Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ring – Vòng Tròn Ác Nghiệt

Chương 23

Tác giả: Suzuki Koji

Thứ Năm, ngày 18 tháng Mười

Gió hơi mạnh, những đám mây trắng trôi là là dưới bầu trời xanh ngắt. Cơn bão số 21 quét qua Bán đảo Boso rồi biến mất ngoài khơi theo hướng đông bắc vào buổi chiều muộn ngày hôm qua. Sau đó, tất cả chỉ là một màu nước biển xanh đến nhức mắt. Một ngày mùa thu nắng đẹp và dịu nhẹ, vậy mà Asakawa đang phải đứng trên boong tàu và ngắm nhìn những con sóng trong tâm trạng một kẻ tử tù sắp bị đem ra hành quyết. Đưa mắt lên, gã trông thấy những đỉnh núi trên cao nguyên Izu chạy thành một đường mềm mại. Cuối cùng thì ngày định mệnh đã đến. Lúc này là mười giờ sáng, còn mười hai tiếng nữa. Chắc chắn thời khắc ấy sẽ đến. Thế là đã sắp một tuần trôi qua kể từ lúc gã xem cuốn băng ở Villa Log Cabin. Dài quá… Gã nghĩ. Tất nhiên, gã cảm thấy dài là bởi chỉ trong vỏn vẹn một tuần lễ gã đã phải trải qua tất cả các cung bậc của nỗi sợ hãi mà những người bình thường có mất cả một đời cũng không thể nào hiểu được.

Asakawa không biết một ngày mắc kẹt trên đảo ấy sẽ có ảnh hưởng thế nào tới vận mệnh của gã. Trên điện thoại, do quá xúc động nên gã đã trách cứ Yoshino vì sự chậm trễ trong việc điều tra, nhưng lúc này, khi bình tĩnh nghĩ lại, gã thấy biết ơn vì thực ra Yoshino đã làm rất tốt. Nếu là gã, biết đâu sự nôn nóng đã chẳng khiến gã điều tra theo một hướng hoàn toàn nhầm lẫn?

… Thế lại may. Cơn bão đã giúp mình.

Asakawa nghĩ thế để khỏi thấy xót xa. Gã đang chuẩn bị tinh thần trước cái chết, để đừng hối hận rằng đáng lẽ mình phải làm thế này chứ không phải thế kia.

Manh mối cuối cùng còn lại là ba trang fax gã đang cầm trên tay. Đó là những thông tin mà Yoshino phải mất nửa ngày để kiếm được và gửi cho gã hôm qua. Quả là đã tồn tại một công trình khác thường trước khi Pacific Land Nam Hakone được xây dựng ở khu vực đó. Tuy nói là khác thường chứ vào thời kỳ đó thì những công trình như thế nhiều nhan nhản. Ấy là một trại điều dưỡng lao.

Ngày nay, lao là căn bệnh mà có lẽ không còn mấy ai thấy sợ khi nhắc đến, tuy nhiên, không hề quá khi nói rằng ta có thể bắt gặp cái tên này trong mọi cuốn tiểu thuyết thời tiền chiến. Động cơ để Thomas Mann viết nên Núi thiêng (Tên tiếng Đức là Der Zauberberg. Tác phẩm này được Thomas Mann hoàn thành năm 1924 và được coi là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất của nền văn học Đức thế kỷ 20) là vi khuẩn lao và cảm hứng khiến Kajii Motojiro (Tiểu thuyết gia Nhật Bản (1901-1932). Các tiểu thuyết của ông chủ yếu lấy cảm hứng từ căn bệnh lao của mình) ngân lên những khúc ca thanh thản về sự tàn lụi của đời mình cũng chính là vi khuẩn lao. Tuy nhiên, với việc tìm ra streptomycin vào năm 1944 và hydrazides vào năm 1950, bệnh lao đã không còn cái hương vị văn học bấy lâu và trở thành một căn bệnh truyền nhiễm hạng bét. Từ triều Đại Chính đến Chiêu Hoà, số người chết vì bệnh lao mỗi năm lên tới hai trăm nghìn người, tuy vậy con số này đã đột ngột giảm xuống từ sau Thế chiến. Mặc dầu vậy, vi khuẩn lao chưa hề biến mất. Mỗi năm, vi khuẩn này vẫn cướp đi mạng sống của năm nghìn người.

