” Vút ” một tiếng, một mũi tên gắn lông chim được bắn lên từ phía sau hẻm núi phía Ðông, bay vùn vụt ngang bầu trời xuyên vào cổ con chim nhạn đang bay.
Con chim bị trúng tên lộn mấy vòng trên không trung rồi rơi xuống mặt đất phủ tuyết.
Cách khoảng mấy chục trượng về phía Tây, bốn kỵ mã giẫm trên tuyết trắng xoá,đang phi ngựa gấp.
Nghe tiếng tên bắn, họ không hẹn nhau mà dừng ngựa.
Bốn con ngựa đó đều là loại ngựa hay, cao lớn béo mượt, vừa dừng cương là dừng lại ngay.
Khách cưỡi ngựa đã điêu luyện, ngựa lại đều huấn luyện kĩ, nên vừa gò cương là họ từ trên yên cương nhảy xuống ngay, rất thuần thục.
Bốn người thấy con chim nhạn bị trúng tên rơi xuống, bụng đã khen thầm, đang muốn xem người bắn mũi tên đó là ai. Chờ một lúc, vẫn không thấy ai từ hẻm núi đi ra, chỉ nghe thấy tiếng vó ngựa.
Người bắn tên đó đã tự bỏ đi rồi.
Trong số bốn người khách đó,có một người cao tuổi, gầy, vẻ mặt minh mẫn, dũng mãnh, ông hơi nhíu lông mày,
rồi nhảy lên mình ngựa phi vào hẻm núi.
Ba người kia cũng phóng theo. Rẽ qua rìa núi, chỉ thấy phía trước mặt khoảng một dặm, có năm kị mã đang phi ngựa gấp, vó ngựa làm tuyết bắn toé, bờm ngựa trắng như cước tung theo gió.
Thấy không đuổi được, người cao tuổi kia phảy tay nói:
-Ân sư huynh, bọn này có vẻ tà môn!
Vị “Ân sư huynh ” cũng là một người có tuổi, hơi béo, để ria mép, mình khoác chiếc áo ngoài bằng da báo, trông diệu bộ giống một nhà buôn giàu có, nghe ông già gầy kia nói thế, gật gật đầu, dừng ngựa quay về chỗ con chim nhạn, vung roi ngựa đánh bộp một tiếng, đập xuống đất phủ tuyết, khi cây roi vung lên, ngọn roi đã cuốn được con chim nhạn rồi.
Ông ta lấy tay cầm lấy cán mũi tên đưa lên xem rồi bỗng kêu thất thanh:
-Ôi!
Ba người kia nghe thấy tiếng kêu, cùng phóng ngựa lại gần.
“Ân sư huynh ” ném con chim nhạn và cả mũi tên kia sang cho ông già gầy kia, kêu lên:
-Nguyễn sư huynh, xem đi!
Ông già gầy kia giơ tay trái đỡ, vừa nhìn thấy mũi tên đã kêu lên:
-Ðây rồi, mau đưổi theo! -Rồi quay đầu ngựa, đuổi theo trước.
Dốc núi mênh mang tuyết trắng xoá, xung quanh không một bóng người, nên đuổi theo dấu vết dễ dàng.
Hai người còn lại đều đang tuổi tráng niên.
Một người cao lớn, trông rất oai nghiêm; còn người kia tầm thước, mặt hơi tái, mũi bị lạnh đỏ ửng.
Bốn người cùng huýt tiếng sáo, bốn con ngựa thở cả ra khói, rầm rập sải bước đuổi theo.
Hôm đó là ngày rằm tháng ba năm Càn Long thứ bốn mươi tám đời Thanh.
Ngày này ở Giang Nam đã tấp nập lắm rồi.Nhưng ở vùng đất lạnh lẽo dưới chân núi Trường Bạch ở ngoài quan ải thì tuyết mới bắt đầu tan, chưa thấy không khí xuân đâu.
Mặt trời ở phía đông nhô lên sau núi, ánh sáng vàng nhạt chiếu xuống,không thấy ấm áp gì.
Trong núi tuy lạnh, nhưng bốn kia phóng ngựa đi gấp, nên chẳng bao lâu đã toát mồ hôi trán.
Người đàn ông cao lớn cởi áo khoác ngoài, đặt trên yên ngựa. Bên trong mình mặc một áo dài bằng lụa xanh lót da, lưng đeo trường kiếm, lông mày nhíu lại, mặt đầy vẻ tức giận, mắt như muốn toé lửa, không ngừng giục ngựa phóng
nhanh.
Người này là Tào Vân Kỳ biệt hiệu là Ðằng Long Kiếm, chưởng môn mới nhận chức của Bắc Tông Thiên Long Môn ở Liêu Ðông. Thiên Long Môn giỏi cả về quyền, kiếm, những chiêu thức anh ta học được đều rất thành công. Người mặt trắng là Chu Vân Dương biệt hiệu là Hồi Phong Kiếm, sư đệ anh ta. Người cao gầy là Nguyễn Sĩ Trung biệt hiệu là Thất Tinh Thủ, sư thúc của họ, có thể coi là đệ nhất cao thủ của Bắc Tông Thiên Long Môn. Còn người đàn ông già có dáng dấp phú thương là Ân Cát biệt hiệu Uy Chấn Thiên Nam, chưởng môn của Nam Tông Thiên Long Môn.Việc lần này có quan hệ rất trong đại với cả hai phía Nam Bắc trong Thiên Long Môn, nên ông ta mới đi nghìn dặm đường xa, đến tận vùng ngoài quan ải này.
Ngựa bốn người cưỡi đều là loại ngựa tốt ở vùng ngaòi quan ải, nước chạy rất nhanh, sau khi phóng một mạch, vượt qua bảy, tám dặm, thì năm người cưỡi ngựa phía trước chỉ còn cách họ không xa.
