Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trăm năm cô đơn

Chương 5

Tác giả: Gabriel Garcia Márquez

Một ngày chủ nhật tháng Ba, Aurêlianô Buênđya và Rêmêđiôt Môscôtê làm lễ thành hôn trước bàn thờ Chúa do cha Nicanô Râyna sai dựng ngay trong phòng khách nhà Buênđya. Đó là cả một thời kỳ rộn rã đến cao độ kéo lài bốn tuần liền trong nhà Môscôtê, là vì cô bé Rêmêđiôt đến nổi dậy thì trước khi từ bỏ những thói quen của tuổi thơ. Đã được mẹ chỉ bảo cho những thay đổi đột biến của tuổi dậy thì, thế mà vào một buổi chiều tháng hai cô bỗng hoảng hốt kêu oang lên chìa cho đám chị em mình đang ngồi thêu xem chiếc líp vấy bẩn một thứ nước nhơn nhớt màu sôcôla. Ngày cưới được ấn định sau đó một tháng. Hầu như người ta không có đủ thời gian để dạy cô bé tự rửa ráy, tự mặc lấy quần áo, tự hiểu lấy những công việc thiết yếu của cuộc sống gia đình. Người ta cho cô đái vào những hòn gạch nung nóng để trị bệnh đái dầm. Vất vả lắm mới thuyết phục nổi để cô hiểu tính bất khả xâm phạm của buồng kín, bởi vì Rêmêđiôt vừa rất hoảng sợ đồng thời lại rất hào hứng trước những lời chỉ dẫn đến mức cô cứ muốn mọi người nói về đêm tân hôn với tất cả tình tiết của nó. Đó là một cố gắng hết sức, song trong ngày được chọn làm ngày cưới, cô bé tỏ ra thạo đời y hệt như bất cứ bà chị nào của mình.

Ông Apôlina Môscôtê khoác tay con gái dẫn đi trên những con đường làng trang hoàng hoa lá, dậy vang tiếng pháo nổ và tiếng hạc mừng vui. Cô bé vẫy tay chào và nhoẻn miệng cười cám ơn những ai từ cửa sổ nhà mình chúc cô may mắn và hạnh phúc.

Aurêlianô, mặc bộ complê dạ màu đen, đi đôi ủng màu cánh dán có dính cựa thúc ngựa, đôi ủng mà ít năm sau này đứng trước đội hành hình chàng vẫn mang, da nhợt nhạt xanh tái và cổ họng như nghẹn lại khi đón cô dâu ngay ở cửa và đưa nàng đến trước bàn thờ Chúa. Cô bé cư xử hết sức tự nhiên, hết sức đúng mực đến độ không để mất sự hài hoà ngay cả khi Aurêlianô, vào lúc đeo nhẫn cho vợ, đã để rơi chiếc nhẫn. Trong không khí ồn ào những tiếng thì thầm bàn tán và trong phút đầu tiên khi các vị khách mời còn bỡ ngỡ, cô dâu vẫn giương cao bàn tay mang chiếc tất để hở ngón và vẫn chìa nguyên ngón đeo nhẫn đợi cho tới khi chú rể lấy chân đi ủng chặn đứng chiếc nhẫn khỏi lăn ra cửa và nhặt lấy nó, mặt đỏ bừng trở về trước bàn thờ. Mẹ và các chị cô khổ sở lo lắng chỉ sợ con bé thất thố, dù chỉ là một cử chỉ nhỏ thôi trong lúc tiến hành lễ cưới, và đến khi buổi lễ kết thúc, chính họ là người đã chạy đến, bất chấp quan khách đông đủ, bế cô lên tặng cho những chiếc hôn nồng nàn. Kể từ ngày đó, cô đã tỏ rõ là người có ý thức phục tùng, ý nhị, điềm tĩnh trước những tình huống mâu thuẫn trong gia đình. Chính cô là người mở đầu tiệc cưới và là người xắn lấy miếng bánh cưới ngon nhất, đặt nó vào cái đĩa có để sẵn chiếc nĩa, mang đến cho Hôsê Accađiô Buênđya. Bị trói vào thân cây dẻ, ngồi khom lưng trên chiếc ghế gỗ trong túp lều lá cọ, ông già to béo, da bệch bạc vì mưa nắng mỉm một nụ cười lơ đãng mang vẻ biết ơn và tay cầm lấy miếng bánh ăn, miệng ngâm nga một bài nhã ca khó hiểu. Người duy nhất không hạnh phúc trong đám cưới linh đình kéo dài tới sáng sớm ngày thứ hai là Rêbêca Buênđya. Ngày vui của cô đã không thành. Theo sự thỏa thuận của Ucsula, hôn lễ của cô cũng sẽ được tổ chức cùng ngày với hôn lễ của Aurêlianô, nhưng ngày thứ sáu Piêtrô Crêspi đã nhận được lá thư báo tin mẹ anh sắp chết. Đám cưới của họ bị đình lại. Sau một giờ nhận thư, Piêtrô Crêspi đi ra tỉnh ngay và trên đường đi anh không gặp mẹ mình, người cũng đang trên đường đến làng Macônđô cho kịp đêm thứ bảy và trong đám cưới của Aurêlianô đã hát một bài hát buồn do chính bà sáng tác với mục đích dành riêng cho đám cưới của con trai mình.

Piêtrô Crêspi trở lại vào lúc nửa đêm ngày chủ nhật để quét dọn mẩu tàn thuốc lá của tiệc vui sau khi anh đã phi như gió làm cho năm chú ngựa phải ngã gục ở dọc đường, cố về cho kịp giờ làm đám cưới của mình. Kẻ viết thư ấy sẽ không bao giờ bị phát giác. Bị Ucsula rày la, Amaranta khóc lóc thảm thiết thề sống thề chết trước bàn thờ Chúa vẫn chưa được những người thợ mộc dọn đi.

Cha xứ Nicanô Râyna – người được đông Apôlina Môscôtê đưa về đây để làm lễ cưới – là một người nhẫn nại trong công việc quá ư tẻ nhạt và nhàm chán của mình. Cha có nước da đến là buồn thảm cứ dán chặt lấy xương, có cái bụng ỏng tròn vo, mang dáng vẻ hiền quá hoả đần của một vị thần già. Cha định sẽ trở về giáo khu của mình ngay sau khi làm xong lễ cưới nhưng cha lấy làm ngạc nhiên trước vẻ thô kệch quá ư quê mùa của dân chúng Macônđô vốn sinh sôi nẩy nở đến là đông đúc, sống mù quáng tuân theo luật tự nhiên, không chịu làm lễ rửa tội cho con cái cũng như không đặt tên thánh cho các ngày lễ.

Vì nghĩ rằng mảnh đất này cần hạt giống của Thượng đế hơn bất kỳ nơi nào, cha bèn quyết định ở lại thêm một tuần lễ nữa để giáo hoá làng này thành một làng của Chúa, để làm lễ cưới cho những đôi trai gái chung sống theo sở thích và làm lễ rửa tội cho những người ốm sắp tắt thở. Nhưng không một ai nghe cha. Họ trả lời đức cha rằng trong nhiều năm ròng họ sống không có sự chăn dắt của cha xứ, rằng họ tự mình giải quyết một cách trực tiếp với Thượng đế những vướng mắc của linh hồn và họ đã hoàn toàn bỏ thói xấu gây tội ác. Mệt mỏi vì phải thuyết giảng ở vùng hoang mạc, cha Nicanô quyết định sẽ xây dựng một nhà thờ lớn nhất thế giới, có những bức tượng to bằng người thực, trên tường khảm những tấm kính nhiều màu. Một nhà thờ lớn như thế sẽ làm cho dân bổn đạo ở tận thành Rôm cũng phải đến để thờ khiến Chúa được hiển vinh ngay tại trung tâm của xứ vô đạo này. Cha đi khắp làng với chiếc đĩa đồng trên tay để quyên góp. Dân chúng cho rất nhiều nhưng cha lại muốn nhiều hơn, bởi vì nhà thờ cần có một quả chuông mà tiếng vang của nó có thể khiến cho xác những người chết đuối phải nổi lên trên mặt nước. Cha cầu xin quá sức đến nỗi khản cả tiếng. Xương hóc cha mỏi dừ như có kiến bò bên trong. Một ngày thứ bảy nọ, vì không xin được gì, ngay cả hoa quả hoặc thức ăn để sẵn ở cửa, cha đâm sợ hãi vì thất vọng. Cha làm vội một bàn thờ Chúa ở ngay giữa quảng trường và ngày chủ nhật, tay rung chuông như trong thời kỳ bệnh mất ngủ hoành hành, cha đi khắp làng để cổ động mọi người tới dự buổi lễ mixa quê mùa. Rất nhiều người vì tò mò đã đến. Một số người khác vì nhớ nhung. Số khác đến dự lễ mixa để khỏi bị Thượng đế coi cái lập trường trung gian của mình như một sự chống đối cá nhân. Vậy là vào lúc tám giờ sáng, có đến một nửa làng đã tụ tập ở quảng trường xem cha xứ Nicanô với giọng khản vì cầu xin, đang tụng kinh Phúc âm. Đến cuối buổi lễ, khi những người dự lễ bắt đầu tản mác ra về, cha giương cao hai tay lên ra hiệu để mọi người chú ý nghe:

– Hãy khoan? Hãy khoan? – cha nói. – Giờ đây chúng ta sẽ xem một bằng chứng không thể tranh cãi được về sức mạnh vô biên của Thượng đế.