Vào thời kỳ bệnh lao hoành hành dữ dội nhất, để điều trị căn bệnh này người ta cần phải được nghỉ ngơi giữa một môi trường yên tĩnh và bầu không khí trong lành. Theo đó, tất cả các trại điều dưỡng lao đều được xây dựng trên vùng núi cao nhưng cùng với sự tiến bộ của phương pháp điều trị khoa học, số lượng bệnh nhân lao giảm dần và người ta buộc lòng phải thay đổi chức năng của những trại điều dưỡng này. Nghĩa là nếu không kết hợp với các chuyên khoa khác như khoa nội, khoa đường ruột hay khoa ngoại thì tình hình kinh doanh sẽ không được đảm bảo. Vào giữa thập niên 70, trại điều dưỡng Nam Hakone cũng phải đối mặt với yêu cầu này. Thế nhưng, tình thế lúc ấy lại vô cùng khó khăn. Vì nó ở vào một vị trí mà giao thông quá ư bất tiện. Trong trường hợp mắc lao, thời gian từ lúc nhập viện cho tới khi ra viện là rất dài, vì thế giao thông không trở thành vấn đề đáng ngại. Tuy nhiên, đó lại là đòn chí mạng giáng vào bất cứ ý định nào muốn biến nó thành một bệnh viện đa khoa. Và như thế, trại điều dưỡng Nam Hakone bị đóng cửa vào năm 1972.

Thế rồi nó được Pacific Resort Club, tập đoàn chuyên săn lùng các địa điểm xây dựng sân golf và khu resort để mắt tới. Năm 1975, Pacific Resort mua lại một dải cao nguyên Nam Hakone bao gồm cả khu đất cũ của trại điều dưỡng lao và bắt tay ngay vào công việc xây dựng sân golf. Sau đó, họ lần lượt hoàn thiện các khu biệt thự để bán, khách sạn, bể bơi, câu lạc bộ thể thao ngoài trời, sân tennis và các dịch vụ nghỉ dưỡng khác. Và cho đến tháng tư năm nay, tức là cách đây nửa năm, Villa Log Cabin được hoàn thành.

– Chỗ đấy thế nào? – Vừa mới còn ở trên boong vậy mà không biết từ lúc nào Ryuji đã ngồi xuống cạnh Asakawa.

– Chỗ nào?

– Pacific Land Nam Hakone ấy.

Gã nhớ ra là Ryuji chưa từng đến đó.

– Cảnh đêm rất đẹp.

Âm thanh của những trái bóng tennis đập binh binh dưới ánh đèn vàng vọt giữa một không gian mà cảm giác về sự sống rất mờ nhạt lại vang lên trong tai gã.

… Bầu không khí đó từ đâu ra? Có bao nhiêu người đã bỏ mạng ở khu trại điều dưỡng ấy?

Vừa nghĩ vậy, Asakawa vừa mường tượng lại khung cảnh mỹ lệ của Numazu và Mishima trải rộng trong đêm dưới chân gã.

