• 1 •
THẨM PHÁN: Xin hãy xác nhận tên của anh là Zhang Zhe-zhong[1], sinh ngày 10 tháng Hai năm 1966, quê quán ở Đại Ấp, thị xã Bảo Hưng, tỉnh Tứ Xuyên, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa.
BỊ CÁO: Vâng, đúng vậy.
THẨM PHÁN: Anh hiện cư trú tại căn hộ số 404 tòa nhà Matoya số 4-5 Maruyama, quận Shibuya, Tokyo và làm việc cho khách sạn Dreamer. Có đúng không?
BỊ CÁO: Đúng ạ.
THẨM PHÁN: Anh tuyên bố là anh không cần phiên dịch. Anh chắc chứ.
BỊ CÁO: Vâng. Tôi nói thạo tiếng Nhật. Tôi chắc chắn.
THẨM PHÁN: Rất tốt. Luật sư bên công tố viên có thể đọc cáo trạng lên không?
CÁO TRẠNG
Vào ngày mồng một tháng Mười một, năm thứ mười hai Heisei (2000), Văn phòng công tố Tokyo do ủy viên công tố Noro Yoshizaki đại diện đề nghị truy tố Zhang Zhe-zhong, công dân nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung hoa sinh ngày 10 tháng Hai năm 1966, hiện làm việc tại một khách sạn và cư trú tại tòa nhà Matoya, căn hộ 404, số 4-5 phố Maruyama, quận Shibuya, Tokyo trước tòa án Tokyo với những tội danh sau:
TỘI DANH THỨ NHẤT:
Trong thời gian làm việc tại Shangri-la, một quán ăn Trung Quốc ở Kabuki, quận Shinjuku, vào ngày 5 tháng Sáu năm 1999 bị cáo đã tới căn hộ số 205 khu nhà Hope Heights số 5-12 Okubo, quận Shinjuku và tại đây vào khoảng 3 giờ sáng cùng ngày, bị cáo đã dùng cả hai tay bóp cổ Yuriko Hitara (37 tuổi) khiến nạn nhân tử vong vì ngạt thở. Sau đó bị cáo đã lấy số tiền hai mươi nghìn yen trong ví nạn nhân và một chiếc dây chuyền vàng đeo cổ 18 ca ra (trị giá bảy mươi nghìn yen vào thời điểm đó) của nạn nhân.
TỘI DANH THỨ HAI:
Cũng chính bị cáo vào hôm 9 tháng Tư năm 2000 đã tới căn hộ số 103, khu nhà Green Villa số 4-5 Maaryama, quận Shibuya, và vào gần nửa đêm cùng ngày đã dùng hai tay bóp cổ Kazue Sato (39 tuổi) khiến nạn nhân tử vong vì ngạt thở. Sau đó bị cáo đã lấy bốn mươi nghìn yen trong ví của nạn nhân.
TỘI DANH VÀ HÌNH PHẠT
Với tội danh thứ nhất: Bị cáo bị buộc tội cướp của và giết người theo điều 240, khoản 2, Bộ Luật Hình sự.
Với tội danh thứ hai: Bị cáo bị buộc tội cướp của và giết người theo điều 240, khoản 2, Bộ Luật Hình sự.
THẨM PHÁN: Chúng ta sẽ bắt đầu phiên tòa xử hai tội danh mà công tố viên vừa đưa ra. Nhưng trước đó, tôi sẽ tuyên bố quyền của bị cáo. Anh có quyền giữ im lặng, và có quyền giữ im lặng trong suốt quá trình xét xử vụ án. Khi chấp nhận trả lời một câu hỏi, anh không có nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi kế tiếp. Tuy nhiên nếu anh chọn trả lời thì tất cả những gì anh nói có thể sẽ được dùng để làm bằng chứng chống lại anh nên tôi nhắc nhở anh nên thận trọng. Sau khi nghe những điều khoản nói trên tôi muốn hỏi anh một lần nữa, anh có bất cứ phản ứng gì đối với những tội danh mà bên công tố vừa nêu ra hay không?
BỊ CÁO: Tôi nhận đã giết Yuriko Hirata, nhưng tôi không mưu sát Kazue Sato.
THẨM PHÁN: Anh thừa nhận hành vị phạm tội ở tội danh thứ nhất nhưng không phạm tội ở tội danh thứ hai?
BỊ CÁO: Đúng.
THẨM PHÁN: Thế còn những tội danh về cướp của?
BỊ CÁO: Tôi đã đánh cắp tiền và dây chuyền của cô Hirata nhưng tôi không cướp gì của cô Sato.
THẨM PHÁN: Luật sư bào chữa nói gì?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA: Tôi xin bảo vệ ý kiến của thân chủ.
THẨM PHÁN: Rất tốt. Xin mời bên công tố mở đầu phần tranh tụng.
BẢN LUẬN TỘI CỦA CÔNG TỐ VIÊN:
TỘI DANH THỨ NHẤT TRONG CÁO TRẠNG
Phần 1: Tiểu sử cá nhân bị cáo
Bị cáo sinh ngày 10 tháng Hai năm 1966 ở tỉnh Tứ Xuyên, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, là con trai thứ ba của Zhang Xiao-niu[2], nông dân (hiện 68 tuổi) và Zhang Xiu-lan[3] (hiện 61 tuổi). Bị cáo có bốn anh chị em: anh cả, An-ji[4] (hiện 42 tuổi), anh hai Gen-de[5], một chị gái tên là Mei-hua[6] (hiện 40 tuổi) và một em gái tên là Mei-kun[7], qua đời năm 1992 trong một tai nạn. Bị cáo học xong tiểu học vào năm mười hai tuổi, sau đó nghỉ học giúp đỡ gia đình làm ruộng.
Năm 1989, bị cáo quyết định rời khỏi gia đình để đi tìm việc làm tốt hơn. Bị cáo và em gái bị cáo, Mei-kun, đi tàu tới Quảng Đông để tìm việc ở thành phố Quảng Châu. Năm 1991, họ chuyển tới thành phố Thâm Quyến, cũng thuộc tỉnh Quảng Đông.
Năm 1992, bị cáo và em gái bị cáo Mei-kun lên tàu ở tỉnh Phúc Kiến định nhập cảnh trái phép vào Nhật Bản. Mei-kun đã bị chết đuối trong quá trình vượt biển còn bị cáo đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Nhật Bản một cách trót lọt tại đảo Ishigaki. Không có giấy tờ hợp pháp nên bị cáo đã làm nhiều công việc khác nhau như dọn dẹp vệ sinh và nấu bếp. Bị cáo cũng từng làm việc trong ngành xây dựng. Vào năm 1998, bị cáo làm việc tại một quán bar ở Shinjuku tên là Nomisuke và năm 1999 bị cáo bắt đầu làm việc tại quán Shangri-la cũng ở Shinjuku. Tháng Bảy năm 1999, bị cáo chuyển sang làm việc ở Dreamer, một khách sạn tình nhân ở Honmachi, Kichijoji, khu Musashino. Bị cáo chưa từng kết hôn. Theo đăng ký hộ tịch, bị cáo ở cùng với các cá nhân sau: Chen-yi[8], Huang và Thìn, tất cả đều quốc tịch Trung Quốc.
Ngày 30 tháng Sáu năm 2000, bị cáo phải ra trước tòa án Tokyo vì tội danh nhập cảnh bất hợp pháp. Bị cáo bị phạt hai năm tù cộng thêm bốn năm án treo. (Quyết định ngày 20 tháng Bảy cùng năm.)
Phần 2: Nạn nhân Yuriko Hirata
Nạn nhân Yuriko Hirata sinh ngày 17 tháng Năm năm 1962, con gái thứ hai của Jan Maher (quốc tịch Thụy Sĩ) hiện đang làm việc cho hãng dệt Schmidt của Thụy Sĩ và Sachiko Hirata. Vì bố mẹ nạn nhân sống với nhau không có hôn thú nên nạn nhân dùng cả họ bố là Maher và họ mẹ là Hirata. Vào tháng Ba năm 1976, Hirata và bố mẹ chuyển từ Kita-Shirakawa tới thành phố Bern ở Thụy Sĩ. Tháng Bảy năm đó, Sachiko mất tại Bern nên Hirata đã rời khỏi nhà bố mình, một mình trở về Nhật Bản. Vì chị gái nạn nhân lúc đó đang sống với bố của Sachiko nên Hirata ở nhà một người quen, người Mỹ, và nhập học tại trường cấp hai hệ thống trường Q. Sau đó, Hirata tiếp tục học lên trung học nhưng bị đuổi học vào năm thứ ba ở trường trung học do có hành vi không đứng đắn.
Sau khi bị đuổi học, nạn nhân cũng chuyển ra khỏi nhà người quen và bắt đầu sống một mình. Nạn nhân ký hợp đồng với một công ty người mẫu và làm việc trong lĩnh vực mẫu quảng cáo và tạp chí cho tới năm 1985 thì chuyển sang làm tiếp viên tại Mallord, một câu lạc bộ ở Roppongi. Vào năm 1989, nạn nhân chuyển sang làm việc cho câu lạc bộ Jeanne cũng ở Roppongi và thay đổi nhiều công việc khác nhau kể từ đó. Trong thời gian làm tiếp viên hộp đêm, Hirata cũng đã hành nghề mãi dâm ở Shinjuku và Shibuya.
Phần 3: Tình huống dẫn đến tội ác
Bị cáo như đã nêu ở phần trước, lúc đó đang làm bồi bàn ở quán Shangri-la, quận Shinjuku. Ngoài đồng lương chết đói, bị cáo còn bị những người chủ gốc Phúc Kiến hắt hủi. Các nhân viên khác thì châm chọc, gọi bị cáo là “đồ nhà quê mà cứ làm như tinh hoa phố thị” nên bị cáo cũng không có nhiều quan hệ riêng tư với những người làm cùng.
Được biết bị cáo hay có những hành vi như ăn vụng thức ăn của khách, đổ bia và rượu whiskey còn lại trong chai vào can nhựa mang về nhà dùng. Bị cáo đã nhiều lần bị cảnh cáo về những hành vì thiếu đứng đắn nói trên.
Ngoài sai sót đó thì bị cáo là một người làm việc rất chăm chỉ, đúng giờ, chưa nghỉ làm một ngày nào. Nói rằng phải gửi tiền về cho gia đình nên bị cáo còn làm thêm một việc bán thời gian tại nhà trọ Futomomokko ở gần đó ngay sau khi hết việc ở quán vào lúc mười giờ đêm. Công việc của bị cáo ở nhà trọ Futomomokko là đổ rác và giặt khăn tắm. Sau khi làm xong bị cáo sẽ chạy tới phố Kabuki để đón chuyến tàu cuối về căn hộ của bị cáo tại Maruyama, quận Shibuya.
Tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày thứ Tư, bị cáo làm việc tại Shangri-la từ trưa cho tới mười giờ tối. Bị cáo được trả 800 yen cho mỗi giờ làm việc cộng với 6.500 yen cho chi phí đi lại hằng tháng, tổng cộng mỗi tháng bị cáo kiếm được khoảng 315.000 yen. Công việc làm thêm bán thời gian mang lại cho bị cáo 2.000 yen cho hai giờ làm việc.
Tiền thuê căn hộ 404 ở tòa nhà Matoya lên tới 65.000 yen một tháng nhưng bị cáo cho ba người khác là Chen-yi, Huang và Thìn ở chung và lấy của họ mỗi người là 35.000 yen một tháng nên đã lãi ra 40.000 yen.
Bị cáo thường bảo các đồng nghiệp ở chỗ làm là bố mẹ đang xây nhà ở quê nên bị cáo phải kiếm ra ba triệu yen để gửi cho họ. Nhưng bị cáo rất thích dùng đồ đắt tiền và hay mặc quần áo và đồ trang sức sang trọng như chiếc vòng tay vàng 24 ca ra và chiếc áo da trị giá 50 nghìn yen mà bị cáo mua ở cửa hàng bách hóa Isetan.
Phần 4: Những tình tiết liên quan đến tội ác
Vào khoảng mười giờ đêm ngày 4 tháng Sáu năm 1999, trên đường tới chỗ làm việc tại nhà trọ Futomomokko, bị cáo đi ngang qua Hirata lúc này đang đứng trước công viên Okubo, phố Kabuki. Nạn nhân cầm một cái ô. Bị cáo vốn biết mặt những cô gái đứng đường ở địa điểm này nhưng đây là lần đầu tiên bị cáo nhìn thấy Hirata. Bị cáo ngay lập tức chú ý tới nạn nhân vì nhầm tưởng nạn nhân là người Mỹ. Bị cáo vốn luôn tin rằng sẽ có ngày tới được nước Mỹ.
“Anh có khuôn mặt đẹp,” là những lời đầu tiên Hirata nói với bị cáo. Vì nạn nhân nói tiếng Nhật nên bị cáo nhận ra cô Hirata không phải là người Mỹ và tỏ ra thất vọng. Tuy nhiên lời tán dương của nạn nhân khiến bị cáo hài lòng và có ý muốn hẹn hò với nạn nhân. Nhưng vì sợ trễ giờ làm nên bị cáo chỉ vẫy tay, mỉm cười với nạn nhân rồi chạy vội tới nhà trọ Futomomokko. Tại đây, bị cáo tiếp tục công việc của mình như thường lệ.
Không thể nào xóa bỏ hình ảnh của Hirata ra khỏi tâm trí, nên đường về nhà bị cáo lại đi qua công viên Okubo. Bị cáo tới công viên vào khoảng mười hai giờ năm phút đêm và nhìn thấy nạn nhân vẫn đang đứng dưới mưa.
Khi Hirata mừng rỡ bảo bị cáo, “Tôi sắp chết cóng vì đứng đây chờ anh!” Nghe vậy, bị cáo quyết định sẽ quan hệ với nạn nhân.
Vào thời điểm đó, bị cáo có 22.000 yen trong người. Khi hỏi Hirata lấy bao nhiêu, nạn nhân bảo 30.000 yen. Vì không có đủ tiền nên bị cáo định bỏ ý định. Hirata đồng ý hạ xuống 15.000 yen. Bị cáo đề nghị họ tới một khách sạn. Nhưng nạn nhân bảo cô có một căn hộ ở gần đó. Bị cáo rất hài lòng vì không phải trả thêm tiền khách sạn nên đã đi cùng nạn nhân tới phòng của cô.
Trên đường, Hirata dừng lại ở một cửa hàng 7-Eleven mua bốn lon bia, một túi đậu phộng cay và hai chiếc bánh nhân đậu hết 1.575 yen và tự trả bằng tiền túi của mình.
Căn phòng mà Hirata dẫn bị cáo đến nằm trong một tòa nhà hai tầng bằng gỗ và bê tông ngay phía sau Ngân hàng Kitashin ở phố Okubo. Tòa nhà Hope Heights có năm phòng ở tầng dưới và năm phòng ở tầng trên. Căn hộ của Hirata nằm trên tầng hai, số 205, hướng Bắc cạnh cầu thang. Hirata đã thuê căn hộ này dưới tên Yuriko Hirata từ 5 tháng Mười hai năm 1996 với giá 33.000 yen một tháng. Số tiền này được rút ra hằng tháng từ tài khoản của nạn nhân. Có vẻ như Hirata đã thuê chỗ này để hành nghề mãi dâm. Căn hộ gồm một phòng rộng sáu chiếu Nhật có lót thảm tatami, giữa phòng này và lối vào có một diện tích nhỏ dùng làm bếp, nhà vệ sinh và bồn rửa. Trong phòng gần như không có đồ đạc gì ngoại trừ một chiếc giường gấp futon có đệm sẵn sàng để sử dụng.
Bị cáo và Hirata uống bia trong phòng này rồi kéo giường gấp ra và quan hệ sinh lý. Bị cáo muốn được ngủ lại sau đó nhưng Hirata yêu cầu bị cáo rời đi. Khi bị cáo đề nghị một lần nữa được ở lại vì trời mưa và chuyến tàu cuối cùng đã đi mất, Hirata vẫn từ chối.
Hirata đòi bị cáo phải trả 20.000 yen bao gồm tiền phòng và thức ăn đồ uống mua ở cửa hàng 7-Eleven. Nghe vậy bị cáo hiểu ra rằng không những phải trả tới đồng xu cuối cùng trong túi mà còn phải đi bộ về tới Shibuya dưới trời mưa. Bị cáo từ chối trả tiền cho Hirata. Khi Hirata tỏ thái độ thì bị cáo quyết định sẽ giết chết nạn nhân. Vào khoảng ba giờ sáng ngày 5 tháng Sáu, bị cáo dùng cả hai tay siết cổ nạn nhân chết vì ngạt thở. Bị cáo ở lại đó ngủ cho tới mười giờ sáng.
Vào khoảng 10 giờ 30 sáng bị cáo lấy 20.000 yen trong ví nạn nhân và lột sợi dây chuyền 18 ca ra của nạn nhân đang đeo (trị giá 70.000 yen) và đeo vào cổ mình. Bị cáo rời khỏi căn hộ không khóa cửa với thi thể nạn nhân ở nguyên hiện trường.
Phần 5: Những tình tiết sau khi xảy ra tội ác
Bị cáo tới quán Shangri-la sớm hơn thường lệ một tiếng đồng hồ. Bị cáo nói với chủ xin được nghỉ việc ngay lập tức. Nhưng chủ quán không chấp nhận việc xin nghỉ đột xuất. Bị cáo tự động dọn ngăn để đồ của mình và bỏ đi không đòi lấy tiền lương. Trong lúc đi khỏi quán bị cáo gặp ông A, một chủ quán khác. Hai người nói chuyện một lát trước quán. Bị cáo bảo ông A rằng anh ta nghỉ việc rời đi về hướng đại lộ Yasukkuni. Ông A để ý thấy bị cáo đeo một chiếc dây chuyền vàng có vẻ đắt tiền mà trước đây ông chưa bao giờ nhìn thấy.
Sau khi rời khỏi quán Shangri-la, bị cáo đi xe lửa tuyến Yamanote tới ga Shibuya. Từ đây bị cáo đi bộ về căn hộ số 404 của mình ở tòa nhà Matoya trên phố Maruyama. Căn hộ này được thuê bởi một người tên Chen mà bị cáo quen biết trên tàu khi vượt biển sang Nhật. Chen thuê căn hộ này vào tháng Tư năm 1998 và vẫn giữ căn hộ dưới tên mình khi đã chuyển ra ngoài ở và cho bị cáo thuê lại mỗi tháng 65.000 yen chuyển thẳng vào tài khoản của Chen.
Matoya là một tòa nhà bốn tầng bằng bê tông kiên cố không có thang máy. Nhà và đất đều thuộc quyền sở hữu của bà Fumi Yamamoto. Căn hộ số 401 bao gồm một phòng sáu chiếu Nhật, một phòng ba chiếu, một bếp và một buồng tắm. Bị cáo ở trong phòng ba chiếu. Vào trưa ngày 5 tháng Sáu, một người nam giới có tên là Thìn và một người khác tên là Huang đang ngủ ở trong căn hộ. Chen-yi thì đã đi làm tại một sòng bạc pachinko ở Shinkoiwa nên không có nhà. Thìn, Huang và Chen-yi đều là những người Trung Quốc mà bị cáo gặp ở Tokyo. Họ không bao giờ thảo luận chuyện riêng tư cũng như công việc với nhau.
Tiếng động bị cáo gây ra khi trở về đã đánh thức Thìn và Huang, hai người này rời khỏi căn hộ không bao lâu sau đó. Sau đó bị cáo nấu nướng trong bếp, ăn rồi đi ngủ tiếp. Bị cáo thức dậy khi Chen-yi đi làm về và cả hai người ăn mì ramen tại cửa hàng mì Tamaryu phía Đông ga Shibuya. Sau đó họ đi chơi một ván bowling ở Hội quán Shibuya rồi trở về căn hộ vào lúc mười một giờ đêm.
Khi không thấy tin tức gì của vụ giết người được đưa ra ánh sáng sau nhiều ngày đã trôi qua, bị cáo nhờ Chen-yi giúp tìm một công việc khác. Chen-yi gợi ý bị cáo đi làm cùng ở sòng bạc pachinko nhưng bị cáo từ chối, nói rằng chỗ đó quá ầm ĩ. Chen-yi hứa sẽ giúp tìm việc cho bị cáo.
Phần 6: Phát hiện ra thi thể Hirata và diễn biến tiếp theo của vụ án
Thi thể của Hirata được phát hiện mười ngày sau đó khi người ở trọ bên cạnh, một người Hàn Quốc than phiền với chủ nhà về mùi hôi thối nồng nặc. Chủ nhà tới kiểm tra và phát hiện cửa không khóa. Khi bước vào trong thì phát hiện ra thi thể của Hirata. Nạn nhân chỉ mặc độc một chiếc áo phông, một cái chăn mỏng trùm trên đầu.
Thi thể nạn nhân đã bắt đầu phân hủy nhưng vẫn có thể nhìn thấy những dấu vết bất thường trên cổ họng nạn nhân và vết máu bầm tụ lại ở phần mềm vùng cổ và dọc theo tuyến giáp. Khi tin tức về cái chết của Hirata lan truyền, bị cáo biết rằng không thể quay lại quán Shangri-la để đòi tiền lương. Bị cáo cũng lo sợ sợi dây chuyền vàng đánh cắp sẽ tố giác tội ác của mình nên đã giấu nó vào trong va li. Cuối cùng sợ không còn tiền tiêu, bị cáo quay lại bảo với Chen-yi chấp nhận bất cứ công việc gì.
Chen-yi giới thiệu cho bị cáo một công việc bán thời gian làm bảo vệ khách sạn tình nhân Dreamer ở số 1 phố Honmachi, quận Kichijoji khu Musashino. Bị cáo chấp nhận và bắt đầu làm việc tại đây từ tháng Bảy.
BẢN LUẬN TỘI CỦA CÔNG TỐ VIÊN:
TỘI DANH THỨ HAI TRONG CÁO TRẠNG
Phần 1: Nạn nhân Kazue Sato
Nạn nhân Kazue Sato sinh ngày 4 tháng tư năm 1961, con gái đầu lòng của Yoshio và Satoko Sato. Yoshio là nhân viên của Hãng Kiến trúc và công trình G. Khi Sato vào học năm thứ nhất tiểu học, gia đình nạn nhân chuyển từ Omiya ở tỉnh Saitama sang sống ở khu Kita-Karasuyama, quận Setagaya, thành phố Tokyo. Sato học tiểu học và cấp hai ở địa phương, sau đó thi đỗ vào trường trung học nữ sinh Q và khoa kinh tế đại học Q.
Cha Sato qua đời khi nạn nhân đang học năm thứ hai đại học. Vì vậy, Sato phải vừa học vừa làm gia sư và giáo viên luyện thi bán thời gian để kiếm tiền trả học phí.
Sato tốt nghiệp đại học Q vào tháng Ba năm 1984 và tháng Tư cùng năm được nhận vào Hãng Kiến trúc và Công trình G, nơi bố nạn nhân làm việc trước đây. Là công ty lớn nhất trong lĩnh vực kiến trúc và công trình, hãng G vốn nổi tiếng về truyền thống cha truyền con nối giữa các nhân viên và còn có biệt danh là Công ty gia đình G. Hãng G rất tích cực trong tuyển dụng con cái của các nhân viên. Sau khi tốt nghiệp đại học loại ưu và trở thành nhân viên phòng Nghiên cứu chung của hãng G, Sato đã trở thành người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm một chức vụ quan trọn như vậy với một tương lai đầy hứa hẹn.
Vào năm 1985, Sato được thăng chức trở thành trợ lý giám đốc phòng nghiên cứu. Đây là bộ phận phân tích các yếu tố kinh tế ảnh hưởng tới ngành xây dựng, phát triển những phần mềm phân tích mới v.v… Sato chủ yếu thực hiện các nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của các tòa nhà cao tầng. Công việc của nạn nhân được các đồng nghiệp khác trong công ty đánh giá cao và nạn nhân là một người rất tâm huyết với công việc.
Tuy nhiên, Sato không giao thiệp nhiều với cấp trên cũng như đồng nghiệp sau giờ làm việc vì không có người quen hay họ hàng ở chỗ làm. Vì vậy không ai biết nạn nhân thường làm gì sau giờ làm. Sato chưa bao giờ kết hôn. Nạn nhân sống với mẹ và em gái. Sau khi bố mất, nạn nhân là nguồn thu nhập chính trong gia đình.
Năm 1990, ở tuổi 29, Sato được thuyên chuyển tạm thời sang một phòng nghiên cứu thí nghiệm công trình thuộc một chi nhánh của hãng G. Vào thời điểm này Sato đã phải nằm điều trị tại bệnh viện vì bệnh biếng ăn. Sato đã từng bị chẩn đoán và điều trị bệnh biếng ăn vào năm thứ hai trung học. Vào tháng Năm năm 1991, Sato bắt đầu làm tiếp viên bán thời gian tại một câu lạc bộ vào buổi tối sau giờ làm việc. Năm 1994, nạn nhân bắt đầu gặp gỡ khách hàng nam giới ở các khách sạn để bán dâm và tới năm 1998 thì bắt đầu chính thức hành nghề mãi dâm ở khu vực Shibuya.
Yuriko Hirata, nạn nhân ở tội danh thứ nhất, và Kazue Sato đều là học sinh của trường nữ sinh Q nhưng khác lớp và không có giao thiệp gì với nhau trong và sau quá trình học tập.
Phần 2: Những tình tiết dẫn đến tội danh thứ hai
Sau khi thực hiện tội ác đã nêu ở tội danh thứ nhất của cáo trạng, bị cáo bỏ việc ở quán Shangri-la và nhà trọ Futomomokko rồi tới làm việc tại khách sạn tình nhân Dreamer ở Muashino. Tuy nhiên bị cáo vẫn không thay đổi chỗ ở và tiếp tục sống tại căn hộ số 404 tòa nhà Matoya số 4-5 Maruyama, quận Shibuya. Ngoài ba người Thìn, Huang và Chen-yi như nhắc tới ở trên còn có hai người nữa là Niu-hu và A-wu thỉnh thoảng cũng tới đây ở.
Bị cáo làm việc tại khách sạn Dreamer các ngày trong tuần trừ thứ Ba, từ trưa tới mười giờ đêm, dọn dẹp phòng khách, giặt giũ chăn màn và những việc khác.
Khi bắt đầu làm việc vào năm 1998 bị cáo làm việc rất chăm chỉ và độc lập nhưng những năm tiếp theo, thái độ làm việc của bị cáo dần dần thay đổi. Bị cáo thường tới muộn về sớm và gây khó khăn cho người làm cùng với anh ta, một nhân viên người Iran. Người này đã khiếu nại với chủ. Trong đơn khiếu nại của mình anh ta còn tố giác bị cáo có những hành vi thiếu đứng đắn khác như ngủ trưa trong phòng dành cho khách, lấy trộm xà phòng, dầu gội, khăn tắm, xem phim người lớn trong phòng v.v…
Tháng Hai cùng năm, một người sống ở đó cho biết nhìn thấy bị cáo lấy bao cao su mà khách sạn dành cho khách, đổ nước vào rồi ném những bao cao su có nước ở trong xuống con mèo của hiệu sushi bên cạnh, từ cửa sổ khách sạn. Vào thời điểm đó người chủ khách sạn lần đầu tiên nghĩ đến việc cho bị cáo nghỉ việc.
Vào thời điểm đó bị cáo được trả 750 yen một giờ làm việc, quy ra vào khoảng 170.000 yen một tháng nhưng không có trợ cấp đi lại. Với mức thu nhập thấp hơn so với thời gian làm việc trước đây tại quán Shangri-la, bị cáo bắt đầu vay nợ các bạn cùng phòng. Bị cáo đã vay Thìn 100.000 yen, Huang 40.000 yen và của Chen-yi 60.000 yen. Bị cáo bảo rằng mẹ bị cáo đang phải nằm viện ở Trung Quốc nên phải gửi tiền về.
