• 1 •
BẢN TIN BUỔI SÁNG, NHẬT BÁO TOKYO
Tokyo, 20/4/2000 – Thi thể một phụ nữ vừa được phát hiện ở căn hộ số 103, chung cư Green Villa, đường Maruyama, quận Shibuya ngay sau sáu giờ chiều ngày 19 tháng Tư. Người quản lý tòa nhà đã lập tức gọi điện cho cảnh sát sau khi phát hiện ra thi thể này.
Phòng Điều tra của Cảnh sát Thành phố đang phối hợp với cảnh sát quận Shibuya tiến hành làm rõ vụ việc và xác nhận nạn nhân là Kazue Sato, 39 tuổi, thường trú tại Kira-Toriyama, quận Setagaya, nhân viên của Công ty Xây dựng và Kiến trúc G.
Dựa vào những dấu vết để lại trên cổ nạn nhân, Cảnh sát Điều tra đã đưa ra kết luận đây là một vụ án mạng, nạn nhân chết do bị bóp cổ. Một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Theo các báo cáo ban đầu, nạn nhân được nhìn thấy lần cuối cùng khi rời khỏi nhà vào khoảng bốn giờ chiều ngày 8 tháng Tư, không rõ là đi đâu.
Thi thể của nạn nhân được phát hiện trong một căn phòng nhỏ bỏ trống từ tháng Tám năm ngoái. Cửa ra vào không khóa, xác nạn nhân nằm ngửa trên sàn nhà. Túi xách của nạn nhân được tìm thấy tại hiện trường, trong ví không có tiền. Được biết nạn nhân có mang theo trong người khoảng 40 nghìn yen khi rời khỏi nhà. Trên người nạn nhân vẫn mặc bộ quần áo hôm mất tích.
Cô Sato vào làm ở Công ty Xây dựng và Kiến trúc G sau khi tốt nghiệp đại học Q năm 1984. Cô làm việc tại Phòng Nghiên cứu Chung với cương vị trợ lý điều hành. Độc thân, cô sống với mẹ và em gái.
Khi đọc mẩu tin này trên tờ Nhật báo Tokyo, tôi biết ngay đó chính là Kazue Sato bạn học cũ của tôi. Tất nhiên cái tên Kazue Sato không phải là hiếm và rất có thể tôi đã nhận nhầm. Nhưng không hiểu sao tôi tin là mình đúng. Không thể sai được. Tại sao tôi lại có thể chắc chắn như vậy? Là vì gần hai năm trước đó, không bao lâu sau khi Yuriko chết, Kazue đã gọi điện cho tôi. Đó là cú điện thoại cuối cùng mà tôi nhận được từ cô ta.
“Tớ đây,” cô ta nói. “Kazue Sato. Này, tớ nghe tin Yuriko bị sát hại.”
Đây cũng là lần đầu tiên cô ta nói chuyện lại với tôi kể từ khi ra trường.
“Thật là một cú sốc lớn!”
Tôi cũng thấy sốc nhưng không phải vì cái chết của Yuriko hay việc Kazue tự dưng gọi điện cho tôi. Mà đúng hơn là do tôi nghe thấy tiếng Kazue đang cười ở đầu dây bên kia, điều đó khiến tôi bất an. Tiếng cười trầm, lào xào, nghe như tiếng ong kêu vo ve. Có lẽ cô ta làm thế để trấn an tôi nhưng tôi cảm thấy tiếng cười kỳ quái của cô ta như đang ngấm vào tay tôi qua ống nghe điện thoại. Hình như tôi từng nói rằng cái chết của Yuriko không làm tôi ngạc nhiên cho lắm. Nhưng không hiểu sao vào lúc đó, chỉ giây phút đó mà thôi, tôi đột ngột cảm thấy lạnh sống lưng.
“Có gì mà cười ghê thế?” Tôi hỏi.
“Chả có gì.” Cô ta thản nhiên trả lời. “Chắc bạn rất buồn đúng không?”
“Không hẳn.”
“À, ừ.” Giọng của Kazue cho thấy cô ta vẫn luôn nhận biết được thái độ của tôi. “Tớ nhớ rằng bạn và Yuriko không gần gũi nhau lắm, cứ như chả có quan hệ máu mủ gì. Người khác có khi chả nhận ra hai người là chị em ruột nhưng tớ nhìn cái là biết.”
“Thế bạn gọi tôi có chuyện gì?”
“Đoán xem.”
“Nghe nói sau khi ra trường, bạn kiếm được việc làm ở một công ty xây dựng.”
“Bạn có ngạc nhiên không nếu tớ nói cho bạn biết rằng tớ cũng làm công việc giống như của Yuriko?”
Vẻ đắc thắng trong giọng nói của Kazue khiến tôi không biết trả lời thế nào. Thật khó hình dung mối liên hệ giữa cuộc sống hiện nay của Kazue và những từ như đàn ông, mãi dâm hay tình dục. Nghe nói cô ta làm việc cho một công ty có tiếng và là một người phụ nữ có sự nghiệp, công danh. Khi thấy tôi chần chừ chưa trả lời, cô ta bồi cho tôi thêm một nhát nữa trước khi gác máy: “Nhưng tớ thì tớ sẽ thận trọng hơn.”
Tôi đứng lặng hồi lâu nhìn chằm chằm vào chiếc ống nghe tự hỏi không biết có phải cái người vừa nói chuyện đúng là Kazue. Có thể là ai đó mạo danh cô ta? Kazue mà tôi biết không khó hiểu như vậy. Cô ta luôn có kiểu nói chắc như đinh đóng cột rất ngạo đời nhưng đồng thời luôn lo lắng theo dõi phản ứng của người nghe vì sợ bị bắt lỗi. Cô ta vô cùng phách lối khi nói về những vấn đề mang tính học thuật. Nhưng nếu cuộc nói chuyện chuyển sang các đề tài khác như xu hướng thời trang mới nhất, quán ăn hay bạn trai thì cô ta lập tức tắt ngấm, từ bỏ thế thượng phong và trở nên mờ nhạt. Đó mới chính là Kazue mà tôi biết. Quá tự tin đồng thời quá tự ti, tôi gần như cảm thấy thương hại cho cô ta. Nếu Kazue thay đổi, nghĩa là cô ta đã tìm được cho mình một thứ vũ khí mới để chống chọi với thế giới.
Đây mới chính là chuyện các bạn muốn nghe, đúng không? Dĩ nhiên là tôi vẫn có ý định nhân lúc thích hợp sẽ quay trở lại với nội dung chính của câu chuyện xoay quanh Yuriko và Kazue nhưng rồi lại cứ tiếp tục lạc đề. Tôi xin lỗi. Tất cả những chuyện ngoài lề về bản thân tôi đều không có gì dính dáng tới câu chuyện tôi định kể. Hẳn tôi đã làm các bạn ngán tới tận cổ và chắc các bạn sẽ thích thú hơn nếu được nghe kể về Yuriko và Kazue.
Nhưng có điều gì ở hai người đó khiến bạn quan tâm chứ, tôi xin mạn phép hỏi? Tôi biết là tôi từng đặt ra câu hỏi ấy chỉ vì tôi vẫn không tài nào hiểu nổi tại sao mọi người lại phát sốt lên vì hai người đó. Không biết có phải là vì người đàn ông bị buộc tội đã sát hại hai người đó, tên hắn ta là Zhang thì phải, quốc tịch Trung Quốc đã nhập cư vào Nhật một cách bất hợp pháp? Hay là vì những lời đồn cho rằng Zhang đã bị buộc tội oan?
Hay bạn có thể cho rằng Kazue, Yuriko và người đàn ông đó đều bị lôi kéo bởi những dục vọng đen tối của riêng họ? Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi dám chắc rằng Kazue và Yuriko hẳn thích thú với những gì họ đã làm, và cả Zhang cũng thế. Không, không, thậm chí tôi cũng không biết anh ta có đúng là kẻ sát nhân hay không – và tôi cũng chả muốn biết làm gì.
Nhưng việc anh ta có quan hệ với cả Yuriko và Kazue thì có thể là thật. Không phải là anh ta nói đã mua họ rất rẻ hay sao? Chỉ có hai hay ba nghìn yen. Nếu quả thật như vậy thì anh ta chắc phải có cái gì đó mà họ muốn, Yuriko và Kazue làm vậy hẳn phải có lý do. Điều đó cũng lý giải việc tại sao tôi lại cho rằng họ hẳn thích thú quan hệ với anh ta. Nếu không thì tại sao họ lại bán thân rẻ mạt đến như vậy? Hay đó chính là cái vũ khí mà họ dùng để gây chiến với cả thế giới? Cái thứ vũ khí mà tôi đã từng nhắc tới khi nói về Kazue ở trang trước. Nếu đúng là vậy thì phương thức của họ thực sự đã vượt xa khả năng của tôi.
Trong suốt ba năm tôi học cùng Kazue Sato ở trường trung học và bốn năm đại học, gia đình tôi đã trải qua những thay đổi ghê gớm. Nguyên do lớn là việc mẹ tôi tự sát ở Thụy Sĩ ngay trước kỳ nghỉ hè năm thứ nhất của tôi ở trường trung học. (Tôi tin rằng tôi đã cho các bạn xem lá thư cuối cùng của mẹ tôi, có đúng vậy không? Tôi sẽ kể cho các bạn nghe thêm về mẹ tôi vào lúc thích hợp.)
Kazue cũng trải qua những biến cố tương tự. Bố cô ta đột ngột qua đời khi cô ta đang học đại học. Thời điểm đó thì tôi và cô ta không còn hay gặp nhau nữa nên tôi cũng không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra nhưng hình như ông ấy bị xuất huyết não và quỵ trong buồng tắm. Vì lý do này mà hoàn cảnh gia đình cũng như chỗ đứng của Kazue ở trường cũng không khác tôi là mấy.
Tôi đang nói tới chỗ đứng của chúng tôi ở trường, và tôi nghĩ là đúng khi nói trong trường chỉ cô ta và tôi từng trải qua những trải nghiệm rất khác với bất kỳ ai khác. Thành thử có vẻ như sẽ là hoàn toàn tự nhiên khi hai chúng tôi bị cuốn hút vào nhau.
Kazue và tôi đều vào được hệ thống trường Q nhờ vượt qua kỳ thi đầu vào ở bậc trung học. Chắc các bạn cũng biết trường trung học nữ sinh Q là một ngôi trường cạnh tranh khốc liệt và chỉ nhận những học sinh đỗ đầu. Kazue hẳn đã học hành rất chăm chỉ từ khi còn ở trường cấp hai nên đã thi đỗ. Còn tôi thì không hiểu là do may mắn hay do số phận mà cũng vượt qua được kỳ thi tuyển sinh. Tất nhiên động cơ khiến tôi bằng mọi cách phải thi đỗ là để tránh xa Yuriko chứ không phải vì cá nhân tôi đặc biệt ưa thích trường trung học nữ sinh Q. Nhưng Kazue thì khác. Thậm chí ngay từ hồi tiểu học, Kazue đã đưa trường Q vào tầm ngấm, có lần cô ta nói với tôi rằng việc cô ta dành toàn tâm toàn ý vào học hành chính là để đạt được mục tiêu đó. Và đây chính là điểm khác biệt giữa tôi và Kazue, một điểm khác biệt rất lớn.
Hệ thống trường Q bắt đầu từ cấp tiểu học lên tới đại học, nghĩa là những ai vào được trường ngay từ đầu, tức là từ bậc tiểu học, hầu như đều dễ dàng thẳng tiến tới đại học mà không cần phải vượt qua những kỳ thi đầu vào áp lực khủng khiếp nữa. Cơ chế trường học đặc biệt kiểu này được ví như một kiểu “thang cuốn”. Ở bậc tiểu học người ta tuyển sinh cả nam và nữ, giới hạn đầu vào ở con số 80 học sinh. Ở bậc phổ thông cơ sở con số này tăng lên gấp đôi và ở bậc trung học cũng vậy, số lớp học lại nhân lên thêm hai lần nữa. Nhưng ở bậc trung học, người ta bắt đầu chia nam nữ ra học riêng. Như vậy khi một niên khóa mới bắt đầu, trong số 160 nữ sinh của trường trung học Q bao giờ cũng có một nửa là mới vào học ở bậc trung học, còn lại là đã học ở đây từ trước, từ bậc tiểu học hay trung học cơ sở.
Bậc đại học thì khác, trường đại học Q nhận sinh viên từ khắp nơi ở Nhật và số lượng những người nổi tiếng tự nhận từng học ở trường thì lớn không đếm nổi. Trường đại học Q nổi tiếng tới mức chỉ nghe nhắc tới tên thôi, tất cả những người bạn lớn tuổi của ông ngoại đều há miệng ra vì thán phục. Đó là vì không phải ai cũng được nhận vào trường đại học này. Chính vì vậy mà những ai ghi danh vào hệ thống trường này để cuối cùng có thể leo lên học tại đại học Q danh tiếng đều cảm thấy vinh dự. Học sinh gia nhập hệ thống này càng sớm thì càng có ý thức mạnh mẽ hơn về sự ưu việt của mình.
Cũng chính vì hệ thống thang cuốn này mà các phụ huynh có nhiều tiền đều tìm mọi cách để cho con cái của họ ghi danh vào trường này từ bậc tiểu học. Nghe nói việc chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào ở bậc phổ thông căng thẳng tới mức có thể làm cho người ta phát điên. Tất nhiên tôi không có con cũng như có liên hệ gì với chuyện này nên không thể nói thực hư ra sao.
Khi tạo ra những đứa con trong tưởng tượng, liệu có lúc nào tôi nghĩ tới việc cho chúng vào học ở trường Q từ bậc tiểu học? Hẳn các bạn sẽ hỏi thế phải không? Không hề. Sẽ không bao giờ có chuyện đó. Những đứa con của tôi sẽ chỉ suốt ngày bơi trong một đại dương tưởng tượng. Nước biển có một màu xanh tuyệt mỹ giống như những bức tranh minh họa giả thiết những di chỉ hóa thạch kỷ Cambrian. Ở đó, dưới thềm cát của đại dương mênh mông, giữa những vách đá lởm chởm mọi sinh vật chỉ làm một việc duy nhất là đấu tranh để sinh tồn và sinh đẻ. Đó là một thế giới vô cùng giản đơn.
Khi mới chuyển tới nhà ông ngoại, tôi đã mơ mộng rất nhiều về cuộc sống của tôi với tư cách là học sinh của trường trung học nữ Q tiếng tăm. Trí tưởng tượng của tôi cứ bay bổng từ cảnh tượng này sang cảnh tượng khác. Tôi đắm mình trong những hình ảnh tưởng tượng đó, chúng khiến tôi vô cùng thích thú. Tôi sẽ tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, kết bạn và sống một cuộc sống bình thường như những người khác. Nhưng thực tế đã xé tan những giấc mơ ấy ra từng mảnh. Trên thực tế, đó chính là những điều mà tôi đã không làm. Bạn thấy đấy, người ta không thể kết bạn với bất cứ ai. Thậm chí các hoạt động câu lạc bộ cũng phân chia thứ hạng, cấp bậc rất rõ ràng, có câu lạc bộ ai cũng thèm muốn được gia nhập và những câu lạc bộ bị gạt ra ngoài lề. Dĩ nhiên ý thức về sự ưu việt chính là yếu tố quyết định sự phân cấp này.
Giờ đây nghĩ lại mới thấy điều đó thật rõ ràng. Có những đêm tôi nằm trằn trọc trên giường và vì một lý do nào đó nhớ tới những chuyện Kazue đã làm trước đây và đột ngột hiểu ra tại sao cô ta lại có những hành động như vậy. Đây là những phát hiện rất bất ngờ, giống như trong giai thoại “eureka”. Tôi lại bắt đầu lan man mất rồi nhưng tôi thấy cần phải kể cho các bạn thêm về những trải nghiệm của tôi ở trường trung học.
Hãy bắt đầu với lễ khai giảng. Tôi vẫn còn nhớ cái vẻ sững sờ câm lặng của đám học sinh mới đứng im không dám nhúc nhích trong hội trường. Học sinh năm thứ nhất chia làm hai nhóm rõ ràng, nhóm học sinh cũ từ trường phổ thông cơ sở Q chuyển lên và nhóm học sinh mới từ bên ngoài chuyển vào. Chỉ liếc qua cũng có thể phân biệt được ngay nhóm nào với nhóm nào. Sự khác biệt giữa chúng tôi chính là độ dài của chiếc váy đồng phục.
Chúng tôi, những học sinh bắt đầu năm đầu tiên ở đây do vừa thi đỗ đầu vào đều mặc những chiếc váy dài tới giữa khoeo chân theo đúng nội quy của trường. Nhưng học sinh cũ đã ở đây từ bậc tiểu học hay phổ thông cơ sở đều mặc váy ngắn ngang đùi. Tất nhiên là không giống những chiếc váy ngắn cũn cỡn như cởi truồng của đám con gái ngày nay. Mà đó là những chiếc váy ngắn vừa phải, cân xứng một cách hoàn hảo với tất chân dài màu xanh hải quân loại đắt tiền. Chân của họ dài và thon thả, tóc đều nhuộm màu hạt dẻ, tai đeo khuyên vàng lấp lánh. Cặp tóc, túi xách hay khăn quàng cổ của họ trông rất bắt mắt, tất cả đều là hàng hiệu mà tôi chưa từng bao giờ được nhìn tận mắt như thế này. Sự tinh tế lịch lãm của họ khiến đám học sinh mới tới hoàn toàn bị choáng ngợp.
Sự khác biệt đó thật không dễ dàng phai nhạt với thời gian. Chỉ có thể giải thích rằng đám con gái mới đến không có được những thứ mà tụi con gái kia đã sở hữu từ lúc lọt lòng, đó là nhan sắc và quyền lực. Chúng tôi, những đứa con gái mới đến, đều lập tức bị phơi bày bởi vẻ ngoài của mình, những chiếc váy quá dài và những mái tóc cắt ngắn, đen đúa, tẻ nhạt. Rất nhiều người trong số chúng tôi đeo kính cận dày cộp. Nói tóm lại, đám học sinh mới trông rất nhà quê.
Không gì có thể cứu vãn được một đứa con gái bị dán nhãn nhà quê cho dù nó có học giỏi hay chơi thể thao xuất sắc tới đâu đi nữa. Với một đứa như tôi thì ngay từ đầu, nhà quê hay sành điệu chả có gì quan trọng. Nhưng có một số học sinh lại phát sốt lên vì điều đó. Có thể nói hơn một nửa số học sinh mới tự nhận thấy nguy cơ bị xếp vào dạng nhà quê. Thế nên mỗi người trong bọn họ đều cố gắng hết sức để tránh bị liệt vào đó và tìm mọi cách để hòa nhập với đám học sinh cũ.
Lễ khai giảng bắt đầu. Chúng tôi, những kẻ mới đến, đón lấy từng lời phát biểu một cách trang trọng. Trong khi đó, những học sinh cũ chỉ giả vờ lắng nghe. Họ nhai kẹo cao su, thì thầm tán dóc và hành xử như thể mọi chuyện đang xảy ra chả có gì liên quan tới họ. Họ không tỏ ra nghiêm túc chút nào, vui vẻ đùa giỡn như mèo con, đài các không chịu nổi. Thậm chí họ không thèm liếc về phía chúng tôi lấy một lần.
Ngược lại những kẻ mới đến nhìn thái độ đó mà càng thêm lo lắng. Họ bắt đầu nghĩ tới những khó khăn đang trải ra trước mắt. Những khuôn mặt thất thần, càng lúc càng tối sầm lại. Hoảng loạn, họ bắt đầu tỏ ra nghi ngờ tính hiệu lực của những quy luật mà họ vẫn tuân thủ bấy lâu. Ở đây họ sẽ phải học lại mọi thứ.
Có lẽ bạn cho rằng tôi đang phóng đại. Nếu vậy thì bạn thật lầm lẫn. Đối với một cô gái, dáng vẻ bên ngoài thật có sức trấn áp mạnh mẽ. Một cô gái dù thông minh đến đâu, có nhiều tài năng thế nào, người ngoài khó mà nhìn thấy ngay được. Tài năng và trí tuệ sẽ không bao giờ đấu nổi một nhan sắc lồ lộ.
Tôi biết là tôi thông minh hơn Yuriko gấp nhiều lần và điều đó khiến tôi day dứt mãi vì tôi chẳng thể gây ấn tượng với người khác bằng đầu óc của mình. Trái lại, Yuriko đã luôn gây ấn tượng mạnh mẽ đối với bất cứ ai gặp nó chỉ vì một khuôn mặt đẹp mê hồn mặc dù đầu rỗng tuếch. Cũng nhờ Yuriko mà tôi có được một tài năng thiên bẩm. Đó là nuôi dưỡng trong lòng một sự thù ghét không biên giới. Nhưng dù tài năng đó của tôi có vượt xa người khác thì nó cũng chỉ gây ấn tượng với mỗi tôi mà thôi. Tôi nâng niu nó, siêng năng rèn giũa nó mỗi ngày. Và vì sống cùng ông ngoại và thỉnh thoảng có dịp giúp đỡ ông làm những việc vặt vãnh kiếm tiền nên tôi hẳn khác với các học sinh xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh êm ấm. Cũng chính vì lý do này mà tôi có thể thích thú diễn vai một khán giả bên lề, quan sát những chuyện tàn nhẫn xảy ra trong lớp học.
Những ngày tiếp sau hôm khai giảng, ngày càng nhiều nữ sinh mới mặc váy ngắn tới trường.
Kazue là một trong những người đầu tiên. Nhưng giày và cặp sách của cô ta hoàn toàn không tương xứng với độ ngắn của chiếc váy khiến cô ta càng có vẻ của một kẻ ngoài cuộc. Những học sinh cũ, như bạn thấy đấy, không đeo những cặp sách bình thường. Họ tới trường vai khoác những chiếc túi nylon nhẹ hay những chiếc túi xách du lịch sang trọng vốn còn là của hiếm thời bấy giờ. Người thì đeo ba lô sản xuất tại Mỹ, người thì khoác những chiếc túi lớn. Chả biết có phải là túi Louis Vuitton hay không nữa? Tóm lại, trông họ giống hệt như sinh viên trên giảng đường chứ không phải nữ sinh trung học. Sành điệu hơn nữa, họ đều đi giày bệt màu nâu và tất dài màu xanh hải quân hiệu Ralph Lauren. Có những người đổi đồng hồ đeo tay mỗi ngày. Người khác thì để lộ những cái lắc bằng bạc – hẳn do bạn trai tặng – dưới cổ tay áo đồng phục. Rồi cả những cô gái dùng kẹp tóc nạm đá quý hay đeo nhẫn kim cương to như hạt thủy tinh. Mặc dù học sinh trung học thời đó không được phép dùng đồ trang sức một cách thoải mái như bây giờ, các cô gái đó vẫn tìm mọi cách để ganh đua với nhau xem ai là người sành điệu nhất.
Thế nhưng Kazue lúc nào cũng đeo một chiếc cặp sách màu đen và đi giày lười màu đen. Đôi tất dài quá gối màu xanh hải quân của cô ta cũng là loại tầm thường. Cái ví đựng thẻ màu đỏ của cô ta thì rõ là trẻ con cộng thêm những chiếc kẹp tóc đen sì, cô ta – nói cho gọn – đúng là đồ quê mùa. Cô ta len lỏi, đi lại như con thoi giữa đám đông trong hành lang nhằm che giấu đôi chân khẳng khiu chẳng lấy gì làm hấp dẫn của mình, trên vai đeo chiếc cặp sách tầm tầm.
Vẻ ngoài của cô ta hết sức bình thường. Tóc cô ta đen, rậm, che kín trán, giống như một cái mũ giáp, hai bên và đằng sau lại cắt quá ngắn để hở cả tai. Tóc gáy của cô ta dựng ngược lên y như lông gà mới nở. Trông cô ta cũng không hẳn xấu. Cô ta có vầng trán rộng, khuôn mặt thông minh, sáng sủa, mắt cô ta có cái vẻ tự tin của một học sinh giỏi xuất thân từ một gia đình có truyền thống. Thế nên tôi tự hỏi không hiểu cô ta bắt đầu có thói quen nhìn ngó mọi thứ xung quanh với vẻ rụt rè từ khi nào.
Sau khi Kazue bị giết, tôi có nhìn thấy một bức ảnh chụp cô ta trên một tuần san. Đó là bức ảnh chụp cô ta và một người đàn ông ở khách sạn. Một bức ảnh nói lên nhiều điều. Thân thể trần truồng gầy nhom của Kazue phơi ra trước con mắt hiếu kỳ của độc giả, miệng cô ta ngoác ra cười. Tôi nhìn chằm chằm vào tấm ảnh cố tìm dấu vết của một Kazue mà tôi từng biết nhưng tất cả những gì tôi tìm thấy chỉ là một hình ảnh đồi trụy, một sự đồi trụy không phải do ăn chơi phóng túng hay do ham muốn tình dục. Đó là sự đồi trụy của một con quỷ cái.
Khi mới vào học ở trường trung học nữ sinh Q, tôi không biết tên của Kazue và cũng chẳng muốn biết. Lúc đó tất cả học sinh mới đứng túm tụm với nhau, trông ai cũng giống ai, mệt mỏi nhếch nhác. Đối với những người ra sức học hành để thi vào được trường nữ sinh Q với hy vọng tài năng của mình được thừa nhận thì đây hẳn là một cú sốc lớn. Giờ đây tôi mới cảm thấy mình có thể hiểu được tâm trạng của Kazue lúc đó. Cô ta đã phải trải qua thời niên thiếu ở trường học trong sự bẽ bàng, tủi nhục. Cô ta hẳn đã rất khủng hoảng.
