Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đường Về Nô Lệ

Chương 15: Triển Vọng Của Trật Tự Thế Giới

Tác giả: F. A. Hayek
Thể loại: Triết Học

Hình thức kiểm tra dân chủ hữu hiệu nhất và phù hợp nhất là chế độ liên bangHệ thống liên bang hạn chế và kiềm chế quyền lực tối cao bằng cách chia nó ra và chỉ giao cho chính phủ một số quyền được xác định một cách rõ ràng. Chỉ có phương pháp này là có thể kiềm chế được không chỉ đa số mà còn kiềm chế được quyền lực của toàn thể dân chúng nói chung.

Quan hệ quốc tế, nơi các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX bị từ bỏ trước tiên cũng là lĩnh vực mà thế giới đã phải trả giá đắt nhất cho sự từ bỏ như thế. Nhưng chúng ta mới chỉ học được một phần nhỏ cái bài học mà kinh nghiệm chắc chắn đã dạy cho chúng ta. Có thể, hơn bất cứ lĩnh vực nào khác, ở đây các quan niệm của chúng ta về những điều chúng ta mong mỏi và những việc chúng ta có thể làm vẫn còn là những quan niệm có thể tạo ra kết quả ngược hẳn với những điều mà chúng hứa hẹn.

Một trong những bài học của quá khứ chưa xa đang được nhận thức một cách từ từ và chậm chạp là: các hình thức kế hoạch hóa kinh tế, được tiến hành một cách độc lập trên bình diện quốc gia, chắc chắn là có hại trong tác động gộp của chúng ngay cả nếu chỉ xét từ quan điểm kinh tế thuần túy, đồng thời cũng đã tạo ra những căng thẳng nghiêm trọng trong các quan hệ quốc tế. Hiện nay không cần phải nhắc đi nhắc lại rằng chừng nào mỗi nước còn tự ý thực hiện những biện pháp mà họ cho là tốt đối với quyền lợi trực tiếp của họ, mặc cho những thiệt hại có thể gây ra cho những nước khác thì hi vọng về một trật tự quốc tế và một nền hòa bình dài lâu quả là một hi vọng rất mong manh. Trên thực tế nhiều loại hình kế hoạch hóa kinh tế chỉ khả thi khi cơ quan lập kế hoạch có thể loại trừ được ảnh hưởng từ bên ngoài, kết quả của kế hoạch hóa như thế chắc chắn sẽ là sự gia tăng hạn chế của việc di chuyển của con người và hàng hóa.

Một nguy cơ, khó thấy hơn nhưng không kém phần nguy hiểm đối với hòa bình, lại có xuất xứ từ sự thống nhất kinh tế được nuôi dưỡng một cách nhân tạo giữa các công dân mỗi quốc gia và từ sự hình thành các khối có quyền lợi trái ngược nhau do việc lập kế hoạch trên bình diện quốc gia tạo nên. Không cần và cũng không nên biến biên giới quốc gia thành điểm phân cách quá đáng về mức sống, không cần và không nên để cho dân chúng của nhóm nước này được chia cái bánh khác hẳn với dân chúng của một nhóm nước khác. Nếu nguồn lực của các quốc gia được coi là tài sản riêng của các quốc gia đó, nếu các quan hệ kinh tế quốc tế, thay vì là quan hệ giữa các cá nhân với nhau lại trở thành quan hệ giữa các quốc gia thống nhất và được tổ chức như là các chủ thể kinh doanh thì đấy chắc chắn sẽ là nguồn gốc của sự bất hòa và ghen tị giữa các dân tộc. Một trong những ngộ nhận chết người là dùng đàm phán giữa các quốc gia hay những nhóm người có tổ chức thay cho cạnh tranh trong thị trường hàng hóa và nguyên vật liệu thì các mối quan hệ quốc tế sẽ bớt căng thẳng. Điều này chỉ đưa việc ganh đua bằng sức mạnh thế chỗ cho cái vẫn được gọi một cách hoa mĩ là “cuộc tranh đấu” và sẽ chuyển sự kình địch giữa các cá nhân vốn vẫn được giải quyết mà không cần đến vũ lực thành sự kình địch giữa các quốc gia hùng mạnh và được vũ trang tốt, mà lại chẳng chịu tuân theo bất kì luật lệ nào, Giao dịch kinh tế giữa những nước tự coi mình là thẩm phán tối cao cho những hành động của mình, giữa những nước chỉ quan tâm đến những quyền lợi trực tiếp của mình chắc chắn sẽ kết thúc bằng những vụ xung đột vũ trang[1].

Nếu chúng ta không biết sử dụng chiến thắng một cách hữu hiệu hơn thay vì đi ủng hộ những xu thế theo chiều hướng này, những xu thế đã quá hiển nhiên từ trước năm 1939, thì trên thực tế chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta thắng chủ nghĩa xã hội quốc gia là để tạo ra một thế giới gồm nhiều chủ nghĩa xã hội quốc gia, khác nhau về tiểu tiết nhưng tất cả cùng giống nhau ở chỗ đều là các chế độ toàn trị, dân tộc chủ nghĩa và thường xuyên xung đột với nhau. Như thế hóa ra người Đức là những kẻ phá hoại hòa bình, như đã gây ra ở nhiều nước lân bang[2], chỉ vì họ là những người đầu tiên bước lên con đường mà cuối cùng tất cả những người khác sẽ phải đi theo.

