Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thuật Đọc Nguội

Chương 4. Mở Đầu Chủ Đề Cuộc Trò Chuyện Một Cách Thuận Lợi

Tác giả: Thạch Chân Ngữ

Xây dựng mối quan hệ với đối phương, không những cần nắm vững kỹ năng đọc nguội, mà còn phải hiểu rõ một số bí quyết bắt chuyện, như vậy mới có thể giúp bạn khởi động hệ thống đọc nguội thuận lợi. Kkhông những có thể nói trúng tâm lý đối phương ngay câu đầu tiên, mà còn triển khai thuận lợi cuộc trò chuyện sau đó.

Bài 1: Thực tiễn của cao thủ đọc nguội

Trong con mắt của những cao thủ giao tiếp không có khái niệm người xa lạ, nếu có thì chỉ là bạn bè chưa quen biết. Mục đích học thuật đọc nguội là nhằm xây dựng mối quan hệ với người khác, giành được lòng tin của người khác, nếu xét từ điểm này, muốn phát huy hiệu quả thuật đọc nguội, chúng ta còn cần phải học kỹ năng bắt chuyện.

Khúc dạo đầu hiệu quả

Khi bàn về giao tiếp nam nữ, Neil Strauss tổng kết hết sức ngắn gọn thành bốn bước: “tìm kiếm mục tiêu, bắt chuyện làm quen, thể hiện sức hấp dẫn, xây dựng mối quan hệ về sau.” Cũng có người từng phát triển lý luận này vào chuyện tình yêu, theo đuổi bạn gái, sức ảnh hưởng rất lớn.

Học thuật đọc nguội, nếu không thể nắm vững quy tắc này, thì việc phát huy thuật đọc nguội rốt cuộc sẽ thiếu đi một cây cầu thẳng tắp nối liền hai tâm hồn.

Tìm kiếm mục tiêu, cũng có thể nói là quan sát mục tiêu, những kiến thức liên quan tới vấn đề này, chúng ta đã giải thích cặn kẽ trong các chương trước. Trên thực tế, nếu bạn muốn làm quen với một người, thông thường đều là phương pháp tư duy kiểu động vật, không cần tìm kiếm, về cơ bản một số cơ năng cảm xúc trên thân thể con người sẽ khiến đôi mắt bạn sáng rực.

Đúng vậy, đó chính là mục tiêu của bạn! Vấn đề là bạn làm cách nào để bắt chuyện với anh ấy/cô ấy. Vừa mới bắt đầu câu chuyện liền đọc nguội ngay? Rõ ràng không ổn, đối phương sẽ nghĩ chúng ta là “đồ điên,” hoặc bị nhân viên an ninh mời ra ngoài, đó quả đúng là kết cục rất cần đến trí tưởng tượng.

Kỹ năng câu nói đầu tiên

Lý Gia Thành nói, việc chào hỏi không nhất thiết phải thận trọng, nhưng chắc chắn cần chân thành, cảm động lòng người. Theo nguyên tắc này, ý kiến của chúng tôi đối với câu nói đầu tiên là, bạn chỉ cần nói một câu “xin chào” chân thành với người lạ, đồng thời trực tiếp cho anh ta biết, bạn muốn làm quen với anh ta, sau đó mới bắt đầu cuộc trò chuyện mang tính liên tục.

Kỹ năng nằm ở chỗ, sau khi nói bạn muốn làm quen với đối phương, không chờ đối phương nói đồng ý hay không đồng ý, lập tức cho anh ta biết, nghề nghiệp hoặc công việc bạn đang làm, sau đó hỏi thăm về nghề nghiệp hoặc công việc anh ta đang làm. Nói cách khác, ngoài việc mạnh dạn bộc lộ bản thân trước mặt anh ta, bạn còn thoải mái trò chuyện như những người bạn mới quen.

Dĩ nhiên, ngoài phương pháp trực tiếp này, một số cao thủ bắt chuyện cũng tổng kết không ít ví dụ bắt chuyện làm quen kinh điển, các bạn đọc hãy học hỏi một chút.

“Xin chào! Gần đây, tôi đang luyện cách làm quen với người lạ, bởi tôi luôn mong muốn làm một diễn viên tấu nói, muốn thông qua việc đối đáp với người lạ, nâng cao khiếu hài hước của bản thân. Tôi muốn thử kể một câu chuyện tiếu lâm xem có thể chọc cười anh được không.”

Nếu đối phương đồng ý nghe, vậy bạn hãy chớp lấy cơ hội và phát huy tài năng.

Ví dụ dưới đây được nhắc đến trong cuốn The Game: Penetrating the Secret Society of Pickup Artist– (tạm dịch: Trò chơi: Thâm nhập thế giới bí mật của những nghệ sĩ quyến rũ) của Neil Strauss là ví dụ khá kinh điển, sẽ phát huy hiệu quả trong bối cảnh làm kinh doanh hoặc nhà hàng:

Người bắt chuyện: “Lại là cô à? Ha ha, cô thật sự rất thích đi đi lại lại quanh tôi sao?”

Nhân viên phục vụ: “(Tươi cười, nói vài câu vu vơ) “……”

Người bắt chuyện: (Trả lời vu vơ) “………”

…………..

Người bắt chuyện: (khi nhân viên phục vụ chuẩn bị rời đi) “Tôi cược rằng cô sẽ quay lại rất nhanh thôi, vì ánh mắt của cô cho tôi biết điều đó.”

Nhân viên phục vụ: (Tươi cười) “Đúng, tôi không thể cưỡng lại.”

Đến đây, khi đã bắt chuyện được thì sự phát triển giao tiếp sẽ thông qua các bước tiếp theo. Tóm lại, trong quá trình bắt chuyện, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng mối liên hệ với đối phương, đồng thời dẫn dắt tới chủ đề trò chuyện tiếp sau đó, điều này vô cùng quan trọng.

Quy luật ba giây

Quy luật ba giây, nghĩa là khi thấy đối phương, mục tiêu đặt ra là cần phải “ra tay” trong vòng ba giây. Làm như vậy nhằm giúp người bắt chuyện không cho đối phương thời gian suy nghĩ, nhân cơ hội đó để đạt được mục đích.

Phương pháp này phù hợp hơn với người mới vào nghề, bởi vì người mới vào nghề thường không nắm được chủ ý, chần chừ không dám hành động. Đối với người mới, giây đầu tiên trong đầu xuất hiện hưng phấn muốn bắt chuyện, giây thứ hai trong đầu xuất hiện nhiều âm thanh phản đối, sau đó dùng một giây nữa để hạ quyết tâm, lại bắt đầu nghĩ nên mở lời ra sao, nói gì với đối phương. Vậy là vài phút trôi qua. Chần chừ, do dự sẽ có ảnh hưởng tiêu cực, khiến việc bắt chuyện thất bại.

– Cơ hội trôi qua rất nhanh, bạn nghĩ xong, người ta đã đi mất.

– Nghĩ càng nhiều, do dự càng nhiều, sợ hãi càng nhiều, căng thẳng càng nhiều, cuối cùng có thể sẽ từ bỏ.

– Cho dù cuối cùng bạn chiến thắng bản thân, nhưng do tác động của nhiều loại tâm lý tiêu cực, biểu cảm và động tác của bạn khi bắt chuyện sẽ trở nên không tự nhiên, dẫn tới thất bại.

– Thái độ chần chừ, do dự của bạn sẽ bị đối phương để ý, nhận ra một cách có ý thức hoặc vô thức rằng, bạn là người nhát gan, dễ xấu hổ, ngại ngùng.

Vậy phải làm sao? Chúng ta hãy thử làm theo quy luật ba giây. Ra đòn trong vòng ba giây, chỉ cần như vậy. Bạn cần ám thị bản thân mấy điểm dưới đây:

– Dù bạn thuộc lời thoại, chưa thuộc lời thoại hay tự nghĩ ra lời thoại cũng phải bắt chuyện.