Bị cáo còn vay tiền của Niu-hu và A-wu và tiếp tục thu tiền nhà của Thìn và những người khác. Hậu quả là mối quan hệ giữa bị cáo và những người ở cùng ngày càng trở nên xấu đi. Ngay cả Chen-yi người trước đây có quan hệ khá tốt với bị cáo cũng bắt đầu trở nên khó chịu khi bị cáo dần đánh mất uy tín trước những người quản lý ở khách sạn Dreamer. Mà Chen-yi lại là người giới thiệu cho bị cáo tới làm việc ở đây.
Vào ngày 25 tháng Năm năm 2000, Thìn, Hung và Chen-yi biết đây là ngày bị cáo lĩnh lương nên đã hối thúc bị cáo trả tiền. Bị cáo định trả cho mỗi người bọn họ một nửa số tiền nhưng ba người kia biết rằng bị cáo vẫn còn 240.000 yen giấu trong một va li có khóa nên không chấp nhận đề nghị của bị cáo. Họ cũng to tiếng với bị cáo về việc bị cáo lấy tiền thuê nhà của họ quá cao.
Dưới áp lực đó, bị cáo đành phải chấp nhận điều kiện của ba người trên. Bị cáo đồng ý trả tổng cộng 200.000 yen tiền vay nợ cho ba người cộng với 50.000 yen mỗi người bù vào khoản tiền thuê nhà chênh ra bấy lâu nay. Bị cáo phải lấy hết lương và tiền để dành bấy lâu ra trả nợ.
Kết quả là bị cáo chỉ còn lại 60.000 yen để sống đến hết tháng cho tới khi có lương mới. Điều đó khiến quan hệ giữa bị cáo với Thìn, Huang và Chen-yi càng xấu đi.
Cũng vào thời điểm đó, Chen, người đứng tên thuê căn hộ số 404 Matoya cũng gây áp lực để bị cáo đi thuê chỗ khác ở. Từ đầu tháng Giêng, Chen đã nhiều lần thông báo cho bị cáo rằng bị cáo phải dọn khỏi căn hộ vào giữa tháng Ba. Khi bị cáo than phiền là không có chỗ nào để chuyển đi thì Chen đã đồng ý cho bị cáo ở lại tới hết tháng Tư. Chen cũng nói cho bị cáo biết là ở tòa nhà bên cạnh có một căn hộ cho thuê, số 103, tòa nhà Green Villa số 4-5 phố Maruyama, quận Shibuya, Chen có thể giúp bị cáo thuê căn hộ đó với số tiền là 150.000 yen một tháng. Rõ ràng là vào thời điểm đó, bị cáo liên tục gặp phải những vấn đề rắc rối về tiền bạc.
Nhân viên người Iran làm việc cùng bị cáo ở khách sạn Dreamer sau này cho biết bị cáo đi vay tiền người khác dù đã có một số tiền để dành kha khá là vì bị cáo muốn mua được một tấm hộ chiếu. Để có thể xuất cảnh sang Mỹ.
Phần 3: Về căn hộ 103 nhà Green Villa
Tòa nhà Matoya số 4-5 Maruyama ở quận Shibuya là một tòa nhà bê tông bốn tầng kiên cố cách nhà ga Shinsen tuyến Inokashira-Keio khoảng một trăm mét về phía Bắc trên một con phố hẹp, một chiều. Tòa nhà Green Villa nơi xảy ra vụ án là một tòa nhà gỗ nằm ở phía Bắc tòa nhà Matoya. Tòa nhà Green Villa có một tầng hầm và hai tầng ở trên. Ở đây vừa có các cửa hàng nhỏ vừa có các căn hộ cho thuê. Cả hai tòa nhà nói trên đều thuộc quyền sở hữu của Fumi Yamamoto.
Có ba căn hộ cho thuê ở Tòa nhà Green Villa. Hiện trường vụ án xảy ra ở căn hộ số 103, mặt quay ra con phố một chiều nói trên. Căn hộ số 102 không có ai ở. Kimo Hara sống ở căn hộ 101. Ở phía Tây của tòa nhà là một cầu thang ngoài trời bằng sắt dẫn lên tầng trên cùng. Ở tầng hầm ngay phía dưới căn hộ số 103 là một quán ăn nhỏ tên là Thất Báu.
Để đi từ ngoài đường vào, những người thuê nhà sử dụng một con đường bê tông hẹp nằm ở phía Nam của tòa nhà. Bên ngoài, phía Nam căn hộ 103 có một cánh cửa dẫn xuống con đường này. Bên trong căn hộ, bếp nằm sát tường phía Nam và bên cạnh là một phòng sáu chiếu Nhật có trải thảm tatami. Giữa lối vào phòng và sáu chiếu Nhật là nhà vệ sinh.
Chen được họ hàng giới thiệu với Fumi Yamamoto để thuê căn hộ 404 ở tòa nhà Matoya trước đây với giá 45.000 yen và cho bị cáo thuê lại với giá 65.000 yen. Họ hàng của Chen mở một nhà hàng Trung Quốc ở thành phố Niiza, tỉnh Saitama nên cần chỗ ở cho nhân công. Vì vậy bị cáo buộc phải trả lại căn hộ nói trên. Khi bị cáo than phiền là không biết chuyển đi đâu Chen đã nói chuyện với bà chủ nhà Fumi Yamamoto với ý định thuê lại căn hộ ở tòa nhà Green Villa. Khi bị cáo nói muốn được xem căn hộ thì bà Yamamoto đã đưa cho bị cáo chìa khóa căn hộ 103 vào ngày 28 tháng Giêng năm 2000.
Shizu Kakiya là người đã thuê căn hộ nói trên cho tới khi bà qua đời vào 18 tháng Tám năm 1999. Căn hộ không có ai ở kể từ đó. Gas đã bị cắt từ tháng Chín năm 1999 và điện bị cắt sau đó một tháng.
Căn hộ chỉ có một chìa khóa duy nhất do bà Yamamoto giữ. Bà Yamamoto đã đưa nó cho bị cáo hôm 28 tháng Giêng 2000. Cho tới thời điểm đó không có ai sử dụng chìa khóa này.
Phần 4: Quan hệ giữa bị cáo và nạn nhân
Vào khoảng tháng Mười một năm 1998, bị cáo nghe bạn cùng phòng, Huang, kể rằng anh ta vừa gặp “một phụ nữ Nhật trên một phố tối và có quan hệ tình dục với cô ta.” Đặc điểm nhận dạng của người phụ nữ này là cô ta có mái tóc dài và gầy. Nghe vậy bị cáo cho rằng đó chính là người phụ nữ mà thỉnh thoảng bị cáo nhìn thấy trên đường. Khoảng giữa tháng sau, bị cáo bắt gặp Sato trên đường về. Nhớ lại câu chuyện của Huang, bị cáo quay ra nhìn Sato. Thấy vậy, Sato gọi theo bị cáo, “Chúng ta có thể về phòng anh được không?” Bị cáo từ chối bảo là bị cáo “có các bạn ở cùng.” Nhưng Sato đáp lại, “Có bao nhiêu người? Tôi sẽ chiều hết.” Nghe vậy bị cáo dẫn Sato về căn hộ của mình ở số 404 Matoya.
Lúc đó hai người bạn cùng phòng của bị cáo là Thìn và Chen-yi đang ở nhà. Ba người bọn họ thay phiên nhau quan hệ tình dục với Sato. Vào khoảng tháng Giêng năm sau, bị cáo và Huang tình cờ đi qua chỗ Sato đang đứng ở phố Maruyama. “Đây là người phụ nữ mà cậu ngủ cùng lần trước đấy à?” bị cáo hỏi Huang. Khi Huang gật đầu thì bị cáo bảo bị cáo cũng ngủ với cô ta. Huang cũng nghe Thìn kể vào khoảng tháng Mười hai năm 1998 rằng bị cáo, Thìn và Chen-yi có ngủ với người phụ nữ này ở căn hộ. Khi nói chuyện đó với bị cáo, bị cáo trả lời, “Thực ra, tớ đã gặp người phụ nữ này một năm về trước.”
Phần 5: Các tình tiết dẫn đến tội ác
Vào ngày thứ Bảy mồng 8 tháng Tư năm 2000, khoảng bốn giờ chiều, Sato rời khỏi tòa nhà không nói là đi đâu. Vào khoảng sáu giờ chiều cô tới gặp một viên chức vốn là khách hàng quen. Hai người hẹn nhau ở tượng đài Hachiko phía trước ga Shibuya. Sau đó họ tới một khách sạn ở phố Maruyama, Sato nhận được 40.000 yen từ người này và trước chín giờ tối hai người chia tay trên Dogenzaka. Sato đi về phía ga Shinsen.
Cùng ngày, bị cáo tới làm việc tại khách sạn Dreamer. Vào lúc mười giờ tối nhân viên ca đêm tới thay ca cho bị cáo. Bị cáo lên tàu tuyến Keio-Inokashira tới Shibuya vào lúc 10 giờ 13 rồi đi bộ về nhà. Khi tới ga Shinsen, bị cáo xuống tàu và bắt đầu đi bộ về tòa nhà Matoya cách đó khoảng vài phút.
Bị cáo bắt gặp Sato ở gần tòa nhà và quyết định sẽ quan hệ với nạn nhân lẫn nữa. Nhưng Thìn, Huang và Chen-yi đang ở nhà và quan hệ giữa họ và bị cáo lúc này đang rất xấu. Bị cáo do dự, không muốn mang nạn nhân về nhà. Khi nhớ ra rằng mình đang giữ chìa khóa căn hộ 103 ở tòa nhà Green Villa (như lý do đã nêu ở trên) bị cáo liền quyết định đưa nạn nhân tới đó và có quan hệ với nạn nhân ở căn hộ này.
Sato có mang theo bao cao su lấy ở các khách sạn mà nạn nhân hẹn với khách. Sato lấy một chiếc bao cao su ở trong túi của mình, vỏ ngoài bao cao su có in chữ Khách sạn Glass Palace và yêu cầu bị cáo đeo vào trước khi quan hệ. Sau khi quan hệ, bị cáo vứt bao cao su đã sử dụng ra ngoài đường, phía Nam tòa nhà.
Như đã ghi chú ở phần trên, bị cáo lúc này đang túng bấn. Khi Sato chuẩn bị rời đi, bị cáo quyết định sẽ lấy tiền của nạn nhân. Ngay sau nửa đêm một chút, Sato mặc áo khoác và chuẩn bị đi. Bị cáo giật lấy chiếc túi xách tay bằng da màu nâu của nạn nhân. Nạn nhân chống trả. Bị cáo đấm vào mặt nạn nhân và rồi dã tâm giết người bùng lên, bị cáo dùng hai tay siết cổ nạn nhân tới chết. Rồi bị cáo mở túi, lôi ví của nạn nhân ra lấy 40.000 yen mà nạn nhân vừa nhận được của khách. Để lại xác nạn nhân ở nguyên trạng, bị cáo rời khỏi căn hộ không khóa cửa và trở về phòng mình ở số 404 tòa nhà Matoya.
Satoko Sato, mẹ của nạn nhân, bắt đầu trở nên sốt ruột khi không thấy con gái trở về tối hôm 8 tháng Tư. Cho tới thời điểm đó Sato chưa bao giờ đi ra ngoài cả đêm. Vào thứ Hai ngày 10 tháng Tư, khi được biết con gái mình không tới chỗ làm sáng hôm đó, bà Satoko đã báo cảnh sát.
Phần 6: Các sự việc xảy ra ngay sau đó
Bị cáo bình thản đi làm ở khách sạn Dreamer sáng hôm 9 tháng Tư như không có chuyện gì xảy ra. Sau giờ làm, bị cáo đi cùng với hai đồng nghiệp tới công viên Inokashira uống bia. Vào khoảng 11 giờ 30 đêm, bị cáo bắt tàu tuyến Inokashira tới ga Iniokashira và đi bộ về nhà.
Ngày hôm sau, sau giờ làm việc ở khách sạn Dreamer, bị cáo gặp Chen-yi ở ga Shibuya. Hai người tới tiệm mì ramen Tanaryu ở phía đông nhà ga. Ăn xong họ tới chơi bowling ở Hội quán Shibuya. Sau đó hai người thảo luận về căn hộ ở khu Green Villa và quyết định không chuyển tới đó vì nó nhỏ hơn căn hộ họ đang thuê ở tòa nhà Matoya. Bị cáo còn bảo anh ta định chuyển tới Osuka để tìm việc ở đó.
Ngày mười một hằng tháng là ngày bị cáo nhận lương. Bị cáo tới thành phố Niiza ở tỉnh Saitama để gặp Chen. Bị cáo đưa Chen 100.000 yen và nói rằng anh ta sẽ không dọn tới căn hộ ở tòa nhà Green Villa và đưa trả chìa khóa phòng 103 cho Chen. Ngay đêm đó Chen đưa trả chìa khóa cho bà chủ nhà Yamamoto tại nhà riêng ở quận Suginami. Bà Yamamoto chuyển chìa khóa cho con trai bà là Akira, người điều hành công ty giám sát hai tòa nhà Matoya và Green Villa.
Phần 7: Phát hiện ra thi thể nạn nhân
Ngày 18 tháng Tư, khi tới thăm một người quen sống ở tầng một tòa nhà Matoya, Akira Yamamoto quyết định rẽ qua kiểm tra xem căn hộ 103 ở tòa nhà Green Villa có được khóa lại cẩn thận hay không. Tới nơi, qua khe cửa sổ hơi hé mở bên hông căn hộ. Akira Yamamoto nhìn thấy nửa trên một người có vẻ như đang nằm ngủ. Đoán rằng đó là một người quen của Chen hay một người Trung Quốc làm thuê cho nhà hàng của anh ta, Akira Yamamoto gọi lớn và thử mở cửa ra. Cửa không khóa. Một đôi giày nữ xếp ngay sau bậu cửa. Yamamoto ngạc nhiên một cách khó chịu khi nhận ra kẻ đột nhập là một phụ nữ. Lúc này Akira Yamamoto cũng bắt đầu ngửi thấy một thứ mùi kỳ lạ xộc lên liền quay đi luôn, khóa cửa lại sau lưng, không gây ra một tiếng động nào. Đây là loại cửa có thể khóa từ bên trong mà không cần chìa. Chỉ cần ấn nhẹ vào nút bám trên nắm cửa rồi đóng lại.
Ngày hôm sau, 19 tháng Tư, Akira Yamamoto trở nên lo lắng khi nghĩ tới người mà anh ta nhìn thấy ngủ trong căn hộ. Nếu người này vẫn tiếp tục ở đó? Và cái mùi lạ bốc lên trong căn hộ? Lo lắng. Yamamoto quay trở lại với chìa khóa căn hộ. Khi nhìn qua cửa sổ thấy người phụ nữ vẫn nằm nguyên vị trí cũ, Yamamoto mở cửa bước vào trong và phát hiện ra thi thể của Sato.
Ngoài vết bóp cổ, trên đầu, mặt và chân tay Sato còn nhiều vết bầm giập chứng tỏ nạn nhân bị đánh bằng một vật tù và trên người nạn nhân còn có các vết xước như thể nạn nhân bị kéo lôi trên sàn. Xuất huyết ở phần mềm quanh vùng cổ và dọc theo tuyến giáp.
Phần 8: Những hành vi của bị cáo sau khi thi thể nạn nhân được phát hiện
Tối ngày 19 tháng Tư năm 2000, ngay sau khi đi làm ở khách sạn Dreamer về, bị cáo được một cảnh sát đang điều tra vụ án hỏi thăm theo thông lệ, đối với những người trong khu vực xung quanh hiện trường. Thìn, Huang và Chen-yi vẫn đang ở chỗ làm. Nhân viên cảnh sát điều tra hỏi bị cáo rất nhiều câu hỏi liên quan tới chỗ ở và công việc hiện tại của bị cáo rồi đi khỏi. Ngay khi cảnh sát đi khỏi, bị cáo cố gắng liên lạc với những người bạn cùng phòng khác.
Bị cáo gọi di động cho Chen-yi và nói chuyện được với Chen-yi lúc này vẫn đang làm việc ở Dogenzaka. “Cảnh sát vừa tới đây,” bị cáo nói. “Rất đông. Họ cho tôi xem ảnh một người phụ nữ mà tôi không hề biết mặt. Họ nói họ sẽ quay trở lại. Nếu họ biết anh cũng ở đây thì họ sẽ phát hiện ra là chúng ta không có giấy tờ.”
Nghe vậy Chen-yi lập tức gọi điện thoại cho Huang tại nơi làm việc ở quán cà phê Mirage ở Koenji, quận Suginami. Anh ta định bảo Huang đừng về nhà nhưng Huang đã rời khỏi chỗ làm và trên đường đi về. Chen-yi liền gọi tới chỗ làm của Thìn ở tòa nhà Phong Lan, ở phố Kabuki, quận Shinjuku. Sau khi kể cho Thìn nghe chuyện vừa xảy ra cả hai người bọn họ quyết định tới ở nhờ một người quen của Thìn.
Trên đường về, không hay biết chuyện gì đã xảy ra nên khi gặp một cảnh sát cho xem ảnh nạn nhân thì Huang khai ra là anh ta đã từng gặp nạn nhân trước đó. Và anh ta cũng khai là bị cáo có chìa khóa một căn hộ ở tòa nhà Green Villa.
Vào lúc đó bị cáo rời khỏi căn hộ 404 ở Matoya và ngủ qua đêm tại một khách sạn con nhộng. Ngày hôm sau cảnh sát tới khách sạn Dreamer để thẩm vấn bị cáo nhưng bị cáo không tới làm việc. Ngày 21 tháng Tư, bị cáo rời khỏi khách sạn và tới nhà Chen ở thành phố Niiza, tỉnh Saitama. Bị cáo yêu cầu Chen che giấu tội cho mình bằng cách nói với cảnh sát rằng bị cáo đã trả chìa khóa căn hộ 103 tòa nhà Green Villa cho Chen từ ngày 8 tháng Tư, một ngày trước khi xảy ra án mạng. Bị cáo đưa cho Chen 100.000 yen. Chen thông báo với bị cáo là anh ta đã nói chuyện với cảnh sát và từ chối làm theo yêu cầu của bị cáo. Chen còn nói thêm rằng cảnh sát đang truy tìm bị cáo vì biết rằng anh ta có chìa khóa của căn hộ và khuyên bị cáo nên ra đầu thú. Bị cáo từ chối.
Trên đường trở về từ nhà Chen, bị cáo bắt đầu lo lắng vì không có tiền. Bị cáo quyết định tới chỗ làm để xin nghỉ việc và đòi tiền lương. Thế là bị cáo đi tới khách sạn Dreamer ở Muashino.
Khi thẩm vấn chủ khách sạn Dreamer, cảnh sát điều tra phát hiện ra rằng bị cáo hoặc đã nhập cảnh trái phép hoặc làm việc mà không có visa lao động hợp pháp. Vì vậy cảnh sát đã bắt giữ bị cáo ngay ngày hôm đó khi anh ta tới lấy tiền lương và buộc tội nhập cảnh trái phép và làm việc không có giấy tờ hợp pháp. Bị cáo bị đem ra toà xử ngày 30 tháng Sáu cùng năm với hai tội danh nói trên.
Tiếp đó, cảnh sát phát hiện ra rằng dấu vân tay của bị cáo trùng hợp với dấu vân tay tìm thấy trên hiện trường vụ mưu át Yuriko Hirata ở căn hộ 205 tòa nhà Hope Heights. Cảnh sát cũng tìm được chiếc dây chuyền của nạn nhân trong số đồ đạc của bị cáo. Sau một cuộc điều tra tỉ mỉ, bị cáo đã bị buộc tội giết hại cả Hirata và Sato.
“NHỮNG TỘI ÁC MÀ TÔI ĐÃ GÂY RA”:
LỜI KHAI CỦA BỊ CÁO ZHANG ZHE-ZHONG
NGÀY 10 THÁNG SÁU, NĂM THỨ MƯỜI HAI HEISEI (2000)
Văn bản nguyên gốc được viết bằng tiếng Trung. Một nhân viên thi hành án đã hướng dẫn bị cáo viết lời khai sau khi yêu cầu bị cáo tái hiện hiện trường tội ác với một hình mẫu ma nơ canh giống người thật ở đồn cảnh sát.
Cảnh sát điều tra Takahashi nói, “Hãy kể về đời anh từ trước tới giờ, về tất cả những điều thối tha mà anh đã làm, từng chi tiết một. Đừng có che giấu điều gì.” Thì, tôi đã trải qua một cuộc sống nhọc nhằn, tay làm hàm nhai, tôi đã cố gắng hết sức mình. Thậm chí tôi chẳng có thời gian để nhìn lại hay suy ngẫm về những gì đã qua. Tôi không thể nhớ nổi những chuyện đã xảy ra trong quá khứ xa vời và tôi cũng không muốn nhớ lại chúng làm gì. Vì chúng rất buồn, rất đau thương, và tôi đã phải khóa chặt chúng lại trong một căn phòng bỏ quên của ký ức. Có quá nhiều kỷ niệm mà tôi cố quên đi.
Nhưng cảnh sát điều tra Takahashi đã tử tế cho tôi cơ hội được kể lại câu chuyện của mình nên tôi sẽ cố hết sức để đáp ứng được yêu cầu của ông. Tuy nhiên làm điều đó cũng có nghĩa là tôi sẽ phải lục lại cuộc đời khốn nạn của mình với những lỗi lầm ngu ngốc mà tôi đã từng phạm phải – những lỗi lầm không thể nào sửa chữa được. Nghe nói tôi là nghi phạm chính trong cái chết của cô Kazue Sato nhưng tôi hoàn toàn vô tội. Tôi hy vọng lời khai này sẽ rửa sạch tên tuổi của tôi trong vụ án trên.
Ở Trung Quốc, số phận của một người được quyết định bởi quê quán nơi anh ta sinh ra. Đó là điều chúng ta vẫn thường nghe nói. Nhưng đối với tôi đó không phải chỉ là một câu nói suông. Mà là sự thật. Nếu tôi sinh ra ở một thành phố như Thượng Hải, Bắc Kinh hay Hồng Kông chứ không phải ở tận miền núi Tứ Xuyên thì cuộc đời của tôi sẽ tràn đầy hứa hẹn. Sẽ là một cuộc đời tươi sáng và hạnh phúc, tôi dám chắc là thế. Và tôi hẳn sẽ không phải kết thúc trong một mớ bòng bong ở một đất nước xa lạ như thế này!
Tôi đúng là sinh ra ở Tứ Xuyên. Chín mươi phần trăm dân số Trung Quốc sống ở các khu vực nằm sâu trong đất liền như Tứ Xuyên nhưng chỉ sở hữu mười phần trăm tài sản quốc gia. Phần còn lại thuộc về Thượng Hải, Quảng Châu và các thành phố cảng khác. Chỉ mười phần trăm dân số sống ở các thành phố cảng sở hữu chín mươi phần trăm tài sản quốc gia. Sự khác biệt kinh tế giữa những người sống ở duyên hải và những người trong nội địa ngày càng trở nên sâu sắc.
Với những người sống trong nội địa như chúng tôi thì chỉ có thể nghiến chặt răng trong tuyệt vọng khi ngửi thấy mùi tiền và ngắm sắc vàng lấp lánh mà không bao giờ được sở hữu. Chúng tôi không có cách nào khác là phải tự thỏa mãn với cây kê, hạt thóc, mặt mũi, tóc tai chúng tôi lúc nào cũng bám đầy bụi trấu ngoài đồng.
Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ và các anh chị tôi đã luôn bảo, “Zhe-zhong là đứa trẻ thông minh nhất trong làng.” Tôi không viết điều này ra để vỗ ngực tự hào mà chỉ để bạn hiểu thêm về điều kiện sống ở nơi tôi được nuôi dạy. Chắc chắn tôi là đứa trẻ sáng láng hơn rất nhiều bạn bè đồng lứa. Tôi biết đọc và biết viết rất nhanh. Tôi cũng có thể làm tính một cách dễ dàng. Để vươn xa hơn và mở mang kiến thức, tôi muốn được tiếp tục đi học và lên lớp. Nhưng gia đình tôi rất nghèo. Họ không đủ khả năng để gửi tôi đi học ở trường tiểu học trong làng. Khi nhận ra rằng những giấc mơ của tôi sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, giống như một cái cây mà rễ bị chặn và xoắn lại để không lớn thêm được nữa, tôi bắt đầu nuôi dưỡng trong lòng một mối tị hiềm đen tối, một sự đố kỵ xấu xa. Tôi tin rằng số phận đã an bài việc tôi sinh ra trong cảnh bần cùng.
Đi tìm việc làm ở nơi khác là cách duy nhất để một người như tôi có thể thoát khỏi số phận này. Khi tới Quảng Châu và Thâm Quyến, tôi đã làm việc chăm chỉ và thầm nghĩ rồi mình cũng sẽ được hưởng một cuộc sống sung túc và có tiền dành dụm như những người dân ở đây. Nhưng sau khi tới Nhật, tôi lập tức bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng mọi tính toán của tôi thật hết sức viển vông. Tại sao? Vì sự thịnh vượng của nước Nhật còn lớn hơn rất nhiều các thành phố cảng của Trung Quốc. Nếu không phải là người Trung Quốc, nếu sinh ra là người Nhật, hẳn tôi sẽ không phải nhọc nhằn, khổ sở thế này. Ngay từ khi chào đời, tôi sẽ được nếm ê hề những món ngon mà chỉ đụng tới một nửa, một nửa vứt sọt rác. Muốn uống thì chỉ cần vặn vòi nước. Tôi có thể tắm táp thoải mái và khi muốn đi sang làng bên cạnh, tôi không phải đi bộ hay chờ một chuyến xe buýt đôi khi không bao giờ tới mà có thể đón một chuyến tàu nhanh xuyên qua các ga ba phút một lần. Tôi có thể học cái gì tôi muốn, vào thời điểm mà tôi lựa chọn và theo đuổi sự nghiệp mình tâm huyết. Về già tôi sẽ an hưởng những giây phút cuối đời dưới sự chăm sóc của các nhân viên y tế tuyệt vời. Khác biệt giữa cuộc sống tôi từng có ở Trung Quốc và cuộc sống mà tôi có thể có tại Nhật Bản thật là lớn, chỉ cần nghĩ tới điều ấy thôi là tôi đã thấy buồn lắm rồi.
Tôi đã mơ về Nhật Bản, về đất nước tự do và màu nhiệm này từ rất lâu, tôi ghen tị với tất cả những người sống ở đó. Nhưng giờ đây tôi lại đang bị cầm tù trên chính cái đất nước mà tôi ao ước một cách tuyệt vọng từ bấy lâu nay. Thật trớ trêu làm sao! Hay đúng hơn là thật khốn nạn! Ở nhà, từ làng quê nghèo khó của mình, mẹ già đang đau ốm mong chờ một bức thư của con trai, mỗi ngày chậm chạp trôi qua, dài như một thế kỷ. Nếu bà biết được tôi đã trở thành một kẻ thế này, tôi sẽ không thể tiếp tục sống ở trên đời này nữa.
Thưa các nhân viên điều tra, các thanh tra cảnh sát và thưa Quý tòa, tôi cầu xin các ngài hãy cho tôi trở về quê hương mình ở Trung Quốc sau khi mãn hạn tù vì tội mưu sát Yuriko Hirata. Hãy cho tôi được dùng nốt khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại trên đời này cày xới mảnh đất cằn cỗi của quê hương và suy ngẫm lại cuộc đời cũng như những tội lỗi mà tôi đã phạm phải. Tôi van xin các ngài hãy khoan hồng. Xin quý tòa hãy rủ lòng thương.
Suốt đời mình tôi bị người khác chê cười. Trong cái làng xơ xác của tôi, nhà tôi là nghèo nhất. Chúng tôi sống trong một cái hầm nên người làng khinh thường chúng tôi. Họ tung tin đồn nhảm rằng cha tôi bị nguyền rủa bởi thần Nghèo. Khi được mời đi ăn cỗ cưới hãy lễ hội trong làng, cha tôi luôn ngồi ở chỗ thấp nhất.
Cha tôi là một người Hakka. Khi còn nhỏ, bố ông mang ông từ Huệ An, tỉnh Phúc Kiến tới sống tại một làng nhỏ ở Tứ Xuyên, trong cái góc hẻo lánh này. Người dân địa phương đều là người Hán. Từ trước tới nay chưa có người Hakka nào tới ở đây nên họ không cho phép bố tôi được xây nhà. Vì thế chúng tôi phải sống trong một cái hầm.