Các bạn muốn biết tôi đã gặp Kazue như thế nào phải không? Được thôi. Tôi biết Kazue nhờ một chuyện tình cờ. Đó là một ngày tháng Năm trời mưa. Lúc đó chúng tôi đang ở trong phòng tập thể dục. Đáng lẽ đó là buổi tập tennis nhưng vì trời mưa nên chúng tôi ở lại trong phòng và tập múa. Khi mọi người đang thay quần áo trong phòng để đồ thì một nữ sinh giơ một chiếc tất lên cao và nói to: “Chiếc tất này là của ai ấy nhỉ? Có ai bị mất một chiếc tất không?”
Đó là một chiếc tất màu xanh hải quân giống như mọi người thường mang. Chỉ có điều chiếc tất này còn có một cái logo Ralph Lauren màu đỏ ở trên cùng.
Mọi người đều tỏ ra dửng dưng. Chả ai tỏ vẻ quan tâm vì không giống như tôi, tất cả bọn họ đều có thể ra ngoài và mua ngay một đôi tất mới. Thế nên tôi mới lấy làm ngạc nhiên không hiểu tại sao cô gái kia lại làm ầm lên chỉ vì một chiếc tất bị thất lạc. Cô ta đưa nó cho mấy người bạn xem.
“Này, hãy nhìn nó mà xem. Nhìn đi.”
Tức thì tiếng cười vang lên khắp phòng. Các học sinh khác cũng lại gần để xem tạo thành một vòng tròn xung quanh người cầm chiếc tất.
“Hẳn là thêu tay nhá!”
“Đúng là tuyệt tác!”
Chủ nhân của chiếc tất hẳn đã lấy một chiếc tất màu xanh hải quân bình thường rồi thêu chỉ đỏ vào mép trên để trông giống như logo của nhãn hiệu Ralph Lauren.
Cô gái tìm thấy chiếc tất không tìm kiếm chủ nhân của nó vì mục đích tốt đẹp là trả lại chiếc tất. Cô ta chỉ muốn biết ai là chủ nhân của nó. Đó là lý do tại sao cô ta kêu ầm ầm lên như thế. Không ai tiến đến nhận lấy chiếc tất. Tất cả học sinh mới thay quần áo trong im lặng, những học sinh cũ cũng không nói gì. Thế nhưng trên khuôn mặt họ lộ rõ vẻ háo hức trông chờ màn kịch sẽ cởi nút trong tiết học tiếp theo.
Sau giờ thể dục là tiết học tiếng Anh. Phần lớn học sinh nhanh chóng thay đồ rồi chạy vội vào lớp, tâm trạng phấn khích. Lúc đó, ranh giới giữa học sinh cũ và mới không còn nữa. Khi muốn bắt nạt người khác, tất cả đều hùa về một phe.
Chỉ còn ba người ở lại trong phòng thay đồ, một học sinh cũ, Kazue và tôi. Kazue vẫn đang lần lữa, thậm chí còn có vẻ chậm chạp hơn mọi ngày. Và thế là tôi chợt nhận ra cô ta chính là chủ nhân của chiếc tất thêu logo rởm. Thế rồi cô gái thứ ba ở trong phòng đưa cho Kazue một đôi tất và nói: “Này, cầm lấy, bạn sẽ cần đến chúng.” Đó là một đôi tất màu xanh hải quân mới tinh. Kazue cắn môi, mặt đầy vẻ lo lắng. Tôi cho rằng cô ta không còn cách nào khác.
“Cám ơn.” Cô ta nói lí nhí.
Khi ba chúng tôi bước vào lớp, các bạn học hành xử như không hề có chuyện gì xảy ra. Sự thật về chủ nhân của chiếc tất thêu có lẽ sẽ không bao giờ được tiết lộ. Nhưng ai nấy đều cảm thấy khoái trá. Và những chuyện như thế còn tiếp tục xảy ra. Chuyện bé xé ra to, có những chuyện chẳng có gì nhưng do ác ý lan ra khắp trường, đôi khi trở nên vô cùng nghiêm trọng.
Thoát khỏi tai họa, Kazue tạo ra cho mình một vẻ mặt hết sức lãnh đạm. Cũng trong ngày hôm ấy, như thường lệ, cô ta lại giơ tay lên phát biểu và được gọi lên đọc một đoạn trong sách giáo khoa. Mặc dù trong lớp có những học sinh đã sống nhiều năm ở nước ngoài và nhiều người giỏi tiếng Anh, Kazue vẫn không hề nhụt chí. Không chần chừ, cô ta giơ tay xin phát biểu ý kiến đầy vẻ tự tin. Tôi nhìn sang cô gái vừa cho cô ta mượn tất lúc này đang tay chống cằm, nhìn quyển sách giáo khoa với vẻ buồn ngủ. Tôi không biết tên cô ấy nhưng đó là một cô gái xinh xắn mặc dù hàm răng hơi bị hô. Tại sao cô ta lại giúp Kazue ? Chuyện này làm tôi chưng hửng. Không phải vì tôi tán thành việc bắt nạt và các trò độc ác trong trường học. Cũng không phải vì tôi ghét Kazue. Tôi chỉ thấy Kazue thật khó chịu. Cô ta vừa làm một chuyện ngu ngốc đáng xấu hổ mà cứ giả như không có chuyện gì xảy ra. Hành động của cô ta thật là trơ trẽn. Còn cô gái kia, cô ấy muốn tỏ ra cao tay hơn, hay muốn tỏ ra mình là kẻ đồng lõa? Tôi cũng không biết nữa.
Sau tiết học trong lúc tôi đang lấy sách giáo khoa môn văn ra thì Kazue đi tới chỗ tôi.
“Về chuyện xảy ra lúc nãy.”
“Bạn định nói gì?”
Khi tôi làm ra vẻ không hiểu ý cô ta nói gì, mặt Kazue thoáng đỏ lên vì giận dữ. Cậu biết rõ là tớ định nói gì, cô ta hẳn đang nghĩ vậy.
“Chắc cậu cho là gia đình tớ đang gặp khó khăn.”
“Thực tình tớ chả quan tâm tới chuyện đó.”
“Tớ cũng nghĩ thế. Chỉ vì tớ chán tới tận cổ việc cứ phải nghe những điều nhảm nhỉ xung quanh việc có hay không có cái logo màu đỏ ngu xuẩn ấy.”
Tôi hiểu rằng Kazue thêu tất của mình không phải vì gia đình cô quá nghèo không đủ tiền mua tất mà chỉ vì sự duy lý của cô ta. Nhưng cái kiểu duy lý của Kazue, bằng mọi cách để thích ứng với tầng lớp giàu sang ở trong trường, thật là nực cười. Cô ta chả có chút cá tính nào của riêng mình. Vì thế mà trong trường chả ai ưa cô ta.
“Mọi chuyện chỉ có vậy thôi.”
Kazue nói rồi quay trở lại chỗ ngồi của mình. Tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là đôi tất mới tinh mà cô ta đang đi. Đó chính là dấu hiệu của sự giàu sang, là biểu tượng của trường trung học nữ sinh Q: đó là cái logo màu đỏ. Tôi tự hỏi không hiểu Kazue sẽ lại âm mưu chuyện gì nữa. Cô gái cho cô ta mượn tất đang cười đùa vui vẻ với các bạn nhưng khi bắt gặp ánh mắt của tôi thì cô ấy vội quay đi mặt cúi gằm xuống như thể bị bắt quả tang làm một việc gì đó đáng hổ thẹn.
Sau đó tôi thỉnh thoảng có nói chuyện với cô ấy. Cô ấy tên là Mitsuru và cô ấy vào trường Q hồi cấp hai.
Và năm học đầu tiên đã bắt đầu như thế, không có thỏa hiệp nào về sự khác biệt và khoảng cách giữa học sinh mới và học sinh cũ. Các học sinh cũ luôn túm tụm lại với nhau trong lớp học, đánh móng tay và cười đùa ầm ĩ. Tới giờ ăn trưa họ cũng ra ngoài ăn quán, tự do tự tại. Tan học, các cậu con trai bên trường nam sinh đến chờ họ trước cổng. Những cô gái có bạn trai lớn tuổi hơn là sinh viên đại học sẽ được rước đi bởi những chiếc xe BMW, Porsche và các loại xe nước ngoài đắt tiền khác. Những cậu trai đó cũng có một kiểu cách giống hệt những cô gái mà họ hẹn hò. Bọn họ hết thảy đều sành điệu, đầy vẻ tự tin do xuất thân giàu có. Một lũ đàng điếm.
Một tháng sau ngày nhập học, chúng tôi phải trải qua bài kiểm tra đầu tiên. Các học sinh mới quyết tâm không để bị qua mặt trong lĩnh vực sách vở. Họ đã chịu đựng quá nhiều áp lực từ những học sinh cũ. Một nhóm trong số họ học tập điên cuồng nhằm vượt qua những học sinh cũ với quyết tâm sắt đá. Nhưng không chỉ có họ, hầu như tất cả học sinh mới đều tỏ ra cực kỳ nghiêm túc trong việc chuẩn bị. Cuộc ganh đua càng trở nên quyết liệt vì chúng tôi nghe nói tên của mười người cao điểm nhất sẽ được niêm yết. Các học sinh mới coi đây là một cơ hội để lấy lại danh dự. Họ có thể sẽ tìm được một chỗ giữa những người giỏi giang nhất.
Riêng tôi ngay từ đầu đã xác định bài kiểm tra này chẳng có gì quan trọng. Vẫn còn đang ngây ngất sung sướng vì thoát khỏi Yuriko nên những chuyện ở trường không khiến tôi lo nghĩ nhiều. Chừng nào tôi chưa phải là đứa đội sổ thì kết quả thi cử đối với tôi thế nào cũng được, và vì vậy mà tôi chả thèm ôn luyện gì. Mà thậm chí cho dù tôi có đứng hạng bét đi nữa nhưng vẫn được ở lại trường thì cũng chẳng sao. Thế nên tôi cứ tà tà như trước, giống hệt như những học sinh cũ, chả quan tâm gì tới bài kiểm tra.
Ngày Chủ nhật trước hôm kiểm tra nghe nói tất cả học sinh cũ tụ tập tại ngôi nhà nghỉ mát của một người để trao đổi bài vở. Một lần nữa sự khác biệt giữa hai khối học sinh trong lớp học lại được thể hiện rõ rệt.
Một tuần sau đó, kết quả bài kiểm tra được công bố và niêm yết cho tất cả mọi người cùng xem. Phần lớn học sinh trong top mười đúng như các học sinh mới hình dung là người của bọn họ. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là trong ba người đứng đầu có một nữ sinh chỉ mới vào trường Q ở cấp hai. Đứng thứ năm là một nữ sinh học ở đây từ bậc tiểu học. Người có số điểm cao nhất chính là Mitsuru. Kết quả này đã gây ấn tượng sâu sắc đối với các học sinh mới. Mặc dù nhìn chung có kết quả tốt hơn những học sinh vào trường từ bậc tiểu học, họ lại thua kém những người vào đây hồi cấp hai. Nhóm học sinh giàu có, thanh lịch và nhiều sức hút nhất là nhóm học sinh vào trường từ bậc tiểu học. Nhóm học sinh có khả năng hòa nhập và học giỏi nhất là những người vào trường ở cấp hai. Nhóm học sinh vụng về thua kém nhất chính là những người mới vào học ở cấp ba. Kết quả này đã khiến cho những học sinh mới vào hoàn toàn vỡ mộng, một kinh nghiệm đau thương.
“Bạn không chơi tennis à?”
Mitsuru hỏi tôi trong giờ thể dục tiếp theo. Từ khi vào học, các học sinh cũ cũng thỉnh thoảng nói chuyện với tôi. Vào giờ tennis, những người trong đội tennis của lớp thường đứng ở giữa sân như thể sân tập là của họ. Những người không thích tennis hay những người không muốn bị cháy nắng sẽ ngồi buôn chuyện trên các ghế băng. Còn những học sinh không muốn ngồi ỳ ra một đống ở ghế băng như tôi thì đứng xung quanh hàng rào xích quanh sân bóng như thể chờ tới lượt mình. Còn Kazue thì sao, hẳn bạn sẽ hỏi thế đúng không? Cô ta đang đánh bóng ở sân bên cạnh với các học sinh mới. Cô ta rất ghét bị thua nên cô ta sẽ đuổi theo quả bóng với quyết tâm của một con chó săn với những tiếng gầm gừ, nạt nộ rất kỳ quặc. Những học sinh ngồi tán gẫu trên ghế băng thích thú với việc quan sát cô ta và tung ra những lời nhận xét đầy vẻ giễu cợt.
“Ừ, cái môn này tớ rất vụng,” tôi trả lời.
“Tớ cũng thế,” Mitsuru nói. Cô ấy có dáng người mảnh mai nhưng hai bầu má rất bầu bĩnh, cộng với hai chiếc răng thỏ nên khuôn mặt của cô ấy có vẻ gì đó giống với loài gặm nhấm. Mái tóc màu nâu của cô ấy xõa thành từng lọn nhỏ trên vai. Khuôn mặt lấm tấm tàn nhang của cô ấy trông rất đáng yêu. Mitsuru có rất nhiều bạn.
“Thế bạn giỏi môn gì?”
“Tớ chả giỏi môn gì cả,” tôi đáp.
“Thế lại giống tớ rồi,” Mitsuru vừa nói vừa lướt nhẹ những ngón tay mảnh mai trên tấm lưới của chiếc vợt tennis.
“Nhưng bạn học rất giỏi còn gì. Điểm của bạn cao nhất lớp, không phải vậy sao?”
“Có gì đâu,” Mitsuru nói, vẻ lãnh đạm. “Chỉ là một trò tiêu khiển ấy mà. Mục tiêu của tớ là trở thành bác sĩ cơ.” Cô nói rồi quay sang nhìn về phía Kazue lúc này đang mặc quần soóc với tất dài màu xanh hải quân.
“Tại sao bạn lại cho cô ta mượn tất?” tôi hỏi.
“Tớ cũng đang tự hỏi,” Mitsuru khẽ nghiêng đầu sang một bên. “Tớ không thích cái trò bắt nạt người khác.”
“Đấy gọi là bắt nạt ư?” Tôi nhớ lại cái vẻ thản nhiên của Kazue khi bước vào lớp học sau giờ thể dục lần trước. Tôi ngờ là cô ta cũng chẳng ý thức được việc Mitsuru cho mượn tất là để cứu cô ta khỏi bị bắt nạt. Còn lâu cô ta mới nghĩ được thế. Thậm chí nếu có ai phát hiện ra đó là tất của cô ta thì cô ta hẳn sẽ nhìn họ trừng trừng, mặt vênh lên đầy thách thức. Thì sao, chỉ là đôi tất thôi mà!
Mái tóc mềm mại của Mitsuru khẽ bay lên trong gió, tỏa ra một thứ hương thơm ngọt ngào. “Dĩ nhiên rồi, đó chính là một trò bắt nạt. Lấy sự nghèo khó của người ta ra để cười cợt,” cô nói.
“Nhưng bạn cũng phải thừa nhận rằng thêu logo rởm vào tất đúng là một hành động ngu ngốc,” tôi nói vẻ khó chịu để xem Mitsuru phản ứng thế nào.
“Đúng là thế. Nhưng bạn không thể hiểu cảm giác của cô ấy sao? Không ai muốn trở thành trò cười của thiên hạ như thế cả.”
Rồi không biết tiếp tục đối đáp thế nào với tôi, Mitsuru bối rối di di mũi chân xuống đất. Nữ sinh xuất sắc nhất năm thứ nhất trường trung học Q có vẻ sững sờ trước những gì tôi nói. Lòng tôi khẽ rung rinh vui sướng. Và tôi cảm thấy yêu mến Mitsuru.
“Tất nhiên là bạn nói đúng,” tôi nói. “Nhưng chắc gì cô ta đã nghĩ thế. Bên cạnh đó, cái mọi người cười là cái hành động thêu tất ngu ngốc chứ không phải họ có ý xấu gì.”
“Khi một nhóm người đoàn kết lại bằng một thỏa thuận ngầm và thống nhất hành động thì đó là hành vi đàn áp, bắt nạt.”
“Thế thì việc những học sinh vào trường từ trước âm mưu chống lại những học sinh mới thì sao? Sao không thấy ai nói gì, tất cả đều lờ đi? Mà bạn cũng là một người trong số họ đấy thôi?”
“Ừ, cái này thì cậu đúng,” Mitsuru khẽ thở dài. “Tớ cũng tự hỏi tại sao tất cả mọi người cứ cố tình lờ chuyện này đi,” cô nói, mấy ngón tay gõ gõ lên hai chiếc răng cửa vẻ suy ngẫm. Sau này tôi mới phát hiện ra rằng mỗi khi Mitsuru làm vậy là cô ấy đang suy tính nên giữ kín hay nói ra một chuyện quan trọng.
“Nhưng cũng không hẳn vậy, bạn cũng thấy đấy. Vì mọi người có điều kiện sống khác nhau. Xuất thân, hoàn cảnh khác nhau nên việc nhìn nhận giá trị sự vật của họ cũng khác nhau.”
“Hẳn rồi. Điều đó thì rõ như ban ngày,” tôi vừa nói vừa nhìn những cô gái trong đội tennis đang hớn hở giao những quả bóng màu vàng tươi qua lưới. Giày, vớ, quần áo và vợt của họ đều là đồ tậu riêng, khác xa với đồng phục của nhà trường. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những thứ đắt tiền như thế trước đây.
“Ở đây chúng ta có cả một xã hội phân tầng thu nhỏ với tất cả những hào quang gớm ghiếc của nó,” Mitsuru nói tiếp. “Không có nơi nào ở Nhật mà sự phân tầng lại thể hiện rõ rệt và kinh khủng như ở đây. Vẻ ngoài điều khiển tất cả. Đó là lý do tại sao những người nội kỳ và những người ở quỹ đạo quay xung quanh nó không bao giờ hòa làm một.”
“Nội kỳ là cái gì vậy?”
“Đó là những người học ở đây từ bậc tiểu học, những cô công chúa đích thực, con gái của các ông trùm tư bản công nghiệp. Cả đời họ sẽ không phải làm việc một ngày nào. Thực tế đối với họ phải đi làm là một điều nhục nhã.”
“Quan niệm đó không phải hơi cổ lỗ hay sao?” tôi nói vẻ khinh bỉ nhưng Mitsuru vẫn hào hứng giải thích.
“Dĩ nhiên là tớ đồng ý với bạn, đúng vậy. Nhưng đó là quan điểm về giá trị của những người nội kỳ. Nó có thể hơi lạc hậu nhưng vì họ cương quyết bảo vệ chúng nên những người khác không có cách nào khác là phải tuân theo.”
“Thế những người ở quỹ đạo xung quanh là ai?”
“Đó là con của những người làm viên chức,” Mitsuru nói, giọng buồn buồn. “Con gái của một người làm việc để có tiền lương sẽ không bao giờ trở thành người nội kỳ. Cô ta có thể thông minh hay có tài năng nổi bật đến đâu, thì điều đó cũng không giúp gì được. Người ta thậm chí còn chả thèm để ý đến. Nếu cứ tìm mọi cách luồn lách vào giữa bọn họ, cô ta sẽ bị họ chế giễu không ra gì. Hơn nữa, cho dù cô ta có thông minh nhưng không xinh đẹp mà lại quê mùa thì họ sẽ chỉ coi cô ta như rác rưởi mà thôi.”
Rác rưởi? Cái từ gì mà hay ho vậy? Tôi rõ ràng không phải người thuộc tầng lớp trên mà Mitsuru vừa nói. Tôi thậm chí còn không phải là con của một viên chức với một vị thế xã hội ổn định. Rõ ràng tôi không thuộc nhóm nội kỳ, cũng chẳng phải thành viên của nhóm quỹ đạo. Tôi thậm chí không biết liệu mình có được xếp vào cùng với các học sinh mới nữa hay không. Vậy thì tôi thậm chí còn thua cả rác rưởi? Hay số phận của tôi là đứng bên bờ của thiên đường và ngắm nhìn những sinh vật tiên cảnh quay cuồng trong ánh hào quang lấp lánh phía bên kia? Tôi cảm thấy như vừa phát hiện ra một niềm vui thú bí mật. Nghĩ mà xem, có lẽ đó chính là định mệnh của tôi.
“Chỉ có một cách để gia nhập nội kỳ, chỉ có mỗi cách đó thôi.” Mitsuru vừa nói vừa gõ ngón tay vào hai chiếc răng cửa.
“Là cách gì vậy?”
“Nếu như bạn sở hữu một sắc đẹp khuynh thành, họ có thể sẽ tạo ra ngoại lệ.”
Bạn có thể hình dung ra lúc đó tôi nghĩ gì chứ? Dĩ nhiên rồi. Tôi nghĩ ngay tới Yuriko. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Yuriko tới đây học? Làm gì có ai sánh được với sắc đẹp liêu trai của nó?
Tôi đang nghĩ về Yuriko thì Mitsuru ghé tai tôi nói thầm. “Tớ nghe nói bạn sống ở quận P. Có đúng vậy không?”
“Đúng thế. Tớ bắt tàu ở ga K.”
“Ở trường này không có một học sinh nào khác ở quận P. Mặc dù tớ có nghe nói vài năm trước cũng có một học sinh đến từ khu vực quanh đó.”
Nơi tôi sống trước kia vốn là biển. Đó là một nơi tuyệt đẹp với những khu phố được xếp đặt rất gọn gàng, chủ yếu dành cho người lớn tuổi. Nhưng nó không được thuận tiện lắm, nhất là cho một học sinh hằng ngày phải bắt tàu tới học ở một trường danh tiếng như trường Q.
“Tớ sống với ông ngoại trong một căn hộ do chính phủ bao cấp,” tôi nói với Mitsuru, chủ yếu là để khiêu khích. “Ông ngoại tớ đã nghỉ hưu rồi, bạn thấy đấy, nên ông phải giúp việc vặt cho hàng xóm để kiếm thêm tiền.” Nói xong tôi nhận thấy hiệu quả tức thì mặc dù tôi còn chưa nhắc tới chuyện ông ngoại vẫn đang trong thời gian quản thúc.
Mitsuru cúi xuống kéo tất lên và thì thào vẻ bán tính bán nghi, “Tớ không nghĩ là ở đây lại có học sinh như thế đâu.”
“Thậm chí trong số những học sinh mới?”
“Học sinh mới? Ối giời, bạn giống như một người ngoài hành tinh ấy, bạn có biết không? Chả ai dám cười hay tìm cách làm phiền bạn. Bạn cứ việc mình mình làm chả ai quan tâm gì tới xung quanh cả.”
“Nghe bạn nói thế tớ thấy nhẹ cả người.”
Mitsuru cười toét miệng ra với tôi, hở cả mấy chiếc răng thỏ. “Được rồi. Tớ sẽ nói cho bạn biết sự thực, nhưng chỉ mình bạn thôi đấy. Sự thực là nhà tớ cũng ở quận P. Mẹ tớ dặn không được cho ai biết và bà thuê một căn hộ ở quận Minato chỉ để cho tớ ở. Dĩ nhiên giả vờ đó là nhà riêng của tớ. Hằng ngày mẹ tớ đến dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ cho tớ.”
“Sao bạn phải làm thế?”
“Vì nếu không tớ sẽ bị bắt nạt.”
“Thế này thì bạn có khác gì họ, cuốn mình trong giả dối.”
Mitsuru trông có vẻ xấu hổ. “Bạn nói đúng. Tớ rất ghét điều đó. Tớ tự ghét bản thân mình chấp nhận làm việc đó. Tớ cũng ghét cả mẹ tớ nữa. Nhưng nếu không thỏa hiệp thì ở một cái trường như thế này bạn sẽ gây chú ý, bạn không còn sự lựa chọn nào khác.”
Tôi cho là Mitsuru đã nhầm. Cô ấy không nhầm ở chỗ chấp nhận thỏa hiệp, nếu cô ấy muốn làm thế thì ai có thể nói không. Không, ý tôi nói là cô ấy đã nhầm khi nhận xét về Kazue trước đó. Tôi không biết giải thích thế nào nhưng đây rõ ràng là vấn đề dầu và nước. Kazue sẽ không bao giờ nhập bọn được với những người nội kỳ nhưng cô ta không nhận thức được điều đó. Các học sinh khác chế giễu cô ta là chế giễu xuất thân, cách sống hay các nhìn nhận giá trị sự vật của cô ta. Hành vi đó không thể gọi là bắt nạt. Hay tôi sai?
Mitsuru cũng từng bị bắt nạt nên cô ấy rất sợ chuyện đó. Vì cô ấy thuê một căn hộ ở quận nhà giàu Minato và giấu nhẹm chuyện gia đình mình sống ở quận P nên cô ấy trở thành đồng lõa với đám học sinh cũ. Và trong số những học sinh cũ, cô ấy là người gần gũi nhất với những người thuộc nhóm nội kỳ.
“Thế còn việc bạn học rất giỏi thì sao?”
“Thì…” Mitsuru cau mày lại như thể đang mang một gánh nặng trên vai. “Lúc đầu thì đúng là do tớ quyết tâm không để người khác vượt mặt. Nhưng rồi dần dần tớ bắt đầu thích thú với việc học hành. Và tớ cũng chả muốn làm gì khác. Tớ không quan tâm tới thời trang hay mốt như những người khác. Tớ cũng chả để ý tới bọn con trai. Tớ không tham gia câu lạc bộ nào. Và tớ cũng không nghĩ là tớ muốn trở thành bác sĩ. Nhưng tớ nghe nói những học sinh xuất sắc nhất đều tham gia câu lạc bộ dự bị cho trường y nên tớ gia nhập câu lạc bộ này. Tớ nghĩ nếu quả đúng như vậy thì đây chính là chỗ tớ có thể tìm cách thỏa mãn ham muốn của mình.”
Mitsuru thành thực tâm sự. Tôi chưa bao giờ gặp ai thành thực như thế.
“Cái ham muốn đó, chính xác là gì vậy?” tôi hỏi.
