Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trăm năm cô đơn

Chương 7

Tác giả: Gabriel Garcia Márquez

Chiến tranh kết thúc vào tháng năm. Hai tuần trước khi chính phủ ra thông cáo chính thức và trong một lời tuyên bố huênh hoang, họ đã hứa, sẽ trừng trị không thương tiếc đối với những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa. Chính lúc ấy đại tá Aurêlianô Buênđya bị bắt làm tù binh ngay trong lúc chàng đóng giả thày mo Anhđiêng sắp vượt qua được biên giới phía tây đất nước. Trong số hai mươi mốt người theo chàng trong chiến tranh có mười bốn người chết trận, sáu người bị thương và chỉ còn lại độc một người ở bên chàng trong thất bại cuối cùng. Người đó là đại tá Hêrinênđô Mackêt. Qua một sắc lệnh đặc biệt, tin chàng bị bắt được công bố ở làng Macônđô.

“Nó còn sống… – Ucsula báo tin cho chồng mình. “Chúng ta cầu mong rằng kẻ thù của nó có lòng độ lượng”. Sau ba ngày khóc lóc một buổi chiều nọ đang khuấy nồi kẹo sữa trên bếp lửa, bà nghe rõ mồn một tiếng con trai mình ngay ở bên tai. “Đó là thằng Aurêlianô”, bà gào toáng lên trong lúc chạy ra gốc cây đẻ để báo tin cho chồng: “Tôi không biết điềm báo như thế nào nhưng nó sống và chúng ta được thấy nó ngay thôi mà”. Bà cho điềm báo ấy là sự thật. Bà sai lau sàn nhà và xếp đặt lại giường tủ bàn ghế. Một tuần sau, một nguồn tin không xuất xứ, không dựa vào sắc lệnh, đã đau lòng khẳng định điềm báo ấy. Đại tá Aurêlianô Buênđya bị kết án tử hình, và bản án sẽ được thi hành ở làng Macônđô để uy hiếp dân chúng. Vào lúc bảy giờ hai mươi phút sáng một ngày thứ hai nọ, Amaranta đang mặc quần áo cho Aurêlianô Hôsê thì nghe từ xa vẳng đến tiếng ồn ào và một hồi kèn cornêt lanh lảnh rợn người, và sau đó một phút Ucsula đẩy cửa phòng bước vào. “Người ta giải nó về” bà bảo thế. Quân lính cứ phải vất vả dùng báng súng nện vào đám đông lộn xộn. Ucsula và Amaranta chạy tới đầu phố, rẽ đám đông và thế là nhìn thấy Aurêlianô Buênđya. Chàng giống như một gã ăn mày: quần áo rách tả tơi, râu tóc rối bù, đi chân đất, hai tay bị trói giật cánh khuỷu với chiếc thừng cột vào đầu yên con ngựa do viên sĩ quan đang cưỡi. Cùng với chàng, bọn lính còn giải theo đại tá Hêrinênđô Mackêt, cũng lôi thôi rách rưới và thảm hại như chàng. Hai người không hề buồn. Nom họ dường như đang hồi hộp trước công chúng gào thét chửi bới đám lính đồi bại nhất hạng.

– Ối con ơi! – trong khung cảnh ồn ào tiếng gào thét, Ucsula gọi con mình và bà tát vào mặt tên lính định ngăn mình lại.

Con ngựa của viên sĩ quan nhẩy cẫng lên. Lúc này, đại tá Aurêlianô Buênđya mới dừng chân, run rẩy và tránh hai cánh tay mẹ dang ra định ôm mình và dõi vào mắt bà một cái nhìn nghiêm khắc:

– Xin mẹ hãy về nhà đi, – chàng nói. – Mẹ hãy xin phép nhà chức trách mà đến thăm con ở trại giam.

Chàng nhìn Amaranta đang đứng cách chàng hai bước chân ở sau lưng Ucsula, mỉm cười với cô, hỏi: “Tay em làm sao thế kia”. Amaranta giơ bàn tay cuốn băng đen lên. “Bị bỏng”, cô trả lời và kéo Ucsula về phía sau để khỏi bị ngựa giẫm phải. Bọn lính bắn súng chỉ thiên. Đội quân canh gác đặc nhiệm vây lấy hai tù nhân và phi ngựa kéo họ về trại lính.

Buổi chiều ngày hôm ấy, Ucsula đến trại giam thăm đại tá Aurêlianô Buênđya. Bà đã định thông qua đông Apôlina Môscôtê để xin phép vào thăm nhưng ngài đã bị những quân nhân độc tài tướt hết quyền lực. Cha xứ Nicanô đang bị cơn sốt đau gan đánh gục. Cha mẹ của đại tá Hênnêncô Mackêt, người không bị kết án tử hình, cố tình đến thăm con trai nhưng họ đã bị bọn lính lấy báng súng nện cho rồi đuổi đi. Trước nỗi vô vọng tìm kiếm những người trung gian giúp mình, hơn nữa lại tự nhủ lòng rằng đằng nào con trai mình cũng sẽ bị bắn vào sáng sớm hôm sau, cho nên Ucsula gói một gói đồ dùng định mang cho chàng, rồi một mình bà đi thẳng đến trại lính.

– Tôi là mẹ của đại tá Aurêlianô Buênđya, – bà tự giới thiệu.

Bọn lính gác chặn bà lại. “Muốn thế nào thì thế, tôi cứ vào”, Ucsula bảo bọn chúng. “Nếu như các người được lệnh bắn, hãy bắt đầu cùng một thể đi”. Bà ẩy một tên lính sang bên, bước vào lớp học cũ nơi một tốp lính để trần đang hì hục lau súng. Một viên sĩ quan mặc quân phục dã chiến, da hồng hào đeo một đôi kính mắt dày như đít chai, cử chỉ khoan thai, đã ra lệnh cho bọn lính gác rút đi.

– Tôi là mẹ của đại tá Aurêlianô Buênđya, – Ucsula nhắc lại.

– Bà muốn nói rằng, – viên sĩ quan, với nụ cười đáng yêu sửa lại bà, – bà là bà mẹ đẻ ra ngài Aurêlianô Buênđya.

Trong cách nói nhỏ nhẹ của viên sĩ quan, Ucsula nhận ra ngữ điệu mềm mại của dân vùng cao nguyên, những người đỏm đáng.

– Thưa ngài, đúng như ngài nói. – Bà thành thực thú nhận. – Ngài sẵn lòng cho tôi vào thăm nó chứ.

