Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thánh Giá Rỗng

Chương 13

Tác giả: Higashino Keigo

Hàng rào xanh trước cửa nhà Hamaoka so với trước kia dường như không được chăm sóc tỉa tót. Bây giờ cũng không phải là lúc để chăm sóc cây cảnh, Nakahara thầm nghĩ.

Sau khi anh bấm chuông, cửa ra vào tự động mở ra dù không hề có tiếng trả lời lại. Bà Satoe mặc một chiếc áo khoác len màu tím nhạt mỉm cười đón anh, “Chào anh.”

Nakahara hơi cúi đầu chào lại, mở cửa bước vào khuôn viên nhà.

Bà đưa anh vào một phòng khách bệt, ở giữa phòng là một chiếc bàn chân thấp, trong góc là bàn thờ có di ảnh của Sayoko.

Bà Satoe ra ý bảo anh ngồi xuống thảm, nhưng trước tiên anh muốn thắp hương cho Sayoko. Thắp hương xong, anh quay người lại, hướng về phía người phụ nữ từng là mẹ vợ mình, “Xin lỗi mẹ, con đến làm phiền lúc nhà đang bận rộn.”

“Không đâu”, bà xua tay, “Tôi với ông ấy biết ơn anh nhiều lắm, đến bây giờ anh vẫn quan tâm đến Sayoko như vậy. Hôm nay ông ấy cũng muốn gặp anh, nhưng lại bận việc với chỗ công ty ông ấy làm cố vấn nên phải đi. Ông ấy dặn tôi nhớ nói lại và xin lỗi anh.”

“Sức khỏe ba dạo này thế nào ạ?”

“Cũng bình thường. Ông ấy cũng lớn tuổi rồi.”

Bà Satoe với tay lấy ấm nước sôi đặt bên cạnh, châm nước vào ấm trà, mùi hương trà Nhật bay lên trong không khí. Bà đặt chén trà được để trên đĩa nhỏ lên bàn, ra ý mời anh.

“Con mời mẹ,” Nakahara tiến lại gần bàn uống nước, cầm chén trà lên.

“Con cũng đã nói trong điện thoại, đọc xong bản thảo của Sayoko con khá bất ngờ. Con cứ cho rằng cô ấy không nghĩ sâu xa đến vậy.”

“Tôi và ông ấy cũng bất ngờ lắm. Vậy nên, dù phải làm gì chúng tôi cũng muốn ý nguyện của con bé được đưa ra trong phiên tòa, tôi cũng đã nói với tiên sinh Yamabe.”

“Con hiểu. Thời gian tổ chức phiên tòa đã được quyết định chưa ạ?”

“Tiên sinh Yamabe nói chắc cũng sắp có thông báo rồi.”

“Hi vọng phiên tòa lần này không kéo dài quá lâu.”

“Thấy bảo bây giờ khác xưa, phiên tòa xét xử cũng được rút ngắn lại rồi. Hơn nữa, lần này hung thủ còn tự đầu thú, nên chắc không mất quá nhiều thời gian đi đến phiên tòa kết án đâu.”

“Vậy ạ. Con không rõ về cơ chế tòa án do dân phán quyết lắm, không biết sẽ tiến hành như thế nào ạ.”

“Thấy tiên sinh Yamabe nói, bồi thẩm đoàn là người dân bình thường, vì thế điểm quan trọng nhất là tạo ấn tượng như thế nào về vụ án. Bên kiểm sát vẫn nhấn mạnh tính bạo lực và tàn nhẫn của tội ác, nhưng bên luật sư có lẽ sẽ tập trung vào mặt tình cảm.”

“Tình cảm nghĩa là sao ạ?”

“Lần này chắc chắn họ sẽ nhấn mạnh việc hung thủ đã tự ra đầu thú. À đúng rồi, tiên sinh cũng có nói họ có thể yêu cầu tòa xem xét đến tuổi tác của bị cáo.”

“Tuổi tác ư? Ông ta bao nhiêu tuổi vậy mẹ?”

“68 tuổi. Thế nên, nếu phán quyết là 25 năm tù đi chăng nữa, khi ông ta ra tù cũng đã 93 rồi. Không phải án tù vô thời hạn nhưng cũng là phán quyết gần như vô thời hạn rồi. Nói thì cũng đúng thật. Nhưng nghe xong, tôi nghĩ, nếu không phải tử hình thì thế cũng tốt.”

Nakahara nhấp ngụm trà, thở ra một tiếng, “Khó có được phán quyết tử hình mẹ nhỉ.”

“Chắc là khó.” Bà Satoe nhìn xuống.

Nhưng họ vẫn hi vọng câu “Tử hình bị cáo” sẽ vang lên trong phiên tòa.