Tào Vân Kỳ cao giọng kêu:
-Này, các huynh đệ hãy dừng lại đã nào!
Năm người kia cứ phớt lờ, còn thúc ngựa phóng nhanh hơn. Tào Vân Kỳ nghiêm giọng quát:
-Nếu không dừng bước, thì đừng trách chúng ta vô lễ!
Chỉ nghe thấy một người đi phía trước, tặc lưỡi một cái, ghìm ngựa quay mình lại, còn bốn người kia vẫn tiếp tục phóng đi.
Tào Vân Kỳ phóng ngựa đi trước, thấy người kia giương cung bắn, mũi tên nhằm vào ngực anh ta.
Tào Vân Kỳ võ nghệ cao cường lại gan dạ, chẳng để ý gì đến mũi tên đó, vẫn vung roi gọi to:
-Này, có phải Ðào thế huynh đó không?
Người kia trông rất khôi ngô tuấn tú, long mày xếch ngược, khoảng hai ba, hai bốn tuổi, ăn mặc rất gon gàng.
Nghe tiếng gọi của Tào Vân Kỳ, thì cười lớn rồi kêu lên:
-Nhìn mũi tên này! Vút, vút, vút, ba mũi tên chia thành ba ngả trên, giữa, dưới liên tiếp bắn ra.
Tào Vân Kỳ không ngờ ba mũi tên của anh ta lại bắn nhanh như vậy, trong lòng hơi kinh ngạc, vội vung roi ngựa, đánh rớt hai mũi tên bắn theo ngả trên và dưới,tiếp đó kéo cương ngựa, để mũi tên thứ ba đi sạt dưới bụng ngựa, chỉ cách bụng ngựa có vài tấc.
Người thanh niên kia cười ha hả, quay đầu ngựa, chạy tiếp về phía trước.
Tào Vân Kỳ đanh mặt lại, định phóng ngựa đuổi theo, thì Nguyễn Sĩ Trung gọi:
-Vân Kỳ, bình tĩnh nào, nó không bay lên trời được đâu!
Nói đoạn, nhảy xuống ngựa, nhặt ba mũi tên rơi trên tuyết, quả nhiên hoàn toàn giống mũi tên vừa bắn trúng con chim nhạn.
Ân Cát hầm hầm nét mặt, hừ một tiếng rồi nói:
-Ðúng là thằng ranh ấy rồi.
Tào Vân Kì nói:
-Ðợi sư muội một lát, xem cô ấy còn nói gì không!
Bốn người đợi chừng khoảng ăn xong bữa cơm, thì nghe thấy tiếng vó ngựa lên đường.
Tào Vân Kỳ sốt ruột nói:
-Ðể tôi đi xem sao!
Rồi vỗ ngựa quay đầu lại.Nguyễn Sĩ Trung nhìn theo sau lưng thở dài:
-Cũng khó trách được anh ta.
Ân Cát nói:
-Nguyễn sư huynh nói gì vậy?
Nguyễn Sĩ Trung lắc đầu không đáp. Tào Vân Kỳ phóng ngựa được vài dặm thấy một con ngựa xám không người cưỡi đang dứng trên tuyết.
Một cô gái mặc áo trắng, quỳ một chân xuống tuyết.
Tào Vân Kỳ gọi:
-Sư muội có chuyện gì thế?
Cô gái không đáp, đột nhiên dứng thẳng dậy, trong tay cầm một vật vàng óng,lấp loáng dưới ánh nắng.
Tào Vân Kỳ lại gần , nhận lấy , thấy là một cấy bút nhỏ bằng cán vàng, dài chừng ba tấc, đầu bút nhọn hoắt, được chế tạo tinh xảo. Trên cán bút có khắc một chữ ” An ” bé xíu. Cây bút bằng vàng này bề ngoài tưởng là một thứ đồ chơi, nhưng cũng có thể dùng làm ám khí.
Tào Vân Kỳ bất giác hơi cau mày hỏi:
-Ở đâu ra vậy?
Cô gái đáp:
-Sau khi mọi người đi khỏi, muội mau theo sau ngay, bỗng có một kẻ phi ngựa đuổi theo sau. Con ngựa đó chạy rất nhanh chỉ chốc lát lướt qua người muội, người phi ngựa vung tay một cái, ném cây bút này về phía… về phía muội…
Nói đến đây đột nhiên mặt cô ửng đỏ, ấp úng không nói tiếp được.
Tào Vân Kỳ chăm chú nhìn cô ta, chỉ thấy trên làn da trắng mỡ màng của cô,thấp thoáng có màu phấn hồng, đôi mắt hơi cụp xuống, xinh đẹp như các cô gái đang xấu hổ, thấy thấp thỏm sinh nghi hỏi:
-Muội có biết người chúng ta đuổi theo là ai không?
Cô gái nói:
-Ai cơ?
Tào Vân Kỳ lạnh lùng nói:
-Muội không biết thật à?
Cô gái ngẩng đầu lên đáp:
-Sao muội biết được?
Tào Vân Kỳ nói:
-Là người trong trái tim muội đó!
Cô gái buộc miệng:
-Ðào Tử An à?
Nói xong mặt cô bỗng ửng đỏ.
Tào Vân Kỳ sa sầm mặt:
-Huynh vừa bảo đó là người trong tim muội, mà muội đã nói ngay ra là Ðào Tử An rồi.
Cô gái nghe anh ta nói vậy, mặt càng ửng đỏ, nước mắt trào ra từ đôi mắt trong sáng. Cô giậm chân kêu lên:
-Anh ta.. anh ta…
Tào Vân Kỳ hỏi:
-Anh ta… anh ta cái gì?
