Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ring – Vòng Tròn Ác Nghiệt

Chương 16

Tác giả: Suzuki Koji

Miura Tetsuzo, sau khi thôi làm giáo sư tại trường đại học Y., đã mất ở tuổi bảy mươi hai cách đây hai năm. Chuyên môn là vật lý lý thuyết nhưng ông ta đặc biệt am hiểu về vật lý chất đặc và cơ học thống kê. Tuy nhiên, toà nhà này không phải được dựng lên để tôn vinh những thành tựu trong lĩnh vực chuyên ngành của ông ta là vật lý, cho dù nó khá nhỏ. Mà là cho sự giải mã những hiện tượng phi thường một cách khoa học. Trong tiểu sử có viết: lý thuyết của ông đã gây nên sự chú ý của thế giới, nhưng tất nhiên, chắc đó chỉ là một phần rất nhỏ. Bằng chứng là từ trước đến nay, Asakawa chưa một lần nghe thấy danh tiếng của ông ta. Vậy thì cái lý thuyết mà ông ta phát hiện là gì? Asakawa đi tìm câu trả lời trên những bức tường và các hòm kính. “… ý nghĩ hàm chứa năng lượng và nguồn năng lượng ấy…” Gã đọc tới đó thì từ bên trong vọng ra tiếng bước chân chạy xuống cầu thang. Một người đàn ông ngoại tứ tuần với hàng ria mép mở cánh cửa trượt ra và xuất hiện. Làm theo Ryuji đang cầm danh thiếp và tiến lại gần người đàn ông, Asakawa cũng rút danh thiếp của mình từ túi áo ngực.

– Chào anh, tôi là Takayama, hiện đang giảng dạy tại đại học K.

Giọng điệu của Ryuji khác hẳn với khi nói chuyện với Asakawa. Gã thấy cái lối giả lả của Ryuji thật ngộ. Asakawa cũng đưa danh thiếp ra. Hết nhìn chiếc này tới chiếc kia, một của giảng viên đại học và một của phóng viên tạp chí, khuôn mặt người đàn ông lộ vẻ hơi khó chịu. Anh ta nhíu mày vì tấm danh thiếp của Asakawa.

– Nếu không phiền, chúng tôi có thể thỉnh giáo anh một vài việc được không ạ.

– Số là hồi giáo sư Miura còn sống, tôi có vinh hạnh được gặp giáo sư một lần.

Không hiểu sao câu nói đó lại khiến nét mặt người đàn ông giãn ra, anh ta đem tới ba chiếc ghế gấp rồi xếp chúng quay mặt vào nhau.

– Vậy à? Các anh ngồi đi.

– Cách đây chừng ba năm, tính ra là đúng một năm trước khi giáo sư qua đời, tôi quyết định đến thỉnh chuyện giáo sư nhân một lần nhà trường đánh tiếng hỏi xem tôi có muốn dạy môn phương pháp luận khoa học hay không…

– Ở ngôi nhà này?

– Vâng, qua sự giới thiệu của giáo sư Takatsuka…

Cuối cùng thì người đàn ông cũng nở một nụ cười khi nghe nhắc đến tên giáo sư Takatsuka, vì điểm chung giữa họ đã rõ ràng.

Hẳn là anh ta đang nghĩ: hai người này cùng phe với mình, chắc không phải những kẻ đến để công kích…

– Tôi tên là Miura Tetsuaki, xin thứ lỗi cho sự khiếm nhã vừa rồi. Cũng xin lỗi vì danh thiếp của tôi vừa mới hết…

– Nói vậy thì anh là…

– Vâng, tôi chính là đứa con kém cỏi của ông.

– Vậy sao, ồ, tôi không hề nghĩ là giáo sư lại có một đứa con giỏi giang như thế…

Asakawa phải cố nén để khỏi phì cười vì cái cách Ryuji gọi một người hơn họ đến mười tuổi là “một đứa con giỏi giang”.

Miura Tetsuaki giới thiệu sơ qua về kỷ niệm đường của cha mình, rằng các học trò của ông đã góp sức biến ngôi nhà mà ông để lại thành một kỷ niệm đường và phân loại các tài liệu thu thập được. Còn về phần mình, anh ta nói với một vẻ pha chút tự trào rằng, anh ta đã không đi theo con đường nghiên cứu mà người bố mong đợi, mà lại bỏ tiền ra xây dựng và kinh doanh một khách sạn nhỏ trên cùng miếng đất với ngôi kỷ niệm đường.