* * *

Những người đã phần nào nhận ra những mối nguy hiểm này thường đưa ra kết luận rằng kế hoạch hóa kinh tế phải được tiến hành “trên bình diện quốc tế”, tức là bởi một chính quyền siêu quốc gia nào đó. Mặc dù việc này có thể ngăn chặn được một vài mối nguy do việc lập kế hoạch trên bình diện quốc gia tạo nên, nhưng có vẻ như những người ủng hộ các cương lĩnh đầy tham vọng như thế chưa nhận thức được rằng các đề nghị của họ sẽ tạo ra những khó khăn và nguy cơ còn lớn hơn nhiều. Những vấn đề phát sinh từ việc quản lí tập trung nền kinh tế trên bình diện quốc gia nhất định sẽ phình to thêm khi việc quản lí như thế được thực hiện trên bình diện quốc tế. Sự xung đột giữa kế hoạch hóa và tự do không thể không trở thành nghiêm trọng hơn khi sự đa dạng về tiêu chuẩn và giá trị của những người phải phục tùng một kế hoạch duy nhất tăng lên. Lập kế hoạch kinh tế cho một gia đình tương đối nhỏ, trong một cộng đồng không lớn, là một việc không khó. Nhưng khi số người gia tăng thì sự đồng thuận về thứ tự ưu tiên của các mục tiêu sẽ giảm, trong khi nhu cầu sử dụng vũ lực và cưỡng bức sẽ tăng lên. Trong một cộng đồng nhỏ, vì có chung quan điểm về mức độ quan trọng của các nhiệm vụ chính, có chung quan điểm về giá trị nên người ta dễ đồng thuận trên nhiều vấn đề. Nhưng chúng ta càng quăng lưới rộng ra thì những vấn đề đồng thuận sẽ càng giảm đi, nhu cầu sử dụng vũ lực và cưỡng bức sẽ càng tăng lên.

Có thể dễ dàng thuyết phục người dân một nước hi sinh để giúp nền công nghiệp luyện kim hay nền nông nghiệp “của họ” hoặc để đảm bảo cho tất cả mọi người trong nước đều có một mức sống tối thiểu nào đó. Khi nói về sự giúp đỡ những người có cách sống và cách nghĩ giống như chúng ta, khi nói về việc điều chỉnh phân phối thu nhập hay điều kiện làm việc của những người chúng ta có thể hình dung được, hay của những người có quan điểm về nhu cầu vật chất cũng giống như quan điểm của chúng ta thì chúng ta thường sẵn sàng chấp nhận một sự hi sinh nào đó. Nhưng chỉ cần tưởng tượng các vấn đề sẽ nảy sinh trong việc kế hoạch hóa kinh tế, chẳng hạn cho khu vực Tây Âu, là sẽ thấy ngay rằng cơ sở đạo đức cho việc như vậy là hoàn toàn không có. Lí tưởng chung nào về sự công bằng trong phân phối có thể buộc một ngư dân Na Uy hi sinh triển vọng phát triển kinh tế của mình để giúp cho đồng nghiệp người Bồ Đào Nha hay một người công nhân Hà Lan trả thêm tiền khi mua chiếc xe đạp để giúp đỡ người thợ cơ khí vùng Coventry, hay người nông dân Pháp đóng thêm thuế để giúp đỡ quá trình công nghiệp hóa ở nước Ý?

Nhiều người không muốn nhìn nhận các khó khăn này vì cho rằng, vô tình hay cố ý, họ chính là những người sẽ thay mặt những người khác để giải quyết các vấn đề đó, và vì họ tin rằng có thể giải quyết một cách công bằng và công chính. Thí dụ người Anh sẽ thấy cái kế hoạch ấy có nghĩa là gì khi họ được bảo cho biết rằng họ sẽ giữ vai trò thiểu số trong cơ quan lập kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế tương lai của nước Anh lại do một đa số không phải là người Anh quyết định, Dù có được dựng lên một cách dân chủ đến mức nào thì phải có bao nhiêu người Anh chấp nhận việc có một chính phủ quốc tế có quyền ra sắc lệnh rằng việc phát triển ngành luyện kim Tây Ban Nha sẽ được ưu tiên hơn vùng South Wales, ngành quang học nên được tập trung ở nước Đức chứ không cho phát triển ở Anh, hay nước Anh sẽ chỉ nhập khẩu xăng dầu đã tinh chế, còn tất cả các ngành liên quan đến lọc dầu sẽ dành cho các nước khai thác dầu thô?

Chỉ có những người hoàn toàn không nhận thức được các vấn đề mà kế hoạch hóa sẽ tạo ra mới nghĩ rằng có thể quản lí và lập kế hoạch cho nền kinh tế của một khu vực rộng lớn với nhiều dân tộc khác nhau. Kế hoạch hóa trên bình diện quốc tế chắc chắn, còn hơn cả trên bình diện quốc gia, sẽ là một nền chuyên chế không che đậy, một sự áp đặt của một nhóm nhỏ lên toàn bộ xã hội các chuẩn mực và việc làm mà những người làm kế hoạch nghĩ là phù hợp cho tất cả mọi người. Đây chính là kiểu Grossraumwirtschaft[3] mà người Đức đã nhắm tới, chỉ có dân tộc Herrenvolk[4] mới áp đặt một cách nhẫn tâm mục đích và tư tưởng của mình cho những dân tộc khác. Sẽ là sai lầm khi cho rằng sự tàn bạo và khinh thường mọi mong muốn và lí tưởng của các dân tộc nhỏ mà người Đức đã bộc lộ đơn giản chỉ là biểu hiện của tính ác đặc thù của họ; đây chỉ là hậu quả tất yếu của cái nhiệm vụ mà họ tự đặt ra cho mình mà thôi. Định hướng đời sống kinh tế của những con người có những lí tưởng và giá trị hoàn toàn khác nhau đòi hỏi ai đó phải nhận lãnh trách nhiệm sẵn sàng sử dụng bạo lực, phải chấp nhận vị trí nơi mà những ý định tốt đẹp nhất cũng không thể giúp người ta tránh được tình trạng bị buộc phải tiến hành những hành động mà những người nhận lãnh hậu quả sẽ coi họ là những người cực kì bất nhân[5].

Điều này đúng ngay cả nếu cho rằng chính quyền trung ương là một chính quyền lí tưởng và vị tha nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Nhưng xác suất một chính quyền vị tha thì quá nhỏ mà cám dỗ thì lại quá lớn! Tôi tin rằng ở Anh mức độ trung thực và đứng đắn, nhất là trong các vấn đề quốc tế, là cao, nếu không nói là cao hơn bất kì nước nào khác. Thế mà bây giờ chúng ta có thể nghe thấy người Anh kêu gọi sử dụng chiến thắng để tạo ra những điều kiện, trong đó nền công nghiệp Anh có thể sử dụng toàn bộ trang thiết bị đã được xây dựng lên trong thời kì chiến tranh và phải tiến hành việc tái thiết châu Âu cho phù hợp các nhu cầu của nền công nghiệp Anh và bảo đảm cho mỗi người dân việc làm mà họ cho là phù hợp nhất đối với họ. Điều đáng báo động không phải là người ta đã đưa ra những đề nghị như thế mà là chúng được đưa ra một cách vô cùng ngây thơ và được coi như là việc đương nhiên bởi những người tử tế, những người không nhận thức được rằng muốn đạt các mục đích như thế thì nhất định phải sử dụng bạo lực với những hậu quả khủng khiếp về mặt đạo đức[6].

