Mục đích của cuốn sách này không phải là vạch ra một chương trình chi tiết cho trật tự xã hội trong tương lai. Và trong khi xem xét các vấn đề quốc tế, chúng ta đã đi hơi quá nhiệm vụ phê phán những vấn đề cơ bản vì trong lĩnh vực này chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ phải đối mặt với nhu cầu tạo ra một cơ cấu tổ chức để cho sự phát triển tương lai có thể diễn ra trong một thời gian dài. Tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ sử dụng cơ hội đó như thế nào. Nhưng dù chúng ta có làm gì thì đấy cũng chỉ là sự khởi đầu của một quá trình khó khăn và lâu dài, trong đó tất cả chúng ta đều hi vọng có thể dần dần tạo ra một thế giới khác biệt hoàn toàn với cái thế giới mà chúng ta đã sống suốt hai mươi lăm năm qua.
Ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ rằng trong giai đoạn này liệu việc xây dựng một kế hoạch chi tiết về cơ cấu nội tại của xã hội có mang lại nhiều lợi ích hay không; và cũng khó tin rằng có một người nào đủ sức đưa ra được kế hoạch như thế. Điều quan trọng là chúng ta phải thỏa thuận được một số nguyên tắc nhất định và giải thoát khỏi một số sai lầm đã hướng dẫn hành động của chúng ta trong thời gian qua. Dù có khó chịu đến đâu, chúng ta cũng phải công nhận rằng ngay trước chiến tranh, một lần nữa chúng ta đã ở vào giai đoạn đòi hỏi phải dọn dẹp những trở ngại do sự ngu dốt của con người tạo ra trên đường đi của chúng ta và phải giải phóng năng lượng sáng tạo của từng cá nhân thay vì tiếp tục cải tiến bộ máy “lãnh đạo” và “quản lí”, nghĩa là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chứ không phải là “lập kế hoạch cho sự phát triển”. Nhưng việc đầu tiên là phải giải phóng chúng ta khỏi việc tuyên truyền lừa mị rằng những việc chúng ta đã làm trong thời gian vừa qua đều là những việc khôn ngoan hoặc là không thể tránh khỏi, Chúng ta sẽ chẳng thể trở thành khôn ngoan hơn nếu không nhận thức được rằng chúng ta đã làm nhiều việc cực kì ngu xuẩn.
Nếu chúng ta đặt ra cho mình nhiệm vụ xây dựng thế giới mới thì chúng ta phải có gan khởi sự từ đầu, ngay cả khi điều đó có nghĩa là reculer pour mieux sauter[1]. Những người tin vào các xu hướng tất yếu, những người rao giảng về “Trật tự Mới” nghĩa là sự phóng chiếu những xu hướng từng tồn tại suốt bốn mươi năm qua, những người chẳng nghĩ được điều gì hay ho hơn là bắt chước Hitler, là những người không có dũng khí như thế. Những người kêu gọi áp đặt “Trật tự Mới” to mồm nhất chính là những kẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của những thế lực đã gây nên cuộc chiến tranh vừa qua cũng như những tai họa mà nó đã gây ra cho chúng ta. Thế hệ thanh niên hoàn toàn có lí khi họ nghi ngờ niềm tin của thế hệ cha anh.
Nhưng họ sẽ lầm nếu tin rằng đấy vẫn là lí tưởng tự do của thế kỉ XIX, những lí tưởng mà thế hệ trẻ sau này hoàn toàn không biết. Mặc dù chúng ta không muốn cũng như không có khả năng quay lại thế kỉ XIX, chúng ta có điều kiện thực hiện các lí tưởng cao cả của nó. Chúng ta không có quyền có thái độ trịch thượng với thế hệ cha ông mình, không được quên rằng chính chúng ta, những người sống trong thế kỉ XX, chứ không phải là họ, đã làm cho mọi thứ rối tung lên. Nếu họ chưa biết cách tạo ra thế giới mà họ mong muốn thì với kinh nghiệm thu thập được, chúng ta đã được chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm vụ này. Nếu chúng ta đã thất bại trong lần thử nghiệm đầu tiên trong việc tạo ra thế giới của những người tự do, chúng ta phải thử một lần nữa. Nguyên tắc thì vẫn thế, hôm nay cũng như trong thế kỉ XIX, chính sách tiến bộ duy nhất vẫn là: tự do cho mỗi cá nhân.
Chú thích:
[1] Lùi lại để nhảy tốt hơn – Tiếng Pháp – ND.