Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thuật Đọc Nguội

Chương 3. Chiếm Được Lòng Tin Của Đối Phương Trong Chớp Mắt

Tác giả: Thạch Chân Ngữ

Điều tuyệt diệu của thuật đọc nguội không chỉ nằm ở chỗ khi gặp mặt, ngay câu nói đầu tiên đã đánh trúng tâm lý đối phương mà còn có thể giúp bạn chiếm lấy thiện cảm, lòng tin của đối phương trong nháy mắt, mở ra một mối quan hệ tình cảm tốt đẹp.

Bài 1: Nói trúng tương lai của đối phương

Mỗi người đều có ước mơ của riêng mình, cho dù đôi khi ước mơ đó không sát với thực tế, nhưng nó vẫn dẫn dắt tâm hồn của người đó tiến về tương lai. Chúng ta đã có thể nói trúng suy nghĩ của đối phương, vậy ngại gì không phối hợp với nhu cầu tâm lý ước mơ của con người, thông qua kỹ năng đọc nguội, nói trúng tương lai đối phương.

Nói như vậy mới chính xác

Trong phần trước, chúng tôi đã giới thiệu làm cách nào đánh trúng tình hình hiện tại và nỗi phiền muộn của đối phương chỉ bằng một câu nói, xây dựng lòng tin ban đầu. Trong nhiều trường hợp, người đọc nguội vẫn cần nói trúng tương lai của đối phương mới có thể lay động tâm hồn và trở thành người bạn tâm giao của đối phương.

Nói trúng tương lai đối phương xem ra có vẻ huyễn hoặc, trên thực tế cũng có bí ẩn nhất định, đây chính là “phương pháp tiên đoán mơ hồ” trong thuật đọc nguội. Thầy Hiroyuki Ishii gọi nó là “phương pháp tiên đoán khôn khéo,” trên thực tế, sự khôn khéo của nó chẳng qua là biểu đạt mơ hồ về đối tượng được tiên đoán, đối phương tự bổ sung những nội dung được nói trúng sau đó, để đạt mục đích nói trúng.

Lý giải câu nói này tốn chút công sức. Nói rõ ràng hơn thì trước tiên không cần đảm bảo lời tiên đoán tuyệt đối chính xác, vì trên thực tế cũng không làm được, mà cần đảm bảo chắc chắn không cho đối phương cơ hội chứng minh những lời tiên đoán đó là sai lầm.

Điều này rất dễ thực hiện, ví dụ:

Ví dụ 1: “Tuần này, anh sẽ trúng xổ số trị giá 5 triệu tệ.” (lập tức phải có căn cứ chứng minh)

Ví dụ 2: “Có thể anh không cảm nhận được, một quý nhân đang lại gần anh, trong tương lai một ngày sau, ông ấy sẽ giúp anh giải quyết khó khăn trước mắt.” (không dễ chứng minh)

Câu nói trong ví dụ 2 được quá nhiều thầy bói sử dụng thường xuyên. Thứ nhất, người ra sao được coi là quý nhân, biểu đạt rất mơ hồ, có lẽ là một khách hàng tốt, một người bạn, một người thầy… đều có khả năng; còn có tương lai một ngày sau, thời gian cũng rất mơ hồ. Phương pháp tiên đoán mơ hồ này có xác suất nói trúng rất cao.

Phương thức tạo câu như vậy cũng có thể phát huy vai trò thần bí của nó trong đời sống chúng ta:

“Tới đây, công việc kinh doanh của anh sẽ có cơ hội cữu vãn, chỉ cần anh bình tĩnh, chắc chắn có thể nắm bắt nó.”

“Có một chàng trai thầm thương trộm nhớ em từ lâu, cậu ta không dám tỏ tình, nhưng gần đây, cậu ta chuẩn bị lấy hết dũng khí thổ lộ nỗi lòng với em, em cần thử thách cậu ta.”

“Mùa đông năm nay, sức khỏe của anh nhiều khả năng sẽ có chút vấn đề, nếu anh không chú ý giữ gìn sức khỏe, khả năng đó là khó tránh khỏi.”

Sở dĩ phương pháp tiên đoán mơ hồ có thể phát huy sức hút thần kỳ của nó là vì có quan hệ mật thiết với đặc điểm ký ức mang tính lựa chọn của con người. Nghiên cứu tâm lý học thu được kết quả, ký ức của con người thông thường chỉ có thể ghi nhớ những thông tin có lợi cho bản thân, hoặc chỉ ghi nhớ những thông tin mà bản thân muốn ghi nhớ, còn những thứ khác bị lãng quên rất nhanh. Từ đó có thể rút ra kết luận, ký ức cũng chưa hẳn đã là chân tướng của sự thật, cũng có khả năng bị cắt xén, hoặc là sự thật cục bộ được tô son, trát phấn.

Phương pháp tiên đoán mơ hồ cũng lợi dụng chức năng tái gia công của ký ức, một khi chúng ta nói trúng việc gì đó của đối phương, ký ức sẽ thể hiện sự thừa nhận mạnh mẽ, còn những nội dung nói không trúng sẽ bị coi nhẹ.

Thuốc bôi trơn cảm xúc

Hãy tưởng tượng một cảnh tượng như sau: Khi bạn nói chuyện với một người, đối phương hết lần này tới lần khác nói trúng suy nghĩ của bạn, khi đó có phải bạn càng muốn anh ta nói nhiều hơn một chút, vì bạn đã bị anh ta hấp dẫn, bạn đã rơi vào tình huống do anh ta sắp đặt từ trước, đồng thời còn chủ động dùng sự thật cụ thể để hoàn thiện biểu đạt mơ hồ của anh ta.

“Thời gian sắp tới, sức khỏe của anh có khả năng sẽ xấu đi, anh cần chú ý cải thiện thói quen ăn uống.”

“Mấy ngày hôm nay tinh thần của tôi không được tốt, lẽ nào vì nguyên nhân trên?” Bạn sẽ nghĩ như vậy.

“Tôi hối hận rồi, tại sao lại lựa chọn lĩnh vực không phải sở trường của mình để làm cần câu cơm cả đời cơ chứ?”

“Thế giới này vốn dĩ đã không có chuyện tốt và xấu tuyệt đối, anh thử nghĩ xem, có bao nhiêu người chẳng phải đâm đầu vào những lĩnh vực sở đoản của mình đấy.”

“Anh nói cũng phải, tuy nói người thông minh không bao giờ nuối tiếc việc đã qua, nhưng cũng có nhiều người quay đầu là bờ.

“Đúng vậy. Tôi tin rằng chỉ cần trong lòng anh đã nắm rõ phương hướng, sau này mọi việc sẽ tốt dần lên.”

Câu nói “chỉ cần… sau này sẽ,” tuy hiện nay đối phương còn chưa đưa ra quyết định, chỉ cần tiền đề “nắm rõ phương hướng” được thành lập, câu nói này sẽ là dự đoán chính xác. Kết hợp tương lai được dự đoán với cuộc sống thường ngày, không những góp phần nâng cao chất lượng giao lưu, mà còn có thể giao tiếp thành công với người khác. Hãy xem ví dụ dưới đây:

Nam: “Thường thì bao lâu em tỉa lông mày một lần?”