Đã có lệnh cấp trên không cho phép bất kỳ một ai đến thăm các tù nhân bị án tử hình. Nhưng viên sĩ quan này đã dám chịu trách nhiệm về việc cho bà vào thăm con trai trong vòng mười lăm phút. Ucsula giở cho viên sĩ quan xem các thứ bà đựng trong gói: một bộ quần áo sạch để thay, đôi ủng con trai bà đi trong ngày làm lễ cưới, và kẹo sữa được để đành ngay từ cái hôm bà nhận điềm báo. Bà gặp đại tá Aurêlianô Buênđya trong phòng giam, nằm dài trên chiếc giường một, dang rộng hai cánh tay vì nách chàng sưng vù lên. Người ta đã cho phép chàng cạo râu. Bộ ria rậm vểnh lên xoăn lại càng tô đậm hơn đôi gò má cao của chàng. Dường như Ucsula thấy rằng con trai mình da xanh hơn lúc ra đi, cao hơn và cô đơn hơn bao giờ hết. Chàng đã biết tường tận mọi chuyện xảy ra ở nhà mình: Piêtrô Crêspi tự tử, Accađiô hống hách và bị hành hình, Hôsê Accađiô Buênđya ngày một yếu đi dưới bóng cây dẻ. Chàng biết rằng Amaranta đã quyết định suốt đời ở vậy để nuôi dạy Aurêlianô Hôsê và biết rằng đứa bé này rất ngoan, hơn nữa lại thông minh, học đọc và viết vào ngay lúc nó học nói. Kể từ lúc bước vào phòng giam, Ucsula cảm thấy mình bị khống chế bởi sự trưởng thành của con trai, bởi vẻ làm chủ của nó, bởi ánh hào quang quyền thế toả sáng trên làn da nó. Bà ngạc nhiên thấy chàng rõ mọi chuyện. “Mẹ đã biết rồi đấy, con đoán rất tài mà”, chàng nói đùa. Rồi với vẻ nghiêm trang chàng nói thêm: “Sáng nay, khi họ giải con đi, con có cảm giác tất cả mọi chuyện này đã xảy ra”.

Quả có thế, trong lúc dân chúng gào thét giận dữ bên mình, chàng đã tập trung suy nghĩ và ngạc nhiên trước vẻ già cỗi của làng trong vòng một năm qua. Những cây hạnh đào xoè những tàu lá rách mướp. Các ngôi nhà, đã quét vôi xanh, rồi quét vôi đỏ sau đó lại quét vôi xanh, bắt đầu mang một màu sắc khó gọi được tên.

– Con đang đợi gì nào? – Ucsula thở dài. – Thời gian đang trôi đi.

– Đúng thế, – Aurêlianô thừa nhận, – nhưng không nhiều đâu mẹ ạ.

Dưới hình thức này, chuyến thăm viếng từng chờ đợi khá lâu, từng được cả hai chuẩn bị những câu hỏi và dự kiến cả những câu trả lời, lại một lần nữa trở thành cuộc nói chuyện thường ngày. Khi người lính gác báo buổi nói chuyện đã hết giờ được phép, Aurêlianô lật chiếu lấy ra một cuốn giấy nhờn mồ hôi. Đó là những vần thơ của chàng. Một số là những bài thơ chàng viết lúc yêu Rêmêđiôt và đã mang theo khi ra đi và một số là những bài thơ chàng viết trong những lúc nghỉ ngơi sau trận đánh lòng đầy hoang mang. “Mẹ hãy hứa với con là không để cho ai đọc chúng đi”, chàng nói, “ngay đêm nay mẹ hãy đốt chúng trong lò nướng bánh nhé”. Ucsula hứa với chàng, rồi bà sửa soạn hôn tạm biệt chàng.

– Mẹ mang cho con một khẩu súng lục đấy, – bà nói thầm.

Đại tá Aurêlianô Buênđya ngó quanh thấy tên lính gác không ở đấy. “Chẳng ích gì cho con đâu mẹ ạ”, chàng nói khẽ. “Thôi được, mẹ cứ để lại đấy, kẻo chúng lại khám mẹ lúc đi ra”.

Ucsula rút từ trong yếm ngực ra một khẩu súng lục và chàng giấu nó dưới chiếu. “Bây giờ thì không cần phải tiễn biệt”, chàng bình thản nói. “Mẹ chẳng cần phải van xin ai và cũng chẳng cần phải hạ mình trước ai. Mẹ cứ coi như là chúng đã bắn chết con từ lâu rồi”. Ucsula bậm môi lại để khỏi bật ra tiếng khóc.

– Con hãy chườm gạch nóng vào những vết tấy sưng trong nách đi, – bà nói.

Bà quay nửa vòng rồi ra khỏi xà lim. Đại tá Aurêlianô Buênđya đứng yên vẻ suy tư cho đến khi cửa đóng lại. Sau đó chàng nằm xuống giường dang rộng hai cánh tay: Ngay từ lúc bước vào tuổi thiếu niên, khi bắt đầu nhận thức được những điềm báo của mình, chàng đã nghĩ rằng cái chết phải được báo trước trong một dấu hiệu dứt khoát, không thể nhầm lẫn, và cũng không thể thay đổi được nhưng chẳng còn mấy giờ nữa chàng sẽ phải chết mà chưa có một dấu hiệu nào đến với mình.

Một lần nọ có một người đàn bà đẹp lộng lẫy bước vào doanh trại Tucurinca, xin phép những người lính gác cho phép mình vào thăm chàng. Bọn họ để cho cô gái đi vào bởi họ đã quen thói cuồng tín của một số bà mẹ vẫn thường cho con gái mình đến phòng ngủ của các chiến binh nổi tiếng nhất, theo đúng như lời những người này nói ra, để cải tạo nòi giống. Đêm ấy đại tá Aurêlianô Buênđya vừa làm xong bài thơ nói về người đàn ông lạc lối trong mưa thì cũng là lúc cô gái bước vào phòng. Chàng quay lưng lại phía cô ta để đặt tờ giấy ấy vào ngăn kéo có khoá, là nơi chàng vẫn cất giữ các bài thơ của mình. Thế là chàng cảm thấy thần chết. Chàng vớ lấy khẩu súng trong ngăn kéo mà không hề quay mặt lại.

– Làm ơn, chớ có mà bắn! – Chàng nói.

Khi chàng quay lại, với bàn tay lăm lăm khẩu súng sắp nhả đạn, thì cô gái đã hạ súng xuống, luống cuống không biết làm gì. Bằng cách này chàng đã thoát được bốn trong số mười một trận phục kích. Trái lại có một kẻ không bao giờ lùng bắt được đã đột nhập vào doanh trại quân cách mạng đâm chết đại tá Măcgơriphicô Visban, người bạn chí cốt của chàng, lúc đó đang nằm run trên giường đợi ra mồ hôi hạ cơn sốt. Chỉ cách mấy mét thôi, trong lúc ngủ trên chiếc võng mắc cùng phòng, chàng không hay biết gì. Những cố gắng của chàng nhằm hệ thống hoá lại các điềm báo đều trở nên vô ích. Bỗng nhiên, những điềm báo cùng hiển hiện một lúc trong ánh chớp rực sáng trì thông minh siêu việt, nhưng không thể nắm bắt được vì chúng giống như một niềm tin tuyệt đối nhưng thoáng qua. Có những lúc chúng rất hiển nhiên đến mức khi chúng đã ứng nghiệm rồi chàng mới coi là những điềm báo. Một vài lần khác chúng hiện ra rõ ràng nhưng lại không được ứng nghiệm. Thường thì chúng chỉ là những cú đấm bất chợt, thô thiển của sự mê tín. Nhưng khi người ta tuyên án tử hình và khi người ta yêu cầu chàng bày tỏ những nguyện vọng cuối cùng của mình thì chàng không gặp một trở ngại nhỏ nào để khẳng định điềm báo mà chàng nhận ra trong câu trả lời của mình:

– Tôi yêu cầu bản án được thi hành ở Macônđô, – chàng nói.

Viên chánh án khó chịu.

– Buênđya, anh chớ mong thoát chết, – ngài nói với chàng, – đó chẳng qua là một thủ đoạn kéo dài thời gian thôi.