Cô gái đáp:
-Anh ta là là chồng chưa cưới của muội, đương nhiên là người trong tim muội rồi.
Tào Vân Kỳ tức giận, rút phắt trường kiếm. Nhưng cô gái lại bước tới, nói:
-Huynh có giỏi thì giết muội đi!
Tào Vân Kỳ nghiến răng, nhìn khuôn mặt hơi ngẩng lên của cô gái, tình cảm trong lòng trào dâng, kêu to:
-Thôi được, thôi được! -Ðoạn quay kiếm, dâm mạnh vào ngực mình.
Cô gái xuất thủ rất nhanh, trở tay rút kiếm, ngăn cản rất mau lẹ, ” choang ” một tiếng, hai thanh kiếm chạm nhau, toé lửa.
Tào Vân Kỳ hậm hực:
-Muội dã chẳng để ý dến huynh, sao còn để huynh sống trên đời này mà chịu khổ sở chứ?
Cô gái chậm rãi tra kiếm vào vỏ, khẽ nói:
-Huynh biết rồi mà, đó là do cha muội hứa gả muội cho anh ta, đâu phải do muội quyết định.
Tào Vân Kỳ hơi rướn lông mày, hỏi:
-Huynh nguyện cùng muội đến tận chân trời góc bể, ẩn dật nơi rừng sâu, trên hoang đảo, sao muội không chịu?
Cô gái thở dài đáp:
-Sư huynh, muội biết huynh rất say đắm muội, muội cũng đâu phải là con ngốc,sao muội lại không biết những điểm mạnh của huynh? Nhưng huynh đang nắm giữ cơ nghiệp Bắc Tông Thiên Long Môn của chúng ta, nếu làm như vậy, thì thanh danh của môn phái sẽ mất hết và chúng ta còn mặt mũi nào còn sống trên chốn giang hồ nữa?
Tào Vân Kỳ lớn tiếng đáp:
-Dù phải thịt nát xương tan vì muội, huynh cũng cam lòng! Dù trời sập, huynh cũng mặc, nói gì dến chuyện chưởng môn hay không chưởng môn!
Cô gái mỉm cười, nhẹ nhàng nắm lấy tay chàng trai:
-Sư huynh, muội không thích cái tính nóng như lửa, bất chấp tất cả của sư huynh đâu.
Thấy cô gái nói vậy, Tào Vân Kỳ chẳng thể nổi nóng được, đành thở dài:
-Sao muội lại coi cái thứ đò chơi hắn cho muội như của của quí thế?
Cô gái đáp:
-Ai bảo là anh ấy cho muội? Muội có gặp anh ta đâu?
Tào Vân Kỳ nói:
-Một vật đáng giá như vậy, mà còn có người dùng làm ám khí ư? Trên cán bút rõ ràng là khắc tên anh ta, nếu không phải hắn thì còn ai cho muội?
Cô gái hờn dỗi đáp:
-Huynh đã thích đoán mò thì đừng nói chuyện với muội nữa.
Nói đoạn, cô vọt đến bên con ngựa xám, nhảy phắt lên yên rồi giật dây cương,con ngựa sải chân phóng ngay.
Tào Vân Kỳ vội vàng lên ngựa đuổi theo, thúc mạnh giày vào bụng ngựa, nên chẳng mấy chốc đuổỉ kịp, rồi nhoài người dùng tay phải tóm lấy cương chú ngựa xám, kêu to:
-Sư muội, hãy nghe huynh nói đã.
Cô gái vung roi ngựa, quất vào tay anh ta, quát lên:
-Buông ra, để người khác trông thấy thì còn ra gì nữa?
Tào Vân Kỳ không chịu buông tay, ” dét ” một tiếng, trên mu bàn tay của anh ta hằn một vệt máu đỏ tươi.
Cô gái không đành lòng, nói:
-Sao huynh cứ chọc muội mãi thế?
Tào Vân Kỳ đáp:
-Lỗi tại huynh, muội cứ đánh nữa đi !
Cô gái cười nhạt:
-Muội mỏi tay rồi, không đánh nổi.
Tào Vân Kỳ cười:
-Ðể huynh đấm bóp cho. Rồi giơ tay nắm lấy cánh tay cô.
Cô gái quật một roi vào đầu, Tào Vân Kỳ nghiêng đầu tránh ngọn roi đó, cười:
-Sao tay muội hết mỏi rồi à?
Cô gái nghiêm mặt:
-Ðã bảo huynh đừng động vào muội nữa mà!
Tào Vân Kỳ cười:
-Ðược, vậy muội nói đi, chiếc bút vàng dó ở đâu ra?
Cô gái cười:
-Là ngưòi trong lòng muội cho đấy. Không phải anh ấy, thì còn ai nữa? Chẳng lẽ lại là của huynh à?
Tào Vân Kỳ chợt thấy nhói trong lòng , máu nóng bốc lên, nổi cáu, nhưng thấy cô gái cười tươi như hoa, đôi môi hồng hơi rung động, để lộ hàm răng trắng như ngọc, thì cơn giận dữ vụt tan biến ngay.
Cô gái trừng mắt nhìn, khẽ thở dài rồi dịu giọng:
-Sư huynh, từ nhỏ muội đã được huynh hết lòng chăm sóc, huynh đối với muội còn tốt hơn cả anh ruột muội. Muội đâu phải là người vô tình, sao lại không nghĩ đến chuyện báo đáp chứ?
Huống hồ chúng ta…Nhưng quả thực là muội rất khó xử.
Huynh luôn quan tâm bảo vệ muội, bây giờ cha muội không may bị chết thảm,phái Thiên Long Môn chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của việc thành, bại,hưng, vong. Sao huynh lại không thông cảm với muội?
