Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truy Tìm Bức Tranh Thánh

Chương 10

Tác giả: Jeffrey Archer

Người đàn ông đứng tuổi đứng vào cuối hàng người đang chờ taxi. Khó đoán được chiều cao của ông ta bởi vì trông ông ta quá còng và yếu ớt. Một chiếc áo khoác có lẽ còn cũ hơn cả tuổi người mặc áo dài gần chấm đất và những ngón tay chỉ thò ra khỏi tay áo có một tý, bàn tay ông ta đi đôi găng một ngón màu xám. Một tay nắm chặt lấy một chiếc cặp nhỏ bằng da, trên cặp có gắn hai chữ đầu tên E.R màu đen trông đã mòn vẹt, khiến người ta nghĩ rằng nó có từ thời ông nội ông ta.

Phải cuối xuống hoặc ghé rất sát mới có thể nhìn thấy mặt ông lão – Một khuôn mặt bị choán hết bởi một chiếc mũi to tướng có lẽ khiến cả Cyrano de Bergerac cũng phải tự hào. Đến lượt mình ông ta phải chậm chạp cúi gập người về phía trước để leo lên taxi. Ông chậm chạp đến nỗi người lái xe bắt đầu gõ ngón tay lên tay lái để nghe thấy vị hành khách của mình run run cất giọng nói là muốn đến ngân hàng Simon et Cie. Người lái xe cho xe chạy, không hỏi thêm gì nữa. Các lái xe taxi ở Thụy Sĩ biết rõ đường đến ngân hàng chẳng kém gì lái xe taxi ở London biết đường đến một nhà hát bất kỳ, hoặc lái xe taxi vàng ở New York biết tìm đến một quán rượu.

Khi đến nơi, ông lão phải lục lọi hồi lâu trong túi áo để tìm một đồng tiền để trả. Sau đó ông chậm chạp bước xuống hè đường và đứng yên ngước nhìn ngôi nhà làm bằng đá cẩm thạch. Ông vừa sắp sửa chạm vào cánh cửa thì một người mặc bộ đồng phục màu xanh dương lịch sự đã mở cửa.

Ông lão nói bằng tiếng Đức:

– Tôi đến để gặp….

Nhưng người gác cửa chỉ về phía một cô gái ngồi sau bàn tiếp tân. Ông lão lọ mọ đền gần cô và nhắc lại:

– Tôi cần gặp Herr Daumier. Tên tôi là Emmanuel Rosenbaum.

Cô gái hỏi:

– Ngài có hẹn trước không ạ?

– Tôi e rằng không.

Cô gái hỏi.

– Herr Daumier hiện đang ở trong phòng họp. Nhung tôi sẽ thử tìm một thành viên Hội đồng quản trị khác có thể gặp ngài.

Sau khi nói điện thoại bằng tiếng Đức cô nói:

– Ngài có thể đi thang máy lên tầng ba được không ạ?

Ngài Rosenbaum gật đầu vẻ miễn cưỡng nhưng vẫn làm theo lời chỉ dẫn. Khi ông bước ra cửa thang máy thì đã có một người phụ nữ trẻ đứng đón ở ngay cửa. Cô ta yêu cầu ông vui lòng chờ tại một nơi tạm gọi là phòng thay áo khoác có kê hai chiếc ghế bành. Hồi lâu sau mới có người đến gặp, ông lão không giấu nổi ngạc nhiên khi thấy anh ta quá trẻ.

Người thanh niên nói.

– Tôi là Welfhrerd Praeger, thành viên Hội đồng quản trị.

Ông Rosenbaum nói:

– Ngồi xuống đây, ngồi xuống đây, tôi không thể cứ nhìn mãi lên anh thế này được.

Anh thanh niên làm theo. Ông ta nói:

– Tôi là Emmanuel Rosenbaum. Hồi năm 1938 tôi có gửi ở đây một gói đồ, bây giờ tôi quay lại để nhận.

Vị thành viên Hội đồng quản trị trẻ tuổi nói, giọng đổi hẳn:

– Tất nhiên rồi. Ngài có giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ gì của ngân hàng không ạ?

– Ồ, có chứ.

Ông lão đưa hộ chiếu và một tờ biên nhận có vẻ đã được gập vào nhiều lần đến nỗi sắp nát ra từng mảnh.

Người thanh niên xem xét hai thứ giấy tờ thật cẩn thận. Ngay lập tức anh ta nhận ra tấm hộ chiếu của Israel. Mọi điều có vẻ ổn cả. Cả tờ biên nhận, mặc dầu rõ ràng là được viết từ hồi anh ta còn chưa đẻ nhưng cũng có vẻ hợp lê.

– Thưa ngài, tôi có thể ra ngoài một lát được không ạ?

Ông già đáp:

– Tất nhiên rồi. Sau khi đã chờ hai mươi tám năm, tôi nghĩ là mình có thể chờ thêm vài phút nữa cũng không sao.

Chàng thanh niên vừa ra được không lâu thì có một phụ nữ khác quay lại mời ông sang một phòng khác. Phòng này rộng hơn và đồ đạc khá lịch sự. Mấy phút sau vị thành viên Hội đồng quản trị trẻ tuổi quay lại cùng với một người nữa và giới thiệu đó là Herr Daumier.

Vị chủ tịch Hội đồng quản trị lịch sự nói:

– Tôi nghĩ chúng ta chưa gặp nhau bao giờ. Chắc là ngài đã giao dịch với cha tôi?

Ngài Rosenbaum nói:

– Ồ không, không, tôi giao dịch với ông nội ngài, ngài Helmut kia.

Ánh mắt Herr Daumier lộ rõ vẻ kính trọng.

Rosenbaum nói:

– Tôi chỉ gặp cha ngài mỗi một lần và rất lấy làm tiếc khi nghe tin ông mất quá sớm. – Ông ta nói thêm – Cha ngài bao giờ cũng rất ân cần. Ngài không đeo một bông hồng trên ve áo như ông ấy nhỉ?

– Dạ, không. Chỉ là một thói quen nhỏ của cha tôi thôi mà.

Rosenbaum cố cười phá lên nhưng chỉ phát ra một tiếng ho.

Herr Daumier lịch sự nói:

– Không rõ ngài có thêm một thứ giấy tờ xác nhận nhân thân nào ngoài hộ chiếu không ạ?

Emmanuel ngẩng đầu nhìn Herr Daumier vẻ mệt mỏi rồi xoay mặt chiếc đồng hồ đeo tay lên trên. Trong mặt đồng hồ có khắc hàng số 712910.

Herr Daumier nói, rõ ràng vô cùng kinh ngạc:

– Tôi xin lỗi. Nếu ngài vui lòng chờ thì tôi sẽ mang chiếc hộp của ngài lại đây. Ông lão gật đầu đồng ý. Hai người đàn ông đi ra, mặc ông già ngồi lại một mình. Mấy phút sau họ quay lại mang theo một cái hộp dẹt rộng khoảng bốn mươi phân vuông và đặt lên chiếc bàn kê giữa phòng. Herr Daumier mở ổ khóa phía trên còn người kia đứng chứng kiến. Sau đó ông ta đưa cho Rosenbaum một chiếc khóa và nói:

– Thưa ngài, bây giờ chúng tôi sẽ đi ra. Khi nào ngài muốn chúng tôi quay lại chỉ việc ấn nút đỏ này.