– Hình như các ngài không muốn thi hành bản án này ở Macônđô, – ngài đại tá nói – nhưng đó là nguyện vọng cuối cùng của tôi.

Kể từ đó chàng không nhận được điềm báo nữa. Hôm Ucsula đến thăm chàng trong nhà tù, sau khi suy nghĩ lao lung, chàng đã đi đến kết luận: có thể lần này cái chết sẽ không được báo trước vì nó không phụ thuộc vào số phận mà phụ thuộc vào ý nguyện của những tên đao phủ. Đêm ấy chàng thức trắng vật vã với hai nách tấy mủ đau nhức nhối. Nhưng trước lúc trời rạng sáng, chàng nghe rõ những bước chân ngoài hành lang.

“Chúng đến”, chàng nói với chính mình và bỗng nhiên chàng nghĩ tới Hôsê Accađiô Buênđya, người lúc đó trong buổi sáng sớm buồn thảm ngồi dưới gốc cây dẻ cũng đang nghĩ tới chàng.

Không cảm thấy sợ, cũng không thấy nhớ nhung, chàng chỉ cảm thấy điên ruột rằng cải chết nhân tạo này đã không để cho mình tận mắt nhìn thấy kết quả cuối cùng của biết bao công việc còn bỏ dở. Cánh cửa mở, một tên lính gác bước vào phòng mang cho chàng một tách cà phê. Ngày hôm sau vào đúng giờ này, chàng vẫn sống trong cảm giác ấy, cáu tiết vì hai nách đau, và mọi chuyện lại xảy ra đúng như thế. Ngày thứ năm, chàng cũng chia sẻ niềm vui ăn kẹo sữa với những tên lính gác, chàng mặc bộ quần áo sạch hơi chật so với người chàng, và đi đôi ủng màu vécni. Ngày thứ sáu bọn họ vẫn chưa bắn chàng.

Thực ra bọn họ không dám thi hành bản án. Lòng bất phục tùng của dân chúng đã buộc các nhà chức trách quân sự phải nghĩ rằng việc bắn đại tá Aurêlianô Buênđya sẽ gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng không chỉ ở Macônđô mà còn ở toàn vùng đầm lầy, do đó bọn họ phải xin ý kiến các nhà chức trách trên tỉnh. Đêm thứ bảy, đại uý Rôkê Cacnixêrô cùng một số sĩ quan đến quán bác Catarinô. Chỉ có một người đàn bà, hầu như bị bắt buộc, đã dám đón ngài về phòng mình. “Các chị em không ai dám ngủ với người đàn ông mà họ biết là sẽ chết”, cô gái thú nhận với ngài. “Không ai biết sự thể sẽ như thế nào nhưng cả dân làng đi đến đâu cũng nói rằng viên sĩ quan bắn đại tá Aurêlianô Buênđya cũng như tất cả binh lính trong đội hành hình ấy sớm hay muộn từng người từng người một đều sẽ bị giết chết, dù cho họ trốn chạy tới tận cùng trời cuối đất”. Đại uý Rôkê Cacnixêrô đem chuyện đó nói với một số sĩ quan, và những người này lại thưa lên cấp trên. Ngày chủ nhật, mặc dù không một ai đã chứng minh được thực rõ ràng, mặc dù không một hành động quân sự nào có thể làm đảo lộn không khí trầm mặc đến nặng nề trong những ngày ấy, cả làng đều biết rõ rằng các sĩ quan tìm mọi cách để thoái thác nhiệm vụ thi hành bản án. Ngày thứ hai trong một bức điện tín ghi rõ lệnh chính thức: “Vụ hành hình cần phải được thi hành trong hai mươi bốn giờ kể từ khi nhận điện”. Đêm ấy các sĩ quan nhét bảy lá phiếu ghi tên mình vào một chiếc mũ kê pi, và số phận hẩm hiu của đại uý Rôkê Cacnixêrô đã run rủi ngài bốc trúng lá phiếu của người phải thi hành bản án: “Đã là vận rủi thì không tránh được”, với nỗi cay đắng chết lặng trong lòng ngài nói. “Đã sinh ra đời làm con một con điếm thì ta sẽ chết như con một con điếm…”. Vào lúc năm giờ sáng, bằng hình thức bốc thăm ngài thành lập đội hành hình, rồi tập hợp bọn họ lại ở trong sân trại, và đánh thức kẻ từ tù dậy bằng câu nói có tính cách tiền định:

– Đi thôi, Buênđya, – ngài giục chàng, – giờ của chúng ta đã điểm.

– À, ra là thế đấy, – ngài đại tá nói, – ta đang mơ thấy mình bị những vết tấy làm nổ tung ra.

Rêbêca Buênđya, kể từ khi biết tin Aurêlianô sẽ bị bắn, thường xuyên thức dậy từ lúc ba giờ sáng. Bà ngồi im trong phòng tối mà dõi nhìn bức tường nghĩa địa qua cửa sổ hé mở, trong lúc đó cái giường bà ngồi cứ rung lên theo nhịp tiếng ngáy của Hôsê Accađiô. Cả tuần bà kiên nhẫn ngồi đợi như trước đây đợi thư Piêtrô Crêspi. “Chúng sẽ không bắn chú ấy ở đây đâu”, Hôsê Accađiô nói với bà. “Chúng sẽ bắn chú ấy ở ngay trong trại giam vào lúc nửa đêm để không ai biết ai là kẻ chỉ huy đội hành hình và rồi chúng sẽ chôn chú ấy ở ngay đấy”. Tuy vậy, Rêbêca vẫn tiếp tục chờ đợi. “Bọn chúng ngu muội đến mức nhất định chúng sẽ bắn chú ấy ở đây”, bà nói. Bà quá tin mình đến mức bà đã chuẩn bị sẵn cách mở cửa và cách giơ tay chào vĩnh biệt chàng. “Chúng sẽ không dẫn chú ấy đi theo đường cái đâu, – ông vẫn một mực khuyên, – bởi vì chúng chỉ có sáu tên lính yếu bóng vía trong khi thừa biết rằng dân chúng đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì”. Không nghe cái lôgich của chồng mình, bà vẫn ngồi bên cửa sổ nhìn ra bức tường nghĩa địa.

– Rồi mình sẽ thấy chúng là những kẻ ngu dại như thế đấy, – bà nói.

Vào lúc năm giờ sáng ngày thứ ba, Hôsê Accađiô đã uống xong cà phê và thả đàn chó săn ra thì cũng là lúc Rêbêca đóng cửa lại và cố sức vịn thành một đầu giường để khỏi ngã. “Chúng đã dẫn chú ấy ra đấy rồi”, bà thở dài. “Ôi chú ấy đẹp làm sao”.

