Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tôi Là Thầy Tướng Số – Tập 2

Chương 1: Đại Pháp Dụ Cá Từ Năm Hiển Khánh Nhà Đường

Tác giả: Dịch Chi

TÔI ĐÃ TRÔNG THẤY TỔ GIA

Trên đời này làm gì có ma quỷ, tôi biết chứ, rõ ràng Tổ Gia đã mất cách đây 46 năm, nhưng quả thật vừa rồi chính mắt tôi đã trông thấy ông! Giật mình, suýt ngã ngửa ra sau, khi đứng vững lại không thấy bóng đen trước mặt đâu nữa! Tôi sợ toát mồ hôi, mí mắt trái giật mạnh, một dự cảm không lành chạy dọc sống lưng.

Sách vở bày bán khắp hè phố vẫn nói: “Giật mắt trái sẽ gặp tai ương, giật mắt phải là điềm được của”, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, giật mắt nào cũng không phải chuyện hay.

Đến các thầy tướng số cũng dùng cách bói máy mắt rất kỳ lạ mà người xưa truyền lại này để đối chiếu với lời phán của mình khi đoán điềm cát hung. Đầu tiên, cần phải phân rõ bói mắt trái và bói mắt phải, trái là dương, phải là âm, sau đó phải xem giờ bị máy mắt vào giờ Tứ chính1 Tý–Ngọ–Mão–Dậu; giờ Tứ thiên2 Thân–Dần–Tỵ–Hợi hay giờ Tứ mộ3 Thìn–Tuất–Sửu–Mùi, còn có bài khẩu quyết thế này: Thập nhị thời thần thập nhị cung, ngũ hành bát quái tàng kỳ trung, Tý Ngọ Mão Dậu đa ẩm thực, Thân Dần Tỵ Hợi tai họa chí…4

Hồi còn trẻ, khi sống ở Đường khẩu, chúng tôi từng dùng trò tâm dịch đoán buộc cổ “lũ gà béo” ngốc nghếch. Mọi hoạt động sinh lý bất bình thường như: máy mắt, giật cơ, ù tai, nóng tai, ngứa bàn tay… đều được đem ra để luận đoán cát hung. Thậm chí còn có vài “con gà béo” dễ lừa đến nỗi chỉ vì hắt hơi vài cái vào sáng sớm mà cũng chạy đến hỏi xem lành dữ thế nào. Đối với bọn “Nhất ca5” như mắc bệnh tâm thần này, không lừa chúng thì thật không phải với chúng.

Tôi như người mất hồn quay vào phòng, đồng hồ đã chỉ 12 giờ đêm. Tiết Thanh minh vừa qua, lại đúng nửa đêm giờ Tý, lẽ nào tôi vừa gặp ma thật?

Vợ tôi cũng tỉnh giấc theo, mang áo đến khoác lên người tôi, hỏi: “Sao ông còn chưa ngủ?”

“Tôi… vừa rồi hình như đã trông thấy Tổ Gia… đứng ngay ngoài cửa.” Tôi thất thần nói.

Vợ tôi nhìn ra khoảng không đen như mực ngoài cửa sổ, từ nhỏ bà ấy đã gan lỳ nên không sợ, chỉ cười nói: “Cái ông này, bị hoa mắt thì có, Tứ gia vừa mất, tại ông lại nghĩ đến phái Giang Tướng đấy thôi…”

Nghe vợ nói thế, tôi cũng nghĩ chắc là mình đã nhìn nhầm.

“Ngủ đi ông.” Vợ tôi ân cần nói.

Nửa đêm, trời nổi gió to, từng cơn gào rít ghê rợn bên ngoài. Nằm co người trong chăn, tôi mơ hồ dự cảm sắp có chuyện chẳng lành.

Tôi không sao ngủ được, nhìn gương mặt vợ đã chìm vào giấc ngủ say mà lòng chợt đầy chua xót. Người phụ nữ này đã cùng tôi đi quá nửa đời người, từ lúc còn là một cô nhóc cho đến cái tuổi trung niên này, không một lời oán than hay tỏ ý hối hận vì lấy tôi, vẫn luôn đi bên tôi, bầu bạn cùng tôi. Nay, tóc dần điểm bạc, chúng tôi đều đã già rồi, cuộc đời mà!

Tôi trở mình, đưa tay lùa vào mái tóc bà ấy, bất giác nhói lòng. Đột nhiên, tôi nghĩ đến cái chết. Con người ai chẳng phải một lần chết, Tổ Gia đi rồi, Tứ Bá đầu cũng đi rồi, tôi đã ngần này tuổi, 70 sống được bao năm, 80 sống được bao tháng, một ngày nào đó rồi cũng sẽ chết, sau khi chết sẽ đi về đâu, liệu kiếp sau còn gặp bà ấy, gặp phái Giang Tướng, gặp Tổ Gia, gặp các huynh đệ nữa hay không? Tôi ôm chặt vợ trong lòng, dòng suy nghĩ trôi mãi về những ngày tháng xa lắc.

Năm 1966, Cách mạng Văn hóa nổ ra, trong thị trấn nổi lên cuộc đấu tố, phê bình. Người đầu tiên phải hứng chịu chính là một ông giáo già – hiệu trưởng một trường trung học. Bọn tạo phản gọi ông là lão giáo thối, bắt ông phải thẳng thắn nhận tội, ông nói mình chẳng làm gì mà phải thẳng thắn nhận tội hết. Kết quả, ông bị một thằng nhãi ranh đi lên vả cho hai cái vào miệng, rồi túm tóc, nói: “Mày phải nhận tội trước mọi người.” Nó còn hỗn hào, láo toét dám cởi giày đánh vào mặt ông giáo già đến chảy cả máu.

Thằng đó có biệt danh là “Nhị Bản Tử” – bởi lúc bé từng học đánh trúc bản6, tính cách lỳ lợm. Có lần, người trong thị trấn xì xào rằng, có ma trơi ở ngôi mộ sau núi, có người nhìn thấy cả con hồ li ôm quả cầu lửa chạy băng băng lúc chập tối, khiến các xã viên hợp tác xã không ai dám ra sau núi khi trời tối. Thế mà thằng này lại cuỗm được một quả lựu đạn từ chỗ đám dân quân, tối đến hắn ra sau núi, thấy đúng là có đám lửa màu xanh nho nhỏ bốc lên khỏi mộ thật, liền chửi: “Mẹ mày!” Rồi cứ thế ném thẳng quả lựu đạn vào nấm mộ. “Bùm” một tiếng, ánh lửa tóe ra xung quanh, hài cốt bắn tứ tung trên mặt đất.

Vào thời đó, kiến thức khoa học chưa được phổ cập, kỳ thực, thứ mà họ gọi là ma trơi kia chính là hiện tượng hợp chất phốt-pho trong xương người và sinh vật thoát ra từ những nấm mộ lâu ngày không được chăm nom, tu sửa, gặp không khí thì bốc cháy thành lửa màu xanh nhạt. Mọi người lại nhầm tưởng đó là lũ quỷ ma hiện lên quấy phá, hù dọa.

Sau đó, Nhị Bản Tử lại lôi chuyện ma quỷ nhằm vào cô con gái cả của ông giáo già, hắn hô hào mọi người phê bình đấu tố “giày rách7”. Ông giáo già có ba người con gái và một con trai. Chồng của cô con gái cả chết sớm, về sau, cô lại gặp được một thanh niên trí thức, hai người đều yêu thương nhau, nhưng cô gái lại bị chụp cho cái tội danh “giày rách”. Ai mang tội danh này sẽ bị đưa đi diễu phố, phải quàng lên cổ đôi giày rách, trước ngực còn đeo một tấm biển to viết hai chữ: “Giày rách”.

Cô gái này bị đưa đi diễu phố suốt hai ngày liền, cô chẳng còn mặt mũi nào trước những cái nhìn chòng chọc của hàng trăm con mắt trên phố. Sau khi trở về nhà, cô tắm rửa, gột sạch nước bọt và những thứ bẩn thỉu, ô uế trên người rồi mặc bộ quần áo ngày xuất giá, nhân lúc cha mẹ đang ngủ, thắt cổ tự tử trong phòng. Khi người nhà phát hiện ra thì cô đã tắt thở.

Hai vợ chồng ông giáo già thương con, khóc đến chết đi sống lại. Trái tim con người đâu phải sắt đá, hay tin cô gái đã thắt cổ tự tử, người trong thị trấn đều lặng đi, chẳng còn ai nghe thằng Nhị Bản Tử nữa. Ủy ban Cách mạng cũng vội vàng tuyên bố, thanh minh: “Dùng văn đấu tố, không dùng vũ lực! Không được gây chết người!” Thế mà thằng Nhị Bản Tử chẳng hề cắn rứt lương tâm, vẫn già mồm: “Cách mạng phải triệt để! Loại giày rách này, đáng ra phải chết từ lâu rồi mới phải!”

Ông giáo già cả đời dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò, nay lại rơi vào tình cảnh như thế này, thật khiến người ta thương xót! Ngày chôn cất con gái, trời đang nắng bỗng nhiên lại có sét, đám mây đen kịt ùn ùn từ phía Đông Nam kéo đến, ngay sau đó mưa như trút nước, trận mưa như những giọt nước mắt nức nở bi thương của cô gái từ trời cao đổ ào xuống, cũng là tiếng khóc tiễn đưa cô về cõi quạnh quẽ, thê lương.

Sự việc về sau càng được phủ lên một màu sắc vô cùng thần bí.

Mấy công nhân lò gạch ở ngoại thành kể, khi tan ca đêm về, họ thường thấy có bóng người đu đưa trước mộ phần của cô gái, còn nghe có tiếng người khóc, suốt mấy ngày liền đều như vậy. Ban ngày, mấy xã viên to gan đã đến đó xem xét mà không phát hiện ra điều gì bất thường, nhưng cứ đêm đến, cảnh tượng ấy lại tiếp diễn.

Nhị Bản Tử nghe vậy thì phùng mang trợn má: “Ông mày đếch tin! Sống ông còn chẳng sợ, chết rồi làm gì được ông?”

Mấy hôm sau, vào một tối khi đang định đi nằm thì Nhị Bản Tử nghe thấy tiếng gõ cửa, liền hỏi: “Ai đấy?”

Không có tiếng trả lời, nhưng tiếng gõ cửa vẫn vang lên.

Hắn ta bèn khoác áo vào rồi ra mở cửa, vừa thò đầu ra thì bỗng một thứ gì đó từ trên trời rơi xuống, quấn ngay vào cổ khiến hắn giật bắn người. Lấy đèn soi thì thấy đó là một đôi giày thêu hoa đỏ! Đó chẳng phải chính là đôi giày mà cô gái bị đem ra đấu tố đã đi khi còn sống đây sao? Hắn sợ xanh mặt, hốt hoảng kêu lên: “Ma!”

Ngày hôm sau, người trong thị trấn xôn xao bàn tán, việc đôi giày kia được chôn theo cô gái bao nhiêu người đều trông thấy, nay bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống, chắc chắn là oan hồn cô về tìm Nhị Bản Tử rồi.

Không ai hay biết rằng, mọi việc đều do một A Bảo hoàn lương đạo diễn.

Một tối, sau ngày cô gái chết một tuần, tôi đang định đi nằm, đột nhiên có tiếng gõ cửa khe khẽ. Muộn thế này rồi, là ai được nhỉ? Mở cửa ra, thấy ông giáo già nọ, tôi không khỏi giật mình. Bấy giờ, không ai trong thị trấn dám qua lại, tiếp xúc với người có tên trong sổ đen như ông, bởi sợ rước họa vào thân.

Ngó ra sau lưng ông lão, thấy không có ai, tôi liền mời ông vào nhà.

Ông giáo già ngồi xuống ghế im lặng một lúc lâu, mãi sau mới lên tiếng: “Nghe nói, ngày trước anh từng xem bói cho người ta, liệu anh có…”

Tôi vừa nghe thấy thế đã sợ tái mặt: “Lão tiên sinh đừng nói liều như vậy! Đó đều là sai lầm của tuổi trẻ, tôi đã được cải tạo rồi! Bây giờ tôi quyết tâm đấu tranh trước thói mê tín dị đoan!” Tôi tưởng ông lão định tìm cách để tôi nói hớ rồi tố giác, hòng lập công chuộc tội.

Ông giáo già run run: “Anh đừng sợ, tôi không có ý gì đâu. Nếu đúng là anh biết xem tướng số, cầu xin anh hãy xem giúp liệu cả nhà tôi có thể qua nổi tao đoạn này không! Chứ tôi thật chẳng thiết sống nữa!” Ông lão nước mắt giàn giụa nói.

Tôi biết tinh thần ông lão đã rất suy sụp, sống chết thế nào đều ở câu trả lời của tôi. Kiến thức về tướng số, tôi học mót được từ Tổ Gia cũng chỉ qua loa đại khái. Nhưng còn nhớ, Tổ Gia từng nói: “Lòng người không thể chết, cõi lòng mà chết rồi thì không còn là người được nữa.”

Mãi lâu sau, tôi mới lên tiếng: “Lão tiên sinh, tôi tin lão. Nếu ngày mai lão bán đứng tôi, tôi cũng không oán trách! Tôi biết chút ít về Kinh Dịch, có thể xem sơ qua vận mệnh cho lão được.”

Ông lão cho tôi biết Bát tự của mình, tôi nghĩ một lát rồi nói: “Mấy năm nay, lão gặp phải vận rất xấu, mệnh phạm vào Tai sát, Kiếp sát8, nhưng qua được thì sẽ khá lên, về sau mọi việc đều hanh thông, con cái phất lên như diều gặp gió! Lão chắc chắn sẽ được an hưởng tuổi già!” Kỳ thực, đây chỉ là chiêu Long mà thôi, trước dùng để lừa người, giờ dùng để cứu người, tôi muốn đem lại một tia hy vọng để ông có thể kiên cường sống tiếp.

Ông lão ngẩng lên, nửa tin nửa ngờ: “Vẫn có ngày cất đầu lên được sao?”

Tôi quả quyết: “Có! Chắc chắn là có!”

Ông giáo già như trút được gánh nặng nói: “Tôi không dám mong có ngày phất lên, chỉ cần vứt đi được chiếc mũ ‘kẻ đại phản nghịch’ đang bị chụp trên đầu, tôi chết cũng nhắm mắt!”

Chúng tôi đang nói chuyện, bỗng từ bên ngoài vọng vào tiếng đập cửa rầm rầm. Tôi giật mình đứng bật dậy, ông giáo già cũng sợ run người.

Tôi nhẹ nhàng đi tới, áp người vào cánh cửa, hỏi khẽ: “Ai vậy?”

Không có tiếng trả lời, tôi mở cửa nhìn ra, lập tức một người nhanh chân chạy vụt vào. Thì ra là cô con gái út nhà ông giáo già – Trương Doanh Doanh.

Ông lão tức giận hỏi: “Sao con lại đến đây? Không phải ta đã bảo cứ đợi ở nhà hay sao? Chẳng ra dáng một đứa con gái chút nào!”

Trong thị trấn, Trương Doanh Doanh nổi tiếng tính tình đanh đá, cá tính mạnh mẽ như con trai. Sau khi chị cả chết, cô dám cầm dao đến liều mạng với Nhị Bản Tử, người nhà phải ra sức ngăn lại.

Trương Doanh Doanh nói: “Con không yên tâm về cha!”

“Lưu tiên sinh nói rồi, cả nhà mình sẽ qua được kiếp nạn này, sẽ khấm khá lên, chỉ cần chịu đựng thêm một thời gian nữa thôi.” Ông lão nói.

Trương Doanh Doanh tỏ vẻ xem thường: “Cha, giờ là lúc nào rồi mà vẫn tin vào mấy thứ nhảm nhí đó! Cẩn thận người ta biết được, tội lại nặng thêm đấy!”

Tôi chỉ biết cười trừ, thầm nghĩ: “Sao cô hiểu được tâm tình của cha mình chứ!” Nhìn cô gái bướng bỉnh, thẳng tính này, tôi có đôi chút thiện cảm.

“Đừng nói năng liên thiên!” Ông lão nói.

“Con không liên thiên! Con nghĩ rồi! Cùng lắm là chết! Sớm muộn gì con cũng phải báo thù cho chị!” Trương Doanh Doanh nói.

Ông lão tức giận quát: “Cút về mau!”

Trương Doanh Doanh bật khóc: “Cứ nghĩ đến chị, con lại thấy đau lòng!”

Ông giáo già cũng rớt nước mắt.