– Không nên cân nhắc đây đã phải thời cơ tốt nhất để bắt chuyện hay chưa; vì thời cơ tốt nhất để bắt chuyện trong tưởng tượng của bạn có thể sẽ xuất hiện, cũng có thể không xuất hiện.

– Nếu bạn bước vào việc bắt chuyện trong trạng thái tự nhiên nhất, cách thể hiện sẽ rất tự nhiên. Ví dụ, bạn vừa chơi bóng rổ xong, liền nhìn thấy một người đứng bên cạnh, hãy hỏi ngay: “Anh cũng tới chơi bóng à?”

Như vậy, bạn sẽ là người dám làm những việc mình thích mà không cần bận tâm người khác nghĩ gì, điều này sẽ tạo nên sức lôi cuốn. Thành công hay thất bại của việc bắt chuyện phần lớn quyết định bởi việc bạn có thể hiện trình độ cao như vậy hay không, thà quang minh, lỗi lạc còn hơn rụt đầu, rụt cổ. Khi gặp người có trình độ bắt chuyện tài tình như vậy, đối phương rất khó chối từ. Nếu khi mới bắt đầu, biểu hiện của bạn không thoải mái, không cần chờ đến khi bạn cất tiếng nói, đối phương đã bỏ đi rất xa.

Thể hiện giá trị cao

Chỉ dám nói vẫn chưa đủ, nếu không thể thu hút đối phương, thì dù bạn có nói nhiều đến thế nào cũng chỉ là phát huy công năng của chiếc máy nhắc lại.

Trong giáo trình Làm cách nào để thu hút người khác, Neil Strauss từng so sánh “lý luận con công” với bộ khung trải nghiệm dùng để thu hút người khác. Đó đúng là một ví dụ sát thực tế. Vấn đề ở chỗ con người đều không phải con công, không có bộ lông đẹp mê hồn, thậm chí còn có vẻ ngoài xấu xí.

Đó thật sự là điều khiến người ta cảm thấy buồn chán. Trên thực tế, tâm lý học thông qua nghiên cứu đã phát hiện, chỉ có nam giới mới chú trọng nhan sắc của các bạn gái, trong khi đa số nữ giới thật ra quan tâm nhiều hơn tới các nhân tố như: sự tự tin, nụ cười, dáng vẻ, điệu bộ, khiếu hài hước, sự hòa đồng và việc bạn trai đó có thể nổi bật giữa đám đông hay không? Đó cũng là tố chất lãnh đạo của nam giới được Neil Strauss miêu tả trong cuốn Trò chơi: Thâm nhập thế giới bí mật của những nghệ sĩ quyến rũ.

Đúng vậy, chỉ cần bạn làm được như thế đã quá đủ rồi. Bạn xem, trên phố có biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp đang cầm tay, sánh bước bên những gã đàn ông xấu xí, chỉ có thể giải thích rằng bọn họ thể hiện tố chất lãnh đạo của nam giới nhiều hơn bạn.

Những ai đã từng xem bộ phim Good Will Hunting (tạm dịch: Chàng Will tốt bụng) hẳn đều nhớ chàng trai tốt bụng Will, nhân viên gác cổng của Học viện công nghệ Massachusset khi ở quán bar, đã đối đáp thế nào với đám sinh viên ưu tú của Đại học Harvard thích bàn luận chuyện cao xa viển vông.

“Wood đã đánh giá quá thấp chênh lệch xã hội của tài sản, đặc biệt là tài sản thừa kế. Đây là luận điểm bạn đọc được từ cuốn sách của Vickers, phân tích vấn đề việc làm của thanh niên, trang 98? Tớ cũng từng đọc qua, bạn muốn biết nội dung cả cuốn sách này không? Bạn có ý kiến cá nhân đối với những luận điểm đó chứ? Bạn chạy đến quán bar để bàn luận viển vông về luận điểm trong cuốn sách, hay giả vờ đó là quan điểm của bản thân, để cua gái, tán tỉnh bạn tôi sao? Phải đến năm mươi năm sau, bạn mới bắt đầu hiểu sự đáng thương của mình, trên đời này chỉ có hai việc chắc chắn, một là đừng chỉ biết sút bóng vọt xà ngang(5), hai là nền giáo dục khiến bạn tiêu tốn 10.500 đô-la chỉ cần bỏ ra 1,5 đô-la đã có thể học được tất cả trong thư viện.”

Bằng những câu nói như vậy, Will đã thể hiện rõ tài hoa và cá tính không chịu khuất phục của mình, cũng tính là một lần thể hiện giá trị cao, chiếm được trái tim người đẹp trong nháy mắt.

Một số người có thể không có tư duy thiên tài như Will. Thế nhưng, điều đó không quan trọng. Quy luật cá tính trong tâm lý học cho chúng ta biết, thể hiện một số cá tính độc đáo và nổi bật có thể thu hút sự chú ý của người khác hơn là những phẩm chất tốt đẹp. Trong cuốn Lý luận con công, Neil Strauss đã tổng kết đơn giản như sau: đối với con người, điều tương tự với hành động xòe đuôi của con công là quần áo đẹp sáng láng, những chiếc mũ sặc sỡ, đồ trang sức lấp lánh trong bóng tối. Những vật dụng tưởng chừng tầm thường đó có thể phát huy tác dụng thu hút sự chú ý của đối phương, đặc biệt khi chúng ta muốn làm quen với phụ nữ.

Trên thực tế, một điều có thể Neil Strauss chưa nghĩ tới là, trong xã hội ngày nay, một chiếc xe hơi đắt tiền, một chiếc đồng hồ Rolex, một bộ cánh Armani cũng có tác dụng tương tự như việc con công xòe đuôi.

Phủ định vừa phải

Bất kể ai trong chúng ta cũng từng đùa giỡn với mèo hoặc chó. Khi chúng ta cầm một quả bóng hoặc một sợi dây đưa qua đưa lại trên đầu nhưng nhất quyết không cho chúng với tới, chúng sẽ nhảy qua nhảy lại, đuổi theo trái bóng hoặc sợi dây kia. Một khi chúng ta quẳng đồ chơi về phía chúng, đa số những chú chó hoặc chú mèo chỉ vờn một lúc là chán.

Quy luật này cũng có tác dụng tương tự khi chúng ta bắt chuyện với người lạ. Sau khi thu hút sự chú ý của đối phương, bước tiếp theo đừng vội vàng vồ vập, mà trước tiên chúng ta hãy rời xa họ, làm bộ như không quan tâm. Kiểu mèo vườn chuột này có thể tăng cường hứng thú nói chuyện với bạn của đối phương.

Thứ nhất, phần dạo đầu cố gắng nhắm vào những người xung quanh anh ấy/cô ấy, chứ không thể chỉ nghĩ về đối tượng giao tiếp. Trong quá trình nói chuyện, cố gắng làm ngơ đối tượng mang tính mục tiêu.

Thứ hai, dùng nhiều hành vi phủ định do chúng ta xây dựng lên để áp đảo đối phương, ví dụ: “lông mi đẹp quá, không phải đồ giả đấy chứ? (cần tin chắc là thật)”. Tóm lại, không thể để đối phương kiêu ngạo như hoàng tử hoặc công chúa, mà hãy để họ tự thể hiện bản thân như hoàng tử hoặc công chúa.

Thứ ba, khi đối tượng giao tiếp mà bạn có cảm tình thể hiện sự thích thú đối với bạn, hãy tiếp tục gây sức ép vừa phải. Ví dụ, nói với bạn của anh ấy/cô ấy: “Có phải lúc nào anh ta/cô ta cũng ngây thơ như thế, vậy mà các bạn cũng chịu đựng được?” Sau khi chê bai, lại khen ngợi một cách tế nhị, ngay lập tức phát huy hiệu ứng tâm lý tốt, hiệu quả hơn nhiều việc nịnh nọt trực tiếp.

Thứ tư, sau khi khơi gợi hứng thú của đối phương, cô lập anh ấy/cô ấy ra khỏi nhóm (có thể nhờ bạn bè của bạn giúp đỡ đối phó với những người khác, bạn cũng có thể kéo anh ấy/cô ấy lại gần mình), bắt đầu màn biểu diễn theo thói quen, ví dụ như chủ đề đọc nguội, trò ảo thuật.

