Bằng chất giọng âm vang như của một anh kép, cậu diễn viên học nghề gọi đạo diễn Uchimura, người đang ngồi sát mép tường theo dõi các cử động của diễn viên. Uchimura giật mình quay lại, khi biết có nhà báo đến tìm ông ta ra mặt niềm nở và tiến lại gần Yoshino. Đoàn kịch nào cũng vậy, luôn luôn tiếp đãi báo giới một cách tử tế. Vì chỉ cần một bài viết nhỏ được đăng trên mục văn nghệ là đủ khiến doanh số bán vé tăng mạnh. Chắc tay phóng viên này tới để đưa tin về quang cảnh tập luyện cho vở diễn một tuần nữa đây mà, Uchimura nghĩ. Ông ta tỏ ra dễ mến là bởi muốn tận dụng cơ hội này, khi đoàn kịch của Uchimura chưa bao giờ có được một diện tích kha khá trên báo M. Nhưng ngay khi biết lý do Yoshino tới đây, Uchimura lập tức mất hứng và tỏ vẻ đang rất bận. Thế rồi, ông ta đưa mắt nhìn khắp phòng tập và dừng lại chỗ một nam diễn viên nhỏ thó đã hơn năm mươi tuổi đang ngồi trên ghế. “Shin, lại đây cưng!”, Uchimura gọi người đàn ông tới bằng thứ giọng có âm vực hơi cao. Cái gọi trìu mến dành cho một người đàn ông đã quá năm mươi, mà không, là chính cái giọng đàn bà và đôi cẳng chân dài ngoẵng ẻo lả và thiếu cân đối của Uchimura khiến một tay cơ bắp như Yoshino thấy gai người. Bọn họ thuộc một loài khác với mình, anh ta nghĩ.
– Từ giờ đến cảnh hai không có vai nào của cưng nên cưng ra tiếp hộ mình anh bạn này nhé. Anh ta muốn biết về Yamamura Sadako. Cưng vẫn nhớ cái con bé ghê răng ấy đúng không?
Yoshino đã từng nghe thấy giọng của người đàn ông tên Shin này trong những bộ phim nước ngoài được lồng tiếng trên ti vi. Arima Shin nổi tiếng trong những vai lồng tiếng hơn là trên sân khấu. Ông ta cũng là một thành viên đã sáng lập ra đoàn kịch.
– Yamamura Sadako?
Arima đưa tay lên cái trán đã hói gần một nửa và lần lại phần ký ức của hai lăm năm về trước.
Giọng Arima hơi có vẻ thất thanh. Xem cái cách nói ấy, Yoshino đoán chắc đó là một phụ nữ có ấn tượng khá sâu sắc đối với ông ta.
– Cưng nhớ ra rồi hả? Thế thì cưng dẫn anh bạn này lên phòng mình trên tầng hai nhé, mình phải tiếp tục tập đây.
Uchimura khẽ cúi chào rồi rảo bước về phía tốp diễn viên. Trên quãng đường về đến chỗ ngồi ban nãy, hẳn là ông ta đã lấy lại bộ mặt của một đạo diễn quyền uy.
Mở cánh cửa có dòng chữ “Phòng giám đốc”, Arima chỉ bộ sofa bọc da mời Yoshino ngồi. Có phòng giám đốc nghĩa là có giám đốc, mà có giám đốc thì đoàn kịch phải là một công ty. Yoshino đồ rằng ông đạo diễn vừa rồi chính là giám đốc.
– Anh vất vả quá, trời thì đang mưa bão thế này.
Mồ hôi ánh lên trên khuôn mặt đỏ bừng vì tập luyện của Arima, sâu trong đôi mắt ấy, Yoshino bắt gặp một nụ cười khá dễ mến. Trong khi ông đạo diễn ban nãy thuộc kiểu thích dò xét bụng dạ đối phương thì Arima lại có vẻ như sẽ trả lời mọi câu hỏi mà không hề giấu diếm. Công việc lấy tin nhẹ nhàng hay cực nhọc tùy thuộc vào tính cách của người tiếp chuyện.
– Xin lỗi vì phiền ông trong lúc bận rộn thế này.
Yoshino bắt đầu một động tác quen thuộc là rút ra cuốn sổ và cầm cây bút trên tay trong khi ngồi xuống.
