Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ring – Vòng Tròn Ác Nghiệt

Chương 19

Tác giả: Suzuki Koji

– Cậu bảo tớ điều tra về cô ta, nhưng điều tra cái gì bây giờ?

… Tham gia đoàn kịch năm 1965? Hắn đùa chắc? Chuyện cách nay đã hai mươi nhăm năm rồi còn gì?

Yoshino rủa thầm trong bụng.

… Lần theo dấu vết của một tên tội phạm cách đây một năm cũng đủ bở hơi tai chứ nói gì đến hai mươi nhăm năm.

– Mọi thứ, gì cũng được: cuộc đời, công việc và mong muốn của cô ta.

Yoshino chỉ còn biết thở dài. Anh ta vừa kẹp ống nghe vào vai vừa kéo quyển sổ tay ở mép bàn về phía mình.

– … Thế hồi ấy cô ta bao nhiêu tuổi?

– Mười tám tuổi. Sau khi tốt nghiệp cấp ba ở Oshima, cô ta lên Tokyo và gia nhập đoàn kịch Hisho.

– Oshima? – Yoshino thôi viết, cau mày. – Cậu đang gọi điện từ đâu đấy?

– Từ Sashikichi trên đảo Izu Oshima.

– … bao giờ về?

– Cố gắng sớm nhất có thể.

– Cậu có biết là bão đang vào không?

Tất nhiên, ở trên đảo thì ai mà chẳng biết, thế nhưng cái tình huống đầy kịch tính và nhuốm màu sắc không tưởng này chợt khiến Yoshino thú vị. Hạn chót là tối ngày kia, vậy mà rất có thể hắn sẽ không về được vì bị mắc kẹt trên đảo.

– Đường biển và đường hàng không không thế nào hả anh? – Asakawa vẫn mù mờ về cơn bão.

– Tớ không biết, nhưng cứ tình hình này thì chắc là…

– Huỷ chuyến…

– … chắc là vậy.

Cho tới giờ, Asakawa chưa hề nhận được một thông tin chính xác nào về cơn bão vì còn mải đuổi theo tung tích của Yamamura Sadako. Từ lúc tới cảng Oshima cái dự cảm không lành ấy đã lởn vởn trong đầu gã. Nhưng phải đến khi chính miệng gã thốt ra hai tiếng huỷ chuyến, nó mới lớn lên thành một nỗi hoang mang thực sự. Vẫn cầm chiếc điện thoại trên tay, Asakawa bỗng chìm vào im lặng.

– Thôi nào, cậu đừng lo. Chưa có quyết định rõ ràng mà. – Yoshino cố làm ra giọng vui vẻ rồi lái câu chuyện sang hướng khác. – Nghĩa là, các cậu đã điều tra xong giai đoạn trước năm mười tám tuổi của Yamamura Sadako rồi phải không?

– Cũng sơ sơ thôi…

Vừa trả lời Asakawa vừa lắng tai nghe tiếng gió và tiếng sóng biển từ trong bốt điện thoại.

– Cậu còn có manh mối nào khác nữa không? Chẳng lẽ chỉ có mỗi chi tiết đoàn kịch Hisho?

– Vâng, còn một vài điểm nữa. Yamamura Sadako sinh năm 1947 ở Sashikichi trên đảo Izu Oshima, mẹ là Shizuko, à, anh ghi cả cái tên này nữa: Yamamura Shizuko, năm 1947 bà ta hai mươi hai tuổi. Vừa sinh xong, Shizuko gửi Sadako cho người bà của mình nuôi rồi bỏ nhà lên Tokyo…

– Tại sao bà ta để lại đứa bé trên đảo?

– Vì một người đàn ông. Anh ghi giùm em cả cái tên này nữa: Ikuma Heihachiro, khi ấy là phó giáo sư Khoa Thần kinh học Đại học T., người yêu của Yamamura Shizuko…

– Như vậy thì Yamamura Sadako là con chung của Shizuko và Ikuma Heihachiro đúng không?

