Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Cự Phách

Chương 18

Tác giả: Sidney Sheldon

Tony đã đến Paris trước kia, nhưng lần này hoàn cảnh đã khác hẳn. Thành phố của ánh sáng đã bị mờ đi vì sự chiếm đóng của quân Đức, nhưng nó đã thoát sự tàn phá, khi thành phố ấy được tuyên bố bỏ ngỏ. Dân chúng đã phải khổ sở rất nhiều và quân Đức Quốc xã đã cướp bóc nhiều thứ quý giá ở Viện bảo tàng Le Louvre. Mặc dầu vậy Tony vẫn thấy Paris tương đối nguyên vẹn. Hơn nữa, lần này anh sẽ sống ở đấy, sẽ là một thành phần của thành phố này, chứ không phải là một du khách. Anh có thể ở trong một dãy phòng của Kate trên đại lộ Maréchal Foch, không bị hư hại vì cuộc chiếm đóng, nhưng anh không làm như vậy. Anh thuê một căn hộ không có đồ đạc trong một ngôi nhà cổ sau lưng Grand Parnasse. Căn hộ này gồm một phòng khách có lò sưởi, một phòng ngủ nhỏ và một cái bếp xinh xắn không có tủ lạnh. Giữa phòng ngủ và bếp có xen một phòng tắm với một bồn tắm có chân, một chậu rửa nhỏ, hoen ố và một bàn toạ đã gãy, lúc có nước lúc không.

Bà chủ nhà mở miệng xin lỗi thì Tony đã vội ngăn lại, “Như thế này là tuyệt hảo rồi”.

Suốt ngày chủ nhật, anh có mặt ở chợ trời. Ngày thứ hai, thứ ba, anh đi rảo ở các tiệm đồ cũ dọc theo Tả ngạn, rồi đến ngày thứ tư, anh đã có những đồ đạc căn bản cần thiết. Một chiếc giường vừa dùng làm sô pha, vừa làm giường ngủ, một chiếc bàn dơ bẩn, hai chiếc ghế độn quá chặt, một tủ áo cũ chạm trổ công phu, đèn, một bàn làm bếp ọp ẹp, và hai chiếc ghế thẳng lưng. Mẹ mình mà trông thấy các thứ này chắc phải kinh hãi, Tony nghĩ thầm. Anh có thể nhét đầy căn hộ anh bằng những thứ đồ cổ vô giá, nhưng làm như thế là đóng vai trò của một nghệ sĩ trẻ người Mỹ ở Paris. Anh không muốn đóng vai trò mà dự định sẽ sống với vai trò ấy.

Bước kế tiếp là xin vào một trường hội hoạ tốt. Trường hội hoạ có uy tín nhất khắp nước Pháp là École des Beaux Arts của thành phố Paris. Tiêu chuẩn nhập học rất cao, và ít người Mỹ được được thâu nhận vào đó. Tony làm đơn xin vào học. Anh nghĩ thầm họ sẽ chẳng bao giờ nhận mình vào học. Nhưng biết đâu họ sẽ nhận? Anh phải chứng tỏ cho mẹ anh thấy rằng anh đã đưa ra quyết định đúng. Anh nộp ba bức tranh của anh và chờ đợi bốn tuần lễ xem họ có chấp nhận hay không. Vào cuối tuần thứ tư, người gác cổng đưa cho anh một lá thư của nhà trường. Anh phải đến trình diện vào ngày thứ hai sắp tới.

Trường Mỹ thuật Paris là một tòa nhà bằng đá lớn, cao hai tầng với hàng chục lớp học đầy nhóc sinh viên. Tony đến trình diện ông hiệu trưởng, giáo sư Gessand, một người cao to, trông có vẻ khó khăn, cổ rụt và môi mỏng dính.

“Các bức tranh của anh có vẻ tài tử”, ông nói với Tony, “nhưng anh cũng có nhiều hứa hẹn. Hội đồng đã lựa chọn anh vì những gì không có trong những tranh ấy hơn là những gì đã có trong ấy. Anh có hiểu không?”

“Thưa giáo sư, tôi không hiểu rõ lắm ạ”.

“Rồi sẽ đến lúc anh hiểu thôi. Tôi giao anh cho giáo sư Cantal phụ trách. Ông ấy sẽ là thầy giáo dạy anh trong năm năm tới, nếu anh còn tồn tại được lâu như vậy”.

Tôi sẽ tồn tại lâu như vậy, Tony tự hứa với mình.

Giáo sư Cantal là một người lùn tịt, với một cái đầu sói hoàn toàn, khiến ông ta phải che nó bằng một cái mũ nồi màu tím. Ông có cặp mắt nâu đậm, cái mũi củ hành và cặp môi giống như xúc xích. Ông chào đón Tony bằng câu nói: “Người Mỹ là hạng tay chơi tài tử, những kẻ man rợ. Tại sao anh lại đến đây?”

“Để học, thưa giáo sư”.

Giáo sư Cantal hứ một tiếng.

Có hai mươi lăm học sinh trong lớp, hầu hết là người Pháp. Các giá vẽ được bày ra khắp căn phòng. Tony lựa một chiếc gần cửa sổ nhìn xuống một quán rượu bình dân. Rải rác xung quanh phòng là những mấu đúc các bộ phận cơ thể bằng thạch cao theo các pho tượng Hi Lạp. Tony nhìn xung quanh để tìm một mẫu vẽ, nhưng chẳng cái nào cả.

“Bây giờ các anh bắt đầu”, giáo sư Cantal nói.

“Xin lỗi thầy, tôi… tôi không đem sơn màu theo”, Tony nói.

“Anh không cần sơn màu. Trong năm đầu tiên, anh chỉ học vẽ theo đúng cách thôi”.

Giáo sư chỉ các tượng Hi Lạp. “Anh sẽ vẽ những cái kia. Đối với anh, nó có vẻ đơn giản, nhưng tôi nói trước cho anh biết một điều: trước khi một năm học kết thúc, một nửa trong số các anh sẽ bị loại”. Giọng nói của ông trở nên sôi nổi, “Năm thứ nhất, anh học về cơ thể học. Năm thứ hai – cho những người nào qua được môn học ấy, anh sẽ vẽ theo những người mẫu sống, bằng sơn dầu. Năm thứ ba – tôi cam đoan với anh rằng lúc ấy sẽ còn rất ít người – anh sẽ vẽ tranh sơn màu với tôi, theo kiểu của tôi, tất nhiên là phải làm tốt hơn thế. Qua năm thứ tư và thứ năm, anh sẽ tìm ra được kiểu vẽ của riêng anh, tiếng nói của riêng anh. Thôi, bây giờ chúng ta bắt tay vào việc”.

Lớp học bắt đầu làm việc.

Ông giáo sư đi quanh phòng, dừng lại ở từng giá vẽ để đưa ra lời chỉ trích hay bình luận. Khi đi đến bức vẽ của Tony, ông nói cộc lốc, “Không, như thế không được. Tôi chỉ thấy ở đây cái bên ngoài của cánh tay. Tôi muốn thấy cái bên trong kia. Bắp thịt, xương, các dây chằng. Tôi muốn biết rằng có máu đang chảy ở bên dưới. Anh có biết vẽ như vậy không?”

“Vâng, thưa thầy. Mình phải suy nghĩ, trông thấy và cảm thấy nó trước khi vẽ nó ra”.

