Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đường Về Nô Lệ

Chương 4: Kế Hoạch Hóa Là “Tất Yếu”?

Tác giả: F. A. Hayek
Thể loại: Triết Học

Chúng tôi là những người đầu tiên nói rằng hình thức của nền văn minh càng phức tạp bao nhiêu thì tự do cá nhân càng cần phải bị hạn chế bấy nhiêu.

Benito Mussolini

Rõ ràng là hiện nay ít người ủng hộ kế hoạch hóa còn có thể vênh vang nói rằng kế hoạch hóa tập trung là điều đáng mơ ước nữa. Hiện nay đa phần những người đó đều khẳng định rằng chúng ta buộc phải dùng kế hoạch hóa thay thế cho cạnh tranh vì những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Những người ủng hộ kế hoạch hóa tìm mọi cách nuôi dưỡng cái huyền thoại rằng chúng ta đi theo đường lối mới không phải vì chúng ta muốn như thế mà sự phát triển của các công nghệ mới đã làm cho cạnh tranh ngày càng suy yếu và không quên nói rằng chúng ta không thể và không nên ngăn chặn tiến trình tự nhiên này. Lí lẽ chỉ dừng lại ở đây, nó được chép từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, từ tác giả này sang tác giả khác và nhờ lặp đi lặp lại như thế mà hiện được coi như một sự kiện đã được xác lập. Tuy vậy, đây là một khẳng định hoàn toàn thiếu cơ sở. Xu hướng độc quyền và kế hoạch hóa hoàn toàn không phải là kết quả của “những hoàn cảnh khách quan” nào đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta mà là sản phẩm của công tác tuyên truyền cho một quan điểm cụ thể, được tiến hành trong suốt nửa thế kỉ qua và đã biến nó thành quan điểm chủ đạo trong chính sách của chúng ta.

Một trong những lí lẽ thường được sử dụng để chứng minh tính tất yếu của kế hoạch hóa là: vì sự thay đổi của công nghệ làm cho cạnh tranh trở thành ngày càng bất khả thi trong nhiều lĩnh vực, chúng ta chỉ có một trong hai lựa chọn, đấy là các công ty độc quyền tư nhân hay chính phủ sẽ kiểm soát sản xuất mà thôi. Quan niệm này có xuất xứ từ luận điểm về “tập trung ngành” của học thuyết marxit và cũng như nhiều tư tưởng marxit khác, nó được nhiều người sao chép, vay mượn quá đến nỗi người ta thường sử dụng mà chẳng biết xuất xứ từ đâu.

Các công ty độc quyền ngày càng tăng cường sức mạnh đồng thời với việc thu hẹp lĩnh vực cạnh tranh tự do diễn ra trong suốt năm mươi năm qua là sự kiện lịch sử không thể nghi ngờ và không ai chối cãi, tuy mức độ đôi khi bị thổi phồng một cách quá đáng[1]. Nhưng vấn đề quan trọng là sự gia tăng độc quyền có phải là hậu quả tất yếu của phát triển công nghệ hay đấy là kết quả của chính sách mà nhiều nước đang theo đuổi. Như chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra dưới đây, các sự kiện nghiêng về giả thuyết thứ hai. Nhưng trước hết chúng ta hãy tìm cách trả lời câu hỏi liệu sự tiến bộ của kĩ thuật hiện đại có tất yếu dẫn đến việc mở rộng độc quyền hay không.

