Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bài Ca Mừng Giáng Sinh

Bóng Ma Của Marley

Tác giả: Charles Dickens

Trước hết, Marley đã chết, chết hẳn rồi. Chẳng còn nghi ngờ gì điều đó. Bản đăng ký tang lễ đã được mục sư, trợ tế, nhân viên nhà tang lễ và người khóc thuê chính ký tên. Scrooge cũng ký. Mà cái tên Scrooge có nghĩa là “Đổi để được mọi thứ ông ta đã chọn để làm”. Ông già Marley đã chết thật, chết cứng như một cái đinh.

Xin hãy nhớ cho! Tôi không có ý nói rằng tôi là người hiểu biết, rằng có cái chết đặc biệt, gần như một cái đinh. Bản thân tôi thường coi đinh đóng quan tài là thứ ít sinh lời nhất trong nghề buôn bán đồ sắt. Nhưng sự so sánh này của tổ tiên chúng ta vô cùng sáng suốt, và đôi tay trần tục của tôi sẽ không quấy rầy nó, hoặc những người đã tạo ra nó. Vì vậy, xin hãy cho phép tôi được nhắc lại một cách dứt khoát là ông Marley đã chết đứ đừ, chết cứng như một cái đinh.

Scrooge có biết Marley đã chết không? Lẽ tất nhiên là biết. Làm sao có thể khác được? Tôi không rõ Scrooge và Marley là bạn làm ăn được bao nhiêu năm. Scrooge là người điều hành duy nhất, người quản lý duy nhất, người phân công duy nhất, người thừa hưởng tài sản duy nhất, người bạn duy nhất và người đưa ma duy nhất của ông già. Thậm chí Scrooge không đau đớn gì lắm vì sự kiện buồn bã này, đến mức trong ngày đưa ma ông vẫn là một thương nhân xuất sắc và mặc cả chi li mọi nghi thức cử hành trong tang lễ.

Nói đến đám ma ông già Marley làm tôi trở lại từ điểm đầu tiên. Chắc chắn rằng ông Marley đã chết. Việc này phải hiểu một rành mạch, nếu không câu chuyện tôi sắp kể ra đây sẽ mất hẳn hay ho. Nếu chúng ta không tin chắc cha của Hamlet đã qua đời trước khi vở kịch bắt đầu, sẽ chẳng có gì khác thường trong việc ông ta lang thang suốt đêm trên thành lũy của mình trong ngọn gió đông, hơn là ở một nơi hiu hiu gió – ví dụ như nghĩa trang St Paul chẳng hạn – làm tâm trí ốm yếu của con trai ông bàng hoàng.

Scrooge không bao giờ xóa tên ông già Marley. Bao năm sau, tên ông ta vẫn còn đó, bên trên cửa kho hàng: Scrooge và Marley. Tên công ty là Scrooge và Marley. Thỉnh thoảng, những người mới đến giao dịch gọi là Scrooge Scrooge, đôi khi là Marley, nhưng ông ta trả lời cả hai tên. Với Scrooge, đằng nào cũng thế cả mà thôi.

Nhưng chao ôi! Trong công việc ông già Scrooge là một tay keo cú, biển lận, bắt mọi người làm việc không ngơi! Một lão già phạm tội vắt cổ chày ra nước, vồ lấy, bóp nặn, thèm thuồng! Rắn và sắc như một viên đá lửa, chẳng cần thép cũng bật ra ngọn lửa tưng bừng; Kín đáo, cô độc và lẻ loi như một con hàu. Sự lạnh lùng trong con người đã làm nét mặt Scrooge đông cứng, mũi quắp lại nhọn hoắt, gò má nhăn nheo, dáng đi cứng nhắc; mắt đỏ ngàu, đôi môi mỏng tái nhợt, nói năng sắc sảo bằng giọng kèn kẹt. Vẻ lạnh lẽo băng giá trên đầu, trên lông mày và cái cằm rắn chắc. Thân nhiệt của ông ta luôn thấp, làm văn phòng mát lạnh trong những ngày nóng bức nhất và vào dịp Giáng sinh rất rét.

Bên ngoài nóng hay lạnh chẳng ảnh hưởng gì mấy đến Scrooge. Không hơi ấm nào có thể làm ông ta ấm lên, thời tiết mùa đông không làm ông ta thấy rét mướt. Không ngọn gió nào khiến ông ta thấy rét hơn, tuyết rơi, mưa như trút chẳng hề hấn gì đến mục tiêu của ông. Thời tiết xấu không bén mảng đến nơi có ông. Mưa rào, tuyết rơi, mưa đá, mưa tuyết chỉ có thể khoe khoang lợi thế với ông trong một khía cạnh duy nhất. Chúng thường “trút xuống” một cách hậu hĩ, còn Scrooge chẳng bao giờ “trút” đi thứ gì.

Trên đường phố, không người nào dáng bộ vui vẻ ngăn ông lại và nói:

– Scrooge thân mến, ông có khỏe không? Lúc nào đến nhà tôi chơi nhé?

Với ông già Scrooge ấy, không người hành khất nào dám xin ông một xu, không đứa trẻ nào hỏi ông mấy giờ, cả đời ông chưa một người đàn ông hoặc đàn bà nào hỏi thăm đường đến nơi này nơi kia. Ngay cả những con chó của những người mù cũng có vẻ biết ông, nhìn thấy ông đi đến, chúng kéo giật chủ dạt vào các ngưỡng cửa hoặc mảnh sân nhà, chúng ve vẩy đuôi như muốn nói: “Thà chẳng nhìn thấy gì còn hơn thấy cái nhìn độc ác, ông chủ ạ!”.

Nhưng Scrooge cần quái gì? Đấy chính là điều ông ta thích. Con đường của ông men theo những con đường đông đúc của cuộc sống, đề phòng mọi cảm thông của người đời, giữ thái độ xa cách, những thứ đó khiến những người hiểu biết gọi Scrooge là “tay khó nhằn”.