– Tóm lại là tôi đang lợi dụng danh tiếng và mảnh đất ông cụ để lại, vì thế tôi buộc phải tự gọi mình là một đứa con kém cỏi.

Tetsuaki nói vậy rồi cười thẹn thùng. Khách sạn của anh ta thường phục vụ cho những chuyến đi xa của đám học sinh cấp ba. Khách trọ hầu hết là thành viên các câu lạc bộ khoa học như câu lạc bộ vật lý, sinh vật, trong số đó còn có cả những cái tên như Hội Nghiên cứu Siêu tâm lý học. Mà chỗ nghỉ trọ của bọn học trò thì cần một chút danh nghĩa. Vì thế, Kỷ niệm Đường Miura Tetsuzo chính là miếng mồi câu bóng bẩy thu hút những đoàn học sinh cấp ba tới nghỉ.

– Chuyện là thế này anh ạ. – Ryuji sửa lại tư thế ngồi và tìm cách đưa câu chuyện trở về quỹ đạo.

– Ấy chết, tôi xin lỗi vì cứ huyên thuyên những chuyện không đâu… Vậy tôi có thể giúp gì được các anh?

Như thế đủ thấy Tetsuaki chẳng có chút tài năng nào của một nhà khoa học. Nhìn nghiêng, nét mặt lộ đầy vẻ khinh bỉ của Ryuji tuồng như muốn nói: cái thái độ vuốt đuôi kiểu con buôn hợp với thằng cha này lắm.

– Chẳng là chúng tôi đang đi tìm một nhân vật.

– Là ai vậy?

– Chúng tôi chưa biết, chính vì thế nên chúng tôi mới tới đây.

– Ái chà, như vậy nghĩa là…, à, anh cứ nói tiếp đi…

Tetsuaki nhíu mày bối rối như thể giục khéo Ryuji trình bày câu chuyện một cách dễ hiểu hơn.

– Tôi không dám chắc chắn nhân vật này còn sống hay đã chết. Chỉ biết rõ một điều rằng, kẻ đó sở hữu một sức mạnh mà người thường không thể nào có được.

Nói đến đây Ryuji ngừng một hơi và nhìn xoáy vào Tetsuaki. Dường như ngay lập tức Tetsuaki hiểu ra rằng, “sức mạnh mà người thường không thể nào có được” nghĩa là gì.

– Giáo sư Miura là nhà sưu tập hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực này. Trước đây, tôi có nghe giáo sư nói rằng, bằng mạng lưới riêng của mình, giáo sư đã lập danh sách những người có khả năng thần bí trên toàn nước Nhật và vẫn còn cất giữ những tài liệu đó.

Mặt Tetsuaki sầm lại. Anh ta nghĩ bụng: không phải bọn người này đến để nhờ mình tìm cho họ một nhân vật trong đống tài liệu ấy đấy chứ?

– Vâng, tất nhiên là các tập hồ sơ vẫn còn được lưu giữ. Nhưng, phần lớn bọn họ là những kẻ lừa đảo, vả lại khối lượng hồ sơ không phải là nhỏ.

Tetsuaki chợt rùng mình khi hình dung tới việc phải lật giở đám hồ sơ ấy một lần nữa. Mười mấy học trò của ông đã phải mất vài tháng mới phân loại xong. Cũng bởi theo di nguyện của người quá cố, họ đã giữ lại cả những tài liệu không đủ căn cứ thành thử mới lên tới con số khổng lồ như vậy.

– Ồ, chúng tôi đâu dám phiền anh như thế. Nếu anh cho phép, hai chúng tôi sẽ tự mình tìm lấy.

– Chúng nằm trong kho trên tầng hai, trước tiên mời các anh lên xem.

Tetsuaki đứng dậy. Bọn họ chưa biết chúng nhiều thế nào nên dám nói vậy, chứ chỉ cần thấy cái giá sách la liệt những thứ ấy thì không nản mới lạ. Tetsuaki vừa nghĩ như vậy vừa đưa hai người lên tầng hai.

Trần nhà của căn phòng đó khá cao, sát bức tường đối diện với lối lên cầu thang là hai hàng giá sách bảy tầng được kê cạnh nhau. Có bốn mươi tập tài liệu trong mỗi quyển kẹp hồ sơ, mà nhìn qua cũng tính được có đến vài nghìn quyển… Chẳng biết Ryuji ra sao chứ mặt Asakawa thì không còn giọt máu.

… Đốt thời giờ vào đống hồ sơ này thì chỉ còn nước chết mục trong cái nhà kho tối tăm này mà thôi.

