Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiệc Báo Thù

Chương 10

Tác giả: Quỷ Cổ Nữ

Lý Vạn Tường ra rồi, Ba Du Sinh hỏi Khương Minh, “Hai phụ bếp, ta có thể ghi bút lục anh nào trước?”

Khương Minh nhìn tư liệu đặt trên bàn, gọi điện cho viên cảnh sát túc trực ở phòng cấp cứu. Rồi trả lời, “Một anh bị bỏng độ 2, vẫn cần theo dõi nên chưa thể điều lên đây. Anh kia tay bị bỏng và chân bị bỏng độ 3, có thể đẩy xe lăn lên đây.”

Nếu không vì mái tóc cháy xém và đang mặc bộ quần áo trắng, thì người ngồi trên xe lăn trông giống một nghệ sĩ chưa gặp thời hơn là một thợ nấu ăn đang học nghề. Tóc anh ta rẽ đường ngôi giữa, dài gần chấm vai, đeo kính gọng nhỏ màu xanh lam, nhìn kỹ có thể nhận thấy là kính không độ. Khuôn mặt gầy nhỏ, trông cũng ưa nhìn, đôi môi hơi mỏng, khiến người ta dễ có cảm giác nhầm lẫn rằng anh ta sắp sửa kêu ca than vãn.

Nhưng chưa chắc là cảm giác nhầm lẫn.

Ba Du Sinh bước lại bắt tay Tạ Nhất Bân, “Rất xin lỗi, tay chân anh còn đang phải băng bó mà chúng tôi vẫn muốn gặp anh để điều tra.”

Đúng là Tạ Nhất Bân đã sẵn sàng tuôn ra bao điều khổ sở, nhưng viên cảnh sát trông giống giảng viên đại học này lại nói năng trịnh trọng như thế, khiến anh ta e ngại không biết nên than thở ra sao. Tạ Nhất Bân không phải dạng thanh niên bất mãn xã hội, cũng coi thường những kẻ a dua thích ra vẻ ta đây, anh chỉ thuộc dạng bất cần.

Chính vì bất cần mọi quy tắc người đời thừa nhận cho nên sau bao năm “giả bộ là dân lưu lạc đến Giang Kinh” anh vẫn không có nổi một bài hát ra hồn, giọng thì hỏng và cũng không có tiền làm phẫu thuật. Chính vì bất cần với cái gọi là tiền đồ nên anh buông xuôi đến năm 26-27 tuổi, rồi bắt đầu đi phụ bếp cho người ta. Tuy hứng thú với ăn uống nhưng lại bất cần quan tâm nấu nướng ra sao cho nên cũng không mấy khát khao trở thành “đầu bếp nổi tiếng”.

Là đầu bếp nổi tiếng, rồi đi đến đâu chứ? Cứ nhìn Lý Vạn Tường thì biết, chỉ vì muốn làm món ăn cho ra trò mà suốt ngày cau có đăm chiêu, nói là “không ngừng tìm tòi vươn lên” thực chất là tự làm khổ mình. Có đáng để như thế không? Món “vịt hầm hạt dẻ bơ sâm banh” mà non lửa một chút thì sẽ bị đám thực khách sành ăn nhè ra chắc?

À quên chưa nói tại sao lại là “giả bộ lưu lạc Giang Kinh”? Đơn giản thôi, vì Tạ Nhất Bân là người gốc Giang Kinh. Không thể có chỗ đứng trên sân khấu ca nhạc quê nhà, anh ta quy tội thân phận dân địa phương của mình và cuộc sống êm ả của đứa con một trong gia đình, bởi lẽ cho rằng những ai bứt phá vươn lên được trong ngành giải trí đều phải có quá khứ gian khổ thời niên thiếu để mà khoe khoang.

Sau khi nghe giới thiệu, biết Ba Du Sinh là “tổng bộ khoái” của thành phố Giang Kinh, Tạ Nhất Bân vốn coi thường quyền quý bỗng cảm thấy có phần kính nể.

“Chà! Đội trưởng? Anh có tài liệu nội bộ không? Tôi bắt đầu làm văn sĩ trên mạng, và đã gửi bản thảo cho khá nhiều tạp chí rồi đấy!” Vậy là một quãng lịch sử ngắn ngủi tìm việc làm đã được cáo chung, Tạ Nhất Bân tạm thời nghĩ đến một định hướng nghề nghiệp mới, xem ra số phận vẫn kêu gọi anh hãy kiếm sống bằng khả năng sáng tạo!