Từ lâu lắm rồi, – mọi ngày nghỉ trong năm, vào đêm trước lễ Giáng sinh -, ông già Scrooge ngồi, bận bịu trong phòng tài vụ. Thời tiết lạnh lẽo, ảm đạm, buốt giá, lại thêm sương mù, và ông có thể nghe thấy những người ở ngoài sân đi lại, thở khò khè, đập đập hai bàn tay vào ngực, giậm giậm chân lên những tảng đá lát cho đỡ cóng. Đồng hồ của thành phố mới chỉ quá số ba, vậy mà trời đã tối mịt – suốt ngày không có lấy một tia sáng -, những ngọn nến cháy sáng trên cửa sổ các văn phòng gần đó, giống như những vệt đỏ trên nền không khí màu nâu. Sương mù tràn vào từng khe hở và lỗ khóa, dày đặc đến mức mặc dù mảnh sân là hẹp nhất rồi, vậy mà những ngôi nhà đối diện trông chỉ lờ mờ như những bóng ma. Nhìn những đám mây xám xịt rũ xuống, che mờ mọi vật, người ta có thể nghĩ tạo hóa thật khắc nghiệt, và đang trù tính một việc rất xấu.

Cánh cửa phòng tài vụ của Scrooge mở, để ông ta có thể để mắt đến người thư ký trong một căn phòng bé tẹo, tối tăm như một cái bể, đang sao chép thư từ. Lò sưởi của Scrooge rất nhỏ, nhưng lò sưởi của viên thư ký còn nhỏ hơn rất nhiều, trông như một hòn than. Nhưng ông ta không thể cho thêm than vì Scrooge cất thùng than trong phòng ông ta; chắc chắn là nếu viên thư ký có cầm xẻng vào phòng, ông chủ sẽ báo ngay rằng họ cần chia tay nhau. Vì thế, người thư ký đành quấn nguyên cái khăn quàng cổ màu trắng và cố làm ấm người lên cạnh ngọn nến, dù chẳng cần là người có trí tưởng tượng phong phú gì cũng thừa biết có cố đến mấy, ông ta vẫn thất bại.

– Chúc bác Giáng sinh vui vẻ! Chúa phù hộ bác! – Một giọng phấn khởi kêu to.

Đó là tiếng cháu trai của Scrooge, anh ta bước vào nhanh đến mức ngay từ tiếng báo hiệu đầu tiên đã thấy anh ta đến gần.

– Chà! – Scrooge nói. – Láo toét!

Người cháu của Scrooge đã phải hâm nóng người bằng cách đi bộ nhanh trong sương mù và giá rét, nên toàn thân nóng bừng. Bộ mặt anh hồng hào và điển trai, cặp mắt lấp lánh, hơi thở bốc khói.

– Kìa bác, Giáng sinh mà láo toét ư! – Người cháu nói. – Cháu chắc bác không định nói thế chứ?

– Tao nói thế đấy, – Scrooge đáp. – Giáng sinh vui vẻ! Vui cái nỗi gì? Mày có lý do gì mà vui, hả? Mày khá là nghèo.

– Kìa bác, – người cháu hoan hỉ đáp lại. – Bác buồn cái nỗi gì kia chứ? Bác có lý do gì mà rầu rĩ? Bác khá là giàu.

Tình thế ấy khiến Scrooge thà không trả lời còn hơn, ông ta nói lần nữa:

– Chà! – Rồi, tiếp theo là, – Bịp bợm!

– Đừng trái khoáy thế, bác! – Người cháu nói.

– Thì tao còn biết làm gì nữa, – ông bác đáp, – khi tao sống trong một thế giới đầy những chuyện lừa phỉnh như thế này? Giáng sinh vui vẻ cái cóc khô! Xéo đi với cái Giáng sinh vui vẻ! Với mày, dịp Giáng sinh là lúc phải thanh toán mọi hóa đơn mà không có tiền, là lúc mỗi năm thấy mình già hơn, không có một giờ giàu có hơn, là lúc cho mày cân đối sổ sách, xem xét từng khoản trong suốt mười hai tháng có gì uổng phí không? Nếu tao có thể điều khiển được ý chí, – Scrooge nói, phẫn nộ, – thì mỗi thằng ngốc nào đến chúc “Giáng sinh vui vẻ”, đáng luộc nó cùng cái bánh pút-đinh của nó và chôn cùng cái cọc nhựa ruồi xuyên qua tim. Nó đáng thế lắm!

– Kìa bác! – Người cháu năn nỉ.

– Này cháu! – Ông bác đáp lại nghiêm khắc, – Hãy ăn mừng Giáng sinh theo kiểu của cháu, và để mặc ta theo kiểu của ta!

– Ăn mừng! – Người cháu nhắc lại. – Nhưng bác có làm gì đâu!

– Vậy hãy mặc xác ta. – Scrooge nói. – Mày muốn làm gì thì tùy! Cứ làm như mày đã làm!

– Cháu dám nói có nhiều việc cháu làm vì thiện chí, chứ không phải vì lời lãi, – người cháu đáp. – Lễ Giáng sinh chẳng hạn. Chắc chắn cháu luôn nghĩ đến dịp Giáng sinh khi sắp đến, ngoài sự sùng kính danh tính, nguồn gốc thiêng liêng và bất cứ những gì liên can đến nó, đây là thời gian duy nhất trong năm rất thoải mái, hầu như là thời gian khoan dung, từ thiện và vui vẻ, dường như khi ấy cả đàn ông lẫn đàn bà đều được người khác hào phóng cởi mở nỗi lòng, nghĩ đến những người bề dưới như thể họ là bạn đường thực sự trên đường sang thế giới bên kia và không còn là cuộc đua của con người trong các cuộc hành trình khác. Vì thế, bác ơi, dẫu chẳng bao giờ cháu có một mẩu vàng hoặc bạc trong túi, cháu vẫn tin rằng nó đã và sẽ làm cháu vui vẻ và nói, cầu Chúa ban phúc cho nó!

Viên thư ký ngồi trong cái bể kia bất giác vỗ tay. Ngay khi hiểu ra là một hành động không phải phép, ông ta chọc lò và làm tàn lửa mỏng manh cuối cùng tắt ngóm.

– Ta nghe thấy một tiếng động khác của anh, – Scrooge nói, – và anh sẽ tổ chức Giáng sinh của anh bằng cách mất việc! Còn cậu diễn thuyết hùng hồn lắm, – ông ta nói thêm và quay sang người cháu. – Ta không biết vì sao cậu không vào Nghị viện.

– Bác đừng giận. Ngày mai mời bác đến ăn tối với chúng cháu.

Scrooge nói ông ta sẽ gặp anh ta ở…- Ờ, mà quả thực ông ta đã gặp rồi. Ông ta thể hiện rõ ràng cảm xúc của mình và nói rằng cùng lắm mới đến thăm cháu.