Chú bé ban nãy giúp cha cử hành lễ mixa, lúc này mang đến hầu cha một tách sôcôla đặc nghi ngút khói và cha đã uống liền một hơi không nghỉ. Sau đó cha rút chiếc mùi soa dắt trong ống tay áo thụng ra lau mồm, dang rộng hai cánh tay, nhắm nghiền mắt lại. Vậy là cha xứ Nicanô liền tự nâng bổng mình lên cách mặt đất mười hai xăngtimét. Đó là một thủ đoạn dễ chấp nhận.

Trong vài ngày cha đi khắp mọi nhà để nhắc lại thử nghiệm việc tự nâng bổng mình khỏi mặt đất nhờ sức kích thích thần kinh của sôcôla. Trong lúc ấy, chú bé hầu lễ đã quyên được rất nhiều tiền đựng trong túi tải đến mức không đầy một tháng đã tiến hành khởi công việc xây dựng nhà thờ. Không một ai nghi ngờ cội gốc linh thiêng của sự chứng minh ấy, ngoại trừ Hôsê Accađiô Buênđya, người không hề cử động đã quan sát đám đông lộn xộn vây quanh gốc cây dẻ vào một buổi sáng để một lần nữa xem cha tự nâng mình khỏi mặt đất. Hầu như ông chỉ hơi duỗi chân trên ghế và nhún vai khi cha xứ Nicanô bắt đầu tự nâng mình khỏi mặt đất cùng với chiếc ghế cha ngồi.

– Hoc est simplicisimum – Hôsê Accađiô Buênđya nói – hom iste statum quartum materiae invenit(1)

Cha xứ Nicanô giơ tay lên và lập tức bốn chân ghế cùng hạ xuống đứng trên mặt đất.

– Nego – ông nói. – Faclum hoc existentiam Dei probat sinh dubio(2).

Do đó người ta biết rằng thứ ngôn ngữ quỉ ám khó hiểu ấy của Hôsê Accađiô Buênđya là tiếng Latinh. Cha xứ Nicanô liền tranh thủ dịp may mình là người duy nhất có thể giao dịch được với Hôsê Accađiô Buênđya để nhồi nhét đức tin Kitô giáo vào bộ não đã loạn trí của ông. Buổi chiều nào cũng vậy, cha xứ ngồi bên cây dẻ mà lải nhải thuyết giáo bằng tiếng Latinh nhưng Hôsê Accađiô Buênđya khoái chí không thừa nhận những con đường mòn cũ rích cũng như sự thay màu của sôcôla và đòi xem một bức ảnh Thượng đế, coi đó như là một bằng chứng cuối cùng. Thế là cha xứ Nicanô mang đến cho ông những huy hiệu và những bức ảnh và ngay cả tấm phục chế một tấm dạ thêu ảnh thánh Vêrônica, nhưng Hôsê Accađiô không thừa nhận mà coi chúng là đồ thủ công mỹ nghệ không có cơ sở khoa học. Ông rất ương bướng, tới mức cha xứ Nicanô buộc phải từ bỏ ý định biến ông thành một tín đồ đạo Thiên Chúa. Nhưng về phương diện tình cảm giữa người với nhau cha vẫn thường xuyên tới thăm ông. Song lúc ấy, Hôsê Accađiô Buênđya lại là người nắm thế chủ động tấn công và định bẻ gẫy niềm tin của cha cố bằng những suy tính của người duy lí. Có lúc cha xứ Nicanô mang tới gốc cây dẻ một bàn cờ có đủ số quân để mời ông chơi cờ đam(3).

Hôsê Accađiô Buênđya không chơi, bởi chưa bao giờ ông có thể hiểu được ý nghĩa của một cuộc thi đấutrong đó hai đối thủ đã thoả thuận với nhau về những nguyên tắc. Cha xứ Nicanô, người chưa từng thấy ai chơi cờ theo lối ấy, cũng không trở lại đánh cờ đam. Càng ngày cha xứ càng thán phục trí thông minh của Hôsê Accađiô Buênđya. Cha đã hỏi ông làm sao ông lại có thể bị trói chặt vào gốc cây thế.

– Hoc est simplicisimum, – ông trả lời – là vì tôi bị điên rồ mà.

Từ đó trở đi, chăm lo cho đức tin của mình, cha xứ không đến thăm ông nữa, quyết chí khởi công ngay việc xây dựng nhà thờ. Rêbêca cảm thấy hy vọng của mình đang sống lại. Tương lai của cô phụ thuộc vào việc hoàn thành công việc này. Cô nghĩ như vậy là vì kể từ ngày chử nhật nọ cha xứ Nicanô ăn cơm trưa ở nhà này và cả nhà quây quần ngồi quanh bàn ăn nói chuyện về những nghi lễ trang nghiêm và huy hoàng trong các hoạt động tôn giáo khi nhà thờ được xây xong. “Người gặp may nhất ở đây là chị Rêbêca”, Amaranta nói. Và vì thấy Rêbêca không hiểu mình muốn nói gì, cô giải thích với một nụ cười ngây thơ:

– A, chả là vì lễ thành hôn của chị sẽ trùng với ngày khánh thành nhà thờ mà lị.

Rêbêca vội vã chặn trước bất kỳ lời bình phẩm nào về chuyện này. Theo tiến độ xây dựng thì nhà thờ sẽ không thể hoàn thành trước mười năm. Cha Nicanô không đồng ý vì cha cho rằng với sự hảo tâm mới nảy sinh hiện nay của những con chiên trung thành cho phép cha sẽ làm những con tinh lạc quan hơn. Trước thái độ hờn dỗi thầm lặng của Rêbêca, người đã phải bỏ dở bữa ăn, Ucsula tán thành ý nghĩ của Amaranta, và bà đã góp một phần của cải đáng kể để đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng công trình. Cha Nicanô cho rằng với một sự đóng góp nữa như sự đóng góp này, ngôi nhà sẽ được xây xong trước ba năm.

Từ lúc đó trở đi, Rêbêca không thèm nói chuyện với Amaranta mà lòng tự nhủ rằng thái độ khiêu khích của Amaranta không phải là quá ngây thơ như cô tưởng. “Đó là điều ít nghiêm trọng hơn có thể xảy ra”, Amaranta cãi lại Rêbêca trong cuộc đấu khẩu ác liệt đã xảy ra đêm ấy. “Như vậy, trong ba năm tới đây, tôi chưa cần phải giết chị”. Rêbêca chấp nhận lời thách thức ấy.

Khi Piêtrô Crêspi biết được lễ thành hôn của mình lại bị hoãn, anh lâm vào tình trạng thất vọng. Trái lại Rêbêca đã chứng tỏ lòng chung thuỷ của mình. “Chúng mình sẽ trốn đi khi nào anh quyết định xong”, cô nói. Tuy nhiên, Piêtrô Crêspi không phải là người thích mạo hiểm. Anh đã thiếu tính cách sôi nổi của người yêu, lại còn quá câu nệ coi lời hứa như là một kho báu không thể nào phung phí được. Vậy là Rêbêca vận dụng những thủ đoạn mạnh bạo hơn. Một ngọn gió kỳ lạ thổi tắt phụt ngọn đèn trong phòng khách và Ucsula bắt gặp quả tang hai người đang hôn nhau trong bóng tối. Piêtrô Crêspi vụng về giải thích cho bà về sự kém phẩm chất của những cây nến hiện đại thắp nhựa đường và giúp bà đặt ở phòng khách một hệ thống đèn thắp sáng chắc chắn hơn. Nhưng lần khác, đèn lại bị đổ nhầm dầu hoặc bị tụt bấc. Ucsula lại bắt quả tang Rêbêca ngồi trên đùi người yêu. Thế là bà không thèm nghe bất cứ một lời thanh minh nào nữa. Bà giao cho cô gái Anhđiêng trông coi cửa hàng bánh kẹo và chính bà ngồi ở ghế xích đu giám sát các buổi chuyện trò của đôi tình nhân, quyết không chịu thua những thủ đoạn cũ rích mà bà vốn quen hồi còn xuân trẻ.

