Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Trọng Phụng

Người có quyền

Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Đứng ngắm trước gương, anh ta cài khuy cổ áo, vuốt lại hai tà áo nhăn nheo, đội lại cái khăn lượt cũ cho chữ nhân đúng ở giữa trán. Anh ta nhìn vào gương một lần nữa, thấy mình “không ai chê vào đâu được”, bèn ung dung ra đi. Chợt nhìn xuống đôi mũi giày Gia Định anh lại hấp tấp quay vào gầm giường cúi tìm đến rỏ mồ hôi tai mới thấy cái bít tất cũ. Anh lau mũi giầy, vui mừng rằng đã không quên một việc có thể rất có hại cho danh dự của anh. Chứ gì! Anh mà lại đi đôi giầy bụi bậm ra phố thì thiên hạ cười chết!

Qua gian nhà cầu, thấy bà mẹ đương ngồi cân tơ, lưng quay vào tường, anh rón rén gót chân như một tên trộm. Anh thở dài sung sướng vì mẹ không biết, không gọi lại hỏi, không căn vặn, để mà, sau cùng, đay nghiến là anh lêu lổng, là ăn hại, và bắt quay trở lại, bỏ khăn, áo ra.

Ra đến cửa hàng, cô Loan, em gái anh, lúc ấy đương có mấy cô bạn, trông thấy anh thì thảy đều ngồi im một cách kính cẩn. Các cô đương bàn chuyện mặc “soóc” để chiều chiều, lên diện ở Hồ Tây… Thấy em gái đương chuyện như pháo ran mà trông thấy mình lại vội im bặt, anh ta vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng, không hiểu tại sao bỗng dưng cô em lại sợ mình đến như thế.

Ngoài phố, đèn đã sáng. Một ít giai gái đã bắt đầu đi nghễu nghện hai bên hè, tìm những cái thú ăn chơi của ban đêm. Anh tránh cái hè đông người, bước sang hè bên kia. Anh đi đến phố Cửa Đông, Đường Thành…

+

  • +

Nhưng mà đến chợ Hàng Da, đương đi thẳng, anh bỗng dừng chậm đà chân, rồi tiến thẳng về phía Ngõ Trạm. Anh ta tự hỏi: “Ta có nên đến đấy ngay bây giờ không? Ta lại hai bàn tay không như thế này mà đến chỗ ấy ư?” Thế rồi anh liên miên nghĩ đến bà mẹ ác nghiệt, người anh cả hiện đã là một ông phán, “vinh thân phì gia”, thằng em giai hiện đã đỗ tú tài mà chỉ giỏi hát lối Tino Rossi và đi đêm với bọn vũ nữ, cô em gái út rất tân thời, được bà mẹ nuông hết sức mà mãi chẳng “thấy ma nào nó rước”… Bỗng đâu anh oán giận tất cả ngần ấy người… Hôm nay, anh đã là cha một đứa trẻ con! Vợ anh đã đẻ được một đứa con giai kháu khỉnh vậy mà anh phải hai bàn tay không đến nhà hộ sinh! Mà gia đình anh tịnh không ai biết!

Nghĩ đến đấy, anh đứng dừng hẳn lại, rất ngạc nhiên để tự hỏi mình như một người qua đường: “Thế có tức không? ” Vì lẽ không ai đáp, anh lại cắm đầu cắm cổ đi, đi mãi, cũng chẳng biết có nên tức hay là không nên tức.

Vợ anh? – à, mà cái đó đã cố nhiên, thế là nó đã là vợ tôi, đứa bé kia là đứa con tôi, thưa các ngài! Đó là một người đàn bà góa chồng rất trẻ, cũng vui vẻ, nhí nhảnh như số đông những người góa chồng khác, mà anh đã gặp trong một cuộc chắn cạ, mà anh đã chim… Đã chim…? Bẩm chính như thế đấy ạ! Nói thế chắc hẳn chẳng ai tin đâu, nhưng mà sự thực ấy là thế. Người xưa nói “Tâm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi” – Phải biết! Hạnh phúc là một thứ quà của sự tình cờ nó thường cũng có khi rơi vào giữa mồm cái thằng đại lãn nằm dưới gốc sung, hay là nó thường rơi vào tay những quân ngu dại. Người xưa cũng đã nói cả rằng: “Ngu phúc xuẩn thọ”. Nhưng mà chính anh ta thì, thật tình, anh chẳng biết mình là một người ngu.

