Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truy Tìm Bức Tranh Thánh

Chương 5

Tác giả: Jeffrey Archer

Adam mất vài phút để kiểm tra lại cả hai tài liệu một lần nữa. Anh đặt lại nguyên bản vào chiếc phong bì đã phai màu rồi đặt phong bì vào cuốn Kinh Thánh trên giá sách. Cuối cùng anh gấp bản chép lại bức thư của Goering làm ba phần theo chiều ngang, cẩn thận cắt rời rồi trải chúng lên giường. Vấn đề tiếp theo Adam là phải làm thế nào có được bản dịch tài liệu và bức thư của Goering mà không gây sự tò mò không cần thiết nào. Những năm tháng trong quân ngũ đã dạy cho anh biết rõ rang. Anh mau chóng gạt bỏ sứ quán Đức, Hội Du lịch Đức và hãng Thông Tấn Đức, bời vì cả ba cơ quan trên đều quá nghiêm chỉnh cho nên sẽ hay hỏi những câu lằng nhằng. Sau khi mặc quần áo xong, anh đi xuống phòng lớn và lật giở những trang trong cuốn Niên giám London cho đến khi tìm được các trang cần thiết:

Đài phát thanh Đức.

Viện Văn hoá Đức

Đường sắt Vương quốc Đức,

Bệnh viện Đức.

Mắt anh lướt sang phần “Chuyển giao kỹ thuật Đức” và dừng lại một cái tên có vẻ hứa hẹn. Địa chỉ nó là Nhà Bayswate, Sân vận động Craven 35, W2. Anh nhìn đồng hồ.

Mười giờ kém mấy phút Adam rời khỏi căn hộ, ba mẩu của bức thư kín đáo trong túi trong của chiếc áo thể thao sặc sỡ. anh đi về phía Edith Grove rồi rẽ vào đường Hoàng đế, tận hưởng mặt trời buổi sáng. Đường phố đã thay đổi nhiều so với hồi anh cón là một hạ sĩ quèn. Những tiệm quần áo thời trang đã thay thế những hiệu sách cổ lỗ. Các tiệm băng nhạc đã thay cho tiệm sửa giày cũ kĩ. Chỉ cần đi nghỉ mười lăm ngày thôi là bạn sẽ không thể tin chắc là khi trở lại có còn những thứ gì không thay đổi nữa không- anh buồn bã nghĩ.

Rất đông người từ trên hè đi tràn cả xuống lòng đường. Họ nhìn nhau chằm chằm hoặc bị nhìn chằm chằm, tuỳ theo lứa tuổi của mỗi người. Khi Adam đi qua một cửa hàng bán băng nhạc, anh không có cách nào khác là phải nghe bài “Anh muốn nắm tay em” rót thẳng vào tai từng người.

Khi đến được Quảng trường Sloane thì hình như thế giới lại trở bình thường- Một phố Peter Jones, một W.H. Smith và một London ngầm. Cứ mỗi lần đi vào quảng trường này, anh lại như nghe thấy những lời hát mẹ rất hay ngân nga trong bếp:

Và người ta đem đến mời tôi

Một xu kem và một lát thịt nguội

Để mời bạn bè cùng xóm giềng,

Mọi người đã đói ngấu, và mọi người đổ lên

Quảng trường Sloane và nhà ga South Kensington.

Anh trả một shilling để mua một vé đi Paddington và khi đã ngồi trong toa tàu vắng tanh anh kiểm tra lại một lần nữa kế hoạch của mình. Khi bước đi ngập trong bầu không khí thoáng đãng của Paddington, anh dừng lại một tý để xem tên phố, và khi đã chắc đúng mới bắt đầu đi lững thững trên đường Craven cho đến khi gặp được một quán báo đầu tiên, anh bèn hỏi đường đi tới Sân vận động Craven.

Người bán báo vẫn luôn tay viết tên người nhận lên chồng báo Radio Times, không buồn ngẩng lên đáp:

– Đường thứ tư bên trái.

Adam cám ơn và mấy phút sau đã đứng ở cuối một đường đua nhìn lên một tấm biển có hàng chữ màu xanh và vàng to tướng: Hiệp Hội thanh niên Cơ đốc giáo Đức.

Anh mở cổng, đi thẳng qua cửa trước vẻ rất tự tin. Một người bồi đứng trên hành lang ngăn lại:

– Thưa ngài, tôi có thế giúp được gì không ạ?

Adam nói bằng giọng nhấn mạnh theo kiểu quân sự và giải thích là đang tìm một thanh niên tên là Hanss Kramer.

Người bồi nói, anh ta hầu như đứng nghiêm khi nhận ra chiếc cà vạt quan đội:

– Thưa ngài, tôi chưa bao giờ nghe thấy cái tên ấy ạ- Anh ta lật một quyển sổ trên bàn, nói thêm, tay dò từng cái tên trong danh sách trước mặt- Không thấy ông ta đăng ký ở đây.

Anh ta gợi ý:

– Sao ngài không thử đi xem một lượt qua các phòng khách hoặc các phòng chơi xem- anh ta chỉ ngón cái về một cái cửa bên phải.

Adam nói, vẫn không hạ giọng:

– Cám ơn.

Anh lịch sự bước qua hành lang và qua cánh cửa đẩy- phía dưới cánh cửa bị tróc hết cả sơn, cỏ vẻ như người ta thường hay lấy chân đá để mở ra hơn là dùng tay đẩy, và liếc nhìn khắp phòng. Rất nhiều sinh viên đang đi bách bộ tay cầm những tờ báo và tạp chí tiếng Đức. anh không biết mình nên bắt đầu từ đâu, mãi mới chọn một cô gái trẻ trông có vẻ là một sinh viên đang ngồi trong một góc phòng đọc tạp chí Time. Adam đi vòng quanh và ngồi xuống chiếc ghế trống cạnh cô bé. Cô gái liếc mắt nhìn và không giấu nổi vẻ ngạc nhiên trước vẻ trịnh trọng của anh. Anh chờ cô đặt tờ báo xuống bàn mới hỏi.

– Cô có thể giúp tôi một việc được không?

