Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tôi Là Thầy Tướng Số – Tập 2

Chương 2: Bột Cóc Thúc Tiểu

Tác giả: Dịch Chi

TRÒ ĐÙA TRONG HÔN LỄ

Trương Tự Triêm thông hiểu Trát phi đến mức điêu luyện, khiến Nhị Bá đầu cảm thấy rất tự ti. Ông ta ngoài sự to gan táo tợn, dám đào mộ, mổ bụng tử thi ra, những ngón trò khác đều chẳng bằng phân nửa của cậu ấy.

Ngay cả một kẻ luôn tự phụ như Tam Bá đầu cũng tự thấy hổ thẹn. Tam Bá đầu vào nghề trước Trương Tự Triêm hai năm, thông hiểu Tứ thư, Ngũ kinh, nghiên cứu sâu về thuật số, ngũ hành, nhưng sau khi Trương Tự Triêm đến, hắn ta mới hiểu được rằng trên đời này, ngoài những thứ đó ra, vẫn còn có một thứ gọi là Tây học.

Từ xưa đến nay, người Trung Quốc chẳng hề đếm xỉa gì đến Tây học, họ cho rằng thứ đó “hay ho nhưng vô dụng”. Khi người phương Tây đang tiến hành các cuộc cách mạng kỹ thuật, cách mạng công nghiệp, người Trung Quốc vẫn còn luẩn quẩn trong cái vòng “chi hồ giả dã1”.

Sự xuất hiện của Trương Tự Triêm với những kiến thức vật lý, hóa học, sinh học đã mở một cánh cửa cho Đường khẩu nhìn ra thế giới bên ngoài. Tổ Gia nhiều khi cũng cảm thấy lơ mơ không hiểu, nhưng ông rất mừng vì năm xưa biết nhìn người, đã bất chấp tất cả thu nhận Trương Tự Triêm về dưới trướng, nếu không hẳn đã bỏ phí mất một nhân tài kiệt xuất.

Mấy tháng sau, Tổ Gia dời Đường khẩu từ ngoại thành vào thành phố Thượng Hải.

Năm 1932, Thượng Hải ngợp trong cảnh vàng son, xa hoa, trụy lạc.

Toàn thành phố có đến hơn mười nhà hát lớn nhỏ, cuộc ganh đua giữa các nhà hát ngày càng gay gắt. Một trong số những cổ đông của nhà hát có thế lực lớn nhất là một người họ Hoàng, người ta vẫn gọi ông ta là Hoàng Ngũ gia. Hoàng Ngũ gia rất xem trọng phong thủy, mỗi lần chọn địa điểm hay trang trí cho rạp hát mới xây đều mời thầy phong thủy đến xem.

Khi đó, Vi Thiên Lý là nhà mệnh lý nổi tiếng nhất vùng Giang Hoài, người thời đó vẫn ca tụng “nam Viên bắc Vi”. Viên chỉ Viên Thụ San, Vi chính là Vi Thiên Lý. Về sau, khi xảy ra sự biến Tây An2, Tưởng Giới Thạch sống hay chết khó đoán được, khiến Tống Mỹ Linh phải tìm đến Vi Thiên Lý xem một quẻ. Nghe nói ông ta xem rất chuẩn xác, Tống Mỹ Linh đã trả cho ông ta mấy chục đồng bạc trắng.

Tổ Gia biết rõ, người ta có bản lĩnh thật sự, còn bản thân chỉ mang hư danh, muốn được nổi danh khắp chốn, cần phải quẳng tiền cho đám báo chí tung hê, viết bài. Thủ đoạn tuyên truyền đó là: “Các bậc thầy, mỗi người đều có sở trường riêng, sở trường của đại sư Vi Thiên Lý là Lục Nhâm thần khóa, còn Tổ Gia giỏi Thiết Bản thần sốPhong thủy. Nói như vậy vừa ca ngợi chính mình, song cũng không hề cố tình hạ thấp người khác, tránh bị dư luận trỉ trích.

Kỳ thực, nhiều năm nay, Tổ Gia luôn muốn tìm mấy vị cao nhân để học thêm về Kinh Dịch và thuật bói toán chân chính, nhưng vì vướng bận nhiều việc trong Đường khẩu nên mãi vẫn chưa có cơ hội.

