Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đường Về Nô Lệ

Chương 8: Ai Là Ai?

Tác giả: F. A. Hayek
Thể loại: Triết Học

Chúng ta đã đánh mất cơ hội tuyệt vời nhất từng được ban tặng cho thế gian vì niềm say mê bình đẳng đã giết chết hi vọng tự do.

Cạnh tranh là “mù quáng” là một trong những lời chê trách thịnh hành nhất hiện nay đối với hệ thống cạnh tranh. Nhân đây xin nhắc rằng thời cổ đại, mù là một trong những đặc điểm của thần công lí. Mặc dù cạnh tranh và công lí không còn điểm chung nào nữa, nhưng có một điều không phải nghi ngờ: cạnh tranh và công lí không thiên vị ai. Điều đó có nghĩa là không thể nói trước ai sẽ gặp may còn ai sẽ phải thất vọng, là thưởng phạt không được chia theo quan niệm của ai đó về ưu điểm và khuyết điểm của những con người cụ thể, tất cả phụ thuộc vào khả năng và sự may mắn của họ, cũng như khi thông qua một điều luật ta cũng không thể nói trước rằng áp dụng nó thì một người cụ thể nào đó sẽ được lợi hay là bị thiệt. Điều này còn đặc biệt đúng bởi vì trong điều kiện cạnh tranh vận may và cơ hội cũng quan trọng chẳng kém gì phẩm chất cá nhân như kĩ năng và khả năng nhìn xa trông rộng đối với số phận của những người cụ thể nào đó.

Sự lựa chọn mở ra trước mắt chúng ta không phải là lựa chọn giữa một hệ thống nơi tất cả mọi người sẽ được nhận một phần phúc lợi xã hội phù hợp với một tiêu chuẩn tuyệt đối và tổng quát nào đó về quyền lợi và hệ thống trong đó phần phúc lợi mà mỗi cá nhân được nhận, ở mức độ nào đó, được quyết định bởi sự may rủi mà là giữa hệ thống trong đó ý chí của vài người sẽ quyết định ai được nhận cái gì và hệ thống trong đó sự phân phối, phần nào đó, phụ thuộc vào khả năng và sáng kiến của những người liên quan và phần nào đó phụ thuộc vào những tình huống không thể lường trước được. Mặc dù trong hệ thống tự do kinh doanh, cơ hội của mọi người là không giống nhau ví hệ thống này nhất định phải dựa vào quyền sở hữu tư nhân và (có thể là không bắt buộc) vào tài sản thừa kế, những thứ nhất định tạo ra sự cách biệt về cơ hội. Có thể thu hẹp đáng kể sự bất bình đẳng về cơ hội và sự khác biệt bẩm sinh trong khi vẫn giữ được tính khách quan của cạnh tranh trong đó mỗi người tự thử vận may mà không cần phải quan tâm đến ý kiến của bất kì người nào.

Dĩ nhiên là trong xã hội cạnh tranh người giàu sẽ có nhiều cơ hội hơn người nghèo. Mặc dù vậy, người nghèo ở đây còn được tự do hơn cả kẻ sống trong điều kiện tiện nghi hơn dưới một chính thể với nền kinh tế kế hoạch hóa. Và mặc dù trong nền kinh tế cạnh tranh, xác suất để một người nghèo đột nhiên giàu lên sẽ nhỏ hơn xác suất của một người được thừa kế gia tài của ai đó, nhưng dù sao chuyện đó cũng có thể xảy ra; hơn nữa chỉ trong xã hội cạnh tranh thì anh ta mới có toàn quyền quyết định chuyện đó chứ không phụ thuộc vào ân huệ của chính quyền, cũng không ai có thể ngăn cản anh ta thử vận may của mình. Chỉ khi đã quên hẳn tự do nghĩa là gì thì người ta mới không nhận thấy một sự kiện rõ ràng rằng một người công nhân không có tay nghề và được trả lương thấp ở đất nước này cũng có nhiều quyền tự do trong việc định hướng cuộc đời của anh ta hơn các ông chủ doanh nghiệp nhỏ ở Đức hay các kĩ sư và cán bộ quản lí được trả lương cao hơn nhiều ở Nga. Nếu anh ta muốn thay đổi công việc hay chuyển chỗ ở, nếu anh ta muốn thể hiện một quan điểm nào đó hay muốn nghỉ ngơi theo cách nào đó, mặc dù để thực hiện các dự định của mình đôi khi anh ta phải trả giá cao, một số người có thể cho là quá cao, nhưng đấy không phải là những trở ngại không thể vượt qua, không có mối đe dọa nào đối với sự an toàn tính mạng và tự do, không có ai buộc anh ta phải thực hiện nhiệm vụ hay phải sống trong môi trường mà cấp trên đã phân cho anh ta.

Những người xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có lí khi tuyên bố rằng để thực hiện lí tưởng công bằng của họ thì chỉ cần bãi bỏ thu nhập từ sở hữu tư nhân, còn thu nhập do lao động tạo ra thì vẫn giữ như hiện nay[1]. Nhưng họ đã quên một điều rằng tước đoạt tư liệu sản xuất tư nhân và chuyển giao chúng vào tay nhà nước là chúng ta đã buộc nhà nước phải phân phối tất cả các nguồn thu nhập. Quyền lực được trao cho nhà nước và đòi hỏi rằng nhà nước phải sử dụng quyền lực đó để “lập kế hoạch” chính là đòi hỏi nhà nước phải sử dụng quyền lực với nhận thức đầy đủ về tất cả hệ quả đó.

Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng quyền lực giao cho nhà nước cũng chỉ là quyền lực được chuyển từ tay người này sang tay người khác mà thôi. Đấy là một loại quyền lực hoàn toàn mới, trong xã hội cạnh tranh chưa người nào có được quyền lực như thế. Chừng nào tài sản nằm trong tay nhiều người khác nhau, hoạt động độc lập với nhau, không một người nào có toàn quyền quyết định phân phối thu nhập và vị trí của những người khác, vì không người nào bị trói buộc vào bất kì chủ sở hữu nào, và điều duy nhất mà một chủ sở hữu có thể làm, nhằm buộc người ta gắn bó với tài sản của mình, là đưa ra những điều kiện có lợi hơn so với những chủ sở hữu khác.