Người ta thường nói rằng tính ưu việt về mặt kĩ thuật của các xí nghiệp lớn với các dây chuyền sản xuất hàng-loạt với hiệu suất cao hơn là nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự gia tăng độc quyền. Người ta khẳng định rằng nhờ các phương pháp hiện đại mà trong nhiều lĩnh vực đã xuất hiện những điều kiện giúp cho các xí nghiệp lớn gia tăng khối lượng sản xuất đồng thời giảm giá thành cho từng đơn vị sản phẩm. Kết quả là với giá cả thấp hơn, các hãng lớn sẽ hất cẳng các hãng nhỏ và với đà phát triển như thế, trong mỗi lĩnh vực sẽ chỉ còn lại một hoặc một vài hãng khổng lồ mà thôi. Lập luận này chỉ xem xét có một xu hướng cùng chiều với tiến bộ kĩ thuật và bỏ qua các xu hướng ngược lại. Vì thế khi nghiên cứu kĩ ta sẽ không tìm thấy các sự kiện ủng hộ cho giả thuyết này. Không có điều kiện phân tích cụ thể vấn đề này, chỉ xin dẫn ra ở đây một bằng chứng hiển nhiên. Ở Mĩ, việc phân tích một cách toàn diện các sự kiện diễn ra gần đây được Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lâm thời tiến hành trong một khảo sát lấy tên là Concentration of Economic Power (Sự tập trung quyền lực kinh tế). Báo cáo của Hội đồng (thật khó có thể nghi ngờ rằng đây là một nghiên cứu thiên về phái tự do) kết luận một cách rõ ràng rằng: quan điểm cho rằng hiệu quả của sản xuất quy mô lớn là nguyên nhân thủ tiêu cạnh tranh “không được các sự kiện mà chúng ta có trong tay ủng hộ[2]”. Cuốn sách chuyên khảo được chuẩn bị cho Hội đồng đã tổng kết cuộc thảo luận về vấn đề này như sau:

“Hiệu quả vượt trội của các xí nghiệp lớn chưa được chứng minh; các lợi thế được cho là có thể hủy hoại cạnh tranh đã không được tìm thấy trong nhiều lĩnh vực. Các lợi ích kinh tế nhờ quy mô, nếu có, không nhất thiết dẫn tới độc quyền… Hiệu quả tối ưu có thể đạt được trước khi phần lớn nguồn cung ứng bị xí nghiệp độc quyền kiểm soát. Kết luận rằng lợi thế của sản xuất quy mô lớn nhất định sẽ dẫn đến tiêu diệt cạnh tranh là không thể chấp nhận được, cần ghi nhận rằng độc quyền thường xuất hiện dưới tác động của các tác nhân khác chứ không phải là do giá cả thấp đạt được nhờ sản xuất với quy mô lớn. Độc quyền thường là kết quả của những thỏa thuận ngầm và được thúc đẩy bởi chính sách của chính phủ. Khi các thỏa thuận này bị coi là phi pháp và khi chính sách được xem xét lại một cách toàn diện thì có thể tái lập các điều kiện cần thiết cho cạnh tranh phát triển[3]”.

Nghiên cứu tình hình ở Anh có lẽ cũng sẽ dẫn đến các kết quả tương tự. Bất kì ai từng chứng kiến sự nhiệt tình của các doanh nhân độc quyền trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của nhà nước và việc họ thường nhận được sự ủng hộ cần thiết trong việc duy trì sự kiểm soát đối với thị trường sẽ không còn một chút nghi ngờ nào về tính tất yếu của quá trình phát triển như thế.

Ta còn dễ dàng đồng ý với kết luận trên, nếu xét đến trình tự xuất hiện của quá trình suy giảm cạnh tranh và mở rộng độc quyền ở những nước khác nhau. Nếu suy giảm cạnh tranh và mở rộng độc quyền là kết quả của tiến bộ kĩ thuật hay là một giai đoạn phát triển tất yếu của “chủ nghĩa tư bản” thì chắc chắn nó phải xảy ra trước tiên ở các nước có nền kinh tế phát triển hơn. Trên thực tế lần đầu tiên quá trình này xuất hiện vào khoảng 30 năm cuối thế kỉ XIX ở các nước có nền công nghiệp non trẻ, tức là ở Mỹ và Đức. Ở Đức, nước được coi là hình mẫu của các quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản, từ năm 1878 nhà nước đã chủ động thi hành chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các cartel và các nghiệp đoàn. Các chính phủ không chỉ sử dụng chủ nghĩa bảo hộ mà còn áp dụng các biện pháp khuyến khích trực tiếp, thậm chí cưỡng ép nhằm đẩy nhanh quá trình thành lập các tập đoàn độc quyền nhằm điều tiết giả cả và tiêu thụ. Chính ở Đức, nhờ sự giúp đỡ của nhà nước, người ta đã tiến hành một thí nghiệm vĩ đại đầu tiên trong việc “lập kế hoạch một cách khoa học” và “tổ chức có chủ ý nền công nghiệp” dẫn đến việc hình thành các công ty độc quyền vô cùng to lớn, các công ty này được coi là sự phát triển tất yếu của nền kinh tế năm mươi năm trước khi những việc như thế được thực hiện ở Anh. Luận điểm về sự chuyển hóa tất yếu của hệ thống kinh tế dựa trên cạnh tranh sang “chủ nghĩa tư bản độc quyền” được các nhà xã hội chủ nghĩa Đức mà trước hết là Sombart đưa ra trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm nước mình rồi sau đó truyền bá ra toàn thế giới. Ở Mỹ, nơi chính sách bảo hộ của chính phủ thể hiện rất rõ, sự phát triển cũng diễn ra tương tự, dường như khẳng định luận điểm này. Nhưng Đức chứ không phải Mỹ được coi là xu hướng phát triển mang tính toàn cầu điển hình của chủ nghĩa tư bản và đương nhiên là có thể nói – xin trích dẫn một tiểu luận thời trước chiến tranh được nhiều người đọc – “Đức là nước mà tất cả các lực lượng chính trị và xã hội của nền văn minh hiện đại đã đạt được mức độ phát triển nhất[4]”.