Rosenbaum nói:

– Cám ơn.

Ông ta chờ cho cửa đóng hẳn lại sau lưng mới tra chìa vào ổ, xoay một vòng và mở nắp hộp. Trong hộp có một gói gì đó giống như hình một bức tranh được gói cẩn thận trong một tấm lụa và buộc kỹ. Rosenbaum cẩn thận đặt cái gói vào vali của mình rồi đóng hộp và khóa lại như cũ. Sau đó ông ta bấm nút cạnh bàn, ngay lập tức Herr Daumier và vị thành viên Hội đồng quản trị quay lại. Ông chủ tịch ngân hàng hỏi:

– Hy vọng là mọi vật vẫn tốt cả chứ ạ? Cả một thời gian khá dài rồi còn gì.

– Vâng, cám ơn.

Lần này ông lão gật đầu. Herr Daumier hỏi:

– Mong ngài cho phép tôi hỏi một câu hỏi nhỏ?

Ông già nói:

– Ngài cứ hỏi.

– Ngài có ý định tiếp tục sử dụng cái hộp này không ạ? Số tiền ngài để lại để ký gửi đã hết.

– Không, tôi chẳng cần nó để làm gì nữa.

– Còn thiếu một số tiền nhỏ nữa. Nhưng trong trường hợp này chúng tôi rất vui lòng miễn.

– Ngài thật là tốt bụng.

Herr Daumier cúi đầu chào rồi vị thành viên Hội đồng Quản trị trẻ tuổi tiễn khách ra cửa, giúp ông ta leo lên taxi và bảo người lái xe taxi đưa ông ta ra sân bay Zurich.

Tại sân bay ông già mất một lúc lâu mới đến được bàn làm thủ tục cho chuyến bay. Bởi vì ông ta rất sợ thang cuốn và chiếc vali bây giờ đã khá nặng cho nên bước chân rất lập cập.

Đến bàn làm thủ tục ông ta đưa vé cho cô gái để kiểm tra và vui mừng thấy phòng chờ dành cho hành khách gần như rỗng không. Ông đi tới một góc khuất rồi ngồi thụp xuống một chiếc ghế bành êm ái.

Sau khi đã nhìn quanh kiểm tra chắc chắn là không ai bị nhìn thấy, ông ta bèn bấm vào cái chố nhỏ trên chiếc vali cũ kỹ, lò so bật lên miễn cưỡng. Ông ta nâng nắp vaili lên, kéo cái gói ra và áp lên ngực. Ngón tay run rẩy lần mò mãi mới cởi được cái nút thắt và tháo lần vải ra để xem lại niềm tự hào của mình. Ông Rosenbaum nhìn chằm chằm vào bức tranh tuyệt đẹp. Đó là bức Cánh đồng ngô của Van Gogh – ông ta không hề biết rằng nó đã biến mất khỏi bảo tàng Quốc gia Viên từ năm 1938.

Emmanuel Rosenbaum chử thề. Ông ta gói bức tranh lại và bỏ vài cặp. Rồi đột nhiên ông nhổm dậy đi về phía bàn bán vé và yêu cầu cô gái Thụy Điển đặt cho một vé đi Geneva trên chuyến bay đầu tiên. Nếu may mắn ông ta vẫn có thể đến ngân hàng Roget et Cie trước khi đóng cửa.

Chiếc Visciunt của hãng Hàng không Anh BEA đậu xuống sân bay Geneva vào lúc mười một giờ hai lăm giờ địa phương, chậm hơn so với kế hoạch vài phút. Cô tiếp viên hàng không khuyên mọi người chỉnh lại đồng hồ.

Adam nói:

– Tuyệt. Chúng mình đến Geneva vừa kịp ăn trưa, đến ngân hàng một tý rồi sau đó sẽ quay lại sân bay để bay chuyến bay lúc năm giờ năm.

Heidi phá lên cười:

– Anh làm như mọi chuyện cứ như huấn luyện quân sự ấy.

Adam nói:

– Đúng thế. Trừ phần cuối.

Cô ngạc nhiên:

– Phần cuối nào cơ?

– Bữa tối ăn mừng ấy mà.

– Chắc là lại ở nhà ăn tập thể Chelssea chứ gì?

Adam nói:

– Sai rồi. Anh đã đặt một bàn ăn cho hai người vào lúc tám giờ tối ở quán Con gà Vàng ngay tại Piccadilly.

Heidi nói:

– Chúng mình lại đếm cua trong lỗ đây mà.

Adam nói:

– Ồ, rất ngộ nghĩnh nhé.

– Ngộ nghĩnh? Em không hiểu.

– Tối nay khi ăn tối anh sẽ giải thích cho em.

Heidi nói:

– Hy vọng là chúng mình sẽ không phải ăn tối.

Adam hỏi:

– Sao lại thế?

– Điều duy nhất em có thể mong đợi là chỗ ngồi ở bàn tính tiền trong cửa hàng thực phẩm Đức.

Adam rên lên:

– Cũng chưa tồi tệ bằng chuyện phải đến gặp anh chàng thượng sĩ ấy vào mười giờ sáng mai đâu. Sau mười giờ anh sẽ phải nằm ngửa mà ân hận là đã rời Geneva.

Heidi nói:

– Như vậy anh sẽ học được cách hạ nốc ao anh ta – cô nói thêm và chạm vào cánh tay anh – Thế thì có khi rốt cuộc chúng ta nên ở lại đây cũng nên.

Adam cúi xuống hôn nhẹ lên hai má cô trong khi hai người đang ở đường chờ xuống cầu thang. Một làn gió nhẹ lướt trên cầu thang máy bay. Adam mở áo khoác che cho Heidi trong khi họ quay qua đường băng để vào nhà kiểm tra Di cư.

Anh nói:

– May mà anh đem áo khoác đi.

Heidi nói:

– Không giống áo khoác mấy mà giống một cái lều thì hơn.

– Đây là chiếc áo khoác dã ngoại của anh. Nó có thể đựng được bản đồ, compa, thậm chí cả một bộ đồ đi đêm nữa kìa.

– Adam, chúng mình chỉ đi dạo quanh Geneva vào giữa mùa hè thôi chứ có phải sắp bị lạc trong rừng rậm giữa mùa đông đâu.

Anh phá lên cười:

– Anh sẽ nhớ lời châm chọc của em đấy nhé.

Xe buýt sân bay chỉ mất chưa đầy hai mươi phút để đưa khách từ trung tâm Geneva đến sân bay và ngược lại.