– Tôi không nghĩ là còn được nghe nhắc đến cái tên Yamamura Sadako vào lúc này nữa. Chuyện cách đây đã khá lâu rồi còn gì.
Arima đang hồi tưởng lại thời thanh xuân của mình. Ông nuối tiếc cái sức trẻ vào cái thời mà ông chạy khỏi một gánh hát thương mại để cùng đám bạn lập ra một đoàn kịch mới.
– Ban nãy, ông có nhắc tới tên cô gái ấy với một ấn tượng khá đậm, tại sao vậy?
– Để tôi nhớ lại xem, cô gái đó tham gia đoàn kịch khi nào… Có lẽ là sau khi đoàn kịch ra đời được mấy năm. Hồi ấy đoàn kịch đang làm ăn phát đạt nên số người xin vào năm nào cũng tăng lên. Mà thôi đấy là chuyện khác, còn Yamamura Sadako ấy à, cô ta kỳ lạ lắm.
– Kỳ lạ nghĩa là sao?
– Nói thế nào nhỉ. – Arima chống tay lên cằm nghĩ ngợi. Nhắc ra mới nhớ, tại sao mình lại có ấn tượng với cô gái đó?
– Cô ta có đặc điểm nào nổi bật không?
– Không, bề ngoài trông rất bình thường, tuy có hơi cao. Cô ta thuần tính và… luôn tách mình ra khỏi tập thể.
– Tách mình?
– Phải, anh cũng biết là các diễn viên học nghề thường chơi thân với nhau, nhưng riêng cô ta thì chẳng bao giờ có ý định nhập hội với họ.
Ở cộng đồng nào cũng có những kiểu người như vậy nên khó mà coi rằng đấy là điểm làm Yamamura Sadako khác người.
– Nếu nói gọn trong một câu thì ấn tượng của ông về cô ta như thế nào?
– Nói gọn trong một câu ấy à? Xem nào, cô ta có cái gì đó… hơi đáng sợ.
Arima không ngần ngại khi dùng hai chữ đáng sợ. Mà hình như Uchimura cũng gọi cô ta làcon bé ghê răng ấy. Yoshino không khỏi thông cảm với một cô gái mới mười tám tuổi mà lại bị đánh giá là ghê răng. Yoshino chợt liên tưởng tới một người con gái có tư dung xấu xí.
– Theo ông thì tại sao cô ta lại có cái vẻ đáng sợ ấy?
Suy nghĩ một chút sẽ thấy rất lạ. Tại sao hình ảnh về một diễn viên thực tập chỉ tham gia đoàn kịch vỏn vẹn có một năm trời và cách đây những hai mươi lăm năm về trước lại gây cho Arima một ấn tượng rõ nét đến vậy? Chắc chắn phải có điều gì đó khiến Arima không thể quên. Đó là một câu chuyện đã làm cái tên Yamamura Sadako ăn sâu vào ký ức của ông.
– À, tôi nhớ ra rồi. Chuyện xảy ra chính tại căn phòng này.
Arima vừa nhìn khắp lượt căn phòng. Ngay khi nhớ ra sự kiện ấy, cả căn phòng, thậm chí cả vị trí của những đồ nội thất ở đây khi nó còn được dùng làm văn phòng đoàn kịch, lại hiện về sống động trong ông.
– Anh biết đấy, nơi tập luyện của chúng tôi vẫn ở đây suốt từ hồi đoàn kịch được thành lập cho đến giờ, tuy nhiên lúc bấy giờ nó chật chội hơn nhiều. Hồi đó, căn phòng mà chúng ta đang ngồi đây vốn được dùng làm văn phòng của đoàn kịch. Ở đằng kia có một cái tủ đựng đồ cho nhân viên, còn chỗ này là một tấm vách ngăn bằng kính mờ…, và còn có một chiếc ti vi được đặt ở đúng vị trí của chiếc ti vi bây giờ.
Arima vừa nói vừa chỉ tay về phía đó.
– Ti vi? – Yoshino thoáng nheo mắt rồi đổi lại tư thế cầm bút.
– Phải rồi, một chiếc đen trắng đời cũ.
– Thế rồi sau đó? – Yoshino giục.