Theo dõi sự phát triển ở Anh trước và sau năm 1931, tức là từ khi đất nước chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ, sẽ cho chúng ta thấy tính tất yếu đóng góp chẳng bao nhiêu mà kết quả chủ yếu là do chính sách có chủ ý của chính phủ. Khoảng mười hai năm trước đây nền công nghiệp Anh, trừ một vài ngành đã nằm dưới sự bảo trợ của chính phủ, đã có sức cạnh tranh, có thể nói, chưa từng có trong lịch sử. Và mặc dù trong những năm 1920 đã bị khốn đốn vì hậu quả của hai chương trình, tiền tệ tín dụng và điều tiết lương, trái ngược nhau, nhưng suốt trong giai đoạn này, ít nhất là đến năm 1929, tỉ lệ người có việc làm và hoạt động kinh tế không hề kém hơn những năm 1930. Chỉ từ khi quay sang bảo hộ và những thay đổi khác kèm theo trong chính sách kinh tế thì các công ty độc quyền mới có bước phát triển nhanh đến chóng mặt và đã biến đổi nền công nghiệp Anh đến mức đa số dân chúng còn chưa nhận thức được. Khẳng định rằng các sự kiện này phụ thuộc, trong chừng mực nào đó, vào sự tiến bộ kĩ thuật diễn ra trong cùng thời kì, khẳng định rằng “cái tất yếu” từng xảy ra ở Đức hồi những năm 1880-1890 và bây giờ bỗng xuất hiện ở Anh thì cũng lố bịch chẳng khác gì theo đuôi Mussolini mà nhắc lại rằng nước Ý phải tiêu diệt tự do cá nhân trước các nước khác vì nền văn minh của nó đã vượt xa nền văn minh của tất cả các dân tộc khác trên thế giới!

Nói riêng về nước Anh, một nước trong một thời gian dài vốn đứng bên ngoài các cuộc thảo luận về trí tuệ diễn ra trong nhiều nước khác, ta có cảm tưởng rằng sự thay đổi các quan điểm và chính sách ở đây thường đi sau các sự kiện thực tế, những sự kiện mà theo một ý nghĩa nào đó là tất yếu. Vâng, tổ chức theo lối độc quyền nền công nghiệp diễn ra ở đây là do tác động từ bên ngoài, nó trái ngược hẳn với thái độ của công chúng vốn ưa thích cạnh tranh hơn. Nhưng muốn hiểu rõ quan hệ giữa lí thuyết và thực tiễn thì phải nghiên cứu nước Đức vì Đức chính là nguyên mẫu cho sự phát triển ở nước ta. Không nghi ngờ gì rằng chính ở Đức, người ta đã cố tình ngăn cản cạnh tranh nhân danh cái lí tưởng mà hiện nay chúng ta gọi là kế hoạch hóa. Đức và các dân tộc bắt chước họ đang tiến một cách nhất quán đến xã hội theo kế hoạch, tức là họ đi theo đường lối do các nhà tư tưởng thế kỉ XIX, mà đa số cũng là người Đức, vạch ra. Như vậy nghĩa là lịch sử tư tưởng trong sáu mươi – tám mươi năm qua là minh chứng hùng hồn cho luận điểm rằng trong sự phát triển của xã hội chẳng có gì có thể gọi là tất yếu cả, chính tư duy đã làm cho nó trở thành như thế.