Thế rồi, gã kêu thầm trong bụng: “Không còn cách nào khác nữa sao?”

– Xin phép anh cho chúng tôi xem qua một chút. – Ryuji thản nhiên nói.

– Xin mời, các anh cứ tự nhiên…

Mặc dù đã hơi chán nản, Tetsuaki vẫn đứng nán lại quan sát hai người một lúc vì tò mò muốn biết rốt cuộc họ đang định tìm kiếm cái gì, thế nhưng đến nước này thì quả thực anh ta ngán ngẩm quá rồi.

– Tôi xin phép vì còn có chút việc. – Nói vậy rồi anh ta rời chỗ.

Khi chỉ còn hai người, Asakawa hỏi Ryuji.

– Này, cậu giải thích xem chuyện là như thế nào.

Giọng Asakawa hơi ồm ồm vì phải ngẩng cổ lên để nhìn cái giá xếp đầy hồ sơ. Kể từ lúc bước vào kỷ niệm đường, đây là lần đầu tiên gã cất tiếng. Các tập hồ sơ được xếp theo năm, ngày tháng ghi trên những miếng bìa gáy bắt đầu từ năm 1956 và kết thúc vào năm 1988. Năm 1988, chính là năm tiến sỹ Miura qua đời. Cái chết đã khép lại công cuộc sưu tầm suốt ba mươi hai năm trời của ông.

– Không còn thời gian, chúng ta vừa tìm vừa nói chuyện. Tớ sẽ tìm từ năm 1956 trở đi, còn cậu bắt đầu cho tớ từ năm 1960.

Asakawa rút bừa một quyển ra và thử giở mấy tờ. Trang nào cũng có ít nhất một bức ảnh và một mẩu giấy ghi lại vài dòng chú thích đơn giản, địa chỉ và danh tính.

– Cậu bảo mình tìm, nhưng tìm cái gì bây giờ?

– Nhớ chú ý tên và địa chỉ. Nhặt ra những người nào là nữ sống trên đảo Izu Oshima.

– Sao phải là nữ? – Asakawa chau mày khó hiểu.

– Thế theo cậu thì câu nói: “sang năm cháu sẽ sinh con” của bà già ấy là để nói với ai?

Đúng là đàn ông không đẻ được con.

Dẹp mọi chuyện khác sang bên, hai người bắt đầu tìm kiếm. Vừa lặp đi lặp lại một thao tác đơn điệu, Ryuji vừa cắt nghĩa cho câu hỏi của Asakawa rằng tại sao lại có những tập hồ sơ này.

Bước vào những năm năm mươi, với mối quan tâm lớn tới hiện tượng siêu tự nhiên, tiến sỹ Miura bắt đầu tiến hành những thí nghiệm siêu năng lực, tuy nhiên các kết quả thiếu tính ổn định đã khiến một học thuyết khoa học chưa thể ra đời. Ngay cả đối với khả năng thấu thị, sự thiếu ổn định như vậy cũng thường xuyên xảy ra, khi trình diễn trước mắt công chúng, người ta bỗng nhiên không thể thực hiện được cái khả năng mà mới đó còn làm được. Mọi chuyện cho thấy rằng cần phải có một sức tập trung không nhỏ để phát huy những khả năng này. Tuy nhiên, điều mà tiến sỹ Miura đòi hỏi là một nhân vật có thể phát huy những khả năng đó ở mọi lúc và ở mọi nơi. Ông hiểu rằng nếu thất bại trước mặt đám đông, bản thân ông sẽ không tránh khỏi bị gọi là một tên lừa đảo. Vì vậy, tin chắc rằng vẫn còn tiềm ẩn những người có năng lực siêu nhiên trên thế giới, ông đã quyết định đi tìm họ. Vấn đề là cần phải tìm bằng phương pháp nào? Tất nhiên, không thể kiểm chứng khả năng thấu thị, khả năng tiên tri, năng lực viễn khiển bằng cách gặp mặt từng người một. Vậy là ông nảy ra một sáng kiến: ông gửi một tấm phim được niêm phong cẩn mật tới những nhân vật được cho là có khả năng này, yêu cầu họ dùng ý nghĩ của mình để in lên đó một hình vẽ mà ông chỉ định rồi gửi lại cho ông trong trạng thái vẫn dán kín. Với cách ấy, ông có thể kiểm tra được khả năng của ngay cả những người ở cách ông rất xa. Hơn nữa, chụp ảnh bằng ý nghĩ là một khả năng khá cơ bản, người có khả năng này thường đồng thời có khả năng tiên tri hoặc thấu thị. Năm 1956, tiến sỹ Miura bắt đầu chiêu mộ rộng rãi những người có khả năng đặc biệt từ khắp nước với sự giúp sức của các học trò đang làm việc tại các nhà xuất bản và toà soạn báo. Khi nghe thấy tin đồn về những người có khả năng này thông qua mạng lưới của mình, các học trò sẽ báo cáo lại cho ông. Tuy nhiên, việc kiểm tra bằng phương pháp ấy cho thấy số người có khả năng thực sự chỉ chiếm chưa quá một phần mười, còn lại phần lớn các tấm phim đều bị bóc ra và đánh tráo một cách khéo léo. Ông quyết định tiêu huỷ ngay tại chỗ những tấm phim được xác định là bịp bợm và cố gắng giữ lại những tấm phim chưa thể kiểm chứng rõ ràng. Kết quả là đã hình thành nên một bộ sưu tập không thể quản lý nổi như thế này. Sau đó, cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng và sự gia tăng về số lượng học trò, mạng lưới của ông mỗi ngày một hoàn thiện hơn, các số liệu liên tục dày theo năm tháng cho tới khi tiến sỹ qua đời.

