Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bài Ca Mừng Giáng Sinh

Hồn Ma Cuối Cùng

Tác giả: Charles Dickens

Con ma chậm rãi, trịnh trọng và lặng lẽ tiến tới. Lúc nó đến gần, Scrooge uốn cong người trên đầu gối, vì trong không khí Hồn ma chuyển động dường như tan tác sự u sầu và bí ẩn.

Con ma quấn trong lớp vải liệm đen sì, che kín đầu, mặt, thân hình, chẳng nhìn thấy gì ngoài một bàn tay duỗi ra. Có điều, rất khó tách thân hình nó khỏi màn đêm và tách nó ra khỏi sự tối tăm bao quanh nó.

Scrooge cảm thấy nó cao và oai vệ khi nó đến cạnh ông, và sự có mặt bí ẩn của nó khiến ông tràn ngập kinh hãi. Ông không biết gì hơn, vì Hồn ma không nói cũng không động đậy.

– Tôi đang đứng trước mặt Hồn ma Giáng sinh chưa tới sao? – Scrooge hỏi.

Con ma không trả lời, nhưng đưa tay chỉ về phía trước.

– Ông sẽ cho thấy những tiên đoán các sự việc chưa xảy ra nhưng sẽ xảy ra trong thời gian trước mắt chúng ta ư? – Scrooge dai dẳng. – Phải vậy không, Hồn ma?

Phần trên tấm vải liệm ngay lập tức dúm lại thành nhiều nếp nhăn, dường như Hồn ma nghiêng đầu. Đấy là câu trả lời duy nhất Scrooge nhận được.

Mặc dù đã quen bầu bạn với ma quỷ nhưng lần này, Scrooge khiếp sợ hình dáng im lìm này đến mức chân ông run bắn và ông thấy khó mà chịu nổi lúc sắp đi theo nó. Hồn ma dừng lại giây lát, quan sát tình trạng của ông và để một lúc cho ông hồi phục.

Nhưng Scrooge mỗi lúc một tệ hơn. Con ma gây cho ông nỗi kinh hoàng mơ hồ vì ông biết rằng đằng sau tấm vải liệm sẫm màu có cặp mắt ma nhìn xoáy vào ông, trong lúc dù cố gắng hết mức nhưng ông vẫn không thể nhìn thấy gì ngoài một bàn tay ma và một đống đen sì.

– Này Hồn ma của Tương lai! – ông nói. – Tôi sợ ông hơn bất cứ hồn ma nào đã gặp. Nhưng tôi hiểu ông muốn làm điều tốt cho tôi, và tôi hy vọng sẽ sống như một người khác tôi hiện nay, tôi sẵn sàng kết bạn với ông và làm việc đó rất chân thành. Sao ông không trò chuyện với tôi?

Nó vẫn không trả lời ông. Bàn tay chỉ thẳng về phía trước họ.

– Dẫn đường đi! – Scrooge nói. – Dẫn đường đi! Đêm tối mù mịt, mà thời gian với tôi quý giá vô ngần. Hãy dẫn đường đi, Hồn ma!

Con ma nhúc nhích lúc tiến đến ông. Scrooge đi theo trong bóng quần áo của nó, cứ đi, đừng sợ, ông nhủ lòng.

Hình như họ vừa vào thành phố, đúng hơn là thành phố nhảy phắt đến chỗ họ và vây quanh họ. Nhưng dù sao họ cũng đang ở trung tâm thành phố, giữa các thương nhân tất tả ngược xuôi, tiền nong loảng xoảng trong túi, trò chuyện thành từng nhóm, xem đồng hồ, trầm ngâm đùa giỡn các con dấu bằng vàng của họ, vân vân, đúng như Scrooge vẫn thường nhìn thấy.

Hồn ma dừng lại cạnh một nhóm nhỏ các thương nhân. Nhận thấy bàn tay nó chỉ vào họ, Scrooge tiến tới lắng nghe câu chuyện.

– Không, – một người đàn ông to béo có cái cằm quái dị nói, – tôi không biết nhiều về chuyện đó. Tôi chỉ biết ông ta đã chết.

– Ông ta chết bao giờ? – Người khác hỏi.

– Đêm qua, tôi tin thế.

– Có chuyện gì xảy ra với ông ta thế? – Người thứ ba hỏi, vốc một dúm thuốc lá bột trong hộp thuốc lá to. – Tôi cứ tưởng ông ta sẽ không bao giờ chết.

– Có Trời mới biết được, – người đầu tiên vừa nói vừa ngáp.

– Ông ta đã làm gì với khoản tiền nong của mình nhỉ? – Một quý ông mặt đỏ, đầu mũi có một cục lồi lắc qua lắc lại, giống như cái yếm ở con gà tây.

– Tôi chưa nghe tin, – người có cái cằm lớn lại ngáp lần nữa. – Có lẽ để lại cho công ty của mình. Ông ta không để lại cho tôi. Tôi chỉ biết có thế.

Câu đùa khiến tất cả đều cười.

– Nó y như một đám tang rất rẻ tiền, – người ấy nói tiếp, – suốt đời, tôi chưa thấy có ai làm như thế. Hay chúng ta tự nguyện làm một bữa tiệc?

