Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thú Tội

Chương 4: Kẻ Cầu Đạo

Tác giả: Minato Kanae

Trước mắt tôi là một bức tường trắng. Đằng sau cũng là tường trắng. Bên trái, bên phải cũng là tường trắng. Bên trên, bên dưới cũng là tường trắng.

Từ lúc nào tôi đã ở một mình trong căn phòng chật chội trắng toát? Quay về hướng nào cũng thấy hình ảnh về vụ việc đó hiện lên trên tường, mãi không dứt.

Không biết tôi đã xem đi xem lại bao nhiêu lần rồi. Kìa, lại bắt đầu từ đầu rồi…

Cậu học sinh cấp hai mũi đỏ đang lê bước chầm chậm… Ngày đầu tiên.

Tôi đang co ro, còng lưng bước đi trong gió lạnh thì bị mấy đứa trong câu lạc bộ tennis mặc quần đùi, áo cộc tay chạy vượt qua. Bọn nó đang chạy như bay ra ga để tới lớp học thêm. Tôi chẳng làm gì sai, chỉ đang trên đường về nhà thôi mà thấy như có tội, còng lưng xuống hơn nữa, mắt nhìn vào mũi giày để không phải chạm mặt ai và rảo chân bước nhanh hơn. Dù tôi chẳng có việc gì ở nhà…

Tôi là kẻ xui xẻo. Từ lúc vào cấp hai tôi đã xui xẻo. Sang năm mới lại còn xui xẻo hơn nữa. Cái gì ư? Những mối quan hệ cá nhân, đặc biệt là với giáo viên. Chẳng hiểu sao mà huấn luyện viên ở câu lạc bộ, giáo viên ở lớp học thêm lẫn giáo viên chủ nhiệm đều khắt khe với tôi. Thế nên tôi có cảm giác gần đây đến bọn cùng lớp cũng coi thường tôi.

Ăn trưa cùng tôi là bộ đôi lập dị thích tàu điện và game khiêu dâm của lớp. Bởi vì sau khi là kẻ đầu tiên bị phạt của lớp, chỉ có hai đứa này chịu nói chuyện tử tế với tôi. Nhưng không phải vì thế mà tôi thân thiết với hai đứa nó. Đơn giản là tôi chỉ hứng thú với thứ mình thích. Bắt chuyện với tôi thì tôi trả lời, vậy thôi. Nhưng thế còn hơn là ở một mình. Thế mà tôi lại xấu hổ vô cùng khi bị bọn con gái cùng lớp nhìn thấy tôi cùng hai đứa đó.

Tôi không muốn đi học. Nhưng tôi làm sao nói với mẹ rằng tôi muốn nghỉ học vì lý do như thế được. Nói ra chắc mẹ sẽ thất vọng lắm. Vì ở giai đoạn này, tôi đã là đứa con phản bội lại kỳ vọng của mẹ rồi. Kỳ vọng của mẹ là muốn tôi trở thành người đứng trên kẻ khác. Giống như em trai mẹ, cậu Koji.

Mẹ luôn tự hào nói với họ hàng và hàng xóm rằng tôi là đứa con “tốt bụng”. “Tốt bụng” là gì thế? Nếu tôi tham gia hoạt động tình nguyện thì không nói, đằng này tôi chẳng nhớ mình đã làm gì để được nói là “tốt bụng”. Vì chẳng có gì để khen nên mẹ đành lừa dối bản thân bằng từ “tốt bụng”. Nếu vậy thì thà đừng khen còn hơn. Tuy tôi không muốn bị xếp chót nhưng cũng chẳng cay cú khi không được đứng đầu.

Kể từ khi biết nhận thức xung quanh tôi đã lớn lên với những lời khen ngợi nên cứ nghĩ mình thông minh và biết chơi thể thao. Khi đi học ở một trường tiểu học đông đúc dù chỉ ở quê, đến năm lớp Ba tôi nhận ra đó chỉ là ước nguyện của mẹ, trên thực tế tôi có cố gắng đến mấy cũng chỉ trên mức trung bình.

Thế nhưng mẹ tiếp tục tự hào giới thiệu với mỗi vị khách đến nhà tấm giấy khen duy nhất tôi nhận được hồi tiểu học được mẹ lồng khung treo trong phòng khách. Giấy khen tôi giành được giải Ba trong cuộc thi viết chữ đẹp hồi lớp Ba. Nếu không lầm thì tôi đã viết chữ “bầu cử” bằng chữ mềm. Tôi nhớ giáo viên chủ nhiệm khi ấy đã khen: “Chữ em ngay thẳng quá.”

Khi tôi lên cấp hai, nỗi tự hào ấy của mẹ không còn nữa, thay vào đó là dồn dập lời khen “tốt bụng”. Khó chịu hơn cả là thỉnh thoảng mẹ lại gửi thư cho nhà trường. Tôi biết chuyện ấy sau bài kiểm tra giữa kỳ học kỳ một.

Trong giờ sinh hoạt lớp, cô chủ nhiệm Moriguchi đọc tên ba người có tổng điểm cao nhất. Là ba đứa nhìn bề ngoài đã thấy có vẻ học giỏi. Tôi vừa vỗ tay vừa thầm khâm phục chứ không hề ghen tị. Vì tôi vốn không thuộc đẳng cấp ấy. Mizuki sống gần nhà tôi xếp thứ hai nên tôi đã kể cho mẹ trong bữa tối, nhưng mẹ chỉ nói với vẻ không mấy quan tâm “Ồ, thế à”. Ấy vậy mà…

Vài ngày sau, tôi tình cờ tìm thấy một lá thư viết dở bị vứt trong thùng rác ở phòng khách.

“Tôi thấy lo lắng khi có một giáo viên đi ngược lại dòng phát triển của thời đại đang chú trọng phẩm chất của từng cá nhân, khen ngợi những học sinh đạt thứ hạng cao trước mặt bọn trẻ.”

Tôi hiểu ngay đây là thư than phiền về Moriguchi. Tôi lập tức mang lá thư vào bếp và cằn nhằn với mẹ.

“Mẹ đừng viết mấy thư kiểu này gửi tới trường. Khác gì bảo con hậm hực vì học không giỏi đâu.”

Thế là mẹ dịu dàng nói.

“Nao, con đang nói gì vậy. Hậm hực gì. Mẹ chỉ nói chuyện xếp hạng là không tốt thôi. Mẹ đang phản đối chuyện thông báo những bạn đạt điểm cao đấy chứ. Chỉ những đứa trẻ điểm cao mới đặc biệt thôi à? Là những con người ưu tú? Đâu phải vậy chứ? Thế cô giáo có xếp hạng những bạn tốt bụng không? Có xếp hạng những bạn chăm chỉ làm vệ sinh không? Có tuyên dương đầy đủ các bạn đó trước mọi người không? Đó là điều mẹ muốn nói.”

Thật xấu hổ. Dù mẹ nói có vẻ có lý, nhưng nếu như tôi được nêu tên là học sinh đạt điểm cao thì chắc chắn mẹ sẽ không viết lá thư này. Đơn giản chỉ vì mẹ đang thất vọng thôi.

Từ đó, mỗi khi mẹ tự hào nói “tốt bụng” là tôi lại thấy xấu hổ. Xấu hổ, xấu hổ, xấu hổ…

Nghe tiếng lọc cọc đằng sau, tôi đứng lại thì đứa con gái cùng lớp hùng hổ đạp xe vượt qua. Lúc qua trước mặt tôi, nó chào “Nao, bye bye”. Tôi lôi điện thoại trong túi ra giả vờ kiểm tra tin nhắn dù điện thoại không hề đổ chuông, khịt mũi rõ to dù không hề bị cảm rồi lại bước tiếp.

Đột nhiên có ai đó vỗ vai tôi.

Là Watanabe học cùng lớp.

“Này, Shimomura. Hôm nay rảnh không? Tớ có băng phim hay lắm, Shimomura có xem cùng không?”

Tôi giật mình. Tuy ngồi cạnh nhau sau lần đổi chỗ hồi tháng Hai nhưng tôi chẳng mấy khi nói chuyện với cậu ta. Học khác trường tiểu học, lại chưa trực nhật hay làm phân ban chung bao giờ.

Hơn nữa tôi cũng hơi ngại Watanabe. Vì năng lực trí tuệ hai bên hoàn toàn khác nhau. Cậu ta chẳng đi học thêm mà hầu như môn nào cũng đạt điểm gần tuyệt đối, vào kỳ nghỉ hè còn đoạt giải trong Triển lãm sáng tạo khoa học toàn quốc. Song điều tôi ngại không chỉ có vậy.

Watanabe thường ngày hay ở một mình. Đầu giờ buổi sáng hay giờ ra chơi, cậu ta ngồi đọc những cuốn sách nom có vẻ khó, sau giờ học cũng không tham gia câu lạc bộ mà biến mất khỏi trường ngay. Điều ấy giống với tình hình của tôi gần đây, song khác biệt mang tính quyết định là trông cậu ta không hề thấy xấu hổ.

Không phải cậu ta không có bạn mà là tự cậu ta tránh xa mọi người. Không muốn chơi với bọn ngốc, kiểu như vậy. Điều đó khiến tôi e ngại. Chẳng hiểu sao tôi lại nhớ đến cậu Koji.

Vậy nhưng Watanabe lại được bọn con trai trong lớp đánh giá cao. Thậm chí còn có đứa ngu xuẩn nói những câu tâng bốc nực cười mong được cậu ta ưu ái. Không phải vì cậu ta học giỏi. Mọi người không thể hiện sự ngưỡng mộ với điều ấy. Mà vì bằng tài năng của mình, cậu ta đã khôi phục thành công chín mươi phần trăm những chỗ bị làm mờ trong băng phim người lớn. Nghe nói hình ảnh khá rõ nét.

Nghe lời đồn ấy tôi cũng muốn xem thử nhưng chưa nói chuyện bao giờ mà tự dưng bảo “Cho tớ mượn băng phim người lớn đi” thì không được.

Ấy vậy mà Watanabe lại chủ động bắt chuyện. Chuyện quái gì thế nhỉ?

“Sao lại là tớ?”

Rất có thể tôi đang bị trêu. Rất có thể mấy thằng cùng lớp đang nấp ở đâu đó thích thú nhìn xem tôi phản ứng như thế nào. Nghĩ vậy tôi nhìn xung quanh nhưng chẳng thấy ai.

“Tớ muốn nói chuyện với Shimomura từ trước rồi nhưng mãi chẳng có cơ hội. Shimomura vẫn còn tiềm năng mà. Điều ấy khiến tớ ghen tị.”