Thấy anh mà cũng có nhân tình, có một người hỏi nửa thật nửa bỡn:

– Ô kìa, ông hai! Làm thế nào mà khéo thế, gớm! Cái món ấy kháu đấy nhỉ? Thế đã nước gì chưa?

Đối với một người vô nghề nghiệp thì có một cô nhân tình cũng như là có một chức nghiệp. Anh ta vui vẻ đáp lia lịa:

– Chứ ông tưởng! Cái món ấy nó yêu tôi thì còn oan cái nỗi gì!

Thật vậy. Là vì anh không hiểu rõ cái giá trị của anh. Chỉ biết rằng có một bà mẹ là một cụ cử hẳn hoi, có một ông anh phán sự ngoại ngạch, có một cậu em tú tài, có một cô em gái hết sức “a la mốt” thì là danh giá chán, anh ta chưa hiểu rằng tuy vậy, anh cũng chẳng là “cái quái” gì cả. Nhưng mà thiên hạ lại chẳng ai nhìn anh bằng cái thứ mắt mà anh nhìn anh. Người ta chỉ trông thấy anh là một kẻ “thằng không ra thằng, ông không ra ông”, văn dốt, vũ dát, hai mươi bảy tuổi đầu còn ăn bám vào mẹ, cả ngày đi tìm những gia đình nhàn cư vi bất thiện để gạ đánh cờ không ăn tiền hay là chầu rìa tổ tôm. Mà, rõ khổ! Đã thế, thỉnh thoảng lại còn đi nhầm giầy nữa! Trong phố, người hiền lành nhất đời cũng bình phẩm anh là: “Rõ cái anh chàng đến vô vị!”. Còn người độc ác thì lại kêu: “Cái thằng ấy có chó lấy!”. Cả đến chính bà mẹ của anh nữa cũng không bao giờ nghĩ một cách thận trọng đến việc lấy vợ cho anh. Bà chỉ ngong ngóng xem người nào ế chồng, nhiều tuổi hơn anh hoặc là đã góa chồng rồi, thì mới dám mong không bị từ chối.

+

  • +

Bởi thế cho nên anh… đi chim! Bởi thế, anh phải có nhân tình! Mà có rồi ạ, rồi ạ!

Anh tự nhủ:

– Mẹ ta không muốn cưới vợ cho ta chỉ vì không muốn mất ba trăm bạc. Thì ta sẽ lấy vợ không mất một xu nào! Cho mà xem!

Anh lấy vợ thật: người đàn bà ấy ăn ở với anh non vợ chồng mà già nhân ngãi… Tại sao người ấy lại yêu anh ta nhỉ? Rõ khổ lắm, thì còn ai hiểu được lòng người, nhất lại là lòng người đàn bà. Trong một buổi chắn cạ có sự thân mật, có sự kề đùi kề vế, anh ta vô tình mà cảm được một người đàn bà góa chồng có trong lòng bao nhiêu giây đàn mà đã từ lâu không có tay tiên nào gảy đến. Tức khắc, người ấy yêu anh. Một lần, hai lần, những tưởng giải trí qua loa thôi, không ngờ cái tình bắt đầu phai thì cái nghĩa nó cũng sắp sửa thấm. Nói cho cùng, người đàn bà ấy trót nhỡ mà yêu anh. ấy sự đời là thế: có thứ đàn bà lấy chồng hoặc theo giai y như người ta trót nhỡ đánh vỡ mất một cái chén vậy.

Về phần anh thì anh chẳng tốn kém một đồng xu. Vợ anh tuy cô độc, tuy nghèo, song cũng có một nghề độ thân. Vợ anh bán guốc trên chợ, thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ Hàng Hành. Sớm đi tối về, cơm đèn hai bữa. Trong những lúc ái ân, anh đã hứa:

– Mình cứ an tâm. Rồi tiện dịp, tôi nói với bà lão nhà tôi thì mình cũng được về nhà tử tế. Rồi chúng ta xin bà lão trăm bạc làm cái vốn riêng.

Người đàn bà kia gật đầu. Tuy anh chẳng có nghề gì, nhưng cũng “con nhà danh giá”. Em ông phán, anh cậu tú, con cụ cử. Bẩm phải ạ, vậy các bà cứ thử nghĩ xem!

