Khi chính quyền khoác lên mình chiếc áo của nhà tổ chức, thì nó trở nên hấp dẫn đến mức có thể biến cộng đồng những người tự do thành nhà nước toàn trị.
Có lẽ đúng là chính mức độ độc đoán của các chính phủ toàn trị lẽ ra phải làm cho người ta sợ là một ngày nào đó cái hệ thống như thế có thể xuất hiện trong các nước đã được khai sáng hơn, thì ngược lại lại củng cố thêm niềm tin rằng điều đó không thể xảy ra được. Nước Đức quốc xã khác chúng ta một trời một vực, không thể nào tưởng tượng nổi là những chuyện diễn ra ở đấy lại có thể xảy ra ở đây được. Sự khác nhau đó lại đang ngày càng gia tăng dường như bác bỏ tất cả những ý kiến cho rằng có thể chúng ta đang đi theo cùng một hướng. Nhưng xin đừng quên rằng mười lăm năm trước khả năng xảy ra những chuyện như thế ở Đức bị coi là chuyện hoang đường, không chỉ chín trong mười người Đức mà ngay cả những nhà quan sát ngoại quốc có tư tưởng thù địch nhất cũng nghĩ như thế (dù bây giờ họ có làm ra vẻ đã từng tỏ ra thông thái như thế nào).
Nhưng như đã nói trên những trang trước, tình hình trong các nước dân chủ hiện nay giống không phải nước Đức bây giờ mà là nước Đức của hai mươi hay ba mươi năm về trước. Có rất nhiều đặc điểm mà lúc đó được coi là “đặc trưng Đức” thì nay đã trở thành quen thuộc ở Anh và có nhiều triệu chứng chứng tỏ rằng sự phát triển sẽ đi theo cùng một hướng. Điều quan trọng nhất, như chúng tôi đã nói, là cánh Hữu và cánh Tả càng ngày càng có quan điểm giống nhau về kinh tế và cùng có thái độ thù địch đối với chủ nghĩa tự do, vốn đã từng là cơ sở của đường lối chính trị phổ biến ở Anh. Chính ngài Harold Nicolson đáng kính đã tuyên bố rằng trong nhiệm kì của chính phủ Bảo thủ vừa qua trong số những thành viên nghị viện thuộc đảng Bảo thủ “tất cả những người có tài nhất trong thâm tâm đều là những người xã hội chủ nghĩa cả[1]”; và chẳng còn nghi ngờ gì rằng, cũng giống như thời những người Fabian, ngày nay nhiều người xã hội chủ nghĩa có cảm tình với những người bảo thủ hơn là với những người theo phái tự do. Còn có nhiều đặc điểm khác liên quan mật thiết đến chuyện này. Thái độ sùng bái nhà nước ngày càng gia tăng, thái độ thán phục quyền lực và căn bệnh say mê tất cả những gì to lớn, lòng nhiệt tình ủng hộ “tổ chức” mọi thứ (chúng ta gọi là “Lập kế hoạch”) và “không chịu để cho bất cứ thứ gì được phát triển một cách tự nhiên” – là những đặc điểm của người Đức cách đây sáu mươi năm đã từng làm cho von Treitschke lo lắng – hiện cũng có mặt ở Anh chẳng khác gì ở Đức trước đây.
Chỉ cần đọc một số tác phẩm nói về sự khác nhau giữa các quan niệm của người Anh và người Đức về các vấn đề chính trị và đạo đức xuất bản ở Anh trong cuộc chiến tranh vừa qua là có thể thấy rõ trong hai mươi năm qua nước Anh đã tiến xa đến đâu trên con đường mà Đức đã chọn. Có lẽ đúng là lúc đó dân chúng Anh nói chung có những đánh giá đúng hơn về sự khác biệt hơn là hiện nay. Nếu lúc đó người Anh lấy làm tự hào về truyền thống đặc biệt của mình thì hiện nay đa số sẽ lấy làm xấu hổ vì các quan điểm được coi là đặc trưng của Anh, nếu không nói là họ hoàn toàn chối bỏ những quan điểm như thế. Sẽ không quá lời khi nói rằng một tác giả viết về các vấn đề chính trị và xã hội lúc đó càng thể hiện được đặc trưng Anh bao nhiêu thì ngày nay càng dễ bị lãng quên ngay trên quê hương mình bấy nhiêu. Những người được cả thế giới thán phục, được coi là điển hình uyên bác của nước Anh tự do như Lord Morley hay Henry Sidgwick, Lord Acton hay A. V. Dicey thì thế hệ hiện nay lại coi là những người cổ lỗ sĩ từ thời Victoria. Có lẽ không có gì thể hiện rõ được sự thay đổi hơn là thái độ ưu ái đối với Bismarck trong văn học Anh hiện nay, còn tên của Gladstone lại ít khi được thế hệ trẻ nhắc tới mà không kèm theo những lời chế nhạo đối với quan điểm đạo đức thời Victoria và chủ nghĩa không tưởng ngây thơ của ông.
Ước gì tôi có thể thể hiện rõ được trong vài đoạn cái cảm giác lo lắng trong khi nghiên cứu một vài trước tác của Anh viết về những tư tưởng từng giữ thế thượng phong ở Đức trong cuộc chiến tranh vừa qua (Thế chiến I – ND), trong đó hầu như mỗi từ đều có thể được áp dụng cho các quan điểm thịnh hành nhất trong văn học Anh hiện nay. Xin trích một đoạn ngắn của Lord Keynes, mô tả vào năm 1915 “cơn ác mộng” mà ông phát hiện được trong một tác phẩm điển hình của Đức giai đoạn đó: theo tác giả người Đức này thì “ngay cả trong thời bình cũng phải giữ nền công nghiệp trong tình trạng động viên. Đấy chính là ý của ông ta khi nói về ‘quân sự hóa nền công nghiệp của chúng ta’ (Nhan đề của tác phẩm được xem xét). Chủ nghĩa cá nhân phải bị thanh toán một lần và vĩnh viễn. Phải thiết lập hệ thống điều tiết, mục tiêu của nó không phải là hạnh phúc của từng cá nhân (giáo sư Jaffé không hề xấu hổ khi nói rất nhiều về chuyện này), mà là tăng cường sự thống nhất của nhà nước đã được tổ chức lại nhằm đạt cho được hiệu quả cao nhất (Leistungsfähigkeit), nhưng lại chỉ có ảnh hưởng gián tiếp đối với sự cải thiện điều kiện sống của từng con người cụ thể. Cái học thuyết kinh tởm này lại được người ta coi là một kiểu lí tưởng chủ nghĩa. Dân tộc sẽ phát triển thành một “tổ chức thống nhất khép kín” và sẽ trở thành, trên thực tế, cái mà Platon tuyên bố nó nhất định phải là: ‘Der Mensch im Grossen[2]‘. Cụ thể là, nền hòa bình đang đến sẽ càng củng cố thêm tư tưởng về ảnh hưởng của nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp… Đầu tư nước ngoài, việc di dân, chính sách công nghiệp trong mấy năm gần đây vốn vẫn coi thế giới là một thị trường – tất cả đều là những hiện tượng rất nguy hiểm. Trật tự công nghiệp cũ dựa trên lợi nhuận hiện đang cáo chung; còn nước Đức mới, cường quốc thế kỉ XX, không thèm quan tâm đến lợi nhuận sẽ kết liễu hệ thống tư bản chủ nghĩa, có xuất xứ từ nước Anh hơn một trăm năm trước[3]”. Ngoài việc không một người cầm bút Anh quốc nào dám công khai miệt thị hạnh phúc cá nhân, đấy là theo hiểu biết của tôi, có câu nào trong đoạn trên lại không hiện diện trong văn chương Anh, hệt như chúng được chiếu qua một chiếc gương vậy?