“Khốn thân mẹ quá!”, Rêbêca nói với tất cả sự hờn giận có pha chút hài hước lúc nhìn Ucsula đang ngáp dài trong không khí căng thẳng của buổi đến chơi. “Khi mẹ chết có lẽ mẹ sẽ ra đi trên chiếc ghế xích đu này mất”. Sau ba tháng sống trong tình yêu bị theo dõi khắt khe, nản lòng trước sự chậm trễ trong công việc xây dựng mà ngày nào anh cũng đến thăm, Piêtrô Crêspi bằng lòng góp cho cha Nicanô số tiền cha cần để hoàn thành việc xây cất nhà thờ. Amaranta vẫn không thối chí. Trong lúc ngồi nói chuyện với đám chị em vẫn thường đến nhà vào các buổi chiều để thêu hoặc đan ở ngoài hành lang, cô cố tìm những mưu mẹo mới. Một thiếu sót đã làm hỏng mất mưu mẹo mà cô cho là có hiệu lực hơn cả. Ấy là việc sẽ lấy trộm những viên băng phiến mà Rêbêca để ở bộ quần áo cô dâu trước khi cất nó vào rương trong phòng ngủ. Amaranta sẽ làm khi nào chỉ còn không đầy hai tháng việc xây cất nhà thờ kết thúc. Nhưng Rêbêca rất nôn nóng trước việc ngày cưới của mình ngày một đến gần cho nên cô muốn chuẩn bị quần áo cô dâu sớm hơn cả dự định của Amaranta. Vào lúc mở chiếc rương, rồi mở tờ giấy gói, sau cùng mở tấm lụa bọc ngoài, cô gặp bộ quần áo cưới sa tanh, một đầu khăn voan, chiếc mũ miện gài hoa cam, tất cả đều bị gián nhấm thành bụi. Mặc dù cô chắc chắn rằng mình đã để vào gói quần áo hai gói băng phiến bọc trong mùi soa, nhưng vì nỗi bất hạnh xem ra hoàn toàn ngẫu nhiên nên cô không dám đổ lỗi cho Amaranta. Chưa đầy một tháng sẽ đến ngày cưới nhưng không sao, vì cô có Amparô Môscôtê nhận may quần áo cô dâu chỉ trong vòng một tuần là xong. Một buổi trưa trời mưa, Amparô khoác áo tơi bước vào nhà để thừ lần cuối bộ quẩn áo cô dâu cho Rêbêca, Amaranta cảm thấy tức tối đến muốn chết được. Cô lạc cả giọng, và một dòng mồ hôi lạnh buốt chảy dọc theo sống lưng cô. Đã nhiều tháng nay cô sống trong phấp phỏng mong đợi cái giờ ấy. Bởi vì nếu không mưu tính thành công một trở ngại quyết định ngõ hầu cản trở đám cưới của Rêbêca, thì chắc chắn rằng, trong phút cuối cùng khi mà tất cả mọi thủ đoạn nghĩ ra được đều thất bại, cô sẽ có đủ dũng cảm để đầu độc Rêbêca. Buổi chiều ấy trong lúc Rêbêca chết ngốt vì nóng do phải mặc chiếc áo sa tanh may thử mà Amparô đang bình tĩnh dùng kim ghim lại cho vừa với cơ thể người mặc, thì Amaranta đã vài lần nhầm lẫn những mũi móc và đâm cả kim vào ngón tay mình. Nhưng với nỗi lạnh lùng đáng sợ cô đã quyết định ngày đầu độc Rêbêca sẽ là ngày thứ sáu gần kề ngày cưới và cách thức đầu độc sẽ là một giọt nha phiến hoà trong cà phê.

Một trở ngại lớn nhất, rất tàn bạo và cũng rất bất ngờ đã ập đến buộc đám cưới phải hoãn một lần nữa và không biết hoãn đến bao giờ. Chỉ còn một tuần nữa thì đến ngày cưới bỗng nhiên vào lúc nửa đêm Rêmêđiôt thức dậy miệng nôn trôn tháo, người ướt sũng những thứ từ trong bụng thải ra còn nóng hôi hổi, và sau ba ngày thì chết vì nhiễm độc bởi chính thứ máu mình và trong bụng mang cái bào thai sinh đôi. Amaranta tự mình dằn vặt lương tâm. Cô đã quá nhiệt tâm cầu xin Thượng đế một cái gì khủng khiếp sẽ xảy ra để mình khỏi phải đầu độc Rêbêca và do đó cô cảm thấy mình có tội trước cái chết của Rêmêđiôt. Đó không phải là cái trở ngại mà cô cầu mong. Rêmêđiôt đã mang về nhà này một luồng gió mới đầy vui vẻ. Cô cùng chồng chuyển ra ở trong phòng ngay cạnh xưởng kim hoàn và cô đã lấy tất cả búp bê và đồ chơi tuổi ấu thơ trang trí phòng ở và sức sống tươi trẻ của cô tràn ra ngoài bốn bức tường để như một luồng gió mát thổi qua hành lang bày những chậu thu hải đường. Ngay từ lúc thức dậy cô đã hát. Cô là người duy nhất trong nhà đã dám can ngăn những cuộc đấu khẩu giữa Rêbêca và Amaranta. Cô đã gánh vác nhiệm vụ săn sóc cụ Hôsê Accađiô Buênđya. Cô mang cơm cho ông bố chồng, tận tình có mặt hầu hạ lúc cụ ỉa đái tắm rửa cho cụ bằng xà phòng và bã cọ, giữ sạch bộ râu, mái tóc khỏi sự hành hạ của chấy rận, bảo vê tất túp lều lá cọ và tu bổ nó vào thời kỳ mưa bão. Ở những tháng cuối cùng của đời mình, cô đã giao tiếp được với cụ qua những câu latinh đơn giản. Khi đứa con trai của Aurêlianô với Pila Tecnêra ra đời, được mang về nhà và được làm lễ đặt tên là Aurêlianô Hôsê, thì Rêmêđiôt quyết định công nhận chú nhóc là đứa con đầu lòng của mình. Tình cảm người mẹ của cô khiến Ucsula rất đỗi ngạc nhiên. Về phần mình, Aurêlianô gặp ở cô lời biện minh tối cần thiết cho cuộc đời mình. Anh làm việc cả ngày trong xưởng và Rêmêđiôt mang đến cho anh một tách cà phê không pha đường vào giữa buổi sáng. Đêm nào cũng vậy, bọn họ đến thăm vợ chồng Môscôtê. Aurêlianô mê mải đánh đôminô với bố vợ trong lúc đó Rêmêđiôt nói chuyện vui với các bà chị và đàm đạo với mẹ về những vấn đề của người lớn. Mối quan hệ chặt chẽ với gia đình Buênđya đã củng cố thêm quyền lực của đông Apôlina Môscôtê ở trong làng. Trong những chuyến lên tỉnh thường xuyên, ngài đã xin được chính phủ cho mở một trường học do Accađiô, người kế thừa được nhiệt tình sư phạm của ông nội, chăm nom. Bằng biện pháp thuyết phục, ngài đã vận động được phần lớn các ngôi nhà trong làng quét vôi màu xanh để đón mừng lễ kí niệm ngày Quốc khánh. Để đáp lại những đề nghị của cha Nicanô, ngài đã quyết định chuyển tiệm ăn của bác Catarinô sang một con đường biệt lập và cho đóng cửa một số tụ điểm rộn rã đã mọc lên ở ngay trung tâm làng. Một lần lên tỉnh về ngài đã dắt theo sáu lính cảnh sát có súng ống. Đó là những người ngài trao cho nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Thế nhưng, không một ai nhắc ngài nhớ lại lời ngài đã hứa với Hôsê Accađiô Buênđya là sẽ không sử dụng cảnh sát vũ trang ở trong làng.