Nữ: “Uhm, cũng không thường xuyên lắm, em không quá chú ý vấn đề này.”

Nam: “Ồ, chẳng trách lông mày của em giống như chổi phất trần ấy.”

Nữ: “Anh nói vậy có ý gì, tại sao lại giống như chổi phất trần chứ.”

Nam: “Tại nó tua rua tứ phía, không thống nhất. Cho nên, gần đây có phải em gặp chuyện phiền muộn gì không?”

Nữ: “Chuyện như vậy mà anh cũng biết nữa. Gần đây em đang đau đầu vì chuyện lên chức.”

Nam: “Chỉ cần làm việc chuyên tâm, chắc chắn may mắn sẽ đến với em.

Những lời nói trên sẽ giúp đối phương có cảm giác an toàn, cũng khiến họ tin tưởng chúng ta hơn. Tuy nhiều khi không nghe thấy những lời khẳng định của đối phương, nhưng lòng tin của đối phương đã chứng minh chúng ta nói trúng.

“Có thể anh có rất nhiều bạn bè, hơn nữa trong số đó không thiếu những người bạn chân tình, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, anh vẫn có một khoảng lặng, chỉ có anh mới có thể bước vào khoảng lặng đó, chỉ mình anh biết sự tồn tại của nó.”

“Anh nói rất đúng. Tôi không thể phơi bày hết ý nghĩ của mình cho bàn dân thiên hạ, cho dù là những người vô cùng thân thiết, tôi cũng sẽ giữ lấy không gian của riêng mình, cho mình một chút cảm giác an toàn.”

Cho dù là người cởi mở đến đâu, cũng ít nhiều có những việc không muốn người khác biết. Áp dụng kỹ năng này để phỏng đoán suy nghĩ của đối phương, có thể giúp chúng ta nói trúng ý nghĩ của họ, hơn nữa sẽ không xảy ra sai sót.

Nếu đối phương không hề có phản ứng rõ ràng trước những lời bạn nói, tức chưa xảy ra, vậy phải làm sao? Mục đích của một người đọc nguội là chiếm lấy lòng tin của người khác, khi hai bên đã có lòng tin, như vậy mọi việc tiếp theo sẽ trôi chảy thuận lợi. Cho dù bạn chưa mở lời, đối phương vẫn một mực tin tưởng, vì lời bạn nói tuyệt đối không thể sai.

Một bạn nam muốn học chơi bóng chuyền, cậu ta rất muốn về cùng đội với đám bạn, nhưng lại biết rõ kỹ thuật cơ bản của mình quá tệ, sợ bạn bè không chấp nhận. Vì tâm lý như vậy, trong quá trình tập luyện, cậu ta ngày càng nhụt chí, cũng không có chút tiến bộ. Cậu ta cảm thấy bản thân chơi rất tồi, báo cáo với huấn luyện viên rằng muốn rút lui. Huấn luyện viên thực ra luôn dõi theo cậu ta, cảm thấy cậu ta rất có năng khiếu, chỉ có điều bản thân cậu ta không ý thức được. Huấn luyện viên nói: “Nếu chỉ vì lý do chưa thể chơi bóng tốt mà đã nói bản thân không tự tin, năng lực học tập kém, vậy sẽ có rất nhiều vận động viên bóng chuyền tồi, thực ra em vẫn chưa phát hiện sức mạnh của bản thân.” Huấn luyện viên kèm cậu ta tập luyện những động tác cơ bản, giúp chàng trai thành thục và nắm vững kỹ thuật, cuối cùng, cậu ta tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của mình.

Huấn luyện viên không hề nói rõ cậu ta phải làm thế nào, nhưng nghe ông ta nói, ý nghĩ “rút lui” tan biến, ngược lại sẽ khích lệ tinh thần tích cực phấn đấu của cậu ta.

Một câu nói của ai đó sẽ gợi mở cho chúng ta, khiến chúng ta thay đổi suy nghĩ ban đầu. Khi kế hoạch đã được quyết định từ trước thay đổi vì lý do đó, bạn sẽ cảm ơn người ta nói kịp thời, giúp bạn giữ lấy một cơ hội trong tương lai. Người đọc nguội có thể nói trúng suy nghĩ của bạn như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy nói quá chuẩn.

Sức hấp dẫn của lời dự đoán

Suy nghĩ của một người có thể vận dụng kỹ năng phù hợp để thể hiện. Những lời “nói trúng” kể trên cũng giống như lời dự đoán, chỉ có điều lời dự đoán trên không chỉ bao gồm quá khứ, hiện tại, mà còn có cả tương lai.

Chuyên gia tư vấn: “Gần đây, anh đang cố gắng thích nghi với môi trường mới phải không?”

Khách hàng: “Không có, gần đây, tôi không có thay đổi gì cả.”

Chuyên gia tư vấn: “Thật vậy sao, có lẽ do anh không để ý, mọi thứ xung quanh đều đang thay đổi, cũng giống như chúng ta chỉ sau khi làm xong những việc thuộc phận sự của mình mới có thời gian rảnh rỗi quan tâm tới những việc khác.

Khách hàng: “Cũng phải. Gần đây, tôi bận rộn với hoạt động nghiên cứu khoa học, sắp kết thúc rồi.”

Chuyên gia tư vấn: “Chỉ cần anh chú ý quan sát, sẽ phát hiện mỗi ngày đều khác nhau.”

Trong đoạn hội thoại trên, khi mới bắt đầu chuyên gia tư vấn không hề nói trúng đối phương, bằng việc điều chỉnh bộ khung ngôn ngữ, sử dụng kỹ năng tiên đoán mơ hồ tiếp tục mở rộng không gian trải nghiệm, khiến đối phương có cảm giác thực ra chuyên gia tư vấn vẫn hiểu rất rõ về mình.

Hiện nay, chúng ta đều bận rộn, cơ hội trò chuyện tâm tình với mọi người ngày càng hiếm hoi, mạng Internet đóng vai trò trung gian, trở thành diễn đàn giao lưu. Hãy xem nội dung cuộc trò chuyện dưới đây, cảm nhận sức hấp dẫn của thuật đọc nguội trong quá trình giao tiếp:

A: “Vừa thấy cậu nói chuyện trong chat room, bằng sự nhạy cảm tâm lý, tớ cảm giác cậu đang có tâm sự, có thể chia sẻ một chút không?”

B: “Uhm, cảm giác rất rối bời, không biết phải bắt đầu từ đâu.”

A: “Xem ra tâm trạng của cậu hiện nay rất tệ, giống như cuộn chỉ càng gỡ càng rối, tớ nghĩ có liên quan tới quan hệ xã hội phải không?”

B: “Ha ha. Cậu là người thật biết nói đùa, cũng rất thông minh.”

A: “Rất vui khi cậu nhận thấy như vậy, tớ rất thích mọi người đều vui vẻ, thoải mái.”

B: “Nhưng đôi lúc gặp phải một số chuyện quả thực khiến chúng ta không thể nở nụ cười.”

A: “Vậy hãy nói ra những điều khiến cậu không vui, chỉ cần còn có thể nói ra, chứng minh đó không phải chuyện khó giải quyết.”

B: “Tâm trạng của tớ luôn tốt, nhưng chuyện xảy ra trong hai năm trở lại đây khiến tớ thở không ra hơi.”