* * *

Có lẽ tác nhân mạnh mẽ nhất giúp tạo ra niềm tin vào khả năng quản lí tập trung bằng các biện pháp dân chủ nền kinh tế của nhiều dân tộc khác nhau là ngộ nhận chết người rằng nếu “nhân dân” được thông qua tất cả các quyết định thì cộng đồng quyền lợi của giai cấp lao động sẽ vượt qua được những khác biệt tồn tại giữa giai cấp thống trị của các nước. Có đầy đủ lí do để tin rằng với việc lập kế hoạch cho toàn thế giới thì những xung đột về lợi ích kinh tế xung quanh chính sách kinh tế của các nước riêng biệt trên thực tế sẽ biến thành những vụ xung đột dữ dội hơn giữa các dân tộc, chỉ có dùng vũ lực mới có thể giải quyết được. Cơ quan lập kế hoạch quốc tế còn phải giải quyết vấn đề sau đây: chắc chắn là người lao động các nước khác nhau có những quyền lợi và ý kiến trái ngược nhau, nhưng ở đây có ít tiêu chí chung được mọi người công nhận để giải quyết xung đột một cách công bằng khi so sánh với trường hợp xung đột quyền lợi giữa các giai cấp khác nhau trong cùng một nước. Đối với người công nhân ở nước nghèo thì đòi hỏi của những người đồng nghiệp may mắn hơn anh ta nhằm bảo vệ khỏi phải nhận mức lương thấp hơn khi cạnh tranh bằng cách luật hóa mức lương tối thiểu, thoạt nhìn tưởng như nhằm bảo vệ quyền lợi của anh ta, nhưng thực ra lại tước đoạt của anh ta cơ hội cải thiện điều kiện sống của mình bằng cách làm việc với mức lương thấp hơn những người đồng nghiệp của mình ở các nước khác. Đối với anh ta việc trao đổi sản phẩm làm trong mười giờ lấy một sản phẩm làm trong năm giờ của người công nhân ở các nước có trang thiết bị tốt hơn cũng là hiện tượng “bóc lột”, chẳng khác gì các nhà tư bản vẫn thường làm.

Rõ ràng là trong hệ thống quốc tế được kế hoạch hóa, các nước giàu hơn và đương nhiên là mạnh hơn sẽ là đối tượng bị các nước nghèo căm ghét và ghen tị nhiều hơn là trong hệ thống kinh tế tự do: các dân tộc nghèo sẽ tin rằng, đúng sai không cần biết, tình trạng của họ sẽ được cải thiện nhanh hơn nếu họ được tự do làm những điều họ muốn. Còn nếu nhiệm vụ của chính phủ quốc tế là thực hiện việc phân phối công bằng giữa các dân tộc thì đấy chính là sự phát triển nhất quán và tất yếu của học thuyết xã hội chủ nghĩa rằng cuộc đấu tranh giai cấp sẽ chuyển hóa thành cuộc đấu tranh giữa các giai cấp cần lao của các nước khác nhau.

Thời gian gần đây đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận ngớ ngẩn về “kế hoạch hóa nhằm cào bằng mức sống”. Chúng ta sẽ khảo sát một cách chi tiết một đề nghị để xem chuyện này sẽ đưa tới đâu. Khu vực được những người ủng hộ kế hoạch hóa đặc biệt chú ý là vùng sông Danube và vùng Đông Nam Âu. Không nghi ngờ gì rằng từ những lí do nhân đạo và kinh tế cũng như việc bảo vệ hòa bình ở châu Âu cần phải cải thiện nhanh chóng hoàn cảnh kinh tế và có những giải pháp chính trị khác với quá khứ cho khu vực này. Nhưng điều đó không có nghĩa là buộc nền kinh tế của khu vực này phải tuân theo một kế hoạch kinh tế duy nhất, không có nghĩa là cổ vũ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác nhau đi theo các sơ đồ cho trước, mọi sáng kiến khu vực phải được chính quyền trung ương chuẩn y và đưa vào kế hoạch của họ. Thí dụ không thể lập ra chính quyền kiểu như Chính quyền lưu vực sông Tennessee cho vùng Danube mà không xác định từ trước đó nhiều năm tốc độ phát triển của các chủng tộc sống ở vùng này hoặc không buộc khát vọng và ước nguyện của họ phải tuân theo nhiệm vụ này.

Kế hoạch hóa kiểu như thế nhất định phải bắt đầu bằng việc xác định thứ tự ưu tiên của những đòi hỏi khác nhau. Lập kế hoạch nhằm san bằng mức sống một cách có chủ ý có nghĩa là những đòi hỏi khác nhau phải được phân loại, một số yêu cầu phải được đáp ứng trước, một số sẽ được đáp ứng sau, trong khi những người mà quyền lợi bị sắp xếp lại có thể tin rằng chẳng những việc sắp xếp thứ tự như thế là bất công mà họ còn có thể dễ dàng đạt được mục đích của mình nếu được tự do hành động. Không có cơ sở nào cho phép chúng ta quyết định xem liệu yêu cầu của người nông dân nghèo Rumania là cấp bách hơn hay không cấp bách bằng yêu cầu của những người còn nghèo hơn ở Albania, hoặc nhu cầu của người chăn cừu ở vùng núi Slovakia là quan trọng hơn nhu cầu của người đồng nghiệp của anh ta ở Slovenia. Nếu muốn nâng cao mức sống của những người đó theo một kế hoạch duy nhất thì ai đó phải cân nhắc một cách thận trọng các đòi hỏi và đưa ra quyết định lựa chọn ưu tiên cái nào trước cái nào sau. Và khi kế hoạch như thế được đưa vào thực hiện thì tất cả nguồn lực trong khu vực sẽ phải phục vụ cho kế hoạch này, không có ngoại lệ nào, ngay cả những người cảm thấy rằng tự lực cánh sinh vẫn là cách tốt hơn. Khi yêu cầu của một nhóm nào đó bị xếp xuống hàng thứ yếu thì họ sẽ phải làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu của những người được ưu tiên.

