Chúng tôi quyết định không yêu nhau nữa.
Chợ hoa Hồ Thị Kỉ 1 giờ sáng. Những xe hàng đầu tiên trong ngày chở hoa tươi còn thơm lừng mùi nhựa cây vừa cắt, mùi đất vùn phố núi, mùi tươi rói của đời thảo mộc vừa bị bứng đi khỏi nơi nương náu đầu đời… Anh chở em đi ngang những hàng hoa còn ngái ngủ, hỏi bâng quơ: “Hôm nay sẽ là Cúc Mặt trời hay uất kim cương?”.
Em im lặng. Như bao lần im lặng của mối quan hệ đang níu tay dùng dằng chưa nỡ buông nhưng cũng không còn đủ nhẫn nại để nắm giữ lâi dài. Rồi bỗng một tích tắc rất khẽ, em ngồi nhích lại gần anh trên yên xe, xóa tan cái khoảng cách thinh lặng chỏng chơ giữa hai đứa. Em vòng tay ôm anh từ sau, nói mơ màng nhưng từng chữ dứt khoát: “Em tìm hoa thược dược”.
Thế là chúng tôi mua hoa thược dược. Những bông hoa như ngôi sao trăm cánh lan tỏa màu trắng hồng xen lẫn trên tay em. Từng cánh nhỏ li ti nép vào nhau như chẳng nỡ chia rời. Em ngồi sau ôm hoa trong lòng tay. Gió đêm thổi bay những lọn tóc lẫn cùng đôi cánh hoa rơi thi thoảng bay tao tác. Em bảo: “Thược dược còn có một tên khác nữa là hoa Tương Ly. Đẹp, mà nghe buồn quá anh!”.
Thế là đến lượt anh im lặng. Em đã không còn ngồi sát lại gần như khi nãy. Đôi tay cũng ôm giữ bó hoa trong lòng, chứ chẳng còn vòng lấy ôm anh. Thở dài, tự thấy mình đã không còn đủ sức lực và cố gắng, anh hỏi lần sau cùng: “Có những chia ly vốn dĩ đẹp lòng cho cả hai đứa, đúng không em?”.
Thế là chúng tôi quyết định không – yêu – nhau – nữa.
Thế là chia tay.
…
Ai rồi cũng phải trải qua đôi lần thấy bản thân trơ ra bất lực trước những lìa bỏ đã không còn có thể cứu vãn. Cố gắng đến một lúc không còn có thể cố gắng được nữa. Dùng dằng đến một lúc không còn có thể dùng dằng được nữa. Thì buông. Tình cảm rốt cục chỉ là chuyện “được” hay “không”. Biết yêu không? Biết giữ không? Và cuối cùng, là có biết chia tay không?
Chẳng phải dễ dàng như người ta hay nghĩ về chia ly lúc đã cạn lòng. Nhẹ nhàng hay không chỉ có người trong cuộc hiểu rõ nhất. Không là biển, sao biết lòng biển nông hay sâu? Chỉ nhớ là ngay cả khi quay lưng đi về hai khung trời khác hướng, đến cả nước cũng không còn đủ sức để nhỏ xuống. Đau lòng nhất của quên bỏ chính là như vậy đó.
Và đêm trắng, là khi những hẹn hò và tương phùng đã qua đi.
Rồi sẽ đến khi, chuyện xưa như một đứa trẻ quấy khóc, cứ giữa đêm khó dỗ giấc là quẫy đạp ré lên. Bản thân đã rất dở trong việc ru ngủ và chăm đứa con mang tên Kỷ niệm, vậy mà những điều thân thuộc bên cạnh cứ vô tình nhắc nhớ, như thể làm náo động đánh thức con trẻ càng khóc quấy hơn. Trong khi người dut nhất có thể dỗ giấc bé lại đi mất chẳng thiết trở về. Thương thân một, thương cho con nhỏ khóc nấc giữa đêm đến mười. Mà trí nhớ vẫn chưa chịu ngủ quên thì đứa trẻ mang tên Kỷ niệm làm sao có thể say giấc?
Thật ra, chúng ta chẳng thể quên gì cả!
Ngay đến các nhà khoa học còn nghiên cứu thấy rằng, bộ nào không bao giờ quên được. Dù chúng ta đãng trí, dù cố tình không khơi lại, thì ký ức luôn có những chỉ dấu bằng tiềm thức để nhắc nhớ, mỗi lần có một xao động liên tưởng nhỏ nhất về cũ xưa.
Quên là một thứ ảo tưởng mà những người trẻ hết yêu đều nghĩ rằng mình sẽ làm được. Nhưng rồi cubgx hoài công. Nhưng rồi cũng bỏ cuộc.
Chúng ta chẳng bao giờ quên được, chỉ là đến một lúc nào đó, nghĩ về nhau, nhắc đến nhau, không còn gợn chút xao lòng hau bão nổi. Bởi có những chuyện không thể quên, chỉ có thể quen với việc không – còn – nữa.
Quên một người rất khó
Phải đâu như chuyện đùa?
Nên em yêu rồi nhớ
Đừng để thành “người xưa”…