Tào Vân Kỳ ngẩn người ra một lúc, chẳng nói năng được gì, rồi phất tay trái một cái:
-Lúc nào mà muội chẳng đúng, huynh chẳng sai! Ði thôi!
Cô gái nhoẻn cười:
-Khoan đã. Rồi lấy ra một chiêc khăn tay lau mồ hôi trán cho anh ta
-Tuyết lớn thế này, ra mồ hôi mà không lau ngay sẽ bị cảm lạnh đấy.
Một cảm giác ngọt ngào trào dâng trong lòng, Tào Vân Kỳ nói không nên lời,mọi nỗi bực dọc phút chốc tan biến. Anh ta giơ roi quất nhẹ vào mông ngựa cô gái,hai người cùng sánh vai nhau phóng đi.
Cô gái tên là Ðiền Thanh Văn, tuy còn trẻ, nhưng đã rất nổi tiếng trong giới võ lâm ở miền quan ải.
Vì có dung mạo xinh đẹp, lại thông minh lanh lợi, nên mọi người trong giới võ lâm ở Liêu Ðông tặng cho cô biệt hiệu ” Cẩm Mao Ðiêu “.
Loại điêu thử này chạy trên mặt tuyết rất nhanh, lại rất thông minh, lanh lẹ, và hai chữ ” Cẩm Ðiêu ” dương nhiên là để hình dung vẻ đẹp của cô gái.
Cha cô là Ðiền Quy Nông, mới qua đời không lâu, bởi vậy cô vẫn mặc đại tang.
Hai ngựa phóng gấp một lúc, mới đuổi kịp bọn Ân Cát , Nguyễn Sĩ Trung, Chu Vân Dương. Nguyễn Sĩ Trung trừng mắt nhìn Tào Vân Kỳ hỏi:
-Sư diệt đi lâu vậy, có thấy gì không?
Tào Vân Kỳ mặt đỏ bừng, đáp:
-Không thấy gì ạ.
Nói đoạn kẹp đùi vào mình ngựa, phóng thẳng. Ði thêm vài dặm nữa, thế núi dốc dần, tuyết phủ khá dày, ngựa dễ bị trượt chân, bốn người không dám nhúc nhích, cứ thả lỏng cương cho ngựa đi từ từ.
Sau khi vòng qua hai hẻm núi, đường càng hiểm trở hơn,
Bỗng nghe phía bên trái tiếng ngựa hí, Tào Vân Kỳ chân phải nhấn vào bàn đạp, bay nghiêng người, nhảy xuống phía sau một cây thông lớn; dấu mình xong, anh ta đưa mắt nhìn về phía trước. Thấy dưới gốc cây ở dốc núi, có buộc năm con ngựa, trên tuyết có một hàng dấu chân đi thẳng lên núi, Tào Vân Kỳ kêu lên:
-Hai vị sư thúc, bọn giặc đã lên núi rồi. Chúng ta mau đuổi theo đi..
Ân Cát xưa nay là người cẩn thận, nói:
-Nếu đối phương có ý dụ chúng ta đến đây chắc là chúng có mai phục trong núi đó.
Tào Vân Kỳ nói:
-Dù là hang hùm ổ rắn, hôm nay cũng phải xông vào.
Ân Cát thấy anh ta anh nói lỗ mãng, rất không bằng lòng, bảo với Nguyễn Sĩ Trung :
-Nguyễn sư huynh, huynh thấy thế nào?
Nguyễn Sĩ Trung chưa kịp đáp lời thì Ðiền Thanh Văn đã cướp lời:
-Ðã có Uy Chấn Thiên Nam Ân sư thúc ở đây, dù chúng có mai phục lợi hại đến đâu cũng chẳng sợ.
Ân Cát mỉm cười nói:
-Nhìn dấu vết của chúng, chắc là đi rất vội vàng, hẳn sẽ không có mai phục đâu.
Thế này đi! -Rồi chỉ tay sang phải -Chúng ta hãy vòng lên theo lối này, rồi quay sang bất ngờ tấn công bọn chúng.
Tào Vân Kỳ reo lên:
-Hay, kế đó hay lắm!
Bọn Ân Cát xuống ngựa, buộc dưới gốc cây thông lớn, vén vạt áo dài, buộc vào lưng, dùng thuật ” đè tung ” trong khinh công, lên theo sườn núi bên phải.
Chỗ đó cây cối rậm rạp, đá mọc lởm chởm, rất khó đi, nhưng nhờ những vật che khuất đó mà kẻ địch không dễ dàng phát hiện được.
Lúc đầu năm người đi theo hàng dọc,người nọ tiếp nối người kia, nhưng một lúc sau đã phân định rõ được khinh công ai cao ai thấp.
Ân Cát và Nguyễn Sĩ Trung cùng nhau đi trước. Tào Vân Kỳ bị tụt lại sau chừng hơn một trượng, còn Ðiền Thanh Văn và Chu Vân Dương lại ở sau vài trượng nữa.
Tào Vân Kỳ nghĩ thầm: ” Ân sư thúc là chưởng môn của phái Nam Tông, biệt hiệu là Uy Chấn Thiên Nam, không biết là võ công cánh Nam Tông của ông ấy so với cánh Bắc Tông của chúng ta thì ai cao ai thấp đây?
Hôm nay ta phải thử lĩnh giáo xem sao “. Nghĩ đoạn, bèn đề khí, tăng sức vào đôi chân, chạy vượt lên trước hai người kia.
Nghe thấy tiếng Ân Cát khen:
-Tào thế huynh thân thủ khá lắm, thật là anh hùng khi còn trẻ tuổi.