Trong tình hình như thế mọi người đều cảm thấy rằng mình bị thiệt thòi, nếu kế hoạch khác được chấp nhận thì địa vị của mình sẽ khá hơn, chính quyết định và sức mạnh của các cường quốc đã buộc anh ta vào địa vị mà anh ta cho là không xứng đáng đối với mình. Đưa một việc như vậy vào khu vực có nhiều dân tộc nhỏ bé mà dân tộc nào cũng tự cho rằng mình ưu việt hơn những người kia nghĩa là gánh vác một nhiệm vụ chỉ có thể được thực hiện bằng bạo lực. Trên thực tế điều đó có nghĩa là các nước lớn có quyền quyết định mức sống của người nông dân Macedonia hay của người nông dân Bulgaria, sẽ phát triển nhanh hơn, người thợ mỏ Czech hay Hungaria sẽ tiếp cận với tiêu chuẩn sống của Tây Âu sớm hơn, Không cần phải là một chuyên gia về tâm lí học, chỉ cần một ít kiến thức về nhân dân Trung Âu cũng đủ thấy rằng dù quyết định có như thế nào thì nhiều người, có thể là đa số, sẽ cho rằng thứ tự ưu tiên là một bất công cực kì lớn và họ sẽ quay ra chống lại cái chính quyền đã đứng ra quyết định số phận của họ, dù chính quyền này có vô tư đến đâu.

Thế nhưng vẫn có nhiều người chân thành tin rằng nếu họ được giao công việc như thế thì họ sẽ giải quyết tất cả các vấn đề một cách công chính và vô tư. Họ sẽ kinh ngạc khi phát hiện ra rằng mình đã trở thành đối tượng của lòng hận thù và ngờ vực, họ sẽ là người sử dụng vũ lực trước tiên khi những người họ muốn giúp đỡ tỏ ra ngoan cố và sẽ trở thành những kẻ tàn nhẫn trong việc ép buộc dân chúng chấp nhận cái được coi là quyền lợi của chính dân chúng. Những người lí tưởng hóa nguy hiểm này không nhận ra rằng khi dùng vũ lực để ép buộc cho người ta những quan niệm đạo đức mà người ta không chia sẻ, thì người ép buộc có khả năng rơi vào tình trạng buộc phải thực hiện những hành động bất nhân. Giao cho dân tộc chiến thắng nhiệm vụ bất khả thi về mặt đạo lí như thế đồng nghĩa với việc đưa họ vào con đường suy thoái về mặt đạo đức và làm mất uy tín của chính họ.

Chúng ta sẽ tìm mọi cách, trong khả năng của mình, nhằm trợ giúp những cố gắng của các dân tộc nghèo hơn trong việc xây dựng đời sống và nâng cao mức sống của họ. Các tổ chức quốc tế có thể là rất công bằng và sẽ có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế nếu họ chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự và tạo điều kiện cho nhân dân các nước có thể phát triển đời sống riêng của mình; nhưng nếu chính quyền trung ương tiến hành phân bổ nguyên vật liệu và quy định thị trường tiêu thụ, hay nếu mọi nỗ lực tự phát đều phải được “chuẩn y” và không được làm gì nếu chính quyền trung ương không cho phép thì chính quyền như thế không thể là một chính quyền công chính vì không để cho người dân sống cuộc sống riêng của họ.

* * *

Sau những lí lẽ đã trình bày trong các chương trước, có lẽ chẳng cần phải nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ không thể vượt qua được các khó khăn nếu “chỉ” trao cho các nhà chức trách quốc tế quyền giải quyết các vấn đề kinh tế. Cái niềm tin rằng đấy chỉ là giải pháp thực tiễn xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng kế hoạch hóa kinh tế chỉ là nhiệm vụ kĩ thuật, có thể được các chuyên gia giải quyết một cách hoàn toàn khách quan, còn những vấn đề thực sự quan trọng sẽ được dành cho các chính trị gia. Nhưng một tổ chức kinh tế quốc tế không bị kiểm soát bởi một tổ chức chính trị cao hơn, ngay cả nếu có bị giới hạn nghiêm ngặt trong một lĩnh vực nhất định, vẫn có thể trở thành một cơ quan quyền lực độc đoán và vô trách nhiệm nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Việc kiểm soát độc quyền một loại hàng hóa hay dịch vụ (thí dụ như ngành hàng không) trên thực tế chính là quyền lực không hạn chế. Chúng ta cũng ít có khả năng kiểm soát được quyền lực vì hầu như tất cả mọi việc đều có thể coi là “yêu cầu kĩ thuật” mà người bên ngoài không thể nào hiểu nổi hay coi là vấn đề nhân đạo, viện cớ là cần trợ giúp một nhóm người bị thiệt thòi nào đó (có thể là đúng như thế). Việc thu gom tất cả các nguồn lực trên thế giới dưới quyền những cơ quan tương đối độc lập hiện đang được nhiều nhóm ủng hộ, đấy chính là hệ thống độc quyền toàn diện được tất cả các chính phủ công nhận nhưng lại không nằm dưới quyền kiểm soát của bất cứ chính phủ nào, tổ chức như thế chắc chắn sẽ biến thành tổ chức làm tiền tồi tệ nhất có thể tưởng tượng được, dù những người trực tiếp quản lí có là những người bảo vệ trung thành nhất các quyền lợi được giao thì cũng vậy mà thôi.

Cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc các hệ lụy của những đề xuất có vẻ như vô thưởng vô phạt mà nhiều người coi là cơ sở của trật tự kinh tế tương lai như việc kiểm soát và phân phối có chủ ý các nguyên vật liệu chính để thấy rằng các đề nghị như thế có thể tạo ra những khó khăn về chính trị và những nguy hiểm về đạo đức kinh khủng đến mức nào. Người làm chủ các nguyên vật liệu chính như xăng dầu, gỗ, cao su hay thiếc sẽ là người nắm sinh mệnh của toàn bộ các ngành công nghiệp hay thậm chí của cả các quốc gia. Bằng cách điều chỉnh việc cung cấp nguyên vật liệu hay giá cả hoặc thu nhập của người sản xuất, anh ta có thể quyết định cho một nước nào đó xây dựng một ngành công nghiệp mới hay không. Trong khi “bảo vệ” quyền lợi của những người mà anh ta coi là mình có trách nhiệm trông nom thì anh ta lại tước đoạt của nhiều người khác, những người còn ở trong hoàn cảnh tồi tệ hơn, cơ hội tốt nhất mà cũng có thể là duy nhất để cải thiện điều kiện sống của mình. Nếu các nguyên vật liệu chính đều bị kiểm soát như thế thì nhân dân các nước không thể bắt tay vào bất cứ dự án nào hay khởi động một ngành công nghiệp mới nào nếu chưa được phép của cơ quan kiểm soát, không một kế hoạch phát triển hay cải tiến nào mà không có nguy cơ bị họ phủ quyết. Điều đó cũng đúng khi nói về việc “dàn xếp” quốc tế thị trường tiêu thụ và còn đúng hơn khi nói về việc quản lí đầu tư và phát triển các nguồn lực tự nhiên.

Người ta phải lấy làm ngạc nhiên khi thấy những người tỏ ra là thực tế nhất, những người không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nhạo báng những ai tin vào khả năng của trật tự chính trị quốc tế là “không tưởng”, lại là những người coi việc can thiệp sâu và vô trách nhiệm vào đời sống của các dân tộc khác nhau mà kế hoạch hóa kinh tế nhất định sẽ kéo theo lại là khả thi hơn. Họ còn tin rằng khi trao quyền lực chưa từng có từ trước tới nay cho cái chính phủ quốc tế, mà như chúng ta đã thấy, không bị kiềm chế bởi nguyên tắc pháp trị, thì quyền lực đó lại được sử dụng một cách vị tha và công chính đến nỗi mọi người sẵn sàng tuân thủ. Thực ra là các nước có thể tuân thủ các quy tắc mà họ đã thỏa thuận, nhưng họ sẽ không bao giờ chấp nhận sự quản lí của cơ quan lập kế hoạch quốc tế vì trong khi có thể thỏa thuận về luật chơi thì họ lại chẳng bao giờ chấp nhận thứ tự ưu tiên, trong đó nhu cầu cũng như tốc độ phát triển của họ lại được ấn định bởi số phiếu của đa số. Ngay cả nếu thời gian đầu người dân bị những ảo tưởng như thế mê hoặc và đồng ý chuyển giao quyền lực cho nhà chức trách quốc tế thì họ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ không chỉ ủy thác nhiệm vụ kĩ thuật đơn thuần mà là đã giao cho cơ quan kia quyền lực bao trùm nhất đối với đời sống của chính họ.

Tuy nhiên những người “thực tiễn” của chúng ta cũng không hoàn toàn “thiếu đầu óc thực tế” đến như thế, họ ủng hộ các đề cương này với ẩn ý: trong khi các cường quốc không chịu tuân thủ bất kì quyền lực cao hơn nào thì họ lại có thể sử dụng chính các nhà chức trách “quốc tế” nhằm áp đặt ý chí của mình cho các nước nhỏ hơn trong khu vực mà họ giành được bá quyền. Ở đây đúng là có khá nhiều “chủ nghĩa hiện thực” vì đằng sau vỏ bọc “quốc tế” của cơ quan lập kế hoạch người ta có thể dễ dàng tạo ra những điều kiện để cho chỉ có một kiểu kế hoạch quốc tế mà cụ thể là do một siêu cường duy nhất thực hiện. Sự che đậy như thế vẫn không làm thay đổi được sự kiện là các nước nhỏ bị phụ thuộc vào nước lớn còn hơn cả khi họ đồng ý từ bỏ một phần xác định sự độc lập chính trị của mình.

Điều cần ghi nhận là những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho Trật tự kinh tế Mới ở châu Âu, cũng như những người tiền nhiệm của họ ở Đức và những người Fabian ở Anh, lại là những người tỏ ra coi thường nhất đối với quyền của các cá nhân và quyền của các nước nhỏ. Quan điểm của giáo sư Carr, trong lĩnh vực này ông xứng đáng là người đại diện cho xu hướng toàn trị ở Anh còn hơn cả trong lĩnh vực đối nội, đã khiến cho một đồng nghiệp phải đưa ra câu hỏi: “Nếu thái độ của bọn quốc xã đối với các quốc gia nhỏ có chủ quyền trở thành thái độ chung của tất cả mọi người thì chiến tranh để làm gì[7]?”. Những ai đã nhận thấy sự lo lắng mà những tờ báo khác nhau như Times ở London và New Statesman[8] đã gây ra cho những nước đồng minh nhỏ bé của chúng ta khi thảo luận những vấn đề này đều biết rằng những nước đồng minh thân cận của chúng ta sẽ bất bình với thái độ như thế nào, và nếu làm theo các cố vấn đó thì chúng ta sẽ đánh mất mối thiện cảm được vun bồi trong cuộc chiến tranh vừa qua nhanh chóng đến mức nào.

Những người sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi của các quốc gia nhỏ bé, có thể đã đúng một điều: chúng ta đừng có hi vọng vào trật tự hay một nền hòa bình dài lâu sau cuộc chiến tranh này nếu các quốc gia, cả lớn lẫn nhỏ, đều giành lại được sự tự chủ hoàn toàn về mặt kinh tế, Nhưng điều đó không có nghĩa là các siêu cường mới sẽ được ban cho quyền lực mà chúng ta chưa học được cách sử dụng ngay cả trên bình diện quốc gia hay một chính quyền quốc tế phải được trao quyền chỉ đạo các quốc gia riêng rẽ cách sử dụng các nguồn lực của mình. Điều đó chỉ có nghĩa là cần có một lực lượng đủ sức ngăn chặn để các quốc gia khác nhau không có những hành động phá hoại các quốc gia láng giềng, cần phải có một hệ thống các quy định xác định rõ những việc mà một quốc gia có thể làm và một tổ chức đủ sức buộc người ta phải tuân thủ các quy tắc này. Quyền lực của cơ quan này chủ yếu sẽ mang tính phủ định, trước hết nó phải có khả năng nói “không” đối với mọi biểu hiện của những chính sách mang tính cấm đoán.