Ngẫm nghĩ thế nào tôi lại nói: “Việc báo thù cô đừng nên nghĩ đến, chỉ càng làm cho sự việc xấu thêm thôi! Thực ra, mọi người trong thị trấn đều biết chị cô chết oan. Hay là thế này, tôi có cách trị cho tên khốn đó một trận. Nhưng hai người phải giữ bí mật tuyệt đối, nếu không tôi cũng tiêu đời!”

Nhị Bản Tử này cũng chẳng phải loại người không biết sợ trời khiếp đất là gì, lần này ông sẽ dọa cho mày sợ vỡ mật. Thuật Trát phi bao năm không dùng đến, giờ lại được tôi đem ra sử dụng. Đầu tiên, tôi dán người giấy, lấy thân cây cao lương chống lên, chỗ tiếp nối cắm ống tre dài hai đốt, trên ống tre lại đục mấy cái lỗ, đêm đến đem cắm lên ngôi mộ người con gái kia. Người ta đạp xe trên đường nhìn thấy thế, cộng thêm tiếng gió thổi làm ống tre phát ra tiếng kêu “hu hu”, lại tưởng có người đứng khóc bên mộ. Cứ thế, người nọ truyền tai người kia, một câu chuyện hư hư thực thực lan truyền nhanh chóng. Đây gọi là tạo thế, nhằm để Nhị Bản Tử biết rằng ở đây có chuyện ma quái.

Sau đó, tôi lại bảo Trương Doanh Doanh nửa đêm mang một đôi giày thêu hoa giống hệt đôi giày kia đến, nửa đêm dùng hai cái sào gác lên mái hiên nhà Nhị Bản Tử, sau đó dùng một sợi chỉ mảnh, một đầu buộc vào con vít, một tay kéo giữ sợi dây, tiếp theo gõ cửa, đợi hắn thò đầu ra ngoài nhìn, tôi khẽ kéo sợi dây làm cho đôi giày rơi từ trên rơi xuống, trúng ngay cổ hắn.

Nhị Bản Tử bị dọa cho sợ chết khiếp, từ đó chừa hẳn, không dám cắn càn nữa.

Tôi không ngờ việc giúp ông giáo già lần này lại được phúc báo. Đại khái, Trương tiên sinh thấy tôi lòng dạ lương thiện, một tối mùa hè mời tôi đến nhà, trìu mến nói: “Con trai, con đúng là người tốt.”

Tôi rùng mình, người tốt ư? Bao nhiêu năm nay, trải bao phen gió dập mưa vùi, tôi đã thay đổi nhiều. Bản thân cũng không biết mình rốt cuộc là loại người như thế nào nữa.

Ông lão lại nói: “Ta biết con từng ngồi tù, nhưng không có nghĩa con là người xấu. Đứa con gái út của ta luôn kiêu căng ngang ngạnh, kén cá chọn canh, đến nay vẫn chưa lấy chồng, nếu con không chê… Ta định gả nó cho con…”

“Hả?” Tôi ngỡ mình nghe nhầm, “Thưa tiên sinh, tôi… tôi cái gì cũng không có, nghèo rớt mồng tơi, lại từng ngồi tù, ông…” Năm 1958, sau khi ra tù, tôi chưa từng dám mơ tưởng đến việc lập gia đình.

“Ta muốn hỏi con có bằng lòng hay không?” Ông lão gặng hỏi.

“Tôi…” Việc này quá bất ngờ, tôi ấp úng hỏi: “Ý con gái lão thế nào?”

“Em bằng lòng đấy!” Trương Doanh Doanh từ trong nhà vén rèm đi ra: “Anh đã giúp cả nhà em trút được mối hận trong lòng…”

Tôi vội vàng nói: “Ấy ấy! Nếu chỉ vì chuyện nhỏ nhặt này thì không nên đâu. Huống hồ, chúng ta hơn kém nhau đến hơn chục tuổi…”

“Anh vẫn còn kén chọn sao?” Trương Doanh Doanh nói.

“Tôi không có ý đó, tôi…” Tôi không biết nên nói thế nào, trong lòng thầm nghĩ: “Hai người còn biết về tôi quá ít.”

Im lặng một lúc, tôi nói với Trương Doanh Doanh: “Cô không sợ người ta dèm pha mình lấy một người từng ngồi tù sao?”

“Em không quan tâm!” Trương Doanh Doanh tức tối: “Kệ họ muốn nói gì thì nói!”

Tôi biết, những biến cố lớn ập đến với gia đình tác động rất mạnh đến cô, khiến cô từ lâu đã căm ghét những lời đàm tiếu của người đời.

Trương lão tiên sinh ngồi bên cạnh nói: “Việc này ta làm chủ, cứ quyết định như vậy đi. Ngày mai ta sẽ vạch rõ ranh giới với cả nhà, để các con đỡ bị liên lụy!”

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, việc cha con phải “vạch ranh giới” (từ mặt nhau) là chuyện thường thấy. Âu cũng là chuyện bất đắc dĩ, để đảm bảo an toàn, bởi không còn cách nào khác.

Người ta thường nói, đêm động phòng hoa chúc là một trong bốn niềm vui lớn của đời người. Ngày lấy vợ, tôi đã khóc, một thằng đàn ông nửa đời người phiêu bạt, đến giờ cũng có thể coi như có chốn đi về.

Nửa đêm, tôi ôm Doanh Doanh, hỏi xem rốt cuộc cô ấy đã chọn tôi vì điểm gì, cô ấy cười nói: “Can đảm.” Tôi thầm nghĩ: làm A Bảo, có thể thiếu bất cứ cái gì, trừ lá gan.

Nửa năm sau, Doanh Doanh mang thai, sau đó thì sinh đôi một trai một gái. Mọi người đều nói, tổ tiên phải tích đức ba đời mới sinh con đôi, tôi nghĩ chắc nhờ vào âm đức của cụ tôi, ông tôi, bố tôi, còn tôi thì tích được cái đức gì chứ!

Những đứa con chào đời đã mang đến cho tôi niềm hạnh phúc vô bờ, thứ mà trước đây tôi chưa từng được chạm vào. Tôi thấy mình ngày càng được sống ra dáng một con người, có lúc, tỉnh dậy sau giấc mơ, tôi vẫn thấy mình đang cười. Nhìn các con lớn lên từng ngày, nghe chúng gọi tiếng “cha” đầu tiên, tôi khóc đến khản cả tiếng, ôm chặt vợ con vào lòng, để biết rằng đây không phải một giấc mơ.

Năm 1976, Cách mạng Văn hóa chấm dứt, đám mây mù tan biến, cha vợ tôi được sửa án oan, chị vợ tôi nơi chín suối cũng được ngậm cười.

Giao thừa năm đó, cả nhà tôi cùng quây quần bên mâm cơm tất niên, ai nấy đều nức nở, sụt sùi. Mãi sau, cha vợ tôi nói: “Con người sống ở đời, đừng tham lam phú quý, cứ sống bình an là tốt rồi, bình an mới là hạnh phúc!”

VẠCH TRẦN TRÒ BỊP BỢM TRÊN PHỐ

Những năm 1980, mảnh đất Trung Hoa tràn trề nhựa sống. Thị trấn của chúng tôi trở thành thành phố cấp địa khu9. cha vợ tôi về nghỉ hưu trong niềm vinh quang, chị thứ hai nhà vợ trở thành Cục trưởng Cục văn hóa địa phương, bà xã tôi sau mấy năm học bổ túc văn hóa được vào công tác trong Ủy ban Giáo dục. Còn tôi, chính thức theo đuổi nghiên cứu về Chu Dịch, cha vợ đã giới thiệu cho tôi theo học một vị tiền bối am hiểu Quốc học. Vợ tôi nói: “Anh đã yêu thích đến vậy thì cứ chuyên tâm học đi.”

Bà ấy rất hiểu tôi, biết tôi không thể quên được những chuyện đã qua, mấy năm nay, mỗi lần tôi giật mình tỉnh dậy sau cơn mơ, bà ấy đều ôm lấy tôi, nói: “Ông đừng sợ, đừng sợ.”

Tôi biết rõ nghiệp chướng của mình quá nặng, ngày trước mượn cái trò xem tướng xem số để lừa gạt kiếm sống, bây giờ tôi muốn nghiên cứu xem rốt cuộc Chu Dịch là cái gì. Nếu thật sự Dịch lý có thể làm thay đổi cuộc đời, tôi nguyện cùng nó đem cả đời mình tạo phúc cho đời.

Một buổi chiều, tôi tha thẩn dạo quanh hội chợ sách, tôi muốn tìm một vài cuốn nói về Chu Dịch, đang lật sách xem chợt thấy có tiếng gọi: “Ngũ gia!”

Tim tôi bỗng nhiên đập thình thịch, mấy chục năm rồi không ai gọi tôi bằng hai tiếng “Ngũ gia” cả. Tôi quay lại nhìn thì thấy một người đàn ông chừng ngoài 40 đang đứng trước mặt.

“Cậu là…?” Tôi ngớ người hỏi.

“Ngũ gia không nhận ra con à, con là Tặc Miêu đây!”

“Tặc Miêu?” Đầu óc tôi như chạy thẳng về quá khứ mà lục tìm lại, tôi vỗ trán, nhận ra một người anh em trong Đường khẩu! Cậu ta là tay chân của Nhị Bá đầu, sở dĩ gọi Tặc Miêu vì thường đảm nhận những việc như leo tường, trèo cây.

Tôi vỗ người cậu ta một cái, cười nói: “Tiểu tử, đã lớn thế này rồi cơ à! Bao năm không gặp, cậu thay đổi nhiều quá!”

Tặc Miêu gãi gãi đầu, cười hì hì nói: “Vâng, hồi ở Đường khẩu con mới mười mấy tuổi mà.”

Bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn, đan xen trong lòng tôi: “Ừ nhỉ, thoáng chốc đã mấy chục năm rồi! Mấy năm nay cậu sống thế nào? Bây giờ đang làm gì?”

Tặc Miêu đỏ mặt nói: “Sau khi Tổ Gia mất, các vị Bá đầu đều vào tù, con cũng đi lao động cải tạo một thời gian thì được tha, sau đó về quê làm ruộng với cha. Còn Ngũ gia, giờ ông làm gì rồi?”

Tôi thở dài: “Tôi à, tôi chuyên tâm nghiên cứu Chu Dịch. Là Chu Dịch chân chính ấy, không phải trò lừa đảo bịp bợm đâu nhé”

Tặc Miêu cười nói: “Giống nhau, giống nhau cả thôi.”

Tôi sầm mặt: “Giống là giống thế nào! Khác nhau đấy!”

Tặc Miêu vội nói: “Không giống, không giống, ông bảo không giống thì không giống.”

“Vậy bây giờ cậu làm gì?” Tôi hỏi.

Tặc Miêu cười giả lả: “Ngũ gia, giờ con phất rồi.”

“Phất rồi ư?” Tôi không hiểu liền hỏi lại.

Tặc Miêu nói: “Ngũ gia biết đấy, trên Nhạc Gia Lĩnh có một đạo quán, cánh cổng lớn bị phá hỏng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, bây giờ đã được sửa sang lại, con làm đạo trưởng ở đó, còn kiếm tiền nhanh hơn Tổ Gia hồi đó!”

“Cậu xuất gia à?” Tôi kinh ngạc hỏi.

“Không!” Tặc Miêu nói. “Con giả dạng đạo sĩ thôi, ban ngày khoác áo xuất gia, tối lại về quây quần bên vợ con như thường. Đầy người đi cầu khấn, xem tướng, con vừa Thiên vừa Đả, chiêu nào cũng dùng hết.”

Tôi hiểu ra: “Vẫn đi lừa người ta à?”

“Con còn biết làm gì nữa? Cùng làm với con có một ông anh, hai chúng con thâu tóm cả cái đạo quán này. Có lần, một ông chủ lớn đến xem tướng, chúng con cuỗm được những 2000 đồng, ‘con gà béo’ đó còn luôn mồm nói cảm ơn đạo trưởng nữa chứ. Lần khác, một con mụ đến xin rút thẻ, nói là thường xuyên gặp ác mộng, con chớp ngay cơ hội Trát luôn, bảo rằng nhà nó có ma quỷ tác oai tác quái. Mụ đó biết Trát phi là cái gì đâu, bị con làm cho đầu óc u mê, mụ mẫm. Qua lại vài lần, cuối cùng con còn lên giường được với mụ ấy, sau mụ còn bảo, nhờ sức mạnh của thầy, đúng là không còn mơ thấy ác mộng nữa.”

Tôi lặng thinh, thầm nghĩ: Thằng tiểu tử này, đúng là hết thuốc chữa.

Cổ nhân nói rằng: “Tà dâm trong chốn chùa chiền, tất sẽ bị đày xuống ngục Vô Gián.” Tặc Miêu giả làm người xuất gia lừa tiền gạt sắc, ắt không có kết cục tốt đẹp.

Thấy tôi không nói gì, Tặc Miêu đảo mắt một cái rồi nói: “Thế nào, Ngũ gia, cũng động lòng rồi phải không? Nếu ông đến cầm trịch, con vẫn nghe theo ông, thời thế đổi thay nhưng vai vế không thể thay đổi.”

Tôi cười: “Ta đã rút khỏi giang hồ rồi.”

“Vậy thì thôi! Nhưng nếu có việc gì, Ngũ gia cứ dặn dò con, làm được con nhất định sẽ làm.”

“Được rồi, ta hy vọng các huynh đệ đều ổn cả.” Tôi biết nó không hiểu hàm ý trong câu nói của tôi. Nó vẫn chưa tỉnh ngộ.

Quả nhiên, năm sau đó, trên báo đăng tin về một vụ án mạng xảy ra trong đạo quán. Hai tên đạo trưởng giả mạo vì chia chác không đều, dẫn đến giết hại lẫn nhau, còn chặt xác ném đầu vào nhà xí. Khi ấy mùa hè, trong nhà xí toàn là dòi bọ, lúc cảnh sát tìm thấy, thịt da trên đầu đã bị phân hủy, chỉ còn trơ hộp sọ trắng hếu, trên vẫn dính vài sợi tóc.

Tôi nghĩ, Tặc Miêu dù là nạn nhân hay hung thủ thì cuộc đời nó cũng đã chấm hết.

Lễ cúng cô hồn rằm tháng Bảy hàng năm, tôi thường đến đạo quán đó thắp hương cho Tặc Miêu, dù sao cậu ta lúc nào cũng luôn tỏ thái độ cung kính với tôi.

Cái chết của Tặc Miêu khiến tôi không khỏi buồn lòng. Con người ta một khi đã sa chân vào con đường tà đạo thì khó mà tìm lại được chính mình. Tôi chợt nhớ đến câu năm xưa Tổ Gia vẫn thường nói: “Kẻ tham lam tất bần tiện, người quân tử luôn đề phòng.” Phàm là con người ai cũng vậy, kẻ làm A Bảo thì càng đúng như vậy.

Tôi biết, trên thế gian vẫn còn vô số A Bảo đang len lỏi trong mọi ngóc ngách đời sống, không từ bỏ được lòng tham và cái nghề bói toán lừa gạt này. Dựa vào sức của mình tôi, chắc chắn không thể cứu được tất thảy bọn họ. Nhưng chí ít, tôi muốn cứu vớt những người anh em của mình.

Năm 1984, cha vợ tôi bị xuất huyết não phải nhập viện, bệnh tình mỗi ngày thêm nặng, rồi rơi vào trạng thái hôn mê. Tôi còn nhớ, khi đó còn chưa có dụng cụ để hạ nhiệt, vợ chồng tôi phải đến nhà máy làm kem mang về một bịch đá lớn, đắp lên trán để hạ sốt cho ông. Hôn mê suốt một tuần liền, bỗng một hôm, ông đột nhiên tỉnh lại. Tôi biết đó là dấu hiệu “hồi dương” của người sắp chết. Hôm ấy, ông nắm chặt tay vợ chồng tôi, nói: “Thiên Lượng à, cha sắp phải đi rồi, hãy đối xử tốt với Doanh Doanh, ta biết con là rể tốt của ta.”

Nhìn người cha già mái tóc bạc phơ, tim tôi đau nhói. Tôi từ nhỏ không cha, tiếng “cha” chỉ có thể gọi thầm trong lòng, tình cảm cha con như thế nào cũng chưa từng được nếm trải cho đến khi cưới Doanh Doanh. Hơn mười năm nay, cha vợ luôn hết lòng chăm lo, bù đắp cho tôi. Giờ thì cha con cũng sắp đến hồi âm dương cách biệt, tôi rớt nước mắt, nói với ông: “Cha, cha hãy yên lòng, con nhất định sẽ chăm sóc tốt cho Doanh Doanh.”