Hình như Watanabe nói xong còn cười vẻ ngượng nghịu. Nét mặt không hề tự nhiên song đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy cậu ta cười.

Nhưng mà, ghen tị? Đúng là tôi có ghen tị với Watanabe, nhưng vế ngược lại thì hoàn toàn không tin nổi.

“Tại sao?”

“Tớ ấy mà, mọi người đều nghĩ tớ là thằng mọt sách đúng không. Nói thế cứ như tớ đang cố hết sức vậy, xấu hổ lắm.”

“Thế à? Tớ không nghĩ thế…”

“Không, tớ thảm bại rồi. Học kỳ một Shimomura nhởn nhơ nhìn bọn xung quanh, sang đến kỳ hai là điểm số tăng vọt còn gì.”

“Chuyện đó có là gì. Sao so được với Watanabe.”

“Nhưng đó vẫn chưa phải chạm đỉnh của cậu đúng không. Ai chà, oách ghê.”

Oách? Tôi ư? Chưa từng ai nói với tôi như vậy kể từ khi tôi sinh ra, từ bọn con trai, bọn con gái hay thậm chí là mẹ. Không hiểu sao tim tôi đập thình thịch, má nóng bừng.

Từ hồi nghỉ hè tôi bắt đầu đi học thêm nên điểm số có tăng một chút nhưng thực ra đã là cố hết sức từ lâu rồi. Vừa bị giáo viên ở lớp học thêm mắng, vừa bị phạt vì chuyện đó nên tôi đã nghỉ học thêm từ tháng trước bởi nghĩ dù cố thế nào tôi cũng chỉ trên được mức trung bình.

Nhưng nghe Watanabe nói như vậy tôi lại nghĩ có khi mình vẫn còn tiềm năng. Cậu ta đã nhìn ra bản chất mà ngay cả tôi cũng không nhận ra.

Tôi muốn làm bạn với Watanabe. Tôi thật lòng nghĩ thế.

Lần thứ hai tôi đến thăm “phòng nghiên cứu” của Watanabe trong căn nhà mái bằng cũ cạnh bờ sông. Lần này tôi mang theo cả bánh quy cà rốt mẹ nướng.

Trên màn hình tivi lớn loại mới nhất đang chiếu cảnh bầy xác sống biến thành vũ khí sinh học đi lang thang trong đêm.

Watanabe tuy thích khôi phục lại những chỗ bị làm mờ trong phim người lớn song hình như không có hứng thú với nội dung phim. Nghe nói cậu ta có ác cảm về mặt sinh lý. Tôi cũng được cho xem một lần, đang tưởng tượng là cái gì bậy bạ thì trên màn hình xuất hiện một vũ đài rồi có mấy cô nàng tóc vàng trần truồng bắt đầu chơi đấu vật trong đó. Cuộc vật lộn hấp dẫn tới nỗi tôi cũng bị cuốn theo.

Thế nên bọn tôi chuyển sang xem phim bình thường, đến cửa hàng băng đĩa trước ga thuê phim hành động kinh dị nước ngoài. Ở nhà mẹ tôi cấm xem những phim bắn nhau loạn xạ. Nhưng phim hay thế này cơ mà. Nữ chính xinh đẹp xả súng máy không thương tiếc vào đoàn quân xác sống. Trông cô ta có vẻ rất sung sướng.

“Thích thật… Mình cũng muốn thử.”

Tôi bất giác lẩm bẩm. Nghĩ bị nghe thấy, tôi quay sang nhìn Watanabe thì bốn mắt gặp nhau.

“Cậu có muốn trừng phạt ai đó không?”

Watanabe hỏi.

“Trừng phạt?”

Tôi hỏi nhưng Watanabe chỉ nói: “Chờ hết phim đã” rồi lại nhìn màn hình. Nếu là nhân vật chính trong phim, ý cậu ta là vậy à? Tôi cũng nhìn tiếp màn hình. Lũ xác sống đã bị súng máy bắn tung lại bắt đầu lảo đảo đứng dậy. Nếu đây là hiện thực thì đúng là ác mộng.

Việc tiêu diệt lũ xác sống rốt cuộc không thể đi đến hồi kết, chắc phải tới phần hai.

“Nếu trong thành phố toàn là xác sống thì cậu sẽ làm gì?”

Vừa ăn bánh quy cà rốt mẹ nướng, tôi vừa hỏi Watanabe. Đột nhiên cậu ta đứng dậy, lôi từ trong ngăn kéo bàn ra một thứ gì đó. Chiếc ví đựng tiền xu màu đen.

“Đây là cái ví giật mình à?”

“Là nó đấy. Thực ra tớ đã tăng điện áp của nó nhưng vẫn chưa đem thử. Shimomura chạm thử không?”

Tôi lắc đầu thật mạnh.

“Đùa thôi đùa thôi. Cái này làm ra để trừng phạt kẻ xấu nên tớ nghĩ cũng phải thử với kẻ xấu chứ.”

Nói rồi Watanabe đặt chiếc ví trước mặt tôi. Nhìn thế nào nó cũng chỉ là một chiếc ví đựng tiền xu có khóa kéo.

“Có thể trừng phạt bằng cái này à?”

“Cơ chế là chạm vào khóa thì sẽ bị điện giật. Nếu chỉ ở mức giật mình á lên rồi ngã phịch xuống thì chắc có thể đấy. Cậu có muốn nhìn bộ dạng đó của kẻ xấu không?”

“Có chứ có chứ. Vậy có thể trừng phạt ai?”

“Vấn đề là ở chỗ đó. Vì tớ không đủ khả năng nên nhìn xung quanh thấy ai cũng là kẻ xấu… Shimomura, cậu chọn giúp tớ xem?”

“Tớ á?!”

Giọng nói đã vô tình phản lại tôi. Song tôi rất hào hứng. Trừng phạt kẻ xấu bằng công cụ Watanabe phát minh. Người chọn mục tiêu là tôi. Chẳng phải giống như nhân vật chính trong phim sao. Kiểu như Watanabe là tiến sĩ còn tôi là phụ tá.

Tôi vắt óc suy nghĩ. Không phải kẻ thù của tôi mà là kẻ thù của chúng tôi. Vậy thì đúng là giáo viên rồi. Kẻ lúc nào cũng hợm hĩnh.

“Tokura có được không?”

“Cũng được… Nhưng tớ không muốn dây vào ông thầy đó.”

Gợi ý lập tức bị gạt đi. Thế thì giáo viên chủ nhiệm. Kẻ ưu tiên con mình hơn cả học sinh.

“Vậy chọn Moriguchi đi.”

“Không, tớ đã thử với cô ta một lần rồi… Chắc cô ta không bị lừa lần thứ hai đâu.”

Lần này cũng bị gạt đi. Mình chẳng đưa ra được ý kiến nào nữa. Watanabe khẽ thở dài rồi bắt đầu mân mê mấy dụng cụ đặt trên bàn vẻ chán nản.

Có lẽ cậu ấy đang hối hận vì chọn tôi làm bạn. Nếu cậu ấy không đồng ý với đề xuất thì kế hoạch này sẽ không có giá trị. Không, thay vì bỏ kế hoạch có lẽ cậu ta sẽ gọi một người khác. Và rồi hai người sẽ cùng nhau cười vào mặt tôi.

Thằng đó đúng là vô dụng. Chẳng được tích sự gì.

Không đời nào tôi chịu cảnh thảm hại như vậy. Thảm hại… Bể bơi lạnh và bẩn. Sự thảm hại khi phải một mình dọn dẹp cái chỗ ấy. Trong khi tôi chẳng có lỗi gì. Tôi không ghét dọn dẹp mà ghét người khác nhìn thấy mình đang bị phạt. Vậy nên khi nhác thấy bóng người, tôi vội trốn ngay vào phòng thay đồ. Song người đi vào lại là…

Đứng rồi, đứa bé đó có được không nhỉ.

“Này, con của Moriguchi thì sao? Cơ hội tốt để trừng phạt một giáo viên ưu tiên con hơn học sinh phải không?”

Bàn tay đang nghịch đống dụng cụ của Watanabe dừng lại.

“Được đấy. Tớ chưa gặp bao giờ nhưng hình như thỉnh thoảng cô ta vẫn đưa đến trường nhỉ.”

Watanabe rõ ràng rất hứng thú. Tôi mừng thầm trong lòng. Đã qua vòng một. Muốn chứng tỏ mình có ích hơn nữa, tôi đã kể ra chuyện con gái Moriguchi đòi cái ví ở Happy Town nhưng không được mua cho.

“Thế à. Cỡ như cái ví đó thì còn tăng công suất lên được nữa. Tuyệt lắm, Shimomura. Đúng như tớ nghĩ. Nhờ cậu mà chuyện trở nên thú vị hơn tớ tưởng tượng rất nhiều.”

“Vậy đi mua nhanh thôi. Nếu họ bán hết rồi thì nguy!”

Hai chúng tôi đạp xe tới trung tâm mua sắm Happy Town nằm ven đường quốc lộ bên ngoài thị trấn.

Khu mua sắm đặc biệt dành cho ngày cuối tuần đông kinh khủng. Còn bốn ngày nữa là tới Valentine. Tôi len lỏi qua các bà, các cô và nữ sinh cấp ba để tới gian hàng cần tới.

“Cái này cái này. May quá. Còn một cái cuối cùng thôi, nhanh lên.”

Vuốt lại mái tóc rối bù, tôi cho Watanabe xem cái ví Watausa chiến lợi phẩm.

“Cái cuối cùng à, may ghê.”

Watanabe nói. Đúng vậy, nếu như bán hết thì kế hoạch này coi như đi tong. Cái cuối cùng, đến vận may cũng làm đồng minh với chúng tôi.

Mỗi đứa trả một nửa tiền để mua cái ví rồi mở cuộc họp tác chiến ở quán hăm bơ gơ Domino trên tầng hai.

“Cái ví giật mình cơ chế thế nào vậy?”

Tôi vừa gặm bánh vừa hỏi.

“Đơn giản lắm. Đầu tiên, giả sử đây là khóa kéo thì nó sẽ đóng vai trò công tắc.”.

Watanabe xếp những miếng khoai tây lên cái khay và giải thích song tôi chẳng hiểu gì.

“Tớ giải thích thế cậu có hiểu không?”

“A, ừ, hóa ra là vậy. Khá đơn giản nhỉ.”

Không muốn làm Watanabe thất vọng nên tôi đáp như vậy, đâm ra thấy mình cũng hiểu thật.

