằng cha đã đồng ý. Và nếu vậy thì cha đi ngay đi, để con khỏi đau khổ khi còn nhìn thấy cha! Đối với con thế cũng đã là quá đủ.

Mông-ta-ne-li ngẩng đầu, run rẩy. Ông đã bắt đầu hiểu.

– Tất nhiên cha sẽ liên lạc với các bạn con. Nhưng… đi với con thì không thể được… cha là giáo sĩ.

– Nhưng con không chấp nhận ơn huệ của giáo sĩ. Padre, con không thể thoả hiệp thêm nữa. Con đã đau khổ biết bao nhiêu vì những sự thoả hiệp ấy cùng những hậu quả của chúng rồi! Cha phải từ bỏ chức vị giáo sĩ ấy hoặc phải từ bỏ con đi.

– Cha từ bỏ con sao được? Ác-tơ, cha bỏ con sao được!

– Thế thì cha từ bỏ ông ấy đi! Cha phải chọn một trong hai người! Cha lại định gợi ý chia cho con một phần tình yêu của cha, một nửa cho con, một nửa cho ông Chúa ma quỷ của cha chăng? Con không thèm nhận cơm thừa canh cặn của ông ta. Nếu cha là của ông ta thì cha không phải là của con.

– Ác-tơ, Ác-tơ ơi! Con muốn xé lòng cha ra làm hai mảnh hay sao? Con muốn cha phát điên lên hay sao?

Ruồi Trâu vung tay đấm vào tường, nhắc lại một lần nữa:

– Cha phải chọn một trong hai người!

Mông-ta-ne-li bèn rút từ trong ngực áo ra một hộp nhỏ trong đựng một mảnh giấy đã nhàu nát và cáu bẩn.

– Con trông đây!

“Tôi đã tin ông như đã tin Chúa Trời. Nhưng Chúa Trời chỉ là một tượng đất, đập một búa là tan, còn ông thì ông đã lừa dối tôi suốt đời.”

Ruồi Trâu cười, trả lại tờ giấy:

– Mười chín tuổi người ta ngây thơ một cách thú… thú vị như thế đấy! Cầm lấy búa rồi đập tan vật này vật nọ sao mà dễ dàng. Ngày nay việc đó cũng dễ dàng thôi, chỉ có điều chính con bây giờ lại nằm dưới búa. Còn cha, hiện có biết bao kẻ khác cha có thể lừa dối mà họ thậm chí không sao phát hiện ra cha để vạch mặt chỉ tên được.

Mông-ta-ne-li nói:

– Con muốn nói thế nào tuỳ con. Nếu cha ở vào địa vị con, biết đâu cha lại chẳng tàn nhẫn như con, điều đó chỉ có Chúa mới biết được. Ác-tơ, điều con muốn, cha không thể làm được. Nhưng cái gì làm được thì cha sẽ làm. Cha sẽ bố trí cho con trốn và khi con đã ra đến nơi an toàn thì cha sẽ tự tìm lấy một tai nạn trên núi cao hoặc sẽ dùng lầm một liều thuốc ngủ, cách nào tuỳ con lựa chọn. Chắc con bằng lòng chứ? Đó là tất cả những gì cha có thể làm được. Đó là một tội lớn nhưng cha mong Người sẽ tha tội cho cha. Người có lòng nhân từ hơn…

Ruồi Trâu vung mạnh cả hai tay và thét lên:

– Thôi, thôi, cha hãy thôi đi! Như thế là quá lắm rồi! Con đã làm gì để đến nỗi cha coi thường con như vậy? Ai cho cha có quyền nghĩ về con như thế? Làm như con định tìm cách báo thù cha hay sao? Cha không thấy rằng con chỉ muốn cứu cha thôi hay sao? Cha không sao hiểu rằng con yêu cha ư?

Ruồi Trâu níu lấy đôi tay Mông-ta-ne-li, vừa đặt lên đó những cái hôn nóng bỏng, vừa giàn giụa nước mắt.