Sau khi báo chí liên tục đưa tin, Tổ Gia trở nên nổi tiếng. Những người mến mộ đại danh chạy đến xin gặp đông nườm nượp. Đại sư cũng phải ra dáng một bậc đại sư, thường thì ông không đích thân xuống núi nếu chỉ là con gà béo, còn nếu là con gà cực béo thì dù bọn chúng chẳng tìm đến, Tổ Gia cũng sẽ tiếp cận chúng.

Hoàng Ngũ gia chính là con gà cực béo mà Tổ Gia đã nhắm đến từ lâu.

Ông ta luôn muốn nhờ Tổ Gia xem mệnh cục và phong thủy, nhưng Tổ Gia chỉ cười mà không chịu xem, còn nói: “Hoàng Ngũ gia cát nhân thiên tướng! Có xem hay không cũng vậy, vì vốn đã có số đại phú đại quý rồi!”

Tổ Gia biết rõ, loại người này có dây dưa dễ má với cả hai phái hắc bạch, một khi sẩy tay sẽ gây phiền toái không nhỏ, cho nên ông vẫn đang chờ đợi một thời cơ thích hợp.

Cuối năm 1932, cơ hội cuối cùng cũng đến. Con gái út của Hoàng Ngũ gia xuất giá, cũng gửi thiệp mời đến cho Tổ Gia.

Tổ Gia nhận lời, đồng thời đưa cả Nhị Bá đầu đi theo.

Hoàng Ngũ gia tổ chức hôn lễ theo kiểu nhập chuế cho con gái, tức là chú rể đến “ở rể” nhà cô dâu.

Hoàng Ngũ gia thấy Tổ Gia đến thì mừng lắm, mời vào trong nhà rồi gọi người hầu bưng trà lên. Tổ Gia nhấp vài ngụm, vẻ mặt trầm ngâm khác lạ, cứ lắc đầu không nói.

Hoàng Ngũ gia thấy thế liền hỏi: “Tổ Gia đang băn khoăn chuyện gì thế?”

Tổ Gia vội vàng nói: “Không, không có gì… Hôm nay là ngày đại hỷ, Ngũ gia còn phải lo liệu nhiều việc khác, ông cứ đi lo việc đi, tôi ngồi đây uống trà được rồi…”

Thấy Tổ Gia không định nói, Hoàng Ngũ gia cũng không gặng hỏi thêm nữa, liền dặn dò người hầu: “Thay ta tiếp đãi Tổ Gia chu đáo.” Nói xong, quay ra ngoài tiếp các vị khách khác.

Sau khi Hoàng Ngũ gia đi khỏi, Tổ Gia đưa mắt ra hiệu cho Nhị Bá đầu, nói: “Đồ đệ, mau đi xem trong phủ có việc gì cần giúp một tay không, thì giúp họ.”

Nhị Bá đầu nói: “Vâng, Tổ Gia.”

Người hầu kia nghe thấy thế liền nói: “Không cần, không cần đâu, Tổ Gia là khách quý, chúng tôi không dám phiền ông phải động tay vào.”

Tổ Gia xua tay, cười nói: “Ta và chỗ Ngũ gia là bạn bè đã bao năm nay, việc của ông ấy cũng là việc của ta, không cần khách khí.”

Nhị Bá đầu quay người đi ra khỏi phòng. Một tiếng sau, tân lang và tân nương lên ô tô, bạn bè thân quen cũng lên xe đi theo, đoàn xe chạy về phía giáo đường. Hôn lễ diễn ra suôn sẻ dưới sự chủ trì của một vị cha cố mũi lõ. Sau đó, mọi người đến khách sạn Hoàng Gia mà Hoàng Ngũ gia là một cổ đông lớn, tiệc cưới bắt đầu.

Hoàng Ngũ gia là kẻ giàu có thích khoe khoang, tiệc cưới dùng toàn rượu Tây, đồ ăn toàn món đắt tiền. Tổ Gia là khách quý nên được mời ngồi cùng bàn với ông ta.

Khi tân lang tân nương đến kính rượu Hoàng Ngũ gia, lúc này Tổ Gia mới có cơ hội quan sát kỹ chú rể – một mỹ nam. Trước đây là diễn viễn kịch, sau khi điện ảnh du nhập vào Trung Quốc, hắn liền được một công ty điện ảnh nhắm chọn làm diễn viên, con gái Hoàng Ngũ gia khi xem phim đã mê tít hắn.