Ngoài ra, tôi vô cùng sung sướng vì được ở đây. Tôi đến đây cùng chị bé mấy lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên đi với bạn. Hồi tiểu học tôi đã rất ngưỡng mộ những nhóm học sinh cấp hai, cấp ba ngồi trong những cửa hàng thế này. Cuối cùng ước mơ đã thành hiện thực. Hơn nữa, so với câu chuyện ngớ ngẩn của bọn kia thì chúng tôi nói chuyện cao cấp hơn nhiều. Đây là một cuộc họp tác chiến bí mật.

“Mà này, sao đứa bé đó lại tới bể bơi?”

Watanabe vừa nhai khoai tây vừa hỏi. Giờ đến phiên tôi.

“Là con chó, con chó. Cậu không biết ngôi nhà phía sau hàng rào có một con chó đen à?”

“À, con chó lông xù đó hả?”

“Đúng rồi, nó đến cho con chó ăn. Nó giấu thứ giống như bánh mì bên dưới áo.”

“Hả, sao nó lại làm thế nhỉ. Người nhà ấy đâu?”

“Nói mới thấy, một tuần rồi không thấy ai cả. Có khi họ đi du lịch rồi? Nhưng vẫn nên kiểm tra lại.”

“Kiểm tra thế nào?”

“Đúng rồi! Mình thử ném quả bóng chày sang đấy rồi lấy cớ sang lấy lại để vào sân nhà bên đó.”

Trong đầu tôi liên tục nảy ra ý tưởng. Đây là lần đầu tiên. Watanabe chịu trách nhiệm phát minh, còn tôi chịu trách nhiệm tác chiến. Tôi là phụ tá của Watanabe rồi còn gì. Là chiến hữu.

Tôi đề xuất với Watanabe: “Làm theo các bước thế này được không.”

1. Để không bị ai làm phiền, tôi sẽ đi thám thính trước.

2. Gặp nhau và nấp trong phòng thay đồ để chờ đứa bé.

3. Khi đứa bé đến, tôi sẽ bắt chuyện trước (vì Watanabe có nụ cười cứng đờ).

4. Watanabe đưa cho đứa bé cái ví (nói là do mẹ nó nhờ).

5. Sau đó tôi sẽ giục nó mở ra xem.

“Hay quá.”

Watanabe nói vẻ hài lòng. Tôi thử tưởng tượng ra cảnh đứa bé giật mình ngã phịch xuống đất. Buồn cười không thể chịu nổi.

“Không biết nó có khóc không nhỉ? Cậu nghĩ sao hả Watanabe?”

Thấy tôi không ngừng cười, Watanabe cũng khẽ cười và đáp:

“Không khóc đâu.”

“Hả, tớ nghĩ nhất định nó sẽ khóc. Đúng rồi, cá đi. Ai thua sẽ phải khao một suất Domino nhé?”

“Được thôi.”

Chúng tôi cụng ly bằng Coca-Cola.

Cậu thiếu niên vừa dáo dác nhìn quanh, vừa lẻn vào bể bơi… Một tuần sau khi kế hoạch bắt đầu.

Từ sáng, không, mấy ngày nay rồi, tôi cứ háo hức không yên. Có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ khi lên cấp hai, tôi thấy đi học vui.

“Chuẩn bị sao rồi?”

Sau tiết hai, tôi bí mật hỏi Watanabe thì nhận được câu trả lời: “Hoàn hảo”. Để kế hoạch không bị lộ, ở trường chúng tôi vẫn không trò chuyện giống như trước.

Bài giảng khó lọt vào tai hơn cả mọi hôm, đến tiết thứ năm là tiết Khoa học, tôi phải cố lắm mới nhịn được cười mỗi khi bắt gặp ánh mắt Moriguchi. Thời gian trôi qua trong nháy mắt.

Sau giờ học, tôi một mình đi tới bể bơi. Tôi nhìn quanh để chắc chắn rằng không có ai cả. Giờ tôi lại thấy thật may khi không có đứa nào khác bị phạt.

Tôi bắt gặp ánh mắt con chó đen đang thò mõm qua hàng rào. Hôm nay cũng không thấy có ai trong nhà. Nhưng để cho chắc, tôi lôi từ trong cặp ra quả bóng nhặt ở đằng sau phòng tập của câu lạc bộ bóng chày và ném sang. Rồi giả bộ như vừa lỡ tay, tôi leo qua hàng rào. Tôi đi một vòng, thử bấm chuông và chờ một lúc vẫn không có ai trả lời, cũng không thấy có người trong nhà.

Tuyệt vời, hoàn hảo lắm.

Tôi trèo qua hàng rào quay lại bể bơi. Suốt thời gian đó, con chó đen cứ nhìn tôi nhưng không biết vì già rồi hay do ngu đần mà nó chẳng sủa tiếng nào.

Tôi vừa gửi tin nhắn cho Watanabe bảo “Bước 1 xong” thì chưa đầy năm phút sau, cậu ta đã tới.

“Hoàn hảo rồi!”

Tôi giơ ngón tay cái.

Chúng tôi vào phòng thay đồ rồi nấp sau cánh cửa. Vốn nó vẫn không khóa. Triển khai bước thứ 2. Trong phòng thay đồ tối mờ mờ và đầy bụi, chẳng hiểu sao tôi thấy giống như trò “căn cứ bí mật” chơi hồi nhỏ, hồi mà tôi nghĩ rằng mình có thể làm được mọi thứ. Mà không, chính từ giờ tôi sẽ làm được mọi thứ. Nếu như làm cùng Watanabe.

Tôi nhìn sang Watanabe. Hình như cậu ta đang kiểm tra cái ví lần cuối. Nhìn thế nào cũng chỉ là một cái ví bình thường, thế mà lại có thể bị giật điện vì nó, tuyệt hảo.

“Watanabe này. Hôm nào đến nhà tớ chơi đi. Mẹ tớ bảo nhất định cậu phải đến. Còn bảo sẽ làm bánh nữa. Hình như mẹ rất vui khi tớ có một đứa bạn giỏi giang. Tuy mẹ tớ đã viết thư than phiền chuyện trường xếp hạng học tập nhưng khi tớ bảo chơi thân với Watanabe thì mẹ tớ nói ngay: Ái chà, bạn xếp thứ nhất ấy hả? Mẹ tớ nhớ kỹ lắm. Nhà tớ thì chẳng dám so với phòng học của Watanabe nhưng bánh mẹ tớ làm ngon hơn cả mấy tiệm quanh đây. Đúng rồi, hôm nay luôn đi, để ăn mừng. Để tớ bảo mẹ làm một cái thật hoành tráng. Watanabe, kem tươi với sô cô la, cậu thích cái nào?”

“Suỵt.” Watanabe giơ ngón tay lên. Tôi nhìn ra thì thấy một bé gái đang lách qua cổng bể bơi. “Watanabe, là đứa bé đó đấy.”

Chúng tôi khẽ nhoài người ra để quan sát động thái của con gái Moriguchi.

Đứa bé không có vẻ gì là thấy chúng tôi, nó đi qua bể bơi, tiến thẳng tới con chó đen đang thò mõm qua hàng rào.

“Muku, đồ ăn đây”

Nói rồi nó ngồi xuống trước mặt con chó, lôi cái bánh từ trong áo ra rồi xé nhỏ và cho chó ăn. Nó sung sướng nhìn con chó đen vừa vẫy đuôi vừa ăn thun thút. Cái bánh thoáng chốc đã hết.

“Hẹn lần sau nhé.”

Đứa bé phủi vụn bánh rồi đứng lên.

Tôi nhìn Watanabe. Watanabe gật đầu. Hai đứa tôi từ từ tiến lại gần đứa bé. Triển khai bước thứ 3. Đầu tiên, tôi gọi.

“Xin chào, em là Manami đúng không?”

Con gái Moriguchi giật mình quay lại. Tôi tiếp tục với một nụ cười.

“Bọn anh là học sinh lớp mẹ em. Nhớ không, anh mới gặp em hôm trước ở Happy Town ấy.”

Đúng như kế hoạch. Song đứa bé hết nhìn tôi lại nhìn Watanabe với ánh mắt cảnh giác.

“Em thích chó hả? Bọn anh cũng thích lắm. Nên thỉnh thoảng bọn anh cũng đến cho nó ăn như em vậy.”

Watanabe nói. Câu thoại này không được bàn trước. Song con bé tỏ vẻ vui mừng. Xác nhận xong, Watanabe chìa cái ví giấu sau lưng ra cho con bé. Bước 4.

“Watausa!”

Con bé reo lên. Watanabe gượng cười, ngồi thấp xuống để ngang tầm mắt với con bé.

“Mẹ không mua cho em đúng không. Hay là mẹ mua rồi?”

Đây là câu thoại tôi phải nói. Con bé lắc đầu.

“Đúng là chưa mua nhỉ, vì mẹ em đã nhờ bọn anh mua mà. Ừ, tuy hơi sớm nhưng đây là quà Valentine của mẹ em đấy.”

Nói rồi, Watanabe quàng cái ví vào cổ con bé.

“Là mẹ ạ?”

Con bé nở nụ cười hạnh phúc. Tôi vốn thấy nó không giống Moriguchi lắm nhưng cười lên thì y hệt.

“Đúng rồi. Bên trong có sô cô la đấy, em mở ra xem đi.”

Đây là câu thoại quyết định dành cho tôi cơ mà. Tôi hơi cáu vì Watanabe tự tiện cướp mất. Nhưng giờ không phải lúc tức giận, sắp đến cao trào rồi. Con gái Moriguchi vuốt vuốt gương mặt Watausa làm bằng vải mềm mấy lần rồi đặt tay lên khóa kéo.

Đây rồi! Giật bắn mình rồi ngã phịch xuống!… Nhưng không.

Cùng với một tiếng tách nhỏ, cả người con bé co giật rồi từ từ ngã ngửa ra như một thước phim quay chậm. Mắt nhắm nghiền, hoàn toàn bất động.

Cái gì xảy ra vậy?… Chẳng lẽ, con bé chết rồi?

Nghĩ đoạn, người tôi run bắn, bất giác túm chặt lấy Watanabe.

“Là sao đây, chuyện này là sao. Nó không cử động nữa kìa.”

Watanabe chẳng nói năng gì. Tôi từ từ ngẩng lên nhìn thì thấy cậu ta đang cười. Một nụ cười mãn nguyện. Không có chút gượng gạo nào. Nụ cười ấy hướng về phía tôi.

“Cứ nói với mọi người đi.”

Hả? Cái gì?

Chẳng để tôi hỏi lại, Watanabe gạt tay tôi ra như gạt rác rồi nói “Thôi, tớ về đây”, đoạn quay lưng đi.

Khoan đã, là sao!

Rõ ràng tôi đang hét lên mà chẳng ra tiếng. Như sực nhớ ra, Watanabe dừng bước và ngoảnh lại.