– Tôi không định đến nếu bữa trưa đã chuẩn bị sẵn, – người có cục lồi ở đầu mũi nói. – Nhưng tôi phải ăn nếu tôi là người sửa soạn.

Lại một tràng cười nữa.

– Vả lại, tôi là người không vụ lợi nhất trong số các ông, – người đầu tiên nói, – vì tôi chưa bao giờ đi găng tay đen và chưa bao giờ ăn trưa. Nhưng tôi sẵn sàng đến nếu mọi người cùng đi. Nghĩ đến điều này, tôi không dám chắc tôi là người bạn đặc biệt nhất của ông ta, vì chúng tôi thường dừng lại và nói chuyện mỗi khi gặp nhau. Tạm biệt!

Họ rảo bước, hòa lẫn với các nhóm khác. Scrooge biết những người này và nhìn Hồn ma, đợi giải thích.

Con ma lướt vào một đường phố. Ngón tay của nó chỉ vào cuộc gặp tay đôi. Scrooge lại lắng nghe, tưởng lời giải thích có thể là đây.

Ông cũng biết rõ những người này. Họ đều là thương nhân: rất giàu có và rất quan trọng. Ông luôn kính trọng họ về mặt làm ăn, hoàn toàn trên quan điểm kinh doanh.

– Ông khỏe không? – Một người nói.

– Ông khỏe chứ? – Người kia đáp lại.

– Khỏe! – người thứ nhất nói, – cuối cùng thì lão Scratch cũng ngoẻo, nhỉ?

– Tôi nghe nói thế, – người thứ hai đáp. – Lạnh quá nhỉ?

– Tiết Giáng sinh mà. Ông không phải là dân trượt băng đấy chứ?

– Không, không. Nghĩ ngợi làm gì. Xin chào!

Không một lời nào nữa. Đó là cuộc gặp của họ, cuộc nói chuyện của họ và cuộc chia tay của họ.

Lúc đầu Scrooge ngạc nhiên thấy Hồn ma gắn ý nghĩa vào câu chuyện tầm thường như vậy, nhưng ông có cảm giác họ phải có một ý định nào đó được che giấu, ông quyết xem xét lại. Có khi họ đang nói đến cái chết của Jacob, người hùn vốn già của ông, vì đó là thời quá khứ, còn con ma này là tương lai của thành phố. Ông cũng không nghĩ đến bất cứ người nào liên quan trực tiếp đến mình để gắn vào họ. Nhưng có một cái gì đó ngờ vực, dù họ nói đến bất cứ người nào, họ phải có ý ngầm để ông tận dụng cho mình, ông quyết giữ từng lời nghe được và mọi thứ nhìn thấy, nhất là quan sát cái bóng của chính mình khi nó xuất hiện. Ông mong muốn kiểm soát được tương lai của mình sẽ cho ông manh mối đã bỏ lỡ, và sẽ tìm ra giải pháp cho những điều khó hiểu này.

Ông nhìn quanh, tìm đúng nơi có hình ảnh mình, nhưng có một người đàn ông khác đứng ở cái góc quen thuộc, dù đồng hồ chỉ đúng thời gian hàng ngày ông ở đấy, ông chẳng thấy có gì giống mình trong vô số người tràn qua cổng vòm. Tuy nhiên, ông hơi ngạc nhiên, vì ông đã suy đi xét lại trong trí sự thay đổi trong đời, vừa suy nghĩ vừa hy vọng tìm ra những giải pháp mới nảy sinh.

Lặng lẽ và đen sì, con ma đứng cạnh ông, bàn tay duỗi ra. Lúc tỉnh khỏi sự trầm ngâm, nhìn theo hướng bàn tay, ông mong muốn vị trí của nó cho ông biết rằng Cặp mắt Vô hình đang nhìn ông sắc sảo. Nó khiến ông rùng mình và cảm thấy ớn lạnh.

Họ rời khung cảnh náo nhiệt và đi vào phần tối tăm của thành phố, nơi trước kia Scrooge chưa đến bao giờ, dù ông ta nhận ra nó vốn mang tiếng xấu. Những con đường hôi hám và hẹp; cửa hàng và nhà ở tiều tụy, dân cư nửa trần truồng, say xỉn, bệ rạc và đáng sợ. Những ngõ hẻm và cổng tò vò giống như những hầm chứa phân, phun vào họ đủ thứ mùi và đồ dơ bẩn, sinh hoạt ngay trên các đường phố lộn xộn. Cả khu này nồng nặc mùi tội ác, bẩn thỉu và khốn khổ.

Sâu trong hang ổ của một nhà nghỉ khét tiếng đồi bại này là một cửa hàng tối tăm, nhô ra dưới mái của một nhà kho, là nơi bán các đồ dùng bằng sắt, quần áo cũ, chai lọ, xương xẩu và cá trơn. Trên sàn bên trong chất nhiều đống chìa khóa, đinh, dây xích, bản lề, cân, quả cân gỉ sét và đủ thứ đồ sắt thép thải loại. Những bí ẩn bị rất ít người thích săm soi nảy nở và che giấu trong hàng núi rác khó coi, những đống dầu mỡ và xương xẩu thối. Ngồi giữa đống đồ sắt, cạnh một lò than xây bằng gạch cũ là một kẻ bất lương gần bảy chục tuổi, tóc hoa râm, che chắn khí lạnh bằng mớ quần áo tả tơi vắt trên dây, hút tẩu giữa mọi thứ đắt giá trong cảnh ăn không ngồi rồi vô liêm sỉ.