Thế hệ của chúng ta đã quên rằng chế độ tư hữu là sự bảo đảm quan trọng nhất của tự do không chỉ của người có của mà cả người không có của nữa. Đấy là vì tư liệu sản xuất nằm trong tay nhiều người hoạt động độc lập với nhau, không người nào có toàn quyền đối với chúng ta, cho nên chúng ta, với tư cách là cá nhân, mới có thể tự quyết định và hành động theo ý mình. Nhưng nếu tất cả các phương tiện sản xuất đều được tập trung vào tay một người, dù đấy có gọi là “toàn xã hội” hay nhà độc tài thì người đó sẽ có quyền lực tuyệt đối đối với chúng ta.

Một thành viên của sắc dân hay cộng đồng tôn giáo thiểu số khi phải đối mặt với hai hoàn cảnh: (i) anh ta không có tài sản, trong khi những người thuộc cộng đồng đó có tài sản và có thể thuê anh ta và (ii) khi sở hữu tư nhân trong cộng đồng đã bị bãi bỏ và anh ta được coi là chủ nhân ông của một phần tài sản công cộng, thì không nghi ngờ gì rằng anh ta sẽ tự do hơn trong trường hợp đầu. Hay quyền lực của một nhà triệu phú hàng xóm của tôi, thậm chí ông chủ của tôi, đối với tôi là nhỏ hơn rất nhiều so với quyền lực của một viên chức hạng bét, nhưng lại là người nắm trong tay quyền lực cưỡng chế đầy sức mạnh của nhà nước và là người có quyền quyết định tôi phải sống và làm việc như thế nào? Thế giới mà người có tiền thì có quyền lại không tốt hơn là thế giới mà chỉ người có quyền mới có tiền hay sao?

Đọc tự sự của Max Eastman, một cựu đảng viên cộng sản, tìm thấy chân lí này, khiến ta cảm thấy ngậm ngùi nhưng đồng thời cũng tạo trong lòng ta niềm hi vọng:

“Đối với tôi, rõ ràng là – mặc dù phải mất nhiều thời gian tôi mới đi đến kết luận như thế – tư hữu là một trong những tác nhân quan trọng nhất, bảo đảm cho người ta sự bình đẳng và các quyền tự do tương đối, điều mà Marx nghĩ rằng có thể mở rộng đến vô cùng sau khi đã xóa bỏ định chế này. Điều đáng ngạc nhiên là chính Marx là người đầu tiên hiểu được chuyện đó. Chính ông, khi nhìn lại quá khứ, đã nói cho chúng ta biết rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản tư nhân cùng với thị trường tự do đã tạo ra tiền đề cho sự phát triển tất cả các quyền tự do dân chủ của chúng ta. Nhưng nhìn về phía trước, ông lại không bao giờ tự hỏi rằng nếu đúng là như thế thì sau khi bãi bỏ thị trường tự do các quyền tự do này có mất đi hay không[2]”.

* * *

Thỉnh thoảng cũng có người phản đối rằng chẳng có lí do gì để phải quyết định thu nhập của từng người trong quá trình lập kế hoạch cả. Quả thật, những khó khăn về chính trị và kinh tế xuất hiện khi tiến hành phân phối thu nhập quốc dân giữa những người khác nhau lớn đến nỗi ngay cả những người ủng hộ kế hoạch hóa nhiệt thành nhất cũng phải đắn đo trước khi giao cho bất kì cơ quan nào nhiệm vụ như thế. Bất cứ người nào hiểu rõ chuyện này sẽ chỉ giới hạn kế hoạch hóa trong lĩnh vực sản xuất, tức là giới hạn trong việc “tổ chức sản xuất một cách hữu lí” và dành lĩnh vực phân phối, càng nhiều càng tốt, cho các lực lượng vô nhân xưng điều phối. Mặc dù những người ủng hộ kế hoạch hoá đều hiểu rằng đã quản lí sản xuất thì nhất định, ở mức độ nào đó, sẽ phải can thiệp vào khâu phân phối, và mặc dù không một người ủng hộ kế hoạch hóa nào đồng ý để mặc cho thị trường quyết định việc phân phối, nhưng tất cả họ đều có vẻ đồng ý với phương cách để cho việc phân phối tuân thủ các nguyên tắc chung về bình đẳng và công bằng, qua đó ngăn chặn các trường hợp phân phối quá chênh lệch và thiết lập tỉ lệ phân chia giữa các giai cấp chính yếu trong xã hội mà không can thiệp vào địa vị của những người cụ thể trong nội bộ các giai cấp hay các nhóm xã hội nhỏ hơn.

Nhưng như chúng ta đã thấy, vì tất cả các lĩnh vực kinh tế đều có liên hệ mật thiết với nhau cho nên khó có thể giới hạn việc kế hoạch hóa trong một lĩnh vực riêng biệt nào đó và một khi các quan hệ thị trường tác động vượt quá điểm tới hạn nào đó thì người lập kế hoạch sẽ buộc phải mở rộng mãi việc kiểm soát cho đến khi nó bao trùm lên tất cả mọi lĩnh vực. Những tham vọng kinh tế này, điều giải thích tại sao lại không thể hạn chế việc kế hoạch hóa vào nơi ta muốn, sẽ còn được tăng cường thêm bởi một số xu hướng chính trị và xã hội nhất định, những lực lượng này sẽ càng mạnh thêm khi kế hoạch hóa ngày càng được mở rộng.

Khi mọi người đã hiểu rõ rằng địa vị của một người trong xã hội được xác định không phải bởi các lực lượng vô nhân xưng (impersonal forces), không phải bởi tương quan giữa các nỗ lực cạnh tranh của nhiều người mà bởi quyết định có chủ ý của nhà cầm quyền thì thái độ của họ đối với địa vị của mình chắc chắn sẽ thay đổi. Trong cuộc sống luôn luôn tồn tại sự bất bình đẳng, bất công – đấy là theo quan điểm của những người bị thiệt thòi – cũng như những thất vọng dường như không đáng phải chịu đựng. Nhưng khi những chuyện đó diễn ra trong xã hội bị kiểm duyệt một cách có chủ ý thì phản ứng của người dân sẽ khác hẳn cách họ phản ứng khi những bất công đó không phải là sự lựa chọn có định hướng bởi ai cả.