A: “Là chuyện gì khiến cậu mệt mỏi như vậy?”

B: “Cậu biết không, đôi khi ánh mắt của người khác sẽ khiến cậu sợ hãi và thu mình lại.”

A: “Tớ cảm thấy hình như cậu rất chú ý ánh mắt của người khác, cho dù đôi khi là những việc làm theo nguyện vọng bản thân, nhưng vẫn rùng mình run sợ.”

B: “Cậu nói rất giống với suy nghĩ của tớ.”

A: “Đây có lẽ là một phần nỗi phiền muộn của cậu. Nhưng không phải nguyên nhân chính.”

B: “Cậu nói rất đúng, tớ phiền muộn vì một người. Tuy ở bên anh ấy, nhưng tớ cảm giác chỉ có một mình; đi công tác cũng một mình, muốn đi du lịch cũng một mình.

A: “Cậu cảm thấy bản thân rất cô đơn, vì luôn chỉ có một mình.”

B: “Cậu nói như cảm giác của tớ hiện nay vậy.”

A: “Trong cuộc tình này, cậu đã hy sinh rất nhiều, cậu thích anh ta, làm nhiều việc vì anh ta, cũng không mong chờ đền đáp, nhưng trong thâm tâm, cậu hy vọng được thấu hiểu, được cảm thông, cho dù chỉ là một cái ôm, cậu sẽ cảm thấy vui vẻ và ấm áp.”

B: “Cậu nói quá chuẩn! Sao việc gì cậu cũng biết vậy.”

A: “Vì là bạn bè, có thể cảm nhận từng hơi thở của cậu, hơn nữa, tớ còn có cảm giác, sắp tới chỉ cần cậu chú ý quan sát thì chắc chắn sẽ gặp may mắn.”

Trong đoạn hội thoại trên, hết lần này tới lần khác, “dự đoán” của A đều đánh trúng tâm lý đối phương, khiến chúng ta cảm thấy khâm phục cậu ta. Khi thủ thỉ tâm tình với bạn bè, chúng ta có thể làm được như vậy không? Khi đối phương nghe thấy từng lời của bạn “nói trúng suy nghĩ của họ,” có thể cảm nhận quả thực bạn đang lắng nghe họ nói, quan tâm họ. Tích lũy những lời “nói trúng suy nghĩ” này, lòng tin của đối phương đối với bạn cũng ngày càng tăng.

Đó đều là từ ngữ thường dùng trong thuật đọc nguội, vận dụng nó hợp lý có thể giúp chúng ta nâng cao hiệu quả giao tiếp, khiến đối phương cảm động, đồng thời giành lấy sự tán thưởng và lòng tin của đối phương.

Bài 2: Bí mật của cùng chung chí hướng

Mỗi người đều có một niềm đam mê, có khuynh hướng nhận thấy người khác và mình cùng chung cảm nhận. Khi phát hiện người khác và mình có chung cảm nhận và thái độ, chúng ta sẽ thích họ.

Nữ kiệt Trương Ái Linh nói: “Tôi muốn bạn biết, trên thế giới này luôn có một người đang chờ đợi bạn, bất luận là khi nào, ở đâu. Dù sao bạn cũng biết, luôn có một người như vậy.” Giao tiếp giữa người với người, có thể đạt tới mức tâm đầu ý hợp là cảnh giới cao nhất.

Sức mạnh của ám thị

Thông qua ám thị, có thể tác động gián tiếp, hàm xúc tới tâm lý cũng như hành vi của bạn và đối phương, giúp nó phát huy hiệu quả đồng nhất với ám thị, đây cũng là một vấn đề buộc phải chú ý trong quá trình đọc nguội.

Một hôm, Hoth, chuyên gia tâm lý người Mỹ tới thăm người bạn Fred, nhưng không được tiếp. Hóa ra, những sai lầm trong công việc thời gian gần đây khiến Fred chịu áp lực nặng nề, ông ta cảm thấy mình hoàn toàn bất lực trước tình hình hiện nay. Một Fred với ý chí sa sút, tâm trạng não nề không muốn gặp bất kỳ ai, bao gồm cả chuyên gia tâm lý nổi tiếng Hoth, ông ta cảm thấy việc tiếp khách sẽ khiến tâm trạng của mình tồi tệ hơn.

Nhưng chuyện rắc rối vẫn xảy ra, ông ta phải cùng sếp tham gia một hội nghị quan trọng. Để giữ miếng cơm, trong hội nghị, Fred vốn đang sầu não buộc phải tỏ ra vui vẻ. Điều khiến ông ta cảm thấy bất ngờ là, sau khi đóng màn kịch cười tươi rói và trò chuyện rôm rả tại hội nghị ngày hôm đó, tâm trạng ủ dột của ông ta nhiều ngày qua bỗng nhiên sáng sủa hẳn lên, cuối cùng đã tìm lại được một Fred phong độ ngời ngời, hòa đồng, dễ gần như trước đây.

Đây chính là một dạng ám thị tâm lý. Trong giao tiếp giữa người với người, bất luận đối diện với người mình thích hay không thích, chúng ta đều phải không ngừng ám thị bản thân: “Tôi thích người này, tôi thích người này…” bằng việc nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần để nhấn mạnh cảm xúc.

Thông thường, với những người mà chúng ta thực sự thích thì không cần đến ám thị tâm lý, vì suy nghĩ của chúng ta tự khắc đã xây dựng được niềm tin như vậy. Chỉ khi đối diện với những người mà mình không thích, thậm chí vô cùng căm ghét mới cần dùng đến kỹ năng ám thị như vậy. Nếu trong quá trình giao tiếp, chúng ta chủ động giãi bày nỗi lòng, đem đến cho đối phương ám thị tích cực, sự phản hồi của đối phương tự nhiên cũng mang tính tích cực.

Chỉ sử dụng ám thị ngôn ngữ kể trên vẫn chưa đủ để xây dựng niềm tin hữu hảo, tích cực trong lòng đối phương, chúng ta còn buộc phải sử dụng bộ khung “giống như” trong ngôn ngữ bộ khung đã được giới thiệu tại phần trước để xây dựng trải nghiệm bộ khung hữu hảo hơn.

Giả sử bạn tới thăm một khách hàng vô cùng quan trọng, trong lòng bạn cảm thấy rất căng thẳng, lo sợ sẽ mắc phải sai lầm khi giao tiếp. Khi đó, bạn có thể sử dụng trải nghiệm tâm lý kết cấu bộ khung “giống như” để điều chỉnh trạng thái giao tiếp của mình.

Bạn có thể tưởng tượng khi gặp mặt khách hàng, hai người ôm nhau thân tình, đối phương vỗ vai bạn, bạn cũng vỗ vai đối phương, giống như đôi bạn cũ lâu năm không gặp nhau. Trong quá trình này, điều quan trọng không phải chỉ tưởng tượng tình huống bạn ôm đối phương mà còn phải tưởng tượng diễn biến nội tâm của bản thân, cảm giác sảng khoái đó.

Trong tiềm thức của bạn sẽ có cảm giác như sau: “Chúng tôi ôm nhau thân tình, bây giờ, chúng tôi đã là đôi bạn tốt có thể giãi bày tất cả, tôi có thể nói chuyện thẳng thắn với anh ấy, cũng có thể thoải mái rồi.”