* * *

Có thể giải thích lời khẳng định rằng tiến bộ của kĩ nghệ đã làm cho kế hoạch hóa trở thành tất yếu theo một cách khác. Đấy là nền văn minh công nghiệp phức tạp của chúng ta đã sản sinh ra nhiều vấn đề mới, mà nếu không hoạch định tập trung thì không thể giải quyết được. Theo một nghĩa nào đó thì đúng là như thế, nhưng không phải theo nghĩa rộng như hiện nay người ta đang hiểu. Thí dụ, ai cũng biết rằng nhiều vấn đề của các thành phố lớn cũng như những vấn đề phát sinh do sự sinh sống trong không gian chật chội không thể giải quyết được bằng biện pháp cạnh tranh. Nhưng những người nói đến sự phức tạp của nền văn minh hiện đại nhằm biện giải cho tính tất yếu của kế hoạch hóa lại hoàn toàn không có ý đếm xỉa tới những vấn đề này, tức những thứ tựa như các vấn đề về các dịch vụ công cộng. Họ nói rằng càng ngày càng khó nắm bắt được bức tranh chung của nền kinh tế và nếu chúng ta không lập ra một tổ chức điều phối trung tâm thì đời sống xã hội sẽ rơi vào hỗn loạn.

Điều đó chứng tỏ rằng người ta hoàn toàn không hiểu hoạt động của cạnh tranh. Thay vì chỉ có thể áp dụng cạnh tranh cho các tình huống đơn giản, cạnh tranh là giải pháp duy nhất dùng để giải quyết các tình huống phối hợp phức tạp, nảy sinh do quá trình phân công lao động hiện đại. Nếu các điều kiện đơn giản đến mức một cá nhân hay cơ quan nào đó có thể theo dõi được tất cả các tác nhân liên quan thì kiểm soát một cách hiệu quả hay kế hoạch hóa không phải là việc khó. Nhưng nếu các tác nhân nhiều đến mức không thể bao quát được hết thì lối thoát duy nhất là phi tập trung hóa. Nhưng phi tập tập trung hóa lại kéo theo ngay lập tức vấn đề phối hợp, đây là sự phối hợp mà các xí nghiệp độc lập có toàn quyền tổ chức hoạt động của mình cho phù hợp với những tình huống chỉ có họ mới biết nhưng đồng thời vẫn kết hợp được các kế hoạch của mình với kế hoạch của các xí nghiệp khác. Vì phi tập trung hóa là do không thể tính toán được tất cả các tác nhân, vốn phụ thuộc vào quyết định do rất nhiều cá nhân khác nhau đưa ra cho nên không thể thực hiện việc phối hợp thông qua biện pháp “kiểm soát có chủ ý” được mà phải dựa vào hệ thống các biện pháp bảo đảm cung cấp cho các cá nhân các thông tin cần thiết cho sự phối hợp hành động của anh ta với những người khác. Vì không có một trung tâm nào có thể nắm bắt được tình hình thay đổi cung cầu của các loại hàng hóa khác nhau và cũng không thể kịp thời đưa các thông tin đó đến các bên liên quan, cần một cơ chế tự động ghi nhận tất cả hậu quả liên quan của từng hành động của từng người riêng biệt và thể hiện các hậu quả đó dưới một hình thức chung nhất, vừa là kết quả của những quyết định trong quá khứ vừa là định hướng cho những quyết định trong tương lai.

Trong điều kiện cạnh tranh, hệ thống giá cả chính là cơ chế như thế và không có cơ chế nào khác có thể thay thế được nó. Doanh nhân, bằng cách quan sát sự vận động của giá cả, giống như người kĩ sư quan sát sự vận hành của các bánh răng, có thể điều chỉnh hoạt động của anh ta cho phù hợp với hoạt động của các doanh nhân khác. Điều quan trọng là chức năng của hệ thống giá cả chỉ thể hiện một cách trọn vẹn trong điều kiện cạnh tranh, nghĩa là trong trường hợp từng doanh nhân phải thích ứng với sự biến đổi của giá cả nhưng không thể kiểm soát được nó. Cái toàn thể càng phức tạp thì chúng ta càng phụ thuộc vào sự phân hữu trí thức giữa các cá nhân, những cố gắng riêng lẻ của các cá nhân như thế chỉ có thể được điều phối bởi một hệ thống truyền tải thông tin phi cá tính có tên là giá cả.