– Nhưng vì sao kia ạ? – Người cháu thốt lên. – Vì sao?

– Tại sao mày lấy vợ? – Scrooge nói.

– Vì cháu yêu.

– Vì cháu yêu! – Scrooge làu bàu, dường như đó là thứ duy nhất trên đời nực cười hơn một Giáng sinh vui vẻ. – Xin chào!

– Không bác ạ, ngay cả trước khi cháu lấy vợ, bác cũng chưa bao giờ đến thăm cháu. Sao bây giờ bác lại viện đấy là lý do để không đến.

– Xin chào, – Scrooge nói.

– Cháu không muốn gì ở bác hết, cháu không xin xỏ gì bác, tại sao bác cháu ta không trở thành bạn bè?

– Xin chào, – Scrooge nói.

– Cháu rất lấy làm tiếc thấy bác cương quyết như thế. Bác cháu ta chưa bao giờ có chuyện tranh chấp. Nhưng cháu muốn tỏ lòng tôn kính lễ Giáng sinh và cháu sẽ tổ chức Giáng sinh vui đến cùng. Vì thế cháu chúc bác Giáng sinh vui vẻ!

– Xin chào, – Scrooge nói.

– Và Chúc mừng Năm mới!

– Xin chào, – Scrooge nói.

Ấy thế mà người cháu vẫn rời phòng không một lời giận dữ. Anh ta dừng lại ở cửa ngoài, chúc mừng người thư ký vốn lạnh lùng nhưng còn nhiệt tình hơn Scrooge, vì ông ta cũng thân mật chúc lại.

Nghe lỏm được, Scrooge lầm bầm:

– Lại một thằng cha nữa, cái thằng thư ký của ta, mỗi tuần kiếm nhõn mười lăm silinh, phải nuôi vợ và cả gia đình, thế mà cũng nói Giáng sinh vui vẻ. Ta sẽ ra khỏi cái Nhà thương điên này!

Cái Nhà thương điên vừa để cháu trai của Scrooge ra, lại có hai người khác vào. Họ là hai quý ông đẫy đà, nom vui vẻ và lúc này, họ đứng trong văn phòng của Scrooge, mũ đã ngả. Tay cầm sổ sách và giấy tờ, họ cúi chào ông.

– Tôi tin đây là Công ty Scrooge và Marley, – một quý ông nói, và xem danh sách. – Tôi có vinh hạnh gặp ông Scrooge hoặc ông Marley đây?

– Ông Marley đã mất từ bảy năm nay, – Scrooge đáp. – Ông ấy mất vào đúng đêm nay, cách đây bảy năm.

– Chúng tôi không hề nghi ngờ tính hào phóng của ông ấy cũng như của người cộng tác còn sống của ông ta, – một ông nói và đưa ra tờ ủy nhiệm.

Lẽ tất nhiên là thế rồi, vì họ vốn là hai người tâm đầu ý hợp. Scrooge cau mày vì cái từ “hào phóng” đáng ngại và lắc đầu rồi đưa trả tờ ủy nhiệm.

– Thưa ông Scrooge, trong mùa lễ hội này, – một ông nói và rút bút ra, – hơn bao giờ hết, chúng ta nên cung cấp thêm chút ít cho những người nghèo đói và thiếu thốn, lúc này họ đang rất khổ. Hàng ngàn người đang thiếu những nhu cầu thiết yếu nhất, hàng trăm ngàn người đang thiếu những tiện nghi tối thiểu, thưa ông.

– Không kể các nhà tù chứ? – Scrooge hỏi.

– Nhiều nhà tù, – ông ta nói và lại đặt bút xuống.

– Còn Liên đoàn các Nhà trừng giới? – Scrooge hỏi gặng. – Chúng vẫn hoạt động chứ?

– Vâng. Vẫn hoạt động, – ông kia đáp, – Giá tôi có thể nói chúng không còn.

– Công việc lao dịch và Luật ủng hộ người nghèo vẫn có hiệu lực chứ? – Ông Scrooge nói.

– Cả hai vẫn còn hiệu lực, thưa ông.

– Chà! Tôi e rằng những lời ông nói lúc đầu là thứ ngăn trở chúng trong quá trình hoạt động hữu hiệu, – Scrooge nói. – Tôi rất mừng nghe thấy thế.

– Có cảm tưởng là họ chỉ cung cấp niềm vui hoặc xác chết thần thánh cho đám đông, – một quý ông đáp, – rất ít người trong chúng ta gắng sức góp quỹ để mua cho người nghèo ít thịt, đồ uống và những phương tiện sưởi ấm. Chúng tôi chọn thời điểm này vì đây là lúc với tất cả những người khác, càng cảm nhận được sự Thiếu thốn, càng gắn kết với nhau vì sự Dư dật. Tôi sẽ ghi ông quyên gì đây ạ?

– Không gì hết! – Scrooge đáp.

– Ông muốn giấu tên chăng?

– Tôi muốn để mặc xác tôi, – Scrooge nói. – Vì các ông hỏi tôi muốn gì, thì đây là câu trả lời của tôi, thưa các ông. Bản thân tôi chẳng có gì vui vẻ trong dịp Giáng sinh, và tôi không thể có điều kiện làm cho những kẻ thất nghiệp vui lên được. Tôi đã giúp chu cấp các tổ chức tôi nhắc đến trên, thế là đủ lắm rồi, những người nghèo có thể đến đấy.

– Nhiều người không thể đến đấy; còn nhiều người thà chết còn hơn.

– Nếu họ thà chết thì cứ để họ làm thế, càng giảm bớt dư thừa dân số, – Scrooge nói. – Hơn nữa, xin lỗi chứ, tôi không biết điều đó.

– Nhưng ông có thể biết lắm chứ, – một quý ông nhận xét.

– Đấy không phải việc của tôi, – Scrooge đáp lại, – Con người ta, hiểu biết công việc của mình là đủ, đừng xen vào việc của người khác. Công việc của tôi bận bịu không ngừng. Xin chào các quý ông.

Rõ ràng thấy đeo đuổi mãi cũng vô ích, các quý ông đành rút lui. Scrooge lại tiếp tục công việc, càng vững tin vào ý kiến của mình, và dễ cáu hơn thường lệ.