Hôsê Accađiô thò đầu qua cửa sổ, nhìn thảy chàng run rẩy trong ánh bình minh, mặc bộ quần áo vốn là quần áo của ông khi còn trẻ. Chàng đã đứng quay lưng vào tường, hai tay chống nạnh vì hai nách sưng tấy không để cho chàng buông thõng tay xuống. “Rõ thật là nực cười”, đại tá Aurêlianô Buênđya lẩm bẩm. “Rõ thật là nực cười đến mức phải dùng tới sáu thằng đàn ông bệnh hoạn để giết một người tay không vũ khí”. Chàng cứ nhắc đi nhắc lại mãi với biết bao nỗi giận dữ đến mức dường như chàng đang sôi tiết, và đại uý Rôkê Cacnixêrô cũng thấy mủi lòng vì ngài nghĩ rằng đại tá đang cầu Chúa. Khi đội hành hình chĩa súng vào chàng thì nỗi giận dữ của chàng đã vật chất hoá thành một chất nhầy có vị đắng đọng lại ở lưỡi ru chàng ngủ và buộc chàng nhắm mắt lại. Thế là lúc ấy ánh sáng huy hoàng của buổi bình minh biến mất, và chàng lại nhìn thấy chính mình còn rất nhóc con mặc quần cũn cỡn với chiếc nơ thắt nơi cổ, và chàng nhìn thấy tha mình trong một buổi chiều rực rỡ dẫn mình vào trong rạp và chàng nhìn tảng nước đá. Khi nghe thấy tiếng thét, chàng nghĩ ngay rằng đó là mệnh lệnh cuối cùng cho đội hành hình. Chàng mở choàng mắt. Với sự tò mò lạnh gáy, chàng đợi những viên đạn cắm phập vào mình nhưng chỉ thấy đại uý Rôkê Cacnixêrô đang giơ hai tay lên, và thấy Hôsê Accađiô đang vượt qua đường cái lăm lăm khẩu súng săn sẵn sàng nhả đạn.

– Xin đừng bắn, – viên đại uý nói với Hôsê Accađiô – ngài đã tới theo lệnh phán truyền của đấng Toàn năng.

Từ đó, bắt đầu một cuộc chiến tranh mới. Viên đại uý Rôkê Cacnixêrô cùng với sáu người dưới quyền mình đã theo đại tá Aurêlianô Buênđya đi giải thoát cho các nhà cách mạng, tướng Victôriô Mêđina, hiện đã bị kết án tử hình ở Riôacha. Họ nghĩ phải cướp lấy thời gian bằng cách nhanh chóng vượt qua dãy núi men theo con đường Hôsê Accađiô Buênđya đã đi để lập ra làng Macônđô nhưng chưa đầy một tuần họ thống nhất nhận định rằng đó là con dường không thể đi theo được. Thế là họ phải thực hiện một lộ trình đầy nguy hiểm men theo sườn các dãy núi với số đạn dược quá ít ỏi của những người lính trong đội hành hình. Bọn họ nghỉ lại ở ngoài bìa các làng. Một người trong bọn họ cải trang cầm con cá vàng, giữa ban ngày vào làng để tìm gặp những người thuộc phái Tự do hiện đang nằm chờ.

Sáng hôm sau những người này đi săn và sẽ chẳng bao giờ thấy họ trở về. Khi từ một khuỷu núi bọn họ nhìn thấy thành phố Rioacha thì tướng Victôriô Mêđina đã bị hành hình. Những người dưới quyền đại tá Aurêlianô Buênđya liền suy tôn chàng là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng miền duyên hải Caribê với quân hàm cấp tướng. Chàng nhận chức nhưng từ chối quân hàm và tự đặt cho mình một điều kiện là chưa nhận quân hàm chừng nào quân đội của mình chưa đánh đổ được chế độ Bảo hoàng. Đúng ba tháng sau chàng đã tập hợp được hơn một nghìn quân nhưng lại bị quân chính phủ đánh cho tan tác.

Những người sống sót tháo chạy về biên giới phía đông đất nước. Một lần khác người ta được biết rằng bọn họ đã đổ bộ lên Cabô đê la Vêla từ phía quần đảo Antidat thế mà một thông cáo của chính phủ được truyền đi qua đường bưu điện và được in lại dưới hình thức những tờ thông báo vui mắt tung đi khắp đất nước loan tin về cái chết của đại tá Aurêlianô Buênđya. Nhưng sau đó hai ngày một bức điện rắc rối khác gần như cùng một lúc với bức điện trước, đã báo tin một cuộc khởi nghĩa mới ở vùng đồng bằng phía Nam. Huyền thoại về tài xuất quỉ nhập thần của đại tá Aurêlianô Buênđya bắt đầu như thế đấy. Những tin tức giống nhau và khác nhau loan tin chàng thắng lợi ở Vidanuêva, tin chàng thất bại ở Goacamadan, chàng đã bị những người Anhđiêng ở Côlômbia và Vênêxuêla làm thịt, chàng chết ở một làng nào đó thuộc vùng đầm lầy, và một lần nữa chàng lại nổi dậy ở Urumita. Những nhà lãnh đạo của đảng Tự do trong lúc ấy đang thương lượng để có sự tham gia của mình trong quốc hội, đã coi chàng như một kẻ phiêu lưu mạo hiểm không đại diện cho đảng. Chính phủ quốc gia liệt chàng vào hạng tướng cướp, và trao giải năm ngàn pêsô cho ai bắt được chàng. Sau mười sáu cuộc vũ trang nổi dậy thất bại, đại tá Aurêlianô Buênđya với hai nghìn quân vốn là người Anhđiêng được vũ trang tất từ vùng Goahira, đã xuất quân và đội cấm vệ Bảo hoàng bị đánh bất ngờ trong lúc ngủ, phải bỏ thành phố Riôacha tháo chạy. Tại đây chàng thiết lập sở Tổng chỉ huy của mình và tuyên bố cuộc chiến đấu toàn diện chống chế độ. Phản ứng đầu tiên của chính phủ mà chàng nhận được là sự đe doạ sẽ bắn đại tá Hêrinênđô Mackêt trong vòng bốn mười tám tiếng đồng hồ nếu chàng không rút hết lực lượng vũ trang của mình về biên giới phía đông. Đại tá Rôkê Cacnixêrô, lúc này đã làm tham mưu trưởng của chàng, trình trọng đưa cho chàng bức điện. Nhưng chàng đã để lộ niềm vui khi đọc bức điện.

– Tốt lắm, – chàng reo lên, – Macônđô đã có trạm điện tín rồi.

Sự trả lời của chàng là dứt khoát. Trong ba tháng chàng đợi thành lập sở Tổng chỉ huy của mình ở Macônđô. Nếu lúc đó chàng không được thấy đại tá Hêrinênđô Mackêt còn sống thì chàng sẽ bắn không cần xét hỏi toàn bộ số sĩ quan đã bị bắt làm tù binh, bắt đầu từ các sĩ quan cấp tướng và đồng thời chàng sẽ ra lệnh cho những người dưới quyền để họ cũng theo chính cái cách thức ấy tiến hành bắn giết sĩ quan Bảo hoàng cho đến khi kết thúc chiến tranh. Ba tháng sau, khi chàng chiến thắng tiến quân vào Macônđô thì cú ôm hôn đầu tiên mà chàng nhận được trên con đường từ đầm lầy vào làng là cú ôm hôn của đại tá Hêrinênđô Mackêt.

Ngôi nhà đông đúc trẻ nhỏ. Ucsula đã đón Santa Sôphia đê la Piêđat cùng với đứa con gái đầu lòng và hai đứa trẻ sinh đôi chào đời năm tháng sau vụ hành hình Accađiô về nhà mình.

Trái với nguyện vọng cuối cùng của người bị tử hình, cụ đã đặt cho đứa con gái đầu lòng của anh cái tên Rêmêđiôt. “Ta tin rằng đó là điều Accađiô muốn nói”, cụ bảo. “Chúng ta sẽ không gọi nó là Ucsula bởi vì với cái tên này nó sẽ khổ cả một đời”.