Chuyến đi ngắn ngủi đưa họ đi qua vùng ngoại ô thành phố cho đến khi một cái hồ tuyệt đẹp nằm gọn giữa những dãy đồi. Chiếc xe đi dọc bờ hồ tới chân một dãy núi sừng sững chọc trời.

Heidi nói:

– Em bắt đầu cảm thấy chúng mình giống như những kẻ đi du ngoạn trong kỳ nghỉ hè.

Họ bước ra khỏi xe vui mừng thấy mưa đã tạnh. Vừa đặt chân bước trên vỉa hè rợp bóng cây của con phố ôm lấy bờ hồ ngay lập tức cả hai sững sờ trước vẻ tinh khiết của thành phố. Bên kia đường là những dãy khách sạn gọn ghẽ, các cửa hàng và ngân hàng.

– Trước hết hãy tìm xem cái ngân hàng đó ở đâu đã rồi hãy đi ăn trưa, sau đó quay lại nhận kho của trời cho ấy.

Heidi hỏi:

– Làm thế nào một quân nhân có thể hoàn thành một bài tập khó như vậy được bây giờ?

– Hoàn toàn đơn giản. Chúng ta sẽ ghé vào ngân hàng nào đó, nhờ người ta chỉ đường đến Roget et Cie.

– Em dám cuộc là hồi còn là đội viên Scout, cánh tay phải anh bị vẽ đầy những ký hiệu chỉ đường.

Adam phá lên cười:

– Chả lẽ anh tệ thế sao?

Heidi đáp:

– Tệ nhất. Nhưng anh chuyên môn điển hình mọi hình ảnh của người Đức thành một chàng trai phong lưu người Anh.

Adam quay lại khẽ vuốt tóc Heidi và cúi xuống hôn lên môi cô.

Chợt Heidi nhận ra mọi người xung quanh đang nhìn họ, cô nói:

– Chắc là người Thụy Sĩ không chấp nhận như thế ở chỗ công cộng. Thậm chí em còn nghe nói là ngay cả lúc riêng tư họ cũng không chấp nhận nữa kìa.

Adam nói:

– Hay là anh hôn cái bà già như quả mận khô đằng kia nhé!

Heidi chỉ vào Ngân hàng Bình dân ở cuối đường:

– Đừng, Adam. Đừng có làm như vậy, nếu không anh sẽ thành anh ngố đấy. Thôi, hãy thực hiện kế hoạch của anh đi.

Họ hàng qua đường và Heidi hỏi người gác cổng đường đến Roget et Cie. Họ đi theo lời hướng dẫn của người gác cổng, một lần nữa chiêm ngưỡng ngọn núi đơn độc sừng sững trong khi tiếp tục đi vào trung tâm thành phố.

Roget et Cie chẳng dễ tìm hơn quả pingpong là mấy, họ đi qua đến hai lần mà không nhận ra, mãi Heidi mới nhìn thấy tấm biển bằng đá bên cạnh một cái cổng bằng sắt rèn.

Adam nói:

– Trông thật ấn tượng. Thậm chí ngay cả lúc này là giờ nghỉ trưa.

– Vậy anh nghĩ nó sẽ như thế nào, một chi nhánh ngân hàng ở nông thôn ư? Em biết người Anh các anh không thích thừa nhận điều này, nhưng thật sự đây là trung tâm ngân hàng thế giới.

Adam nói:

– Phải đi tìm tiệm ăn thôi, trước khi hiệp ước thân thiện Pháp – Anh bị phá vỡ.

Họ quay ngược trở lại hướng cũ đi về phía ngọn núi. Lúc này mặt trời vẫn cố len lỏi qua những đám mây. Họ chọn một quán cà phê ven đường nhìn ra hồ. Cả hai gọi món salat trộn pho mát và uống chung một nửa chai vang trắng. Adam vô cùng vui sướng có Heidi bên cạnh, anh bắt đầu kể cho cô nghe những mẩu chuyện hồi còn ở trong quân đội. Cô phải nhắc anh dừng vì đã gần hai giờ chiều. Anh miễn cưỡng gọi tính tiền và nói:

– Bây giờ là lúc phải đến xem cái bức tranh Thánh của Sa hoàng ấy có tồn tại thật hay không.

Khi họ quay lại ngân hàng, Adam đẩy cánh cửa nặng nề, bước vào và nhìn quanh hành lang tối lờ mờ. Heidi chỉ một phụ nữ ngồi sau một cái bàn, nói:

– Kia kìa.

– Xin chào. Tôi tên là Adam Scott. Tôi muốn nhận một vậy được thừa kế theo di chúc.

Người phụ nữ mỉm cười, hỏi giọng rất nhẹ:

– Ngài có hẹn cụ thế gặp ai không ạ?

Adam nói:

– Không. Tôi không biết là cần phải như thế.

Người phụ nữ nói:

– Chắc chắn là mọi việc sẽ ổn cả thôi ạ.

Cô nhấc máy điện thoại, quay hai số và trao đổi vài câu bằng tiếng Pháp rồi đặt máy xuống và đề nghị hai người lên tầng bốn.

Adam bước ra khỏi cửa thang máy và ngạc nhiên khi thấy người đang đứng chờ sẵn chỉ trạc tuổi anh là cùng. Anh ta nói bằng tiếng Anh rất chuẩn:

– Xin chào. Tôi là Pierre Neffe.

Heidi thì thào:

– Em đã bảo là sẽ không cần đến em đâu mà.

Adam nói:

– Không nên nói quá sớm. Chúng ta đã kịp trình bày trường hợp của chúng ta đâu nào.

Ngài Neffe dẫn họ vào một phòng nhỏ, bày biện rất lịch sự. Adam cởi áo khoác và nói:

– Chúng ta làm việc ở dưới kia cũng được rồi mà.

M.Neffe nhún nhường nói:

– Chúng tôi mong khách hàng cảm thấy thoải mái như ở nhà.

Adam nói:

– Rõ ràng là ngài chưa thấy nhà tôi thế nào đâu.

M.Neffe không hề phá lên cười. Thay vì trả lời anh ta hỏi:

– Tôi có thể giúp gì cho ngài?

Adam bắt đầu:

– Cha tôi vừa mất tháng trước và có di chúc lại cho tôi một tờ biên nhận một vật gì đó mà tôi nghĩ là vẫn được các ngài giữ từ năm 1938 đến nay. Một khách hàng của các ngài đã tặng nó cho cha tôi, đó là ngài Rosenbaum Emmanuel.

M.Neffe hỏi:

– Ngài có đem theo đây tài liệu có liên quan đến vật được tặng đó không ạ?

Adam đáp:

– Ồ, có chứ.

Anh thọc tay vào túi đựng bản đồ của chiếc áo khoác và đưa biên nhận của ngân hàng Roget et Cie cho người ủy viên Hội đồng quản trị trẻ tuổi. Anh xem xét hồi lâu rồi gật đầu:

– Xin ngài cho phép tôi xem qua hộ chiếu của ngài được không ạ?

Adam lại lục túi áo khoác, đưa tấm hộ chiếu cho anh ta và nói:

– Tất nhiên rồi.