Asakawa đổi tờ fax đầu tiên xuống dưới rồi trải rộng tờ thứ hai và thứ ba lên đùi mình. Tờ thứ hai là sơ đồ phân bố các khu nhà của trại điều dưỡng, còn tờ thứ ba là hình hài hiện tại của trại điều dưỡng này: toà nhà ba tầng đỏm dáng được dùng làm trung tâm thông tin và nhà hàng ăn uống của Pacific Land Nam Hakone. Đó chính là toà nhà mà Asakawa đã xăng xái bước vào và hỏi một cậu bồi bàn về vị trí của Villa Log Cabin sau khi bất ngờ tấp xe ngay trước cửa. Asakawa hết nhìn tờ này rồi lại đến tờ kia. Cái dòng chảy của gần ba mươi năm đang hiện lên thành những hình vẽ. Nếu không lấy con đường lượn theo sườn núi làm chuẩn, gã không thể nào xác định được đâu đã từng là đâu trong quá khứ. Asakawa vừa hình dung ra quang cảnh thực tế trong óc vừa lần theo tấm bản đồ được vẽ trên tờ thứ hai để xem đã từng có cái gì tồn tại ở nơi mà ngày nay là Villa Log Cabin. Mặc dù không thể chỉ ra được vị trí một cách rõ ràng nhưng bằng cách xếp trùng hai tờ fax lên nhau, Asakawa nhận thấy rằng chẳng có gì ở khu vực của Villa Log Cabin cả. Chỉ có những bụi cây um tùm bao phủ sườn dốc bên khe núi.

Asakawa quay trở lại với tờ fax đầu tiên. Ngoài sự biến đổi từ trại điều dưỡng Nam Hakone thành Pacific Land Nam Hakone, còn một thông tin quan trọng nữa: Nagao Jotaro, năm mươi bảy tuổi. Đó là một bác sỹ tư kinh doanh phòng khám khoa nội và khoa nhi ở Atami. Nagao làm bác sỹ tại trại điều dưỡng Nam Hakone trong năm năm từ 1962 đến 1967. Ấy là vào cái thuở ông ta vẫn còn trẻ, lúc vừa mới kết thúc chương trình bác sỹ nội trú xong. Những bác sỹ làm việc tại trại điều dưỡng Nam Hakone thời đó bây giờ chỉ còn lại hai người là Tanaka Yozo, đang sống với gia đình người con gái ở Nagasaki, và Nagao Jotaro. Viện trưởng và các bác sỹ khác đều đã qua đời. Nếu muốn có được thông tin về trại điều dưỡng Nam Hakone thì chỉ còn cách tìm đến chỗ bác sỹ Nagao. Tanaka Yozo thì già rồi, tuổi cũng ngấp nghé tám mươi, vả lại bọn họ lấy đâu ra thời gian để mà xuống tận Nagasaki.

Asakawa đã van vỉ Yoshino tìm cho gã một nhân chứng sống, bất kể là ai. Yoshino phải kiềm chế lắm để khỏi trút lên gã một cơn bực tức và cuối cùng thì cũng tìm ra được cái tên của bác sỹ Nagao. Yoshino đã gửi cho gã tên và địa chỉ cùng với một tiểu sử rất thú vị liên quan tới tay bác sỹ này. Tại sao Yoshino lại quan tâm tới điều ấy? Có thể là vì trong lúc điều tra anh ta đã tình cờ nghe được rồi tiện tay chép vào một cách không chủ ý. Làm việc tại trại điều dưỡng từ năm 1962 đến năm 1967, chưa hẳn Nagao đã hoàn thành sứ mệnh của người thầy thuốc một cách tận tụy suốt năm năm ấy. Tuy rằng ngắn ngủi, nhưng Nagao đã từng từ một người đi chữa bệnh biến thành một kẻ bị chữa bệnh và được chuyển sang khu cách ly trong vòng hai tuần. Mùa hè năm 1966, do bất cẩn Nagao bị nhiễm virus đậu mùa từ một bệnh nhân trong lúc tới thăm khu cách ly ở trên núi. May mắn thay, vì được chủng đậu vài ba năm trước nên không có chuyện gì to tát xảy ra, căn bệnh qua đi với các triệu chứng nhẹ như đậu nổi không nhiều, cũng không bị sốt lần thứ hai. Mặc dầu vậy, để tránh lây nhiễm sang người khác, ông ta buộc phải điều trị trong tình trạng cách ly. Điều thú vị là nhờ sự kiện đó mà tên tuổi của Nagao được xuất hiện trên các tài liệu y khoa. Bởi vì ông ta là bệnh nhân đậu mùa cuối cùng ở Nhật Bản. Không hiểu điều ấy có giá trị ở mức độ nào giữa cái bối cảnh mà sách Guiness đã ghi lại vô vàn các kỷ lục khác nhau như ngày nay, nhưng chắc chắn Yoshino phải cảm thấy rất thích thú. Bệnh đậu mùa, cái tên này đang dần trở thành một tử ngữ đối với thế hệ của Asakawa và Ryuji.

