Thứ Sáu, ngày 12 tháng Mười
– Trước tiên cậu phải cho tớ xem cuốn băng ấy đã.
Takayama Ryuji vừa nhăn nhở cười vừa nói. Gác hai của một quán cà phê ở ngã tư Roppongi. Bảy giờ hai mươi phút tối thứ Sáu ngày 12 tháng Mười. Đã gần hai mươi bốn giờ trôi qua kể từ lúc Asakawa không may xem phải cuốn băng đó. Với hy vọng rằng nỗi sợ nào rồi cũng sẽ tan đi nếu được ở giữa những tiếng cười nói vui vẻ của đám con gái, gã đã chọn Roppongi phồn hoa cho cuộc hẹn, nhưng lòng gã chẳng nhẹ nhõm hơn là mấy. Càng kể, sự kiện đêm qua càng hiện về rõ ràng trong gã, nỗi sợ không hề giảm bớt mà mỗi lúc một lớn thêm. Thậm chí, rất sâu trong cơ thể, đôi lúc gã còn bất chợt cảm thấy bóng đen của thứ-gì-đó đã ám vào mình.
Ryuji vận một chiếc sơ mi trắng, cúc cổ đóng kín và không hề có vẻ gì muốn tháo chiếc cà vạt đang thắt hơi chặt trên cổ ra. Vì thế, phần thịt xung quanh cổ y đùn lên thành hai lớp, khiến cho chính người nhìn phải cảm thấy khó thở. Hẳn là một người bình thường sẽ chẳng khoái gì khi bị bộ mặt góc cạnh này cười vào mặt.
Ryuji thò tay lấy đá từ trong cốc rồi ném tọt vào mồm.
– … Cậu không thèm nghe mình phải không? Mình đã bảo là rất nguy hiểm. – Asakawa nén cơn bực dọc nói.
– Thế thì tại sao cậu lại muốn hỏi ý kiến tớ? Cậu muốn tớ giúp đúng không nào?
Vẫn giữ nguyên nụ cười trên má, Ryuji nhai đá rôm rốp trong miệng.
– Ngay cả không xem cuộn băng đó thì cậu vẫn có cách cứu mình cơ mà.
Ryuji lắc đầu trong tư thế hơi cúi. Nụ cười nhạt vẫn chưa biến mất khỏi khuôn mặt. Asakawa hét lên đầy kích động vì một cơn thịnh nộ bất ngờ.
– Cậu không tin những gì mình kể, phải không?
Xem phải cuộn băng ấy trong tư thế không được chuẩn bị, Asakawa giống như kẻ mở phải một gói quà mà không ngờ đó là thuốc nổ. Gã còn biết nói thế nào khác để giải thích về nụ cười mỉa mai ấy của Ryuji? Gã chưa bao giờ trải qua một nỗi sợ nào khủng khiếp đến vậy. Nhưng đó chưa phải là dấu chấm hết. Còn sáu ngày phía trước. Cơn hoảng sợ như một sợi dây thắt cổ, sẽ từ từ thu hẹp vòng siết ấy lại. Điều chực đợi gã ở phía trước là cái chết. Thế mà thằng cha này vẫn cứ nằng nặc đòi xem cuộn băng ấy.
– Đừng có lớn tiếng. Cậu bất bình vì tớ không sợ chứ gì? Nghe này Asakawa, như tớ đã từng nói với cậu, tớ muốn xem cả ngày tận thế nếu có thể. Nếu có kẻ nào giải được câu đố về sự vận động của cái thế giới này, nghĩa là sự khởi đầu và kết thúc, nghĩa là sự cực đại và cực tiểu, có lẽ tớ dám đánh đổi cả mạng sống của mình để moi được những kiến thức ấy từ hắn. Cậu đã từng đưa tớ lên báo. Chắc cậu còn nhớ.
Tất nhiên Asakawa còn nhớ. Chính vì thế, gã mới kể hết toàn bộ cho Ryuji như thế này.