Nhiều người trước khi chết thường trông thấy những cảnh tượng kỳ quái, theo giáo lý nhà Phật thì đó gọi là nợ nghiệp, là oan gia trái chủ10. Ví như, một kẻ làm nhiều việc ác, sẽ bị cảnh truy đuổi, trừng phạt ám ảnh. Còn cha vợ tôi, cả một đời dạy học, giảng giải đạo lý, làm thức tỉnh con người, đến khi hấp hối không hề đau đớn. Ông ra đi rất đỗi thanh thản, nhẹ nhàng.

Sau khi cha mất, tôi càng thêm yêu thương vợ con. Nhớ thời kỳ Cách mạng Văn hóa, khi ấy có những nỗi canh cánh của cha và sự cởi mở của vợ. Con người thật may mắn vì có ký ức, những năm cũ chuyện xưa, luôn khiến lòng ta bồi hồi, sau đọng lại là những niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Tiếng gà gáy sáng đưa tôi từ dòng hồi ức trở về với thực tại. Vợ tôi cũng đã thức dậy, nhìn bà ấy, tôi bất giác ôm ghì vào lòng: “Doanh Doanh, bà thật tốt!”

Vợ tôi mái đầu cũng đã pha sương, nghe tôi nói thế thì phì cười: “Ông nói gì vậy, tôi đi nấu bữa sáng, ông ngủ thêm một chút đi.”

Ăn sáng xong, tôi chắp tay sau lưng đi dạo phố, lòng chất chứa nỗi niềm. Hình ảnh Tổ Gia lại chập chờn trong tâm trí. Một cơn gió ào đến, tôi đưa tay xốc lại cổ áo.

Đến gần công viên Nhân Dân, thấy một đám người đang túm tụm bên đường, tôi tò mò đi lại thì thấy hai thanh niên trẻ tuổi ăn vận giống hòa thượng đang bày sạp xem tướng số. Nhìn những người xung quanh đang nóng lòng chờ đến lượt, tôi bật cười: thoạt nhìn là biết ngay phường lừa đảo! Người xuất gia chân chính, bất kể hòa thượng hay đạo sĩ, đều đã nhìn thấu hồng trần, thanh tâm quả dục, không bao giờ chạy ra nơi đầu đường xó chợ bày trò xem tướng số cho người ta. Mấy kẻ khoác áo nhà tu kia chẳng qua chỉ là bọn A Bảo tép riu đang giở ngón nghề kiếm ăn mà thôi.

Phái Giang Tướng tuy đã bị tiêu diệt, không thể làm mưa làm gió được nữa, nhưng từng trải qua một thời kỳ cực thịnh, môn sinh của nó rải rác khắp nơi trên cả nước, ngày nay chắc hẳn vẫn còn sót lại những tàn dư.

Đến gần hơn, lắng tai nghe, tôi mới giật mình! Đám người này đang dùng Song kim khẩu của Bắc phái. Nhớ năm xưa, tứ đại Đường khẩu đều có sở trường riêng: Đông phái giỏi thuật Trát phi, Nam phái giỏi Anh diệu, Tây phái giỏi dàn Cục phong thủy, Bắc phải giỏi Song kim khẩu.

Song kim khẩu – hay còn gọi Lưỡng đầu đổ, là những luận đoán về tướng số bách phát bách trúng đã được đúc rút từ kinh nghiệm mấy trăm năm của A Bảo Bắc phái. Những luận đoán này hết sức ngụy biện, bất kể nói về ai, người đó chắc chắn gật gù đáp: “Vâng!”

Chúng ta hãy cùng xem những khẩu quyết dưới đây.

“Số anh/chị ấy à, hay phải bận tâm lo lắng, hơn nữa luôn phải nhọc sức mà việc chẳng thành!”

Con người sống ở đời, chẳng cứ quan lại quyền quý hay bách tính thường dân, ai mà chẳng phải vất vả, mệt nhọc vắt óc kiếm tiền, lo toan miếng cơm manh áo? Hơn nữa, đời người mấy ai được như ý muốn, ai chẳng nghĩ rằng, mình chịu nhiều cực nhọc mà thu về chẳng được bao nhiêu. Nhưng những “con gà” đi xem tướng số đều không đủ sáng suốt để nhận ra điều ấy. Thấy bọn A Bảo xem tay xong, đột nhiên buông một câu như thế, có đến tám phần trong số đó đều tấm tắc trong lòng: “Đúng là thế thật!”

“Anh/chị ấy à, sau tuổi trung niên mới gặp Đại vận, hậu vận sung sướng an nhàn!”

Người già, mấy ai bảy, tám chục tuổi còn thích xem tướng số. Đã đi quá nửa đời người, số mệnh thế nào, bản thân họ rõ nhất, nếu có xem cũng chỉ xem cho con cháu. Nắm được điểm này, các A Bảo cũng dễ bề “tác nghiệp”. Nếu người trẻ tuổi hoặc trung niên đến xem, chỉ việc nói: “số anh Tiền vận không được tốt lắm, mệnh phạm Tai sát, phải ngoài 35 hoặc 40 tuổi mới khởi Đại vận, đến khi về già an nhàn tự tại. Thực chất chỉ là đang thi triển hai chiêu ThiênLong. Người như thế nào mới phải tìm đến bói toán? Đương nhiên, đều là những người thấy vận số mình đen đủi, thường gặp tai bay vạ gió, hoặc người đang bị ức chế, áy náy trong lòng do làm những việc trái với lương tâm. Một người giàu có, quý phái, ăn no mặc ấm, gia đình hòa thuận, thân thể khỏe mạnh, không có điều gì phải thẹn với lòng, hổ với người thì đi xem bói làm gì chứ? Nắm được tâm lý này, A Bảo chỉ việc phết một câu đại loại như: “Gần đây, tâm trạng anh không được tốt, mệnh phạm Tai sát…” đủ khiến người nghe phải gật gù rồi.

Lại xem đến vế sau: “Hậu vận sung sướng an nhàn”. Con người ta ai chẳng mong cuối đời được an nhàn, yên ổn. Cho dù lúc trẻ phải chịu bao nhiêu khổ cực, nhưng cuối đời lại được an nhàn, sung sướng thì cũng lấy làm mãn nguyện. Thế nên, khi nghe chính miệng ông thầy bói phán “Hậu vận tốt đẹp” lại không vui mừng được sao? Nhưng, điều ấy có thực hay không lại phải chờ thời gian kiểm chứng. Chờ đến lúc anh tóc bạc răng rụng, nhận ra tất cả chỉ là những lời vớ vẩn, cũng chẳng thể đi đâu tìm ông thầy kia mà đôi co cãi lý? Nếu may mắn tìm được, lão cũng đã gần đất xa trời, thoi thóp chờ chết, lẽ nào anh còn muốn nện cho lão một trận?

“Mệnh anh/chị phạm kiếp đào hoa, nam nữ dan díu mãi không dứt khoát được.”

Đây là thủ đoạn mà các A Bảo thường dùng đối với đám nam thanh nữ tú. Trên đời này, bất kể là nam hay nữ đều có người xấu, người đẹp. Người tốt mã, xinh đẹp ai chẳng thích, chân lý ngàn đời ấy chẳng bao giờ thay đổi! Vừa thấy những thiếu phụ bước vào với vẻ mặt rầu rĩ, ủ dột, A Bảo đã hỏi ngay: “Chị muốn xem gì?”, “Con muốn xem đường nhân duyên!” Các A Bảo liền bảo chị ta thắp ba nén nhang trước mặt thần linh, sau đó nhìn que nhang, rồi phán: “Que nhang cho thấy hai người đàn ông đang đối đầu nhau để theo đuổi một người phụ nữ, chị đang rơi vào một cuộc tranh giành tình cảm!” Thiếu phụ tất nhiên sẽ kinh ngạc thốt lên: “Đúng quá!” Kỳ thực, cứ nghĩ mà xem, xinh đẹp như vậy, không gây bão lòng cho bao người mới là lạ, hơn nữa vừa vào cửa đã muốn xem đường nhân duyên, họa kẻ ngốc nghếch mới không đoán ra!

“Con nhà chị là đồng tử hầu cạnh Vương mẫu nương nương.”

Khẩu quyết này không phổ biến lắm nhưng lại có “độ mê hoặc” rất cao. Nếu cha mẹ đi xem tướng số cho con vì thấy sức khỏe của con không tốt thì phán câu này là “linh nghiệm” nhất. Người ta vẫn nói: “Dâu nhà người ngoan, con nhà mình giỏi”, cha mẹ nào chẳng nghĩ con mình đặc biệt hơn những đứa trẻ khác. Nay lại được nghe, nó vốn con nhà trời, trong lòng không khỏi mừng thầm, chắc phải hợp nhân duyên nào đó mới đầu thai làm người, số mệnh tất không giống với những đứa trẻ bình thường khác, lắm bệnh nhiều nạn cũng là chuyện thường tình. Kỳ thực, A Bảo đã dùng chiêu Thiên, đề cao con cái nhà bạn, đợi cho phòng tuyến tâm lý của bạn lơ là, ngay lập tức sẽ xuất tiếp chiêu Đả-Thiên: “Tai họa này nhất định phải tìm cách hóa giải, nếu không sẽ bị nhà trời bắt về!” Cha mẹ nào nghe thấy vậy mà chẳng hoảng hồn, cuống quýt: “Xin thầy hãy chỉ cách hóa giải.” Lúc này, A Bảo chỉ việc ngồi đó mà phán, múa mép sắp đặt mọi việc.

Mấy chục năm nay, vâng lời Tổ Gia “làm một người lương thiện”, hễ thấy kẻ nào mượn danh bói toán gạt tiền người ta, tôi đều vạch mặt đuổi đi, cho nên trong cái thị trấn nhỏ bé này của chúng tôi không thấy bóng dáng bọn lừa đảo lảng vảng nữa. Hôm nay, tự dưng mọc đâu ra hai tên hậu sinh từ đâu đến giở mánh khóe, tôi phải dạy cho chúng một bài học mới được.

Lặng im quan sát một hồi, tôi phát hiện hai tên hòa thượng giả này còn có đồng bọn là hai người phụ nữ. Trong đó, một người nằng nặc đòi xem bói, người kia một mực ngăn lại: “Xem cái thứ mê tín dị đoan này làm gì!” Cuối cùng, người phụ nữ kia nói: “Cứ thử xem thế nào, không đúng chị sẽ đi ngay!”

Kết quả thế nào thì ai cũng biết, họ xem đâu đúng đó! Hơn nữa, người phụ nữ ban đầu phản đối giờ cũng sán lại xem, gật gù khen chuẩn xác. Xem xong, họ liền hỏi: “Thưa thầy, chúng con hết bao nhiêu tiền?”

Một trong hai người đàn ông nói: “Thí chủ, chúng tôi là người xuất gia đi hóa duyên, cần tiền làm gì chứ, các chị chỉ cần quyên chút tiền giọt dầu để sau này tu sửa chùa, cũng coi như tích công tích đức rồi.”

“Thật là phúc đức quá. Vậy chúng con phải quyên bao nhiêu ạ?” Hai người phụ nữ kia hỏi.

Người đàn ông còn lại nói: “Tùy hỷ, tùy duyên, có lòng thành là được.” Nói rồi hắn cầm lên một cuốn sổ, mở ra và đưa cho hai người phụ nữ: “Hai vị thí chủ tự mình viết vào đi, quyên góp bao nhiêu thì viết bấy nhiêu, nhớ viết cả tên họ, sau này chúng tôi còn ghi vào sổ công đức.”

Tôi bất giác đưa tay lên che mặt, thầm nghĩ, thủ đoạn này ông mày đã dùng từ mấy chục năm trước rồi, giờ các ngươi vẫn còn dùng sao. Sổ sách thực ra chỉ là một cái tròng, tên và số tiền ghi trong đó đều do chúng tự biên tự diễn, giả thành nét chữ của nhiều người khác nhau. Số tiền theo sau mỗi cái tên thường là 50 đồng, 100 đồng, cũng có cả 200 đồng. Trông thì có vẻ như để anh tự nguyện, nhưng nếu đã cầm cuốn sổ trên tay, nhìn những con số trước đó lớn đến vậy, làm sao anh có thể đặt bút viết vào đó con số 5 hào hay 1 đồng được. Con người ta ai chẳng ưa sĩ diện, cũng phải giữ thể diện cho cái bản mặt của mình chứ, đằng trước người ta đều ghi 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng, mình ít ra cũng phải viết ra con số 10 đồng, 20 đồng. Thời đó, đồng tiền chưa mất giá, cứ ra phố mà mang theo 10 hay 20 đồng, tiêu tha hồ cũng chẳng hết được, rau hẹ hai hào một cân, cải thảo một hào một cân, cà chua đắt nhất cũng chỉ năm hào một cân11.

Tôi thấy một bà lão sau khi xem xong, run rẩy móc từ trong túi ra một chiếc khăn mùi xoa, quay người ra phía sau, lập cập lật mở chiếc khăn, bên trong toàn những đồng lẻ 1 hào, đếm mãi mới được chừng 1 đồng, liền đưa cả cho hai tên kia. Bà nói bà không biết viết, nhờ chúng viết hộ.

Ôi những người dân hiền lành lương thiện, rất dễ bị những trò lừa lọc gian manh bịt kín hai mắt. Tôi không nén nổi tức giận, ăn trộm cũng có nguyên tắc của thằng ăn trộm, A Bảo cũng có quy ước phường hội riêng, chưa đến nỗi vạn bất đắc dĩ phải xiết cổ người nghèo. Bọn A Bảo thuộc hàng con hàng cháu này khiến tôi không thể nhẫn nhịn nổi nữa.

“Xem cho ta một quẻ.” Tôi chen lên phía trước.

Một tên ngẩng đầu nhìn tôi hỏi: “Cụ à, cụ muốn xem cho mình hay xem cho người nhà?”

“Xem cho ta.” Tôi trả lời.

“Cụ muốn xem gì vậy?”

“Xem sức khỏe.”

“Xin cụ cho biết ngày sinh tháng đẻ.”

Tôi nói đại một số Bát tự.

Thằng nhãi kia làm điệu bộ lẩm nhẩm một hồi rồi phán: “Cụ à, cụ hai năm nay thiên khắc địa xung, sức khỏe không được tốt lắm.”

Tôi cố nhịn cười, bao nhiêu năm rồi mà thủ đoạn vẫn vậy, chẳng hề thay đổi. Thấy tôi không nói gì, hắn lại tiếp: “Có phải cụ hay cảm thấy mỏi mệt, đuối sức không vậy?”

“Không, hai năm nay ta vẫn thấy rất khỏe khoắn.” Tôi nói.

Hắn ta sững người: “Vậy sao cụ còn bảo tôi xem sức khỏe làm gì?”

“Bây giờ khỏe mạnh không có nghĩa là sau này cũng vẫn khỏe mạnh, ta muốn biết khi nào ta chết?”

Mọi người xung quanh đều cười phá lên. Thằng nhóc kia bực mình nói: “Cụ à, xem bói phải thành tâm, không đùa cho vui được đâu!”

“Ta rất thành tâm, muốn xem xem khi nào mình chết, còn biết đường mà chuẩn bị.” Tôi nói.

Hắn nghe thấy thế liền nói ngay: “Thưa cụ, trông tướng mặt cụ, cung Tử tức12 mờ tối. Tôi thấy, con cái cụ không được ngoan ngoãn, chúng bất hiếu, thường khiến cụ phải buồn tủi.”

Tôi thở dài đánh thượt một cái: “Hầy dà!”

Hắn tưởng mình đã nói trúng, liền phán tiếp: “Cụ ơi, không phải buồn phiền vậy, chúng tôi có thể hóa giải giúp được.”

“Hóa cái gì mà hóa. Chính vì con cái ta rất hiếu thuận, nên ta mới muốn biết khi nào mình chết, ta chết rồi thì chúng không phải chịu cực nhọc nữa.”

Cái mũi của thằng nhãi ranh đã vẹo hẳn sang một bên, nó nháy mắt với tên đứng bên cạnh, gã này nói: “Thưa cụ, trường hợp của cụ rất hiếm gặp, chúng ta lại đằng kia nói chuyện đi.”

Hắn ta kéo tôi đến một góc vắng người, lạnh lùng nói: “Lão đến không phải để xem bói.”