Cô gái hỏi, giọng có vẻ hồ nghi:

– Giúp như thế nào kia?

– Chả là tôi cần dịch một đoạn nhỏ.

Trông cô gái có vẻ nhẹ người:

– Để tôi thử xem có giúp gì được cho ông không. Ông có đem theo cái gì cần dịch đi đây không?

– Có. Hy vọng là nó không khó lắm.

Adam nói và lấy chiếc phong bì từ trong túi áo trong ra, lấy ra mảnh đầu tiên của bức thư của Goering.

Sau đó anh cất phong bì lại vào túi áo trong, lấy ra một cuốn sổ tay và hồi hộp chờ đợi. anh cảm thấy mình giống như một chàng phóng viên mới vào nghề.

Cô gái đọc đoạn thư hai ba lần rồi có vẻ hơi ngần ngừ.

– Có gì không ổn ư?

Cô gái đáp, vẫn còn tập trung vào những chữ trước mặt.

– Không hẳn thế. Nhưng có điều là lối văn hơi cổ cho nên có lẽ tôi hơi khó dịch thật sát nghĩa cho ông.

Adam thở dài nhẹ nhõm.

Cô gái đọc lại từng câu một, chậm rãi, trước hết bằng tiếng Đức, sau đó lại đọc bằng tiếng Anh tựa như muốn hiểu cả nghĩa chứ không phải dịch từng từ. Cô nói:

– Trong những… năm cuối cùng vừa qua chúng ta đã… bắt đầu trở nên hiểu biết lẫn nhau.. không, không thật rõ.

Adam chép lại từng từ trong khi cô gái dịch.

– Ông chưa từng che giấu sự kinh tởm… – Cô gái nói them: có lẽ nên dịch là căm ghét thì đúng hơn- sự căm ghét thì đúng hơn- sự căm ghét của ông đối với Đảng Dân tộc Xã hội.

Cô ngẩng đầu và nhìn Adam. Anh an ủi:

– Đó chỉ là từ một cuốn sách thôi mà.

Trông cô gái không có vẻ tin lắm, nhưng dù sao cũng dịch tiếp:

– Nhưng lần nào… không phải, luôn luôn thì đúng hơn, bao giờ ông cũng cư xử nhã nhặn đúng như một sỹ quan và một người lịch thiệp…

Cô gái lại nhìn lên, càng bối rối hơn khi đọc đến từ cuối trong mẩu thư. Cô hỏi:

– Chỉ có vậy thôi ư? Chẳng có nghĩa gì cả. Chắc là phải còn nữa chứ?

Adam nhanh nhẹn lấy lại tờ giấy và nói:

– Không, chỉ có vậy thôi. Cám ơn cô. Cô thật vô cùng tốt bụng đã giúp tôi.

Anh chào cô và bỏ đi, vẫn kịp nhìn thấy cô nhún vai và quay lại với tờ Time của mình. Adam quay sang tìm trong các trò chơi.

Khi đẩy cửa anh chạm trán một người đàn ông trẻ mặc chiếc áo phông in hình

World Cup và chiếc quần soóc thể thao màu nâu. Anh ta đang đập liên hồi một quả bóng bàn. Chàng trai hỏi, trông khá hờ hững:

– Anh định chơi à?

Adam nói:

– Phải.

Anh bỏ mũ ra và cầm cây vợt bóng bàn chỗ cuối bàn lên. Suốt hai mươi phút Adam phải chơi cẩn thận để chắc chắn là thua anh chàng kia 18-21, 21-12 và 17-21. Lúc mặc lại áo khoác và chúc mừng đối thủ của mình, anh tin chắc là đã chiếm được cảm tình của chàng trai.

Chàng thanh niên Đức nói:

– Anh chơi hay lắm. Đã cho tôi một trận rất đẹp.

Adam đi đến chỗ cuối bàn cạnh anh ta, nói:

– Không hiểu anh có thể giúp tôi một việc được không nhỉ?

Người thanh niên nói:

– Tạt trái à?

– Không, chỉ là tôi cần dịch mấy câu tiếng Đức- Anh đưa đoạn giữa cho chàng trai.

Một lần nữa người dịch lại rơi vào bối rối. Adam nói không quả quyết lắm:

– Đó là một đoạn của một cuốn sách thôi mà.

– Ô kê, tôi thử xem.

Trong khi chàng trai bắt đầu nghiên cứu đoạn văn thì cô gái mà anh nhờ dịch đoạn đầu bỗng xuất hiện trong phòng chơi và đi về phía họ. Người thanh niên nói:

– Có vẻ hơi khó đây. Tôi dịch không tốt lắm. Tôi cho là cô bạn gái tôi có lẽ dịch tốt hơn. Để tôi hỏi cô ấy.

Không nhìn Adam, anh ta đưa đoạn thư cho cô gái. Cô ta nói ngay:

– Tôi đã biết nhất định phải còn nữa mà.

Adam nói:

– Không, không, thôi các bạn không phải bận tâm nữa- Anh giật mảnh giấy từ tay cô gái rồi quay sang chàng thanh niên- Cám ơn vì trận đấu. Xin lỗi là đã quấy rầy các bạn.

Nói rồi anh vội vã đi ra hành lang về phía cửa trước.

– Thưa ngài, ngài có tìm thấy anh ấy không ạ?

Adam hỏi:

– Tìm anh ấy?

Người bồi bàn đáp:

– Hans Kramer ấy mà.

Adam nói:

– Ồ, có, cám ơn anh

Anh quay lại để nhìn thì thấy cô gái và anh thanh niên kia đang đuổi theo sát đằng sau.

Adam chạy ra giữa đường vẫy một cái taxi đi ngang qua. Người lái xe hỏi:

– Đi đâu?

– Khách sạn Royal Cleveland.

– Nhưng nó ở ngay sau chỗ rẽ kia thôi mà.

– Tôi biết. Nhưng tôi đã bị muộn mất rồi.

Người lái xe nói:

– Tuỳ ông thôi. Tiền của ông mà.

Chiếc xe lăn bánh, Adam nhìn lại thấy anh chàng đối thủ bóng bàn của mình đang nói gì đó với người bồi. Cô gái đứng cạnh hai người, chỉ về phía chiếc taxi.