“À, đúng rồi. Đừng lo chuyện tòng phạm nhé. Vì ngay từ đầu tao đã không coi mày là chiến hữu. Tao ghét nhất loại không có tài mà tự ái lại cao. Đối với một nhà phát minh như tao thì mày đúng là sản phẩm thất bại của con người.”

Sản phẩm thất bại của con người? Sản phẩm thất bại, sản phẩm thất bại… Chờ đã, Watanabe. Đừng để tớ ở đây!

Tôi muốn bỏ chạy nhưng chân lại không chịu nhúc nhích. Giọng nói của Watanabe không ngừng vang lên trong đầu. Trước mắt tôi tối sầm lại.

A, đã hoàng hôn rồi sao.

Tiếng chuông làm tôi giật mình. Tôi tưởng như mình đã đứng chôn chân hàng giờ đồng hồ trong bóng tối, song thực tế mới chỉ có năm phút trôi qua kể từ lúc Watanabe bỏ về. Những lời Watanabe nói vẫn quanh quẩn trong đầu tôi.

Chắc chắn cậu ta có ý định giết người ngay từ đầu. Tôi đã bị lợi dụng. Nhưng rốt cuộc để làm gì?

Cứ nói với mọi người đi.

Vì lý do đó ư? Nếu tôi nói toàn bộ sự thật với cảnh sát thì chắc chắn Watanabe sẽ bị bắt. Chẳng lẽ cậu ta muốn vậy. Cậu ta muốn trở thành kẻ giết người à. Nếu là Watanabe thì có thể lắm. Nhưng tôi có được vô tội không nhỉ. Nhỡ Watanabe nói dối cảnh sát thì sao. Nhỡ cậu ta nói không biết gì hết. Hoặc nói là bị tôi lôi kéo thì xong đời.

Tôi gục đầu xuống thì bắt gặp chiếc ví Watausa. Kẻ nhìn thấy con gái Moriguchi vòi xin cái ví này chẳng phải là tôi sao. Tôi gỡ cái ví ra khỏi cổ đứa bé đang nằm ngửa rồi ném mạnh ra xa.

Như vậy được chưa nhỉ? Không còn gì để nghi ngờ mình nữa chứ? Cứ thế này bỏ chạy và im lặng thì sẽ không bị cảnh sát bắt đâu nhỉ? Không, không được. Nếu chết vì bị giật điện thì nhất định cảnh sát sẽ truy tìm hung thủ. Vậy thì chuyện Watanabe bị bắt chỉ là vấn đề thời gian. Rồi nếu Watanabe phản bội thật thì…

Đúng rồi, làm như bị ngã xuống bể bơi là xong. Tự nó đã ngã xuống bể bơi. Đúng rồi! Đúng rồi! Là tự nó ngã xuống.

Giờ không phải lúc phân vân. Tôi bế con bé lên bằng cả hai tay, tránh nhìn vào mặt. Nó nặng hơn tôi nghĩ. Rồi tôi cũng xoay xở đi đến được mép bể bơi, chỉ cần sơ sẩy là tôi sẽ ngã xuống theo luôn. Để không phải chạm chân vào mặt nước bẩn nổi đầy lá khô, tôi từ từ giơ hai tay ra phía trước.

Không được, phải cố để không gây ra tiếng động nào.

Tôi khuỵu gối, vừa giữ thăng bằng vừa ngồi thấp xuống. Đúng lúc ấy, cơ thể con bé khẽ giật nhẹ. Rồi mắt nó từ từ mở ra. Tôi bất giác bật ra một tiếng nấc, suýt thì đánh rơi đứa bé xuống bể bơi.

Nó còn sống! Còn sống! Còn sống!

Tôi nhẹ cả người, nửa cười nửa mếu.

Sản phẩm thất bại của con người.

Những lời Watanabe nói khi bỏ về lại hiện ra trong đầu khi tôi đã hoàn toàn tỉnh táo. Thái độ hoàn toàn coi thường tôi. Đúng là cậu ta muốn thành kẻ sát nhân. Lợi dụng tôi. Nhưng đứa bé vẫn còn sống. Kế hoạch của Watanabe thất bại rồi.

Thất bại! Thất bại! Cậu thất bại rồi mà! Chính cậu mới là kẻ ngốc vì đã không nhận ra.

Không rõ việc tôi nhìn thấy con gái Moriguchi dần lấy lại ý thức và việc tôi thả tay ra, việc nào xảy ra trước. Tôi rời khỏi bể bơi mà không ngoảnh lại nhìn. Chân tôi không còn run nữa.

Tôi đã làm thành công việc mà Watanabe thất bại.

Cậu thiếu niên thức dậy với khuôn mặt rạng rỡ…

Sau hôm xảy ra sự việc.

Tôi vừa xuống bếp thì mẹ đang làm món trứng với thịt hun khói quay lại nói: “Nao, nguy rồi.” Trên bàn là tờ báo sáng đang mở ở trang tin tức địa phương. Gần chính giữa tờ báo là dòng tiêu đề:

Bé gái bốn tuổi chết do ngã xuống bể bơi khi lẻn vào cho chó ăn.

Chết vì bị ngã. Chuyện đã lên báo rồi. Tôi đọc bài báo thì thấy người ta hoàn toàn cho rằng là do tai nạn. Thắng lớn rồi. “Cô Moriguchi gặp phải chuyện kinh khủng nhỉ. Nhưng ai lại đưa con đến trường chứ. Định dạy học thế nào. Thi cuối kỳ đến nơi rồi… Mà Nao, có chuyện này.”

Mẹ lôi từ sâu trong tủ bát đĩa ra một chiếc hộp gói giấy đỏ, buộc nơ vàng rồi đặt lên trên tờ báo đang mở. Bài báo về con gái Moriguchi bị che khuất hoàn toàn.

“Đây, sô cô la Valentine.”

Mẹ cười, tôi cũng đáp lại bằng nụ cười tươi nhất.

Năm nay chị bé không ở nhà nên chắc chỉ có chừng này sô cô la thôi. Tôi nghĩ vậy trong đầu và đi tới trường. Ở chỗ thay giày, tôi được Mizuki tặng sô cô la. “Vì chị thứ hai của cậu rất tốt với tớ.” Là sô cô la xã giao. Tôi vui mừng nhận lấy.

“Nao đọc báo chưa?”

Đột nhiên Mizuki hỏi làm tôi suýt đánh rơi hộp sô cô la. “Kinh khủng nhỉ,” tôi trả lời ậm ừ. Lúc bước vào lớp còn thấy ầm ĩ hơn. Mọi người ai cũng nói về chuyện ấy.

Hình như tất cả những đứa ở lại trường để tập câu lạc bộ đều đã đi tìm con gái của Moriguchi. Chưa kể, người tìm ra là Hoshino học cùng lớp tôi, cũng có vài đứa khác đã thấy thi thể nên cả lớp bàn luận khá rôm rả. Có đứa khóc nhưng hầu hết trông ai cũng có vẻ gì đó phấn khích. Ban đầu chỉ là trao đổi thông tin nhưng dần dần đã biến thành một cuộc thi khoe khoang.

Tôi đang đứng ở cửa lớp quan sát cảnh tượng ấy thì bỗng nhiên bị kéo tay ra ngoài hành lang. Là Watanabe.

“Sao cậu lại làm cái chuyện thừa thãi đó?”

Watanabe hỏi dồn với khuôn mặt đáng sợ. Song tôi chẳng sợ gì hết. Ngược lại còn suýt phá lên cười. Tôi cố lắm mới nhịn được, gạt tay Watanabe ra rồi nói.

“Đừng nói chuyện với tớ chứ. Bạn bè gì đâu mà bắt chuyện. À, với lại tớ không có ý định nói với ai về chuyện hôm qua đâu. Nếu muốn tung tin thì xin mời tự làm nhé.”

Tôi nói vậy rồi đi thẳng vào lớp, không thèm nhìn lại. Cả khi đã vào chỗ ngồi tôi cũng không tham gia vào những câu chuyện khoe khoang vớ vẩn kia mà im lặng mở cuốn sách bỏ túi ra. Là cuốn tiểu thuyết trinh thám trước đây cậu Koji giới thiệu. Tôi đã khác với tôi trước đây.

Tôi đã chuyển thất bại của Watanabe thành thành công. Song tôi sẽ không đi tung tin với mọi người như cậu ta nói. Con gái Moriguchi chết do tai nạn. Nếu như lộ ra là có kẻ giết người thì kẻ ấy là Watanabe. Nhìn vào những biểu hiện khi nãy, có vẻ đúng là cậu ta muốn trở thành kẻ giết người thật. Vậy nên nếu cảnh sát có tìm đến trường chắc cậu ta sẽ ngoan ngoãn tự thú thôi.

Đồ ngốc, thất bại rồi mà còn. Mỗi lần nghĩ vậy tôi lại thấy như mình biến thành con người mới.

Moriguchi quay lại trường sau một tuần, về vụ tai nạn, trong giờ sinh hoạt buổi sáng, cô ta chỉ nói là xin lỗi vì nghỉ lâu. Như thể nghỉ chỉ vì bị cảm vậy.

Nếu mình mà chết thì chắc chắn mẹ sẽ nằm liệt giường hoặc hóa điên. Có khi còn tự sát theo. Vậy nhưng với cô chủ nhiệm, tôi thấy hoàn toàn bình thường, thậm chí còn chẳng thấy tội nghiệp. Ngược lại, tôi thấy thật đáng tiếc.

Chắc Watanabe cũng đang nghĩ như vậy. Moriguchi suy sụp, Watanabe xem đó mà cười hả hê, tôi thì cười thầm cả hai. Tôi vạch sẵn như vậy, thế mà…

Tuy nhiên, giờ học vẫn rất vui vẻ.

Bề ngoài, các giáo viên ra vẻ như gọi học sinh một cách công bằng nhưng thực ra không phải vậy. Vì họ tế nhị không muốn học sinh phải xấu hổ hoặc muốn giờ học trôi qua suôn sẻ (tôi thì nghĩ là vế sau) nên những câu hỏi khó hầu như toàn dành cho những đứa thông minh.

Watanabe trả lời những câu hỏi khó với khuôn mặt bình thản. Dù được giáo viên khen cũng làm như không có gì. Vẻ thản nhiên đó còn tăng hơn trước đây khiến tôi buồn cười.

Khuôn mặt cậu ta như muốn nói mấy câu hỏi này dễ như bỡn, mình làm được chuyện vĩ đại hơn thế nhiều. Chưa bao giờ biết đến thất bại. Và tôi đã làm giúp cậu ta.