– Ra vậy… – Asakawa lẩm bẩm. – Mình hiểu ý nghĩa của bộ sưu tập này rồi. Nhưng làm sao cậu biết được trong đó có cái kẻ mà chúng ta đang tìm kiếm?

– Ai bảo cậu là tớ khẳng định như thế. Tớ chỉ nói là rất có thể thôi. Nghe này, cậu hiểu một kẻ làm được những điều như vậy là thế nào không? Ừ thì cũng có vài ba kẻ có thể chụp ảnh bằng ý nghĩ. Nhưng một kẻ có thể đưa hình ảnh vào trong bóng hình ti vi mà không dùng bất cứ thiết bị nào thì quả là hiếm. Đó là một siêu siêu năng lực cậu hiểu chưa? Một kẻ có khả năng như vậy cho dù có sống một cách hết sức bình thường cũng không thể tránh khỏi sự chú ý của xung quanh. Tớ không nghĩ là mạng lưới của tiến sỹ Miura lại có thể bỏ qua một đối tượng lù lù trước mắt như vậy được.

… Vậy là có cơ may. Ngay cả Asakawa cũng thừa nhận điều này. Gã cảm thấy những ngón tay đang lật giở hồ sơ trở nên mạnh mẽ hơn.

– Nhưng tại sao mình lại phải lục tìm từ những tệp hồ sơ năm 1960? – Bất chợt nhớ ra, Asakawa ngẩng đầu lên hỏi.

– Cậu còn nhớ chiếc ti vi trong đoạn băng ấy chứ? Nó là một chiếc ti vi đời cũ, thuộc thế hệ sơ khai của máy truyền hình, khoảng những năm năm mươi tới đầu sáu mươi.

– Thế thì sao? Chả giải quyết được vấn đề gì…

– Cậu thật rầy rà, chẳng phải tớ đã nói rằng đó là vấn đề cơ may hay sao?

Asakawa tự nhắc nhở mình rằng suốt từ lúc nãy tới giờ gã đã quá nóng ruột. Nhưng như thế cũng hợp lẽ. Thời gian không còn nhiều nữa, lại phải lục lọi đống hồ sơ khổng lồ này nữa, như thế mà bình tĩnh được mới là lạ.

Đúng lúc ấy, dòng chữ “Izu Oshima” đập vào mắt gã.

– Ái chà, đây rồi!

Tiếng kêu của gã như thể vừa tóm cổ được một con ma. Ryuji giật mình quay lại ngó vào tập hồ sơ.

… Motomachi, Izu Oshima. Tsuchida Teruko. 37 tuổi. Bưu ấn đề ngày 14 tháng Hai năm 1960. Một bức ảnh đơn sắc có hình tia chớp chạy sáng trắng trên nền đen. Phần chú thích ghi: “Đây là kết quả nhận được khi gửi đi yêu cầu dùng ý nghĩ để chụp hình chữ thập. Không có dấu vết đánh tráo.”

– Cậu thấy sao? – Asakawa phấn khích lắc lư người trong lúc chờ đợi phản ứng của Ryuji.

– … Không phải là không có khả năng. Trước mắt, cậu cứ ghi lại địa chỉ và họ tên cái đã.