M.Neffe đứng lên và nói:

– Tôi xin phép ra ngoài mấy phút.

Heidi hỏi:

– Anh có biết là bây giờ họ sẽ làm gì không?

– Trước hết là kiểm tra xem có còn bức tranh đó ở đây không, sau đó kiểm tra xem giấy tờ biên nhận ấy có đúng không. Từ 1938 đến giờ là cả một thời gian khá dài rồi còn gì.

Từng phút chậm chạp trôi qua, Adam đã bắt đầu thất vọng và chán nản, cuối cùng bắt đầu tin rằng mình đã phí thì giờ vô ích.

Heidi đùa:

– Anh có thể lấy một bức tranh treo trên tường kia giấu vào áo khoác kia mà. Em cam đoan là nó sẽ có giá ở thị trường London. Thậm chí có lẽ còn có giá hơn cả bức tranh Thánh yêu quý của anh kia.

– Muộn mất rồi.

Adam nói khi thấy M.Neffe quay lại cùng với một người mà Adam được giới thiệu tên là M.Roget.

M.Roget nói:

– Xin chào. Xin lỗi ngài vì cha tôi không có mặt ở đây để tiếp ngài, thưa ngài Scott. Nhưng lúc này cha tôi hiện đang có chút công chuyện ở Chicago – Anh ta bắt tay cả Adam và Heidi – Chúng tôi có lưu trữ bức thư của ngài Rosenbaum hướng dẫn rõ ràng ngân hàng chỉ được mở hộp trước sự có mặt của ngài – anh ta liếc nhìn tờ giấy trong tay – Đại tá Gerald Scott. Huân chương Anh dũng, Huân chương Vẻ vang và Huân chương Chiến công.

Adam nói:

– Đó là cha tôi. Nhưng như tôi đã giải thích với ngài Neffe đây rằng cha tôi vừa mất tháng trước có di chúc để cho tôi món đồ tặng đó.

M.Roget nói:

– Có lẽ tôi sẽ mừng chấp nhận lời ngài nếu được phép nhìn qua một bản sao giấy chứng tử và cả tờ di chúc nữa.

Adam mỉm cười vì mình đã thấy trước điều này, một lần nữa anh lại lục túi áo lấy một chiếc phong bì màu nâu lớn trên có in hàng chữ Holbrooke, Holbrooke & Gascoigne lớn màu đen trên mép trên. Anh lấy ra bản sao giấy chứng tử của cha, bảo sao di chúc và một lá thư có ghi “Gửi cho những ai quan tâm” và đưa tất cả cho M.Roget. Anh này chậm rãi đọc kỹ cả ba tài liệu sau đó đưa cho đồng nghiệp của mình. Đến lượt anh này đọc xong và thì thầm gì đó vào tai vị chủ tịch ngân hàng.

M.Roget hỏi:

– Ngài có phản đối nếu chúng tôi gọi cho Holbrooke trước mặt ngài không ạ?

Adam đáp:

– Ồ, không. Nhưng tôi phải báo trước là đôi khi ông ta hơi thô lỗ.

Anh ta nói:

– Thô lỗ ư? Đó là một từ tôi không quen lắm. Nhưng có lẽ tôi hiểu như thế nghĩ là gì.

Anh ta quay lại nói gì đó với M.Neffe. Anh này nhanh nhẹn rời khỏi phòng, một phút sau quay lại với quyển Đăng ký hành nghề Luật sư ở Anh, năm 1966.

Adam rất thích sự kỹ càng của ngân hàng. M.Neffe kiểm tra lại số điện thoại và địa chỉ trên chiếc phong bì và so sánh với địa chỉ trong cuốn niên giám.

M.Roget nói:

– Ngài Scott, tôi nghĩ là không cần phải gọi ngài Holbrooke làm gì, nhưng chúng tôi cần cân nhắc một vấn đề nhỏ.

Adam lo lắng hỏi:

– Ngài Rosenbaum phần nào đã hơi bị bội chi rồi, và quy định của ngân hàng là một tài khoản cần phải được thanh toán đầy đủ trước khi mở bất kỳ một cái hộp nào.

Mạch máu Adam bỗng chạy rần rật khi nhận ra không đem đủ tiền theo cho khoản chi bất ngờ này.

M.Roget nói tiếp:

– Sồ tiền nhỏ thôi, chỉ có một trăm hai mươi Francs Thụy Sĩ. Đó là để trả cho việc lưu giữ chiếc hộp hai năm nay kể từ khi tài khoản của ngài Rosenbaum hết.

Adam thở phào. Anh móc ví ra và ký một tấm séc du lịch rồi đưa cho anh ta.

M.Roget nói:

– Cuối cùng, chúng tôi cũng yêu cầu ngài ký một mẫu miễn trừ trách nhiệm cho ngân hàng.

M.Roget đưa cho Adam một tờ mẫu dài dằng dặc đầy những điều khoản in sin sít bằng tiếng Pháp. Adam chỉ liếc qua rồi đưa cho Heidi, cô bắt đầu nghiên cứu kỹ càng từng điều khoản. Trong lúc đó M.Roget giải thích đó là để bảo đảm cho ngân hàng không bị ràng buộc bởi bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến cái hộp này và chứng minh việc Adam nhận cái hộp là hợp pháp.

Heidi nhìn lên gật đầu tán thành.

Adam ký vào dòng để trống bằng một chữ ký hoa mỹ.

M.Roget nói:

– Tuyệt lắm. Bây giờ chúng tôi chỉ còn phải làm một việc nữa là đi ra và mang chiếc hộp lại đây cho ngài nữa thôi.

Khi hai người một lần nữa còn lại một mình với nhau, Adam nói:

– Anh nghi là có thể rỗng không lắm.

Heidi đáp:

– Nó cũng có thể đầy nghẹt những đồng tiền vàng Tây Ban Nha, anh chàng yếm thế ạ.

Mấy phút sau hai người kia quay lại, M.Neffe mang theo cái hộp dẹt bằng kim loại cỡ khoảng hai mươi nhân ba mươi phân, dày khoảng tám phân.

Adam thấy thất vọng vì cái hộp bé quá, nhưng không nói gì, M.Roget bắt đầu mở ổ khóa phía trên sau đó đưa cho Adam một phong bì mỏng có chữ ký ngang qua dấu niêm phong. Ông ta nói:

– Dù trong này có là cái gì đi chăng nữa cũng là thuộc về ngài, ngài Scott. Khi nào ngài mở xong hộp, xin vui lòng cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ chờ ở ngoài hành lang cho đến khi ngài gọi.

Ho đi ra khỏi phòng.

Heidi nói:

– Mở đi anh. Em không thể chờ được nữa.

Adam mở phong bì, một chiếc chìa khóa rơi ra. Anh lóng ngóng hồi mãi ổ khóa mới kêu một tiếng, anh bèn mở nắp hộp. Trong đó có một gói mỏng được gói kỹ bằng lụa và buộc chặt bằng một sợi dây. Núi buột quá chặt không sao mở được, cuối cùng sốt ruột Adam bèn cắt đứt dây rồi chậm rãi mở miếng lụa ra. Cả hai sững sờ nhìn vào bức tranh kiệt tác, không tin nổi.