Sẽ là sai lầm, nhưng hiện nay nhiều người lại tin như thế, khi cho rằng chúng ta cần một cơ quan phụ trách về kinh tế trên bình diện quốc tế trong khi các quốc gia vẫn giữ được sự độc lập hoàn toàn về chính trị. Chính ra phải là ngược lại. Điều chúng ta cần và có thể hi vọng đạt được không phải là đưa thêm quyền lực kinh tế vào tay các cơ quan thiếu trách nhiệm nào đó, mà ngược lại, một quyền lực chính trị tối cao đủ sức kiểm soát các quyền lợi kinh tế và khi các quyền lợi này có xung đột thì đóng vai trò trọng tài vì cơ quan này không tham gia vào hoạt động kinh tế. Chúng ta cần một tổ chức chính trị trên bình diện quốc tế, tổ chức này không đủ sức hướng dẫn nhân dân các nước phải làm gì, nhưng phải đủ sức ngăn chặn những hành động có hại cho các nước láng giềng.

Quyền lực của tổ chức quốc tế đó sẽ không phải là thứ quyền lực mà một vài quốc gia nắm giữ trong thời gian gần đây. Đấy sẽ là quyền lực tối thiểu, cần thiết cho việc giữ gìn các quan hệ hòa bình, nghĩa là về thực chất là quyền lực của các quốc gia siêu tự do kiểu “laissez-faire”! Ở đấy, nguyên tắc pháp trị phải được tuân thủ còn hơn cả trên bình diện quốc gia nữa. Nhu cầu về một tổ chức siêu quốc gia lại càng cần thiết vì khi các quốc gia riêng lẻ càng trở thành các đơn vị quản lí kinh tế, trở thành các chủ thể trên sân khấu quốc tế chứ không còn đóng vai người quan sát thì các va chạm nảy sinh sẽ không còn là giữa các cá nhân mà sẽ là va chạm giữa các quốc gia với nhau.

Chính phủ quốc tế, trong đó một số quyền được xác định một cách cực kì cụ thể sẽ được giao cho nhà đương cục quốc tế, còn ở các lĩnh vực khác thì các quốc gia riêng lẻ tiếp tục chịu trách nhiệm về công việc đối nội của họ, dĩ nhiên sẽ phải là chính phủ liên bang. Chúng ta không được để cho những đòi hỏi thiếu thận trọng và cực kì ngớ ngẩn nhân danh tổ chức liên bang toàn cầu trong chiến dịch tuyên truyền cho “Pederal Union” làm lu mờ sự kiện: liên bang chỉ là một hình thức liên kết các dân tộc khác nhau; liên bang sẽ tạo ra một trật tự quốc tế nhưng không ngăn trở khát vọng độc lập chính đáng của các dân tộc[9]. Chế độ liên bang chính là đưa các nguyên tắc dân chủ vào lĩnh vực quan hệ quốc tế, là phương pháp chuyển hóa một cách hòa bình duy nhất mà con người từng phát minh ra cho đến nay, Nhưng đây là một nền dân chủ với những quyền lực cực kì tiết chế. Ngoài lí tưởng hợp nhất các nước khác nhau vào một nhà nước tập quyền vốn dĩ rất ít khả thi (sự cần thiết của nó cũng không thật rõ ràng) thì liên bang chính là con đường duy nhất để biến lí tưởng về luật pháp quốc tế thành hiện thực. Chúng ta sẽ không tự lừa dối mình bằng cách khẳng định rằng trong quá khứ đã từng có luật pháp quốc tế vì khi gọi các quy tắc hành xử quốc tế là luật thì tức là chúng ta đã coi ước mơ là sự thật. Khi chúng ta muốn ngăn chặn việc giết người thì đưa ra lời tuyên bố rằng giết người là không tốt vẫn chưa đủ, phải giao cho nhà chức trách quyền lực để ngăn chặn những vụ giết hại, Tương tự như thế, không thể nói đến luật pháp quốc tế khi chưa có lực lượng buộc người ta phải tuân thủ luật lệ. Chính ý tưởng cho rằng lực lượng quốc tế phải nắm quyền kiểm soát tất cả các quyền lực mà một quốc gia hiện đại đang nắm là trở ngại chính cho việc thành lập một lực lượng như thế. Nhưng nếu thực hiện được việc phân chia quyền lực theo nguyên tắc liên bang thì điều đó sẽ trở thành không còn cần thiết nữa.

Việc phân chia quyền lực chắc chắn sẽ hạn chế cả quyền lực của toàn bộ liên bang cũng như của từng quốc gia tham gia liên bang. Kết quả là nhiều hình thức kế hoạch mà người ta đang nói tới hiện nay sẽ trở thành bất khả thi[10]. Nhưng điều đó cũng không được gây cản trở cho việc lập kế hoạch nói chung. Một trong những ưu điểm chủ yếu của chế độ liên bang là nó ngăn chặn những hình thức kế hoạch hóa có hại và tạo thuận lợi cho những hình thức kế hoạch có lợi. Nó ngăn chặn hay được thiết kế để ngăn chặn các hình thức bảo hộ. Nó giới hạn việc kế hoạch hóa trên bình diện quốc tế trong những lĩnh vực có sự đồng thuận thực sự, không chỉ giữa những bên trực tiếp liên quan mà còn cả của những người có thể bị ảnh hưởng. Những hình thức kế hoạch hóa đáng mong muốn được thực hiện trong từng khu vực và không kèm theo các biện pháp bảo hộ sẽ giao cho những người có hiểu biết tiến hành. Cũng có thể hi vọng rằng trong nội bộ liên bang, nơi không còn lí do để làm cho mỗi quốc gia riêng biệt càng mạnh càng tốt, sẽ diễn ra quá trình phi tập trung hóa và các chính phủ sẽ chuyển giao bớt quyền lực cho các chính quyền địa phương.