Trong khi đó, sương mù và bóng tối dày đặc đến mức nhiều người phải cầm đuốc sáng chập chờn chạy trước những con ngựa kéo xe, dẫn đường cho chúng. Tòa tháp cổ kính của nhà thờ có quả chuông cổ hàng ngày ranh mãnh ngó xuống Scrooge qua khuôn cửa sổ Gothic trên tường, nay trở nên vô hình, điểm giờ và khắc trong mây, sau đấy còn rung ngân mãi như hàm răng đập lập cập trong cái đầu lạnh cứng tít trên cao. Cái rét ngày càng buốt giá.

Trên phố chính, trong một góc sân, vài công nhân đang sửa ống dẫn khí đã nhóm một ngọn lửa to trong lò than, một đám đàn ông và trẻ con rách rưới tả tơi tụ tập xung quanh, sưởi ấm bàn tay và nhấp nháy mắt trước ngọn lửa rực rỡ. Đầu ống nước để hở, nước trào ra đông ngay lại, và biến thành băng. Các cửa hiệu sáng rực rỡ, những cành cây và quả mọng kêu lách tách trong hơi ấm của ngọn đèn trên cửa sổ, khiến những bộ mặt xanh tái hồng hẳn lên lúc đi qua.

Việc bán gia cầm và tạp phẩm thành một trò vui vô cùng: một hoạt cảnh huy hoàng, vui vẻ để rồi sau đó không thể tin rằng những phép tắc buồn chán như mặc cả và bán hàng lại diễn ra như thế. Ngài Thị trưởng trong dinh thự đồ sộ đã ra lệnh cho năm chục đầu bếp và người hầu làm bữa Giáng sinh đúng như gia đình một Thị trưởng nên làm; ngay cả người thợ may bé nhỏ vừa bị phạt năm silinh vào thứ Hai tuần trước vì say rượu và bạo hành trên phố cũng trộn bột làm bánh pút-đinh trên gian áp mái của mình, trong lúc người vợ gầy còm cùng đứa con đi mua thịt bò.

Sương mù càng dày hơn, và trời càng rét hơn! Cái lạnh buốt giá và nhức nhối luồn vào mọi nơi. Nếu thánh Dunstan muốn véo mũi bóng ma Ác quỷ, thay vì dùng các vũ khí quen thuộc, trong thời tiết này ngài chỉ cần chạm khẽ là sẽ gầm lên vì kết quả hiển hiện. Một anh chàng, mòn mỏi và lầm bầm vì cái rét thấu xương, ghé vào lỗ khóa nhà Scrooge hiến bài hát mừng lễ Giáng sinh; nhưng vừa nghe thấy:

Chúa phù hộ ông, hỡi quý ông vui vẻ

Cầu cho ông không bao giờ ngã lòng!

Scrooge đã vồ lấy cái thước, hung hăng đến nỗi cậu ta vội rời lỗ khóa hoảng hốt chạy biến, lao vào làn sương mù mỗi lúc một tê cóng hơn.

Cuối cùng, thời khắc đóng cửa phòng tài vụ cũng đến. Scrooge ác ý tụt khỏi ghế và ngầm thừa nhận thực tế với viên thư ký đang trông đợi, ngay lúc ông ta tắt nến và đội mũ.

– Tôi tin rằng anh muốn nghỉ cả ngày mai? – Scrooge nói.

– Nếu thuận tiện, thưa ông.

– Không thuận tiện, – Scrooge nói, – và cũng không hợp lý. Nếu tôi cắt nửa curon*, tôi tin chắc anh sẽ phát ốm?

Người thư ký mỉm cười yếu ớt.

– Còn nữa, anh tưởng tôi không phát ốm khi trả lương một ngày không làm việc ư? – Scrooge nói.

Người thư ký nhận xét rằng mỗi năm chỉ vẻn vẹn có một ngày thôi.

– Một cái cớ tồi tệ để cứ đến ngày Hai mươi nhăm tháng Chạp là móc túi người khác! – Scrooge nói lúc cài khuy chiếc áo bành tô to xù đến tận cằm. – Nhưng tôi sẽ cho anh nghỉ cả ngày. Sáng hôm sau, phải có mặt ở đây từ sớm đấy.

Viên thư ký hứa sẽ làm thế, và Scrooge vừa bước ra vừa càu nhàu. Văn phòng đóng lại trong chớp mắt, và người thư ký, hai đầu khăn quàng to, dài màu trắng lủng lẳng đến tận eo (vì ông ta không có áo bành tô), tụt xuống đường trượt trên Cornhill ở cuối làn dành riêng cho thiếu niên tới hai chục lần, tỏ ra đây là đêm trước Giáng sinh, rồi cắm đầu cắm cổ chạy về nhà ở tận thị trấn Camden, vắt chân lên cổ mà chạy.

Scrooge ăn một bữa đạm bạc trong quán rượu ảm đạm thường lệ; đọc hết các loại báo chí và suốt phần tối còn lại làm sổ sách kế toán với chủ nhà băng của ông ta, rồi về nhà đi nằm. Ông ta sống trong dãy phòng trước kia thuộc người cùng hùn vốn đã qua đời. Đó là một dãy phòng tối tăm, trong ngôi nhà rầu rĩ xây lấp cái sân, chẳng mấy khi có sinh khí đến nỗi người ta phải nghĩ rằng khi còn là ngôi nhà mới, nó đã chạy đến đó chơi trò trốn tìm với những ngôi nhà khác và quên mất đường ra. Hiện giờ nó đã đủ cũ kỹ, chẳng có ai sống ở đó ngoài Scrooge, ông biết rõ từng hòn đá trên ngôi nhà, không cần dò dẫm bằng tay. Sương mù và băng giá lơ lửng trên cái cổng cũ kỹ, đen đủi của ngôi nhà, như thể Thần Thời tiết đang ngồi rầu rĩ suy ngẫm trên ngưỡng cửa.

Lúc này, thực ra cái vòng sắt để gõ trên cánh cổng chẳng có tí gì đặc biệt, ngoài việc là một cái vòng to tướng. Cũng có một thực tế là trong suốt thời gian sống ở đây, Scrooge vẫn nhìn thấy nó, ban đêm và buổi sáng, vì ông ta có rất ít thứ được gọi là ngông cuồng như bất cứ người đàn ông nào ở Trung tâm thương nghiệp và tài chính London, kể cả – đây là một từ táo bạo – các ông ủy viên Hội đồng thành phố, Hội đồng khu và hội viên phường hội. Scrooge cũng chẳng hề dành ý nghĩ nào nhớ đến Marley từ lần cuối cùng ông ta nhắc đến người cùng hùn vốn đã chết bảy năm trước, vào một buổi chiều như thế này. Hãy để cho bất cứ người nào giải thích cho tôi, nếu như có thể được, chuyện xảy ra với Scrooge, lúc cho chìa vào lỗ khóa, ông ta nhìn thấy ở chỗ cái vòng – không hề thay đổi tí teo nào – không phải là cái vòng gõ cửa, mà là bộ mặt của Marley.