Vẻ đẹp thuần khiết của vàng, của màu đỏ và màu xanh khiến cả hai không nói nên lời. Không ai trong họ nghĩ rằng bức tranh Thánh đẹp đến ngộp thở như vậy. Thánh George đứng sừng sững bên con Rồng, tay cầm một thanh kiếm lớn vung lên chuẩn bị đâm vào tim con quái vật. Lửa phun ra từ cằm con rồng đỏ thẫm tương phản một cách kỳ diệu với vầng hào quanh màu vàng chói lọi dường như đang bao trùm quanh vị Thánh.

Cuối cùng Heidi cất được tiếng nói:

– Đây là một kiệt tác.

Adam vẫn tiếp tục giữ bức tranh nhỏ trong tay. Heidi nói:

– Anh nói gì đi chứ?

– Ước gì cha anh được nhìn thấy bức tranh này, có lẽ nó đã có thể làm thay đổi cả cuộc đời cha.

Heidi nói:

– Đừng quên là cha anh muốn nó làm thay đổi cuộc đời anh.

Adam lật bức tranh lên và thấy phía sau có hình một chiếc vương miện bạc được khảm vào gỗ. Anh nhìn chằm chằm vào nó, cố nhớ lại ngài Sedwide ở cửa hàng Sotheby nói rằng như vậy chứng tỏ điều gì.

Adam lật bức tranh lại và một lần nữa chiêm ngưỡng vẻ vĩ đại của Thánh George:

– Anh ước gì cha đã mở chiếc phong bì ấy. Bởi vì đó chính là quyền của Người.

Heidi kiểm tra lại để chắc chắn trong hộp không còn gì nữa rồi đóng nắp và Adam khóa nó lại bằng chìa khóa của mình. Anh bọc tấm vải lụa ra ngoài bức tranh và thít chặt lại rồi nhét vào túi đựng bản đồ của áo khoác.

Heidi mỉm cười.

– Em biết là anh có thể chứng minh cái áo khoác này là cần thiết ngay cả khi trời không mưa nữa mà.

Adam bước ra mở cửa. Ngay lập tức hai người của ngân hàng trở vào. M.Roget nói:

– Hy vọng rằng ngài tìm thấy đúng thứ đã được hứa hẹn.

Adam nói:

– Vâng, thực vậy. Nhưng tôi không cần đến cái hộp này nữa – anh nói thêm và đưa trả chiếc chìa khóa.

M. Roget cúi đầu, nói:

– Tùy ý ngài thôi. Còn đây là tiền đổi tấm séc du lịch của ngài – anh ta vừa nói vừa đưa một tờ phiếu Thụy Sĩ của ngài – Nếu ngài tha lỗi cho thì bây giờ tôi xin tạm biệt. M. Neffe sẽ tiễn ngài.

Anh ta bắt tay Adam, hơi cúi đầu chào Heidi và mỉm cười nhã nhặn.

– Hy vọng rằng ngài thấy chúng tôi không quá… t… thô… lỗ.

Cả hai người cùng phá ra cười.

Trong khi đi xuống cầu thang máy, M.Neffe nói:

– Tôi cũng hy vọng ngài thấy thích thú trong thời gian ở lại thành phố của chúng tôi.

Adam nói:

– Tiếc rằng không được bao lâu. Chúng tôi phải quay lại sân bay trong vòng một giờ nữa.

Thang máy dừng lại ở tầng trệt, M.Neffe tiễn Adam và Heidi đi dọc hành lang. Cửa đã mở sẵn chờ họ nhưng họ phải dừng lại tránh sang bên nhường đường cho một cụ già lê bước đi qua. Mặc dầu hầu hết mọi người đều chỉ chú ý đến cái mũi của ông cụ, nhưng Adam lại thấy giật mình bởi đôi mắt của ông ta – một đôi mắt thật sắc bén.

Khi cuối cùng đến được chỗ bàn lễ tân, ông già lớn tiếng yêu cầu:

– Tôi cần gặp ngài Roget.

– Rất tiếc là hiện nay ngài Roget đang đi Chicago, thưa ngài. Nhưng tôi sẽ hỏi xem con trai ngài Roget có thể gặp ngài được không. Tôi sẽ nói ngài tên là gì ạ?

– Emmanuel Rosenbaum.

Người phụ nữ cầm ống nghe lên và trao đổi bằng tiếng Pháp. Sau đó bà ta đặt ống nghe xuống, quay lại nói:

– Ngài Rosenbaum, xin ngài vui lòng lên tầng bốn được không ạ.

Một lần nữa ông già lại phải leo vào cái buồng thang máy dễ sợ. Một người phụ nữ trung niên khác đứng chờ sẵn ở cửa thang máy và đưa ông vào phòng chờ. Ông già lịch sự từ chối lời mời uống cà phê của bà, tay đấm thùm thụp vào ngực. Bà ta an ủi:

– Ngài Roget sẽ đến ngay bây giờ đấy ạ.

– Rất vui mừng được làm quen với ngài, ngài – Rosenbaum. Nhưng cũng rất tiếc là ngài không kịp gặp ngài Scott.

Ông già ngạc nhiên.

– Ngài Scott ư?

– Vâng. Ông ta vừa ở đây ra được năm phút, nhưng chúng tôi đã làm theo những điều chỉ dẫn trong thư của ngài.

– Thư của tôi ư?

Vị thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng một lần nữa trong ngày hôm nay lại mở tập hồ sơ suốt hai mươi năm nay không hề được sờ đến và đưa cho ông già.

Emmanuel Rosenbaum lấy một cặp kính trong túi ra, chậm chạp mở bức thư để bắt đầu đọc dòng chữ mà ông đã nhận ra là của ai. Lá thư được viết nguệch ngoạc bằng mực đen:

Forsthau haarhot.

Amsberg14

VosswinnelSachsen.

Germany.

Ngày mười lăm tháng Chín năm 1946

Ngài Roget kính mến.

Tôi có ký gửi ở chỗ ngài một bức tranh Thánh nhỏ về Thánh George và con Rồng trong hộp số 718. Nay tôi chuyển giao quyền sở hữu bức tranh Thánh đó cho một sĩ quan Anh đại tá Gerald Scott, Huân chương Anh dũng, Huân chương Vẻ vang và Huân chương chiến công. Nếu đại tá Scott có đến để nhận bức tranh Thánh đó thì xin các ngài giao chìa khóa của riêng tôi cho ông ta không chậm trễ.

Rất cám ơn ngài đã giúp đỡ tôi trong vấn đề này và rất xin lỗi là chúng ta chưa bao giờ gặp mặt nhau.

Kính thư.

Emmanuel Rosenbaum

– Và ngài nói rằng hôm nay đại tá Scott vừa đến để nhận bức tranh?