Ban đầu, kế hoạch bản thảo do Asakawa lập ra. Hai năm trước, khi gã 35 tuổi, có lần gã tự hỏi: không biết những người đàn ông trẻ Nhật bản cùng độ tuổi với mình đang suy nghĩ những gì, đang sống với những ước mơ ra sao? Sau đó kế hoạch được thông qua, gã chọn ra những người ba mươi tuổi đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ những quan chức trong bộ kinh tế-công nghiệp, những dân biểu trong Hội đồng Thành phố, những nhân viên trong các hãng thương mại hạng nhất cho đến những người làm công hết sức bình thường cho bài báo của mình. Trên một trang báo hạn hẹp gã đưa lên đó từ những thông tin cơ bản nhất mà có lẽ độc giả nào cũng quan tâm đến những cá tính đặc trưng của từng nhân vật và phân tích về cái độ tuổi ba mươi của bọn họ. Tình cờ, trong số mười mấy người mà gã lựa chọn, gã phát hiện ra có Takayâm Ryuji, bạn học thời cấp ba của gã. Chức danh của người này là giảng viên hợp đồng Bộ môn Triết học, Khoa văn, trường Đại học K. Nhìn thấy thông tin đó gã hơi ngạc nhiên. Vì theo trí nhớ của gã, Ryuji theo học ngành y. Asakawa đảm nhiệm cuộc phỏng vấn lần đó. Gã đưa Ryuji vào danh sách với tư cách là đại diện cho một lĩnh vực, tuy nhiên cá tính của anh ta lại quá khắc nghiệt để có thể đại diện cho một lớp học giả tuổi ba mươi hứa hẹn. Gã cảm thấy như cái tính cách lãng đãng từ hồi cấp ba của anh ta càng ngày càng được bồi đắp hơn.
Sau khi tốt nghiệp Y khoa, anh ta học tiếp ở Bộ môn triết học, và vào thời gian phỏng vấn, anh ta vừa hoàn tất chương trình đào tạo tiến sỹ. Nếu chiếc ghế trợ giảng còn trống thì hẳn là, một cách nghiễm nhiên, anh ta đã có được vị trí đó, tuy nhiên, rủi thay nó đã thuộc về một nhà nghiên cứu khoá trên. Còn Ryuji nhận vị trí giảng viên hợp đồng và một tuần có hai tiết giảng về logic học. Hiện nay triết học đã rất gần với một môn khoa học. Nó không còn phải thứ triết học bông đùa với những quan niệm ngớ ngẩn như con người nên sống như thế nào. Chuyên môn của Ryuji là logic học, một bộ môn nghiên cứu toán học mà không dùng đến những con số. Thời xưa ở Hy lạp cổ đại, các triết gia đồng thời cũng là những nhà toán học. Ryuji cũng vậy, tuy anh ta là giảng viên văn khoa nhưng cái đầu của anh ta lại là cái đầu của một nhà khoa học. Tuy nhiên, không chỉ am hiểu chuyên môn, Ryuji còn cực kỳ uyên thâm về siêu tâm lý học, đến mức khó ai sánh nổi. Asakawa nhận thấy có gì đó mâu thuẫn. Siêu tâm lý học nghĩa là siêu nhiên và thần bí, chẳng phải đi ngược lại với những luận cứ khoa học hay sao? Asakawa hỏi thì Ryuji trả lời rằng: “Ngược lại. Siêu tâm lý học là một từ khoá giải mã sự vận động của thế giới”. Đang giữa mùa hè vậy mà anh ta mặc một chiếc sơ mi kẻ sọc dài tay và cài kín cúc cổ hệt như hôm nay. Ryuji nói tiếp trong khi mồ hôi chảy đầy trên khuôn mặt đang khổ sở vì nóng bức: “Tớ muốn chứng kiến giây phút diệt vong của loài người và nhổ vào mặt lũ người đang kêu gào cho hoà bình của thế giới và sự trường tồn của nhân loại”.
Trong lúc phỏng vấn Asakawa hỏi: “Hãy cho mình biết về ước mơ trong tương lai của cậu?”
Ryuji thản nhiên đáp: “Ngồi trên ngọn đồi cao vừa chiêm ngưỡng cảnh diệt vong của loài người vừa đào một cái hố xuống lòng đất và phóng tinh liên tục liên tục vào đó.”
Asakawa hỏi lại: “Này, cậu định để mình viết cái này lên mặt báo thật đấy hả?”