Ngót một năm trời, anh đủ sống sung sướng. Tuy ban ngày chỉ đi gạ đánh cờ không tiền hay chầu rìa ván tài bàn, nhưng mà, tối đến, từ 9 giờ đến 11 giờ thì anh lại căn phòng nhỏ với người yêu. Xong cuộc anh về nhà trình diện mẹ, bị đánh chửi là đêm nào cũng đi, như một người con chí hiếu ở thế kỷ hai mươi vậy. Chỉ có một lần là anh phải ngờ vực cái người chung tình có một của anh. Mười giờ đêm hôm ấy, sau khi ốm liệt giường liệt chiếu mất một tuần lễ, bất thình lình anh khỏi, và đến với vợ. Thì vừa lúc anh gặp một ông to béo ăn mặc như một quan hàn, từ buồng vợ đi ra, dáng điệu mỏi mệt, lừ đừ. Anh đã nghi, nói xa xôi, bóng gió, hỏi thật, thì vợ anh thét lên: “Cậu người ta đấy, khỉ ạ!” từ đấy anh không gặp mặt cậu vợ ở nhà vợ nữa, và được yên tâm.

Mãi đến bây giờ, vợ anh đến nhà đẻ, nằm phòng ba chục một tháng.

+

  • +

Anh ta lại từ Ngõ Trạm quay về phố Cửa Đông. Vì anh ta đã nghĩ: “Tuy bây giờ ta không có xu nào trong túi, nhưng mà nay mai hẳn phải có tiền giúp được người yêu… Miễn sao cái khai sinh gửi ra tòa Đốc lý! Thế là quan Đốc lý ngài nhận thực rằng ta là chồng nó, là cha đứa bé. Mà lão có muốn phá cũng không kịp nữa: quan trên nhận thực rồi!”.

Sau khi lý luận ngây thơ như thế, anh gõ cửa nhà hộ sinh. Vợ anh trông thấy anh thì sưng mặt lên, không nói gì cả, song anh cho đó là cái oẻ hoẹ, cái khó tính của gái đẻ. Người nữ khán hộ giơ đứa bé con giai ra nói:

– Con giai hẳn hoi! Giống ông như đúc?

Anh nhìn đứa bé, chẳng thấy nó giống mình mấy (vì trẻ mới đẻ đứa nào chả thế) nhưng cũng nói:

– Vâng, nó giống tôi.

Cô khán hộ lại tiếp:

– Đây này: cái tai dầy chính là tai ông, cái nhân trung dài chính là nhân trung ông!

Anh ta gật đầu:

– Cám ơn bà, bẩm chính thế đấy ạ.

Rồi ngồi im như phỗng, hưởng cái sung sướng có vợ, có con. Khi cô khán hộ ra khỏi phòng, anh mới hỏi người yêu:

– Khai sinh cho con chưa thế, hở mợ?

Người yêu của anh, đến đây, ngồi lên, rầu rĩ nói:

– Thôi, tôi cũng không thể dấu anh được nữa, vậy tôi dằn lòng phải nói… Người kia nhất định khai sinh cho nó rồi.

Anh ta lặng hẳn người đi như mó phải dây điện. Vừa thở hồng hộc vừa hỏi:

– Thế nào? Nói gì thế? Người kia là đứa nào? Đứa nào là người kia?

Người vợ chung tình chép miệng làm gọn một câu:

– Cái lão mà anh đã gặp, mà tôi đã nhận là cậu tôi, chứ còn đứa nào!

Anh ta đứng hẳn ngay lên, nắm tay lại. Những người hiền lành hay cục, những kẻ ngu vẫn quen hung hăng. Nhưng người đàn bà ấy điềm tĩnh:

– ấy thế mới phiền chứ!

– Sao mày đã thề với ông?

– Ai bảo anh đi tin thế?

– á à! Gớm nhỉ! Mày nói cái mồm mày cứ gọn thon lỏn đi thôi! Chuyện dễ nghe nhỉ? Ông lại chém cổ… mày đi bây giờ…

Anh ngưng lại để mà ngạc nhiên về cái phũ mồm của mình lần đầu trong đời, anh đã nói nặng người yêu. Nhưng người đàn bà cũng nổi nóng chẳng kém:

– Thôi đi, anh câm đi! Anh ngu lắm? ừ, thử hỏi, trong một năm nay, tôi có tệ bạc gì với anh không, anh có cho tôi được lấy một đồng xu nhỏ nào không? Cái bộ mặt anh mà lại đòi có tiền à! Này tôi bảo thật, cái buồng ba chục một tháng này, tiền lão ấy đấy, cái buồng ba chục đồng ở ngõ Hàng Hành, tiền lão ấy đấy, cơm tôi ăn cũng tiền lão ấy, con sen tôi nuôi cũng tiền lão ấy, anh nghe ra chưa?