Không nghi ngờ gì rằng bất công sẽ dễ dàng được chấp nhận và không ảnh hưởng nhiều đến phẩm giá của con người nếu nó là kết quả của những lực lượng vô nhân xưng chứ không phải do con người cố ý tạo ra. Trong xã hội cạnh tranh, người làm công sẽ không tránh khỏi cảm thấy bị thương tổn về tinh thần khi bị công ty thông báo rằng anh ta không còn cần thiết nữa hoặc không thể tìm cho anh ta công việc tốt hơn. Trong thời kỳ xảy ra hiện tượng thất nghiệp hàng loạt kéo dài, nhiều người cũng có cảm giác thất vọng tương tự. Nhưng trong xã hội tự do còn có những phương pháp khác làm giảm bớt thương tổn tốt hơn là trong xã hội kế hoạch hóa tập trung. Hiện tượng thất nghiệp hay giảm thu nhập, là những hiện tượng chắc chắn sẽ xảy ra trong bất kì xã hội nào, nhưng nó sẽ dễ được chấp nhận hơn khi người ta cho rằng đấy là kết quả của các lực lượng vô nhân xưng chứ không phải là hành động có chủ đích của nhà cầm quyền. Trong xã hội cạnh tranh, những trải nghiệm như thế, dù có cay đắng cũng chắc chắn không thể cay đắng bằng trong xã hội kế hoạch hóa. Trong xã hội kế hoạch hóa các cá nhân sẽ quyết định không phải là liệu một người nào đó có hữu dụng cho một công việc cụ thể nào hay không, mà là có hữu dụng nói chung hay không và hữu dụng đến mức nào. Địa vị của một người trong xã hội sẽ bị một người nào đó gán cho và buộc phải chấp nhận.

Người ta sẽ cam chịu những đau khổ vô tình giáng xuống đầu mình, nhưng những tai ương do các quyết định của chính quyền tạo ra sẽ khó được chấp nhận hơn. Làm một bánh răng trong một cỗ máy vô tình đã là khổ; nhưng còn khổ hơn bội phần nếu ta không thể bỏ đi, nếu ta bị cột chặt vào một chỗ, cột chặt vào những người lãnh đạo do người khác lựa chọn cho ta. Sự bất mãn với số phận sẽ càng gia tăng khi người ta nhận thức được rằng đấy là kết quả của những quyết định có chủ ý của chính con người.

Khi đã bước vào con đường kế hoạch hóa nhân danh sự công bằng thì chính phủ không thể chối bỏ trách nhiệm về số phận và địa vị của tất cả các thần dân của mình. Trong xã hội kế hoạch hóa, tất cả chúng ta đều biết rằng việc mình giàu hơn hay nghèo hơn người khác không phụ thuộc vào các lí do ngẫu nhiên và không dự đoán được mà đấy chính là ý muốn của nhà cầm quyền. Và tất cả những cố gắng của chúng ta nhằm cải thiện địa vị của mình sẽ không nhắm tới việc tiên liệu và chuẩn bị tinh thần để đối phó với những hoàn cảnh ta không thể kiểm soát nổi mà hướng tới việc làm cho các cấp lãnh đạo đầy quyền uy hài lòng. Cơn ác mộng mà các nhà tư tưởng chính trị Anh thế kỉ XIX từng tiên đoán: nhà nước, trong đó “con đường duy nhất dẫn đến tiền tài và địa vị là thông qua chính phủ[3]” sẽ trở thành hiện thực một cách trọn vẹn mà chính các nhà tư tưởng kia không thể nào tưởng tượng nổi, nhưng đã trở thành quen thuộc đối với người dân các nước đang trên đường tiến tới chế độ toàn trị.

* * *

Ngay khi nhà nước bắt đầu lập kế hoạch cho toàn bộ nền kinh tế thì vấn đề địa vị của những cá nhân và các nhóm xã hội khác nhau lập tức trở thành vấn đề chính trị chủ yếu. Vì sức mạnh cưỡng bức của nhà nước là lực lượng duy nhất quyết định ai được có cái gì, cho nên ai cũng muốn có phần trong cái lực lượng lãnh đạo đó. Không có một vấn đề kinh tế hay xã hội nào lại không mang màu sắc chính trị, theo nghĩa là việc giải quyết các vấn đề như thế hoàn toàn phụ thuộc vào việc ai nắm được bộ máy cưỡng chế và quan điểm của ai sẽ giữ thế thượng phong trong mọi trường hợp.

Tôi tin rằng chính Lenin đã đưa ra câu hỏi nổi tiếng “Ai là ai?” Trong những năm đầu của chính quyền Xô Viết, “ai là ai” là vấn đề chính của chủ nghĩa xã hội[4]. Ai là người lập kế hoạch, ai là người thực hiện kế hoạch? Ai là người cai trị, còn ai là kẻ bị trị? Ai là người sắp xếp địa vị cho những người khác và ai là người phải sống theo các quy định do người khác đưa ra? Chỉ có quyền lực tập trung cao độ mới có quyền giải quyết được các vấn đề như thế mà thôi.

Gần đây một nhà chính trị học người Mỹ đã mở rộng cụm từ của Lenin và khẳng định rằng “ai được cái gì, được khi nào và được ra làm sao” là vấn đề mà tất cả các chính phủ phải giải quyết. Ở một mức độ nào đó thì nói thế cũng không sai. Mọi chính phủ đều gây ảnh hưởng đến địa vị của người dân, hệ thống nào thì cũng khó mà tìm được lĩnh vực mà trong đó chính phủ không có ảnh hưởng gì. Khi chính phủ làm bất cứ điều gì thì hành động của nó nhất định có ảnh hưởng đối với vấn đề “ai được cái gì, được khi nào và được ra làm sao”.

Có hai sự khác biệt căn bản cần ghi nhận. Thứ nhất, các biện pháp cụ thể của chính phủ được thực thi mà không ai biết sẽ ảnh hưởng tới những người cụ thể như thế nào và như thế nghĩa là không nhằm vào những ảnh hưởng cụ thể đó. Chúng ta đã thảo luận kĩ vấn đề này rồi. Thứ hai, chính phủ hoặc là sẽ quyết định tất cả mọi thứ mà mỗi người sẽ được nhận vào bất kì thời điểm nào hoặc là ảnh hưởng của nó sẽ giới hạn ở chỗ chỉ quy định cho một số người sẽ được nhận một số thứ vào một số thời điểm nào đó và theo cung cách nào đó. Đây là toàn bộ sự khác nhau giữa chế độ tự do và chế độ toàn trị.