Ông nội tôi vốn làm nghề thầy bói. Nghe kể khi ông bắt đầu hành nghề ở làng, công việc rất thuận lợi nhưng chẳng bao lâu người ta bắt đầu không ưa ông nữa vì ông toàn dự đoán vận hạn và tai ương. Cuối cùng ông không thể hành nghề nữa và gia đình chúng tôi lại càng trượt sâu vào cảnh đói nghèo. Ông nội từ chối không xem bói cho ai nữa ngay cả khi họ van xin ông. Thậm chí ông không nói chuyện với ai ở nhà. Nếu có lúc nào ông mở miệng thì những người xung quanh lập tức trở nên cảnh giác, lo lắng về những dự báo đầy rủi ro của ông. Mặc dù vậy, ông vẫn một mực tâm huyết với nghiệp tiên tri vận hạn của mình và điều đó khiến người ta trở nên ghét ông. Và thế là ông nội quyết định tốt nhất là không nên mở miệng ra nói gì.
Sau một thời gian ông nội cũng không đi lại nữa. Râu và tóc ông mọc dài ra và ông ngồi trong hầm cả ngày giống như Bồ Đề Đạt ma. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông nội ngồi im như tượng trong bóng tối ở cuối hầm. Mọi người ở trong nhà dần trở nên quen với điều đó và thậm chí chẳng còn để ý tới ông nữa. Cứ tới bữa tối thì mẹ đặt một bát cơm ở trước mặt ông. Khi thức ăn hết thì có nghĩa là ông nội vẫn còn sống. Và thực tế là khi ông chết, chúng tôi mất một thời gian mới phát hiện ra.
Một lần khi không có ai ở trong nhà, ông nội gọi tôi lại. Lúc đó tôi đang học tiểu học. Vì gần như chưa bao giờ nghe ông nội nói lời nào nên tôi rất ngạc nhiên và quay sững lại nhìn ông. Ông nội ngồi trong bóng tối cuối hang, mắt nhìn tôi chằm chằm.
“Trong gia đình chúng ta có một kẻ sát nhân,” ông nói.
“Ông nội! Ông nói gì cơ ạ? Ông nói ai cơ?”
Tôi đòi ông nội giải thích nhưng ông không nói gì nữa. Lúc đó bị đầu độc bởi ý nghĩ mình là một đứa trẻ khôn ngoan, sáng dạ nên tôi cho rằng đó chỉ là những lời nói nhảm của một người già sống dở chết dở nên không thèm bận tâm. Chẳng bao lâu thì tôi quên mất.
Hằng ngày các thành viên trong gia đình tôi làm việc trên các thửa ruộng trên sườn núi với sự trợ giúp của một con bò già tiều tụy. Ngoài nó ra chúng tôi còn có hai con dê. Anh trai tôi, Gen-de, có nhiệm vụ chăm sóc chúng. Anh ấy là con trai thứ hai trong nhà. Gia đình chúng tôi trồng các loại lương thực, chủ yếu là thóc gạo. Bố mẹ và anh trai cả của tôi sẽ dậy từ tinh mơ trước khi mặt trời mọc để đi làm và trời tối mịt mới về. Mặc dù vậy số lượng lương thực mà chúng tôi làm ra vẫn không đủ nuôi tất cả các miệng ăn trong gia đình. Chúng tôi lại hay gặp phải hạn hán. Mỗi khi xảy ra hạn hán là cả nhà không có gì ăn trong nhiều tháng trời. Những lúc đó tôi chỉ nghĩ tới một điều là lớn lên tôi sẽ ăn no nê cơm gạo trắng cho dù có phải chết.
Vì đó là cuộc sống mà chúng tôi bươn chải nên ngay từ giây phút nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh mình, tôi lập tức xác định là mình phải rời khỏi đây ngay khi có thể và tìm một việc làm ở đâu đó. Tôi biết là đất đai của gia đình sẽ được truyền cho con trai cả, An-ji. Chị gái Mei-hua của tôi thì đã bị gả đi lấy chồng ở làng bên từ năm mười lăm tuổi. Tôi biết rằng thu hoạch từ những cánh đồng và sữa từ vài con dê ít ỏi sẽ không đủ nuôi anh trai Gen-de, tôi và em gái Mei-kun.
Tôi cách anh trai cả An-ji tám tuổi và anh trai thứ Gen-de ba tuổi. Khi tôi mười ba tuổi một tai họa đã giáng xuống gia đình tôi, An-ji là nguyên nhân gây ra cái chết của Gen-de. Tôi kinh hoàng nghĩ tới lời tiên đoán của ông nội và cố giữ chặt lấy em gái Mei-kun vì sợ hãi.
An-ji và Gen-de cãi nhau rồi An-ji đánh Gen-de ngã xuống. Đầu Gen-de đập vào một mấu đá trong hầm và không cử động nữa. Công an tới xã điều tra nhưng bố tôi giấu nhẹm sự việc và nói là Gen-de trượt chân, tự ngã và đập đầu vào đá. Vì nếu An-ji bị buộc tội giết em mình, anh ấy sẽ bị đi tù và không còn ai ở nhà làm ruộng. Sau khi ra tù sẽ không còn chốn dung thân và sẽ phải tự bươn chải một mình.
Làng tôi lại thừa mứa đàn ông. Làng bên nghe nói còn tới mức bốn người phải cưới chung một vợ. Nghèo khổ thế là cùng. Nguyên nhân hai anh tôi cãi nhau cũng chính là vì chuyện cưới vợ. Gen-de đã chế nhạo An-ji vì không có khả năng kiếm được cho mình một cô dâu.
Nhưng sau khi giết Gen-de, An-ji hoàn toàn thay đổi. Anh ấy bắt đầu cư xử hệt như ông nội tôi, không nói chuyện với ai cả. An-ji hiện vẫn sống ở làng với bố mẹ tôi. Anh ấy không bao giờ lấy vợ.
Có lẽ gia đình tôi đúng là đã bị nguyền rủa. Nạn nhân của một niềm đam mê bạo lực, tôi và anh trai cả của mình đều trở thành những kẻ sát nhân. Giống như một sự trừng phạt, anh trai tôi phải sống cả đời còn lại trong cô đơn và nghèo khó. Còn tôi, với tội ác giết hại Yuriko Hirata, tôi sẽ bị giam giữ ở một đất nước xa lạ. Em gái yêu quý của tôi thì đã chết trên đường vượt biên sang Nhật. Giờ tôi chẳng còn lại gì.
Ông nội tôi có lẽ đã bị ép rời khỏi nhà mình ở Phúc Kiến và trôi giạt tới Tứ Xuyên. Giá như những lời tiên đoán của ông không thảm khốc như thế, giá như ông không tìm cách đẩy mọi người ra xa mình… đó là tất cả những gì tôi nung nấu trong đầu khi nghĩ tới cái thời kì ấy. Tôi chắc là ông nội đã nhìn thấy sự lụn bại tăm tối của gia đình. Chắc chắn đó là lý do tại sao những ngày cuối đời ông giống như một tảng đá, im lìm trong hầm tối.
Ai mà biết được, nếu ông nội nói, “Sát nhân trong nhà này là cháu, hãy cẩn thận,” hay cảnh báo tôi về điều đó thì có lẽ tôi sẽ thận trọng hơn. Và nếu không tới Nhật thì tôi sẽ không giết hại Yuriko Hirata và em gái của tôi sẽ không phải chết và tôi cũng không trở thành nghi phạm trong vụ sát hại Kazue Sato. Tôi có thể đã làm việc ở một nhà máy gần làng và học cách hài lòng với việc kiếm được một nhân dân tệ mỗi ngày. Và cuộc đời của tôi sẽ trôi qua như thế. Khi nghĩ lại mọi chuyện có thể đã xảy ra theo hướng đó, tôi không khỏi ân hận, nuối tiếc.
Việc tôi đã làm với cô Hirata là điều không thể tha thứ được. Tôi cũng không có cách nào để xin thứ lỗi. Nếu được, tôi sẵn sàng đổi mạng này cho cô ấy.
Tuy nhiên khi mười ba tuổi, tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra rằng tôi lại có thể rơi vào nông nỗi này. Tôi đã không chịu đựng nổi khi nhìn thấy bố mẹ tôi khổ tâm và phải nghe những lời xì xầm độc ác của dân làng về gia đình mình. Tôi ghét An-ji. Nhưng cảm xúc của con người thật là kỳ lạ vì tận đáy lòng mình tôi lại thấy cảm thông với anh ấy.
Xét cho cùng hành động của anh ấy không phải là không có lý do. Thậm chí tôi cỏn thấy hành vi của Gen-de rất đáng trách. Anh ấy thường làm những chuyện ngu xuẩn và lúc nào cũng chạy theo đản bà. Anh lấy cắp tiền của bố mẹ để nhậu nhẹt. Đúng là một người chả được tích sự gì. Vì sao? Vì vài người trong làng còn bắt gặp anh ấy làm chuyện đó với lũ dê và tin đồn này đã khiến cha tôi vô cùng xấu hổ.
Thú thực, Gen-de đã gây ra bao tai tiếng cho gia đình khiến tôi cảm thấy nhẹ cả người khi anh ấy mất và An-ji người kế tự ruộng đất của gia đình không phải đi tù. Nếu An-ji mà đi tù thì tôi sẽ được hưởng chỗ ruộng đất đó nhưng đó sẽ không phải vận may mà là vận hạn. Bị trói vào mảnh đất cỏn con đó, tôi sẽ buộc phải sống cả đời lao động nặng nhọc không biết gì về thế giới văn minh bên ngoài.
Đám đông dân chúng nghèo khó ở nội địa Trung Hoa đại lục có được một điều tốt: Đó là tự do. Chả ai quan tâm để ý tới chúng tôi, chúng tôi cứ tự thân vận động. Và chúng tôi bám vào cái tự do ấy. Chúng tôi có thể tự do di chuyển, làm những gì mình muốn và chết như chó hoang. Nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ đến mỗi một việc duy nhất là khi nào đủ lớn, tôi sẽ rời khỏi nơi này và lên thành phố.
Sau khi anh trai chết, tôi thế chỗ anh và nhận nhiệm vụ chăn dắt đàn dê. Đó là ước nguyện của cha tôi. Nhưng khi tròn mười tám tuổi, tôi xin việc làm tại một nhà máy nhỏ ở gần đó, nơi sản xuất mũ cói và gối mây. Tôi có thể làm việc này vì chúng tôi đã bán đi lũ dê khi mẹ bắt đầu mắc căn bệnh đau dạ dày. Tôi thích làm việc ở nhà máy, tạo ra các thành phẩm từ rơm rạ hơn là đi chăn dê hay làm việc trên cánh đồng. Nhưng lương ở đây rất thấp, tôi chỉ kiếm được một nhân dân tệ mỗi ngày. Thế nhưng số tiền ít ỏi đó cũng đã là xa xỉ đối với một gia đình túng quẫn như chúng tôi.
Cũng vào quãng thời gian ấy, người con trai thứ hai và thứ ba ở trang trại bên cạnh chúng tôi rậm rịch chuẩn bị đi làm ở một trong những thành phố cảng. Số ruộng mà họ có không đủ nuôi tất cả các miệng ăn trong gia đình mà nhân công ở làng thì thừa mứa. Không có việc làm, cũng không có ai để lấy làm vợ nên phần lớn thanh niên trẻ luẩn quẩn trong làng giống như Gen-de, thối chí, cùng quẫn và chỉ biết gây rối.
Một người bạn mà tôi biết từ khi còn nhỏ, Jian Ping[9], đã tới thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, sau này trở thành một đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Cậu ta làm việc cho một công ty xây dựng, trộn bê tông và chuyên chở nguyên vật liệu xây dựng. Với số tiền mà cậu ta gửi về, gia đình cậu ta mua được vô tuyến màu, xe máy và những thứ khác mà chúng tôi cho là vô cùng xa xỉ. Tôi ghen tị tới chết đi được.
Tôi cũng muốn lên thành phố càng sớm càng tốt. Nhưng lấy đâu ra tiền để đi? Số tiền mà tôi kiếm được ở nhà máy, một tệ một ngày, quá ít không đủ để dành. Nếu muốn có một khoản nào đó thì tôi phải đi vay. Nhưng vay ai bây giờ? Trong làng chẳng ai có tiền cho vay cả. Nhưng tôi phải tìm cách để có thể lên thành phố như Jian Ping. Đó là giấc mơ duy nhất của tôi.
Vào năm 1988, một năm trước sự kiện Thiên An Môn, tin tức lan truyền khắp làng là Jian Ping đã chết. Từ thành phố Chu Hải, cậu ta có thể nhìn thấy Macao phía bên kia vịnh nên đã bị chết đuối trong lúc tìm cách bơi sang phía bên kia. Đó là theo lời người viết thư thông báo cái chết của Jian Ping.
Jian Ping đã buộc giấy tờ và tiền vào trong một cái bọc và buộc lên đầu. Cậu ta đợi mặt trời lặn để đi ra ngoại ô thành phố Chu Hải. Và rồi, mắt hướng về Macao, cậu ta bắt đầu bơi. Trời tối đen như mực, cậu ta đã bơi hàng cây số với ý định bí mật xâm nhập hải phận Macao. Với một người Nhật, hành động đó của cậu ta có vẻ mạo hiểm tới khó tin. Nhưng tôi có thể cảm nhận rõ mồn một cái cảm giác đó của cậu ta, tới mức tim tôi cũng thấy đau nhói.
Chu Hải và Macao nối với nhau bằng một dải đất. Bạn có thể đứng trên đường phố Chu Hải nhìn sang Macao. Một đất nước khác trải ra trước mắt bạn, chỉ cách đó vài bước chân với cùng một chủng người giống như bạn. Và các sòng bạc. Macao có rất nhiều sòng bạc. Và tiền. Nơi nào có tiền nơi đó con người tự do đi lại và làm những gì mình muốn. Ở Macao, người ta được hưởng mọi thứ tự do, vì ở đó có tất cả. Nhưng cái tự do đó nghe nói được gìn giữ bởi những lính biên phòng canh gác xung quanh một hàng rào điện. Liệu trên thế gian này còn chỗ nào tàn bạo hơn thế nữa?
Nhưng không có bức tường chắn nào dưới nước. Sóng biển tự do vượt đại dương. Tôi quyết định mình cũng sẽ cố bơi tới bờ tự do. Tôi sẽ bơi sang Macao, thậm chí sang tận Hồng Kông.
Ở Trung Quốc, số phận một người được quyết định bởi quê quán nơi anh ta sinh ra là một thực tế không thể chối cãi. Jian Ping đã mạo hiểm mạng sống của mình trong nỗ lực thay đổi số phận tiền định. Tôi thay đổi ý định khi nghe tin đó. Tôi xác định sẽ thế chỗ Jian Ping trong nỗ lực vượt đại dương để cập bến một đất nước tự do nơi tôi có thể kiếm bao nhiêu tiền tùy thích.
Cuối năm ấy, gia đình tôi bắt đầu bàn bạc chuyện có người xin cưới Mei-kun. Đối với một gia đình nghèo khó như chúng tôi thì đó là một đám tốt. Mặc dù chú rể là một người cùng làng, gia đình khá giả nhưng giữa hai người có một sự chênh lệch tuổi tác khá lớn. Mei-kun mới mười chín tuổi trong khi chú rể đã ba mươi tám. Đó là một người lùn tịt, xấu xí. Có lẽ đó là lý do tại sao anh ta vẫn chưa có vợ.
“Em sẽ không chấp nhận lời cầu hôn của anh ta chứ?” tôi hỏi em gái mình. “Em có thể có được một cuộc sống tốt hơn thế này.”
Mei-kun cúi xuống và lắc đầu.
“Em dứt khoát từ chối. Em chúa ghét cái của khỉ đó cho dù hắn ta có nhiều tiền hơn chúng ta. Hắn ta quá lùn, tới em còn phải nhìn xuống, đúng không? Không, em sẽ không lấy hắn. Nếu mọi người bắt em thì em thà đi làm ruộng còn hơn. Em không muốn trở thành bà già như chị.”
Tôi nhìn em gái mình. Những gì con bé nói không phải là không có lý. Chị gái chúng tôi, hơn tôi sáu tuổi, đã được gả vào một gia đình không khá giả hơn chúng tôi là mấy và đẻ sòn sòn hết đứa này đến đứa khác cho tới khi khô héo như một bà già. Nhưng Mei-kun… Mei-kun là một đứa con gái vô cùng quyến rũ, rất hợp nhãn tôi. Hai má tròn trịa, mũi thanh tú. Tay chân con bé dài, mảnh mai, duyên dáng trong mỗi cử động. Tứ Xuyên vốn nổi tiếng vì con gái đẹp. Nghe nói con gái Tứ Xuyên đi tới bất cứ nơi nào trên thế giới cũng được đón tiếp nồng hậu. Em gái tôi được thừa hưởng dòng máu phiêu lưu của ông nội. Nó là đứa con gái xinh nhất mấy làng quanh đây, lại rất cứng đầu.
“Nếu có ai được như anh thì em sẽ lấy,” Mei-kun sốt sắng nói. “Em đã xem tất cả các diễn viên trên vô tuyến màu nhà Jian Ping mà chả thấy ai được như anh.”
Tôi rất lấy làm xấu hổ vì nghe có vẻ huênh hoang, nhưng tôi phải thú nhận rằng trong làng ai cũng nghĩ tôi là một gã điển trai. Dĩ nhiên đó là một làng nhỏ. Nếu đến các thành phố lớn tôi hẳn sẽ tìm thấy nhiều người ưa nhìn hơn mình. Mặc dù vậy, lời khen của em gái cũng khiến cho tôi cảm thấy tự tin. Và khi tới Nhật Bản, mọi người thường bảo trông tôi giống diễn viên Takashi Kashiwabara. Mei-kun nhìn thẳng vào mắt tôi và nói, “Chúng mình phải cùng lên vô tuyến mới đúng, anh và em. Chúng mình trông đều ưa nhìn và có gu thẩm mỹ tốt. Em cá là chúng mình sẽ kiếm được khối tiền từ việc đóng phim. Nhưng dĩ nhiên chúng ta sẽ chả bao giờ có được cái cơ hội đó chừng nào còn ở lại cái làng này. Em thà chết còn hơn là phải ở lại đây. Ta cùng lên Quảng Châu đi. Thật đấy. Anh nghĩ sao?”
Em gái tôi nhìn xung quanh cái hang mà chúng tôi đang sống – ngôi nhà tối tăm, lạnh lẽo và ẩm ướt của chúng tôi. Chúng tôi có thể nghe thấy bên ngoài mẹ và An-ji đang ủ rũ tính chuyện lúc nào phải gieo hạt kê. Tôi không thể chịu đựng cái nơi này thêm được nữa. Tôi ngán quá rồi. Nghe cái giọng của An-ji tôi nghĩ em gái tôi cũng có chung cảm xúc. Con bé chìa tay ra, cầm lấy tay tôi.
“Hãy đi khỏi đây. Hãy đi và sống trong một ngôi nhà bằng bê tông, chỉ hai chúng ta thôi. Một ngôi nhà có máy bơm, không cần phải xách nước, một ngôi nhà có đường điện chạy trong tường, một ngôi nhà sáng sủa ấm áp với nhà vệ sinh và buồng tắm. Chúng ta có thể mua một cái vô tuyến và một cái tủ lạnh, và cả máy giặt nữa. Sống trong một ngôi nhà như thế với anh sẽ thật là tuyệt.”
Chúng tôi mắc điện vào hầm hai năm trước. Tôi đi ăn trộm được vài cái dây điện và nối chúng với ổ điện ở gần nhất.
“Anh cũng muốn đi, tin anh đi. Nhưng chúng ta phải để dành tiền đã. Giờ anh chả có xu nào.”
Em gái tôi nhìn tôi như một thằng ngốc.
“Anh nói gì vậy? Chờ anh để dành được tiền thì em đã trở thành gái già. Mà nếu đợi thì nghe nói vé tàu cũng sẽ tăng giá đấy.”
Tôi cũng nghe người ta đồn vậy. Rằng vé tàu sẽ lên giá sau tết âm lịch. Tin đó khiến tôi chỉ muốn bỏ đi nhanh hơn, trước khi vé tàu đắt lên. Nhưng mà tôi lấy tiền đâu ra để chi phí cho chuyến đi? Đúng lúc đó thì Mei-kun thì thầm, “Nếu em đồng ý lấy người đàn ông đó, hắn ta sẽ tặng em một số tiền làm quà ăn hỏi đúng không? Tại sao chúng ta không sử dụng số tiền ấy?”
Một đề nghị thật điên rồ, nhưng chúng tôi cũng chẳng nghĩ ra cách nào khác để thoát khỏi chỗ này. Miễn cưỡng, tôi gật đầu chấp nhận ý tưởng bỏ trốn bằng số tiền đó.
Khi người cầu hôn Mei-kun nghe tin con bé đồng ý thì vô cùng sung sướng. Anh ta đã mang tất cả số tiền mà anh ta dành dụm được từ mấy chục năm nay tới nhà tôi. Tổng cộng vào khoảng 500 tệ, nhiều hơn số tiền cả gia đình tôi kiếm được trong một năm. Bố tôi rất vui và cất tiền vào tủ. Tôi và em gái đã lấy cắp chúng và bỏ chạy khỏi làng ngày mồng hai Tết. Cẩn thận để không bị bắt gặp, chúng tôi đã chạy tới trạm xe buýt ở ngoại ô thị trấn trước khi trời sáng để đón chuyến xe đầu tiên.
Sớm thế mà chiếc xe buýt đã chật ních người. Mọi người cũng như chúng tôi nghe tin đồn về việc tăng giá vé tàu nên ai cũng muốn lên thành phố trước đó. Em gái tôi và tôi hăm hở chen lên xe buýt cùng với hành lý của mình. Chúng tôi sẽ phải đứng suốt đường đi, kéo dài hơn hai ngày trời. Đã đi tới đây rồi, tôi động viên em gái mình, thì cầm cự thêm một chút nữa là sẽ tới được Quảng Châu như mơ ước. Và tôi mỉm cười.
Khi chiếc xe buýt rốt cuộc tới được chặng cuối cùng, một ga xép quê mùa lẻ loi, trời bắt đầu đổ một cơn mưa tuyết. Mệt phờ, tôi nhìn ra bên ngoài với hi vọng tìm được một chỗ trú mưa và rồi bắt gặp một cảnh tượng hãi hùng khiến tôi phải siết chặt lấy tay em gái.
Một đám đông nhung nhúc đang ngồi dưới nền đất ướt sũng ngay trước cửa ga. Phải có tới nghìn người, phần lớn là thanh niên nam nữ, mưa quật phần phật trên người họ, quần áo họ trĩu nặng, sũng nước. Với những bọc nylon đựng đầy quần áo, nồi xoong và các thứ vật dụng khác, họ kiên nhẫn chờ tàu. Vì quanh ga chỉ có hai nhà trọ nên hẳn đã hết chỗ. Cũng chả có cửa hàng cửa hiệu gì. Chỉ có duy nhất một biển người đang im lặng ngồi đợi tàu. Giữa đám đông mưa dầm đôi khi thấy bay lên một làn hơi trắng lơ lửng trôi dạt trong không trung.
Không chỉ có riêng xe buýt của chúng tôi đưa khách tới ga. Chúng tôi vừa ra khỏi xe là đã có xe khác đi tới, chiếc này nối tiếp chiếc kia, chiếc nào cũng đông khách như vậy. Những người trên xe có vẻ đến từ những làng quê xa xôi, thậm chí còn hẻo lánh hơn cả làng tôi nhưng cũng nghèo khổ như thế. Đám đông chờ trước cửa ga tiếp tục phình lên. Những người mới đến không thể nào tới gần được cửa ga. Họ đứng chen chúc, thỉnh thoảng có tiếng cãi cọ, xô đẩy nhau. Các nhân viên bảo vệ đường sắt được huy động quanh đám đông nhưng chẳng thể làm được gì.
Chưa nói tới chuyện lên tàu, chỉ lại gần được chỗ bán vé đã là may lắm rồi. Người tôi như muốn bốc hỏa. Chúng tôi không thể trở về nhà sau khi lấy cắp tiền ăn hỏi. Nhưng ngay cả cô em gái cứng đầu của tôi cũng có vẻ nản chí và sắp bật khóc đến nơi.
“Chúng ta phải làm gì bây giờ? Tình hình này thì phải mất một tuần mới lên được tàu. Càng đợi thì càng có thêm nhiều người mới tới và giá vé thì sẽ tăng lên.”
“Chúng ta sẽ tìm ra cách thôi!”
Tôi vừa cố gắng trấn an em gái mình vừa liều lĩnh chen lên phía trước để chui vào một nhóm người đứng gần ga hơn. Mọi người bắt đầu quát tháo ầm ĩ. “Ở đây phải xếp hàng. Quay trở về cuối hàng đi.” Tôi nhìn về phía họ. Trong đám đó có một người đàn ông trông có vẻ cục súc sẵn sàng gây sự. Nhưng em gái tôi quay sang nói với anh ta vẻ cầu khẩn. “Trời ơi, em mệt quá rồi, em sẽ chết mất!”
Không dám từ chối, người đàn ông miễn cưỡng đứng dịch sang một chút. Tôi thò chân vào đó và đặt nồi niêu của chúng tôi xuống. Sau khi cựa quậy được đủ một chỗ để ngồi xuống tôi kéo em gái tôi ngồi vào trong lòng. Con bé dụi mặt vào vai tôi và khuỵu xuống như một mớ giẻ rách. Chắc mọi người tưởng chúng tôi là một cặp tình nhân đang cố an ủi nhau. Nhưng thực tế hai chúng tôi đang ở trong tình trạng vô cùng dễ kích động và có thể suy sụp bất cứ lúc nào. Chúng tôi căng thẳng tới mất trí. Nhưng chúng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài chờ tàu.
Nhìn đám đông xung quanh, em gái tôi thì thào, “Tất cả mọi người ở đây hình như đều đã mua vé rồi. Chúng ta cũng phải tìm cách nào để có được vé thôi.”
Nhưng quầy bán vé đã đóng cửa. Tôi bóp vai em gái ra hiệu cho con bé im lặng. Nếu đứng chật cứng như thế này thì chả cần phải mua vé. Với lại tôi xác định không thể để mất chỗ này kể cả phải đổi mạng. Tôi sẽ phải lên bằng được chuyến tàu tới. Kể cả phải giẫm đạp lên đầu những người khác.
Chúng tôi đợi suốt sáu tiếng đồng hồ và trong suốt quãng thời gian đó đám đông không ngừng phình lên, ai cũng muốn tới thành phố tìm việc làm.
Cuối cùng chúng tôi nghe thấy mọi người hét lên, “Tàu đến rồi!” Đám đông nông dân trước cửa ga bắt đầu rùng rùng đứng dậy. Hãi hùng trước biển người lao tới, các nhân viên đành bỏ việc soát vé. Chỉ có một nhúm nhân viên bảo vệ ga làm nhiệm vụ nhưng nỗi lo bị bắn cũng không ngăn cản nổi bước chân chúng tôi. Tất cả đều dồn về sân ga. Vẻ sợ hãi hiển hiện trên gương mặt các nhân viên bảo vệ ga trước bức tường người khổng lồ. Họ biết là họ sẽ không thể chống trả được. Đoàn tàu màu nâu đã tiến gần tới sân ga và đám đông tiếp tục xông tới trước rồi khựng lại vì thất vọng. Các cửa sổ trên tàu đều mù mịt hơi sương nên không thể thấy gì ở bên trong nhưng chân tay và đồ đạc thò ra ở khắp mọi cửa. Đoàn tàu rõ ràng là đã quá tải.
“Nếu chúng ta không hành động,” tôi bảo Mei-kun, “thì chúng ta sẽ không bao giờ ra khỏi chỗ này. Dù xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, đừng có rời tay anh ra. Hiểu không? Chúng ta sẽ lên tàu bằng được.”