– Chưa có bằng chứng xác thực, nhưng hiện thời có thể khẳng định suy đoán đó là đúng.

– Hai người không cưới xin gì hết?

– Vâng, vì Ikuma Heihachiro đã có vợ con rồi.

Hoá ra là một cuộc tình dan díu… Yoshino liếm đầu bút chì.

– Được rồi, cậu tiếp đi.

– Ba năm sau, năm 1950, Shizuko về thăm quê và gặp lại con gái Sadako. Bà ta sống ở đó ít lâu nhưng chỉ đến cuối năm đó, bà ta lại ra đi, lần này thì mang theo cả Sadako. Hai mẹ con Shizuko và Sadako đã ở đâu, làm những gì suốt năm năm sau đó thì chưa rõ. Tuy nhiên, vào giữa những năm năm mươi, một người anh em họ của Yamamura Shizuko sống trên đảo có nghe đồn rằng Shizuko đã trở nên nổi tiếng và đang rất thành công.

– Bà ta đã gây ra vụ gì à?

– Không rõ nữa. Người anh em họ của Shizuko chỉ kể rằng có nghe phong thanh về bà ta mà thôi. Nhưng khi em chìa tấm danh thiếp nhà báo ra thì ông ta bảo, cánh săn tin các cậu phải rõ hơn tôi chứ. Xem cái cách nói ấy thì có vẻ như trong năm năm từ 1950 đến 1955, hai mẹ con Shizuko và Sadako đã làm một việc gì đó khiến giới truyền thông phải xôn xao. Tuy nhiên, vì ở đây là cù lao nên thông tin từ đất liền rất khó tới được…

– Sao? Nghĩa là cậu muốn tớ điều tra chi tiết đó chứ gì?

– Anh nhanh trí thật đấy.

– Thằng đểu, điều ấy thì ai mà chả đoán ra.

– Vẫn còn nữa. Năm 1956, Shizuko đem theo Sadako về làng nhưng trông bà ta tiều tụy như biến thành một người khác. Người anh họ có hỏi gì thì bà ta cũng không buồn trả lời, chỉ suốt ngày u uất và ư ử hát những câu không rõ nghĩa để cuối cùng gieo mình xuống miệng núi lửa Mihara tự vẫn. Khi ấy bà ta ba mươi mốt tuổi.

– Cậu muốn tớ điều tra cả cái lý do bà ta tự sát nữa chứ gì?

– Nhất định anh phải giúp em vụ này.

Asakawa cúi gập người trong khi vẫn đang cầm ống nghe. Nếu bị mắc kẹt ở trên đảo, gã chỉ còn có thể trông cậy vào Yoshino. Gã thấy hối hận vì cả hai người đã cùng kéo nhau tới chỗ này. Một ngôi làng nhỏ như Sashikichi thì chỉ cần Ryuji là đủ. Đáng lẽ gã phải ở lại Tokyo, chờ Ryuji liên lạc về rồi cùng Yoshino hành động. Kế ấy rõ ràng là sẽ hiệu quả hơn.

– Tớ sẽ cố trong khả năng có thể. Nhưng mà cậu không nghĩ rằng ta cần thêm người à?

– Em sẽ gọi điện cho Tổng biên tập Oguri để nhờ huy động thêm vài người nữa.

– Ừ, làm như thế đi.

Nói thì nói thế thôi chứ bản thân Asakawa cũng không dám tin. Ai mà tin được một tay tổng biên tập luôn miệng ca cẩm thiếu người như Oguri lại có thể dành cho họ những biên tập viên quý giá của ông ta.

– Để em kể tiếp. Sau khi mẹ tự sát, Sadako ở lại Sashikichi và được người bác họ nuôi nấng. Ngôi nhà của người này hiện đang dùng vào việc kinh doanh nhà trọ… – Asakawa định nói rằng gã đang cùng với Ryuji trọ tại chính ngôi nhà ấy nhưng lại thôi, vì gã nghĩ là thừa. – Năm lớp bốn, việc Sadako tiên đoán rằng núi lửa Mihara sẽ phun trào vào năm sau khiến cô bé nổi danh khắp trường. Anh biết không, năm 1956, núi lửa Mihara phun trào đúng như lời sấm của Sadako.