Tiếp tục xoay quanh tình huống trong bộ phim Chàng Will tốt bụng, sau khi Will nói xong, anh ta không quay lại nói chuyện với vai nữ chính, mà quay lại bàn mình để tán gẫu với hội bạn (một cách gây sức ép rất phũ phàng). Vai nữ chính sau khi bị lạnh nhạt quá lâu, cuối cùng không chịu nổi, bèn đi đến bên cạnh Will và cho anh ta số điện thoại. Quá tài tình!

Xây dựng mối liên hệ cơ bản

Sau khi bắt chuyện thành công, ngay lập tức bạn có thể phát huy một số kỹ năng của thuật đọc nguội. Ví dụ, bạn có thể nói với đối phương, bạn biết thuật đọc vị nội tâm, sau đó dùng mẫu câu quen thuộc không ngừng nói trúng suy nghĩ của đối phương, tình cảm hai bên sẽ tự nhiên trở nên sâu sắc hơn.

Người bắt chuyện: “Anh không thể cởi mở nỗi lòng với người khác, điều này có chút đáng tiếc! Thực ra anh là người giàu tình cảm, hơn nữa rất biết cách khiến người khác vui vẻ, rất có sức hấp dẫn, chỉ có điều chưa bộc lộ hết ra mà thôi.”

Người lạ: (vui mừng) “Quả thực, anh rất hiểu tôi!”

Được người khác nhận xét là giàu tình cảm, có sức hấp dẫn, luôn khiến người xung quanh cảm thấy vui vẻ,” nhưng tiếc thay vì “không thể cởi mở nỗi lòng,” đối phương chắc chắn sẽ phải “cởi mở nỗi lòng.”

Điều chúng ta cần làm là không ngừng dùng thuật đọc nguội để nắm bắt và buộc đối phương bộc lộ suy nghĩ của mình.

Từ một lần trò chuyện trở thành cơ hội trò chuyện dài lâu, đó mới tính là một lần bắt chuyện thành công. Nói cách khác, bất luận lần giao lưu tình cảm này có thể đạt tới mức độ nào, chí ít bạn cũng phải nắm được phương thức liên lạc với anh ấy/cô ấy, đại loại như số điện thoại, địa chỉ,… bằng không, đó sẽ là lần giao tiếp thất bại.

Biện pháp đơn giản nhất, dĩ nhiên là trực tiếp xin số điện thoại của đối phương. Khi cần cũng có thể thông qua một số thói quen kỹ năng trò chuyện để đạt được mục đích.

“Tớ đã cược với thằng bạn, nếu cậu cho tớ số điện thoại, nó sẽ mời tớ ăn cơm, chi bằng cậu hãy cho tớ số điện thoại đi, hôm khác hai đứa mình sẽ cùng ‘làm thịt’ nó.”

“Bình thường tớ không tùy tiện cho người khác số điện thoại, nhưng nói chuyện với cậu rất hợp gu, có thể cho cậu số điện thoại, cậu bấm đi, 13XXXXXXXX.”

Nếu đối phương không đồng ý, bạn có thể tiếp tục nói: “Tớ biết cậu sợ tớ khủng bố bằng điện thoại, tớ sẽ không gọi điện cho cậu quá nhiều, cùng lắm là một ngày gọi mười cuộc điện thoại, chỉ để hỏi thăm tình hình sức khỏe, như vậy có được không?” hoặc có thể nói “Vậy hãy cho tớ số điện nhé?”

Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng ý trao đổi với chúng ta phương thức liên lạc, nếu đối phương thực sự không muốn, cũng đừng gượng ép.

Bài 2: Lối vào của giao tiếp tâm hồn

Trong phần trước, chúng ta đã biết làm thế nào để bắt chuyện, nhưng đa số xuất phát từ góc độ ngôn ngữ và tự thể hiện, trên thực tế, lần đầu nói chuyện với một người, chúng ta còn phải chú ý tình tiết tìm đúng phương vị để tiến hành bắt chuyện.

Lối vào của tâm hồn

Chuyên gia tình yêu cho chúng ta biết, khi bắt chuyện với một người con gái xa lạ, không bao giờ được phép tiếp cận đối phương từ đằng sau, làm như vậy sẽ khiến cô ta sợ hãi bỏ chạy. Chúng ta cần tiếp cận chính diện, nhưng không thể mặt đối mặt, mà cần lệch một chút, tựa hồ chỉ như một lần chào hỏi khi đi lướt qua nhau.

Khi bắt chuyện với người khác, nhất định phải chú ý hệ thống phòng vệ của họ, cần hết sức cố gắng để né tránh, mà lựa chọn một phương diện tương đối thoải mái của đối phương để tiếp cận.

Lấy thân thể của con người làm ví dụ, có một bên phản ứng nhanh nhạy, một bên phản ứng chậm chạp. Chỉ cần bạn chú ý, sẽ phát hiện ra điều này: Khi bước đi ngang hàng với một ai đó, nếu đối phương bước bên này, bạn sẽ cảm thấy thoải mái, ngược lại, nếu đối phương bước bên kia, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, ngoài ra, bạn còn có động tác “chèn ép đối phương” một cách vô thức. Đối phương bị bạn “chèn ép” tới mức ngày càng đi phía rìa đường, thực ra bạn muốn đi vào phần đường của đối phương, vì vậy mới “muốn bước sang” vô thức như vậy.

Do đó, bạn có thể tìm thấy lối vào tâm hồn của mỗi người. Chỉ cần bạn chọn đúng, đối phương sẽ rộng mở tấm lòng với bạn mà không mảy may nghi ngờ. Điều cần chú ý là, mỗi người có lối vào tâm hồn khác nhau, một số có thể ở nửa bên trái, một số có thể ở nửa bên phải.

Điều thuật đọc nguội cho chúng ta biết là, tiến hành bắt chuyện từ nửa người không mang túi xách hoặc hành lý của đối phương, đó là cách thông dụng nhất.

Lisa lại nổi nóng với bạn trai: “Khi đi đường anh phải đi bên phải em, còn nữa, em thích đeo túi xách bên vai trái, anh đừng cầm túi hộ em, được chứ?” Bạn trai câm lặng nhìn Lisa, không hiểu tại sao cô ấy lại nổi cơn tam bành lên thế.

Nếu biết được bí mật trong đó, tôi tin bạn nhất định có thể xử lý tốt quan hệ với bạn trai/bạn gái. Vì phần thân bên phải là bộ phận phản ứng nhanh nhạy của Lisa, hay nói cách khác, phần thân bên trái của cô ấy phản ứng chậm chạp, thông thường cô ấy không thích người khác tiến vào “khu vực cấm.” Túi xách được đeo bên vai trái, giống như chiếc ô bảo hộ, bảo vệ bản thân cô ấy, đem đến cho Lisa cảm giác an toàn.

Nói như vậy, bạn đã hiểu rõ chưa? Mọi người thường thích đeo túi xách ở nửa phần thân phản ứng tương đối chậm chạp của mình. Tương tự, khi cầm ví cũng vậy, mọi người có thể đề phòng bất trắc. Vì vậy, khi muốn bắt chuyện với ai đó, hãy bắt đầu từ phía phần thân không đeo túi xách hoặc mang đồ vật của họ! Dĩ nhiên, đừng bao giờ quên một điều, nếu túi xách của bạn gái mình quả thật chứa rất nhiều đồ, vậy hãy xem xét tình hình và giúp đỡ cô ấy bằng không hãy để cô ấy tự xách túi.

Nhiều khi, túi xách cũng là bức tường phòng vệ giữa hai đối tượng giao tiếp. Nếu người yêu đặt túi xách nằm giữa bạn và cô ấy, điều đó ngầm báo đối phương chưa hoàn toàn chấp nhận bạn, hoặc vẫn muốn giữ khoảng cách, vì bạn tiến quá sát cô ấy. Khi ý thức được điều này, bạn cần nhẫn nại, hãy cho đối phương một vùng đệm an toàn, hoặc giữ khoảng cách vừa phải.