Cần phải nhắc lại rằng tư tưởng về một nền hòa bình vĩnh viễn trên toàn thế giới thông qua việc thâu nạp các quốc gia riêng lẻ vào những nhóm liên bang lớn và cuối cùng là vào một liên bang duy nhất hoàn toàn không phải là tư tưởng mới; đây gần như là lí tưởng của tất cả các nhà tư tưởng theo trường phái tự do thế kỉ XIX. Bắt đầu từ Tennyson với tầm nhìn “cuộc chiến khoảng trời” được thay bằng tầm nhìn về liên bang của các dân tộc, hình thức sẽ xuất hiện sau trận chiến đấu vĩ đại cuối cùng của họ, cho đến cuối thế kỉ thì hình thành tổ chức liên bang vẫn là niềm hi vọng không bao giờ tắt về một bước tiến vĩ đại trong sự phát triển của nền văn minh của chúng ta, Những người theo trường phái tự do thế kỉ XIX có thể chưa nhận thức đầy đủ rằng tư tưởng về hình thức tổ chức liên bang giữa các nước khác nhau có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong hệ thống các nguyên lí của họ[11]; nhưng hầu như tất cả đều tin rằng đây là mục đích cuối cùng[12]. Chỉ từ đầu thế kỉ XX, trước sự trỗi dậy một cách đắc thắng của Realpolitik thì tư tưởng liên bang mới bị coi là bất khả thi và không tưởng mà thôi.

* * *

Khi tái thiết nền văn minh, chúng ta nên tránh những việc quá to tát. Không phải vô tình mà nói chung đời sống của các dân tộc nhỏ bé thì thường tốt đẹp hơn và tử tế hơn, còn các dân tộc lớn thì chỉ hạnh phúc khi họ tránh được tai họa chết người của sự tập trung hóa. Chúng ta chỉ có thể bảo tồn và phát huy được dân chủ nếu tất cả quyền lực và quyết định đều nằm trong tay các tổ chức không quá lớn, sao cho một người bình thường có thể theo dõi và hiểu được. Dân chủ sẽ không thể nào hoạt động hữu hiệu nếu các địa phương không có quyền tự chủ rộng rãi, đấy sẽ là trường học chính trị cả cho dân chúng, cả cho các lãnh tụ tương lai. Chỉ khi trách nhiệm có thể được học và thực tập trong những công việc mà đa số người dân đã quen; chỉ khi nhận thức về nhu cầu của người láng giềng cụ thể chứ không phải những hiểu biết mang tính lí thuyết về nhu cầu của con người nói chung đóng vai trò hướng dẫn cho hành động thì khi đó một người bình thường mới có thể tham gia vào các công việc xã hội vì đấy là các vấn đề liên quan đến cái thế giới mà anh ta biết. Khi lĩnh vực hoạt động chính trị trở thành quá rộng, chỉ có bộ máy quan liêu mới có đủ kiến thức cần thiết thì động lực sáng tạo của cá nhân sẽ phải yếu đi. Tôi tin rằng kinh nghiệm của các nước nhỏ như Hà Lan và Thụy Sĩ có nhiều điều mà ngay các nước lớn hơn và may mắn như nước Anh cũng có thể học tập. Tất cả chúng ta đều được lợi nếu chúng ta có thể tạo ra một thế giới mà các nước nhỏ cũng cảm thấy an toàn.

Nhưng các nước nhỏ sẽ chỉ giữ được nền độc lập cả trong lĩnh vực đối ngoại cũng như đối nội trong khuôn khổ của một hệ thống luật pháp bảo đảm rằng, thứ nhất, một số quy tắc nhất định nào đó sẽ được tuân thủ và thứ hai, cơ quan có quyền buộc người ta phải tuân thủ các quy tắc nói trên không dùng quyền lực của mình cho các mục đích khác. Để có thể buộc người ta tuân thủ luật pháp thì cơ quan siêu quốc gia nói trên phải rất mạnh, nhưng đồng thời nó phải được thiết kế sao cho có thể ngăn chặn cả các nhà đương cục quốc tế cũng như quốc gia để họ không trở thành các cơ quan chuyên chế. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể ngăn chặn được việc lạm dụng quyền lực nếu chúng ta không sẵn sàng tiết chế quyền lực, ngay cả đôi khi việc đó có thể cản trở việc sử dụng quyền lực cho các mục đích tốt. Việc các siêu cường chiến thắng lần đầu tiên tự tuân thủ các quy tắc mà họ đặt ra, đồng thời có đủ quyền hạn về mặt đạo đức để buộc những người khác tuân thủ các quy tắc đó là một cơ hội cực kì to lớn mà chúng ta sẽ có trong thời hậu chiến.

Một cơ quan quốc tế có khả năng kiềm chế một cách hữu hiệu quyền lực của nhà nước đối với cá nhân sẽ là một trong những bảo đảm tốt nhất cho hòa bình. Nguyên tắc pháp trị quốc tế phải là phương tiện bảo vệ nhằm chống lại sự chuyên chế của nhà nước đối với cá nhân cũng như sự chuyên chế của siêu cường mới đối với các cộng đồng dân tộc. Mục tiêu của chúng ta không phải là một siêu nhà nước với quyền lực vô giới hạn, cũng không phải là một liên hiệp lỏng lẻo của các “dân tộc tự do” mà là cộng đồng các dân tộc của những con người tự do. Chúng ta đã nói mãi rằng không thể hành xử trong quan hệ quốc tế một cách hữu lí được vì các nước khác đâu có tuân thủ luật chơi. Sự dàn xếp sắp tới sẽ tạo cơ hội để chứng tỏ rằng chúng ta là những người chân thành và chúng ta sẵn sàng chấp nhận các hạn chế đối với quyền tự do hành động của chúng ta mà vì quyền lợi chung chúng ta cho là mọi người đều có trách nhiệm tuân theo.

Nếu được sử dụng một cách khôn khéo, các nguyên tắc liên bang có thể cung cấp giải pháp tốt nhất cho những vấn đề khó khăn nhất của thế giới hiện đại. Nhưng áp dụng nó là nhiệm vụ cực kì khó và chúng ta sẽ không thể thành công nếu bắt nó phải làm những việc vượt quá khả năng của nó. Có thể sẽ xuất hiện xu hướng biến bất kì tổ chức quốc tế mới nào cũng thành tổ chức bao trùm lên tất cả và có phạm vi toàn cầu; và dĩ nhiên là sẽ xuất hiện nhu cầu khẩn thiết về một tổ chức bao trùm thí dụ như Hội Quốc Liên mới. Mối nguy hiểm lớn nhất là khi tin tưởng tuyệt đối vào tổ chức quốc tế này ta sẽ giao cho nó tất cả các nhiệm vụ có vẻ như nên giao vào tay một tổ chức quốc tế nào đó, lúc đó các nhiệm vụ sẽ không được giải quyết một cách thỏa đáng. Tôi luôn luôn cho rằng những tham vọng kiểu đó là nguyên nhân của sự yếu kém của Hội Quốc Liên: chính những cố gắng (bất thành) làm cho nó trở thành tổ chức toàn cầu đã làm cho nó thành yếu kém, nếu là tổ chức nhỏ hơn và mạnh hơn thì Liên minh đã có thể trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc giữ gìn hòa bình. Tôi tin rằng những ý kiến như thế vẫn còn giá trị và thí dụ, giữa Đế chế Anh và các nước Tây Âu và có thể cả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có thể đạt được một mức độ hợp tác, mà trên bình diện toàn cầu thì chưa khả thi. Một liên hiệp tương đối chặt chẽ được xây dựng trên nguyên tắc liên bang trong giai đoạn đầu có thể chỉ bao gồm một phần Tây Âu để rồi có khả năng mở rộng dần ra các khu vực khác nữa.