“Các anh cũng không phải thầy tướng số.” Tôi nói.

“Hai huynh đệ chúng tôi đi hóa duyên tới đây, chỉ muốn kiếm chút đỉnh giắt theo người, không biết có chỗ nào đắc tội với tiên sinh?”

“Không phải hai, mà là bốn.”

Hắn ngớ người: “Rốt cuộc lão muốn gì?” Nói đoạn, tay phải luồn ra phía sau lưng.

Tôi biết, bọn A Bảo đi đánh lẻ ở những địa bàn khác đều mang theo vũ khí, liền nói: “Nghiêm đả phong13” vừa mới thổi qua, không phải anh muốn vào trong đó tiếp đấy chứ? Chỉ riêng cái tội lừa đảo cũng đủ lãnh mấy năm rồi, cộng thêm tội cố ý gây thương tích nữa, anh muốn chết đấy phỏng?”

Hắn lại đứng ngây người ra, tôi nhìn chằm chằm vào mắt hắn. Một lúc sau, hắn cười cười, chắp tay: “Tiền bối! Lần đầu đến đây làm ăn, bọn tiểu nhân có chỗ nào không được chu đáo xin hãy thứ lỗi, số tiền này chúng ta chia đôi, mong tiền bối đừng quở trách!”

Tôi cũng cười: “Đã nhận ra ta là tiền bối, anh cũng tinh đời đấy!”

Hắn vội vàng khom lưng, nói: “Phong tử đỉnh thủy hà thượng phiêu, huân chủy khai ngật đầu nhất đao. Tại hạ bát thập ngũ niên tiểu Cử nhân, cảm vấn Đại sư bá?”

Đây đều là tiếng lóng. Phong tử có nghĩa là con ngựa, huân chủy nghĩa là con chó, Cử nhânĐại sư bá đều là đẳng cấp và vai vế của A Bảo. Ý nói, bọn chúng là đám A Bảo lén đi kiếm ăn, hôm nay lần đầu tiên hành nghề ở đây, hắn được xếp vào hàng Cử nhân trong đám A Bảo vào năm 1985, muốn biết tôi vai vế thế nào.

Tôi nói: “Cung chủy bất hạ đản, biển chủy lão vát oa, tại hạ ngũ thập niên khôi tài Bảng nhãn.”

Những lời tôi vừa nói cũng đều là tiếng lóng: cung chủy chỉ con ngỗng, biển chủy chỉ con vịt. Ý tôi muốn bảo, tôi được đề bạt vượt cấp lên hàng Bảng nhãn năm 1950 nhưng đã rút khỏi giang hồ từ lâu.

Danh hiệu này không phải hạng xoàng, khiến tên tiểu tử quỳ sụp ngay xuống: “Đại sư bá tại thượng, xin hãy nhận của tiểu nhân một lạy.”

Sau đó, hắn lại gọi cả ba người kia đến, nói: “Hôm nay làm thế thôi, có tiền bối ở đây.”

Bọn họ thu dọn đồ nghề xong, năm người chúng tôi đi tới một quán ăn nhỏ.

Sau vài chén rượu chào hỏi, đồ ăn đã được dọn ra, chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Thực chất, bọn họ là hai cặp vợ chồng, hành nghề đã được vài năm. Họ nói, mấy năm nay “phong trào trừng trị mạnh tay” quá ngặt nghèo, việc làm ăn cũng khó khăn hơn.

“Khó thì đừng làm nữa, cố mà làm gì!” Tôi nói.

Một người phụ nữ nói: “Sao Đại sư bá lại nói vậy? Trước đây, chẳng phải cụ cũng từng làm việc này rồi đấy sao?”

“Đúng, thời đó còn khổ hơn ấy chứ, chính vì ta đã đi trên đoạn đường này, cho nên mới khuyên các người đừng đi tiếp nữa.”

“Đại sư bá, con muốn nói câu có hơi bất kính, xin cụ lượng thứ cho.” Người phụ nữ ấy nói.

“Người một nhà, cứ nói đi!”

Người phụ nữ quay sang nhìn mấy người kia, rồi nói: “Mấy năm đó, chắc người đã tích cóp được ít nhiều, có lẽ đã đủ sống nên mới có thể buông tay. Khi nào chúng con được như Đại sư bá rồi, chúng con cũng sẽ rửa tay gác kiếm.”

Tôi nhấp một ngụm rượu, thở dài: “Ta biết thế nào chị cũng sẽ nói như vậy. Để ta kể lại những việc mình đã trải qua cho các người nghe vậy.”

Thế là, tôi kể chuyện mình bắt đầu trở thành A Bảo vào năm 1948 như thế nào, chúng tôi đã lừa đảo, dàn cục, bị lộ cục ra làm sao; tôi kể cả về cái chết của Tổ Gia, của các vị Bá đầu, rồi đến gần đây nhất là việc của Tặc Miêu… Khi quá xúc động, tôi không ngăn nổi những giọt nước mắt.

Cuối cùng tôi nói: “Các người chỉ nhìn thấy niềm hả hê của đám A Bảo khi kiếm được tiền, sung sướng lúc tiêu tiền, nhưng không một ai muốn đối mặt với cái kết cục bi thảm cả, đau xót lắm, đau xót lắm.”

Cả bốn người chìm trong im lặng. Tôi tin, con người ta bản tính vốn lương thiện, không ai sinh ra đã muốn trở thành người xấu, bể khổ vô biên, quay đầu là bờ, chỉ cần muốn quay đầu lại, chắc chắn có thể lên được bờ.

Đột nhiên, người đàn ông cầm đầu nói: “Đại sư bá, vừa nãy người có nhắc đến Tổ Gia, liệu có phải là chưởng môn Đông phái năm xưa đã thống nhất phái Giang Tướng hay không?”

“Đúng vậy. Ông ấy bị kết án tử hình năm 1952.” Tôi trả lời.

Anh ta nhìn ba người còn lại, bọn họ lại đưa mắt nhìn nhau, trông có vẻ do dự.

Tôi không hiểu, hình như họ định nói gì đó nhưng lại không dám nói ra.

Tôi bật cười: “Có gì cứ nói, ta biết điều gì sẽ nói cho các người hay.”

Anh ta lại nhìn ba người kia, cúi đầu ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói thật khẽ: “Tổ Gia chưa chết!”

“Hả?!” Huyết áp trong người tôi bỗng tăng vọt.

Trông thấy bộ dạng kinh ngạc của tôi, anh ta liền lôi ra một tấm ảnh trong túi áo đưa cho tôi. Trong ảnh là một ông già đang chắp tay sau lưng đi dạo trong cảnh chiều thu, nhìn kỹ hơn một chút nữa, than ôi! Tim tôi như ngừng đập, toàn thân run lên. Mặc dù chụp nghiêng, nhưng tôi nhận ra rõ ràng, đó chính là: Tổ Gia!

Tôi choáng váng, những tưởng Tổ Gia đã khuất núi bao năm rồi, ân ân oán oán của phái Giang Tướng cũng dần phai nhạt trong ký ức. Giờ tôi cũng đã già, chỉ mong được nhắm mắt xuôi tay trong yên bình. Nào ngờ, khi những ngày tháng cuối cùng của thế kỷ 20 sắp khép lại, có nhiều việc xảy đến như vậy. Đầu tiên là việc Tứ Bá đầu cho biết Hoàng Pháp Dung chưa chết, ngay sau đó Tổ Gia – một người liên quan mật thiết đến cả cuộc đời tôi – lại đột nhiên xuất hiện, phái Giang Tướng mà tôi không thể dứt ra được, lẽ nào số kiếp của nó vẫn chưa đoạn?

Mắt trái tôi lại bắt đầu giật.

Tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng bình tĩnh hỏi: “Chuyện là thế nào?”

Người đàn ông vừa rồi nhìn quanh rồi khẽ nói: “Long cung hoạch thập tử, ma đầu tầm lão thương. Đậu nhi nha nhi xuất, lão không lão khoan vô.”

Tôi giật thót mình. Long cung có nghĩa là nước; hoạch thập tử nghĩa là đôi đũa, ám chỉ việc đẩy mái chèo, đáp thuyền; ma đầu nghĩa là mẫu thân, ngầm chỉ nữ chưởng môn; lão thương là người cha, ngầm chỉ nam chưởng môn; đậu nhi chỉ nữ A Bảo, nha nhi chỉ nam A Bảo; lão không lão khoan là chỉ đối thủ, thế lực đối địch. Mấy câu này có nghĩa là: nữ chưởng môn đáp thuyền từ hải ngoại quay về, muốn tìm nam chưởng môn, đồng thời muốn tổ chức tập hợp các A Bảo đang tản mát ở các nơi để tái xuất giang hồ.

Người kia nói tiếp: “Sư bá không biết đấy thôi, mục đích thật sự của việc bọn con ra ngoài ‘bắt gà’, hoàn toàn không phải để ôm tiền về, mà là muốn tìm kiếm, tập hợp lại các huynh đệ đang thất tán khắp các xó xỉnh…”

Tôi ngẩn người ra.

Tổ Gia từng nói: “Là A Bảo, bất cứ lúc nào cũng phải hết sức thận trọng.” Tôi bắt đầu xâu chuỗi lại mọi việc. Đằng sau những thứ rối rắm, phức tạp luôn có manh mối, chỉ có điều tôi vẫn chưa chạm tới được nó, chỉ láng máng nhận ra rằng, tất cả những việc này rất có thể liên quan đến cái chết của Tứ Bá đầu. Nhưng dù thế nào, nếu quả thật Tổ Gia vẫn còn sống, đối với tôi mà nói là chuyện quá đỗi vui mừng. Mấy chục năm nay, không biết bao nhiêu lần tôi đã mơ thấy ông, mơ thấy nụ cười hiền từ như của một người cha ấy.

Bỗng nhiên, tôi nghĩ đến Hoàng Pháp Dung. Hình ảnh người vợ trước của Tứ Bá đầu rất mơ hồ trong ký ức. Khi vào Đường khẩu, bà ấy đã “chết” từ lâu, câu chuyện về bà đều do Nhị Bá đầu kể lại.

Đang mải nghĩ ngợi, mắt trái tôi lại giật liên hồi khiến lòng bồn chồn khó hiểu. Tôi đưa tay lên giữ mí mắt, nhưng nó vẫn giật không ngừng.

Lúc này, từ ngoài cửa, một người phụ nữ đi vào, dáng người cao ráo, khoác chiếc áo choàng lộng lẫy, đeo kính râm, tôi đoán bà ta chỉ chừng 40 tuổi. Những năm 90, kiểu cách ăn mặc, trang điểm như vậy rất hiếm thấy ở thành phố chúng tôi.

Bốn A Bảo vừa trông thấy người phụ nữ này đều sợ xanh mặt, còn vội vàng quỳ sụp xuống: “Chúng con không biết sư phụ đến…”

Bà ta lườm bọn họ một cái rồi nói nhỏ một câu: “Còn không mau cuốn xéo!”

Bốn người kia lập tức thu dọn đồ đạc chuồn mất.

Bà ta quay người lại nói với tôi: “Ngũ gia đấy à?”

Tôi rùng mình, tiếng gọi “Ngũ gia” sao nặng nề đến vậy.

“Chị là…?” Tôi ngờ ngợ hỏi, mí mắt lại giật rất mạnh.

Bà ta gỡ cặp kính ra, im lặng một hồi, sau đó nhìn thẳng vào mắt tôi, bình thản nói: “Tôi có thể đến nhà Ngũ gia cùng chuyện trò được không?”

“Ừm… được…” Đầu óc tôi quay cuồng.

Căn phòng im ắng khác thường, vợ tôi pha một tách trà, bà ta chầm chậm đón lấy. Cả ba chúng tôi không ai lên tiếng, bầu không khí dường như đặc quánh lại.

Cuối cùng người phụ nữ cũng lên tiếng trước. Theo lời kể đầy bi ai, tôi mới biết bà là ai, có liên quan thế nào tới phái Giang Tướng. Dòng suy nghĩ của tôi chạy thẳng về những năm tháng xa xưa. Cảnh tượng bến Thượng Hải gió giục mây vần của những năm 1930, Tổ Gia thời trai trẻ, Giang Phi Yến si tình, thiên tài Tứ Bá đầu, Hoàng Pháp Dung bạc mệnh, đứng giữa trời đất, bao nhiêu anh hùng một thời… Mỗi khi kể đến những chuyện cảm động đau lòng, ba người chúng tôi đều rớt nước mắt, ân ân oán oán giữa Tổ Gia, Tứ Bá đầu và Hoàng Pháp Dung lần đầu tiên hiển hiện rõ mồn một trước mắt…

KIỀU NGŨ MUỘI LÀ AI?

Năm xưa, Tổ Gia sau nhiều lần vào sinh ra tử đã được kế thừa chiếc ghế chưởng môn Đông phái Mộc Tử Liên. Với con mắt nhạy bén, ông nhận thấy thời thế đã đổi thay, thuật Trát phi không còn hữu dụng trong thời đại này nữa. Lấy tư duy từ thời Khang – Càn đi lừa gạt dân thời Dân Quốc, chẳng những bị người ta nện cho mà không khéo còn mất cả mạng nữa. “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”14, Tổ Gia bắt đầu nghĩ đến việc phải đổi mới kế sách.

Chính vào lúc sống còn này, Nam phái Việt Hải Đường lại xảy ra chuyện. Chưởng môn Nam phái – Kiều Ngũ Muội chết, thọ 58 tuổi. Nhành hoa Nam Việt cai quản Việt Hải Đường từ năm Quang Tự15 thứ 28 này từng sống qua ba triều đại: Quang Tự, Tuyên Thống16 và Dân Quốc, cuối cùng đột ngột ra đi.

Kiều Ngũ Muội không phải người tầm thường, xuất thân nhà nòi đã giúp bà tung hoành trên mảnh đất Nam Việt bao nhiêu năm nay. Cả gia tộc bà đều là những bậc kỳ tài, rất giỏi thiên văn; bản lĩnh thi công tác pháp, hô mưa gọi gió của bà rất thần kỳ. Khi còn trẻ, Kiều Ngũ Muội cũng từng nghĩ đến việc lấy chồng sinh con, an cư lạc nghiệp, song chỉ vì sự hồ đồ nhất thời mới lầm đường lạc lối, suốt đời không thể rút chân ra được. Mọi chuyện đều bắt đầu từ ông nội bà – Kiều Thừa Nhân.

Kiều Thừa Nhân từng giữ chức Giám phó Khâm thiên giám triều Đại Thanh. Khâm thiên giám chính là Đài thiên văn quốc gia thời xưa của Trung Quốc, chuyên chịu trách nhiệm quan sát thiên tượng, tính tiết khí, làm ra lịch pháp. Chức quan được lập ra để trông coi Khâm thiên giám có Giám chính và Giám phó. Giám chính tương đương với chức Đài trưởng Đài thiên văn quốc gia, Giám phó chính là Đài phó.

Một lần, trong quá trình tính toán làm lịch pháp, Kiều Giám phó đã tính nhầm, khiến vua Hàm Phong lỡ mất thời khắc ngắm nguyệt thực đẹp nhất trong lần tuần du tới bãi săn Mộc Lan. Bản thân vua Hàm Phong không thấy việc này có gì to tát, nhưng Từ Hi – khi đó là Ý Phi – lại muốn nhân đó giương uy, liền cho bắt giam Kiều Giám phó, đồng thời phế mọi chức tước, giáng tất cả các quan lại liên can đến việc này xuống làm dân thường.

Về sau mới biết, đây không phải là lỗi của Kiều Giám phó, mà do chính Từ Hi cố ý làm sai lệch lịch pháp, khiến vua Hàm Phong bị lỡ ngày đẹp, hòng bắt giam Kiều Giám phó tội khi quân.

Tại sao Từ Hi lại muốn bắt giam Kiều Giám phó?

Vua Hàm Phong cơ thể ốm yếu, lại đam mê tửu sắc, không ngó ngàng gì đến triều chính, còn Từ Hi vốn sẵn mưu tính trong lòng, dã tâm sôi sục. Bà ta biết rõ, Hàm Phong chẳng còn sống được bao lâu nữa. Khi đó, trong nước nổi lên cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc17, bên ngoài lại có liên quân Anh – Pháp nhảy vào xâm lược, giang sơn Đại Thanh sớm muộn cũng sẽ rơi vào tay chúng!

Đêm khuya, Từ Hi bí mật gặp Kiều Giám phó.