Scrooge và con ma tiến tới trước mặt người này, đúng lúc một người đàn bà xách một bọc nặng lượn vào cửa hàng. Nhưng bà ta vừa vào thì một bà khác cũng vào, tay xách nách mang tương tự, một người đàn ông mặc đồ đen bạc phếch đi sát theo sau, ông ta thảng thốt khi nhìn thấy họ, và họ nhận ra nhau. Sau một lát ngạc nhiên ngắn ngủi, ông già hít tẩu đến nhập bọn và cả ba phá lên cười.

– Để mụ giúp việc trước! – người đàn bà vào trước kêu to. – Để mụ thợ giặt thứ hai; để lão nhà tang lễ thứ ba. Nhìn này lão Joe, đây là một cơ hội! Nếu cả ba chúng tôi không gặp nhau ở đây thì chẳng có ý nghĩa gì!

– Các người không thể gặp gỡ ở nơi khá hơn, – lão Joe nói và rút tẩu khỏi miệng. – Hãy vào trong phòng khách. Mụ được tự do sử dụng nó từ lâu; còn hai người kia cũng chẳng phải người lạ. Hãy ở lại cho đến lúc ta đóng cửa hàng. Ái chà chà! Cuỗm được cũng khớ đấy nhỉ! Tao tin là chỗ này chẳng có mẩu sắt nào làm bản lề được; và chắc là chẳng có bộ xương già lão nào ở đây là của tao. Ha ha ha! Cả bọn chúng ta đều hợp nghề, đúng nghiệp. Hãy vào phòng khách đi. Vào phòng khách.

Phòng khách là khoảng không gian đằng sau tấm bình phong quần áo rách. Lão già cời lửa bằng cái chặn thảm cũ, dùng thân tẩu cắt hoa ngọn đèn đầy khói, rồi lại đút tẩu vào miệng.

Trong lúc lão làm thế, người đàn bà vừa nói quăng cái bọc lên sàn và ngồi xuống ghế đẩu vẻ khoe khoang, vắt khuỷu tay lên đầu gối, nhìn hai người kia vẻ thách thức trơ tráo.

– Sao vậy? Có chuyện gì kỳ vậy, bà Dilber? – Người đàn bà nói. – Ai cũng có quyền lo cho mình. Ông ta bao giờ cũng làm thế!

– Đúng vậy! – Mụ thợ giặt nói. – Chẳng ai hơn được.

– Vậy thì đừng có nhìn trừng trừng như đang sợ thế kia, mụ! Ai khôn ngoan hơn nào? Chúng ta đừng có chọc ngoáy vào việc của nhau, được không?

– Không, thật mà! – Bà Dilber và người đàn ông đồng thanh. – Chúng tôi hy vọng là không.

– Hay lắm! – Người đàn bà nói to. – Thế là đủ. Ai khốn nạn hơn vì để mất vài thứ như thế này, hả? Không phải lão đã ngoẻo củ tỏi rồi chứ?

– Không, thật mà! – Bà Dilber nói và cười to.

– Nếu lão còn muốn khư khư giữ chúng sau khi ngỏm, cái lão già khốn kiếp ấy, – mụ ta nói tiếp, – sao lão không cho một người họ hàng lúc còn sống nhỉ? Nếu làm thế, có phải lão đã có người chăm sóc khi lão vập vào Thần Chết, thay cho nằm thở hắt ra một mình.

– Đây là lời thực thà nhất được nói ra, – bà Dilber nói. – Đây là lời phán xét cho lão.

– Ước gì có lời phán xét nặng hơn một chút, – người đàn bà kia đáp, – mà nên thế lắm, bà có thể tin vào điều đó, nếu tôi có thể chiếm lấy bất cứ thứ gì khác. Hãy mở bọc kia ra, lão Joe, để tôi ước lượng xem sao. Nói thẳng toẹt ra. Tôi không sợ là người đầu tiên, cũng không sợ họ nhìn thấy. Tôi tin rằng chúng tôi biết khá rõ là chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau trước khi gặp mặt ở đây. Đấy chẳng phải tội lỗi gì. Mở bọc ra, lão Joe.

Nhưng sự lịch sự của các bạn mụ không cho phép làm thế; người đàn ông mặc đồ đen bạc màu bật lên trước, đưa những đồ ăn cắp của hắn ra. Chẳng có gì nhiều nhặn. Một hoặc hai con dấu, một hộp bút, một đôi khuy măng sét, một trâm gài đầu giá trị không lớn, tất cả chỉ có thế. Chúng được lão Joe kiểm tra và đánh giá từng món, lão ghi bằng phấn lên tường giá tiền từng thứ, và ghi thêm tổng số tiền khi thấy chẳng còn gì hơn.