– Ryuji, cậu đã bao giờ bị đậu mùa chưa? – Asakawa hỏi.

– Cậu điên à? Làm gì còn thứ đó nữa. Chúng bị tuyệt diệt rồi.

– Tuyệt diệt?

– Con người đã xoá sạch chúng bằng trí tuệ của mình. Đậu mùa không còn tồn tại trên thế giới này nữa.

Đúng như lời Ryuji, virus đậu mùa gần như đã biến mất khỏi hành tinh vào năm 1975 nhờ những chiến dịch tiêm phòng vắc-xin triệt để của Tổ chức Y tế Thế giới. Và tất nhiên, người ta còn lưu giữ tên tuổi của bệnh nhân đậu mùa cuối cùng trên thế giới. Đó là một thanh niên người Somalia bị nổi đậu vào ngày 26 tháng Mười năm 1977.

– Virus đã hoàn toàn bị tiêu diệt? Cậu nghĩ là có thể làm được điều đó à?

Không am hiểu về virus, nhưng Asakawa luôn bị ám ảnh bởi cái ấn tượng rằng, dù con người có không ngừng giết chúng thì chúng vẫn cứ thay hình đổi dạng và tồn tại dai dẳng.

– Virus ấy à, chúng là một thứ nằm ở giữa giới hạn của sự sống và phi sự sống. Thậm chí còn có thuyết cho rằng bản chất của chúng là các gen di truyền trong tế bào người. Người ta không biết được chúng sinh ra từ đâu và bằng cách nào. Duy chỉ có một điều chắc chắn, đó là chúng có quan hệ chặt chẽ với quá trình hình thành và tiến hoá của sự sống.

Ryuji xoè rộng bàn tay đang đan sau gáy. Mắt y long lanh.

– Asakawa này, cậu không thấy kỳ thú à? Việc gen di truyền trong tế bào tách ra và trở thành một sinh vật khác ấy. Có khi, tất cả những gì là tương phản đều bắt nguồn từ một gốc cũng nên. Như ánh sáng và bóng tối chẳng hạn, trước vụ nổ lớn hẳn là chúng đã chung sống với nhau rất hoà thuận. Thiên thần và quỷ sứ cũng thế. Tóm lại, quỷ sứ chẳng qua chỉ là cách mà người ta gọi một thiên thần bị tha hoá chứ gốc gác thì giống nhau. Đàn ông và đàn bà cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Chúng ta vốn là loài lưỡng tính và ban đầu chúng ta cùng mang trên cơ thể mình cả bộ phận sinh dục đực và bộ phận sinh dục cái giống như giun đất và sên trần. Cậu không thấy đó mới là hiện thân của sức mạnh và vẻ đẹp tuyệt đối à?

Nói rồi Ryuji cười hềnh hệch: “Vì đỡ phải mất công làm tình mà, hề hề.”

Asakawa nhìn chằm chằm vào mặt Ryuji như muốn hỏi, có cái gì đáng cười ở đây nhỉ?

… Ai dám bảo một sinh vật vừa đực vừa cái là hoàn hảo chứ.

– Ngoài ra còn có loại virus nào bị tuyệt diệt nữa không?