Còn hai đứa trẻ sinh đôi, cụ đặt một đứa tên là Accađiô Sêgunđô và đứa kia là Aurêlianô Sêgunđô. Amaranta nhận trách nhiệm trông nom cả bọn trẻ này. Cô kê những chiếc ghế nhỏ ở trong phòng khách rồi nhận thêm một số trẻ hàng xóm thành lập một lớp vỡ lòng. Khi đại tá Aurêlianô Buênđya trở về làng, giữa tiếng pháo rền vang nổ và tiếng chuông nhà thờ gióng giả đổ hồi, có đội đồng ca trẻ nhỏ đến hát đón chào chàng ngay tại nhà mình. Aurêlianô Hôsê, cao kều như ông nội, mặc bộ đồng phục sĩ quan cách mạng, đã giơ tay theo nghi thức quân sự chào chàng.

Trong lúc hàn huyên, chuyện vui xen lẫn chuyện buồn. Một năm sau khi đại tá Aurêlianô trốn thoát, Hôsê Accađiô và Rêbêca dọn về ở trong ngôi nhà do Accađiô xây dựng. Không một ai biết chuyện ông đã phá đám vụ hành hình. Vợ chồng họ xây dựng một tổ ấm gia đình mến khách trong ngôi nhà mới nằm ở một góc đẹp nhất của quảng trường lớn, nép dưới bóng một cây hạnh đào cổ thụ có ba tổ chim cổ đỏ. Ngôi nhà có một cửa chính đón khách và bốn cửa sổ đón ánh sáng. Những bạn gái của Rêbêca trong đó có bốn chị em nhà Môscôtê hiện vẫn ở vậy đã nối lại các buổi họp mặt để thêu thùa mà những năm trước đây không bao giờ bị đứt quãng ở hành lang bầy những chậu thu hải đường. Hôsê Accađiô tiếp tục hưởng quyền lợi trên những đất đai chiếm đoạt với những văn tự đã được chính phủ Bảo hoàng thừa nhận. Buổi chiều nào người ta cũng thấy ông vai mang khẩu súng săn hai nòng cưỡi ngựa trở về, theo sau là nhũng con chó săn dữ tợn, trên yên ngựa lủng lắng một xâu thỏ rừng. Một buổi chiều tháng chín trước trận cuồng phong đe doạ đổ xuống, ông trở về nhà sớm hơn thường lệ. Ông chào Rêbêca đang ở trong phòng ăn, buộc đàn chó ở ngoài sân, treo xâu thỏ vào nhà bếp để sau đó mổ và ướp thịt, rồi trước vào phòng nghỉ thay quần áo. Sau này Rêbêca trình bày rằng khi chồng bà bước vào phòng ngủ thì bà đã ở trong nhà tắm và không hay biết gì hết. Đó là một lời giải thích khó tin được nhưng không có lời giải thích nào sáng tỏ hơn và không một ai có thể nghĩ tới một nguyên cớ nào khác để mà Rêbêca đi giết người đàn ông đã mang lại hạnh phúc cho mình. Việc ấy có thể là một chuyện bí hiểm duy nhất không bao giờ được làm sáng tỏ ở làng Macônđô.

Hôsê Accađiô vừa đóng cửa buồng lại thì lập tức một phát súng lục nổ vang làm rung chuyển cả căn nhà. Một dòng máu chảy ra từ dưới cánh cửa, bò qua phòng khách, đi ra đường, tiếp tục chảy dọc theo những con đường gập ghềnh, trèo lên những bậc đa và những vật cản, bò một mạch theo đường Thổ Nhĩ Kỳ, rẽ ngoặt sang trái vào một phố rồi lại ngoặt phải sang phố khác trước khi nó quay một góc vuông thước thợ ngay trước nhà Buênđya rồi chui dưới cửa đóng kín vào nhà, cứ bám lấy tường mà vượt qua phòng khách để khỏi vấy bẩn những tấm thảm trải nhà, tiếp tục bò qua một phòng khác, lượn một vòng rõ rộng để tránh bàn ăn, bò theo dọc hành lang những chậu thu hồi đường và chui qua chiếc ghế Amaranta ngồi dạy toán cho Aurêlianô Hôsê mà không bị nhìn thấy, rồi biến mất khi chui vào kho ngô, rồi xuất hiện ở nhà bếp nơi Ucsula dang đập ba mươi sáu quả trứng để làm bánh.

– Lạy đức mẹ Đồng trinh Maria, – Ucsula gào toáng lên.

Dòng máu chảy ngược lại, và để đi tìm nguồn của nó, bà chui qua kho ngô, đi theo dọc hành lang những chấu thu hải đường nơi cậu bé Aurêlianô Hôsê đang đọc to ba với ba là sáu với ba là chín, vượt qua các phòng ăn và hai phòng khách, rồi bà đi một mạch ra đường cái, rồi rẽ trái ngoặt phải để đổ vào đường Thổ Nhĩ Kỳ, mà không nhớ rằng mình vẫn mang theo chiếc tạp dề mặc khi làm bếp và hai chiếc dép lê đi trong nhà, rồi bà đi ra quảng trường chui qua cửa vào một ngôi nhà chưa bao giờ bà ở, rồi bà đẩy cánh cửa phòng ngủ và hầu như bà ngợp trong mìn thuốc súng, và bà gặp Hôsê Accađiô nằm sấp mặt xuống sàn nhà người đè lên đôi ủng vừa được tháo ra, và thấy dòng máu vừa rỉ ra từ lỗ tai phải của ông. Người ta không thấy một vết thương nào trên thân thể ông cũng như không thể tìm được khẩu súng đã bắn. Cũng không tài nào tẩy rửa được mùi khói súng khét lẹt trên thi thể. Đầu tiên người ta lấy xà phòng và bã cọ để tắm rửa, sau đó ngâm nó trong nước giấm và muối, sau nữa dùng tro và nước chanh, sau cùng ngươi ta đặt nỏ vào trong một thùng nước tẩy quắn áo ngâm suốt sáu giờ liền. Người ta kỳ cọ quá nhiều cho ông đến mức những hình săm bắt đầu phai mực. Khi người ta dùng tới biện pháp ướp xác ông với muối tiêu, rau thìa là, lá nguyệt quế và ninh tử thi trên bếp lửa âm ỉ trong một ngày ròng, thì tử thi bắt đầu bung ra và buộc mọi người phải mai táng ngay tức khắc. Người ta liệm tử thi vào một cỗ áo quan ngoại cỡ dài hai mét rưỡi và rộng một mét mất, bên trong giát sắt lá và được vít chặt lại bằng những chiếc ốc thép. Mặc dù được tắm rửa và khâm liệm kỹ như như vậy, tử thi vẫn phả ra mùi khét lẹt dọc đường khi đám tang đi qua.