Tôi túm lấy tay em gái và kéo đồ đạc đeo ra đằng trước. Chúng tôi cố hết sức xông lên phía trước. Không biết có phải là chiếc nồi của tôi đã đập vào lưng người đàn ông đi trước hay không mà anh ta quay lại nhìn tôi vẻ đau đớn rồi mất thăng bằng và ngã xuống. Dần dần bức tường người bắt đầu giãn ra. Rất nhiều người đã ngã xuống nhưng tôi vẫn xông về phía đoàn tàu, không khoan nhượng, đạp lên người khác mà đi.
Kinh hoàng trước cảnh giẫm đạp lên nhau, các nhân viên bảo vệ đã bỏ đi chỗ khác. Chẳng cần biết, chúng tôi tiếp tục liều lĩnh xô đẩy để tiến lên, giẫm đạp lên người khác, bị người khác giẫm lên. Như không có chuyện gì xảy ra. Tất cả mọi người đều chỉ có một ý nghĩ trong đầu: Lên được tàu! Tất cả đều phát rồ lên vì điều đó chẳng cần quan tâm tới người khác bị làm sao.
“Zhe-zhong! Zhe-zhong!”
Tôi nghe tiếng em gái tôi hét lên thảm thiết. Ai đó đã túm lấy tóc của con bé và kéo nó lại. Nếu ngã xuống, con bé sẽ bị giẫm đạp đến chết. Tôi vứt đống túi đang đeo và lao ra cứu con bé bằng cách đấm liên hồi vào mặt người phụ nữ đang túm tóc nó cho tới khi cô ta chịu buông tay. Máu bắt đầu phun ta từ mũi cô ta nhưng chẳng ai thèm để ý. Đúng là điên hết cả.
Tôi không phản đối nếu có ai chỉ trích hành động của tôi lúc đó. Tôi đang ở trong một tình thế mà không ai ở Nhật có thể hiểu nổi. Cảnh tượng đám đông hỗn chiến chỉ để giành một số chỗ trên chuyến tàu đã quá tải nghe có vẻ nực cười, nhưng đối với chúng tôi đó là vấn đề sống còn.
Em gái tôi và tôi đã xoay xở để dần dần tiến lại gần được đoàn tàu. Thế rồi tôi nhìn thấy một người ở toa gần nhất đang khua một cây gậy gỗ chắc nịch dọa đánh bất kỳ ai dám xông lên tàu. Hắn ta quật vào cạnh đầu người đàn ông đằng trước tôi khiến anh ta ngã lăn ra. Đúng lúc đó, tàu bắt đầu chuyển bánh. Cuống cuồng, tôi lao vào gã đàn ông cầm gậy và với sự trợ giúp của một người đàn ông khỏe mạnh khác ở bên cạnh, chúng tôi lôi tuột gã ta xuống. Rồi bằng cách giẫm lên những người đang ngã xuống như một chiếc cầu tôi cuối cùng cũng đưa được em gái và mình lên tàu. Rất nhiều người bắt chước, bò theo chúng tôi một cách tuyệt vọng. Nhưng tôi đã đứng vào chỗ của gã đàn ông lúc nãy với cây gậy của hắn ta và làm mọi thứ để có thể đẩy họ xuống. Giờ nghĩ lại cảnh tượng đó tôi thấy nổi hết gai ốc. Đúng là một cảnh tượng dưới địa ngục.
Cho tới khi tàu rời khỏi ga, em gái tôi và tôi vẫn chưa hết kích động. Mồ hôi túa ra trên mặt khi chúng tôi quay ra nhìn nhau. Tóc em gái tôi rối tung và mặt con bé bầm tím và lem luốc bùn đất. Chắc tôi trông cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Chúng tôi không nói gì vì chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm giác của chúng tôi lúc đó, nhưng tôi biết chúng tôi đều có chung một ý nghĩ. Chúng mình đã thành công! Chúng mình thật là may mắn!
Một lúc sau chúng tôi bắt đầu bình tĩnh trở lại. Chúng tôi lại tiếp tục đứng chen chúc với những người không có chỗ ngồi phải đứng giữa hai hàng ghế như mình, đồ đạc lỉnh kỉnh khắp người. Chúng tôi không thể ngồi xuống cũng không thể cựa quậy. Sau nửa ngày, chúng tôi sẽ tới Trùng Khánh và hai ngày nữa mới tới được Quảng Châu. Chưa ai trong hai chúng tôi từng đi đâu ra khỏi làng, đây là lần đầu tiên chúng tôi đi xe buýt và đi tàu tới một nơi hoàn toàn xa lạ. Liệu chúng tôi có thể tiếp tục chịu đựng những thử thách tiếp theo? Tôi tự hỏi. Và cái gì đang đợi chúng tôi ở phía trước?
“Em khát quá!” Em gái tôi nhăn nhó tựa vào ngực tôi. Chúng tôi đã uống hết nước và dùng hết thức ăn ở trên xe buýt. Sợ mất chỗ ở ga nên chúng tôi chẳng dám đi kiếm cái gì ăn. Chúng tôi đành phải lên tàu mà không có lương thực. Tôi đưa tay gỡ mái tóc rối của em gái tôi, cố hết sức vuốt cho nó thẳng lại.
“Cố chịu đi em.”
“Em biết. Nhưng em chỉ băn khoăn nếu mình phải đứng thế này suốt cả chặng đường thì không biết phải làm sao.”
Em gái tôi nhìn ra xung quanh. Trong đám hành khách đứng ở giữa lối đi, có vài người đang uống nước hay ăn bánh dày nhân đậu bằng một tay, tay kia thì vẫn túm vào người khác mà không hề mất thăng bằng. Ngạc nhiên nhất là có một người phụ nữ còn vừa đứng vừa bồng con trên tay. Những người nông dân Trung Quốc thật là vững chãi.
Một nhóm bốn cô gái chắc chỉ khoảng mười sáu, mười bảy tuổi đứng túm tụm lại với nhau ở một góc cuối lối đi. Những cô gái này rõ ràng đã làm mọi cách để trông hợp mốt như buộc tóc bằng những sợi nơ màu hồng hay màu đỏ. Nhưng chỉ cần nhìn những đôi má sạm nắng và những bàn tay tấy đỏ vì cước là tôi có thể nhận thấy ngay họ là những cô gái nông thôn vốn quen làm việc đồng áng nặng nhọc. Em gái tôi xinh hơn họ nhiều, họ không thể nào sánh được với nó. Nghĩ vậy tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện.
Mỗi khi tàu lắc, mấy cô gái xấu xí đó lại làm bộ ré lên và túm lấy những người đàn ông đứng xung quanh. Em gái tôi nhìn họ khinh bỉ. Một cô trong số họ lôi từ trong túi ra một chai Nescafé đã uống hết giờ được dùng để đựng nước trà và uống với một vẻ hết sức trịch thượng như muốn trêu ngươi em gái tôi. Với chúng tôi những thứ đồ nhập ngoại như cà phê tan là cực kỳ xa xỉ. Chúng tôi mới chỉ nhìn thấy những vỏ chai lọ rỗng ở các nhà giàu trong làng.
Em gái tôi nhìn chai nước trà đầy ghen tị. Thấy vậy, cô gái đó quyết tâm nâng mức độ tra tấn lên thêm một bậc bằng cách lôi từ trong túi ra một quả quýt và bắt đầu bóc vỏ. Chỉ là một quả quýt nhỏ nhưng mùi thơm ngọt ngào của nó bay khắp toa tàu. Ôi, cái hương vị đó! Chỉ nghĩ tới nó thôi cũng đủ khiến tôi trào nước mắt. Đó là thứ mùi vị dùng để phân biệt sự khác nhau giữa những người có và những người không có, một sự khác nhau quá lớn, có thể làm một người hóa điên và đảo lộn cuộc sống của anh ta. Tôi không nghĩ người Nhật các ngài có thể thực sự hiểu được cái cảm giác ấy. Các ngài đúng thật là may mắn.
Nhưng mùi thơm của trái quýt đột nhiên biến mất và thay vào đó là một thứ mùi kinh khủng. Cửa nhà vệ sinh vừa mở ra. Mọi người lập tức quay đi chỗ khác, đầu cúi gằm xuống. Đó là bởi vì một gã trông có vẻ xã hội đen vừa đi ra khỏi nhà vệ sinh. Phần lớn mọi người trên tàu đều mặc đồng phục kiểu Mao nhem nhuốc bẩn thỉu nhưng gã đàn ông này vận một chiếc áo vest màu ghi nhã nhặn, một chiếc áo len cổ lọ màu đỏ, quần rộng màu đen. Gã ta còn quàng một chiếc khăn trắng quanh cổ. Quần áo gã ta đều là thứ chất lượng. Nhưng mắt gã ta đảo như rang lạc, giống hệt Gen-de. Rõ ràng là một tay anh chị. Lúc cửa nhà vệ sinh mở ra, tôi có thể nhìn thấy hai người đàn ông khác ở trong, cả hai đều ăn mặc giống gã ta, đang hút thuốc.
“Mấy tên khốn đó tuyên bố chiếm lấy nhà vệ sinh và không ai được sử dụng.” Người đàn ông đứng cạnh tôi cay cú lẩm bẩm. Anh ta thấp hơn tôi một cái đầu.
“Thế chúng ta đi ở đâu?”
“Sàn tàu.”
Tôi choáng váng nhìn xuống chân và thấy sàn tàu ẩm ướt. Tôi nghĩ mình ngửi thấy mùi gì đó rất lạ khi mới lên tàu, giờ thì tôi biết đó là mùi nước tiểu của hành khách.
“Thế nếu muốn đi đại tiện thì sao?”
“Thì…” Anh ta mỉm cười để lộ chiếc răng cửa duy nhất còn lại. “Tôi có một chiếc túi nylon nên chắc tôi sẽ dùng nó vậy.”
Và khi chiếc túi đầy tôi dám chắc rằng anh ta sẽ vứt nó xuống sàn tàu. Và rồi chắc sẽ phóng uế thẳng xuống đó luôn.
“Sao không đi vào tay luôn ấy?” một thiếu niên mặt mụn đứng sau lưng tôi xen vào.
Mọi người xung quanh chúng tôi cười ồ lên nhưng có tới một nửa trong số họ trông khá thiểu não. Thật thảm hại. Nhà tôi dù có nghèo tới đâu đi nữa, dù phải sống trong hầm, chúng tôi cũng không bao giờ nghĩ tới chuyện làm nhơ bẩn sàn nhà bằng chính những thứ uế tạp của mình. Là người thì không xử sự như vậy.
“Tất cả các toa khác cũng vậy sao?”
“Đều thế cả. Điều đầu tiên người ta làm khi lên tàu là chiếm lấy cái buồng toa lét. Chỗ ngồi tính sau. Nhìn xem, tàu chật thế này thì kể cả toa lét trống không cũng chả làm sao mà lách ra đó được. Thế nên tốt nhất là chiếm luôn cái toa lét. Đúng là nó có bốc mùi thật. Nhưng nếu cầm theo một tấm ván đậy nó lại thì còn có thể ngồi xuống, dang tay, giạng chân thoải mái và ngủ ở đó nữa. Lại còn có thể khóa cửa không cho ai vào ngoài chiến hữu của mình.”
Tôi nghển cổ lên nhìn xung quanh toa tàu. Mọi người chen chúc nhau trên lối đi, giữa các hàng ghế, trẻ em và phụ nữ thì ngồi lên cả giá để đồ. Mỗi khoang ghế có bốn chỗ mặt đối mặt nhưng chỉ nhìn thấy toàn đỉnh đầu vì mọi người ngồi dồn vào nhau, chật tới mức không thể cử động được và dĩ nhiên là phải làm chuyện đó ngay tại chỗ trước mặt mọi người.
“Đối với đàn ông thì không tệ lắm, nhưng với phụ nữ thì quả là khó.”
“Thì họ có thể trả tiền cho bọn kia để được sử dụng toa lét.”
“Họ phải trả tiền ư?”
“Ừ, thì đấy chính là cách kiếm tiền của bọn chúng mà: lấy tiền đi vệ sinh.”
Tôi nhìn trộm tay anh chị. Hắn chắc chán ngồi trong nhà vệ sinh nên đi ra ngoài nhìn quanh quất. Hắn nhìn đám con gái vẻ tính toán rồi quay sang người phụ nữ đang bế con. Khi đám con gái ngượng ngùng quay đi chỗ khác thì hắn bắt đầu nhìn đến em gái tôi. Tôi cảnh giác cố che con bé cho hắn không nhìn thấy và bắt đầu lo lắng vì nhan sắc của con bé có thể gây rắc rối. Gã ta nhìn tôi. Tôi cụp mắt xuống.
Rồi hắn ta nói to, “Hai mươi tệ cho một lần đi vệ sinh. Có ai đi không?”
Hai mươi tệ là vào khoảng ba trăm yen Nhật. Một số tiền nhỏ, có lẽ thế. Nhưng vào thời điểm đó tôi chỉ kiếm được một tệ một ngày khi còn làm ở nhà máy.
“Như thế thì đắt quá,” cô gái vừa ăn quýt khẽ vặc lại.
“Thì thôi tôi nghĩ cô khỏi cần dùng.”
“Không dùng thì có mà chết.”
“Tùy cô thôi. Muốn chết thì cứ việc.”
Hắn ta nói rồi nhổ một bãi nước bọt và đóng sầm cửa nhà vệ sinh lại. Ba người đàn ông trong một buồng vệ sinh bé tẹo. Không hiểu họ làm gì trong đó? Tôi cũng chịu. Tôi chỉ biết là trong đó còn có nhiều chỗ hơn là đứng giữa lối đi thế này.
“Em chỉ muốn được làm trẻ con,” em gái tôi nói và nhìn đứa bé trong tay mẹ một cách ganh tị. “Có thể quấn tã, ăn sữa mẹ và chả phải lo nghĩ gì.” Mặt em gái tôi xanh mét, lấm lem bùn đất. Hai quầng mắt thâm lại. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chúng tôi đứng hai ngày trên xe buýt chật cứng, xóc lên xóc xuống rồi chờ nhiều giờ để lên được tàu. Cả hai chúng tôi hoàn toàn kiệt sức. Tôi bảo em gái dựa vào tôi cố ngủ đi một lúc.
Tôi không biết bao nhiêu giờ đã trôi qua nhưng trên đỉnh đầu mọi người tôi thoáng thấy ánh mặt trời từ bên ngoài cửa sổ hắt vào. Mọi người trên tàu im lặng, dính vào nhau. Chúng tôi cùng lắc lư theo nhịp điệu của con tàu, tất cả hòa thành một. Em gái tôi thức dậy, ngước nhìn tôi và hỏi, “Anh nghĩ chúng ta còn cách Trùng Khánh bao xa nữa?”
Tôi không có đồng hồ nên chịu chẳng biết lúc đó là mấy giờ nữa. Người đàn ông không có răng cửa nghe thấy thế liền bảo, “Khoảng hơn hai tiếng nữa, chúng ta sẽ tới Trùng Khánh. Sẽ lại có thêm người muốn lên tàu. Lại có chuyện hay để xem.”
“Ở Trùng Khánh liệu chúng tôi có thể mua được nước và thức ăn không?” tôi hỏi.
Nghe vậy, người đàn ông sún răng lại phá lên cười bảo, “Cậu suy nghĩ mới viển vông làm sao? Thế cậu nghĩ rằng xuống tàu rồi cậu lại có thể chen lên được sao? Đó là lý do tại sao mà ai cũng mang thức ăn với nước uống theo.”
“Có ai ở đây muốn chia đồ ăn cho chúng tôi không?”
“Có tôi đây.” Tôi quay lại khi nghe ai đó trả lời. Một người đàn ông trong bộ đồng phục Mao chắp vá tơi tả giơ một cái chai trông nhem nhuốc đựng đầy nước về phía chúng tôi. “Mười tệ một ngụm.”
“Đắt quá.”
“Thế thì đừng uống. Đó là tất cả những gì tôi có. Không cho không được.”
“Hay để mỗi chúng tôi uống một ngụm cho mười tệ.” Em gái tôi lên tiếng. Tôi ngạc nhiên nhìn con bé. Trông nó rất kiên quyết.
“Mặc cả kinh quá. Thôi được.”
Khi ông ta chấp nhận vụ mặc cả thì một người phụ nữ trẻ ở cuối lối đi giơ một quả quýt lên và bảo, “Mười tệ cô có muốn mua không?”
Em gái tôi trả lời ngắn gọn, “Tôi sẽ bảo chị biết sau khi uống nước.” Sau khi uống một ngụm đầy, con bé đưa chai nước cho tôi và bảo, “Nếu khôn thì cố mà uống cho thật nhiều vào. Vì mình phải trả những mười tệ cơ mà.”
“Đúng vậy.”
Vẻ mặt của em gái tôi khiến tôi sửng sốt. Tôi cầm lấy chai nước và tu. Nước ấm và có mùi gỉ sắt. Nhưng đó là giọt nước đầu tiên từ hơn nửa ngày nay. Một khi bắt đầu uống là tôi không tài nào ngừng lại được. “Thôi đủ rồi đấy!” người đàn ông giận dữ hét lên nhưng tôi giả vẻ ngờ nghệch. “Tôi chỉ uống đúng một ngụm còn gì.” Mọi người xung quanh chúng tôi cười ầm lên.
“Giờ thì trả tiền ngay!” ông ta nói.
Tôi lôi tiền ra khỏi túi. Tất cả số tiền của chúng tôi được cuộn lại thành một cục và buộc bằng chun. Cả đám đông ồ lên khi nhìn thấy cục tiền. Tất nhiên là tôi không muốn trưng tiền của mình ra trước người lạ nhưng tôi không có cách nào để lấy mười tệ ra khỏi túi được.
Tay tôi run lẩy bẩy tới mức không đếm nổi tiền. Không chỉ vì mắt mọi người đều đổ dồn về tôi mà vì trước đây tôi chưa bao giờ tiêu cái gì tới mười tệ. Tôi nghe thấy em gái tôi nuốt nước bọt. Con bé hẳn cũng đang sốt ruột.
Thật vô lý khi phải trả bằng ấy tiền cho một ngụm nước. Sự ti tiện đó làm tôi sửng sốt. Nhưng tôi vẫn phải chi tiền. Sự thờ ơ của đám người xung quanh làm tôi choáng váng. Đúng là một kinh nghiệm quý báu. Chúng tôi trên đường lên thành phố, sẽ nghe và chứng kiến những chuyện mà trước đây chúng tôi không thể hình dung ra nổi. Đây đúng là một đoạn dạo đầu có ích. Tôi cũng vẫn còn nhớ tôi đã sửng sốt như thế nào khi tới Nhật Bản, nhìn cái cách người ta tiêu tiền như nước, chẳng nghĩ ngợi gì, khiến tôi nóng mắt, chỉ muốn nguyền rủa tất cả bọn họ.
Cuối cùng thì tôi cũng lấy ra được mười tờ mệnh giá một tệ và truyền tay mọi người đưa trả cho người bán nước. Ông ta lại còn tỏ ra cáu bẳn hơn. “Cứ làm như một thằng nhà quê trong khi có chừng ấy tiền, đồ khốn! Đáng lẽ mình nên nói thách hơn mới phải!”
Người phụ nữ trẻ định bán quýt cho chúng tôi lúc nãy lên tiếng chế nhạo ông ta. “Đừng có tham quá thế. Chỉ nên tự trách mình đã không biết điều tối thiểu trong luật mua bán. Trước khi chỉ trích người anh em nông dân của chúng ta có lẽ anh nên tự đập vào cái đầu rỗng của mình một phát cho nó sáng ra.”
Mọi người xung quanh cười ồ lên.
“Hai người này rõ là lắm đạn! Họ phải mang theo tới gần năm trăm tệ.” Người đàn ông sún răng nói oang oang cho cả toa nghe thấy. Tất cả mọi người bắt đầu xì xào bàn tán. Bốn cô gái kia cũng quay ra nhìn chúng tôi, mồm há hốc.
“Đừng có xía vào chuyện người khác,” tôi nói với anh ta. Nhưng anh ta cười phá lên như thể tôi là một tên ngốc.
“Cậu chả biết chó gì về đời đúng không?” Anh ta giễu. “Phải chia tiền thành từng món nhỏ và cất nó vào nhiều chỗ chứ. Không thì bị lấy trộm một lần là cậu mất sạch.”
Đúng thế. Đúng thế. Những người xung quanh gật gù tán đồng khiến ông sún thừa cơ tiếp tục hể hả.
“Cậu đúng là quê một cục. Cậu chưa bao giờ nghe nói đến cái gọi là ví đựng tiền à? Cá là cậu đến từ một làng nghèo rớt không lấy được vợ.”
“Gớm anh cũng từ đấy mà ra thì mới biết rõ thế. Mà anh đúng là bốc mùi. Anh có bao giờ nghe thấy cái gọi là tắm rửa không? Hay đái ra sàn là thói quen ở nhà anh. Này, tôi muốn nhờ anh một việc. Nhấc ngay cái tay dơ dáy của anh ra khỏi mông tôi,” em gái tôi la lên.
Nghe em gái tôi đối đáp, tất cả mọi người trong toa tàu phá lên cười. Ông sún mặt đỏ như gấc, cụp mắt xuống vẻ xấu hổ. Tôi siết chặt tay em gái và bảo. “Nói thế thật đáng đời ông ta, Mei-kun.”
“Anh không thể cứ để mặc cho họ làm vậy. Chả bao lâu nữa họ sẽ phải quỳ mọp dưới chân chúng ta, tất cả bọn họ. Chúng ta sẽ trở thành các minh tinh màn bạc được hâm mộ ở khắp mọi nơi và giàu sang tột bậc.”
Em gái tôi vừa nói vừa thúc khuỷu tay vào sườn tôi như để nhấn mạnh quyết tâm của mình. Đúng thế, tôi dần trở nên lệ thuộc vào em gái của mình với tính cách mạnh mẽ và đầu óc nhanh nhạy của nó. Thế nhưng kết cục tôi đã rơi vào một đất nước xa lạ mà không có nó. Tôi hy vọng các ngài có thể hiểu được đối với tôi mọi chuyện đã trở nên khó khăn tới nhường nào và tôi đã trở nên lạc lối như thế nào.
Một lúc sau đó, đoàn tàu tự dưng khựng lại, hành khách chúi hết về phía trước. Tôi có thể nhìn thấy những cột cáp điện thoại và ánh sáng từ những tòa nhà cao tầng. Đó là một đô thị. Tôi bắt đầu trở nên phấn khích. Chúng tôi đã tới Trùng Khánh. Trùng Khánh! Mọi người xung quanh tôi cũng bắt đầu la hét một cách huyên náo, khó chịu.
Ông sún răng im lặng nãy giờ sau khi bị em gái tôi làm cho bẽ mặt nói sau lưng tôi, “Hai người không có vé đúng không? Tôi biết là hai người đã đi lậu vé.” Ông ta ve vẩy chiếc vé màu hồng trước mặt tôi. “Nếu không có vé, họ sẽ lôi cậu xuống tàu và cho đi tù.”
Em gái tôi nhìn tôi lo lắng. Đúng lúc đó thì tàu bắt đầu đi vào sân ga. Trùng Khánh là một thành phố lớn nhưng là ga đầu tiên tiếp nhận các chuyến tàu từ miền Nam đến nên sân ga chật cứng người, tất cả đều là nông dân chờ để chuyển tiếp lên tàu của chúng tôi. Họ bắt đầu chen nhau để lên tàu. Tay anh chị trên toa chúng tôi cầm lấy một cây gậy to và tiến về phía tôi. Tôi tưởng hắn ta sẽ dùng nó để dọa không cho người khác lên tàu nhưng hắn lại đưa nó cho tôi và bảo, “Sao không giúp tôi một tay?”
Tôi buộc phải nghe theo. Tôi chuẩn bị sẵn sàng hành động nhưng khi cửa tàu mở ra thì không thấy ai trèo lên. Tôi bị bất ngờ không biết phải làm gì thì một nhân viên bảo vệ ga cầm súng xuất hiện trước mặt. Tôi nhanh chóng giấu cây gậy sang một bên.
Nhân viên bảo vệ này quát lên giọng lỗ mãng, “Kiểm soát vé. Hãy trình vé ra để kiểm tra. Ai không có vé thì xuống tàu.” Hành khách xung quanh tôi giơ những chiếc vé màu hồng lên quá đầu.
Em gái tôi và tôi cụp mắt xuống. Nhồi giữa đám đông, chật như nêm chỉ có hai chúng tôi là không có vé.
“Anh không có vé?” Tôi định giải thích với nhân viên soát vé là tôi không kịp mua vé thì tay anh chị giữ tôi lại và bảo.
“Anh ta sẽ trả tiền bằng bất cứ giá nào.”
Tay nhân viên soát vé lập tức quay sang thì thầm vào tai viên cán bộ nhà ga đứng cạnh anh ta. Sau một lúc trao đổi, anh ta quay lại nói cụt lủn. “Hai trăm tệ tới Quảng Châu.” Trong khi đó giá vé bình thường có hơn ba mươi tệ một người.
“Mặc cả đi!” Tôi nghe ai đó nói.
“Hai trăm cho hai người.”
“Xuống tàu ngay,” viên cán bộ nói. “Anh bị bắt vì đã đi lậu vé.”
Nhân viên soát vé chĩa súng vào tôi.
Tuyệt vọng, tôi cố mặc cả thêm. “Ba trăm tệ cho hai người.”
“Hai người là bốn trăm tệ.”
“Thế thì có giảm chút nào đâu. Ba trăm năm mươi tệ được không?”
Tay nhân viên lại quay lại trao đổi với viên cán bộ. Tôi sốt ruột chờ đợi. Một phút sau anh ta quay lại tôi với vẻ nghiêm trọng rồi gật đầu. Khi tôi rút tiền ra trả, viên cán bộ ấn hai chiếc vé màu hồng vào tay tôi rồi đóng cửa lại.
Em gái tôi và tôi phải chịu đói và khát trên đường tới Quảng Châu, từ chối những lời gạ gẫm mua lại thức ăn và nước uống của hành khách trên tàu. Tay tôi vẫn chưa hết run kể từ khi chịu đựng cái hình phạt phải rút tiền ra đếm trước mặt người khác. Nhưng so với số tiền ban đầu giờ chúng tôi chỉ còn lại rất ít. Sự tiếc nuối giày vò tôi. Giá như biết đường dự trữ thức ăn và đồ uống thì tôi sẽ không phải tiêu vào số tiền đính hôn quý báu của em gái mình. Tôi đúng là ngây thơ. Sao tôi không đoán ra rằng sẽ có rất nhiều người khác cũng muốn lên thành phố như chúng tôi? Đến được Quảng Châu thì chúng tôi chỉ còn chưa đến một trăm tệ.
Ở các làng quê nông nghiệp ở Trung Quốc có tới hơn hai trăm bảy mươi triệu người, nhiều hơn khả năng chu cấp của đất trồng. Sản phẩm nông nghiệp làm ra chỉ đủ nuôi hơn một trăm triệu người, nghĩa là chưa được một nửa dân số. Trong số hơn một trăm bảy mươi triệu còn lại, có khoảng chín mươi triệu người làm việc tại các nhà máy ở địa phương trong khi trong khi tám mươi triệu kia không có cách nào khác là phải lên các thành phố lớn tìm việc làm. Vào thời điểm đó dòng người lao động thặng dư ở Trung Quốc được gọi là “Dòng lao động mù”. Hiện nay được đổi thành “Lực lượng lao động dự trữ”. Nhưng tôi thấy cái tên cũ diễn tả chính xác hơn thực tế hình ảnh đoàn người dò dẫm trong bóng tối, tìm mọi cách để tới được nơi có ánh sáng đô thị lấp lánh mỹ kim.
Tất cả những điều đó tôi học được ở trên tàu từ cậu thiếu niên mặt mụn đứng sau lưng. Tên của cậu ta là Dong Zhen[10]. Cậu ta cao, gầy, vai nhô ra như cái mắc áo. Mặt cậu ta đầy mụn bọc đang giai đoạn mưng mủ. “Zhe-zhong này,” cậu ta hỏi tôi, “anh có thể đoán nổi sau Tết có bao nhiêu người từ Tứ Xuyên lên Quảng Châu không?”