Sự khác nhau giữa hệ thống tự do và hệ thống kế hoạch hóa toàn triệt thể hiện rõ ràng trong những lời phàn nàn của những người quốc xã và xã hội chủ nghĩa về việc “chia tách một cách giả tạo giữa chính trị và kinh tế” cũng như đòi hỏi “đặt chính trị lên trên kinh tế” của họ. Những câu này có lẽ không chỉ có nghĩa là hiện nay các lực lượng kinh tế, trong khi theo đuổi các mục đích của mình, được phép hành động không theo chỉ đạo của chính phủ mà còn có nghĩa là các quyền lực kinh tế có thể được sử dụng một cách độc lập với sự lãnh đạo của chính phủ, thậm chí theo đuổi các mục tiêu mà chính phủ không tán thành. Nhưng thay thế cho phương án đó lại không phải đơn thuần là một quyền lực duy nhất mà là một nhóm lãnh đạo chóp bu có quyền kiểm soát tất cả các mục tiêu của con người cũng như có toàn quyền quyết định địa vị của mỗi người trong xã hội.

* * *

Rõ ràng là khi chính phủ nắm quyền lãnh đạo kinh tế thì nó sẽ phải sử dụng quyền lực để thực thi lí tưởng phân phối công bằng của một người nào đó. Nhưng nó sẽ làm như thế nào? Nó sẽ tuân theo hoặc phải tuân theo những nguyên tắc nào? Liệu có thể tìm được câu trả lời dứt khoát cho hàng loạt câu hỏi chắc chắn sẽ xuất hiện về đóng góp tương đối của các cá nhân và liệu những vấn đề đó có được giải quyết một cách có chủ đích hay không? Liệu có một thang giá trị, chấp nhận được đối với những người có hiểu biết, có thể biện hộ được cho cái trật tự thứ bậc của xã hội và đáp ứng được kì vọng công bằng hay không?

Chỉ có một nguyên lý chung, một quy tắc đơn giản, cho phép đưa ra câu trả lời thực sự xác định cho mọi câu hỏi: bình đẳng, bình đẳng hoàn toàn và tuyệt đối giữa tất cả các cá nhân, trong tất cả mọi việc mà con người có thể kiểm soát được. Nếu giả sử tất cả mọi người đều đồng ý tiến đến cái lí tưởng đó (chúng ta sẽ không bàn ở đây vấn đề là có thể thực hiện được hay không, thí dụ như có bảo đảm được sự động viên, khuyến khích hay không), thì lí tưởng đó sẽ cung cấp cho cái ý tưởng phân phối công bằng tù mù kia một nội dung rõ ràng và các cơ quan lập kế hoạch sẽ có trong tay kim chỉ nam cho hành động. Nhưng vấn đề là người ta hoàn toàn không muốn một sự bình đẳng cơ học như thế. Chẳng có phong trào xã hội chủ nghĩa nào với lá cờ mang cái khẩu hiệu bình đẳng hoàn toàn và tuyệt đối như thế mà lại nhận được sự ủng hộ đáng kể của quần chúng. Cái mà chủ nghĩa xã hội hứa không phải là sự phân phối công bằng hoàn toàn mà chỉ là công bằng hơn và bình đẳng hơn mà thôi. Không phải là bình đẳng theo nghĩa tuyệt đối mà “bình đẳng hơn”, đấy chính là mục tiêu mà những người xã hội chủ nghĩa đang nỗ lực phấn đấu.

Mặc dù nghe có vẻ giống nhau, nhưng hai lý tưởng này khác nhau một trời một vực. Nếu nguyên tắc công bằng tuyệt đối làm cho nhiệm vụ lập kế hoạch thành ra xác định thì “công bằng hơn” lại là cách diễn đạt tiêu cực, nó chỉ thể hiện sự bất mãn đối với tình trạng hiện thời; nhưng vì chúng ta không coi bình đẳng hoàn toàn là mục tiêu, cho nên nó hầu như không thể giúp nhà lập kế hoạch trả lời bất cứ vấn đề nào.

Đây không phải là trò chơi chữ. Ở đây chúng ta đã tiến đến bản chất của vấn đề, cái bản chất vốn bị những thuật ngữ giống nhau che lấp. Trên thực tế, chấp nhận nguyên tắc bình đẳng hoàn toàn thì ngay lập tức chúng ta sẽ có lời giải đáp cho mọi vấn đề về công trạng vốn sẽ xuất hiện trong quá trình lập kế hoạch; còn nếu chấp nhận công thức “bình đẳng hơn” trên thực tế chúng ta sẽ không thể trả lời được bất kì câu hỏi nào thuộc loại này! Nội dung của khái niệm “bình đẳng hơn” này cũng không rõ ràng, hệt như nội dung của những khái niệm như “phúc lợi xã hội” hay “hạnh phúc của mọi người”. Nó chẳng giúp được gì, chúng ta vẫn phải quyết định, trong từng trường hợp cụ thể, mức độ cống hiến của từng người hoặc từng nhóm người khác nhau. Điều duy nhất nó có thể nói; đấy là lấy của người giàu, càng nhiều càng tốt. Nhưng khi phải chia “quả thực” thì vấn đề lại xuất hiện, cứ như thể chưa ai biết công thức “công bằng hơn” nghĩa là thế nào vậy.

* * *

Đa số người dân không thể tin được là chúng ta lại không nắm được các nguyên tắc đạo đức để giải quyết những vấn đề đó, nếu không nói là tuyệt đối tốt thì ít nhất cũng hơn là để hệ thống cạnh tranh tự giải quyết. Chả lẽ chúng ta không có khái niệm về “giá cả hợp lí” hay là “lương thưởng xứng đáng” ư? Chả lẽ chúng ta không thể dựa vào cảm giác về sự công bằng vốn có của con người hay sao? Cho dù lúc này chúng ta không thể thỏa thuận được thế nào là công bằng trong một trường hợp cụ thể nào đó thì chả lẽ khi người dân đã thấy rằng tư tưởng của họ đang biến thành hiện thực thì các tiêu chuẩn về lẽ công bằng lại không nhanh chóng hình thành từ các quan niệm đạo đức chung nhất hay sao?