Cha Nicanô, với cái bụng đau gan tròn vo như cái trống, đứng trên giường rẩy nước thánh cho ông. Mặc dù mấy tháng sau này người ta xây mộ với những tấm bê tông đặt ở trên và rắc tro, mùn cưa và vôi bột, nghĩa địa vẫn tiếp tục nồng nặc mùi khét thuốc súng, đến nỗi những năm sau này, những kỹ sư thuộc Công ty chuối đã phải đổ một chiếc áo bê tông để úp lên ngôi mộ. Ngay sau khi người ta lôi cỗ quan tài đi, lập tức Rêbêca đóng cửa lại và bà đã tự chôn sống mình trong ngôi nhà, mặc một bộ quần áo vải thô nhàu nát mà không một ý muốn thế tục nào có thể làm rách nó. Trong thời kỳ xuất hiện quỉ dữ Juđiô Erăngtê, ở Macônđô xảy ra đợt oi nóng khủng khiếp khiến chim chóc cứ lao đầu qua lưới sắt để rúc vào phòng ngủ mà chết, bà có đi ra đường một lần, đã già lắm rồi, đi đôi ủng màu trắng bạc cũ kỹ và đội một chiếc mũ có gài những bông hoa nhỏ li ti. Lần cuối cùng có người đã nhìn thấy bà còn sống là dịp bà đã bắn chết tươi gã kẻ trộm định phá cửa nhà mình. Kể từ đó, không một ai ngoài Arhêmđa, người ở và người bạn tâm phúc của bà, tiếp xúc trực tiếp với bà. Có thời kỳ người ta được biết rằng bà đã viết thư cho đức Giám mục, người bà gọi là anh họ mình, nhưng người ta cũng đồn rằng bà không bao giờ nhận được thư trả lời. Dân làng đã quên bà.

Mặc dầu thắng lợi trở về, đại tá Aurêlianô Buênđya vẫn không vui lòng với những kết quả trông thấy. Quân chính phủ rút khỏi các thị trấn không hề kháng cự và điều đó đã gieo trong đám dân chúng vừa được giải phóng một ảo tưởng về thắng lợi không thể đảo ngược được. Nhưng những người cách mạng, nhất là đại tá Aurêlianô Buênđya đã hiểu đúng sự thật hơn. Mặc dù trong lúc ấy chàng duy trì được năm ngàn người dưới quyền mình, và giữ vững hai tỉnh thuộc miền duyên hải nhưng chàng ý thức rõ ràng rằng lực lượng của mình đang bị ép về phía biển và đang ở trong hoàn cảnh chính trị quá rắc rối đến mức khi chàng ra lệnh dựng lại tháp chuông nhà thờ bị đạn pháo phá đổ thì cha Nicanô nằm trên giường bệnh phải thốt lên: “Đây là một trò cười: những người bảo vệ đức tin Kitô giáo đã nã pháo phá nhà thờ còn những kẻ Tam điểm lại ra lệnh xây dựng nó”. Hàng giờ và hàng giờ chàng ở lỳ trong phòng điện tín nói chuyện với tư lệnh các thị trấn khác, để tìm một lối thoát.

Nhưng mỗi bận ra khỏi phòng, chàng càng khẳng định cảm nghĩ cuộc chiến đang kết thúc. Khi những tin chiến thắng mới của những người Tự do được chuyển đến và được loan báo ầm ĩ thì chàng suy tính những kết quả đã giành được trên các bản đồ và chàng hiểu rằng quân đội của mình đang ngày một rút sâu vào rừng để chống chọi với ho lao và muỗi rừng, đang rút ngày một xa thành phối “Chúng ta đang để mất thời gian”, chàng than thở trước các sĩ quan. “Chúng ta sẽ còn mất thời gian nữa trong lúc những tên chó má trong đảng Tự do đang xin xỏ một chỗ ngồi trên nghị trường”. Trong những đêm mất ngủ nằm ngửa trên chiếc võng mắc trong chính căn phòng từng là xà lim tử tù, chàng nhớ lại hình ảnh những vị luật sư mặc đồ đen cổ áo khoác dựng lên che kín tai và ống tay áo buông chùng che kín bàn tay từ trong dinh Tổng thống bước ra vào lúc giá buốt của buổi đêm về sáng, mà rét run cầm cập, mà lẩn nhanh vào những vườn cà phê ảo não lúc hừng đông để đắn đo cân nhắc điều ngài Tổng thống muốn nói khi ngài bảo rằng được, hoặc giả điều ngài muốn nói khi ngài bảo rằng không và để dò tìm điều ngài Tổng thống đang suy nghĩ khi ngài nói một chuyện hoàn toàn khác hẳn. Trong khi đó chàng đuổi muỗi, cố chịu đựng không khí oi nóng tới ba mươi nhăm độ, và cảm thấy ngày càng xích gần cái buổi mai đáng sợ khi chàng buộc phải ra lệnh cho quân sĩ của mình nhảy ào xuống biển.

Một đêm nôn nao nọ, Pila Tecnêra hát cùng với đám lính ở trong sân. Chàng nhờ thị đoán tương lai cho mình qua những quân bài. “Hãy giữ mồm giữ miệng”, đó là tất cả những gì Pila Tecnêra thấy rõ sau khi sắp xếp các quân bài và thu chúng lại.

“Tôi không biết điều đó có nghĩa gì, nhưng điềm báo hiện rất rõ: hãy giữ mồm giữ miệng”… Hai ngày sau, có một ai đó thay chàng ra lệnh cho một người cần vụ chuẩn bị một tách cà phê không pha đường, rồi người cần vụ này chuyển lệnh cho người khác, người này lại chuyển cho người khác cho tới khi tách cà phê không pha đường qua tay nhiều người được mang đến chỗ ở của đại tá Aurêlianô Buênđya. Không hề gọi cà phê nhưng vì đã có sẵn ở đấy rồi nên đại tá uống luôn. Tách cà phê ấy có một lượng bột mã tiền đủ giết một con ngựa đực. Khi người ta mang chàng về nhà, chàng đã cứng đơ, co rúm, lưỡi thè ra giữa hai hàm răng. Ucsula chiến đấu với tử thần để cứu chàng. Sau khi làm cho chàng nôn oẹ hết để rửa ruột, bà dùng khăn trải giường hơ nóng đắp kín cho chàng và cho chàng uống lòng trắng trứng gà trong hai ngày liền, cho tới khi cái cơ thể yếu ớt lấy lại được nhiệt độ bình thường. Đến ngày thứ tư chàng thoát khỏi nguy hiểm. Trái với ý nguyện của mình, do bị Ucsula và các sĩ quan của mình ngăn cản, chàng nằm yên trên giường thêm một tuần nữa. Chỉ đến lúc này chàng mới biết các bài thơ của mình vẫn chùa được đốt. “Đêm ấy mẹ không muốn vội vàng”, Ucsula thanh minh với chàng. “Đêm ấy, khi đi nhóm bếp, mẹ nghĩ tốt hơn hết là hãy đợi cho tới khi tử thi con được mang về nhà”.

Sống giữa những con búp bê của Rêmêđiôt vây quanh, trong điều kiện sức khoẻ dần dần bình phục, đại tá Aurêlianô Buênđya, qua các bài thơ của mình, đã hồi tưởng lại những thời kỳ sôi nổi nhất của đời mình. Chàng lại làm thơ. Trong nhiều giờ liền, bên lề những sự kiện nổi bật của một cuộc chiến tranh không tương lai, chàng khẳng định những kinh nghiệm của mình ngay bên bờ vực của cái chết. Vậy là trí não của chàng ngày một sáng tỏ hơn đến mức có thể lật trái lật phải để xem xét nó. Có một đêm nọ, chàng hỏi đại tá Hêrinênđô Mackêt:

– Hãy nói với tôi đi, vì sao anh bạn chiến đấu?

– Vì sao anh lại hỏi tôi thế nhỉ, – đại tá Hêrinênđô Mackêt trả lời. – Vì đảng Tự do vĩ đại.