Nhân viên khách sạn bê khay đựng rượu Tây, rót đầy cho tân lang tân nương. Chàng mỹ nam nâng ly, xúc động nói: “Con xin cạn ly chúc nhạc phụ đại nhân tùng hạc bất lão, thọ tỷ Nam Sơn.”

Những người đứng xung quanh tất thảy đều giơ ngón cái khen ngợi, lộ rõ vẻ a dua, nịnh bợ trơ trẽn: “Đúng là nhân tài! Thiên kim tiểu thư nhà Ngũ gia thật có con mắt tinh đời, chọn được chú rể cao giá đến thế!”

Hoàng Ngũ gia tất nhiên cười không khép được miệng lại. Ông ta đâu biết rằng, Tổ Gia còn đang vui hơn cả mình nữa.

Sau khi chúc tụng xong, tân lang tân nương lại đến các bàn khác mời rượu.

Tổ Gia ăn một cách chậm rãi, liếc mắt nhìn Nhị Bá đầu ngồi ở bàn bên cạnh, Nhị Bá đầu gật đầu đáp lại.

Sau chừng một tiếng đồng hồ, nhiều người đã say mèm. Tổ Gia nhìn ngó không thấy tân lang tân nương đâu. Một lát sau, hai người quay trở lại, vừa ngồi chưa ấm chỗ thì cô dâu chạy ra ngoài, khi quay trở lại thì tới lượt chú rể chạy đi, hai người cứ thay nhau như vậy đến mấy lần nữa. Cuối cùng, cả hai đành đến trước mặt Hoàng Ngũ gia nói nhỏ vài câu. Ông ta cười nói: “Các con mệt thì cứ về trước nghỉ ngơi sớm đi.”

Mọi người hỏi han: “Có chuyện gì vậy?”

Hoàng Ngũ gia cười nói: “Chuyện của con trẻ, cứ để cho chúng thoải mái đi.”

Lúc này, một ông bạn già đã say bí tỉ ra điều ta đây hiểu lắm, liền lên tiếng: “Đêm động phòng hoa chúc, một khắc đáng giá nghìn vàng. Ngũ gia, đáng lẽ ông phải cho rể quý đưa con gái rượu về từ lâu rồi mới phải, khà khà!”

Mọi người cùng cười phá lên, Hoàng Ngũ gia cười đến nỗi chảy cả nước mắt.

Tiệc cưới tàn, Hoàng Ngũ gia vội vàng về phủ hỏi han tình hình con gái và con rể, cô con gái rượu hai má đỏ ửng, xấu hổ đến nỗi không mở miệng ra được, cuối cùng anh chồng mới ấp a ấp úng nói: “Chúng con bị mót tiểu, cứ đi liên tục.”

Hoàng Ngũ gia nghe thấy thế bật cười: “Mót thì đi, có gì phải ngại chứ.”

Cô con gái vội nói: “Nhưng không sao nhịn được ạ.”

Hoàng Ngũ gia lại cười nói: “Không có gì đáng ngại cả. Chắc bởi các con căng thẳng quá đấy thôi.”

Đến nửa đêm, vẫn thấy phòng con gái sáng đèn, tiếng tân lang tân nương đi đi lại lại khiến Hoàng Ngũ gia không sao ngủ được. Cảm thấy sự việc nghiêm trọng, ông ta khoác áo sang xem, thấy con gái và con rể mặt mũi tái nhợt, không còn đứng thẳng người lên được nữa. Lúc này, ông ta mới nhận thấy sự việc tồi tệ, vội vàng sai bọn người hầu đi tìm thầy lang. Sau khi thầy lang đến liền bắt mạch, vẻ mặt cũng trở nên hoang mang, rồi kê đơn. Hai người uống theo đơn thuốc đến ngày thứ hai vẫn chẳng thấy hiệu nghiệm.

Không còn cách nào khác, bọn họ đành mời bác sĩ Tây y.