Tôi lắc đầu. Tôi xuất thân từ một làng bốn trăm khẩu. Nên tôi không thể tưởng tượng ra một đám đông lớn hơn thì thế nào. Nếu có bảo là cả Tứ Xuyên thì tôi cũng không ấn tượng gì vì tôi còn chưa bao giờ nhìn thấy một tấm bản đồ.
“Tôi không biết.”
“Khoảng chín trăm nghìn người.”
“Ôi, thế thì tất cả bọn họ đi đâu?”
“Giống anh thôi. Tới Quảng Châu và Chu Giang ở đồng bằng châu thổ sông Ngọc.”
Tôi không tin nổi là có thể kiếm ra việc làm nếu có tới chín trăm nghìn người đổ xô vào một thành phố. Tuy đã đi tàu và đi xe đò nhưng tôi vẫn chưa hình dung ra một thành phố như thế nào.
“Có chỗ nào giúp chúng ta kiếm việc làm không?”
Dong Zhen cười phá lên. “Anh đúng là ngốc thật. Không có ai giúp anh đâu. Anh phải tự mà đi tìm việc.”
Nghe vậy tôi bắt đầu thấy lo. Từ trước tới giờ tôi chỉ biết chăn dê và làm mũ cói. Tôi có thể kiếm được việc gì bây giờ? Tôi nhớ ra Jian Ping đã từng làm xây dựng nên hỏi Dong Zhen.
“Thế còn việc làm ở các công trình xây dựng thì sao?”
Dong Zhen uống một ngụm nước trong bi đông của cậu ta trước khi trả lời. Tôi nhìn cái bi đông của cậu ta với vẻ thèm thuồng.
“Anh muốn uống một ngụm không?” cậu ta hỏi và đưa chiếc bi đông nước của mình cho tôi uống. Nước hơi tanh và nặng mùi nhưng tôi rất cảm kích vì không phải trả tiền. Trong cả toa tàu có mình Dong Zhen là lên thành phố để học đại học. Tôi cứ tưởng một người thuộc tầng lớp trí thức như cậu ta hẳn sẽ khinh thường đám nông dân nhưng Dong Zhen lại rất tử tế.
“Tôi chắc là ở thành phố có một chỗ người ta hay tới tìm lao động công nhật. Anh nên tới đó và chờ. Nghe nói nếu anh mang theo cuốc, xẻng và dụng cụ thì sẽ dễ được thuê ngay.”
“Thế còn em gái của tôi? Con bé có thể tìm được việc gì?”
“Phụ nữ có thể làm những công việc như trông trẻ,giúp việc, y tá, giặt giũ và giúp việc tang lễ ở các nhà xác. Hoặc làm hướng dẫn ở các nhà hỏa táng, phục vụ trà v.v… tóm lại toàn những việc thu nhập thấp.”
“Sao cậu rành rẽ cứ như chuyên gia vậy?”
“Chỉ là hiểu biết thông thường thôi mà. Nhưng tôi đoán là với anh tôi có vẻ sành sỏi chỉ vì anh thực sự chả biết gì cả. Rồi anh sẽ vỡ ra thôi. Những người lên thành phố tìm việc thường hay tán chuyện, tin tức truyền miệng. Anh sẽ được nghe tất cả mọi chuyện trước khi nhìn thấy.”
Dong Zhen nghiêng người về phía tôi thì thầm. “Em gái anh không có vẻ là loại người sẽ nhận những công việc rẻ mạt mà tôi vừa nói.”
Mei-kun đã bỏ đi vào nhà vệ sinh và tôi đột nhiên giật mình khi nhận ra con bé vẫn chưa trở lại. Tôi nhìn quanh và thấy con bé đang đứng bên cạnh nhà vệ sinh lúc này đang mở toang cửa nói chuyện một cách thân mật với nhóm xã hội đen. Có gì mà buồn cười đến vậy? Tất cả bọn họ đột nhiên cười phá lên. Một cách đồng loạt, hành khách trong toa hết thảy quay ra nhìn bốn người bọn họ. Tôi không rời mắt khỏi em gái tôi lúc này đang ngước lên nhìn tay anh chị lúc nãy. Con bé rõ ràng là đang tán tỉnh hắn. Điều đó khiến tôi cảm thấy buồn nôn. Dong Zhen thúc vào sườn tôi.
“Trông như em gái anh đang kết bạn với bọn xã hội đen.”
“Không. Không phải thế đâu. Nó chỉ không muốn trả tiền đi vệ sinh nên đang tìm cách phỉnh phờ hắn thôi mà.”
“Cô ấy có vẻ rất thành thạo trong cuộc chơi. Nhìn xem, cô ấy còn đánh hắn nữa kìa.”
Em gái tôi đang đập đập vào tay gã anh chị và cười. Về phần mình, gã ta giả bộ như bị đau và cố né sự đụng chạm của em gái tôi với vẻ cường điệu.
“Bỏ đi.”
Dong Zhen nhận thấy tôi đang giận dữ liền trêu. “Ôi giời ơi, hai người cư xử cứ như tình nhân chứ không phải là anh em.”
Cậu ta đã đánh trúng vào điểm nhạy cảm của tôi. Mặt tôi đỏ bừng lên vì ngượng. Mặc dù rất hổ thẹn khi phải thú nhận chuyện này, tôi thực sự rất thích em gái mình. Khi còn làm việc ở nhà máy sản xuất mũ cói, ngoài nam giới ra còn có thêm mười nữ nhân công. Tất cả đều ở độ tuổi vị thành niên. Họ thường gọi tên và lẽo đẽo bám theo tôi nhưng tôi chẳng mảy may chú ý. Không ai trong số họ có thể xách dép cho Mei-kun.
“Nhìn kiểu này, em gái anh chắc sẽ xuống tàu với tay anh chị đó thôi!”
“Mei-kun sẽ không đời nào làm một chuyện ngu ngốc như thế.”
Tôi không bao giờ nghĩ rằng những lời Dong Zhen nói có thể trở thành sự thật nhưng khi tàu bắt đầu vào ga Quảng Châu, em gái tôi nhảy xuống sân ga và phấn khởi bảo tôi, “Zhe-zhong, anh không ngại nếu mình chia tay nhau ở đây chứ?”
Tôi không tin vào tai mình và hỏi đi hỏi lại con bé. “Em chắc chứ?”
“Vâng, em tìm được việc rồi,” con bé nói, vẻ vô cùng hãnh diện.
“Là việc gì?”
“Làm việc tại một khách sạn hạng nhất.”
Kiệt sức sau hai ngày đường không có gì ăn, tôi khuỵu xuống sân ga.
“Mấy anh bạn kia bảo họ sẽ giúp em tìm việc nên em sẽ đi với họ.” Em gái tôi chỉ về phía tay anh chị và hai chiến hữu của hắn. Tôi đi về phía họ. Chỉ tay vào người đàn ông đã đưa cho tôi cây gậy ở Trùng Khánh, tôi giận dữ nói, “Các người định giở trò gì với em gái tôi?”
“Anh hẳn là Zhe-zhong. Tên tôi là Jin-long[11]. Em gái anh nói là cô ấy đang muốn tìm việc nên tôi sẽ giới thiệu cô ấy với một người quen. Cô ấy có thể làm việc tại khách sạn Thiên Nga Trắng. Ai cũng muốn xin được việc ở đó. Hôm nay đúng là ngày may mắn của anh đấy.” Jin-long vừa nói vừa chỉnh lại chiếc khăn quàng cổ màu trắng.
“Khách sạn Thiên Nga Trắng đó nằm ở đâu?”
“Đó là khách sạn hạng nhất được xây dựng ở khu tô giới cũ trên đảo Shamian.”
“Shamian?”
Jin-long quay sang em gái tôi rồi nhìn tôi phá lên cười khùng khục. “Người ơi, đúng là nhà quê!” Mei-kun cũng cười góp với anh ta. Và tôi chợt nhận ra con bé đang giận tôi vì việc cố trèo lên tàu mà không biết mình đang làm gì, vì đã lãng phí mất bốn trăm tệ.
Tôi giận dữ túm lấy vai con bé. “Em không biết em đang dính vào rắc rối thế nào đâu đúng không? Hắn là một tay anh chị. Không hiểu sao? Khách sạn hạng nhất chỉ là một trò lừa đảo. Chỉ là cái bẫy đề lừa em đi làm gái điếm mà thôi.”
Em gái tôi có vẻ dao động trước những gì tôi vừa nói. Nhưng Jin-long chỉ gãi gãi sống mũi và trả lời, vẻ bực bội, “Tôi không lừa dối gì cả. Tôi có quen đầu bếp khách sạn nên cũng có chút ảnh hưởng. Nếu anh nghi ngờ thì cứ tới thẳng khách sạn mà xem.”
Nghe thế, em gái tôi liền chìa tay ra trước mặt tôi.
“Đưa cho em một nửa số tiền còn lại.”
Tôi chẳng còn cách nào khác là làm như con bé yêu cầu. Tôi đếm ra năm mươi tệ và đưa cho con bé. Ngay khi nhét tiền vào túi, nó nhìn tôi vẻ hài lòng. “Lúc nào rẽ qua thăm em nhé Zhe-zhong.”
Tôi nhìn em gái mình băng qua sân ga cùng Jin-long và đám tay chân của hắn ta, cái túi đựng tất cả đồ đạc giá trị nhất của con bé lủng lẳng trên tay. Và rồi con bé biến mất sau cánh cổng. Đáng ra phải bảo vệ em gái mình nhưng tôi lại chính là người phụ thuộc vào con bé. Đột nhiên tôi cảm thấy như ai đó vừa tước đi của tôi một cánh tay. Từng đoàn lữ khách bơ phờ lũ lượt đi qua trước mặt tôi, đua nhau đi về phía cổng ga.
“Choáng thật. Em gái anh đúng là một người không thích phải chờ đợi.”
Đó là Dong-Zhen.
“Tôi đã làm hỏng mọi chuyện.”
Nghe câu trả lời yếu ớt của tôi, Dong Zhen nhìn tôi vẻ thông cảm. “Đời là thế. Tôi cũng một thân một mình ngay từ đầu. Tốt nhất anh hãy nên đi tìm mua lấy một cái xẻng.” Dong Zhen khuyên tôi rồi lẫn vào đám đông, hai vai xương xẩu lao về phía trước. Khi bình tĩnh trở lại, tôi mới nhận ra rằng cả người tôi ướt đẫm mồ hôi. Mới là đầu tháng Hai nhưng Quảng Châu gần phía Nam hơn Tứ Xuyên nên thời tiết cũng nóng hơn.
Tôi quay lưng đi khỏi nhà ga. Những người đàn ông đàn bà đi ngang qua trông hết thảy đều sành điệu, tự tin và kiêu ngạo. Những tòa nhà cao, sừng sững như những tòa lâu đài đổ bóng trên đầu tôi. Ánh nắng đập vào những ô cửa kính phản chiếu trong mắt tôi. Tôi không biết làm thế nào để sang đường giữa một rừng xe cộ. Một người phụ nữ lớn tuổi nhìn tôi vẻ khinh miệt rồi chỉ tay ra phần đường dành cho người đi bộ. Người qua lại đông đúc trên cây cầu đường bộ vắt ngang phố. Tôi cũng trèo lên cầu thang để sang đường nhưng tôi quá mệt và đói tới mức hai đầu gối cứ va vào nhau lập cập. Thú thật là tôi bắt đầu cảm thấy giận em gái mình ghê gớm. Con bé đã phản bội tôi.
Đúng lúc đó, một cảnh sát xuất hiện trước mặt, chắn đường tôi. Nhớ lại sự việc ở ga Trùng Khánh, tôi rút luôn năm tệ đưa cho anh ta và hỏi đường tới chợ lao động. Anh ta đút tiền vào túi không thèm chớp mắt và bảo tôi cái gì đó. Nhưng tôi không hiểu gì cả vì anh ta nói tiếng Quảng Đông. Không hiểu sao mà tôi lại quên bẵng mất ở đây người ta không nói tiếng Quan Thoại dù vẫn là Trung Quốc. Lao động công nhật! Lao động công nhật! Tôi hét lên nhiều lần và cuối cùng trong lúc tuyệt vọng đành diễn tả bằng hành động giả vờ đào đất. Viên cảnh sát chỉ cho tôi về phía quảng trường phía trước ga.
Giờ thì tôi mới vỡ lẽ. Ga tàu chính là chợ lao động ngoại tỉnh. Nhiều người đứng chờ việc như thế thì chỉ có phép màu mới có thể giúp được tôi. Và trong lúc chờ đợi tôi hẳn sẽ tiêu nốt số tiền còn lại và buộc phải đi ăn xin. Tôi là loại người luôn tìm cách tiến lên phía trước chứ không thể khoanh tay ngồi yên một chỗ chờ đợi.
Những người nông dân cùng cảnh ngộ lên thành phố tìm việc không có sự lựa chọn nào khác là phải sống vật vờ trên đường phố và tôi cũng không khác gì họ. Cuộc sống ở đây hóa ra cũng giống như ở làng quê lúc ngồi mong mưa tới. Chúng tôi phải phó thác số phận vào sự bất thường của thiên nhiên và hoàn toàn dựa vào trời đất để sinh tồn. Tôi xác định phải làm khác họ. Tôi sẽ tự đi tìm việc. Tôi nói vậy để tự động viên mình. Tôi không muốn có kết cục giống như mọi người trong đám đông trước ga kia. Tôi phải tránh xa họ ra. Tôi quả quyết bước xuống đường giữa những làn ô tô và xe máy.
Cuối cùng tôi cũng tới được một nơi không có quá nhiều xe cộ qua lại. Đó là một đại lộ với những hàng cây mã đề trải dài hút tầm mắt. Hai bên đường là những ngôi nhà cổ đã tróc vôi. Nhà nào cũng có cổng hẹp và cửa sổ tầng hai bằng gỗ, xây dựng theo phong cách kiến trúc sáng sủa và thoáng đãng của miền Nam Trung Quốc mà tôi chưa bao giờ được chiêm ngưỡng ở làng mình. Khi đi dọc theo đại lộ này, tôi có thể hình dung ra cảm xúc của người bản xứ. Mùa đông thì ấm áp, khắp nơi một màu xanh trù phú, thật là trong lành.
Tôi luôn ghen tức tới mất sáng suốt với những người sống sung túc ở những thành phố cảng. Càng đi tôi càng thấy nhẹ nhõm và tỉnh táo. Dần dần tôi lấy lại can đảm. Tôi vẫn còn trẻ. Không xấu xí và cũng không đần độn. Tôi có thể dễ dàng hình dung ra sự thành đạt của tôi ở thành phố này và tôi sẽ sống trong một ngôi nhà như thế kia. Tôi có thể làm bất cứ chuyện gì nếu ai đó cho tôi một cơ hội.
Tôi tới một phố rất sầm uất với những cô gái tóc dài vừa đi vừa ăn kem và những người đàn ông mặc quần jean bó sát. Tôi dừng lại trước một cửa hiệu bày đầy dây chuyền vàng lấp lánh. Rồi tôi nhìn thấy một nhà hàng có bể cá đầy ắp cá tôm cỡ bự. Những người ngồi ăn trong nhà hàng đang vui vẻ dùng bữa tối với những món thịt cá rán giòn. Trông mới ngon làm sao!
Mặt trời đã lặn, năng lượng hừng hực của đô thị làm tôi kiệt sức. Tôi ngồi xuống bên vệ đường, đói và khát nhưng không muốn tiêu tiền một cách ngớ ngẩn. Tôi chỉ còn tất cả chưa đầy năm mươi tệ, lại vừa phải chi ra năm tệ cho viên cảnh sát. Một đứa trẻ đi xe đạp ngang qua và ném một chai nước ngọt xuống vệ đường. Tôi vội vàng nhặt nó lên và uống nốt chỗ nước còn sót lại trong chai. Đó là một chai Coca-Cola. Tuy chỉ còn lại rất ít Coca-Cola ở đáy chai nhưng tôi không bao giờ quên được cái cảm giác ngon lành tới tê lưỡi giống như thuốc tiên đó. Rồi tôi hứng nước máy vào chai và uống cho tới khi không còn lại chút vị ngọt nào mới thôi.
Tôi phải kiếm ra tiền. Tôi muốn uống thứ nước ngọt đó mỗi ngày cho tới khi chán thì thôi. Tôi sẽ tới ăn ở cái nhà hàng mà tôi đi qua lúc nãy. Tôi sẽ ăn những thức ngon ở đó và sống trong một trong những ngôi nhà cổ đẹp đẽ kia. Tôi lại tiếp tục hành trình, trong lòng đầy quyết tâm.
Cuối cùng tôi cũng tìm thấy một công trường xây dựng. Tôi không biết liệu đã quá giờ tan ca hay chưa. Một tốp đàn ông quần áo bẩn thỉu, nhếch nhác có thể nhận ra ngay là lao động ngoại tỉnh đang ngồi túm tụm lại với nhau trò chuyện, cười đùa vui vẻ. Tôi hỏi thăm xem có thể tìm được việc ở đâu thì một người trong bọn họ bảo, “Hãy quay trở lại đại lộ Trung Sơn rồi đi về phía đông. Anh sẽ tới Chu Giang, ở đó có một con sông lớn. Ngay bên bờ sông có một chợ lao động.”
Tôi cảm ơn anh ta. Khi anh ta quay lại với đám bạn tôi chộp lấy một cái xẻng và bỏ chạy.
Tôi nhanh chóng tìm thấy chợ lao động. Có một bức tường chắn lớn bằng bê tông chạy dọc theo đường và phía bên kia là dòng nước màu nâu của sông Ngọc. Đã có gần ba mươi người đàn ông đứng chờ sẵn ở đó. Bên cạnh họ là những lều lán dựng tạm bằng gỗ vụn, phế liệu, bao tải xi măng. Bên cạnh đường còn có cả một quán nhỏ bán đồ ăn. Không có gì làm, họ túm lại với nhau nói chuyện ầm ĩ, có người thì ngồi xổm dưới đất vẻ mệt mỏi. Tôi hỏi một thanh niên, “Đây có phải là chợ lao động không?”
“Ừ.” Anh ta trả lời nhát gừng, mắt nhìn chiếc xẻng của tôi vẻ ghen tị. Tôi giữ chặt lấy chiếc xẻng, sẵn sàng chống trả nếu anh ta định cướp nó. Muốn chắc là mình đã tìm đúng chỗ, tôi hỏi thêm.
“Tôi có thể xếp hàng ở đây được không?”
“Anh phải đến sớm thì mới có cơ hội. Nhưng nếu anh muốn xếp hàng cũng không sao. Đằng nào đến lượt chúng ta thì cũng chả còn việc gì nữa.”
Hóa ra là thế. Anh chàng này hôm nay xếp ở cuối hàng nên không có việc làm nhưng ngày mai anh ta sẽ ở trên đầu. Nếu ngày hôm nay không đến lượt thì hôm sau sẽ được chọn. Nhưng cũng có nghĩa là hôm nay có việc thì ngày mai sẽ bị lỡ. Có vẻ như cách duy nhất để có được việc làm liên tục là phải xếp hàng lấy chỗ.
“Ngày mai họ sẽ bắt đầu từ mấy giờ?”
“Không có giờ giấc cụ thể. Họ gửi một cái xe tải tới, lấy nhân công rồi khởi hành. Nếu không lên được xe thì không có việc. Không thể lơ là được.”
Tôi xếp hàng ngay sau anh ta. Có lẽ sự mệt mỏi của chuyến đi giờ mới thấm thía nên tôi lăn ra ngủ ngay tại chỗ, tay ôm lấy xẻng.
Tôi giật mình tỉnh giấc vì lạnh và tiếng người nói xôn xao. Bình minh đã lên, bầu trời màu xanh trải dài trước mắt tôi. Tôi ngạc nhiên nhận ra rằng mình đã ngủ thâu đêm trên nền đất lạnh và cứng. Tôi loạng choạng đứng dậy và thấy hàng trăm người khác đang xôn xao bên cạnh như thể việc tuyển chọn sắp bắt đầu. Tôi dụi mắt uống một ngụm nước và thấy một chiếc xe tải lao tới.
“Thợ mộc và cu li xây dựng cầu!” người đàn ông đứng giữa thùng xe kêu to. “Năm mươi người.”
Ngay khi nghe thấy vậy, mọi người bắt đầu giơ tay lên và chạy về phía anh ta chỉ. Dùng một cái que dài để giữ trật tự, anh ta nói tiếp, “Chỉ những người có cuốc và xẻng thôi.”
Tôi chạy lên trước đàm đông. Anh ta nhìn tôi và chiếc xẻng rồi gật đầu. Anh ta hất hàm ra hiệu cho tôi trèo lên xe. Ngay lập tức đám đàn ông xung quanh bắt đầu trèo vào thùng xe, xô đẩy nhau để tìm được một chỗ cho mình. Người đàn ông kia chẳng thể làm gì được họ. Rất nhiều người bị ngã hay bị đẩy lăn lê trên mặt đất. Giống y như trên tàu. Khi thùng xe đã nhồi chặt người không thể nhét thêm được nữa, chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Lại thêm một số người ngã xuống khi chiếc xe đổi hướng, vọt lên nhưng chẳng ai thèm quan tâm. Tôi ôm chặt chiếc xẻng trước ngực cẩn thận để không ai có thể lấy nó được. Hai má tôi nhức buốt vì gió lạnh buổi sớm thổi từ ngoài sông.
Tôi làm phụ hồ xây dựng được ba tháng. Công việc đơn giản nhưng nặng nhọc. Tôi làm việc từ bảy giờ sáng tới năm giờ chiều. Tôi trộn bê tông hay bê rầm sắt. Tôi làm việc cật lực và kiếm được mười bảy tệ mỗi ngày. Nhưng với tôi thế vẫn chưa đủ nên buổi tối ngay sau khi xong việc tôi đi vào thành phố nhận thêm các việc phụ như lau dọn hay đổ rác. Tôi rất hài lòng vì đã kiếm được gấp mười bảy lần so với công việc nhà máy ở dưới quê. Thành phố mang lại cho tôi rất nhiều cơ hội, thật không có gì để so sánh với thời gian trước đây ở nông thôn, tôi cứ như mở cờ trong bụng.
Để tiết kiệm tiền, tôi nhặt phế liệu và nylon ở chợ lao động và dựng lên một túp lều nhỏ. Tôi ở đó cả đêm để khi xe tải tới vào buổi sáng là tôi có thể chạy ra xếp hàng ngay lập tức. Những người sống quanh đó cũng rất tử tế. Nếu nấu cháo lòng thì thế nào họ cũng cho tôi một bát. Họ cũng gọi tôi tới khi có chai rượu rẻ tiền uống chung. Nhưng chỉ với những người cùng quê Tứ Xuyên mà thôi. Vì chúng tôi chỉ tin tưởng những người đồng hương, nói cùng một thứ ngôn ngữ.
Khi đã dành đủ một nghìn tệ, tôi quyết định bỏ việc phụ hồ. Tôi đã chán sống cảnh lều trại. Với lại mỗi lần vào thành phố giải trí, nhìn những người đàn ông bằng tuổi khác giao du với các cô gái, tôi lại thấy họ sướng hơn mình. Tôi muốn tìm một công việc trong thành phố, một công việc gì đó dễ dàng và thú vị hơn. Thế nhưng những công việc dành cho một người làm công nhật chỉ giới hạn ở ba từ: nguy hiểm, nặng nhọc và bẩn thỉu. Đó cũng chính là bản chất công việc ở các thành phố. Ở khía cạnh này, Trung Quốc cũng không khác Nhật Bản là mấy. Để được tư vấn về việc làm, tôi quyết định đi tìm em gái. Tôi vẫn chưa liên lạc với con bé vì còn giận việc nó bỏ rơi tôi.
Tôi tới đại lộ Trung Sơn mua một chiếc áo thun và quần jean mới. Tôi không muốn làm mất mặt con bé với bộ dạng nhếch nhác. Vì làm việc ở các công trường xây dựng nên tôi trở nên cường tráng hơn, da thì rám nắng. Trông tôi nam tính và thành thị thế này, em gái tôi hẳn sẽ rất ấn tượng. Tôi nóng lòng muốn đối đầu với Jin-long vì vẫn còn giận hắn ta đã cướp mất em gái. Tôi không phút nào quên được cái vẻ mạnh mẽ và tự chủ của hắn.
Đó là một ngày nắng nóng đầu tháng Sáu. Tôi mang theo một chiếc túi đựng chiếc áo thun màu hồng làm quà cho em gái tôi và đi xuống đại lộ Cát Vàng dọc theo sông Ngọc tới trước khách sạn Thiên Nga Trắng. Khách sạn nằm trên đảo Shamian bên bờ sông Ngọc. Đó là một khách sạn đồ sộ, ít nhất cũng phải đến ba mươi tầng. Tôi thấy nóng người vì hãnh diện khi nghĩ rằng em gái Mei-kun đang làm việc ở một nơi sang trọng như thế này. Nhưng tôi cảm thấy không thoải mái khi phải đối mặt với các du khách nước ngoài đi ra đi vào khách sạn, tôi lúng túng không biết làm thế nào để bước chân vào bên trong cánh cửa hoành tráng kia. Bốn người gác cổng lực lưỡng mặc đồng phục màu nâu sẫm đứng dọc theo lối đi bên ngoài khách sạn. Họ nhìn tôi vẻ nghi ngại. Những người này nhanh nhẹn đón khách xuống taxi và đưa họ vào bên trong. Khi khách đi bộ về khách sạn, họ chào đón khách bằng một thứ tiếng Anh lưu loát. Những người này chắc sẽ chẳng thèm trả lời tôi nên tôi lại gần một người đàn ông đang chăm sóc vườn hoa ở bên cạnh cửa ra vào. Nhìn dáng vẻ và thái độ của anh ta, tôi có thể đoán ra đó là một người ngoại tỉnh.
“Zhang Mei-kun làm việc ở đây, anh có thể cho tôi biết tôi có thể tìm cô ấy ở đâu không ạ?”
“Để tôi hỏi cho anh nhé?” anh ta trả lời, giọng vùng Đông Bắc, Bắc Kinh. Rồi anh ta đặt cái cào đất xuống và bỏ đi. Tôi đợi, đợi mãi vẫn chưa thấy anh ta quay lại. Tôi nhìn những tia nắng lấp lánh trên sông Ngọc trong lòng thấp thỏm lo lắng. Cuối cùng ai đó vỗ lên vai tôi. Người làm vườn đã quay trở lại. Anh ta nói với tôi vẻ thông cảm. “Có vẻ như không có ai tên là Zhang Mei-kun làm việc ở đây. Tôi đã hỏi một người phụ trách nhân sự tìm trong danh sách nhưng không thấy tên của cô ấy ở đâu cả. Tôi rất lấy làm tiếc.”
Tôi sững sờ. Nhưng thật tình tôi đã nghi ngờ chuyện này từ trước. Làm gì có ai may mắn đến thế. Giờ đây tôi càng chắc về việc em gái mình đã bị tên Jin-long đó lừa gạt, nhưng tôi có thể làm gì cơ chứ? Nhận ra rằng tôi sẽ chẳng bao giờ có thể gặp lại Mei-kun được nữa, nước mắt tôi bắt đầu tuôn rơi.
“Thế có ai tên là Jin-long không ạ? Một người cao lớn trông giống như một tay anh chị. Anh ta nói anh ta có người quen làm việc trong bếp của khách sạn.”
“Họ của anh ta là gì? Anh có biết anh ta làm trong nhà hàng nào của khách sạn không?”
Tôi nào biết gì, đành chỉ lắc đầu.
“Các đầu bếp ở đây đều được trả lương rất cao. Tôi không chắc là họ có liên quan gì tới bọn xã hội đen.”
Người đàn ông nhún vai như muốn chế nhạo sự thiếu hiểu biết của tôi rồi quay trở lại làm việc. Tôi chán nản đi dọc theo con đường bao quanh khách sạn rồi bỏ về hướng Shamian, một hòn đảo tự nhiên nằm ở ngã ba sông Ngọc. Nghe nói trước cách mạng đó là một khu tô giới chỉ dành cho người nước ngoài, không có một người Trung Quốc nào được đặt chân tới đây. Nhưng giờ nó đã trở thành một nơi công cộng và ai cũng có thể tới chơi.