– Không, không phải thế, ngài Rosenbaum. Đại tá mới chết cách đây không lâu và di chúc vật đựng trong cái hộp lại cho con trai ông ta, ngài Adam Scott. Ngài Roget và tôi đã kiểm tra mọi tài liệu kể cả giấy chứng tử và di chúc, chúng tôi nhận thấy cả hai đều là những tài liệu xác thực và mọi việc đều ổn cả. Ông ta cũng có cả tờ biên nhận của ngài – M.Roget ngần ngừ – Hy vọng là chúng tôi đã làm đúng, thưa ngài Rosenbaum.

Ông già nói:

– Nhất định là các ngài làm đúng rồi. Tôi chỉ đến để xem mọi việc có được thực hiện đúng theo ý muốn hay không thôi.

M. Roget mỉm cười nhẹ nhõm:

– Có điều tôi cũng lưu ý rằng tài khoản của ngài hơi bị hụt một tý.

Ông già lập cập lần túi áo ngực.

M. Roget nói:

– Không còn nợ gì cả ạ. Ngài Scott đã thanh toán rồi.

– Vậy thì tôi nợ ngài Scott. Các ngài có thể cho tôi biết số tiền không?

M. Roget nói:

– Một trăm hai mươi Francs.

Ông lão nói:

– Vậy thì tôi phải trả ngay cho ông ta. Ngài có địa chỉ không, tôi muốn liên lạc với ông ta.

M. Roget nói:

– Không. Xin lỗi vì trong việc này tôi không thể giúp ngài được gì. Tôi không hề biết ông ta ở đâu tại Geneva này.

M. Neffe nắm khuỷu tay M. Roget và cúi xuống thì thầm vào tai anh ta.

M. Roget nói:

– Có vẻ như ngài Scott định quay lại Anh ngay bởi vì ông ta nói là cần phải đến làm thủ tục ở sân bay Geneva vào lúc năm giờ chiều.

Ông lão đứng dậy:

– Các ngài thật quý hóa quá, tôi không muốn quấy rầy thêm nữa.

Người đàn ông đứng sau bàn thủ tục nói:

– Chuyến bay số BE 171 và ghế của các vị là 14A và 14B. Giờ bay không có gì thay đổi, vì vậy khoảng hai mươi phút nữa các vị nên có mặt ở cổng ra số chín.

Adam nói:

– Cám ơn.

– Các vị có gửi hành lý gì không?

– Không, cám ơn. Chúng tôi chỉ ở Geneva có mỗi ngày hôm nay thôi.

Anh ta nói vừa đưa thẻ lên máy bay cho họ.

– Vậy chúc các vị may mắn.

Adam và Heidi bắt đầu bước lên thang cuốn để đi đến phòng chờ của hành khách.

Adam đếm lại mấy tờ kỳ phiếu và nói:

– Anh chỉ còn có bảy trăm bảy mươi francs Thụy Sĩ thôi. Và trong khi ở đây chúng mình phải gừi cho mẹ anh một hộp kẹo socola nhân rượu. Hồi còn bé, năm nào anh cũng tặng mẹ một hộp gì đấy nhân ngày lễ Giáng sinh. Hồi ấy anh đã thề là nếu có bao giờ đến Thụy Sĩ thì sẽ tìm chiếc hộp đẹp nhất để gửi tặng mẹ.

Heidi chỉ về phía một quầy hàng bày một dãy những chiếc hộp lộng lẫy. Adam đi tới và chọn một hộp Socola Lindt lớn bọc giấy vàng óng ánh và đưa cho cô gái đứng ở quầy gói lại bỏ vào giỏ.

Sau khi cầm tiền trả lại. Adam hỏi:

– Tại sao em lại nhăn mặt?

Heidi đáp:

– Cô ấy chỉ làm em nhớ đến việc sáng mai đã lại phải ngồi ở quầy hàng rồi.

Adam nói:

– Vậy thì ít nhất tối nay chúng ta cũng còn có quán Con gà Vàng để mà mong tới – Anh nhìn đồng hồ – Bây giờ cũng chẳng làm gì được nhiều nữa, trừ việc đến mua mấy chai vang ở cửa hàng miễn thuế đằng kia.

– Em muốn tìm cuốn Der Spiegel trước khi vào phòng kiểm tra hải quan. Adam nói:

– Hay lắm. Vậy thử đến quán sách đằng kia xem sao.

Có tiếng loa thông báo vang lên:

– Ngài Adam Scott có điện thoại gọi. Xin mời ngài Adam Scott quay lại bàn làm thủ tục của hãng Hàng không Anh ở tầng trệt để nhận điện.

Adam và Heidi nhìn nhau:

– Chắc họ đưa cho chúng mình sai số ghế, em đoán thế.

Adam nhún vai nói:

– Thôi qua lại xem sao.

Họ quay lại tầng dưới và đến gần người đàn ông đã đưa cho họ thẻ lên máy bay lúc nãy.

Adam nói:

– Hình như ông vừa cho gọi chúng tôi?

– Ồ, vâng. Có tin khẩn nhắn cho ông – Anh ta liếc nhìn mẩu giấy trước mặt – Gọi điện ngay cho ngân hàng Roget et Cie, số máy 271279 Geneva – anh ta xé mẩu giấy và đưa cho Adam – Điện thoại ở đằng kia, sau bàn bán vé của hãng KLM và ông sẽ phải trả hai mươi xu.

Adam nói:

– Cám ơn ông.

Anh nhìn mẩu giấy, nhưng chẳng có chút gì cho thấy lý do tại sao M. Roget lại cần gặp mình làm gì. Heidi nói:

– Không hiểu ông ta có thể làm gì nhỉ? Nếu họ muốn đòi lại bức tranh Thánh thì muộn mất rồi.

Adam đưa cái túi cho Heidi:

– Chỉ có một cách duy nhất để biết được họ cần gì thôi. Em cầm cái này một lúc, anh sẽ quay lại ngay.

Heidi cầm chiếc túi sặc sỡ đựng hộp socola, nói:

– Trong lúc đó em sẽ tìm mua cuốn tạp chí kia xem, nếu như ở tầng này có hiệu sách.

Adam nói:

– Phải đấy. Mấy phút nữa anh sẽ quay lại đây nhé.

– Roget et Cie đây. Tôi có thể giúp gì được ạ?

Adam nói bằng tiếng Anh:

– Hình như M. Roget yêu cầu tôi gọi cho ông ta?

Cô trực tổng đài chuyển ngay sang tiếng Anh:

– Vâng, thưa ngài, ngài cho biết tên ạ?

– Adam Scott.

– Tôi sẽ tìm ngài Roget xem có đây không ạ.

Adam quay lại để nhìn xem Heidi đâu, anh đoán chắc cô đang đi tìm mua quyển tạp chí. Rồi anh nhìn thấy ông già lẩy bẩy đi ngang qua phòng. Anh có thể thề là đã nhìn thấy ông ta ở đâu rồi.

– Ngài Scott?