Tào Vân Kỳ sợ ông ta đuổi kịp, không dám quay đầu lại, chỉ nói:
-Xin Ân sư thúc chỉ bảo thêm!
Tuy miệng nói thế, nhưng vẫn không hề dừng chân.Chạy một lúc, hình như nghe thấy tiếng chân bước, mới quay đầu nhìn, bất giác giật mình.
Thì ra Ân Cát và Nguyễn Sĩ Trung đã ở cách anh ta không xa, vội chạy nhanh hơn thêm vài trượng nữa.
Ân Cát luôn mỉm cười, ung dung bám theo sau.Trên núi tuyết phủ càng dày hơn,đường núi khúc khuỷu nên đi rất mất sức. Chỉ sau khoảng thời gian thắp nửa nén nhang, Tào Vân Kỳ đã dần đi chậm lại. Chợt cảm thấy có hơi ấm phía sau gáy, như hơi thở của người khác, anh ta định quay đầu lại thì có người vỗ nhẹ vào vai phải và nghe tiếng Ân Cát cười nói:
-Anh bạn trẻ, cố lên đi!
Tào Vân Kỳ giật mình, đề khí vọt mạnh lên phía trước. Lần vọt này tuy đã bỏ xa hai người kia được hơn mười trượng, nhưng đã thấy tim đập mạnh, hơi thở hổn hển,đầu toát mồ hôi.
Ðưa tay áo lau mồ hôi trán, nhớ lại cảnh Ðiền Thanh Văn lau mồ hôi cho mình vừa rồi, anh ta bất giác mỉm cười, nhưng lại nghe tiếng chân đạp tuyết ở phía sau, thì ra bọn Ân Cát đã đuổi tới nơi rồi.
Ân Cát thấy Tào Vân Kỳ vọt đi lúc nhanh lúc chậm, biết ngay anh ta không thể là đối thủ về khinh công của mình, chỉ thấy Thất Tinh Thủ Nguyễn Sĩ Trung lặng lẽ đi sát bên mình, khi chạy nhanh, ông ta cũng đi nhanh, khi chạy chậm, ông ta cũng chạy chậm, xem ra sức lực còn dư, chưa dùng hết, mới thầm nghĩ ” Hôm nay có lẽ hai chú cháu họ thử sức lão già này đây “.
Nghĩ đoạn, hít mạnh một hơi, rồi thi triển khinh công mà mình dã khổ luyện mấy chục năm trời, chân hầu như không
chạm đất, lướt nhanh trên sườn núi đầy tuyết trắng.
Thiên Long Môn được sáng lập từ đầu đời Thanh, vốn chỉ có một chi. Ðến những năm Khang Hy, hai đại đệ tử của chưởng môn bất hòa, nên khi chưởng môn chết đi chia thành hai chi Nam Tông, Bắc Tông.
Võ công của Nam Tông chú trọng nhanh nhẹn dũng mãnh, còn Bắc Tông lại chú trọng vững vàng, hiểm hóc.
Chiêu thức của hai phái này vốn hoàn toàn giống nhau, nhưng khi sử dụng lại rất khác nhau. Môn khinh công leo núi vốn là sở trường của Nam Tông.
Ân Cát tuy béo,nhưng từ khi thi triển tâm pháp bản môn thì lanh lẹ hơn cả loài khỉ vượt, Trong khoảng khắc đã vượt xa Tào Vân Kỳ hơn một dặm. Nguyễn Sĩ Trung thì vẫn tiếp tục đi kề bên. Ðã mấy lần Ân Cát tăng tốc định bỏ Nguyễn Sĩ Trung rớt lại song lần nào cũng vậy, mới chỉ vượt được qua vài trượng là Nguyễn Sĩ Trung lại vững
vàng theo kịp ngay.
Chỉ còn cách đỉnh núi vài ba dặm, Ân Cát mỉm cười:
-Nguyễn sư huynh! Hai ta thử đọ xem ai sẽ lên tới đỉnh núi trước?
-Ðệ sao theo nổi Ân sư huynh! -Nguyễn Sĩ Trung đáp.
-Chớ nên khách khí thế! -Ân Cát dứt lời rồi lao mình đi nhanh như mũi tên bật khỏi dây cung, trong khoảnh khắc, đã chỉ cách đỉnh núi có vài trượng.
Ngoái đầu nhìn lại thì thấy Nguyễn Sĩ Trung chỉ cách mình chừng một trượng, định bứt lên luôn thì Nguyễn Sĩ Trung đột nhiên lướt tới áp sát Ân Cát, khẽ bảo:”Bên kia có người đấy ” và chỉ tay về phía lùm cây bên trái đỉnh núi.
Ân Cát chột dạ thầm nhĩ ” Khinh công của người này quả thực hơn hẳn ta “.
Thấy Nguyễn Sĩ Trung lom khom cúi đầu rón rén tiến về phía lùm cây, Ân Cát bèn đi theo.
Ðứng sau lùm cây, hai người nấp sau một khối đá lớn, thò đầu ra quan sát, thấy phía dưới thung lũng lấp loáng ánh đao kiếm và có năm người đang tụ tập chỗ sâu nhất.
Ba người đang cầm binh khí chia nhau đứng gác ở ba ngả đường vào,dường như sợ có người lạ xông tới.
Còn hai người kia một ngưòi cuốc đất, một ngưòi cầm xẻng, đang hì hục đào đất bên một cây to.
Rõ ràng là hai người này biết có kẻ địch đang đuổi sát, cơ hội để đào bới rất ngắn ngủi, nên họ làm luôn tay, kẻ
cuốc người xúc gấp gáp khác thường.
Ân Cát nói nhỏ:
-Hai người đó đương nhiên là cha con họ Ðào ở ẩm Mã Xuyên rồi, nhưng còn ba kẻ kia là ai thế?