Không nghi ngờ gì rằng, không chỉ các tư tưởng đã dọn đường cho chế độ toàn trị ở Đức và các nước khác mà còn cả các nguyên tắc của chủ nghĩa toàn trị cũng đang càng ngày càng mê hoặc được nhiều người ở những nước khác nữa. Mặc dù chẳng có mấy người ở Anh sẵn sàng nuốt trọn thực đơn của chủ nghĩa toàn trị, hầu như tất cả các món của nó đều đã được người này hay người khác khuyên chúng ta thử dùng rồi. Thực vậy, gần như chẳng có trang nào trong cuốn sách của Hitler mà không có một người nào đó ở Anh hay ở Mĩ không khuyên chúng ta đọc và áp dụng cho mục đích của mình. Câu này có thể áp dụng cho cả những kẻ tử thù của Hitler nữa. Chúng ta cũng không được quên rằng chủ nghĩa bài Do Thái của Hitler đã buộc nhiều người vốn là những đồ đệ thuần thành của chủ nghĩa toàn trị kiểu Đức phải ra đi hay trở thành kẻ thù của nó[4].
Việc mô tả chung chung không thể truyền tải hết được sự giống nhau của nhiều tác phẩm viết về chính trị ở Anh hiện nay với những tác phẩm đã phá tan niềm tin vào nền văn minh phương Tây ở Đức và đã tạo ra cái não trạng đưa đến thắng lợi của chủ nghĩa quốc xã. Không chỉ nội dung mà cách tiếp cận vấn đề được thảo luận còn giống nhau hơn nữa, tức là ở cả hai nước người ta đều sẵn sàng phá bỏ tất cả các mối liên hệ văn hóa với quá khứ, sẵn sàng đặt cược mọi thứ cho thành công của một thí nghiệm cụ thể. Giống như ở Đức, đa số các trước tác dọn đường cho chủ nghĩa toàn trị trong các nước dân chủ đều do những người cầm bút thực tâm theo chủ nghĩa lý tưởng và thường là các bậc thức giả lỗi lạc chấp bút. Vì thế, việc đưa một vài người ra làm thí dụ minh họa trong khi có hàng trăm người ủng hộ các quan điểm như thế có thể làm cho ai đó mất lòng vẫn là cách mà tôi thấy tốt hơn cả nhằm chứng tỏ rằng các quan điểm như thế đã tiến xa đến mức nào. Tôi sẽ cố tình lựa chọn các tác giả mà sự chân thành và vô tư của họ là không thể ngờ vực được. Mặc dù tôi hi vọng là sẽ chỉ ra được các quan niệm khởi nguồn cho chủ nghĩa toàn trị đang lan tràn nhanh chóng như thế nào, tôi khó mà có thể truyền đạt thành công sự giống nhau cũng quan trọng không kém trong lĩnh vực xúc cảm. Cần phải có những cuộc khảo cứu sâu rộng về những thay đổi tinh tế trong lĩnh vực ngôn ngữ và tư duy thì mới làm rõ được việc người ta sẵn sàng công nhận những triệu chứng của sự phát triển quen thuộc. Khi gặp những người đòi hỏi phải phân biệt tư tưởng “lớn” với tư tưởng “nhỏ” và thay cách nghĩ “tĩnh” hay “bộ phận” bằng cách nghĩ “động” hay “tổng thể”, ta có thể nhận thức được rằng cái mà ban đầu có vẻ như là vô nghĩa lại là dấu hiệu của quan điểm tri thức, đã quen thuộc mà chúng ta sẽ nghiên cứu ở đây.
* * *
Xin được dẫn ra hai tác phẩm của một học giả lỗi lạc đã gây được sự chú ý trong mấy năm gần đây. Trong nền học thuật Anh hiện đại khó có tác phẩm nào mà ảnh hưởng của tư tưởng Đức, là điều chúng ta đang quan tâm, lại rõ ràng như hai công trình của giáo sư E. H. Carr: Twenty Years’s Crisis (Cuộc khủng hoảng kéo dài hai mươi năm) và Conditions of Peace (Điều kiện của hòa bình).
Trong tác phẩm thứ nhất, giáo sư Carr đã thẳng thắn thú nhận là người kế tục “trường phái lịch sử’ của những người theo trường phái hiện thực khởi nguồn từ nước Đức và sự phát triển của nó có thể truy nguyên đến cả những tên tuổi vĩ đại như Hegel và Marx”. Ông ta giải thích rằng người theo trường phái hiện thực là “người coi đạo đức là chức năng của chính trị” và là người “không thể chấp nhận về mặt logic bất cứ tiêu chuẩn giá trị nào ngoài tiêu chuẩn của sự thật”. Theo đúng tinh thần Đức thì “chủ nghĩa hiện thực” trái ngược hẳn với chủ nghĩa “không tưởng” có từ thế kỉ XVIII “thực chất là tư tưởng cá nhân chủ nghĩa coi lương tâm con người là quan tòa cao nhất”. Nhưng đạo đức cũ với “các nguyên lí chung chung trừu tượng” phải bị loại bỏ vì “người theo chủ nghĩa kinh nghiệm xử lí từng trường hợp cụ thể trên cơ sở giá trị riêng của nó”. Nói cách khác, mọi thứ đều vô nghĩa, chỉ có tính thiết thực là có giá trị mà thôi, tác giả còn khẳng định rằng ngay cả “quy tắc pacta sunt servanda[5] cũng không phải là nguyên tắc đạo đức” nữa. Không có các nguyên lí chung chung trừu tượng thì giá trị chỉ còn tuỳ thuộc vào ý kiến tùy tiện của một người nào đó và các hiệp ước quốc tế nếu không bị ràng buộc về đạo đức thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nhưng giáo sư Carr không quan tâm đến những vấn đề như thế.