– Ghê gớm nhỉ. Giá kể mà có cô ta thì cứ dẹp quách cái Ủy ban Dự báo Động đất đi cho rảnh nợ.

Có lẽ Asakawa cũng chẳng cần nói thêm rằng tin đồn về sự linh ứng đã lan ra khắp đảo và tới tai mạng lưới săn tin của tiến sỹ Miura. Tuy nhiên, ở chi tiết này, có một điểm quan trọng…

– Chính vì sự kiện này mà kể từ đó, Sadako thường xuyên bị những người dân đảo lui tới xin cho biết về tương lai của họ. Nhưng cô ta không bao giờ trả lời. Cô ta chỉ đáp lại rằng cô ta hoàn toàn không có cái khả năng ấy.

– Vì khiêm tốn?

– Không rõ nữa. Thế rồi khi tốt nghiệp cấp ba, như chỉ chờ có vậy, cô ta lên Tokyo. Sau đó, chỉ có duy nhất một tấm bưu thiếp được gửi về cho người họ hàng đã nuôi nấng cô ta. Tấm bưu thiếp đại ý viết rằng cô ta đã vượt qua kỳ sát hạch và gia nhập đoàn kịch Hisho. Rồi từ ấy đến nay, Sadako bặt vô âm tín, không một ai trên đảo biết cô ta đang ở đâu và làm gì.

– Tóm lại, đầu mối duy nhất để lần ra dấu vết của cô ta từ sau quãng thời gian đó là đoàn kịch Hisho chứ gì?

– Rất tiếc là như vậy…

– Được rồi, ta soát lại một lượt nhé. Tớ sẽ điều tra lý do khiến giới báo chí xôn xao vì Yamamura Shizuko, lý do bà ta nhảy xuống miệng núi lửa và việc Sadako đã làm gì, ở đâu sau ngày tham gia đoàn kịch khi cô ta mười tám tuổi. Tóm lại là hai vấn đề, một liên quan đến mẹ và một liên quan đến con.

– Đúng vậy.

– Làm cái nào trước?

– Sao ạ?

– Tớ đang hỏi cậu muốn tớ điều tra bà mẹ trước hay cô con gái trước? Cậu không còn nhiều thời gian đúng không?

Tất nhiên, Yamamura Sadako mới là vấn đề trực tiếp.

– Cô con gái trước.

– Rõ rồi. Ngay ngày mai tớ sẽ có mặt ở văn phòng đoàn kịch Hisho.

Asakawa nhìn đồng hồ. Mới hơn sáu giờ chiều một chút. Giờ này chắc sàn tập của đoàn kịch vẫn còn mở cửa.

– Anh Yoshino, anh đi luôn tối nay được không?

Yoshino thở một cái rõ to rồi khẽ lắc đầu.

– Asakawa này, cậu thông cảm cho tớ đi, tớ còn có công việc của mình. Tớ còn cả núi bản thảo phải hoàn tất trong đêm nay. Thực ra thì ngày mai tớ cũng…

Yoshino ngừng lời ở đó. Nếu nói thêm nữa lại thành ra thái độ ban ơn. Yoshino bao giờ cũng chú ý tới từng chi tiết nhỏ để chứng tỏ mình là một thằng đàn ông khoáng đạt.

– Em van anh đấy, Yoshino. Ngày kia là thời hạn của em rồi.

Biết rất rõ nội tình của nghề báo, Asakawa không dám hối thêm nữa. Gã chỉ còn cách im lặng chờ đợi câu trả lời của Yoshino.

– … Cậu đã nói thế thì đành vậy. Được rồi, tớ sẽ cố thu xếp trong tối nay, nhưng không hứa chắc đâu đấy.

– Em mắc nợ anh lần này.