Tây y theo các giáo hội du nhập vào Trung Quốc, khi đó người Trung Quốc hoài nghi về Tây y chẳng khác gì hiện nay người ta hoài nghi về Đông y vậy. Hàng nghìn năm nay, người ta chỉ quen dùng các loại thảo dược, người bình thường chẳng ai dám uống những viên thuốc Tây, cho nên những người đầu tiên tiếp xúc với Tây y là tầng lớp đáy của xã hội. Những người nghèo nghĩ rằng, số mình hèn mọn, chẳng cần phải bận tâm quá nhiều, cứ bị bệnh là đến bệnh viện của giáo hội khám chữa, vừa rẻ vừa nhanh. Còn những người thuộc tầng lớp trên luôn có những vị đại phu nổi tiếng phục vụ riêng, luôn có được những loại thuốc Đông y thượng hạng, đâu thèm bận tâm đến thứ “y thuật man di” của bọn nước ngoài, càng không muốn mang người nhà của mình ra làm thí nghiệm.

Hoàng Ngũ gia đã hết cách, vạn bất đắc dĩ phải tìm một bác sĩ Tây y. Sau khi khám, vị bác sĩ này nhún vai ra điều bó tay. Đã thế, ông ta còn ra hiệu bảo hai vợ chồng cởi quần ra để kiểm tra đường tiết niệu.

Cũng may Hoàng Ngũ gia chưa bị chọc tức chết, đòi con gái ông cởi quần ra để kiểm tra ấy à? Ông bác sĩ này đầu óc có vấn đề rồi chắc! Cuối cùng, Hoàng Ngũ gia giận dữ đuổi thẳng cổ ông bác sĩ đi.

TRỘM NGÀY VỚI THẦN TIÊN

Trong lúc không còn biết xoay xở thế nào, bỗng nhiên Hoàng Ngũ gia nhớ đến một việc: Hôm đó, khi Tổ Gia đến phủ tham dự tiệc cưới, vẻ mặt như đang băn khoăn điều gì, hình như ông ta định nói gì đó.

Hoàng Ngũ gia bắt đầu nghĩ đến chuyện chẳng lành, hay tại ngày kết hôn có chỗ nào không được thuận lợi, êm xuôi? Sau khi suy đi tính lại, ông ta sai người mời Tổ Gia đến.

Tổ Gia sau khi bước vào nhà, vừa ngồi xuống đã lên tiếng trước: “Ngũ gia, đã xảy ra chuyện gì với tân lang tân nương phải không?”

Hoàng Ngũ gia kinh ngạc: “Sao Tổ Gia biết?”

Tổ Gia gượng cười: “Kỳ thực, từ lúc nhận được thiệp mời của Ngũ gia, tôi đã băn khoăn không biết có nên nói với Ngũ gia hay không…”

Hoàng Ngũ gia liền truy hỏi: “Là chuyện gì vậy?”

Tổ Gia lắc đầu: “Ngày đại hỷ của lệnh ái tính ra không phải ngày tốt, cưới ngày ấy thì lắm bệnh vào người.”

Hoàng Ngũ gia giật mình: “Quả đúng như vậy! Hôm đó, cả hai đứa nó đều mắc phải chứng bệnh lạ. Nhưng… nhưng… ngày cưới tôi đã tìm thầy tướng số xem cho hẳn hoi, chọn được ngày hoàng đạo rồi mà, những người kết hôn cùng ngày hôm đó cũng đầy ra, người ta có làm sao đâu!”

Tổ Gia đanh mặt nói: “Vấn đề chính ở chỗ ấy! Hạng thầy chỉ biết máy móc, sách bảo gì nghe nấy, làm theo chỉ tổ gây họa! Ngày hoàng đạo chỉ là ngày tính theo quy luật đã được đại chúng hóa cho mọi người dễ hình dung, còn cụ thể với mỗi người mỗi khác. Ngày sinh khác nhau thì Bát tự cũng khác nhau, sao bản mệnh và Thần sát đối xung chiếu vào cũng khác nhau. Là ngày lành đối với người này, nhưng chưa hẳn đã là tốt đối với người kia. Ví dụ, hôm nay là ngày hoàng đạo, nhưng làm gì có chuyện trong ngày hôm nay, tất cả mọi người trong thiên hạ đều gặp chuyện tốt lành? Người nào phải chết vẫn cứ chết, người nào bệnh vẫn cứ bệnh, mặt trời ló rạng ở phương Đông vẫn cứ lặn xuống ở phương Tây, nhà này hoan hỉ, nhà nọ sầu não, ưu phiền. Cho nên, thầy tướng số cao tay là phải chọn ngày thâu nhật!”