Khi không đến lớp học, Tony thường vẽ trong căn hộ của anh. Anh có thể vẽ từ bình minh hôm nay đến bình minh hôm sau. Hội hoạ tạo cho anh một cảm giác tự do mà anh không hề bao giờ được biết trước đó. Hành vi đơn giản ngồi trước giá vẽ với một cái cọ trong tay tạo cho anh cảm giác giống như là Thượng đế. Anh có thể tạo ra toàn thể các thế giới chỉ bằng một bàn tay. Anh có thể tạo ra một cái cây, một bông hoa, một con người, một vũ trụ. Thật là một công việc dễ làm say mê. Anh đã được sinh ra cho công việc này. Khi nào không vẽ, anh đi ra ngoài, lang thang trên các đường phố để thăm dò thành phố huyền thoại này. Bây giờ nó là thành phố của anh, nơi nghệ thuật của anh sẽ ra đời. Có hai Paris, phân chia bởi con sông Seine thành Tả ngạn và Hữu ngạn. Đó là hai thế giới tách biệt nhau. Hữu ngạn là dành cho những người giàu có, có địa vị. Tả ngạn thuộc về các sinh viên, nghệ sĩ, những kẻ tranh đấu. Nó là Montparnasse, Boulevard Romail, trà Saint Germain des Rué. Nó là cà phê Floce, Henry Miller và Eliot Paul. Đối với Tony, nó là quê hương. Anh vẫn thường ngồi hàng giờ ở Boule Blanche hay La Coupole với các bạn sinh viên, thảo luận với nhau về các thế giới bí mật của họ.

“Tôi nghe nói rằng viên giám đốc nghệ thuật của viện bảo tàng Guggenheim đang ở Paris, mua hết tất cả mọi thứ ông ta thấy”.

“Bảo ông ta hãy chờ tôi”.

Tất cả họ đều đọc những tạp chí giống nhau và chia cho nhau đọc, vì các tạp chí ấy đắt tiền: Studio, Cahiers d’Arts, Formes et Couleurs, và tờ Gazette des Beaux Arts.

Tony đã học tiếng Pháp ở Le Rosey, nên anh dễ dàng làm bạn với các sinh viên khác trong lớp, vì tất cả đều cùng chia sẻ một niềm say mê chung. Họ không biết chút gì về gia đình Tony, và chấp nhận anh như là một người trong bọn họ. Các nghệ sĩ nghèo, vật lộn với cuộc sống tập hợp lại với nhau ở quán cà phê Flore và Les Deux Maggots trên đại lộ Saint Germain. Họ ăn cơm ở Le Pot d’Etian trên đường Canettes và đường Rue d’Université. Không một người nào trong bọn họ đã từng bước chân vào Lasserre hay Maxim.

Năm 1944, những người khổng lồ trong hội hoạ đều thực thi nghệ thuật của họ tại Paris. Thình thoảng, Tony bắt gặp thoáng qua Pablo Picasso, và một hôm Tony cùng bạn anh đã nhìn thấy Marc Chagall, một con người to lớn, trông có vẻ hoa hoè, trạc trung tuần, với mớ tóc bù xù như chổi xể, bắt đầu nhuốm bạc. Chagall ngồi ở bàn căn bên kia quán cà phê, đang nghiêm trang nói chuyện với một nhóm người.

“Chúng mình thật là may mắn được gặp ông ấy”, bạn của Tony thì thầm nói, “Ông ấy ít khi đến Paris lắm. Nhà ông ấy ở Vence, gần bờ bề Địa Trung Hải”.

Anh thấy Max Ernest nhấm nháp rượu khai vị ở quán cà phê trên vỉa hè, và Alberto Giacometti vĩ đại đang đi xuống đường Rivoli, giống như các pho tượng của ông ấy, cao, gầy và xương xẩu. Tony ngạc nhiên nhận ra rằng chân ông ta bị vẹo. Tony gặp Hans Belmer một người đã tạo nên tên tuổi nhờ những bức tranh khiêu dâm, vẽ những cô gái giống như những con búp bê chặt đứt chân tay. Nhưng giờ phút vui sướng nhất của Tony là khi anh được giới thiệu với Braque. Nhà nghệ sĩ này rất thân thiện nhưng Tony thì ríu cả lưỡi, không nói được nên lời.

Các thiên tài tương lai thường lui tới các phòng tranh nghệ thuật, nghiên cứu sự cạnh tranh của họ. Phòng trưng bày Drouand David lúc ấy đang triển lãm tranh của một nghệ sĩ trẻ chưa có tên tuổi, Bernard Buffet, đã từng theo học Trường Mỹ thuật, của Soutine, Utrillot và Dufy. Các sinh viên tụ họp tại Salon d’Automne, các phòng trưng bày Charpentier, Mille Roussa trên đường Rue de Seine, rồi trong những lúc rảnh rỗi họ bàn tán với nhau về các địch thủ thành công của họ.

Lần đâu tiên Kate thấy căn hộ của Tony, bà bị choáng váng, nhưng do bản tính khôn ngoan, bà không đưa ra lời bình phẩm nào. Bà nghĩ thầm, mẹ kiếp! Làm sao thằng con trai mình lại có thể ở trong một căn phòng tối tăm, ảm đạm như thế này? Bà nói, “Nó cũng rất xinh xắn, Tony ạ. Mẹ không thấy tủ lạnh đâu cả. Thể con để thức ăn ở đâu?”

“Để ở ngoài cửa sổ kia kìa”.

Kate bước đến cửa sổ, mở cánh cửa, chọn một quả táo đặt trên ngưỡng cửa số, ở phía ngoài. “Chắc mẹ không ăn một trong các đối tượng hội hoạ của con đấy chứ?”

Tony cười, “Ồ, không đâu, mẹ ạ”.

Kate cắn quả táo. “Nào con hãy kể về công việc hội hoạ của con đi”.

“Chưa có… có gì nhiều lắm để… để mà kể. Năm nay chúng con chỉ mới học vẽ đồ hoạ qua loa thôi”.

“Con có thích ông giáo sư Cantal không?”

“Ông ấy tuyệt… tuyệt vời. Điều quan trọng là ông ấy có thích con không. Chỉ có một phần ba số sinh viên được lên năm kế tiếp thôi”.

Không một lần nào bà nhắc nhở đến việc Tony về làm việc cho công ty.

Giáo sư Cantal không phải là người dễ dàng ban lời khen cho ai. Lời khen tặng lớn lao nhất ông ban cho Tony là một câu nói miễn cưỡng, “Tôi chắc là tôi đã thấy những bức tranh còn tệ hơn thế”, hay “Tôi mới hình như bắt đầu nhìn thấy được cái ở bên dưới”

Vào cuối học kì, Tony được chọn trong số tám sinh viên được lên năm thứ hai. Để ăn mừng, Tony và một số sinh viên khác, cũng được cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm như anh, cùng đi đến một hộp đêm ở Montmartre, uống rượu say mèm, rồi ngủ đêm với mấy cô gái người Anh đang đi du lịch ở Pháp.

Khi trường học mở cửa lại, Tony bắt đầu vẽ với sơn dầu và người mẫu. Thật là giống như vừa được thoát khỏi trường mẫu giáo. Sau một năm học về các bộ phận cơ thể, Tony cảm thấy anh đã biết rõ từng bắp thịt, đường gân và tuyến trên thân thể con người. Đó không phải là hội hoạ – nó chỉ là sự sao chép lại thôi. Bây giờ, với cái cọ trong tay và một người mẫu trước mắt, Tony bắt đầu sáng tạo. Ngay cả đến Cantal cũng phải chú ý.

“Anh biết nhận xét đấy”, ông nói một cách miễn cưỡng. “Bây giờ chúng ta phải học về kĩ thuật”.