Nếu bạn có thể nhắm trúng lối vào tâm hồn của đối phương ở bên nào trong nháy mắt, vậy bạn sẽ phát huy tác dụng huyền bí trong các hoạt động như giao tiếp xã hội, kinh doanh hàng hóa…

Bí quyết lấy lòng khách hàng

Trong quá trình tiêu thụ hàng hóa, nhiều nhân viên bán hàng cũng ứng dụng kỹ năng này, tức lợi dụng nửa phần thân phản ứng nhanh nhạy để tiếp cận khách hàng.

Một học sinh cấp ba làm thêm tại cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Trong một lần ghi đơn đặt hàng sữa chua, do cẩu thả nên cậu đã viết thêm một số không vào số lượng, biến 4 hộp sữa chua được đặt hàng như ban đầu thành 40 hộp. Theo quy định, cậu ta sẽ phải chịu trách nhiệm về số lượng đặt hàng chênh lệch kể trên, trị giá bằng thu nhập trong hai tuần! Điều này buộc cậu ta phải nghĩ cách nhanh chóng bán hết số sữa chua thừa ra. Cậu ta quan sát thấy, khi khách hàng vào cửa hàng mua đồ ăn sẽ trực tiếp rẽ trái hoặc rẽ phải theo thói quen, hơn nữa, cậu ta phát hiện lượng khách hàng có thói quen rẽ phải chiếm số đông. Vì vậy, sáng hôm sau cậu ta liền bỏ sữa chua vào bên phải tủ kính đựng đồ ăn nhanh, vị trí rất dễ bắt mắt, phía trên còn ghi dòng chữ “muốn tăng cường dinh dưỡng không thể thiếu sữa chua.” Kết quả, số sữa chua nhanh chóng được tiêu thụ sạch.

Vị trí trưng bày hàng hóa có thể ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắm, giống như cơ chế phản ứng của chúng ta, có một bên cũng “làm việc” như vậy. Khi tiếp đón khách hàng hoặc chào bán sản phẩm, chúng ta cũng áp dụng tương tự.

Trong một cửa hàng, ông chủ đã từng đọc cuốn sách viết về hành vi của con người. Vì vậy, ông ta bố trí nhân viên đứng như sau: Xếp thành hai hàng tại cửa ra vào, nhưng đứng hơi nghiêng, miệng luôn tươi cười. Khác với những cửa hàng khác, ông ta yêu cầu nhân viên phải quan sát cách ăn mặc, trang điểm của khách hàng, nếu khách hàng cầm ví bằng tay phải (hoặc phần trán bên phải lộ ra nhiều hơn), vậy các nhân viên đứng bên trái cần hô to “Kính chào quý khách, mời đi bên này ạ.” Sau đó, nhân viên đứng bên trái sẽ dẫn khách hàng đi; cứ lần lượt như vậy; trong trường hợp ngược lại thì sẽ là nhiệm vụ của nhân viên đứng bên phải.

Đương nhiên, với vai trò là nhân viên đón khách ở tuyến đầu của một công ty, trong quá trình huấn luyện, công ty cũng nên cho nhân viên lễ tân biết, khi khách hàng đến, ngoài việc nở nụ cười, đứng nghiêng người để chào đón đối phương, còn phải quan sát khách hàng đó có mang theo túi xách hoặc hành lý hay không, đồng thời quan sát cách rẽ ngôi tóc của họ. Tìm ra một bên phản ứng tương đối nhanh nhạy của khách hàng để bắt đầu việc tiếp đón.

Từ con người tới sự vật

Trong phần trước, chúng ta đã nói rất nhiều về cách tiếp cận và bắt chuyện với đối phương. Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta cũng có thể vào đề từ sở thích cá nhân, tiến hành trò chuyện.

“Điện thoại di động bạn đang dùng của hãng nào đấy?”

“Samsung, sao vậy?”

“Màu sắc của chiếc điện thoại bắt mắt này rất hợp với khí chất của bạn, rất cá tính!”

“Cảm ơn. Khi mua tôi cũng bị hấp dẫn bởi màu sắc của nó, hơn nữa chức năng cũng rất đa dạng.”

“Có thể thấy rất hợp với bạn, bạn đi làm rồi hay vẫn còn đi học?”

“Tôi vẫn đang học chuyên ngành tiêu thụ sản phẩm.”

“Ồ, chuyên ngành đó rất tuyệt, sau này dễ xin việc.”

Chủ đề trò chuyện đơn giản bắt đầu từ “đồ vật,” xem ra rất tùy hứng, nhưng lại mở đầu cuộc trò chuyện say sưa giữa bạn và đối phương.

Nam: “Cậu thích nuôi thú cưng chứ?”

Nữ: “Thích chứ, tớ có nuôi một chú mèo.”

Nam: “Trong nhiều loài động vật như vậy, mèo vẫn là con vật khá phù hợp với tính cách của cậu.”

Nữ: “Uhm, đại khái là tính dễ dãi của mèo, còn có cảm giác tự do, tự tại, lười nhác nữa chứ!”

Nam: “Giống hệt như cậu, không bị gò bó, có chút uể oải nhưng lại không mất phương hướng.”

Đối phương thích con vật nào vốn không phải mục đích của câu hỏi, thực ra, điều chúng ta muốn biết là lý do tại sao đối phương lại thích con vật đó. Từ sự vật tới con người, thông qua lý do này, chúng ta có thể hiểu rõ cá tính đối phương, cung cấp thông tin cho việc đọc nguội diễn ra sau đó.

Đây là một cách hỏi khéo léo, câu hỏi mềm mỏng như vậy sẽ không khiến đối phương có cảm giác đang bị chất vấn, cũng rất dễ dàng dẫn dắt câu trả lời của đối phương. Cách nêu câu hỏi như vậy còn có mấy hình thức dưới đây:

……….. tại sao?

………… như vậy có đúng không?

…………. như vậy có ý nghĩa đặc biệt gì?

Vấn đề….. vừa rồi có khiến bạn nghĩ tới điều gì không?

Thực ra, cách hỏi khéo léo như vậy có thể sử dụng trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể bắt đầu câu chuyện xoay quanh sở thích:

A: “Cậu thích máy bật lửa chứ? Giống như cái zippo này”

B: “Tớ không chơi món đó. Vì không nỡ nghịch chiếc zippo bản demo Resident Evil?”

A: “Xem ra cậu rất nâng niu trân trọng những vật mà mình thích, phải chăng cậu là người có tính cách hoài cổ?”

B: “Cũng đúng. Hồi bè chơi trò đại ca đường phố, cảm giác sung sướng bây giờ vẫn rõ nét như thuở ban đầu.”

A: “Vậy chắc chắn cậu thuộc thế hệ 8X, những gì thế hệ 8X đã trải qua đều rất thú vị.”

B: “Coi như cậu thông minh. Nghe cậu nói chuyện, không giống với thế hệ 8X bọn tớ, cậu thuộc thế hệ 9X phải không?”

Thông qua việc bàn luận về trò chơi, khéo léo chuyển sang hỏi thăm tính cách đối phương, giống như hai người thân thiết, khiến cuộc trò chuyện trở nên tự nhiên, bạn cũng có được nhiều thông tin về đối phương và đạt mục đích.

Hãy để người khác hiểu bạn trước

Nếu quả thực muốn nói về một chủ đề nào đó và xem người khác có cảm thấy hứng thú hay không, bạn hãy bắt đầu từ chính bản thân. Trong quá trình đối phương lắng nghe, bạn có thể quan sát biểu cảm của họ. Nếu đối phương nghe chăm chú, sau khi nói hết về bản thân, bạn có thể hỏi đối phương những vấn đề có liên quan. Nếu biểu cảm của đối phương không có sự thay đổi rõ rệt, bạn hãy tìm cho mình một lối thoát để kết thúc câu chuyện, chuyển tới chủ đề khác dễ khơi gợi hứng thú trò chuyện của đối phương hơn.