Dĩ nhiên là việc thành lập một liên bang khu vực như vậy chưa loại bỏ khả năng xảy ra chiến tranh giữa các khối khác nhau và muốn giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh đến mức thấp nhất thì phải thành lập một hiệp hội rộng lớn hơn và lỏng lẻo hơn. Tôi cho rằng nhu cầu về một tổ chức như thế không phải là trở ngại cho việc hình thành liên hiệp gắn bó hơn giữa các nước gần gũi với nhau về văn hóa, quan điểm và tiêu chuẩn sống. Trong khi tìm cách ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh trong tương lai, chúng ta không được ngộ nhận rằng có thể tạo ra ngay lập tức một tổ chức quốc tế đủ sức ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh trong bất kì khu vực nào trên thế giới. Chúng ta không chỉ sẽ thất bại mà còn bỏ lỡ cơ hội giải quyết những vấn đề khiêm tốn hơn. Cũng như mọi cuộc đấu tranh chống lại cái ác khác, những biện pháp nhằm ngăn chặn chiến tranh trong tương lai có thể còn có hại hơn là chính chiến tranh nữa. Giảm thiểu nguy cơ xung đột có thể dẫn đến chiến tranh, đấy là tất cả những gì chúng ta có thể kì vọng.

Chú thích:

[1] Về vấn đề này và những vấn đề khác được trình bày trong chương này nhưng tôi chỉ có thể nói một cách ngắn gọn, có thể tìm đọc trong tác phẩm của giáo sư Lionel Robins, Economic Planning and International Order (Kế hoạch hóa kinh tế và trật tự quốc tế), 1937, passim.

[2] Đặc biệt, xin đọc tác phẩm quan trọng của James Burham, The Managerial Revolution (Cuộc cách mạng trong quản lí), 1941.

[3] Sản xuất lớn – Tiếng Đức – ND.

[4] Thượng đẳng – Tiếng Đức – ND.

[5] Kinh nghiệm trong lĩnh vực thuộc địa, của Anh cũng như của mọi quốc gia khác, đủ để chứng tỏ rằng ngay cả những hình thức kế hoạch hóa nhẹ nhàng, gọi là phát triển thuộc địa, dù muốn dù không, cũng phải áp đặt một số giá trị và lí tưởng lên những người mà ta muốn giúp đỡ. Chính kinh nghiệm này đã buộc các chuyên viên thuộc địa có tư duy mang tính toàn cầu nhất cũng tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của việc quản lí “quốc tế” các thuộc địa.

[6] Nếu ai đó còn chưa nhận thấy các khó khăn hay còn ấp ủ niềm tin rằng với một ít thiện ý họ sẽ vượt qua tất cả, thì xin hãy suy nghĩ về những hệ lụy của việc quản lí tập trung nền kinh tề trên phạm vi toàn cầu. Liệu có thể tin được rằng người ta sẽ không cố gắng tìm cách bảo đảm vị trí thống trị của người da trắng và các chủng tộc khác có coi như thế là đúng hay không? Khi tôi chưa nhìn thấy một người có đầu óc lành mạnh nào thực sự tin rằng dân chúng châu Âu sẽ tự nguyện tuân thủ tiêu chuẩn sống và tốc độ phát triển do quốc hội thế giới xác định thì tôi chỉ có thể coi các kế hoạch đó là phi lí mà thôi. Nhưng điều này, đáng tiếc không làm cho người ta ngưng thảo luận những biện pháp cụ thể ý như là chính phủ thế giới là một lí tưởng khả thi vậy.

[7] Xem bài điểm sách của giáo sư C. A. W. Manning viết về cuốn Conditions of Peace (Các điều kiện của hòa bình) của giáo sư Carr, đăng trên tạp chí International Affairs Review Supplement, 1942, June.

[8] Như một tờ tuần báo đã ghi nhận: “Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy tờ the New Statesman cũng như tờ The Times phảng phất tư tưởng của giáo sư Carr” (“Four Winds” in Time and Tide. February 20,1943).

[9] Đáng tiếc là có quá nhiều tác phẩm viết về thể chế liên bang trong mấy năm gần đây thành ra có một số công trình quan trọng và sâu sắc đã bị bỏ qua. Một trong những công trình đáng được tham khảo khi cần xác định khuôn khổ cho cấu trúc chính trị mới ở châu Âu là cuốn sách khổ nhỏ của giáo sư W. Ivor Jenning: A Federation for Western Europ (Một liên bang cho Tây Âu). (1940).

[10] Xin xem bài báo của tác giả nhan đề: Economic Conditions of Inter State Federation (Các điền kiện kinh tế trong nhà nước liên bang). “New Commonwealth Quarterly” Vol. V (September. 1939).

[11] Xin xem cuốn sách của giáo sư Robbin, tôi đã trích dẫn bên trên.

[12] Cuối thế kỉ XIX, Henry Sidgwick cho rằng “Phỏng đoán rằng một sự liên kết nào đó trong tương lai sẽ diễn ra trong các nước Tâu Âu không nằm ngoài những dự báo nghiêm túc, nếu chuyện đó xảy ra thì có nhiều khả năng là họ sẽ theo gương Hoa Kì và tập hợp mới về chính trị sẽ hình thành trên cơ sở liên bang” (The Development of European Polity (Sự phát triển của chính thể châu Âu) trang 439.)

Bình luận