Tương tự, khi nói chuyện với lãnh đạo cấp trên, bạn cũng có thể vận dụng kỹ năng này.

Nhân viên X rất được lòng ông sếp có tính cách lập dị, rất nhiều đồng nghiệp cảm thấy khó hiểu, thi nhau hỏi cách cô ấy giao tiếp với sếp. Nhân viên X nói: “Thực ra, ban đầu tôi cũng cảm thấy rất sợ hãi khi phải nói chuyện với ông ấy, sau này ngồi nghĩ lại, đằng nào cũng phải làm việc cùng nhau, chi bằng thay đổi cách suy nghĩ và trò chuyện với nhau.” Trước ánh mắt nghi hoặc của mọi người, cô ta nói tiếp: “Rất đơn giản, mỗi lần gặp ông ấy, tôi đều tưởng tượng thành một người bề ngoài tỏ ra vô cùng nghiêm khắc với tôi, thường xuyên quát mắng tôi, nhưng thực ra lại là người anh thường xuyên trêu đùa, bỡn cợt, còn bày cho tôi những trò quỷ quái để đối phó với bố mẹ. Cứ như vậy, khi đối diện với sếp, tôi luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái, cười tươi như hoa. Sếp cũng tự nhiên cảm thấy vui vẻ và chỉ bảo cho tôi.”

Đó chính là dụng ý sử dụng bộ khung “giống như” nó sẽ phát huy sức mạnh to lớn trong nội tâm, thúc giục chúng ta bày tỏ nỗi lòng. Như thế, sau khi đối phương cảm nhận được sự chân thành và nhiệt tình, cũng sẽ giãi bày tâm sự với chúng ta.

Tỏa ra ánh hào quang của sự tự tin

Nội tâm chúng ta, nếu chỉ “thoải mái” vẫn chưa được, nhất định phải tỏa ra ánh hào quang của sự tự tin” mới có thể nhanh chóng thu hút đối phương, giành lấy cơ hội trò chuyện thân tình với họ.

Có một người bạn từng nói với tôi, cậu ta rất khâm phục một bạn cùng lớp, hơn nữa đang học người đó cách làm ăn. Tôi hỏi cậu ta lý do tại sao. Câu trả lời là: “Trên thực tế, người bạn đó cũng không giàu có lắm, việc làm ăn cũng không lớn, nhưng khi bàn chuyện hợp tác với các đại gia, cậu ta không hề lép vế, biểu hiện vô cùng tự tin, như thể bản thân cậu ta là một thành viên trong câu lạc bộ đại gia vậy.”

Làm cách nào để tỏa ra ánh hào quang của sự tự tin, đó là khâu quan trọng nhất trong quan hệ giao tiếp xã hội của chúng ta, cũng là điều nhiều người mới bắt đầu học đọc nguội không thể làm được.

Không tự tin thường thể hiện ở việc né tránh ánh mắt của người khác, liếc ngang liếc dọc khi nói chuyện… Thuật đọc nguội dạy chúng ta, muốn thể hiện sự tự tin của bản thân, buộc phải bắt đầu từ việc “nhìn thẳng vào đôi mắt đối phương” giống minh họa tại hình 3 – 1. Thế nhưng, khi nhìn chằm chằm vào mắt đối phương, bạn sẽ phát hiện, tâm trạng thoải mái ban đầu sẽ trở nên căng thẳng, thành ra càng thiếu tự tin hơn; còn có một trường hợp khác là nhìn chằm chằm vào mắt đối phương để nói chuyện, nếu đối phương là người khác giới dễ xấu hổ, khi bạn nhìn chằm chằm và nói chuyện với cô ấy, ánh mắt của cô ấy sẽ né tránh, thậm chí nói năng lộn xộn.

xxxxx

Hình 3 – 1: Khu vực phóng tầm mắt trong giao tiếp xã hội thường ngày là vị trí hình tam giác được hình thành từ hai con mắt và đỉnh mũi đối phương. Ánh mắt như vậy vừa không gây phản cảm cho đối phương (ví dụ cảm giác bị áp lực) mà còn có thể biểu đạt sự tôn trọng chính mình

Biện pháp hữu hiệu là trong hoạt động xã giao thông thường, ánh mắt của người theo dõi chủ yếu tập trung tại khu vực hình tam giác được hình thành bởi hai con mắt và đỉnh mũi đối phương, phân bố thời gian của góc nhìn đạt tỷ lệ 9:1 là phù hợp nhất. Hay nói cách khác, trong cả quá trình giao tiếp, chúng ta nên dành 90% thời gian nhìn chăm chú vào “khu vực hình tam giác” của đối phương, 10% thời gian còn lại nhìn thẳng vào mắt đối phương, trong đó 10% thời gian này cần trải đều trong cả quá trình giao tiếp.

Thầy Hiroyuki Ishii từng giới thiệu qua về một kỹ năng nhỏ liên quan tới vấn đề tiến hành giao tiếp bằng ánh mắt với đối phương, ông nhấn mạnh khi “nhìn chằm chằm vào mắt đối phương” cần ám thị trong lòng rằng thứ mà mình nhìn thấy chỉ là đôi mắt, một “vật thể” sinh học chứ không phải cửa sổ tâm hồn của đối phương. Thông qua phương thức như vậy, chúng ta cởi bỏ áp lực khi hai cặp mắt nhìn chằm chằm vào nhau cũng là biện pháp tuyệt vời.

Ngôn ngữ cũng cần sự tự tin

Bạn đã từng trải qua tình huống giao tiếp như thế này chưa: Khi nói chuyện với đối phương, càng lúc càng không dám nhìn vào mắt họ, hoặc là vì đối phương đã nhìn ra sự giả dối của bạn, hoặc là vì những lời bạn nói ngày càng thiếu tính thuyết phục, sắp không tin vào chính những điều mình nói.

Nhân viên kinh doanh của một công ty dược phẩm tới bệnh viện cấp huyện để chào bán sản phẩm. Sau khi gặp giám đốc bệnh viện, nhân viên nọ bắt đầu dựa theo bài cũ để giới thiệu sản phẩm, đợi đến khi giám đốc hỏi: “Thuốc của công ty anh gồm những thành phần nào? So với các sản phẩm khác thì có ưu điểm gì?” Các vấn đề trên đều là kiến thức chuyên ngành, nhân viên kinh doanh ậm à ậm ừ: “Cái này… chắc chắn không có vấn đề gì, uhm… nói cụ thể thì… chất lượng sản phẩm nhất định rất cao… ngài không cần lo lắng về thực lực của công ty chúng tôi.” Trên thực tế, bản thân nhân viên kinh doanh cũng không hiểu rõ một số vấn đề kể trên.

Trả lời ậm ừ như vậy, đối phương ngay lập tức sẽ nghi ngờ độ tin cậy trong lời nói của bạn. Một số người rất tự tin khi gặp phải tình huống như vậy, đều nghĩ thầm trong bụng “lần này toi rồi” có lẽ vẫn có thể tiếp tục vờ như không có chuyện gì, nhưng đã bắt đầu khiến đối phương cảm thấy ngờ vực.

