Mười giờ tối, Asakawa trở về nhà trong sự tiếp đón của hai hơi thở êm đềm. Vừa qua khỏi hành lang, gã lập tức nhẹ nhàng mở cửa buồng và kiểm tra xem hai mẹ con đã ngủ hay chưa. Dù mệt thế nào, gã cũng không bao giờ bỏ qua hành động đó.
Trên bàn ăn là một mảnh giấy có ghi: “Hôm nay anh Takayama gọi điện đến.” Cả ngày hôm nay Asakawa gọi điện tới cho Ryuji từ toà soạn nhưng y vắng nhà nên không gặp được. Hẳn là y cũng đang đôn đáo đi điều tra. Biết đâu y chẳng tìm ra điều gì đó mới mẻ? Asakawa quay số gọi, nhưng chuông kêu đến mười tiếng trong căn hộ cho thuê ở Hagashi-nakano. Y vẫn chưa về.
Sau khi tắm qua, Asakawa mở một chai bia và gọi điện một lần nữa. Vẫn chưa về. Gã chuyển sang uống whisky không pha đá. Nếu không phó mặc mình cho cơn say, Asakawa chẳng còn cách nào khác để ngủ yên. Người gã cao và mảnh khảnh, nhưng gã chưa bao giờ bị trận ốm nào đáng gọi là ốm. Vậy mà gã lại phải nhận một bản án tử hình theo cái cách này đây… Ở đâu đó trong tâm tưởng, gã vẫn cảm thấy chuyện này chỉ là giấc mơ. Cái hạn chót mang tên mười giờ ngày 18 tháng Mười có thể sẽ đến mà gã chưa kịp tìm ra ý nghĩa của cuốn băng và nội dung của câu thần chú, nhưng biết đâu rồi thì chẳng có chuyện gì xảy ra, cuộc sống thường nhật của gã vẫn tiếp diễn… Với bộ mặt giễu cợt, tổng biên tập Oguri sẽ lên lớp gã vì đã ngu ngốc tin vào chuyện mê tín, còn Ryuji sẽ lại vừa nhăn nhở cười vừa lẩm bẩm: “Cóc thể nào hiểu được sự vận động của thế giới.” Và vợ con gã sẽ lại đón gã về với nét mặt say ngủ hàng ngày. Giống như trong một chiếc phi cơ đang rơi, hành khách nào cũng hy vọng tới cùng rằng sẽ chỉ có mình thoát nạn.
Uống hết ly thứ ba cũng là lần thứ ba Asakawa quay số. Gã sẽ thôi không gọi nữa nếu y vẫn chưa về. Đến tiếng chuông thứ bảy thì gã nghe có tiếng nhấc máy.
– Làm cái chết tiệt gì mà bây giờ mới nghe máy?
Chưa kịp hỏi xem ai đang ở đầu bên kia, Asakawa đã ầm ĩ quát tháo. Nếu đó là Ryuji, bao giờ gã cũng văng tục. Kể ra cũng lạ… Asakawa vốn là kẻ luôn giữ một khoảng cách và không bao giờ tỏ thái độ suồng sã ngay cả với bạn bè, thế mà chỉ riêng với Ryuji gã lại có thể mắng y té tát. Nói vậy, nhưng gã chưa một lần coi Ryuji là bạn thân của mình.
Tuy nhiên, thật bất ngờ vì người nghe máy không phải Ryuji.
– Alô… Xin lỗi anh…
Giọng một người con gái hơi luống cuống vì bị nạt nộ vô cớ.
– Ồ, tôi xin lỗi. Tôi nhầm người.
Asakawa định dập máy.
– Có phải anh muốn gọi cho thầy Takayama?
– À vâng, đúng vậy…
– Thầy vẫn chưa về nhà anh ạ…
Asakawa tự hỏi không biết chủ nhân của giọng nói trẻ trung và hấp dẫn đó là ai. Chắc không phải người nhà vì cô ta gọi Ryuji bằng thầy. Hay là người yêu? Vớ vẩn. Trên đời này làm gì có thứ phụ nữ thích Ryuji, suy nghĩ ấy đã thành định kiến trong đầu gã.
– Vậy à, tên tôi là Asakawa.
– Anh Asakawa phải không ạ. Nếu thầy về tôi sẽ nói lại để thầy gọi điện cho anh.
Giọng cô gái vẫn văng vẳng trong tai gã sau khi đã đặt ống nghe xuống. Một dư âm ngọt ngào dễ chịu.