Bộ mặt của Marley. Nó không phải là một cái bóng bí hiểm như các đồ vật khác trong sân, mà có một ánh sáng lờ mờ giống như một người rất chi ngớ ngẩn trong xà lim tăm tối. Không giận dữ cũng không hung ác, nhưng nó nhìn Scrooge như Marley vẫn nhìn; với những hình ảnh ma quái xuất hiện trên vầng trán bóng ma. Mớ tóc ngọ nguậy kỳ lạ, như có hơi thở hoặc khí nóng thổi qua, dù cặp mắt mở to hoàn toàn bất động. Cặp mắt màu chì nom khó chịu, nhưng vẻ ghê tởm của cái nhìn hình như bất chấp bộ mặt, đúng hơn là có một vẻ biểu cảm riêng không kiềm chế nổi.

Lúc Scrooge nhìn chằm chằm vào hiện tượng kỳ lạ này, nó lại là cái vòng gõ cửa.

Nói rằng ông ta không giật mình, hoặc máu ông ta không có cảm giác cảm giác kinh hoàng từ thời còn ẵm ngửa như người khác, sẽ là không đúng sự thật. Nhưng Scrooge đặt tay lên chìa khóa mà ông ta đã buông ra, kiên quyết xoay rồi bước vào nhà và châm nến.

Ông ta đã dừng lại, phân vân giây lát trước khi đóng cửa. Trước hết, ông ta đã cẩn thận ngoái nhìn đằng sau, như thể sợ thấy điếu thuốc lá quấn thành cuộn dài của ông Marley thò vào tiền sảnh. Nhưng đằng sau cửa chẳng có gì ngoài những ốc, vít giữ cái vòng gõ cửa, nên ông ta nói:

– Xì, vớ vẩn! – Rồi ông đóng sầm cửa lại.

Tiếng động vang khắp nhà như sấm. Mỗi căn phòng tầng trên và từng cái thùng trong hầm rượu ở tầng dưới hình như có một kiểu tiếng vọng riêng. Scrooge không phải là người sợ tiếng vang. Ông ta đóng chặt cửa, qua tiền sảnh rồi lên gác: cũng chậm rãi, vừa đi vừa cắt tàn nến.

Bạn có thể bép xép một cách vô tâm về việc cầm cương một chiếc xe ngựa lên sáu đợt cầu thang cũ kỹ hoặc thông qua một đạo luật quá non nớt của Quốc hội; nhưng ý tôi muốn nói là có thể đưa một cái nhà táng lên cầu thang đó, nó chiếm hết bề rộng, trục xe hướng vào tường, cửa hướng vào các chấn song, và làm việc đó dễ dàng. Hãy còn rộng, còn lại nhiều khoảng trống, có lẽ đấy là lý do khiến Scrooge tưởng như nhìn thấy cái nhà táng đi trước ông ta trong cảnh tối tăm. Nửa tá đèn hơi ngoài phố còn không chiếu đủ sáng cho lối vào, vì thế với một ngọn nến của Scrooge, có thể thấy là khá tối.

Scrooge cứ đi, cóc sợ gì hết. Bóng tối là thứ rẻ mạt, và Scrooge thích thế. Nhưng trước khi đóng cánh cửa nặng trịch, ông ta đi khắp các phòng xem mọi thứ có an toàn không. Chỉ vừa chợt nhớ đến bộ mặt, ông ta đã rất muốn làm việc đó.

Phòng khách, phòng ngủ, phòng chứa đồ cũ. Tất cả đâu vào đấy. Không có kẻ nào dưới gầm bàn, không có kẻ nào dưới sofa; ngọn lửa lom đom trong lò; thìa và chậu rửa đã sẵn sàng; một xoong nhỏ đựng cháo hoa trong ngăn giữ ấm thức ăn (Scrooge đang nhức đầu sổ mũi). Không có kẻ nào dưới gầm giường; không có ai trong phòng kho; không có ai trong phòng thay quần áo khiến ông ngập ngừng vì đã nghi ngờ ngớ ngẩn. Phòng để đồ cũ vẫn như thường lệ. Khung lò sưởi cũ, giày cũ, hai cái giỏ đựng cá cũ, giá rửa mặt ba chân và một cái que cời.

Cảm thấy rất vừa ý, Scrooge đóng cửa lại và khóa trái, khóa hai lần không phải là thói quen của ông. An toàn chống lại bất ngờ đến mức ấy, ông tháo cà vạt, vận áo choàng ngủ và xỏ đôi dép lê, đội mũ ngủ, ông ngồi trước lò sưởi trước khi ngọn lửa lan khắp bụng lò.

Thực ra ngọn lửa rất nhỏ, chẳng nghĩa lý gì trong một đêm rét mướt đến thế. Scrooge buộc phải ngồi xích lại gần lò và suy nghĩ ủ ê trước khi bòn rút được cảm giác ấm áp nhỏ nhoi với một dúm chất đốt như vậy. Cái lò sưởi đã cũ, do một thương nhân Hà Lan xây từ trước đó rất lâu, xung quanh lát gạch cổ hình vuông của Hà Lan, vẽ các minh họa trong Kinh Thánh. Có Cain và Abel, các con gái của Pharaoh, Hoàng hậu Sheba, những thiên thần tín sứ hạ xuống qua không trung trên những đám mây như những tấm thảm lông chim, Abraham, Belshazzar, các thánh tông đồ ra khơi trên các bình đựng nước sốt, hàng trăm hình ảnh thu hút suy nghĩ của ông; Rồi, bộ mặt của Marley đã chết bảy năm trước, lừ lừ tiến đến giống như cây quyền trượng của nhà tiên tri cổ và nuốt chửng toàn bộ. Nếu mỗi viên gạch lát nhẵn nhụi lúc đầu trống không, từ những ý nghĩ rời rạc của ông có thể hình thành hình ảnh nào đó trên bề mặt, thì lúc này trên từng viên gạch là một bản sao cái đầu của ông già Marley.