– Hôm ấy, khi buổi tập kết thúc và các thành viên khác đã ra về cả thì tôi trở vào căn phòng này định bụng đọc lại lời thoại của mình một lượt nữa vì còn chưa ưng ý. Lúc tôi đi đến đấy… – Arima chỉ về phía cửa – và ngó vào trong phòng thì thấy màn hình ti vi đang lấp loáng sau tấm kính mờ. Tôi cứ ngỡ là có ai đó đang xem ti vi. Anh đừng cho tôi là nhìn nhầm. Tôi không được trực tiếp thấy những gì đang diễn ra trên màn hình vì vướng bức vách ngăn bằng kính nhưng rõ ràng là có những hình đen trắng lòe nhòe đang nhảy nhót. Không có âm thanh nào hết… Căn phòng không tỏ mặt người, tôi vòng qua tấm kính để xem ai đang ngồi trước máy. Hoá ra là Yamamura Sadako. Nhưng khi tôi vòng qua tấm kính và đứng bên cạnh cô ta thì màn hình đã tắt. Tất nhiên, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng cô ta đã nhanh tay bấm nút. Ngay lúc đấy, tôi không hề nghi ngờ gì cả. Thế nhưng…
Arima ngập ngừng khi định nói ra điều sau đó.
– Ông cứ tiếp đi.
– Tôi vừa bảo với Yamamura Sadako rằng nếu cô ta không về sớm thì sẽ không còn tàu nữa đâu vừa bật công-tắc chiếc đèn bàn, nhưng mà nó không sáng. Xem xét kỹ thì hoá ra chưa cắm phích. Tôi quỳ xuống định cắm nó vào ổ điện. Đến lúc ấy tôi mới để ý thấy phích cắm của chiếc ti vi cũng đã không còn trong ổ điện…
Arima vẫn nhớ như in cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi nhìn thấy đầu cắm của chiếc dây điện dẫn từ ti vi đang nằm lăn lóc trên nền nhà.
– Nghĩa là chiếc ti vi vẫn bật trong khi nguồn bị tắt? – Yoshino xác nhận lại.
– Đúng thế. Tôi lạnh hết cả người. Bất giác tôi ngẩng lên nhìn Yamamura Sadako. Tôi tự hỏi không biết con bé đang làm gì với chiếc ti vi không có điện? Cô ta không nhìn lại tôi, chỉ dán mắt vào trước màn hình ti vi, nhưng tôi thấy có một nụ cười rất khó nhận biết nở ra trên khóe miệng ấy.
Hẳn là ấn tượng phải sâu đậm lắm thì Arima mới nhớ tới từng chi tiết như vậy.
– Thế rồi ông có kể với ai về chuyện này không?
– Tất nhiên rồi. Tôi kể cho Uchimura, cái ông đạo diễn mà anh vừa gặp ban nãy, và cả Shigemori nữa…
– Shigemori là ai?
– Là người sáng lập thực sự của đoàn kịch này. Uchimura là đại diện thứ hai sau ông ấy.
– Tôi hiểu. Thế sau khi nghe câu chuyện của ông, Shigemori đã phản ứng như thế nào?
– Lúc đó Shigemori đang đánh mạt chược nhưng ông ấy tỏ ra rất hào hứng. Bởi ông ấy vốn là một tay hám gái… Hình như ông ấy đã nhắm nhe từ trước rồi. Ông ấy bảo sẽ có lúc ông ấy chiếm đoạt Yamamura Sadako. Thế rồi đêm đó, một phần cũng tại hơi men, Shigemori khoe rằng sẽ đột kích vào căn hộ của Sadako, rồi nói năng lung tung làm chúng tôi đến khổ. Chúng tôi không thích hùa theo những lời bỡn cợt của một người say. Thế rồi chúng tôi bỏ ông ấy lại một mình và tất cả ra về. Rốt cuộc mọi việc kết thúc ở đó và chúng tôi không hề biết Shigemori có tới chỗ Yamamura Sadako thật hay không? Bởi vì, ngày hôm sau tuy Shigemori có mặt tại phòng tập nhưng ông ấy câm lặng như một người hoàn toàn khác, mặt bủng beo và ngồi bất động trên ghế, ông ta chết như đang ngủ.