Không hề phóng đại khi nói rằng nếu chúng ta phải dựa vào kế hoạch hóa tập trung để phát triển thì hệ thống công nghiệp không thể nào đạt được mức độ đa dạng, phức tạp và uyển chuyển như hiện nay. So với phương pháp giải quyết các vấn đề kinh tế một cách phi tập trung cộng với việc điều phối tự động thì phương pháp quản lí tập trung tỏ ra vụng về, thô thiển và có tầm hoạt động giới hạn đến khó tin. Việc phân công lao động xã hội đã đạt đến mức làm cho sự tồn tại của nền văn minh hiện đại trở thành khả dĩ, đấy chính là do nó đã không được lập kế hoạch một cách có chủ ý mà được xây dựng bằng phương pháp trái ngược hẳn với kế hoạch hóa. Vì vậy mà hệ thống này càng phức tạp thì càng không cần có lãnh đạo tập trung, chúng ta càng cần phải sử dụng những biện pháp không lệ thuộc vào sự kiểm soát có chủ đích.

* * *

Còn có một lí thuyết gán sự phát triển của các công ty độc quyền với tiến bộ kĩ thuật mà lí lẽ trái ngược hoàn toàn với những lí lẽ mà chúng ta vừa xem xét. Mặc dù lí thuyết này thường được trình bày một cách mù mờ nhưng nó cũng có ảnh hưởng đáng kể. Luận điểm chủ yếu của nó không phải là sự phát triển của công nghệ sẽ loại bỏ cạnh tranh mà ngược lại là chúng ta sẽ không thể áp dụng được kĩ thuật hiện đại nếu không có những biện pháp chống lại cạnh tranh, nghĩa là thiết lập độc quyền. Lí thuyết này không hẳn là bịp bợm, như những độc giả có óc phê phán có thể nghĩ: nếu kĩ thuật mới thực sự là hiệu quả thì nhất định nó sẽ đứng vững trước mọi thách thức cạnh tranh. Nhưng hóa ra có những thí dụ mà nói như thế có vẻ không xuôi. Thực ra các tác giả liên quan thường cố tình khái quát hóa các trường hợp này. Không nghi ngờ gì rằng họ đã lẫn lộn giữa sự hoàn hảo nếu xét từ quan điểm thuần tuý kĩ thuật với lợi ích đáng muốn nếu xét từ quan điểm của toàn thể xã hội.

Câu chuyện như sau. Nền công nghiệp Anh có thể sản xuất được xe hơi tốt hơn và rẻ hơn xe hơi của Mỹ với điều kiện là tất cả dân Anh đều chỉ đi một loại xe duy nhất, hay điện năng rẻ hơn than đá và khí đốt với điều kiện là tất cả đều chỉ sử dụng điện. Trong các thí dụ đó, chí ít người ta đã đưa ra mô hình về khả năng mọi người đều được hưởng lợi và chúng ta sẵn sàng chấp nhận một hoàn cảnh mới nếu như đó quả thực là lựa chọn của chúng ta. Nhưng vấn đề là chẳng có lựa chọn nào ở đây cả. Trên thực tế chúng ta bị đặt trước một tình thế hoàn toàn khác: hoặc tất cả mọi người cùng sử dụng một loại xe giá rẻ (hay sử dụng điện giá rẻ) hoặc có điều kiện lựa chọn các mẫu khác nhau của cùng một loại hàng hóa nhưng giá đắt hơn. Tôi không rõ những thí dụ bên trên đúng đến mức nào. Nhưng phải nói thêm rằng việc buộc người ta dùng hàng theo tiêu chuẩn hay ngăn cấm sự đa dạng vượt quá một mức nào đó có thể tạo ra sự dồi dào trong một số lĩnh vực nhất định, đủ bù lại sự hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng. Thậm chí có thể giả định rằng một ngày nào đó người ta sẽ đưa ra phát minh có lợi lớn cho xã hội với điều kiện là tất cả hay gần như tất cả mọi người đều sử dụng phát minh đó cùng một lúc.