Theo giáo sư Carr, mặc dù ông không nói trắng ra như thế, nước Anh đã chọn lầm liên minh trong cuộc chiến tranh vừa qua [Thế chiến I – ND]. Bất kì ai đọc lại các tuyên bố về mục tiêu chiến tranh của Anh cách đây hai mươi lăm năm và so sánh chúng với các quan điểm hiện nay của giáo sư Carr cũng thấy ngay rằng quan điểm của ông giống hệt các quan điểm của Đức lúc đó. Có lẽ chính giáo sư Carr sẽ vặn lại rằng các quan điểm được thừa nhận lúc đó ở đất nước này chỉ là sản phẩm của thói đạo đức giả của người Anh mà thôi. Việc ông ta không nhận ra sự khác nhau giữa các lí tưởng của nước ta và các lí tưởng được thực thi ở Đức hiện nay thể hiện rõ ràng trong lời khẳng định sau đây: “Khi một đảng viên nổi tiếng của chủ nghĩa xã hội quốc gia khẳng định rằng ‘những gì có lợi cho nhân dân Đức đều là tốt, những gì có hại cho nhân dân Đức đều là xấu’ thì ông ta chỉ đề xuất chính cái nguyên lí hợp nhất quyền lợi của dân tộc với luật tổng quát đã được Tổng thống Wilson, giáo sư Toynbee, Lord Cecil và nhiều người khác thiết lập trong các nước nói tiếng Anh từ trước rồi”.
Vì các trước tác của giáo sư Carr chuyên nói về các vấn đề quốc tế cho nên tư tưởng của ông cũng thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực này. Nhưng chỉ cần lướt qua là thấy ngay rằng đặc điểm của cái xã hội tương lai mà ông dự liệu cũng chẳng khác gì mô hình toàn trị. Đôi khi người ta phải tự hỏi rằng sự giống nhau như thế là vô tình hay cố ý. Không biết giáo sư Carr có nhận thức được rằng, thí dụ, khi ông khẳng định: “Sự phân biệt giữa ‘xã hội’ và ‘nhà nước’, vốn quen thuộc đối với tư tưởng thế kỉ XIX, không còn nhiều giá trị đối với chúng ta nữa”, thì đấy chính là học thuyết của giáo sư Carl Schmitt, một lí thuyết gia quốc xã hàng đầu của chủ nghĩa toàn trị và thực chất đáng là định nghĩa về chủ nghĩa toàn trị do chính tác giả này đưa ra hay không? Liệu ông có nhận thức được rằng quan điểm:
“Việc sản xuất hàng loạt tư tưởng là hậu quả tất yếu của quá trình sản xuất hàng loạt hàng hóa” và vì vậy “Thành kiến vốn có của nhiều người đối với từ tuyên truyền cũng chẳng khác gì thành kiến đối với việc quản lí trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại vậy”, trên thực tế chính là lời biện hộ cho sự đồng phục về tư tưởng mà quốc xã đang thực hiện hay không?
Trong tác phẩm Conditions of Peace (Điều kiện của hòa bình), xuất bản trong thời gian gần đây, giáo sư Carr đã đưa ra câu trả lời khẳng định cho câu hỏi mà chúng ta đặt ra ở cuối chương trước như sau:
“Các nước thắng trận đã đánh mất hòa bình, còn nước Nga Xôviết và nước Đức thì giành được hòa bình vì các nước thắng trận tiếp tục thuyết giảng và phần nào đó áp dụng các lí tưởng về quyền của các dân tộc và chủ nghĩa tư bản laissez-faire, ngày xưa là đúng nhưng nay đã bị phá sản rồi; trong khi hai nước kia, dù vô tình hay cố ý, đã vượt lên phía trước trên ngọn triều của thế kỉ XX, họ cố gắng xây dựng thế giới mới từ các đơn vị lớn hơn theo nguyên tắc kế hoạch hóa và quản lí tập trung”.
Giáo sư Carr sáng tạo ra lời tuyên chiến kiểu Đức của mình, tức là lời tuyên chiến của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của phương Đông chống lại phương Tây tự do, trong đó Đức giữ vai trò lãnh đạo như sau: “Cuộc cách mạng khởi nguồn từ cuộc chiến tranh vừa qua là động lực cho mọi phong trào chính trị quan trọng trong hai mươi năm gần đây… Một cuộc cách mạng chống lại các tư tưởng từng giữ thế thượng phong trong thế kỉ XIX, tức là các tư tưởng dân chủ tự do, quyền tự quyết của các dân tộc và laissez-faire trong lĩnh vực kinh tế”. Ông đã nói rất đúng rằng: “Lời thách thức gần như không thể tránh khỏi này đối với những quan điểm của thế kỉ XIX sẽ phải kiếm tìm ở nước Đức, đất nước chưa bao giờ chia sẻ các quan điểm đó, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất”. Nhưng với tất cả niềm tin mang tính định mệnh, đặc trưng của những sử gia rởm (psedohistorian), bắt đầu từ Hegel và Marx, ông đã trình bày xu hướng phát triển không tránh khỏi đó như sau: “Chúng ta biết xu hướng phát triển của thế giới, chúng ta phải khuất phục nó hoặc chúng ta sẽ bị nó nghiền nát”.
Niềm tin vào tính tất yếu của xu hướng này dựa trên những nhận thức sai lầm quen thuộc về kinh tế, tức là dựa trên giả định rằng sự phát triển về công nghệ nhất định sẽ dẫn đến sự tăng trưởng nói chung của các công ty độc quyền, trên lời hứa về “sự sung túc tiềm tàng” và những câu khẩu hiệu mị dân khác chứa đầy trong các tác phẩm loại này. Giáo sư Carr không phải là một nhà kinh tế học, các lập luận về kinh tế của ông nói chung không thể đứng vững trước bất cứ lời phê bình nghiêm túc nào. Nhưng điều này cũng như niềm tin đặc trưng của ông rằng ý nghĩa của các tác nhân kinh tế trong đời sống xã hội đang giảm đi một cách nhanh chóng không ngăn cản được ông xây dựng tất cả các dự báo của mình về xu hướng phát triển tất yếu trên cơ sở các lập luận về kinh tế và đòi trong thời gian tới đây phải “lý giải lại chủ yếu bằng các thuật ngữ kinh tế các lí tưởng dân chủ như ‘bình đẳng’ và ‘tự do’”!
Giáo sư Carr cũng khinh thường tất cả tư tưởng của các nhà kinh tế học tự do chủ nghĩa (mà ông nhất quyết gọi là những tư tưởng của thế kỉ XIX, dù ông biết rằng nước Đức “không bao giờ chia sẻ” những ý tưởng như thế và ngay từ thế kỉ XIX đã áp dụng những nguyên tắc mà ông đang bảo vệ hiện nay) chẳng khác gì bất kì tác giả người Đức nào được trích dẫn trong chương trước. Ông còn vay mượn cả một luận điểm Đức, do Friedrich List đưa ra, rằng tự do thương mại là chính sách được áp đặt bởi và chỉ phù hợp với quyền lợi của nước Anh thế kỉ XIX mà thôi. Nhưng hiện nay “mức độ tự cấp tự túc nhân tạo nào đó là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại một xã hội có trật tự”. Còn “việc quay trở lại với nền thương mại thế giới vô trật tự và không có biên giới… bằng cách “dỡ bỏ các hàng rào thương mại” hoặc phục hồi các nguyên tắc laissez-faire hồi thế kỉ XIX” là “không thể tưởng tượng nổi”. Tương lai thuộc về Grossraumwirtschaft[6] theo kiểu Đức: “Chỉ có tái tổ chức một cách chủ động toàn bộ đời sống châu Âu như Hitler đã và đang làm thì mới có thể đạt được kết quả mà chúng ta mong muốn”!