Aurêlianô rất thích thú ông bố vợ tháo vát của mình. “Cậu rồi lại béo phục béo phịch như ông ta thôi”, các bạn anh bảo anh vậy Nhưng sự an nhàn từng làm phính đôi má anh và tập trung ánh sáng trong con mát anh vẫn không tăng thêm trọng lượng thân xác và cũng chẳng làm đảo lộn tính kiêu hãnh của anh mà trái lại nó chỉ tô đậm thêm cái đường hằn trên làn môi anh, dấu hiệu của sự suy nghĩ lao lung và của quyết tâm không gì lay chuyển nổi. Tình cảm vợ chồng anh thật là sâu sắc đã đánh thức tình cảm của gia đình hai bên, đến mức khi Rêmêđiôt báo tin mình sẽ có con thì ngay đến cả Rêbêca và Amaranta cũng phải làm lành với nhau để cùng dệt một tấm lanh xanh nếu như sinh con trai và một tấm lanh hồng nếu như sinh con gái. Cô là người cuối cùng được Accađiô nghĩ tới ít năm sau này khi đứng trước họng súng của đội hành hình.

Ucsula quyết định để tang cô trong một năm. Bà ra lệnh đóng hết các cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập trừ trường hợp không thể đừng được, cấm nói to và tự tay bà treo bức ảnh Rêmêđiôt ở nơi quàn thi hài cô và đặt một ngọn đèn dầu sáng mãi không tắt trước tấm ảnh đó. Những thế hệ con cháu sau này, không bao giờ để cho ngọn đèn dầu bị tàn, đã lúng túng trước tấm ảnh cô bé mặc váy phồng, đi ủng trắng, trên đấu gài một chiếc nơ soa, mà không thể nào đồng nhất được bức ảnh ấy với sự tưởng tượng vốn có của họ về một bà cô. Amaranta nhận nuôi Aurêlianô Hôsê. cô nuôi dạy nó như một đứa con trai. Nó sẽ là người chia sẻ nỗi cô đơn và an ủi cô khỏi nỗi dằn vặt về những lời cầu khẩn cuồng nhiệt của mình đã khiến cho chất nha phiến vô tình rơi vào cà phê của Rêmêđiôt. Tối đến, Piêtrô Crêspi đội chiếc mũ mang vành khăn tang rón rén bước vào nhà để lặng lẽ thăm Rêbêca, một Rêbêca dường như đang chảy hết máu ngay trong bộ quần áo đen với tay áo chùm. kín mu bàn tay. Nguyên việc nghĩ chọn lại ngày cưới đã có thể là trái đạo lắm rồi, vì thế quan hệ yêu đương của hai người trở thành một quan hệ vĩnh hằng, một tình yêu mỏi mệt không một ai muốn lại chăm sóc nó, như thể những người yêu nhau, từng tắt đèn để hôn nhau trong bóng tối đã xa rời nhau theo ý nguyện của thần chết. Mất phương hướng hoàn toàn, mất luôn cả lý trí, Rêbêca ăn đất trở lại.

Việc để tang tiến hành đã được khá nhiều thời gian đến mức gia đình buộc phải tổ chức lại các buổi cầu kinh tại gia. Vào lúc hai giờ chiều một ngày yên tĩnh, oi bức khủng khiếp, bỗng có một người đẩy cánh cửa ăn thông với đường cái và thế là các cánh cửa rền rĩ lên với sức mạnh làm rung chuyển cả nền ngôi nhà trong đó Amaranta cùng các bạn gái đang ngồi thêu ở hành lang, Rêbêca đang mút ngón tay trong phòng ngủ, Ucsula đang bận bịu trong nhà bếp, Aurêlianô đang cặm cụi làm việc trong xưởng kim hoàn và Hôsê Accađiô Buênđya đang cô đơn ngồi dưới gốc cây dẻ, tất cả mọi người đều cảm thấy rùng mình như có động đất. Một người đàn ông lực lưỡng đến nhà. Tấm lưng vuông vức của anh ta dường như không lọt được qua cửa. Trên cổ anh ta đeo một sợi dây chuyền có treo hình Thánh bà Đồng trinh Rêmêđiôt. Ngực và hai cánh tay anh ta săm kín hình ảnh các nghĩa trang. Trên cổ tay anh ta đeo bức tượng đồng Chúa Giêsu bị đóng đinh câu rút. Anh ta có nước da đen sạm bởi phong sương dãi nắng, mái tóc ngắn và bờm xờm như bờm lừa, hàm răng bạnh ra cứng kều, đôi mắt âu sầu. Thắt lưng của anh ta to gấp hai lần dây cương ngựa. Đôi ủng ngắn có cựa thúc ngựa và đóng cá sắt. Và sự có mặt của anh ta đem đến cho tất cả mọi người cái cảm giác rùng mình trước trận động đất. Anh ta bước qua phòng khách, rồi phòng đợi, tay mang những chiếc túi xách đã cũ. Rồi như một tiếng sấm, anh ta xuất hiện ở hành lang đặt những chậu thu hải đường, nơi Amaranta và các bạn gái dang ngồi khâu sửng sốt cứ giương cao bàn tay cầm kim lên.

“Xin chào”, anh ta nói với các cô gái bằng giọng mệt mỏi, rồi ném những túi xách lên bàn làm việc. Sau đó, anh ta rảo cẳng bước vào nhà trong. “Xin chào”, anh ta nói với Rêbêca đang hoảng loạn nhìn mình đi ngang qua cửa sổ phòng ngủ. “Xin chào”, anh ta nói với Aurêlianô ở trong xưởng kim hoàn, đang giỏng cả năm giác quan lên nghe ngóng. Anh ta đi thẳng vào nhà bếp và ở đây lần đầu tiên anh ta đã dừng lại ở điểm kết thúc một chuyến đi vòng quanh thế giới. “Xin chào”, anh ta nói.

Ucsula đứng lặng đi một giây, miệng há hốc, đã nhìn thẳng vào mắt anh ta. Bà ném ra một tiếng kêu rồi nhẩy lên ôm lấy cổ anh ta mà gào mà khóc đầy sung sướng. Đó là Hôsê Accađiô.

Anh trở về vẫn nghèo túng như lúc ra đi đến nỗi Ucsula phải cho anh hai đồng pêsô đẻ trả tiền thuê ngựa. Anh nói tiếng Tây Ban Nha có pha những từ lóng của dân thủy thủ. Người ta hỏi anh ở đâu thì anh trả lời: “Ở đằng ấy”. Anh mắc võng ở trong phòng dành cho mình rồi ngủ ba ngày liền. Khi thức dậy, sau lúc ăn liền mười sáu quả trứng luộc, anh đi thẳng ra tiệm ăn của bác Catarinô. Tại đây, cơ thể đồ sộ của anh đã gây cho đám phụ nữ phải sôi nổi bàn tán đầy vẻ tò mò. Anh tổ chức một cú khao nhạc và rượu mạnh cho tất cả mọi người. Anh thách năm người đàn ông cùng một lúc vật tay với mình. “Chịu thôi”, họ nói vào lúc đểu nhận thấy mình không thể lay chuyển được cánh tay của anh, “Vì anh có tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh câu rút phù trợ”… Bác Catarinô, mà lúc ấy vẫn chưa tin vào nghệ thuật sử dụng sức mạnh của anh, đã thách anh mười hai đồng pêsô nếu nhấc nổi quầy hàng của mình. Hôsê Accađiô nhấc bổng cái quầy hàng, đội nó trên đầu rồi mang ra để ở giữa đường cái. Bác phải cần tới mười một người dàn ông lực lưỡng mới khiêng được nó vào vị trí cũ. Trong không khí sôi nổi vui như hội, Hôsê Accađiô đứng trên quầy hàng trưng cho mọi người xem cơ thể cường tráng của mình không chỗ nào không săm hình nhăng nhít với những dòng chữ viết màu xanh và màu đỏ thuộc vài ngôn ngữ khác nhau. Hướng về những người đàn bà đang vây lấy mình, với lòng tham không đáy, anh hỏi họ xem ai trả thêm nữa. Người đàn bà giàu hơn cả đã cho anh vài chục đồng. Thế là anh tổ chức một cuộc bắt thăm với giá mười pêsô một phiếu. Đó là một cái giá cắt cổ bởi vì người đàn bà đông khách nhất cũng chỉ kiếm được tám đồng pêsô một đêm. Nhưng tất cả các cô đều chấp nhận giá ấy. Người ta viết tên mình trên mười bốn tờ phiếu rồi trộn lẫn, để tất cả chúng vào một chiếc mũ, sau đó mỗi cô nhập một phiếu. Khi chỉ còn lại hai tờ nữa, anh ta tiến lại gần những người đến lượt nhập phiếu.