Dù có thuyết phục đến đâu, các thí dụ này cũng không cho chúng ta quyền khẳng định rằng tiến bộ kĩ thuật nhất định sẽ dẫn đến kế hoạch hóa tập trung. Đơn giản là trong những trường hợp như thế ta buộc phải lựa chọn giữa được hưởng lợi nhưng bị ép buộc hoặc chẳng được gì cả – hoặc có thể sau này, khi khắc phục được các khó khăn về kĩ thuật, sẽ được lợi đôi chút. Đúng là đôi khi chúng ta vì tự do mà phải hi sinh lợi ích trực tiếp, nhưng, mặt khác, chúng ta phải tránh để làm sao cho sự phát triển trong tương lai không phụ thuộc vào kiến thức hiện tại hay sáng kiến của những người cụ thể. Bằng cách hi sinh những lợi ích khả dĩ tức thời, chúng ta giữ được tiềm lực cho sự phát triển trong tương lai. Mặc dù trong ngắn hạn, đôi khi giá phải trả cho sự đa dạng và tự do lựa chọn có thể là cao, nhưng trong dài hạn, ngay cả tiến bộ về vật chất cũng phụ thuộc vào sự đa dạng vì không ai có thể biết hình thức hàng hóa hay dịch vụ nào có thể tạo ra những điều kiện phát triển tốt hơn. Dĩ nhiên là không thể khẳng định rằng trong mọi trường hợp, sự hi sinh một số lợi thế hiện tại nhân danh tự do sẽ được đền bù trong tương lai. Nhưng vấn đề chủ yếu là lúc nào chúng ta cũng phải tạo cơ hội cho các xu hướng phát triển mà ta không thể nào dự đoán được. Chúng ta cần phải giữ nguyên lý tự do này ngay cả khi theo hiểu biết lúc đó của chúng ta thì ép buộc sẽ chỉ đem lại lợi ích hoặc ngay cả khi trong những trường hợp cụ thể nó không gây ra bất kì tác hại nào.

Trong các cuộc thảo luận về sự phát triển kĩ thuật hiện nay, tiến bộ thường được lí giải như là một cái gì đó nằm ngoài chúng ta và buộc chúng ta phải sử dụng các kiến thức mới theo một cách nhất định nào đó. Dĩ nhiên là các phát minh khác nhau đã tạo cho nền văn minh của chúng ta một sức mạnh mới, nhưng chỉ có những kẻ điên rồ mới sử dụng sức mạnh này để phá hủy tự do, nghĩa là phá hủy chính cái di sản giá trị nhất của nền văn minh. Từ đó có thể thấy một cách chắc chắn rằng muốn có tự do, hơn lúc nào hết chúng ta phải kiên quyết bảo vệ nó và phải luôn luôn chấp nhận hi sinh nhân danh tự do. Tóm lại sự phát triển của kĩ thuật hiện đại không đẩy chúng ta vào con đường kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế, trong khi đó chính sự phát triển của kĩ thuật lại làm cho quyền lực của cơ quan lập kế hoạch có được một công cụ vô cùng nguy hiểm.

* * *

Bây giờ, sau khi đã khẳng định rằng kế hoạch hóa nền kinh tế không phải là một nhu cầu tất yếu ngoại tại, mà là kết quả của một sự lựa chọn có ý thức của một số người nào đó, cần phải suy nghĩ xem vì sao lại có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kĩ thuật luôn đi tiên phong trong việc ủng hộ kế hoạch hóa đến như thế. Việc giải thích hiện tượng này liên quan mật thiết đến một sự kiện quan trọng mà ta phải luôn ghi nhớ nếu muốn phê phán kế hoạch hóa: vấn đề là mọi ý tưởng kĩ thuật của các chuyên gia của chúng ta đều có thể được thực hiện trong một thời gian tương đối ngắn nếu có thể buộc cả loài người coi đấy là mục tiêu duy nhất. Trên đời có rất nhiều thứ đáng mơ ước, thậm chí có thể đạt được nhưng trong đời mình chúng ta chỉ có thể đạt được vài thứ mà thôi hoặc chúng ta có thể hi vọng đạt được nhưng rất không hoàn hảo. Chỉ có sự vỡ mộng của một chuyên gia kĩ thuật trong lĩnh vực của mình mới buộc anh ta đứng lên chống lại trật tự hiện hữu. Tất cả chúng ta đều khó chấp nhận các công việc chưa hoàn thiện, đặc biệt khi đấy là những việc được mọi người coi là vừa đáng có vừa nằm trong tầm tay, vấn đề là không thể làm tất cả cùng một lúc, muốn hoàn thành một công việc thì phải hi sinh những công việc khác – chỉ có thể nhìn thấy điều này nếu ta chú ý đến các nhân tố nằm ngoài tầm mắt của giới chuyên môn hẹp; nó đòi hỏi ta phải nỗ lực tư duy trên một bình diện rộng lớn vì ta phải xem xét kỹ lưỡng các mục tiêu mà phần lớn chúng ta đang hướng công sức vào và cân đối chúng với những mục tiêu khác vốn ít được chú ý vì nằm ngoài sự quan tâm trực tiếp của chúng ta.