Sau khi đọc những điều đã trình bày hẳn độc giả không lấy làm ngạc khi thấy cái đoạn đặc trưng với tiêu đề “Chức năng đạo đức của chiến tranh”, trong đó giáo sư Carr tỏ lòng thương hại “những người có thiện chí (đặc biệt là trong những nước nói tiếng Anh), vẫn còn chìm đắm trong truyền thống của thế kỉ XIX, vẫn khăng khăng coi chiến tranh là vô nghĩa và chẳng có mục đích gì”. Còn chính tác giả thì tỏ ra hoan hỉ “với nhận thức về ý nghĩa và mục đích” mà chiến tranh, “một công cụ hùng mạnh nhất của sự đoàn kết xã hội, tạo ra”. Tất cả đều rất quen, chỉ có điều chẳng mấy ai nghĩ là có thể gặp những điều như thế trong tác phẩm của các học giả người Anh.
* * *
Có lẽ chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến một đặc điểm của quá trình phát triển trí tuệ ở Đức trong một trăm năm qua mà hiện nay cũng xuất hiện dưới hình thức giống hệt như thế trong các nước nói tiếng Anh: Sự vận động của các nhà khoa học cho việc tổ chức xã hội “một cách khoa học”. Lí tưởng của một xã hội được tổ chức từ trên xuống dưới, xuyên suốt toàn bộ xã hội, đã thấm sâu vào nước Đức là do ở đây có những điều kiện có một không hai, cho phép các nhà khoa học và các chuyên gia kĩ thuật gây ảnh hưởng tới việc hình thành chính sách và dư luận xã hội. Ít người còn nhớ rằng trong lịch sử hiện đại Đức, các giáo sư hoạt động chính trị từng giữ vai trò chẳng khác gì vai trò của các luật sư tích cực hoạt động chính trị ở Pháp[7]. Những năm gần đây các nhà khoa học-chính khách này lại thường không đứng về phía tự do: “Sự bất dung về trí tuệ” thường thấy ở các nhà khoa học, sự thiếu kiên nhẫn khi xem xét cách làm của người bình thường cũng là đặc thù của các chuyên gia, và sự khinh thường tất cả những gì không được những đầu óc siêu việt chủ động tổ chức theo đúng các quan điểm khoa học đều là những hiện tượng quen thuộc trong đời sống xã hội Đức suốt mấy thế hệ, trước khi trở thành hiện tượng đáng kể ở Anh. Và có lẽ hơn bất cứ nước nào khác, Đức trong giai đoạn 1840-1940 chính là nước có thể cung cấp minh họa tốt nhất về ảnh hưởng đối với dân tộc khi phần lớn hệ thống giáo dục chuyển hướng từ “nhân văn” sang “thực tiễn[8]”.
Và cuối cùng, trừ một vài ngoại lệ, việc các học giả và các nhà khoa học sẵn sàng phục vụ cho những người cầm quyền mới là một trong những cảnh tượng gây thất vọng nhất và đáng xấu hổ nhất trong toàn bộ lịch sử ngóc đầu dậy của chủ nghĩa xã hội quốc gia[9]. Như mọi người đều biết, chính các nhà khoa học và các kĩ sư to mồm nhất đòi dẫn dắt hành trình tiến tới một thế giới tốt đẹp hơn lại là những người sẵn sàng quỵ lụy chế độ độc tài mới hơn bất kì giai cấp nào khác[10].
Vai trò của giới trí thức trong việc chuyển hóa xã hội thành xã hội toàn trị đã được Julien Benda dự báo từ trước, tác phẩm Trahison des clercs (Sự phản bội của các học giả) của ông có một ý nghĩa hoàn toàn mới khi ta đọc nó hôm nay, mười lăm năm sau ngày xuất bản. Đặc biệt có một đoạn trong tác phẩm rất đáng suy nghĩ và ghi nhớ khi xem xét một vài cuộc du ngoạn của các nhà khoa học Anh vào địa hạt chính trị. Đấy là đoạn Benda nói về “Sự mê tín, tôi nhắc lại, có từ thế kỉ XIX, cho rằng khoa học có thẩm quyền về mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực đạo đức. Còn phải tìm hiểu xem liệu những người tuyên truyền cho học thuyết này có thực sự tin như thế hay họ chỉ muốn khoác cho niềm đam mê của họ cái vỏ khoa học mà họ biết chắc là chẳng có gì ngoài niềm đam mê. Cần phải ghi nhận là cái giáo điều cho rằng lịch sử tuân theo các quy luật khoa học thường hay được những người ủng hộ các chính quyền độc đoán rao giảng, Tự nhiên là như thế bởi vì quan điểm đó cho phép loại bỏ hai thực thể mà họ căm thù nhất, tức là loại bỏ được tự do của con người và hành động mang tính lịch sử của cá nhân”.
Chúng ta đã có dịp nhắc tới một sản phẩm của Anh thuộc loại này, một tác phẩm, trong đó tất cả các khí chất đặc trưng của người trí thức toàn tộ, tất cả lòng hận thù đối những gì có ý nghĩa đối với nền văn minh phương Tây kể từ thời Phục hưng được hòa quyện với nhau bằng các phương pháp của Toà Dị giáo, trên nền tảng của chủ nghĩa Marx. Chúng tôi không muốn xem xét ở đây trường hợp cực đoan như thế và sẽ lọc ra một tác phẩm có tính đại diện hơn và cũng được nhiều người biết đến hơn. Cuốn sách mỏng của C. H. Waddington với tựa đề đặc trưng The Scientific Attitude (Thái độ khoa học), là một thí dụ tốt cho loại sách mà tuần báo Nature, một tuần báo có ảnh hưởng ở Anh, tài trợ. Cuốn sách này liên kết yêu cầu cho các nhà khoa học tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực chính trị với những lời kêu gọi cháy bỏng cho việc “kế hoạch hóa” toàn diện. Mặc dù không trắng trợn khinh miệt tự do như ông Crowther, tiến sĩ Waddington cũng chẳng làm người ta ít lo ngại hơn. Nhưng ông khác với những người cầm bút viết về cùng đề tài là ông nhận thức rõ và nhấn mạnh rằng những xu hướng mà ông mô tả và ủng hộ nhất định sẽ dẫn đến hệ thống toàn trị. Song điều đó, theo ông, còn tốt hơn là cái mà ông gọi là “nền văn minh chuồng khỉ tàn bạo hiện nay”.