Sĩ Trung khẽ đáp:
-Ðó là ba chủ trại ở ẩm Mã Xuyên đấy, đều là những cao thủ đấy.
-Thé thì vừa khéo! Năm chọi năm -Ân Cát nói.
-Ân sư huynh ạ! Huynh và đệ cùngVân Kỳ, ba chúng ta cố nhiên là không sợ gì bọn họ, nhưng còn Vân Dương và Thanh Văn thì còn non. Nên bất ngờ hạ thủ trước hai tên, ba tên còn lại dễ thanh toán hơn!
Ân Cát cau mày:
-Nếu giới giang hồ kháo nhau cánh Thiên Long Môn chúng ta có rình mò đánh trộm, há chẳng để thiên hạ cười nhạo chúng ta hay sao?
Sĩ Trung lạnh lùng đáp:
-Cứ giết sạch! Nhổ cỏ nhổ cả rễ, để báo thù cho Ðiền sư huynh! Chúng ta không nói ra chuyện này thì ai biết nữa mà ngại?
Ân Cát nói:
-Cha con họ Ðào có thật sự là khó đối phó không?
Sĩ Trung gật đầu, ngừng lại giây lát, nói tiếp:
-Nếu đấu tay đôi, thì đệ không dám chắc thắng.
Ân Cát biết từ khi chưởng môn phái Bắc Tông là Ðiền Quy Nông qua đời, thì chỉ còn có Sĩ Trung là cao thủ số một của môn phái. Nghe nói, khi Ðiền Quy Nông còn sống, cũng phải nể Sĩ Trung vài phần. Vừa nãy, khi so tài khinh công leo núi, hình như ông ta cũng có ý nhường mình, nên mới ở thế ngang tài ngang sức như vậy.
Nếu ông ta dốc toàn lực thì e mình thua mất, nghĩ vậy, bèn gật đầu:
-Ðệ chỉ là khách. Vậy Nguyễn sư huynh hãy quyết định đi!
Sĩ Trung nghĩ thầm ” hừ, vậy là nhà ngươi muốn làm anh hùng, còn để ta làm tiểu nhân đây ” và yên lặng.
Lúc này Tào Vân Kỳ mới đến. Lát sau, Chu Vân Dương, Ðiền Thanh Văn cũng lần lượt đến nơi, Sĩ Trung khẽ nói:
-Ân sư huynh, Vân Kỳ và tôi sẽ cùng phóng chùy tẩm độc hạ ba tên đứng gác đã,rồi chúng ta hãy vây đánh cha con họ Ðào.
Ba người chúng tôi ra tay rồi thì Vân Dương và Thanh Văn tiếp ứng luôn!
Bốn người nghe dặn dò xong, lập tức nhẹ bước khom người sau những tảng đá,tiến xuống thung lũng.
Ðiền Thanh Văn tiến theo sau Nguyễn Sĩ Trung, khẽ gọi:
-Nguyễn sư thúc!
Sĩ Trung dừng lại:
-Sao thế?
-Nên bắt sống cha con họ Ðào! -Thanh Văn nói.
Sĩ Trung gườm gườm, đôi mắt lộ đầy tròng trắng, giọng khẽ trầm hẳn xuống:
-Cháu lại còn định bênh vực cho thằng giặc Ðào Tử An à?
-Cháu vẫn có cảm giác không phải là anh ta -Thanh Văn nói.
Nguyễn Sĩ Trung đanh nét mặt, rút từ trong thắt lưng ra mũi tên buộc lông chim đưa cho Thanh Văn và nói:
-Cháu hãy so sánh xem! Ðây là mũi tên mà thằng giặc kia vừa nãy bắn con nhạn đấy!
Ðiền Thanh Văn cầm mũi tên, mới nhìn thoáng qua, bất giác hai tay run run, Tào Vân Kỳ đứng bên chỉ mải ngắm cô ta, không mấy để ý kẻ địch nữa.
Thấy Tử An phen này khó mà giữ được tính mạng; bực là vì thấy Thanh Văn còn bộc lộ tình ý sâu đậm với tên ấy.
Vân Kỳ tính tình nóng nẩy, càng nghĩ càng điên đầu, đang định nói mấy lời giễu cợt thì Nguyễn Sĩ Trung đã vỗ vào vai, chỉ tay về phía lưng người đang đứng gác ở mé Ðông.
Lúc này, Ðiền Thanh Văn và Chu Vân Dương đã rạp người xuống và dừng lại.
Sĩ Trung, Ân Cát, Vân Kỳ mỗi người phân công nhau nhằm vào một địch thủ, ai nấy đều cầm ba quả chùy độc, nhẹ bước tiến gần mục tiêu.
Thứ ám khí này là một tuyệt kỹ của Thiên Long Môn lưu truyền từ nhiều thế hệ, khi phóng đi vừa dễ trúng địch lại vừa nhanh, có chất độc rất mạnh, ai bị ném trúng, chỉ ba canh giờ là chết, lợi hại vô cùng, nên giớí giang hồ đặt tên nó là ” Truy mệnh độc long chùy “.
Tào Vân Kỳ nghĩ thầm: ” Sư thúc bảo mình hạ tên đứng phía Ðông, nhưng mình sẽ kết liễu thằng giặc Ðào Tử An trước, vừa là báo thù cho sư môn, vừa là nhổ được cái gai trước mắt.
Nếu cứ để cho sư thúc bắt sống nó, lần lừa ắt lắm chuyện, không hiểu sư muội còn gây thêm chuyện gì nữa đây?.