Đáng tiếc là có rất ít cơ sở cho những hi vọng như thế. Các tiêu chuẩn mà chúng ta có hiện nay được sinh ra trong lòng hệ thống cạnh tranh và nhất định sẽ biến mất nhanh chóng ngay khi hệ thống đó biến mất. Cái mà chúng ta gọi là mức giá hợp lí hay mức lương tương xứng chỉ đơn giản là mức giá hay mức lương mà chúng ta, dựa vào kinh nghiệm, có quyền hi vọng hay là mức giá và mức lương khi không có hiện tượng độc quyền. Ngoại lệ duy nhất trong trường hợp này là đòi hỏi để cho công nhân được nhận toàn bộ “sản phẩm do họ làm ra”, một đòi hỏi hình thành trong thời kì đầu của phong trào xã hội chủ nghĩa. Nhưng hiện nay cũng chẳng có mấy người theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa còn tin rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa công nhân trong từng lĩnh vực sẽ chia nhau toàn bộ thu nhập trong lĩnh vực đó; vì như thế nghĩa là công nhân trong các ngành cần nhiều vốn sẽ có thu nhập cao hơn các ngành cần ít vốn hơn, mà theo quan điểm xã hội chủ nghĩa thì đây lại là bất công. Hiện nay mọi người đều thống nhất rằng yêu cầu này là sai lầm. Nhưng nếu công nhân không có quyền hưởng toàn bộ sản phẩm do “mình” tạo ra, và toàn bộ lợi nhuận do tư bản sinh ra phải được chia cho tất cả mọi người lao động, thì vấn đề chia chác như thế nào lại trở thành cực kì rắc rối.

Về nguyên tắc có thể xác định được “mức giá hợp lí” cho một món hàng cụ thể nào đó hay “mức lương tương xứng” cho một dịch vụ nào đó nếu lượng cầu về món hàng hay dịch vụ đó được ấn định từ trước. Nếu lượng cầu được xác định trước, bất chấp giá thành, thì người lập kế hoạch có thể cố gắng tìm xem món hàng đó phải có giá là bao nhiêu hay công việc đó phải được trả lương là bao nhiêu. Nhưng người lập kế hoạch còn phải quyết định lượng cầu phải sản xuất của mỗi loại hàng hóa và trong khi làm như thế ông ta quyết định luôn giá bao nhiêu là đúng hay lương bao nhiêu là hợp lí. Còn nếu người lập kế hoạch quyết định rằng cần ít kiến trúc sư hay thợ sửa đồng hồ hơn hay có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại với số nhân công chịu nhận mức lương thấp hơn, thì nghĩa là mức lương “tương xứng” hóa ra lại bị thấp đi. Thiết lập thang bậc và mức độ ưu tiên cho những mục tiêu khác nhau trong lĩnh vực sản xuất nghĩa là người lập kế hoạch cũng đồng thời quyết định mức độ ưu tiên của những nhóm xã hội và những cá nhân khác nhau. Giả định rằng ông ta không coi người dân chỉ là phương tiện, nghĩa là ông ta phải quan tâm đến cả những hậu quả xã hội và do đó phải cân nhắc cả mức độ ưu tiên của những mục tiêu lẫn hậu quả xã hội của những quyết định của mình. Nhưng điều đó lại cũng có nghĩa là sự kiểm soát trực tiếp điều kiện sống của tất cả mọi người.

Điều này ảnh hưởng đến địa vị không chỉ của các nhóm nghề nghiệp mà còn ảnh hưởng đến địa vị của từng người riêng biệt nữa. Nói chung không hiểu sao chúng ta có xu hướng cho rằng thu nhập của những người trong cùng một nghề là tương đối đồng đều. Nhưng thu nhập của một người thành công và một người kém cỏi trong cùng một nghề dù đấy là bác sỹ hay kiến trúc sư, nhà văn hay nghệ sĩ, võ sĩ hay người cưỡi ngựa đua, cũng như thợ sửa ống nước hay người làm vườn, nhân viên bán hàng hay người thợ may cũng sẽ chênh lệch chẳng khác gì giữa tầng lớp hữu sản và vô sản. Và mặc dù trong tiến trình kế hoạch hóa, nhất định người ta sẽ thực hiện việc tiêu chuẩn hóa bằng cách áp dụng một số tiêu chuẩn về tay nghề, nhưng sự phân biệt đối xử thì vẫn như cũ, dù đấy là quyết định thu nhập cho từng người hay phân họ vào các nhóm thì cũng thế mà thôi.

Chắc không cần thảo luận tiếp về tình cảnh mà những người đang sống trong xã hội tự do bị rơi vào khi quy phục sự kiểm soát như thế. Cũng không cần nói đến chuyện liệu họ có còn được tự do nữa hay không một khi họ quy phục. Vì John Stuart Mill đã viết tất cả những chuyện này cách đây gần một trăm năm trước và ý kiến của ông vẫn còn giá trị cho đến ngày nay:

“Người ta có thể sẵn sàng chấp nhận một điều luật cố định, thí dụ như luật về bình đẳng, như chấp nhận một sự may rủi hay nhu cầu ngoại tại; nhưng để một nhúm người cân đong từng người và phát cho người này nhiều, người kia ít, tùy thích, thì có nghĩa là người ta đã tin tưởng vào các siêu nhân, với những sức mạnh siêu nhiên khủng khiếp[5]”.

* * *

Khi chủ nghĩa xã hội còn là ước mơ của một nhóm nhỏ và tương đối đồng đều, những mâu thuẫn như thế chưa dẫn tới các đụng độ công khai. Nhưng khi chính sách của những người xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải được nhiều nhóm người khác nhau, tức là đa số dân chúng ủng hộ, thì các mâu thuẫn đó sẽ nổi lên ngay lập tức. Và tất cả đều sẽ tập trung vào vấn đề: lí tưởng nào sẽ giữ thế thượng phong, buộc tất cả các lí tưởng khác phải khuất phục nhằm động viên toàn bộ sức người, sức của phục vụ cho nó. Vì muốn cho kế hoạch hóa thành công thì cần phải tạo ra một quan niệm chung về những giá trị cốt yếu, cho nên các hạn chế trong lĩnh vực vật chất mới tác động trực tiếp đến quyền tự do trong lĩnh vực tinh thần của chúng ta.