Lời tuyên bố của tiến sĩ Waddington rằng nhà khoa học đủ sức lãnh đạo nhà nước toàn trị chủ yếu dựa trên luận thuyết của ông về việc “khoa học có thể đánh giá được khía cạnh đạo đức của hành vi của con người”, một lời tuyên bố mà tờ Nature nồng nhiệt ủng hộ. Dĩ nhiên đây là luận điểm mà các khoa học gia kiêm chính trị gia Đức đã biết từ lâu và đã được J. Benda chỉ rõ rồi. Để biết điều này có nghĩa là gì chúng ta không cần phải tham khảo gì khác ngoài cuốn sách của tiến sĩ Waddington. Tự do, ông giải thích là khái niệm mà “nhà khoa học rất khó thảo luận, một phần là vì nói cho đến cùng ông ta không tin là có một cái gì như thế”. Mặc dù vậy, ông nói rằng “khoa học công nhận” một số dạng tự do, nhưng “tự do để khác người, tự do để chẳng giống ai… không có giá trị khoa học”. Hình như “các khái niệm nhân văn đĩ điếm”, mà tiến sĩ Waddington đã nhận xét với đủ những từ xấu xa, đã dạy chúng ta lòng khoan dung và chính vì thế đã làm chúng ta lầm đường lạc lối một cách trầm trọng.
Khi bàn đến các vấn đề kinh tế và xã hội thì cuốn sách viết về “thái độ khoa học” lại chẳng còn, giống như bất kì cuốn sách nào thuộc loại này, bất kì mối liên hệ nào với tính khoa học nữa. Chúng ta lại thấy ở đây những lời sáo rỗng quen thuộc và những khái quát vô căn cứ về “sự sung túc tiềm tàng” và xu hướng tất yếu của độc quyền mặc dù “những tác phẩm có uy tín nhất” được ông đưa ra để củng cố cho các luận điểm này, sau khi kiểm tra, chỉ là những tiểu luận chính trị rất đáng ngờ về mặt khoa học trong khi những nghiên cứu nghiêm túc về những vấn đề như thế lại bị bỏ qua.
Cũng như phần lớn các tác phẩm thuộc loại này, lập luận của tiến sĩ Waddington chủ yếu dựa trên niềm tin của ông vào “những xu hướng tất yếu của lịch sử” mà khoa học có nhiệm vụ khám phá. Niềm tin này có xuất xứ từ “triết lí khoa học sâu sắc” của chủ nghĩa Marx, mà theo tiến sĩ Waddington là đỉnh cao của trí tuệ loài người, với các khái niệm cơ bản “gần như, nếu không nói là hoàn toàn, đồng nhất với các khái niệm làm nền tảng cho việc nghiên cứu tự nhiên”. Mặc dù “khó mà phủ nhận rằng cuộc sống ở Anh hiện nay khó khăn hơn” năm 1913, nhưng tiến sĩ Waddington vẫn kì vọng một hệ thống kinh tế “tập trung và toàn trị theo nghĩa là tất cả các khía cạnh phát triển kinh tế của các khu vực lớn sẽ được kế hoạch hóa một cách có chủ ý như một tổng thể tích hợp”. Đối với sự lạc quan dễ dãi về việc tự do tư tưởng vẫn có chỗ đứng trong hệ thống toàn trị, thì “thái độ khoa học” của ông khẳng định chắc chắn rằng “sẽ phải có các thông tin có giá trị về tất cả các vấn đề mà không cần phải là chuyên gia mới hiếu được”, kể cả vấn đề “chủ nghĩa toàn trị có thể song hành với tự do tư tưởng hay không”.
Muốn khảo sát một cách đầy đủ các xu xướng toàn trị khác nhau ở Anh cần phải chú ý đến những nỗ lực khác nhau nhằm tạo ra một kiểu chủ nghĩa xã hội cho các tầng lớp trung lưu, dù không nghi ngờ gì rằng các tác giả của chúng không nhận thức được, một xu hướng giống một cách đáng lo ngại với những gì đã diễn ra ở Đức thời trước khi Hitler nắm được chính quyền[11]. Còn nếu chúng ta quan tâm đến các phong trào chính trị thì chúng ta phải xem xét các tổ chức mới như phong trào Forward-March (Tiến lên) hay phong trào Common-Wealth (Thịnh vượng Chung) của Sir Richard Acland, tác giả cuốn Unser Kampi (Cuộc đấu tranh, của chúng ta, hay các hoạt động của “ủy hội 1941” của ông J. B. Priestley, có thời liên kết với phong trào bên trên. Nhưng mặc dù sẽ là sai lầm nếu coi thường các hiện tượng có tính triệu chứng nói trên, chúng vẫn không thể được coi là các lực lượng chính trị quan trọng. Ngoài những ảnh hưởng mang tính trí tuệ mà chúng tôi đã dẫn ra bằng hai thí dụ bên trên, động lực chủ yếu đưa đến chủ nghĩa toàn trị xuất phát từ hai nhóm quyền lực lớn: tư bản được tổ chức và lao động được tổ chức. Có lẽ mối đe dọa lớn nhất chính là chính sách của hai nhóm quyền lực lớn nhất này lại đang hướng về cùng một phía.
Hai nhóm này cùng ủng hộ việc tổ chức độc quyền nền công nghiệp nên thường phối hợp hành động với nhau; đây là xu hướng cực kì nguy hiểm. Không có lí do để tin rằng phong trào này là tất yếu, nhưng nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường mà chúng ta đã đặt chân lên thì nó nhất định sẽ dẫn chúng ta tới chế độ toàn trị.
Dĩ nhiên là phong trào này chủ yếu được hoạch định bởi các nhà tư bản, những người tổ chức ra các công ty độc quyền, và vì thế họ chính là nguồn gốc của hiểm nguy. Dù mục đích của họ không phải là hệ thống toàn trị mà là một kiểu xã hội mang tính phường hội, trong đó các ngành công nghiệp đã được tổ chức sẽ đóng vai trò như những “lãnh địa” nửa độc lập và tự quản trong một quốc gia, thì trách nhiệm của họ cũng không hề thay đổi. Nhưng, giống như các đồng nghiệp Đức, họ là những người thiển cận vì tin rằng họ không những được phép thành lập mà còn được điều khiển hệ thống như thế trong một thời gian dài nữa. Các quyết định mà những người lãnh đạo các ngành công nghiệp được tổ chức như thế phải thông qua hằng ngày không còn giống như các quyết định được đưa ra trong các xã hội nơi các cá nhân đóng vai trò chủ đạo. Một nhà nước cho phép sự tích tụ quyền lực khổng lồ như thế phát triển sẽ không thể cho phép quyền lực đó nằm trong tay tư nhân. Sẽ là ngây thơ khi tin rằng trong điều kiện đó các doanh nhân vẫn giữ được địa vị ưu ái như trong xã hội cạnh tranh nơi mạo hiểm trở thành đáng giá vì chỉ cho phép một số ít người thành công trong số rất đông người mạo hiểm. Không có gì ngạc nhiên khi các doanh nhân vừa muốn có thu nhập cao vốn chỉ dành cho những người thành đạt trong xã hội cạnh tranh lại vừa muốn được an toàn như một công chức nhà nước. Khi bên cạnh công nghiệp quốc doanh còn song song tồn tại lĩnh vực công nghiệp tư nhân to lớn thì một số nhà quản lí tài năng có thể giữ được các vị trí an toàn mà vẫn hi vọng được nhận mức lương cao. Nhưng trong khi các doanh nhân có thể thấy hi vọng của họ trở thành hiện thực trong giai đoạn chuyển tiếp thì họ sẽ nhanh chóng nhận ra, như các đồng nghiệp Đức của họ đã nhận ra, rằng họ không phải là người làm chủ tình thế và sẽ phải chấp nhận quyền hạn và thù lao mà chính phủ ban phát cho họ.