A: “Cậu còn đi học hay đi làm rồi? Sao tớ có cảm giác cậu giống như trẻ con vậy nhỉ?”

B: “Tớ học đại học rồi.”

A: “Ồ, quả thực không nhận ra. Tớ đi làm hai năm rồi, hai năm đầy sóng gió. Đầu tiên là chia tay bạn gái, sau đó, trong thời gian khủng hoảng kinh tế lại bị tổng công ty “đày” xuống công ty con, bây giờ mới quay trở lại, thật là…”

B: “Uhm, như vậy à.” (Trả lời đơn giản, không cảm xúc)

A: “Hồi đại học, tớ học chuyên ngành thiết kế phần mềm cho máy vi tính. Bây giờ nghĩ lại mới thấy những kiến thức trong bốn năm học đại học không đủ áp dụng cho cuộc sống, vì vậy vừa nghĩ tới thời gian học đại học, liền cảm thấy mình học quá ít. Còn cậu, cảm giác bây giờ ra sao.”

B: “Tớ á, tớ học chuyên ngành Toán, sắp tốt nghiệp rồi, bây giờ cũng đứng trước sức ép tìm việc làm, hơn nữa, tớ cảm thấy chuyên ngành mình học có rất nhiều hạn chế, đa số là làm giáo viên, vì vậy rất lo lắng.”

Trong đoạn hội thoại này, nhân vật A thông qua việc tự giới thiệu về công việc của bản thân, đồng thời cũng nhận thấy đối phương không mấy hứng thú nên chuyển chủ đề trò chuyện sang quá trình học đại học của B, dẫn dắt đối phương bắt đầu cuộc trò chuyện.

Bài 3: Thử những câu thông dụng để dành

Mỗi người chỉ cần tiến hành học tập và rèn luyện một cách thích hợp đều có thể nắm vững kỹ năng thuật đọc nguội, đồng thời có thể đạt tới trình độ học đi đôi với hành. Trong đó, kỹ năng đọc nguội đơn giản nhất chính là câu thông dụng để dành, nó có thể giúp bạn trò chuyện vui vẻ với đối phương trong mọi tình huống.

Cái gọi là câu thông dụng để dành, cũng giống như chủ đề trò chuyện chiếu lệ được giới thiệu trong phần trước, chỉ những câu “phù hợp với tất cả mọi người” đã được chuẩn bị kỹ trước khi nói ra, để dẫn dắt đối phương tham gia cuộc trò chuyện.

Những câu thông dụng để dành của thầy bói

Câu thông dụng để dành thực ra đã được một số thầy bói sử dụng từ lâu.

“Cậu từng chịu thiệt thòi vì cá tính của mình phải không? Cho dù là người gặp mặt lần đầu cũng có thể nhận ra cá tính của bạn, nhưng cũng vì lý do này, khiến đối phương cảm thấy cậu quá nguyên tắc, không thể trở thành người bạn tri tâm thân thiết nhất của cậu?”

Mỗi người khi mới sinh ra đều có cá tính độc nhất vô nhị. Cuộc đời chúng ta từ bé tới lớn không thể thuận buồm xuôi gió, những cú “vấp ngã” lớn nhỏ thường xuyên như cơm bữa, điều đó chẳng nhẽ không liên quan gì tới cá tính của chúng ta sao? Vì vậy, thầy bói nói như thế sẽ không sai.

Thầy bói thường dựa vào những câu thông dụng để dành để chiếm lòng tin của đối phương. Có lẽ, bạn cũng từng gặp phải tình huống như đoạn hội thoại dưới đây:

“Anh thường cảm thấy canh cánh trong lòng vì những ước mơ chưa thể thực hiện?”

“Tuy bình thường tỏ ra bất cần đời, nhưng thực ra anh vẫn ôm ấp tham vọng lớn?”

“Kinh nghiệm cuộc sống đã trải qua giúp anh hiểu rõ, nói chuyện quá thẳng thắn hoàn toàn không phải cách thể hiện thông minh.”

“Khi kết bạn, con người luôn thích tìm kiếm những người có cá tính chung với mình, thực ra quen biết nhau lâu rồi người ta sẽ phát hiện những người hợp với mình lại có cá tính trái ngược.”

“Đôi khi, anh sẽ hoài nghi liệu có thể kiên trì sự lựa chọn của mình tới cùng hay không, cho dù là những quyết định dựa trên nguyện vọng cá nhân.”

“Anh là người hơi tùy tiện, thực ra, khi làm việc, anh đều có nguyên tắc của riêng mình, trong trường hợp không động chạm tới nguyên tắc, anh sẽ giải quyết một cách vui vẻ.”

Trên đây đều là những câu nói nước đôi, hơn nữa khi nói ra gần như đúng với phù hợp tất cả mọi người, đó chính là chúng ta – thích chụp mũ bản thân và cũng dễ bị lợi dụng. Nếu bạn hỏi thầy bói những vấn đề liên quan tới tình yêu, vậy còn đơn giản hơn.

Thầy bói: “Nếu đã có bạn gái, vậy ngay từ khi mới quen nhau, anh đã nuôi hy vọng được ở bên cô ấy suốt cuộc đời, chỉ có điều bây giờ gặp phải một số vấn đề?”

Người đi xem bói: “Quả thực, tôi rất yêu cô ấy, nhưng giống như ông nói, gần đây chúng tôi xảy ra xích mích, thậm chí đã xung đột, tôi buộc lòng phải nghĩ hy vọng ban đầu liệu có đúng hay không?”

Bạn chỉ mong muốn có được những thông tin liên quan tới tình yêu từ phía thầy bói, mà không muốn hỏi tình yêu của mình xuất hiện khi nào, chính là vấn đề những người đang yêu thường gặp phải, và thầy bói thường lợi dụng điều này.

Kỹ năng sử dụng câu thông dụng để dành

Khi chúng ta nói chuyện với người khác, đôi lúc sẽ gặp phải tình huống như sau, đối phương luôn nhai đi nhai lại mấy câu đại loại như “Trong lòng tôi cũng hiểu điều này, nhưng mà…,” “Dù là như vậy, tôi cũng…,” “Không phải như vậy…” thực ra những lời bạn nói anh ta không bỏ vào tai. Xét từ góc độ tâm lý học giao tiếp, hệ thống phòng vệ giao tiếp của anh ta vô cùng chặt chẽ, bạn rất khó bắt được tần số của anh ấy.

“John, sao hôm nay trông cậu ủ rũ vậy?”

“Tớ chưa hoàn toàn chỉ tiêu công việc, không khách hàng nào mua sản phẩm của tớ cả.”

“Sao lại thế, cậu rất khéo ăn khéo nói cơ mà?”

“Tớ cũng không biết nữa, hôm nay, khách hàng nhìn tớ như vật thể lạ rồi vội vàng tránh xa.”

“Uhm, tớ thấy tinh thần của cậu không được tốt cho lắm, liệu có phải do sắc mặt quá khô cứng.”

“Tớ cũng biết tâm trạng của mình không được tốt, nhưng từ trước tới giờ, tớ chưa từng làm việc theo cảm tính.”

“Đợi đến khi tâm trạng của cậu khá dần lên, nhất định không có vấn đề gì.”

“Nhưng tớ không muốn như vậy…”

Bạn đã hiểu rõ chưa, đó là do trong tiềm thức của con người, có một “cơ chế duy trì hiện trạng,” tâm lý con người luôn muốn duy trì hiện trạng, tuy biết rằng sẽ thay đổi, có thể thay đổi, nhưng trong lòng không muốn thay đổi. Cứ như vậy, cho dù đối phương đến với bạn để tìm kiếm phương pháp giải quyết, trong lòng anh ấy cũng không muốn chấp nhận ngay.

Lẽ nào câu chuyện lại kết thúc ở đây? Dĩ nhiên không thể, điều đó đòi hỏi chúng ta phải vận dụng khéo léo câu thông dụng để dành. Đầu tiên là nói năng quyết đoán, tràn đầy tự tin; tiếp đó nói ra một số điều đối phương muốn nghe, tạo bầu không khí, ví dụ kèm theo ngữ khí chỉn chu nghiêm túc, trong quá trình nói chuyện “cố ý” ngừng nghỉ.