Gần đây tôi thấy đến cả những câu hỏi dành cho Watanabe hình như cũng dễ hơn. Thực tế mới tuần trước, cậu ta được cô chủ nhiệm khen vì điền đúng hết cách đọc của những chữ Hán khó trong bài kiểm tra ngắn.

Cái này ai chẳng biết chứ? Dù bài kiểm tra cuối kỳ không làm được thì hiện tại mình có thể đạt điểm cao hơn Watanabe cơ mà. Tôi cảm thấy thế rồi tự nhiên thấy tất cả bọn trong lớp đều là lũ ngốc.

Tôi cố gắng lắm mới nhịn được cười.

Cậu thiếu niên run run thuật lại…

Một tháng sau sự việc.

Moriguchi đã tới nhà tôi. Điện thoại gọi tới vào quá trưa, khi tôi đã về nhà sau khi kết thúc buổi thi cuối kỳ cuối cùng. Cô chủ nhiệm nói: “Cô muốn nói với em tại bể bơi.”

Lộ rồi. Nhất định là vụ đó. Tim tôi đập thình thịch, bàn tay cầm điện thoại run run. Bình tĩnh, bình tĩnh… Thủ phạm là Watanabe. Nếu đến bể bơi chắc tôi sẽ không đủ bình tĩnh nên tôi đã bảo cô chủ nhiệm đến nhà.

“Vậy Watanabe…”

Tôi quyết định hỏi trước khi cúp máy.

“Cô vừa nói chuyện rồi.”

Cô chủ nhiệm bình thản nói. Tôi khẽ thở phào nhẹ nhõm. Không sao, không sao… Thủ phạm là Watanabe, tôi chỉ bị lôi vào mà thôi.

Mẹ ngạc nhiên trước cuộc viếng thăm đột ngột của Moriguchi. Tôi nói muốn mẹ ngồi cùng. Vì mẹ kiểu gì cũng nghe lén. Thế thì để mẹ nghe cùng luôn. Nhất định mẹ sẽ tin tưởng và giúp tôi.

“Em Shimomura từ khi lên cấp hai thường nghĩ về những chuyện gì?”

Moriguchi hỏi kiểu như thế. Toàn những chuyện chẳng liên quan gì đến vụ việc kia song tôi quyết định trả lời thành thật hết. Chuyện câu lạc bộ tennis, chuyện đi học thêm, chuyện bị bọn học sinh cấp ba bắt nạt ở trung tâm game, chuyện cô giáo không tới đón, chuyện là người bị hại mà phải chịu phạt, chuyện tôi thật đáng thương.

Cô chủ nhiệm chỉ im lặng.

“Shimomura đã làm gì Manami thế?”

Kết thúc bài độc thoại, đúng lúc tôi định uống ngụm trà thì giọng nói hết sức nhẹ nhàng, kìm nén mọi cảm xúc vang khắp phòng khách. Tôi khẽ đặt cái cốc xuống. Người hét ầm lên là mẹ. Chưa biết tôi có liên quan đến đâu, thế mà mẹ đã bị kích động và bắt đầu nổi giận. Tôi phải hoàn toàn trở thành kẻ bị Watanabe lợi dụng.

Tôi thú nhận với Moriguchi. Chuyện từ hôm Watanabe bắt chuyện với tôi khi tan học đến lúc tôi nâng con gái Moriguchi bên thành bể bơi. Tôi thành thật thú nhận tất cả. Căm hận vì bị Watanabe phản bội, nước mắt tôi tuôn trào. Tôi chỉ nói dối một việc cuối cùng.

Tôi nghĩ câu chuyện của tôi cũng trùng khớp với câu chuyện Watanabe đã nói với cô chủ nhiệm. Moriguchi không hề xen ngang lúc tôi kể. Cả khi tôi kể xong Moriguchi vẫn im lặng. Cô ta nhìn chăm chăm vào một điểm trên mặt bàn, hai bàn tay đặt trên đầu gối siết chặt lại với nhau. Cô ta đang rất giận dữ. Thật tội nghiệp.

Mẹ cũng im lặng.

“Chị này.”

Khoảng năm phút trôi qua, cuối cùng Moriguchi cũng lên tiếng, quay sang nói với mẹ.

“Là một người mẹ, tôi rất muốn giết cả em Watanabe lẫn em Shimomura. Nhưng tôi còn là một giáo viên nữa. Người lớn có trách nhiệm nói sự thật với cảnh sát bắt chúng phải nhận hình phạt thích đáng, song một giáo viên lại có trách nhiệm bảo vệ học sinh. Nếu cảnh sát đã nhận định là do tai nạn thì tôi cũng không có ý định khơi lại nữa.”

Tôi ngạc nhiên. Không nói với cảnh sát sao. Mẹ im lặng thêm một lúc nữa rồi cúi gập người trước Moriguchi: “Cảm ơn cô.” Tôi cũng cúi đầu theo. Vậy là ổn rồi.

Tôi và mẹ tiễn Moriguchi ra tận cửa. Cô ta vẫn không một lần nhìn vào mắt tôi, nhưng vì cô ta đang tức giận nên cũng đành vậy thôi. Chẳng phải chuyện đáng để tâm.

Cậu thiếu niên ngồi gục đầu, mặt tái nhợt…

Một tuần sau cuộc viếng thăm.

Mai là bắt đầu kỳ nghỉ xuân. Sau giờ uống sữa, Moriguchi nói, “Cô sẽ bỏ nghề giáo viên.” Thành thực mà nói thì tôi thấy nhẹ cả người. Quả thực, mỗi ngày tới trường tôi đều thấy bồn chồn không yên bởi dẫu cho kẻ giết người là Watanabe thì tôi vẫn bị cho là đồng phạm.

“Cô nghỉ vì chuyện đó sao?”

Mizuki hỏi. Chuyện đó, đương nhiên là vụ tai nạn ấy. Tôi những muốn tặc lưỡi bảo Mizuki đừng xen vào song hình như ngay từ đầu cô chủ nhiệm đã muốn thế nên bắt đầu nói một tràng.

Lý do trở thành giáo viên, chuyện của Người thầy cứu rỗi. Tôi chẳng quan tâm đâu, nhanh nhanh kết thúc đi.

Thế rồi cô ta nói đến mối quan hệ tin cậy là thế nào, nhắc tới những trò xấu mà tin nhắn trên điện thoại gây ra. Học sinh nam lớp B gọi mà thầy giáo lớp A lại đi thay? Có nói chuyện đó bây giờ thì cũng muộn rồi.

Chuyện làm mẹ đơn thân, chuyện AIDS, rồi chuyện con gái chết ở bể bơi. Tôi cảm giác như cổ mình đang bị siết từ từ. “Tình cờ em Shimomura khi ấy đang đi mua sắm cùng gia đình…”, đột nhiên bị nhắc tới khiến tôi bất giác nôn nao. Chỗ sữa vừa uống trào ngược lên cổ họng. Khi ấy tôi đã uống nó rồi.

“Manami không chết do tai nạn, mà bị học sinh lớp này giết chết.”

Tôi bất ngờ bị đẩy xuống bể bơi lạnh và bẩn. Tôi không thở được. Chẳng nhìn thấy xung quanh. Chân chới với. Vùng vẫy mãi mà không bám được vào đâu.

Bị ảo giác ấy tấn công, trước mắt tôi tối sầm lại nhưng không phải tôi bị ngất. Moriguchi định kể tới đâu đây. Tôi hít một hơi sâu để trấn tĩnh lại.

Nhờ vậy tôi mới nhận ra được tình hình xung quanh và rùng mình. Ánh mắt mọi người đều đổ dồn về Moriguchi. Đến cả những đứa vừa nãy trông còn chán nản thì giờ mắt đã lấp lánh.

Song Moriguchi bắt đầu nói về Luật vị thành niên rồi “vụ án Lunacy”. Tôi càng lúc càng thấy ngột ngạt bởi tuyệt nhiên chẳng hiểu cô ta muốn nói gì. Có lúc tôi đã hy vọng cô ta sẽ kết thúc ở đây nhưng bị dập tắt ngay tức thì bởi cô ta chuyển sang chuyện đám tang đứa bé. Tôi bất ngờ khi biết vị hôn phu đã từ bỏ chuyện kết hôn vì bị AIDS, cha của đứa bé chính là Người thầy cứu rỗi.

Tức là Người thầy cứu rỗi chẳng sống được bao lâu nữa là do bị bệnh AIDS à. Tôi vẫn còn đủ tâm trí để nghĩ đến chuyện đó. Bất giác, tôi cọ hai bàn tay vẫn còn cảm giác lúc bế đứa bé lên mặt bàn. Vì tôi nghĩ, nếu đứa bé đó bị nhiễm AIDS thì có khi đã lây sang mình rồi cũng nên.

Hình như lớp bên cạnh đã tan, tôi nghe thấy tiếng xô ghế lạch cạch. Moriguchi có vẻ cũng nhận thấy. Tốt rồi, lớp B cũng tan giùm đi.

“Bạn nào không muốn nghe thì hãy về luôn từ bây giờ.”

Điều ước của tôi được nghe thấu hay sao mà cô chủ nhiệm nhìn khắp lớp rồi nói. Chỉ cần có một người thôi là tôi sẽ hùa theo song chẳng ai đi ra.

Moriguchi xác nhận xong lại tiếp tục câu chuyện.

“Từ bây giờ cô sẽ gọi hai hung thủ là A và B nhé.”

Nói rồi cô ta kể về thiếu niên A trước. Cách nói khiến ai cũng đoán ra được ngay đó là Watanabe. Bằng chứng là mọi người chốc chốc lại nhìn Watanabe. Cô chủ nhiệm đang cố tình làm vậy. Như thể muốn kích thích sự tò mò của mọi người.

Cuối cùng cũng đến học sinh B. Nội dung gần giống với những gì tôi kể lúc cô ta đến nhà. Khi đó cô ta đã im lặng nghe, vậy mà bây giờ, ở trước mặt mọi người lại thản nhiên chêm thêm những nhận xét biến tôi thành thằng ngốc. Không phải con tôi đã làm thì sẽ làm được, mà là không thể làm được. Song giờ không phải lúc bực bội vì việc đó. Đã kết thúc rồi.

Lần này mọi người chốc chốc lại nhìn tôi. Có đứa nở nụ cười khinh miệt, có đứa hết nhìn tôi lại nhìn Watanabe ngồi cạnh. Có đứa nhìn với ánh mắt coi thường, có đứa thể hiện sự căm ghét ra mặt.

Tôi sẽ bị giết, bị giết, bị giết!