Quyết định như thế rồi, anh ta tiến càng gần, cách chừng không tới năm chục bước chân thì nằm rạp xuống theo dõi chặt tấm lưng Ðào Tử An đang nhấp nhổm.
Chỉ đợi Nguyễn Sĩ Trung vẫy tay ra lệnh là cả ba quả chùy sẽ lập tức cùng ném ra.
Bỗng nghe ” choảng ” một tiếng, lưỡi cuốc trong tay Ðào Tử An bổ trúng một vật bằng sắt trong hố đất.
Nguyễn Sĩ Trung đã giơ tay trái, sắp sửa phát lệnh thì bỗng nghe mấy tiếng “vút… vút.. ” từ trong đống tuyết bên cạnh đột nhiên bay ra bảy,tám mũi ám khí nhằm về phía bọn Ðào Tử An năm người.
Những mũi ám khí này như đột nhiên trong lòng đất đi ra, không hề có một dấu hiệu khả nghi gì cả.
Thật là lạ lùng ngoài sức tưởng tượng. Cha con họ Ðào quả là võ công phi thường. Tuy ám khí được phóng ra ở khoảng rất gần và bất ngờ vô cùng, song họ rất nhanh giơ cuốc xẻng lên gạt được hết cả!
Một trong ba người đứng canh ngửa người lăn xuống rãnh tránh hai mũi tên nhỏ bay sạt qua đầu và bên cổ, may mắn thoát chết.
Còn hai người kia thì một trúng phi tiêu, một trúng phi đao đều vào phía sau tim,gục ngay trên mặt tuyết không kịp kêu lấy một tiếng.
Sự việc diễn ra quá nhanh. Cha con họ Ðào tất nhiên hoàn toàn bất ngờ, mà ngay cả bọn Nguyễn Sĩ Trung cũng vô cùng kinh ngạc.
Cha của Ðào Tử An, tức Trấn Quan Ðông Ðào Bách Tuế chửi mắng:
-Lũ chuột nào dám giở trò cắn trộm thế hả?
Giọng lão vang rền như sấm, dũng mãnh vô cùng. Từ trong đám tuyết bên cạnh có bốn người nhảy ra, đao kiếm lấp loáng. Bốn người này vốn sớm biết cha con họ Ðào thế nào cũng đến đây, nên đã đào hố để nấp và chờ đợi mấy ngày nay rồi. Họ ngồi rình trong hố, trên cành lá có tuyết phủ kín, chỉ để hở vài lỗ nhỏ để thở, nên ai mà được?
Cha con họ Ðào buông ngay cuốc xẻng xuống, vội lấy binh khí giắt bên mình ra.
Ðào Bách Tuế sử cây roi sắt nặng mười sáu cân, còn Ðào Tử An có một thanh mã tấu. Còn người lăn xuống khe núi là Mã trại chủ vì sợ bên địch đuổi theo tấn công nên tiếp tục lăn thêm mấy vòng nữa mới nhổm dậy. Mã trại chủ tay vẫn cầm một đôi xích chùy.
Phía bên kia, người thứ nhất xông ra gầy gò đen nhẻm. Ðó là Hùng Nguyên Hiến, Tổng tiêu đầu của tiêu cục Bình Thông ở Bắc Kinh. Người này tinh thông môn Ðịa Ðường Ðao.
Sơn trại ẩm Mã Xuyên đã rừng cướp mất của ông ta một chuyến hàng lớn mà ông ta nhận trách nhiệm bảo vệ.
Hùng Nguyên Hiến đã giở hết mọi mưu lược ra mà không sao đòi lại được.
Bởi thế hai bên vẫn thù oán nhau. Người tiếp theo là một phụ nữ chừng ba hai,ba ba tuổi.
Mã trại chủ nhận ra đó là Song Ðao Trịnh Tam Nương. Chồng bà ta vốn là một tiêu đầu của tiêu cục Bình Thông, đã bỏ mạng vì trúng đao khi bị Trại chủ ẩm Mã Xuyên cướp hàng hồi nào.
Người thứ ba là một hoà thượng to béo, tay cầm giớí đao và một người nữa sắc mặt đỏ tía sử dụng một đôi gậy sắt. Không rõ hai người này ai, có lẽ họ đều là các cao thủ mà tiêu cục Bình Thông mời đến mai phục ở đây để báo thù xưa.
Ðào Bách Tuế quát lớn:
-Tưởng là ai . Hoá ra là tên bại tướng dưới tay lão phu! Ngoài loài chuột họ Hùng kia, có ai trong giới võ lâm giở trò bẩn thỉu này ra nữa?
Tuy đây là lời chỉ mắng Hùng Nguyên Hiến, song Ân Cát nghe xong bất giác cũng đỏ mặt.
Liếc nhìn Sĩ Trung, thấy ông ta chăm chú quan sát cả hai bên đang đối mặt nhau dưới thung lũng, hình như không nghe thấy mấy câu này.
Hùng Nguyên Hiến nói giọng nhỏ nhẹ:
-Ðào trại chủ! Tại hạ xin giới thiệu vị này là Tĩnh Trí đại sư ở chùa Bách Hội,tỉnh Sơn Ðông. Còn vị này là Lưu Nguyên Hạc đại nhân, là thị vệ hạng nhất ở kinh, sư huynh dồng môn với tại hạ. Mong hai bên sẽ làm quen với nhau.
Ðào Bách Tuế thân hình cao lớn, giọng nói như sấm rền, còn Hùng Nguyên Hiến dường như tương phản. Một người thì cứng rắn, một người thì mềm dẻo, cứ như là trời sinh ra để mà đối chọi với nhau.
Ðào Bách Tuế mắng luôn:
-Ðồ nhãi nhép! Hãy cùng ra tay đi! Chúng ta sẽ làm quen bằng binh khí vậy!