– Láo toét! – Scrooge nói và đi khắp phòng.

Được vài vòng, ông ta lại ngồi xuống. Lúc ngả đầu vào ghế, cái nhìn của ông bất chợt dừng lại trên cái chuông, một cái chuông bỏ đi treo trong phòng, vì lý do nào đó nay đã bị quên lãng, nối với gian phòng trên tầng thượng ngôi nhà. Ông vô cùng sửng sốt và kinh hãi lạ lùng, không sao giải thích nổi khi thấy cái chuông bắt đầu lắc lư. Ban đầu nó đu đưa nhè nhẹ, chỉ vừa phát ra tiếng động; nhưng chẳng mấy chốc nó ngân vang, và thế là mọi cái chuông trong nhà cũng ngân theo.

Việc này chỉ độ nửa phút hoặc một phút, nhưng dường như dài đến một giờ. Tiếng chuông cùng ngừng bặt như lúc bắt đầu. Tiếp theo là tiếng loảng xoảng, mãi tít ở bên dưới như có người đang kéo lê một dây xích nặng trên các thùng rượu trong hầm của nhà buôn. Scrooge chợt nhớ đã từng nghe nói linh hồn trong các ngôi nhà ma được miêu tả hay kéo lê sợi xích.

Cánh cửa hầm bật mở ầm vang, sau đó Scrooge nghe thấy tiếng động còn to hơn trên sàn phía dưới, rồi lan lên trên cầu thang, đến thẳng cửa phòng ông.

– Cực vô lý! – Scrooge nói. – Ta không thể tin nổi!

Tuy vậy, ông biến sắc khi không hề ngừng lại, tiếng động ấy xuyên qua cánh cửa nặng nề và đi vào căn phòng trước mắt ông. Đúng lúc nó vào, ngọn lửa lom đom bừng sáng dường như reo lên: “Tôi biết ông ta! Hồn ma của Marley!”, rồi nó lại hạ xuống.

Vẫn bộ mặt ấy, chính bộ mặt ấy. Ông già Marley tóc thắt bím, vận áo gilê thường ngày, quần bó, đi ủng; nhiều quả tua lởm chởm trên đôi ủng, cũng như trên bím tóc, vạt áo choàng và tóc trên đầu ông ta. Sợi xích ông ta kéo móc vào thắt lưng. Nó dài và cuốn quanh người như một cái đuôi; Scrooge quan sát kỹ thì thấy nó kết bằng các hộp đựng tiền, chìa khóa, khóa móc, gióng, những cái ví nặng rèn bằng thép. Thân hình Marley trong suốt, nên Scrooge quan sát và nhìn thấu qua cái gilê, thấy cả hai cái khuy ở đằng lưng áo khoác.

Scrooge thường nghe nói Marley không có ruột, nhưng ông chẳng bao giờ tin, cho đến lúc này.

Không, ngay cả lúc này ông ta vẫn không tin. Dù Scrooge nhìn thấy bóng ma từ đầu đến chân và đứng lù lù trước mặt ông, dù ông cảm thấy ớn lạnh vì cặp mắt chết và nhìn rõ từng thớ vải của chiếc khăn vuông gấp lại buộc quanh đầu và cằm, tấm vải liệm trước kia ông để ý, ông vẫn hoài nghi và cố cưỡng lại cảm giác của mình.

– Giờ thì sao đây? – Scrooge nói, cay độc và lạnh lùng như thường lệ. – Ông muốn gì ở tôi?

– Nhiều lắm! – Tiếng Marley, không còn nghi ngờ gì nữa.

– Ông là ai?

– Hãy hỏi tôi đã là ai.

– Vậy thì, ông đã là ai? – Scrooge nói, cao giọng. – Ông là trường hợp cá biệt cho một vong hồn. – Scrooge định nói “với một vong hồn”, nhưng đổi lại cho thích hợp hơn.

– Lúc sống, tôi là Jacob Marley, người hùn vốn với ông.

– Ông có thể, có thể ngồi xuống được không? – Scrooge hỏi, nhìn ông ta ngờ vực.

– Có thể.

– Vậy ông ngồi đi.

Scrooge hỏi vậy vì không biết bóng ma trong suốt kia có thể tự ngồi xuống ghế không, và nếu không thể liệu có kèm theo một lời giải thích lúng túng không. Nhưng bóng ma ngồi xuống phía bên kia lò sưởi, dường như vẫn quen như thế.

– Ông không tin tôi, – bóng ma nhận xét.

– Tôi không tin, – Scrooge nói.

– Bằng chứng gì để ông nhận ra sự hiện hữu của tôi ngoài các giác quan của ông?

– Tôi không biết, – Scrooge nói.

– Tại sao ông không tin vào các giác quan của mình?

– Bởi vì, – Scrooge nói, – có một thứ nho nhỏ ảnh hưởng đến chúng. Một rối loạn nhỏ của dạ dày khiến chúng bất thường. Có lẽ ông không tiêu hóa nổi một miếng thịt bò, một vết mù tạc, một mẩu phó mát, một miếng khoai tây chưa thật chín. Dù ông là ai thì thêm một chút nước sốt còn hơn là phần mộ của ông!

Scrooge không quen nói những câu đùa dí dỏm, lúc này trong thâm tâm càng chẳng có lòng dạ nào bông đùa. Thực ra, ông đang cố tỏ ra khéo léo để nhãng trí và giảm bớt nỗi kinh hãi; vì giọng nói của con ma xáo lộn tận tủy xương ông.

Scrooge cảm thấy ngồi im lặng một lát, nhìn trừng trừng vào cặp mắt bất động, đờ đẫn của con ma sẽ áp đảo được nó. Con ma mang đến một không khí địa ngục thật khủng khiếp. Scrooge không thể cảm thấy, nhưng rõ ràng là có; Tuy nó ngồi không nhúc nhích, song tóc nó, vạt áo nó, các quả tua vẫn lắc lư vì hơi nóng tỏa ra từ lò.

– Ông có nhìn thấy cái tăm này không? – Scrooge nói, nhanh chóng trở lại câu chuyện vì muốn chỉ trong giây lát, lái cái nhìn chằm chằm, lạnh lùng của ảo ảnh khỏi mình.

– Có chứ, – bóng ma đáp.