Có hơn một chục người ngồi làm mẫu cho các lớp học ở trường. Những người mà giáo sư Cantal thường sử dụng nhiều nhất là Carlos, một chàng trai trẻ làm việc kiếm tiền để theo học trường thuốc; Annette, một cô giá da ngăm ngăm đen, thấp, khỏe mạnh, có một chòm lông đỏ ở hạ bộ và lưng có nhiều vết sẹo do mụn nhọt; và Dominique Masson, một cô gái xinh đẹp, tóc hoe lả lướt, với gò má xinh xắn và đôi mắt xanh đậm. Dominique đã từng làm mẫu cho nhiều hoạ sĩ danh tiếng. Nàng rất được mọi người ưa thích. Hằng ngày, sau buổi học, các nam sinh viên thường vây quanh nàng, tìm cách hẹn hò với nàng.

Nàng thường nói với họ, “Tôi không bao giờ lẫn lộn công việc làm ăn với vui chơi. Dẫu sao, như vậy cũng không công bằng. Các anh đã thấy tất cả những gì tôi có thể cống hiến. Làm sao tôi biết được các anh có cái gì để cống hiến cho tôi?”

Thế rồi lối nói chuyện thô tục ấy lại tiếp tục. Nhưng Dominique không bao giờ đi chơi với bất cứ ai ở trường này.

Vào một buổi chiều nọ, khi tất cả các sinh viên khác đều đã rời lớp học và Tony sắp vẽ xong một bức hoạ của Dominique, nàng bất ngờ đi đến phía sau lưng Tony và nói, “Cái mũi tôi dài quá”.

Tony bối rối. “Ồ, tôi xin lỗi, để tôi sửa lại”.

“Không, không. Cái mũi trong bức hoạ thì tốt rồi. Chính cái mũi của tôi mới dài quá thôi”.

Tony cười. “Thế thì tôi e rằng tôi phải chịu bó tay rồi”.

“Giá như một người Pháp thì người ấy sẽ nói, “Mũi của em thật hoàn hảo, “Chérie” ạ”.

“Tôi thích cái mũi của cô, nhưng tôi không phải là người Pháp”.

“Điều đó thì rõ ràng rồi. Anh không bao giờ rủ tôi đi chơi cả. Tôi không hiểu vì sao”.

Tony tỏ vẻ ngạc nhiên. “Tôi… tôi không biết. Tôi nghĩ rằng ấy là vì mọi người khác đã làm như vậy, nhưng cô không đi chơi với ai cả”.

Dominique tủm tỉm cười. “Người nào cũng có một ai đó để đi chơi với mình chứ. Thôi chào anh nhé”.

Rồi nàng bỏ đi.

Tony nhận ra rằng bất cứ hôm nào anh ở lại trễ, Dominique mặc quần áo xong cũng trở lại đứng ở phía sau lưng anh để xem anh vẽ.

Một buổi chiều nọ, nàng nói, “Anh vẽ rất đẹp. Rồi đây anh sẽ là một hoạ sĩ danh tiếng”.

“Cảm ơn, Dominique, tôi hi vọng cô nói đúng”.

“Hội hoạ đối với anh quan trọng lắm à?”

“Phải”.

“Vậy thì một người sắp sửa trở thành một hoạ sĩ danh tiếng có chịu đãi tôi một bữa cơm tối không?”

Nàng nhìn thấy vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên mặt Tony. “Tôi không ăn gì nhiều đâu. Tôi phải giữ hình dáng của tôi”.

Tony cười. “Cố nhiên tôi rất lấy làm vui mừng”.

Họ cùng ăn cơm tối tại một quán ăn bình dân gần Sacré Coeur. Hai người bàn chuyện với nhau về các hoạ sĩ và hội hoạ. Tony nghe rất say mê các câu chuyện nàng kể về các nghệ sĩ danh tiếng đã từng nhờ nàng làm mẫu. Khi hai người dùng xong cà phê sữa, Dominique nói, “Tôi cần phải nói cho anh biết. Anh cũng giỏi như bất kì ai trong số ấy”.

Tony sung sướng vô cùng, nhưng anh chỉ nói, “Tôi còn xa lắm mới được bằng các ông ấy”.

Ra khỏi quán ăn, Dominique hỏi, “Anh có định mời tôi đến xem căn hộ anh đang ở không?”

“Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng tôi e rằng nó chẳng có gì đẹp đẽ lắm đâu”.

Đến nơi, Dominique nhìn quanh căn hộ bé nhỏ, ngổn ngang, rồi lắc đầu nói, “Anh nói đúng. Nó chẳng có gì đẹp đẽ thật. Ai trông nom cho anh?”

“Có một bà đến đây mỗi tuần để lau chùi”.

“Đuổi bà ấy đi. Nơi này bẩn thỉu quá. Thế anh không có một bạn gái nào sao?”

“Không”.

Dominique nhìn anh một lúc rồi hỏi. “Anh không thấy khó chịu à?”

“Không”.

“Tốt. Thật là phí phạm kinh khủng. Anh hãy kiếm cho tôi một xô nước và một ít xà phòng”.

Dominique bắt đầu lau chùi, cọ rửa căn hộ, rồi cuối cùng xếp đặt lại mọi thứ cho gọn ghẽ. Làm xong công việc nàng nói, “Hôm nay, như thế là tạm được rồi. Lạy Chúa, tôi cần phải tắm mới được”.

Nàng đi vào phòng tắm bé nhỏ, cho nước chảy vào bồn tắm. “Làm thế nào anh ngồi được trong cái này?” Nàng kêu to lên.

“Tôi co chân lại”.

Nàng cười. “Tôi muốn xem anh làm như vậy quá!”

Mười lăm phút sau, Dominique ra khỏi phòng tắm với chỉ có một chiếc khăn lông quấn xung quanh người, làn tóc hoe của nàng ướt đẫm và quăn lại. Nàng có một thân hình rất đẹp, ngực đầy đặn, eo nhỏ và dài, cặp đùi thon thon. Trước kia, Tony không bao giờ để ý đến nàng như là một người đàn bà. Nàng chỉ là một hình khoả thân để vẽ trên vải. Kì lạ thay, chiếc khăn lông ấy đã thay đổi tất cả mọi thứ. Đột nhiên, anh cảm thấy máu như dồn lên ở chỗ thắt lưng.

Dominique đang đứng nhìn anh. “Anh có muốn ân ái với em không?”

“Muốn lắm”.

Nàng chậm rãi thả tấm khăn lông ra. “Anh hãy chứng tỏ cho em xem đi”.

Tony chưa hề bao giờ được biết một người đàn bà nào như Dominique. Nàng tặng cho anh tất cả, nhưng không đòi hỏi một điều gì. Hầu như tất cả mọi buổi tối, nàng đến nấu ăn cho Tony. Khi hai người cùng đi ăn ở ngoài, nàng bao giờ cũng đòi phải đến những quán ăn rẻ tiền hay những quầy bán bánh sandwich. Nàng thường la rầy, “Anh phải biết dành dụm tiền. Bước đầu bao giờ cũng rất khó khăn ngay đối với cả một nghệ sĩ tài giỏi. Mà anh cũng là một nghệ sĩ tài giỏi, “chéri” ạ”.

Họ đi với nhau đến Les Halles vào những lúc sáng sớm, và ăn súp hành ở Pied de Cochon. Họ cùng đi đến Bảo tàng Carnavalet và những nơi xa xôi các du khách thường không lui tới, chẳng hạn như Nghĩa địa Père Lachaise – nơi yên nghỉ của Oscar Wilde, Fédéric Chopin, Honoré de Balzac và Marcel Proust. Họ viếng thăm các hầm mộ, và trong những ngày nghỉ lễ họ thường đi xuôi con sông Seine trên một chiếc thuyền của một người bạn của Dominique.