Anh ta tái người đi vì cái “lão ấy” sao nó lắm tiền thế! Anh ngồi im lặng nửa giờ để rồi tìm ra được mấy câu này:

– Mặc kệ chứ? ừ thì như thế, nhưng mà hỏi rằng đứa bé này là con nó hay con ông?

– Anh thử nhìn xem? Anh vội tin cô đỡ thế à? ấy là người ta nhầm, người ta nịnh anh. Cái mũi này mà là cái mũi anh à? Cái mồm này mà là cái mồm anh à? Hai con mắt này mà là cái mắt anh à?

Anh ta nhìn lại đứa bé mà người đàn bà giơ ra. Anh chỉ có thể biết đó là một đứa trẻ mới đẻ thôi, chứ giống chỗ nào thì anh không sao biết nổi! Tuy nhiên anh cứ nói bướng:

– Đích thị nó là con ông! Nó giống ông như đúc!

Người đàn bà xua tay:

– Thôi không phải rườm lời! Anh muốn còn tình còn nghĩa thì anh câm đi! Chứ đến luật pháp cũng không có quyền buộc tôi có bổn phận gì với anh cả! Mà người ta nhất định đứng tên trong giấy khai sinh rồi… Vả lại, anh có chắc đấy là con anh không?

Trước một lý luận cứng như thế, anh ta ngồi im như một con cóc. Thật thế, anh không có tiền, chẳng có quyền, cũng không dám tin đứa bé chính là con anh.

Anh đâm nản.

+

  • +

Anh còn ngồi ỳ ra đấy như một người đáng ghét thì người đàn bà nhìn qua cửa sổ một cách sợ hãi, nói:

– Chết chửa kìa! Người ta đến kia rồi! Anh đi đi!

Lúc ấy, ở sân nhà hộ sinh thấy có một người béo lùn – chính người anh đã gặp – hai tay ôm lễ mễ hai đống tướng những: hộp sữa, rượu bổ, lê, táo, khăn mặt bông, bí tất mới.

Tức thì anh ta thấy sợ, sợ như sợ một người cậu bên nhà vợ. Anh đứng lên đi lối cửa sau. Ra ngoài, anh lẩm bẩm: “Được, cứ nuôi cho nhớn! Để đấy! Bao giờ ông có tiền ông mới đi kiện, bắt thử máu cho mà xem!”.

Sau cùng, thấy trong túi có hai hào, anh đến một tiệm thuốc phiện để giết cái buồn cũng như số đông những kẻ khổ sở khác.

Đông Dương tạp chí,

Hà Nội, số 15; ra ngày 21.8.1937

Đứng ngắm trước gương, anh ta cài khuy cổ áo, vuốt lại hai tà áo nhăn nheo, đội lại cái khăn lượt cũ cho chữ nhân đúng ở giữa trán. Anh ta nhìn vào gương một lần nữa, thấy mình “không ai chê vào đâu được”, bèn ung dung ra đi. Chợt nhìn xuống đôi mũi giày Gia Định anh lại hấp tấp quay vào gầm giường cúi tìm đến rỏ mồ hôi tai mới thấy cái bít tất cũ. Anh lau mũi giầy, vui mừng rằng đã không quên một việc có thể rất có hại cho danh dự của anh. Chứ gì! Anh mà lại đi đôi giầy bụi bậm ra phố thì thiên hạ cười chết!

Qua gian nhà cầu, thấy bà mẹ đương ngồi cân tơ, lưng quay vào tường, anh rón rén gót chân như một tên trộm. Anh thở dài sung sướng vì mẹ không biết, không gọi lại hỏi, không căn vặn, để mà, sau cùng, đay nghiến là anh lêu lổng, là ăn hại, và bắt quay trở lại, bỏ khăn, áo ra.

Ra đến cửa hàng, cô Loan, em gái anh, lúc ấy đương có mấy cô bạn, trông thấy anh thì thảy đều ngồi im một cách kính cẩn. Các cô đương bàn chuyện mặc “soóc” để chiều chiều, lên diện ở Hồ Tây… Thấy em gái đương chuyện như pháo ran mà trông thấy mình lại vội im bặt, anh ta vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng, không hiểu tại sao bỗng dưng cô em lại sợ mình đến như thế.