Adam chỉ cảm thấy yên tâm khi chiếc taxi rẽ ngoặt sang đường khác, và khuất khỏi tầm nhìn của mấy người kia.

Không đầy một phút sau chiếc taxi đỗ trước cửa khách sạn Royal Cleveland. Adam đưa cho người lái taxi một nửa curon và không chờ thối lại. Sau đó anh đẩy cánh cửa quay của khách sạn và đi loanh quanh trong sảnh mấy phút trước khi trở ra hè phố. Anh nhìn đồng hồ đeo tay: Mười hai giờ rưỡi. Còn đủ thời gian ăn trưa trước khi đến cuộc phỏng vấn ở Bộ Ngoại giao. Anh đi băng qua đường Bayswater sang công viên, biết rõ là khó mà tìm nổi một tiệm ăn nào đó trước khi tơi được Knightssbridge.

Adam nhớ lại trận đấu bóng bàn. Quái quỷ, anh nghĩ. Lẽ ra mình phải hạ hắn. Ít nhất thì như vậy cũng còn có cái khác để cho hắn nghĩ tới.

Đôi mắt Romanov lướt trên bản danh sách mười bốn ngân hàng. Vẫn còn một cơ hội hiếm hoi là một trong mười bốn ngân hàng đó đang giữ bức tranh Thánh của Sa hoàng, nhưng những cái tên này không có ý nghĩa gì đối với anh cả. Đó là một thế giới riêng biệt và anh biết rằng mình cần phải tìm lời khuyên của một chuyên gia trong lĩnh vực này.

Anh mở khoá chiếc ngăn kéo trên cùng và giở lướt cuốn sổ màu đỏ mà chỉ những sĩ quan cao cấp nhất của Uỷ ban mới được giữ. Nhiều cái tên đã bị gạch xoá hoặc viết đè lên sau những lần thay đổi nội các, nhưng Aleksei Andreovich Poskonov vẫn giữ nguyên chức vụ hiện tại của ông ta là chủ tịch Ngân hang Quốc gia đã gần một thập kỷ. Ngoài ông ra chỉ có Gromyko, Bộ trưởng Bộ ngoại giao là làm việc lâu lăm như vậy ở một cơ quan. Romanov quay một con số trên đường dây riêng và yêu cầu nối với Chủ tịch Ngân hàng Gosbank. Một hồi lâu sau mới có giọng một người khác vang lên ở đầu dây bên kia.

– Romanov, tôi có thể giúp anh được gì đây?

Romanov nói:

– Tôi cần gặp ông gấp.

– Thật ư? – Giọng nói trầm và chói tai từ đầu dây bên kia có vẻ hờ hững rõ rệt. Romanov nghe rõ cả tiếng lật giấy loạt soạt- Tôi có thể thu xếp vào thứ ba, mười một giờ ba mươi được không?

Romanov nhắc lại:

– Tôi đã nói là rất gấp. Chuyện này có liên qua đến một vấn đề nhà nước, không thể chờ đợi được.

– Chúng tôi là một ngân hàng Quốc gia và không phải chỉ có mỗi một hay hai việc của anh thôi đâu.- Giọng nói không hề tỏ ra ân hận. Romanov dằn mình và đợi. Tiếng giở giấy loạt soạt tiếp tục- Được, tôi nghĩ là tôi xó thể gặp anh vào ba giờ bốn lăm ngày hôm nay, trong mười lăm phút. Nhưng phải báo trước là tôi có một cuộc họp rất dài vào lúc bốn giờ đúng.

Romanov nói:

– Vậy là ba giờ bốn lăm nhé.

Poskonov nói:

– Tại văn phòng tôi.

Điện thoại ngắt hẳn.

Romanov thở dài thành tiếng. Anh bắt đầu viết ra những câu hỏi cần được trả lời để có thể triển khai kế hoạch của mình. Anh không thể lãng phí một phút trong mười lăm phút người ta cho ấy. Khoảng một giờ sau anh yêu cầu được gặp Chủ tịch. Lần này anh không phải chờ đợi tí nào.

Sau khi Romanov trình bày ý định của mình xong. Yuri hỏi:

– Có phải chúng ta định chơi với bọn tư bản bằng chính trò của chúng không? Hãy cẩn thận. Chúng chơi trò này già đời hơn chúng ta nhiều.

Romanov nói:

– Tôi hiểu điều đó. Nhưng nếu bức tranh Thánh đang ở phương Tây, thì tôi chỉ còn cách sử dụng chính phương pháp của chúng mới có thể đặt tay lên bức tranh đó được.

Chủ tịch nói:

– Có lẽ vậy. Nhưng với tên tuổi của anh thì một sự tiếp cận như vậy có thể bị hiểu lầm đấy.

Romanov biết tốt hơn hết là không làm gián đoạn phút im lặng ngắn ngủi.

– Đừng lo, tôi sẽ hỗ trợ tất cả những gì anh cần. mặc dầu tôi chưa bao giờ yêu cầu một việc như thế này.

Romanov hỏi:

– Tôi có được phép biết tại sao bức tranh Thánh đó lại quan trọng đến thế không ạ?

Chủ tịch nhăn mặt:

– Tôi không được phép trả lời câu hỏi đó. Nhưng với sự quan tâm nhiệt tình đến như thế của các vị lãnh đạo thì có thể suy luận rằng, cái mà chúng ta theo đuổi không phải chỉ là bản thân bức tranh.

Romanov nghĩ: Liệu bức tranh có thể chứa đựng bí mật gì nhỉ, anh quyết định hỏi tiếp:

– Tôi thấy phân vân không biết…

Chủ tịch lắc mạnh đầu rồi đứng lên và đi về phía bức tường và xé một tờ lịch.Ông nói:

– Chúng ta chỉ còn mười ngày nữa để tìm ra cái của chết tiệt ấy nữa thôi. Ngày nào sếp cũng gọi điện cho tôi vào lúc một giờ sáng.

Romanov nói:

– Một giờ sáng?