Hoàng Ngũ gia vẫn bán tín bán nghi, hỏi: “Thâu nhật là thế nào?”

Tổ Gia giải thích: “Thâu nhật là một thuật ngữ mệnh lý được phái Mang Sư dùng đến nhiều nhất, tức là chọn lấy một ngày Thần sát đối xung không trực để lén lút cưới hỏi. Thiên thần địa quỷ cũng giống như các quan lại trên trần gian, cai quản trông coi cũng chia ra thời gian khác nhau. Ngày kết hôn nếu gặp phải Thần sát đang trực, lại đối xung với sao bản mệnh của người kết hôn thì cực xấu. Cho nên, kẻ cao tay sẽ chọn ngày thâu nhật trên cơ sở của ngày hoàng đạo, như vậy mới tránh được họa. Ngày đại hỷ của lệnh ái lại đúng vào ngày sao xấu Thiên Bồng trực, sao Thiên Bồng quản về nước trên thiên hà, nếu tôi đoán không lầm, hai vợ chồng lệnh ái chắc chắn đã phạm thủy ách rồi!”

Chọn thâu nhật chính là tuyệt kỹ của Tổ Gia, kiến thức này ông học được từ ông thầy tướng số mù tên là Hoa Trọng Kim trong dân gian. Mỗi lần Đường khẩu phải làm việc lớn, tất sẽ chọn thâu nhật. Mệnh lý Mang Sư đã tự lập thành một môn phái riêng, bài khẩu quyết của họ chỉ truyền lại cho người mù. Bài khẩu ấy như thể đã bị nguyền rủa, nếu người sáng mắt học lỏm ắt gặp phải tai họa liên tiếp, cho nên có vài người đã cố ý đốt hương rồi tự làm mù mắt của mình để học lấy chiêu này.

Những lời này đã dọa cho Hoàng Ngũ gia sợ toát mồ hôi, ông ta nói: “Đúng là chúng gặp phải thủy ách thật, còn chảy nhiều không dứt là khác… Lẽ ra, Tổ Gia phải bảo sớm cho tôi biết chứ!”

Tổ Gia gượng cười nói: “Ngũ gia, không phải tôi đây cố ý không nói cho ông biết. Hôm tôi nhận được thiệp mời thì chỉ còn cách ngày đại hỷ của lệnh ái bốn ngày, lúc ấy mấy trăm thiệp mời đã phát đi rồi, người ta vẫn nói: ‘Tang bất trạch thời, hỷ bất canh nhật’3, sao lại có thể thay đổi được nữa? Huống hồ ngày đại hỷ, tôi đâu thể tùy tiện nói toạc chuyện này ra, như thế chẳng phải sẽ khiến Ngũ gia thêm phiền não hay sao?”

Hoàng Ngũ gia vội vàng chắp tay thi lễ nói: “Tổ Gia nói rất phải!”

“Đợi tôi xem thế nào đã rồi hãy tính tiếp.”

Hoàng Ngũ gia vội vàng dẫn Tổ Gia đến phòng của con gái và con rể. Nhìn hai người họ chẳng ra bộ dạng của vợ chồng mới cưới nữa, bị đày đọa đến nỗi cạn kiệt sức lực, chỉ biết nằm co quắp trên giường, người run lên bần bật.

Tổ Gia giả bộ bắt mạch cho hai người họ, sau đó cứ thở dài.

Hoàng Ngũ gia liền hỏi: “Chúng sao rồi?”

Tổ Gia đứng dậy, nói: “Ngũ gia, chúng ta ra ngoài hãy nói.”

Trở lại phòng khách, Tổ Gia nói: “Quả đúng là đã đụng phải Thần sát, hơn nữa lại là chính xung, tổn thương rất nghiêm trọng.”

Hoàng Ngũ gia hoảng hốt: “Có cách nào cứu được không?”

Tổ Gia nhìn Hoàng Ngũ gia, cúi đầu không nói.

Hoàng Ngũ gia vẻ cuống quýt: “Xin Tổ Gia cứ nói thẳng!”