Vợ chồng gã đã bỏ chiếc giường ra khỏi phòng ngủ có trải thảm hồi đẻ Yoko. Không nên để trẻ sơ sinh ngủ trên giường, vả lại một căn phòng bảy mét rưỡi vuông thì lấy đâu ra chỗ mà đặt giường em bé. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng gã quyết định quẳng chiếc giường đôi đi và thay vào đó là tấm đệm có thể gấp ra gấp vào được. Asakawa chui vào khoảng trống còn lại trên tấm đệm đôi. Chỉ những khi cả ba người cùng đi ngủ, chỗ nằm mới được cố định. Shizu và Yoko rất hay ngọ nguậy, nên thường thì chỉ một giờ sau khi ngủ là cả hai sẽ lăn đi rất xa khỏi vị trí ban đầu. Vì ngủ sau, nên Asakawa lúc nào cũng phải lần tìm chỗ trống để chui vào. Nếu Asakawa không còn nữa, vợ gã sẽ mất bao lâu để lấp đầy chỗ trống ấy? Không phải chuyện đi bước nữa của Shizu. Có những người chẳng bao giờ lấp đầy nổi khoảng trống sinh ra sau khi mất đi người bạn đời của mình. Ba năm… Ba năm phải chăng là một mốc thời gian hợp lý? Asakawa cố tìm cách hình dung ra khuôn mặt rạng ngời của Shizu, nếu một ngày kia cô phải trở về nhà cha mẹ, gửi con cho ông bà để đi làm. Gã muốn cô mạnh mẽ. Gã không thể chịu đựng nổi mỗi lần tưởng tượng ra vợ con mình sẽ rơi vào cảnh địa ngục trần gian sau khi gã chết.
Asakawa quen Shizu năm năm trước, khi ấy cô đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty du lịch thuộc báo M., còn gã vừa mới chuyển về toà soạn chính từ phân xã ở Chiba. Shizu làm ở tầng ba, còn gã ở tầng bảy, thỉnh thoảng lắm hai người mới gặp nhau trong thang máy. Và phải đến một lần, lúc gã tới lấy vé tàu cho một đợt làm phóng sự, gã mới thực sự quen cô vì tình cờ Shizu phải làm thay người phụ trách đang đi vắng. Khi ấy, Shizu mới hai mươi lăm tuổi, cô khoái ngao du hơn mọi thứ trên đời, nên cô đã nhìn Asakawa, một chàng phóng viên nay đây mai đó bằng một ánh mắt vô cùng ngưỡng mộ. Còn gã, gã tìm thấy trong ánh mắt ấy bóng hình một người con gái của mối tình đầu. Sau đó, khi đã biết tên biết mặt, hai người bắt đầu chào nhau mỗi lần bắt gặp trong thang máy và quan hệ của họ nhanh chóng trở nên thắm thiết. Rồi hai năm sau, họ cưới nhau mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía gia đình. Trước ngày cưới nửa năm, gã xin gia đình một ít tiền và mua được một căn hộ nho nhỏ ở Kita-shinagawa. Gã vội vàng mua nhà trước khi cưới không phải vì đoán trước được rằng giá đất sẽ tăng lên. Chỉ đơn giản là vì gã muốn sớm trả hết món tiền vay mua nhà. Có lẽ, nếu bỏ lỡ thời điểm đó, vợ chồng gã đã chẳng bao giờ có nổi một cơ ngơi ở giữa lòng thành phố như thế này. Bởi một năm sau, giá nhà chung cư đã tăng lên gấp ba. Hơn nữa, mua vào thời điểm đó, tiền trả nợ hàng tháng chỉ chưa bằng một nửa tiền thuê nhà. Tuy luôn miệng phàn nàn về sự chật hẹp, nhưng phải thừa nhận rằng, nhờ khối tài sản này mà vợ chồng gã sống khá dư dả. Vẫn còn có cái mà để lại cho mẹ con nó, Asakawa nhẹ nhõm nghĩ. Nếu đập chỗ tiền bảo hiểm nhân thọ vào khoản nợ mua nhà, căn hộ này sẽ là của hai mẹ con.
… Tính ra thì số tiền bảo hiểm nhân thọ mà mình nhận được sau khi chết sẽ là hai mươi triệu yên, nhưng cái này cần xác nhận lại cho chắc chắn.