Ba Du Sinh mỉm cười, “Có rất nhiều tài liệu hay, ví dụ, chính là cái đại án 185 này – giới truyền thông đang gọi như vậy.” Vẻ mặt anh chuyển sang nghiêm túc. “Trước khi mời anh thuật lại các sự việc, tôi muốn hỏi anh mấy câu.”

Tạ Nhất Bân nói, “Nên thỏa thuận trước nhé: tôi sẵn sàng trả lời, và anh phải cho tôi ít tài liệu.”

Khương Minh có phần sốt ruột. Hai mươi năm làm trinh sát hình sự, anh đã va chậm vô số nhưng không mấy khi gặp những gã trẻ tuổi cứ nhăn nhở mặc cả với cảnh sát. Anh lạnh lùng nói, “Chúng tôi cần ghi bút lục, chứ không phải là thương lượng.”

“Thương lượng?” Tạ Nhất Bân hứ một tiếng. “Nếu vấn đề ‘thương lượng’ hôm nay có thể làm tốt và nhanh chóng, thì không biết chừng tôi lại được tiếp tục ngồi trong nhà bếp Tiêu Tương có quạt hút mùi kêu váng cả óc để mà bóc tỏi, thái gừng, khỏi phải nài nỉ đội trưởng cho xin tài liệu nữa!”

Khương Minh sắp sửa nóng nảy, nhưng Ba Du Sinh như thể vô tình gõ cành cạch cái bút bi trong tay xuống bàn.

Trước mặt Tạ Nhất Bân, anh không muốn nhắc nhở Khương Minh chớ nóng nảy, anh cần tỏ ra tôn trọng cấp dưới của mình. Và anh cũng không muốn Khương Minh bực dọc để rồi mất kiểm soát, sẽ ảnh hưởng đến việc ghi bút lục. Cho nên anh dùng cách cổ điển nhưng hữu hiệu là tạo ra tiếng động để phân tán.

Nếu Na Lan có mặt ở đây, cô sẽ phân tích chàng thanh niên đang ngồi trên xe lăn này như thế nào?

Một cách phản ứng sau khi trải qua một cú sốc dữ dội, dùng cách chớt nhả khinh bạc, tỏ ra đối kháng với cường quyền có sẵn ngay trước mặt để hóa giải nỗi kinh hoàng vẫn tích tụ trong lòng, làm tan đi cảm giác mình không khống chế nổi số phận.

Vẫn là một dạng cảm giác mất kiểm soát.

Ba Du Sinh chỉ phỏng đoán vậy thôi, anh rất biết mình đâu phải nhà tâm lý học. Lúc này Tạ Nhất Bân thả hai tay khỏi tay vịn của xe lăn, buông xuống, là động tác nghỉ ngơi nhưng vẫn run run. Có lẽ là bằng chứng cho điều phỏng đoán của Ba Du Sinh.

Ba Du Sinh, “Bác Tường của các anh kể rằng bọn cướp chĩa súng vào mọi người, lúc đó các anh đang làm gì, bác Tường làm gì?”

Đôi môi mỏng hơi nhích lên, Tạ Nhất Bân cười nhạt, hiển nhiên cho rằng đây là câu hỏi quá bình thường, “Chúng tôi chẳng làm gì cả, bác Tường cũng thế.”

Ba Du Sinh không tỏ thái độ, im lặng chờ anh ta. Tạ Nhất Bân thở dài rồi tiếp, “Thật ra không cần hỏi câu này. Khi có kẻ bất ngờ xuất hiện rồi chĩa súng vào sư phụ đáng kính của anh, thì họng súng ấy cũng có thể chĩa ngay sang anh, anh có thể làm gì? Đương nhiên là ngoan ngoãn nghe lời hắn.”

“Hắn nói gì?” Khương Minh hỏi.

“Giơ tay lên, cấm động đậy, cấm làm ồn, tuân lệnh, đi lên gác! Chứ còn gì nữa?” Mới trả lời một câu hỏi mà hình như Tạ Nhất Bân đã thấm mệt.

Ba Du Sinh hỏi, “Sau đó thì sao?”