Mitsuru nhăn mặt và nhìn tôi chăm chú. Mắt cô ấy tối sẫm lại, chỉ có hai con ngươi lấp lánh như mắt của một con thú nhỏ không nơi nương tựa.
“Có lẽ là cái gì đó ở bên trong tớ, giống như một con quỷ xấu xa.”
Một con quỷ? Tôi nghĩ bên trong mỗi người đều ẩn náu một con quỷ dữ. Nếu mọi thứ đều công bằng, tôi có thể lặng lẽ sống một cuộc đời yên bình mà không cần đánh thức con quỷ đó. Nhưng bị nuôi dạy bên cạnh Yuriko đã khiến cho con quỷ bên trong tôi trở nên vô cùng dữ dằn. Tôi biết tại sao con quỷ đó ẩn náu trong lòng tôi. Nhưng tại sao chuyện đó cũng có thể xảy ra với Mitsuru được chứ?
“Ý bạn nói là bạn có những động cơ xấu hay chỉ vì bạn không thích thua cuộc?”
Mitsuru có vẻ sửng sốt vì câu hỏi của tôi. “Thì… tớ cũng tự hỏi…” Mitsuru ngước mắt nhìn lên trời bối rối không biết nói tiếp thế nào.
“Bạn là người có ý chí mạnh mẽ nhất mà tớ biết,” tôi nói với cô ấy.
“Thật vậy sao?” mặt Mitsuru ửng đỏ. Cô ấy đang xấu hổ. Tôi cố tình lái câu chuyện sang hướng khác làm cho không khí bớt nặng nề bằng cách hỏi Mitsuru, “Thế bố bạn là một viên chức à? Và vì thế bạn cũng là một trong những người ở ngoài quỹ đạo?”
“Đúng thế,” Mitsuru gật đầu. “Ông ấy làm trong ngành địa ốc.”
“Hẳn là kiếm được nhiều tiền.”
“Ông ấy nhận được một khoản tiền lớn khi người ta mua lại công việc kinh doanh đánh bắt cá của ông và bắt đầu một nghề mới. Nghe nói, trước đó ông ấy là thuyền trưởng tàu đánh cá. Nhưng ông ấy mất khi tớ còn nhỏ.”
Mặc dù xuất thân từ biển cả, Mitsuru đã học được cách bò trên cạn như một con cá phổi, một loài cá biết hít thở không khí. Tôi lập tức hình dung ra Mitsuru với cơ thể trắng ngần của cô ấy đang trườn qua một bãi lầy phù sa nhớp nhúa. Đột nhiên tôi muốn trở thành bạn tốt của cô gái này. Tôi quyết định mời cô ấy tới nhà.
“Sao bạn không thỉnh thoảng tới nhà mình chơi?”
“Hẳn rồi!” Mitsuru chấp nhận tức thì. “Chủ nhật có được không? Vì chiều nào tớ cũng phải tới sinh hoạt ở câu lạc bộ dự bị trường y. Nói thật với cậu nhé, tớ đang cố để thi vào trường y của Đại học Tổng hợp Tokyo đấy.”
Đại học Tổng hợp Tokyo! Vừa mới bò được trên đất cô ấy đã nhắm ngay tới việc leo núi rồi! Và thế là trong lòng tôi trỗi dậy một ham muốn được biến Mitsuru thành đối tượng nghiên cứu của mình. Mitsuru là một sinh vật lạ lùng ở cái trường này, một sinh vật khác với chúng tôi ở lòng tốt và sự tử tế. Thế nhưng sâu thẳm trong trái tim cô ấy lại ẩn náu một con quỷ xấu xa hơn tất cả những người khác.
“Tớ chắc là cậu sẽ vào được.”
“Tớ không biết nữa. Nhưng nếu vào được rồi thì sao chứ? Lại càng có nhiều thử thách hơn nữa phải vượt qua.”
Mitsuru định nói thêm thì một cô gái trong đội tennis quay ra gọi: “Mitsuru? Cậu muốn thế chỗ tớ không? Tớ mệt quá!”
Tôi nhìn theo Mitsuru tiến vào sân tennis. Cô ấy có dáng người nhỏ nhắn, hông cao trông rất cân đối. Cô ấy nắm chặt cái vợt tennis như thể nó quá nặng và trao đổi gì đó với cô bạn. Chân tay của cô ấy trắng nõn và mảnh mai như thể chưa bao giờ nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Thế nhưng cú ra bóng của cô ấy sang sân đối phương thật hoàn hảo. Quả bóng tạo ra một tiếng rung khô khốc dễ chịu khi được vụt trở lại. Mặc dù không có chuyên môn để đánh giá nhưng tôi cho rằng Mitsuru là một tay chơi cừ khôi. Cô ấy di chuyển vô cùng linh hoạt và tận dụng sân chơi rất khôn khéo. Và dĩ nhiên khi hiệp đấu kết thúc cô ấy sẽ xấu hổ vì đã chơi quên mình, vô tình để lộ tài năng thực của mình. Mitsuru không phải là một cây bonsai. Vẻ đẹp của cô ấy không giống vẻ đẹp của một cây bonsai vốn có được là nhờ giữ vững ý chí bất chấp mọi sự bó buộc nhằm uốn nắn và hạn chế nó. Tôi thầm nghĩ, không hiểu ông ngoại sẽ dùng từ gì để miêu tả vẻ đẹp của Mitsuru?
Giống một con sóc. Đột nhiên tôi nghĩ tới một con sóc thông minh lanh lẹ đi tìm hạt trên cây rồi chôn xuống đất để dành thức ăn cho mùa đông lạnh giá. Tôi thì ngược lại. Tôi là một cái cây thì đúng hơn. Một cây thân gỗ, mang những hạt giống trần, những hạt giống không sinh sản được, hay nói ngắn gọn là một cây hạt trần. Tôi sẽ là một cây thông, có thể lắm, hay một cây tuyết tùng. Là cây gì thì cũng không phải là loại cây cho hoa khiến chim chóc và côn trùng tới tụ hội. Tôi là một loại cây tồn tại vì chính bản thân mình, một loại cây đơn độc. Tôi là một cây cổ thụ cứng cáp, vững chãi và gió khi thổi qua những tán cây sẽ tự lấy phấn hoa đi gieo hạt. Thật là một sự so sánh hợp lý. Điều đó khiến tôi mỉm cười.
“Có gì đáng cười thế?”
Tôi nghe thấy một giọng giận dữ vang lên sau lưng. Kazue đang đứng cạnh vòi nước máy nhìn tôi chằm chằm. Hẳn cô ta đã quan sát tôi từ trước, điều đó khiến tôi cảm thấy hơi khó chịu. Nhắc tới Kazue là tôi không thể không nghĩ tới một cái cây dị dạng.
“Chả có gì liên quan tới bạn cả. Tớ chỉ vừa nhớ lại một chuyện hay hay thôi.”
Kazue lấy tay quệt mồ hôi trán rồi nói với vẻ cau có. “Bạn ngồi đấy nói chuyện gì với con bé Mitsuru mà cả hai cứ nhìn về phía tớ rồi cười suốt.”
“Điều đó không có nghĩa là chúng tớ cười bạn.”
“Ừ mà có thế thật thì tớ cũng chả quan tâm. Tớ chỉ thấy bực mình khi nghĩ tới việc bị lấy ra làm trò cười bởi một người như bạn.”
Kazue xổ toẹt những từ này ra một cách đầy ác ý. Nhận ra rằng cô ta đang tìm cách chế nhạo tôi, tôi liền trả lời cô ta với vẻ thành khẩn trong khi khéo léo che giấu cảm xúc thật của mình: “Tớ không hiểu bạn nói gì. Bọn tớ không chế nhạo bạn hay làm bất cứ điều gì tương tự.”
“Ôi thật là bực mình! Thật là độc ác và trẻ con!”
“Thế có ai làm gì bạn à?”
“Nếu họ thực sự làm gì thì đã tốt.”
Kazue nói và đập chiếc vợt tennis xuống đất với một sức mạnh không ngờ khiến bụi đất tung tóe bám cả vào giày cô ta. Các học sinh đang ngồi tán gẫu trên ghế băng quay sang nhìn cô ta nhưng rất nhanh chóng hướng sự chú ý của họ quay trở về phía sân bóng. Phần lớn bọn họ không quan tâm tới cuộc trò chuyện giữa hai đứa vô danh tiểu tốt, hai cái cây hạt trần (Kazue cũng là một cây thông hay một cây tuyết tùng tối tăm không có khả năng ra hoa). Sau khi liếc xéo về phía những học sinh đang ngồi tán gẫu trên ghế bằng vẻ đầy thù địch, cô ta quay sang hỏi tôi: “Thế bạn có định tham gia câu lạc bộ nào không? Bạn đã quyết định chưa?”
Tôi lắc đầu không nói gì. Trước đây tôi từng mơ tới việc tham gia các hoạt động câu lạc bộ nhưng ngay khi nhìn thấy thực trạng những gì xảy ra trong trường thì tôi đã nghĩ lại. Không phải vì những đòi hỏi vớ vẩn mà những thành viên cũ thường áp đặt với thành viên mới, câu lạc bộ nào mà chẳng thế. Vấn đề là ở chỗ những câu lạc bộ trong trường học này có một sự phân chia thứ hạng rất khắt khe theo một cấu trúc nội bộ rất phức tạp từ trên xuống dưới. Có câu lạc bộ cho những người nội kỳ, câu lạc bộ cho những người thuộc vòng quỹ đạo và câu lạc bộ cho tất cả mọi người.
“Không, tớ sống với ông ngoại nên tớ không cần tham gia câu lạc bộ nào.” Những lời này bật ra khỏi miệng tôi trước khi tôi kịp cân nhắc! Ông ngoại và những người bạn của ông bỗng dưng vào vai những người thượng lưu và chạy việc vặt cho ông chính là hoạt động ngoại khóa của tôi.
“Ý của bạn là gì? Nói rõ ra xem nào?” Kazue nói.
“Tớ chả có ý gì. Với lại chuyện đó chả có gì liên quan tới bạn.”
“Ý bạn là tớ đang kiếm cớ để chảnh chọe, tốn thời gian vì chuyện không đâu à?” Kazue giận dữ nói.
Tôi nhún vai không nói gì. Tôi đã chán Kazue và những trò khủng bố tinh thần của cô ta. Mà nếu cô ta đã đoán ra được rồi thì còn mất công hỏi lại làm gì.
“Tớ muốn nói là tại sao trường học này lại bất công đến thế? Thật là hèn hạ. Họ chọn người thắng cuộc từ trước khi trận đấu bắt đầu.”
“Bạn đang nói gì vậy?” giờ thì đến lượt tôi đưa ra câu hỏi.
“Bạn thấy đấy, tớ muốn tham gia đội hoạt náo viên. Tớ nộp đơn rồi nhưng họ từ chối, thậm chí còn chả thèm đọc đơn, thế đấy. Bạn không thấy có vấn đề sao?”
Tôi chỉ còn biết ngẩn ra nhìn Kazue. Cô ta rõ là đần độn mỗi khi nhắc tới chuyện trường học hay bản thân cô ta. Cô ta đứng khoanh tay trước ngực vẻ sưng sỉa và nhìn chằm chằm vào vòi nước máy. Nước vẫn đang chảy ra.
“Vòi nước vẫn đang chảy kìa!” cô ta giận dữ hét lên, mặc dù chính cô ta là người quên vặn nước lại.
Tôi cố không phá lên cười vào mặt cô ta. Vì chưa đủ lớn nên chúng tôi tìm cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị tổn thương bằng cách giành ưu thế trước đối phương và chủ động tấn công trước. Nhưng sẽ rất mệt mỏi nếu phải là đối tượng bị công kích thường xuyên, ai bị thương nhiều hẳn sẽ không sống được lâu. Thế nên tôi đối phó bằng cách rèn luyện sự nhẫn tâm còn Mitsuru thì bằng trí thông minh của mình. Yuriko dù thế nào đi nữa cũng còn có vẻ đẹp chết người của nó. Nhưng Kazue… Kazue thì không có gì để nuôi dưỡng. Tôi hoàn toàn không có chút thương hại nào dành cho cô ta. Nói thế nào nhỉ? Nói trắng ra là Kazue quá ngờ nghệch, không tinh ý, chưa được chuẩn bị kỹ càng và hoàn toàn kém cỏi trước thực tế cay nghiệt mà cô ta đang đối mặt. Thế quái nào mà cô ta lại không nhận ra điều đó?
Tôi chắc rằng các bạn lại một lần nữa choáng váng trước những nhận xét có phần phũ phàng của tôi, nhưng đó là sự thực. Thậm chí ngay cả khi bạn chấp nhận thực tế là lúc ấy cô ta còn trẻ con thì cũng không thể phủ nhận được việc cô ta là một đứa cực kỳ thiếu nhạy cảm. Cô ta không có được sự ân cần của Mitsuru hay sự nhẫn tâm của tôi. Phân tích đến cùng thì cô ta về cơ bản là một đứa yếu đuối. Kazue không có con quỷ nào ở bên trong, về điểm này thì cô ta tương đồng với Yuriko. Cả hai bọn họ đều nhắm mắt phụ thuộc vào những gì sẽ xảy đến với họ, những điều mà tôi hoàn toàn có thể dự đoán. Tôi không mong muốn gì hơn là có thể nuôi cấy trong lòng họ một con quỷ dữ.
“Sau bạn không khiếu nại?” tôi nói với Kazue. “Sao bạn không nhắc tới chuyện đó trong giờ sinh hoạt?” Giáo viên phụ trách giờ sinh hoạt chẳng bao giờ làm gì khác ngoài việc ghi danh và rà lại thời khóa biểu trong ngày. Giờ sinh hoạt lớp gần như là vô ích. Và sẽ thật vô duyên nếu học sinh nào đó tranh thủ lúc này để phát động tranh luận về một đề tài nào đó nhằm đạt được một sự đồng thuận. Thế nhưng Kazue nhảy cẫng lên vì hài lòng với góp ý đó của tôi.
“Đúng thế! Thật là một ý kiến hay. Tớ nợ bạn lần này.” Vừa lúc đó tiếng chuông báo hiệu hết giờ vang lên. Kazue bỏ đi chỗ khác, thậm chí quên cả chào tạm biệt.
Tôi thấy nhẹ cả người khi Kazue bỏ đi và thấy may mắn có thể tán gẫu suốt giờ thể dục mà không phải tập tành gì cả. Môn thể dục cũng như một số môn kinh tế ở trường Q khá là thoải mái. Các giáo viên chỉ để ý tới những ai thực sự muốn học.
Đó cũng là phương châm sư phạm của các thầy cô giáo ở trường trung học nữ sinh Q: Độc lập, tự chủ và tự tôn. Các học sinh được khuyến khích làm gì họ muốn vì chỉ họ tự chịu trách nhiệm về sự trưởng thành của bản thân mình. Nội quy ở trường khá lơi lỏng, để cho học sinh tự quyết là chính. Phần lớn giáo viên là học sinh cũ ở trường. Lớn lên tại môi trường này, thấm nhuần cái triết lý nguyên sơ này nên phương châm sư phạm của họ rất trừu tượng. Họ chăm chút dung nạp vào đầu óc chúng tôi quan niệm rằng mọi thứ đều có thể đạt được. Một bài học tuyệt vời, bạn không nghĩ vậy sao? Cả Mitsuru và tôi đều âm thầm bám lấy học thuyết đó. Tôi với sự nhẫn tâm của mình và Mitsuru với sự thông minh của cô ấy. Thế mạnh của chúng tôi ngày càng phát triển, chúng tôi nuôi dưỡng chúng và tranh đấu để tự đứng vững trong thế giới xấu xa và đầy tội lỗi này.
Một buổi sáng sớm tháng Bảy trời mưa, điện thoại đổ chuông báo tin mẹ tôi mất. Lúc đó tôi vừa chuẩn bị xong bữa trưa để đem tới trường và đang định ăn sáng. Bánh mì nướng, mứt và trà. Sáng nào cũng vậy.
Ông ngoại thì như thường lệ, đang ở ngoài ban công nói chuyện với đám bonsai của mình. Vào giữa mùa mưa các cây bonsai thường hay thu hút côn trùng và nấm mốc nên phải chăm sóc cẩn thận. Ông ngoại rất bận rộn với chúng, trời mưa cũng chẳng để ý nên ông không nghe điện thoại.
Khi bơ tan trên miếng bánh thì tôi bắt đầu phết một lớp mứt dâu lên trên. Việc phết mứt cho đều để lớp hạt dâu màu đen phủ kín miếng bánh đối với tôi rất quan trọng nhưng tôi phải chú ý không để chúng rớt ra ngoài. Tất cả phải phối hợp vô cùng linh hoạt vì tôi nhất thiết phải nhúng gói trà Lipton vào cốc đúng hai lần trước khi vứt đi. Tôi rất bận rộn với những nghi thức này nên khi nghe thấy điện thoại tôi giận dữ gọi ông ngoại, “Ông định không trả lời điện thoại à?”
Ông ngoại ngoái đầu lại nhìn tôi. Tôi chỉ sang cái điện thoại và bảo ông, “Ông nghe điện đi, nếu là mẹ cháu thì bảo cháu đi học rồi nhé.”
Bầu trời phía bên ngoài xám xịt và mưa xối xả tới mức khó mà nhìn thấy tầng trên cùng của tòa nhà đối diện trong khu tập thể sau màn mưa giăng. Vì trời tối quá nên chúng tôi bật đèn trong nhà từ sáng. Chả ra ngày cũng chả ra đêm, thật ma quái. Tôi không bao giờ bận tâm suy nghĩ tại sao mẹ lại gọi tôi vào giờ này. Ở đây với Thụy Sĩ chênh nhau bảy tiếng đồng hồ, bên đó lúc này hẳn là nửa đêm. Vì trước đó họ chả bao giờ gọi tôi vào lúc sáng sớm thế này nên tôi chợt nghĩ hay là Yuriko chết, điều đó khiến tôi trở nên háo hức.
Cuối cùng thì ông ngoại cũng nhấc điện thoại.
“Vâng, tôi đây… Ôi xin chào. Lâu quá rồi. Cám ơn anh vì tất cả những gì anh đã làm.” Thế rồi ông ngoại dường như bị cấm khẩu. Nhìn vẻ sững sờ của ông ngoại tôi đoán chắc cuộc gọi là từ trường học. Tôi vội lôi gói trà ra khỏi cốc để xuống cái đĩa. Tôi đã đoán nhầm. Ông ngoại gọi tôi tới điện thoại với vẻ bối rối.
“Ba con đấy. Nó có chuyện nói với con. Ông chả hiểu ba mày nói gì. Lắp ba lắp bắp. Nó bảo có chuyện gì quan trọng lắm không thể nói với ông được.”
Tôi chưa bao giờ nhận được cú điện thoại trực tiếp nào từ ba tôi. Không biết có phải để nói là ông ấy sẽ không gửi tiền học cho tôi nữa? Tôi gồng mình lên sẵn sàng chiến đấu.
“Chuyện con sắp nghe có thể là một cú sốc lớn nhưng không còn cách nào khác. Đây là một chuyện vô cùng khó khăn đối với chúng ta, nhưng chúng ta sẽ vượt qua tấm thảm kịch này.”
Ba tôi cứ rào đón mãi. Thường ông là một người nói năng rất rõ ràng mạch lạc để gây ấn tượng tốt nhất với người nghe. Không biết có phải vì giờ ông không sống ở Nhật nữa và chỉ quen nói tiếng mẹ đẻ mà tiếng Nhật của ông mai một đi rất nhiều. Cuối cùng bực quá tôi đành phải ngắt lời ông, “Thế ba định nói gì?”
“Mẹ con mất rồi.”
Ba tôi nói giọng buồn bã nhưng không giấu được vẻ bối rối. Rồi dường như mọi thứ tắt lịm ở phía đầu dây bên kia, tôi không còn nghe thấy gì, cả giọng nói lao xao của Yuriko hay bất cứ âm thanh nào khác.
“Mẹ mất thế nào?” tôi bình tĩnh hỏi lại.
“Tự sát. Ba vừa về nhà được một lúc và mẹ con đang ngủ. Bà ấy đã lên giường nằm. Ba thấy hơi lạ là bà ấy không dậy khi ba bước vào phòng, nhưng thỉnh thoảng mẹ con vẫn làm thế. Dạo này mẹ con rất ít nói. Khi ba lại gần thì ba nhận ra mẹ con không còn thở nữa. Bà ấy đã chết. Bác sĩ nói rằng bà ấy đã uống thuốc ngủ vào buổi chiều và đã tắt thở vào khoảng bảy giờ tối khi không có ai ở nhà. Đau lòng quá, ba thật không dám nghĩ tới.”
Ba tôi lắp bắp bằng thứ tiếng Nhật lõm bõm rồi nghẹn ngào nói tiếp, “Ba không thể tin được là bà ấy lại tự sát. Đó hẳn là lỗi của ba. Bà ấy làm thế để tả thù ba.”
Tả thù ba, chắc ông ấy muốn nói là trả thù ba.
“Tất cả là lỗi tại ba,” tôi lạnh lùng nói. “Chính ba đã lôi bà ấy tới Thụy Sĩ.”
Những lời đó khiến ba tôi nổi giận.
“Con đang trách ba chỉ vì con không hợp với ba. Con đang nói ba chính là người gây ra chuyện?”
“Thì ba cũng ít nhiều có lỗi trong chuyện này.”
Sau một lúc im lặng, cơn giận của ba tôi dịu đi nhưng nỗi phiền muộn trong lòng ông lại lớn lên. “Chúng ta đã sống cùng nhau được mười tám năm. Ba không tin nổi bà ấy lại là người ra đi trước.”
“Hẳn là một cú sốc lớn cho ba.”
“Thế con không buồn sao, mẹ con chết mà con không thấy buồn à?” ba tôi hỏi, giọng ngỡ ngàng.
Tôi chẳng thấy buồn. Thật lạ, nhưng tôi đã cảm thấy mất người mẹ này từ lâu lắm rồi, tôi đã để tang cho bà từ khi còn nhỏ nên tôi cũng chẳng lấy làm cô đơn hay buồn bã khi bà bỏ tôi đi Thụy Sĩ hồi tháng Ba. Khi nghe tin bà mất, tôi chỉ cảm thấy bà đã lại rời đi tới một chỗ nào đó rất xa, nên sự phiền muộn của tôi không giống như của ba tôi. Nhưng tôi vẫn lấy làm lạ là làm sao ba tôi có thể hỏi một câu như thế.
“Tất nhiên là con rất buồn.”
Câu trả lời làm ba tôi hài lòng. Ông nói tiếp vẻ suy sụp, “Ba rất choáng váng. Yuriko cũng vậy. Nó cũng vừa về tới nhà. Nó rất buồn. Chắc đang khóc ở trong phòng.”
“Yuriko làm gì mà về nhà muộn thế?” tôi buột miệng hỏi. Nếu Yuriko ở nhà thì nó đã phát hiện ra chuyện này sớm hơn.
“Nó có hẹn với một người bạn của con trai chú Karl. Còn ba thì mắc họp, cuộc họp kéo dài hơn dự định nên ba không thể dứt ra được.”
Ba tôi đang tìm cách biện minh cho mình. Những từ ngữ tuôn ra một cách lộn xộn, rời rạc. Tôi không hình dung ra việc ba tôi chịu dành thời gian thực sự chuyện trò với mẹ tôi. Có lẽ bà ấy quá cô đơn, tôi đã không nghĩ tới điều này. Nếu không chịu nổi sự cô đơn, người ta thường không còn sự lựa chọn nào khác ngoài cái chết.
“Tang lễ sẽ được cử hành tại Bern. Ba sẽ gửi vé máy bay cho con. Nhưng ba sẽ không trả tiền vé máy bay cho ông ngoại. Con giải thích cho ông nhé.”
“Rất tiếc nhưng con sắp thi rồi nên không thể đi được. Tại sao không để ông ngoại đi thay con?”
“Con không muốn nhìn mẹ con lần cuối hay sao?”
Tôi đã nói lời tạm biệt với bà từ rất lâu rồi, từ khi tôi còn là một đứa trẻ. “Không, không hẳn thế ạ. Ba đợi tí. Con chuyển máy cho ông.”
Ông ngoại, phần nào dã đoán ra nội dung câu chuyện, tiến tới chiếc máy điện thoại với vẻ mặt thất thần. Ông ngoại và ba trao đổi về những việc cần phải làm. Ông ngoại cũng khước từ việc tới dự tang lễ. Tôi cắn miếng bánh mì nguội lạnh của mình và uống một ngụm trà loãng. Lúc tôi đang cất bữa trưa vốn là những thức ăn thừa từ tối hôm trước vào cặp sách thì ông ngoại bước vào bếp. Mặt ông tái xanh, vừa thương tiếc con gái vừa giận con rể.
“Nó đã giết con bé, thằng khốn nạn.”
“Ai cơ ạ?”
“Ba mày chứ ai. Ông muốn tới đưa tang nhưng ông không thể đi được. Đám tang của đứa con duy nhất mà cũng không đến được.”
“Thế thì ông đi đi.”
“Ông không đi được. Ông đang trong thời gian quản thúc. Giờ thì chỉ còn mình tôi cô đơn trên cõi đời này.”
Ông ngoại ngồi bệt xuống sàn bếp và khóc. “Đầu tiên là vợ, giờ tới con gái. Ôi cuộc đời!”
Tôi đặt tay lên vai ông ngoại để an ủi ông. Biết là sau đó hai tay tôi sẽ đầy mùi dầu bôi tóc nhưng chuyện đó chả đáng gì. Đúng vậy. Tôi cảm thấy cái gì đó giống như tình thương đối với ông ngoại. Ông là người luôn chiều theo ý tôi.
“Khổ thân ông ngoại. Nhưng ông vẫn còn có cây bonsai.”
Ông ngoại quay sang nhìn tôi.