Chủ tịch quay lại bàn và nói:

– Phải. Người bảo tôi là ông già tôi nghiệp không thể nào ngủ được. Rôi đến lúc nào đó tất cả chúng ta cũng sẽ như vậy thôi- kể cả anh nữa, Romanov, và có khi anh còn mất ngủ sớm hơn kia, nếu như anh không thôi đi đừng có hỏi mãi như vậy.

Ông nhăn nhó cười với người đồng nghiệp trẻ.

Mấy phút sau Romanov rời khỏi phòng Yuri và quay lại văn phòng mình để xem lại những câu hỏi cần được chủ tịch ngân hàng Gosbank trả lời. Anh không thể bị phân tán tư tưởng bởi câu hỏi liệu có thể có cái gì đó đáng chú ý đến thế trong một bức tranh bé tí như vậy, nhưng anh thừa nhận rằng cần phải hết sức tập trung mọi khả năng để tìm cho ra nó, khi đó may ra bí mật mới sáng tỏ được.

Ba giờ ba mươi Romanov đã đặt chân lên bậc thềm toà nhà Neglinnaya 12, vì biết rằng sẽ cần nhiều hơn số mười lăm phút đã được phép để có thể hỏi được hết các câu hỏi. Anh hy vọng Poskonov may ra có thể đồng ý cho gặp ngay.

Sau khi Romanov tự giới thiệu với cô trực ban, một người bảo vệ mặc đồng phục dẫn anh lên tầng một, ở đó một thư ký của Poskonov đã chờ sẵn, Romanov được dẫn vào phòng chờ.

Người thư ký nói:

– Thưa ông Romanov, tôi sẽ vào báo ngay cho Chủ tịch ngân hàng rằng ông đã đến.

Nói rồi anh ta biến mất vào phòng mình. Romanov nhấp nhổm sốt ruột trong phòng chờ, nhưng không thấy người thư ký quay lại cho đến khi kim đồng hồ chỉ đúng vạch ngang. Đúng ba giờ bốn lăm, Romanov được mời vào phòng chủ tịch.

Chàng thiếu tả trẻ sửng sốt vì sự sang trọng của gian phòng. Một tấm man nhung dài màu đỏ, sàn nhà lát đá cẩm thạch, và những đồ nội thất cầu kỳ kiểu Pháp như vừa được đem ra khỏi Phòng Chủ tịch Ngân hàng Anh quốc mang về đây. Đây không phải lần đầu tiên Romanov nhận xét rằng đồng tiền vẫn là một thứ hàng hoá quan trọng nhất thế giới- Anh nhìn người đàn ông luống tuổi với mái tóc thưa màu xám và chòm râu rậm rì đang điều khiển tiền của một quốc gia. Người ta đồn đại rằng ông biết rõ mọi bí mật xấu xa của tất cả moi người. Romanov nghĩ, mọi người, trừ mình. Bộ đồ của ông thật sang trọng và có lẽ sắp một lần nữa được coi là � Hợp thời� ở phố Hoàng đế của London.

Nhà ngân hàng hỏi bằng một giọng mệt mỏi, tựa như đang nói chuyện với một khách hàng tầm thường đến hỏi vay một món tiền nhỏ:

– Tôi có thể làm gì cho anh, anh Romanov?

Romanov lạnh nhạt trả lời:

– Tôi cần một trăm triệu đô la Mỹ, được đảm bảo bằng vàng, ngay lập tức.

Vẻ mặt chán ngán của vị Chủ tịch ngân hàng thay đổi ngay lập tức. Mặt đỏ tía lên, ông ngồi phịch xuống ghế. Ông thở dồn dập một hồi rồi rút ngăn kéo, lấy ra một hộp nhỏ đổ ra một viên thuốc to màu trắng. Mất mấy phút sau ông mới trấn tĩnh lại được.

Ông lão hỏi:

– Anh có điên không đấy? Anh hẹn gặp tôi mà không nói lý do gì cả, rồi anh đến văn phòng tôi và yêu cầu tôi phải đưa ngay cho anh một trăm triệu đô la Mỹ, được đảm bảo bằng vàng không một lời giải thích. Vì lý do gì mà anh lại đưa ra một đề nghị phi lý đến như vậy?

Romanov nói:

– Đó là một công việc quốc gia. Nhưng bởi vì ông đã hỏi thì tôi xin giải thích là tôi định đặt cọc vào một tài khoản đánh số ở Thụy Sỹ.

Vị Chủ tịch ngân hàng hỏi bằng giọng bình tĩnh hơn:

– Vậy ai uỷ quyền cho anh đưa ra một yêu cầu như vậy?

– Lenoid,

Poskonov nói:

– Lạ thật. Tôi gặp Lenoid Ilyich ít nhất một tuần một lần mà không thấy ông ấy nhắc đến chuyện- vị Chủ tịch ngân hàng nhìn xuống tờ giấy giữa bàn- thiếu tá Romanov, một sỹ quan trung cấp- ông ta nhấn mạnh từ trung cấp, sẽ đưa ra một yêu cầu cao ngất như vậy.

Romanov bước tới một bước, cầm chiếc ống nghe bên cạnh Poskonov lên đưa cho ông ta và nói:

– Sao ông không tự hỏi Leonid Ilyich đi để khỏi mất thì giờ của cả hai chúng ta?

Anh đẩy chiếc điện thoại về phía nhà ngân hàng. Poskonov nhìn lại, cầm chiếc ống nghe lên và đặt vào tai. Romanov cảm thấy căng thẳng, thứ cảm giác mà anh chỉ có mỗi khi ở mặt trận.

Một giọng nói vang lên trong dây:

– Thưa Chủ tịch, ông gọi ạ?

Ông lão đáp:

– Phải. Hãy huỷ cuộc hẹn vào lúc bốn giờ chiều của tôi, và hãy trông chừng để tôi không bị quấy rầy.

– Tuân lệnh, thưa Chủ tịch.

Poskonov đặt ống nghe lại chỗ cũ rồi không nói lời nào, ông đứng dậy rời khỏi chỗ của mình đi vòng đến bên cạnh Romanov. Ông mời Romanov ngồi vào một chiếc ghế bành êm ái kê tận cuối phòng, rồi ngồi vào một chiếc ghế đối diện bên dưới một khuôn cửa sổ rộng.