Đó là biểu hiện không tự tin của chúng ta khi trò chuyện, thực ra có thể chuyển hóa một cách đơn giản:

“Việc này chắc chắn không có vấn đề gì… chất lượng sản phẩm cũng rất cao… ngài không cần lo lắng về thực lực của chúng tôi. À, xin được hỏi một câu, phải chăng ngài đã nhận được bảng so sánh thành phần và tính năng chúng tôi đã gửi vài ngày trước?

“Ồ, chưa nhận được.”

“Nếu vậy tôi sẽ gửi cho ngài một bản, mời ngài xem qua.”

Như vậy sẽ khiến đối phương hiểu rõ nguyên nhân chúng ta ậm ừ là do chưa xác định đối phương đã nhận được email hay chưa, sẽ hóa giải được tình huống lúng túng, khó xử, đồng thời “đánh lừa” sự phán đoán của đối phương, che giấu việc mất tự tin của bản thân. Điều tuyệt diệu của phương pháp này nằm ở chỗ thông qua việc biểu đạt sai vị trí thời gian và sự vật, dẫn dắt sự chú ý của đối tượng giao tiếp với sự việc ban đầu, xây dựng lại trải nghiệm dưới sự vật hoặc thời gian mới.

Vận dụng kỹ năng đồng bộ

Khi giao tiếp với người khác, nếu có thể tìm được điểm chung, chúng ta sẽ dễ dàng tạo ấn tượng tốt với đối phương. Trong phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số kỹ năng đồng bộ tạo tâm lý giống nhau, vận dụng khéo léo sẽ có thể nhanh chóng giành lấy thiện cảm từ phía đối tượng giao tiếp.

Sử dụng ngôn ngữ “đồng điệu”

Sử dụng ngôn ngữ “đồng điệu” là việc trong quá trình giao tiếp, cố gắng bắt chước những câu chữ đặc biệt mà đối phương sử dụng.

“Năm nay, tôi muốn thử một số mẫu mới, ví dụ những bộ quần áo chưa bao giờ mặc.”

“Làm như vậy rất tốt, giống như công việc của chị, cũng có thể thử mạnh dạn thay đổi.”

“Nếu có thể, tôi muốn thử học thêm kiến thức mới để thay đổi tư duy hiện nay của mình.”

Mỗi lần nói “thử,” thiện cảm của đối phương với bạn sẽ tăng lên một chút. Thông qua việc tích lũy thiện cảm, tâm trạng của đối phương sẽ tốt dần lên, quan hệ giữa hai người cũng ngày càng hòa hợp.

Bắt chước động tác của đối phương

Lần đầu gặp mặt đối phương, cả hai bên đều cảm thấy lạ lẫm, chúng ta có thể sử dụng kỹ năng “đồng bộ hành vi,” nhanh chóng giành lấy thiện cảm của đối phương.

Cách làm hết sức đơn giản, chỉ cần thản nhiên bắt chước động tác và biểu cảm trên khuôn mặt của đối phương là được.

Hai người ngồi đối diện với nhau, nếu đối phương thích dùng tay phải xoay chén rượu, bạn hãy dùng tay trái bắt chước theo. Chú ý, cần tỏ ra tự nhiên, khiến tiềm thức đối phương cảm thấy ngay lập tức, không để đối phương phát hiện ra bạn đang cố tình bắt chước anh ta.

Do động tác, biểu cảm của hai người thống nhất và giống nhau như vậy, tự nhiên sẽ có cảm giác gần gũi.

Trong quá trình bắt chước chúng ta cần chú ý giữ mức độ vừa phải, khi bắt chước cố gắng duy trì một số điểm khác biệt trong các tình tiết, để tránh khiến đối phương cảm thấy không tự nhiên hoặc khoa trương. Chủ yếu cần chú ý vài vấn đề quan trọng sau:

– Nắm bắt thông tin về đối phương một cách tự nhiên, không thể quá chăm chú để tránh gây sự chú ý của đối phương.

– Chú ý thời cơ bắt chước, có thể sai lệch một chút về thời gian.

– Không thể rập khuôn toàn bộ, cần có một số thay đổi.

– Duy trì tần suất bắt chước vừa phải, bắt chước quá nhiều sẽ khiến đối phương cảm thấy bực dọc.

Gật đầu, tỏ vẻ tán thành

Khi đối phương nói điều gì đó mà nhìn bạn chăm chú, chứng tỏ anh ta đang muốn thăm dò thái độ của bạn đối với vấn đề này, khi đó, chúng ta nên đáp lại đối phương bằng sự chân thành, đồng thời gật đầu thể hiện sự tán thàn. Khi gật đầu cần chú ý tần suất, hai đến ba lần là được, hơn nữa cần chậm rãi, không nên gật đầu nhanh chóng và liên tục.

Tiếp ứng biểu cảm của đối phương

Biểu cảm có thể phản ánh sự thay đổi tình cảm nội tâm và tâm trạng của một người, khi trò chuyện với đối phương chúng ta cần hết sức chú ý vấn đề này. Tích cực tiến hành tương tác với đối phương, tiếp ứng thay đổi biểu cảm của đối phương, xây dựng trải nghiệm tình cảm chung.

Có hai người đang nói chuyện, đối phương thể hiện rõ nét mặt hưởng thụ khi hút thuốc, bạn có thể châm điếu thuốc một phút sau đó, thể hiện nét mặt tương tự.

Biểu cảm thường gặp nhất của con người gồm sáu loại là vui mừng, tức giận, lo lắng, suy tư, đau khổ và sợ hãi. Khi nói chuyện với đối phương, tiến hành phản ứng đồng bộ biểu cảm không những cần nhắm vào sáu loại hình biểu cảm kể trên để điều chỉnh biểu cảm của bản thân, khiến đối phương cảm thấy chúng ta cảm nhận được tâm trạng của anh ấy, mà còn phải bắt chước chừng mực, không lộ liễu.

Ủng hộ quan điểm của đối phương

Con người đều thích những người tán thưởng mình. Khi hai người nói chuyện với nhau, nói ra chữ “không,” đồng nghĩa với việc khép lại cánh cửa giao lưu, hai bên sẽ có mối quan hệ căng thẳng về tâm lý. Vì vậy, khi nói chuyện với người khác, chúng ta không nên bắt đầu từ việc thảo luận những vấn đề bất đồng mà nên bắt đầu giao lưu từ những việc hai bên cùng chung quan điểm.

Chúng ta có thể căn cứ vào đặc điểm của đối tượng trò chuyện để điều chỉnh phương thức giao tiếp, khi thể hiện quan điểm tích cực với đối phương, hãy nói nhiều hơn một số câu như sau: “Nghe những lời ngài nói, tôi thu được không ít ích lợi,” “Ngài là tiền bối của tôi, những lời ngài nói quả thực rất có ý nghĩa giáo dục,” “Tôi hiểu cảm giác của ngài,” “Cảm ơn sự quan tâm của ngài,” “Tôi đã từng trải qua nên hiểu rất rõ cảm giác của ngài,” “Ngài nói rất đúng, đây là một dự án đầu tư quan trọng”…

Khiến hơi thở cũng đồng bộ

Khi chúng ta nói chuyện với đối phương, nếu chú ý được nhịp thở của họ, bạn sẽ điều tiết tốt tốc độ trò chuyện, khiến đối phương cảm thấy bạn rất cẩn thận và có cảm giác gần gũi.