“Cháu nói đúng. Lúc nào cháu cũng bình tĩnh. Thực sự là một đứa trẻ mạnh mẽ. Ông thì chả còn hy vọng gì nữa nhưng ông có thể trông đợi ở cháu.”
Điều này thì tôi đã nhận ra từ lâu. Trong bốn tháng kể từ khi tôi bắt đầu sống với ông ngoại, ông bắt đầu phó thác cho tôi mọi chuyện, từ việc nhà, tới chuyện chạy việc cho hàng xóm kiếm thêm tiền, thậm chí cả việc giao lưu tiếp xúc với họ để toàn tâm toàn ý với những cây bonsai. Ông thích chăm sóc những cây bonsai tới mức phát bệnh vì chúng.
Nhưng đầu óc tôi lúc này đang bận suy tính một chuyện khác. Tôi đang nghĩ cách làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của chúng tôi sau cái chết của mẹ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ba muốn tôi sang Thụy Sĩ? Tôi sẽ phải làm gì? Hay nếu ba tôi quyết định quay lại sống ở Nhật Bản với Yuriko thì sao?
Nhưng cả hai khả năng trên đều không chắc chắn. Tôi đoán là không có mẹ, ba tôi và Yuriko sẽ vẫn ở lại Bern. Ông ấy hẳn cũng chả muốn đón tôi sang vì biết rằng tôi không hợp với Yuriko. Trong lá thư cuối cùng của mẹ tôi, tôi có thể cảm nhận thấy sự cô đơn của bà ở Bern, một người châu Á lạc lõng trong gia đình. May là tôi đã không sang bên đó với họ. Nghĩ tới đây, tôi chợt thở phào nhẹ nhõm.
Vài phút sau thì tôi có một cuộc gọi nữa, lần này là của Yuriko.
“Chào chị, phải chị đấy không?”
Lâu lắm rồi, dễ đến hàng tháng trời tôi mới nghe thấy giọng của Yuriko. Giọng con bé hơi khàn, có vẻ người lớn hơn, cũng có lẽ vì nó đang phải thì thào như sợ người khác nghe được. Nhưng tôi không có thời gian để nghe nó nói.
“Tao phải đi học bây giờ nên không có thời gian để tào lao. Mày muốn gì?”
“Mẹ vừa mới mất mà chị vẫn đi học được? Hơi lạnh lùng, chị không nghĩ vậy sao? Em nghe nói chị cũng sẽ không tới dự tang lễ. Chị nghiêm túc đấy chứ?”
“Sao? Mày cho thế là không bình thường à?”
“Đúng. Thật lạ! Chúng ta phải để tang mẹ. Ba nói thế. Em sẽ nghỉ học một thời gian và tất nhiên là em sẽ tới dự tang lễ.”
“Mày muốn làm gì thì làm. Tao phải đi học đây.”
“Nhưng thế thì thật khổ thân cho mẹ quá.”
Giọng Yuriko đầy vẻ trách cứ. Nhưng việc tôi háo hức tới trường ngày hôm đó chả có gì liên quan tới nó hay tới mẹ tôi. Ngược lại là khác. Tôi cuống lên đi học vì hôm nay là ngày Kazue dự định đưa ra thảo luận trước lớp học việc cô ta bị kỳ thị khi muốn tham gia nhóm hoạt náo viên của trường. Chắc từ trước tới nay ở trường Q chưa có ai làm thế bao giờ. Đó quả là một sự kiện có một không hai nên tôi sẽ rất thất vọng nếu phải bỏ lỡ.
Không phải là vì tôi cho rằng những chuyện ở trường quan trọng hơn cái chết của mẹ tôi. Tôi không có ý đó. Nhưng vì chính tôi là người khởi xướng ra chuyện này nên tôi muốn tận mắt chứng kiến Kazue sẽ giải quyết nó như thế nào. Việc mẹ tôi chết đã được giải quyết xong xuôi, đã chấm dứt. Tôi có nghỉ học hay không cũng không làm cho bà sống lại được nữa. Tuy nhiên tôi vẫn hỏi Yuriko về biểu hiện của mẹ những ngày cuối cùng trước khi bà mất.
“Gần đây mẹ có biểu hiện gì lạ không?”
“Có ạ. Hình như mẹ có vấn đề gì về thần kinh,” Yuriko vừa nói vừa khóc. “Mẹ cứ than phiền là giá gạo đắt nhưng hôm nào mẹ cũng nấu một nồi đầy ụ, thừa ứ ra. Mẹ biết là làm thế sẽ chọc giận ba nên bà cố tình làm cho ông ấy nổi điên. Thế rồi mẹ không nấu món bigos của ông nữa. ‘Đó là thứ đồ cho lợn ăn,’ bà cằn nhằn. Mẹ cũng không bước chân ra khỏi cửa nữa. Mẹ suốt ngày ở trong nhà, ngồi một mình trong bóng tối không thèm bật đèn lên. Khi em về nhà cứ tưởng không có ai, bật đèn lên thì thấy mẹ ngồi ngay trước bàn mắt mở trừng trừng. Sợ khiếp đi được. Mẹ nhìn em chằm chằm rồi nói những câu kiểu như, ‘Mày là con ai?’ Nói thật, em và ba bắt đầu cảm thấy bó tay với mẹ.”
“Tao có nhận được thư của mẹ, thấy có vẻ không bình thường nên tao mới hỏi mày thế.”
“Mẹ gửi thư cho chị à? Mẹ có nói gì không?” Yuriko hỏi vẻ tò mò.
“Chả có gì quan trọng. Mà tại sao mày lại muốn nói chuyện với tao?”
“Vì có một chuyện em muốn bàn với chị.”
Lạ thật đấy, tôi nghĩ, tự dưng thấy đầy cảnh giác. Tôi nghĩ tới khả năng tệ nhất. Bầu trời bên ngoài tối sầm lại và mưa mỗi lúc một to hơn. Tới được bến xe thì chắc tôi cũng ướt như chuột. Giờ thì cũng quá muộn để đến phòng sinh hoạt lớp đúng giờ thế nên tôi ngồi bệt xuống đệm tiếp tục câu chuyện, từ bỏ ý định lao tới lớp. Ông ngoại đang trải báo cũ để chuyển lũ bonsai từ hành lang vào trong phòng. Ông để cửa mở toang hoác nên trong nhà nghe rõ cả tiếng mưa rơi như trút. “Mày có nghe thấy tiếng mưa rơi không? Ở đây trời đang mưa sầm sập,” tôi hỏi con bé.
“Em chả nghe thấy gì. Chị có nghe thấy ba khóc không? Em nghe thấy ông gào khóc rất to.”
“Tao chả nghe thấy gì.”
“Giờ mẹ mất rồi, em không thể ở đây được nữa,” Yuriko nói.
“Tại sao?” tôi hét lên.
“Thì ba chắc chắn sẽ tái hôn. Chuyện này em rất rõ. Ba cặp kè với một phụ nữ trẻ ở nhà máy, một người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nghĩ rằng không có ai biết. Nhưng Karl, Henri và tất cả mọi người đều biết. Chính Henri bảo em chứ ai. Nó còn nói chắc chắn rằng cô người Thổ kia đã mang bầu rồi nữa cơ thế nên ba hẳn sẽ cưới cô ta ngay khi có thể. Đó là lý do tại sao em không thể ở lại đây được nữa. Em sẽ quay về Nhật.”
Tôi ngồi bật dậy, hãi hùng, Yuriko sẽ quay trở lại? Tôi vừa mới tìm cách tránh được nó. Mới được có bốn tháng.
“Thế mày định sống ở đâu?”
“Ở chỗ chị thì sao ạ?” Yuriko ướm hỏi.
Tôi nhìn sang ông ngoại lúc này đang bận rộn lôi đám bonsai vào trong phòng, hai vai sũng nước mưa rồi trả lời rành rọt. “Không được. Dứt khoát là không.”
Tôi cắm cúi lê bước tới trạm xe buýt dưới trời mưa như trút. Nước mưa chảy cuồn cuộn trên đường nhựa cứ như một con kênh. Chỉ cần bước hụt một cái là tôi sẽ ướt tới bắp chân. Chiếc xe buýt thường ngày tôi vẫn đi kêu rầm rĩ phía sau lưng tôi rồi vượt lên trên, những ô cửa kính mịt mùng do hơi thở của hành khách phả ra. Tôi có thể hình dung ra độ ẩm kinh khủng ở bên trong.
Không biết mấy giờ mới có chuyến xe tiếp theo? Liệu tôi có kịp đến trường vào giờ sinh hoạt lớp không? Nhưng giờ tôi chẳng còn quan tâm tới chuyện đó nữa. Giọng của Yuriko cứ tua đi tua lại trong đầu tôi. Tôi sẽ phải làm gì bây giờ? Tôi có thể làm gì chứ? Đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới vào lúc này.
Nếu Yuriko quay trở lại Nhật Bản mà không có chỗ nào khác để ở thì hai chị em lại phải sống cùng nhau. Nếu không có họ hàng nào khác chịu giúp đỡ thì Yuriko sẽ phải tới sống trong căn hộ bé tí của ông ngoại. Chỉ nghĩ tới việc Yuriko chuyển tới đây cũng khiến tôi rùng mình sởn gai ốc. Mỗi sáng mở mắt dậy là thấy nó nằm bên cạnh mình trên giường, đôi mắt tối đen của nó nhìn tôi chòng chọc, rồi phải uống trà và ăn bánh mứt với nó và ông ngoại. Tệ thật!
Yuriko sẽ căm ghét cái mùi dầu bôi tóc rẻ tiền của ông ngoại. Nó sẽ bực mình với cái cách ông ngoại nhồi nhét đám bonsai ở khắp nơi và khó chịu khi phát hiện ra chúng tôi phải làm những việc vặt trong khu chung cư để kiếm thêm tiền. Và khi con bé xuất hiện ở đây thì lập tức cả tòa nhà, thậm chí những cửa hiệu xung quanh, sẽ trở nên xôn xao hiếu kỳ. Sự cân bằng thư thái mà tôi và ông ngoại đang hưởng thụ sẽ không còn nữa. Ông ngoại đến phải quay trở lại với con đường phạm pháp mất thôi.
Nhưng tôi ghét nhất là cái ý nghĩ sẽ lại bị mê hoặc bởi con yêu quái Yuriko, bị bao vây bởi sự hiện diện của nó, điều này khiến tôi không tài nào cảm thấy yên ổn. Đột nhiên tôi liên tưởng tới mẹ tôi và việc bà tự sát.
Mẹ đoán họ không thể chấp nhận việc một người phương Đông trông xấu xí như mẹ lại có thể sinh ra một mỹ nhân như Yuriko. Lý do khiến mẹ tôi chọn cách kết liễu đời mình không phải là vì bà không chịu nổi sự cô đơn nơi đất khách quê người, cũng không phải là sự phản bội của ba tôi. Mà phải chăng là vì Yuriko? Chỉ tại vì sự tồn tại của nó trên đời này? Khi nghe Yuriko nói sẽ quay trở lại Nhật Bản, một cơn giận dữ không rõ nguồn cơn bắt đầu trào dâng trong lòng tôi. Tôi oán giận mẹ tôi vì bà tự sát và căm ghét ba tôi vì ông ngoại tình. Rồi đột nhiên, mọi thứ thay đổi, tôi bắt đầu cảm thấy thương xót mẹ vô cùng, bỗng dưng tìm thấy một sự đồng cảm đối với bà. Nước mắt tôi tuôn trào. Tôi đứng đó, dưới trời mưa như trút và lần đầu tiên trong đời, khóc thương mẹ tôi. Có lẽ bạn sẽ thấy chuyện này thật khó tin. Nhưng lúc đó tôi cũng mới chỉ có mười sáu tuổi và tôi cũng có những lúc xao lòng.
Tôi nghe tiếng động cơ ô tô phía đằng sau, một chiếc xe đang rẽ nước đi tới. Để tránh bị bắn nước lên người tôi tạt vào trú dưới mái hiên một cửa hàng bán giường ngủ ở ven đường chờ cho chiếc xe đi khỏi. Đó là một chiếc xe lớn màu đen, loại các quan chức chính phủ vẫn hay dùng, rất hiếm thấy ở khu này. Chiếc xe đỗ xịch lại ngay bên cạnh tôi và cửa kính xe được kéo xuống.
“Muốn lên xe không?” Mitsuru vừa hỏi vừa nhăn nhó vì bị nước mưa táp lên mặt. Tôi sững ra nhìn cô ấy. “Lên đi, nhanh lên.” Cô ấy nói và vẫy tay ra hiệu cho tôi lên xe.
Tôi cụp ô xuống và trèo lên xe. Không khí trong xe lạnh ngắt, phảng phất mùi nước hoa rẻ tiền. Tôi đoán đó là mùi nước hoa của tài xế, một phụ nữ trung niên tóc tai rối bù. Bà ta quay lại nhìn tôi.
“Cháu là đứa trẻ sống ở quận P trong khu nhà do chính phủ trợ cấp đấy à?” Bà ta hỏi giọng chậm rãi và khản đặc cứ như cổ vừa bị cọ bằng giấy ráp.
“Vâng ạ.”
“Mẹ này, hỏi như thế không phải là hơi lỗ mãng hay sao?” Mitsuru vừa trách mẹ vừa lấy khăn tay của mình lau những chỗ bị ướt trên bộ đồng phục của tôi. Mẹ cô ấy đang tập trung vào các dấu hiệu giao thông phía trước nên không cười cũng chẳng lên tiếng xin lỗi. Vậy ra đây là mẹ Mitsuru ư? Bẩm sinh đã vốn bị mê hoặc bởi mối quan hệ giữa con người với con người cũng như những vấn đề liên quan tới di truyền học, tôi chăm chú quan sát mẹ của Mitsuru, cố tìm ra sự giống nhau giữa bà và con gái.
Tóc bà chưa chải, nước nhuộm bắt đầu phai để lộ chân tóc. Bà có nước da sạm, mặt mũi không hề trang điểm. Bà vận đồ màu xám, chả ra kiểu gì, trông giống như váy ngủ. Tôi không nhìn thấy phía dưới chân nhưng hẳn bà đi xăng đan kèm tất hoặc xỏ tạm một đôi dép lê sờn cũ trong nhà.
Đây có thể là mẹ đẻ của Mitsuru thật sao? Trông còn tệ hơn cả mẹ tôi. Thất vọng, tôi bắt đầu so sánh gương mặt bà với Mitsuru. Cảm nhận được cái nhìn đó, Mitsuru quay sang nhìn tôi. Mắt chúng tôi gặp nhau. Cô ấy gật đầu như thể đồng tình. Mẹ Mitsuru nở một nụ cười, phô ra hàm răng nhỏ xíu, không những không giống Mitsuru một chút nào mà còn rất lệch lạc trên chính khuôn mặt của bà.
“Không phải là rất lạ hay sao khi có người ở khu này được nhận vào trường đó?”
Mẹ của Mitsuru là một kẻ thối chí. Đối với danh tiếng và địa vị xã hội, có thể nói vậy. Trong lễ khai giảng, tôi có nhìn trộm bố mẹ của các học sinh khác. Họ toàn là những người giàu có và biết cách thể hiện sự giàu có của mình một cách kín đáo. Hay có thể nói họ đã khéo léo thể hiện sự giàu có của mình chính bằng cách che giấu chúng. Nhìn từ bất cứ góc độ nào cũng thấy ở họ toát lên hai chữ giàu sang.
Nhưng mẹ của Mitsuru lại hoàn toàn không có cái vẻ ấy. Có lẽ trước đây bà cũng từng làm thế nhưng rồi quyết định bỏ cuộc và chả còn màng tới gì nữa. Bố mẹ của những đứa trẻ giàu có thường thể hiện sự tự hào của mình trên sự giỏi giang của con cái họ. Ngay cả những bậc phụ huynh làm công chức cũng không có cái kiểu tự hào hơi thái quá ấy. Mitsuru có nói với tôi về việc mẹ cô ấy yêu cầu cô ấy giấu giếm về việc họ sống ở quận P nên tôi không hề mong đợi nhìn thấy mẹ cô ấy trong bộ dạng nhếch nhác thế này. Tôi cứ nghĩ bà hẳn là một người rất chú trọng tới vẻ ngoài.
“Bạn vừa mới khóc đấy à?” Mitsuru hỏi tôi.
Tôi nhìn cô ấy không nói gì. Mắt cô ấy ánh lên một vẻ giận dữ mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi đã nhìn thấy một góc độ khác của Mitsuru. Trong chớp mắt tôi đã tóm được cái đuôi xấu xí của cô ấy. Hình như cô ấy xấu hổ? Cô ấy nhìn đi chỗ khác.
“Tớ vừa nhận được một cú điện thoại. Mẹ tớ vừa mới mất.”
Khuôn mặt của Mitsuru tối sầm lại. Những ngón tay của cô ấy xoắn lấy môi như thể muốn rứt chúng ra khỏi mặt mình. Tôi tự hỏi khi nào cô ấy quay trở lại với trạng thái bình thường bằng cách gõ ngón tay lên những chiếc răng cửa. Chúng tôi đang như hai kẻ đối đầu. Nhưng rồi, cô ấy nhanh chóng lấy lại bình tĩnh.
“Tớ rất lấy làm tiếc,” cô ấy nói.
“Vậy là mẹ cháu vừa mất?” mẹ Mitsuru ngoái lại nhìn tôi và hỏi với một giọng thẳng tưng. Cái cách nói chuyện của bà thực sự hơi thô lỗ. Giống y như những người mà ông ngoại hay giao du. Thẳng thắn, trực tiếp, đi luôn vào vấn đề, không ý tứ gì cả.
“Vâng ạ.”
“Bà ấy bao nhiêu tuổi?”
“Khoảng năm mươi ạ. Mà không, có lẽ chưa đến. Cháu cũng không biết chính xác tuổi của mẹ cháu.”
“Thế thì cũng khoảng bằng tuổi cô. Tại sao mẹ cháu lại chết?”
“Bà ấy tự sát.”
“Tại sao. Có gì thay đổi à?”
“Cháu không biết.”
“Một người mẹ tự sát chắc chắn sẽ đặt con mình vào tình thế khó khăn. Cháu nên nghỉ học. Cháu ra ngoài làm gì?” bà nói.
“Đúng thế ạ. Nhưng mẹ cháu mất ở nước ngoài nên ở nhà thì cháu cũng chả biết làm gì.”
“Nhưng cũng không cần cuống cuồng tới trường, nhất là khi đang mưa to gió lớn thế này.” Mẹ Mitsuru quan sát gương mặt tôi trong gương chiếu hậu, đôi mắt sâu, sắc sảo của bà không bỏ sót một chi tiết nào.
“Cháu cần phải tới trường ngày hôm nay.”
Tôi không muốn nhắc tới Kazue và sự phản đối phân biệt đối xử của cô ta nên chỉ nói có vậy. Mẹ Mitsuru dường như chẳng quan tâm tới nhu cầu để tang của tôi. Bà hỏi: “À mà này, cháu là con lai đấy à?”
“Mẹ! Chuyện đó thì có ý nghĩa gì cơ chứ?” Mitsuru ngắt lời bà và tôi nghe thấy cô ấy lại bắt đầu gõ ngón tay lên những chiếc răng cửa một cách nóng nảy. “Mẹ bạn ấy vừa mất. Mẹ đừng hỏi bạn ấy hết câu này đến câu khác thế!”
Nhưng mẹ Mitsuru không phải là người chấp nhận im lặng.
“Cháu sống với ông đúng không?”
“Đúng thế ạ.”
“Và ông của cháu là người Nhật?”
“Vâng ạ.”
“Mẹ cháu là người Nhật. Vậy còn nửa kia?”
Không hiểu vì lý do gì mà bà ấy lại tò mò thế? Nhưng tôi thích các câu hỏi của bà. Đó là những câu mà tất cả mọi người đều muốn hỏi nhưng chưa ai dám.
“Thụy Sĩ ạ.”
“Chu cha, thật là một sự kết hợp tuyệt vời!”
Mẹ Mitsuru cười nói và tôi biết là bà nói thế thôi chứ chẳng có ý gì. Nhưng Mitsuru khẽ ghé tai tôi nói thầm: “Tớ thực sự xin lỗi. Mẹ tớ chỉ muốn tỏ ra lịch sự.”
“Mẹ không định tỏ ra lịch sự,” mẹ Mitsuru quay lại nhìn chúng tôi. “Cháu có vẻ là một đứa cứng đầu. Còn Mitsuru đúng là một con mọt sách. Nó thật dở hơi khi muốn thi đỗ vào trường Đại học Y Tokyo,” bà nói. “Nó rất bướng. Nó không chịu thua bất kỳ ai. Dĩ nhiên nó không muốn bị bất cứ ai coi thường. Lúc nào nó cũng chỉ nghĩ tới chuyện đó. Và rồi nó bảo nó sẽ không ở đây nữa, nó đi thuê một căn hộ ở riêng. Ở trường cấp hai nó bị bắt nạt khủng khiếp nên nó đã học được cách tự vệ. Cô cứ tiếc là lúc đó cô không để nó bỏ quách cái trường quỷ quái ấy cho rồi.”
“Tại sao họ lại bắt nạt bạn?” tôi lãnh đạm hỏi Mitsuru.
Mẹ Mitsuru lại lên tiếng trước khi cô ta kịp mở miệng. “Vì mẹ nó là chủ quán bar, thế thôi!”
Rồi bà đỗ xe ngay trước cổng trường và bước ra ngoài nhằm thu hút những ánh mắt hiếu kỳ từ phía các học sinh khác. Thái độ của bà rõ ràng là để chọc tức Mitsuru. Khi tôi lên tiếng cảm ơn bà đã cho đi nhờ thì bà nói, “Nhớ bảo ông ngoại ghé qua quán của cô nhé. Cô sẽ tính rẻ cho ông. Quán tên là Blue River, ngay trước cửa ga ấy.”
Tôi không chắc nhưng tôi ngờ rằng đó là một hộp đêm trong chuỗi những quán bar có gái nhảy.
“Ở đó có cây bonsai nào không ạ?”
“Sao cơ?”
“Vì ông ngoại thích bonsai hơn là phụ nữ.”
Mẹ Mitsuru không biết trả lời câu nói đùa của tôi thế nào. Bà quay sang bảo tôi cái gì đó nhưng tôi không nghe rõ vì Mitsuru đã đóng sập cửa xe lại. Cô lấy ô của mình che cho tôi trong khi tôi lúi húi mở ô của mình ra.
“Mẹ tớ thật rắc rối, đúng không? Bà ấy cứ muốn tỏ ra là người xấu. Tớ không thể chịu được. Một người phá bỏ nguyên tắc của mình để phát ngôn bừa bãi chỉ để cho sướng mồm như vậy đúng là một kẻ hèn nhát, bạn có nghĩ vậy không?”
Mitsuru nói giọng bình tĩnh, đầy cân nhắc. Tôi gật đầu ra hiệu mình hoàn toàn hiểu được điều đó. Bà ấy không xứng với ý tưởng của Mitsuru về một người mẹ. Y như tôi. Trẻ con không có quyền chọn mẹ của chúng.
“Bạn ổn chứ?” Mitsuru hỏi tôi vẻ lo lắng.
“Tớ ổn. Tớ cảm thấy mẹ tớ và tớ đã chia cắt nhau từ lâu lắm rồi.”
“Tớ hiểu ý bạn nói gì. Tớ cũng cảm thấy đã nói lời từ biệt với mẹ tớ từ rất lâu rồi. Giờ tớ chỉ lợi dụng bà ấy thôi, bạn biết đấy, để có phương tiện đi lại và những thứ tương tự.”
“Tớ hiểu.”
“Bạn đúng là một đứa con gái kỳ lạ,” Mitsuru ngước lên nhìn tôi khi nói câu này nhưng khi thấy một trong những người bạn của cô ấy vẫy gọi từ xa thì cô ấy bảo, “Tớ phải đi thôi.”
“Chờ tí,” tôi níu lấy áo cô. Cô ấy quay lại nhìn tôi. “Khi bạn bị bắt nạt mẹ bạn nói bạn đã học cách tự phòng thủ. Bằng gì?”
“Thì…” Mitsuru ra hiệu cho cô bạn gái kia đi trước để tiếp tục nói chuyện với tôi. “Tớ cho họ chép bài.”
“Thế có nghĩa là bạn để họ lợi dụng bạn? Làm sao mà bạn lại có thể đối xử tử tế đến thế với chính những kẻ bắt nạt bạn?”
Mitsuru lại gõ tay lên răng. “Chuyện này tớ chỉ nói cho mỗi bạn thôi đấy nhé, được không? Vở mà tớ cho họ chép không phải là thật.”
“Thế là thế nào?”
“Tớ có hai quyển vở. Quyển vở thật của tớ thì đầy đủ và chi tiết hơn cái quyển tớ cho họ xem. Cái quyển mà tớ cho họ xem cũng có một số chi tiết quan trọng để họ không nhận ra. Còn lại toàn ghi chép linh tinh cả.”
Mitsuru thì thào như thể đang nhắc tới một hành động đáng hổ thẹn. Nhưng giọng điệu hớn hở của cô cho thấy cô thực sự rất khoái trá trước việc làm đó.
“Sự trơ tráo của họ làm tớ thực sự ghê tởm. Vì quá quen với việc bắt nạt người khác nên họ thấy việc chép bài của bạn là việc bình thường. Cách duy nhất để bảo vệ mình trước đám mặt dày đó là phải biết quyết đoán và đạt được một thỏa thuận hai bên cùng có lợi. Tớ để họ chép bài đổi lại họ sẽ không bắt nạt tớ nữa, đó chính là một thỏa thuận. Đám con gái đó hiểu ra vấn đề rất nhanh. Bọn họ ngay lập tức nhận ra rằng tớ không chỉ là một trong những đứa trẻ yếu ớt mà chúng có thể điều khiển như con rối. Tớ có thể có lợi cho bọn họ thế nên họ chuyển đối tượng bắt nạt sang một học sinh khác.” Nói tới đây Mitsuru nhún vai cười nhạt. “Bạn không biết cái trò bắt nạt ở cấp hai nó tệ thế nào đâu. Phải nói là khủng khiếp. Trong suốt một năm trời không ai nói với tớ lấy một câu. Người duy nhất trò chuyện với tớ là thầy cô giáo và các cô ở phòng giáo vụ. Chỉ có vậy. Thậm chí những học sinh mới vào cũng bắt nạt tớ. Họ cho rằng bắt nạt ma mới khiến họ trở thành ma cũ.