“Thứ anh nhờ tôi đã xếp gọn ở đằng kia rồi.” Bà hướng ánh nhìn về phía phòng khách bên cạnh. Căn phòng được ngăn cách với chỗ họ đang ngồi bằng một lớp cửa kéo đang mở. Trên sàn nhà là ba thùng các tông.

“Con xem qua được không ạ?”

“Được chứ.”

Nakahara đi sang phòng khách, ngồi xuống bên cạnh ba thùng các tông. Trong thùng là sách, tài liệu và sổ tay ghi chép, còn có cả máy ảnh kỹ thuật số và máy đọc sách điện tử.

Những thứ này vốn là đồ ở trong phòng Sayoko. Trước hôm nay, Nakahara đã gọi điện cho bà Satoe, ngỏ ý muốn được xem qua những đồ vật Sayoko dùng để làm việc. Sau khi đọc xong bản thảo kia, anh càng muốn biết người vợ cũ viết bản thảo đó dựa trên tài liệu, tình huống thế nào.

“Trong phòng nó vẫn còn nhiều sách và tài liệu lắm, nhưng tôi chỉ tìm những thứ có vẻ liên quan đến nội dung bản thảo xếp ra trước. Cái máy ảnh kia không biết có liên quan không, nhưng tôi cứ để cả vào.”

“Con biết rồi ạ. Con xin lỗi, chắc mẹ sắp xếp chỗ này mất công lắm.”

“Không sao đâu. À máy tính có bản thảo đó đây nhé.” Bà chỉ tay về phía cái bàn sô pha trong phòng, trên mặt bàn đặt một chiếc máy tính xách tay.

Nakahara ngồi xuống sô pha, “Con bật máy xem nhé.”

Sau khi khởi động xong, màn hình hiện lên yêu cầu nhập mật khẩu. Bà Satoe nói với anh mật khẩu là “SAYOKO”, cảnh sát đã đặt lại mật khẩu đó khi tạm giữ máy tính để điều tra.

Trong chiếc máy tính có rất nhiều dữ liệu khác nhau, đa phần là dữ liệu văn bản, được sắp xếp vào nhiều thư mục. Văn bản mới nhất được lưu trong máy là bài viết về bệnh nghiện ăn cắp vặt.

“Tôi cũng có xem qua, có vẻ con bé viết bài về nhiều vấn đề khác nhau. Nhà báo tự do cũng vất vả nhỉ.”

“Cô ấy vốn năng động mà, không như con.”

“Anh Michimasa cũng mạnh mẽ đó chứ. Gặp phải chuyện đó mà anh vẫn vượt qua được, và bắt đầu công việc mới. Hôm đám tang con bé mọi người đều phục anh lắm.”

“Không đâu ạ,” Nakahara cười khổ, gãi đầu. “Con chỉ là nối nghiệp ông bác, có phải chuyện gì đáng tự hào đâu.”

“Tôi ở trên tầng 2 nhé, nếu có gì anh cứ gọi.”

“Vâng. Con cảm ơn mẹ.”

Sau khi nhìn theo bóng lưng bà đi khuất, Nakahara quay về với chiếc máy tính xách tay. Anh tìm thấy nhiều tài liệu về án tử hình và án phạt trong đó, anh còn tìm thấy thư mục tổng hợp nhiều bài báo và vụ án điển hình.

Sau khi xem xong hết dữ liệu trong máy tính, anh quay sang xem xét đồ vật trong thùng các tông. Ở đó cũng có rất nhiều tài liệu và sách vở liên quan đến chế độ tử hình, tòa án hay phán quyết các loại. Có cả sách giải thích về cơ chế tham gia đối với người bị hại. Có lẽ bản thân Sayoko cũng không tưởng tượng được, chính ba mẹ cô sẽ sử dụng cơ chế này để tham gia vào phiên tòa xét xử vụ án giết hại chính mình, Nakahara nghĩ.

Anh tự hỏi không biết cô có ghi chú gì trong sách không, vì thế anh lật qua vài trang quyển sách đầu tiên. Đột nhiên một tờ giấy khổ B5 gập đôi rơi ra từ quyển sách xuống chân anh. Phần trên mảnh giấy ghi rõ “Thông báo ngày mở phòng tư vấn y tế cho trẻ em”, dưới dòng chữ đó là những con số ghi ngày tháng cụ thể. Sự kiện này được tổ chức khoảng một lần một tháng.

Có lẽ chỉ là tờ rơi thông báo bình thường, anh đang tính gập tờ giấy lại thì chợt dừng tay. Góc dưới tờ giấy có ghi Bệnh viện trực thuộc Khoa Y trường Đại học Keiai.

Nakahara nhớ mang máng gần đây đã nghe ai đó nói đến cái tên bệnh viện này. Anh cố lục tìm trong trí nhớ, rút cục cũng nhớ ra, là luật sư Yamabe nói với anh. Chồng của con gái hung thủ, hiện là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện trực thuộc Khoa Y trường Đại học Keiai.