Vốn là những phụ huynh có văn hóa của một phong trào tự phát và thô lậu, những người xã hội chủ nghĩa hi vọng sẽ giải quyết được vấn đề theo lối truyền thống, nghĩa là bằng cách giáo dục. Nhưng giáo dục thì có thể làm được gì? Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng kiến thức không tạo ra các giá trị đạo đức, rằng không có cách giáo dục nào có thể buộc người ta có cùng quan điểm về các vấn đề đạo đức mà việc quản lí toàn diện đời sống xã hội sẽ tạo ra. Không phải là lí trí mà chỉ có niềm tin mù quáng mới có thể biện hộ cho một kế hoạch cụ thể mà thôi. Trên thực tế, những người xã hội chủ nghĩa là những người đầu tiên công nhận rằng nhiệm vụ mà họ đặt ra đòi hỏi một Weltangschauung[6], một hệ thống giá trị xác định. Trong khi cố gắng tổ chức ra phong trào quần chúng trên cơ sở một thế giới quan duy nhất, những người xã hội chủ nghĩa đã tạo ra những phương tiện nhồi sọ tư tưởng hữu hiệu mà sau này quốc xã và phát xít đã lợi dụng một cách thành công.

Trên thực tế, cả ở Đức lẫn ở Ý, phát xít và quốc xã đã chẳng cần phải có nhiều sáng kiến. Tại cả hai nước, các hình thức chủ yếu của một phong trào chính trị kiểu mới, xâm nhập vào mọi mặt của đời sống đã được những người xã hội chủ nghĩa áp dụng từ trước rồi. Ý tưởng về một đảng chính trị bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, từ lúc chào đời cho đến khi xuống lỗ, hướng dẫn tất cả các quan điểm của con người và sẵn sàng biến mọi vấn đề thành vấn đề Weltangschauung của đảng, cũng đã được những người xã hội chủ nghĩa thực hiện rồi. Một nhà báo người Áo theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, khi mô tả phong trào xã hội chủ nghĩa trên quê hương mình đã lấy làm tự hào mà viết rằng “điểm đặc trưng của nó là nó đã tạo ra các tổ chức chuyên biệt trong mọi lĩnh vực hoạt động của các công nhân viên chức[7]”.

Mặc dù, trong lĩnh vực này, những người xã hội chủ nghĩa Áo có thể đã tiến xa hơn, nhưng tình hình trong các nước khác cũng tương tự như thế. Không phải là bọn phát xít mà chính những người xã hội chủ nghĩa đã tập hợp trẻ em còn răng sữa vào các tổ chức chính trị để huấn luyện cho chúng thành những người vô sản chân chính. Không phải là bọn phát xít mà chính là những người xã hội chủ nghĩa là những người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức các hoạt động thể thao và giải trí, các trận đấu bóng và cắm trại trong các câu lạc bộ của đảng để các thành viên không bị tiêm nhiễm các quan điểm khác biệt. Những người xã hội chủ nghĩa là những người đầu tiên đòi hỏi các đảng viên phải sử dụng các hình thức chào hỏi riêng để phân biệt họ với những người khác. Chính họ, với các tổ chức gọi là “chi bộ” và các cơ chế nhằm thường xuyên kiểm soát đời sống riêng tư của con người, đã tạo ra khuôn mẫu của các đảng toàn trị. Balilla[8]Hitleriugend[9], Dopolavoro[10]Kraft durch Freude[11], đồng phục mang màu sắc chính trị và các tổ chức quân sự của đảng chỉ đơn giản là sự sao chép các thiết chế xã hội chủ nghĩa đã tồn tại trước đó mà thôi[12].

* * *

Chừng nào mà phong trào xã hội chủ nghĩa trong một nước chỉ gắn bó với quyền lợi của một nhóm xã hội cụ thể, thường là các công nhân công nghiệp có tay nghề cao, thì vấn đề tạo lập một quan điểm chung về địa vị của các thành viên khác nhau của nhóm trong xã hội còn tương đối đơn giản. Phong trào quan tâm trực tiếp đến địa vị xã hội của nhóm người cụ thể đó và mục tiêu của nó là nâng địa vị của nhóm này lên so với các nhóm khác. Nhưng tính chất của vấn đề sẽ thay đổi khi, cùng với sự phát triển của phong trào, mọi người đều nhận thấy rằng thu nhập và địa vị của bất cứ người nào cũng đều do bộ máy cưỡng chế của nhà nước quyết định và khi đó mỗi người, muốn duy trì hay cải thiện vị trí của mình, đều phải cố gắng phấn đấu để trở thành thành viên của nhóm có tổ chức, đủ sức gây ảnh hưởng đối với bộ máy nhà nước hay thậm chí kiểm soát bộ máy đó vì lợi ích của mình.

Không có gì đảm bảo rằng trong cuộc chiến đấu gay go đó, quyền lợi của những người nghèo khổ nhất hay những nhóm đông người nhất sẽ thắng thế. Cũng không có gì đảm bảo rằng các đảng xã hội chủ nghĩa cũ, những đảng đại diện công khai cho quyền lợi của những nhóm xã hội cụ thể, vẫn giữ được vị trí của mình, mặc dù họ là những người đầu tiên khai phá con đường, những người đầu tiên soạn thảo được ý thức hệ và phát lời kêu gọi toàn thể giai cấp công nhân. Chính thành tựu và yêu cầu chấp nhận toàn bộ ý thức hệ của họ chắc chắn sẽ tạo ra một phong trào đối lập mạnh mẽ, nhưng đây không phải là phong trào của các nhà tư sản mà là của đông đảo các tầng lớp nghèo khổ, những người nhận thức được rằng sự thăng tiến của giới tinh hoa trong giai cấp công nhân công nghiệp sẽ đe dọa vị trí tương đối của mình.