– Đây là số tiền của mi, – lão Joe nói, – và ta sẽ không cho thêm sáu xu nữa, nếu mi không sôi sục muốn thế. Ai tiếp theo đây?

Bà Dilber là người tiếp theo. Khăn trải giường, khăn mặt, một món đồ thêu nho nhỏ, hai cái thìa trà bằng bạc kiểu cổ, một cái cặp đường miếng và vài cái giày. Số tiền của mụ cũng được ghi lên tường theo kiểu tương tự.

– Ta hay cho các mụ quá nhiều. Đây là nhược điểm của ta, và như thế là ta tự hại mình, – lão Joe nói. – Số tiền kia là của mụ. Nếu mụ hỏi xin ta thêm một xu nữa, và dám hỏi công khai, ta mà ân hận là đã rộng rãi đến thế, ta sẽ cắt nghiến nửa curon.

– Giờ mở bọc của tôi ra chứ, lão Joe, – mụ đàn bà đầu tiên nói.

Lão Joe quỵ gối để mở cái bọc cho dễ hơn, và tháo xong rất nhiều nút, lão lôi ra một cuộn gì đó to lớn màu đen.

– Mụ gọi cái này là gì? – Lão Joe hỏi. – Rèm giường chắc?

– Ối trời ơi! – Mụ ta đáp, vừa cười vừa ngả về trước trên đôi tay bắt chéo. – Rèm giường!

– Mụ không định nói là mụ giật nó xuống, cả vòng và tất tật mọi thứ cùng với lão ta nằm ở đó chứ? – Joe hỏi.

– Phải, tôi làm thế đấy, – mụ ta đáp. – Mà sao lại không kia chứ?

– Mụ sinh ra để phát tài, – lão Joe nói, – và chắc chắn là mụ sẽ làm thế.

– Chắc chắn là tôi không dừng tay, khi có thể lấy mọi thứ trong đó bằng cách vươn tay ra mà với, vì lợi ích của một người như lão, tôi hứa với ông, Joe ạ, – người đàn bà lạnh lùng đáp. – Giờ thì đừng có rỏ dầu lên các tấm khăn liệm nữa.

– Khăn liệm của lão ta? – Joe hỏi.

– Thế ông tưởng là của ai? – Mụ đàn bà đáp lại. – Tôi dám nói là thiếu chúng, lão ta cũng chẳng cảm lạnh đâu mà sợ.

– Ta mong là lão ta không chết vì bệnh truyền nhiễm? Hử? – Lão Joe nói, ngước nhìn và dừng công việc giữa chừng.

– Ông đừng sợ, – mụ đàn bà đáp. – Tôi chẳng yêu quý gì công ty của lão đến mức lảng vảng gần lão vì những thứ này, nếu lão bị bệnh truyền nhiễm. Chà! Ông có thể nhìn xuyên qua áo lão cho đến khi mắt đau nhức, nhưng cũng không tìm ra một lỗ thủng hoặc một chỗ sờn. Đấy là thứ tốt nhất lão có, và cũng là một cái đẹp. Họ thật phí phạm vì đã không cho tôi.

– Mụ gọi thế là phí phạm ư? – Lão Joe hỏi.

– Mặc cho lão ta rồi đem chôn, chắc là thế, – mụ đàn bà đáp và cười to. – Có ai ngu mới làm thế, và tôi lột nó ra rồi. Nếu vải chúc bâu mà không đủ tốt để liệm cho lão thì cũng chẳng tốt cho bất cứ việc gì. Nó rất thích hợp cho một xác chết. Mặc áo ấy lão ta nom cũng chẳng xấu hơn mặc cái kia.

Scrooge kinh hãi lắng nghe cuộc đối thoại này. Lúc bọn chúng ngồi thành nhóm quanh các chiến lợi phẩm, trong ánh sáng ngọn đèn lờ mờ của lão già, Scrooge nhìn chúng với sự ghê tởm và phẫn nộ không thể lớn hơn, tuy bọn chúng là những kẻ xấu xa, làm tiền cả xác chết.

– Ha, ha! – Mụ đàn bà ấy cười ha hả lúc lão Joe rút cái túi bằng flanen đựng tiền ra, điểm từng món kiếm được trên đất.

– Đây là kết cục của lão, các người thấy chưa! Hồi còn sống lão ta gieo rắc kinh hoàng khiến mọi người tránh xa lão, càng lợi cho chúng ta khi lão chết! Ha, ha, ha!

– Này Hồn ma! – Scrooge nói, run từ đầu xuống chân. – Tôi thấy rồi, hiểu rồi. Trường hợp của con người bất hạnh này có thể là của tôi. Cuộc đời tôi hiện giờ có xu hướng như thế. Thượng đế nhân từ, đây là gì vậy?

Ông lùi lại kinh hoàng vì quang cảnh đã thay đổi, lúc này gần như ông chạm vào một cái giường – một cái giường trần trụi, không rèm – trải tấm khăn tả tơi, che đậy một kẻ ngớ ngẩn, lắp bắp bằng một thứ ngôn ngữ dễ sợ.