Ngoài phố, đèn đã sáng. Một ít giai gái đã bắt đầu đi nghễu nghện hai bên hè, tìm những cái thú ăn chơi của ban đêm. Anh tránh cái hè đông người, bước sang hè bên kia. Anh đi đến phố Cửa Đông, Đường Thành…

+

Nhưng mà đến chợ Hàng Da, đương đi thẳng, anh bỗng dừng chậm đà chân, rồi tiến thẳng về phía Ngõ Trạm. Anh ta tự hỏi: “Ta có nên đến đấy ngay bây giờ không? Ta lại hai bàn tay không như thế này mà đến chỗ ấy ư?” Thế rồi anh liên miên nghĩ đến bà mẹ ác nghiệt, người anh cả hiện đã là một ông phán, “vinh thân phì gia”, thằng em giai hiện đã đỗ tú tài mà chỉ giỏi hát lối Tino Rossi và đi đêm với bọn vũ nữ, cô em gái út rất tân thời, được bà mẹ nuông hết sức mà mãi chẳng “thấy ma nào nó rước”… Bỗng đâu anh oán giận tất cả ngần ấy người… Hôm nay, anh đã là cha một đứa trẻ con! Vợ anh đã đẻ được một đứa con giai kháu khỉnh vậy mà anh phải hai bàn tay không đến nhà hộ sinh! Mà gia đình anh tịnh không ai biết!

Nghĩ đến đấy, anh đứng dừng hẳn lại, rất ngạc nhiên để tự hỏi mình như một người qua đường: “Thế có tức không? ” Vì lẽ không ai đáp, anh lại cắm đầu cắm cổ đi, đi mãi, cũng chẳng biết có nên tức hay là không nên tức.

Vợ anh? – à, mà cái đó đã cố nhiên, thế là nó đã là vợ tôi, đứa bé kia là đứa con tôi, thưa các ngài! Đó là một người đàn bà góa chồng rất trẻ, cũng vui vẻ, nhí nhảnh như số đông những người góa chồng khác, mà anh đã gặp trong một cuộc chắn cạ, mà anh đã chim… Đã chim…? Bẩm chính như thế đấy ạ! Nói thế chắc hẳn chẳng ai tin đâu, nhưng mà sự thực ấy là thế. Người xưa nói “Tâm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi” – Phải biết! Hạnh phúc là một thứ quà của sự tình cờ nó thường cũng có khi rơi vào giữa mồm cái thằng đại lãn nằm dưới gốc sung, hay là nó thường rơi vào tay những quân ngu dại. Người xưa cũng đã nói cả rằng: “Ngu phúc xuẩn thọ”. Nhưng mà chính anh ta thì, thật tình, anh chẳng biết mình là một người ngu.

Thấy anh mà cũng có nhân tình, có một người hỏi nửa thật nửa bỡn:

– Ô kìa, ông hai! Làm thế nào mà khéo thế, gớm! Cái món ấy kháu đấy nhỉ? Thế đã nước gì chưa?

Đối với một người vô nghề nghiệp thì có một cô nhân tình cũng như là có một chức nghiệp. Anh ta vui vẻ đáp lia lịa:

– Chứ ông tưởng! Cái món ấy nó yêu tôi thì còn oan cái nỗi gì!

Thật vậy. Là vì anh không hiểu rõ cái giá trị của anh. Chỉ biết rằng có một bà mẹ là một cụ cử hẳn hoi, có một ông anh phán sự ngoại ngạch, có một cậu em tú tài, có một cô em gái hết sức “a la mốt” thì là danh giá chán, anh ta chưa hiểu rằng tuy vậy, anh cũng chẳng là “cái quái” gì cả. Nhưng mà thiên hạ lại chẳng ai nhìn anh bằng cái thứ mắt mà anh nhìn anh. Người ta chỉ trông thấy anh là một kẻ “thằng không ra thằng, ông không ra ông”, văn dốt, vũ dát, hai mươi bảy tuổi đầu còn ăn bám vào mẹ, cả ngày đi tìm những gia đình nhàn cư vi bất thiện để gạ đánh cờ không ăn tiền hay là chầu rìa tổ tôm. Mà, rõ khổ! Đã thế, thỉnh thoảng lại còn đi nhầm giầy nữa! Trong phố, người hiền lành nhất đời cũng bình phẩm anh là: “Rõ cái anh chàng đến vô vị!”. Còn người độc ác thì lại kêu: “Cái thằng ấy có chó lấy!”. Cả đến chính bà mẹ của anh nữa cũng không bao giờ nghĩ một cách thận trọng đến việc lấy vợ cho anh. Bà chỉ ngong ngóng xem người nào ế chồng, nhiều tuổi hơn anh hoặc là đã góa chồng rồi, thì mới dám mong không bị từ chối.