Nếu ai đó muốn nói một mạch hết câu chuyện, như vậy tốc độ nói sẽ rất nhanh, cũng giống như việc thở không ra hơi, lúc có lúc không, nhưng một khi nói xong, anh ta sẽ có động tác thở sâu, khi đó, chúng ta cũng có thể bắt chước anh ta thở một hơi thật sâu, sau đó nói một số từ đơn giản như “ừ,” “đúng vậy” để phối hợp, việc này được tiến hành đồng thời với nhịp thở của đối phương. Ngược lại, nếu đối phương nói năng bình tĩnh, như vậy hơi thở cũng tương đối đều đặn, việc chúng ta cần làm là “giữ hơi thở” cùng tiết tấu.

A: “Cậu nói xem bản thân có ưu điểm gì, không tính việc đáng yêu nhé.”

B: “Đáng yêu dĩ nhiên không tính. Tớ là người nói chuyện không cần suy trước tính sau, khá thẳng thắn. Đây cũng là điều khiến tớ cảm thấy buồn phiền, dễ đắc tội người khác!” (Nói xong thở sâu, thả lỏng).

A: “Ồ (tạm dừng một lát và cũng thở sâu), nhưng tớ có thể phát hiện cậu có rất nhiều ưu điểm, ví dụ, bình thường cậu là người hơi vội vàng, hấp tấp, nhưng thực ra rất nhẫn nại.

B: “Đó là tớ ư?” (giọng nghi vấn).

A: “Đúng thế. Lẽ nào có người thứ ba đang nói chuyện với tớ? Ngoài ra, tớ có thể cảm nhận được cậu là người theo kiểu thị giác.”

B: “Kiểu thị giác? Là nhìn người nhìn dáng điệu?”

A: “Không, là phân loại trong tâm lý học: Con người gồm ba loại hình, kiểu thị giác, kiểu thính giác và kiểu xúc giác.”

B: “Chẳng hiểu.”

A: “Nói cách khác, bình thường cậu là người rất có chính kiến, không mù quáng nghe theo ý kiến của người khác, vì vậy, cậu có chút cứng nhắc, thậm chí là cố chấp.”

B: “Tớ buộc phải thừa nhận cậu nói rất đúng. Rất nhiều bạn bè giận tớ vì điểm này, rõ ràng là lời góp ý mọi người đều tiếp thu, tớ vẫn cố chấp, không thay đổi.”

Đối phương hoàn toàn đi theo sự chỉ dẫn của bạn để tham gia vào tình huống hội thoại, vì bạn nói chính xác ngay câu đầu tiên, cho nên có sự đồng cảm, cũng giống như việc hít thở, dường như bạn vừa nói ra, đối phương đã muốn biết câu tiếp theo. Trong câu nói của bạn, đối phương cảm nhận được bạn rất hiểu anh ta, hai bên có nhiều điểm chung, từ đó có cảm giác thân thiết.

Bài 3: Thiếu cái gì, cho cái đó

Nhà tâm lý học Kerchhoffs từng tiến hành một cuộc điều tra, đối tượng điều tra là nam nữ sinh viên đang yêu nhau. Kết quả điều tra phát hiện, khi quan hệ hai bên tiến vào giai đoạn tình bạn hoặc quyết định kết hôn, trong nhiều nhân tố khiến hai người hấp dẫn lẫn nhau, tính bổ sung giữa phẩm chất nhân cách và nhu cầu tâm lý ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tính bổ sung này, xét từ quan hệ giữa hai bên, chính là thiếu cái gì, cho cái đó.

Khi thực hiện đọc nguội, chúng ta có thể khéo léo lợi dụng đặc điểm tâm lý này của con người: đối phương thiếu cái gì, chúng ta sẽ cho họ cái đó.

Con người có tính hai mặt

Tâm lý học cho chúng ta biết, mỗi người đều tồn tại một phiên bản khác trong tiềm thức, tức bản thân mình trong tưởng tượng. Con người ngoài những thứ đã đạt được hoặc tồn tại, đồng thời vẫn hy vọng sở hữu những gì mình chưa có. Đó đều do tính hai mặt của con người.

Tính cách con người thú vị như vậy, hoàn toàn không giống như kiểu không trắng thì đen. Một mặt hy vọng bản thân anh hùng cái thế, mặt khác lại hy vọng bản thân hiền như cục đất; một mặt hy vọng bản thân giành được vô số tiếng vỗ tay khen ngợi và hoa tươi, mặt khác lại hy vọng bản thân có thể ẩn dật với đời, thong thả, nhởn nhơ.

Dưới tác động của trạng thái tâm lý này, một người có ý kiến kiên cường, cũng thường xuyên cảm thấy chán nản, thất vọng; một người cẩn thận, tỉ mỉ, điềm đạm, chu đáo, cũng thường xuyên cảm thấy bản thân phải chăng làm chưa thật tốt, chưa thật sự quan tâm đối phương.

Khi thực hiện đọc nguội, có thể sử dụng hiệu quả đặc điểm tâm lý này, một câu nói đánh trúng suy nghĩ đối phương.

“Vì bạn rất thẳng tính, nên mọi người xem bạn như con trai, thực ra bạn cũng có tâm lý dịu dàng của phụ nữ, chỉ có điều mọi người đều chưa chú ý.”

“Bạn rất muốn yêu đương cuồng nhiệt, cho dù bị tổn thương cũng không bận tâm, nhưng nếu có cơ hội, bạn lại sợ hãi làm như vậy phải chăng quá ngốc nghếch.”

“Nhìn bề ngoài bạn là người nguyện hy sinh vì người khác, thậm chí xem nhẹ nhu cầu và cảm nhận của bản thân, thực ra trong lòng, bạn cũng mong muốn có người đối xử tốt với mình, hy vọng có cảm giác được yêu thương, chiều chuộng.”

Con người đều có tính hai mặt, có lẽ một bộ mặt khác ngay bản thân mình cũng không phát hiện ra, khi đối phương nói ra những lời như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy họ rất hiểu mình.

Nắm bắt tâm lý mâu thuẫn này của con người, nói trúng tâm lý đối phương từ một mặt đối lập, là chiêu thức thường dùng trong thuật đọc nguội, chúng ta hãy xem lại những câu văn miêu tả tính cách trong hiệu ứng Barnum gần như đều được thiết kế như vậy, vì vậy mới khiến mọi người nhận thấy bạn nói rất chuẩn xác. Trong lòng mỗi người thực ra có rất nhiều vết thương, khao khát được cảm thông, được vỗ về, khi chúng ta có thể chỉ ra một bộ mặt khác của đối phương, họ dễ dàng coi chúng ta là những người bạn tâm đầu ý hợp.