Ông nói bằng một giọng bình tĩnh và thức tế:

– Tôi biết ông nội anh. Lần đầu tiên gặp ông cụ, tôi mới chỉ là một tay tập sự trong ngành ngân hàng. Tôi vừa ra trường xong và ông cụ đã rất tốt bụng với tôi, chỉ có điều ông cụ không kiên nhẫn như anh. Chính điều đó đã làm cho ông cụ trở thành một thương gia thành đạt nhất nước Nga và là một tay chơi phé kém nhất.

Romanov phá lên cười. Anh không hề biết gì về ông nội mình và một vài cuốn sách ít ỏi có nhắc đến ông đều đã bị huỷ hết từ lâu rồi. Cha anh vẫn thường công khai nói về của cải và địa vị của ông nội anh.

– Thiếu tá, anh làm tôi tò mò rồi đấy. Nhưng nếu như tôi trao cho anh một trăm triệu đô la vàng thì có lẽ tôi cũng nên biết nó được tiêu vào việc gì chứ. Tôi nghĩ chỉ có CIA mới có thói quen tiêu tiền mà không cần giải thích thôi.

Romanov lại phá lên cười một lần nữa và giải thích cho Chủ tịch Ngân hàng nghe họ đã phát hiện ra bức tranh Thánh của Sa hoàng là của giả ra sao, và anh đã được trao nhiệm vụ tìm lại nguyên bản thế nào. Sau khi kể xong câu chuyện, anh liệt kê tên mười bốn ngân hàng. Nhà ngân hàng xem xét bản danh sách rất kỹ càng trong khi Romanov phác ra những kế hoạch hành động mà anh đã đề xuất, nói rõ rằng món tiền đó sẽ được hoàn trả lại ngay lập tức sau khi anh đã lần ra chỗ cất giấu bức tranh Thánh bị mất.

Poskonov tự hỏi thành tiếng, tựa như Romanov không có mặt trong phòng:

– Nhưng tại sao một bức tranh Thánh bé tí lại có thể quan trọng đến thế đối với nhà nước?

Romanov thành thật trả lời:

– Tôi không hề biết.

Sau đó anh tóm tắt kết quả tìm kiếm đã đạt được, Poskonov nói:

– Liệu tôi cso được phép đề xuất một phương án khác cho kế hoạch của anh không?

Romanov nói, cảm thấy nhẹ người vì đã bắt đầu đạt được sự hợp tác của ông lão.

– Vâng ạ, nhất định rồi.

Nhà ngân hàng móc bao Dunhill trong túi áo ra, hỏi:

– Anh có hút thuốc không?

Romanov hơi nhướng mày khi nhìn thấy bao thuốc màu đó, nói:

– Không ạ.

Ông lão châm một điếu thuốc và nói:

– Bộ quần áo này cũng không được may ở Moscow, phải không thiếu tá? – Ông chỉ vào người Romanov bằng điếu thuốc lá- Nào, chúng ta quay lại công việc. Đừng ngần ngừ nếu anh thấy cần chỉ cho tôi thấy là tôi đã hiểu sai bất cứ yêu cầu nào của anh.

Ông lão gõ gõ ngón tay lên bản danh sách:

– Anh cho là bức tranh hiện đang nằm tại một trong mười bốn ngân hàng này. Vì vậy anh muốn tôi ký gửi một khoản tiền vàng lớn, với từng ngân hàng với hy vọng điều đó sẽ khiến cho anh ngay lập tức tiếp cần được vớ người chủ. Khi đó anh sẽ đề nghị chủ ngân hàng được quyền điều hành một khoản tiền một trăm triệu đô la nếu họ hứa hợp tác với anh, đúng không?

Romanov nói:

– Vâng, rõ ràng hối lộ là một cái gì đó phương Tây luôn hiểu mà.

– Tôi sẽ nói “không bao giờ” nếu không biết rõ ông nội anh, mặc dầu chính ông anh mới là người đã thôi không còn kiếm được hàng triệu rúp nữa chứ không phải tôi. Tuy nhiên, anh hình dung bao nhiêu thì là một số tiền lớn đối với một nhà băng Thụy Sỹ?

Romanov cân nhắc câu hỏi:

– Mười triệu. Hai mươi triệu?

Poskonov nói:

– Nếu đối với bất cứ ngân hàng nào ở Nga thì có lẽ như vậy. Nhưng bất cứ ngân hàng nào trong những ngân hàng mà anh hy vọng nói chuyện ấy, đều có rất nhiều khách hàng, mà mỗi khách hàng đó có thể ký gửi hàng trăm triệu đôla.

Romanov không giấu nổi ngạc nhiên.

Romanov hỏi:

– Vậy tôi cần một tỷ đôla ư?

– Không, không, không. Chúng ta cần phải tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác. Anh sẽ không thể nào bắt được một tên câu cá trộm bằng một miếng mồi thịt thỏ nướng

– Nhưng nếu như một ngân hàng Thụy Sỹ không rung động trước một khoản tiền khổng lồ thì còn có cái gì có thể làm hắn động tâm được nữa?

Vị chủ tịch ngân hàng nói:

– Đơn giản là nếu cho họ biết rằng ngân hàng của họ đã bị sử dụng vì một mục đích tội ác.

Romanov toan nói:

– Nhưng làm thế nào…

– Để tôi giải thích cho mà nghe. Anh nói rằng bức tranh Thánh của

Sa hoàng đang trưng bày trong Cung điện Mùa đông không phải là nguyên bản mà chỉ là một phiên bản. Một phiên bản rất tài tình, do một hoạ sỹ triều đình vẽ vào thế kỷ hai mươi, nhưng du sao cũng chỉ là một phiên bản. Vì thế tại sao lại không giải thích riêng cho từng ngân hàng trong số mười bốn ngân hàng kia rằng, sau khi điều tra chúng ta có đủ lý do để tin rằng một trong những bảo vật quý báu nhất của quốc gia chúng ta đã bị lấy cắp và thay vào đó bằng một phiên bản, và người ta cho rằng nguyên bản đang được ký gửi trong ngân hàng của quý ngài? Và để tránh việc gây ra một vụ việc nho nhỏ về ngoại giao- điều mà tất ca các ngân hàng Thuỵ sỹ đều muốn tránh bằng bất cứ giá nào- vì lợi ích của quan hệ tốt giữa họ với quốc gia chúng ta, nên chăng họ thử cân nhắc việc kiểm tra xem trong vô số những hiện vật họ giữ mà hai mươi năm qua chưa có ai đến nhận món đồ đó của chúng ta không?