Thế là vung roi sắt quật dứ vào khoảng không, thành tiếng rít vù vù, đủ thấy thần lực kinh người.
Hùng Nguyên Hiến vẫn thản nhiên nói khẽ:
-Tại hạ là bại tướng dưới tay của Ðào trại chủ, đâu dám đọ sức. Tại hạ chỉ xin ban cho một thứ thôi!
-Thứ gì? -Ðào Bách Tuế gằn giọng.
Hùng Nguyên Hiến chỉ vào cái hố đang đào dở nói:
-Chính là cái thứ ở đấy này!
Ðào Bách Tuế khẽ vuốt chùm râu rậm màu xám bạc, không nói không rằng, vụt thẳng một roi.
Hùng Nguyên Hiến né người tránh được, kêu lên:
-Xin hãy khoan đã!
-Ngươi còn định nói gì nữa? -Bách Tuế quát.
-Tại hạ đã đợi ở đây ba ngày ba đêm, để chờ Ðào trại chủ đến -Nguyên Hiến trả lời .
Nếu không nể mặt Ðào trại chủ và công tử, thì tại hạ đã sớm lấy nó đi rồi.
Những đồ vật ở đây vốn không phải là của ẩm Mã Xuyên, mà xưa nay vẫn do Thiên Long Môn cai quản.
Nay dẫu có đổi chủ, cũng không có gì không ổn.
Ðào Tử An nói:
-Hùng tiêu đầu nói năng hay nhỉ? Mênh mông ngàn dặm tuyết băng ở vùng núi này… nếu các ngươi đã sớm biết chỗ chôn, sao không lấy trước đi?
Trịnh Tam Nương nóng lòng báo thù cho chồng, bèn nói luôn:
-Dài lời mà làm gì? Ra tay đi thôi!
Dứt lời phi luôn ba mũi phi đao ” vù vù vù ” nhằm vào Mã trại chủ.
Mã trại chủ vung đôi thiết chuỳ gạt rơi được hai mũi, còn mũi thứ ba bay quá nhanh sắp cắm vào ngực, khiến Mã trại chủ vội choãi hai tay làm sợi xích nối đôi chuỳ vắt ngang ngực, vừa khéo chắn được mũi đao. Mã trại chủ co chùy bên trái, vung chùy bên phải vụt lại Trịnh Tam Nương.
Trịnh Tam nương nhanh nhẹn hạ thấp người cúi đầu né tránh, song đao múa tít theo thế ” gió xoáy ” đâm thẳng vào bụng họ Mã.
Mã trại chủ vung chùy trái phá được thế đao đó.
Khi thấy hai người đọ sức, Tĩnh Trí hòa thượng liền vung giới đao bổ thẳng vào Ðào Bách Tuế.
Trấn Quan Ðông không hề né tránh mà vung ngang roi đánh luôn; roi sắt va vào giới đao toé ra những đốm hoa lửa. Hòa thượng thấy cánh tay tê dại, lưỡi đao bị mẻ mất một miếng.
Ðào Tử An múa đao xông vào Hùng Nguyên Hiến, thế là sáu người chia thành ba đôi quyết lấy tính mạng nhau trên vùng đất đầy tuyết phủ.
Lưu Nguyên Hạc cầm dôi gậy sắt đứng ngoài quan ải thấy hoà thượng không phải là đối thủ của Ðào Bách Tuế, bèn gọi to:
-Ðại sư hãy lui ra, nhường lại cho tôi gặp Trấn Quan Ðông!
Song, hòa thượng vẫn còn ham đánh, Lưu Nguyên Hạc bèn bước vội lên, dùng tay phải đập mạnh vào vai làm hòa thượng loạng choạng ngã nhoài ra chừng ba bước chân.
Bỗng hòa thượng nghe tiếng rít gió của lưỡi đao bổ xuống, vội rụt đầu tránh ra. Thì ra Ðào Tử An nhận thấy hoà thượng ngã bèn bổ ngay một nhát.
Tĩnh Trí hòa thượng hú vía, người vã mồ hôi, hầm hầm nổi giận vác giới đao trợ chiến cho Hùng Nguyên Hiến đánh Ðào Tử An.
Lưu Nguyên Hạc võ công hơn hẳn sư đệ, dẫu roi sắt của Ðào Bách Tuế có quét ngang dọc, Nguyên Hạc vẫn vững vàng đón đánh. Gậy sắt giơ thẳng đứng, roi sắt va đánh ” choang ” một tiếng.
Nguyên Hạc điềm nhiên thấp cây gậy sắt bên phải chặn ngang thân roi sắt của đối phương, rồi vung gậy trái bổ vào đầu.
Ðào Bách Tuế mới đọ có vài chiêu với Nguyên Hạc biết ngay hôm nay mình gặp phải kình địch, bèn dốc hết tinh thần giở tuyệt kỹ Lục Hợp Tiên Pháp, một roi quyết đấu ngang ngửa với hai gậy của Nguyên Hạc.
Sau một hồi nữa, Lưu Nguyên Hạc dần áp đảo.
Bách Tuế chỉ còn nặng về chống đỡ, rất ít đánh trả được.
Riêng Ðào Tử An phải một chọi hai nên bị dồn vào thế bí, chỉ trông chờ vào điều duy nhất là Mã trại chủ mau hạ được đối thủ là Trịnh Tam Nương để sang đánh Hùng Nguyên Hiến thì bản thân mới có cơ hạ được vị hoà thượng. Song hình như Trịnh Tam Nương cũng đã nhận rõ tình thế cuộc chiến, thấy rằng chỉ cần mình gắng sức đánh thì chắc chắn cha con họ Ðào sẽ lần lượt bỏ mạng phen này.