Sau khi kết thúc một hội nghị cấp cao giữa các bộ ngành, tâm trạng của giám đốc Từ, đại biểu Bộ Nguồn nhân lực có chút xúc động. Tổng giám đốc tìm giám đốc Từ nói chuyện. Tổng giám đốc nói: “Giám đốc Từ, có thể thấy anh là người chỉ nhìn nhận đúng sai hay dở từ bản thân sự việc, không đem tình cảm vào công việc, điều này được nhận thấy từ việc rất nhiều nhân viên trong công ty chúng ta đồng ý kết bạn với anh, cơ sở là tấm lòng chân thành của anh, vì vậy là người có gì nói đấy. Nào, anh có ý kiến gì về hội nghị lần này hãy nói cho tôi nghe xem. Giám đốc Từ nghe tổng giám đốc nói, mặc dù đang có tâm trạng cũng cố gắng tạm thời kìm nén. Ông nói: “Nếu một nhân viên mới làm việc trong môi trường cạnh tranh bình đẳng tại công ty, hiệu quả công việc cao hơn nhân viên cũ, như vậy tôi cho rằng việc tăng lương cho anh ta là lẽ đương nhiên, nhưng bây giờ, vì nhân viên mới được tuyển dụng thông qua chương trình tìm kiếm nhân tài, nên ngài trực tiếp trả lương cao hơn thực tế cho cậu ta, điều này không chỉ là cú sốc đối với số nhân viên lâu năm tại Bộ ta, mà còn ảnh hưởng tới ý chí phấn đấu của bọn họ. Vì vậy, tôi thấy làm như vậy không ổn, kính đề nghị ngài xem xét lại.”

Khuôn mặt con người giống như chiếc nhiệt kế thời tiết, có thể bộc lộ tâm trạng của bạn. Giống như tổng giám đốc đã nhìn ra tâm trạng của giám đốc Từ. Một câu nói với hai ý nghĩa của tổng giám đốc, buộc giám đốc Từ phải kìm nén cảm xúc, thể hiện lý trí cần có trong việc xử lý công việc tại công ty, bắt đầu nhìn nhận đúng sai hay dở từ bản thân sự việc. Tính hai mặt trong cảm xúc của con người cũng rất dễ bị lợi dụng.

Nói từ hai mặt đối lập

Nếu gặp mặt đối phương lần đầu, chắc chắn bạn muốn để lại trong lòng anh ta ấn tượng tốt đẹp, bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện như sau:

A: “Rất vui được làm quen với bạn! Bạn thích cung Hoàng đạo chứ?”

B: “Ồ, tớ cũng biết một chút. Bạn thuộc cung gì?”

A: “Tớ thuộc cung Xử Nữ.”

B: “Ồ, những người thuộc cung Xử Nữ theo đuổi sự hoàn mỹ! Họ rất nghiêm khắc với bản thân, đối với người khác cũng có chút khắt khe.”

A: “Trước đây, khi chưa hiểu về cung Hoàng đạo, tớ không như vậy. Trước đây, tớ thuộc tuýp qua loa đại khái, sau khi tìm hiểu về cung Hoàng đạo, tính cách ngày càng giống những gì nói về cung Xử Nữ.”

B: “Đúng vậy. Có thể nói từ nhỏ tới lớn con người có hai cung Hoàng đạo. Lúc nhỏ có một cung, đợi đến khi chúng ta dần lớn lên, muốn thay đổi sẽ có một cung khác, đó là xét từ góc độ tâm lý.”

A: “Tớ có cảm giác cậu biết quá nhiều thứ! Cậu là một người giàu tình cảm, nhưng thực ra cậu không giỏi ăn nói, điều đó sẽ khiến người khác hiểu lầm cậu là người thờ ơ lạnh nhạt.”

B: “Không ngờ cậu lại biết cách quan sát lòng người!”

A: “Không, tớ chỉ nói ra cảm giác khi mới quen biết cậu.”

Thực ra, bạn cũng không chắc chắn mình nói đúng hay không, đây chỉ là một kỹ năng trong thuật đọc nguội, khi không thể xác định, hãy thử nghiệm từ hai mặt đối lập, chắc chắn không sai.

Chỉ cần bạn giỏi biến đổi và sử dụng, cú pháp câu như vậy chắc chắn sẽ phát huy sức hấp dẫn mê hồn trong cuộc sống, giúp bạn nhanh chóng nâng cao chất lượng giao tiếp xã hội.

Giả sử một người phần lớn thời gian đều tích cực, lạc quan, chỉ cần nói ra điều trái ngược với biểu hiện bề ngoài, ngay lập tức có thể đánh trúng tâm lý đối phương, ví dụ hãy nói như dưới đây là được:

“Bạn luôn giữ thái độ sống tích cực với những người xung quanh, nhiệt tình cởi mở (tích cực), đôi khi cũng cảm thấy buồn phiền vì lòng tốt không được đền đáp xứng đáng (tiêu cực).”

“Đôi khi rất lạc quan, vô cùng tự tin, chung sống hòa hợp với người khác (tích cực), đôi khi rất bi quan, lo lắng, bất an, không thân thiện với mọi người (tiêu cực).”

“Nhìn bề ngoài có vẻ rất kiên cường (tích cực), nhưng trong lòng đôi lúc cũng cảm thấy yếu đuối và sợ hãi (tiêu cực).”

Con người luôn khao khát ai đó có thể thấu hiểu nỗi khổ đau và mâu thuẫn được chôn sâu trong đáy lòng mình. Vì vậy, trong giao tiếp xã hội, khi bạn nói trúng một bộ mặt khác của đối phương được bộc lộ ra bên ngoài, chắc chắn họ rất có thiện cảm và đồng ý làm quen, tâm sự với bạn.

Nếu đối phương là người thích giành giật và hiếu thắng, chúng ta có thể thiết kế chủ đề trò chuyện như sau:

“Bạn luôn hy vọng bản thân sẽ làm tốt nhất, cố gắng nhiều hơn nữa vì công danh sự nghiệp, đôi lúc cũng hưởng thụ cuộc sống thoải mái, tự do.”

Nếu đối phương là người có vẻ bề ngoài điềm tĩnh, chúng ta có thể thiết kế chủ đề trò chuyện như sau:

“Bạn là người mềm mỏng, lương thiện, luôn nghĩ tốt cho người khác, nếu gặp phải những chuyện ác ý khiến mình tổn thương, bạn cũng muốn đáp trả đến nơi đến chốn, bạn không phải là người dễ bị bắt nạt.”

Nếu đối phương là người không giỏi ăn nói, chúng ta có thể thiết kế chủ đề trò chuyện như sau:

“Từ trước đến nay, bạn không muốn phát biểu ý kiến, thích sống yên bình với người khác, một khi gặp phải người hiểu mình hoặc những chuyện vui, bạn vẫn bằng lòng trò chuyện với đối phương.”

Nếu đối phương là người hiền lành, chúng ta có thể thiết kế chủ đề trò chuyện như sau:

“Bạn là người thân thiện, hiền hòa, biết quan tâm người khác, trong cuộc sống có nhiều bạn bè, cũng có một số kẻ tiểu nhân đáng ghét từng bị bạn trút cơn thịnh nộ.”

Phương pháp diệu kỳ để giải tỏa cảm xúc

Trong cuộc sống hiện thực, những lời chúng ta nói có thể chỉ là vô tình, nhưng lại khiến đối phương tổn thương. Đối phương vì lý do đó mà giận dỗi, không thèm đếm xỉa tới chúng ta, có cảm giác “trở mặt như thể không quen biết.” Trong tình huống đó, phải chăng bạn sẽ giống như ngồi trên đống lửa, không biết phải làm sao?