Tony rất lấy làm vui sướng được sống bên cạnh Dominique. Nàng vui tính, thích khôi hài, và mỗi khi Tony có vẻ buồn bã, nàng cười to lên làm cho anh khuây khoả. Nàng có vẻ như quen biết rất rộng, và thường đưa Tony đến dự những buổi tiệc tùng rất thú vị để chàng có thể gặp những nhân vật danh tiếng thời ấy, chẳng hạn như thi sĩ Paul Élouard và André Breton, phụ trách phòng trưng bày Maeght rất có uy tín.

Dominique là một nguồn khích lệ thường trực. “Anh sẽ danh tiếng hơn tất cả những người ấy, “chéri” ạ. Hãy tin em đi. Em biết mà”.

Nếu Tony muốn vẽ vào ban đêm, Dominique cũng sẵn sàng ngồi làm mẫu cho anh vẽ, dù cho nàng có phải làm việc suốt cả ngày hôm ấy. Lạy chúa, mình thật là may mắn, Tony nghĩ thầm. Đây là lần đầu tiên trong đời anh tin chắc rằng có một người nào đó yêu mến anh vì bản chất của anh chứ không phải vì anh là ai.

Tony e ngại không muốn nói cho Dominique biết anh là người thừa kế một trong những tài sản lớn nhất thế giới, e ngại rằng nàng sẽ thay đổi, e ngại chàng sẽ mất đi những gì chàng hiện đang có. Nhưng đến ngày sinh nhật của Dominique, Tony không thể nào cưỡng lại ý định mua cho nàng một chiếc áo bằng lông mèo rừng của Nga.

“Đó là một thứ đẹp đẽ nhất em chưa từng thấy trong đời!” Dominique xoay tròn chiếc áo xung quanh người, nhảy múa khắp căn phòng. Đang xoay như vậy, bỗng nàng dừng phắt lại hỏi, “Cái này ở đâu mà có, Tony? Anh lấy tiền đâu mà mua cái áo này?”

Anh đã có sẵn câu trả lời. “Cái áo ấy mới bị ăn trộm. Anh mua nó từ trong tay một anh chàng bé nhỏ đứng bên ngoài bảo tàng Rodin. Hắn ta muốn bán tống bán tháo nó đi, cho nên giá chiếc áo ấy chẳng đắt hơn giá một chiếc áo vải loại tốt ở nhà hàng Au Printemps”.

Dominique nhìn anh một hồi, rồi phá lên cười. “Em sẽ mặc chiếc áo ấy dù cho cả hai chúng ta có phải ngồi tù”.

Rồi nàng choàng hai cánh tay ôm lấy Tony, rồi gào lên, “Ồ Tony, anh ngốc quá! Anh yêu quý, anh ngốc kinh khủng!”

Nói dối như vậy thật không uổng công chút nào, Tony nghĩ thầm.

Một buổi tối nọ, Dominique gợi ý với Tony rằng chàng nên dọn đến ở chung với nàng. Vừa làm việc ở Trường Mỹ thuật, vừa làm kiểu mẫu cho một số nghệ sĩ danh tiếng ở Paris, Dominique đã thuê được một căn hộ rộng rãi, hiện đại, trên đường Rue Prêtres – Saint Severain. “Anh không nên ở một nơi như thế này, Tony ạ. Nó kinh khủng lắm. Hãy đến sống với em, anh sẽ không phải trả một xu nào tiền thuê nhà. Em có thể giặt giũ, nấu cơm cho anh, và…”

“Không được, Dominique ạ. Xin cảm ơn em”.

“Nhưng tại sao?”

Làm sao anh có thể giải thích được? Lẽ ra, ngay từ lúc đầu, anh đã phải nói cho nàng biết rằng anh rất giàu có, nhưng lúc này thì đã quá trễ rồi. Nàng sẽ nghĩ rằng anh đã đánh lừa nàng. Nghĩ vậy, anh nói, “Anh muốn sống cách xa em. Em giúp đỡ cho anh quá nhiều rồi”.

“Vậy thì em sẽ dời bỏ căn hộ của em để đến ở đây. Em muốn ở bên cạnh anh”.

Nàng dọn đến ngay ngày hôm sau.

Giữa hai người có một sự thân ái tuyệt diệu và thoải mái. Vào những ngày cuối tuần, họ đi chơi với nhau về miền quê, dừng lại những quán trọ bên đường, rồi Tony dựng giá vẽ lên, vẽ phong cảnh. Khi nào họ đói bụng, Dominique trải ra trên có những thức ăn nàng đã nấu sẵn, rồi hai người cùng ăn chung với nhau giữa cánh đồng cỏ. Sau đó, họ ân ái với nhau thật lâu và thật thắm thiết. Tony chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như vậy.

Công việc học tập của anh tiến triển tốt đẹp. Một hôm giáo sư Cantal giơ một bức hoạ của Tony lên cho cả lớp xem, “Xem cái thân hình này. Các anh có thể thấy nó như đang thở”.

Tony hăm hở báo tin ấy ngay cho Dominique. “Em biết làm thế nào anh diễn tả được đúng cái hơi thở ấy không? Ấy là bởi vì đêm nào anh cũng ôm cái người mẫu ấy trong vòng tay”.

Dominique cười lên vui sướng, nhưng ngay sau đó nàng ra vẻ nghiêm nghị, “Tony ạ, em không nghĩ rằng anh cần học thêm ba năm nữa ở trường. Anh bây giờ đã sẵn sàng rồi. Mọi người ở trường đều nhận thấy như vậy. Cả ông Cantal nữa”.

Tony e ngại rằng như vậy vẫn chưa đủ. Anh chưa được khá lắm, anh chỉ là một hoạ sĩ khác thôi, và tác phẩm của anh sẽ bị chìm nghỉm trong hàng nghìn bức hoạ sản xuất bởi hàng nghìn hoạ sĩ trên thế giới mỗi ngày. Anh không thể chịu được với ý tưởng như vậy. Chiến thắng mới là vấn đề quan trọng, Tony ạ. Nhớ kĩ điều ấy.

Đôi khi anh vừa vẽ xong một bức tranh, anh thường thấy tràn ngập một nỗi hân hoan, rồi anh suy nghĩ, “Mình có tài năng. Mình thực sự có tài năng”. Lúc khác, anh nhìn lên tác phẩm của mình, rồi tự nhủ, “Mình chỉ là một tay tài tử khốn kiếp thôi”.

Được sự khuyến khích của Dominique, Tony mỗi lúc một thêm tin tưởng vào việc làm của mình. Anh đã hoàn tất được trên hai chục bức hoạ theo ý riêng của anh. Phong cảnh và tĩnh vật. Có một bức tranh vẽ Dominique đang nằm khoả thân dưới một lùm cây, ánh nắng lốm đốm trên thân hình nàng. Một chiếc áo vét và sơ mi đàn ông ở cận cảnh, khiến cho người xem có thể hiểu rằng người đàn bà đang chờ đợi người tình.

Khi trông thấy bức tranh ấy, Dominique kêu lên, “Anh phải có một cuộc triển lãm mới được”.

“Em điên rồi hay sao, Dominique? Anh chưa sẵn sàng đâu”.

“Anh lầm rồi, “mon cher” ạ”.

Tony về đến nhà trễ vào trưa hôm sau thì thấy Dominique đang có khách. Đó là Anton Goerg, một người đàn ông gầy, với một cái bụng phệ và đôi mắt lồi màu xanh nhạt. Ông ta là chủ nhân của phòng trưng bày nghệ thuật Goerg Gallery, một phòng trưng bày khiêm tốn trên đường Dauphine. Các bức hoạ của Tony trải khắp căn phòng.