Mỗi một mục tiêu, nếu xem xét một cách riêng rẽ, có thể đạt được trên đường kế hoạch hóa, sẽ sinh ra hàng loạt những người nhiệt tình, những người tin rằng họ sẽ thuyết phục được giới lãnh đạo tương lai giá trị của mục tiêu này. Chắc chắn là một số người trong bọn họ sẽ thành công bởi vì xã hội kế hoạch hóa sẽ phải tiến đến một số mục tiêu nào đó, vốn ít được xã hội hiện tại quan tâm. Sẽ là ngốc nghếch khi phủ nhận việc trong các nước có nền kinh tế kế hoạch hóa, toàn bộ hoặc một phần, mà chúng ta biết, dân chúng được cung cấp một số thứ hàng hóa hoặc dịch vụ tốt nhờ kế hoạch hóa. Người ta thường đưa những con đường ô tô cao tốc ở Đức và Ý ra làm dẫn chứng, mặc dù những con đường như thế hoàn toàn chẳng phải là sản phẩm đặc trưng của kế hoạch hóa vì chúng có thể được thực hiện cả trong những xã hội tự do nữa. Nhưng lấy những thành tựu kĩ thuật trong những lĩnh vực riêng biệt làm dẫn chứng chứng minh tính ưu việt của nền kinh tế kế hoạch hóa cũng là việc làm ngốc nghếch tương tự. Đúng ra, khi thấy một vài thành tựu kĩ thuật nổi bật trên nền bức tranh phát triển khiêm tốn chung thì ta phải nói: đấy chính là bằng chứng chứng tỏ rằng các nguồn lực đã bị sử dụng sai. Những ai đã từng đi trên các con đường cao tốc của Đức, đều thấy rằng mật độ xe cộ ở đó còn ít hơn mật độ xe cộ trên những con đường loại hai ở Anh, sẽ đồng ý rằng việc xây những con đường như thế, từ quan điểm của thời bình, là việc làm vô ích. Những người lập kế hoạch làm việc này vì nhu cầu của “đại bác” thay vì nhu cầu của “bánh mì” lại là chuyện khác[5]. Nhưng theo tiêu chuẩn của chúng ta thì đấy không phải là việc đáng vui mừng gì.

Ảo tưởng của các chuyên gia khi cho rằng trong xã hội kế hoạch hóa, họ sẽ giành được nhiều nguồn lực để đạt cho được các mục tiêu mà họ quan tâm, trở thành một hiện tượng phổ quát hơn mức độ mà thoạt nhìn thuật ngữ “chuyên gia” ngầm định. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến một vấn đề nào đó, đều thích một cái gì đó hơn; theo nghĩa này thì tất cả chúng ta đều là chuyên gia. Chúng ta thường ngây thơ nghĩ rằng thang giá trị riêng của chúng ta có ý nghĩa không chỉ với chúng ta và nếu được thảo luận một cách tự do với những người duy lí, chúng ta có thể thuyết phục được họ rằng ý kiến của chúng ta là đúng. Dù đấy là người yêu phong cảnh thiên nhiên đang kêu gọi bảo vệ sự trong lành nguyên thủy của nó và loại bỏ sự ô nhiễm của nền công nghiệp hay người kêu gọi một cách sống sạch sẽ cho rằng cần phải phá bỏ tất cả những ngôi nhà thôn dã sinh động nhưng thiếu vệ sinh hay một người lái xe đang mơ ước làm sao khắp nơi đều có những con đường cao tốc rộng lớn và thuận lợi; hay một người chỉ chăm chăm vào việc nâng cao năng suất lao động, luôn luôn kêu gọi phải chuyên môn hóa và cơ khí hóa tất tần tật; hay một người mộng mơ cho rằng cần phải giữ cho được càng nhiều thợ thủ công độc lập thì càng tốt vì chỉ có như thế thì các cá nhân mới có thể phát triển toàn diện được – tất cả những người đó đều biết rằng chỉ có kế hoạch hóa thì mục đích của họ mới có thể thành tựu hoàn toàn và tất cả bọn họ đều ủng hộ kế hoạch hóa là vì thế. Nhưng chắc chắn là kế hoạch hóa, nếu được áp dụng, sẽ làm lộ ra những mâu thuẫn ngấm ngầm giữa các mục đích của chính họ.