Trưởng ban: “Giám đốc, nghe nói sáng nay khi đến công ty, nhân viên mới đã mạo phạm ngài, tôi nói chuyện với ngài về chuyện này.”

Giám đốc: “Uhm, được, anh nói đi.”

Trưởng ban: “Nhưng nói ra như vậy có thể sẽ thất lễ với ngài.”

Giám đốc: “Không sao, cứ nói đi.”

Trưởng ban: “Số nhân viên mới được công ty tuyển dụng trong thời gian gần đây chưa được bố trí công tác phù hợp, cũng giống như các nhân viên ngài gặp lúc sáng nay, tố chất chuyên môn của họ vẫn còn chênh lệch rất lớn.”

Giám đốc: “Đúng vậy, khi tuyển dụng tôi lại sơ xuất vấn đề này, còn có kiến nghị bổ sung nào nữa không?”

Trưởng ban: “Thực ra, ngài để ý quan sát, đa số bọn họ vẫn rất tuyệt vời. Nếu có thể bổ túc cho họ một số bài huấn luyện công tác chuyên môn, tôi nghĩ những chuyện tương tự như mạo phạm ngài vào sáng nay sẽ không bao giờ tái diễn.”

Giám đốc: “Anh nói cũng đúng, vậy việc này sẽ giao cho anh.”

Cứ như vậy, vào thời điểm thích hợp tạo ra bầu không khí khiến đối phương muốn lắng nghe những điều bạn nói, rồi biểu đạt tự tin của bạn, từ đó dễ dàng nắm bắt tâm lý đối phương.

“Câu thông dụng để dành” dùng trong tình yêu

Tình yêu, chính là tổ hợp trí tuệ, tình cảm và cá tính của hai con người trong quá trình giao tiếp. Nếu coi tình yêu là chủ đề trò chuyện thì cũng có những câu thông dụng phù hợp với tất cả mọi người.

“Gần đây, anh mới bắt đầu một cuộc tình mới, nhưng chuyện của hai người không được thuận lợi cho lắm?”

“Sao ông biết? Quả thực, tôi vừa bắt đầu một cuộc tình mới, nhưng bây giờ cả hai chúng tôi giống trái dâu tây xanh trên cành, còn chua lắm.”

“Giống hệt như trái dâu tây buộc phải trải qua quá trình tắm mình trong ánh nắng, mưa gió bão bùng, không thể ngon lành ngay được, nếu không trải qua thử thách, anh sẽ không thể trưởng thành.”

“Ông nói rất chí lý, nhưng trong lòng, tôi không biết phải làm sao!”

“Tôi tin anh là người kiên định, chỉ cần chú ý quan sát đối phương, anh sẽ tìm thấy phương pháp nên yêu họ như thế nào.”

Con người khi yêu rất bí hiểm và nhạy cảm, chỉ hơi vô ý một chút liền xảy ra xích mích, giống như chàng trai kể trên biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt, thầy bói vừa nhìn đã biết ngay, sau đó dùng câu thông dụng để dành để xác định rõ hơn, khiến đối phương tự thổ lộ nỗi lòng. Còn có trường hợp như sau:

“Jane, gần đây yêu rồi phải không?”

“Hả! Vô duyên vô cớ cậu nói linh tinh gì vậy?”

“Ha ha, nhìn cậu là biết ngay, vì cậu đã thay đổi, trước đây, cậu không bao giờ đứng trước gương quá mười phút, bây giờ ngắm nghía nửa tiếng đồng hồ chưa thấy chán, hơn nữa còn luôn tươi cười. Quả nhiên, sức mạnh của tình yêu thật vĩ đại! Anh chàng đó chắc chắn rất tuyệt vời phải không?”

Khi bạn nói đối phương thế này, thế kia, họ không trực tiếp phản đối mà sẽ hỏi lại, chứng tỏ bạn đã nói trúng, những lời bạn nói sau đó đối phương sẽ thản nhiên chấp nhận, đặc biệt là câu “Anh chàng đó chắc chắn rất tuyệt vời” càng nâng cao sức nặng trong lời nói của bạn.

Khi nói chuyện với người đang yêu, một số câu thông dụng dưới đây có thể rất hữu dụng và được dùng thường xuyên:

“Bạn thường làm việc vì đối phương, nhưng lại bị oán trách phải không?”

“Bạn là người luôn hy vọng đối phương vui vẻ hơn mình đúng không?”

“Khi tình yêu đến, bạn sẽ tin tưởng vào trực giác của bản thân và giữ chặt anh ấy chứ?”

“Trong tình yêu, cho dù đôi khi đối phương than phiền mình lắm điều, nhưng bạn tin cô ấy sẽ không để bụng, đúng không?”

“Đối phương có vài tật xấu mà bạn cố gắng nhẫn nhịn, nhưng đôi lúc vẫn cảm thấy rất khó khăn?”

Những câu nói như vậy rất phổ biến, bạn có thể lấy một số câu nói trên các tạp chí phụ nữ làm câu thông dụng để dành, để vỗ về bạn trai/bạn gái mình.

“Câu thông dụng để dành” dùng trong kinh doanh

Có người nói “tay chân đẹp không bằng khéo mồm” dùng để chỉ tầm quan trọng của tài ăn nói, nhiều nhân viên kinh doanh thường dựa vào tài ăn nói để gây dựng sự nghiệp.

Trong hoạt động kinh doanh, cũng có một số câu thông dụng để dành thường dùng.

“Với vai trò giám đốc xưởng sản xuất, chắc chắn ngài muốn nâng cao hiệu suất làm việc của bộ phận này, nhưng đang đau đầu không biết làm cách nào phải không?”

“Chính xác, nếu trong thời gian ngắn, cán bộ công nhân có thể nâng cao hiệu suất làm việc, vậy đơn đặt hàng cũng không bị tồn đọng.”

“Công ty chúng tôi đã đưa ra một chương trình có thể trực tiếp nâng cao 30% hiệu suất làm việc.”

“Nâng cao 30%, không phải chứ?” (hoài nghi)

“Ngài giám đốc chắc chắc vẫn còn bận rộn với công việc, thứ tư hoặc thứ năm tuần sau, khi nào có thời gian, tôi sẽ đến quý công ty trình bày chi tiết với ngài về việc này.”

“Vậy thì thứ tư tuần sau đi.”

“Được rồi, chắc chắn tôi sẽ đến đúng giờ, cảm ơn.”

Nâng cao hiệu suất làm việc của công ty là chức trách của mỗi cán bộ quản lý sản xuất, nhân viên bán hàng đã lợi dụng điều này, thêm vào đó là thực tế công ty không thể ngay lập tức nâng cao hiệu suất làm việc trong thời gian nhất định, khiến đối phương muốn nghe những lời nói tiếp theo. Nhân viên bán hàng không những khéo léo vận dụng câu thông dụng để dành, hơn nữa còn dùng câu bó buộc kép (thứ tư hoặc thứ năm), khiến đối phương đưa ra sự lựa chọn có lợi cho bản thân, chứ không phải câu trả lời phủ định.

Một số câu thông dụng để dành dùng trong kinh doanh dưới đây có thể sẽ giúp ích cho công việc của bạn:

“Với vai trò giám đốc bộ phận quản lý nguồn nhân lực, chắc chắn ngài đang đau đầu với vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn của số nhân viên mới?”

“Quý công ty bận rộn như vậy, việc kinh doanh nhất định triển khai thuận lợi, chắc hẳn cũng có kế hoạch dài hơi trong vấn đề thu hút nhân tài chứ?”

“Ngài đã lập kế hoạch và quảng bá nhiều sản phẩm mới như vậy ra thị trường, trong vấn đề lựa chọn kênh tiêu thụ sản phẩm, chắc hẳn ngài có nhiều kinh nghiệm độc đáo?”

“Người cẩn thận chịu khó, nỗ lực làm việc vì công ty như ông, Tổng giám đốc tuy coi trọng, nhưng vai trò của ông vẫn chưa được đánh giá công bằng.”