Trong cái đầu đầy mông lung, Asakawa phân chia số tiền đó ra thành các khoản rồi tự nhủ mình rằng phải mau chóng ghi hết những điều cần nhắc nhở ra giấy cho vợ. Nhưng biết chọn tên gọi nào cho cái chết của gã? Chết bệnh? Tử nạn? Hay bị sát hại?
… Trước tiên mình phải kiểm tra lại các điều khoản bảo hiểm thêm một lần nữa.
Ba ngày nay, mỗi lần sắp chìm vào giấc ngủ Asakawa lại cảm thấy bi quan. Gã khổ não vì những muốn để lại ảnh hưởng của mình lên cái thế giới mà gã sẽ không còn nữa, gã đã nghĩ tới việc để lại một thứ gì đó giống như di chúc.
Chủ nhật, ngày 14 tháng Mười
Chủ nhật, vừa thức giấc Asakawa đã ngay lập tức gọi cho Ryuji. “… Vâng”, Ryuji nhấc máy với một giọng đứt quãng. Có vẻ như cú điện thoại vừa làm y tỉnh giấc. Cơn bực tức từ đêm qua lại trào lên khiến Asakawa nói như quát vào máy.
– Đêm qua cậu đi đâu?
– À, tưởng ai… hoá ra Asakawa?
– Chứ không phải cậu bảo cậu gọi điện cho mình hả.
– Có gì đâu, tớ hơi quá chén. Mấy em sinh viên dạo này uống rượu khoẻ quá, mà chuyện ấycũng khoẻ nữa. Mệt quá, mệt quá.
Bất giác, Asakawa cảm thấy ba hôm vừa rồi tựa như một giấc mơ. Gã thả lỏng người. Gã thấy mình như một thằng ngốc vì đã sống quá nghiêm túc.
– Chờ đấy, mình sẽ đến chỗ cậu ngay bây giờ.
Asakawa gác máy.
Gã xuống Higashi-nakano ở ga JR và đi bộ mất mười phút để đến Kamiochiai. Vừa rảo bước gã vừa ấp ủ một niềm hy vọng nhỏ nhoi: dù hắn có uống rượu cả đêm thì hắn vẫn là Ryuji, rõ là hắn đã nắm được thứ gì đó. Biết đâu hắn chẳng đã giải được câu đố, thế thì hắn mới thản nhiên tửu sắc tới khuya như thế chứ. Càng gần đến căn hộ của Ryuji gã càng hồ hởi, chân gã rảo bước nhanh hơn. Thấp thỏm rồi hy vọng, bi quan rồi lạc quan, sự dao động liên tục của cảm xúc khiến tinh thần Asakawa mệt mỏi.
Có vẻ như đúng là Ryuji vừa mới dậy, y ra mở cửa trong bộ pyjama với khuôn mặt lởm chởm râu. Asakawa chẳng kịp cởi giày tức tốc hỏi: “Tìm thấy gì không?”
– Không, chẳng có gì đặc biệt. Cậu vào đi.
Vừa nói Ryuji vừa gãi đầu sồn sột. Đôi mắt y thẫn thờ vô định, trông qua cũng biết các tế bào não của y vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo.
– Uống cà phê vào cho nó tỉnh hẳn đi ông mãnh.
Cảm thấy như niềm hy vọng bị phản bội, Asakawa khủng khỉnh đặt mạnh cái siêu đun nước lên bếp rồi châm lửa. Đột nhiên, nỗi ám ảnh về thời gian xâm chiếm gã.
Hai người đang ngồi xếp bằng trong căn phòng rộng gần mười mét vuông với một mặt tường chất đầy sách.
– Rồi, cậu nói cho tớ biết những thứ cậu điều tra được đi nào. – Ryuji vừa rung đùi vừa nói. Không được phép lãng phí thời gian. Asakawa cẩn thận sắp xếp những điều mà gã tìm được trong ngày hôm qua và trình bày theo thứ tự thời gian. Trước hết là về cuộn băng video đã được ghi lại từ một chương trình truyền hình tại Villa Log Cabin vào lúc tám giờ ngày 26 tháng Tám.
– Hả?
Ryuji tỏ ra khá bất ngờ. Quả là y cũng đã ngỡ rằng cuộn băng đó được ghi bằng máy quay video.