– Anh thật hạnh phúc vì đã biết mục tiêu chiến đấu của mình, – chàng trả lời. – Còn về phần mình, cho đến bây giờ hầu như tôi mới biết rằng mình chiến đấu vì lòng kiêu hãnh.

– Thế thì tồi quá, – đại tá Hêrinênđô Mackêt trả lời.

Sự cảnh cáo của Hêrinênđô Mackêt khiến đại tá Aurêlianô Buênđya vui thích. “Dĩ nhiên rồi”, chàng nói. “Nhưng trong mọi trường hợp, tốt hơn hết là chẳng nên biết vì sao mình chiến đấu” Chàng nhìn vào mắt bạn mỉm lời và nói rõ hơn:

– Hoặc là như anh đã chiến đấu vì một cái gì đó chẳng có nghĩa gì với ai cả.

Chính niềm kiêu hãnh ấy đã ngăn cản chàng liên hệ với các nhóm vũ trang trong vùng nội địa, trong khi đó các nhà lãnh đạo của đảng Tự do lại không công khai đưa ra những tuyên bố nhằm đánh tan luận điệu cho chàng là một tên tướng cướp. Tuy nhiên, chàng biết rằng nếu gạt bỏ những trở ngại ấy thì ngay lập tức sẽ phá tan vòng vây chiến tranh nguy hiểm. Sức khoẻ bình phục đã cho phép chàng suy nghĩ. Vậy là chàng xin được của Ucsula không chỉ số vàng còn lại mà cả số vốn liếng nhiều vô kể do bà tích luỹ được, chàng phong cho đại tá Hêrinênđô Mackêt làm Quan tổng trấn trông coi các vấn đề quân sự và dân sự ở Macônđô, rồi chàng lên đường để thiết lập quan hệ với các nhóm khởi nghĩa ở vùng nội địa.

Đại tá Hêrinênđô Mackêt không chỉ là người thân tín nhất của đại tá Aurêlianô Buênđya mà còn là người được Ucsula coi là người trong nhà. Dù là người thanh lịch, e lệ, ngoan nết chàng vẫn là người được rèn luyện để thích hợp với trận mạc hơn là với công việc lãnh đạo. Những cố vấn chính trị của chàng dễ dàng lái chàng vào những mê cung lý thuyết. Nhưng chàng cũng đã ổn định được một không khí thanh bình kiểu thôn dã ở Macônđô vốn là điều đại tá Aurêlianô Buênđya mơ ước cho tuổi già chuyên sống bằng cách sản xuất những con cá vàng. Tuy sống chung với cha mẹ mình, nhưng chàng ăn cơm trưa ở nhà Ucsula một tuần tới hai hoặc ba bữa. Chàng dạy Aurêlianô Hôsê học sử dụng vũ khí, dạy bảo những kiến thức quân sự cơ bản và với sự đồng tình của Ucsula chàng mang nó đến sống trong doanh trại để rèn cặp nó thành người. Nhiều năm về trước dù hãy còn trẻ con, đã có lần Hêrinênđô Mackêt ngỏ tình với Amaranta. Lúc ấy Amaranta còn đang thầm yêu trộm nhớ Piêtrô Crêspi do đó đã giễu cợt chàng. Hêrinênđô Mackêt vẫn chờ đợi. Có lần từ trong nhà tù chàng gửi cho Amaranta một bức thư nhờ cô thêu chữ cái mở đầu tên và họ của cha mình lên một tá khăn mùi soa. Chàng còn gửi tiền cho cô nữa. Trong vòng một tuần lễ Amaranta mang đến nhà tù cho chàng một tá khăn mùi soa đã thêu cùng với số tiền ấy, và cô đã ở lại vài giờ liền để nói chuyện về quá khứ. “Khi ra khỏi nơi đây, anh sẽ cưới em làm vợ”, Hêrinênđô Mackêt nói khi tạm biệt cô. Amaranta cười nhưng vẫn nghĩ về chàng trong lúc “dạy đám trẻ nhỏ học đọc và muốn làm sống trở lại trong trái tim mình tình yêu bồng bột thời trẻ vốn là nỗi đam mê đối với Piêtrô Crêspi; để hiến dâng cho chàng. Những ngày thứ bảy, ngày vào thăm tù, cô qua nhà bố mẹ Hêrinênđô Mackêt rồi cùng họ đến nhà tù. Có một ngày thứ bảy, Ucsula ngạc nhiên bắt gặp cô đứng ở nhà bếp đang đợi bánh quy ra lò để chọn những chiếc ngon nhất nhét vào một cái túi đã thêu sẵn chờ dịp này.

– Con hãy lấy nó đi con ạ! – bà nói với cô. – Hãn hữu lắm mới có một người đàn ông như nó đấy.

Amaranta làm ra vẻ khó chịu:

– Con chẳng cần phải mồi chài ai cả – cô cãi lại mẹ. – Con mang cho Hêrinênđô những chiếc bánh quy này chăng qua là vì thương anh ấy sớm muộn cũng sẽ bị người ta bắn chết.

Không hề đắn đo cô buột miệng nói ra. Nhưng lúc ấy chính phủ công khai đe doạ sẽ bắn đại tá Hêrinênđô Mackêt nếu như các lực lượng khởi nghĩa không nộp Riôacha. Các buổi đến thăm người tù bị đình chỉ. Amaranta đóng cửa, một mình ở trong nhà khóc lóc tự khổ sở vì ý nghĩ cho mình là kẻ có tội giống như ý nghĩ đã day dứt cô khi Rêmêđiôt chết, cũng như một lần khác những lời nói thiếu cân nhắc của cô đã là trách nhiệm đối với một cái chết khác, cái chết của Piêtrô Crêspi. Ucsula an ủi cô. Bà đảm bảo với cô rằng đại tá Aurêlianô Buênđya sẽ có hành động thực tế mạnh mẽ để ngăn cản vụ hành hình, bà hứa rằng chính bà sẽ đón Hêrinênđô Mackêt về nhà khi nào chiến tranh kết thúc. Bà đã thực hiện lời hứa trước thời hạn dự định. Khi Hêrinênđô Mackêt tới nhà với chức trách Quan tổng trấn trông coi các vấn đề quân sự và dân sự thì bà đón tiếp chàng như một người con, vuốt ve chiều chuộng chàng để chàng ở lại, và tự đáy lòng mình bà cầu khẩn chàng hãy nhớ lại ý định lấy Amaranta làm vợ. Những lời cầu khẩn của bà dường như được linh nghiệm. Những ngày tới nhà để ăn cơm trưa, đại tá Hêrinênđô Mackêt lưu lại cả một buổi chiều để chơi cờ đam với Amaranta ở ngoài hành lang bày những chậu thu hải đường. Ucsula mang đến cho đôi trai gái nào cà phê sữa, nào bánh quy, trông nom đám trẻ nhỏ để chúng khỏi quấy rầy hai người. Trên thực tế, Amaranta cố nhóm lại tình yêu say mê thời trẻ của mình mà lúc này nó như một đám tro nguội lạnh bị lãng quên trong trái tim mình. Với niềm khát khao đã đạt tới độ không thể thay đổi được, cô chờ đón những ngày chàng sẽ đến nhà mình ăn trưa, chờ đón những buổi chiều chơi cờ đam và chờ cho thời gian đi trong lúc mình ngồi bên cạnh một chiến binh có tên gợi bao niềm lưu luyến mà những ngón tay của người ấy cứ run lên khi đi quân cờ. Nhưng trong ngày đại tá Hêrinênđô Mackêt nhắc lại nguyện vọng tha thiết của mình được cưới Amaranta thì cô đã từ chối:

– Em sẽ chẳng lấy ai, – cô nói, – lại cũng không lấy anh đâu. Anh yêu Aurêlianô quá tới mức anh sẽ lấy em vì anh không thể lấy anh ấy mà.