– Hãy trả thêm mỗi phiếu năm đồng nữa, – Hôsê Accađiô thúc giục, – rồi tôi sẽ chia cho hai cô mà.

Anh sống bằng cách ấy. Đã sáu mươi nhăm lần anh đi vòng quanh trái đất, sống chung với những người thủy thủ vong quốc. Những người đàn bà đêm ấy ngủ với anh trong tiệm bác Catarinô đã đưa anh trần như nhộng ra tận phòng nhẩy để tất cả mọi người xem cái cơ thể không có lấy một milimét không săm: săm đằng trước, săm đằng sau, săm từ cổ cho đến tận ngón chân. Anh ta không hòa nhập được vào cuộc sống gia đình.

Cả ngày thì ngủ, tối đến anh ta thức trắng đêm kiếm ăn bằng trò may rủi, thi thố sức lực ở cái xóm thợ nghèo khổ. Trong những dịp hiếm có, Ucsula mời được anh ngồi vào bàn ăn. Anh tỏ ra là một người dễ mến, nhất là khi kể về những chuyện mạo hiểm của mình ở những đất nước xa xôi. Anh từng bị đắm tàu và đã trôi giạt hàng vài tuần trên biển cả ở Nhật Bản và sống bằng cách ăn xác một người bạn chết vì bệnh cảm nắng mà thịt của anh ta được ướp muối rồi lại được ướp muối, được nấu chín dưới ánh mặt trời đã trở thành một thứ mắm ngấu có vị ngòn ngọt. Một buổi trưa chói chang nắng ở vịnh Bengala, con tàu của anh đã chiến thắng một chú rồng biển mà trong ruột nó người ta thấy nào mũ sắt, khoá thắt lưng và cả vũ khí của một người thám hiểm đại dương. Ở biển Caribê anh từng nhìn thấy bóng ma chiếc tàu của tên ướp biển Victo Huygô với một cánh buồm bị gió thổi rách tả tơi, mui thuyền bị dán biển nhấm thủng lỗ chỗ, mãi mãi nó bị lạc hướng trên đường tới đảo Goađalupê. Ngồi bên bàn, Ucsula thổn thức khóc như thể bà đang đọc những bức thư không bao giờ được gửi cho mình, trong đó Hôsê Accađiô kể cho bà nghe những chiến công cũng như những thất bại của anh. “Ở đây, nhà cửa rộng rãi đến như thế, con ta ạ”, bà nức nở nói: “Và cơm thì thừa mứa phải đổ cho lợn ăn. Mà nào con có ở nhà cho mẹ nhờ…”. Nhưng trong thâm tâm bà không thể nhận rằng cái thằng bé được những người digan mang đi theo giờ đây lại chính là kẻ phàm phu ăn hết một nửa con lợn sữa trong bữa ăn trưa và hơi thở của y nóng hổi làm héo úa hoa lá. Những người khác trong gia đình cũng nghĩ về anh tương tự như thế. Amaranta không thể giấu nổi sự kinh tởm mỗi bận anh ợ hơi ngay trong lúc ngồi ăn. Accađiô, người không bao giờ được biết mối quan hệ cha con giữa mình với Hôsê Accađiô, hầu như không trả lời những câu hồi anh gợi ra với mục đích giành lấy tình yêu mến của con trai. Aurêlianô định làm sống lại những năm tháng trước đây họ cùng ngủ một phòng, định gợi lại những trò ranh ma của tuổi thơ giữa hai người, nhưng Hôsê Accađiô đã quên hết cả, bởi vì cuộc đời trôi giạt của thủy thủ với biết bao sự việc cần nhớ đã làm bão hòa trí nhớ của anh. Chỉ riêng một mình Rêbêca thần phục anh ngay từ lần đầu. Buổi chiều nhìn thấy anh đi ngang qua cửa sổ phòng mình, cô đã nghĩ rằng Piêtrô Crêspi chẳng qua cũng chỉ là một gã béo phúng phính đứng bên cạnh người đàn ông cực kỳ lực lưỡng mà hơi thở nóng như núi lửa của anh tràn ra khắp nhà chỗ nào cũng cảm thấy. Cô kiếm cớ để dện gần anh. Có những lúc Hôsê Accađiô đã trơ tráo nhìn tấm thân cô gái và bảo: “Em rất đàn bà, em thân yêu ạ”. Rêbêca không thể tự chủ được nữa. Cô ăn lại đất và vôi tường nhà với sự thèm khát trước đây và lại thèm thuồng mút ngón tay đến mức ngón cái phải lên chai. Cô nôn ra một thứ nước xanh lẫn những cục máu tím bầm. Cả đêm cô thao thức, người run lên vì cơn sốt hầm hập để vật lộn với cơn bồi hồi nhớ nhung, để chờ đợi cho đến khi trời sáng; cả ngôi nhà rung lên trong bước đi của Hôsê Accađiô trở về.

Một chiều nọ, khi cả nhà đang ngủ trưa, cô không thể nán chịu được nữa đã mò đến phòng ngủ của Hôsê Accađiô. Cô thấy anh thức, mặc quần đùi, nằm dài trên chiếc võng được mắc vào những chiếc vòng sắt to với những sợi chão buộc tàu. Cái cơ thể để trần lực lưỡng của anh khiến cô cảm động lắm đến mức cô tự nhiên dừng lại định quay ra. “Xin lỗi”… cô chống chế, “em không biết có anh ở đây”. Nhưng cô hạ giọng ngay để khỏi đánh thức người khác. “Vào đây nào”, anh nói. Rêbêca ngoan ngoãn nghe lời. Cô đứng ngay cạnh chiếc võng, mà toát mồ hôi lạnh, mà cảm thấy trong bụng mình cứ nổi cục lên, trong lúc Hôsê Accađiô với năm ngón tay mơn trớn cổ tay cô, rồi bẹn, rồi mông và miệng thì thầm: “Ôi, em nhỏ bé. Ôi, em nhỏ bé”. Cô gái phải lấy hết sức bình sinh để khỏi chết khi một sức mạnh cuồng nhiệt như dông bão nhưng lại rất nhẹ nhàng đã cầm lấy thắt lưng bế cô lên, rồi cởi hết áo váy cô và dằn ngửa cô ra như dằn ngửa một con chim bé bỏng. Cô chỉ còn kịp cám ơn Thượng đế đã sinh ra mình, trước khi lương tri bị chìm nghỉm trong mềm khoái lạc đê mê át cả cái đau đớn để giãy giụa ở trong lòng chiếc võng bốc hơi nghi ngút. Cái võng như một tờ giấy thấm đã hút ráo ngay máu trinh của cô chảy ra.

Sau đó ba ngày, họ làm lễ cưới trong buổi lễ mixa lúc năm giờ chiều. Trước đó một hôm, Accađiô đã đến cửa hiệu Piêtrô Crêspi. Anh gặp Piêtrô Crêspi đang dạy đàn lục huyền cho học trò và anh không ý tứ gọi anh ta ra chỗ khác để nói. “Tôi lấy Rêbêca đấy”, anh nói. Piêtrô Crêspi tái xanh mặt, đưa cây đàn lục huyền cho một học trò, rồi cho họ nghỉ học giữa buổi. Khi chỉ còn lại hai người với nhau trong phòng bày đầy nhạc cụ và đồ chơi dây cót, Piêtrô Crêspi nói:

– Rêbêca là em gái anh mà!

– Với tôi điều ấy không quan trọng, – Hôsê Accađiô đáp lại.

Piêtrô Crêspi rút chiếc mùi xoa thơm mùi oải hương lau mồ hôi trán.

– Lấy như vậy là trái với lẽ tạo hoá, anh ta giải thích, – ngoài ra luật pháp cấm ngặt lối hôn nhân ấy.

– Ôi dà, tôi ngồi xổm lên cái lẽ tạo hoá của nhà anh, – Hôsê Accađiô nói. – Tôi đến đây để bảo cho anh biết và để anh khỏi rày rà Rêbêca mà hỏi này hỏi nọ.

Song cách cư xử thô bạo của anh cũng phải mất đi khi anh nhìn thấy Piêtrô Crêspi nước mắt vòng quanh. – Bây giờ thế này nhé, – anh đổi giọng nói, – nếu cậu còn quyến luyến gia đình tôi thì còn Amaranta sẽ phần cậu đấy.

Trong bài thuyết giảng ngày chủ nhật, cha Nicanô dã chứng minh rằng Hôsê Accađiô và Rêbêca không phải là anh em ruột.