Nhưng chắc không liên quan đâu, Nakahara nhún vai, gấp tờ giấy lại, đặt nó vào giữa cuốn sách đang mở. Có khi chỉ là trùng hợp thôi. Chắc tờ rơi này cô ấy giữ lại để đi tìm tư liệu cho bài viết nào khác. Khoa Y trường Đại học Keiai vốn nổi tiếng, Sayoko có đến đó để tìm tư liệu viết bài cũng không có gì lạ. Nó cũng không liên quan gì đến án tử hình. Nakahara đưa tay tiếp tục xem xét tài liệu, anh đã hoàn toàn quên đi tờ rơi kia.

Khi anh xem xong hết tài liệu và sách vở trong thùng các tông, ngẩng lên cũng là lúc bên ngoài trời đã sẩm tối. Bà Satoe cũng xuống nhà, pha cho anh một cốc cà phê.

“Anh có tìm được gì không?” Bà mở lời.

Nakahara thấp giọng đáp:

“Con hiểu ra một điều, sau khi ly hôn với con, Sayoko thậm chí còn theo đuổi vấn đề này nghiêm túc hơn nhiều. Con cảm nhận sâu sắc mong muốn giảm đi số lượng tội ác dã man của cô ấy. Thực sự con cảm phục cô ấy từ tận đáy lòng.”

Những lời đó không phải những lời đãi bôi. Chỉ nhìn qua số lượng sách báo, đọc qua tên tiêu đề tài liệu mà Sayoko thu thập được, ai cũng có thể cảm nhận rõ quyết tâm của cô.

“Nếu vậy, có lẽ tôi cũng nên suy nghĩ nghiêm túc về chuyện kia.”

“Chuyện kia là chuyện gì ạ?”

“Tôi có nói với anh rồi mà. Cô Hiyama ở bên nhà xuất bản nói sẽ giúp đỡ nếu tôi muốn xuất bản cuốn sách của Sayoko ấy.”

“À con nhớ ra rồi”, Nakahara gật đầu, “Con nghĩ là nên ạ. Con cũng tán thành.”

“Vậy tôi sẽ nói chuyện với cô ấy sau khi phiên tòa kết thúc. Cũng không biết là khi nào nữa, giờ tôi có quá nhiều việc phải làm.”

“Hay để con liên lạc với cô Hiyama đó cho ạ. Con cũng có gặp cô ấy ở tang lễ, nhân tiện con có chuyện muốn trao đổi thêm với cô ấy.”

“Vậy à, thế thì tôi nhờ anh nhé. Sayoko mà biết anh Michimasa đứng ra thay nó, hẳn ở thế giới bên kia nó cũng mãn nguyện.”

“Con không nghĩ con có thể đứng ra thay cô ấy được đâu ạ.”

Nakahara lấy chiếc máy ảnh kỹ thuật số ra khỏi thùng các tông. Dù bà Satoe có nói nó không liên quan đến chuyện án tử hình, nhưng anh muốn biết Sayoko chụp những gì trong lúc tìm tư liệu viết bài.

Hình ảnh hiện lên trên màn hình tinh thể lỏng sau khi được nạp điện. Bức ảnh đầu khiến anh hơi ngạc nhiên. Anh đã nghĩ sẽ là ảnh trong một trại giam nào đó, nhưng bức ảnh hiện lên lại là rừng cây um tùm rậm rạp, không một bóng người.

Nakahara bấm nút máy ảnh, xem tiếp các hình ảnh khác. Có nhiều bức ảnh chụp lại rừng cây rậm rạp, không phải vườn cây mà là rừng rậm. Không có hình ảnh nào chụp tên địa điểm. Ngày tháng chụp là mười ngày trước khi cô bị giết.

“Anh Michimasa, anh sao vậy?” Bà Satoe như cảm nhận được gì đó từ thái độ của Nakahara.

“À, không có gì ạ. Mẹ, mẹ nghĩ chỗ này là chỗ nào?” Anh chìa màn hình máy ảnh ra trước mặt bà.

Bà Satoe tỏ vẻ khó hiểu, “Tôi không biết. Là nơi nào được nhỉ?”

“Nhìn ngày tháng chụp thì hình như chỉ trước khi cô ấy gặp chuyện vài ngày. Sayoko có nói cô ấy đi du lịch chỗ nào không ạ?”

“Ờ… không thấy con bé nói gì.”

“Vậy ạ?”

Nakahara nhìn lại màn hình, có thứ gì đó vẫn canh cánh trong lòng anh. Giữa một Sayoko viết ra những lời phản biện gay gắt với ý kiến xóa bỏ chế độ tử hình, và bức ảnh rừng cây sâu thẳm này, anh không tìm được điểm kết nối nào giữa chúng.

Bình luận