Chỉ vì đi chơi game bị phạt mà tôi đã bị bạn bè xa lánh rồi, giờ trở thành đồng phạm của kẻ sát nhân thì chắc chắn tôi sẽ bị giết. Nhưng kẻ có tội là Watanabe. Tôi là người bị hại. Thủ phạm là Watanabe, tôi là người bị hại, thủ phạm là Watanabe, tôi là người bị hại. Tôi nhẩm đi nhẩm lại trong đầu những câu ấy như đọc thần chú.

“Nếu Wat…a, à không, ừm, nếu A lại giết người nữa thì sao?”

Người bất ngờ đặt hỏi câu ấy là Kogawa. Nó đang rất thích thú.

“Bảo A lại giết người là sai.”

Cả người tôi bị lôi tuột xuống tận đáy nước sâu.

Moriguchi khảng định: “Kẻ giết người là B (tức là tôi). Dòng điện như thế không đủ làm chết người. Manami chỉ bị ngất thôi.”

Lộ rồi. Cô ta đã biết tôi giết đưa bé trước lúc đến nhà tôi. Tuy cô ta có vẻ chưa phát hiện ra là tôi cố tình làm vậy, nhưng việc đó không quan trọng. Vì tôi đã giết đứa bé là sự thật không thể thay đổi.

Mọi người đang nhìn tôi. Không biết sắc mặt Watanabe đang như thế nào. Tôi chẳng còn tâm trí đâu mà nhìn và chế giễu cậu ta nữa. Tôi sẽ bị cảnh sát bắt ư? Không, chắc là không đâu. Cô ta bảo không muốn giao phó chuyện quyết định hình phạt cho luật pháp là sao.

Dần dần tôi không nhìn thấy gì xung quanh nữa. Nơi tôi rơi xuống không phải bể bơi mà là một đầm lầy tù đọng, không đáy. Cổ chân tôi cứ chìm dần chìm dần, chỉ còn giọng cô chủ nhiệm nhẹ nhàng, rủ rỉ bên tai.

“Cô đã pha một ít máu mới lấy sáng nay vào sữa của hai em đó. Không phải máu của cô. Với mong muốn hai em đó trở thành những đứa trẻ ngoan, cô đã lén lấy một ít máu của người thầy cứu rỗi, thầy Sakuranomiya Masayoshi.”

Cho máu của người thầy cứu rỗi, máu nhiễm AIDS vào sữa? Tôi đã uống hết sạch sữa. Ngay cả cái đầu kém thông minh của tôi cũng hiểu điều đó có nghĩa là gì.

Chết,chết,chết,chếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchết… Tôi, sẽ chết.

Cơ thể tôi cứ thế chìm mãi, chìm mãi xuống dưới bùn bẩn lạnh ngắt.

Cậu thiếu niên thẫn thờ nhìn lên bầu trời ngoài cửa sổ…

Ngay sau vụ trả thù.

Nghỉ xuân. Ngày nào tôi cũng nhốt mình trong phòng và nhìn lên bầu trời.

Tôi muốn bò ra khỏi đầm lầy trốn đi thật xa. Đi tới nơi không ai biết về tôi. Rồi làm lại hết tất cả ở đó thì tốt biết mấy.

Trên bầu trời xanh, vệt khói máy bay màu trắng kéo dài tới vô tận. Không biết nó kéo dài đến tận đâu nhỉ. Đang nghĩ về điều ấy, bỗng dưng trong đầu tôi hiện lên một câu nói.

“Kẻ yếu thường làm tổn thương kẻ yếu hơn mình. Kẻ bị tổn thương chỉ có thể lựa chọn hoặc chịu đựng hoặc chết sao? Không có chuyện đó. Thế giới các em đang sống không nhỏ bé đến thế đâu. Tôi nghĩ rằng nếu thấy nơi mình đang sống khổ quá thì có thể tạm lánh đến một nơi khác. Chạy đến nơi an toàn chẳng có gì phải xấu hổ. Tôi muốn các em tin rằng trong thế gian rộng lớn này nhất định sẽ có một nơi đón nhận các em.”

Đúng vậy, người nói những lời đó là “người thầy cứu rỗi”. Thầy mới nói trên tivi vài tháng trước. Nhớ lại trong tình huống này thật mỉa mai làm sao. Ví như có chạy trốn khỏi đây thì một học sinh cấp hai biết làm gì để sống tiếp? Ngủ ở đâu, ăn gì được. Liệu có ai cho một học sinh bỏ nhà ăn không. Có chỗ nào nhận vào làm không. Không một xu dính túi thì sống thế nào được trên thế gian này. Rốt cuộc người lớn chỉ biết lấy thước đo của mình để đo thế giới của trẻ con mà thôi.

“Khi tôi bằng tuổi các em, tôi thường xuyên bỏ nhà đi. Những học sinh giống như tôi tụ tập lại làm đủ trò nghịch ngợm. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ tới cái chết… Vì tôi có bạn.”

Đấy là chuyện thời thầy còn sống. Giờ khác rồi. Bạn ư, chẳng ai cần hết, vả lại, vốn dĩ thứ ấy đâu có tồn tại. Rốt cuộc, nơi duy nhất tôi có thể sống là ngôi nhà này. Được bố đi làm nuôi, được mẹ bảo vệ, là nơi duy nhất tôi thuộc về.

Nếu lỡ như tôi lây virus HIV cho bố, cho mẹ thì biết làm sao. Rồi nếu như họ phát bệnh và chết trước tôi. Tôi sẽ không thể sống tiếp được nữa.

Nhất định không được lây cho hai người họ.

Đó là mục đích cuối cùng của cuộc đời tôi, kẻ chỉ sống được trong đầm lầy.

Hằng ngày, kẻ sống trong đầm lầy là tôi chỉ biết khóc. Song không phải khóc vì cay đắng.

Sáng, mở mắt ra, đầu tiên tôi khóc vì vui sướng thấy hôm nay mình vẫn còn sống. Mở rèm cửa, tắm mình dưới ánh mặt trời, tôi vui mừng trào nước mắt vì một ngày mới lại bắt đầu dù chẳng có việc gì làm.

Tôi khóc vì món ăn mẹ nấu ngon quá. Trước bàn ăn đầy những món tôi thích, nghĩ không biết còn ăn được những thứ này bao nhiêu lần nữa là tôi lại khóc. Tôi cắn một miếng bánh quy nhân đậu đỏ trước giờ vẫn ghét, coi như để kỷ niệm việc được sinh ra trên đời này, vậy mà bánh ngon đến phát khóc. Sao trước giờ tôi lại không ăn chứ.

Khi nghe tin chị gái có thai, tôi khóc vì cảm động trước sự ra đời của một sinh mệnh mới. Tôi muốn trực tiếp nói chúc mừng người chị luôn dịu dàng với mình song tôi chỉ biết thầm ước chị sẽ sinh ra một đứa bé khỏe mạnh. Tôi cũng chỉ biết khóc một mình.

Nhưng tôi không thấy ghét cái thằng tôi ấy. Tuy chuyện chỉ sống được một thời gian nhất định thật đáng sợ, nhưng tôi thấy mỗi ngày của mình đều yên bình và trọn vẹn hơn cả trước đây.

Ước gì những ngày này kéo dài mãi mãi, tôi đã nghĩ như vậy.

Kỳ nghỉ xuân đã hết.

Là học sinh lớp Tám, tôi phải đi học vì vẫn đang ở độ tuổi phổ cập giáo dục. Tôi thừa hiểu điều đó song vẫn không thể đến trường. Tôi là kẻ giết người. Nếu đến trường thì nhất định sẽ bị bọn ở lớp trừng phạt. Bọn nó sẽ làm tôi đau đớn không thương tiếc. Chắc chắn một lúc nào đó tôi sẽ bị giết. Sao tôi có thể đến cái chỗ đó được.

Nhưng tôi còn một điều lo lắng khác. Liệu mẹ có cho phép tôi nghỉ học thế này không? Tôi đã giả ốm suốt từ hôm khai giảng nhưng cũng sắp đến giới hạn rồi. Mẹ sẽ nổi giận, sẽ khóc, sẽ thất vọng. Dù chẳng thích như vậy nhưng tôi cũng không thể nói thật lý do không thể đến trường.

Nếu mẹ biết tất cả về vụ việc ấy.

Tôi đã ném thi thể con gái Moriguchi bị Watanabe sát hại xuống bể bơi. Chỉ vậy thôi đã khiến mẹ khá sốc rồi, nếu mẹ mà biết thực ra kẻ giết người là tôi, thậm chí còn ý thức rõ ràng về điều ấy thì… Và nếu mẹ biết tôi đã hứng chịu sự trả thù kinh khủng là bị nhiễm virus HIV thì…

Chắc chắn mẹ sẽ mất trí và phát điên. Chưa kể, nếu mẹ tuyệt giao với tôi thì làm sao. Tôi sợ nhất bị đuổi ra khỏi nhà. Với tôi, điều ấy đồng nghĩa với cái chết.

Cuối cùng mẹ cũng vào được phòng tôi.

Trái với dự đoán của tôi, mẹ không gay gắt bắt tôi đến trường. Thay vào đó, mẹ bảo tôi hãy đến bệnh viện giúp mẹ. Mẹ nói, nếu có giấy xác nhận mắc bệnh tâm lý thì tôi có thể thảnh thơi nghỉ ở nhà.

Tôi bị bệnh sao?

Đi bệnh viện, nếu bị phát hiện nhiễm HIV thì làm sao. Nhỡ mà mẹ biết được… Tôi chỉ lo như vậy. Cùng lắm thì bỏ ra ngoài là xong. Dù sao cũng còn hơn bị ép đến trường rồi bị giết.

Chẳng quan tâm đến sự lo lắng của tôi, bác sĩ viết cho tôi tờ giấy xác nhận khá dễ dàng. Tôi chẳng hiểu “Chứng rối loạn thần kinh tự chủ” là gì. Tuy nhiên, hình như cả nước có rất nhiều học sinh cấp hai nghỉ học vì lý do đó. Nghe vậy, mẹ có vẻ chấp nhận, không hiểu sao tôi còn thấy như mẹ hài lòng lắm. Vậy là trước mắt tôi có thể yên tâm nghỉ học. Tôi nhẹ cả người.

Rời khỏi bệnh viện, tôi nhìn quanh một lần nữa. Buổi sáng, vì lo lắng nên tôi không nhận ra đây là lần đầu tiên tôi ra khỏi nhà kể từ hôm đó. Tôi ngạc nhiên vì mình vẫn hít thở bình thường. Lẽ nào, tuy không thể đến trường nhưng tôi vẫn ra ngoài được ư?