Nếu các luận điểm trong cuốn sách này không bị người ta hiểu lầm thì chắc chắn tác giả sẽ không thể bị nghi ngờ là đã tỏ ra ưu ái đối với giai cấp tư sản khi nhấn mạnh rằng việc gán, toàn bộ hay chủ yếu, cho giai cấp tư sản trách nhiệm về xu hướng độc quyền hiện đại là một sai lầm. Xu hướng này không phải là mới, nhưng tự bản thân nó cũng không phải là một sức mạnh ghê gớm gì. Nhưng tai họa là ở chỗ họ đã nhận được sự ủng hộ của những nhóm xã hội khác, số nhóm như thế đang ngày càng gia tăng, và nhờ những nhóm này mà họ nhận được sự ủng hộ của nhà nước.
Ở một chừng mực nào đó các nhà độc quyền đã nhận được sự ủng hộ là do họ đã chia sẻ lợi nhuận cho những nhóm người kia và có lẽ quan trọng hơn, là họ đã thuyết phục được mọi người rằng việc hình thành các công ty độc quyền là nhằm đáp ứng lợi ích chung của xã hội. Nhưng chính việc tuyên truyền phản đối cạnh tranh của cánh Tả đã tạo ra sự thay đổi trong dư luận xã hội và qua đó ảnh hưởng lên cơ quan lập pháp và bộ máy tư pháp[12] lại là tác nhân quan trọng nhất trong việc thúc đẩy quá trình này. Điều thường thường lại hay xảy ra là: chính những biện pháp chống độc quyền trên thực tế lại chỉ dẫn tới củng cố quyền lực của các công ty độc quyền. Mỗi một vụ tấn công vào lợi nhuận của công ty độc quyền, dù đấy là vì lợi ích của một nhóm nào đó hay lợi ích của nhà nước nói chung, đều tạo ra những nhóm lợi ích mới sẵn sàng bênh vực độc quyền. Một hệ thống trong đó những nhóm đặc quyền đặc lợi lớn thu lợi từ những khoản lời độc quyền là hệ thống cực kì nguy hiểm về chính trị và độc quyền trong hệ thống đó chắc chắn sẽ mạnh hơn rất nhiều nếu so với hệ thống trong đó lợi nhuận chỉ được chia cho một nhóm nhỏ. Dù rõ ràng là, thí dụ, đồng lương cao mà nhà độc quyền có thể trả cũng như lợi nhuận của chính ông ta chỉ là kết quả của sự bóc lột mà thôi, tức làm cho không chỉ người tiêu dùng mà cả những người lĩnh lương khác bị nghèo đi, ấy thế nhưng không chỉ những người được hưởng lợi, mà cả xã hội hiện nay đều coi khả năng trả lương cao là lí do chính đáng để ủng hộ độc quyền[13].
Có những lí do nghiêm túc để nghi ngờ ngay cả khi độc quyền là không thể tránh khỏi thì có nên giao nó vào tay nhà nước hay không. Nếu đấy chỉ là một ngành công nghiệp đơn lẻ thì làm như thế có thể là đúng. Nhưng khi phải xử lí nhiều ngành công nghiệp độc quyền khác nhau thì có nhiều lí do để nói rằng nên giao chúng cho tư nhân hơn là kết hợp chúng lại và đặt dưới sự quản lí của nhà nước. Ngay cả nếu độc quyền là không tránh khỏi trong những ngành như đường sắt, đường bộ và hàng không, cung cấp khí đốt và điện lực, nhưng đấy là các công ty độc quyền riêng rẽ thì người tiêu dùng cũng có vị thế vững chắc hơn là khi chúng được “phối-kết hợp” dưới một bộ máy quản lí tập trung. Chẳng mấy khi độc quyền tư nhân có thể thao túng được hoàn toàn và lại càng hiếm khi kéo dài được lâu hoặc có thể coi thường những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Còn độc quyền nhà nước là độc quyền được nhà nước bảo hộ, bảo hộ khỏi cả các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng lẫn sự phê phán. Điều đó có nghĩa là trong đa số trường hợp cái độc quyền tạm thời được giao cho quyền lực sẽ làm cho nó trở thành vĩnh viễn và quyền lực này chắc chắn sẽ được đem ra sử dụng. Khi lẽ ra người cầm quyền phải kiểm tra và quản lí độc quyền thì lại đi che chở và bảo vệ những kẻ được họ bổ nhiệm, khi đáng lẽ phải khắc phục những sự lạm dụng thì chính phủ lại đứng ra nhận trách nhiệm về những sự lạm dụng như thế, khi phê phán các công ty độc quyền đồng nghĩa với việc phê phán chính phủ thì khó mà hi vọng rằng các công ty độc quyền sẽ trở thành công bộc của xã hội. Khi nhà nước tham gia vào việc quản lí hoạt động của tất cả các doanh nghiệp độc quyền thì tuy có đủ sức mạnh để nghiền nát bất kì cá nhân nào, nó lại tỏ ra yếu đuối, xét trên khía cạnh lựa chọn phương án chính sách. Bộ máy vận hành các doanh nghiệp độc quyền sẽ giống hệt bộ máy nhà nước, còn chính nhà nước thì càng ngày càng quan tâm đến quyền lợi của những kẻ vận hành bộ máy chứ không còn quan tâm đến quyền lợi của dân chúng nói chung nữa.