Adam cúi xuống điện thoại:

– Vâng, ngài Roget. Tôi gọi điện lại theo yêu cầu của ngài.

M. Roget hỏi lại, giọng có vẻ bối rối:

– Gọi điện lại theo yêu cầu của tôi ư? Tôi không hiểu gì cả.

Bàn làm thủ tục của hãng Hàng không Anh nhắn tôi gọi điện cho ngài gấp.

– Có lẽ họ nhầm đấy. Tôi không hề nhắn gì cả. Nhưng dù sao ngài cũng đã gọi lại, cho nên có lẽ ngài cũng cần biết rằng ngay khi các ngài vừa đi khỏi thì ngài Emmanuel Rosenbaum có đến chỗ chúng tôi.

Adam nói:

– Emmanuel Rosenbaum? Nhưng tôi tưởng…

– Cô ơi, cô có thể giúp tôi một tý được không?

Heidi nhìn lên người đàn ông vừa hỏi cô bằng tiếng Anh nhưng đặc giọng Trung Âu. Cô hơi ngạc nhiên vì sao ông ta biết cô nói được tiếng Anh, nhưng nghĩ chắc ông ta cho rằng đó là thứ ngôn ngữ dễ giao tiếp nhất.

– Tôi đang rất vội và muốn tìm một chiếc taxi nhưng e rằng mắt tôi kém quá.

Heidi đặt cuốn Der Spiegle xuống quầy báo và nói:

– Ở ngay sau chiếc cửa đôi kia thôi ạ. Để cháu chỉ cho ông.

Ông già nói:

– Không sao đâu ạ.

Cô cầm cánh tay ông già đưa đến chỗ cái cửa có đề hàng chư “Taxi và xe buýt”.

Adam lo lắng hỏi:

– Ngài chắc đó là ngài Rosenbaum không ạ?

Ông ta đáp:

– Chắc chắn mà.

– Và ông ta có vẻ hài lòng khi thấy tôi đã nhận bức tranh Thánh không ạ?

– Ồ, có. Nhưng không có vấn đề gì về chuyện ấy đâu. Ông ta chỉ quan tâm đến việc phải trả lại ngài một trăm hai mươi francs thôi. Tôi nghĩ ông ta đang tìm ngài.

“Hãng Hàng Không Anh thông báo hành khách đi chuyến bay BE 171 đi London Heathrow ra cửa ra máy bay số Chín”.

Adam nói:

– Tôi cần phải đi. Mấy phút nữa máy bay của tôi sẽ cất cánh.

Nhà ngân hàng nói:

– Chúc ngài may mắn.

Adam nói:

– Cám ơn, ngài Roget.

Anh đặt ống nghe xuống rồi quay lại chỗ bàn bán vé của Hãng Hàng không Anh và ngạc nhiên thấy Heidi vẫn chưa quay lại. Anh đưa mắt nhìn khắp phòng để tìm quầy báo vì sợ cô không nghe thấy lời thông báo máy bay sắp cất cánh. Rồi anh nhìn thấy cô đang đi tới chiếc cửa đôi, tay dìu ông già mà anh nhìn thấy trước đó.

Adam gọi to và rảo bước. Anh cảm thấy có một cái gì đó không ổn. Khi tới chỗ cánh cửa đôi anh nhìn thấy cô đang đứng trên hè phố và mở cửa taxi cho ông già. Anh hỏi:

– Ngài Rosenbaum phải không ạ?

Thế rồi chỉ bằng một động tác của cánh tay, rất nhanh và rất mạnh khiến Adam kinh ngạc, ông ta kéo mạnh Heidi vào sau chiếc taxi, đóng sập cửa lại và nói to “Allez vite” (đi nhanh lên).

Adam đờ người mất một lúc nhưng rồi anh nhảy tới bên chiếc taxi nhưng chỉ xuýt vồ được tay lái, trong khi nó rồ ga phóng vụt khỏi bãi cỏ. Chiếc taxi giật đột ngột làm Adam bật ngửa trên hè đường nhưng anh còn kịp nhìn thấy vẻ mặt kinh hoàng của Heidi. Anh nhìn theo biển số GE-7-1-2… Anh chỉ nhìn thấy có vậy, nhưng ít nhất cũng nhận ra đó là một chiếc Mercedes màu xanh da trời. Anh tuyệt vọng nhìn quanh tìm một chiếc taxi, nhưng quanh đó chỉ có độc nhất một chiếc đã đầy ắp khách.

Một chiếc Volkswagen Beetle đỗ lại ở đầu kia bãi đỗ. Một phụ nữ bước ra khỏi ghế lái và đi vòng ra đằng trước để mở hòm xe. Từ ghế hành khách một người đàn ông bước ra, nhấc hành lý ra khỏi hòm xe, rồi người phụ nữ đóng hòm xe lại.

Hai người đứng trên bãi cỏ hôn nhau. Trong khi họ hôn nhau Adam lẻn qua đường, nhảy vào ghế hành khách và trườn sang ghế lái xe. Chìa khóa vẫn cắm trong ổ điện. Anh vặn chìa khóa, sang số, dận ga và lùi bắn lại. Hai người kia đứng sững nhìn không tin vào mắt mình. Adam giật cần số khỏi số không và kéo đến chỗ anh nghĩ đó là số một. Động cơ chậm chạp gầm lên nhưng cũng đủ nhanh để anh có thể thoát khỏi hai người kia đang đuổi theo. Anh nghĩ chắc đó là số ba bèn ấn cần số sang số lại và phóng về phía tấm biển chỉ vào trung tâm Geneva.

Đến được ngã tư thứ nhất anh đã làm chủ được chiếc xe nhưng vẫn phải hết sức tập trung nhìn sang bên phải đường. “GE 72… DGE 72” Anh nhắc đi nhắc lại cho đến khi con số đó khắc sâu vào trí nhớ. Mỗi lần vượt qua một chiếc taxi màu xanh da trời anh đều nhìn biển kiểm soát và hành khách trên xe. Sau khi vượt qua khoảng hơn một chục chiếc taxi anh bắt đầu phân vân không hiểu con đường nhỏ nào đấy. Anh nhấn mạnh chân ga – 90, 110, 120 kilomet một giờ và vượt qua ba chiếc taxi nữa những không thấy bóng dáng Heidi đâu.

Rồi anh nhìn thấy chiếc Mercedes màu xanh da trời trên một con đường nhỏ khá xa phía trước, đèn bật sáng trưng đang phóng nhanh hơn tốc độ cho phép. Anh tin chắc chiếc Volkswagen đủ mạnh để đuổi kịp chiếc Mercedes, đặc biệt nếu nó chạy bằng động cơ diezel. Anh rút ngắn dần khoảng cách trong khi đó vẫn tự hỏi lão già bắt cóc Heidi để làm gì. Liệu lão có phải Rosenbaum không? Nhưng Rosenbaum đã muốn anh giữ bức tranh Thánh, hay là nhà ngân hàng chỉ nói thế để an ủi anh? Tất cả những cái đó chẳng có nghĩ lý gì cả, anh vừa lái xe vừa tự hỏi không biết có lúc nào mình tỉnh cơn ác mộng này không.