Loạt chuông đầu tiên báo hiệu giờ vào học đã reo. Giờ sinh hoạt sẽ bắt đầu vào bất cứ lúc nào. Chúng tôi vội vàng đi vào lớp. Cả đời tôi chắc chả bao giờ đoán ra được một nữ sinh dễ thương như Mitsuru lại có thể là đối tượng bị bắt nạt.
“Nhưng tớ không tài nào hiểu được tại sao họ lại nhằm vào cậu?”
“Vì mẹ tớ dự mấy buổi định hướng. Bà ấy tự giới thiệu trước Hội học sinh và phụ huynh thế này: ‘Tôi rất phấn khởi vì cuối cùng con gái tôi cũng trở thành học sinh trường Q. Con bé đã đặt ra mục tiêu này từ rất lâu. Tôi vốn đã hy vọng con bé được nhận vào trường từ bậc tiểu học nhưng không được nên chỉ mong nó được chấp nhận ở cấp hai. Con bé đã học hành rất chăm chỉ và công lao của nó đã được đền đáp. Giờ tôi chỉ hy vọng các cháu sẽ đoàn kết với con bé và trở thành những người bạn tốt!”
“Đó chỉ là cách chào hỏi riêng của mẹ tớ. Nhưng kể từ hôm ấy tớ trở thành đối tượng bị bắt nạt. Ngay sáng hôm sau, một bức vẽ mẹ tớ xuất hiện trên bảng đen trong bộ vest màu đỏ tươi với một chiếc nhẫn kim cương to đùng. Bên cạnh bức vẽ là dòng chữ: Cuối cùng cũng trở thành học sinh trường Q! Nhưng điều đó có nghĩa là cho dù có được nhận vào đây từ cấp một hay cấp hai thì tớ cũng sẽ không bao giờ trở thành một người trong số họ.”
“Tớ hoàn toàn có thể hiểu được chuyện đó.”
“Chuyện gì cơ?”
“Về cách xử sự của mẹ bạn ấy.”
Tôi định nói thêm là tôi biết cô ấy xấu hổ vì mẹ mình. Nhưng Mitsuru đột nhiên cau mày và nói: “Tớ xin lỗi… ý tớ là về chuyện của mẹ bạn. Bác ấy vừa mới mất.”
“Không sao. Bạn biết đấy tất cả chúng ta sớm muộn cũng sẽ đều ra đi.”
“Tuyệt. Bạn đúng là một người rất tuyệt.”
Mitsuru bật cười sảng khoái. Giây phút ấy chúng tôi biết rằng có cái gì đó kết nối hai đứa mà chỉ có chúng tôi mới nhận thức được. Từ ngày hôm đó trong lòng tôi ấp ủ một sự thương mến đối với Mitsuru.
Tôi vào lớp và ngay lập tức đi tìm Kazue. Cô ta đang nhìn chằm chằm lên bảng, mặt tái mét và đầy căng thẳng. Thấy tôi cô ta liền đứng dậy và đi tới bàn tôi với cái vẻ liêu xiêu giật giật của cô ta.
“Này, tớ định đưa vấn đề đó ra sáng nay.”
“Vậy sao? Chúc may mắn.”
“Bạn cũng sẽ có vài lời chứ, đúng không?”
Kazue nhìn tôi chòng chọc. Đôi mắt nhỏ dưới hàng mi đen của cô ta trùm lấy tôi. Khi tôi đáp trả ánh nhìn của cô ta, sự căm ghét của tôi đối với cô ta tăng gấp bội. Cô ta mới ngu ngốc làm sao. Cô ta càng sa lầy thì cuộc sống của tôi và Mitsuru ở cái trường này càng trở nên dễ thở. Bạn có thể nói thái độ đó của tôi thật hung hăng? Nhưng đó là cách mọi chuyện vận hành trong thế giới của tôi.
“Chắc chắn rồi. Tớ sẽ ủng hộ bạn,” tôi nói nhưng không hề có ý định giữ lời.
Kazue như trút được gánh nặng. Mắt cô ta lấp lánh. “Thật tuyệt vời! Thế bạn định nói gì?”
“Bạn nghĩ sao nếu tớ chỉ khẳng định tất cả những gì bạn nói là đúng?”
“Cũng được. Nếu tớ phát biểu, cậu sẽ giơ tay để tiếp lời được không?” Kazue vừa nói vừa nhìn quanh lớp với vẻ đáng thương của một kẻ bị bỏ rơi. Các học sinh mới đều ngồi ngay ngắn ở chỗ của mình chờ giáo viên tới trong khi các học sinh cũ vẫn túm tụm ở phía cuối lớp xì xào bàn tán. “Nào, đến lúc rồi.”
Kazue quay về chỗ ngồi của mình vẻ tự tin. Cửa lớp mở ra và giáo viên phụ trách giờ sinh hoạt bước vào. Đây là cô giáo dạy văn học cổ điển mà chúng tôi gọi là cô Hanachan. Cô là một người độc thân gần bốn mươi tuổi. Cô luôn vận một bộ vest cắt may rất khéo màu xanh lục quân hay màu ghi với áo sơ mi cổ trắng, cổ đeo một chuỗi ngọc trai mảnh không bao giờ thay đổi. Cô có một quyển sổ ghi chép bọc da màu xanh lá cây sẫm, mặt cô không hề trang điểm, hai má trắng nhợt. Cô theo học trường Q từ tiểu học tới đại học và rất lấy làm tự hào vì điều đó.
Kazue chạy vội về chỗ của mình vẻ bồn chồn. Tôi không rời mắt khỏi cô ta.
“Chào buổi sáng các cô gái!” Hanachan chào học sinh với kiểu nói nhanh như điện giật và hơi có giọng mũi của mình rồi uể oải nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời vẫn mưa như trút.
“Nghe nói tối mới tạnh mưa. Nhưng cô không dám chắc…”
Kazue hít một hơi thật sâu rồi đứng dậy. Tôi theo dõi cô ta bằng đuôi mắt. Hanachan nhìn cô ta với vẻ ngạc nhiên. Tôi nhìn chằm chằm vào lưng Kazue, hối thúc cô ta bằng một lực thần giao cách cảm. Hành động đi! Lên tiếng đi! Cuối cùng cô ta cũng bắt đầu lên tiếng với một giọng khàn đặc. “Em muốn đưa ra thảo luận trước lớp về một vấn đề. Liên quan tới các câu lạc bộ.”
Kazue liếc nhìn về phía tôi vẻ lo lắng nhưng tôi hành động như thể không hiểu cô ta muốn gì, tay vẫn chống cằm. Đúng lúc đó đám con gái trong đội hoạt náo viên chạy ùa lên trước lớp. Kazue nhìn họ vẻ sững sờ. Đám con gái đứng thành hàng thẳng tắp và bắt đầu hát bài chúng mừng sinh nhật. Thế rồi cả lớp bắt đầu hòa theo. Những nữ sinh khởi xướng việc này phần lớn đều là học sinh cũ theo học ở đây từ cấp một. Hanachan cười lớn.
“Sao các em biết hôm nay là sinh nhật tôi?”
Các hoạt náo viên bắt đầu vẫy hoa và mở các hộp pháo giấy dành cho sinh nhật giữa tiếng vỗ tay và reo hò của cả lớp. Kazue ngồi thụp xuống ghế của mình giữa tiếng pháo lép bép. Một nữ sinh duyên dáng với những lọn tóc quăn buộc cao lôi từ sau lưng ra một bó hoa hồng tặng cho Hanachan.
“Ôi, tôi thật là xúc động.”
“Chúng em muốn nâng ly sinh nhật lần thứ bốn mươi của cô!”
Họ đã chuẩn bị mọi chuyện từ khi nào? Tôi tự hỏi. Họ bắt đầu lấy các lon soda ra từ một cái túi giấy và phân phát cho tất cả các học sinh trong lớp. “Tất cả mọi người hãy mở lon và uống mừng sinh nhật của cô giáo! Chúc mừng sinh nhật cô!”
Một học sinh tỏ ra bối rối vì không biết có được phép uống nước ngọt ở trong lớp hay không. Nhưng không ai muốn làm kẻ phá đám nên hết thảy đều hành động như muốn chung vui. Tôi bắt đầu nhấm nháp vị soda ngọt sắc tê tê trên đầu lưỡi. Kazue thì nhăn nhó vẻ bẽ bàng.
“Cô giáo nói gì đi ạ!” Thừa cơ, đám học sinh tiếp tục nài nỉ cô giáo vẻ nịnh nọt.
“Tôi thực sự rất bất ngờ!” Hanachan siết chặt bó hoa hồng trước ngực. “Nhưng tôi muốn cảm ơn tất cả các em. Hôm nay là sinh nhật lần thứ bốn mươi của tôi. Đối với các em tôi hẳn giống như một bà lão. Tôi cũng đã từng theo học ở đây, các em biết đấy. Cô giáo chủ nhiệm của tôi cũng bằng tuổi này khi tôi vào năm thứ nhất. Tôi nghĩ cô ấy thật là già cỗi nên tôi chắc các em cũng nghĩ vậy. Thật đáng buồn phải không?”
“Cô trông đâu có già!” một học sinh hét lên và cả lớp cười rộ lên.
“Thôi được rồi, cảm ơn các em! Được dạy dỗ các em là một đặc ân. Độc lập, tự chủ và tự tôn là một phương châm sẽ giúp các em rất nhiều trong tương lai. Tất cả các em đều rất may mắn. Nhưng chính vì sự may mắn đó mà chúng tôi sẽ giúp các em vươn lên cao hơn nữa để có thể tự khẳng định mình và tự vinh danh. Vì vậy, hãy học tập chăm chỉ và không ngừng tiến bộ!”
Bài phát biểu nẫu ruột không thể tưởng được. Thế mà đám học sinh vỗ tay, huýt sáo reo hò to tới mức giáo viên ở lớp bên cạnh phải thò đầu sang xem có chuyện gì xảy ra. Nhưng tôi biết thừa là chẳng có ai động lòng. Chỉ là để lừa phỉnh Hanachan mà thôi.
Tôi nhìn sang Mitsuru lúc này đang chắp tay trước ngực, mắt nhìn Hanachan, mặt tươi như hoa. Cảm thấy cái nhìn của tôi, cô ấy quay lại nhìn và khẽ nhăn mũi. Tôi cảm thấy hoan hỷ như thể tôi và Mitsuru là hai kẻ đồng phạm. Kazue không có cách nào khác là im lặng quan sát, hy vọng được lên tiếng biện hộ của cô ta đã bị đám hoạt náo viên đập tắt một cách phũ phàng.
Hết giờ học tôi thu dọn sách vở và bước ra ngoài. Bầu trời xanh trong bất tận như chưa hề biết tới cơn bão buổi sáng. Đột nhiên tôi nhớ tới việc Yuriko có thể trở lại Nhật Bản, thành ra tâm trạng tôi trở nên u ám suốt con đường dẫn tới ga tàu.
“Chờ chút!”
Tôi quay lại và thấy Kazue đang bước thình thịch sau lưng. Cô ta đi một đôi ủng cao su màu xanh hải quân to sụ, một đám học sinh huých khuỷu tay ra hiệu cho nhau cười sau lưng cô ta.
“Này, chuyện xảy ra ngày hôm nay thật làm tớ bực quá. Bạn cũng vậy phải không?”
Phải nói là thất vọng thì đúng hơn nhưng tôi chỉ gật đầu không nói gì. Kazue vỗ vai tôi bảo: “Bạn phải vội về nhà à?”
“Không hẳn.”
“Vậy thì thú thật với bạn, hôm nay cũng là sinh nhật tớ.” Kazue ghé vào tai tôi thì thầm. Tôi có thể ngửi thấy mùi mồ hôi nồng đậm của cô ta.
“Chúc mừng sinh nhật!”
“Sao bạn không ghé qua nhà tớ chơi?”
“Tại sao?”
“Mẹ tớ bảo hôm nay tớ có thể dẫn vài bạn học về nhà.”
Tôi rất tò mò muốn gặp mẹ của Kazue. Vào cái ngày mà tôi biết mẹ tôi không còn nữa tôi đã gặp mẹ của Mitsuru và giờ lại có cơ hội gặp mẹ của Kazue.
“Đến với tớ đi, chỉ một lát thôi. Tớ không thể nói với mẹ rằng không có ai tới cả.” Mặt Kazue tràn ngập một vẻ cay đắng như thể cô ta đang nhớ lại chuyện xảy ta trong lớp học. Dựa trên những gì Kazue lắp bắp nói trong lớp trước khi bị cắt ngang thì giờ cả trường đều đã biết việc cô ta định đưa ra thảo luận chuyện phân biệt đối xử ở các câu lạc bộ. Giờ cô ta đang đứng trên bờ vực của việc trở thành Mitsuru tiếp theo, trở thành đối tượng bị bắt nạt mà không hề biết được tầm nghiêm trọng của chuyện đó. Vừa nghĩ tới chuyện ấy thì tôi nghe thấy Kazue nhắc tới tên Mitsuru.
“Bạn chơi thân với cô bé tên là Mitsuru đúng không? Bạn có nghĩ là bạn có thể rủ cô ấy đến cùng không?”
Tôi dám chắc là Mitsuru đã có kế hoạch dành cả buổi chiều để học bài. Vừa tan trường là cô ấy vội về ngay.
“Không. Bạn ấy về rồi,” tôi trả lời cụt ngủn.
“Những học sinh giỏi lúc nào cũng bận rộn, đúng không,” Kazue nói, tràn trề thất vọng.
“Thôi, quên chuyện đó đi, dù sao bạn ấy cũng không thích bạn.”
Câu nói dối của tôi khiến Kazue im tịt. “Bạn cũng không cần phải đến nếu bạn không muốn.” Cô ta nói, mắt nhìn xuống đất.
“Không không sao. Tớ sẽ đi với bạn.”
Chúng tôi lên tàu và đi ra vùng ngoại ô của quận Setagaya tại một ga nhỏ chỉ có độc một đường tàu. Kazue rẽ sang một khu phố đúng như tôi tưởng tượng, yên ắng, thanh bình trong một khu dân cư với những khu nhà không lớn không nhỏ nằm sát nhau. Tuy trong khu này không có những tòa biệt thự lớn sang trọng nhưng cũng không có những tòa nhà nhếch nhác, xập xệ.
Trước cổng mỗi nhà đều có một tấm biển duyên dáng và phía trước nhà là một khoảnh đất trồng cỏ. Vào những ngày Chủ nhật, các ông bố hẳn sẽ đứng đó tập đánh gôn trong tiếng dương cầm réo rắt vang lên từ cửa sổ phòng khách. Bố của Kazue là một viên chức và tôi có thể hình dung ra việc ông mua ngôi nhà này với thời hạn trả góp ba mươi năm. Kazue hùng hổ đi đằng trước, bước chân nặng trịch như thể khó chịu khi phải kéo tôi theo. Nhưng chẳng mấy chốc cô ta bắt đầu giơ tay chỉ cho tôi những địa điểm quen thuộc của nhà mình. “Đây là trường cấp hai của tớ, đó là một trường cấp thành phố,” cô ta nói vẻ tự hào. “Còn cái nhà cũ phía bên kia là nơi tớ học đàn piano.” Chuyến hành trình ngược lại quá khứ của cô ta làm tôi khó chịu.
Tới cuối đường, Kazue vẫy tôi tới trước một ngôi nhà và bảo, vẻ đắc thắng. “Đây là nhà tớ!”
Đó là một ngôi nhà hai tầng được bao quanh bởi một bức tường bằng đá Otani màu xám xịt. Ngôi nhà được sơn màu nâu, mái ngói dày. Vườn trước rộng và bề thế hơn hẳn các nhà khác. Trong vườn cây lớn và cây bụi lúp xúp ken dày.
“Ngôi nhà trông thật ấn tượng! Nhà thuê à?”
Kazue có vẻ sửng sốt vì câu hỏi của tôi. Rồi cô ta ưỡn ngực ra nói, “Đất thì thuê còn nhà thì thuộc sở hữu của nhà tớ. Tớ ở đây từ lúc sáu tuổi.”
Dọc theo tường bao có những ô thủng hình viên kim cương chắc là để thông gió. Tôi nhòm qua những lỗ thủng này nhìn vào khu vườn lác đác những khóm đỗ quyên, tú cầu và những cây bụi thường thấy. Hầu hết ngóc ngách xó xỉnh nào cũng có các chậu cây chen chúc.
“Này, nhà cậu cũng có cả bonsai đấy nhỉ!” tôi buột miệng nói. Nhưng khi lại gần thì tôi mới thấy những cây mà tôi tưởng là bonsai chỉ là những “cây của kẻ tầm thường” như ông ngoại vẫn hay gọi, chính là mấy chậu cúc vạn thọ, lưu ly và cúc nhỏ, và các loại hoa mà người ta thường thấy bày trước các cửa hàng cũ.
Một người phụ nữ đeo kính đang ngồi xổm vừa hái những cánh hoa tàn vừa đuổi muỗi.
“Mẹ!”
Người phụ nữ quay lại khi nghe tiếng Kazue. Tôi tò mò nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của bà ta. Bà ta đeo một cặp kính gọng bạc, mái tóc màu đen rễ tre giống như Kazue được tỉa ngắn, ôm vào hai má. Bà có khuôn mặt hẹp nhưng đường nét thì cân đối hơn Kazue.
“Con dẫn bạn về à?” Bà giương mục kỉnh lên và nở một nụ cười xã giao. Hàm trên của bà ta nhô hẳn ra giống như mặt của một loài cá nào đó mà tôi không nhớ. Tôi tự hỏi không hiểu bố của Kazue thì trông thế nào? Sự hiếu kỳ khiến tôi quyết định sẽ nán lại ở đây cho tới khi nhìn thấy ông ta.
“Cháu cứ tự nhiên như ở nhà.”
“Cảm ơn bác ạ.”
Thế rồi mẹ cô ta lại quay trở lại với các chậu cây. Một sự tiếp đón không hẳn là nồng hậu. Có lẽ bà ta không thích việc tôi xuất hiện ngay trước giờ ăn tối. Hay là vì Kazue không nói trước sẽ dẫn bạn về. Cũng có thể hôm nay không phải là ngày sinh nhật của cô ta cũng nên. Hay cô ta nói dối? Tôi định hỏi cô ta nhưng chưa kịp lên tiếng thì cô ta đã đẩy tôi vào trong nhà.
“Vào trong đi.”
Cái cách xử sự trẻ con của Kazue thực sự làm tôi khó chịu. Thêm nữa, tôi vốn không thích ai chạm vào mình.
“Muốn vào xem phòng tờ không?”
“Thế nào cũng được.”
Trong nhà gần như không có ánh đèn. Tôi cũng không ngửi thấy hơi hướm gì của bữa tối. Cũng không nghe thấy tiếng vô tuyến hay đài phát thanh, cả căn nhà im ắng như một nấm mồ. Khi mắt tôi bắt đầu quen với bóng tối, tôi nhận thấy dù bên ngoài căn nhà trông thật ấn tượng nhưng vật liệu, nội thất bên trong lại là loại rẻ tiền. Dù vậy, mọi thứ đều được sắp đặt vô cùng gọn gàng, ngăn nắp. Tôi không tìm thấy một hạt bụi, dù là trong hành lang hay trên cầu thang. Cả căn nhà phảng phất một mùi căn cơ đạm bạc. Việc sống cùng ông ngoại đã khiến tôi học được thói chi li tiết kiệm nên tôi có thể dễ dàng nhận ra cái mùi của sự căn cơ. Mọi nơi trong ngôi nhà này đều bốc lên cái mùi đó, thậm chí đôi chỗ còn gây ra một cảm giác phóng đãng. Căn cơ thái quá khiến người ta nghĩ tới sự phóng đãng như thể chủ nhân làm vậy vì ham muốn.
Kazue bước lên cầu thang đằng trước tôi. Nó kêu cọt kẹt. Có hai phòng ở trên tầng hai. Phòng lớn hơn ở ngay phía trên hành lang. Giường của cô ta kê sát tường. Bàn học thì ở giữa phòng. Cô ta chẳng có vô tuyến hay máy nghe nhạc. Phòng của cô ta trống trơn, chẳng khác gì ký túc xá. Quần áo vứt linh tinh rải rác khắp nơi. Giường của cô ta thì bữa bãi, chăn phủ giường nhàu nhĩ.
Sách vở được nhồi trên giá sách, bộ đồ thể thao được cô ta nhét vào một khe hở trên đó. Vườn và nhà cô ta gọn gàng bao nhiêu thì phòng cô ta bữa bãi lộn xộn bấy nhiêu. Thật đúng với bản chất của Kazue.
Chẳng buồn để ý tới việc tôi đứng đó nhìn ngó xung quanh với vẻ ngỡ ngàng, Kazue ném cặp sách xuống bàn rồi ngồi xuống bên bàn học. Trên tường có dán mấy khẩu hiệu. Tôi đọc to:
“Chỉ có nỗ lực bản thân mới có thể đem lại thắng lợi! Hãy tin vào bản thân. Đặt ra mục tiêu! Trở thành học sinh trường Q!”
“Tớ dán chúng lên đó sau khi làm tốt bài thi đầu vào. Sau khi trúng tuyển, chúng trở thành minh chứng cho thành công của tớ,” Kazue nói.
“Có vẻ như bạn đã giành phần thắng,” tôi nói, hơi chút hoài nghi.
Nhưng Kazue khinh khỉnh nói tiếp, “Tớ thực sự học hành chăm chỉ, bạn biết không?”
“Tớ chả viết mấy khẩu hiệu hăng hái kiểu đó.”
“Ừ, bạn rất lạ,” Kazue nói và giương mắt nhìn tôi chòng chọc.
“Lạ là sao?”
“Bạn làm mọi chuyện theo cách của bạn,” cô ta nhấn mạnh từng từ một. Tôi chỉ muốn ra khỏi chỗ này và về nhà ngay lập tức. Tôi lo cho ông ngoại bị sốc vì cái chết của mẹ. Thế quái nào mà tôi lại dẫn xác tới đây chứ? Tôi vô cùng hối hận vì quyết định này.
Rồi tôi nghe thấy tiếng bước chân đều đều tiến lại gần giống như tiếng một con mèo bò lên cầu thang. Mẹ Kazue gọi cô ta ra ngoài.
“Kazue, ra mẹ bảo tí được không?”
Kazue ra khỏi phòng. Hai người bọn họ thì thầm gì đó trong hành lang. Tôi áp tai vào cửa nghe trộm.
“Con định bữa tối thế nào?” Mẹ cô ta hỏi. “Mẹ không biết con có khách và mẹ không nấu đủ cơm cho mọi người.”
“Nhưng bố bảo tối nay bố về sớm và con có thể dẫn một người bạn về nhà.”
“À ra thế. Có phải cô bé đó là học sinh đứng đầu lớp không?”
“Không ạ.”
“Thế nó xếp thứ mấy?”
Giọng của họ bỗng nhỏ hẳn đi khiến tôi không tài nào nghe được. Vậy câu chuyện về ngày sinh nhật của cô ta chỉ là dối trá? Kazue thực ra chỉ muốn giới thiệu Mitsuru cho bố mẹ mình? Phải chăng cô ta chỉ muốn lợi dụng tôi làm mồi nhử Mitsuru? Rõ ràng tôi chẳng có chút giá trị nào đối với cái gia đình này, một học sinh không thuộc dạng gương mẫu.
“Xin lỗi bạn,” Kazue nói khi quay trở lại phòng. Cô ta đóng cánh cửa lại sau lưng rồi nói thêm, “Cậu sẽ ở lại dùng bữa tối chứ?” Tôi gật đầu không chút xấu hổ. Vụ mẹ con họ thì thào sau lưng khiến tôi tò mò muốn biết họ sẽ xử sự thế nào đối với một khách mời không được hoan nghênh như tôi. Kazue bắt đầu lật giở một quyển sách tham khảo cố làm ra vẻ bình thường. Tất cả các trang đều được đánh dấu và nhòe nhoẹt mực đen.
“Cậu là con một à?”
“Không. Tớ còn một đứa em gái nữa. Nó cũng đang ôn thi vào trường trung học,” Kazue khẽ phẩy tay trả lời tôi.
“Em cậu cũng sẽ vào trường Q chứ?”
Kazue nhún vai nói, “Nó không đủ xuất sắc. Nhưng nó đang cố hết sức. Tiếc là nó không được thông minh như tớ. Mẹ tớ luôn bảo vì nó giống bà. Nhưng chính mẹ tớ cũng tốt nghiệp một trường đại học dành cho nữ sinh, bà ấy chỉ nói thế để vui lòng bố. Bà ấy đã theo học ở một trường nữ sinh có tiếng. Tớ may mắn giống bố vì ông ấy đã học ở trường Đại học Tổng hợp Tokyo, trường đại học số một ở Nhật. Thế còn bố của bạn thì sao? Ông ấy học trường nào ra?”
“Tớ không nghĩ là ông ấy học đến đại học.”
Đúng như tôi dự đoán, Kazue nhìn tôi với vẻ kinh ngạc. “Thế còn trường trung học thì sao?”
“Tớ không biết. Tớ chả biết gì về quá trình học tập của ba tớ ở Thụy Sĩ đâu.”