Căn phòng rất tối, quá tối nên không thể quan sát tường tận, dù Scrooge nhìn quanh do một sự thôi thúc bí ẩn, băn khoăn muốn biết nó thuộc loại phòng gì. Một ánh sáng nhợt nhạt dâng lên trong không khí bên ngoài chiếu thẳng vào giường, trên đó là cái xác của người đàn ông này, bị cướp bóc, tước đoạt, không ai trông nom, không người khóc lóc và bị bỏ mặc, bơ vơ.

Scrooge liếc nhìn con ma. Bàn tay kiên định của nó chỉ lên đầu. Tấm đắp phủ cẩu thả đến mức chỉ cần đưa nhẹ một ngón tay cũng sẽ lộ ra bộ mặt. Scrooge nghĩ thế, và cảm thấy làm thế thật dễ dàng, ông ta rất muốn làm thế, nhưng ông không có quyền kéo tấm khăn phủ cũng như gạt bỏ con ma ở cạnh ông.

Chao ôi, thần Chết lạnh lùng, tàn nhẫn, khủng khiếp đã đặt ban thờ của nó ở đây, sửa soạn nó bằng những thứ kinh hoàng vì ngươi đã dám cưỡng lại mệnh lệnh của nó, vì đây là lãnh địa của nó! Nhưng ngươi không thể nhúc nhích cái đầu yêu quý, sùng kính và vinh dự vì những mục tiêu khủng khiếp của ngươi, hoặc tạo thành một nét ghê tởm. Không phải vì bàn tay nặng nề và sẽ rơi xuống khi được thả ra; không phải vì trái tim và mạch vẫn còn đập, mà là bàn tay rộng mở, hào phóng và có thực, trái tim can đảm, ấm áp, dịu dàng và mạch đập của một con người. Hãy đầu hàng đi, hỡi Cái bóng, hãy đầu hàng đi! Hãy thừa nhận những hành động tốt đẹp của ông ta đang hàn gắn vết thương, gieo mầm sự sống bất tử cho đời!

Không một tiếng nào nói những lời đó vào tai Scrooge, song ông vẫn nghe thấy khi ngước nhìn cái giường. Ông nghĩ, nếu lúc này người đó có thể vùng dậy, những ý nghĩ đầu tiên của ông ta sẽ là gì? Những cuộc giao dịch tham lam, chi li, những mối lo âu thắt lòng? Chúng đã mang đến cho ông ta một kết cục giàu có, thật vậy!

Ông ta nằm trong một ngôi nhà tối tăm, trống rỗng, không một người đàn ông, đàn bà hoặc một đứa trẻ nói ông hãy làm ơn cho tôi việc này việc kia, hoặc vì kỷ niệm của một thế giới tốt lành, tôi sẽ tử tế với ông. Một con mèo kéo mạnh cánh cửa, có tiếng chuột gặm nhấm sau tấm đá lát lò sưởi. Bọn chúng muốn gì trong căn phòng người chết, tại sao chúng quấy nhiễu không ngừng, Scrooge không dám nghĩ tiếp.

– Này Hồn ma! – Ông ta nói. – Đây là một nơi đáng sợ. Rời khỏi đây, tôi sẽ không quên bài học của nó, hãy tin tôi đi. Chúng ta đi thôi!

Ngón tay bất động của hồn ma vẫn chỉ lên đầu.

– Tôi không hiểu, – Scrooge đáp, – và tôi không sao hiểu nổi ông. Nhưng tôi không có quyền, Hồn ma ạ. Tôi không có quyền.

Hình như nó lại nhìn ông lần nữa.

– Nếu trong thành phố này có người nào đó xúc động vì cái chết của người này, – Scrooge nói, rất khổ sở, – thì hãy chỉ cho tôi, tôi van ông đấy, Hồn ma ạ!

Hồn ma xòe rộng tà áo choàng đen ra trước ông một lát, như cái cánh. Rồi khi rút lại, lộ ra một căn phòng dưới thanh thiên bạch nhật, nơi có người mẹ và đàn con.

Chị ta đang có thai, háo hức và lo âu. Chị đi đi lại lại trong phòng, sốt ruột làm việc này việc kia, nhìn ra ngoài cửa sổ, liếc đồng hồ, thử may vá nhưng vô hiệu, và hầu như không chịu nổi tiếng bọn trẻ chơi đùa.

Cuối cùng, nghe thấy tiếng gõ cửa chờ đợi từ lâu. Chị vội vã chạy ra cửa gặp chồng; anh ta có bộ mặt tiều tụy vì lo lắng và phiền muộn, dù hãy còn trẻ. Lúc này trên mặt anh có vẻ khác thường, hầu như hài lòng khiến anh ngượng ngập và cố nén lại.

Anh ngồi xuống bên bữa ăn dọn sẵn bên lò sưởi, và sau một lúc im lặng khá dài, chị khẽ hỏi anh tin tức, anh có vẻ lúng túng không biết trả lời ra sao.

– Tốt hay xấu, hở mình? – Chị nói, gợi ý cho anh.

– Xấu, – anh trả lời.