Ucsula không bao giờ tha thứ cho cái điều bà cho là vô lễ quá mức và khi họ từ nhà thờ trở về bà đã cấm cửa đôi tân hôn. Đối với bà, giờ đây họ như là những người đã chết. Thế là họ tậu một cái nhà nhỏ ở trước nghĩa địa và họ dọn về nhà mới không mang theo giường tủ gì ngoài chiếc võng của Hôsê Accađiô.

Đêm tân hôn, Rêbêca bị một con bò cạp chui vào giày păngtúp từ lúc nào cắn vào chân. Cô bị cứng lưỡi nhưng không vì thế mà tuần trăng mật của họ kém phần vui vẻ đi. Hàng xóm giật mình trước những tiếng la hét khiến cả xóm phải thức dậy một đêm tới tám lần, một buổi trưa tới ba lần và họ cầu khẩn cho cơn cuồng say quá trớn ấy không làm kinh động những người chết đang yên nghỉ trong cõi thanh tịnh ở ngoài nghĩa địa.

Aurêlianô là người duy nhất lo lắng cho họ. Anh sắm một số đồ dùng và trợ cấp tiền cho họ tới khi Hôsê Accađiô nhìn cuộc đời thực tế hơn và bắt tay khai phá đất đai vô chủ liền kề với sân nhà. Trái lại, Amaranta không bao giờ nguôi thù đối với Rêbêca, mặc dù cuộc đời đã mang đến cho cô niềm vui chưa từng mong đợi. Đó là việc Piêtrô Crêspi, vẻ bình thản, đầy cao thượng che giấu nỗi đau thất tình, vẫn đến ăn cơm trưa với gia đình vào ngày thứ ba hàng tuần theo gợi ý của Ucsula, người vẫn chưa biết làm thế nào để chữa thẹn. Vẫn giữ nguyên dải băng đen trên vành mũ như để biểu hiện sự thân tín đối với gia đình anh thích thú bày tỏ lòng mến phục của mình đối với Ucsula bằng cách mang đến biếu bà những tặng phẩm kỳ lạ: cá sacđin Bồ Đào Nha, mứt hồng Thổ Nhĩ Kỳ, và trong dịp cần thiết, cả một tấm khăn choàng vai Manila quí giá. Amaranta, với tình cảm âu yếm, chiều chuộng anh. Cô mò đoán cái sở thích của anh, tỉ mẩn nhật từng sợi chỉ tuột ở ống tay áo cho anh và để mừng ngày sinh nhật của anh, cô viền và thêu lồng chữ tên hai người trên cả một tá khăn mùi xoa. Những ngày thứ ba, sau bữa cơm trưa, trong lúc Amaranta ngồi ở hành lang, anh luôn ở bên cạnh tán chuyện vui. Có một buổi chiều thứ ba, khi không một ai nghi ngờ chuyện sẽ xảy ra thì đã xảy ra: Piêtrô Crêspi ngỏ lời muốn được cưới cô làm vợ. Cô gái vẫn điềm nhiên thêu. Đợi cho hết nóng tai, với giọng người lớn, cô bảo anh:

– Tuỳ thôi, Crêspi ạ, nhưng hãy để khi nào chúng mình thật hiểu nhau đã. Vội vã thì chẳng tất đâu.

Ucsula đâm ra bối rối. Mặc dù rất nể vì Piêtrô Crêspi bà vẫn chưa khẳng định được rằng nếu từ góc độ đạo đức mà xét, thì sự quyết định của mình là tốt hay xấu, nhất là việc này xảy ra ngay sau quan hệ tình yêu của Piêtrô Crêspi với Rêbêca kéo dài và ồn ĩ. Song, bà đã chấp nhận tình yêu ấy, coi như một sự kiện không cần phải hỏi han ý kiến người khác vì lúc ấy không một ai cùng chia sẻ những lo âu của mình. Aurêlianô, lúc này đã là người đàn ông có thẩm quyền trong gia đình, đã làm cho bà càng hoang mang hơn với ý kiến khẳng định và khó hiểu của anh:

– Bây giờ không phải là lúc bàn đến chuyện hôn nhân.

Mấy tháng sau này, Ucsula mới hiểu được ý kiến đó là câu trả lời duy nhất chân thành mà Aurêlianô đã có thể nói ra trong thời điểm ấy. Nó không chỉ là lời giải đáp đối với việc hôn nhân mà còn đối với bất kỳ vấn đề nào không liên quan đến chiến tranh. Khi đứng trước họng súng của đội hành hình, ngay chính anh cũng không hiểu thật rõ lắm vì sao hàng loạt những chuyện ngẫu nhiên trớ trêu dồn mình đến tình trạng ấy. Cái chết của Rêmêđiôt không dẫn anh tới sự kích động đáng sợ. Đúng ra, nó chẳng qua cũng chỉ là một cảm giác giận dữ thầm lặng dần dần thấm vào nỗi chán chường cô đơn và lặng lẽ, giống như sự chán chường trong những ngày anh quyết chí ở vậy.

Anh lại dấn thân vào công việc nhưng vẫn giữ nếp đến thăm bố vợ để chơi đôminô: “Aurêlianô, hãy lấy vợ đi”, ông bố vợ bảo anh. “Ta có sáu đứa con gái để cho anh kén đấy”. Có một lần, có lẽ sự việc xảy ra trước ngày bầu cử, đông Apôlina Môscôtê từ trên tỉnh về làng đầy lo âu trước tình hình chính trị của đất nước. Những người thuộc phái Tự do đã sẵn sàng lao mình vào cuộc chiến. Vì lúc ấy, Aurêlianô còn có những nhận xét hồ đồ về sự khác biệt giữa những người Bảo hoàng với những người Tự do, ông bố vợ liền giảng giải cho anh những nét đại cương.

Những người Tự do, ông ta nói, là những người Tam điểm, đám người xấu xa, ủng hộ việc treo cổ các cha cố, chủ trương hôn nhân bình quyền và ly hôn, công nhận quyền bình đẳng giữa con hoang và con trong giá thú, tán thành việc phân chia đất nước thành từng bang và các bang này liên kết trong thể chế liên bang nhằm tước bỏ các quyền lực địa phương để tập trung trong chính phủ tối cao. Trái lại những người thuộc phái Bảo hoàng, vốn đã nhận quyền lực trực tiếp của Thượng đế, bảo vệ trật tự công cộng đã được thiết lập và đạo đức gia đình, là những người bảo vệ Chúa Crixtô, bảo vệ cơ sở của quyền lực và không cho phép chia đất nước thành các bang tự do. Do những tình cảm nhân đạo, Aurêlianô có thiện cảm đối với thái độ tự do công nhận các quyền lợi của con hoang, nhưng dẫu sao đi nữa, anh không hiểu nổi vì sao người ta phải đi tới một cuộc chiến tranh vì những sự việc không thể sờ mó được. Anh cảm thấy ông bố vợ mình là người quá khích khi ông ta yêu cầu cấp trên phái sáu người lính dưới sự chỉ huy của một thày quản về Macônđô, một làng không hề có những đam mê chính trị, để bảo vệ cuộc bầu cử. Bọn lính không chỉ về làng, chúng còn đi các nhà, từng nhà một, tịch thu khí giới săn thú, dao rựa và cả dao làm bếp, trước khi phân phát cho những người đàn ông từ hai mươi mốt tuổi trở lên một lá phiếu xanh ghi tên các ứng cử viên thuộc phái Bảo hoàng và một lá phiếu hồng ghi tên các ứng cử viên thuộc phái Tự do. Trước ngày bầu cử, chính đông Apôlina Môscôtê đã đọc một sắc lệnh cấm bán rượu mạnh và các cuộc tụ tập từ ba người trở lên nếu không phải là người cùng nhà trong bốn mươi tám giở đồng hồ kể từ nửa đêm ngày thử bảy. Cuộc bầu cử được tiến hành êm thấm. Ngay từ lúc tám giờ sáng ngày chủ nhật, một thùng gỗ có sáu người linh canh giữ nghiêm ngặt đã được đặt ở quảng trường. Người ta tự do bỏ phiếu đúng như chính Aurêlianô đã có thể thấy tận mắt khi – anh cùng với bố vợ đứng cả ngày canh chừng không để cho bất kỳ một ai có thể bỏ phiếu hơn một lần. Đến bốn giờ chiều, một hồi trống vang lên trên quảng trường báo hiệu ngày bầu cử đã kết thúc, và đông Apôlina Môscôtê cầm chiếc băng chữ thập có mang chữ ký của ngài dán hòm phiếu lại. Đêm ấy, trong lúc chơi đôminô với Aurêlianô, ngài ra lệnh cho thày quản mở hòm ra đếm phiếu. Số phiếu hồng và số phiếu xanh xấp xỉ bằng nhau, nhưng thày quản chỉ để lại mười phiếu hồng và thay phiếu xanh khác vào cho đủ số. Sau đó thày quản lại niêm phong hòm phiếu lại dưới nhãn mới và sáng ngày hôm sau người ta vội vàng mang nó lên tỉnh. “Phái Tự do sễ nổi dậy làm nội chiến”, Aurêlianô nói. Đông Apôlina vẫn không rời mắt khỏi các quân đôminô của mình. “Nếu anh nói vì việc thay đổi lá phiếu, thì họ sẽ không nổi dậy đâu”, ngài nói, “một số lá phiếu hồng vẫn được để lại để họ khỏi kêu ca”. Aurêlianô hiểu được những điều bất lợi của phe đối phương. “Nếu tôi thuộc phái Tự do”, – anh nói, “tôi sẽ nổi dậy chính vì việc thay đổi lá phiếu này”. Bố vợ anh ngước mắt qua gọng kính nhìn anh:.