– Padre, cha hãy đi với chúng con! Cha còn lưu luyến cái thế giới giáo sĩ và thần tượng chết rấp ấy làm gì? Đó chỉ là tro bụi của những thế kỷ xa xưa! Nó đã mục nát, thối tha và ô uế đến cực độ rồi! Cha hãy trốn thoát cơn dịch hạch của Giáo hội, hãy cùng con tiến đến một thế giới sáng tươi. Padre, chúng con chính là lẽ sống và tuổi thanh niên! Chúng con chính là mùa xuân vĩnh viễn! Chính chúng con mới là tương lai! Bình minh sắp loé lên rồi, cha ạ. Lẽ nào cha không muốn đón lấy ánh dương chói lọi hay sao? Cha hãy tỉnh dậy, và chúng ta sẽ quên hết những cơn ác mộng đã qua! Cha hãy tỉnh dậy và chúng ta sẽ xây dựng lại cuộc đời. Cha ơi, lúc nào con cũng yêu cha, lúc nào con cũng yêu! Con yêu cha ngay cả lúc cha giết con trước kia! Lẽ nào bây giờ cha lại định giết con một lần nữa hay sao?

Mông-ta-ne-li giật tay ra kêu lên:

– Ôi, xin Chúa rủ lòng thương! Ác-tơ! Con mang đôi mắt của chính mẹ con.

Một bầu im lặng lạ kỳ, sâu xa và kéo dài, đã đột nhiên bao trùm lấy họ. Họ nhìn nhau trong ánh hoàng hôn xám xịt, con tim kinh hoàng của họ như đã ngừng đập.

Mông-ta-ne-li thầm thì:

– Con còn nói gì thêm với cha nữa không? Con có cho cha được một chút… hy vọng nào không?

– Không. Con chỉ cốt sống để đấu tranh chống các giáo sĩ. Con không phải là người, con là một lưỡi dao găm (1). Nếu cha để con sống tức là cha thừa nhận những lưỡi dao găm đó.

Mông-ta-ne-li quay mặt về phía tượng Chịu nạn.

– Lạy Chúa! Xin Người nghe cho…

Tiếng nói của ông lặng tắt trong bầu không khí tịch mịch, trống trải mà không một tiếng trả lời. Duy chỉ có con quỷ nhạo báng lại bừng tỉnh dậy trong Ruồi Trâu:

– Cha gọi… gọi Người to lên! Có lẽ ông ta đang… đang ngủ (2).

Mông-ta-ne-li đứng bật dậy như bị roi quất. Ông nhìn thẳng phía trước trong chốc lát. Đoạn ông ngồi sụp xuống mép giường, đưa cả hai tay lên ôm mặt, nức nở khóc. Toàn thân Ruồi Trâu run lên một cơn dài, rồi mồ hôi lạnh toát ra khắp người anh. Anh hiểu những giọt nước mắt ấy có ý nghĩa gì.

Anh kéo chăn lên kín đầu để khỏi nghe thấy gì nữa. Tình hình đã quá đủ để anh phải chết, dù anh còn đang sống – sống mạnh mẽ và cừ khôi đến thế. Nhưng anh cũng không sao bịt nổi âm thanh, nó vẫn vang trong tai, dội vào óc và rộn rã khắp mọi mạch máu trong người anh. Mà Mông-ta-ne-li vẫn cứ nức nở và nức nở hoài, nước mắt chan hoà luồn qua cả kẽ bàn tay.

Cuối cùng những tiếng nức nở cũng lặng dần; và như một đứa trẻ con, ông lấy mùi xoa ra chùi mắt. Khi ông đứng dậy, chiếc khăn lọt qua đầu gối, rơi xuống sàn. Ông bảo:

– Nói nữa cũng không ích gì. Con hiểu chứ?

Ruồi Trâu đáp lại với giọng phục tùng đơn điệu:

– Con hiểu. Đó không phải là lỗi tại cha. Chúa của cha đói rồi, phải cho ông ta ăn thôi.

Mông-ta-ne-li ngoái nhìn Ruồi Trâu. Phút im lìm nay của họ còn ghê rợn hơn cả sự im lìm của lỗ huyệt sắp được đào lên. Họ lặng lẽ nhìn vào mắt nhau như một cặp tình nhân bị ngăn cách, chỉ có thể ngó sang nhau qua một hàng rào chắn mà họ không thể bước qua.