“Ý Quý phi minh xét, lão thần không tính sai, thần không biết tại sao vạn tuế gia lại đến nhầm giờ?” Kiều Giám phó vẫn không hay biết chuyện đó là do bà ta ngầm giở trò.

Từ Hi nhếch miệng cười, gọi cai ngục đến, tháo gông cho Kiều Giám phó.

“Đã để Giám phó phải chịu ấm ức rồi.”

Kiều Giám phó không hiểu ý của bà ta.

Sau khi đuổi hết bọn người hầu ra ngoài, bà ta nhìn Kiều Giám phó rất lâu, nói: “Kiều Giám phó thông hiểu thiên tượng, lịch pháp, hẳn là biết chuyện trên trời cho thấy dấu hiệu ám chỉ quân vương đổi ngôi. Theo khanh, trong năm nay và năm tới đây liệu có chuyện thay đổi nhà vua không?”

Kiều Giám phó vừa nghe thấy thế, sợ hãi quỳ sụp xuống: “Thần không dám, thần không dám. Hoàng thượng văn võ toàn tài, giang sơn Đại Thanh bền vững ngàn đời!”

Từ Hi cười nhạt: “Ta nghe nói, trước khi Võ Mị nương xưng đế, trời giáng điềm báo tốt lành. Nay bao nhiêu quan viên trong Khâm thiên giám đều nói Chủ tinh (sao chính) trong thập tinh mờ tối, còn Kim tinh lại sáng lung linh, chắc Kiều Giám phó cũng thấy vậy chứ?! Ta mong khanh nhân đây viết một bài, đợi mai này việc lớn thành, hãy mang ra đọc cho toàn dân trong thiên hạ được rõ, nói đây là ý trời.”

Kiều Giám phó run lập cập nghĩ thầm: Ý Quý phi muốn xưng đế?

Kiều Giám phó nói: “Bẩm Quý phi, nhà họ Kiều thần, từ thời Gia Khánh, đã ba đời làm quan, đời đời hưởng bổng lộc của triều đình, phàm làm việc gì cũng cẩn thận tỉ mỉ, thần tuyệt đối không dám nói xằng nói bậy. Quả thật, thần không hề trông thấy có hiện tượng Chủ tinh mờ tối!”

Nghe thấy vậy, Từ Hi cười lạnh tanh, quay ngoắt đi.

Kiều Giám phó tự biết mình không còn nhiều thì giờ nữa, liền viết ngay một bức di thư. Quan cai ngục biết rõ ông là bậc trung thần ái quốc, rất mực thanh liêm, đã liều chết mang bức thư giao tận tay người nhà ông. Trong thư, Kiều Giám phó nói: “Mạng cha chẳng giữ được bao lâu! Con cháu đời sau cần phải biết việc làm trung nghĩa của cha ông! Từ nay về sau, con cháu nhà họ Kiều không được vào triều làm quan! Các con phải khắc ghi lời cha, dặn dò con cháu!”

Hai ngày sau, Kiều Giám phó nuốt đinh tự vẫn.

Mười bốn năm sau, Kiều Ngũ Muội chào đời. Lớn lên, đọc di thư của ông nội để lại, bà mới biết ông nội mình đã chết thế nào, mới hiểu rõ nguyên do tại sao phụ thân không cho phép mấy người anh của bà lập công danh bằng con đường khoa cử.

Sau cuộc chiến Giáp Ngọ18, thế lực triều đình Mãn Thanh suy yếu trầm trọng. Kiều Ngũ Muội vô cùng nhạy bén, nhận thấy ngày diệt vong của nhà Đại Thanh chẳng còn bao xa, bà muốn cắm một cọng rơm lên trên lưng con lạc đà đang cận kề cái chết. Đại Thanh mất, nhà họ Kiều mới được rửa sạch án oan, ông nội bà mới có thể ngậm cười nơi chín suối.

Ngay từ những ngày đầu của phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, Kiều Ngũ Muội đã giấu cha lén tham gia một tổ chức phụ nữ có tên Hồng Đăng Chiếu của Nghĩa Hòa Đoàn. Nghĩa Hòa Đoàn chia thành hai phe: một phe là Quan đoàn, một phe là Dã đoàn. Dã đoàn chủ trương phản Thanh, Quan đoàn giúp nhà Thanh, Kiều Ngũ Muội đã gia nhập Dã đoàn.

Về sau, thế lực lớn mạnh dần, quân Nghĩa Hòa Đoàn ở khắp nơi trên cả nước hợp nhất với nhau, Kiều Ngũ Muội quen biết một người đàn ông 45 tuổi có tên là Trương Đan Thành, khi đó đang giả làm thuật sĩ, đảm nhận chức Tổng đàn Hộ pháp phái Chu Hồng Đăng. Bài Bế hỏa phân sa chú của Nghĩa Hòa Đoàn chính là do Trương Đan Thành viết, chú rằng: Đệ tử tại hồng trần, bế trú thương pháo môn, thương pháo nhất tề hưởng, sa tử lưỡng biên phân.

Câu thần chú này giúp chống lại đạn pháo. Khi xung phong vào trận địa, chỉ cần niệm câu chú, đạn pháo mà kẻ thù bắn về phía mình sẽ vỡ tan thành cát, rơi rào rào xuống, không còn sức sát thương nữa.

Ngày nay, thần chú bị coi là rất ấu trĩ, nhưng vào thời đó lại trở thành yếu quyết hộ mệnh của dân chúng.

Sau vài lần tiếp xúc với Kiều Ngũ Muội, Trương Đan Thành bất ngờ phát hiện ra cô gái mới 20 tuổi này rất tinh thông thiên văn. Ông ta không hề hay biết Kiều Ngũ Muội xuất thân con nhà nòi, ba đời chuyên tâm nghiên cứu thiên văn. Trương Đan Thành có ý thu nạp bà trở thành môn sinh của phái Giang Tướng.

Về sau, Nghĩa Hòa Đoàn liên tục bị chính phủ nhà Thanh chiêu an, bà dần mất lòng tin vào tổ chức này. Chính vào giờ phút quan trọng ấy, hiểu thấu tâm tư của Kiều Ngũ Muội, Trương Đan Thành liền nói ra ý định của mình. Lúc này, Kiều Ngũ Muội mới biết sau lưng Trương Đan Thành còn có một tổ chức gọi là “phái Giang Tướng”, hơn nữa từ trước tới nay đều hoạt động theo tôn chỉ phản Thanh phục minh. Thế là hai người họ cùng bắt tay với nhau và ngày càng gắn bó mật thiết.

Vào thời kỳ Nghĩa Hòa Đoàn đang hưng thịnh, trong nhà của nhiều vị Vương gia, Bối lặc, A ca nhà Thanh đều lập đàn làm phép. Kiều Ngũ Muội và Trương Đan Thành lấy danh nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn, thả sức thi triển các trò lừa đảo.

Khi đó, trong Tứ đại Đường khẩu Bắc Nam Đông Tây, Đường khẩu của Trương Đan Thành mạnh nhất. Thấy các nữ A Bảo của Nam phái Việt Hải Đường ngày một yếu kém, ông ta đã dùng kế hợp ngang chia dọc, liên kết với Khang Thiếu Hoa của Bắc phái và Đoàn Kim Sơn của Tây phái, đưa Kiều Ngũ Muội ngồi vào chiếc ghế chưởng môn Việt Hải Đường.

Về sau, khi Trương Đan Thành và Kiều Ngũ Muội cùng phối hợp dàn cục, lừa một vị Bối lặc trong cung nhà Thanh, nào ngờ lại có kẻ bán đứng. Trương Đan Thành bị biến thành “thái giám”, còn Kiều Ngũ Muội sau khi bị mấy tên Lính nhà Thanh làm nhục, còn bị đổ “thị đế phấn19”, gây tổn thương nghiêm trọng, không thể sinh con được nữa.

Sau sự việc đó, mỗi khi nhắc đến chuyện này, Trương Đan Thành lại thấy hổ thẹn vô cùng. Đó là việc khiến ông ta day dứt cả đời, không sao nguôi ngoai được.

Sau khi nhà Thanh diệt vong, Trương Đan Thành nhiều lần đến xin được gặp Kiều Ngũ Muội nhưng bà dứt khoát không chịu gặp, không biết bà yêu hay hận kẻ đã kéo mình vào phái Giang Tướng.

Bao nhiêu năm nay, đằng sau dáng vẻ nghiêm nghị bên ngoài, Kiều Ngũ Muội chôn chặt trong lòng nỗi đau và sự tủi hận vô cùng vô tận. Chuyện lấy chồng sinh con, an hưởng niềm vui bình thường chốn nhân gian đối với bà đã trở thành bất khả. Bà dồn hết tâm sức chăm lo cho Việt Hải Đường tận đến lúc chết.

Đêm đó, Kiều Ngũ Muội đột tử vì bệnh tim khi đang ngủ. Lúc ăn tối, bà vẫn còn rất khỏe mạnh, khi lên giường đi ngủ chừng một canh giờ, bà bỗng thấy ngực đau nhói, gắng gượng ngồi dậy. A hoàn rót cho bà một cốc nước, bà uống một ngụm thì bị sặc. Lần này, cơn đau dữ dội hơn nhiều, mồ hôi túa ra, ướt cả chăn đệm, bà ra khỏi chăn, đứng ngồi không yên. A hoàn trông nom đêm đó sợ hãi, hốt hoảng chạy đi tìm Giang Phi Yến. Một a hoàn khác ôm lấy bà trong khi bà bóp chặt lấy ngực. Cuối cùng, bà đau đến nỗi không thể đứng lên được, tay cào mạnh lên tường, kêu lên vài tiếng đau đớn thảm thiết, người ưỡn thẳng lên, chết trong lòng cô a hoàn ấy.

Trước khi chết hình như ai cũng có điềm báo trước. Đêm giao thừa, Kiều Ngũ Muội đã đánh vỡ một cái bát, theo người xưa đó là điềm xấu. Sau khi khai xuân, bà lấy năm mươi cọng cỏ thi, rồi bói cho mình một quẻ theo Đại diễn phệ pháp, kết quả bói ra quẻ Phủ trong số 64 quẻ, là quẻ đại hung, khiến bà càng thêm phiền muộn, buồn bực trong lòng. Giang Phi Yến an ủi: “Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai, sư phụ chẳng mấy chốc sẽ gặp được vận may thôi!” Nào ngờ chưa được vài tháng, bà đã ra đi.

Đợi khi mọi người chạy đến nơi thì người bà đã lạnh ngắt tự bao giờ. Giang Phi Yến sai đám a hoàn đi lấy ngay áo liệm, kỳ thực trong lòng biết là đã muộn, lẽ ra phải mặc áo liệm trước lúc bà ấy tắc thở. Người xưa cho rằng, khi người ta chết, linh hồn đã thoát ra qua lỗ khướu thì có mặc gì cũng vô tác dụng nữa, chết trong tình trạng nào, xuống dưới cõi âm sẽ làm ma trong bộ dạng đó.

Kiều Ngũ Muội thường ngày ăn mặc lộng lẫy, đeo đầy vàng bạc kim ngân, lúc chết lại chẳng đeo thứ gì. Bà sẽ phải mang bộ dạng đó đến chốn âm tào địa phủ lạnh lẽo, đợi nghe những lời phán xét đáng sợ của Diêm Vương. Một người từng vẽ bùa niệm chú cho vô số người, cầu giúp linh hồn bao kẻ được siêu thoát, có nằm mơ cũng không ngờ được rằng mình lại chết tức tưởi đến vậy.

Giang Phi Yến nắm tay Kiều Ngũ Muội, nước mắt lã chã rơi, lòng đau đớn vô cùng. Và hơn hết, một sự việc còn nghiêm trọng hơn đang hiển hiện ra trước mắt.

ĐẠI PHÁP DỤ CÁ

Trước đó một tháng, trên bãi biển Châu Giang Khẩu.

Vẻ mặt đám ngư dân ai nấy đều bơ phờ vì cái nắng gay gắt. Lúc này, cho dù người đi mót hải sản trên bờ khi thủy triều rút, hay người đi biển, đều chẳng thu được gì.

Thời đó, người ta chưa biết đến sự thay đổi của dòng hải lưu sẽ khiến lũ cá chạy đi hết. Dòng đối lưu giữa đại dương có thể làm thay đổi nhiệt độ và mức độ ô nhiễm trên một vùng biển, dẫn đến số lượng các loài cá cũng sẽ thay đổi theo. Cho nên, đánh bắt cá có mùa rộ lên, cũng có mùa không thu hoạch được mấy. Năm nay gặp phải mùa thất bát lớn, suốt mấy tháng liền, lần nào ngư dân cũng phải trở về tay không.

Gió biển dìu dịu, đám trẻ con nô đùa trên bãi biển, chúng đâu biết nỗi âu lo của người lớn, cứ vừa chạy vừa hát:

Thiên khuynh Tây Bắc,

Địa hãm Đông Nam.

Bất tín tiên cô,

Hải khô hà can.

Đám ngư dân ngạc nhiên ngơ ngác hỏi: “A Đệ, lại đây, ai dạy con hát thế?”

Chưa dứt lời, một thằng bé liền chỉ về phía sau lưng đám ngư dân, khiến họ thi nhau quay đầu lại nhìn, thì ra Tiên cô Tuệ Từ giá đáo.

Ở Nam Việt, thân phận của Kiều Ngũ Muội là “Tiên cô Tuệ Từ” – một đạo nhân gia tu phái Thanh Nhất trên núi Mao Sơn. Từ thời mạt Thanh đến nay, bà đã nhiều lần lập đàn cầu mưa ở khắp Quảng Châu, Quảng Tây, đều rất ứng nghiệm. Tri phủ Quảng Châu còn đích thân đề lên bức hoành dòng chữ: “Đạo pháp cao thâm, tế thế muôn dân, muôn dân hữu tình, công đức vô lượng.”

Cách bờ biển không xa có một cây đa cổ thụ, cành lá xum xuê, những tán cây mọc xiên xòe ra bốn phía dài đến mấy chục mét, toàn bộ thân cây trông giống như một khu rừng thu nhỏ.

Kiều Ngũ Muội đi đến dưới gốc đa, mắc hai dải lụa màu đỏ vàng lên cây, những người đi theo lại đặt hương án dưới gốc cây. Kiều Ngũ Muội châm ba nén nhang khấn.

Sau đó, bà nói với đám ngư dân: “Cây này đã bị thần biển chiếm giữ, các người từ lâu không làm việc thiện, khiến thần biển nổi giận, thu lại hết cá tôm, để tỏ thiên uy đấy!”

Đám ngư dân thi nhau nói: “Xin Tiên cô hãy giúp cho.”

Kiều Ngũ Muội nói: “Không ai giúp được cả, chỉ các người mới có thể tự cứu được mình. Các người hãy quyên góp tiền xây một miếu thờ thần biển, rồi ngày ngày cúng bái, nhang khói liên tục mới được bốn mùa bình an.”

Nói xong, bà quay người bỏ đi.

Đám ngư dân chỉ còn biết ngẩn người nhìn hương án dưới gốc đa và cả cái hòm công đức đặt bên cạnh.

Lúc này, một A Bảo đóng vai người tốt bụng đi tới, nói: “Tiên cô Tuệ Từ xưa nay chưa từng nói sai, mấy tháng nay các người đều tay trắng trở về, chẳng bằng cứ thử làm theo lời Tiên cô, ta xin được quyên góp trước cho mọi người một ít.”

Nói đoạn, cô ta ném mấy đồng bạc trắng và mấy đồng xu vào trong hòm công đức, lại giúp viết tên của mấy ngư dân lên quyển sổ công đức.

“Ai quyên tiền thì người ấy được hưởng, tên của mấy người đã được thần biển ghi nhớ rồi, ngày mai canh năm khi mặt trời ló rạng trên biển, chắc chắn sẽ đánh được cá.” Nữ A Bảo nói.

Canh năm hôm sau, mấy ngư dân nọ bán tín bán nghi đi biển.

Họ chèo thuyền, gió biển táp vào mặt, ngọn đèn trên những ghe thuyền chập chờn lúc ẩn lúc hiện. Đám ngư dân vừa chèo thuyền tới chỗ nước sâu chừng mấy chục mét, liền trông thấy một vầng sáng lấp loá dày đặc đang nổi trên mặt biển. Bọn họ tưởng mình bị hoa mắt, liền lấy tay dụi lấy dụi để, rồi chèo thuyền đến gần hơn nữa, thì phát hiện ra đó chính là cá. Bao nhiêu cá đang nổi trên mặt nước, những cái bụng trắng lật ngửa phản chiếu dưới ánh trăng bàng bạc.