– Ôi Aurêlianô, – ngài nói, – nếu anh là người thuộc phái Tự do, dù anh có là con rể ta, anh không thể nào được nhìn thấy việc thay đổi lá phiếu ở đây đâu.

Trên thực tế, điều gây nên nỗi bất bình trong dân chúng không phải là kết quả cuộc bầu cử mà là việc bọn lính không trả lại vũ khí. Một nhóm phụ nữ nói chuyện với Aurêlianô để anh xin với bố vợ trả lại những con dao làm bếp. Đông Apôlina Môscôtê, bằng những lời lẽ hết sức thận trọng dã giải thích cho anh rằng bọn lính đã mang theo những vũ khí tịch thu được để làm bằng chứng về việc những người thuộc phái Tự do đang chuẩn bị chiến tranh. Sự trơ trẽn trong lời giải đáp ấy khiến anh kinh người. Anh không bình luận một lời, nhưng vào một đêm nọ, khi Herinênđô Mackêt và Macgơmphicô Visban nói chuyện với một số bạn bè xung quanh chuyện rắc rối về những con dao, họ đã hỏi anh thuộc về phái nào: Tự do hay Bảo hoàng, thì không do dự, anh trả lời:

– Nếu phải lựa chọn giữa hai phái, tôi sẽ đứng về phái Tự do, – anh nói, – bởi vì những người Bảo hoàng là những kẻ bịp bợm.

Ngay ngày hôm sau, thể theo yêu cầu của các bạn mình, anh đã đến thăm bác sĩ Aliriô Nôghêra để ông ta khám bệnh đau gan cho mình. Anh cũng không biết làm như vậy để làm gì. Bác sĩ Alinô Nôghêra đã đến làng Macônđô được mấy năm nay mang theo một tủ thuốc viên không mùi vị và một tấm biển quảng cáo thuốc không thuyết phục được một ai: Dĩ độc trị độc. Thực ra đó là một trò cười. Đằng sau cái vẻ ngoài hiền lành của một thầy thuốc loại xoàng, là bộ mặt của một tên khủng bố đi giày ống đến nửa bẹn để che đi những vết sẹo trên cổ chân, dấu ấn của năm năm ngồi tù. Ngay từ cú mạo hiểm đầu tiên của những người có tư tưởng liên bang y đã bị bắt, y đã trốn đến Curaxao cải trang trong bộ quần áo y vốn thù ghét nhất trần đời: một chiếc áo thụng của cha cố. Sau một thời gian lưu vong dài đằng đẵng, lòng đầy náo nức trước các tin tức do những người lưu vong thuộc khắp vùng Caribê mang đến Curaxao, y lại lẻn lên một chiếc thuyền buôn lậu và sau đó có mặt ở Riôacha mang theo một tủ thuốc viên, thực ra chỉ là những viên đường đã được tinh lọc, và một bằng bác sĩ của trường đại học Lepdich giả mạo do chính y làm ra: Y khóc lóc thảm thiết. Cái nhiệt tình cách mạng của phái liên bang, được chính những người lưu vong định nghĩa là một thứ thuốc nổ sắp bùng nổ, đã nguội tắt dần dẩn trong ảo tưởng tuyển cử viển vông. Cay đắng trước thất bại ấy, thèm khát một địa điểm an toàn để di dưỡng tuổi già viên bác sĩ dĩ bệnh liệu bệnh đã chạy trốn đến làng Macônđô. Trong căn phòng chật hẹp xếp đầy chai không, những chiếc chai được thuê ở bên kia quảng trường, y đã sống vài năm trong căn bệnh không phương chữa chạy từng xác nhận rằng mình có thể tự an ỉn với những viên đường. Cái tâm trạng nổi loạn của y đã lắng đọng lại trong lúc đông Apôlina Môscôtê ngày một trở thành một nhà chức trách bù nhìn hơn. Thời gian cứ trôi đi và y cứ sống trong hồi tưởng và lo điều trị bệnh hen xuyễn. Cuộc tuyển cử sắp đến là đầu mối để y lại tìm được biện pháp hành động nổi loạn. Y đã có quan hệ mật thiết với đám thanh niên trong làng vốn là đám người rất kém cỏi về ý thức chính trị, và lăn xả vào việc bí mật vận động nổi loạn. Số đông phiếu hồng xuất hiện trong hòm phiếu là của đám thanh niên nhiệt tình Đó là một phần trong kế hoạch của y: buộc đồ đệ của mình bỏ phiếu để chứng tỏ cho họ thấy rằng tuyển cử là một trò hề. “Cái điều duy nhất có hiệu lực”, y nói, “là bạo lực”. Phần lớn cái bạn của Aurêlianô lòng dạ phơi phới với ý nghĩ quét sạch cái thể chế của bọn Bảo hoàng, nhưng không một ai dám cho anh tham gia kế hoạch, không chỉ vì những mối quan hệ của anh với bố vợ mà còn vì tính cách cô đơn và phớt đời của anh. Ngoài ra họ còn được biết anh đã bỏ phiếu xanh theo sự chỉ dẫn của bố vợ. Vậy nó chỉ là một ngẫu nhiên đơn thuần bộc lộ những suy tư chính trị của anh, và nó là một sự thức đẩy hoàn toàn có tính cách tò mò đưa anh tới ý nghĩ viển vông đi thăm viên bác sĩ để ông ta điều trị cho mình cái bệnh vốn không đau. Trong căn phòng chật chội nồng nặc mùi long não rẻ tiền, có một người giống y hệt một con kỳ đà mốc meo đang khò khè thở. Chưa kịp hỏi anh điều gì, viên bác sĩ kéo anh ra cửa sổ vạch mi mắt dưới quan sát. “Không phải ở đấy đâu”, Aurêlianô nói theo lời chỉ dẫn của các bạn mình. Lấy ngón tay ấn vào bụng ở chỗ buồng gan, anh nói: “Đây là nơi tôi đau không thể ngủ được”. Thế là viên bác sĩ Nôghêra đóng kín của sổ lại với cớ chói nắng quá và bằng từ ngữ mộc mạc ông ta giải thích cho anh vì sao việc tiêu diệt bọn Bảo hoàng là nghĩa vụ của người yêu nước. Trong vài ngày liền, Aurêlianô mang trong túi áo sơmi một tuýp thuốc. Cứ hai giờ một lần, anh lại móc tuýp thuốc ra, dốc ba viên thuốc ra lòng bàn tay rồi vỗ tất cả vào mồm để chúng tan dần dần trên lưỡi. Đông Apôlina Môscôtê chế giễu lòng tin của anh ở phương pháp dĩ bệnh liệu bệnh, nhưng những ai đang âm mưu nổi loạn thì đều nhận ra anh là người của họ. Hầu như gần hết con trai của các bậc sáng nghiệp Macônđô đều ở trong tổ chức bí mật nhưng không một ai biết tường tận hành động do chính họ đang chuẩn bị sẽ xảy ra như thế nào. Tuy nhiên, trong ngày viên bác sĩ tiết lộ bí mật cho Aurêlianô biết, anh đã tình nguyện tham gia cuộc nổi dậy. Mặc dù lúc ấy anh tán thành phải nhanh chóng tiêu diệt chế độ Bảo hoàng song kế hoạch hành động của ông ta lại khiến anh kinh tởm. Bác sĩ Nôghêra là một kẻ rất thích khủng bố cá nhân. Cái cơ chế hành động của ông ta được thu lại trong việc phối hợp hàng loạt hành động cá nhân để rồi trong một vụ bạo động lớn có tầm toàn quốc sẽ tiêu diệt các quan chức của chế độ Bảo hoàng cùng với toàn bộ gia quyến họ, nhất là các con cái, nhằm triệt tận gốc cái nòi Bảo hoàng. Dĩ nhiên đông Apôlina Môscôtê, bà vợ, các cô con gái đều ở trong danh sách khủng bố.