– Ông không nhìn vào nó, – Scrooge nói.

– Nhưng tôi vẫn nhìn thấy nó, – bóng ma nói.

– Quái quỷ! – Scrooge đập lại, – tôi phải chịu đựng chuyện này, và vì những ngày còn lại của tôi bị cả đám ma mãnh quấy quả, tất cả đều do trí tưởng tượng của tôi mà ra. Bịp bợm, tôi nói với ông đấy: bịp bợm!

Nghe câu ấy, hồn ma rít lên khủng khiếp và giũ sợi xích thành tiếng ảm đạm và kinh hoàng khiến Scrooge vội nắm chặt lấy cái ghế để khỏi ngã lăn ra bất tỉnh. Nhưng ông ta còn kinh hãi hơn nữa khi bóng ma giật dải băng quanh đầu, dường như đeo nó trong nhà quá nóng, hàm dưới của nó rơi xuống ngực!

Scrooge quỵ gối, đưa hai bàn tay bưng mặt.

– Trời ơi! – Ông ta nói. – Hỡi hồn ma rùng rợn, tại sao lại quấy rầy tôi?

– Hỡi con người của cõi trần! – Bóng ma đáp, – ông đã tin là tôi hay không nào?

– Tôi tin, – Scrooge nói, – tôi phải tin thôi. Nhưng tại sao có các linh hồn lang thang trên mặt đất, và tại sao họ lại đến với tôi?

– Nó tùy thuộc từng người, – hồn ma đáp, – vì linh hồn của người chết sẽ đi giữa những người cùng hội cùng thuyền và di chuyển vừa xa vừa rộng; còn nếu linh hồn đó không được xuất đầu lộ diện vì nó bị kết án ngay cả sau khi chết. Nó chịu số phận lang thang khắp thế giới – ôi chao, khổ thân tôi chưa! – và chứng kiến những thứ không thể chia sẻ nhưng có thể chia sẻ trên trần gian, và trở nên hạnh phúc!

Hồn ma lại cao giọng, giũ sợi xích và vặn đôi bàn tay mờ ảo.

– Ông đang bị xiềng xích, – Scrooge nói, run run. – Hãy cho tôi biết vì sao?

– Tôi mang sợi xích tôi đã rèn lúc sinh thời, – bóng ma đáp. – Tôi đã rèn hết mắt này đến mắt khác, hết thước này đến thước khác; tôi đã ràng buộc ý chí tự do của mình và giờ đây tôi phải đeo nó. Kiểu này lạ với ông lắm sao?

Scrooge mỗi lúc càng run hơn.

– Liệu ông có biết, – bóng ma truy tiếp, – trọng lượng và chiều dài của sợi xích bền vững mà ông đeo không? Nó nặng và dài bằng bảy đêm trước Giáng sinh này vậy. Vì lẽ ông phải dốc sức làm nó. Đây là một xiềng xích nặng nề!

Scrooge liếc nhìn khắp sàn xung quanh, hy vọng thấy mình bị dăm, sáu chục sải xích sắt bao quanh, nhưng không nhìn thấy gì.

– Jacob! – ông ta nói, van nài. – Ông Jacob Marley, xin ông hãy tiết lộ thêm nữa! Hãy nói với tôi vài lời an ủi, ông Jacob!

– Tôi chẳng có gì mà cho, – bóng ma đáp. – Nó thuộc các lĩnh vực khác, Ebenezer Scrooge ạ, do các giáo sĩ khác truyền tải cho nhiều loại người khác. Tôi cũng không thể cho ông biết tôi sẽ làm gì. Thêm một chút xíu nữa là tất cả những gì tôi được phép. Tôi không được nghỉ ngơi, không được lưu lại, không được nấn ná ở bất cứ nơi đâu. Linh hồn tôi chẳng bao giờ đi xa hơn phòng tài vụ của chúng ta – hãy nhớ lấy lời tôi – sinh thời, tinh thần của tôi cũng chưa bao giờ đi xa hơn giới hạn nhỏ hẹp cái khe đổi tiền của chúng ta; và những chuyến đi mệt mỏi còn trước mắt tôi!

Scrooge có thói quen mỗi khi trầm ngâm lại thọc bàn tay vào vòng khóa túi. Ngẫm nghĩ lời con ma vừa nói, Scrooge làm y như thế, nhưng mắt không ngước lên hoặc nới lỏng đôi đầu gối.

– Chắc hẳn ông rất chán việc đó, – Scrooge nhận xét bằng giọng thiết thực, dù với vẻ nhún nhường và tôn kính.

– Chán! – bóng ma nhắc lại.

– Chết đã bảy năm, – Scrooge đăm chiêu. – Và nay đây mai đó suốt?

– Suốt, – bóng ma nói. – Không nghỉ ngơi, không yên ổn. Bị sự ăn năn hành hạ triền miên.

– Ông di chuyển có nhanh không? – Scrooge nói.

– Trên cánh gió, – bóng ma đáp.

– Trong bảy năm, hẳn ông đã đến rất nhiều nơi, – Scrooge nói.

Nghe câu đó, bóng ma lại buột ra một tiếng kêu nữa và rung sợi xích loảng xoảng, nghe càng khủng khiếp trong màn đêm lặng như tờ.

– Chao ôi! Giam cầm, trói buộc và xiềng xích gấp đôi, – con ma than thở, – những kẻ bất tử không biết đến những năm tháng lao động không ngừng, để trái đất này phải trở thành bất diệt trước khi những tốt đẹp của nó bị ảnh hưởng vì mọi sự phát triển! Không biết mọi hồn ma Công giáo làm việc chăm chỉ trong lĩnh vực nhỏ bé của mình có hay rằng dù thế nào đi nữa, nó sẽ thấy cuộc sống dài lê thê và buồn tẻ của mình quá ngắn ngủi cho vô vàn phương kế được sử dụng! Không biết rằng bao nhiêu ân hận mới có thể sửa chữa những dịp sai trái trong đời con người! Tôi là kẻ như thế đấy! Chao ôi, tôi là thế đấy!

– Nhưng ông vốn là người thạo việc lắm kia mà, ông Jacob! – Scrooge ấp úng nói, lúc này ông ta bắt đầu nghĩ đến việc mình sẽ bị y như thế này.