Ra đến ngoại ô Adam vẫn không hiểu gì cả, anh thận trọng đi theo chiếc Mercedes. Đến ngã tư tiếp theo, chiếc Mercedes vẫn đột ngột rẽ trái và chạy lên một quả đồi thoai thoải. Adam ngoặt tay lái đuổi theo. Chiếc taxi lại rẽ trái, để không bị mất hút anh đột ngột vượt qua một chiếc xe buýt khiến nó phải phanh két lại. Nhiều hành khách trên xe buýt bắn khỏi ghế, họ giận dữ giơ nắm đấm về phía anh trong khi người lái xe hú còi ầm ĩ.

Bây giờ chiếc taxi chỉ cách đó khoảng một trăm mét nữa. Một lần nữa Adam lại phải cho xe đứng khựng lại. Mấy giây tiếp đó dường như không có chuyện gì xảy ra trong khi Adam vòng xe đỗ lại sát sau chiếc Mercedes. Anh nhảy ra khỏi xe bằng cửa bên kia, bắt đầu chạy lên đồi, tay xách chiếc giỏ Heidi mua ở sân bay và một chiếc vali nhỏ.

Adam kéo bật cửa sau và nhìn vào, cô gái đẹp vẫn ngồi bất động, anh gào lên, chợt nhận ra với anh cô ý nghĩ biết bao:

– Em không sao chứ? Em không sao chứ?

Heidi không động đậy, cũng không nói tiếng nào. Adam quàng tay qua vai và nhìn vào đôi mắt cô, nhưng đôi mắt không hề đáp lại cái nhìn của anh. Anh bắt đầu kéo tóc cô, thế rồi không hề báo trước, cô ngả đầu lên vai anh như một con búp bê đã hỏng. Một dòng máu nhỏ bắt đầu chảy ra từ khóe miệng. Adam bắt đầu thấy lạnh giá, ốm yếu và run lên bần bật không sao cưỡng lại nổi. Anh nhìn người lái xe. Tay anh ta thõng xuống một bên, người gục trên vành tay lái. Trên mặt người đàn ông trung niên không hề thấy có dấu hiệu của sự sống.

Adam không muốn thừa nhận rằng họ đã chết. Vẫn nâng Heidi trên tay, anh nhìn lên: Ông lão đã lên đến đỉnh đồi.

Sao anh vẫn còn nghĩ đó là một ông lão nhỉ? Rõ ràng là hắn không già chút nào mà còn trẻ và rất khỏe. Đột nhiên sự sợ hãi của Adam biến thành tức giận. Một giây sau anh đã quyết định. Anh đặt Heidi xuống, nhảy khỏi xe và bắt đầu chạy lên đồi đuổi theo kẻ đã giết cô. Hai ba người qua đường đã bắt đầu tụ tập lại trên bãi cỏ và nhìn chằm chằm vào Adam và hai chiếc xe. Anh phải bắt được gã đang chạy kia. Adam chạy hết tốc lực nhưng chiếc áo khoác làm anh bị chậm lại phần nào, đến lúc Adam lên được đến đỉnh phía đường cái. Adam cố sải chân bởi vì tên kia đã nhảy lên một chiếc xe điện đi ngang qua, nhưng anh còn ở quá xa không thể nào báo động cho mọi người được, đành đứng nhịn chiếc tàu điện đi xa dần.

Gã đàn ông đứng trên bậc tàu điện và quay lại nhìn Adam. Một tay hắn nắm chiếc túi mua hàng. Lưng không hề gù nữa, người hắn cao hẳn lên và thâm chí dù đứng khá xa Adam cũng cảm thấy vẻ mặt thắng lợi của hắn. Adam đứng sững hồi lâu giữa đường, bất lực nhìn theo chiếc tàu điện mất hút về phía xa.

Anh cố tập trung đầu óc để suy nghĩ và nhận ra không mấy hy vọng vẫy được chiếc taxi vào giờ cao điểm này. Phía sau có tiếng còi hú vang chắc là của xe cấp cứu đang lao đến chỗ xảy ra tai nạn. Adam nói to “Tai nạn! Họ sẽ biết ngay đấy là một vụ giết người” Anh cố gắng quên đi nửa giờ điên rồ vừa qua. Không có chút gì có nghĩ lý cả. Nhất định tất cả chỉ vì gói đựng bức tranh Thánh của Sa Hoàng. Tên giết người không thể nào làm chừng nấy điều chỉ vì hai mươi ngàn bảng Anh – giết chết hai con người vô tội chỉ vì vướng chân – tại sao, tại sao bức tranh Thánh này lại quan trọng đến như vậy? Viên chuyên gia ở Sotheby nói gì nhỉ? “Một người đã hỏi dò về bức tranh này”. Đầu óc Adam bắt đầu quay cuồng. Nếu như đó là Emmanuel Rosenbaum và hắn đeo đuổi bức tranh Thánh đó thì hắn chỉ mới kiếm được có mỗi hộp socola nhân rượu của Thụy Sĩ mà thôi.

Nghe thấy tiếng còi hụ đằng sau, Adam thấy nhẹ người vì đã có thể được giúp đỡ nhưng khi quay lại anh thấy hai sĩ quan tay lăm lăm súng đang chỉ về phía mình. Theo trực giác anh quay người chạy, vừa chạy anh vừa ngoái lại nhìn, phía sau lúc này đã có rất nhiều cảnh sát đuổi theo. Anh lại sải chân chạy, mặc cho chiếc áo khoác bay phất phới, anh không tin có ai trong đám cảnh sát Thụy Sĩ kia có thể đuổi kịp anh trong khoảng cách năm trăm mét này. Adam rẽ vào con đường nhỏ đầu tiên hiện ra và chạy nhanh hơn. Đó là một con đường hẹp, có lẽ không đủ cho hai chiếc xe đạp tránh nhau. Khi đã vượt qua con đường đó anh bèn chọn một phố một chiều để đi vào. Con phố chật cứng những xe cộ, lúc này anh đã có thể đi vào một cách an toàn và nhanh nhẹn giữa dòng xe cộ đông đúc.

Chỉ vài phút nữa thôi là có thể thoát được sự truy đuổi nhưng anh vẫn tiếp tục chạy, tiếp tục đổi hướng liên tục cho đến khi cách đám người đuổi theo ít nhất phải hai dặm. Cuối cùng anh rẽ vào một phố nhỏ yên tĩnh và đứng lại dưới một tấm bảng đèn huỳnh quanh của khách sạn Monarque. Trông khách sạn này chẳng khác gì mấy so với một nhà khách nhỏ và rõ ràng là chẳng thể nào có thể gọi đó là một “khách sạn” được. Anh đứng trong bóng tối chờ đợi, hít lấy hít để không khí vào ngực. Khoảng ba phút sau hơi thở của anh trở lại bình thường, anh đi thẳng vào khách sạn.

Bình luận