Đại tá Hêrinênđô Mackêt là người điềm tĩnh. “Anh sẽ kiên trì chờ đợi”, chàng nói. “Sớm muộn gì anh cũng sẽ cưới em”.

Chàng tiếp tục đến chơi nhà. Tự giam mình ở trong phòng ngủ để khóc vụng, Amaranta lấy hai đầu ngón tay bịt kín lỗ tai để khỏi nghe thấy tiếng người theo đuổi mình đang kể cho Ucsula nghe những tin tức chiến sự mới nhất, và mặc dù thèm nhìn chàng đến chết được nhưng cô vẫn đủ nghị lực để không ra tiếp chàng.

Lúc ấy, đại tá Aurêlianô Buênđya đã sắp xếp thời gian để cử hai tuần một lần gửi một thông báo tỉ mỉ về Macônđô. Nhưng chỉ có độc một lần, sau gần tám tháng ra đi, chàng mới viết thư riêng cho Ucsula. Một sứ giả đặc nhiệm đã mang đến nhà một phong thư được viết với lối chữ rất đẹp của đại tá: “Hãy trông nom cha thật cẩn thận vì cha sẽ mất”. Ucsula thảng thốt. “Nếu Aurêlianô nói thì Aurêlianô đã biết”, Ucsula nói, và nhờ người khiêng Hôsê Accađiô Buênđya vào phòng ngủ. Cụ không chỉ nặng như trước đây vốn đã nặng mà còn nặng thêm lên rất nhiều trong suốt thời kỳ nằm dưới bóng cây dẻ đến mức bảy người đàn ông lực lưỡng không khiêng nổi, buộc họ phải kéo lê cụ vào nhà. Mùi rêu non lẫn mùi mộc nhĩ, thứ mùi của không khí ẩm lâu năm và đậm đặc, làm sực nức cả căn phòng khi cụ già lực lưỡng dầm mưa đãi nắng đã lâu ngày bắt đầu thở. Ngày hôm sau, cụ không thức dậy ở trên giường đặt trong phòng. Sau khi đi khắp các phòng tìm kiếm, Ucsula lại một lần nữa thấy cụ nằm dưới bóng cây dẻ. Thế là họ trói cụ vào giường. Dẫu khỏe mạnh nhưng Hôsê Accađiô Buênđya đã bị loại ra ngoài vòng chiến đấu… Cụ bằng lòng với tất cả, không phân biệt được nữa. Nếu cụ trở lại nằm dưới bóng cây dẻ không phải vì sở nguyện mà vì thói quen của cơ thể. Ucsula chăm nom cụ, cho cụ ăn và kể cho cụ nghe những tin tức về Aurêlianô. Nhưng thực ra, người duy nhất mà cụ tiếp xúc từ đã lâu là Pruđênxiô Aghila.

Với dáng vẻ tiều tụy vì tuổi già trong cõi âm phủ, Pruđênxiô Aghila cứ một ngày hai lẳn đến nhà nói chuyện với cụ. Hai người nói chuyện về gà chọi. Hai người hứa hẹn với nhau sẽ xây dựng một chuồng nuôi những chú gà chọi tuyệt vời, không chỉ để vui vẻ trước một số trận thắng mà còn để giải khuây trong những ngày chủ nhật man mát buồn ở cõi âm phủ. Pruđênxiô Aghila là người tắm rửa cho cụ, cho cụ ăn, kể cho cụ nghe những thắng lợi hiển hách của một người hoàn toàn xa lạ được gọi là Aurêlianô và người này là đại tá trong chiến đấu. Khi ở một mình, Hôsê Accađiô Buênđya khuây khỏa đôi phần với giấc mơ trong căn buồng vô cùng tận. Cụ mơ thấy mình đứng dậy khỏi giường, mở cửa chính mà đi sang phòng bên có cái giường với đầu giường làm bằng thép tôi, một chiếc ghế xích đu bằng gỗ liễu giỏ với chính một bức chân dung Thánh bà Đồng trinh Rêmêđiôt treo trên bức tường cuối phòng. Từ phòng này cụ đi sang phòng khác giống y hệt, mà cửa của nó mở ra dẫn sang phòng khác giống y hệt, rồi sau đó sang phòng khác cũng giống y hệt, cứ như thế cho đến vô cùng tận. Cụ thích đi từ phòng này sang phòng khác, như đi trong một hành lang hai bên tường đều gắn gương, cho tới khi Pruđênxiô Aghila vỗ vai cụ. Thế là cụ trở về lẳn lượt đi qua các phòng, trong lúc quay lại mà tỉnh giấc dần, cụ chạy trên con đường ngược lại, để rồi lại gặp Pruđênxiô Aghila trong cái phông của đời thực. Nhưng rồi có một đêm nọ, sau hai tuần Ucsula đưa cụ vào nhà, Pruđênxiô Aghila vỗ vai cụ ngay ở phòng trung gian giữa cõi thực và cõi mộng và cụ mãi mãi dừng lại ở đấy, mà cứ tưởng rằng đó là phòng của đời thực. Sáng ngay hôm sau, khi mang bữa điểm tâm cho cụ, Ucsula bắt gặp một người từ ngoài hành lang đi lại phía mình. Người ấy béo lùn, mặc bộ quần áo đen, đội một chiếc mũ đen rộng vành chụp gần hết đôi mắt buồn rầu của ông ta. “Trời ơi”, – Ucsula nghĩ bụng. “Ai như là Menkyađêt… Người đó là Cataurê, em trai Visitaxiôn, người tự bỏ nhà ra để tránh dịch mất ngủ và từ đó đến nay không có tin tức gì. Visitaxiôn hỏi em mình trở lại để làm gì thì ông ta dùng tiếng thổ dân trả lời:

– Em đến dự đám tang của hoàng đế.

Thế là mọi người đổ xô vào phòng Hôsê Accađiô Buênđya dùng hết sức lay cụ, gào to lên để gọi cụ, lấy gương soi chiếu vào lỗ mũi cụ để gọi, nhưng không làm sao gọi cụ tỉnh được. Sau đó ít lâu, khi người thợ mộc đo cụ để đóng áo quan, qua cửa sổ, người ta thấy trời đổ xuống trận mưa hoa li ti màu vàng. Cả đêm ấy, những bông hoa nhỏ li ti màu vàng rơi xuống một cái làng đang trong nỗi âm thầm đau khổ. Hoa phủ kín các nóc nhà và hoa lấp kín các lối ra vào. Bầu trời sực nức mùi hoa khiến cho những con vật ngủ ngoài trời phải ngột thở. Hoa trời rơi xuống không biết cơ man nào mà kể, đến mức khi trời sáng các con đường phủ đầy hoa phẳng lỳ như một tấm chăn. Người ta buộc phải dùng gậy, sào mà hất hoa đi để lấy lối cho đám tang đi qua.

Bình luận