Tôi hít một hơi thật sâu như để xác nhận đúng là mình đã ló mặt ra khỏi đầm lầy thì chợt nhìn thấy biển hiệu cửa hàng hăm bơ gơ Domino trước ga. Một nơi đáng ghét, nơi tôi đã nghĩ, dù chỉ trong một giây, rằng Watanabe là bạn mình.

“Ăn gì ngon rồi về con nhé.”

Mẹ hỏi, tôi trả lời là muốn ăn hăm bơ gơ. Một phần vì tôi không muốn phát tán virus, nhưng hơn cả là tôi muốn đánh cược.

Tuy không phải là Happy Town, song nếu tôi đi qua được cửa hàng hăm bơ gơ Domino một cách bình thường thì tôi có thể bò ra khỏi đầm lầy.

Luôn sợ hãi vì nghĩ mình sẽ chết, tôi đã quên hẳn Watanabe cho tới khi nhìn thấy bảng hiệu. Không biết giờ cậu ta thế nào. Chắc lại đang ở lì một mình trong “phòng nghiên cứu” tại căn nhà cũ không ai lui tới và run sợ trước cái chết. Tưởng tượng ra hình ảnh Watanabe như vậy cũng không đến nỗi khó chịu. Tự làm tự chịu, vừa nghĩ tôi vừa ăn bánh hăm bơ gơ.

Đúng lúc ấy có cái gì bắn vào chân tôi.

Là sữa! Sữa, sữa, sữa… Hai mẹ con ở bàn bên… Là Moriguchi và đứa bé đó!

Bọn họ đã làm vậy với tôi. Họ ấn mạnh cái đầu vừa nhô ra khỏi đầm lầy của tôi xuống. Dừng lại! Xin hãy dừng lại, xin dừng lại… Đầu tôi lại chìm xuống bùn. Bọn họ lúc nào cũng theo dõi tôi. Để tôi không bò ra được khỏi đầm lầy. Bùn tràn cả vào miệng tôi.

Tôi chạy vội vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo như muốn thổ hết bùn ra ngoài. Tôi nôn ra luôn cả hình ảnh của Watanabe.

Cậu thiếu niên lén nhìn xuống vị khách tới nhà qua khe rèm… Khoảng hai tháng sau vụ trả thù.

Sau khi đi bệnh viện về, tôi không thể ra ngoài được nữa nhưng sống rất yên ổn trong nhà. Nơi khiến tôi bình tâm nhất là phòng mình vì không phải lo sẽ phát tán virus.

Mỗi ngày, tôi đọc truyện tranh trên mạng rồi tự mình tưởng tượng ra chương tiếp theo hoặc viết vào cuốn nhật ký mẹ mua cho. Việc dọn dẹp tuy phiền phức song vẫn còn vui hơn là chơi suốt ngày.

Đúng lúc ấy thì họ đến. Thầy chủ nhiệm mới Terada và Mizuki. Họ mang vở chép bài trên lớp tới, mẹ chào đón và mời vào phòng khách. Là căn phòng ngay dưới phòng tôi. Tôi có thể nghe được câu chuyện họ nói. Mẹ liên tục nói xấu Moriguchi với thầy Terada.

“Xin chị cứ để tôi lo chuyện của Naoki.”

Nghe Terada nói đầy tự tin, suýt nữa thì tôi hét lên.

Đừng động đến tôi!

Vừa kịp nuốt lại những lời ấy, một cảm giác bất an dữ dội liền nổi lên.

Không thể tin giáo viên được. Họ chỉ ra vẻ tốt bụng để nhử tôi đến trường, sau đó sẽ để cả lớp giết tôi. Biết đâu Terada là học trò của Moriguchi và họ đồng lõa với nhau. Terada chỉ giả vờ lo lắng để đến kiểm tra tình hình của tôi rồi về báo cáo thôi. Đến Mizuki cũng không tin được. Thậm chí còn có tin đồn Mizuki là gián điệp của giáo viên. Moriguchi tuy đã trả thù rồi song có lẽ vẫn chưa đủ, chắc cô ta đang lên kế hoạch giết mình. Nếu chuyện này là để cô ta thám thính trước khi thực hiện thì sao. Mẹ có vẻ thích Terada. Nếu Terada giỏi lấy lòng mẹ và lên được tận trên này thì biết làm sao. Tôi sẽ bị giết. Đúng rồi, mẹ đã nói xấu Moriguchi thậm tệ. Nếu Terada mách lại thì sao.

“Bà già ngu xuẩn, đừng có kể mấy chuyện thừa thãi.”

Thấy mẹ hớn hở đi lên phòng tôi, tôi hét lên và ném quyển từ điển vào mẹ. Mẹ sững người. Đây là lần đầu tiên tôi có thái độ phản kháng như vậy. Tôi đóng cửa lại và bật khóc. Tuy nhiên, tôi chẳng nghĩ ra được cách nào khác để bảo vệ mình.

Mỗi tuần Terada đến một lần cùng Mizuki. Mỗi lần như vậy tôi lại thấy sợ hãi. Mẹ không còn cho họ vào nhà nữa song lại không bảo họ đừng đến. Không biết chuyện này còn kéo dài đến bao giờ.

Tôi sợ phải ra khỏi phòng. Dù ở trong phòng tôi cũng có cảm giác như Moriguchi, Terada, Mizuki, thậm chí cả Tokura – huấn luyện viên câu lạc bộ tennis – đang đứng ngoài cửa, sợ đến mức tôi không tập trung được vào việc gì.

Mọi người đều muốn giết tôi.

Nếu việc tôi đọc truyện tranh trên mạng bị lộ thì tôi sẽ bị giết. Là Moriguchi thì cô ta sẽ lần ra được ngay tôi đã truy cập vào đâu. Nhỡ Terada đã đặt máy nghe trộm trong phòng khách thì sao. Nhất định Moriguchi sẽ không tha thứ khi tôi vừa ăn cơm vừa nói “ngon thế”.

Tôi đang bị theo dõi.

Tôi chẳng thể làm gì được. Hễ tôi giam mình trong phòng, thẫn thờ nhìn vào tường là lập tức hình ảnh vụ việc đó hiện lên trên bức tường trắng. Tôi muốn tránh không nhìn song cảm giác như ngay cả điều đó cũng không được phép.

Chắc chắn đây là sự oán hận của Moriguchi.

Cuộc sống của tôi là chỉ nhìn vào tường suốt cả ngày. Tôi không biết ngày tháng lẫn thời gian. Thậm chí còn không biết đến mùi vị bữa ăn. Tôi sợ chết nhưng lại không cảm thấy rằng mình đang sống.

Có thực là tôi vẫn đang sống không.

Sau một thời gian dài tôi mới thử nhìn mình trong gương. Tả tơi và bẩn thỉu. Nhưng tôi vẫn thấy có “sự sống”. Nước mắt tuôn trào. Tuôn trào không dừng lại được.

Tôi đang sống, đang sống, đang sống!

Móng tay và mái tóc dài, cơ thể bẩn thỉu này chính là bằng chứng tôi đang sống. Mái tóc che mất cả tai và mắt sẽ giúp tôi giấu đi cảm xúc, bảo vệ tôi khỏi bọn họ và cho tôi biết rằng tôi đang còn sống.

Không phải tim mà tóc mới là cội nguồn của sự sống.

Cậu thiếu niên sững sờ nhìn những mảng đen.

Khoảng bốn tháng sau vụ trả thù.

Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ như nhái chìm cả cơ thể, trên gối đầy những mảng đen.

Cái gì đây? Đây là…

Vừa lắc lắc cái đầu nặng trịch, tôi thử cầm lên. Tôi di đầu ngón tay thì chúng liền rơi lả tả thành những sợi nhỏ. Tôi sợ hãi. Sờ lên đầu thì tay chạm ngay vào tai.

Không có tóc… Vậy, đây chính là tóc của tôi. Tóc của tôi, sinh mệnh của tôi! Sinh mệnh! Sinh mệnh!

Đáy đầm lầy bắt đầu tan ra, người tôi chìm dần xuống. Bùn tràn vào mắt, tai, mũi, miệng. Khó chịu quá, khó chịu quá, không thở nổi.

Chết, chết, chết, chết, chết, chết, chết, chết, chết chết chết chết chết chết chết chết chết chết chết chết…

Tôi không muốn chết, không muốn chết, không muốn chết, không muốn chết không muốn chết không muốn chết…

Không, không, không, không, không không. Tôi sợ sợ sợ sợ sợ sợ sợ sợ sợ sợ…

Có ai không, cứu tôi với…

Nơi tôi tỉnh dậy không phải thiên đường. Tuy bừa bộn song rõ ràng đây chính là phòng tôi. Tôi vẫn đang sống, vẫn đang thở. Chân tay tôi vẫn cử động được. Không, có thật là tôi đang sống không?

Tôi ra khỏi phòng, đi xuống dưới nhà thì thấy mẹ đang ngủ gục trên bàn trong phòng khách. Đây đúng là nhà tôi rồi. Tôi đi về phía nhà vệ sinh, thử soi mình trong tấm gương ở bồn rửa.

Ra vậy. Tôi không chết vì bằng chứng tôi đang sống vẫn còn đó.

Tôi lôi từ ngăn kéo ra chiếc tông đơ điện dùng hồi tiểu học. Trước khi lên cấp hai, mẹ luôn cắt tóc cho tôi. Khi tôi bật công tắc, tiếng “rù rù” êm ái vang lên. Tôi đặt tông đơ vào phần chân tóc trước trán. Chỗ tóc bết dầu mắc vào phần lưỡi dao, chỉ một mảng tóc rất nhỏ rơi xuống dưới chân. Cùng lúc đó, có chút gì đó trong tôi biến mất. Ra là vậy. Sợ chết là bằng chứng của sự sống. Nếu vậy, chỉ có một cách duy nhất để bò ra khỏi đầm lầy…

Tôi ấn và đẩy tông đơ mạnh hơn. Tiếng máy êm ái nghe như tiếng sự sống rơi ra khỏi cơ thể tôi.

Cắt tóc xong, tôi cắt tiếp móng tay. Sau đó là đi tắm để giũ sạch ghét trên người. Tôi chà xà phòng vào khăn tắm không biết bao nhiêu lần rồi kỳ đi kỳ lại. Mỗi lần như vậy ghét lại rơi lả tả như vụn tẩy. Bằng chứng của sự sống đang trôi xuống cống.

Tại sao tôi không chết?

Tôi hoang mang khi thấy mình vẫn đang thở dù đã loại bỏ hết bằng chứng của sự sống ra khỏi cơ thể. Bất giác, tôi nhớ đến cuốn phim đã xem vài tháng trước.