Lí thuyết và chiến thuật của chủ nghĩa xã hội, ngay cả khi nó không bị giáo lí marxit chế ngự, đã xuất phát từ ý tưởng chia xã hội thành hai giai cấp với quyền lợi chung nhưng lại đối kháng nhau, đấy là giai cấp của các nhà tư bản và giai cấp công nhân công nghiệp. Chủ nghĩa xã hội luôn luôn hi vọng rằng tầng lớp trung lưu cũ sẽ nhanh chóng biến mất mà hoàn toàn không đếm xỉa đến sự ra đời của giai cấp trung lưu mới, đấy là đội quân đông đảo các nhân viên văn phòng, nhân viên đánh máy, nhân viên hành chính và giáo viên, người bán hàng và các quan chức cấp thấp, cũng như đại diện của những người có tay nghề thấp thuộc rất nhiều nghề nghiệp khác nhau. Trong một giai đoạn nào đó giai cấp này đã cung cấp nhiều lãnh tụ cho phong trào công nhân. Nhưng khi càng ngày người ta càng thấy rõ rằng địa vị của giai cấp này đang xấu đi so với địa vị của giai cấp công nhân công nghiệp thì lí tưởng của phong trào công nhân sẽ không còn cuốn hút được họ nữa. Và mặc dù họ vẫn là những người xã hội chủ nghĩa, theo nghĩa là họ bất mãn với hệ thống tư bản chủ nghĩa và đòi phải phân phối của cải vật chất phù hợp với quan điểm của mình về lẽ công bằng, nhưng hóa ra quan điểm của họ hoàn toàn không giống với quan điểm mà các đảng xã hội chủ nghĩa cũ đã áp dụng trong thực tiễn.

Các công cụ mà những đảng xã hội chủ nghĩa kiểu cũ đã áp dụng một cách thành công nhằm bảo đảm sự ủng hộ của một nhóm nghề nghiệp – tức là cải thiện hoàn cảnh kinh tế của nhóm người này – hóa ra là không còn phù hợp, nếu họ muốn tất cả mọi người ủng hộ. Vì vậy, nhất định sẽ xuất hiện các đảng và các phong trào xã hội chủ nghĩa cạnh tranh nhau, sẽ xuất hiện các phong trào thể hiện quyền lợi của những giai tầng bị thiệt thòi đó. Lời khẳng định tương đối thịnh hành rằng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội quốc gia là những biến thể của chủ nghĩa xã hội dành cho giai cấp trung lưu chứa đựng khá nhiều sự thật, chỉ có điều là ở Ý và ở Đức các phong trào này giành được sự ủng hộ của tầng lớp xã hội không còn là trung lưu nữa. Trên thực tế, đây là cuộc bạo loạn của một giai cấp mới, giai cấp bị tước đoạt đặc quyền đặc lợi nhằm chống lại tầng lớp quí tộc trong giai cấp công nhân, chính phong trào lao động trong lĩnh vực công nghiệp đã tạo ra cuộc nổi loạn này.

Không nghi ngờ gì rằng chẳng có tác nhân kinh tế nào lại có ảnh hưởng tới sự phát triển của các phong trào này bằng lòng ghen tị của những người làm nghề tự do nhưng lại không mấy thành công, đấy có thể là một anh kĩ sư hay một luật sư có bằng đại học và nói chung là “những người vô sản cổ trắng” ghen tị với người thợ máy hay thợ sắp chữ hay các thành viên của các công đoàn mạnh với thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, trong những năm đầu, các thành viên bình thường của phong trào quốc xã chắc chắn là nghèo hơn các đoàn viên công đoàn trung bình hay đảng viên của các đảng xã hội chủ nghĩa cũ, đảng viên quốc xã còn cảm thấy cay đắng hơn vì anh ta đã từng có những ngày tốt đẹp hơn và thường vẫn sống trong khung cảnh làm anh ta nhớ lại một thời quá khứ chưa xa.

Câu “cuộc đấu tranh giai cấp à rebours[13] từng thịnh hành ở Ý trong giai đoạn hình thành chủ nghĩa phát xít cho ta thấy một đặc điểm vô cùng quan trọng của phong trào này. Xung đột giữa đảng phát xít hay xã hội chủ nghĩa quốc gia với đảng xã hội chủ nghĩa cũ là xung đột điển hình và không thể tránh khỏi giữa các phe cánh của phong trào xã hội chủ nghĩa. Họ có chung quan niệm rằng nhà nước phải quyết định địa vị của mỗi người trong xã hội. Nhưng giữa họ đã và sẽ mãi mãi tồn tại mâu thuẫn sâu sắc về việc xác định vị trí cụ thể cho từng nhóm và từng giai cấp khác nhau.

* * *

Các lãnh tụ chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, những người luôn luôn cho rằng đảng của họ là đội tiên phong của một phong trào hướng đến chủ nghĩa xã hội rộng lớn hơn, không thể hiểu được vì sao sau mỗi một lần truyền bá các phương pháp xã hội chủ nghĩa sang một lĩnh vực mới là lại thêm những tầng lớp nghèo khổ đứng lên chống lại họ. Nhưng trong khi những đảng xã hội chủ nghĩa kiểu cũ, hay công đoàn trong các ngành công nghiệp cụ thể, thường dễ dàng đạt được thỏa thuận với những người sử dụng lao động trong các lĩnh vực công nghiệp về việc phối hợp hành động thì các tầng lớp xã hội rộng lớn lại vẫn hoàn toàn tay trắng. Đối với những người này, không hẳn thiếu cơ sở khi nghĩ rằng, tầng lớp thành đạt hơn trong phong trào công nhân đã thuộc về giai cấp bóc lột chứ không thuộc về những người bị bóc lột nữa[14].