Tổ Gia ngẩng đầu lên, hỏi: “Ngũ gia có biết tới điển tích bảy lần bắt, bảy lần thả Mạch Hoạch của Gia Cát Khổng Minh thời Tam Quốc không?”

Hoàng Ngũ gia sững người: “Biết… Sao vậy?”

Tổ Gia giảng giải: “Khi vây bắt Mạnh Hoạch lần thứ bảy, Khổng Minh phải dùng hỏa công, đốt cháy đội quân giáp mây4. Sau khi chiến sự kết thúc, Không Minh cảm thán: ’Cách này làm tổn hại lớn đến âm đức, làm giảm dương thọ của ta’. Khổng Minh có được thuật Thiên địa tạo hóa, am hiểu Kỳ môn, suốt cuộc đời hô mưa gọi gió, thường phải mặc cả với quỷ thần trong trời đất, cho nên tuổi thọ bị hao tổn rất nhiều, 54 tuổi đã phải xuống gặp Diêm Vương rồi. Nay, lệnh ái phạm vào thần linh trên trời, muốn giải cứu phải dùng đến thuật Kỳ môn, ắt sẽ phải chịu sự trừng phạt của quỷ thần, dương thọ của tôi vì thế cũng bị tổn hao!”

Hoàng Ngũ gia nghe xong vô cùng đau xót, tuyệt vọng, rồi nước mắt chảy ròng ròng: “Tổ Gia giàu lòng từ bi, cứu vớt chúng sinh, xin hãy cứu lấy con gái và con rể tôi.”

Tổ Gia ngẫm nghĩ một hồi rất lâu, sau thở dài một tiếng, nói: “Thôi được, tôi đã đến đây rồi, cũng chẳng bận lòng đến an nguy của mình nữa. Mau lấy hai tấm vải đỏ, hai bát nước trắng, bày hương án, đặt thủ lợn để cúng thật to, cả gà, vịt và cá sống nữa, xung quanh bày rau mùi, đậu phụ, lạc, cơm, trà mỗi thứ một bát, mau chuẩn bị cho đủ đi!”

Hoàng Ngũ gia lật đật đứng dậy, luôn miệng cảm tạ rồi lập tức sai người hầu chuẩn bị mọi thứ như lời Tổ Gia đã dặn.

Sau khi mọi thứ đã đâu vào đấy, Tổ Gia nói với Hoàng Ngũ gia: “Mọi người lui hết cả đi, không được sự cho phép của ta, không ai được vào! Không được làm ồn, không được rỉ tai thì thầm bàn tán báng bổ quỷ thần, cũng không được đi lại lung tung!”

Hoàng Ngũ gia lệnh cho mọi người lui đi hết. Trong căn phòng lớn chỉ còn lại một mình Tổ Gia và một bàn đồ cúng.

Tổ Gia ở trong phòng cao giọng tụng kinh: “Thiên tinh ngô mệnh, ngô mệnh thiên tinh, lục giáp cửu chương, thiên viên địa phương, tứ thời ngũ hành, thanh xích bạch hoàng…” Trong lúc tụng, Tổ Gia lẳng lặng lấy từ trong túi một gói thuốc bột, đổ vào hai bát nước trắng.

LẬP ĐÀN LÀM PHÉP CHE MẮT THIÊN HẠ

Sau một tiếng đồng hồ, Tổ Gia đẩy cửa phòng bước ra trong bộ dạng mệt lử: “Ngũ gia, có thể vào được rồi.”

Hoàng Ngũ gia vội vàng chạy vào: “Tổ Gia, ông không sao đấy chứ?”

Tổ Gia vừa xua tay vừa ho một cách yếu ớt: “Không đáng ngại, không đáng ngại. Mau mang hai bát nước ấy cho chúng uống đi. Mau, mau lên!”

Hoàng Ngũ gia vội vàng sai người bưng hai bát nước trắng cho con gái và con rể.

Tổ Gia nói: “Trong vòng ba ngày, bệnh tình tất sẽ khá lên.”

Hoàng Ngũ gia hết lời cảm tạ ơn Tổ Gia: “Tổ Gia, đại ơn đại đức này tôi phải báo đáp thế nào đây? Người đâu…”

Tổ Gia xua tay: “Hoàng Ngũ gia khách sáo rồi, xin mau cho người đưa tôi về, nguyên khí trong người tôi bị hao tổn quá nhiều, cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng! Những việc khác, sau này hẵng nói!”