“Chúng tôi làm theo, giơ tay lên, im mồm, và đi lên gác.” Tạ Nhất Bân ngả người ra lưng tựa xe lăn, lim dim mắt, nhìn ra ngoài gọng kính, trông như đã nhắm mắt và sắp ngủ. Cảnh sát đưa mắt nhìn nhau, anh ta trông thấy, liền tỏ vẻ thỏa mãn. “Tôi bị tuột dây giày.”

Câu nói này gần như thâu tóm được mọi sự chú ý của các cảnh sát, họ đều nhìn vào chân Tạ Nhất Bân: đôi giày vải Converse, cứ như sợi dây màu đen đang chốt giữ tình tiết hệ trọng để phá án!

“Lúc bước lên cầu thang, dây giày tôi bị tuột, hoặc nên nói là tôi làm dây giày tuột ra…” Tạ Nhất Bân lại ngồi thẳng lưng. “Các anh có biết bác Tường đã từng tập võ không?”

Ba Du Sinh khẽ gật đầu. Tạ Nhất Bân tiếp tục, “Tôi đã nghe nói từ lâu, vì thế, khi tên khốn kia xuất hiện, tôi đã quan sát từng cử chỉ của bác Tường. Bác ấy nghe lời thì tôi cũng làm theo, nếu bác ấy kháng cự tôi sẽ phối hợp. Tôi cảm nhận được, kể từ lúc bị họng súng chĩa vào, bác Tường luôn tìm cơ hội để ra đòn. Hắn chỉ có một mình, chân thì thọt, chúng tôi có ba người khỏe mạnh. Nhưng thằng cha áp giải chúng tôi rất xảo quyệt, hắn chỉ đi sau, bắt bác Tường đi đầu tiên, cứ như nhận ra bác ấy là người đáng gờm nhất. Hắn luôn giữ khoảng cách an toàn. Tôi bèn nghĩ cách tạo cơ hội, rút ngắn khoảng cách giữa bác Tường và hắn. Cho nên dây giày tôi tuột ra.” Tạ Nhất Bân cầm chai nước khoáng trên bàn uống một ngụm, rồi ngẩng đầu nhìn ba cảnh sát, giống như cậu học trò trả lời đúng câu hỏi và đang chờ thầy giáo khen.

Không thấy gì. Chỉ có sự im lặng.

“Dây giày đương nhiên không tự tuột ra vào cái lúc đó, mà là chân phải của tôi giẫm lên đầu dây giày bên trái, người tôi hơi chao đi một chút… các anh không ở tình huống đó nên có lẽ không cảm nhận được. Tôi làm như thế là cực kỳ mạo hiểm! Vì nói chung, kẻ cầm súng áp giải người khác thường cảnh giác cao độ, hễ thấy có điều bất thường là họ dễ phản ứng quá khích, nhiều khi súng sẽ cướp cò hoặc họ sẽ bắn luôn. Nhưng tên khốn ấy không định giết người, hoặc hắn khá tự tin rằng mình đủ sức khống chế tình hình, nên chỉ hơi ngớ ra, không sao ngờ được bác Tường của chúng tôi là con nhà võ, thân thủ nhanh nhẹn, bác ấy bổ nhào xuống mấy bậc thang rồi đánh nhau với tên kia. Có điều, ngay trên đầu cầu thang lại xuất hiện một tên khác cầm súng chĩa vào bác Tường. Cho nên việc kháng cự thất bại hoàn toàn.” Tạ Nhất Bân nói liền một hơi, rồi lại tựa lưng ra sau.

Căn phòng im lặng một lúc, các cảnh sát đều đồng thời ghi bút lục. Khương Minh hỏi, “Sau đó… sau khi bác Tường kháng cự thất bại, thì sao?”

“Đương nhiên là chẳng còn gì nữa. Tên cầm súng ngắn đấm cho bác Tường một quyền, làm bác ngất luôn… rồi hắn ép chúng tôi kéo bác lên đại sảnh tầng trên.”

“Có bị còng tay không?” Khương Minh hỏi.

“Có, có!” Tạ Nhất Bân nói ngay.

“Còng như thế nào?”

“Là sao?”

Khương Minh giải thích, “Là mỗi người một còng hay còng theo cách khác?”

“À, thì ra là thế.” Tạ Nhất Bân vỡ lẽ. “Bác Tường được ưu ái một mình một còng, còn tôi và Hổ Bì chung một còng. Tên cướp ấy rất biết cách sống, còng người ta mà cũng tiết kiệm.”

“Hổ Bì?” Khương Minh đã biết là ai nhưng cứ hỏi.