Romanov nhìn thẳng vào ông lão, bỗng hiểu ra vì sao ông đã sống qua được chừng ấy năm sau bao nhiêu cuộc thanh lọc nội bộ.

– Ông Poskonov, tôi còn nợ ông một lời xin lỗi.

– Không, không, mỗi người chúng ta đều có sở trường riêng của mình. Tôi tin rằng tôi cũng sẽ bị lạc lối trong lĩnh vực của anh, cũng như anh đã lầm lạc trong lĩnh vực của tôi thôi. Bây giờ, nếu anh cho phép tôi liên lạc với Chủ tịch các ngân hàng trong cái danh sách này của anh và nói với họ sự thật- một vũ khí mà tôi luôn sử dụng trong kinh doanh mặc dầu tôi hình dung là các đồng nghiệp của anh không quen lắm với vũ khí đó- tức là tôi đặt giả thuyết là bức tranh Thánh của Sa hoàng đang nằm trong tay ngân hàng của họ, thì hầu hết bọn họ sẽ không thích dính dáng đến tuyệt tác đó nếu họ tin rằng làm như vậy là đã phạm phải một tội lỗi bẩn thỉu đối với một đất nước có chủ quyền.

Romanov nói:

– Tôi không thể không nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề.

Poskonov nhắc lại:

– Đúng hệt như ông nội anh. Vậy hãy như thế nhé. Nếu như có thể liên lạc được với họ, tôi sẽ nói chuyện với bọn họ hôm nay. Ít nhất liên lạc hiện đại cũng là một tiến bộ của cái thể giới đang thức tỉnh quanh ta. Hãy yên tâm là tôi sẽ gọi cho anh ngay khi có bất cứ tin tức gì.

Romanov nói và đứng dậy ra về:

– Cám ơn ông. Ông thật tốt quá.

Chủ tịch Gosbank đóng cửa lại và đi về phía cửa sổ, nhìn Romanov chạy xuống bậc thềm để đi ra chỗ chiếc xe đang đợi. Tôi không thể cấp cho anh một trăm triệu đôla vàng được, anh bạn ạ. Mình ngờ rằng lúc này không có nổi mười triệu đô la trong hầm ngân hàng. Khó mà giấu nổi một lượng bảy trăm triệu đô la vàng, thậm chí dù đó có là ở Mỹ đi chăng nữa. Vị Chủ tịch ngân hàng nhìn chiếc xe con của Romanov phóng đi. Dĩ nhiên là cũng giống ông nội. anh đọc cả tờ Washington Post lẫn tờ Pravada, người ta biết rõ về anh như vậy mà.

Adam bước ra khỏi Tattersalls Tavern ở góc Vườn Knightsbridge và đi băng qua khách sạn Công viên Hyde về phía câu lạc bộ Royal Thames Yacht. Khá lạ là Bộ Ngoại giao lại chọn chỗ này làm chỗ tiến hành phỏng vấn, nhưng thật ra mọi sự liên quan đến người xin việc đều có vẻ có chút gì bí ẩn.

Anh đến sớm vài phút và hỏi viên cựu Hải quân Hoàng gia trực ban đứng ở cửa xem chỗ phỏng vấn ở đâu. Anh ta chỉ:

– Tầng sáu, thưa ngài. Thang máy trong góc kia. Sau đó ghi tên tại bàn lễ tân.

Adam ấn nút và đứng chờ thang máy. Ngay lập tức cửa mở và anh bước vào. Trong thang máy có một người đàn ông to béo khoảng trạc tuổi anh, trông anh ta có vẻ như không bao giờ úp đĩa trước khai người ta tiếp xong lần thứ ba bất kỳ món ăn gì.Adam bấm nút tầng sáu, nhưng không ai nói câu gì trong khi họ lên tới tầng sáu.Người đàn ông to lơn bước ra trước Adam.

Anh ta nói với cô gái ngồi ở bàn lễ tân:

– Tôi tên là Wainwright.

Cô gái đáp:

-Vâng, thưa ông.Ông đến hơi sớm một chút, nhưng xin ông ngồi vào ghế kia- cô chỉ về phía một chiếc ghế kê trong góc phòng, sau đó quay sang nhìn Adam và mỉm cười:

Adam nói:

– Scottot.

Cô gái lặp lại:

– Vâng, thưa ông. Ông có thể đến ngồi cạnh ông kia được không ạ? Họ sẽ gọi ông sau ông ấy ạ.

Adam bước lại và cầm một tờ Punch lên, ngồi xuống cạnh Wainwright. Đột nhiên Adam quay lại nhìn người bạn đến phỏng vấn hỏi:

– Có bao giờ anh nói tiếng Đức không?

Wainwright ngước lên, đáp:

– Tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha. Tôi cho là vì thế mà tôi có thể tiến khá xa trong lĩnh vực này.

– Vậy chắc là anh có thể giúp tôi dịch một đoạn thư tiếng Đức.

Anh bạn đồng khoa nói:

– Dễ thôi, anh bạn ạ.

Anh ta gỡ cặp kính dày khỏi sống mũi và chờ trong khi Adam rút mảnh giữa của bức thư ra khỏi chiếc phong bì.

Wainwright nói, cầm mảnh giấy và đeo lại kính lên mắt:

– Để tôi xem thử. Quả là thử thách đây. Tôi muốn hỏi anh đó có phải là một phần của buổi phỏng vấn không đấy?

Adam mỉm cười:

– Không, không. Tôi cũng ở vị trí giống hệt như anh thôi- chỉ có điều tôi không nói được tiếng Đức, tiếng Ý hay Tây Ban Nha mà thôi.