Yoshino giật mình ngẩng mặt lên.
– Thế nguyên nhân cái chết là gì?
– Đứng tim, bây giờ người ta gọi đó là suy tim cấp. Tôi nghĩ rằng ông ấy chết vì đã làm việc quá sức để chuẩn bị cho buổi công diễn trong giai đoạn nước rút.
– Rốt cuộc, không một ai biết đã có chuyện gì xảy ra giữa Yamamura Sadako và Shigemori?
Arima gật đầu để khẳng định cho câu hỏi của Yoshino. Vậy là đã rõ, với một nguyên nhân như thế, Yoshino có thể hiểu được tại sao ấn tượng về Yamamura Sadako lại hằn sâu đến vậy trong ký ức Arima.
– Sau sự việc đó, cô ta thế nào?
– Cô ta bỏ đoàn kịch. Tôi nghĩ là cô ta đã làm việc ở chỗ chúng tôi trong khoảng một hay hai năm gì đó.
– Cô ta làm gì sau khi bỏ đoàn kịch?
– Chà, cái đó thì tôi không biết.
– Bình thường thì người ta sẽ làm gì sau khi bỏ đoàn kịch?
– Người nào còn ham nghề thì lại vào một đoàn kịch khác.
– Liệu Yamamura Sadako thì thế nào nhỉ?
– Cô ta khá thông minh mà diễn xuất cũng không tồi. Tuy nhiên cô ta lại hơi khiếm khuyết về mặt tính cách. Anh biết đấy, trong cái giới này người ta phải sống dựa vào những mối quan hệ. Với tính cách ấy của cô ta thì e rằng không hợp.
– Nghĩa là rất có thể cô ấy đã đoạn tuyệt với nghề?
– Cũng khó nói lắm.
– Ông có biết người nào nắm được tin tức của cô ta thời gian sau đó không?
– Để tôi xem, những diễn viên học nghề đồng lứa với cô ta có thể biết.
– Ông có biết tên và địa chỉ của họ không?
– Xin anh chờ một lát.
Arima đứng dậy và đi về phía giá sách. Sau đó ông lấy ra một tập hồ sơ trong đám tài liệu ken dày trên giá. Trong đó có cất giữ những tờ khai lý lịch phải nộp vào kỳ sát hạch.
– Có tám người. Năm 1956 có tất cả tám diễn viên học nghề xin vào đoàn kịch, bao gồm cả Sadako.
Arima ve vẩy tập lý lịch trên tay.
– Tôi xin phép xem qua một chút được không?
– Anh cứ tự nhiên.
Trang lý lịch có dán hai ảnh. Một ảnh chân dung và một ảnh toàn thân. Yoshino cố nén cơn tò mò rút tờ lý lịch của Yamamura Sadako ra. Thế rồi bức ảnh đó như hút lấy hồn anh ta.
– Lúc nãy ông có nói rằng Yamamura Sadako là một cô gái đáng sợ?
Yoshino bối rối. Vì khuôn mặt Yamamura Sadako mà Yoshino hình dung ra trong câu chuyện của Arima khác xa so với khuôn mặt trong bức ảnh mà anh ta đang thấy.
– Đáng sợ? Tại sao chứ? Tôi chưa từng thấy khuôn mặt nào đẹp như thế này.
Bất giác Yoshino tự hỏi tại sao mình không dùng cách nói người phụ nữ đẹp mà lại nói khuôn mặt đẹp? Quả là một khuôn mặt gọn gàng đến hoàn hảo, nhưng lại thiếu vắng vẻ tròn trịa của một người con gái. Tuy vậy, trông cô ta thực sự nữ tính trong bức ảnh toàn thân vì đường bờ eo và đôi cổ chân thon thả. Mặc dù đẹp đến thế, nhưng với sự bào mòn của cái dòng chảy thời gian trải dài hai mươi lăm năm ấy, ấn tượng còn sót lại chỉ là một con bé ghê răng và đáng sợ. Bình thường, hẳn người ta sẽ nói: đó là một cô gái xinh đẹp tuyệt vời. Nhưng sự thật về một con người đáng sợ đã tác động mạnh vào tâm trí Yoshino, khiến anh ta chẳng còn dám để ý tới vẻ đẹp nổi bật của Sadako nữa.