– À, nếu cậu quan tâm đến vậy sao không về Tokyo mà tra cứu?

– Nếu mà về được.

– Hề hề, đừng lo. Sẽ về được thôi.

Vào lúc đó, con thuyền cao tốc chở Asakawa và Ryuji vừa đi được đúng nửa chặng đường từ đảo Oshima tới Ito. Nếu đáp máy bay thì cả hai đã có thể về được Tokyo sớm hơn, nhưng vì họ muốn ghé qua chỗ Nagao Jotaro ở Atami nữa nên họ quyết định đi thuyền.

Bánh xe đu quay của công viên Korakuen đã hiện ra trước mắt. 10:50, thuyền cập cảng đúng như dự kiến. Asakawa chạy vội về phía bãi đỗ xe khi vừa bước xuống khỏi cầu thang.

– Này, làm gì mà cuống lên thế.

Ryuji đủng đỉnh theo sau. Phòng khám của Nagao nằm ở ngay gần ga Kinomiya. Asakawa sốt ruột chờ đợi Ryuji bước vào trong xe, thế rồi gã cho xe chạy thẳng về hướng thị trấn Atami đầy những dốc và đường một chiều.

– Này, có khi chính quỷ sứ đã nhúng tay vào vụ này cậu ạ.

Ryuji nói với bộ mặt nghiêm túc khi vừa vào xe. Asakawa thì không có thì giờ để đáp lại vì còn mải nhìn biển báo trên đường. Ryuji tiếp.

– Quỷ sứ luôn hiện diện trên thế gian này dưới những bộ dạng khác nhau. Cậu có bao giờ nghe nhắc đến trận dịch hạch đã tràn qua hầu khắp các nước Châu Âu vào nửa cuối thế kỷ 14 chưa? Gần một nửa dân số đã thiệt mạng. Cậu có tin được không? Thử tưởng tượng xem, nếu mất đi một nửa, dân số Nhật Bản sẽ chỉ còn sáu mươi triệu. Tất nhiên, có một nghệ sỹ thời đó đã ví dịch hạch với quỷ sứ. Bây giờ cũng thế thôi, AIDS đáng bị gọi là quỷ sứ thời hiện đại lắm chứ? Nhưng tớ muốn nói với cậu rằng, quỷ sứ sẽ không đời nào đẩy con người tới chỗ diệt vong. Vì sao ấy à? Vì nếu con người không còn thì chúng cũng không còn. Giống như virus ấy, chúng sẽ không thể tồn tại được nếu vật chủ của chúng là tế bào bị huỷ hoại. Nhưng mà ngược lại, con người đã đẩy virus đậu mùa tới chỗ tuyệt diệt. Mà có thật không nhỉ? Có thật là con người làm được việc đó không?

Ngày nay, người ta không thể nào tưởng tượng ra nổi sự đáng sợ của bệnh đậu mùa, căn bệnh đã từng hoành hành khắp thế giới và được liệt vào hàng có tỷ lệ tử vong cao nhất. Ngay cả ở Nhật Bản, bệnh này cũng là nguồn gốc của rất nhiều tín ngưỡng và mê tín do sự đau đớn mà nó gây ra. Xa xưa, người ta tin rằng kẻ gieo rắc căn bệnh này chính là Thần Đậu mùa. Liệu con người có thể đẩy các vị thần, hay nói đúng hơn là quỷ sứ, tới bờ vực của sự diệt vong? Đó chính là mối hoài nghi ẩn chứa trong câu hỏi của Ryuji.

Asakawa không hề nghe câu chuyện của Ryuji. Ở một xó xỉnh trong đầu, gã thắc mắc tại sao y lại nói chuyện ấy vào lúc này. Còn thì gã phải tập trung toàn bộ thần kinh để đừng có nhầm đường và để làm sao có thể tới được phòng khám Nagao một cách nhanh nhất.

Bình luận