Tổ Gia thừa hiểu, nếu ông nhận tiền lúc này, Ngũ gia chắc chắn sẽ cảm thấy không bằng lòng vì chưa thấy hiệu nghiệm. Đợi khi thấy kết quả rồi, ông ta sẽ tự khắc đến tận nhà cảm tạ.

Hai ngày sau, quả thật Hoàng Ngũ gia đến thăm Tổ Gia. Tất nhiên, lúc này ông vẫn đang nằm đắp chăn trên giường, trông bộ dạng rất yếu. Nhị Bá đầu đứng túc trực ngay bên giường, ra vẻ hết lòng săn sóc.

Hoàng Ngũ gia hỏi han thân tình: “Sức khỏe Tổ Gia không còn đáng ngại chứ? Bệnh tình của con gái và con rể tôi đã khá lên trông thấy rồi.”

Tổ Gia cười hiền từ: “Khá lên thì tốt rồi, khá lên thì tốt rồi!”

Ngay sau đó, Hoàng Ngũ gia bảo người hầu nhấc cái hộp tới, nắm tay Tổ Gia nói: “Chút lễ mọn này xin Tổ Gia vui lòng nhận cho. Tổ Gia vì cứu con gái và con rể tôi mà hao tổn sức khỏe và tuổi thọ, đại ơn đại đức này tôi cả đời không dám quên!”

Tổ Gia cười nói: “Ngũ gia quá lời rồi! Đó chẳng qua là việc tôi nên làm, Ngũ gia không cần quá bận lòng.”

Sau khi Hoàng Ngũ gia đi khỏi, Nhị Bá đầu mở cái hộp ra, thấy có năm mươi đồng đại dương, năm thỏi vàng. Nhị Bá đầu mừng rỡ, Tổ Gia cũng mừng rỡ. Tối hôm đó, các Bá đầu trong Đường khẩu đều tập trung trong phủ Tổ Gia, say sưa chè chén.

Tổ Gia xoa đầu Trương Tự Triêm nói trước mặt tất cả mọi người: “Lần này dàn cục êm xuôi, tất cả đều nhờ cả vào người anh em này.”

Thì ra hôm đó, khi Nhị Bá đầu giả bộ chạy đi giúp Hoàng Ngũ gia một tay, nhân lúc người ta không chú ý, liền đổ một thứ gì đó vào trong rượu của tân lang và tân nương. Thứ này không lấy mạng người ta, chỉ kích thích mạnh đến bàng quang, khiến người ta luôn cảm thấy buồn tiểu.

Trò đùa ác này có từ tận thời Yên Triệu. Thời đó, theo tục lệ chòng ghẹo tân lang tân nương vào đêm động phòng, những người trong thôn làng có thể nghĩ ra một cách nào đó để “hành hạ” cô dâu chú rể như: chặn không cho tân lang vào phòng, nằm trên giường tán tỉnh ve vãn tân nương, bò xuống gầm giường nghe trộm… Những trò cũ rích này năm nào cũng như năm nào chẳng thay đổi, khiến người ta cảm thấy nhàm chán, về sau phát hiện ra một cách chọc ghẹo chưa từng có xưa nay.

Trò này cực kỳ tổn hại âm đức, khiến tân nương xấu hổ vô cùng. Cách làm như sau: chỉ cần chuẩn bị một loại thuốc bột, chờ tới lúc tân lang tân nương chuẩn bị vào động phòng thì lén đổ vào chén rượu hoặc chén trà của tân nương, rồi khuyên nhủ tân nương uống, chưa đầy nửa canh giờ sau, tân nương sẽ cảm thấy buồn đi tiểu. Con gái ngày xuất giá theo chồng còn đang xấu hổ thẹn thùng, nếu chưa đến mức không thể nhịn được thì nhất định sẽ không chạy vào nhà xí để khỏi ê mặt. Nhưng một khi đã uống thứ thuốc bột này, cả người sẽ lạnh toát, một khi đã lên cơn, càng nhịn càng mót, thế rồi cô ta phải chạy vào nhà xí liên tục, chẳng phải làm trò cười cho thiên hạ hay sao.