Đây là lần đầu tiên tôi tới Shamian. Một đại lộ rộng trải dài dọc theo những tòa nhà kiểu châu Âu hàng nối hàng. Ở giữa đại lộ là một khoảnh phân cách xanh với những đóa hoa xô và râm bụt màu đỏ tươi. Những ngôi nhà ở trên phố này còn đẹp hơn những ngôi nhà nhỏ mà tôi mê mẩn ở Quảng Châu và muốn được sở hữu một ngày nào đó. Tôi ngồi xuống một cái ghế băng và ngắm nhìn đại lộ. Dường như mỗi ngày tôi lại phát hiện ra những điều tốt đẹp hơn ngày hôm qua. Tôi lại nghĩ tới Mei-kun. Sao tôi không giữ con bé lại mà để cho nó bỏ đi như thế?
“Này cậu kia!” Giọng một người đàn ông vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi quay lại và thấy một người đàn ông trông rất giống công an. Anh ta gọi tôi với một giọng rất trịch thượng. Tim tôi như ngừng đập. Tôi không có thẻ thường trú hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Người đàn ông kia mặc một bộ vest màu xanh giống như các quan chức chính phủ thường vận. Anh ta có dáng vẻ nhẹ nhàng nhưng bước đi rất quả quyết và tự tin. Anh ta hẳn có một vị trí quan trọng. Vì không thể để bị bắt nên tôi cố xử sự như một tên nhà quê không biết gì.
“Tôi chẳng làm gì sai cả.”
“Tôi biết. Chỉ cần đi với tôi một lát.”
Anh ta túm lấy tay tôi và dẫn tới một chiếc xe hơi màu đen đỗ bên cạnh một tòa nhà kiểu châu Âu.
“Vào xe.”
Tôi không bỏ chạy được vì anh ta giữ chặt lấy tay tôi và đẩy tôi vào trong xe. Đó là một chiếc Mercedes lớn. Người tài xế nhìn tôi qua kính và mỉm cười. Tôi bị đẩy vào hàng ghế sau. Người đàn ông kia ngồi vào ghế trước rồi quay lại nhìn tôi bảo, “Tôi có việc làm cho anh. Nhưng anh phải đồng ý không được nói với ai. Đó là điều kiện làm việc. Nếu anh không đồng ý với điều kiện đó thì tôi sẽ để anh đi ngay lập tức.”
“Là công việc gì?”
“Anh sẽ biết khi chúng ta tới nơi. Nếu anh không muốn thì ra khỏi xe ngay.”
Tôi vừa sợ vừa thấy tò mò. Nếu đây chính là sự đột phá mà tôi đang mong đợi thì sao? Tôi không muốn bỏ lỡ. Tôi đã chán cảnh làm cu li và đã mất đi người em gái yêu quý. Tôi chả còn gì để mất nữa nên gật đầu đồng ý.
Chiếc Mercedes quay trở lại khách sạn Thiên Nga Trắng. Lúc rời khỏi khách sạn trước đó, tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quay trở lại. Chiếc xe đỗ xuống trước cửa khách sạn và những người gác cổng làm tôi sợ hãi khi trước chạy ra đón chúng tôi, mở cửa xe một cách kính cẩn. Khi thấy tôi ra khỏi xe họ không giấu nổi sự kinh ngạc. Tinh thần tôi tự nhiên phấn chấn hẳn lên. Cho dù số phận có sắp đặt điều gì thì có được cái cảm giác thăng hoa này tôi thấy cũng đáng.
Tôi bước vào khách sạn lần đầu tiên, đi theo người đàn ông mặc vest. Trong tiền sảnh khách sạn có rất nhiều người sang trọng ăn vận thanh lịch. Tôi không đừng được, dừng lại ngắm nhìn họ. Người đàn ông kia liền túm lấy tay tôi và kéo đi xềnh xệch. Anh ta đẩy tôi vào trong thang máy lên tầng thứ hai mươi sáu. Khi cửa mở ra, tôi bắt đầu lo lắng tới mức không nhấc nổi chân. Tôi tự bảo mình, nếu bước chân ra ngoài thì mình sẽ không bao giờ quay đầu lại được nữa.
“Ra ngoài nhanh lên,” người đàn ông kia sốt ruột bảo. Tôi nhìn anh ta như bị thôi miên.
“Tôi nghĩ là tôi không thể nhận việc này. Tôi không mang theo giấy tờ gì cả. Xin hãy để tôi đi.”
Chẳng thèm đếm xỉa tới những gì tôi nói, anh ta túm lấy tôi và lôi ra khỏi thang máy. Anh ta rất khỏe, tôi không còn cách nào khác ngoài làm theo. Chân tôi run lẩy bẩy vì sợ hãi. Người đàn ông kia lôi tôi vào một hành lang lờ mờ tối và kéo tôi đi sâu mãi vào trong. Xung quanh chẳng thấy bóng người nào.
Trải dọc theo hành lang là một tấm thảm màu be với các họa tiết trang trí hình hoa súng và chim phượng sang trọng tới mức tôi thấy ngại khi giẫm lên trên. Một ngọn đèn yếu ớt tỏa sáng từ một góc hành lang phía xa và từ đâu đó vang lên tiếng nhạc du dương. Một thứ mùi thơm ngây ngất phảng phất khắp hành lang. Tôi cảm thấy sự sợ hãi biến mất, thay vào đó là cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Một sự biến đổi đột ngột tới kinh ngạc. Nếu không rời khỏi làng có lẽ tôi sẽ chết mà không biết trên đời có một chốn kỳ diệu như thế.
Người đàn ông gõ lên cánh cửa cuối cùng trong hành lang. Một giọng phụ nữ the thé vang lên và cửa bật mở. Một người phụ nữ trẻ vận vest màu xanh hải quân, son môi đỏ chót đứng trước mặt chúng tôi. “Vào đi,” cô ta nói như ra lệnh. Tôi lo lắng nhìn quanh và thở phào nhẹ nhõm, trong phòng còn có ba người đàn ông khác trạc tuổi tôi. Tôi đoán chắc họ cũng được mang tới đây giống như tôi. Họ ngồi trên một chiếc sofa xem vô tuyến vẻ lo lắng.
Tôi rụt rè ngồi xuống bên mép ghế sofa. Những người kia cũng đều là dân ngoại tỉnh giống như tôi. Nhìn quần áo họ mặc là biết ngay. Họ cũng lo lắng khi bị một người đàn ông và đàn bà lạ mặt lôi tới đây, trong một căn phòng sang trọng ngoài sức tưởng tượng. Họ cũng không biết chuyện gì đang chờ đợi mình.
“Chờ ở đây,” người đàn ông kia nói rồi bước sang phòng kế bên. Anh ta biến mất một lúc lâu. Người phụ nữ tô môi đỏ chót không nói tiếng nào. Cô ta chỉ ngồi đó xem vô tuyến với chúng tôi. Mắt cô ta sắc và xảo quyệt. Tôi đoán cô ta hoặc là công an hoặc là nhân viên chính phủ. Tôi đã làm việc với thân phận lao động ngoại tỉnh ở đây hơn ba tháng nên có thể đánh hơi ra họ ngay. Cái vẻ chuyên quyền, ngạo nghễ đã tiết lộ về họ.
Vô tuyến chuyển sang phần thời sự, đưa tin về một cuộc bạo động nào đó. Những người thanh niên máu chảy ròng ròng trên mặt, những chiếc xe bọc thép lăn trên phố, mọi người bỏ chạy, tìm chỗ ẩn nấp. Trông giống như một cuộc nội chiến. Sau này tôi nghe nói đó là ngày tiếp sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Tôi chưa bao giờ nghe nói tới cái gọi là biểu tình và không tin nổi vào mắt mình nữa. Người phụ nữ với gương mặt xảo quyệt cầm chiếc điều khiển lên và tắt vô tuyến đi. Đám đàn ông có vẻ căng thẳng, lảng tránh ánh mắt của cô ta, nhìn nhau vẻ bồn chồn.
Căn phòng rộng mênh mông, có thể chứa tới hai mươi hay ba mươi người được thiết kế theo phong cách Rococco châu Âu. Trong phòng có một chiếc sofa kiểu phương Tây đồ sộ và một màn hình vô tuyến cỡ bự. Ở góc phòng có một quầy bar. Rèm cửa sổ được kéo lên cao nên tôi có thể nhìn thấy ánh hoàng hôn lấp lánh trên sông Ngọc. Bên ngoài trời có thể rất nóng nhưng trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ nên không khí khô và lạnh. Hay nói cách khác là vô cùng mát mẻ.
Người phụ nữ nhìn tôi chòng chọc nhưng không làm tôi nao núng, tôi đứng dậy và nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Phía bên tay phải, tôi nhìn thấy những túp lều dựng tạm của một đám lao động nhập cư. Thật là một cảnh tượng nhếch nhác. Đáng lẽ họ không được phép dựng lều ở một nơi đẹp đẽ như thế này, tôi nghĩ. Sự kiện Thiên An Môn là một cái gì đó xa vời, chẳng liên quan gì tới tôi.
Cửa phòng bên khẽ mở ra và người đàn ông lúc nãy thò đầu vào chỉ về phía tôi.
“Anh kia, lại đây. Những người còn lại có thể đi.”
Những người đàn ông khác trông vừa như trút được gánh nặng, vừa thất vọng vì bỏ lỡ cơ hội. Họ đứng dậy và đi ra ngoài. Tôi đi sang phòng bên cạnh, vẫn không hề biết điều gì đang chờ đợi mình. Ở giữa phòng là một cái giường ngủ rất rộng. Một người phụ nữ ngồi hút thuốc trong một chiếc ghế bành cạnh giường. Đó là một người phụ nữ thấp, cơ thể rắn chắc, gọn gàng. Tóc bà ta nhuộm màu nâu đỏ và bà ta đeo một cặp kính lớn, có gọng màu hồng, váy ngủ màu đỏ tươi. Trông bà ta có vẻ lòe loẹt và khoảng ngoài bốn mươi.
“Lại đây.”
Giọng bà ta nhẹ nhàng một cách bất ngờ. Bà ta ra hiệu cho tôi tới bên một chiếc sofa nhỏ. Lúc ngồi xuống tôi mới nhận ra rằng người đàn ông lúc nãy đã không còn ở đó nữa. Trong phòng chỉ còn lại tôi với bà ta, mặt đối mặt. Người phụ nữ ngước mắt lên quan sát tôi một cách kỹ lưỡng, chiếc kính làm mắt bà to trông to gấp đôi bình thường. Chuyện quái quỷ gì sẽ xảy ra tiếp theo đây? Tôi nhìn bà ta và tự hỏi.
“Anh nghĩ gì về tôi?”
“Rằng bà thật đáng sợ,” tôi thành thật trả lời khiến bà ta bĩu môi, mặt hơi nhăn lại.
“Ai cũng nói vậy.”
Bà ta đứng dậy mở một cái hộp nhỏ có khóa để trên giá cạnh đầu giường. Bà ta lôi ra một cái gì đó giống như một thìa trà và đổ nó vào trong ấm. Tay bà ta rất thô. Rồi bà ta rót nước sôi vào trong ấm. Bà ta pha cho tôi một tách trà.
“Đây là một loại trà rất ngon,” bà ta nói.
Tôi thích được uống Coca-Cola hơn, tôi nghĩ thầm. Nhưng không muốn chọc giận bà ta, người rõ ràng có quan điểm khác hẳn nên tôi chỉ gật đầu.
Bà ta hào hứng nói tiếp. “Đây là trà ô long chất lượng hàng đầu. Thu hoạch từ trang trại của tôi ở Hồ Nam. Hàng năm chúng tôi chỉ sản xuất với số lượng rất nhỏ.”
Bà ta lấy tay vẽ tượng trưng một vòng tròn nhỏ cỡ trái banh. Tôi chưa bao giờ được thưởng thức một loại trà quý hiếm như vậy.
“Tên anh là gì?”
Người phụ nữ nhấp một ngụm trà rồi nhìn tôi chăm chú như đang đánh giá một món hàng. Ánh mắt bà ta nhẹ nhàng nhưng xuyên thấu. Tôi thấy tim mình thắt lại. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi chưa bao giờ lâm vào tình huống này, một mình với một người phụ nữ mục đích không rõ ràng.
“Zhang Zhe-zhong.”
“Một cái tên rất thường. Còn tôi là Lou-zhen[12]. Tôi kiếm sống bằng nghề viết ca khúc.
Tôi không hình dung nổi việc người ta có thể sống bằng nghề viết ca khúc nhưng ngay một kẻ quê mùa ngây ngô như tôi cũng có thể nhận ra rằng một người phụ nữ sống trong khách sạn sang trọng nhường này hẳn không phải là người thường. Lou-zhen, một người sáng tác ca khúc thuê người ra ngoài tìm kiếm những người đàn ông như tôi. Tại sao? Có phải bà ta liên quan tới tội phạm có tổ chức? Ý nghĩ đó khiến tôi run rẩy, rùng mình vì một mối sợ hãi không tên. Thế nhưng Lou-zhen chỉ nói vẻ phật ý, “Tôi chỉ muốn anh trở thành tình nhân của tôi.”
“Tình nhân của bà? Bà định nói gì cơ?”
“Ý tôi là anh sẽ ngủ với tôi.”
Bà ta nhìn thẳng vào mặt tôi khi nói những lời này. Tôi cảm thấy má mình nóng rực lên.
“Tôi không thể làm vậy.”
“Có, anh có thể,” bà ta trả lời mềm mỏng. “Đổi lại tôi sẽ cho anh rất nhiều tiền. Anh muốn có tiền, đúng không? Đó là lý do tại sao anh lên thành phố làm lao động ngoại tỉnh, không phải vậy sao?”
“Thì đúng là vậy… Nhưng tôi được trả tiền để làm việc.”
“Anh cũng có thể nói đây là một công việc.”
Nói xong thì bà ta dường như cũng nhận ra mình hơi hớ nên bật cười chữa ngượng. Dựa trên cách xử sự của bà ta, tôi không thể đoán nổi bà ta xuất thân từ một gia đình nền nếp hay không.
“Nhiều tiền là bao nhiêu?”
“Nếu anh làm tôi thỏa mãn, tôi sẽ cho anh bất cứ thứ gì anh muốn. Anh nghĩ sao? Điều khoản quá tốt, đúng không?”
Tôi không thể trả lời ngay lập tức. Trái tim tôi bị giằng xé. Một mặt tôi không muốn bán thân mua vui với bất cứ giá nào, mặt khác tôi đã quá mệt mỏi với công việc thợ hồ và ý tưởng kiếm tiền một cách dễ dàng như vậy thật là cám dỗ. Mà còn hơn cả thế. Cuối cùng đồng tiền đã chiến thắng. Tôi chậm rãi gật đầu đồng ý. Lou-zhen mỉm cười và rót cho tôi một chén trà đầy.
Sự thực là tôi đã hết sức can đảm khi viết ra những dòng này. Tôi đã do dự muốn ém nhẹm tất cả những chi tiết này trong lời khai trình lên tòa trước đây, thưa Quý tòa. Nhưng giờ tôi đã được trao cho một cơ hội để nhìn lại quá khứ. Tôi chỉ cầu mong các ngài sẽ không tỏ ra khinh bỉ hay định kiến với những gì tôi viết ra ở đây.
Tôi đã để cho Lou-zhen, một người phụ nữ trung niên giàu có, mua mình như thế. Tôi biết bà ta chỉ quan tâm tới thân xác mình nhưng đôi khi tôi vẫn tự hỏi không biết bà ta có thật lòng yêu tôi? Vì tuy rằng bà ta luôn dùng giọng bề trên để nói với tôi nhưng lúc nào bà ta cũng chiều tôi như một thứ vật cưng. Lý do mà bà ta chọn tôi giữa những người đàn ông khác là vì khuôn mặt tôi gần giống với hình mẫu lý tưởng của bà ta. Và bà ta cũng thích cái cách tôi tự động đứng dậy nhìn ra ngoài cửa sổ thay vì ngồi lại với những người khác xem vô tuyến. Sau này tôi mới biết trong phòng đợi có một tấm gương hai mặt và Lou-zhen đã quan sát chúng tôi từ phòng ngủ.
Lou-zhen ra lệnh cho tôi phải ở lại khách sạn. Trong thời gian ở đây, tại khách sạn sang trọng này, tôi đã nghe và thấy những điều tôi chưa hề trải qua: đồ ăn tây, phép tắc ở bàn ăn, những bữa sáng suy đồi trên giường, bể bơi trên mái nhà. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền núi nên không biết bơi. Nằm bên cạnh bể bơi tắm nắng, tôi nhìn Lou-zhen bơi nhiều vòng quanh bể với những sải tay mạnh mẽ, thuần thục. Bể bơi chỉ dành cho những người có thẻ thành viên, hoặc là người nước ngoài hoặc là người Trung Quốc nhiều tiền. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ những người phụ nữ phương Tây sành điệu và thấy xấu hổ khi phải cặp với một người kém hấp dẫn như Lou-zhen.
Tôi bắt đầu uống, bia, whiskey, brandy và rượu vang. Lou-zhen thích xem phim Mỹ. Bà ta rất ít khi xem thời sự. Tôi muốn tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra ở Thiên An Môn nhưng Lou-zhen không đặt báo nên tôi chịu không có cách nào đọc được. Một lần bà ta tiết lộ hồi trẻ từng đi Mỹ. Vào thời điểm đó chỉ có quan chức chính phủ hay sinh viên trong diện trao đổi giáo dục mới có thể xuất ngoại nên tôi thấy việc đi Mỹ của Lou-zhen vô cùng bí ẩn. Nhưng tôi không bao giờ hỏi bà ta bất cứ điều gì. Tôi diễn vai phi công trẻ của mình một cách hoàn hảo. Tôi làm tất cả để có thể biến cuộc sống trong căn phòng khách sạn này thành chốn thiên đường.
Căn phòng đúng là có dáng vẻ thiên đường nhưng Lou-zhen là một mụ đàn bà ghê gớm. Nếu tôi có trót bày tỏ bất cứ quan điểm nào là bà ta sẽ nổi giận đùng đùng. Bà ta hống hách tự phụ, không cho phép tôi có quyền được đưa ra ý kiến. Nhiều lúc tôi chỉ muốn cắt đứt quan hệ với bà ta và bỏ đi một nơi nào đó thật xa để sống cuộc đời của mình. Chu vi tồn tại của tôi giờ chỉ gói gọn trong căn hộ ở khách sạn và bể bơi trên tầng hai mươi sáu. Tôi không được phép đi lại tự do trong khách sạn hay ra ngoài một mình. Sau một tuần nhận lời sống với Lou-zhen, tôi đã bắt đầu cảm thấy hối hận.
Khoảng mười ngày sau sự kiện Thiên An Môn, có chuyện gì đó đã xảy ra. Chiếc điện thoại cạnh giường đổ chuông, Lou-zhen nhấc máy, mặt tái nhợt đi một cách bất thường. Giọng bà ta hết sức căng thẳng.
“Thôi được rồi? Thế tôi phải làm gì? Chắc tôi sẽ quay về ngay lập tức.”
Trông bà ta vẫn có vẻ kích động sau khi gác máy. Bà ta cúi về phía tôi, tôi ôm lấy bà ta từ phía sau.
“Có vài chuyện rắc rối đã xảy ra ở Bắc Kinh.”
“Có gì liên quan tới bà không?”
Lou-zhen đứng dậy, châm một điếu thuốc. “Đặng Tiểu Bình coi như xong sau khi ra tay như thế,” bà ta lẩm bẩm. Chỉ có vậy nhưng đủ để tôi nhận ra nguyên nhân việc giữ bí mật về thân thế của Lou-zhen vì bà ta hẳn là con gái của một đảng viên cao cấp. Cha bà ta hẳn đang gặp rắc rối sau sự kiện Thiên An Môn.
Cả ngay hôm đó, Lou-zhen ở trong tâm trạng cáu kỉnh. Bà ta nhận được nhiều cú điện thoại khác và càng lúc càng thêm lo lắng, giận dữ và trầm uất. Tôi ngồi xem một bộ phim Hollywood cho tới khi Lou-zhen bảo tôi, “Tôi phải về Bắc Kinh vài hôm, Zhe-zhong. Anh hãy chờ tôi ở đây nhé!”
“Tôi không thể đi với bà sao? Tôi chưa tới Bắc Kinh bao giờ.”
“Không. Không được.” Lou-zhen lắc đầu một cách quả quyết như đàn ông.
“Vậy thì tôi có thể đi lại loanh quanh ở khách sạn chứ?”
“Chắc chả làm khác được. Nhưng nhớ là luôn phải đi cùng với anh ta.”
Anh ta chính là vệ sĩ của Lou-zhen, người đã tìm ra tôi lần trước.
“Anh không thể bỏ đi mà không nói với tôi câu nào, cũng không được lăng nhăng với đàn bà khác. Nếu anh giở trò thì tôi sẽ nhốt anh lại đấy.”
Lou-zhen lên đường tới Bắc Kinh, để tôi ở lại với lời đe dọa đó. Bà ta mang Bai Jie[13], người phụ nữ có khuôn mặt xảo quyệt, đi cùng. Bai Jie là thư ký của bà ta và sống cùng tầng khách sạn. Người phụ nữ đó hẳn khinh bỉ tôi vì mỗi lần ở gần tôi cô ta đều nhìn đi chỗ khác vẻ kinh tởm. Tay vệ sĩ và tài xế cũng chả tốt lành hơn. Họ hẳn đoán rằng Lou-zhen sớm muộn cũng chán tôi nên không có mặt bà ta ở đó là họ đối xử với tôi rất lỗ mãng.
Nhưng tôi muốn ra ngoài bằng mọi cách. Hôm Lou-zhen và thư ký của bà ta đi Bắc Kinh, tôi đi thăm thú khách sạn dưới con mắt giám sát của tay vệ sĩ.
“Thế cha của Lou-zhen là ai?” tôi hỏi anh ta khi chúng tôi ở trong thang máy. Lần đầu tiên gặp nhau tôi đã rất sợ anh ta nhưng giờ thì ngược lại nên anh ta có vẻ không hài lòng. Anh ta không nói gì và quay đi chỗ khác.
Tôi liền dọa anh ta. “Anh biết đấy, khi Lou-zhen quay lại tôi sẽ chả khó khăn gì khi bảo với bà ta về chuyện anh và cô thư ký lấy trộm thuốc lá và rượu của bà ta đi bán.”
Tay vệ sĩ tái mét. “Nếu anh nóng lòng muốn biết thì tôi sẽ nói cho anh. Nhưng một kẻ dốt nát như anh thì nghe tên cũng chả biết đó là ai đâu mà.”
“Nói ra thử xem.”
“Li Tou-min[14].”
Tôi không tin nổi vào tai mình nữa và suýt khuỵu xuống sàn. Li Tou-min là nhân vật lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lou-zhen dọa sẽ tống tôi vào tù nếu bỏ trốn nhưng lúc đó tôi không biết là bà ta có thể làm thế thật. Tôi đúng là đã dính vào một người đàn bà nguy hiểm.
“Anh không đùa đấy chứ?”
Tôi túm lấy vai của tay vệ sĩ tra khảo nhưng anh ta vùng ra và bảo. “Cô ta là con gái đầu của ông Li. Mọi chuyện sẽ diễn ra theo chiều hướng có lợi hay hại đều phụ thuộc vào cách xử sự của anh. Tất cả những kẻ trước anh đều là đồ ngốc. Họ lao vào hưởng thụ cuộc sống giàu sang này mà quên mất chúng tôi mới là người lôi họ ra khỏi bùn hôi. Đó là lúc Lou-zhen có thể trở nên đáng sợ. Bà ta sẽ cho bọn họ biết được vị trí thực sự của mình.”
“Anh đang nói rằng nếu cẩn thận thì tôi sẽ không sao chứ gì?”
Nhưng tay vệ sĩ chỉ mỉm cười, không trả lời. Tôi lên gân cốt định đánh gục tay vệ sĩ trong thang máy. Nhưng đúng lúc tôi định ra tay thì chiếc thang máy rùng rùng đứng lại vì chúng tôi đã xuống tới tầng một, cả một thế giới khác mở ra trước mắt tôi.
Tôi quên bẵng mất Lou-zhen. Những gia đình đi nghỉ, ăn mặc thoải mái đi lại trong sảnh, các doanh nhân sải bước hối hả và những người gác cổng trong bộ đồng phục màu nâu sẫm. Tôi bị nhốt trong phòng của Lou-zhen quá lâu, ít nhất hai tuần nay tôi chưa được ra ngoài. Một phụ nữ phương Tây mặc váy trễ lưng thơ thẩn đi qua và mỉm cười khi bắt gặp ánh mắt của tôi. Thế giới mới rộng lớn làm sao? Tôi hoàn toàn bị mê hoặc bởi sự đa dạng của những người mà tôi nhìn thấy trong khách sạn. Họ đều là những người sống êm đềm trong cảnh giàu sang phú quý. Tôi muốn được giống họ. Không, tôi nhất định phải trở thành một người trong số họ. Trái tim vốn khao khát tiền bạc và thèm muốn tự do của tôi giờ đây ngập tràn cay đắng. Tôi chỉ muốn bỏ trốn. Như đọc được ý nghĩ của tôi, tay vệ sĩ thì thầm vào tai tôi vẻ cộc cằn. “Nhớ để ý đấy. Quần áo anh mặc đều là của Lou-zhen, kể cả giày dép, tất cả. Nếu có định chạy trốn, bà ta sẽ buộc anh tội ăn cắp.”
“Anh là một tên khốn.”
“Còn anh là đồ nhà quê.”
“Chả biết ai quê hơn ai đâu.”
“Tôi không phải nhà quê. Tôi là người Bắc Kinh.”
Mặc dù quặc nhau nhưng chúng tôi đều không biểu lộ gì trên nét mặt trong khi đi loanh quanh khắp sảnh khách sạn.
Sự thực là chiếc áo polo trắng, quần jean và giày của tôi đều là do Lou-zhen đưa cho mặc. Chiếc áo polo được thiết kế bởi Fred Perry ở London. Quần jean là đồ Levi và đôi giày Nike bằng da màu đen sọc trắng. Vào thời điểm đó những người Trung Quốc có khả năng đi giày Nike hiếm tới độ có thể đem ra đếm được. Nên lúc đầu khi được xỏ vào đôi giày này tôi đã sướng tới phát rồ. Sáng nào tôi cũng nâng niu chúng trên tay như bảo vật. Mà chính xác là vì tôi ăn mặc quá sang nên người ta mới nhìn tôi bằng con mắt kính cẩn.
Ừ, đúng là anh ta trẻ thật nhưng anh ta hẳn rất giàu. Những người gác cổng hẳn nghĩ thế khi nhìn đôi giày Nike của tôi một cách ghen tị. Trước đó tôi còn đang choáng ngợp trước sự giàu có của Lou-zhen. Tôi ngộp trong không khí giàu sang của bà ta cho tới khi cảm thấy lồng ngực muốn nổ tung. Nhưng sự giàu sang còn trở nên sáng giá hơn khi có người ngưỡng mộ. Nó hẳn mất đi phân nửa giá trị nếu không có ai dòm ngó tới. Phát hiện ra điều này tôi càng thấy cần phải chạy trốn khỏi Lou-zhen, khỏi sự kìm kẹp của bà ta.
Tôi ngồi xuống một chiếc sofa ở góc sảnh, thỏa thuê nhìn ngắm mình trong bộ quần áo đắt tiền. Có một chiếc cửa sổ ở ngay đối diện và tôi có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trên kính. Thấy vậy, tay vệ sĩ mỉa mai. “Đúng là người đẹp vì lụa! Cái tên trước anh mặc bộ này cũng đẹp.”
Tôi mất hết cả hứng. Hóa ra đây là quần áo dùng rồi? Thế mà tôi cứ tưởng là đồ mới.
“Chuyện gì đã xảy ra với anh ta?”