“Gần đây, áp lực từ việc bồi dưỡng nhân tài và quản lý đội ngũ sản xuất ngày càng nặng nề phải không?”

“Quý công ty luôn nỗ lực đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhưng cũng đầu tư không ít tâm huyết vào việc đổi mới sản phẩm phải không ạ?”

Câu thông dụng để dành là kỹ năng giao tiếp xã hội rất dễ thực hiện, không những áp dụng được trong những tình huống kể trên, mà còn có thể áp dụng phổ biến hơn. Khi nào sử dụng nó thành thục, bạn có thể căn cứ vào thay đổi tâm trạng của đối phương để điều chỉnh thích hợp phương án trò chuyện của bản thân.

Bài 4: Tìm được chủ đề chung

Câu “Rượu ngon phải có bạn hiền” có nghĩa là trò chuyện phải có tri kỷ tâm giao. Muốn nói chuyện vui vẻ với người khác, trước tiên bạn phải có chủ đề để bàn luận. Đồng thời, nếu có thể tìm được chủ đề chung, bạn sẽ khiến không khí buổi trò chuyện càng trở nên hòa hợp tự nhiên.

Thừa nhận đối phương

Mỗi người đều hy vọng những gì của bản thân, bao gồm: trí tuệ, tình cảm, ý muốn, hành động… được người khác và xã hội thừa nhận. Nhưng trên thực tế, không mấy ai trực tiếp nói ra bản thân hy vọng được thừa nhận như thế nào; đối tượng giao tiếp của chúng ta cũng không ngoại lệ.

Điều này đòi hỏi chúng ta phát huy kỹ năng đọc nguội, khéo léo truyền đạt sự thừa nhận của chúng ta.

“Này cô gái, bình thường cô thích màu gì?”

“Màu tím thì phải.”

“Màu tím có ý nghĩa đặc biệt đối với cô phải không?”

“Tôi thấy tím là màu sắc hoàn mỹ, nhìn có vẻ thần bí nhưng không quá lạnh lẽo.”

“Xem ra cô sống rất có lý tưởng, nhìn bề ngoài tưởng như không tranh đấu với đời, thực ra là người theo chủ nghĩa hoàn mỹ.”

“Tranh thủ sức vóc thanh niên, nhất định phải cố gắng phấn đấu vài năm.”

Cô gái trên thích màu tím, trong thuật đọc nguội hàm ý của thích màu tím là luôn muốn mọi việc tốt hơn hiện nay, bất luận là phương diện tình cảm hay phương diện tài chính. Vì vậy, cô ấy vô tình tiết lộ bản thân muốn được thừa nhận như vậy.

Nếu nắm vững kỹ năng đặt câu hỏi này, bạn còn có thể tiếp tục như sau:

“Cậu thấy khi tụ tập với bạn bè, con trai nên mặc quần áo màu gì mới có thể bộc lộ hết những nét độc đáo?”

“Tớ thấy màu xanh thẫm sẽ khiến người ta có cảm giác tương đối yên tĩnh.”

“Nhiều khi có thể cậu sẽ không nghe theo lời đề nghị sáng suốt bạn trai, kết quả làm theo ý mình và cảm thấy hối hận.”

“Uhm, nghĩ kỹ lại mới thấy những chuyện như thế không hề ít.”

Vấn đề này cũng tiết lộ tiêu chuẩn của cô gái về người bạn trai lý tưởng: phải sáng suốt. Giống như cuộc trò chuyện tùy hứng, nhưng lại lợi dụng cảm giác được thừa nhận của cá nhân, để giành lấy thông tin chúng ta muốn biết.

Hỏi những vấn đề mở

Như đã đề cập trong phần trước, đối tượng mà chúng ta quan tâm nhất chính là bản thân. Từ điểm này có thể biết, khi tìm kiếm chủ đề chung, chúng ta có thể thông qua việc hỏi vấn đề mở để đối phương chủ động nói ra.

Vấn đề mở có thể khiến người trong cuộc tiến hành miêu tả chi tiết về sự việc, hơn nữa họ sẽ tự động chuyển hướng chú ý. Ngược lại, vấn đề khép kín, bó hẹp sẽ khiến người trong cuộc trả lời bằng vài từ giản đơn như “đúng vậy,” “uhm, phải.”

Ví dụ, khi đáp lại câu nói của đối phương “Gần đây, tớ rất bực mình với thằng bạn,” dùng vấn đề mở “Nói cụ thể hơn, người ta đã làm gì khiến cậu cảm thấy như vậy” sẽ hiệu quả hơn vấn đề khép kín “Vậy sao, hãy nói cho anh ta biết cậu cảm thấy như thế nào.”

Đó là vì vấn đề mở có thể dẫn dắt đối phương trò chuyện. Chúng ta sẽ nghe được nhiều thông tin hơn từ câu trả lời của đối phương, hơn nữa có thể thắp lên “tia lửa mới,” khơi gợi chủ đề trò chuyện.

Vấn đề khép kín lại trái ngược, câu trả lời đơn giản của đối phương sẽ khiến bầu không khí lắng xuống.

“Đôi khi, cậu cũng thích đi công viên một mình phải không?”

“Đúng!”

“Vậy cậu sẽ ở đó rất lâu đúng không?”

“Uhm, đúng vậy.”

“Ồ, đúng rồi, vậy bình thường cậu đến công viên lúc mấy giờ?”

“Uhm, khoảng gần năm giờ.”

Nếu sau đó, chúng ta thay bằng vấn đề mở để tiến hành trò chuyện, hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều, cũng dễ dàng chuyển sự chú ý của cuộc trò chuyện sang vấn đề mà đối phương cảm thấy hứng thú.

“Năm giờ vẫn còn sớm quá, vậy khi đến công viên cậu sẽ làm những gì? Không phải ngồi trơ như phỗng trên ghế đá đấy chứ?”

“Dĩ nhiên là không. Tớ thường ngắm bầy thú, đặc biệt là đàn chim bồ câu. Việc cho chúng ăn rất thú vị, lũ chim sẽ mổ từng cái từng cái trên lòng bàn tay cậu; còn nữa, ngắm hoa, ngắm đàn cá; sau đó sẽ leo núi.”

“Hóa ra nhiều hoạt động như vậy, tớ có thể cảm nhận được cậu là người giàu tình thương. Đối với bạn bè, cậu cũng thế phải không?”

“Cũng có thể nói như vậy, tớ thích được giúp đỡ bạn bè, làm như thế, tự bản thân sẽ cảm thấy vui vẻ.”

“Làm bạn của cậu sướng thật đấy…”

Thực ra, trong giao tiếp hàng ngày, có rất nhiều vấn đề mở.

“Nghe bạn bè nói, trước đây, cậu ở khu phía Đông, sao bây giờ lại quyết định chuyển đến đây?”

“Những lúc nhàn rỗi, cậu thích làm gì?”

“Tớ không quen việc mua bán trực tuyến lắm, cậu có thể dạy tớ một vài kỹ năng được không?”

“Công việc của cậu hiện giờ ra sao, đã hoàn toàn hòa nhập với mọi người chưa?”

Trước những vấn đề trên, đối phương còn có thể trả lời bằng vài từ đơn giản được không? Như vậy, bạn có thể nắm được nhiều thông tin liên quan, từ đó hiểu rõ sở thích của đối phương.

Khiến đối phương thao thao bất tuyệt

Nếu bạn muốn trò chuyện trôi chảy với đối phương, đặc biệt là khiến đối phương say sưa với câu chuyện thì cần phải có điểm cuốn hút. Trong phần trước chúng ta đã biết, con người không quan tâm ai hơn chính bản thân mình. Điều này gợi ý cho chúng ta, có thể bắt đầu từ chủ đề mà đối phương cảm thấy hứng thú nhất, coi đối phương là trung tâm để triển khai câu chuyện.

Điểm khơi gợi hứng thú của đối phương bao gồm cá tính, sở thích… Chúng ta cần phát hiện tính nết đối phương từ những vấn đề nhỏ nhất.