Ruồi Trâu nhìn xuống trước tiên. Anh co người lại và giấu mặt đi. Mông-ta-ne-li hiểu rằng cử chỉ đó có nghĩa là “Hãy đi đi!” Mông-ta-ne-li quay gót, bước ra khỏi xà lim.

Một lát sau, Ruồi Trâu vùng dậy:

– Ôi, con không thể chịu được nữa! Padre, cha quay lại đi! Quay lại đi!

Cửa đã đóng lại rồi. Ruồi Trâu chầm chậm nhìn bốn chung quanh với đôi mắt mở rộng và ngơ ngác, và anh hiểu rằng thế là hết. Người xứ Galilê đã chiến thắng (3).

Trong sân nhà tù phía dưới, tiếng cỏ xào xạc thâu đêm – những ngọn cỏ này chẳng bao lâu nữa sẽ phải tàn héo, sẽ bị xới bật lên vì cuốc xẻng. Và thâu đêm, Ruồi Trâu nằm thổn thức một mình trong bóng tối…

— —— —-.

[color=#BF0000](1) Trích lời Chúa Giêsu trong sách Phúc Âm, trong đó “điều ấy” là chỉ sự làm phúc cho người hoạn nạn được ăn, uống, mặc, và săn sóc (nếu ốm đau) hoặc thăm hỏi (nếu ở tù). Và nếu làm những điều ấy cho những người hèn mọn nhất thì cũng được coi như đã làm cho Chúa. Ở đây Ruồi Trâu hàm ý nói Mông-ta-ne-li đến thăm hỏi anh (tù nhân) cũng chỉ là vụ lợi, do đó “chưa thật đáng khen lắm”.

(1) Brother prelates (tiếng Anh): Prelate nói chung là người chức sắc cao trong Giáo hội, cụ thể ở đây có nghĩa là giám chức, tức là một chức sắc cao (thường là cấp giám mục cai quản một địa phận lớn và có quyền lớn ở đó, như Mông-ta-ne-li chẳng hạn). Brother ở đây có nghĩa là đồng chức, đồng liêu với ý châm biếm.

(2) Cosi fan tutti (tiếng Ý): Mọi người đều làm như thế cả.

(3) Ý nói: Tuy là Hồng y giáo chủ nhưng chỉ kiêm giám mục ở giáo phận Bridighela mà thôi. Và cũng không phải là một đặc sứ ở một đặc khu, nên cũng không có quyền hành đặc biệt gì lắm.

(1) Lời của Đức Kitô trong sách Phúc âm: nếu tay phải của bay gây nên tội cho bay thì hãy chặt nó đi, mắt bay gây nên tội cho bay thì hãy khoét nó đi.

(1) Missal (tiếng Anh): Cũng là sách lễ, sách nguyện.

(2) Ý nói: làm như Chúa Giêsu yêu cầu các bổn đạo phải hết lòng hết sức phụng sự Chúa.

(3) Sử dụng hài hước một tích trong Kinh Thánh về một lực lượng trấn giữ một bến sông, đặt ra một mật khẩu, khi quân do thám của địch (thuộc dân tộc khác) đi qua, phát âm không đúng mật khẩu, thì bị phát hiện và bị tiêu diệt.

(1) Hàm ý lời của Chúa Kitô.

(2) Tích lấy trong Kinh Thánh: Sứ đồ bị bão kêu cứu, Giêsu thì đang ngủ.

(3) The Galilean (tiếng Anh): theo Kinh Thánh, Galilê (Galilee) là nơi sinh của Giêsu. Theo sử sách của đạo Cơ đốc thì Hoàng đế La Mã Giuyliêng (Julian 331-363) vốn chống lại giáo lý của Giêsu, nhưng sự nghiệp chưa thành thì đã chết năm 363. Tương truyền trước khi chết ông đã nói: “Người xứ Galilê, anh đã thắng” có nghĩa là “Giêsu đã thắng”.[/color]

Bình luận