– Chúng ta bị phá sản hoàn toàn ư?

– Không. Hãy còn hy vọng, Caroline ạ.

– Giá ông ấy rủ lòng thương, – chị nói, sửng sốt, – Trước kia đã chẳng mong được gì, giá một điều kỳ diệu như thế xảy ra nhỉ!

– Ông ấy động lòng đã là quá khứ, – chồng chị nói. – Ông ấy chết rồi.

Gương mặt chị lộ rõ bản tính hòa nhã và nhẫn nại, nhưng nghe tin đó chị thầm biết ơn, chị nói lúc chắp tay lại. Sau đó chị cầu nguyện xin tha thứ và xin lỗi, nhưng cảm xúc đầu tiên của chị là chân thành.

– Điều mà người đàn bà nửa say nửa tỉnh anh kể với mình tối qua nói với anh khi anh đòi gặp ông ta xin hoãn cho một tuần, và anh tưởng là cái cớ tránh anh, hóa ra hoàn toàn là thật. Lúc đó ông ta không chỉ ốm nặng, mà đang hấp hối.

– Vậy khoản nợ của chúng ta sẽ chuyển cho ai?

– Anh không biết. Nhưng cho đến lúc đó, chúng ta sẽ có tiền; mà dù cho không có đi nữa, thực sự là vận rủi nếu người kế nghiệp ông ta là một chủ nợ nhẫn tâm. Đêm nay chúng ta có thể ngủ ngon lành, Caroline ạ!

Đúng thế. Họ có thể đỡ lo lắng, nhẹ lòng hơn. Bộ mặt bọn trẻ bị bắt im lặng và túm tụm xung quanh nghe những điều chúng ít hiểu, cũng tươi tắn hơn, và ngôi nhà này hạnh phúc hơn vì cái chết của người này! Tình cảm duy nhất mà con ma muốn chỉ cho Scrooge thấy chỉ là sự hài lòng với sự kiện.

– Hãy cho tôi thấy sự nhân hậu nào đó với một người chết – Scrooge nói, – hoặc căn phòng tối tăm mà chúng ta vừa rời bỏ sẽ mãi mãi tồn tại với tôi.

Hồn ma dẫn ông ta xuyên qua vài phố quen thuộc, và trong lúc đi, Scrooge nhìn đây đó tìm bóng dáng mình nhưng chẳng thấy đâu. Họ vào căn nhà của Bob Cratchit nghèo khổ, căn nhà mà lúc trước họ đã đến thăm. Họ thấy người mẹ và đàn con ngồi vây quanh lò sưởi.

Im lìm. Rất im lìm. Mấy cậu bé Cratchit ồn ào nay im như tượng trong một góc, ngồi ngước nhìn Peter, quyển sách mở rộng trước mặt. Bà mẹ và mấy cô con gái đang khâu vá. Nhưng chắc chắn là họ hết sức im lặng!

“Ông ta tóm lấy một đứa trẻ và đặt nó vào giữa những đứa trẻ khác”. Scrooge đã nghe câu này ở đâu rồi nhỉ? Ông không hề mơ. Thằng bé ắt phải đọc to lúc ông và Hồn ma bước qua ngưỡng cửa. Sao nó không đọc tiếp?

Bà mẹ đặt món đồ khâu lên bàn và úp hai tay lên mặt.

– Màu sắc làm mẹ nhức cả mắt, – bà nói.

Màu sắc ư? Chao ôi, tội nghiệp bé Tim!

– Thỉnh thoảng chúng khá hơn, – bà Cratchit nói. – Ánh nến làm chúng mờ đi, và không đời nào mẹ cho bố các con biết lúc bố về nhà. Chắc sắp đến lúc rồi.

– Đúng hơn là quá giờ rồi, – Peter trả lời và gấp sách lại. – Nhưng con thấy mấy tối vừa qua bố đi hơn muộn hơn ngày thường, mẹ nhỉ.

Họ lại im lặng. Cuối cùng bà nói, giọng bình tĩnh, vui vẻ, chỉ hơi ngập ngừng:

– Mẹ đã biết, mẹ đã thấy bố công kênh bé Tim trên vai mà vẫn đi rất nhanh.

– Con cũng biết thế, – Peter nói. – Nhiều lần rồi.

– Con cũng biết, – đứa khác kêu lên. Rồi tất cả cùng kêu to.

– Nhưng nó rất nhẹ, – bà nói tiếp và định quay về với công việc, – và bố rất yêu nó, nên không sao đâu. Có lẽ bố đang ở ngoài cửa rồi!

Bà vội chạy ra gặp ông, và ông Bob bé nhỏ quấn khăn quàng cổ bước vào – tội nghiệp, lúc nào ông cũng cần đến nó. Trà của ông đã pha sẵn trong ngăn lò, ai cũng cố giúp ông nhiều nhất. Rồi hai cậu bé Cratchit đứng lên, mỗi đứa áp một bên má vào mặt ông như muốn nói: “Đừng buồn, bố ạ. Xin bố đừng đau lòng!”