Một lần, Linda tới thăm khách hàng, thấy trong phòng làm việc có treo bức tranh chữ “Tâm tịnh mọi việc tự khắc sẽ trôi chảy, thuận lợi,” nhân đó bèn hỏi “Bình thường ngài rất dễ bị tác động bởi những nhân tố bên ngoài phải không ạ?” “Đúng vậy, chỉ cần một chút tiếng động từ bên ngoài đã khiến tôi bực bội. Cho dù thừa hiểu môi trường bên ngoài đôi khi không ảnh hưởng gì, nhưng tôi vẫn không tĩnh tâm được, cho nên phải viết dòng chữ này, để khuyên răn bản thân từng giây từng phút.” Đầu tiên, Linda thể hiện sự hiểu biết của bản thân, tiếp theo coi đó là chủ đề trò chuyện, cùng đối phương thảo luận, cảm giác như hai người quen biết từ lâu. Như vậy, Linda đã thu hẹp khoảng cách với khách hàng, bạn nghĩ liệu khách hàng còn có ý kiến với kế hoạch của cô ấy nữa không?

Chúng ta sống trong xã hội hiện đại, tiếp xúc với đủ loại người nên buộc phải học cách tìm chủ đề phù hợp để triển khai câu chuyện, đồng thời thông qua đó xây dựng sợi dây liên hệ tình cảm.

Đối phương cầm một cuốn sách, coi đó là vật trung gian, bạn có thể bắt câu chuyện được rồi. “Đây là cuốn sách gì vậy? Cậu rất thích đọc sách phải không? Tớ thấy cậu thường mang sách theo người.”

Những vật đối phương mang theo người, có thể là túi xách, đồ trang sức cũng có thể là vật dụng cá nhân trên người, đều đóng vai trò vật trung gian giao tiếp, bạn có thể thể hiện sự thích thú đặc biệt đối với tất cả mọi thứ thuộc về đối phương, dẫn dắt đối phương tự bộc lộ bản thân, khiến cuộc trò chuyện diễn ra thuận lợi.

Ngoài ra, nếu bạn được trời phú cho khả năng ngôn ngữ, còn có thể nói vài câu bằng giọng địa phương của đối tượng giao tiếp, đây là phương pháp rất dễ thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Nếu bạn không tìm thấy vật trung gian, cũng có thể thử chủ đề mở đã được giới thiệu trong phần trước.

Giao tiếp là quá trình hai bên cùng tham gia, nếu không tìm thấy điểm khơi gợi hứng thú của đối phương, chúng ta có thể dùng điểm khơi gợi hứng thú của mình để phá vỡ thế bế tắc. Nhưng có một điểm cần chú ý, mục đích bạn nói ra sở thích của bản thân chỉ để tìm tiếng nói chung với đối phương, khiến đối phương muốn “trò chuyện” mà thôi.

Nam: “Sắp tới, tớ có ý định đi du lịch, cậu xem mùa này nên đi đâu thì phù hợp?”

Nữ: “Tớ thấy nên đi Vân Nam, Hải Nam, tuy sắp tới mùa hè, nhưng phong cảnh hai nơi đó vẫn đẹp hơn ở đây rất nhiều.”

Nam: “Quá tuyệt. Tớ thấy cậu là người ưa dịch chuyển, không muốn ở một nơi nào đó quá lâu, nhưng những việc hiện nay lại buộc cậu phải chôn chân một chỗ.”

Nữ: “Cậu nói không sai, trong máy tính cá nhân, tớ lưu giữ rất nhiều hình ảnh về những nơi đã đi qua. Khi nghĩ tới những nơi đó, tớ lại muốn đi lần nữa.”

Nam: “Cậu đã đi qua nhiều địa danh, vậy có thể chia sẻ cảm nhận với tớ được không? Tớ rất hứng thú với những trải nghiệm của cậu.”

Chàng trai này dựa vào cách nghĩ của bản thân để khơi gợi đối phương thảo luận về vấn đề đó, sau khi tiến hành đọc nguội một cách đơn giản đã tìm thấy chủ đề và bắt đầu trò chuyện. Những chủ đề bắt đầu từ bản thân như vậy còn rất nhiều:

Tối hôm qua có thi đấu bóng chuyền, là… (lấy sở thích để khơi gợi)

Cuối cùng, tôi đã hoàn thành thí nghiệm này… (lấy sự trải nghiệm của bản thân để khơi gợi)

Công ty chúng tôi muốn chúc mừng… (lấy thực tế hiện tại để khơi gợi)

Trò chuyện như vậy sẽ tìm ra chủ đề chung, nhưng giống như vừa nói vừa phải nắm bắt chủ đề mới từ câu trả lời của đối phương, để tiếp tục trò chuyện.

Khéo léo khai thác điểm chung

Giao tiếp tâm hồn giống như màn khiêu vũ giữa hai người, chỉ khi nào khơi dậy cảm xúc của cả hai bên, mới có thể xuất hiện màn vũ đạo đẹp mắt nhất. Vì vậy, khi nói chuyện, chúng ta không những cần lựa theo hứng thú của đối phương, mà còn phải khai thác điểm chung của cả hai người.

Nếu thông qua giao tiếp ban đầu, chúng ta không thể tìm hiểu bất cứ thông tin nào về đối phương thì có thể thông qua việc quan sát sắc mặt để khai thác điểm chung giữa chúng ta và đối phương.

Tìm kiếm cảm giác chung

Giống như người ta thường nói, xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt. Chỉ cần chúng ta tích cực khai thác, quan hệ công việc, quan hệ đồng học, quan hệ đồng hương, kinh nghiệm cuộc sống và niềm yêu thích chung như: phim truyện, Các chủ đề như thể thao, sự kiện trong và ngoài nước, du lịch, văn học, kiến trúc… đều có thể là điểm chung trong giao tiếp tình cảm giữa hai bên.

Quan sát lời nói, cử chỉ của đối phương

Biểu cảm, lời nói, cử chỉ, trang phục khắc họa thế giới nội tâm của mỗi người, từ đó thấy được sở thích, nhân sinh quan, quan niệm giá trị, tính cách và chiều sâu suy nghĩ của họ. Chỉ cần bạn giỏi quan sát sẽ phát hiện ra điểm chung với đối phương.

Thăm dò bằng lời nói, tìm kiếm điểm chung

Khi nói chuyện với người khác, để tìm thấy điểm chung, chúng ta có thể bắt đầu bằng màn chào hỏi, hỏi thăm những vấn đề như lai lịch, nghề nghiệp của đối phương, từ đó thu thập thông tin; hoặc thông qua việc nghe giọng nói, cách dùng từ của đối phương để thăm dò tình hình của họ; cuối cùng, còn có thể mở đầu bằng động tác, vừa giúp đỡ đối phương làm những việc cần kíp vừa trò chuyện thăm dò… từ đó phát hiện đặc điểm của đối phương, tìm thấy điểm chung.

Nghiền ngẫm nội dung câu chuyện, phát hiện điểm chung

Tìm kiếm điểm chung, để ý phân tích, nghiền ngẫm nội dung câu chuyện giữa đối phương với người khác, hoặc nghiên cứu nội dung câu nói của đối phương khi chúng ta đang trò chuyện với họ, từ đó phát hiện điểm chung.

Từng bước đi sâu, khai thác điểm chung

Đôi lúc việc phát hiện điểm chung rất đơn giản, cùng với việc đi sâu vào nội dung câu chuyện, chúng ta sẽ thấy điểm chung càng lúc càng nhiều. Để nội dung buổi trò chuyện đem lại lợi ích lớn hơn cho đối phương, chúng ta buộc phải từng bước khai thác điểm chung sâu sắc hơn.

Chỉ cần chúng ta áp dụng theo những kỹ năng và phương pháp kể trên, cho dù đối với những người không có nhiều điểm chung, chúng ta cũng có thể “tìm thấy điểm chung trong sự khác biệt,” khiến người khác vừa lòng.

Bình luận
× sticky