– Cái đó thú vị đấy. Nhưng mà này, nếu đúng là có trò cướp sóng như cậu nói thì chắc chắn sẽ còn nhiều người khác nữa cũng đã xem phải hình ảnh ấy…
– Việc này mình đã hỏi ban tin tức ở Atami và Mijima rồi. Nhưng không có nguồn tin nào cho thấy khu vực Nam Hakone bị nhiễm dải sóng lạ vào đêm ngày 26 tháng Tám.
– Hiểu rồi, hiểu rồi. – Ryuji khoanh tay nghĩ ngợi. – Có hai khả năng. Khả năng thứ nhất, có lẽ tất cả những người không may xem phải đều đã chết… Hượm đã, lúc phát trên truyền hình, hẳn là câu thần chú chưa bị xoá mất, mà không, hãy tính tới giả thiết các báo địa phương không chộp được vụ này…
– Đã kiểm tra khả năng đó rồi. Cậu định nói tới những nạn nhân khác ngoài bốn đứa trẻ chứ gì. Không có. Con số không cậu hiểu chưa, con số không. Nếu xảy ra sự cố nhiễm sóng thì chắc chắn phải có rất nhiều người xem được, vậy mà không thấy xuất hiện thêm một nạn nhân nào, những lời đồn đại khác thường cũng không nốt.
– Này, thế cậu còn nhớ hồi căn bệnh AIDS mới xuất hiện trong xã hội văn minh không? Ban đầu, các tay bác sỹ ở Mỹ có biết chuyện quái gì đang xảy ra đâu. Nhìn những bệnh nhân chết vì các triệu chứng chưa từng gặp bao giờ, bọn họ chỉ linh cảm thấy một căn bệnh lạ, thế thôi. Mãi hai năm sau khi nó xuất hiện, người ta mới gọi nó là AIDS đấy… Không phải là không có những chuyện như vậy.
Xuôi xuống tỉnh lộ Atami-Kannami ven sườn núi phía tây rặng Tana, chỉ có vài ngôi nhà dân thưa thớt nằm rải rác. Từ đó nhìn lên phía Nam là cao nguyên và khu nghỉ dưỡng Pacific Land Nam Hakone, một thế giới mà bóng dáng của hiện thực thật mờ nhạt. Hay là có một cái gì đó vô hình đang tiến triển? Biết đâu đấy, mặc dù trên thực tế có vô số những ca đột tử không rõ nguyên nhân đã xảy ra mà người ta chưa nhận thấy. Không chỉ có AIDS. Bệnh sốt Kawasaki lần đầu tiên phát hiện ở Nhật Bản cũng phải mất hơn mười năm trời để được coi là một căn bệnh mới. Mới một tháng rưỡi trôi qua kể từ khi dải sóng lạ lọt vào sóng truyền hình và vô tình bị ghi lại trong cuộn băng video đó. Vì thế, vẫn chưa đến mức để người ta nhận ra đó là một hội chứng. Nếu như Asakawa không phát hiện ra những yếu tố chung trong cái chết của bốn đứa trẻ, trong đó có cô cháu gái của vợ gã, thì hẳn căn bệnhnày vẫn ngủ im dưới lòng đất. Gã thấy sợ hơn khi nghĩ vậy. Thông thường, chỉ sau khi có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nạn nhân được ghi nhận, người ta mới cho nó cái vị trí của một căn bệnh.
– Mình không đủ thời gian để kiểm tra từng ngôi nhà một ở khu vực ấy. À này, Ryuji, khả năng còn lại là gì?
– Còn một khả năng nữa. Đó là không có bất kỳ ai, ngoài bốn đứa trẻ, cậu và tớ, xem được những hình ảnh ấy. Này, liệu cái thằng ranh học tiểu học đã ghi hình cuộn băng đó có biết là tần số sóng sẽ thay đổi theo từng khu vực không nhỉ? Chẳng hạn như kênh bốn ở Tokyo sẽ được phát trên các kênh hoàn toàn khác nhau tuỳ theo mỗi địa phương. Một thằng nhãi dốt đặc thì không biết được điều này nên có khi nó đã chỉnh theo kênh của Tokyo để ghi hình cũng nên.
– Ý cậu là sao?
– Động não đi nào. Thế những người sống ở Tokyo như chúng ta có bao giờ xem kênh hai không?