“Thế còn ông ngoại bạn, người mà bạn đang ở cùng thì sao?
“Ông ngoại thậm chí chả học tới trung học.”
“Thế còn mẹ bạn?
“Tớ nghĩ mẹ tớ học tới trung học là cùng.”
“Thế thì bạn là ngôi sao hy vọng của họ còn gì!”
“Là gì cơ?”
Chúng tôi có thể hy vọng cái gì cơ chứ? Tôi khẽ lắc đầu, Kazue nhìn tôi chằm chằm như thể tôi đột nhiên trở thành một sinh vật ngoài hành tinh. Kazue hẳn nghĩ tôi cũng có ước muốn trở thành niềm hy vọng của gia đình giống như cô ta. Cô ta không phải là loại người quan tâm tới việc người khác có thể có quan điểm khác mình.
“Thì nghĩa là bạn phải cố gắng hết sức mình đúng không? Nếu thực sự, thực sự nỗ lực thì bạn sẽ làm được điều đó.”
“Làm được điều đó? Điều đó là điều gì?”
“Sao cơ, là thành công chứ còn gì nữa!” Kazue nhìn những khẩu hiệu dán trên tường vẻ hoang mang. “Ngay từ hồi tiểu học tớ đã xác định phải vào được hệ thống trường Q dành cho nữ sinh. Đó chính là một ngôi trường hoàn hảo. Nếu học hành chăm chỉ và xuất thân từ một gia đình lý lịch tốt, bạn có thể vào được trường Q và sau đó là đại học Q. Cứ thế mà thẳng tiến. Và nếu tốt nghiệp trong mười vị trí đứng đầu lớp thì tớ sẽ được nhận vào khoa kinh tế của đại học Q. Ở đó, tớ sẽ tích lũy các điểm A+ để rồi có thể kiếm được việc tại một công ty có tiếng tăm sau khi tốt nghiệp.”
“Được nhận vào làm việc ở một công ty có tiếng tăm rồi sao nữa?”
“Sao nữa? Thì tớ sẽ làm việc ở đó, hẳn rồi. Quá tuyệt vời, đúng không nào? Chúng ta đang sống ở một thời đại mà ngay cả phụ nữ cũng có thể lựa chọn công việc của mình. Mẹ tớ sinh ra vào thời điểm mà chuyện đó không thể xảy ra nên bà ấy muốn tớ thực hiện những gì bà đã không thể làm được.”
Tôi nghe thấy tiếng mẹ Kazue gọi dưới chân cầu thang. Kazue rời khỏi phòng và khi cô ta mở cửa tôi ngửi thấy mùi xốt mì soba lạnh xộc lên. Vài phút sau Kazue quay trở lại với một chiếc khay nan sơn màu bên ngoài, loại khay mà các tiệm ăn giao tận nhà vẫn hay dùng. Trên khay có khai đĩa mì soba cao ngất và hai bát xốt chấm.
“Vì cậu đường xa tới chơi nên nhà tớ muốn đãi tiệc thết cậu. Mẹ tớ đã gọi soba chỉ riêng cho hai đứa chúng mình nên chúng ta sẽ ăn ở đây.”
Thật không giống với ý tưởng về thức ăn đãi khách của tôi cho lắm nhưng tôi không nói gì. Tôi nghĩ mỗi nhà có một quan điểm khác nhau về sự hiếu khách. Tôi nhớ lại cái mùi của sự hà tiện ngay khi bước chân vào ngôi nhà này.
Kazue lại đi ra và quay trở lại với một chiếc ghế có đệm lót màu hồng, kiểu ghế đi kèm với bàn học. Chắc là của em gái cô ta. Kazue mời tôi ngồi lên chiếc ghế đó. Chúng tôi ngồi xuống trước bàn học của cô ta và bắt đầu ăn mì.
Cửa phòng đột nhiên mở toang. “Chị lấy ghế của em làm gì thế?” Em gái cô ta lúc này mới nhìn thấy tôi nên có vẻ hơi ngượng. Thế rồi mắt cô ta nhìn xuống hai dĩa mì, mặt cô ta đầy vẻ thèm thuồng tiếc nuối vì biết rằng mình không có phần. Khuôn mặt và vóc dáng của cô ta đúng là một bản sao nhăn nhúm của Kazue, chỉ khác là tóc cô ta dài, xõa ngang lưng.
“Chị có bạn. Chị cần mượn em một chút. Đừng lo, ăn xong chị trả lại ngay cho em.”
“Thế em phải làm bài tập bằng cách nào đây?”
“Đã bảo là ăn xong sẽ trả ngay mà.”
“Chị phải đứng mà ăn chứ!”
Hai chị em họ cãi nhau chẳng thèm nhìn tôi. Sau khi em cô ta đi khỏi tôi hỏi Kazue, “Bạn có thích em gái bạn không?”
“Gần như không,” Kazue vụng về dùng đũa gỡ chỗ mì rối, khều lên khều xuống. “Nó biết là nó không được thông minh như tớ nên nó ganh tị. Khi tớ thi đầu vào tớ biết là nó chỉ muốn tớ trượt. Và nếu nó mà thi trượt thì cá rằng nó sẽ đổ lỗi cho tớ đã lấy ghế của nó. Nó là một đứa trẻ con thế đấy!”
Kazue ăn hết soba trước và đang húp nốt chỗ xốt đen sì còn sót lại. Tôi hết cả ngon miệng đành giết thời gian bằng việc nhét đôi đũa rẻ tiền dùng một lần vào bọc giấy rồi lại lôi chúng ra, cứ thế nhiều lần. Ăn mì soba trong căn phòng lộn xộn của Kazue đột nhiên khiến tôi cảm thấy nôn nao. Căn phòng đầy bụi, không biết đã bao lâu không được lau dọn, ám một mùi như trong hang động vật. Tôi nghĩ tới cuộc gọi của Yuriko sáng nay và cái cách con bé miêu tả những hành vi gần đây của mẹ.
Mẹ tôi ngồi đó với hai mắt mở trừng trừng trong bóng tối, nhốt mình trong một căn phòng không có ánh sáng. Mẹ tôi vốn thần kinh yếu, tôi tự hỏi không hiểu tôi có thừa hưởng ở bà điều đó hay không? Thật phúc đức nếu nó di truyền sang Yuriko nhưng so với tôi thì Yuriko rõ ràng là một đứa đơn giản và chỉ quyết đoán với những ham muốn của riêng nó. Tôi mới chính là đứa giống mẹ.
Kazue quay sang hỏi tôi, “Bạn có anh chị em gì không?”
“Tớ có một đứa em gái,” tôi cay đắng trả lời. Chỉ nghĩ tới Yuriko đã khiến tôi trở nên cay cú. Kazue nuốt nước bọt như thể sắp phun ra một câu hỏi tiếp theo nhưng tôi đã cắt ngang cô ta bằng cách hỏi sang chuyện khác. “Bạn không định ăn soba tối nay. Nếu tớ không tới thì bạn sẽ ăn gì?”
“Gì cơ?” Kazue quay phắt đầu lại như thể muốn nói tôi hỏi gì mà lạ thế.
“À, tớ chỉ tò mò thôi.”
Tôi thực sự muốn biết Kazue và mẹ cô ta ăn tối kiểu gì. Liệu họ có thể làm bánh đậu bằng bùn và lá dương tử nghiền nát và salad từ lá bồ công anh? Mẹ Kazue trông giống mẫu phụ nữ thích xài cây nhà lá vườn. Trông bà xa rời với thực tại, làm việc nhà giống như một người máy chứ không phải người thật.
“Chỉ có bố và tớ là ăn mì soba tối nay. Mẹ bảo mẹ và em gái tớ sẽ ăn đồ còn lại từ bữa trước. Nhà tớ ít khi gọi đồ ăn ngoài, chỉ một ít soba thế này mà những ba trăm yen. Có mà dở hơi. Nhưng mẹ tớ đặc biệt gọi món này là vì có cậu tới chơi.”
Tôi ngước mắt lên dò tìm chỗ để đèn khi nhận ra bóng tối bắt đầu len lỏi vào trong phòng. Ở giữa trần nhà bằng gỗ ép vàng ố là một ống đèn tuýp huỳnh quang kiểu thường thấy ở các văn phòng. Khi Kazue bật đèn, một tiếng rít rít khẽ phát ra như âm thanh của chim vỗ cánh. Ánh đèn tạo thành một viền đen trên những đường nét của Kazue. Không cưỡng nổi, tôi lên tiếng, “Tại sao chỉ có bạn, bố bạn và tớ là được ăn mì soba?”
Đôi mắt tin hin của Kazue sáng lấp lánh. “Vì trong nhà tớ mọi người đều có thứ tự của nó. Kiểu như một bài test dành cho vật nuôi. Tất cả thành viên trong nhà xếp hàng rồi thả chó ra xem nó lại gần ai trước nhất. Và người đầu tiên chính là ông chủ. Như vậy đó. Mọi người đều biết cái trật tự ấy một cách tự động, biết ai là người có uy tín và quyền hành nhất trong nhà. Tất cả mọi người đều tuân theo cái trật tự đó mà không cần ai phải giải thích. Mọi việc trong nhà đều được quyết định theo cái trật tự đó, như ai có quyền đi tắm trước tiên hay ai được ăn ngon nhất. Bố tớ luôn là người đầu tiên, đây là lẽ tự nhiên, đúng không nào? Sau đó là tớ. Trước đây người thứ hai là mẹ tớ nhưng từ khi tớ thuộc vào hạng học sinh xuất sắc nhất cả nước trong độ tuổi của tớ thì vị trí đó thuộc về tớ. Thế nên bây giờ bố tớ là nhất, tớ là nhì rồi tới mẹ tớ và cuối cùng là em gái tớ. Nếu mẹ tớ không cẩn thận thì em tớ sẽ qua mặt bà nốt.”
“Gia đình bạn xác định ngôi thứ dựa trên thành tích học tập ư?”
“Phải nói là dựa trên nỗ lực mà mỗi người bỏ ra.”
“Nhưng mẹ bạn không còn đi thi nữa thì như vậy có phải là hơi bất công cho bà ấy không?”
Mẹ và các con gái tranh đua với nhau. Không phải là chuyện kỳ quặc hay sao? Nhưng Kazue đang hết sức nghiêm túc.
“Điều đó chả giúp được gì. Mẹ đã thua bố ngay từ đầu và sẽ chẳng có ai trong gia đình này vượt qua được ông. Tớ nhớ là từ bé tớ đã lao đầu vào học như điên. Niềm vui sướng nhất trong đời tớ là cải thiện được điểm số. Từ lâu tớ đã đặt ra mục tiêu là phải vượt trội hơn so với mẹ tớ. Bạn biết không, mẹ tớ lúc nào cũng bảo bà chả bao giờ có ước vọng gì về sự nghiệp nhưng tớ nghĩ bà từng muốn trở thành bác sĩ. Nhưng cha của bà không đồng ý với lại bà cũng không đủ giỏi để vào được trường y. Nhưng bà vẫn luôn hối tiếc về điều đó. Được nuôi dạy chỉ để trở thành một phụ nữ thật là cám cảnh, không phải vậy sao? Bà ấy lúc nào cũng viện cớ là phụ nữ để không nỗ lực thăng tiến trong cuộc sống. Nhưng nếu thật sự nỗ lực hết sức mình thì bạn có thể đi tới thành công cho dù bạn là phụ nữ.”
“Có phải là bạn đang muốn nói rằng dù cho chuyện gì có xảy ra đi nữa, chỉ cần nỗ lực hết sức là sẽ thành công?”
“Dĩ nhiên rồi. Nếu nỗ lực một cách xứng đáng thì bạn sẽ được đền bù.”
Vậy sao? Giờ bạn đang sống trong cái thế giới của trường trung học nữ sinh Q đấy và dù bạn có nỗ lực thế nào đi nữa bạn cũng sẽ không được đền bù đâu! Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi gần như bất cứ thứ gì chúng ta cố gắng đạt được đều sẽ chỉ gặp thất bại. Tớ nói thế có sai không?
Tôi định nói vậy với Kazue. Nhưng thôi, tôi muốn dạy cho cô ta một bài học hơn. Nếu như cô ta có dịp nhìn thấy một đứa con gái như Yuriko với vẻ đẹp hoàn hảo tới đáng sợ của nó, thì những nỗ lực của Kazue dù xuất chúng tới mức nào cũng chỉ là một trò đùa. Nhưng Kazue vẫn đang nhìn chằm chằm vào các khẩu hiệu trên tường với một vẻ quyết tâm sắt đá.
“Bạn tin vào điều đó vì bố bạn nói với bạn thế à?”
“Nó giống như nguyên tắc của gia đình tớ. Mẹ tớ cũng tin vào điều đó. Và các thầy cô giáo ở trường, họ cũng sẽ bảo bạn như vậy. Đó là chân lý, vậy đấy,” Kazue vừa nói vừa nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, đôi mắt ti hí của cô ta hấp háy, đầy vẻ giễu cợt.
“Nhắc tới các bà mẹ, bạn có biết hôm nay chuyện gì đã xảy ra với tớ không?”
Đã tới lúc phải nói cho cô ta chuyện này. Tôi liếc đồng hồ, chỉ muốn đi về nhà. Đã hơn bảy giờ tối.
“Tớ chỉ biết hôm nay là sinh nhật Hanachan,” Kazue mỉm cười trả lời rồi như sực nhớ tới quang cảnh lớp học lúc đó, mặt cô ta bắt đầu nhăn lại vẻ cau có.
“Mẹ tớ vừa mất,” tôi nói.
Kazue bật dậy khỏi ghế vẻ sững sờ. “Mẹ bạn mất ngày hôm nay?”
“Ừ, chính xác thì là hôm qua.”
“Bạn không phải về nhà sao?”
“Ừ, tớ sắp phải về rồi. Tớ có thể gọi một cú điện thoại được không?”
Kazue chạy về phía cầu thang, không nói gì. Tôi nhẹ nhàng đi xuống cầu thang tối om về phía ánh sáng hắt ra từ phía dưới một cánh cửa đóng im ỉm. Tôi nghe thấy tiếng vô tuyến. Tôi gõ cửa.
Giọng một người đàn ông cáu kỉnh vang lên, “Gì thế?” Là bố của cô ta. Tôi mở cửa bước vào. Thứ duy nhất gây chú ý trong căn phòng khách chật chội là những bức tường ốp gỗ. Em gái, mẹ của Kazue và một người đàn ông trung niên đang ngồi trên ghế sofa trước màn hình vô tuyến nhất loạt quay sang nhìn tôi. Bát đĩa bày trên giá phía bên kia phòng cũng là đồ mua ở siêu thị. Bộ bàn ăn, ghế sofa, ghế ngồi đều là những thứ rẻ tiền tương tự. Lũ học sinh trường Q sẽ vào mùa nếu nhìn thấy cảnh này và Kazue hẳn sẽ được đặt lên thớt.
“Cháu có thể dùng điện thoại được không ạ?”
“Dĩ nhiên rồi.”
Mẹ Kazue chỉ tay về phía căn bếp tối om. Ngay ngoài hành lang tôi nhìn thấy một chiếc điện thoại quay tay màu đen kiểu cổ lỗ sĩ. Bên cạnh là một chiếc hộp thủ công nhỏ đề hai chữ MƯỜI YEN. Bố mẹ Kazue vẫn ngồi đó nhìn tôi chờ đợi. Không người nào buồn lên tiếng bảo tôi không cần trả tiền điện thoại. Thế nên tôi lần tìm trong túi váy đồng phục ra một đồng mười yen và bỏ vào trong hộp. Đồng xu rơi xuống nghe cách một cái. Rõ ràng là chả có mấy khách khứa ghé thăm ngôi nhà này. Việc nghĩ ra một mức phí để lấy tiền điện thoại thật đúng là một trò bệnh hoạn. Tôi vừa quay số về nhà vừa quan sát gia đình Kazue.
Đứa em gái Kazue bị tôi lấy mất ghế bên bàn ăn viết nguệch ngoạc lên một quyển vở trước mặt. Mẹ cô ta ở đằng sau vừa thì thầm vừa chỉ trỏ gì đó. Cả hai ngẩng đầu lên một lát để kiểm tra động tĩnh của tôi rồi lại chúi mũi vào quyển vở. Bố của Kazue thì đang xem một chương trình trò chơi truyền hình vẻ hoàn toàn thư giãn trong chiếc áo thun mặc nhà và quần pyjama. Nhưng tôi có thể đoán ngay ra là ông ta vừa mới chuyển sang kênh này vì tuy nhìn chằm chằm vào vô tuyến nhưng ông không có vẻ tập trung cho lắm vào chương trình đang phát. Ông ta cứ loay hoay trên ghế vẻ nôn nóng. Ông ta chắc gần năm mươi, thấp đậm, da dẻ hồng hào, mái tóc cắt ngắn bắt đầu thưa dần. Nhìn qua thì trông ông ta giống một trái bí ngô tròn xoay. Tôi có cảm giác như bị lừa. Vì người đàn ông Nhật duy nhất mà tôi biết là ông ngoại nên tôi rất tò mò về những người bố khác. Bên cạnh đó tôi rất muốn biết bố của Kazue là người thế nào, nhất là khi ông ta điều hành vợ con mình trên vị trí số một tự phong. Té ra ông ta cũng chỉ là một người đàn ông trung niên tầm thường mờ nhạt. Thật đúng là thất vọng.
Điện thoại cứ đổ chuông mãi và rồi cũng có ai đó bắt máy.
“Ông à?”
“Cháu lượn lờ ở đâu đấy?”
Người ở đâu dây bên kia không phải là ông ngoại. Đó là bà hàng xóm làm nghề bán bảo hiểm.
“Ở nhà có chuyện. Huyết áp của ông cháu tăng chót vót nên phải đi nằm rồi. Có vẻ như ba và em gái cháu ở Thụy Sĩ tranh cãi chuyện gì đó nên mới ra nông nỗi này. Họ cứ gọi liên tục khiến ông cháu phát rồ. Ông cháu thì lúc nào cũng thích được dỗ ngọt, cháu biết đấy. Họ cuối cùng cũng khiến ông cháu bình tĩnh trở lại nhưng chả được bao lâu vì sau đó ông lại nhớ ra là cháu đi đâu mà chưa về thế nên lại đâm ra lo lắng cho cháu.”
“Cháu xin lỗi. Giờ ông cháu ổn rồi chứ ạ?”
“Ừ, ổn rồi. Ông ấy nhờ người quản thúc gọi điện cho bác nên bác chạy sang ngay lập tức giúp ông cháu bình tĩnh lại. Giờ thì ông đang ngủ say như chết rồi. Thật là không may cho mẹ cháu. Những lúc thế này đúng là rất cần có người để nhờ cậy, cháu biết đấy.”
Có vẻ như bà hàng xóm sẽ nói không bao giờ hết chuyện nên tôi vội chen vào, “Cháu sẽ về nhà ngay bây giờ.” Nhưng từ Setagaya về nhà giống như đi từ đầu này tới đầu kia Tokyo nên còn lâu tôi mới tới nơi.
“Bao giờ thì cháu về tới nhà?”
“Ít nhất phải tiếng rưỡi ạ.”
“Thế thì tốt nhất là cháu gọi cho em gái cháu trước đi.”
“Gọi cho Yuriko á? Có chuyện gì khẩn cấp không ạ?”
“Có đấy. Nó nói là cháu phải tới dự tang lễ và nó đang rất nóng ruột. Tóm lại là nó bảo nó có chuyện cần phải nói với cháu.”
“Nhưng cháu đang ở nhà người khác.”
“Thì sao? Cháu bảo họ là cháu sẽ trả tiền điện thoại. Chứ chờ cháu về thì muộn quá.”
“Vâng ạ.”
Thế quái nào mà ba tôi và Yuriko có thể cãi nhau cơ chứ. Hẳn là có chuyện khủng khiếp gì đã xảy ra. “Cháu cần gọi ra ngước ngoài, đi Thụy Sĩ.” Tôi nói với mẹ Kazue. “Có chuyện khẩn cấp ạ.”
“Khẩn cấp?”
Mẹ Kazue nhìn tôi vẻ dò xét, hai mắt nheo lại sau cặp kính gọng bạc.”
“Mẹ cháu vừa mất đêm qua, em gái cháu muốn nói chuyện với cháu.”
Trông mẹ Kazue có vẻ choáng váng, bà ta quay sang nhìn ông chồng. Bố Kazue quay phắt sang nhìn tôi. Mắt ông ta giật giật như muốn trút giận lên ai vô phúc mà gặp phải. “Thật khủng khiếp,” ông ta nói vẻ bóng gió. “Ta nghĩ cháu nên quay số gọi tổng đài trước khi gọi điện. Như vậy cháu có thể hỏi cước phí trước khi cuộc gọi kết thúc. Như thế sẽ tiện hơn cho cả đôi bên.”
Người đầu tiên nhấc máy là ba tôi, lúc này vẫn đang trong cơn sốc.
“Mọi chuyện ở đây rối tung cả lên, thật là kinh khủng!” Hai từ cuối cùng ông thốt ra bằng tiếng Anh. “Cảnh sát đến và hỏi hết cái này đến cái khác. Họ cho rằng thật lạ lùng khi mẹ con chết mà bố lại đang ở bên ngoài, nhưng chuyện đó rất bình thường có đúng không? Mẹ con đã mất trí rồi, con biết không. Ba chả làm gì cả. Thế là ba nổi điên lên và phải dùng lý lẽ để bảo vệ sự an toàn của chính mình. Một cuộc nói chuyện thật khủng khiếp. Đúng là kinh khủng.” Lại cái từ tiếng Anh đó. “Chuyện này rất buồn nhưng cũng rất khó chịu. Bị nghi ngờ như thế thật là đau đớn.”
“Ba, ý ba định nói là vô tội đúng không? Rằng ba phải bào chữa cho sự vô tội của mình?”
“Ốm á? Cái gì cơ, con nói gì ba không hiểu?”
“Thôi quên đi. Tại sao họ lại nghi ngờ ba?”
“Ba không muốn nói chuyện này bây giờ. Đó không phải là chuyện nói với con gái. Nhưng họ cử một thanh tra cảnh sát tới vào lúc bốn giờ. Ba điên hết cả người.”
“Thế còn đám tang thì sao ạ?”
“Ngày kia, vào lúc ba giờ.”
Ba tôi vừa kịp nói hết câu thì Yuriko cầm máy. Tôi ngờ là con bé đã giật điện thoại ra khỏi tay ông. Tôi có thể nghe thấy ông mắng con bé bằng tiếng Đức.
“Là em, Yuriko đây. Ngay khi tang lễ kết thúc em sẽ về Nhật. Ba thật quá đáng. Ông ấy nói cú sốc này có thể làm cô bồ người Thổ Nhĩ Kỳ của ông sẩy thai nên ông ấy mang cô ta về đây, về cái nhà này. Trong khi thi thể của mẹ vẫn còn đó. Thế nên em báo với cảnh sát. Em bảo với họ là cô bồ của bố chính là người phải chịu trách nhiệm nhiều nhất về cái chết của mẹ. Thế nên viên thanh tra cảnh sát ấy mới đến đây. Đáng đời ông ấy!”
“Thật là một hành động ngu ngốc, Yuriko. Mày biến mọi thứ thành một vở kịch rẻ tiền.”
“Có thể, nhưng vì lần này ông ấy đã đi quá xa.”
Yuriko bắt đầu khóc. Có vẻ như hai cha con họ đã cãi nhau nảy lửa kể từ khi tôi nói chuyện với họ sáng nay.
“Mẹ ra đi đột ngột, ba bị sốc không có gì là lạ. Ông ấy có mang bao nhiêu đàn bà về nhà tao cũng không cần quan tâm. Mày phải tươi tỉnh lên mới phải. Ít nhất cũng sẽ có ai giúp ông ấy vượt qua chuyện này.”
“Chị đang nói gì đấy? Chị bị mất trí à?” Yuriko nổi cáu. “Sao chị có thể lạnh lùng như thế? Mẹ thì mất. Chị không có mặt ở đây nên có thể chị không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Mẹ vừa tự sát mà ông ta vẫn mang người đàn bà ấy về đây được. Vài tháng nữa là chị em mình sẽ có thêm một đứa em trai hay em gái. Dĩ nhiên là em nổi giận. Cái chết của mẹ có thể là vì ba ngoại tình. Thế thì có khác gì là chính ông ấy đã giết bà. Hay chị muốn nói là do người đàn bà kia hại chết mẹ cũng được. Sợi dây níu kéo cuối cùng cũng đã đứt. Em đoạn tuyệt quan hệ với người đàn ông này mãi mãi.”
Tiếng rít của Yuriko vượt qua chặng đường sau nghìn dặm từ Thụy Sĩ tới Nhật Bản, thoát ra khỏi chiếc ông nghe điện thoại màu đen vang khắp căn phòng khách u ám của nhà Kazue.
“Mẹ chết là việc của mẹ,” tôi cười bằng giọng mũi. “Mày nói mày cắt hết quan hệ với ba nhưng mày chả có xu nào. Nếu quay trở lại Nhật Bản mày sẽ không có chỗ ở cũng như không được nhập học.”
Tôi cố gắng mọi cách cản trở việc Yuriko quay về. Nhưng không hiểu ba tôi nghĩ gì mà lại vác bạn gái về nhà ngay ngày mẹ tôi mất? Ngay cả tôi nghe chuyện đó cũng thấy choáng. Tôi để ý thấy gia đình kia ngồi nín thở trong phòng khách của họ, mắt không rời khỏi tôi. Tôi bắt gặp ánh mắt của bố Kazue nhìn tôi trừng trừng không chịu buông tha. Thật đáng xấu hổ khi để một cuộc nói chuyện như vậy xảy ra trong nhà này, ánh mắt của ông ta như muốn buộc tội tôi về chuyện đó. Tôi cố gắng kết thúc cuộc gọi thật nhanh.