Bob rất vui với họ, ông nói đùa với cả nhà. Nhìn món đồ khâu trên bàn, ông khen ngợi tài khéo và nhanh của vợ và con gái. Ông bảo, mọi thứ sẽ xong trước ngày Chủ nhật.

– Chủ nhật ư! Hôm nay mình đã đi rồi, phải không Robert? – Vợ ông hỏi.

– Phải, mình ạ, – ông Bob trả lời. – Giá mình có thể đi được. Mình sẽ dễ chịu thấy nơi đó xanh tươi ra sao. Nhưng mình sẽ thấy nó thường xuyên thôi. Tôi đã hứa với con Chủ nhật tôi sẽ đến đấy. Con bé bỏng của tôi! – Bob bật khóc. – Thằng bé của tôi!

Ngay lập tức, ông suy sụp hoàn toàn. Ông không thể đừng. Nếu làm khác đi, có lẽ ông và đứa con sẽ còn xa cách hơn bây giờ.

Ông ra khỏi phòng, lên trên gác, vào căn phòng sáng tưng bừng và treo các đồ Giáng sinh. Một cái ghế kê sát đứa trẻ, nhiều dấu hiệu cho thấy có người vừa ở đó. Ông Bob tội nghiệp ngồi xuống ghế, suy nghĩ một lát và trấn tĩnh lại, ông hôn lên bộ mặt nhỏ bé. Ông đành cam chịu với việc đã xảy ra, và lại xuống dưới nhà, hoàn toàn vui vẻ.

Họ xúm xít quanh lò sưởi và chuyện trò, các cô gái và bà mẹ vẫn làm việc. Bob kể với họ về lòng tốt khác thường của cháu trai Scrooge, trước kia ông chỉ gặp anh ta mỗi một lần và hôm đó vừa gặp trên phố, thấy ông “hơi suy sụp”, Bob nói, anh đã hỏi thăm có chuyện gì. Ông kể:

– Nghe đồn anh ta là một người nói năng dễ chịu nhất, tôi bèn kể cho anh ta biết. “Tôi rất lấy làm tiếc, ông Cratchit, và xin chân thành chia buồn với bà vợ hiền của ông”. À mà, làm sao anh ta biết thứ mà tôi không biết.

– Biết gì, hở mình?

– Rằng mình là một người vợ hiền, – ông Bob đáp.

– Ai chẳng biết ạ, – Peter nói.

– Con quan sát cừ lắm, con trai của bố! – Bob kêu lên. – Bố hy vọng họ cũng thế. Anh ta đã nói: “Xin chân thành chia buồn với bà vợ hiền của ông. Nếu tôi có thể giúp được ông bà bất cứ việc gì, thì đây là nơi tôi ở” – anh ta đưa cho tôi tấm danh thiếp. – Xin ông bà cứ đến tôi.” Giờ thì chẳng cần gì nữa, – Bob khóc, – vì bất cứ việc gì anh ấy có thể làm cho chúng ta, với kiểu ân cần hết mức như thế là mãn nguyện lắm rồi. Cứ như anh ta quen biết bé Tim của chúng ta và thông cảm với chúng ta vậy.

– Tôi chắc anh ta là một người tử tế! – Bà Cratchit nói.

– Mình sẽ tin chắc thế, nếu mình gặp và nói chuyện với anh ta. – Bob đáp. – Tôi chẳng lấy gì làm lạ nếu anh ta kiếm cho Peter một chỗ làm tốt hơn, cứ nhớ lấy lời tôi!

– Nghe chưa, Peter, – bà Cratchit nói.

– Lúc đó, – một trong mấy cô con gái nói, – Peter sẽ giữ được tình bạn với ai đó và sẽ khá hơn.

– Thôi đi! – Peter trả miếng và cười toe toét.

– Rất có thể một ngày nào đó, – Bob nói, – tuy còn lâu, con ạ. Nhưng dù chúng ta có xa lìa nhau như thế nào và khi nào, bố chắc không ai trong chúng ta quên bé Tim tội nghiệp, nhất định thế, hoặc đây là cuộc chia tay đầu tiên của chúng ta?

– Không bao giờ, bố ạ! – Tất cả đồng thanh.

– Các con yêu quý, – Bob nói, – bố biết chúng ta sẽ nhớ lại nó nhẫn nại và hiền hòa biết bao, dù nó còn bé, rất bé. Chúng ta sẽ không tranh chấp nhau, và mỗi lần làm thế là đã quên bé Tim tội nghiệp rồi.

– Không, chúng con sẽ không bao giờ làm thế, bố ạ! – Cả bọn lại đồng thanh.

– Bố rất mừng, – ông Bob bé nhỏ nói, – rất mừng!

Bà Cratchit hôn ông, các con gái hôn ông, hai cậu Cratchit hôn ông, còn Peter và ông bắt tay nhau. Hỡi linh hồn của bé Tim, ngươi là bản chất trẻ thơ của Chúa Trời!

– Này Hồn ma, có gì đó báo cho tôi biết cuộc chia tay của chúng ta sắp đến, – Scrooge nói. – Tôi biết nhưng không hiểu ra sao. Hãy cho tôi biết người đàn ông nằm chết mà chúng ta nhìn thấy là ai vậy?