Còn nếu vạn nhất trong một lĩnh vực nào đó độc quyền là không tránh khỏi thì có lẽ tốt nhất là nên làm theo người Mĩ: nhà nước quản lí chặt các doanh nghiệp độc quyền tư nhân. Nếu chính sách này được thực hiện một cách nhất quán thì nó sẽ cho kết quả tích cực hơn là sự quản lí trực tiếp của nhà nước. Ít nhất nhà nước có thể tăng cường kiểm soát giá cả, không cho tồn tại những lĩnh vực siêu lợi nhuận nơi chỉ những nhà sản xuất độc quyền được hưởng lợi. Ngay cả nếu việc này có làm giảm hiệu quả hoạt động của một số ngành độc quyền (như đã từng xảy ra trong các ngành dịch vụ công cộng ở Mĩ) thì đấy là cái giá phải trả cho việc kiểm soát quyền lực của các lĩnh vực độc quyền. Cá nhân tôi sẵn sàng chấp nhận sự kém hiệu quả ấy hơn là để cho một tổ chức độc quyền có tổ chức kiểm soát toàn bộ cuộc sống của tôi. Chính sách đó sẽ nhanh chóng làm cho địa vị của nhà độc quyền trở thành kém hấp dẫn nhất so với địa vị của các doanh nhân khác, tạo điều kiện hạn chế độc quyền trong những lĩnh vực không thể tránh khỏi và thúc đẩy việc phát triển các hình thức cạnh tranh có thể thay thế cho độc quyền. Hãy đưa nhà độc quyền vào vị thế của “đứa trẻ bị đòn”, bởi chính sách kinh tế, và bạn sẽ thấy những doanh nhân có năng lực sẽ tái phát hiện sở thích cạnh tranh của họ nhanh chóng đến mức nào.
* * *
Vấn đề các doanh nghiệp độc quyền sẽ không khó khăn đến thế nếu chúng ta chỉ phải chiến đấu chống lại các nhà tư bản độc quyền. Nhưng như đã nói, xu hướng độc quyền trở thành nguy hiểm không phải chỉ vì những cố gắng của một ít nhà tư bản độc quyền liên quan mà còn được sự ủng hộ của những người được họ cho tham gia chia sẻ lợi nhuận và cả những người được họ thuyết phục rằng ủng hộ độc quyền là giúp cho việc hình thành xã hội công bằng hơn và trật tự hơn. Bước ngoặt chết người trong tiến trình phát triển hiện đại xảy ra khi phong trào công đoàn hùng hậu đáng lẽ có thể phụng sự những mục tiêu ban đầu của nó bằng cách đấu tranh chống lại mọi đặc quyền đặc lợi thì lại rơi vào ảnh hưởng của những học thuyết chống cạnh tranh rồi bị nó lôi kéo vào cuộc tranh chấp nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi. Gần đây các tổ chức độc quyền phát triển mạnh phần lớn là nhờ sự hợp tác của lực lượng tư bản có tổ chức và lực lượng lao động có tổ chức, nơi một vài nhóm người lao động được ưu tiên ưu đãi chia nhau lợi nhuận độc quyền làm thiệt hại cho cộng đồng và đặc biệt là thiệt hại cho những người lao động nghèo nhất, trong các ngành công nghiệp thiếu tổ chức hơn và cả những người thất nghiệp nữa.
Thật đáng buồn khi phải chứng kiến cảnh một phong trào dân chủ hùng hậu lại ủng hộ chính sách nhất định sẽ dẫn đến việc thủ tiêu dân chủ và chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ những người ủng hộ nó. Thế mà chính sự ủng hộ của cánh Tả lại làm cho xu hướng độc quyền càng thêm mạnh mẽ và tương lai càng trở nên đen tối hơn. Khi công nhân tiếp tục ủng hộ việc phá hủy cái trật tự duy nhất trong đó ít nhất một mức độ tự chủ và tự do nào đó cho công nhân còn được bảo đảm thì tình hình quả thật là hết sức đen tối. Những nhà lãnh đạo nghiệp đoàn tuyên bố ầm ĩ rằng họ đã “chấm dứt một lần và vĩnh viễn hệ thống cạnh tranh điên rồ”, chính là những người đang báo hiệu sự cáo chung của quyền tự do cá nhân. Chỉ có một trong hai khả năng, hoặc là một trật tự được điều khiển bởi các kỉ luật vô nhân xưng của thị trường hoặc là trật tự được lãnh đạo bởi một nhóm người, và những người quyết tâm phá hủy cái thứ nhất chính là những người đang cố ý hoặc vô tình tạo điều kiện cho việc hình thành cái thứ hai. Ngay cả nếu như trong chế độ mới một số công nhân có được ăn ngon hơn và không nghi ngờ gì rằng sẽ được mặc những bộ đồng phục đẹp hơn thì tôi cũng ngờ rằng đa số công nhân chưa chắc đã hàm ơn những bậc trí giả nằm trong hàng ngũ những người lãnh đạo của họ, những người đã giới thiệu cho họ cái học thuyết xã hội chủ nghĩa chứa đầy hiểm họa đối với quyền tự do cá nhân của họ.
Những người đã làm quen với lịch sử các nước lớn trên lục địa châu Âu hẳn phải lấy làm cực kì thất vọng khi nghiên cứu Cương lĩnh mới của Đảng Lao động Anh được thông qua gần đây với cam kết xây dựng “xã hội kế hoạch hóa”. Người ta đưa ra một đề cương, không chỉ với những ý tưởng chung mà còn có cả các chi tiết cụ thể, thậm chí cả cách hành văn, chẳng khác gì những giấc mơ xã hội chủ nghĩa từng giữ thế thượng phong trong các cuộc thảo luận ở Đức cách đây hai mươi đến hai mươi lăm năm để chống lại “mọi cố gắng nhằm khôi phục lại nước Anh cổ truyền”. Nghị quyết được thông qua theo đề nghị của giáo sư Laski không chỉ yêu cầu giữ trong thời bình “những biện pháp kiểm soát cần thiết của chính phủ nhằm huy động các nguồn lực của quốc gia trong thời chiến” mà còn có cả các khẩu hiệu như “một nền kinh tế cân đối”, mà theo giáo sư Laski thì rất cần cho nước Anh hiện nay, hoặc “tiêu thụ cộng đồng” phải là mục tiêu của nền sản xuất được quản lí một cách tập trung, được lấy từ hệ tư tưởng Đức.
Một phần tư thế kỉ trước còn có thể thông cảm với niềm tin ngây thơ rằng “xã hội được kế hoạch hóa có thể là xã hội tự do hơn xã hội cạnh tranh laissez-faire mà nó chuẩn bị thay thế”. Nhưng nhắc lại chuyện đó sau khi ta đã có hai mươi lăm năm kinh nghiệm và xem xét lại những niềm tin cũ, nhắc lại chuyện đó đúng vào lúc ta đang chiến đấu chống lại chính cái hệ thống mà tư tưởng này sinh ra thì đúng là một bi kịch không bút nào tả xiết. Việc một đảng vĩ đại trước đây vốn được coi là một trong số các đảng tiến bộ trong cả quốc hội lẫn dư luận xã hội lại đứng về phía những lực lượng mà dưới ánh sáng của những gì đã xảy ra trong quá khứ phải coi là một phong trào phản động, là một thay đổi quyết định trong thời đại chúng ta và là nguồn gốc của mối đe dọa chết người đối với tất cả những gì mà người tự do coi trọng. Trong quá khứ các lực lượng truyền thống của cánh Hữu chống lại tiến bộ, đấy là hiện tượng đã xảy ra trong mọi thời đại và chẳng làm chúng ta lo lắng. Nhưng nếu vị trí của phe đối lập, cả trong các cuộc thảo luận công khai lẫn tại quốc hội sẽ trở thành sự độc quyền kéo dài của một đảng phản động thứ hai thì quả thật sẽ chẳng còn một chút hi vọng nào.