Đám ngư dân sửng sốt, vội vàng quăng lưới. Thực ra họ cũng chẳng cần quăng lưới, chỉ cần cứ thế lấy vợt vớt lên là được. Mới đầu, họ còn tưởng đám cá ngửa bụng đã chết, đến khi vớt lên mới thấy chúng vẫn quẫy đành đạch. Đám ngư dân hồ hởi, vội vàng dập đầu vái lạy về phía biển xanh xa thăm thẳm.

Sau khi trời sáng, sự việc này được loan truyền khắp xóm chài, bãi biển trở nên ồn ào, tấp nập. Mấy ngư dân xách từng giỏ đựng những con cá to tướng đi thẳng lên bờ, mừng rỡ cười tít cả mắt. Những người xung quanh trông thấy vậy cứ ngẩn người ra.

Sau đó, rất nhiều ngư dân khác cũng bắt đầu chạy bổ đi quyên góp tiền. Chẳng mấy chốc hòm công đức đã đầy, về sau còn phải đặt thêm mấy chiếc hòm, chiếc nào chiếc nấy đều đầy ú ụ.

Lúc này, tên lính giữ gìn trật tự ở địa phương đã được Kiều Ngũ Muội móc nối liền ra mặt. Hắn nói: thần biển đã chiếm giữ cổ thụ này, nhân dân nên xây miếu thờ Ngài cạnh cây này. Thế là một ngôi miếu nhỏ được đựng lên.

Sự việc này làm náo động khắp vùng Nam Việt, khiến cho các hội đạo môn năm tỉnh phía Nam lũ lượt kéo đến thăm hỏi, mong sao Kiều Ngũ Muội tiết lộ đôi điều. Nhưng bà chỉ cười không hé nửa lời.

Đây là bí mật được lưu truyền từ thời Võ Tắc Thiên nhà Đường.

Năm 684, Võ Tắc Thiên khua chiêng gióng trống chuẩn bị để xưng đế. Người xưa mỗi khi định làm việc lớn, trước tiên phải tạo thanh thế, làm như ý trời đã quyết. Trần Thắng, Ngô Quảng trước khi nổi dậy đã bày trò nhét vào bụng cá mảnh lụa có viết dòng chữ: “Đại Sở hưng, Trần Thắng vương”; Trương Giác trước khi khởi nghĩa cũng hô hào khẩu hiệu: “Trời xanh đương chết, trời vàng lên thay20”; Lưu Bị trước khi xưng đế, cũng phao tin: “Phía Tây Nam, hoàng khí bốc cao đến mấy trượng, Thiên tử tất xuất hiện từ phương ấy”. Những bậc kỳ tài có sở trường mưu tính sách lược như Võ Mị Nương tất biết rõ huyền cơ bên trong, vì thế đầu tiên bà ta cho đổi Đông Đô Lạc Dương thành Thần Đô, lại mời các vị thần tiên khắp nơi đến làm phép, tự dựng lên điềm báo tốt lành. Để lấy lòng Võ Tắc Thiên, đại sư phong thủy Lý Thuần Phong đã làm phép trong hồ tắm Mẫu Đơn của Võ Tắc Thiên, khi bà ta thoát y xuống tắm, chân ngọc vừa chạm xuống nước, lũ cá xung quanh thi nhau bơi đến, vây quanh ngón chân bà ta hệt như cảnh tượng “bách điêu triều phụng21”, khiến cho đám cung nữ kinh ngạc thốt lên: “Điềm lành! Điềm lành!”

Thứ phép thuật này – bắt nguồn từ nước Ma Yết Đà ở miền trung Thiên Trúc22, được truyền tới Trung Quốc vào thời kỳ Hiển Khánh nhà Đường – có thể khiến cho lũ cá trong phạm vi mấy chục hải lý cùng tụ tập lại với nhau, ngay cả thần không biết quỷ cũng chẳng hay. Phương pháp cổ xưa này được ghi chép lại như sau: “Thanh xác đản ngũ mai, vu hạc phiên tẩm thất nhật, cổ nhục tam lượng, tinh diện nhất biều, náo dương hoa, dã bát giác, hồi hương các lưỡng tiền, hỗn hợp đảo lạn thành nê, điều cổ du nhị lượng, trực Tý thời, tán lạc thủy trung, niệm động chú ngữ, tắc tam thập lý ngư hà tận quy túc hạ.”

Thanh xác đản là một loại trứng vỏ màu xanh, duy nhất do loại gà ác ở vùng Hồ Bắc và bên Ấn Độ mới có.

Vu hạc phiên tẩm thất nhật nghĩa là thả những quả trứng xanh ấy vào trong hố phân, ngâm đúng bảy ngày bảy đêm.

Cổ nhục là thịt dê. Lấy ba lạng thịt dê, một thìa to bột mỳ, hoa náo dương, hồi hương… mỗi loại hai lạng, thêm một ít mỡ dê rồi đem trộn thật nhuyễn. Nửa đêm giờ Tý, thả thứ hỗn hợp như hồ dính này xuống nước, rồi kết hợp với đọc thần chú, lũ cá ngửi thấy mùi tanh hôi sẽ thi nhau bơi đến.

Để dàn đại cục này, Kiều Ngũ Muội đã phải dốc hết tâm sức, tìm cách dò hỏi cho được thuật Trát phi. Cuối cùng, bà đã học được thuật dụ cá từ ông thầy phù thủy Hoa Trọng Kim ở mãi vùng biên giới Vân Nam.

Sự thông minh của các A Bảo thể hiện ở chỗ, phàm việc gì họ cũng học một biết mười. Sau nhiều lần thử nghiệm, Kiều Ngũ Muội đã cải biến phép thuật này bằng cách trộn thêm thụy thánh tán23 lũ cá ăn phải sẽ bị say, ngửa bụng nổi lên trên mặt nước, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng vớt được.

Sau đó, Kiều Ngũ Muội quay mặt về phía biển cả cười lớn: “Vạn vật trong trời đất, mình ta chiếm thế độc tôn, trên mảnh đất mênh mông, ta làm chủ dòng đời chìm nổi!”

Bây giờ mới thấy, cách đánh bắt cá này dẫn đến phá vỡ sự cân bằng sinh thái. Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, cơ quan Ngư chính đã kiên quyết nghiêm cấm thực hiện phương pháp tận diệt này ở khắp các vùng ven sông, duyên hải.

Theo lệ, trước khi làm vụ này, phải nói rõ với bọn Hắc bang trong vùng, để còn chia ba lợi ích cho chúng. Không ngờ, khi Kiều Ngũ Muội đang tổ chức ăn mừng dàn cục thành công thì có người đến báo tin rằng bọn người kia đòi bà phải chia thêm hai phần nữa, đồng thời cảnh cáo bà không được phép dàn cục lớn gây ra tình thế náo loạn như vậy một lần nữa.

Kiều Ngũ Muội nghe thấy thế, nổi xung lên: “Được đằng chân lân đằng đầu, dám động thổ trên đầu lão nương ư!” Bà tỏ ra rắn mặt không biết sợ như vậy bởi có quen biết với vài nhân vật máu mặt trong tổ chức Mật tra (tiền thân của cục Quân Thống) thuộc Ủy Ban quân sự Quốc dân Đảng.

Kẻ cầm đầu Hắc bang cũng là một người đàn bà, người trong giang hồ gọi là Điền Nhị tẩu. Bà ta đến đất Nam Việt một năm trước, tự xưng là dòng đích hệ của bang Thanh Hồng. Chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi, Điền Nhị tẩu đã rải không biết bao nhiêu tiền của để xây dựng Hắc bang và tạo được chỗ đứng vững chắc giữa vô số các môn phái.

Vùng biển đánh bắt cá nằm dưới sự bảo hộ, kiểm soát của Hắc bang, ngư dân muốn đánh bắt thủy hải sản đều phải chia phần cho chúng. Có khi đi biển suốt mấy ngày trời, cá bắt chẳng được bao nhiêu, mà trở về vẫn phải nộp phí bảo kê, đám ngư dân chỉ biết ngậm bồ hòn chứ không dám hé răng cự lại chúng.

Gần đây, Kiều Ngũ Muội đã khiến cho địa vị của bọn Hắc bang bị lung lay. Hễ có việc gì, đám ngư dân chỉ tìm đến cậy nhờ Kiều Ngũ Muội, họ coi bà là bà tiên sống, còn bọn Hắc bang chính là lũ quỷ hút máu người chỉ biết ăn không lấy không của họ. Về sau, khi bọn Hắc bang đi thu phí bảo kê, nhiều ngư dân còn phản kháng lại, lấy xiên cá liều mạng với chúng. Điền Nhị tẩu không làm gì được, liền tìm đến tính sổ với Kiều Ngũ Muội.

Thần chết đến, chớp mắt kẻ mất người còn. Hai bên đang giằng co nhau chưa được bao lâu, không ngờ Kiều Ngũ Muội đột tử vì lên cơn đau tim.

Trong cuộc đời mỗi con người, có hai việc người ta không thể tự làm chủ được, đó là: sống và chết. Kẻ dẫu giỏi mưu tính, dốc lòng dốc sức gánh vác trọng trách, cũng chẳng thể tính ra được ngày nào mình sẽ phải dừng cuộc chơi. Khi đắc ý mà thốt lên rằng: “Trên mảnh đất mênh mông, ta làm chủ dòng đời chìm nổi!”, hẳn Kiều Ngũ Muội chẳng ngờ rằng Diêm Vương đang đứng ngay sau lưng mình.

KẺ GÂY RỐI TRONG TANG LỄ

Khi còn sống, Kiều Ngũ Muội đã nhiều lần nhấn mạnh, nếu một ngày bà gặp điều bất trắc thì Đường khẩu sẽ do Đại đồ đệ Giang Phi Yến kế nhiệm.

Sau khi vội vàng lên nhận chức chưởng môn, Giang Phi Yến liền ra lệnh phong tỏa tin tức nghiêm ngặt, đồng thời nhanh chóng sai người đi báo tin buồn cho các Đường khẩu khác. Đây là quy định của phái Giang Tướng, khi Chưởng môn qua đời, các Đường khẩu khác đều phải đến viếng.

Thời xưa, giao thông đi lại rất khó khăn, người đưa thư phải đáp thuyền, phi ngựa cực khổ gian nan vô cùng, có khi lặn lội hơn một tháng trời mới đem được thư báo tang đến tay các Chưởng môn khác. Nếu đợi họ đến đông đủ thì tử thi đã rữa ra và bốc mùi hôi thối, cho nên các Chưởng môn phái Giang Tướng sau khi chết đều được đem hỏa táng ngay, chỉ giữ lại tro cốt. Trong lịch sử Trung Quốc thời cổ, chỉ có nhà Phật và phái Giang Tướng dùng cách hỏa táng này.

Giang Phi Yến không dám to gan lớn mật cho hỏa táng Chưởng môn ngay trong nhà. Việt Hải Đường tung hoành ở Nam Việt bao nhiêu năm nay, gây thù kết oán không ít, ngộ nhỡ tin Kiều Ngũ Muội chết lọt ra ngoài, Điền Nhị tẩu chỉ cần hô một tiếng, kẻ thù sẽ nhân cơ hội kéo đến gây sự, quấy phá, như vậy sẽ gay to.

Bà liền nghĩ ra cách, lấy danh nghĩa tổ chức pháp hội cầu phúc, sai đám chân tay dựng đài phô trương thanh thế quanh Đường khẩu Còn bà và vài Bá đầu khác quấn thi thể Kiều Ngũ Muội bằng vải lụa, đêm khuya lẳng lặng theo lối cửa sau đưa ra bến đò, đáp thuyền rời khỏi Châu Giang Khẩu, tới vịnh Đại Á, tìm một khe núi vắng người qua lại, vội vàng hỏa thiêu Kiều Ngũ Muội. Hôm sau, mang tro cốt lặng lẽ quay về khi trời còn chưa sáng.

Thời gian đó, cuộc kháng chiến Tùng Hộ24 vừa mới kết thúc. Sau khi cùng thương gia họ Giả dàn xong vụ “đuổi xác” vận chuyển thuốc phiện, Tổ Gia vừa trở về Đường khẩu thì nhận được thư báo tang của Giang Phi Yến, liền vội vàng cùng mấy vị Bá đầu lên đường đi Nam Việt.

Khi đến nơi thì Kiều Ngũ Muội đã chết được nửa tháng. Ngay sau đó, người của Bắc phái và Tây phái cũng đến, lúc này họ mới chuẩn bị phát tang.

Giang Phi Yến nói: “Mấy ngày nay, tôi như ngồi trên đống lửa, mụ Điền Nhị tẩu luôn cho người đến sinh sự, tôi đã đưa bạc cho chúng, nhưng chúng vẫn không nương tay. Tôi đoán, có thể mụ ta đã biết tin Ngũ nương mất.”

Đúng là Điền Nhị tẩu nhận thấy có sự khác thường. Bà ta vốn chỉ muốn làm mất nhuệ khí của Kiều Ngũ Muội. Kiều Ngũ Muội chiếm cứ ở Quảng Châu đã lâu, còn bà ta mới chân ướt chân ráo đến, làm sao có thể đấu lại được, lần này bị hà hiếp quá mới cứng đầu cứng cổ húc lại. Nào ngờ, mới được một thời gian, Kiều Ngũ Muội đã im hơi bặt tiếng, mọi việc đều do đệ tử Giang Phi Yến ra mặt, hơn nữa còn ngoan ngoãn đem bạc đến nộp. Trực giác mách bảo Điền Nhị tẩu rằng: Kiều Ngũ Muội xảy ra chuyện lớn rồi!

Về sau, mật thám về báo tin: Kiều Ngũ Muội đã chết! Điền Nhị tẩu nghe thấy thế mừng lắm. Thời cơ đã tới, nhân cơ hội này, tận diệt Việt Hải Đường, san bằng đất Nam Việt.

Vì thế, vào ngày phát tang Kiều Ngũ Muội, bà ta tập hợp hơn hai trăm người đến bao vây Việt Hải Đường, cố ý gây sự, định gây ra một cuộc chiến đẫm máu.

Giang Phi Yến đau xót nói với Tổ Gia: “Bất luận thế nào cũng phải chôn cất Ngũ nương một cách yên bình. Bà đã chịu cực khổ một đời, đến lúc chết, hỏa táng cũng phải giấu giấu giếm giếm, giờ đem chôn cất lại bị bọn kẻ thù đến quấy phá ức hiếp. Ngũ nương thật khổ quá!”

Nghe xong, Tổ Gia cũng thương cảm thở dài: “Bọn chúng có sự chuẩn bị trước, nếu cứ đường đường mà khiêng quan tài ra, chẳng khác nào tự chui vào tròng, đến lúc xảy ra hỗn chiến, chịu tổn thất sẽ vẫn là chúng ta. Điền Nhị tẩu này lai lịch thế nào? Kẻ nào chống lưng cho?”

“Một năm trước mụ ta đột nhiên đến Nam Việt, tự xưng là người Giang Hoài, còn nói là có quan hệ với bang Thanh Hồng.” Giang Phi Yến nói.

Tổ Gia nghe xong, nghĩ có lẽ gỡ được vụ này: “Yến tỷ đừng lo, để tôi đi gặp bà ta trước đã.”

Giang Phi Yến nói: “Không được, một mình đệ đi, ngộ nhỡ xảy ra chuyện…”

Tổ Gia cười, nói: “Yến tỷ yên tâm, vẫn chưa tới lúc liều mạng đâu.”

Theo đề nghị của Giang Phi Yến, Tổ Gia đưa cả Nhị Bá đầu đi cùng, họ đi vòng vèo qua mấy con hẻm thì đến được Đường khẩu của Điền Nhị tẩu.

Mấy tên gác cổng chặn Tổ Gia lại. Khi đó ông chừng 30 tuổi, dáng người cao lớn, phong nhã hào hoa, thoạt trông đã biết không phải người tầm thường, mặc dù mấy tên đứng cổng không cho vào, nhưng cũng không dám thất lễ. Chúng hỏi rất lễ độ: “Xin hỏi, tiên sinh người ở đâu? Đến đây có việc gì?”

“Ta là bạn của Điền Nhị tẩu, có việc lớn cần bàn, các người đừng làm lỡ việc của ta!” Tổ Gia nói.

Một tên vội chạy vào bẩm báo rằng bên ngoài có một gã cùng đạo tự xưng là “Tổ Gia” muốn gặp Nhị tẩu.