Ryuji cũng chỉ khẽ nở nụ cười nhạt như lúc này và gật đầu.
– Vì vậy, chẳng có gì làm tớ sợ cả; – Nói xong Ryuji đưa sát mặt về phía Asakawa; -Tối qua, tớ vừa làm một em nữa đấy.
…..Lại nữa sao???
Theo như Asakawa biết thì đây là nạn nhân thứ ba của Ryuji. Vụ việc đầu tiên mà gã được nghe là hồi lớp mười một. Asakawa và Ryuji theo học tại một trường cấp ba của thành phố Kawasaki, cả hai đều đi đến trường từ nhà mình ở quận Tama, tuy nhiên Asakawa thường có thói quen đến trường sớm hơn giờ học một tiếng đồng hồ, khoảng thời gian khoan khoái nhất mỗi sáng, để đọc trước bài của ngày hôm đó. Không kể học sinh trực nhật thì bao giờ gã cũng là người tới sớm nhất. Ngược lại Ryuji quanh năm đến muộn và chưa bao giờ có mặt ở lớp đúng tiết học thứ nhất. Vậy mà vào một buổi sáng nọ, khi kỳ nghỉ hè vừa kết thúc, Asakawa tới trường như thường lệ thì đã thấy Ryuji đang lơ đễnh ngồi trên bàn học từ bao giờ. “Ái chà, hôm nay lạ quá nhỉ” – Asakawa cất tiếng. “Ờ có gì mà lạ” – sau câu trả lời lạnh nhạt Ryuji vô hồn nhìn qua cửa sổ về phía sân trường. Đôi mắt y đỏ ngầu. Hai má cũng đỏ hơi thở phảng phất mùi rượu. Cuộc trò chuyện chẳng kéo dài thêm nữa vì hai người vốn không thân nhau. Asakawa bắt đầu giở sách ra và đọc bài như thường lệ. Một lúc lâu sau, không một tiếng động, Ryuji lén tới sau lưng Asakawa rồi vỗ vào vai gã: “Ê, tớ có việc này muốn nhờ cậu…” Sở hữu một tính cách mạnh mẽ, học giỏi lại là vận động viên điền kinh có hạng, Ryuji là tâm điểm của mọi người trong trường. Với một kẻ làng nhàng như Asakawa, không có lý do gì để khó chịu khi được một bạn học như Ryuji nhờ vả.
– Thực ra là thế này, tớ muốn nhờ cậu gọi điện thoại về nhà tớ. -Ryuji thân mật khoác tay lên vai Asakawa nói;
– Được, nhưng để làm gì??
– Cậu chỉ cần gọi rồi hỏi gặp tớ là được.
Asakawa nhíu mày.
– Hỏi gặp cậu á? Thế không phải cậu đang ở đây là gì?
– Thôi nào, giúp tớ đi mà.
Asakawa quay số như Ryuji bảo, có tiếng mẹ Ryuji trong điện thoại.”Bác cho cháu gặp Ryuji với ạ” Asakawa hỏi gặp kẻ đang đứng ngay trước mặt mình. “Ryuji đến trường rồi cháu ạ…” – Mẹ Ryuji ôn tồn đáp. “Vậy hả bác” – nói rồi Asakawa gác máy.
– Ê, thế được chưa?
Asakawa mù tịt. Gã không hiểu làm thế thì có ý nghĩa gì.
– Có gì khác lạ không? Ryuji hỏi – Giọng bà già tớ có căng thẳng không?
– Không, chẳng có gì…
Lần đầu tiên Asakawa nghe thấy giọng mẹ Ryuji, nhưng gã không nghĩ rằng có vẻ gì căng thẳng trong đó.
– Thế có tiếng nói chuyện ầm ĩ xung quanh không?
– Không, chẳng có gì. Có vẻ như mẹ cậu đang ăn sáng, rất bình thường.
– Thế hả, thế thì tốt. Cảm ơn nhé.
– Này, chuyện gì vậy? Tại sao cậu nhờ mình làm việc này?
Nét mặt Ryuji có vẻ giãn ra. Ryuji quàng tay lên vai Asakawa rồi kéo mặt gã sát lại phía mình và ghé miệng vào tai.