À, đứng rồi, tôi đã thành xác sống. Xác sống dù có bị giết bao nhiêu lần cũng không chết. Chưa kể, máu của tôi còn là vũ khí sinh học. Nếu vậy, biến mọi người trong thị trấn này thành xác sống luôn chắc là hay lắm.

Tôi chạm vào từng thứ hàng hóa xếp trên kệ trong cửa hàng tiện lợi. Những thứ tôi chạm vào đều dính màu đỏ.

Vũ khí sinh học, xong!

Tôi sờ vào cả cơm nắm, cơm hộp, nắp chai như thể đang đóng dấu.

Mọi người, tất cả mọi người, ai cũng sẽ nếm trải nỗi sợ giống tôi.

Ai đó vỗ vai tôi. Nhân viên tóc nhuộm nâu có vẻ chỉ là người làm thêm. Anh ta nhìn tay phải tôi bằng ánh mắt cực kỳ khó chịu. Tôi cũng nhìn tay mình. Lòng bàn tay bị rạch bằng lưỡi dao cạo giấu trong túi quần đang be bét máu.

Máu, máu, máu, máu đỏ tràn ra…

Nãy giờ tôi chẳng thấy gì, vậy mà khi nhìn vào miệng vết thương tôi lại bắt đầu thấy nhưng nhức. Tôi mở luôn gói băng y tế có bán ở cửa hàng để băng tay.

Người đến đón tôi là mẹ. Mẹ liên tục cúi đầu xin lỗi cửa hàng trưởng và nhân viên. Sau đó mẹ mua hết tất cả hàng hóa có dính máu của tôi.

Trên đường về, dù mặt trời vẫn chưa lên cao nhưng nắng đã gay gắt. Tôi nheo mắt vì chói, vừa đi vừa chùi mồ hôi chảy trên mặt, chẳng thèm quan tâm tới nỗi sợ cái chết hay bằng chứng của sự sống nữa. Bàn tay băng bó đang đau nhức, bụng lại đói.

Tôi rất, rất mệt…

Tôi lén nhìn sang mẹ đang đi bên cạnh. Mẹ không trang điểm. Quần áo vẫn mặc từ hôm qua. Hôm phụ huynh dự giờ, mẹ cứ lo chuyện mình đã có tuổi song tôi hoàn toàn không để ý. Vì tôi cho rằng mẹ đẹp hơn bất kỳ ai. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy mẹ không trang điểm khi đi ra ngoài. Mỗi tay mẹ đều xách hai túi đồ nên không lau được cả mồ hôi trên mũi. Tôi cố nén dòng nước mắt đang chực trào ra.

Tôi đã hiểu lầm mẹ. Tôi đã nghĩ mẹ sẽ không chấp nhận đứa con không được như kỳ vọng. Nhưng mẹ chấp nhận cả đứa con đã hóa thành xác sống là tôi.

Phải nói sự thật với mẹ. Và để mẹ dẫn đến cảnh sát. Nếu có mẹ chờ tôi thì dù phải nhận một hình phạt hơi khắc nghiệt tôi nhất định vẫn chịu đựng được. Nếu có mẹ thì ngay cả đứa đã thành kẻ giết người như tôi cũng có thể làm lại cuộc đời.

Song tôi không biết phải diễn tả thế nào cho mẹ hiểu tâm trạng của tôi bây giờ. Có lẽ chỉ cần nói thật thôi nhưng tôi vẫn còn vài phần trăm bất an rằng nhỡ mẹ hắt hủi tôi thì sao.

Đùa thôi, lêu lêu…

Tôi mong có thể nói thế trong trường hợp xấu nhất. Vậy nên tôi đã thú nhận tội lỗi với mẹ dưới bộ dạng một xác sống.

Khi kể với mẹ việc bị Moriguchi trả thù, tôi phát hiện ra một điều quan trọng.

Chẳng phải tôi vẫn chưa biết mình có bị nhiễm bệnh hay không sao? Thậm chí, giả sử tôi đã nhiễm thì cũng chưa biết có phát bệnh hay không. Tôi đã sợ hãi cái quái gì vậy.

Nước trong đầm dần trong hơn.

Đắm mình trong cảm giác được giải phóng, tôi kể cho mẹ nghe chuyện cố ý giết con gái của Moriguchi. Cảm giác tự tôn khi ở bể bơi hôm ấy một lần nữa lại trào lên trong tôi.

Mẹ có vẻ khá sốc khi nghe lời thú tội của tôi nhưng không nói “Hãy đi đến cảnh sát” ngay. Song mẹ cũng không xua đuổi tôi. Vài phần trăm bất an biến mất, tôi quá đỗi vui mừng.

“Đứa bé đã mở mắt nhưng con vẫn ném xuống bể bơi là vì sợ phải không?”

Mẹ hỏi tôi mấy lần. “Không phải,” tôi thầm đáp trong lòng. Con muốn hoàn thành việc mà đứa gần giống như kỳ vọng của mẹ đã thất bại. Quả nhiên tôi đã không thể nói ra câu ấy.

Tôi liên tục bày tỏ rằng mình đã sẵn sàng đi tới đồn cảnh sát để dỗ dành mẹ, để không làm mẹ lo lắng.

Họ lại đến. Terada và Mizuki. Song tôi không còn thấy sợ nữa. Sao cũng được.

“Naoki, nếu em ở trong nhà thì nghe đây!”

Terada hét ầm lên ở trước cửa nhà, nhiệt tình hơn cả mọi khi. Tôi ngồi bên cửa sổ, lắng tai nghe vì nghĩ nghe thử một hôm cũng được.

“Thực ra trong học kỳ một này người khổ sở không chỉ mình em đâu. Shuya cũng khổ lắm. Shuya bị các bạn cùng lớp bắt nạt. Một kiểu bắt nạt quỷ quyệt.”

Thầy bảo sao? Watanabe đến trường? vẫn đi học? Mà không bị giết?

“… Và các bạn đã hiểu ra.”

Tức là tuy có bị bắt nạt nhưng đã giải quyết được rồi?

Không một lời nào của Terada lọt vào tai tôi được nữa. Thay vào đó là giọng Watanabe ở bể bơi.

“Ngay từ đầu tao đã không coi mày là chiến hữu. Tao ghét nhất loại không có tài mà tự ái lại cao. Đối với một nhà phát minh như tao thì mày đúng là sản phẩm thất bại của con người.”

Chắc chắn cậu ta đã cười thầm và khinh thường khi thấy tôi tự nhốt mình trong nhà.

Trong căn phòng tối om, tôi vùi mình sâu trong giường, nghiến răng ken két. Tôi không biết phải trút giận vào đâu. Chỉ có tôi là sợ chết và giam mình trong nhà. Trong khi chính Watanabe là kẻ đã dồn tôi tới nước này. Cậu ta vẫn đi học. Cảm giác thất bại không diễn tả được thành lời trào dâng trong lồng ngực.

Dù mẹ không đi cùng thì nhất định ngày mai tôi sẽ tới đồn cảnh sát và thú nhận tất cả. Có thể hình phạt của Watanabe sẽ nhẹ hơn, song nếu biết tôi cố tình giết đứa bé đó thì chắc chắn cậu ta sẽ tức lắm. Tôi muốn nhìn bộ mặt đó của cậu ta. Tôi muốn cười khẩy vào mặt cậu ta.

Tôi nghe thấy tiếng bước chân lên cầu thang. Là mẹ. Có lẽ mẹ lên để nói “Ngày mai hãy tới đồn cảnh sát nhé”. Tôi vui mừng ra khỏi phòng, đứng đợi mẹ ở đầu cầu thang. Nhưng…

Tay mẹ đang cầm con dao.

Vậy là sao?

“Cái gì vậy, không phải đi đến đồn cảnh sát sao?”

“Đồn cảnh sát sao? Có làm vậy cũng chẳng thể sửa lại được từ đầu. Vì Nao đã không còn là Nao tốt bụng trước kia nữa rồi.”

Mẹ vừa khóc vừa nói.

“Mẹ, sẽ giết con à?”

“Hai mẹ con mình cùng đi tới chỗ ông bà nhé.”

“Mẹ nói thế nhưng rồi sẽ chỉ giết con thôi phải không?”

“Không có chuyện đó đâu!”

Mẹ ôm lấy tôi. Lần đầu tiên tôi nhận ra mình đã cao hơn mẹ. Tôi thấy bình yên đến lạ, thậm chí còn thấy nếu được chết cùng với mẹ thì cũng chẳng sao.

Mẹ, mẹ, người duy nhất hiểu tôi…

“Nao là báu vật của mẹ đấy… Nao, xin lỗi con. Nao thành ra thế này là lỗi của mẹ. Mẹ đã không thể nuôi con thật tốt, xin lỗi con. Mẹ thất bại rồi, xin lỗi con.”

Mẹ thất bại rồi, xin lỗi con. Thất bại, thất bại… Sản phẩm thất bại! Thất bại, thất bại, thất bại, thất bại thất bại thất bại…

Tôi buông mẹ ra, tay mẹ sờ vào đầu tôi. Mẹ dịu dàng xoa đầu tôi. Mặt mẹ buồn rười rượi.

“Mẹ thất bại rồi, xin lỗi con.”

Dừng lại, dừng lại, dừng lại đi! Tôi không phải là sản phẩm thất bại! Không phải sản phẩm thất bại!

Có thứ gì âm ấm bắn vào mặt tôi.

Máu, máu, máu, là máu của mẹ… Tôi đã đâm rồi sao?

Cơ thể gầy gò của mẹ cứ thế rơi xuống cầu thang.

Chờ đã, mẹ! Đừng bỏ con lại! Mẹ! Mẹ! Mẹ! Mẹ!

… Dẫn con đi cùng với.

Hình ảnh chiếu lên bức tường trắng lúc nào cũng dừng ở đoạn này. Cậu thiếu niên ngu xuẩn xuất hiện ở đây là ai vậy? Tại sao tôi lại hiểu rõ như nắm trong lòng bàn tay cảm xúc của cậu ta nhỉ?

Nhân tiện, ban nãy, người gọi là chị gái tôi đến và đứng bên ngoài phòng gọi vào. “Nao chẳng làm gì cả. Chỉ là đang gặp một cơn ác mộng thôi.”

Chị ta gọi tôi là “Nao”. Tôi không thích bị gọi bằng cái tên giống với cậu thiếu niên ngu xuẩn xuất hiện trong những hình ảnh kia. Giả sử tôi đúng là nhân vật tên “Nao” thật thì chẳng phải ác mộng chính là những hình ảnh kia sao.

Vậy đây là mơ ư…

Nếu thế thì phải mau mau thức dậy, ăn món trứng bác kèm thịt hun khói mẹ làm rồi đi học thôi.

Bình luận