– Ngài chẳng phải là nhà Tự do cũng chẳng phải là cái đếch gì – Aurêlianô thản nhiên nói, – ngài là một tên sát nhân, không hơn không kém.

– Vậy thì, trong trường hợp này, – viên bác sĩ cũng thản nhiên nói, – anh hãy trả lại tôi cái tuýp thuốc. Anh không cần đến nó nữa.

Sáu tháng sau, Aurêlianô mới biết rằng viên bác sĩ không tin anh là một người hành động, không hy vọng gì ở anh, một con người tình cảm chủ nghĩa, quá ư hiền lành và cô đơn. Họ tìm cách giám sát anh vì sợ anh tiết lộ kế hoạch nổi loạn. Để họ yên lòng, Aurêlianô hứa sẽ không mở miệng. Nhưng cái đêm bọn họ tới để hạ sát gia đình Môscôtê, đã gặp anh đứng bảo vệ ngay ở cửa vào. Anh thể hiện thái độ dứt khoát đến mức kế hoạch hạ sát phải hoãn không biết đến bao giờ. Chính trong những ngày này, Ucsula đã hỏi ý kiến anh về hôn nhân của Piêtrô Crêspi và Amaranta và anh đã trả lời bây giờ không phải là lúc nghĩ đến việc đó. Từ hơn một tuần nay, lúc nào anh cũng giấu khẩu súng lục cổ lỗ dưới áo sơmi, lúc nào cũng cảnh giác đối với các bạn mình. Buổi chiều anh đến uống cà phê với Hôsê Accađiô và Rêbêca, lúc này vợ chồng họ bắt đầu trang hoàng nhà cửa, rồi từ lúc bảy giờ tối anh ngồi chơi đôminô với bố vợ.

Vào giờ ăn trưa, anh nói chuyện với Accađiô, lúc này đã là một thanh niên cường tráng, và nhận thấy chàng trai ngày một bộc lộ rõ nhiệt tình háo hức chờ đón cuộc nội chiến sắp xảy ra đến nơi. Accađiô đã nhen nhóm lòng nhiệt tình hâm mộ tư tưởng tự do trong trường họe, là nơi anh đã tập trung không chỉ những học trò lớn tuổi mà còn cả trẻ nhỏ hầu như chưa biết nói. Chàng trẻ tuổi nói về việc bắn chết cha Nicanô, về việc biến nhà thờ thành trường học, về việc công nhận tự do luyến ái. Aurêlianô lo lắng trước những tư tưởng bạo lực của cháu trai. Anh khuyên cậu cần phải thận trọng và kín đáo. Làm ngơ trước những lý lẽ chín chắn của anh, trước ý nghĩ thực tế của anh, Accađiô công khai phê phán tính nhu nhược của ông chú mình. Aurêlianô chờ đợi chờ đợi. Cuối cùng, vào đầu tháng Chạp, Ucsula bỗng hoảng hốt bước vào xưởng kim hoàn:

– Nội chiến đã bùng nổ!

Quả nhiên nội chiến đã nổ ra được ba tháng. Luật giới nghiêm được thi hành trong toàn quốc. Đông Apôlina Môscôtê là người duy nhất kịp thời biết tin chiến sự đã nổ ra nhưng ngài không để lộ ngay cả với vợ mình, trong khi đó một trung đội lính đã ập tới chiếm làng đóng đồn. Bọn lính lặng lẽ tiến vào làng trước lúc trời rạng sáng, mang theo hai cỗ pháo hạng nhẹ do lừa kéo, và lập đồn ngay tại trường học. Ngay từ sáu giờ chiều chúng đã thổi kèn giới nghiêm. Lần này chúng lục soát nhà từng nhà một khủng khiếp hơn lần trước, tịch thu cả từ cái liềm trở đi. Chúng lôi bác sĩ Nôghêra đi, trói vào một gốc cây rồi bắn không cần xét xử. Cha Nicanô muốn làm cho các nhà cầm quyền quân sự phải rùng rợn trước phép thần bí tự nâng mình lên khỏi mặt đất, nhưng một tên lính đã lấy báng súng nện bốp một cái làm chảy máu đầu cha. Niềm phấn khích của những người Tự do bị dập tắt trong mối lo âu thầm lặng. Aurêlianô, da tái đi lầm lỳ khó hiểu vẫn tiếp tục chơi đôminô với bố vợ. Anh hiểu rằng mặc dù mang danh là nhà lãnh đạo các vấn đề dân sự và quân sự trong làng, một lần nữa đông Apôlina Môscôtê vẫn chỉ là một quan chức bù nhìn. Mọi vấn đề trong làng đều do một đại uý quân đội quyết định. Các buổi sáng, viên đại uý này vẫn đích thân thu thuế ngoại ngạch để chi tiêu cho công việc giữ gìn an ninh chung. Bốn tên lính dưới sự chỉ huy của hắn ta đã cướp phá gia đình một người đàn bà bị chó dại cắn, và đã dùng báng súng đánh chết bà ta ngay giữa đường cái. Sau khi bọn lính chiếm đóng làng được hai tuần, một chủ nhật nọ, Aurêlianô bước vào nhà Hêrinênđô Mackêt, với vẻ đờ đẫn thường có, anh xin một tách cà phê không pha đường. Khi chỉ còn lại hai người với nhau, khác hẳn với mọi ngày thường, Aurêlianô lên giọng quyền thế nói: “Hãy chuẩn bị các chàng trai đi chúng ta sẽ ra quân”. Hêrinênđô Mackêt vẫn chưa tin, hỏi:

– Lấy đâu ra vũ khí?

– Lấy của chúng, – Aurêlianô trả lời.

Vào lúc nửa đêm ngày thứ ba, trong một trận đánh trộn trấu, hăm mốt người đàn ông chưa đầy ba mươi tuổi dưới sự chỉ huy của Aurêlianô, tất cả đều được vũ trang bằng dao ăn và các thanh sắt mũi nhọn, đã bất thình lình đánh úp bọn lính gác, chiếm vũ khí và bắn chết ngay ở ngoài sân viên đại uý cùng bốn tên lính đã giết người đàn bà vô tội nọ.

Đêm ấy, trong lúc vang lên lệnh tước vũ khí của đội hành hình, Accađiô được phong làm quan thống lĩnh các vấn đề quân sự và dân sự của làng. Những nghĩa quân có vợ hầu như không kịp chào từ biệt vợ mình đã ra đi để mặc các bà tự xoay xở lấy.

Họ ra đi vào lúc rạng sáng được cả làng, đã thoát khỏi nỗi kinh hoàng, reo hò tiễn biệt để gia nhập các lực lượng vũ trang của tướng Vichtôriô Mêđina, một nhà cách mạng. Theo những tin tức mới nhận được, ông đang hoạt động ở phía Manaurê. Trước lúc ra đi, Aurêlianô đã thả đông Apôlina Môscôtê ra khỏi cũi sắt.

“Xin bố cứ ở yên cho”, anh nói với bố vợ, “chính quyền mới, với lời nói danh dự, sẽ bảo đảm an toàn tính mạng cho bố và toàn gia đình”. Đông Apôlina Môscôtê khó khăn lắm mới nhận mặt được nhà khởi nghĩa đi ủng cao cổ, đeo súng ngang hông là người vẫn chơi đôminô với ông tới chín giờ đêm.

– Đây là một trò đùa phải không Aurêlianô? – ngài reo lên hỏi.

– Không đùa đâu, – Aurêlianô nói, – đó là chiến tranh thật sự. Xin bố đừng gọi Aurêlianô cộc lốc nữa, vì tôi đã là đại tá Aurêlianô Buênđya rồi.

Chú thích:

(1) Tiếng latinh, nghĩa: Điều đó thật là đơn giản. Con người là con vật bốn chân tạo ra vật chất.

(2) Tiếng latinh, nghĩa: Tôi phản đối. Sự hiện tồn của Thường đế có hay không còn phải được chứng minh đã.

(3) Cờ vua

Bình luận