Đúng vậy, rất có thể cậu bé ấy đã chỉnh sang kênh, mà nếu là người ở đó thì không bao giờ làm thế, để ghi hình. Và cậu ta không thể kiểm tra được hình ảnh đang ghi là gì, vì chương trình mà họ đang xem là một chương trình khác. Hơn nữa, khu vực đó là vùng núi, dân cư thưa thớt nên số người xem ti vi chắc chắn rất ít.
– Tóm lại, vấn đề là trạm phát sóng đó nằm ở đâu. – Ryuji nói dứt khoát.
Trạm phát sóng, vấn đề này chẳng dễ giải quyết nếu không tiến hành một cuộc điều tra có tổ chức và khoa học.
– Chờ chút đã nào. Đã chắc gì giả định này là đúng. Việc thằng bé ghi nhầm phải dải sóng lạ chẳng qua chỉ là một suy luận thôi mà.
– Tớ biết. Nhưng thưa ông bạn, nếu ông bạn chờ đến khi nắm được những bằng chứng chắc ăn một trăm phần trăm mới tiến hành thì chỉ có nước tắc tị. Chả còn cách nào khác đâu.
Sóng vô tuyến. Kiến thức khoa học của Asakawa rất nghèo nàn. Gã sẽ phải bắt đầu từ một khái niệm vô cùng đơn giản: sóng vô tuyến là gì? Gã chẳng còn nước nào khác là phải tìm ra nó, cái trạm phát sóng ấy. Gã buộc phải tới chỗ đó một lần nữa. Nếu không tính hôm nay, thời hạn của gã còn lại bốn ngày.
Vấn đề tiếp theo là kẻ nào đã xoá mất câu thần chú. Nếu giả định rằng cuộn băng được ghi tại chỗ thì kẻ xoá mất dòng chữ đó chỉ có thể là bọn trẻ. Asakawa đã hỏi đài truyền hình về ngày phát sóng chương trình night-show trực tiếp có danh hài trẻ Shinraku Sanyutei trong vai khách mời. Gã không nhầm. Câu trả lời là ngày 29 tháng Tám. Gã không hề nhầm khi cho rằng bốn đứa trẻ đã xoá mất câu thần chú.
Asakawa lấy ra mấy tờ giấy photo từ trong cặp. Đó là bản sao các bức tranh của ngọn núi Mihara trên đảo Izu Oshima.
– Cậu thấy thế nào ? – Gã đưa cho Ryuji xem và hỏi ý kiến y.
– Núi Mihara à? Thế thì đích xác là nó rồi.
– Sao cậu dám khẳng định?
– Chiều qua tớ có hỏi một tay nghiên cứu văn hoá dân gian trong trường tớ về phương ngữ của cái mụ già ấy. Hắn bảo rằng hiện tại nó không còn được sử dụng nhiều, nhưng có vẻ như là phương ngữ ở đảo Izu Oshima. Hắn nói ngữ điệu đó có nhiều yếu tố phương ngữ Sashikichi, một vùng nằm ở cực nam đảo Oshima. Vì là tay thận trọng nên hắn không kết luận dứt khoát, nhưng với bức ảnh này thì có thể khẳng định rằng phương ngữ là của đảo Oshima và ngọn núi là Mihara. À mà cậu đã điều tra được gì về thời điểm hoạt động của núi lửa Mihara chưa?
– Tất nhiên. Sau Thế chiến… Và mình nghĩ rằng chỉ cần thu gọn đối tượng vào khoảng thời gian sau thế chiến là được.
Hiển nhiên là thế nếu xét tới sự phát triển của công nghệ quay phim được sử dụng trong băng.
– Cậu tính phải.
– Nghe đây, sau Thế chiến, núi lửa Mihara đã phun trào cả thảy bốn lần. Lần thứ nhất từ năm 1950 đến 1951. Lần thứ hai vào năm 1957, lần thứ ba vào năm 1974. Còn lần thứ tư, khá mới, mùa thu năm 1986. Trong lần phun trào năm 1957, nó sinh ra thêm một miệng núi mới, khiến một người thiệt mạng, năm mươi ba người bị thương nặng.
– Nếu tính tới sự phổ cập của máy quay video thì năm 1986 là đáng ngờ nhất, tuy chưa thể kết luận được điều gì.
Nói đến đó, như bất chợt nhớ ra điều gì, Ryuji bèn lục tay vào trong túi và lấy ra mẩu giấy.
– À, đây là ý nghĩa câu nói của bà già ấy. Tay đó đã tử tế chuyển phương ngữ sang tiếng phổ thông cho tớ đấy.