Asakawa cúi đầu rồi chuẩn bị gác máy.

– Này, chờ đã. Tớ vẫn chưa được nghe điểm mấu chốt.

– Điểm gì?

– Rốt cuộc, Yamamura Sadako có liên quan gì tới đoạn băng mà cậu xem?

Asakawa ngừng một lát.

– Em có nói anh cũng không tin.

– Thì cậu cứ nói đi.

– Đoạn băng đó không phải được ghi bằng máy quay video.

Asakawa dừng lại trong một khoảng thời gian đủ dài để chờ cho ý nghĩ của một câu nói đi vào đầu Yoshino.

– Đoạn phim là một chuỗi lẫn lộn những hình ảnh được ghi bằng mắt của Yamamura Sadako và những hình ảnh tưởng tượng trong tâm trí cô ta, chúng kết hợp với nhau một cách lộn xộn và phi tuyến tính.

– Hả? – Từ ngữ bỗng chốc biến mất khỏi miệng Yoshino.

– Không thể tin được phải không?

– Một kiểu… chụp ảnh bằng ý nghĩ?

– Khái niệm chụp ảnh bằng ý nghĩ chưa chính xác trong trường hợp này. Có lẽ cần phải gọi là phóng hình bằng ý nghĩ mới đúng, vì hình ảnh được đưa vào bóng hình bằng năng lượng của ý nghĩ.

Chữ phóng hình làm Yoshino liên tưởng tới phóng tinh nên anh ta phá lên cười. Asakawa không giận dỗi, gã tự lý giải về phản ứng tâm lý ấy và lặng lẽ đứng nghe tiếng cười vô duyên của Yoshino.

9:40 tối. Yoshino xuống khỏi tuyến tàu điện ngầm Marunouchi ở Yotsuya Sanchome. Trong lúc bước lên những bậc cấp dẫn từ sân ga lên mặt đất, một cơn gió mạnh suýt nữa làm bay chiếc mũ trên đầu Yoshino, anh ta lấy hai tay giữ mũ và nhìn ra xung quanh. Không phải tìm lâu, Yoshino ngay lập tức nhận ra trạm cảnh sát cứu hoả mà anh ta đã ghi nhớ để làm mốc ở góc đường. Địa điểm cần đến nằm cách đó chưa đầy một phút đi bộ.

Bên cạnh tấm biển đề chữ “Đoàn kịch Hisho” là cầu thang dẫn xuống tầng hầm. Yoshino nghe thấy những tiếng độc thoại hoà cùng với lời ca của đám trai gái trẻ tuổi vọng lên từ bên dưới. Có lẽ bọn họ định tập cho tới trước chuyến tàu cuối vì buổi công diễn đang đến gần. Yoshino biết rất rõ điều này dù không phải phóng viên ban văn nghệ. Một người thường xuyên phải theo đuổi những vụ án hình sự như Yoshino có gì đó không thật thoải mái khi phải tới sàn tập của một đoàn kịch hạng trung như thế này.

Chiếc cầu thang nối xuống tầng hầm được làm bằng sắt. Mỗi bước chân của Yoshino lại phát ra một tiếng kêu cồm cộp. Nếu như các thành viên sáng lập của đoàn kịch này không còn nhớ gì về Yamamura Sadako nữa thì có nghĩa đầu mối cuối cùng sẽ tuột mất và cuộc đời của một nhà siêu năng lực vô tiền khoáng hậu sẽ chìm vào bóng tối. Đoàn kịch Hisho được thành lập năm 1957, Yamamura Sadako gia nhập năm 1956. Những thành viên sáng lập còn lại hiện tại không quá bốn người, trong đó có Uchimura, nhà viết kịch kiêm đạo diễn và là đại diện của đoàn.

Yoshino đưa danh thiếp cho một diễn viên học nghề trạc hai mươi tuổi đang đứng ở lối vào phòng tập và nhờ anh ta gọi Uchimura.

– Thưa thầy, có phóng viên của báo M. muốn gặp thầy.

Bình luận