– Công việc ư! – Bóng ma kêu lên, lại siết chặt hai bàn tay. – Nhân loại là công việc của tôi. Phúc lợi chung là công việc của tôi; lòng từ thiện, sự khoan dung, sự độ lượng và nhân từ, tất cả, là công việc của tôi. Những cuộc giao dịch buôn bán của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương mênh mông các công việc của tôi mà thôi!

Con ma giơ cao sợi xích trên cánh tay, như đó là nguyên nhân của mọi nỗi tiếc thương vô tích sự, rồi lại quăng mạnh lên sàn lần nữa.

– Lần này, cả một năm trời qua, – con ma nói, – là tôi khốn khổ nhất. Vì sao tôi phải đi qua đám bạn bè, cắm mặt nhìn xuống đất và không bao giờ dám ngẩng lên để Ngôi sao may mắn đưa những con người khôn ngoan đến một nơi ở nghèo khổ? Không căn nhà nghèo khổ nào có ánh sáng chỉ đường cho tôi sao?

Scrooge mất hết can đảm khi nghe con ma cứ nói mãi kiểu này, và bắt đầu run như cầy sấy.

– Hãy nghe tôi! – Bóng ma gào. – Thời gian của tôi sắp hết rồi.

– Tôi sẽ nghe, – Scrooge nói. – Nhưng đừng gay gắt với tôi! Đừng nói năng văn vẻ nữa, Jacob! Tôi xin ông đấy!

– Vì sao tôi lại xuất hiện trước mặt ông trong hình dạng để ông có thể nhìn thấy thì tôi không thể nói ra. Tôi phải ngồi vô hình cạnh ông rất nhiều ngày rồi.

Ý nghĩ này chẳng dễ chịu gì. Scrooge run và lau những giọt mồ hôi túa ra trên trán.

– Về phần tôi, hành xác như thế cũng chẳng nhẹ nhõm gì, – bóng ma tiếp tục. – Tôi đến đây tối nay để báo cho ông rằng ông có một cơ hội và hy vọng thoát khỏi số phận như tôi. Một cơ hội và hy vọng mà tôi kiếm được, Ebenezer ạ.

– Ông lúc nào cũng là bạn tốt của tôi, – Scrooge nói. – Cảm ơn ông.

– Ông sẽ bị Ba Vong hồn ám ảnh, – con ma nói tiếp.

Con ma vừa nói xong, mặt Scrooge chảy xị xuống.

– Đấy là cơ hội và hy vọng mà ông nói đến ư, Jacob? – Ông ta hỏi, giọng run run.

– Đúng thế.

– Tôi… tôi nghĩ thà không có còn hơn, – Scrooge nói.

– Không có những cuộc viếng thăm của họ, – con ma nói, – ông đừng mong hòng thoát được con đường của tôi. Hy vọng rằng cuộc thăm đầu tiên sẽ vào ngày mai, khi chuông báo Một giờ.

– Tôi có thể gặp họ luôn một lần cho xong có được không, Jacob? – Scrooge gợi ý.

– Hy vọng là cuộc thứ hai vào đêm hôm sau, cũng vào giờ ấy. Cuộc thứ ba, vào đêm tiếp theo khi tiếng chuông cuối cùng của Mười hai giờ ngừng ngân. Ông sẽ không gặp tôi nữa; vì ích lợi của ông, hãy nhớ lại những gì đã qua giữa chúng ta!

Nói xong những lời này, bóng ma cầm dải băng trên bàn và quấn quanh đầu như trước. Scrooge biết dải băng dùng để khép hai hàm lại với nhau. Ông ta đánh bạo ngước mắt lên lần nữa và thấy vị khách siêu nhiên đối diện mình trong tư thế thẳng đứng, sợi xích quấn quanh cánh tay.

Con ma đi giật lùi tách khỏi Scrooge; cứ mỗi bước, cánh cửa sổ lại nhấc lên một chút, và khi con ma đến sát đó, cửa sổ mở toang. Nó ra hiệu cho Scrooge đến gần. Lúc hai người chỉ cách nhau hai bước chân, bóng ma Marley giơ tay, không cho Scrooge đến gần hơn. Scrooge đứng lại.

Không phải vì nghe theo mà vì ngạc nhiên và sợ hãi; vì, lúc bàn tay giơ lên, Scrooge có thể nhận ra nhiều âm thanh lộn xộn trong không khí; những tiếng than van, khóc lóc rời rạc; những tiếng than vãn buồn rầu và tự buộc tội mình không tả xiết. Sau khi lắng nghe một lát, con ma hòa với bài hát buồn và trôi vào bóng đêm tối tăm, lạnh lẽo.

Scrooge đi theo đến cửa sổ: ông ta tò mò ghê gớm. Ông ta nhìn ra ngoài.

Không khí đầy những bóng ma, vội vàng lang thang đây đó và than van rền rĩ lúc đi. Con ma nào cũng đeo xiềng y như Marley; một vài con (chắc là nặng tội) bị xích liền với nhau, không con nào được tự do. Nhiều con ma Scrooge biết khi sinh thời. Ông ta rất quen biết một con ma già mặc gilê trắng, một cái két sắt khổng lồ gắn vào mắt cá chân, lão khóc lóc thảm thiết vì không thể giúp một người đàn bà bất hạnh bế đứa trẻ sơ sinh ngay dưới ngưỡng cửa. Cảnh khốn khổ của họ hiển hiện rõ ràng, vì họ cố tìm cách giúp đỡ những việc có tình người, song họ đã mất sức mạnh vĩnh viễn.

Scrooge không thể nói những người này tan vào sương mù hay sương mù che lấp họ. Nhưng họ và những tiếng nói của vong hồn họ cùng nhạt nhòa dần, và màn đêm lại y như lúc ông về nhà.

Scrooge đóng cửa sổ, kiểm tra cái cửa con ma đã lọt vào. Nó khóa hai lần, do chính tay ông khóa, các then không hề suy suyển. Ông định nói: “Bịp bợm!” nhưng dừng lại ngay ở âm tiết đầu tiên. Hoặc vì những cảm xúc ông vừa trải qua, hoặc vì sự mệt nhọc ban ngày, hoặc vì ông ta đã hé thấy Thế giới Vô hình, hoặc vì câu chuyện chán ngắt của hồn ma, hoặc vì sự muộn màng của thời khắc, lại quá thiếu nghỉ ngơi, ông ta đi thẳng đến giường, không cởi quần áo và thiếp đi ngay lập tức.

Bình luận
× sticky