“Có chuyện gì vậy, Dominique?”

Anton Goerg liền kêu lên, “Có chuyện là, thưa ông, các tác phẩm của ông thật là xuất sắc”. Ông đập nhẹ lên lưng Tony, “Tôi rất lấy làm hân hạnh được dành cho ông một cuộc trưng bày tại phòng tranh của tôi”.

Tony nhìn qua phía Dominique. Nàng cũng nhìn chàng, nét mặt rạng rỡ.

“Tôi… tôi không biết nói làm sao nữa”.

“Ông đã nói rất nhiều rồi đấy”, ông Goerg đáp, “Trên các bức tranh này đây”.

Tony và Dominique bàn với nhau về vấn đề này suốt cả nửa đêm ấy.

“Anh cảm thấy mình chưa sẵn sàng. Các nhà phê bình sẽ treo anh lên thập tự giá”.

“Anh lầm rồi, “chéri”. Như thế này là tuyệt hảo cho anh. Đó là phòng trưng bày nhỏ thôi. Chỉ có những người địa phương đến xem tranh và phê phán thôi. Không có cách nào xúc phạm anh được. Ông Goerg không bao giờ đề nghị anh trưng bày tranh nếu ông ấy không tin tưởng ở anh. Ông ấy đồng ý với em rằng anh sẽ trở thành một nghệ sĩ quan trọng”.

“Thôi được rồi”, Tony cuối cùng phải chấp nhận. “Ai mà biết? Mình cũng có thể bán một bức tranh cũng chưa biết chừng”.

Bức điện văn viết: SẼ ĐẾN PARIS THỨ BẢY. ĐẾN DÙNG CƠM VỚI MẸ. THÂN YÊU. MẸ.

Ý nghĩ đầu tiên khi Tony trông thấy mẹ bước vào xưởng vẽ là, “Mẹ mình trông xinh đẹp quá!”. Bà nay đã trạc ngũ tuần, tóc không nhuộm, với những sợi tóc bạc xen lẫn tóc đen, nhưng bà vẫn rất linh hoạt. Có lần Tony hỏi bà vì sao bà không tái giá, thì bà trầm tĩnh trả lời, “Chỉ có hai người đàn ông quan trọng trong cuộc đời của mẹ. Đó là cha con và con”.

Bây giờ đứng trong căn hộ bé nhỏ ở Paris, đối diện với mẹ, Tony nói, “Con… con rất mừng được gặp m… mẹ”.

“Tony, con trông thật là tuyệt vời! Lại mới có cái chòm râu này nữa!” Bà cười, dùng các ngón tay vân vê chòm râu Tony. “Con trông giống như Abe Lincoln” . Bà đưa mắt nhìn khắp căn hộ bé nhỏ. “Lạy Chúa, con đã có một người hầu phòng thật giỏi. Nó giống như là một nơi khác hẳn”.

Kate đi đến giá vẽ, nơi Tony đang vẽ dở một bức tranh. Bà dừng lại, ngắm nhìn một hồi lâu. Tony đứng tại đó, lo lắng chờ đợi phản ứng của mẹ.

Khi Kate mở lời, giọng bà rất hiền dịu. “Thật là xuất sắc, Tony ạ. Rất xuất sắc”. Bà không có một cố gắng nào che giấu niềm hãnh diện của bà. Không ai có thể đánh lừa bà về mặt nghệ thuật, nên bà cảm thấy một niềm hân hoan nhận ra rằng con trai bà có tài năng thật sự.

Bà quay mặt về phía Tony, nói, “Cho mẹ xem thêm ít bức tranh nữa”.

Hai giờ kế tiếp đó, Tony và mẹ cùng xem xét cả một chồng tranh của anh. Họ bàn cãi từng bức tranh một thật chi tiết. Không có gì là vị nể trong lối nói của bà cả. Bà đã thất bại trong cố gắng kiểm soát đời sống của con trai bà, nhưng Tony phải thán phục và chấp nhận sự thất bại ấy thật là duyên dáng.

Kate nói, “Mẹ sẽ thu xếp việc trưng bày các bức tranh này. Mẹ có quen biết một số nhà buôn tranh…”

“Cảm ơn m… mẹ. Mẹ không… không cần phải bận tâm. Con sẽ có một cuộc triển lãm tranh vào ngày thứ sáu tuần sau. Một phòng tranh sẽ tổ chức việc triển lãm ấy cho con”.

Kate đưa hai tay ra, ôm chầm lấy Tony. “Thật tuyệt vời! Phòng triển lãm nào vậy?”

“Phòng triển lãm G… Goerg Gallery”.

“Hình như mẹ không nghe tên ấy bao giờ”.

“Nó nhỏ thôi, mẹ ạ. Con chưa sẵn sàng để trưng bày tranh tại Hammer hay W… Wildenstein”.

Bà chỉ bức tranh Dominique dưới lùm cây, “Con lầm rồi, mẹ cho rằng bức tranh này…”

Ngay lúc ấy có tiếng cánh cửa trước mở ra. “Em đang nổi hứng đây. Hãy cởi cái…” Dominique chợt thấy Kate, “Thôi chết tôi rồi! Xin lỗi bà. Tôi… tôi không có biết Tony đang có khách”.

Một phút im lặng băng giá.

“Dominique, đây là m… mẹ tôi. Mẹ ạ, con xin giới thiệu với mẹ cô Dominique Masson”.

Hai người đàn bà đứng nhìn nhau chằm chằm, như dò xét.

“Bà có được mạnh khỏe không ạ, thưa bà Blackwell?”

Kate nói, “Tôi đã được xem bức tranh con trai tôi vẽ cô”, phần còn lại được bỏ lửng, không nói ra.

Lại một phút im lặng ngượng nghịu khác nữa.

“Tony có nói cho bà biết về cuộc triển lãm sắp tới của anh ấy hay chưa, thưa bà Blackwell?”

“Có. Thật là một tin rất đáng mừng”.

“Mẹ có… có thể ở lại để tham dự không, mẹ?”

“Mẹ rất mong muốn có thể có mặt ở đó, nhưng ngày kia mẹ sẽ có một cuộc họp của ban giám đốc ở Johannesburg, không thể vắng mặt được. Giá như mẹ được biết sớm hơn, có lẽ mẹ đã sửa đổi lại được thời khóa biểu”.

“Thôi thế cũng được”, Tony nói. “Con hiểu”, Tony lo sợ rằng mẹ anh có thể sẽ nói thêm nữa về công ty trước mặt Dominique, nhưng may thay, trí óc của Kate chỉ nghĩ đến các bức tranh.

“Điều quan trọng là phải có những người xứng đáng đến xem cuộc triển lãm ấy”.

“Ai là những người xứng đáng, thưa bà Blackwell?”

Kate quay về phía Dominique. “Những người tạo dư luận, những nhà phê bình. Cân phải có một người nào đó như André d’Usseau – Ông ấy cần phải có mặt ở đó”.

André d’Usseau là một nhà phê bình nghệ thuật được kính trọng nhất ở Pháp. Ông là một con sư tử hung dữ canh gác ngôi đền nghệ thuật, mà chỉ một bài điểm tranh của ông cũng đủ để tạo nên hay để đánh ngã gục một nghệ sĩ chỉ qua một đêm. d’Usseau được mời khai mạc tất cả các cuộc triển lãm, nhưng ông chỉ tham dự những cuộc triển lãm quan trọng thôi. Các chủ phòng tranh, các nghệ sĩ run rẩy, chờ đợi các bài phê bình của ông xuất hiện trên báo chí. Ông là bậc thầy về “bon mot”, và những câu nói châm biếm của ông bay đi khắp Paris trên những chiếc cánh tẩm thuốc độc. Ông ta là người bị ghét nhất trong giới nghệ sĩ ở Paris, nhưng cũng là người được kính nể nhất. Lối phê bình hóm hỉnh và cay độc một cách tàn nhẫn của ông được tha thứ bởi vì khả năng chuyên môn của ông.