Phong trào ủng hộ kế hoạch hóa mạnh như thế là vì hiện nay đây mới chỉ là một ước muốn, nó lôi kéo được tất cả những người có lí tưởng, những người sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời vì một mục đích vinh quang nào đó. Niềm hi vọng mà họ đặt vào kế hoạch hóa chính là kết quả của một cách hiểu đời sống xã hội rất hạn hẹp của họ, và thường là kết quả của một sự khuếch đại quá mức những mục tiêu mà họ cho là quan trọng nhất. Điều này thực ra không làm giảm giá trị thực dụng của họ trong xã hội tự do như xã hội của chúng ta, ở đây họ còn được mọi người thán phục nữa. Nhưng nếu như kế hoạch hóa được phép thực thi thì chính những người kêu gào kế hoạch hóa to mồm nhất sẽ trở thành những kẻ nguy hiểm nhất, và là những kẻ không khoan nhượng nhất đối với kế hoạch của những người khác. Vì từ người mộng mơ chân chính đến kẻ cuồng tín chỉ là một bước ngắn. Và mặc dù hiện nay các chuyên gia bất mãn chính là những người kêu gọi kế hoạch hóa lớn tiếng nhất, thật khó tưởng tượng nổi sự khủng khiếp và phi lý của cái thế giới nơi mà giả dụ các chuyên gia lém nhất trong những lĩnh vực khác nhau được tự do thực hiện các lí tưởng của mình mà không có sự kiểm soát nào. Và dù những người ủng hộ kế hoạch hóa có nói gì đi nữa thì “điều phối” cũng không thể trở thành một chuyên ngành mới được. Các nhà kinh tế học biết rõ hơn ai hết rằng họ không có kiến thức cần thiết để trở thành “nhà điều phối” vì phương pháp điều phối của họ là phương pháp không cần một nhà độc tài toàn trí toàn năng. Cách điều phối như thế chỉ có nghĩa là duy trì sự kiểm soát vô nhân tính, sự kiểm soát nhiều khi không thể hiểu nổi đối với những nỗ lực của các cá nhân, những sự kiểm soát mà các nhà chuyên môn kịch liệt phản đối.

Chú thích:

[1] Vấn đề này được giáo sư Lionel Robbins thảo luận kĩ trong trong tiểu luận: “The Inevitability of Monopoly”, Economic Basis of Class Conflict, (Tính tất yếu của độc quyền, Cơ sở kinh tế của xung đột giai cấp), trang 45-80.

[2] Final Report and Recommendations of the Temporary National Economic Committee. 77th Congress, 1st Session, Senate Document (Báo cáo cuối cùng và các khuyến nghị của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lâm thời, Quốc hội khóa 77, Kì họp I, Tài liệu của Thượng viện), số 35, 1941. trang 89.

[3] Wilcox C. Competition and Monopoly in American Industry. – “Temporary National Economic Committee”, (Cạnh tranh và độc quyền trong công nghiệp Mỹ – Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lâm thời), số 21, 1940. trang 314.

[4] Reinhold Niebuhr. Moral Man and Immoral Society (Con người đức hạnh và xã hội vô luân), (1932).

[5] Khi tôi đọc bản in thử cuốn sách này thì nhận được tin là công việc duy tu bảo dưỡng các xa lộ ở Đức đã tạm ngưng!

Bình luận
× sticky