“Xem nào. Cái tên tiểu tử người Hắc Long Giang ấy chúng tôi bắt quả tang hắn ta uống trộm trà quý của Lou-zhen. Còn tên khốn trước đó là người Nội Mông. Hắn ta đeo cái nhẫn ruby của Lou-zhen xuống bể bơi và làm mất viên đá quý. Hắn ta bảo muốn nhìn xem đá quý trông dưới nước như thế nào. Toàn những chuyện không tránh khỏi với mấy tên nhà quê đó. Giờ thì cả hai đang được tiếp đãi trong tù.”
Nghe vậy trong lòng tôi lại bùng lên một nỗi sợ hãi. Nếu đó cũng là số phận đang chờ tôi phía trước? Tôi mới dọn tới ở với Lou-zhen được hai tuần. Bà ta có vẻ hài lòng tôi nhưng tôi thì không thể chịu đựng bà ta thêm được nữa. Từ lúc đó trở đi tôi chỉ nghĩ tới việc bỏ chạy cùng với một số đồ của bà ta.
Các ngài phải bỏ qua cho tôi vì tôi không nghĩ rằng đó là hành vi ăn trộm. Vì sao? Tôi không hề được đền bù thỏa đáng so với cái công việc khó khăn mà tôi phải làm. Lúc đầu Lou-zhen có hứa hẹn với tôi về lương lậu nhưng bà ta không trả tôi quá hai mươi tệ một ngày. Tôi thấy không công bằng vì bà ta luôn hứa hẹn nhiều hơn thế. Nhưng hễ tôi hỏi là bà ta lại bảo, “Không, không. Tôi trả anh một trăm tệ một ngày đấy chứ. Nhưng sau khi trừ tiền phòng và sinh hoạt thì còn lại chừng đó. Dĩ nhiên, tôi đã tha không lấy tiền thuốc là và đồ uống.”
Tay vệ sĩ vỗ vào tay tôi và bảo, “Đã tới lúc phải về thôi.” Không có sự lựa chọn nào khác, tôi đứng dậy, thấy mình giống hệt một tù nhân. Một cậu bé nông dân đáng thương bị bắt cóc bởi con gái lãnh đạo đảng cầm quyền.
“Nhìn kìa. Nhìn đứa bé trong xe đẩy ấy,” tay vệ sĩ bảo tôi.
Một người đàn ông và một phụ nữ da trắng, có lẽ là một cặp vợ chồng người Mỹ, đang đẩy một chiếc xe nôi đi qua. Họ dừng lại bên đài phun nước. Tôi sững sờ nhìn họ đứng đó mỉm cười mãn nguyện. Sao lại có những người may mắn tới vậy, có thể đi du lịch nước ngoài với cả gia đình? Người chồng vận quần sóoc, áo thun. Người vợ cũng mặc một chiếc áo thun hợp tông, quần jean màu xanh. Trông đúng là một cặp vợ chồng người da trắng khỏe mạnh, năng động. Nhưng đứa bé trong xe đẩy trông bé tí tẹo, như thể còn chưa ngồi vững lại là người châu Á. Không biết có phải những người nước ngoài nhân từ kia đã nhận nuôi đứa trẻ đáng thương đó?
“Có chuyện gì vậy?”
Tay vệ sĩ kín đáo chỉ quanh. Trong khách sạn có rất nhiều cặp vợ chồng da trắng giống như hai người đó đang đẩy xe nôi, tất cả trẻ con trong xe đều là người Trung Quốc, cả trai lẫn gái. Những đứa trẻ đều mặc quần áo sơ sinh màu trắng mới tinh.
“Môi giới con nuôi.”
“Ai cơ?”
Tay vệ sĩ nhìn lên trần nhà.
“Lou-zhen á? Sao bảo bà ta là người sáng tác ca khúc cơ mà.”
“Đấy là bà ta nói thế. Thế cậu đã được nghe bài hát nào của bà ta chưa?”
Khi tôi lắc đầu anh ta khịt mũi rồi nói tiếp. “Môi giới con nuôi mới là công việc thực của bà ta. Bà ta điều hành một tổ chức từ thiện.”
Tôi ngờ là chả có gì từ thiện trong chuyện này. Lou-zhen là người thích giàu sang. Bà ta sẽ không làm nếu không được trả hậu hĩnh. Nhưng tôi không biết gì về chuyện này nên tôi không muốn nói thêm về nó. Cái tôi muốn nói không phải là chuyện cho con nuôi mà là sự ghen tị khi tôi nhìn thấy những đứa trẻ đó. Chúng thật là may mắc được đi Mỹ khi còn nhỏ xíu chưa biết gì. Chúng sẽ được nuôi dạy thành người Mỹ một cách dễ dàng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc. Và dù đã sống ở đây một thời gian dài nhưng chưa ai cho không tôi cái gì bao giờ. Nếu bạn sinh ra ở nông thôn thì bạn nên ở lại đó. Nếu bạn muốn lên thành phố thì cần phải có giấy thông hành. Còn ra nước ngoài thì hãy quên đi. Những người ngoại tỉnh tới thành phố làm việc như chúng tôi chỉ đủ tay làm hàm nhai, tránh va chạm với luật pháp đã là may lắm rồi.
Tôi đang suy nghĩ miên man thì tay vệ sĩ véo vào cùi tay tôi và bảo, “Này! Thức dậy đi! Cũng nói để cậu biết luôn tên tôi là Yu Wei[15]. Ông Yu Wei nghe rõ chưa, đồ khốn. Đừng có quên đấy.”
Sau này Yu Wei bảo tôi rằng Lou-zhen phải chạy vội về Bắc Kinh vì em trai của bà ta bị thương nặng trong cuộc bạo động sau cuộc biểu tình ở Thiên An Môn. Anh ta bị gãy tay và bị bắt. Lou-zhen có hai em trai cùng cha khác mẹ, trẻ hơn bà ta một chút. Một người là nghệ sĩ, chuyên ngành in ấn, sống ở Thượng Hải. Người kia sống ở Bắc Kinh và có một ban nhạc rock với vài người bạn. Ban nhạc của cậu ta đã tổ chức nhiều cuộc biểu diễn trước chỗ sinh viên cắm trại biểu tình hòa bình ở quảng trường Thiên An Môn.
Lou-zhen đi Bắc Kinh lâu hơn dự định. Bà ta vẫn chưa tìm ra cách nào để giúp em trai mình nên phải kéo dài chuyến đi. Nếu cha bà ta sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình thì có thể lôi con trai ra khỏi tù ngay lập tức. Nhưng các buổi biểu diễn của cậu ta đã được ghi hình và phát lên bản tin thời sự gây ra sự chú ý của cả nước và thế giới nên thả cậu ta ra không hề đơn giản. Thế nào cũng có dư luận nếu họ thả cậu ta ra. Thậm chí, Yu Wei bảo, chính quyền còn phải tỏ ra cứng rắn hơn với cậu ta để làm gương.
Ba người con của ông Li đều được gửi sang Mỹ du học với những khoản tiền trợ cấp khổng lồ rồi được tạo điều kiện để làm việc trong những ngành thời thượng có yếu tố nước ngoài tại những thành phố mà họ muốn. Thật ra là trên cả may mắn. Là một đảng viên cao cấp, Li đã sử dụng quyền lực của mình để tư lợi.
Nghe Yu nói thế tôi thấy ghen tức nhiều hơn là tức giận. Lại một lần nữa: Ở Trung Quốc, số phận một người được định đoạt bởi chỗ anh ta sinh ra. Nếu tôi sinh ra trong gia đình một ủy viên chính trị, thì sẽ không bao giờ xảy ra tội ác này. Tôi lại bị giày vò vì sự thiếu may mắn của mình.
Hai tuần đã trôi qua nhưng Lou-zhen vẫn chưa trở lại. Bà ta vẫn bận rộn chạy quanh Bắc Kinh để lo lót cho em trai mình được thả. Nếu là tôi, tôi sẽ chả quan tâm tới em trai cùng cha khác mẹ của mình làm gì. Nhưng có lẽ, với một người như Lou-zhen, vốn sinh ra trong giàu sang thì không thể chỉ nghĩ tới bản thân khi lợi ích của cả gia đình bị đe dọa.
Ngày nào Lou-zhen cũng gọi điện thoại cho Yu Mei. Khi nói chuyện với bà ta, Yu Mei quay sang nháy mắt với tôi vẻ biết tỏng, rồi nhăn nhó mặt đủ kiểu. Phải cố gắng lắm tôi mới không phá lên cười.
Tôi trở thành chiến hữu của Yu Wei trong thời gian Lou-zhen vắng mặt. Chúng tôi cùng xem phim, uống rượu của Lou-zhen và về cơ bản tự tìm cách giải sầu. Chủ đề ưa thích của chúng tôi là bàn luận về vụ biểu tình ở Thiên An Môn. Yu Wei chỉ vào một phụ nữ trẻ, một nhà hoạt động xuất hiện trên bản tin thời sự mà chúng tôi đang theo dõi. Cô ta đang huy động mọi người tụ tập xung quanh mình. “Cô này là rắc rối lắm đây, Zhe-zhong. Nhìn mắt cô ta là biết. Dính phải một đứa con gái như thế này đúng là gặp họa.”
Yu Wei ba mươi hai tuổi. Anh ta nói là người Bắc Kinh nhưng thực ra là con một gia đình nông dân ở ngoại ô thành phố. Mẹ anh ta là người giúp việc cho gia đình họ Li và nhờ thế mà xin được cho anh ta chân vệ sĩ.
Yu Mei cũng là một người có ảnh hưởng xấu. Anh ta mua rượu whiskey rẻ tiền trộn lẫn với rượu scotch của Lou-zhen. Anh ta lục thùng rác lấy những bản nháp thư từ, tài liệu mà Lou-zhen vứt đi. Anh ta bảo rằng phải giữ chúng để phòng thân, nếu cần thì để tống tiền bà ta. Anh ta cũng lục lọi ngăn kéo của bà ta để tìm chìa khóa két của bà ta. Tôi chỉ lo nếu anh ta bị phát hiện thì thế nào tôi cũng là kẻ giơ đầu chịu báng nhưng anh ta chỉ cười và bảo tôi là đồ nhát chết.
Hôm chúng tôi nhận được tin Lou-zhen sẽ trở về chiều hôm sau, Yu Wei và tôi đi lên bể bơi trên tầng thượng. Đối với Yu Wei đây là một thú vui bị cấm đoán.
“Mẹ kiếp, đúng là một kiểu thiên đường!” Yu Wei nói.
Bể bơi dài hai mươi lăm mét, nước trong vắt, đáy bể sơn màu xanh tạo thành những lớp sóng trập trùng dưới ánh mặt trời. Một cơn gió nóng khẽ thổi qua. Những con phố phía dưới rất ầm ĩ nhưng không một tiếng động nào lọt được vào không gian yên tĩnh trên này. Quanh bể bơi chưa có tới mười người, chẳng có ai bơi. Tất cả đều ngồi tắm nắng không để ý gì tới xung quanh.
Ở góc sân có một quầy bar nhỏ. Tôi không biết cô ta tới từ lúc nào nhưng có một phụ nữ trẻ đang ngồi đó uống cocktail như đang chờ đợi ai. Tóc cô ta dài xõa xuống lưng. Cô ta chỉ đeo mỗi kính râm và mặc một bộ bikini thiếu vải. Phụ nữ tử tế thường không ra bể bơi một mình nên tôi đoán cô ta hẳn là gái điếm đang chờ kiếm khách.
“Tôi đang tự hỏi không hiểu cô ta có chịu đi với chúng ta không?”
Nghe tôi nói thế, Yu Wei chìa cho tôi xem cuộn tiền anh ta giấu dưới khăn tắm. “Với cái này thì có đấy.”
“Anh lấy trộm ở đâu ra đấy?”
Đó hẳn là tiền của Lou-zhen. Chúng tôi có thể thoát vụ trộm rượu nhưng thụt két của bà ta thì thật là lớn chuyện. Tôi sợ xanh mặt.
“Bỏ mẹ. Nếu bà ta nghĩ tôi lấy thì sao?”
“Đừng lo!” Yu Wei trả lời vẻ bực bội. Anh ta châm một điếu thuốc. “Chúng ta sẽ lấy lại của cô ta sau khi làm xong chuyện đó và để vào chỗ cũ trước khi trời sáng.”
“Vậy thì tiến hành thôi.”
Yu Wei rút ra vài tờ ấn vào tay tôi. Cô gái kia đang ngậm ống hút, mắt nhìn về hướng khác không để ý thấy chúng tôi đang lại gần. Cô ta trông thực sự quyến rũ. Chân tay dài, mảnh mai, mặt hình trái xoan thanh thoát.
“Xin chào,” tôi lên tiếng.
Cô gái quay lại, thở hắt ra vẻ kinh ngạc rồi bỏ kính ra. Tôi ngỡ ngàng nhìn đôi mắt to của Mei-kun lúc này đang chan chứa lệ.
“Zhe-zhong!”
“Chuyện gì vậy?” Yu Wei hỏi vẻ nghi ngờ.
“Đây là em gái tôi!”
“Vậy sao. Anh trai và em gái? Cũng giống nhau thật.”
Tôi tức tối nhìn sự thay đổi trên nét mặt của Yu Wei, chuyển từ ngạc nhiên sang khinh bỉ. Anh ta hẳn nghĩ mình đang đối diện với một cặp anh em làm điếm.
Càng nhìn gần mới càng thấy rõ Mei-kun giống gái điếm. Con bé trang điểm quá sặc sỡ, tóc nhuộm màu nâu đỏ hệt như một gái đứng đường mạt hạng. Tôi rất mừng gặp lại con bé nhưng không khỏi chua xót. Em bỏ anh lại ở ga Quảng Châu để trở nên thảm thương thế này hay sao? Đúng như tôi dự đoán! Tôi những muốn hét lên vào mặt con bé. Lòng tôi rối bời, không biết phải làm gì nữa. Tôi chỉ biết đứng đó, bàng hoàng không nói nên lời cho tới khi Mei-kun vỗ nhẹ lên vai Yu Wei và bảo. “Anh không phiền chứ? Chúng tôi có rất nhiều chuyện để nói với nhau. Hãy để chúng tôi nói chuyện riêng một lúc được không?”
Yu Wei nhún vai khinh khỉnh rồi mua một ly bia và tới ngồi ở đằng xa giở báo ra đọc.
“Ôi Zhe-zhong, gặp lại anh em mừng quá! Hãy đưa em đi khỏi Quảng Châu được không? Cái tên Jin-long đó đúng là con rắn độc. Hắn bắt em đi khách, sau đó lấy hết tiền. Nếu than vãn thì hắn sẽ đánh đập không thương tiếc. Giờ hắn đang chờ em ở dưới sảnh. Hắn bắt em để tìm khách. Mình cùng bỏ trốn được không?
Mei-kun vừa lo lắng vừa nhìn xung quanh. Tôi bàng hoàng nhìn con bé, đâu rồi Mei-kun lúc nào cũng đầy tự tin, biến hóa linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Nhưng tôi là ai cơ chứ? Ngay khi Lou-zhen trở về, tôi sẽ phải đi theo bà ta như một con cún. Cả hai anh em ra đến nông nỗi này, còn gì chua xót hơn? Tôi cảm thấy cay đắng, như thể đang bị dập vùi bởi một thế lực phi thường mà không tài nào cưỡng lại nổi. Nếu chưa trải qua chuyện này, các ngài sẽ không thể nào hiểu nổi cảm giác đó. Cảm giác của một kẻ không thể trốn chạy. Tại sao tôi lại sợ Lou-zhen đến vậy?
“Nói thì dễ. Nhưng chúng ta sẽ đi đâu?”
Tôi lên tiếng một cách yếu ớt, đầu óc mơ hồ. Nhưng Mei-kun lập tức trả lời vẻ chắc chắn. “Hãy tới Thẩm Quyến.”
Vậy là giống như lần trước, Mei-kun đã xác định điểm kế tiếp trong cuộc hành trình của tôi: Thẩm Quyến. Nghe nói nơi đó cũng là đặc khu kinh tế. Ở Thẩm Quyến có rất nhiều việc làm, lương lậu cũng khá. Tôi ở Nhật cũng đã nhiều năm nhưng mỗi lần qua ga Shinsen tôi lại nhớ về Trung Quốc. Hai địa danh Thẩm Quyến (Shenzhen) và Shinsen phát âm gần giống nhau. Ga tới là Shinsen, người lái tàu sẽ nói trong loa và trong giây lát tôi như quay trở lại khoảnh khắc đó. Thật là một cảm giác lạ lùng.
“Hay đấy, nhưng tới đó bằng cách nào?”
Tôi vô vọng nhìn lên trời. Một khi phát hiện tôi bỏ trốn, Lou-zhen sẽ truy tôi tới cùng bằng ảnh hưởng và quan hệ rộng rãi của bà ta. Tôi không muốn kết thúc ở trong tù, dưới đáy của xã hội. Mei-kun túm chặt lấy tay tôi và giậm chân quả quyết.
“Nghe này, chúng ta phải quyết định ngay. Chúng ta sẽ không bao giờ có được một cơ hội như thế này.”
Tôi quay sang ngó Yu Wei. Anh ta đang đang gườm gườm nhìn tôi. Không hiểu anh ta có nghi ngờ gì không?
“Zhe-zhong, chẳng lẽ anh muốn suốt đời em làm gái điếm hay sao?”
Không. Tôi lắc đầu, giống như bị ai đó tát vào mặt. Lại một lần nữa tôi có thể chắc chắn không ai có thể hiểu được cảm xúc của tôi lúc đó. Tôi lớn lên cùng với Mei-kun, tình cảm vô cùng thân thiết, con bé là một người rất quan trọng với tôi. Nhưng từ khi bị con bé bỏ rơi, lòng tôi sinh ra thù hận. Thù hận là một thứ đáng sợ khiến tim tôi đen tối, chỉ mong Mei-kun cũng phải hứng chịu một số phận cay đắng. Nhưng khi biết rằng con bé đang đau khổ, lòng tôi nào thấy vui. Nhìn con bé như vậy, tôi chỉ thêm đau đớn. Rốt cuộc, tôi quyết định bỏ trốn với Mei-kun với một lý do: Tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ con bé ngủ với những người đàn ông khác. Chuyện đó làm tôi ghen tức. Như thể một thứ mà tôi sở hữu, một thứ gì đó của riêng tôi bị người khác phá hủy.
“Nhưng anh phải làm sao? Yu Wei lúc nào cũng theo sát anh.”
Ngay khi nghe tôi giải thích về tình hình hiện nay của mình, Mei-kun nhanh chóng bảo, “Không sao. Chỉ cần bảo anh ta là em muốn quan hệ với anh ta. Chúng ta sẽ diễn một tí, được không?”
Tôi dắt tay Mei-kun đến chỗ Yu Wei.
“Yu Wei, em gái tôi bảo rất thích anh.”
Yu Wei đẩy ghế đứng dậy, trông mặt rất hãnh diện.
“Vậy sao? Cậu đã nói giùm tôi có đúng không?”
Yu Wei rảo bước đi trước đầy vẻ tự tin. Chúng tôi theo sau. Ba người chúng tôi trở lại căn hộ của Lou-zhen. Mei-kun có vẻ ngỡ ngàng trước tiện nghi sang trọng của căn hộ. Con bé nhìn tôi vẻ ganh tị.
“Zhe-zhong, anh sống ở đây sao? Thật là tuyệt vời. Cứ như là trong mơ ấy. Anh có điều hòa, vô tuyến và phục vụ tại phòng nữa.”
Yu Wei cố nhịn để không phá lên cười. Hành vi của anh ta khiến tôi khó chịu.
“Yu Wei, em gái tôi không phải loại rẻ tiền đâu đấy. Anh phải trả trước một nghìn tệ đấy!”
Yu Wei không phản đối, đưa cuộn tiền lúc nãy cho em gái tôi. Đó là tiền anh ta lấy cắp trong két sắt của Lou -zhen. Tôi không biết phải làm gì với nên để cuộn tiền lại trên bàn. Nếu Lou-zhen buộc tội tôi ăn cắp tiền thì rắc rối to. Trong lúc Yu Wei đi vào phòng ngủ bật điều hòa thì Mei-kun thì thào, “Chúng ta sẽ bỏ trốn trong lúc anh ta tắm. Hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng nhé Zhe-zhong.”
Mei-kun cầm tay Yu Wei và cùng anh ta biến vào phòng ngủ. Tôi có thể nghe thấy tiếng vòi hoa sen. Tôi bồn chồn đứng ngồi không yên. Tôi không tài nào tĩnh tâm được. Bất chợt Mei-kun chạy ra khỏi phòng.
“Zhe-zhong, đi thôi.”
Tôi cầm lấy tay con bé và chạy ra khỏi căn hộ khách sạn.
Trong hành lang, con bé bắt đầu phá lên cười, “Ôi, thật là tuyệt!” Nhưng tôi quá lo lắng không cười theo nổi.
Khi đã vào được thang máy tôi mới rú lên vì đột nhiên nhớ ra mình đã bỏ quên chiếc áo thun màu hồng mua cho Mei-kun. Nhưng con bé lúc này chỉ quan tâm tới tiền.
“Ôi trời, em chua bao giờ kiềm được bằng này tiền.”
Con bé giơ tiền ra trước mặt tôi. Đó là số tiền tôi để lại trên bàn.
“Sao em lại lấy chúng? Đấy không phải là tiền của Yu Wei đâu!”
“Đừng có ngốc thế. Không có tiền thì làm sao chạy trốn được.”
Mei -kun nói rồi nhét tiền vào túi xách.
“Anh thế là thành án rồi!”
Nhưng Mei-kun chẳng thèm để ý. Trong bốn tháng ngắn ngủi kể từ khi chia tay ở ga Quảng Châu, em gái tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi ngắm khuôn mặt Mei-kun, gương mặt đứa em gái mà tôi vô cùng yêu quý. Cái mũi hơi hếch. Đôi môi hơi cong trên một khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương. Tôi những muốn ôm lấy cơ thể mảnh mai của nó. Con bé quá đẹp nhưng trái tim nó quá đen tối.
Tôi chắc chắn rằng chạy trốn với tiền của Lou-zhen, tôi như bị đóng dấu phạm tội vào lưng. Lòng tôi nặng trĩu. Ở một khía cạnh nào đó, chiếc áo thun màu hồng mà tôi bỏ quên lại chính là hình ảnh tưởng tượng cho những gì đã xảy ra với tôi. Đó là sự ngây thơ trong sáng của tôi và Mei-kun trước đây. Tôi đã bỏ nó lại trong căn phòng của Lou-zhen. Và tôi sẽ sống đời này mà không cách nào giành lại được.
Trong lúc chạy qua sảnh, tôi nhìn thấy một người đàn ông mặc sơ mi Hawaii đang ngồi hút thuốc trên ghế sô pha. Hắn ta giật mình nhìn lên khi nghe thấy tiếng bước chân của chúng tôi. Đó là Jin-long. Hắn ta đeo kính râm nhưng tôi đã nhận không lầm người. Hắn ta bật dậy đuổi theo chúng tôi. Taxi! Tôi lập tức gọi một người gác cổng. Và thế là chúng tôi chạy trốn khỏi Quảng Châu một cách tuyệt vọng.
Thôi được, thanh tra Takahashi vừa nhắc nhở tôi đừng viết quá nhiều chi tiết dư thừa. Tôi được cho cơ hội quý báu này để viết về tội ác mà tôi phạm phải. Tôi đã giết một người phụ nữ mà thậm chí tôi không quen biết và tôi sẽ phải ghi lại cái hành động ngu ngốc đó ra đây. Nhưng tôi lại nói mãi về cái tuổi niên thiếu vớ vẩn của mình và tất cả những việc làm đáng hổ thẹn mà tôi đã dự phần. Tôi xin lỗi ngài, thanh tra Takahashi và Quý tòa vì đã bắt các ngài đọc những dòng lảm nhảm trên.
Tuy nhiên, tôi viết về cuộc sống trước đây ở quê nhà để các ngài có thể hiểu được tất cả những gì tôi hằng mong muốn chỉ là một cơ hội được kiếm tiền trong sạch, để có thể sống một cách tự lập và thoải mái mà không cần phải làm điều gì sai trái. Thế nhưng giờ đây tôi đang ở trong tù, ngày nào cũng bị cảnh sát tra khảo và thậm chí còn mang một nỗi ô nhục vì bị cho là nghi phạm giết hại Kazue Sato. Tôi không dính dáng gì đến cái chết của cô ấy. Tôi đã nhiều lần khẳng định điều này. Nhưng hãy để tôi nhắc lại thêm một lần nữa: Tôi hoàn toàn không liên quan gì đến vụ giết hại Kazue Sato. Tôi không biết gì về cô ấy nên tôi không thể viết gì về cô ấy ở đây. Thanh tra Takahashi bảo tôi chỉ viết về những gì liên quan tới tội ác mà ta đang nói tới nên tôi muốn nhanh chóng hoàn tất lời khai của mình.
Cần phải có giấy phép để vào được đặc khu kinh tế Thẩm Quyến mà chúng tôi thì chẳng có gì trong tay. Thế nên chúng tôi quyết định đến thành phố Đông Quan, một thành phố nhỏ gần đó, để tìm việc. Vì là vùng cận biên nên Đông Quan là một thành phố khá hưng thịnh, nơi để những người làm việc ở Thẩm Quyến ném tiền qua cửa sổ. Cũng buồn cười vì những người Trung Quốc sống ở Hồng Kông thì thấy giá cả ở Thẩm Quyến rẻ hơn nên tới đó để mua sắm và giải trí. Còn người ở Thẩm Quyến thì lại đến Đông Quan để tiêu tiền. Mei-kun tìm được việc trông trẻ cho những người phụ nữ làm việc ở quán bar còn tôi làm việc ở một nhà máy đồ hộp.
Tôi cho rằng đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời mình. Hai chúng tôi sống hòa thuận, giúp đỡ nhau như một cặp vợ chồng và sau gần hai năm lao động vất vả chúng tôi dành đủ tiền để mua giấy phép tới Thẩm Quyến. Chúng tôi chuyển tới Thẩm Quyến vào năm 1991 và tìm được việc làm tại câu lại bộ karaoke lớn nhất ở Thẩm Quyến. Mei-kun làm tiếp viên phục vụ còn tôi làm trợ lý cho người quản lý. Mei-kun chính là người giúp tôi xin được công việc này. Khi người ta mời Mei-kun đi làm, con bé nói sẽ chỉ nhận lời nếu người ta thuê cả tôi. Tôi không khoái việc con bé làm tiếp viên. Tôi lo lắng, sợ môi trường này dễ khiến con bé trượt chân vào nghề cũ. Mei-kun thì lại sợ tôi phải lòng một trong những cô gái làm việc trong câu lạc bộ. Thế nên chúng tôi vừa làm việc vừa canh chừng nhau, đúng là một mối quan hệ anh trai em gái không bình thường.
Tại sao tôi lại tới Nhật? Tôi vẫn thường tự hỏi. Em gái tôi là người quyết định số phận tôi. Thành thực mà nói tôi đã luôn muốn được đi Mỹ. Nhưng Mei-kun kịch liệt phản đối chuyện đó. Ở Mỹ, công nhân Trung Quốc bị bóc lột và chỉ được trả khoảng một đô la mỗi ngày. Nhưng ở Nhật, chúng ta có thể dành được nhiều tiền hơn để dành dụm sau này tới Mỹ. Những lý lẽ đầy logic của Mei-kun luôn chiến thắng thói do dự không quyết đoán của tôi. Tôi không đồng ý với con bé như thường lệ, tôi không đủ can đảm chống lại nó.
Thế rồi một chuyện đã xảy ra khiến tôi đổi ý và quyết định sang Nhật sớm hơn dự định. Một hôm, chủ câu lạc bộ gọi tôi lên hỏi.
“Có một người đàn ông từ Quảng Châu tới hỏi thăm một người họ Zhang, quê ở Tứ Xuyên. Có vẻ như anh ta đang dò hỏi ở khắp mọi nơi. Có phải cậu là người anh ta đang tìm không?”