Tony quay về phía Dominique nói, “Bà ấy là mẹ của mình nên mới nói thế”. Rồi anh quay lại nói với mẹ. “André d’Usseau không đi đến dự những cuộc triển lãm nhỏ đâu”.

“Ồ, Tony, ông ấy thể nào cũng phải đến. Ông ta có thể giúp cho con nổi danh chỉ qua một đêm”.

“Hay đánh gục ngã con cũng chưa biết chừng”.

“Thế con không tin vào khả năng của con hay sao?” Kate nhìn con và nói.

“Cố nhiên là anh ấy tin.”. Dominique nói. “Nhưng chúng cháu không dám hi vọng rằng ông d’Usseau sẽ đến”.

“Tôi có thể tìm các người bạn quen biết ông ta”.

Mặt Dominique rạng hẳn lên. “Thế thì tuyệt vời!” Nàng quay lại nói với Tony, “Chéri, anh có biết nếu ông ấy đến vào ngày khai mạc thì điều ấy sẽ có ý nghĩa như thế nào không?”

“Mình sẽ rơi vào quên lãng hoàn toàn”.

“Đừng có nói đùa. Em biết sở thích của ông ấy, Tony ạ. Em biết ông ấy thích những gì. Chắc chắn ông ấy sẽ thích các bức hoạ của anh”.

Kate nói, “Mẹ không tìm cách mời ông ta đến, trừ khi con bằng lòng”.

“Dĩ nhiên anh ấy muốn rồi, thưa bà Blackwell”.

Tony thở mạnh một cái. “Con sợ… sợ quá, nhưng thôi, mình cứ thử làm như vậy xem sao”.

“Để mẹ sẽ tìm cách”, Kate nhìn bức tranh trên giá vẽ một hồi lâu, rất lâu, rồi quay lại nhìn Tony. Một vẻ buồn thoáng qua trong đôi mắt bà. “Con ạ, mẹ phải rời Paris ngày mai. Chúng ta có thể ăn cơm chung tối nay được không?”

Tony đáp, “Được lắm, mẹ ạ. Chúng con rảnh tối nay”.

Kate quay về phía Dominique và nói một cách duyên dáng, “Cô thích ăn cơm ở Maxim’s hay ở…”

Tony nói thật nhanh. “Dominique và con có biết một quán ăn nhỏ rất tốt, không xa đây lắm”.

Họ cùng đến một quán ăn rẻ tiền ở Place Victorie. Thức ăn ở đấy ngon và rượu cũng tuyệt hảo. Hai người đàn bà có vẻ ăn ý với nhau lắm. Tony cảm thấy hãnh diện về cả hai người. Đó là một đêm vui vẻ nhất trong đời mình, anh nghĩ thầm. Mình đang ở bên cạnh mẹ mình và một người đàn bà mình sẽ cưới làm vợ.

Sáng hôm sau, Kate gọi điện thoại từ phi trường. “Mẹ đã gọi điện thoại đến hơn chục nơi. Không ai trả lời dứt khoát về André d’Usseau cả. Nhưng dù thế nào chăng nữa, Tony ạ, mẹ rất hãnh diện về con. Các bức tranh của con tuyệt vời. Tony, mẹ yêu con”.

“Con cũng yêu mẹ, mẹ ạ”.

Phòng triển lãm Goerg Gallery chỉ vừa đủ lớn để thoát khỏi cái mà người ta gọi là “Phòng triển lãm thân mật”. Chừng hai chục bức tranh của Tony đang được treo lên các bức tường trong một sự chuẩn bị gấp gáp vào giờ phút chót trước khi khai mạc. Trên một chiếc bàn cẩm thạch là những lát phó mát, bánh bích quy và những chai rượu Chablis. Phòng tranh vắng tanh, chỉ có mặt Anton Goerg, Tony, Dominique và cô phụ tá trẻ đang treo bức tranh cuối cùng lên tường.

Anton Goerg nhìn vào đồng hồ. “Các giấy mời ghi rõ “bảy giờ”. Chắc các quan khách sẽ bắt đầu đến ngay bây giờ đây”.

Tony không nghĩ rằng anh sẽ bồn chồn, sốt ruột. “Mình không bồn chồn, sốt ruột”, anh tự nhủ. “Mình chỉ cảm thấy hoảng sợ!”

“Nếu không ai đến cả thì sao nhỉ?” Anh hỏi. “Tôi muốn nói là, nếu không có một ma nào đến thì mình sẽ làm thế nào?”

Dominique mỉm cười, vuốt má Tony và nói, “Thì chúng mình tha hồ ăn uống, cho hết tất cả các thứ này!”

Khách khứa bắt đầu lục tục kéo đến. Thoạt tiên họ đến chậm rãi, nhưng sau đó họ đến đông hơn nhiều. Ông Goerg đứng ở cửa, niềm nở chào mọi người. Họ có vẻ không giống như là những khách mua tranh, Tony nghĩ thầm một cách bực bội. Con mắt nhận xét của anh phân chia họ ra làm ba hạng người: thứ nhất là những nghệ sĩ và sinh viên mỹ thuật tham dự các cuộc triển lãm để đánh giá sự cạnh tranh giữa họ với nhau; thứ hai, những nhà buôn bán tranh vẫn hay đến tất cả các cuộc triển lãm để họ có thể loan truyền những tin tức xúc phạm làm giảm uy tín những kẻ đang mong muốn trở thành hoạ sĩ; và thứ ba là đông đảo quần chúng làm ra vẻ ưa thích nghệ thuật, trong đó bao gồm số đông những kẻ đồng tính luyến ái nam và nữ. Những kẻ này dường như sống cuộc đời của họ quanh quẩn ở ven rìa thế giới nghệ thuật. Tony quả quyết, “Mình chắc sẽ không bán được một bức tranh khỉ khô nào”.

Ông Goerg vẫy tay ra dấu cho Tony từ bên kia phòng.

“Anh nghĩ rằng anh không muốn gặp bất kì ai trong số người này”. Tony thì thầm với Dominique, “Họ đến đây để xé toạc anh ra từng mảnh”.

“Nói bậy nào. Họ đến đây để được gặp anh. Bây giờ, anh hãy tỏ ra dễ mến đi, Tony”.

Và vì thế, anh tỏ ra dễ mến. Anh gặp tất cả mọi người, tủm tỉm cười luôn miệng, và thốt ra những lời lẽ thích hợp để đáp lại những lời khen tặng dành cho anh. Nhưng có thật đó là những lời khen tặng hay không? Tony tự hỏi. Qua bao nhiêu năm, người ta đã đặt ra trong các giới nghệ thuật một thứ ngôn ngữ để sử dụng khi nói về những cuộc triển lãm của các hoạ sĩ không có tên tuổi. Những câu nói, nói lên đủ mọi thứ, nhưng chẳng có nghĩa gì cả.

“Mình thực sự cảm thấy như mình đang hiện diện ở đó…”

“Thật tôi chưa hề được thấy một lối vẽ nào hoàn toàn giống như của anh…”

“Đó mới thực sự là một bức tranh!”

“Nó như nói lên với tôi…”

“Anh khó có thể làm tốt hơn thế được…”

Khách vẫn tiếp tục kéo đến. Tony tự hỏi sức thu hút ấy là do sự tò mò muốn biết về các bức tranh của anh hay là do phó mát và rượu được cung cấp miễn phí. Cho đến lúc ấy, chưa có bức tranh nào được bán, nhưng rượu và phó mát đang được tiêu thụ rất mạnh.