“Thôi được rồi, chúng ta sẽ nói chuyện sau.”
“Không được, chúng ta phải quyết định ngay bây giờ. Cảnh sát sẽ tới đây bất cứ lúc nào và em sẽ phải đi cùng họ khi họ mang mẹ tới nhà tang lễ.”
“Mày đừng có nghĩ tới Nhật Bản nữa,” tôi hét lên. “Chuyện đó nhất định là không được.”
“Chị không có quyền bảo em phải làm gì, chị biết đấy. Em sẽ trở về.”
“Về đâu cơ?”
“Chả cần biết. Nếu em không ở được với chị thì em sẽ hỏi nhà Johnson.”
“Được thôi. Mày cứ thử hỏi xem.”
“Chị lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình, có đúng không?”
Vợ chồng nhà Johnson dở hơi thật đúng là hợp với Yuriko. Tôi có cảm giác như một gánh nặng khổng lồ vừa được cất khỏi hai vai. Chừng nào không phải gặp em gái mình thì nó quay về Nhật hay ở lại Thụy Sĩ tôi cũng chẳng quan tâm. Tôi chỉ muốn tiếp tục cuộc sống bình thản, lặng lẽ với ông ngoại.
“Khi nào quay lại thì gọi cho tao.”
“Chị thì quan tâm cái quái gì đến em. Lúc nào chả thế.”
Bực mình, tôi gác máy. Có vẻ như chúng tôi đã nói chuyện hơn mười phút. Cả nhà Kazue nhìn đi chỗ khác. Tôi đợi tổng tài gọi lại báo cước phí. Tôi đợi mãi, đợi mãi, đợi rất lâu. Cứ tưởng họ sẽ gọi ngay trong vài phút. Tới khi điện thoại đổ chuông thì bố của Kazue lao qua phòng với một tốc độ đáng kinh ngạc chộp lấy ống nghe trước khi tôi kịp chạm tay đến.
“Mười nghìn tám trăm yen. Nếu cháu gọi sau tám giờ thì sẽ rẻ hơn.”
“Cháu xin lỗi. Cháu không có bằng ấy tiền ở đây. Cháu có thể đưa cho Kazue vào ngày mai được không ạ?”
“Làm ơn hãy giữ lời.”
Bố của Kazue nói như với một đối tác làm ăn. Tôi cảm ơn ông ta rồi rời khỏi phòng khách. Tôi nghe thấy tiếng cánh cửa đóng lại phía sau lưng khi đứng trong hành lang u ám nhìn lên những bậc cầu thang tối om. Bố của Kazue cũng đi ra theo tôi. Ánh đèn từ phòng khách hắt ra thành một vệt dài khi ông ta khép cửa lại. Nhưng không thấy ai nói năng gì. Phòng khách im lặng như nhà mồ như thể hai người còn lại đang nín thở để nghe trộm bố Kazue sẽ nói gì với tôi. Đứng lên trông ông ta còn thấp hơn tôi. Ông ta ấn vào tay tôi một mẩu giấy. Đó là ghi chú về số tiền mà tôi nợ cước điện thoại, 10.800 yen được viết hết sức rõ ràng.
“Có chuyện này ta muốn nói với cháu.”
“Gì cơ ạ?”
Ánh mắt ông ta rất dữ dội như muốn khuất phục tôi. Tôi hơi cảm thấy nôn nao chuếnh choáng. Đầu tiên ông ta nói giọng đều đều như thể muốn dỗ ngọt.
“Cháu được nhận vào trường Q nên ta nghĩ cháu hẳn là một cô gái tốt.”
“Dạ.”
“Cháu đã ôn thi vất vả như thế nào?”
“Cháu cũng không nhớ nữa ạ.”
“Kazue luôn là một đứa chuyên cần, kể từ hồi tiểu học. Thật may rằng nó là một đứa thông minh và thích học. Thế nên nó có được thành tựu ngày hôm nay cũng là xứng đáng. Nhưng ta nghĩ rằng chỉ học thôi là chưa đủ. Dù sao nó cũng là con gái nên ta muốn nó quan tâm tới quần áo nữa. Và nhất là khi nó vào học trường Q thì ta càng muốn nó trở nên nữ tính hơn. Ta muốn nó cố gắng hơn ở khía cạnh đó, cháu biết đấy. Về phần con bé, nó vẫn làm tất cả để đáp lại mong đợi của ta. Ta rất thương con bé. Ta có thể ca ngợi nó một cách mù quáng vì ta là cha của nó. Hai đứa con gái của ta đều quá dễ bảo và dễ phục tùng nên ta rất lo cho chúng. Nhưng cháu thì khác hẳn. So sánh với con gái của ta thì cháu là một đứa tự tin hơn rất nhiều. Ta làm việc cho một hãng lớn và ta nhìn người rất giỏi. Ta có thể đoán ngay ra tính cách thực của một ngời từ cách xa hàng dặm. Bố cháu làm gì?
Bố Kazue nhìn tôi đầy vẻ thiếu thiện cảm. Ông ta chả buồn che giấu việc ông ta đang dò xét đánh giá tôi. Tôi dám chắc là ông ta sẽ chẳng coi công việc của ba tôi ra gì nên tôi nói dối.
“Ông ấy làm việc cho một ngân hàng Thụy Sĩ.”
“Ngân hàng nào cơ, ta tự hỏi không biết có phải Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ UBS không? Hay là Swiss Credit?
“Cháu được dặn không được tiết lộ thông tin về việc này.”
Tôi hoàn toàn rối trí và mất phương hướng nhưng tôi đã cố gắng hết sức để trả lời cho ra hồn. Bố Kazue khẽ khịt mũi, đầu gật gù. Mặt ông ta lộ vẻ kính trọng. Có phải là ông ta phần nào cảm thấy thấp kém hơn? Tôi ngạc nhiên thấy mình đã tìm được một đối trọng hay ho. Bạn cứ cười tôi nếu muốn nhưng tôi chỉ thấy mình nói chính xác những gì mà ông ngoại tôi, một tay lừa đảo thứ thiệt, vẫn thường hay nói khi nhắc tới công việc của ba tôi. Tôi chỉ tìm cách thích ứng với quan điểm về giá trị của người đàn ông này. Tôi chưa từng gặp ai có lập trường dứt khoát về cái gì thì đáng giá và cái gì thì không như ông ta. Nhưng điều đáng sợ là ông ta đang áp đặt cái logic bất công ấy lên tôi. Mà lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ mười sáu tuổi.
“Kazue nói với ta rằng chính cháu là người hối thúc nó tranh cãi về các câu lạc bộ. Con gái ta là loại người làm gì cũng hết sức nghiêm túc và nỗ lực hết sức để có kết quả tốt nhất. Nó sẽ ngây thơ ép mình làm theo bất cứ điều gì mà người khác yêu cầu nó thực hiện. Và cháu biết thế đúng không? Nhưng ta mới là người điều khiển con gái mình, cháu hiểu không? Vậy nên tốt nhất là cháu hãy tránh xa chuyện ấy ra.”
Tôi cố gắng đối đầu với ông ta. “Thưa bác, bác không biết ở trường cháu nó như thế nào và bác không biết gì về tình bạn giữa cháu và Kazue thì sao bác có thể nói những điều như thế?”
“Có tình bạn giữa cháu và Kazue ư?”
“Đúng ạ.”
“Nhưng cháu không phải là một người bạn thích hợp cho con gái ta. Chuyện mẹ cháu thật đáng tiếc. Nhưng từ những gì ta biết thì hoàn cảnh dẫn tới cái chết của mẹ cháu thật không bình thường. Ta chọn trường nữ sinh Q cho Kazue vì ta biết ta sẽ không nhầm. Ta biết Kazue có thể kết bạn với những cô gái tốt. Kazue là một đứa con gái lành mạnh từ một gia đình mẫu mực.”
Ý ông ta là gia đình tôi thì không mẫu mực. Yuriko và tôi không phải là những đứa trẻ lành mạnh?
“Cháu cho rằng điều đó thật không công bằng. Cháu…”
“Thôi đủ rồi. Ta không quan tâm tới những gì cháu muốn nói.”
Tôi có thể cảm thấy cơn giận đang bùng lên trong đôi mắt ti hí mở trừng trừng của ông ta. Không phải là ông ta giận tôi mà là cái nguy cơ sẽ ảnh hưởng tới tương lai của con gái ông ta.
“Dĩ nhiên tình bạn với một cô gái như cháu cũng sẽ là một bài học tốt cho Kazue. Theo cách đó, nó có thể hiểu đời tốt hơn. Nhưng bây giờ vẫn còn quá sớm cho con bé và cháu chả có gì liên quan tới cái nhà này cả. Ta còn một đứa con gái nữa phải quan tâm nên xin lỗi cháu phải nói ra điều này nhưng ta thực sự không bao giờ muốn nhìn thấy cháu xuất hiện ở đây nữa.”
“Cháu hiểu.”
“Xin cũng đừng giận vì những gì ta vừa nói.”
“Không đâu ạ.”
Đây là lần đầu tiên tôi bị một người lớn tuổi từ chối thẳng thừng. Cứ như thể ông ta vừa nói, mày là một đứa vô giá trị. Điều đó khiến tôi choáng váng.
Ba tôi dĩ nhiên cũng lạm dụng quyền làm cha trong phạm vi gia đình. Nhưng vì vốn là người thiểu số ở Nhật nên ông chẳng bao giờ sử dụng cái quyền đó bên ngoài xã hội. Còn ông ngoại là một người từng phạm tội nhưng rất nhút nhát, luôn làm bất cứ điều gì mà tôi yêu cầu. Nếu có chuyện gì xảy ra thì chính mẹ tôi là người đại diện gia đình khi đối diện với xã hội bên ngoài. Nhưng bà lại không có ảnh hưởng gì ở nhà và nhất nhất nghe theo ba tôi. Vì vậy khi tôi thấy một người nói chuyện với người ngoài mà khắt khe vô lối như bố của Kazue thì tôi thật sự bị ấn tượng. Vì sao? Vì chính bố của Kazue không thực sự tin vào những giá trị xã hội mà ông ta đại diện nhưng ông ta biết sử dụng chúng như một vũ khí để tồn tại.
Bố của Kazue rõ ràng không quan tâm tới những sự việc nội bộ ở trường Q. Ông ta rõ ràng không quan tâm tới ảnh hưởng của chúng đối với Kazue cũng như việc cô ta sẽ trở thành nạn nhân của chúng như thế nào. Ông ta là một tên ích kỷ khốn nạn. Điều này thì ngay một đứa học sinh trung học như tôi cũng có thể thấy rõ như ban ngày. Nhưng Kazue, mẹ và em gái của cô ta thì không hề hay biết gì về tính cách thực cũng như những ý đồ của ông ta. Ông ta cũng có khả năng tiếp cận những ý đồ đen tối và nuôi dưỡng chúng như tôi và Mitsuru, biến chúng thành vũ khí của mình và dùng chúng để bảo vệ gia đình của ông ta. Bảo vệ gia đình cũng chính là bảo vệ chính bản thân ông ta. Nhìn theo khía cạnh này thì tôi không khỏi ghen tị với Kazue và ông bố mạnh mẽ của cô ta. Bị chi phối bởi ý chí sắt đá của bố, Kazue tin tưởng các giá trị của ông ta một cách tuyệt đối. Giờ khi nghĩ lại chuyện này tôi nhận ra rằng cái quyền lực mà bố Kazue có được đối với con gái mình chính là một sự áp đặt về tinh thần.
“Thôi được rồi, đi về nhà cẩn thận nhé!”
Tôi bắt đầu leo lên cầu thang với cảm giác như thể bố Kazue đang đẩy tôi từ phía sau. Sau đó ông ta quan sát tôi một chút rồi trở lại phòng khách, sập cửa lại. Mọi thứ trở nên tối om.
“Bạn đi lâu thế!”
Kazue có vẻ khó chịu vì phải chờ lâu. Có vẻ như cô ta giải sầu bằng cách vẽ lăng nhăng trên quyển vở trước mặt. Cô ta vẽ một cô gái hoạt náo viên mặc váy ngắn, tay vung vẩy một chiếc que biểu diễn. Thấy tôi nhìn xuống bức tranh, cô ta vội lấy tay che nó lại, giống hệt một đứa trẻ con.
“Ông ấy để tớ gọi đi quốc tế.” Tôi đưa cho Kazue xem tờ hóa đơn mà bố cô ta tự viết. “Tớ sẽ trả tiền cho bạn ngày mai.”
Kazue liếc nhìn số tiền. “Ối giời! Đắt thế. Tớ đang tự hỏi vì sao mà mẹ bạn mất?”
“Bà ấy tự tử ở Thụy Sĩ.”
Kazue chụp mắt xuống như thể cố tìm ra từ thích hợp để nói rồi nhìn tôi vào bảo. “Tớ biết điều này nghe thật khủng khiếp, nhưng tớ phần nào đó ghen tị với bạn.”
“Vì sao? Bạn cũng muốn mẹ bạn chết sao?”
Kazue thì thầm trả lời, “Tớ ghét mẹ tớ. Gần đây tớ bắt đầu để ý thấy bà ấy hành động cứ như bà ấy là con gái chứ không phải vợ của bố tớ. Mẹ gì mà xử sự thế đấy. Bố tớ chỉ hy vọng ở các con thôi, bạn biết đấy, ở chúng tớ, thế nên có bà ấy quanh quẩn ở bên cạnh thật là khó chịu.”
Kazue nói và mỉm cười với ý nghĩ rằng cô ta là người duy nhất có thể đáp ứng được những mong đợi của cha mình, Kazue là “một đứa con gái tốt,” một đứa con gái phải đạo với lẽ sống duy nhất là làm hài lòng bố cô ta.
“Ồ, tớ cũng nghĩ là ông ấy chả cần thêm một đứa con gái nữa làm gì,” tôi nói.
“Bạn nói đúng rồi đấy! Mà tớ cũng có thể làm được chả cần tới em gái tớ luôn.”
Tôi không kiềm chế được, bật ra một tiếng cười đầy thương hại. Gia đình tôi đúng là không mẫu mực, một thực tế mà tôi biết rõ, không cần bố Kazue nói ra. Nhưng tôi nhận ra rằng đó là thứ mà một người kỷ luật sắt thép như Kazue sẽ không bao giờ hiểu được.
Khi tôi vừa bước chân ra ngoài phố tối um thì có ai đó túm lấy vai tôi. Bố của Kazue đã theo tôi ra ngoài.
“Chờ một lát ở đó,” ông ta nói. “Cháu nói dối. Bố cháu không làm việc cho ngân hàng Thụy Sĩ hay cái gì đó tương tự có đúng không?”
Ánh đèn đường khẽ nhấp nháy trong đôi mắt ti hí của ông ta. Hẳn ông ta biết được điều đó từ Kazue. Tôi đứng sững lại như chôn chân tại chỗ. Ông ta nói tiếp, “Nói dối là sai lầm. Trong suốt đời mình ta chưa hề nói dối lấy một lần. Dối trá là kẻ thù của xã hội. Cháu có biết không? Nếu cháu không muốn ta báo chuyện này với nhà trường thì đừng bao giờ lại gần Kazue nữa.”
“Cháu hiểu rồi.”
Tôi có thể cảm thấy bố Kazue vẫn nhìn tôi trừng trừng cho tới khi tôi rẽ sang phố khác. Bốn năm sau ngày hôm đó ông ta bị xuất huyết não và chết ngay tại chỗ, thế nên đó là cơ hội đối mặt duy nhất và cuối cùng của tôi với con người này. Sau khi bố cô ta mất, gia đình Kazue nhanh chóng tan gia bại sản. Tôi nghĩ tôi là một nhân chứng về sự xuống dốc của gia đình này, chứng kiến mọi chuyện xảy ra chỉ vài năm trước đỉnh điểm của khủng hoảng. Cho tới giờ tôi vẫn cảm thấy cái cách bố Kazue nhìn theo tôi lúc đó giống như một viên đạn găm vào lưng. Một tuần sau đó ba tôi gọi điện nói cho tôi biết tang lễ đã diễn ra suôn sẻ. Không thấy Yuriko động tĩnh gì. Tự bảo chắc kế hoạch quay trở lại Nhật của nó đã thay đổi, tôi sống như trên mây suốt mấy ngày sau đó. Thế rồi vào một buổi tối không lâu sau đó, một buổi tối ấm áp như mùa hè, tôi nhận được điện thoại từ một người mà tôi ít mong đợi nhất, Masami, vợ của Johnson. Ba năm đã trôi qua từ cái ngày xảy ra chuyện ở khu nghỉ mát trên núi.
“Xin chào! Có phải là chị của Yuriko đó không?” Là tôi đây. Masammy Johnson!”
Cô ta kéo dài chữ m một cách bất thường và phát âm chữ s ở cuối tên như kiểu người nước ngoài thường hay nói. Chỉ nghe thấy thế tôi đã nổi hết cả gai ốc.
“Lâu rồi không gặp cô.”
“Cô không biết rằng cháu ở lại Nhật Bản một mình. Đáng lẽ cháu phải cho cô biết! Cô sẽ rất vui nếu có thể giúp được gì cho cháu. Cứ thu mình lại như thế thật là ngốc quá đi. Nghe này, cô rất lấy làm tiếc về chuyện của mẹ cháu. Thật đáng tiếc!”
“Cảm ơn cô đã quan tâm ạ,” tôi lúng túng trả lời.
“Thực tế cô gọi cho cháu về chuyện của Yuriko. Cháu có nghe nói chứ?”
“Nghe gì cơ ạ?”
“Yuriko sẽ ở với bọn cô! Ít nhất là những năm đầu trung học. Ở nhà cô có dư một phòng và hai vợ chồng cô đều rất yêu mến Yuriko ngay từ khi nó còn bé. Con bé sẽ phải đổi trường, hẳn rồi. Nó nói nó muốn xin vào trường Q nơi cháu đang theo học. Thế là cô hỏi thử điều kiện nhập học dành cho học sinh ở nước ngoài chuyển về và họ đã đồng ý nhận nó. Cô vừa được thông báo về quyết định này. Không phải quá tốt sao? Cháu và Yuriko sẽ học cùng một trường. Chồng cô cũng rất hài lòng vì mọi chuyện lại suôn sẻ thế. Chú ấy bảo trường Q là một trường rất tốt và lại không xa chỗ cô chú là mấy.”
Chuyện quái quỷ gì thế này? Tôi đã học như điên để có thể tách khỏi Yuriko nhưng nó đã quay trở lại thâm nhập vào cuộc đời tôi như một làn khí độc. Tôi thất vọng thở dài. Yuriko dốt như một con bò nhưng nó luôn được ưu đãi đặc biệt nhờ sắc đẹp của mình. Về điểm này thì trường Q cũng chẳng khác gì.
“Hiện giờ Yuriko đang ở đâu ạ?”
“Ở ngay đây này. Chờ một chút. Cô đưa điện thoại cho nó.”
“Chị ơi, chị đấy à?”
Tôi đã bảo Yuriko đừng có quay về Nhật nhưng giờ nó đang ở đây rồi. Cái giọng vô ưu của nó ở đầu dây bên kia thật khác hẳn với đứa con gái quẫn trí gọi điện cho tôi vài giờ sau khi mẹ mất. Hẳn là giờ nó đang hưởng thụ mọi sự quan tâm chú ý mà hai vợ chồng Johnson đang bày ra trước mặt nó trong căn hộ xa xỉ của họ ở quận Minato thượng lưu.
“Vậy mày sẽ chuyển tới trường Q à?”
“Vâng ạ, bắt đầu từ tháng Chín. Không phải như thế rất tuyệt sao? Chúng mình sẽ học cùng một trường.”
“Mày quay trở lại khi nào thế?”
“Hmmm, khoảng một tuần rồi ạ. Ba sẽ tái hôn đấy, chị có biết không?”
Con bé nói giọng bình thản không có chút gì hậm hực như thể nếu bản thân nó ổn thì mọi chuyện khác thế nào cũng được.
“Ông ngoại thế nào ạ?”
Giữ chặt lấy ống nghe, tôi nhìn sang phía ông ngoại. Ông đang bận chăm chút cho đám bonsai, hoàn toàn không hay biết gì về cuộc đối thoại xảy ra bên cạnh. Mấy hôm nay, ông đã bình tĩnh trở lại.
“Ông khỏe.”
“Vâng. Em thực sự rất hài lòng vì đã không phải tới ở với chị ở quận P. Em sẽ cố gắng hết sức để tự lo cho mình.”
Con bé trả lời, rõ ràng là không hoàn toàn thờ ơ như nó vốn tỏ ra.
Ờ đúng. Nó sẽ tự lo được cho bản thân. Đúng là một trò hề. Chẳng muốn nói thêm gì nữa, tôi chán nản dập máy.
Các sự kiện mà tôi kể lại cho tới thời điểm này là những gì bản thân tôi chứng kiến. Yuriko, Kazue và bố của cô ta vẫn luôn sống trong hồi ức của tôi. Giống như câu chuyện nhìn từ một phía nhưng bạn có thể mong đợi gì chứ? Người trong cuộc duy nhất còn lại chính là tôi hiện vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và đang làm việc tại văn phòng ủy ban quận. Ông ngoại tôi như tôi có nhắc tới bị mắc bệnh Alzheimer nên đang phiêu du trong thế giới tưởng tượng của mình, thời gian hay nơi chốn đối với ông không còn gì quan trọng. Ông thậm chí chẳng còn nhớ ngày xưa đã mê mẩn cây bonsai thế nào. Ông đã bán đi cây sồi và cây thông đen yêu quý của mình, hay cũng có thể chúng đã chết rục từ lâu và đã bị ném vào sọt rác.
Nhắc tới bonsai khiến tôi nhớ lại một câu chuyện nữa liên quan tới cuộc chạm trán với bố của Kazue mà tôi quên chưa kể. Đó là việc tôi phải hoàn trả lại mười nghìn tám trăm yen số tiền cước điện thoại quốc tế.
Vì không có đủ tiền lúc đó nên tôi đã hứa sẽ trả lại sau. Nhưng không dễ dàng chút nào. Vào thời điểm đó toàn bộ tiền tiêu vặt hằng tháng của tôi chỉ có vẻn vẹn ba nghìn yen mà tôi đã phải dùng phần lớn để mua sách vở, đồ dùng học tập nên chẳng còn lại là bao. Ngoài tiền học phí, hằng tháng ba tôi còn gửi thêm cho tôi khoảng bốn mươi nghìn yen nhưng tôi đều đưa hết cho ông ngoại. Dù sao thì tôi cũng đang sống trong nhà ông. Ông thì dĩ nhiên phung phí hết tiền vào các cây bonsai, hoặc là mua cây mới hoặc là mua những thứ phụ trang cho đám cây cũ. Nhưng thế nào đi nữa thì tôi cũng không hề nghĩ là một cuộc điện thoại đi nước ngoài lại đắt như vậy. Trên đường về nhà ngày hôm đó, tôi vắt tai vắt óc để nghĩ cách kiếm ra số tiền đó.
Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được điện thoại từ Thụy Sĩ nhưng dĩ nhiên là do ba tôi trả tiền, vả lại chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện lâu thế. Chúng tôi không phải là mẫu gia đình chuyện trò lai rai. Thậm chí nếu tôi có bảo ba gởi tiền cho tôi thì cũng phải mất nhiều thời gian mới nhận được. Tôi nghĩ chả còn cách nào khác là phải hỏi vay tiền ông ngoại mất thôi.
Nhưng khi tôi về tới nhà tối hôm đó thì ông ngoại đã đang ngáy trên giường, giấc ngủ sẽ giúp cho huyết áp hạ cuống. Bà hàng xóm làm nghề bán bảo hiểm đang ở đó trông ông. “Cháu phải trả tiền nhiều vậy sao? Sao cháu không bảo để bên nghe trả tiền hả giời?” bà mắng tôi khi nghe kể về chuyện cước điện thoại.
“Thì bác bảo cháu gọi từ nhà họ mà, bác có nhớ không? Bác phải dặn cháu là bảo bên nghe trả tiền chứ. Cháu có biết gì đâu.”
“Cháu nói đúng,” bà hàng xóm hít một hơi thuốc rồi mím môi nhả khói sang bên cạnh để khỏi phả vào mặt tôi. “Nhưng mà dù sao thì bác cũng thấy như thế là quá đắt. Thế ai là người hỏi tổng đài về cước phí?”
“Bố bạn cháu.”
“Nếu ông ta nói dối thì sao. Ông ta biết là ông ta có thể kiếm lời từ vụ này vì cháu chỉ là một đứa trẻ con. Mà thậm chí nếu ông ta không muốn gạt cháu đi nữa thì phần lớn mọi người trong hoàn cảnh này sẽ thương cháu, vừa mất mẹ như thế mà không lấy tiền điện thoại của cháu giống như là một món tiền phúng. Nếu là bác thì bác sẽ làm vậy. Đó là điều hợp lẽ. Nhưng chắc là do tính cách mỗi người, bác nghĩ thế.”
Bà hàng xóm này vốn rất keo kiệt. Tôi chả tin là bà ta sẽ bỏ tiền làm từ thiện giúp ai bao giờ. Nhưng những lời của bà ấy khiến tôi trở nên hoài nghi. Nếu bố Kazue gạt tôi thật? Tôi nhìn xuống mẩu giấy lôi ra từ trong túi có ghi rõ số tiền cước mà tôi phải trả. Bà hàng xóm giật phắt lấy tờ giấy bằng những ngón tay béo mập của mình. Càng nhìn chúng thì bà ta càng nổi điên lên.
“Thật không thể tin nổi là có người lại viết ra một số tiền lớn như vậy và đưa nó cho một đứa trẻ vừa mất mẹ, ông ngoại thì bệnh. Đúng là quái vật. Ông ta làm nghề gì vậy? Nếu ông ta có thể gửi con tới học trường đó thì ông ta hẳn có tiền. Cá là ông ta hẳn có một cái nhà đẹp.”