Wainwright có vẻ nhẹ người. Anh ta nhắc lại, trong khi Adam lấy ra một cuốn sổ tay nhỏ:

– Để tôi xem thử.

– Trong một năm qua chắc ông không thể… không để ý rằng tôi vần nhận từ một trong những người lính gác một sự… một sự… cung cấp thường xuyên- Anh ta chợt nói- phải, cung cấp thường xuyên những điếu xì gà Havân, Một trong những niềm vui hiếm hi mà tôi được hưởng- không, ” được phép” mới phải, mặc dầu tôi đang bị… giam, �tôi chỉ có thể dịch được như thế là sát nhất thôi- Wainwright nói thêm- Rồi anh nói tiếp, có vẻ như đã bắt đầu thấy thích thú- Những điếu xì gà ấy còn có một mục đích khác, bởi vì chúng chứa những viên thuốc con nhộng nhỏ bé…

– Ông Scott.

Adam nhảy phắt lên tuân lệnh:

– Có tôi.

Cô lễ tân nói:

– Hội đồng gọi anh đấy.

Wainwright nói:

– Anh có muốn tôi dịch nốt trong khi chờ đợi không?

Adam đáp:

– Cám ơn anh. Tôi không muốn làm phiền anh nhiều quá.

Wainwright nói thêm:

– Dễ hơn chơi đố chữ nhiều.

Anh ta tiếp tục chăm chú vào mẩu giấy.

Alex Romanov không phải người luôn nhẫn lại trong mọi trường hợp dù thuận lợi nhất. Vậy mà giờ đây vị lãnh đạo cấp cao gọi điện cho sếp anh hai lần mỗi ngỳa, điều đó chẳng hề thuận lợi tí nào.

Trong khi chờ đợi kết quả thăm dò của Chủ tịch Ngân hàng Gosbank, anh đọc lại các báo cáo kết quả nghiên cứu và kiểm tra mọi tin tức tình báo do các điệp viên tuyến trước gửi về. Romanov nghĩ rằng lẽ ra những mẩu thông tin dù là rời rạc của Chủ tịch ngân hàng Gosbank phải được gửi đến từng giờ, nhưng anh không hề có ý định quấy quả ông lão, mặc cho thời gian mỗi lúc một cấp bách.

Cuối cùng Chủ tịch ngân hàng cũng gọi điện đến.

Vì vậy Romanov lái xe thẳng đến trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở Neglinnaya 12, và ngay lập tức anh được dẫn vào một căn phòng đẹp đẽ, Poskonov đang đứng đón anh ở cửa, ông mặc một bộ đồ khác, thậm chí ngực còn độn cứng hơn bộ trước.

Những lời đầu tiên của Poskonov trong khi ông dẫn Romanov đến một chiếc ghế bành rộng thoải mái là:

– Chắc anh nghĩ rằng tôi quên mất anh rồi chứ gì? Nhưng tôi muốn có một số tin tức khả quan cho anh hơn là làm phí thì giờ của anh. Anh không hút thuốc, nếu tôi nhớ chính xác?- Ông nói thêm và lấy bao Dunhill của mình ra.

Romanov nói:

– Không ạ, cám ơn ông.

Không hiểu bác sĩ riêng của ông già có nhận ra mỗi ngày ông hút đến bao nhiêu điếu thuốc không.

Viên thư ký bước vào phòng và đặt xuống hai chiếc ly không, một cái bình thót cổ và một đĩa đựng trứng cá đen trước mặt họ.

Romanov im lặng chờ đợi.

Poskonov rót hai ly vodka và nói:

– Trong hai ngày qua tôi đã nói chuyện với mười hai chủ tịch ngân hàng trong danh sách đầu tiên của anh. Nhưng tôi phải tránh không tiếp xúc với hai người còn lại.

Romanov nhắc lại:

– Tránh ư?

Poskonov nói, giọng ông giống giọng một ông chú hiền từ:

– Kiên nhẫn một tí nào. Anh còn nhiều thời gian để sống hơn tôi, cho nên nếu phải lãng phí một tí thời gian nào, thì thời gian để lãng phí ấy phải là của anh chứ.

Romanov nhìn xuống đất.

Poskonov nói tiếp:

– Tôi tránh một trong hai chủ tịch ngân hàng ấy, bởi vì ông ta đã có mặt ở Mexico để nói cho Tổng thống nước này biết rằng, làm thế nào để có thể không trả nợ cho ngân hàng Manhattan trong khi đồng thời lại có thể vay thậm chí nhiều hơn thế của ngân hàng liên Mỹ. Còn với vị chủ tịch ngân hàng thứ hai, tôi cần phải tránh ông ta bời vì hiện này ông ta chính thức thông báo là đang ở Chicago để đóng cửa một thương vụ lớn của quỹ châu Âu với Continentan Illinois, trong khi thực ra ông ta đã đặt phòng ở khách sạn St. Francisco với cô bồ nhí. Tôi cảm thấy rằng anh sẽ tán thành, phải không thiếu tá, rằng sẽ không tốt lắm cho chúng ta nếu chúng ta cứ quấy rầy hai người đó vào lúc này. Bởi vì một người đã có đủ vấn đề đau đầu cho đến cuối tuần rồi, còn người thứ hai có thể đang bị nghe trộm điện thoại- mà chúng ta thì không hề muốn người Mỹ biết chúng ta đang tìm kiếm cái gì, đúng không?

Romanov nói:

– Tôi tán thành

– Tốt. Dù sao thì khi cả hai người đó trở về Thụy sĩ vào đầu tuần sau thì chúng ta có thể tiến hành công việc được.

Romanov toan nói:

– Vâng, nhưng…

Poskonov nói tiếp:

– Chắc là anh sẽ rất mừng khi biết rằng cả mười hai chủ tịch ngân hàng kia đều đồng ý hợp tác với chúng ta và đã có năm người gọi điện lại cho tôi. Bốn người gọi để nói rằng họ đã kiểm tra toàn bộ tài sản của các khách hàng chưa tiếp xúc với ngân hàng trong hai mươi năm qua, nhưng không hề tìm thấy gì có liên quan dù là xa xôi tới bức tranh Thánh. Thực tế một trong các ngân hàng đó đã mở một hộp ký gửi chưa hề được chạm tới từ năm 1993, và thấy rằng trong đó không có gì ngoài một cái nút chai bằng lie của một chai rượu porto Taylor cất năm 1929.