“Tôn Nguyên Hổ, cùng làm bếp với tôi. Hổ Bì là biệt hiệu của nó. Vì thằng nhóc ấy quá dồi dào sinh lực, rất nghịch ngợm bướng bỉnh, nên mới gọi là Hổ Bì[1].” Tạ Nhất Bân hạ thấp giọng. “Lúc nãy tôi nhìn thấy nó, nó bị cháy khiếp quá.”

[1] Da hổ.

Ba Du Sinh ghi chú trên tờ giấy: cần hỏi lại Lương Tiểu Đồng.

Lương Tiểu Đồng chưa nói thật.

Anh ngẩng đầu nhìn Tạ Nhất Bân, “Được! Bây giờ anh kể lại từ đầu xem?”

Tạ Nhất Bân ầm ừ trong họng, ý chừng không bằng lòng. Rồi hỏi, “Đường ống dẫn nước khoáng ở đây có đủ không?”

Một tiếng năm mươi lăm phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng cấp cứu bệnh viện Nhân Dân số 6 thành phố Giang Kinh.

“Cha! Con là Tiểu Đồng.”

“Con dùng điện thoại của ai đấy?” Đầu dây bên kia, Lương Quân mở đầu bằng một cơn ho, cứ như bị khói ở hội quán Tiêu Tương xộc vào phổi vậy. Lương Tiểu Đồng thấy buồn bực, ông già chưa đến nỗi già lắm, mới ngoài sáu mươi nhưng bệnh tật đầy mình, sắp xuống lỗ đến nơi. Đó là hậu quả của thời trung niên tổn hao quá nhiều sức lực vật lộn với cuộc sống. Liệu ông ấy còn trụ được bao lâu nữa? Nếu ông ấy đi, thì mình có thể chống đỡ được bao lâu?

“Cha không phải lo. Dù sao con cũng an toàn rồi.”

“Không phải lo thì cha dập máy luôn vậy!” Lương Quân thể lực kém nhưng đầu óc và miệng lưỡi vẫn rất sắc sảo.

“Con chỉ báo với cha rằng con vẫn bình an.” Đôi khi Lương Tiểu Đồng cảm thấy ông già lạnh lùng quá thể. Có mỗi một đứa con trai, có thành tài hay không cũng chẳng quan trọng, hà tất gay gắt làm gì?

“Mẹ con đã cho cha biết, bà ấy đến hiện trường ở Dư Trinh Lý, nhìn thấy con nhún nhảy bước lên xe cứu thương!” Lương Quân nói giọng châm biếm. Lương Tiểu Đồng dần thấy nóng gáy, tôi dù sao cũng suýt chết, ông thể hiện một chút quan tâm thương xót thì danh tiếng của ông bị bào mòn chắc? Xem ra, tạp chí phụ nữ nói cũng không sai: tình thương của mẹ mới thực sự là tình thương, còn người cha thường chỉ bận tâm đến những cái mẽ tầm thường như sĩ diện hoặc triển vọng của con cái…

“Sao lại nhún nhảy? Con lao từ trên gác xuống bị sái cổ chân! Không thể đi đứng bình thường được!”

Lương Quân “hứ” một tiếng, rồi nói, “Thì ra là con nhảy lầu thoát chết! Con xứng đáng là một… hình tượng vĩ đại đấy!”

“Không nhảy lầu thì ngồi chờ chết à? Có ai ngờ xảy ra cái chuyện kinh khủng ấy! Súng bắn, bom nổ, gần bằng Trung Đông và Ucraina rồi! Sợ chết đi được! Nhưng đáng tiếc hơn nữa là lầu Ba Khắc bốc cháy, coi như đống đổ nát!” Lương Tiểu Đồng cố nén oán trách, dần dần tiếp cận chủ đề.

“Hồi nọ con mua ba tòa lầu, cha đã nói gì? Nói là đốt tiền! Cha cho rằng đốt nhà và đốt tiền cũng đều là đốt, chẳng khác gì nhau.” Lương Quân lại ho lụ khụ.

“Không phải con mua mà là con và Đới Hướng Dương cùng mua! Được chưa?”

“Được chưa à? Chưa được!” Lương Quân gần như quát vào điện thoại khiến Lương Tiểu Đồng phải giơ di động ra xa mà nghe. “Cha hỏi đây, Đới Hướng Dương đâu?”

“Đứt rồi!” Lương Tiểu Đồng nói nhỏ.