Chú thích:
[1] Báo Spectactor, April 12, 1940, trang 523.
[2] Con người trong đám đông – Tiếng Đức – ND.
[3] Economic Journal 1915. p. 450.
[4] Khi xem xét tỉ lệ những người xã hội chủ nghĩa chạy sang phía quốc xã thì phải nhớ là ý nghĩa thực sự chỉ xuất hiện nếu ta so sánh không phải với tổng số đảng viên xã hội chủ nghĩa mà phải so với số người không chạy sang được vì lí do sắc tộc. Trên thực tế, một trong những đặc điểm đáng quan tâm của thành phần những người di dân từ nước Đức là rất ít di dân Tả khuynh lại không phải là người “Do Thái” theo cách hiểu của Đức. Hiện nay chúng ta thường được nghe những lời ca ngợi hệ thống của Đức với những lời mào đầu đại loại như câu đề dẫn cuộc hội thảo “Những phương pháp toàn trị đáng lưu ý trong việc động viên nền kinh tế” như sau: “Ông Hitler không phải là lí tưởng của tôi – còn lâu mới như thế. Có nhiều lí do xác đáng làm cho Hitler không thể trở thành lí tưởng của tôi, nhưng…”
[5] Tiếng Latin: Phải tuân theo hợp đồng – một trong những nguyên tắc của luật pháp quốc tế – ND.
[6] Sản xuất lớn – Tiếng Đức – ND.
[7] Xem: Franz Schnabel, Deutsche Geschichte im neunzchnten Jahrhundert, II, 1933, trang 204.
[8] Theo tôi, tác giả cuốn Leviathan là người đầu tiên đề nghị bỏ việc giảng dạy các tác phẩm cổ điển vì chúng gieo vào lòng người ta tinh thần tự do rất nguy hiểm!
[9] Thái độ nô lệ của các nhà khoa học đối với quyền lực đã xuất hiện ở Đức từ rất lâu rồi, nó cùng đồng hành với sự phát triển nhảy vọt của nền khoa học do nhà nước tổ chức và nay đang được tán dương đến tận mây xanh ở nước ngoài. Một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất ở Đức, chuyên gia sinh lí học Emil du Bois-Reymond, khi đang giữ liền một lúc hai chức vụ là Hiệu trưởng Đại học Berlin và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Phổ, đã không thấy ngượng khi phát biểu vào năm 1870 rằng: “Trường Đại học Berlin của chúng tôi nằm đối diện với cung điện Hoàng gia và bằng nghị định thành lập trường, chúng tôi luôn luôn là vệ sĩ tinh thần của hoàng tộc Hohenzollern (cai trị Brandenburg và nước Phổ -ND)”. (Emil du Bois-Reymond. A Speech on the German War, London, 1870. trang 31). Đáng chú ý là du Bois-Reymond cho rằng nên công bố bản dịch tiếng Anh bài nói chuyện này.
[10] Chỉ cần đưa ra dẫn chứng của một người nước ngoài là đủ: R. A. Brady, trong tác phẩm Tinh thần và tổ chức của chủ nghĩa phát xít Đức (The Spirit and Structure of German Fascism), sau khi xem xét những thay đổi trong giới hàn lâm Đức đã rút ra kết luận như sau: “Trong tất cả các chuyên gia trong xã hội hiện đại thì nhà khoa học có thể là người dễ dùng và dễ ‘sắp xếp nhất’. Đúng là bọn quốc xã đã đuổi nhiều giáo sư đại học và sa thải nhiều nhà nghiên cứu khoa học đang làm việc trong các phòng thí nghiệm. Nhưng đấy chủ yếu là các giáo sư trong lĩnh vực khoa học xã hội, những người nhận thức rõ và phê phán quyết liệt các chương trình của quốc xã chứ không phải là các giáo sư trong lĩnh vực khoa học tự nhiên là lĩnh vực có tư duy khắt khe hơn. Trong lĩnh vực tự nhiên mà bị sa thải thì chủ yếu là người Do Thái hoặc một số ngoại lệ là những người theo các tín điều trái ngược với quan điểm của quốc xã. Kết quả là quốc xã dễ dàng “sắp xếp” các học giả và các nhà khoa học, rồi buộc bộ máy tuyên truyền tinh vi của họ hô hào rằng giới có học ở Đức đang ủng hộ họ”.
[11] Sau chiến tranh còn một nhân tố nữa có thể dẫn đến việc tăng cường xu hướng toàn trị, đấy là những người mà trong thời chiến đã có quyền quản lí theo kiểu cưỡng bức và sẽ khó chấp nhận vai trò khiêm tốn hơn sau chiến tranh. Mặc dù sau cuộc chiến tranh vừa qua [Thế chiến I – ND] số người như thế không nhiều như sẽ thấy trong tương lai nhưng họ đã có vai trò không phải là không đáng kể đối với chính sách kinh tế của đất nước. Tôi còn nhớ mười hay mười hai năm trước, khi tiếp xúc với những người như thế lần đầu tiên tôi có cảm giác lúc đó còn có vẻ bất bình thường đối với đất nước này, đấy là bỗng nhiên bị quăng vào môi trường trí thức đặc trưng “Đức”.
[12] Xem bài luận của W. Arthur Lewis, Monopoly and Law (Độc quyền và luật pháp) trên tờ Modern Law Review. tập. VI. số 3 (April, 1943).
[13] Còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là lòng nhân hậu của những người xã hội chủ nghĩa đối với các rentier, tức là những người nắm giữ cổ phiếu được các công ty độc quyền bảo đảm mức thu nhập ổn định. Lòng hận thù mù quáng đối với lợi nhuận đã dẫn người ta đến việc biện hộ cả về mặt xã hội lẫn đạo đức cho những khoản thu nhập ổn định mà chẳng cần một cố gắng nào, và chấp nhận ngay cả các công ty độc quyền miễn là nó bảo đảm được thu nhập ổn định, thí dụ, cho những người nằm giữa cổ phần ngành đường sắt. Đấy là một trong những triệu chứng kì lạ nhất của sự xuyên tạc các giá trị từng diễn ra trong thế hệ vừa qua.
[14] Trích từ diễn văn của giáo sư H. J. Laski lại hội nghị thường niên lần thứ 41 Đảng Lao động, London (Report, p. 111). cần phải ghi nhận rằng theo giáo sư Laski thì “hệ thống cạnh tranh điên rồ này đồng nghĩa với đói nghèo của toàn thể nhân dân và chiến tranh như là hậu quả của sự nghèo đói đó” – thật là một cách hiểu lạ lùng về lịch sử suốt một trăm năm mươi năm qua.
[15] The old World and the New Society: An Interim Report of the National Executive of the British Labor Party on the Problems of Reconstruction. (Thế giới cũ và xã hội mới: Dự thảo báo cáo của Đảng xã hội về các vấn đề tái thiết) trang 12 và 16.