Romanov nói:

– Chỉ có một nút chai thôi ư?

Chủ tịch ngân hàng đáp:

– Phải, năm 1929 là một năm rượu vang ngon.

Romanov hỏi:

– Còn vị thứ năm?

Poskonov nhìn vào tập hồ sơ trước mặt. Ông giơ tay trỏ lên sửa cặp kính viễn và nói tiếp:

– Tôi cho là có lẽ đây là bước đột phá đầu tiên của chúng ta. Herr Dieter Bischoff, ngân hàng Bischoff et Cie- ông nhìn vị khách của mình tựa như Romanov phải nhận ra cái tên ấy mới phải- một người cao quý mà trước đây tôi đã nhiều lần có công chuyện với- cao quý, nghĩa là theo tiêu chuẩn của phương Tây, vị Chủ tịch ngân hàng nói thêm, có vẻ thích thú thật sự- Bischoff đã đề cập đến một vật được ký gửi ở ngân hàng của ông từ năm 1938. Đó đúng là một bức tranh Thánh, nhưng ông ta không biết đó có phải là bức tranh chúng ta đang tìm không.

Romanov nhảy bật lên vui sướng, anh nói:

– Vậy thì tốt hơn là tôi sẽ đến đó và tự kiểm tra xem- Anh nói thêm- Hôm nay tôi sẽ đi ngay

Chủ tịch ngân hàng ra hiệu cho anh ngồi xuống:

– Chuyến bay anh cần phải bay sẽ không rời sân bay Shermtyevo trước bốn giờ ba lăm. Trong bất cứ trường hợp nào thì tôi cũng đặt trước cho anh hai vé trên chuyến bay đó rồi.

Romanov hỏi:

– Hai ư?

– Chắc chắn là anh sẽ cần có một chuyên gia đi cùng, trừ phi anh hiểu bíêt về bức tranh Thánh hơn rất nhiều so với sự hiểu biết về ngân hàng- Poskonov nói thêm- Tôi cũng đã đặt vé cho anh trên chuyến bay của hàng không Thuỵ sĩ. Và liên hệ với Herr Boschoff để ông ta cho anh gặp vào lúc mười giờ sáng mai- dĩ nhêin là trừ phi anh có một việc gì đó cấp bách hơn mà phải ở lại Moscow, đúng không?

Romanov mỉm cười,

Ông lão nói tiếp, mặt tỉnh bơ:

– Theo những thông tin mà tập hồ sơ của anh cho thấy thì anh chưa bao giờ phục vụ ở Thụy sĩ, vì thế tôi cũng xin khuyên anh là nên ở tại khách sạn St. Gothard trong thời gian ở Zurich. Ngài Jacques Potin sẽ chăm sóc anh chu đáo tuyệt vời. Người ta không bao giờ gặp rắc rối với dân Thụy sĩ, ngoại trừ vấn đề tiền bạc mà thôi. Và để hoàn thiện cuộc điều tra nho nhỏ mà tôi đã tiến hành, tôi sẽ tiếp xúc ngay với hai người còn lại ngay khi họ quay về Thụy sĩ vào thứ hai tới. Còn bây giờ tất cả những gì tôi có thể làm tiếp là chúc anh may mắn trong chuyến đi Thụy sĩ này.

Romanov nói:

– Cám ơn ông. Có lẽ cần phải nói thêm là tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của ông.

– Niềm vui của tôi là được nói rằng tôi vẫn còn nợ ông nội của anh một ân huệ, và có lẽ một ngày kia anh cũng sẽ nhận được ở tôi một cái gì đó tương tự, vậy hãy cứ để thế đã.

Romanov cố gắng để hiểu ý nghĩa những lời ông lão. Vẻ mặt của ông không cho anh đoán được tý gì, và ông từ biệt anh, không nói thêm một lời nào nữa. Nhưng khi Romanov đi xuống cầu thang rộng rãi làm bằng đá cẩm thạch anh cứ nghĩ ngợi mãi.

Khi Romanov về đến Quảng trường Dzerzhinski, thư kí báo với anh rằng trợ lý của Herr Bischoff đã gọi điện đến thông báo ấn định cuộc gặp gỡ với Chủ tịch ngân hàng sẽ vào lúc mười giờ sáng hôm sau. Romanov yêu cầu anh ta gọi điện cho khách sạn St. Gothard đặt hai phòng, trước khi lên tầng trên để gặp Chủ tịch báo cáo cho ông về cuộc gặp vừa rồi với người lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia, anh nói thêm:

– Và nữa, nhớ gọi cho hãng hàng không Thụy sĩ xem vé của tôi đã ấn định chưa?

Vừa nghe anh nói xong Yuri thốt lên:

– Tạ ơn Chúa. Chỉ còn lại có chín ngày nữa.

Romanov mỉm cười.

– Sứ quán của chúng ta sẽ thông báo trước cho cậu tất cả những điều cần thiết. Hãy cứ hy vọng là cậu sẽ có thể đam bức kiệt tác ấy về treo lại trên tường Cung điện Mùa đông.

Romanov nói:

– Nếu nó nằm ở cái ngân hàng ấy, thì ông sẽ có nó trong tay vào sáng mai.

Nói xong anh từ biệt Yuri, miệng mỉm cười.

Về đên phòng làm việc anh thấy Potrova đã chờ sẵn. Cô nói:

– Anh gọi cho em ạ?

Romanov nhìn đồng hồ đeo tay:

– Chúng ta sẽ đi Zurich. Trong vòng ba tiếng nữa. Vé máy bay và phòng nghỉ ở khách sạn đã đặt sẵn rồi.

Cô đáp:

– Chắn hẳn là đặt cho Ông Bà Schmidt chứ ạ?

Bình luận