Hồn ma của Giáng sinh Chưa tới truyền đạt cho ông như lúc trước, tuy là một lần khác, ông nghĩ: Hình như không thứ tự nào trong những ảo ảnh vừa qua bảo đảm rằng chúng ở trong tương lai, trong phương sách của các doanh nhân, nhưng cho ông thấy không phải là ông. Thực ra, Hồn ma không nói gì, chỉ lừ lừ thẳng tiến cho đến lúc cuối cùng, Scrooge phải van xin lưu lại chốc lát.

– Cái sân mà chúng ta vội vã đi qua này, – Scrooge nói, – là nơi tôi cư ngụ suốt một thời gian dài. Tôi nhìn thấy ngôi nhà. Hãy cho tôi thấy nơi tôi sẽ ở trong những ngày sắp tới.

Hồn ma dừng lại; bàn tay nó chỉ vào nơi nào đó.

– Ngôi nhà ở đằng kia, – Scrooge kêu lên. – Sao ông chỉ đi đâu thế?

Ngón tay tàn nhẫn không thay đổi.

Scrooge hấp tấp đến cửa sổ văn phòng của ông và nhìn vào. Nó vẫn là phòng làm việc nhưng không phải của ông. Đồ đạc không như cũ, người ngồi trên ghế không phải là ông. Con ma vẫn chỉ tay như lúc trước.

Ông lại đi với nó lần nữa, tự hỏi vì sao và ông đã đến đâu, cho đến khi tới một cái cổng thép. Ông dừng lại, nhìn quanh trước khi bước vào.

Một cái sân. Kìa, người đàn ông khốn khổ mà lúc này ông đã biết tên, nằm dưới đất. Đây là nơi xứng đáng. Nhiều ngôi nhà là tường bao, cỏ dại mọc tràn lan, tươi tốt vì người chết chứ không phải sự sống; nghẹt thở vì quá nhiều người chôn cất, béo bở vì những món ăn thừa mứa. Một nơi xứng đáng!

Hồn ma đứng giữa các nấm mồ, và chỉ vào một nấm. Scrooge run run tiến tới. Con ma vẫn chính xác như trước, nhưng ông ta kinh hãi vì nhìn thấy ý nghĩa mới mẻ trong hình dáng nghiêm trang của nó.

– Trước khi tôi đến gần hơn tấm bia ông chỉ, – Scrooge nói, – hãy trả lời tôi một câu. Những hình bóng này là những thứ Sẽ có, hay chúng là hình bóng của những thứ Có thể?

Con ma vẫn chỉ xuống nấm mộ nó đứng cạnh.

– Cách cư xử của con người báo hiệu những kết cục nhất định, nếu kiên nhẫn, chúng nhất định sẽ đến, – Scrooge nói. – Nhưng nếu đi chệch quá trình, kết cục sẽ thay đổi. Vì thế tôi mới nói ông cho tôi xem!

Hồn ma vẫn bất động.

Scrooge lén tới, vẫn run; theo ngón tay chỉ sẵn, ông đọc kỹ tên mình trên tấm bia của nấm mồ bị quên lãng, EBENEZER SCROOGE.

– Tôi chính là người nằm trên giường ư? – Ông kêu to và quỵ gối.

Ngón tay chỉ nấm mộ cho ông và chỉ lần nữa.

– Không, hỡi Hồn ma! Ôi, không, không!

Ngón tay vẫn ở đó.

– Hỡi Hồn ma! – Scrooge bật khóc, túm chặt lấy áo choàng của nó, – xin hãy nghe tôi! Tôi không phải là người như trước kia nữa. Tôi sẽ không phải là người cần phải thế, nhờ cuộc giao hữu này. Tại sao lại chỉ cho tôi cái này, nếu tôi đã trải qua mọi hy vọng?

Lần đầu tiên bàn tay có vẻ lay động.

– Hỡi Hồn ma tử tế, – ông dai dẳng lúc ngã quỵ xuống đất trước con ma, – xin ông can thiệp giùm tôi, xin hãy thương tôi. Hãy bảo đảm với tôi rằng tôi có thể thay đổi những hình bóng ông đã chỉ cho tôi bằng cách thay đổi cuộc sống?

Bàn tay ân cần rung động.

– Tôi sẽ tôn kính Giáng sinh trong lòng và cố giữ quanh năm. Tôi sẽ sống trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hỡi các Hồn ma của cả ba thì, sẽ đấu tranh trong con người tôi. Tôi sẽ không bỏ qua những bài học họ đã dạy. Chao ôi, hãy bảo tôi có thể cọ sạch những chữ viết trên tấm bia này!

Trong cơn thống khổ, Scrooge nắm lấy bàn tay con ma. Nó không thoải mái, nhưng ông tha thiết cầu xin và nắm lấy nó. Hồn ma khỏe hơn, hất ông ta ra.

Giơ cao đôi tay trong lời cầu nguyện cuối cùng đảo ngược số phận cho ông, Scrooge nhìn thấy trong cái mũ trùm và quần áo của con ma có sự biến đổi. Nó co rúm, sụp xuống và teo lại thành cái cột giường.

Bình luận