Sự bất mãn của tầng lớp trung lưu lớp dưới, vốn cung cấp phần lớn ủng hộ viên cho chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội quốc gia, càng sôi sục thêm vì họ căn bản là những người có học, cố gắng vươn lên địa vị lãnh đạo và coi mình là những thành viên tiềm tàng của giới tinh hoa cầm quyền. Thế hệ trẻ hơn vốn được giáo dục theo tinh thần xã hội chủ nghĩa trong khi coi khinh việc kiếm lời, quay lưng lại với nghề kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, và đổ xô vào những chức vụ hứa hẹn sự ổn định với đồng lương được bảo đảm, thì lại đòi hỏi có thu nhập và quyền lực mà họ, nhờ vào học vấn của mình, xứng đáng được hưởng. Họ tin vào xã hội có tổ chức, nhưng lại hy vọng một địa vị xã hội khác hẳn với địa vị mà xã hội do những người lao động lãnh đạo sẽ dành cho họ. Họ đã trang bị cho mình những phương pháp hoạt động của chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, nhưng lại muốn dùng chúng cho quyền lợi của giai cấp khác. Phong trào này có khả năng lôi cuốn tất cả những ai tuy đồng thuận về ý tưởng nhà nước kiểm soát đời sống kinh tế nhưng lại không chia sẻ những mục tiêu mà tầng lớp công nhân quý tộc hướng tới.

Ngay từ khi mới ra đời, phong trào xã hội chủ nghĩa mới đã có một vài lợi thế. Chủ nghĩa xã hội của giai cấp công nhân sinh ra trong lòng thế giới dân chủ và tự do đã điều chỉnh chiến thuật của mình cho phù hợp và tiếp thu nhiều tư tưởng tự do của xã hội dân chủ. Các nhà lãnh đạo của nó vẫn tin rằng xây dựng xong chủ nghĩa xã hội sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Trong khi đó chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội quốc gia lại sinh ra trong lòng xã hội đã bị điều tiết nhiều hơn và bắt đầu nhận thức được rằng chủ nghĩa xã hội quốc tế và dân chủ hướng đến những lí tưởng không phù hợp với họ. Chiến thuật của các phong trào này hình thành và phát triển trong một thế giới, nơi mà chính sách xã hội chủ nghĩa và những vấn đề mà nó gây ra đã có ảnh hưởng to lớn. Họ đã không còn ảo tưởng vào khả năng giải quyết một cách dân chủ các vấn đề, tức là không tin vào cách giải quyết đòi hỏi người ta phải có nhiều đồng thuận hơn. Họ không còn ảo tưởng về khả năng xác định nhu cầu tương đối của từng cá nhân hay các nhóm làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, cũng như không còn tin rằng nguyên tắc công bằng có thể đưa ra đáp án được nữa. Họ biết rằng nhóm mạnh nhất, tức nhóm đủ sức tập hợp những ủng hộ viên của một trật tự xã hội thứ bậc mới và hứa với những giai cấp mà nó dựa vào một số đặc quyền đặc lợi, sẽ có nhiều khả năng nhận được sự ủng hộ của những người đã thất vọng vì đã bị hứa hẹn về công bằng nhưng rốt cuộc nhận ra rằng cố gắng của họ chỉ đem lại quyền lợi cho một giai tầng nhất định mà thôi. Chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã đã thành công trước hết là vì lí thuyết hay cái Weltangschauung mà chúng đưa ra đã hứa cho những người ủng hộ một số đặc quyền đặc lợi.

Chú thích:

[1] Có thể là chúng ta đã quen đánh giá quá cao ý nghĩa của thu nhập từ sở hữu, đã coi nó là nguyên nhân chủ yếu của bất bình đẳng, và do đó cho rằng bãi bỏ thu nhập từ sở hữu sẽ là biện pháp bảo đảm cho sự bình đẳng. Một số thông tin ít ỏi mà chúng ta có về phân phối thu nhập ở nước Nga lại không cho phép chúng ta khẳng định rằng sự bất bình đẳng ở đó đã được thu hẹp hơn so với các nước tư bản chủ nghĩa. Max Eastman đã đưa ra một số thông tin từ những nguồn chính thức của Liên Xô (The End of Socialism in Russia (Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội ở Nga), 1937. trang 30-34) chứng tỏ rằng tỉ lệ giữa mức lương cao nhất và mức lương thấp nhất ở Nga cũng tương đương như ở Mỹ (khoảng 50:1). Còn James Burnham (The Managerial Revolution – Cuộc cách mạng về quản lí; 1941. trang 43) thì trích dẫn một bài báo của Trotsky (1939), trong đó nói rằng “tầng lớp chóp bu ở Liên Xô, chỉ có 11-12% dân số nhưng đã chiếm tới gần 50% thu nhập quốc dân. Như vậy là sự cách biệt còn cao hơn cả Mỹ, tại đây 10% dân số chiếm khoảng 35% thu nhập quốc dân”.

[2] Eastman Max, Reader’s Digest, July, 1941, p. 39.

[3] Đây là lời của chàng trai Disraeli.

[4] Muggeridge M. Winter in Moscow (Mùa đông ở Moskva), 1934; Feiler A. The Experiment of Bohhevism (Kinh nghiệm của chủ nghĩa Bolsevik), 1930.

[5] Principles of Political Economy (Các nguyên lí của kinh tế chính trị học), cuốn 1, chương II, trang 4.

[6] Thế giới quan – Tiếng Đức – ND.

[7] Wieser G. Ein Staat stirbt, Österreich 1934-1938. Paris, 1938. P. 41.

[8] Tổ chức thiếu niên phát xít ở Ý – ND.

[9] Tổ chức thanh niên phát xít ở Đức – ND.

[10] Tổ chức phát xít ở Ý gọi là “Sau giờ làm việc”, có nhiệm vụ giúp nông dân và các thợ thủ công nghỉ ngơi sau giờ làm việc – ND.

[11] Tổ chức phát xít ở Đức gọi là “Vui khỏe” – ND.

[12] Các “câu lạc bộ sách” mang tính chính trị ở Anh cũng có tác dụng tương tự.

[13] Lộn trái – tiếng Pháp – ND.

[14] Đã hai mươi năm trôi qua kể từ khi Hendrik de Man, một trong các trí thức xã hội chủ nghĩa hàng đầu ở châu Âu (ông này đã đi tiếp một đoạn đường tự nhiên nữa và chấp nhận chủ nghĩa quốc xã) ghi nhận rằng “đây là lần đầu tiên kể từ khi xuất hiện chủ nghĩa xã hội, sự bất mãn với chủ nghĩa tư bản đã quay sang chống lại chính phong trào xã hội chủ nghĩa” (Sozialismus and National Faszismus (Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa phát xít quốc gia), Potsdam, 1931. trang 6).

Bình luận