Chỉ nói có vậy rồi Ryuji lại quay trở về với tập hồ sơ của mình. Tuy đã phấn chấn hơn vì ngay lập tức phát hiện ra một đối tượng đầy hứa hẹn song Asakawa cũng không khỏi bất mãn trước phản ứng lạnh nhạt của Ryuji.

Đã hai giờ đồng hồ trôi qua. Kể từ lúc đó họ không còn phát hiện thêm một phụ nữ nào có nguồn gốc từ đảo Izu Oshima nữa. Địa chỉ của người gửi phần lớn là ở Tokyo hoặc những khu vực ven vùng Kanto. Tetsuaki xuất hiện với hai ly trà, trước khi bỏ đi, anh ta còn để lại mấy câu hàm ý mỉa mai. Đã hai tiếng đồng hồ mà chưa giải quyết hết chỗ tư liệu của một năm, bàn tay hai người mỗi lúc một uể oải hơn.

Đã tìm xong năm 1960. Trước khi chuyển sang năm 1961, Asakawa đưa mắt qua phía Ryuji. Y đang ngồi xếp bằng và gục mặt xuống tập hồ sơ mở rộng mà không hề nhúc nhích. Hắn lại ngủ rồi, nghĩ vậy Asakawa vừa định đưa tay ra thì có tiếng y rên lên đầy thảm thiết.

– Đói chết mất. Này, mua hộ tớ hộp cơm với trà Ô Long về đây được không? Nhân tiện đặt luôn một phòng ở Le Petite Pension Soleil đêm nay nhé.

– Cái quái quỷ gì vậy.

– Là khách sạn của thằng cha lúc nãy ấy mà.

– Ai chả biết, nhưng tại sao lại phải ngủ với cậu cơ chứ…

– Cậu không thích à?

– Nhưng mình không có thời gian, mình không thể ung dung ngủ lại khách sạn lúc này được.

– Ừ, thì cứ cho là cậu đã tìm thấy người đàn bà đó rồi đi, nhưng cậu định đi Oshima ngay bây giờ chắc? Hôm nay phải nằm lại đây thôi. Tốt hơn hết là đánh một giấc thật đẫy cho lại sức cái đã.

Asakawa cảm thấy không còn gì ghê tởm hơn khi phải ở chung khách sạn với Ryuji, nhưng đành vậy, gã chạy đi mua cơm, nói với Miura Tetsuaki rằng họ sẽ nghỉ lại đêm nay, rồi ngồi nhai cơm hộp và uống trà Ô Long với Ryuji. Bảy giờ tối, hai người tạm nghỉ tay.

Hai cánh tay và bả vai mỏi nhừ. Asakawa gỡ kính ra cho khỏi nhức mắt. Bù lại, gã gí sát mặt vào tập hồ sơ rồi lần tìm như thể đang liếm chúng. Việc tập trung thần kinh cao độ để không sơ sểnh bỏ qua bất cứ chi tiết nào càng khiến gã mệt mỏi hơn.

Chín giờ tối. Giữa căn phòng lặng ngắt bỗng vang lên tiếng kêu thất thanh của Ryuji.

– Tìm được rồi. Hoá ra nó nằm ở đây.

Bị thu hút, Asakawa ngồi xuống cạnh Ryuji và đeo lại kính lên mắt.

… Sashikichi, Izu Oshima. Yamamura Sadako. Mười tuổi. Bưu ấn trên bì thư đề ngày 29 tháng Tám năm 1956. Cùng với một tấm ảnh có chữ Yama màu trắng nổi lên trên nền đen là lời chú thích: “Đây là kết quả nhận được khi gửi đi yêu cầu dùng ý nghĩ để chụp tên mình lên phim. Khẳng định tấm phim hoàn toàn là thật.”

Asakawa nhận ra con chữ ấy.

– Đúng… đúng là nó. – Giọng gã run lên.

Trong đoạn băng, cảnh phim có chữ Yama diễn ra ngay sau cảnh phun trào của núi lửa Mihara. Và ở cảnh thứ mười, chữ Sada đã hiện lên trong chiếc ti vi đời cũ. Mà tên đứa bé gái này lại là Yamamura Sadako.

– Cậu nghĩ sao? – Ryuji hỏi.

– Đúng là nó rồi, không sai được.

Cuối cùng thì những tia hy vọng cũng được nhen lên. Biết đâu vẫn còn kịp, ý nghĩ ấy bất chợt thoáng qua trong óc gã.

Bình luận