– Thấy cậu là người kín miệng, nên tớ tin. Tớ sẽ nói cho cậu biết. Thực ra, khoảng năm giờ sáng nay, tớ đã hãm hiếp một đứa con gái.
Asakawa choáng váng không thốt nên lời. Năm giờ sáng, trời còn tinh mơ, Ryuji đã lẻn vào căn hộ của nữ sinh đại học sống một mình và làm bậy. Trước khi tới trường y còn quẳng lại một lời đe doạ: mày mà báo cảnh sát thì biết tay tao. Vì thế, y sợ giờ này cảnh sát đang có mặt tại nhà y nên nhờ Asakawa gọi điện về thăm dò tình hình.
Kể từ sau sự kiện ấy, Asakawa và Ryuji thường xuyên nói chuyện với nhau hơn. Đương nhiên, Asakawa không hề tiết lộ hành vi phạm tội của Ryuji cho ai biết. Rồi một năm sau tại đại hội thể thao các trường trung học, một năm sau nữa, y vào học tại khoa Y, trường đại học K. Còn Asakawa, sau một năm thi trượt, cuối cùng gã cũng đỗ được vào khoa văn một trường đại học nổi tiếng.
Asakawa biết rất rõ gã đang mong đợi điều gì. Quả tình, gã muốn Ryuji xem cuộn băng đó. Kiến thức và kinh nghiệm khó mà giúp gì được Ryuji nếu chỉ nghe kể suông, Nhưng mặt khác, luân thường, không cho phép gã đẩy người khác đến chỗ nguy hiểm vì sự tồn vong của mình. Có một cuộc giằng co trong lòng gã, song bên nào nặng hơn, chỉ cần đặt lên bàn cân là sáng tỏ. Cố nhiên, gã muốn tăng cơ hội sống sót cho mình. Nhưng…. tại sao mình lại có thể là bạn của hắn được nhỉ? Cái câu hỏi thường trực ấy bất chợt nảy ra trong đầu gã. Mười năm làm tại toà soạn báo, gã đã quen không biết bao nhiêu người qua những lần phỏng vấn. Vậy mà cớ sao gã chỉ có Ryuji làm bạn rượu? Vì hắn ta là bạn cùng lớp ư??? Không, gã không thiếu gì bạn cùng lớp. Bỗng nhiên Asakawa chẳng còn hiểu nổi bản thân khi nghĩ rằng ở đâu đó trong lòng, gã thấy đồng cảm với sự lập dị của Ryuji.
– Thôi nào, còn chần chờ gì nữa. Chỉ có sáu ngày thôi. Ryuji nắm lấy hai cánh tay Asakawa bóp mạnh. Ryuji rất khoẻ. – mau lên, cho tớ xem cuộn băng ấy đi không muộn mất bây giờ. Cậu mà ra ma tớ sẽ buồn đấy.
Ryuji nắm cánh tay Asakawa theo nhịp rồi cầm dĩa chọc lấy miếng bánh kem còn nguyên trên đĩa đưa lên miệng và bắt đầu nhai nhồm nhoàm. Ryuji không có thói quen khép miệng khi nhai khiến cho Asakawa cảm thấy khó chịu lúc nhìn thấy cảnh chiếc bánh trộn lẫn với nước bọt và tan chảy ngay trước mắt..
Một người đàn ông với khuôn mặt góc cạnh, vóc người lực lưỡng, vừa nhồm nhoàm ăn bánh kem vừa lấy tay vốc đá trong cốc rồi cho vào mồm nhai rôm rốp… Gã đã quyết. Ngoài hắn ra, gã không còn có thể dựa vào ai khác.
….Kẻ sát nhân là một hồn ma giấu mặt, vì thế người thường không phải là đối thủ của nó. Và kẻ dám thản nhiên xem cuộn băng ấy xem chừng chỉ có Ryuji. Dĩ độc trị độc. Không còn cách nào khác. Nếu Ryuji phải chết thì âu cũng là chuyện có thể đoán trước. Một kẻ dám lớn tiếng đòi chứng kiến cảnh diệt vong của loài người thì không đáng được sống lâu.
Asakawa quyết định biện minh cho hành vi lôi kéo người khác với một lý lẽ như vậy.