“Hãy kiên nhẫn”, ông Goerg thì thầm vào tai Tony. “Họ thích đấy. Thoạt tiên họ phải nếm mùi vị tổng quát của các bức tranh nào đó họ ưa thích, họ sẽ quay trở lại với bức tranh ấy. Một lát sau đó, họ hỏi giá, và khi họ rỉa vào cái mồi thì, A lê hấp! Cá đã cắn câu!”

“Lạy Chúa, anh có cảm tưởng như anh đang tham dự vào một cuộc đi câu cá vậy!” Tony nói với Dominique.

Ông Goerg hối hả chạy đến Tony, “Chúng ta bán được một bức rồi!”, ông kêu lên. “Bức phong cảnh Normandy. Năm trăm francs”.

Đó là những giây phút mà Tony sẽ nhớ mãi chừng nào anh còn sống. Một người nào đó đã mua một bức tranh của anh! Một người nào đó đã suy nghĩ khá kĩ về tác phẩm của anh để bỏ tiền ra mua, rồi treo nó ở nhà hay văn phòng, để được nhìn ngắm nó, sống với nó, trình bày nó cho các bạn xem. Nó là một mảnh nhỏ của sự bất diệt. Nó là một lối sống, hơn là một đời sống, được có mặt tại nhiều nơi trong cùng một lúc. Một nghệ sĩ thành công có mặt ở hàng trăm gia đình, văn phòng và viện bảo tàng trên khắp thế giới, đem đến sự vui thích cho hàng ngàn – có khi hàng triệu con người. Tony có cảm tưởng như mình đã bước vào đền thờ của Da Vinci, Michelangelo và Rembrandt. Anh không còn là hoạ sĩ tài tử nữa, anh đã trở thành chuyên nghiệp. Một kẻ nào đó đã trả tiền để mua tác phẩm của anh.

Dominique vội vã đến chỗ Tony, cặp mắt sáng lên sung sướng. “Mình lại vừa bán được một bức nữa, Tony ạ”.

“Bức nào?” Anh hăm hở hỏi.

“Bức tranh hoa”.

Phòng tranh bé nhỏ lúc này đã đông nghẹt người. Họ nói chuyện ồn ào, cụng ly với nhau lách cách. Bỗng một sự im lặng đột nhiên giăng khắp căn phòng. Có những tiếng thì thầm như sóng ngầm, rồi mọi con mắt đều hướng về phía cửa.

André d’Usseau đang đi vào phòng tranh. Ông ở vào trạc trung tuần, cao hơn người Pháp bình thường, với một khuôn mặt khỏe mạnh giống như sư tử, và một cái bờm tóc bạc. Ông mặc một chiếc áo choàng kiểu Tô Cách Lan, và đội một chiếc mũ Borsalino, và sau lưng ông là một đoàn tùy tùng gồm những kẻ “theo đóm ăn tàn”. Mọi người trong phòng tự động giãn ra để nhường lối cho d’Usseau. Không một ai hiện diện ở đó mà không biết ông là ai.

Dominique bóp chặt tay Tony, nói “Ông ấy đã đến kia! Ông ấy có mặt ở đây!”.

Một vinh dự lớn lao như vậy chưa hề bao giờ xảy đến với ông Goerg. Vì vậy, ông điên lên vì vui mừng, ông cúi đầu xuống, quỵ lụy, trước nhân vật vĩ đại; ông làm đủ mọi thứ, chỉ thiếu điều giựt mạnh chùm tóc trên trán ông mà thôi.

“Thưa ông d’Usseau”, ông lắp bắp nói, “Thật là một điều vui sướng, một vinh dự lớn lao! Xin cho phép tôi được mời ông chút rượu và ít lát phó mát”. Ông tự trách mình đã khônng mua thứ rượu sang hơn.

“Xin cảm ơn”, nhân vật vĩ đại nói. “Tôi đến đây chỉ để cho cặp mắt tôi được thoả mãn với cái đẹp thôi. Tôi muốn được gặp nghệ sĩ”.

Tony quá choáng váng, không còn có thể cử động được. Dominique đẩy anh ra phía trước.

“Ông ấy đây ạ”, ông Goerg nói. “Thưa ông d’Usseau, đây là Tony Blackwell”.

Lúc ấy Tony mới thốt được ra lời. “Xin kính chào ông. Cảm ơn ông đã đến thăm cuộc triển lãm”.

André d’Usseau khẽ cúi đầu, rồi đi thẳng đến các bức tranh treo trên tường. Mọi người lùi lại để nhường chỗ cho ông. Ông đi một cách chậm rãi, nhìn mỗi bức tranh thật lâu và cẩn thận, rồi lại tiếp tục đi đến bức tranh kế tiếp. Tony cố đọc các ý nghĩ của ông qua nét mặt, nhưng anh không thấy gì hết. d’Usseau không nhăn mặt cũng không cười. Ông dừng lại một hồi lâu trước một bức hoạ đặc biệt, đó là bức hoạ Dominique khoả thân, rồi lại tiếp tục di chuyển. Ông đi hết một vòng khắp căn phòng, không bỏ sót một bức tranh nào. Tony toát mồ hôi như tắm.

Xem xong d’Usseau bước đến chỗ Tony. “Tôi vui sướng được đến đây”. Ông chỉ nói vỏn vẹn có thế.

Chỉ trong vòng ít phút sau, khi nhà phê bình nổi danh ấy rời căn phòng, tất cả mọi bức tranh đều được bán hết. Một nghệ sĩ vĩ đại sắp ra đời, và mọi người đều muốn tham dự vào buổi khai sinh ấy.

“Tôi chưa hề chứng kiến một chuyện như thế này”, ông Goerg kêu lên. “André d’Usseau đến phòng tranh này. Phòng tranh của tôi! Tất cả Paris sẽ đọc thấy sự kiện này trên báo chí ngày mai. Ông ấy nói, “Tôi vui sướng đến đây”. Ông André d’Usseau không phải là một người chịu phí lời nói. Riêng chuyện này không cũng đáng phải gọi thêm rượu sâm banh rồi. Nào chúng ta hãy ăn mừng”.

Khuya hôm ấy, Tony và Dominique tổ chức cuộc ăn mừng riêng tư của họ. Dominique rúc vào cánh tay Tony và nói, “Em đã ngủ với nhiều hoạ sĩ trước kia, nhưng không có ai danh tiếng như anh sau này. Ngày mai cả Paris sẽ biết anh là ai”.

Dominique đã nói đúng.

Vào lúc năm giờ sáng hôm sau, Tony và Dominique hối hả mặc quần áo để đi ra ngoài mua số đầu tiên của một tờ báo xuất bản vào buổi sáng. Số báo này vừa được đưa đến sạp bán báo. Tony chụp lấy một tờ, lật sang trang Văn nghệ. Bài điểm tranh của d’Usseau là bài báo đăng ở trang đầu dưới cái tên André d’Usseau in ngay ở phía trên. Tony đọc lên thật to:

“Một cuộc triển lãm tranh của một hoạ sĩ trẻ người Mỹ, tên Anthony Blackwell, vừa được khai mạc đêm hôm qua ở phòng tranh Goerg Gallery. Đây là một kinh nghiệm học hỏi lớn lao đối với người viết bài phê bình này. Tôi đã tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh của các hoạ sĩ có tài năng đến nỗi tôi đã quên đi thế nào là những bức tranh thực sự là tồi. Đêm qua, tôi mới được nhắc nhở lại điều này…“

Mặt Tony tái mét lại…

“Thôi, đừng đọc nữa”, Dominique năn nỉ. Nàng cố giằng lấy tờ báo khỏi tay Tony.