“Cháu không biết. Ông ấy bảo ông ấy làm cho một hãng lớn. Nhà họ đúng là đẹp thật.”
“Đoán xem, sự tham lam của bọn nhà giàu.”
“Không phải như vậy đâu ạ.”
Cái vẻ căn cơ tới bốc mùi tràn ngập trong ngôi nhà của Kazue lại hiện ra trước mắt tôi khiến tôi lắc đầu quầy quậy.
“Vậy thì bác có cảm tưởng rằng ông ta chỉ là một tay chạy máy lương ba cọc ba đồng nhưng giả vờ sang trọng mà thôi. Nếu không thì đúng là một tên bủn xỉn.” Đưa ra kết luận này xong thì bà hàng xóm vội vàng thu dọn đồ đạc ra về, rõ ràng là muốn ra khỏi cửa trước khi tôi kịp hỏi vay tiền. Tôi bực quá ném luôn tờ giấy ghi nợ vào tường.
Sáng hôm sau nhìn thấy tôi là Kazue lập tức hối thúc về món nợ. “Bố tớ bảo tớ nhắc bạn đừng quên trả số tiền bạn nợ khi gọi điện thoại.”
“Xin lỗi. Mai tớ trả được không?”
Tôi vẫn nhớ cái ánh mắt Kazue lướt trên mặt tôi lúc đó. Rõ ràng là cô ta không tin tôi. Nhưng chính bọn họ có thành thật với tôi hay không? Tôi biết là tôi sẽ phải trả số tiền đó. Thế nên ngay khi tan học tôi chạy vội về nhà và lấy một cây bonsai trong bộ sưu tập của ông ngoại, một cây nam thiên trúc nhỏ để bê cho dễ. Ông ngoại tôi đặc biệt tự hào về nó, ông thường hân hoan miêu tả cái sắc đỏ tuyệt vời của những trái mọng mà cây cho ra vào mùa đông. Mọc quanh gốc cây là một tấm thảm rêu dày, xanh ngút ngát. Cây được trồng trong một cái chậu men bóng màu xanh sẫm.
Ông ngoại đang chăm chú xem một trận đấu sumo trên vô tuyến. Chẳng còn thời cơ nào tốt hơn, tôi lặng lẽ mang cây bonsai ra khỏi nhà. Tôi để nó vào giỏ xe và ra sức đạp tới Vườn Thọ.
Trời bắt đầu tối và khu vườn đã đóng cửa. Ông cán bộ quản thúc đang đứng ở cửa trước tiễn khách. Ông ta có vẻ ngạc nhiên nhìn tôi đạp với cây bonsai.
“Cháu chào ông ạ,” tôi nói, cố gắng tỏ ra lễ phép. “Ông có muốn mua cây bonsai này của cháu không ạ?”
Trông ông ta có vẻ không hài lòng. “Có phải là ông ngoại cháu xui cháu không đấy?”
Tôi lắc đầu nguầy nguậy.
Ông ta mỉm cười vẻ giả tạo. Tôi chợt nhận ra rằng ông ta rất muốn phục thù ông ngoại.
“Được rồi. Ta sẽ trả cháu một món hời. Năm nghìn yen cháu nghĩ sao?”
Thất vọng nhưng tôi vẫn giơ hai ngón tay lên. “Ông có thể cho cháu hai tờ được không ạ? Hai mười nghìn yen? Ông ngoại cháu bảo đây là một cây nam thiên trúc rất đẹp.”
“Cô cháu ơi, cái cây này chẳng đáng giá thế đâu.”
“Thôi được, thế thì để cháu đi hỏi người khác.”
Ông cán bộ quản thúc ngay lập tức nâng giá lên gấp đôi, trả tôi mười nghìn yen. Tôi bảo với ông ta là riêng cái bình không cũng bán được bằng ấy tiền rồi. Ông ta nghĩ một lúc rồi nói giọng dỗ ngọt, “Cháu bê cái chậu này hẳn nặng lắm,” đoạn chạm vào tay tôi định nhấc cái chậu lên. Làn da thô ráp của ông ta giống như một lớp da thú được đánh xi cẩn thận và ấm một cách kỳ lạ. Tôi phản ứng theo bản năng bằng cách rụt tay lại và đánh rơi chậu hoa xuống đất. Chậu bonsai rơi xuống, va vào những tảng đá và vỡ tan tành. Những chiếc rễ cây được giải phóng bật ra tua tủa. Mấy thanh niên đang quét dọn xung quanh dừng lại và nhìn chúng tôi vẻ báo động. Ông nhân viên quản thúc cúi xuống loay hoay nhặt các mảnh vỡ, vừa làm vừa nhìn tôi vẻ hơi e ngại.
Cuối cùng tôi cũng bán được cái cây với giá ba mươi nghìn cùng với cái chậu vỡ. Tôi quyết định gửi số tiền còn lại vào sổ tiết kiệm sau khi trả hết tiền điện thoại. Tôi không lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra nếu như cần gấp tiền cho các chuyến đi ngoại khóa trường hay bất cứ việc gì đột xuất. Ở trường Q lúc nào cũng bị áp lực đóng góp cho các sự kiện này nọ, từ những lễ hội hàng năm cho tới các bữa tiệc sinh nhật. Các học sinh khác chả bao giờ phải nghĩ tới chuyện này nhưng tôi thì cần có thêm một khoản dự trữ trong sổ tiết kiệm của mình.
Đêm đó ông ngoại tôi không để ý đến cái cây bị mất nhưng sáng hôm sau khi vừa bước chân ra ngoài hiên thì ông liền hét lên vẻ thất thanh: “Ôi ngài Nam thiên trúc! Ngài đi đâu mất rồi?”
Tôi bỏ đi chuẩn bị bữa trưa như thể không biết chuyện gì xảy ra. Ông ngoại chạy vội vào phòng khách chật chội dáo dác tìm cây nam thiên trúc. Ông mở tủ ở phòng bên cạnh, kiểm tra những ngăn ở trên cùng sát với trần nhà. Thậm chí ông ra cả chỗ lối đi lục lọi tủ đựng giày dép.
“Chả tìm thấy đâu cả! Mà lại là một cây bonsai quý như thế. Nó có thể ở đâu được nhỉ. Ra đây đi, ra khỏi chỗ đó đi. Làm ơn đi ngài nam thiên trúc. Già xin lỗi đã bỏ lơ ngài. Già không có ý đó. Nhưng con gái già vừa mất, ngài biết đấy, thật là đau đớn. Trái tim già đang tan nát. Già xin lỗi, già thực sự rất lấy làm tiếc. Xin hãy xuất đầu lộ diện, xin đừng giận dỗi nữa!”
Ông ngoại lục tìm khắp nhà như một kẻ mất trí cho tới khi kiệt sức mới thôi. Đầu rũ xuống, vai rụt lại, ông nhìn bất động vào khoảng không. “Nó biến mất để dẫn con gái ta tới thế giới bên kia.” Ông ngoại thường chỉ biết lừa để chôm của người khác. Nhưng chả bao giờ ông nghĩ tới chuyện nghi ngờ tôi, hay bà hàng xóm, nhân viên bảo vệ hay bất cứ người nào xung quanh. Không chút mảy may nghi ngờ nào. Có vẻ như câu chuyện khó tin này đã tới hồi kết nên tôi đi học, trong lòng nhẹ nhõm. Việc tới nhà Kazue dẫn tới hết xui xẻo này đến xui xẻo khác.
Nghĩ đến mới thấy việc mẹ tôi đột ngột tự sát là nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của cả gia đình. Tôi ở với ông ngoại, Yuriko ở với nhà Johnson còn ba tôi thì ở lại Thụy Sĩ và xây dựng một gia đình mới với người đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ đó. Đối với ba, Nhật Bản gắn liền với cái chết của mẹ. Sau này tôi mới sửng sốt khi phát hiện ra rằng người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đó chỉ hơn tôi có hai tuổi. Cô ta sinh ba người con, toàn là con trai. Đứa lớn nhất giờ đã hai mười tư và nghe nói đang chơi bóng cho một câu lạc bộ Tây Ban Nha. Nhưng vì tôi chả bao giờ gặp nó và cũng chả quan tâm tới bóng đá nên hai chúng tôi giống như sống ở hai thế giới khác nhau.
Nhưng trong thế giới biểu đồ tưởng tượng của tôi, Yuriko, tôi và những người em trai cùng cha khác mẹ, tất cả cùng đang bơi một cách điên cuồng trong ánh sáng xanh tươi của biển mặn. Nếu tôi vẽ một biểu đồ tương tự theo kiểu biểu đồ Burgess cho kỷ Cambrian mà tôi vốn yêu thích, Yuriko với khuôn mặt xinh đẹp của nó sẽ là nữ hoàng dưới thủy cung. Như vậy nó sẽ là một con Anomalocaris, thủy tổ của loài giáp xác, một loài sinh vật có hai càng trước rất lớn, giống như một con tôm hùm chẳng hạn. Còn các em trai của tôi, hẳn được thừa hưởng đôi chân mày rậm, sẫm của dòng máu Trung Đông sẽ là những con trùng kết vào thành một cụm hay là các sinh vật giống con sứa bơi khắp đại dương. Còn tôi? Tôi hẳn sẽ là một con Hallucigenia, một loài sinh vật bò dưới lớp bùn của đại dương với bảy chiếc gai lông, trông như một cái lược. Con Hallucigenia chuyên ăn xác chết thối. Lúc đó tôi không biết điều này. Loài Hallucigenia sống nhờ ăn xác các loài động vật chết. Mà thế thì càng hợp với tôi vì tôi vẫn sống bằng hồi ức quá khứ của những người đã chết.
Thế còn chuyện giữa Mitsuru và tôi thì sao? Mitsuru đỗ vào Đại học Y Tokyo như cô ấy hằng mong muốn. Nhưng sau đó cuộc đời cô ấy thay đổi theo một hướng khác hẳn, một hướng mà không ai có thể ngờ tới. Cô ấy có vẻ rất ổn, chỉ có điều là cô ấy đang bị đi tù. Năm nào tôi cũng nhận được thiệp chúc mừng năm mới của cô ấy sau khi qua kiểm duyệt của chính quyền nhưng tôi chẳng bao giờ hồi âm. Bạn muốn hỏi tôi tại sao? Tôi sẽ giải thích khi kể tới phần đó của câu chuyện.
Giờ hãy tiếp tục câu chuyện của tôi cho tới ngày xảy ra một sự kiện hoàn toàn bất ngờ. Tôi chẳng muốn nói với ai những nếu muốn tiếp tục giãi bày thì tôi không có cách nào khác là phải tiết lộ chuyện này. Đó là khoảng một tuần trước ngày xử án. Hai vụ giết người đã được xâu chuỗi và đặt tít “Vụ giết người hàng loạt ở căn hộ chung cư.” Lúc đầu báo chí còn xôn xao trước cái chết của Kazue và gọi đó là “Vụ sát hại gái văn phòng cao cấp.” Nhưng sau khi phát hiện ra Zhang cũng liên quan tới vụ mưu sát Yuriko thì họ đồng loạt thay tít báo. Yuriko bị ám hại trước và khi nạn nhân đầu tiên chỉ là một gái điếm già thì không có một lý do gì để tạo ra một tin nóng.
Hôm đó người ta dự báo một cơn bão trái mùa có nguy cơ đổ bộ vào Tokyo. Đó là một ngày không yên tĩnh. Một cơn gió ấm bất chợt tràn vào thành phố và mỗi lúc một trở nên dữ tợn. Từ cửa sổ văn phòng hành chính quận tôi nhìn gió quất dữ dội lên những tán cây sung bên ngoài như muốn vặt trụi hết lá. Gió xô nghiêng những chiếc xe đạp trong bãi đỗ như những cây domino. Phải nói rằng đó là một ngày đáng sợ, khiến vì một lý do nào đó tôi cảm thấy hết sức bất an. Tôi vẫn ngồi tại bàn tư vấn về chăm sóc trẻ em như thường lệ nhưng chẳng có ai tới hỏi han nên tôi cứ nghĩ ngợi miên man. Trời mưa bão thế này tôi chỉ muốn mau chóng được về nhà. Thế rồi một người phụ nữ lớn tuổi xuất hiện trước mặt tôi. Bà ta vận một bộ vest màu ghi may rất khéo, rất nền nã mà sang trọng, cặp kính đọc sách gọng bạc trễ xuống mũi. Ba ta chắc ngoài năm mươi. Mái tóc muối tiêu búi gọn lại sau gáy, bà ta có một vẻ gì đó cứng nhắc, giống như một người Đức. Tôi vốn chỉ quen tiếp những bà mẹ trẻ có con nhỏ tới đây nên tôi đoán chắc bà ta tới để hỏi thông tin về nhà trẻ cho cháu nên tôi lên tiếng một cách miễn cưỡng, “Tôi có thể giúp gì cho bà được ạ?”
Nghe thấy thế người phụ nữ lớn tuổi khẽ thở phì ra một tiếng, môi chu lại. Hàm răng của bà ta có vẻ gì đó khiến tôi thấy quen quen.
“Cháu thân mến, cháu không nhận ra ta sao?”
Ngay cả khi ngắm kỹ lại gương mặt của bà ta tôi cũng không tài nào nhớ ra được. Bà ta có một làn da rám nắng, không hề trang điểm. Cũng không tô son. Một người phụ nữ lớn tuổi không trang điểm với khuôn mặt hình cá. Làm sao tôi có thể phân biệt bà ta với những người đồng niên khác?
“Là cô Masami này. Masami Johnson!”
Tôi há hốc mồm ra vì ngạc nhiên. Tôi không hề nghĩ Masami lại biến đổi thành một người phụ nữ trông giản dị nền nã như vậy. Trong ký ức của tôi Masami luôn là một người đàn bà sôi nổi rực rỡ, luôn có gì đó không ăn nhập với hoàn cảnh xung quanh. Như đi leo núi Gunma với một chiếc nhẫn kim cương to sụ hay đi trượt tuyết với đôi môi tô son đỏ choét. Đó là người chụp chiếc mũ len lông xù lên đầu Yuriko. Là người mặc chiếc áo phông hàng hiệu in đầu con báo dữ tợn và sống động tới mức hù dọa được bọn trẻ con. Là người nói tiếng Anh với một thứ âm điệu giống như hét vào tai người khác và bảo, “hãy nhìn tôi đây này!” Dù vậy tôi vẫn cứ tin rằng bà ta tới đây để tìm hiểu về nhà trẻ. Thế nên tôi lấy ra quyển sổ đăng ký và bảo bà ta, giọng cố làm ra vẻ thản nhiên, “Cháu không biết là cô cũng ở quận này.”
“Ồ không, cô không ở đây.” Masami trả lời vẻ cực kỳ nghiêm túc. “Cô đang ở Yokohama. Cô tái hôn mà, cháu biết đấy.”
Tôi thậm chí còn không biết là bà ta và Johnson đã ly hôn. Tôi vẫn nghĩ Masami và Johnson là hai người tôi không bao giờ mong gặp lại.
“Cháu không biết. Thế cô ly dị từ khi nào vậy?”
“Cũng được hơn hai mươi năm rồi.”
Masami rút từ chiếc hộp bằng bạc ra một tờ danh thiếp và đưa cho tôi.
“Đây là công việc bây giờ của cô.”
TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ: CÁC KHÓA HỌC TIẾNG ANH KÈM RIÊNG. Đó là những chữ ghi trên danh thiếp. Và tên của bà ta đã đổi từ Masami Johnson sang Masami Bhasami.
“Cô đã tái hôn với một người Iran chuyên làm về xuất nhập khẩu. Cô cũng làm thêm một chút, công việc của cô là tuyển lựa các giáo viên tiếng Anh rồi tổ chức các khóa học tiếng. Thực sự là rất thú vị.”
Tôi giả vờ xem xét chăm chú tấm danh thiếp để có thời gian suy nghĩ. Tại sao bà ta lại tới tìm tôi sau hai mươi bảy năm? Nhất là vào một ngày như ngày hôm nay. Kỳ lạ không thể tả được. Masami đứng đó tươi cười nhìn tôi, mắt lấp lánh hoài niệm quá khứ.
“Thật vui được gặp lại cháu, cháu thân mến. Xem nào, lần cuối cùng chúng ta nói chuyện với nhau là khi Yuriko gọi điện cho cháu để báo nó được nhận vào trường Q. Thế mà đã hơn hai mươi năm rồi.”
“Vâng, đúng thế ạ.”
“Thế cháu thế nào?”
“Tốt ạ, cảm ơn cô đã quan tâm.”
Cảm ơn cô đã quan tâm, thật tình, tôi vừa trả lời theo đúng phép lịch sự vừa cay đắng nghĩ thầm. Việc bà ta xuất hiện ở đây quả là không bình thường. Bà ta hẳn không cất công tới đây chỉ để nói về các lớp học tiếng Anh. Khi tôi không còn giấu được vẻ hoài nghi, Masami cuối cùng cũng thú nhận.
“Sau khi Johnson và cô chia tay, chú ấy thực sự cùng đường. Chú ấy đã từng là một ngôi sao đang lên của ngành chứng khoán, nhưng khi sự nghiệp tụt dốc chú ấy đành phải kiếm sống bằng nghề dạy tiếng Anh rẻ mạt. Và rồi tất nhiên, cả việc Yuriko bị giết nữa.”
Nhưng giọng nói của Masami ngược lại, có vẻ gì đó như thù hận. Và rồi bà ta nhìn thẳng vào tôi lúc đó còn đang choáng váng và nói, “Cháu không biết đúng không? Johnson và cô chia tay là vì Yuriko.”
Đột nhiên tôi nhớ lại vẻ mặt của Johnson khi ngồi trước lò sưởi trong căn nhà nghỉ bằng gỗ cái buổi tối xa xưa đó với Yuriko trong lòng ra vẻ nũng nịu với chú ấy. Lúc đó con bé chỉ là học sinh tiểu học. Johnson thì lúc nào cũng trông đẹp trai và tự tin với mái tóc màu nâu bồng bềnh và chiếc quần jean màu bạc. Tôi lại thấy mình đang tưởng tượng ra gương mặt đứa trẻ con mà hai người đó sẽ sinh ra. Hình ảnh đó có gì đó thật thân thiết và quyến luyến khiến đầu óc tôi gần như tê liệt. Yuriko đã chết nhưng vẫn tìm được cách đầu độc tôi. Thật không thể chịu nổi.
Cảm thấy sự khinh bỉ mà tôi cố tình che giấu, Masami nói, “Vậy thì đúng là cháu không biết thật. Mà cô thì đã đối tốt với nó biết bao, chăm sóc nó như thế nào. Để bị nó đâm sau lưng như vậy. Chuyện đó thực sự đã khiến cô phát rồ, phải tìm tới bác sĩ tâm thần mất một thời gian. Đấy cháu xem, cô đã mất bao nhiêu công để xin cho nó được vào trường Q, hằng ngày cô chuẩn bị bữa trưa cho nó, ngon lành đẹp mắt để bạn bè nó không chê trách gì được. Tiền tiêu riêng cô cũng cho nó không ít, mỗi lần ra ngoài chơi là cô lại cho thêm. Rồi cả số tiền bỏ ra để xin cho nó vào được đội hoạt náo viên thật không phải là nhỏ. Nói thật cho cháu biết nếu mà giờ có thể lấy lại số tiền đó thì cô sẽ làm ngay.”
À thì ra thế. Bà ta tới đây để đòi lại tiền. Tôi cúi đầu xuống vẻ bối rối, cố tránh mắt của bà ta.
“Cháu rất lấy làm tiếc.”
“Thôi quên nó đi. Cháu cũng chả làm được gì. Cháu với Yuriko cũng chả bao giờ gần gũi. Ta đoán cháu là đứa thông minh. Cháu đã nhìn ra chân tướng của nó ngay từ đầu.”
Nghe Masami nói chắc tôi có thể hành nghề thầy bói. Rồi bà ta mở túi và lấy ra một quyển sổ ghi chép rồi thảy nó lên bàn trước mặt tôi. Bìa cuốn sổ có hình dán một bông hoa huệ màu trắng và trông rất con gái. Mép bông hoa đã bong ra trông hơi nhem nhuốc, bẩn thỉu.
“Gì đấy ạ?”
“Của em gái cháu. Có thể gọi là nhật ký của nó. Có vẻ như nó đã viết cho tới lúc chết. Cô rất tiếc đã đường đột tới tìm cháu thế này nhưng quyển nhật ký này làm cô rùng mình. Thế nên cô tới đây để giao nó cho cháu. Cô nghĩ cháu giữ nó là tốt nhất. Vì một số lý do mà Johnson vốn là người giữ cuốn sổ này, thế rồi một hôm tự dưng chú ấy gửi nó cho cô và bảo là chú ấy không biết tiếng Nhật nên giữ nó chả có ích gì. Khi Yuriko bị sát hại, cô nghĩ chú ấy cũng bị cắt rứt lương tâm. Nhưng chú ấy không biết là nó có viết về chú ấy trong cuốn sổ này.”
Masami hơi bĩu môi khi nói những lời này.
“Cô đã đọc nó chưa?”
“Dĩ nhiên là chưa.” Masami lắc đầu quầy quậy. “Cô không quan tâm tới nhật ký của người khác, nhất là với thứ nhật ký rác rưởi như thế này.”
Masami nói dường như không để ý tới mâu thuẫn trong chính lời nói của mình.
“Được thôi, cháu sẽ giữ nó.”
“Ôi thật đúng là nhẹ cả người! Lúc đầu cô nghĩ hay là nộp nó cho cảnh sát. Rồi cô nghe nói phiên tòa sắp diễn ra nên cô hơi lo. Giờ thì tốt rồi. Cô đưa nó cho cháu. Cảm ơn cháu. Cháu bảo trọng nhé!”
Masami giơ cánh tay rám nắng vẫy chào tôi. Bà ta nhìn ra bầu trời ngoài cửa sổ rồi vội vã quay đi. Tôi đoán chắc là bà ta muốn về nhà, ra khỏi cái nơi xa lạ này trước khi cơn bão ập tới. Hoặc cũng có thể bà ta không muốn mất thêm một phút nào nữa chuyện trò với một người có dính dáng tới Yuriko. Nói gì thì nói bà ta cũng đã đi khỏi.
Người phụ trách ca trực đi tới phía sau lưng tôi và nhìn xuống quyển sổ. “Có yêu cầu gì không? Hay có vấn đề gì?”
“Không ạ. Không có gì đâu ạ.”
“Thật chứ. Vì trông bà ta không có vẻ gì liên quan tới chỗ này.”
Tôi lập tức lấy tay che quyển sổ của Yuriko lại.
Khi người ta đem ra xử vụ giết người hàng loạt ở căn hộ chung cư thì tôi lại trở thành mục tiêu của những cái liếc mắt hiếu kỳ. Ông trưởng ca thì lúc nào cũng tin là tôi có che giấu thông tin gì đó.
“Thưa sếp, hôm nay có thể về sớm được không ạ? Tôi rất lấy làm tiếc nhưng tôi thực sự lo cho ông ngoại ở nhà.”
Ông trưởng ca gật đầu không nói gì rồi quay trở lại bàn của ông ta đặt bên cửa sổ. Với độ ẩm không khí bất thường của ngày hôm nay thì ngay cả âm thanh phát ra từ đôi giày thể thao của ông ta cũng nghe tủn mủn, rời rạc. Được trưởng ca cho phép, tôi lao vội về nhà, vừa đi vừa chống chọi với những cơn gió lớn. Gió mạnh tới mức như muốn thổi bay cả hai lốp xe. Chả còn bao lâu nữa là tới mùa thu với những cơn gió lạnh từ phương Bắc. Sự ẩm ướt trong không khí ngày hôm nay khiến da tôi nhớp nháp. Nhưng cơn đau quặn thắt bụng của tôi không phải là do thời tiết mà do cuốn nhật ký cả một người như Yuriko để lại.
Khi còn đi học, Yuriko thậm chí không biết viết các bài luận mà phải nhờ người khác làm hộ. Và con bé cũng không bao giờ quan tâm tới những gì xảy ra xung quanh vì nó hoàn toàn không có một chút hiếu kỳ nào. Nhật ký của một đứa con gái tự đại và ngốc nghếch như nó chắc toàn những chuyện trẻ con nhố nhăng của bản thân. Yuriko thậm chí còn chẳng bao giờ viết được lấy một câu đầy đủ, thế quái nào mà nó lại viết được hẳn một quyển nhật ký? Chắc chắn có ai đó viết và giả mạo là của Yuriko? Nhưng là ai mới được chứ? Mà quan trọng hơn là viết về cái gì? Con bé ấy thì có thể viết về cái gì cơ chứ? Sự tò mò lại chiến thắng, tôi chỉ muốn đọc nhật ký của Yuriko ngay lập tức.
Vậy đấy, nó ở đây. Đây là nhật ký của Yuriko. Thành thật mà nói tôi không nên đưa nó cho mọi người xem. Toàn là những chuyện vớ vẩn nhăng cuội về đời tư của nó nhưng cũng tràn ngập những điều dối trá về tôi và mẹ tôi. Không phải ai khác mà chính là Yuriko viết mới lạ chứ. Đến tôi cũng ngạc nhiên vì làm sao mà con bé có thể viết ra những thứ rác rưởi đến vậy. Rõ ràng là chữ viết rất giống chữ viết của nó. Nhưng chắc hắn là ai đó đã giả mạo.
Nếu bạn hứa không tin bào những gì nó viết thì tôi sẽ để cho bạn đọc quyển nhật ký này. Bạn không được tin vào chúng đấy nhé! Vì đó hoàn toàn là một sự xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn. Rất nhiều Hán tự trong nhật ký bị con bé viết sai. Nhiều chữ còn bị thiếu nét, hoặc nhiều ký tự viết rất xấu và khó đọc. Thế nên tôi viết lại những phần đó cho dễ hiểu.