Điền Nhị tẩu không biết Tổ Gia là ai, nhưng nghe nói người cùng đạo thì cũng muốn gặp xem sao.

Sau khi vào nhà, Tổ Gia vừa nhìn thấy Điền Nhị tẩu, đoán chừng bà ta chưa quá 30 tuổi, lông mày lá liễu, mắt phượng, tóc đen búi gọn sau gáy, ánh mắt lạnh lùng nghiêm nghị, khí khái phong lưu, tư thế hiên ngang chẳng kém gì đàn ông.

Tổ Gia ngầm đánh giá: bà ta chẳng phải hạng tầm thường! Ông vội vàng thi lễ: “Bái kiến Nhị tẩu!”

Điền Nhị tẩu nhìn Tổ Gia một lượt từ đầu đến chân, hỏi: “Các hạ là…?”

“Tôi là môn hạ của Cửu gia, được người trong giang hồ nâng đỡ, gọi là Tổ Gia, nay tôi đến muốn được gặp Nhị tẩu.” Tổ Gia trả lời.

Điền Nhị tẩu nghe xong rùng mình. Tuy không biết Tổ Gia là ai, nhưng danh tiếng lẫy lừng của Cửu gia thì bấy giờ người Trung Quốc, Nhật Bản không ai không biết. Đó chính là Vương Á Tiều – người từng ám sát Đại tướng Lục quân của Nhật là Yoshinori Shirakawa tại đất Thượng Hải.

Tổ Gia cố ý nói mình là môn hạ của Vương Á Tiều chính là để mượn danh Cửu gia thăm dò một chút về lai lịch của người này. Nếu đúng là người của bang Thanh Hồng, Điền Nhị tẩu chắc chắn biết tiếng Cửu gia, hơn nữa còn rất mực tôn kính. Năm xưa, Cửu gia tung hoành tại bến Thượng Hải, nổi tiếng “chân đất không sợ thằng mang giày”, ngay cả thủ lĩnh bang Thanh Hồng là Hoàng Kim Vinh, Đỗ Nguyệt Sênh cũng phải nhún nhường vài ba phần, chứ nói gì đến ả Điền Nhị tẩu này!

Điền Nhị tẩu thoáng do dự: “Ông nói mình là môn hạ của Cửu gia…?”

Thấy bà ta có vẻ hoài nghi, Tổ Gia liền lấy chiếc quạt giấy trong tay áo ra: “Mời Nhị tẩu xem, đây chính là chiếc quạt giấy do đích thân Cửu gia đã hạ bút.”

Năm Dân Quốc thứ 1125, khi Trương Đan Thành hấp hối đã thỉnh cầu Vương Á Tiều giúp mình dìu dắt Tổ Gia, nhưng Vương Á Tiều không thể ngày nào cũng ở bên ông được, mới tặng cho ông một chiếc quạt gấp, đồng thời đích thân viết lời đề từ: Can đảm nhân nghĩa, bên dưới đề tên của mình, ông ta còn dặn: “Sau này, nếu có ai làm khó dễ, cứ đưa chiếc quạt này ra, ít nhiều sẽ có tác dụng.”

Nhiều năm nay, mỗi lần xuất hành, Tổ Gia đều mang chiếc quạt này bên người, phòng khi cần đến.

Điền Nhị tẩu xòe chiếc quạt ra, trên đó nổi rõ bừng bừng nét chữ mạnh mẽ của Vương Á Tiều, đầu lông mày bà ta khẽ giật lên, khóe miệng lộ ra một nụ cười quỷ quyệt khác thường. Tổ Gia không rét mà thấy rùng mình, từ nụ cười ấy tỏa ra một thứ sát khí lạnh lẽo.

Tổ Gia nói: “Lần này, tôi phụng mệnh Cửu gia đến Nam Việt để viếng Kiều Ngũ Muội. Vừa rồi ở Đường khẩu, thấy rất nhiều người tới kiếm cớ sinh sự, hỏi ra mới biết đó là môn hạ của Nhị tẩu. Việc này e không phải cho lắm, mọi người đều là người cùng đạo, Ngũ nương khi còn sống cũng là chỗ quen biết thân tình với Cửu gia, không biết hà cớ gì Nhị tẩu lại làm như vậy?”

Điền Nhị tẩu hiểu ra ngay, cười nhạt: “Khi còn sống, Kiều Ngũ Muội dàn cục quá quắt, khiến bọn ta không làm ăn gì được.”

“Đều là người cùng đạo, oan gia nên giải không nên kết, nể mặt Cửu gia, bà hãy bỏ qua cho họ một lần.” Tổ Gia nói.

Điền Nhị tẩu nhíu mày, miễn cưỡng nói: “Tổ Gia nói rất phải. Nhưng ta đã hạ lệnh rồi, các huynh đệ đều đã hành động. Bọn họ đều hận Kiều Ngũ Muội đến tận xương tủy, ta là chủ nhân của một Đường khẩu, nếu lúc này kêu họ dừng tay, sau này biết ăn nói với các huynh đệ thế nào đây!”

Tổ Gia cười, nói: “Không cần phải bảo họ ngừng tay. Tôi có một kế vừa hóa giải được mối nguy này, vừa không làm mất thể diện của Nhị tẩu trước mặt các huynh đệ!”

Tổ Gia ghé người nói nhỏ, Điền Nhị tẩu vừa nghe vừa gật gật đầu.

Theo sự sắp xếp của Tổ Gia, Điền Nhị tẩu, Tổ Gia, Nhị Bá đầu đi ra khỏi Đường khẩu, gọi xe kéo đến một quán trà. Trước khi đi, Điền Nhị tẩu dặn bọn thủ hạ: “Trông coi Đường khẩu, ta và Tổ Gia cần bàn việc quan trọng.”

Bọn thủ hạ hỏi: “Chủ nhân đi đâu? Có cần mấy huynh đệ đi theo không?”

Điền Nhị tẩu nói: “Các ngươi khỏi lo.”

Ba người được kéo đi lòng vòng, cuối cùng tới một tiệm trà, họ chọn một góc yên tĩnh, gọi người mang trà tới. Sau ba tuần trà, Tổ Gia bảo Nhị Bá đầu chạy về Việt Hải Đường.

Lúc này, Giang Phi Yến đang nôn nóng ngồi chờ ở Việt Hải Đường, chợt trông thấy Nhị Bá đầu chạy về, liền hỏi: “Tình hình sao rồi? Tổ Gia đâu?”

Nhị Bá Đầu lau mồ hôi trên trán, rồi đưa cho Giang Phi Yến một miếng ngọc quyết và một bức thư, đồng thời thì thầm vài câu gì đó.

Giang Phi Yến nhìn Nhị Bá đầu, vẻ chưa tin chắc lắm.

Nhị Bá đầu nói như sắp hụt hơi: “Yên… yên tâm đi, Tổ Gia đã sắp đặt đâu vào đấy rồi.”

VÂY NGỤY CỨU TRIỆU

Giang Phi Yến đứng dậy, từ từ bước ra ngoài. Bà vốn dung mạo như hoa, lúc này lại đang mặc trên người bộ quần áo tang, ánh mắt rưng rưng pha nỗi buồn man mác càng tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng.

Giang Phi Yến đứng trước hơn hai trăm tên côn đồ, hỏi: “Kẻ nào cầm đầu?”

Một tên cầm súng đi tới: “Phi Yến tỷ tỷ, có gì dạy bảo?”

“Ngươi lại đây.” Giang Phi Yến nói.

Tên kia chọc chọc khẩu súng lên vành mũ, đưa mắt nhìn đám huynh đệ xung quanh, cảm thấy hơi chột dạ. Giang Phi Yến có trường khí rất mạnh, xinh đẹp cao quý, phong thái ung dung tự tại, Tướng Thư nói rằng: “Yểu tiện chi bối nan vọng quý nhã chi nhân, kiến chi tự tàm hình uế, ôi tỏa đốn sinh”.

Câu đó có nghĩa là: con người không ai giống ai, người cao quý khí chất tràn đầy, hạng ti tiện thì lộ rõ vẻ hèn nhát, lấy tư chất hèn mọn mà gặp người thanh cao, sẽ tự thấy xấu hổ vì nhận ra mình ô uế ngay. Cho nên, người xưa khuyên răn người đời, nếu khí chất kém cỏi, không nên đi đến những nơi cao sang gặp người cao quý, sẽ chỉ khiến cho mình càng trở nên hèn nhát, ti tiện hơn.

Trước mặt Giang Phi Yến, tên đó rõ ràng chỉ là hạng ti tiện.

Giang Phi Yến nhỏ nhẹ nói: “Ngươi dẫn theo các huynh đệ cút ngay! Bằng không đầu của Điền Nhị tẩu e rằng khó có thể giữ được!”

Tên kia thoáng sững người rồi phá lên cười ha hả, hấp háy cặp mắt bé tí, nói: ”Phi Yến tỷ tỷ, do tôi nghe nhầm, hay tỷ nói nhảm vậy, hôm nay kẻ mất mạng e rằng là tỷ đấy!”

Giang Phi Yến cười nhạt: “Ngươi mở to mắt xem đây là cái gì?” Nói đoạn, bà đưa bức thư và miếng ngọc quyết cho hắn.

Tên đó cầm lấy xem, giật bắn người lùi lại hai bước, mặt mày tái mét. Đây chẳng phải miếng ngọc quyết hình đôi long phụng nhảy múa được chạm từ đá Hòa Điền mà Điền Nhị Tẩu vẫn thường đeo trên tay hay sao?

“Sao nó lại ở trong tay bà ta? Lẽ nào Nhị tẩu đã bị chặt tay ư?” Tên kia rùng mình nghĩ, kiểu tư duy của phường Hắc đạo cũng khác hẳn người thường. Lại đọc bức thư kia, chữ trong bức thư rõ ràng là nét chữ của Điền Nhị tẩu: Không được phép manh động!

“Hỏng rồi, Nhị tẩu bị bắt rồi!” Nghĩ đến đây, hắn kinh hãi: “Ngươi…!”

Giang Phi Yến nói: “Sắp đến giờ phát tang, ngươi dám sinh sự, Điền Nhị tẩu không sống được đâu!”

Tên kia không biết phải làm thế nào, không nhận được mệnh lệnh, hắn cũng không dám rút đi, liền vội sai mấy tên côn đồ về Đường khẩu xem Điền Nhị tẩu có ở đó hay không, còn hắn sẽ cầm đầu đám huynh đệ canh giữ ở đây, không dám xông vào, cũng không dám rút về.

Giang Phi Yến truyền lệnh: “Phát tang!”

Giang Phi Yến và vài vị Bá đầu cầm cành phan đi phía trước, mấy tay chân khênh quan tài từ từ tiến ra qua cửa chính, gần hai trăm tên của Hắc bang đứng thành hai hàng, những cặp mắt lạnh lùng không rời khỏi đoàn người đưa tang, song cũng không dám hành động lỗ mãng.

Đoàn người đưa tang đi xuyên qua mấy con phố, tới bãi tha ma, cảnh hạ huyệt chôn cất Kiều Ngũ Muội diễn ra rất hoành tráng. Tài nữ một thời, từ đây mãi yên giấc ngàn thu.

Lúc này, tên cầm đầu cũng hay tin, quả thật Điền Nhị tẩu không có ở Đường khẩu, vì thế, hắn chỉ biết trừng mắt nhìn cảnh tượng người ta chôn cất Kiều Ngũ Muội.

Sau khi xong việc, Giang Phi Yến nói với tên cầm đầu: “Cầm lấy thứ này về đi, Điền Nhị tẩu đã về nhà an toàn.”

Tên kia đang ngẩn người, nghe thấy thế thì lầm bầm chửi rủa rồi dẫn đám thủ hạ quay về.

Quả nhiên, về đến Đường khẩu đã thấy Điền Nhị tẩu, hắn vội vàng hỏi xem chuyện gì vừa xảy ra.

Điền Nhị tẩu cố nặn ra vẻ mặt rầu rĩ: “Vương Á Tiều cho người đến, mở Hồng Môn Yến, nói mời ta đến uống trà có việc cần bàn, thực ra đó chỉ là chiêu vây Ngụy cứu Triệu. Mối quan hệ giữa Kiều Ngũ Muội và Vương Á Tiều không phải xoàng đâu, việc này cần phải tính kế lâu dài, không có lệnh của ta, không ai được phép manh động!” Kỳ thực, trong lòng Điền Nhị tẩu biết rõ, bà ta cũng có cục riêng cần phải dàn.

Khi ở tiệm trà, Điền Nhị tẩu nhiều lần dò hỏi Tổ Gia về tin tức của Vương Á Tiều: “Cửu gia anh hùng quả cảm, lòng dạ khoan hòa, nghe danh đã lâu nhưng chưa từng được gặp mặt, mong được Tổ Gia giới thiệu.”

Tổ Gia gật đầu nhận lời: “Tới đây thì hơi gấp gáp, đợi một thời gian nữa, tôi sẽ dẫn Nhị tẩu đến gặp Cửu gia!”

Điền Nhị tẩu đâu biết Tổ Gia đang nói dối, bởi ngay cả ông cũng không biết hiện giờ Vương Á Tiều đang ở đâu. Hồi đó, sau khi ném bom giết chết Yoshinori Shirakawa, Vương Á Tiều cũng trốn biệt. Mỗi lần như vậy, thông thường đợi lúc sóng yên biển lặng, Vương Á Tiều sẽ tự liên lạc, Tổ Gia chỉ việc ngồi đợi tin. Trước mắt, Tổ Gia chỉ muốn giữ chân Điền Nhị tẩu, đợi sau khi chôn cất Kiều Ngũ Muội xong, mọi việc còn lại sẽ dễ dàng thu xếp.

Không lâu sau, Phục Hưng xã của Quốc dân Đảng tổ chức ra cái gọi là “Lực Hành xã”. Đặc vụ trong nhóm Lực Hành xã bắt được tín hiệu điện đài phát đi từ Quảng Châu của đặc vụ Nhật Bản, liền lập tức thanh tra sào huyệt của bọn này. Sau khi báo chí đưa tin, dư luận trên thế giới được một phen xôn xao cả lên, thì ra Điền Nhị tẩu chính là đặc vụ của Nhật nằm vùng ở Quảng Châu, tên thật là Tây Điền Mỹ Tử, cấp dưới của Yoshio Kodama – kẻ cầm đầu phe cánh hữu ở Nhật Bản.

Yoshio Kodama là người sáng lập tổ chức đặc vụ Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, từ khi còn nhỏ đã gia nhập hội Kiến Quốc – một tổ chức thuộc phe cánh hữu ở Nhật. Về sau, hắn ẩn náu ở Trung Quốc, trong thời gian hoạt động ở Đông Bắc, hắn chuyên tâm đào tạo một lực lượng đặc vụ hùng hậu, rải khắp Thượng Hải và Quảng Châu, lập thành hệ thống liên lạc đặc vụ tam điểm nhất tuyến (ba điểm trên một đường thẳng, hoạt động liên tục không để bị đứt đoạn). Tây Điền Mỹ Tử chính là một quân cờ trong tay hắn. Báo chí nói rằng, sau khi bị lộ thân phận, Tây Điền Mỹ Tử đã tự kết liễu bằng một viên đạn.

Lúc này Tổ Gia mới chợt hiểu ra, chẳng trách lúc vừa nhắc đến cái tên Vương Á Tiều, bà ta liền ngừng ngay việc công kích nhằm vào Việt Hải Đường, đồng thời mấy lần gặng hỏi tin tức của ông ta. Sau khi Yoshinori Shirakawa trúng bom chết, người Nhật ráo riết, điên cuồng truy tìm Vương Á Tiều. Là phần tử cốt cán trong hàng ngũ đặc vụ, Tây Điền Mỹ Tử đương nhiên không thể bỏ qua cơ hội này. Đang khi Vương Á Tiều biến mất khỏi nhân gian như một âm hồn, không ngờ đột nhiên mọc lên một gã Tổ Gia, lại còn có chiếc quạt giấy màu trắng do đích thân Vương Á Tiều hạ bút đề từ, khiến Tây Điền Mỹ Tử mừng rỡ như điên, so với việc truy tìm tung tích của Vương Á Tiều, chuyện của Kiều Ngũ Muội chỉ là chuyện vặt.