“Để anh đọc tiếp”, Tony ra lệnh.

Anh tiếp tục đọc:

“Thoạt tiên, tôi tưởng rằng người ta muốn bày ra một trò đùa. Tôi không thể nào tin được một cách nghiêm chỉnh rằng có một kẻ nào đó lại bạo gan treo những bức tranh tài tử như thế và dám gọi đó là nghệ thuật. Tôi cố tìm chút tài năng rất nhỏ bé le lói trong những bức tranh ấy. Thế nhưng tôi chẳng thấy chút gì cả. Lẽ ra người ta nên treo cổ nhà hoạ sĩ ấy thay vì treo các bức tranh của anh ta lên. Tôi xin thành thực khuyên cái ông Blackwell loạn óc ấy nên trở về cái nghề thực sự của anh ta, mà tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng đó là nghề sơn nhà, sơn cửa.”

“Em không thể nào tin nổi”, Dominique thì thào, “Em không thể nào tin được rằng ông ấy không thấy tài năng của anh. Trời, cái lão chó đẻ ấy!” Dominique bắt đầu khóc sướt mướt.

Tony cảm thấy như ngực anh chứa đầy chì. Anh thấy khó thở quá. “Ông ấy đã thấy”, anh nói, “Ông ấy biết rõ tài năng của anh, Dominique ạ. Ông ấy biết rõ lắm”. Giọng anh tràn ngập đau khổ. “Đau đớn nhất chính là chỗ đấy. Lạy Chúa. Mình thật là một thằng điên!” Anh sắp sửa bước ra ngoài.

“Anh định đi đâu, Tony?”

“Anh không biết”.

Anh đi lang thang quanh các đường phố lạnh lẽo vào lúc rạng đông, không biết rằng những giọt nước mắt đang tuôn xuống mặt anh. Chỉ trong ít giờ đồng hồ nữa, cả Paris sẽ đọc bài bình luận ấy. Anh sẽ trở thành một đối tượng chế giễu. Nhưng đau đớn hơn thế nữa, anh đã tự lừa dối mình. Anh đã thực sự tin tưởng rằng anh có một sự nghiệp xán lạn trước mắt với tư cách là một hoạ sĩ. Ít nhất ông André d’Usseau đã cứu anh ra khỏi sự lầm lẫn ấy. Những mảnh nhỏ dành cho hậu thế! Tony nghĩ một cách chua chát. Những mảnh phân c… thì đúng hơn! Anh bước vào một quán rượu đầu tiên vừa mở cửa, rồi ngồi xuống uống rượu cho đến lúc không còn biết trời đất gì nữa.

Khi Tony cuối cùng trở về căn hộ thì đã năm giờ sáng hôm sau.

Dominique đang chờ đợi anh, lo sợ cuống cuồng. “Hôm qua đến giờ anh ở đâu, Tony? Mẹ anh đã tìm cách tiếp xúc với anh. Bà ấy lo lắng lắm”.

“Thế em có đọc bài báo ấy cho bà nghe chưa?”

“Có, bà ấy cứ đòi em phải đọc. Em…”

Tiếng điện thoại reo vang. Dominique đưa mắt nhìn Tony, rồi nhặt ống nghe lên. “Alô? Phải, thưa bà Blackwell, anh ấy mới về”. Nàng đưa ống nghe cho Tony. Anh do dự một lát, rồi cầm lấy.

“Alô, m… mẹ”

Giọng Kate có vẻ buồn bã. “Tony yêu quý, nghe mẹ nói đây này. Mẹ có thể yêu cầu ông ta rút lại lời tuyên bố ấy…”

“M… mẹ ạ”, Tony nói một cách chán chường. “Đây không phải là một vụ giao dịch mua bán. Đây là một nhà phê bình bày tỏ ý kiến của mình. Ý kiến của ông ta là con đáng bị treo cổ”.

“Con ạ, mẹ không thích để người ta xúc phạm đến con như thế. Chắc là mẹ không chịu đựng nổi rồi…” Nói xong bà ngưng bặt lại, không thể tiếp tục được nữa.

“Không hề gì đâu mẹ ạ. Con muốn thử tài con một chút. Con đã thử rồi và thất bại. Con không có cái mà nghề ấy đòi hỏi. Chỉ đơn giản có thế thôi. Con không thích lối nói của d’Usseau, nhưng ông ta là một trong những nhà phê bình nghệ thuật “chết tiệt” tài giỏi nhất trên thế giới. Con phải công nhận điều đó. Ông ấy đã giúp con thoát khỏi một sự lầm lẫn kinh khủng”.

“Tony ạ, mẹ ao ước có một điều gì đó mẹ có thể nói…”

“d’Usseau đã nói hết rồi. May mà con phát hiện được điều ấy ngay vào lúc này, còn hơn là chờ cho đến mười năm nữa, phải thế không mẹ? Con phải rời khỏi thành phố này”.

“Hãy ở đó chờ mẹ, con ạ. Mẹ sẽ đi Johannesburg ngày mai, rồi chúng ta sẽ cùng trở về New York với nhau”.

“Được rồi”, Tony nói. Anh đặt ống nghe xuống, quay về phía Dominique. “Xin lỗi Dominique, em đã chọn lầm một người bạn rồi”.

Dominique không nói gì. Nàng chỉ nhìn anh bằng những con mắt chứa đầy nỗi u sầu không nói được ra lời.

Trưa ngày hôm sau, ở văn phòng của Kruger-Brent trên đường Magnon, Kate Blackwell ngồi viết trên tấm ngân phiếu. Người ngồi đối diện với bà ở bàn viết thở dài nói, “Thật đáng tiếc. Cậu con trai bà có tài năng, bà Blackwell ạ. Lẽ ra anh ấy có thể trở thành một hoạ sĩ nổi danh”.

Kate nhìn ông ta, nét mặt lạnh lùng. “Ông d’Usseau ạ, hiện có hàng chục ngàn hoạ sĩ trên thế giới. Tôi không dự tính cho con trai tôi trở thành một trong đám đông người ấy”. Bà đưa tấm ngân phiếu ngang qua bàn viết. “Ông đã hoàn thành phần giao kèo của ông. Tôi cũng chuẩn bị làm tốt phần giao kèo của tôi. Hãng Kruger-Brent sẽ bảo trợ các Viện Bảo tàng nghệ thuật ở Johannesburg, London và New York. Ông sẽ phụ trách việc tuyển chọn các bức tranh – dĩ nhiên là ông sẽ nhận được tiền hoa hồng hậu hĩnh”.

Nhưng, sau khi d’Usseau đã ra về khá lâu rồi, bà ngồi ở bàn viết, tràn ngập một nỗi u sầu sâu đậm. Bà quá yêu thương con bà. Nếu như một ngày nào đó nó phát hiện ra điều này thì… Bà biết rõ điều rủi ro mà bà đã chấp nhận. Nhưng bà không thể ngồi đó để nhìn Tony vứt bỏ đi tài sản lớn lao nó sẽ thừa kế sau này. Dù cái giá phải trả như thế nào chăng nữa, Tony cũng phải được bảo vệ. Công ty phải được bảo vệ. Kate đứng dậy, đột nhiên cảm thấy mệt mỏi. Đã đến lúc bứng Tony đi, đưa anh ta về nhà. Bà sẽ giúp Tony quên đi câu chuyện này, để có thể bắt tay vào thứ công việc anh ta đã được sinh ra để hoàn tất.

Đó là điều khiển công ty.

Bình luận