Đây thực ra là một triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính, tức dù đã đào thải hết lượng nước tiểu trong người nhưng vẫn cảm thấy mót tiểu, không thể nhịn được, vừa ngồi xuống đã tè ra quần.

Nguyên liệu để chế ra loại thuốc bột này rất đơn giản, đó chính là thịt cóc. Cóc là loài có độc tính, hơn nữa còn rất mạnh. Đông y thời xưa đã biết rất rõ, bộ phận nào của cóc có thể dùng làm thuốc, bộ phận nào không. Y học hiện đại cũng đã chứng minh, loại độc tố này có thể gây mót tiểu.

Người trong thôn chính vì nghe theo chủ ý của một lão thầy lang giang hồ, cuối tháng đầu sau ngày Đông chí liền lên núi tìm bắt cóc. Họ đào những con cóc cụ ngủ đông dưới mặt đất, sau đó đập chết rồi phơi trên những phiến đá cho khô đét, cuối cùng nghiền thành bột. Lúc chòng ghẹo đôi tân lang tân nương, lén bỏ một chút bột vào ly rượu của tân nương rồi chờ xem cô ta thử thách sức chịu đựng của mình đến mức độ nào.

Về sau, trò chọc ghẹo này chỉ kết thúc khi có một sự việc xảy ra. Một cô dâu uống phải quá nhiều bột cóc, cộng thêm tính tình hay xấu hổ thẹn thùng thái quá, khi mắc tiểu cứ cố nhịn, nhất quyết không chịu vào nhà xí. Khi đám người kia vẫn đang trêu chọc thì một tiếng “bục” vang lên, bàng quang vỡ, cô dâu đột tử ngay trong phòng tân hôn. Chú rể giận dữ, một nhát đao đâm chết người đổ thứ bột đó vào chén. Từ đó, không còn ai dám dùng trò đùa ác ôn này nữa.

Trương Tự Triêm từ nhỏ đã rất say mê với những thứ này. Ngoài những thông tin liên quan đến loài cóc trong sách y học, anh ta còn tìm ra cơ chế gây bệnh của loại chất độc trên mình con cóc, về sau lại dựa vào những phân tích về dược lý của phương Tây tìm ra cách giải độc.

Tổ Gia dàn cục lần này cần dùng đến một loại độc dược có độc tính vừa phải: gây bệnh nhưng không khiến người ta mất mạng, sau này vẫn chữa khỏi mà không gây hại đến sức khỏe. Đường khẩu khi đó ngoài thuốc độc thì chỉ có mê hồn tán. Trương Tự Triêm liền đề xuất cách này với một điều kiện, đó phải là việc làm “thay trời hành đạo”.

Tổ Gia bảo anh ta rằng, tên Hoàng Ngũ gia chính là tên đầu sỏ xã hội đen chính cống, bao nhiêu năm nay luôn bức hiếp dân lành. Khi xảy ra cuộc chính biến “12 tháng 4”5, ông ta sai thủ hạ đóng giả làm công nhân, đánh úp Đội tự vệ vũ trang công nhân, giết hại rất nhiều đồng chí
cách mạng.

Lúc này, Trương Tự Triêm mới đồng ý làm.

Trong buổi họp ăn mừng thành công, Tổ Gia rất hài lòng, hết lời khen ngợi anh ta: “Tự Triêm, lần này con đã lập công rất lớn đấy!”

Trương Tự Triêm chỉ cười gượng gạo: “Con vẫn cảm thấy trong lòng không… không được thoải mái lắm…”

Tổ Gia hiểu rõ, những người vừa mới vào nghề, vẫn còn cái tâm lương thiện, chưa bị tiền bạc kim ngân che kín, chưa xuống tay đủ độ tàn độc.

Tổ Gia nói: “Thay trời hành đạo, chẳng có gì phải cắn rứt lương tâm cả. Một phần số tiền này sẽ được dùng để cứu tế người nghèo. Gần đây, thời tiết khắc nghiệt, hay trái gió trở trời, ngày mai ngươi hãy đích thân đi đến hiệu thuốc, tìm mua ít thảo dược, rồi phát cho những người nghèo khó quanh đây.”

Được lời như cởi tấm lòng, lúc này Trương Tự Triêm mới tươi cười lên được.

Bình luận