Nghĩ đến đây, Tổ Gia toát mồ hôi lạnh! Nhưng điều mà Tổ Gia không ngờ tới, đó là ông cũng đã lọt vào tầm ngắm của người Nhật…

NGƯỜI BIÊN SOẠN THUẬT TRÁT PHI

Chuyến đi Nam Việt lần này, tuy có chút kinh sợ nhưng không đến nỗi nguy hiểm. Tổ Gia phần nhiều cảm thấy buồn phiền. Đông phái xưa nay vẫn nổi tiếng với thủ đoạn Trát phi cao siêu. Kiều Ngũ Muội không hổ danh là Chưởng môn Việt Hải Đường, làm trót lọt chiêu dụ cá, biết cải tiến kỹ thuật, xuất Thiên đúng lúc, hốt được một món quá hời. Còn Tổ Gia, gây dựng Đường khẩu đã mấy năm mà chưa từng dàn được cục Trát phi nào cho ra hồn. Ông luôn cảm thấy thuật Trát phi trong cuốn Trát phi mật bản đã lỗi thời, nếu không chắc ăn, ông không dám dàn cục lớn.

Chính vào lúc quan trọng này, cây gậy số mệnh đã lùa Tứ Bá đầu ra sân.

Tứ Bá đầu sinh vào năm Dân Quốc thứ 526, họ Trương, tên Tự Triêm, người Bảo Định (Trực Lệ), mẹ mất khi mới lên 5, về sau gia đình chuyển đến Giang Hoài sinh sống.

Từ nhỏ Trương Tự Triêm đã ham mê lý học27, đam mê thuật luyện đan. Sau khi thầy Nghiêm Phúc – người đi đầu trong phong trào đổi mới tư duy – dịch cuốn Thiên diễn luận của Thomas Henry Huxley sang tiếng Hán, Trương Tự Triêm mới biết đến Thuyết tiến hóa của Darwin, từ đó bắt đầu say mê bộ môn sinh học và đặc biệt hứng thú với Học thuyết tiến hóa. Vì vậy, anh ta cả ngày bám đít những con la để quan sát sự khác nhau giữa con la được phối giống từ ngựa cái và lừa đực với con la được phối giống từ ngựa đực và lừa cái. Vết sẹo trên trán anh ta là do một lần bị con la đá.

Trương Tự Triêm tư chất thông minh, học đâu hiểu đấy, 15 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng tô giới Thượng Hải. Khi đó, đúng vào lúc xảy ra cuộc kháng chiến Tùng Hộ, anh cả và anh thứ hai của Trương Tự Triêm đều đi tòng quân. Về sau, anh cả chết trên chiến trường, anh hai may mắn sống sót. Sau chiến tranh, Trương Tự Triêm gánh trên vai mối nợ nước thù nhà. Anh ta đã viết bài Tương quan vũ khí giữa ta địch và hiện trạng công cuộc cách tân Dương Vụ28, thông qua việc phân tích sự thất bại của cuộc kháng chiến Tùng Hộ để chỉ ra nguyên nhân tại sao từ phong trào Dương Vụ, ngành kỹ thuật của Trung Quốc vẫn lạc hậu, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.

Đúng là tài không đợi tuổi, Trương Tự Triêm mới mười mấy tuổi đầu đã có một tư duy sắc bén. Bài viết thấu đáo, mạch lạc, khí thế hào hùng, lại chỉ rõ sai lầm tệ hại của Trung Quốc, nói có sách mách có chứng, đồng thời còn đưa ra những suy luận cho rằng bọn người Nhật là sản vật của phường loạn luân, bến Thượng Hải là chốn xô bồ.

Người Nhật sau khi đọc được bài viết này thì vô cùng tức giận, chúng gầm lên: “Khử ngay thằng này!”

Tổ Gia hay tin, đập bàn tán dương: “Người này không đơn giản, nhất định phải gặp.”

Đường khẩu của Tổ Gia khi đó vẫn chưa chuyển đến Thượng Hải, vì vậy, ông quyết định đến Áp Bắc, lấy thân phận là “truyền nhân đạo môn Thiết Bốc Tử” để gặp thần đồng này.

Trương Tự Triêm khi đó tuổi trẻ khí thế, sùng bái Tây học, rất xem thường một ông thầy tướng số như Tổ Gia. Tổ Gia nói về phong thủy, anh ta chẳng bận tâm đến; về sau, Tổ Gia quay sang nói về lý học, thuật luyện đan thì anh ta mới chịu tiếp chuyện. Thế là từ thuật luyện đan, hai người nói đến chuyện một vị hoàng đế chết vì ăn tiên đan, rồi lại nói đến mối quan hệ giữa việc luyện đan, thuốc nổ và phong trào Dương Vụ, nói cả đến những kiến thức vật lý, hóa học của phương Tây.

Tổ Gia hỏi anh ta có dự định gì trong tương lai, anh ta trả lời: “Tôi muốn trở thành một nhà khoa học.”

Tổ Gia không nén nổi, cười thầm: “Bọn người Nhật sắp tìm đến cậu rồi, mà đầu óc vẫn còn hoang tưởng đến vậy, đúng là tuổi trẻ!” Nhưng Tổ Gia lờ mờ nhận thấy rằng, nếu có thể áp dụng những kiến thức về vật lý và hóa học của Tương Tự Triêm vào thuật Trát phi, chắc chắn sẽ có bước tiến vượt bậc.

Tổ Gia nóng lòng muốn thu nạp ngay thằng nhóc này về dưới trướng của mình. Nhưng ông biết rõ, nếu trực tiếp thu nhận chắc chắn sẽ không xong, người ta là dòng dõi Nho học, gia đình có truyền thống quân nhân, đừng nói bản thân Trương Tự Triêm sẽ không đồng ý, mà ngay cả cha của anh ta cũng có chút xem thường ông.

Tổ Gia phải chờ thời cơ.

Trước khi đi, Tổ Gia nói với cha của Trương Tự Triêm: “Lệnh lang rất mực tài hoa, nhưng bộc lộ thái quá, e rằng sớm muộn sẽ gây ra tai họa.”

Cha của Trương Tự Triêm nói: “Được rồi, được rồi. Chúng tôi sẽ lưu ý.”

Tổ Gia biết, họ vẫn không nhận thức được thời thế, như ếch ngồi đáy giếng, ngang ngạnh cứng đầu, vì thế ông lại nhắc nhở: “Gần đây lệnh lang viết bài đăng báo, tất sẽ gây họa, không thể không đề phòng.”

Trương Tự Triêm chen ngang: “Tôi cóc sợ! Nhát thì sao làm được việc lớn chứ!”

Tổ Gia đành gượng cười, lắc đầu, chắp tay cáo biệt.

Sau khi về đến Đường khẩu, Tổ Gia ra lệnh cho Đại Bá đầu mang theo mấy huynh đệ ngày đêm canh gác xung quanh nhà Trương Tự Triêm, đồng thời truyền lệnh: “Nếu có kẻ bên ngoài xông vào, nhất định phải cứu tên tiểu tử đó!”

Đại Bá đầu hỏi: “Người khác có cứu không?”

Tổ Gia im lặng không nói gì.

Đại Bá đầu gật đầu: “Con hiểu rồi!”

Quả nhiên, ba ngày sau đó, vào một đêm mưa to gió lớn, Đại Bá đầu mặc áo mưa ôm súng đang ngồi canh cùng vài huynh đệ sau một gốc cây, bỗng thấy mấy người hành động khả nghi từ trong hẻm chạy về phía nhà Trương Tự Triêm.

Đại Bá đầu thấy sự không lành, liền nhảy qua tường, xông vào nhà hô lớn: “Mau chạy đi, có kẻ tới giết các người!”

Chưa dứt lời đã nghe thấy tiếng súng nổ, mấy tên tay chân đang giao chiến với bọn sát thủ Nhật.

Cả nhà Trương Tự Triêm nghe thấy tiếng súng nổ đều ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, Đại Bá đầu lôi Trương Tự Triêm, quát to: “Mau chạy đi, còn đứng ngây ra đó làm gì!”

Cả nhà hoảng hốt chạy về phía cửa sau, vừa ra đến ngõ, không ngờ bọn người Nhật cũng đã phục sẵn ở đây. Một loạt tiếng súng vang lên, cha của Trương Tự Triêm ngã nhào xuống đất.

Đại Bá đầu bắn trả, hai bên giao chiến ác liệt. Những tia lửa nhỏ thi nhau lóe lên trong mưa.

Trương Tự Triêm gào lên: “Cha!”

Đại Bá đầu giật tay Trương Tự Triêm chửi: “Còn gào làm chó gì, chết thì đã chết rồi! Đi mau!”

Trương Tự Triêm nắm chặt tay cha không chịu đi, Đại Bá đầu cuống lên, ra sức kéo, khi đến chỗ rẽ, ông ta nói: “Mày muốn chết ở đây sao! Đi mau! Giữ được mạng sống sau này mới có thể báo thù chứ!” Nói đoạn, lại vung tay bắn về phía con hẻm mấy phát súng, rồi quay đầu quát: “Giẫm lên vai tao, trèo qua tường đi!”

Trương Tự Triêm vẫn khóc, Đại Bá ầu cáu quá lại chửi: “Mẹ kiếp, muốn hại chết tao đấy à?” Dứt lời, mặc kệ Trương Tự Triêm đang gào khóc, ông ta cúi xuống bế thốc anh ta lên, dốc hết sức quẳng qua tường, sau đó cũng nhảy ra ngoài.

Bên kia bức tường là sân của một nhà khác, chỗ chân tường có cái ổ gà, Trương Tự Triêm bị ném trúng vào đó.

“Không chết đấy chứ?” Đại Bá đầu thấy Trương Tự Triêm đang nằm sấp trên ổ gà, vẫn còn chưa định thần lại được.

“Không sao thì tốt rồi, mau theo tao!” Nói xong, ông ta lại lôi Trương Tự Triêm chạy một mạch.

Trương Tự Triêm đã được cứu, trong số mấy tên tay chân đi cùng Đại Bá đầu có một tên bị chết.

Đại Bá đầu điên tiết chỉ thẳng mặt Trương Tự Triêm: “Chỉ vì cứu mày mà chúng tao mất một huynh đệ!”

Tổ Gia đưa mắt nhìn một cái, Đại Bá đầu không nói gì nữa, hậm hực lui xuống.

Tổ Gia lau nước mắt cho Trương Tự Triêm, nói: “Lần trước ta tới phủ, đã dặn các người phải cẩn thận, nhưng lệnh tôn coi thường lời cảnh báo chân thành của ta, nay xảy ra kết cục như vậy… Sau này cậu định thế nào?”

Trương Tự Triêm nói: “Cha tôi chết rồi, tôi phải đi tìm anh hai, tôi cũng sẽ đầu quân kháng Nhật!”

Tổ Gia thở dài nói: “Cách này cũng hay… Nhưng cậu hãy nghĩ cho kỹ, cha cậu đã qua đời, anh cả vừa mới mất trên chiến trường, nếu cậu cũng đi tòng quân, ngộ nhỡ xảy ra bất trắc, thì nhà cậu chẳng còn ai giữ gìn hương hỏa đâu…”

Trương Tự Triêm gân cổ nói: “Người chết rồi, còn giữ hương hỏa cái gì chứ!”

Tổ Gia gật gật đầu nói: “Cậu không nghĩ cho mình cũng phải nghĩ cho gia tộc, lệnh tôn thương yêu cậu như vậy, cho cậu ăn học đến nơi đến chốn, chẳng phải là muốn sau này cậu có thể làm rạng danh tổ tông, giúp ích cho đời sao? Nếu cậu chết, lệnh tôn ở dưới suối vàng liệu có nhắm mắt được không?”

Trương Tự Triêm không nói gì nữa, nhớ đến cha, lại khóc hu hu.

Tổ Gia thấy cơ hội đã đến, liền nói: “Theo ta thay trời hành đạo!

Trương Tự Triêm ngạc nhiên: “Thay… trời hành đạo ư?”

Tổ Gia nói: “Chúng ta chẳng phải thầy tướng số gì cả, chúng ta là người của phái Giang Tướng!”

Trương Tự Triêm hỏi: “Phái Giang Tướng?”

Tổ Gia liền kể về phái Giang Tướng cho anh ta nghe.

Sau khi nghe xong, Trương Tự Triêm quay lại, gãi gãi đầu vặn hỏi: “Là phường lừa đảo à?”

Tổ Gia gật đầu: “Phường lừa đảo cũng có người tốt kẻ xấu, chúng ta chỉ lừa bọn ác bá, không lừa người lương thiện.”

Trương Tự Triêm nói: “Cũng vậy thôi!”

Không đợi Tổ Gia nói, Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu từ ngoài cửa xông vào: “Đồ tạp chủng nhà ngươi! Để cứu ngươi, Tổ Gia đã phải hao tổn tâm sức thế nào, bọn ta còn mất đi một huynh đệ, thế mà ngươi còn dám chửi bọn ta là phường lừa đảo. Phường lừa đảo thì sao chứ? Phường lừa đảo vừa cứu mạng ngươi đấy! Bọn người không phải là phường lừa đảo kia ai có thể bảo vệ ngươi! Bọn Quốc dân Đảng làm được không? Trăm họ làm được không?”

Trương Tự Triêm nín thinh.

Tổ Gia nhìn Trương Tự Triêm, nói: “Tiểu huynh đệ, ta vốn quý trọng nhân tại như chính bản thân mình, cậu còn nhỏ mà đã hiếu học, thông hiểu Đông – Tây kim cổ, khiến ta kính phục vô cùng Nếu huynh đệ có thể gia nhập Đường khẩu, chúng ta cùng đùm bọc lẫn nhau, cùng làm việc thiện, trừng trị kẻ ác, thế chẳng phải rất tốt sao?”

Trương Tự Triêm còn đang do dự, Tổ Gia đã tiếp lời: “Giờ quân Nhật đang truy nã cậu khắp nơi, hãy tạm lánh mặt ở đây. Mấy ngày này, cậu cứ nghĩ cho kỹ, đi hay ở ta không cản, nếu cậu cứ khăng khăng muốn đi, ta sẽ phái người hộ tống cậu rời khỏi Giang Hoài!”

Thực ra, đây chỉ là chiêu lùi một bước để tiến hai bước của Tổ Gia. Mấy ngày sau đó, Đại Bá đầu, Nhị Bá đầu, Tam Bá đầu thay nhau đến làm “thuyết khách”. Đặc biệt là Tam Bá đầu bụng đầy kinh luân, cộng thêm miệng lưỡi lanh lợi, lại giỏi nắm bắt tâm lý đối phương, mấy lần đến thuyết phục đều khiến Trương Tự Triêm phải rơi lệ.

Cuối cùng, Trương Tự Triêm cũng nghĩ thông, lẳng lặng tới thư phòng của Tổ Gia, quỳ trước mặt ông nói: “Ơn cứu mạng của Tổ Gia, con như được cha mẹ sinh ra lần nữa, Tự Triêm nguyện làm đệ tử của thầy.”

Tổ Gia đang khao khát hiền tài, vội vàng đỡ Trương Tự Triêm dậy, đó là vào năm thứ chín kể từ khi ông nắm giữ Đường khẩu. Chín năm nay, những người được việc thật sự, ngoài Đại Bá đầu, Nhị Bá đầu ra, còn có Tam Bá đầu vừa mới được thu nhận trước đó hai năm, những người còn lại đều là lớp lão tướng tàn binh còn sót lại dưới trướng Trương Đan Thành.

Từ đó, Trương Tự Triêm đi theo Tổ Gia, cũng bắt đầu từ đây, Tổ Gia mới như hổ thêm cánh, sự nghiệp của Đường khẩu mới bắt đầu hưng thịnh.

Trương Tự Triêm quả nhiên rất lợi hại! Sau khi đọc xong Trát phi mật bản, đã chỉ ra rất nhiều chỗ còn chưa hoàn thiện trong đó. Anh ta nói: “Bất kể thứ gì cũng đều quý ở sự cách tân, đổi mới! Thuật Trát phi được lưu truyền bao nhiêu năm nay, rất nhiều chỗ đã trở nên lạc hậu rồi!”

Theo yêu cầu của Tổ Gia, sau mấy ngày vắt óc suy nghĩ, Trương Tự Triêm đã soạn ra Trát phi tân pháp, được chia làm các thiên: Đạo pháp, Thiên số, Khí tượng, Tây học (chỉ môn vật lý, hóa học) và Bùa chú, kết hợp thuật Trát phi cũ tạo thành một cuốn tuyển tập hoàn chỉnh. Tổ Gia xem xong hết lời khen ngợi, tán dương không ngớt.

Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com

Bình luận