“Có rất nhiều người Tứ Xuyên mang họ Zhang.”, tôi trả lời thản nhiên không hề chớp mắt. “Thế anh ta muốn gì?”
“Anh ta nói có gì đó liên quan đến Thiên An Môn. Có vẻ như anh ta còn trao phần thưởng cho ai tìm thấy!”
“Trông anh ta thế nào?”
“Anh ta đi cùng với một người phụ nữ. Trông dáng vẻ chả tử tế gì còn người phụ nữ thì có đôi mắt ti hí.”
Chủ câu lạc bộ, một người vốn không thích rắc rối, nhìn tôi vẻ nghi ngờ. Lou-zhen đã cử Yu Wei và Bai Jie đi tìm chúng tôi. Tôi cảm thấy mặt mình không còn giọt máu nào và phải cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh. Nếu chúng treo phần thưởng thì chẳng mấy chốc ai đó sẽ bán đứng chúng tôi. Tất cả mọi người ở Thẩm Quyến đều chạy theo đồng tiền.
Tối hôm đó khi trở về nhà, tôi bàn bạc với Mei-kun. Con bé nhướn mày bảo. “Zhe-zhong, thật ra có chuyện này em chưa nói với anh. Hôm nọ em nhìn thấy một gã trước cửa ga trông giống hệt như Jin-long. Em sợ rằng không sớm thì muộn hắn sẽ tìm đến câu lạc bộ. Có lẽ là vận may của chúng ta đã hết.”
Câu lạc bộ karaoke chúng tôi làm việc rất nổi tiếng và đắt, vốn không phải là nơi dân địa phương lui tới. Phần lớn khách hàng ở đây đến từ Hồng Kông hay Nhật Bản. Tôi không nghĩ sẽ chạm trán với Jin-long ở đây. Nhưng Thẩm Quyến cũng không phải là quá lớn nên chẳng chóng thì chày chúng tôi cũng sẽ đụng đầu với hắn. Mọi chuyện bắt đầu trở nên nguy hiểm nếu chúng tôi ở lại đây.
Hôm sau tôi bắt đầu đi tìm một tên dẫn mối để dẫn chúng tôi vượt biên sang Nhật. Chúng tôi có thể tới Thượng Hải và trả tiền cho các tay anh chị khác để xử lý Jin-long. Nhưng Lou-zhen thì không được. Em trai của bà ta ở Thượng Hải và chả mấy ai muốn dây dưa vào mạng lưới chính quyền mà bà ta ảnh hưởng. Sẽ không dễ dàng chút nào. Đúng lúc đó thì một tiếp viên người Xương Lạc, Phúc Kiến, bảo tôi về một tên dẫn mối mà cô ta biết. Tôi gọi hắn ta ngay lập tức và đề nghị hắn ta đưa chúng tôi sang Nhật.
Tên dẫn mối muốn chúng tôi trả trước một triệu để làm hai hộ chiếu giả. Số tiền còn lại sẽ trả nốt khi tới Nhật và kiếm được được việc làm, thêm hai triệu tệ mỗi người. Tổng cộng là năm triệu tệ. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Từ khi biết mình bị săn đuổi tôi liên tục ngoái lại đằng sau cứ như người có tật ở cổ.
Mồng chín tháng Hai 1992: Chừng nào còn sống tôi sẽ không thể quên được cái ngày hôm đó. Đó là ngày chúng tôi vượt biển sang Nhật. Thật là trùng hợp một cách ngẫu nhiên khi đúng ngày này ba năm về trước, hai chúng tôi bỏ trốn khỏi làng. Chỉ có những người nhập cư vào đất nước này bằng con đường đó mới có thể hiểu nổi nỗi hiểm nguy mà tôi và những người đồng hương phải đối mặt. Và khi nghĩ đến cái chết của em gái tôi, lòng tôi lại ngập tràn cay đắng. Tôi không muốn nhắc lại chuyện này với bất cứ ai nên tôi sẽ trình bày ngắn gọn, không đi sâu vào chi tiết.
Trên tàu có bốn mươi chín người. Phần lớn đều là thanh niên xuất thân Phúc Kiến. Cũng có một số phụ nữ trạc tuổi Mei-kun. Tôi nghĩ là họ đều đã có chồng, căn cứ vào cái cách họ ngồi nép vào người đồng hành nam giới, mắt cụp xuống. Họ đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi về hành trình vượt biển đầy cam go nhưng nhất quyết không muốn trở thành gánh nặng cho chồng. Nhưng Mei-kun thì không hề lo lắng. Con bé lấy tấm hộ chiếu màu nâu ra xem đi xem lại nhiều lần và vuốt ve nó với vẻ sung sướng. Con bé không nghĩ có ngày lại được cầm một tấm hộ chiếu như thế này.
Lúc đầu tất cả chúng tôi được đưa lên một chiếc tàu nhỏ, chỉ là tàu đánh cá bình thường. Chúng tôi ngồi chen chúc hai bên mạn tàu và rời cảng Xương Lạc lúc biển êm ả, thời tiết ấm áp. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng tới khi ra xa bờ, tới vùng biển sâu thì gió bắt đầu thổi mạnh. Con tàu tròng trành, chao đảo dữ dội vì sóng lớn. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới được một tàu chở hàng lớn. Thuyền trưởng tàu đánh cá đưa cho mỗi người chúng tôi một cái tuốc nơ vít và bảo chúng tôi lên tàu lớn. Tôi không biết sẽ dùng chiếc tuốc nơ vít ấy vào việc gì cho tới khi leo được lên boong tàu.
Khi tất cả mọi người lên được tới nơi, người ta dẫn chúng tôi tới một container hẹp bằng gỗ. Họ đóng nó chặt khít tới mức nhìn bên ngoài không ai bảo là có người bên trong. Bên trong container tối như hũ nút. Với bốn mươi chín người lèn vào một chỗ chật chội như vậy, không khí trở nên đặc quánh và hôi hám.
“Hãy dùng tuốc nơ vít chọc các lỗ ở bên cạnh”, Tôi nghe thấy tiếng ai đó hét lên. Khắp nơi xung quanh tôi vang lên những tiếng nện đục khủng khiếp khi ai cũng cố chọc cho mình một lỗ thông khí ở bên cạnh của container. Đến lượt mình, tôi dùng hết sức để chọc một lỗ, nhưng dù cố gắng thế nào đi nữa tôi cũng chỉ xoay xở khoét được một lỗ bé tí khoảng vài mi li mét. Tôi nhét miệng vào cái lỗ đó và hít thở không khí trong lành bên ngoài. Tôi sẽ không chết. Dần dần nỗi hoảng sợ vì nguy cơ bị chết ngạt biến mất. Nhưng chẳng bao lâu, chúng tôi bị bao bọc bởi mùi hôi thối. Vì lúc đầu chúng tôi còn để dành một góc để đi vệ sinh nhưng tới ngày thứ hai thì gần như toàn bộ sàn container đã ngập ngụa phân và nước tiểu. Mei-kun, người bắt đầu chuyến đi với tâm trạng đầy phấn khích, giờ đã trở nên lầm lì. Con bé đeo lấy tay tôi và không chịu bỏ ra. Mei-kun bắt đầu mắc chứng bệnh sợ không gian hẹp.
Vào ngày thứ tư của hành trình, động cơ của tàu dừng lại. Chúng tôi có thể nghe thấy thủy thủ đoàn bận rộn đi lại trên boong. Chúng tôi vừa tới Đài Loan. Nhưng không ai nói gì với chúng tôi nên tôi cứ tưởng đã tới Nhật.
Mei-kun lúc này đang dựa vào tôi như keo dán, buồn nôn vì say sóng cộng thêm chứng sợ không gian hẹp đột ngột ngồi dậy túm chặt lấy áo khoác của tôi.
“Chúng ta đang ở Nhật rồi à?”
“Có thể.”
Tôi không biết nên chỉ nhún vai tỏ vẻ không chắc. Nhưng Mei-kun đứng bật dậy và cuống cuồng chải đầu, không giấu nổi vui mừng. Nếu trong container mà có ánh sáng, chắc con bé sẽ bắt tay vào trang điểm. Nhưng suốt một ngày, con tàu vẫn neo tại chỗ. Không có ai tới tìm chúng tôi. Mei-kun không thể nào ngồi yên một chỗ. Con bé liên tục đứng dậy rờ tay lên thành container và đập điên cuồng vào đó bằng lòng bàn tay.
“Thả tôi ra!”
Một trong những người đàn ông quê Phúc Kiến đang ngồi xổm trong bóng tối thì thầm bảo tôi, giọng khàn khàn, “Anh cần phải làm cho cô ấy bình tĩnh trở lại. Đây mới chỉ là Đài Loan mà thôi.”
Nghe thấy hai từ Đài Loan, Mei-kun như phát điên. “Nếu là Đài Loan tôi cũng kệ. Tôi phải đi ra ngoài. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa! Có ai đó không, giúp tôi với!” Con bé bắt đầu đập ầm ầm vào thành container và la hét điên cuồng.
“Này, làm gì với mụ đàn bà của anh đi chứ. Nếu họ nghe thấy cô ta thì tất cả chúng ta sẽ đi đời nhà ma.”
Đáng lẽ tôi nên nhẹ nhàng hơn nhưng bốn mươi bảy đôi mắt trừng trừng sau lưng khiến tôi đành phải dang tay quất mạnh vào mặt Mei-kun cho con bé im mồm. Ngay khi bị đánh, Mei-kun đổ sập xuống như một con rối bị giật mất dây. Con bé ngã xuống sàn container bẩn thỉu, ngập ngụa và đồ nôn trớ rồi nằm đó, mắt ngửa lên, mắt trừng trừng nhìn vào bóng tối. Tôi thấy lo lắng khi con bé không động đậy nhưng tôi không thể cho phép Mei-kun đe dọa mạng sống của tất cả mọi người khác trong container. Chừng nào con bé còn im lặng thì tốt nhất là cứ để kệ con bé nằm đấy. Sau này, nhớ lại tấn bi kịch khủng khiếp đó, tôi không thể tin rằng có lẽ chính tôi đã kết thúc cuộc đời của Mei-kun với cái tát ngang mặt đó. Không, không phải Mei-kun. Nó là một người mạnh mẽ và quyết đoán hơn nhiều.
Ngày hôm sau, cuối cùng con tàu cũng chịu rời khỏi Đài Loan. Nó chậm chạp rẽ biển trong cơn thịnh nộ mùa đông để tới Nhật Bản. Mei-kun vẫn nằm nguyên chỗ đó, như một kẻ bán thân bất toại, không ăn cũng không nói gì. Tới ngày thứ sáu thì họ mở container ra. Không khí ngoài biển lạnh lẽo, gần như băng giá. Nhưng sau khi bị nhốt kín trong không gian hối thối của container, tôi cảm thấy nó thật tinh khiết, tuyệt vời. Tôi hít đầy không khí vào trong lồng ngực. Mei-kun loạng choạng tự đứng dậy một mình. Con bé nhìn tôi mỉm cười yếu ớt và bảo, “Thật là khủng khiếp.”
Hàng triệu lần tôi cũng không tin rằng đó là những lời cuối cùng của Mei-kun. Nhưng chỉ chưa đầy hai mươi phút sau khi chúng tôi trèo xuống một thuyền nhỏ chở chúng tôi vào bờ trong bóng đêm thì tai nạn xảy ra. Vì một lý do nào đó mà cái giây phút khi Mei-kun đặt chân lên tàu thì đại dương đang yên ả nãy giờ bỗng nhiên nổi song lớn. Mei-kun rơi xuống nước mà không ai kịp chìa tay ra giữ. Tôi lên tàu trước con bé và cố túm lấy tay nó nhưng mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Tôi chìa tay ra nhưng chỉ chạm vào không khí. Khi rơi xuống biển, Mei-kun chỉ kịp ngước nhìn tôi với một vẻ hụt hẫng rồi biến mất trong sóng nước. Tay con bé quẫy một lúc như vẫy chào tạm biệt, còn tôi chỉ biết đứng nhìn trong cơn mê sảng. Ngay cả muốn cứu con bé, tôi cũng không biết bơi. Tôi hét gọi tên nó. Nhưng không ai có thể làm gì được. Chúng tôi chỉ biết đứng nhìn xuống mặt nước tối đen. Em gái thân yêu của tôi đã chết dưới biển mùa đông lạnh lẽo khi nước Nhật mà nó khao khát đang ở ngay trước mắt.
Câu chuyện dài, lủng củng của tôi đã sắp tới hồi kết. Xin ngài thanh tra Takahashi chiếu cố tới tôi mà đọc cho hết. Thanh tra Takahashi đã đặt tiêu đề cho bản tự trạng này là “Những tội ác của tôi” và chỉ thị cho tôi nhớ lại những hành vi sai trái của mình bằng cách viết về thời niên thiếu và tất cả lỗi lầm trong quá khứ. Giờ đây, khi làm sống lại tất cả những hồi ức trước kia, tôi không khỏi nghẹn ngào vì hối hận. Tôi thực sự là một kẻ đáng khinh bỉ. Tôi đã không thể cứu Mei-kun, đã giết hại Yuriko Hirata mà vẫn tiếp tục sống như không có chuyện gì xảy ra. Tôi những mong quay ngược lại thời gian và làm lại từ đầu. Một lần nữa được trở lại làm cậu bé khi xưa sống bên cạnh em gái nhỏ. Tương lai mới xán lạn và đầy hứa hẹn làm sao! Thế mà giờ đây tôi chẳng có gì ngoài tội ác này. Một tội ác khủng khiếp mà chỉ có loài cầm thú mới có thể phạm phải. Tôi đã giết hại người phụ nữ đầu tiên tôi gặp ở đất nước xa lạ này. Tôi tin rằng việc tôi trở thành một kẻ độc ác như vậy là vì tôi đã đánh mất Mei-kun, linh hồn của tôi.
Với thân phận nhập cư bất hợp pháp, tôi sống trên nước Nhật như một con mèo hoang, chui lủi nay đây mai đó, lúc nào cũng sợ bị người khác để ý. Người Trung Quốc vốn quen sống cộng đồng, gần nhà và dựa vào gia đình. Nhưng tôi ở đây, cách quê hương và gia đình hàng trăm cây số. Tôi không có ai giúp tìm việc hay chỗ ở, tôi tự phải làm tất cả. Và khi mất đi em gái, tôi chẳng còn ai để an ủi, động viên. Sau ba năm làm việc cực nhọc, cuối cùng tôi cũng trả hết nợ cho bọn dẫn mối. Nhưng rồi tôi chẳng còn mục đích nào để phấn đấu trong cuộc sống, thậm chí tôi mất cả động cơ để dành tiền. Phần lớn những người đàn ông khác mà tôi biết đều có vợ con ở Trung Quốc nên họ làm việc để gửi tiền về nhà. Tôi thấy ghen tị với họ.
Vào thời điểm đó, tôi gặp một phụ nữ Đài Loan làm việc ở đường Kabuki. Tôi vừa viết là Hirata là người phụ nữ đầu tiên tôi gặp ở Nhật nhưng thật ra trước đó, tôi đã từng đi xem phim Đất vàng với người phụ nữ Đài Loan này. Bà ta lớn hơn tôi mười tuổi và có hai con ở Cao Hùng. Trong thời gian làm má mì ở một hộp đêm, bà ta đi học tiếng Nhật và dành dụm tiền gửi về cho hai đứa con. Bà ta là một người rất tử tế, đã chăm lo cho tôi mỗi khi tôi lâm vào cảnh tuyệt vọng.
Nhưng cho dù một người có tốt bụng tới đâu, nếu không sinh ra trong cùng một hoàn cảnh với anh thì sẽ không thực sự hiểu được cảm nhận của anh. Bà ấy không thể nào hiểu nổi cái cảm giác sinh ra trong một làng quê nghèo khó, chịu kiếp lao động nhọc nhằn rồi mất đi người em gái là như thế nào. Điều đó khiến tôi trăn trở, và cuối cùng tôi rời xa bà ấy. Đó là lúc tôi đặt quyết tâm đi Mỹ.
Một kẻ vô gia cư thì cũng lại sống kiếp đơn độc. Tuy tôi có ở chung với nhiều người khác trong căn hộ ở Shinsen nhưng tất cả chúng tôi đều là những kẻ cô độc. Thậm chí tôi còn không biết Chen – ji và Huang là tội phạm cho tới khi thanh tra Takahashi bảo tôi. Nếu tôi biết họ là tội phạm thì tôi hẳn không muốn quan hệ gì với họ. Tôi bắt đầu bất hòa với họ vì tôi đang âm thầm chuẩn bi kế hoạch đi New York. Đó không chỉ đơn thuần là những bất đồng về tiền bạc.
Thanh tra Takahashi chỉ trích tôi về việc bóc lột tiền thuê nhà từ những người khác. Nhưng chính tôi là người đứng ra chịu trách nhiệm thuê lại căn hộ của Chen. Tôi phải đảm bảo căn hộ ngăn nắp, sạch sẽ, và là người thanh toán phí điện, nước v.v… Việc họ phải trả thêm tiền là hoàn toàn hợp lý. Các ngài nghĩ ai là người cọ toa lét. Ai là người đổ rác? Chính tôi là người làm tất cả những việc đó, kể cả việc phơi chăn chiếu.
Bị phản bội bởi những người ở cùng khiến tôi rất đau lòng, nhất là Huang. Tất cả những gì anh ta nói chỉ đều là dối trá. Rằng tôi đã quen biết Sato từ lâu, rằng ba chúng tôi có quan hệ với nhau. Toàn là những lời nói dối trắng trợn. Anh ta hẳn có lý do khi cố tình đổ tội cho tôi. Xin các ngài hãy nghĩ tới điều này, thanh tra Takahashi và Quý tòa. Tôi cầu xin các ngài. Tôi biết tôi đã nhắc đi nhắc lại chuyện này nhiều lần nhưng quả thật tôi chưa bao giờ gặp Kazue Sato. Lời buộc tội này là không có cơ sở.
Khi tôi gặp Yuriko Hirata, bất hạnh đã đổ xuống đầu cả hai chúng tôi. Tôi nghe thanh tra Takahashi nói cô Hirata từng có thời gian làm nghề người mẫu và rất xinh đẹp. Thanh tra Takahashi cũng nhắc đi nhắc lại rằng “khi trở nên già và xấu đi, cô ta đã trở thành gái đứng đường rẻ tiền.” Nhưng tôi nghĩ là cô ấy vẫn rất đẹp.
Lần đầu tiên nhìn thấy cô ấy ở đường Kabuki, tôi đã bị lôi cuốn bởi sắc đẹp và sự trẻ trung của cô ấy. Tôi không thèm để ý đến lúc đó đã muộn như thế nào. Đêm đó, khi rời khỏi Futamomokko, tôi cố tình đi vòng qua Kabuki để về nhà. Khi nhìn thấy cô Hirata vẫn đứng đó trong mưa để chờ tôi thì tôi vô cùng sung sướng. Cô ấy nhìn tôi, mỉm cười rụt rè và bảo, “Tôi sắp chết cóng vì đứng đây chờ anh!”
Tôi vẫn nhớ như in cái đêm mưa đó. Cô Hirata cầm một cái ô, mái tóc màu đen xõa xuống lưng, tới gần eo trông giống hệt như Mei-kun. Tim tôi bắt đầu đập rộn rã. Khuôn mặt của cô ấy nữa, trông giống hệt như Mei-kun. Đó là lý do chính khiến tôi bị thu hút bởi cô ấy. Tôi không ngừng tìm kiếm Mei-kun. Những người xung quanh lúc nào cũng bảo, “Em gái cậu chết rồi. Hãy quên nó đi!” Nhưng tôi không thể nào ngừng mơ tưởng rằng con bé vẫn còn đâu đó trên đời này và sớm muộn tôi sẽ gặp lại nó.
Đành là con bé đã biến mất dưới biển đêm hôm ấy. Nhưng nếu có một tàu đánh cá đi qua và cứu sống nó thì sao? Có thể con bé vẫn đang còn sống. Hay nó đã bơi tới một hòn đảo gần đó? Tôi vẫn ấp ủ hy vọng đó. Mei-kun lớn lên ở miền núi giống tôi nên không biết bơi. Nhưng đó là một đứa con gái mạnh mẽ và tài giỏi. Tôi vẫn nhớ đã tình cờ gặp nó tại một bể bơi ở Quảng Châu như thế nào. “Zhe-zhong!” Con bé gọi tôi, mắt chan chứa lệ. Và thế là tôi lại tiếp tục đi loanh quanh trên khắp các đường phố, hy vọng và mong chờ sẽ gặp lại nó.
Gặp tôi lần đầu tiên, cô Hirata đã khen. “Anh có một khuôn mặt đẹp.” Và tôi trả lời, “Cô trông giống hệt em gái tôi. Cả hai người đều rất xinh đẹp.”
“Em gái anh bao nhiêu tuổi?” cô Hirata hỏi khi đi bên cạnh tôi. Cô ấy vứt điếu thuốc đang hút dở vào một vũng nước và quay sang nhìn tôi. Tôi nhìn thẳng vào mặt cô ấy. Không, rốt cuộc cô ấy không phải là Mei-kun. Tôi đâm ra thất vọng.
“Cô ấy chết rồi.”
“Chết ư?”
Vai cô ấy rung rung. Trông cô ấy buồn tới mức khiến tôi thấy mủi lòng. Cô ấy có vẻ là người mà tôi có thể giãi bày. Và rồi cô ấy bảo, “Tôi rất muốn nghe chuyện của anh. Tôi ở rất gần đây. Sao chúng ta không về đó và uống vài ly bia?”
Thanh tra Takahashi bảo tôi đó là những điều mà các cô gái điếm vẫn thường nói. Ông ấy không tin vào lời khai của tôi. Nhưng quả thật khi nhìn thấy cô Hirata, tôi đã không nghĩ đó là một gái điếm, mà là một người trông giống như em gái tôi thì đúng hơn. Tôi nghĩ việc cô Hirata tự bỏ tiền ra mua bia và đậu phộng ở cửa hàng tạp hóa chứng tỏ là tôi có lý, không phải vậy sao? Tôi nghĩ cô Hirata cũng có hứng thú với tôi. Dĩ nhiên là chúng tôi vẫn thỏa thuận về giá cả. Nhưng cô ấy đã đồng ý hạ giá từ 30.000 yen xuống còn 15.000 yen, chứng tỏ cô ấy cũng thích tôi.
Ngay khi về tới căn hộ của mình ở Okubo, cô ấy quay sang tôi và hỏi, “Thế anh muốn tôi làm gì nào? Chúng ta sẽ làm bất cứ thứ gì anh muốn, chỉ cần anh nói cho tôi biết.”
Tôi bảo cô ấy những gì mà tôi vẫn thầm nhắc đi nhắc lại trong lòng bấy lâu nay. “Tôi muốn cô nhìn tôi, mắt đầy lệ và gọi to, “Anh ơi!”
Cô Hirata làm như tôi bảo. Tôi vươn ra mà ôm chầm lấy cô ấy mà không nghĩ ngợi gì.
“Mei-kun! Anh mong được gặp em xiết bao!”
Trong khi tôi và cô Hirata quan hệ, tôi trở nên vô cùng phấn khích. Tôi cho rằng điều đó là sai trái. Nhưng nó khẳng định một điều, tôi đã không yêu Mei-kun như một người em gái mà như một người phụ nữ. Và tôi chợt nhận ra rằng đó chính là điều mà chúng tôi muốn làm khi cô ấy còn sống. Cô Hirata là một người rất nhạy cảm. Cô ấy ngước nhìn tôi và hỏi, “Thế anh muốn tôi làm gì nữa?”. Tôi như phát cuồng. “Hãy nói ‘Thật là khủng khiếp’ và nhìn tôi.”
Tôi dạy cô ấy nói những từ đó bằng tiếng Trung. Cô ấy phát âm rất chuẩn. Nhưng điều làm tôi thực sự bất ngờ là những dòng nước mắt thực sự bắt đầu ứa ra từ đôi mắt của cô ấy. Tôi nhận ra rằng cái từ khủng khiếp ấy đã cộng hưởng với một nỗi niềm nào đó trong lòng cô Hirata. Chúng tôi ôm lấy nhau và cùng khóc trên giường của cô ấy. Chân thành, tôi không hề muốn giết hại cô ấy, hoàn toàn không. Tuy chúng tôi khác nhau về nòi giống, về văn hóa nhưng tôi cảm thấy chúng tôi rất hiểu nhau. Những thứ mà tôi không thể nào trao đổi với người phụ nữ Đài Loan tôi có thể làm với cô Hirata dù chỉ mới gặp cô ấy. Thật là tuyệt vời. Cô Hirata dường như cũng chia sẻ cảm giác đó của tôi vì nước mắt bắt đầu lăn trên má cô ấy khi tôi ôm cô ấy vào lòng. Rồi cô ấy gỡ sợi dây chuyền vàng trên cổ xuống và đeo nó cho tôi. Tôi không biết tại sao cô ấy lại làm vậy.
Vậy thì tại sao tôi lại giết cô ấy? Các ngài sẽ hỏi vậy. Tôi thậm chí cũng không hiểu nổi mình nữa. Có lẽ bởi vì cô ấy đột ngột lôi tuột mái tóc giả xuống, thản nhiên như người ta cởi một chiếc mũ. Mái tóc thật của cô ấy có màu hung lấm tấm sợi bạc. Cô Hirata là một người nước ngoài, chả có tí gì giống Mei-kun cả.
“Thôi được rồi, trò chơi đã tới hồi kết.”
Cô ấy trở nên hết sức lạnh lùng. Tôi thực sự choáng váng.
“Tất cả chỉ là một trò chơi thôi sao?”
“Thế anh nghĩ sao? Đó là cách tôi kiếm sống. Giờ đến lượt anh phải trả tiền.
Tôi thấy lạnh toát cả sống lưng. Tôi rút tiền ra khỏi túi. Mọi chuyện bắt đầu từ đấy. Cô Hirata bảo tôi phải đưa hết tiền cho cô ấy, cả thảy là 20.000 yen. Khi tôi hỏi sao cô ấy lại lên giá thì cô ấy bảo tôi vẻ ghê tởm, “Chơi trò loạn luân thì phải trả thêm. 15.000 thì không đủ.”
Loạn luân? Cái từ đó làm tôi nổi điên. Tôi xô cô Hirata xuống trường kỷ.
“Anh làm cái quái gì vậy?”
Cô ấy đứng dậy, lao vào tôi như một con quỷ dữ. Chúng tôi bắt đầu xô đẩy nhau một cách hung bạo.
“Tên khốn rẻ rách! Trời ơi, đáng lẽ tôi không nên ngủ với một thằng Trung Quốc.”
Tôi không nổi giận vì tiền. Tôi nổi giận vì cảm thấy Mei-kun của tôi bị hoen ố. Mei-kun quý giá của tôi. Tôi cho rằng mọi thứ chờ đợi chúng tôi ở phía trước kể từ khi chúng tôi bỏ nhà ra đi chỉ là thảm kịch. Là một giấc mơ không bao giờ đạt được. Giấc mơ không thành ấy đã dễ dàng trở thành một cơn ác mộng. Nước Nhật mà Mei-kun vẫn khao khát được nhìn thấy. Thật tàn nhẫn biết bao. Tôi vẫn phải sống. Tôi phải tiếp tục sống trên một đất nước mà Mei-kun chưa bao giờ đặt chân tới. Điều đó giúp tôi nuôi hy vọng tìm được một người phụ nữ giống như Mei-kun. Cuối cùng khi tôi tìm thấy thì tất cả những gì cô ấy muốn chỉ là đóng kịch vì tiền. Sao tôi lại ngu muội tới mức không nhận ra điều đó. Tôi cảm thấy như bị cuốn đi bởi một cơn lũ quét, không kịp hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Khi tỉnh táo trở lại tôi nhận ra rằng tôi đã siết cổ cô Hirata. Tôi đã không giết hại cô ấy vì tiền. Nhưng tôi đã phạm phải một lỗi lầm mà tôi không bao giờ có thể gỡ lại. Tôi xin dành cả đời còn lại để cầu nguyện cho linh hồn của cô Hirata được an nghỉ.
Zhang Zhe-zhong.