Im lặng.

“Đới Hướng Dương… chết rồi, thật ư?”

“Chẳng lẽ là chuyện bịa à? Chính mắt con nhìn thấy, vụ nổ kinh hồn, khó mà còn toàn thây. Cha xem, vụ này không phải trò đùa. Coi như Đới Hướng Dương đã liều xả thân, hy sinh rồi. Bây giờ nhớ lại, người chết không phải không có khả năng là con!” Lương Tiểu Đồng nhân thể truy kích ông già, tranh thủ sự đồng cảm của ông lúc này là rất cần thiết.

“Làm gì đến lượt con? Con nhảy lầu cơ mà. Con là hạng người dám nhảy lầu tìm đường sống, cho nên con… là con, dù Đới Hướng Dương có thể làm đến tổng giám đốc tập đoàn…” Lương Quân nói rất đanh thép. Lương Tiểu Đồng hậm hực nghĩ bụng: lại lên lớp nhau rồi! “Bây giờ con về nhà được chứ?”

Lương Tiểu Đồng không rõ có phải mình tự huyễn, cảm nhận được giọng ông già cũng hơi ấm áp không. Anh ta vội đáp, “Có thể hoặc không thể. Vì hình như cảnh sát cũng ỡm ờ, nói rằng có thể ra về nhưng cũng dặn là hễ gọi thì phải có mặt. Trong bệnh viện vẫn có rất đông cảnh sát và cảnh sát mặc thường phục để mắt đến bọn con. Đại khái là vì vẫn chưa xác định được hung thủ, có thể hung thủ đang ở trong số người may mắn sống sót, cho nên về lý thuyết thì bọn con đều là nghi phạm cả. Con đang nghĩ con sẽ nán lại bệnh viện đã, vì không muốn chuốc thêm phiền hà, không muốn cảnh sát phải đa nghi.”

“Thế con gọi điện cho cha để làm gì?”

Lương Tiểu Đồng cảm thấy chút ít tình cảm lúc nãy đã biến thành số không, đành nói, “Con không thể báo tin mình vẫn bình an hay sao?” Anh ta nuốt nước bọt, thấy ông già vẫn chưa dập máy, bèn tiếp, “Định nói về vấn đề vốn liếng của ba tòa lầu và hội quán. Tất nhiên có thể để hôm khác nói sau.”

Đây mới là nguyên nhân thực sự để Lương Tiểu Đồng gọi điện cho cha. Tuy sẽ được bảo hiểm bồi thường, nhưng làm sao bù đắp hết tổn thất được. Lương Tiểu Đồng nhìn thấy một cơ hội rất hay: chỉ cần Lương Quân bằng lòng ra tay trợ giúp thì có thể trùng tu lầu chính Tiêu Tương, tức gây dựng thành tài sản Lương Tiểu Đồng toàn quyền sở hữu.

Đến lúc đó, Tiêu Tương không còn cổ đông nào nữa, và chỉ có Hình… chủ nhân.

Lương Tiểu Đồng đang chìm trong mơ tưởng thì ông già đã dập máy.

Có nghĩa là, lầu chính Tiêu Tương vẫn chỉ là một đống đổ nát.

Đồng rủa thầm “lão già sống dai”, ức quá, muốn tìm điếu thuốc để hút, nhưng biết mình xưa nay không hút thuốc vì rất sợ cái mùi khét lẹt ấy, bọn con gái cũng không thích. Anh ta lại cười nhạt nghĩ bụng, nếu có mặt mẹ thì mình vẫn còn hy vọng. Bèn lấy di động ra định gọi một cú điện thoại quan trọng hơn, nhưng anh ta bỗng thấy ngờ ngợ, bèn ngoảnh nhìn khắp, nhận ra đội trường Đội Trinh sát Hình sự của Sở Công an thẩm vấn mình lúc nãy đang bước lại gần.

Ghi xong lời khai của Tạ Nhất Bân, Ba Du Sinh chủ động đẩy xe lăn cho anh ta. Nhưng Tạ Nhất Bân lại bứt rứt bất an, cứ ngọ ngoạy mãi trên xe như bị sâu róm bò trong cổ. “Thế này thì… không hay lắm anh ạ.”

Ba Du Sinh tiếp tục đẩy xe, mỉm cười nói, “Có gì mà không hay? Tôi đang muốn đến phòng cấp cứu để tìm một người, tiện thể…”

Bình luận