Thực ra trong tình yêu, những chuyện như vậy rất dễ xảy ra, chúng ta chỉ cần nắm vững kỹ năng giao tiếp từ hai mặt đối lập, ngay lập tức có thể hóa giải tâm lý tiêu cực của đối phương.

“Cục cưng ơi, em giận anh thật đấy à? Anh chỉ đùa với em thôi, em không thể làm như thế!”

“Hứ, không thèm nói chuyện với anh.”

“Vậy anh biết làm sao đây, quả thực anh không cố ý nói như thế.”

“Đúng, anh cố ý nói như thế.”

“Không phải, em đừng nghĩ linh tinh. Cục cưng à, anh biết trong lòng em không hề giận dỗi, thực ra em là người khẩu xà tâm phật, ngoài mặt không vui, thực ra trong lòng vẫn nghĩ tới anh.”

“Anh khéo tưởng tượng nhỉ, em không tốt như vậy đâu nhé.”

“Đúng thế mà. Đôi lúc tưởng chừng như em hơi nhỏ nhen, nhưng khi hai chúng ta ở cạnh nhau, em rất chu đáo, biết lo nghĩ giúp anh nhiều điều mà anh lơ là.”

“Uhm, coi như anh còn có chút lương tâm, biết nghĩ tới điểm tốt của em.”

Trong tình yêu, hai bên sẽ có giai đoạn rất mong manh, yếu đuối, nếu xử lý không khéo, hậu quả rất có thể là đánh mất duyên phận. Vì thế, muốn xử lý tốt quan hệ tình cảm giữa hai bên, chúng ta cần học cách nói chuyện khéo léo để được đối phương thừa nhận.

Trong lĩnh vực thương mại, kỹ năng ngôn ngữ như vậy vẫn có thể phát huy vai trò tích cực:

Nhân viên kinh doanh đắc tội với khách hàng vì không giới thiệu rõ ràng cho khách hàng về tính năng, ưu thế của sản phẩm, khách hàng lại nói mấy lời khó nghe, nhân viên kinh doanh được thể đáp trả lại ngay. Vấn đề trở nên nghiêm trọng, khách hàng nói: “Thái độ của cô như vậy là sao, tôi là người mua hàng, có cái kiểu bán hàng như cô á?” Đúng lúc quản lý bước tới, kéo khách hàng sang một bên, đồng thời cũng yêu cầu nhân viên kinh doanh quay về văn phòng tự kiểm điểm. Khi đó, quản lý mới nói: “Thưa ngài, tuy mới tiếp xúc với ngài, nhưng trực giác mách bảo tôi, ngài không phải người thiếu khách quan, giải quyết công việc theo cảm tính, vì vậy, tôi tin rằng ngài nhất định cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan vô tư trước khi đưa ra quyết định.” Khách hàng nghe xong những lời đó liền nghĩ bụng: Anh nói quả đúng như những gì tôi nghĩ, làm sao tôi có thể để cho một nhân viên kinh doanh ảnh hưởng tới phán đoán của mình về sản phẩm cơ chứ? Thế là ông ta nói: “Nể mặt anh, tôi sẽ cân nhắc, anh hãy giới thiệu tường tận về sản phẩm của mình đi.”

Trong tâm hồn mỗi người đều có một thiên thần và một ác quỷ, điều chúng ta cần làm là, ca ngợi thiên thần, an ủi vỗ về ác quỷ, từ đó cảm động đối phương.

Gợi mở nỗi lòng người khác

Con người trên thế giới này sở dĩ không thể nắm bắt là vì chúng ta không hiểu tính hai mặt của họ, một khi chúng ta biết được bí mật này, có thể dễ dàng gợi mở nỗi lòng người khác.

“Xem ra bạn rất vui vẻ, hình như chưa bao giờ chịu đựng gian khổ, thực ra, bạn đã khắc phục rất nhiều khó khăn.”

“Bạn nói rất đúng, đúng là những việc mà tớ thích, tớ sẽ theo đuổi tới cùng, nhưng tớ vẫn có tinh thần vui vẻ, vì tớ tin tưởng những nỗi nhọc nhằn này sau khi đã vượt qua đều trở thành vốn quý.”

“Quả nhiên không nằm ngoài dự đoán, ngay cả khẩu khí của bạn cũng đem tới cảm giác như vậy.”

Một người cho dù vui vẻ tới đâu cũng từng trải qua nhiều khó khăn lớn nhỏ, không thể thuận lợi mọi chuyện, nói ra những lời như vậy, trong đầu đối phương sẽ chủ động tìm kiếm thông tin, từ đó cảm thấy đích thị như vậy.

Con người đều là thể hỗn hợp tự mâu thuẫn, biểu hiện hành vi và nhu cầu tâm lý nhiều khi có độ vênh.

A: “Anh lái xe rất chậm. Có phải mới học lái không?”

B: “Đúng vậy, mới biết lái đó.”

A: “Vậy chắc chắn anh không phải sinh viên rồi.”

B: “Ồ, sao anh biết? Nhiều người nói tôi rất giống sinh viên.”

A: “Bởi vì tôi có thể cảm nhận được bằng tâm linh, hơn nữa, tôi còn biết anh học lái xe không xuất phát từ chủ ý, thực ra trong lòng anh không muốn học lái xe, anh cảm thấy có người lái xe, mình ngồi sau là ổn rồi.”

B: “Ngay cả việc đó anh cũng biết, anh có quen biết tôi không nhỉ?”

A: “Tôi không quen biết anh, chỉ vì biểu hiện của anh khi lái xe khiến tôi nghĩ thế.”

Đó chính là sức mạnh của đọc nguội, trong lòng đối phương thiếu cái gì, chúng ta cho họ cái đó, vô hình chung cũng đạt mục đích chiếm lấy lòng tin của đối phương.

Trên thực tế, vận dụng kỹ năng này, chúng ta vẫn có thể nói trúng về bạn chí cốt của đối phương trong các tình huống xã giao, khiến đối phương nhìn chúng ta bằng con mắt khác và nói chuyện vui vẻ. Nếu đối phương là người làm việc qua loa, đại khái, hiền lành, dễ gần, chúng ta có thể nói như sau: “Chắc chắn anh có một người bạn thân làm việc tỉ mỉ, cẩn thận, khá độc lập tự chủ, không thích theo số đông phải không?” Nếu đối phương là người có tính cách mềm mỏng, thích phục tùng, cống hiến thầm lặng, chúng ta có thể nói như sau: “Chắc chắn anh có một người bạn thân tính cách mạnh mẽ, giỏi lãnh đạo, khả năng tổng hợp, quy hoạch rất tốt phải không?” Tóm lại, chỉ cần nói ra những đặc trưng tính cách trái ngược với đối tượng giao tiếp là được.

Người ta thường nói, vật tụ theo loài. Nhưng hình như đã quên mất vẫn còn một số ý kiến như sự hấp dẫn khác giới, bổ sung cá tính lẫn nhau. Hay nói cách khác, với bạn bè thông thường, người ta có khuynh hướng tìm kiếm những người có cá tính, đặc điểm chung với bản thân; nhưng muốn thực sự trở thành bạn chí cốt, người ta vẫn có khuynh hướng tìm kiếm những người có thể bổ sung cho mình về cá tính để đạt mục đích cùng chung sống, cùng có lợi.

Bình luận