+

Bởi thế cho nên anh… đi chim! Bởi thế, anh phải có nhân tình! Mà có rồi ạ, rồi ạ!

Anh tự nhủ:

– Mẹ ta không muốn cưới vợ cho ta chỉ vì không muốn mất ba trăm bạc. Thì ta sẽ lấy vợ không mất một xu nào! Cho mà xem!

Anh lấy vợ thật: người đàn bà ấy ăn ở với anh non vợ chồng mà già nhân ngãi… Tại sao người ấy lại yêu anh ta nhỉ? Rõ khổ lắm, thì còn ai hiểu được lòng người, nhất lại là lòng người đàn bà. Trong một buổi chắn cạ có sự thân mật, có sự kề đùi kề vế, anh ta vô tình mà cảm được một người đàn bà góa chồng có trong lòng bao nhiêu giây đàn mà đã từ lâu không có tay tiên nào gảy đến. Tức khắc, người ấy yêu anh. Một lần, hai lần, những tưởng giải trí qua loa thôi, không ngờ cái tình bắt đầu phai thì cái nghĩa nó cũng sắp sửa thấm. Nói cho cùng, người đàn bà ấy trót nhỡ mà yêu anh. ấy sự đời là thế: có thứ đàn bà lấy chồng hoặc theo giai y như người ta trót nhỡ đánh vỡ mất một cái chén vậy.

Về phần anh thì anh chẳng tốn kém một đồng xu. Vợ anh tuy cô độc, tuy nghèo, song cũng có một nghề độ thân. Vợ anh bán guốc trên chợ, thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ Hàng Hành. Sớm đi tối về, cơm đèn hai bữa. Trong những lúc ái ân, anh đã hứa:

– Mình cứ an tâm. Rồi tiện dịp, tôi nói với bà lão nhà tôi thì mình cũng được về nhà tử tế. Rồi chúng ta xin bà lão trăm bạc làm cái vốn riêng.

Người đàn bà kia gật đầu. Tuy anh chẳng có nghề gì, nhưng cũng “con nhà danh giá”. Em ông phán, anh cậu tú, con cụ cử. Bẩm phải ạ, vậy các bà cứ thử nghĩ xem!

Ngót một năm trời, anh đủ sống sung sướng. Tuy ban ngày chỉ đi gạ đánh cờ không tiền hay chầu rìa ván tài bàn, nhưng mà, tối đến, từ 9 giờ đến 11 giờ thì anh lại căn phòng nhỏ với người yêu. Xong cuộc anh về nhà trình diện mẹ, bị đánh chửi là đêm nào cũng đi, như một người con chí hiếu ở thế kỷ hai mươi vậy. Chỉ có một lần là anh phải ngờ vực cái người chung tình có một của anh. Mười giờ đêm hôm ấy, sau khi ốm liệt giường liệt chiếu mất một tuần lễ, bất thình lình anh khỏi, và đến với vợ. Thì vừa lúc anh gặp một ông to béo ăn mặc như một quan hàn, từ buồng vợ đi ra, dáng điệu mỏi mệt, lừ đừ. Anh đã nghi, nói xa xôi, bóng gió, hỏi thật, thì vợ anh thét lên: “Cậu người ta đấy, khỉ ạ!” từ đấy anh không gặp mặt cậu vợ ở nhà vợ nữa, và được yên tâm.

Mãi đến bây giờ, vợ anh đến nhà đẻ, nằm phòng ba chục một tháng.

+

Anh ta lại từ Ngõ Trạm quay về phố Cửa Đông. Vì anh ta đã nghĩ: “Tuy bây giờ ta không có xu nào trong túi, nhưng mà nay mai hẳn phải có tiền giúp được người yêu… Miễn sao cái khai sinh gửi ra tòa Đốc lý! Thế là quan Đốc lý ngài nhận thực rằng ta là chồng nó, là cha đứa bé. Mà lão có muốn phá cũng không kịp nữa: quan trên nhận thực rồi!”.

Sau khi lý luận ngây thơ như thế, anh gõ cửa nhà hộ sinh. Vợ anh trông thấy anh thì sưng mặt lên, không nói gì cả, song anh cho đó là cái oẻ hoẹ, cái khó tính của gái đẻ. Người nữ khán hộ giơ đứa bé con giai ra nói:

– Con giai hẳn hoi! Giống ông như đúc?

Anh nhìn đứa bé, chẳng thấy nó giống mình mấy (vì trẻ mới đẻ đứa nào chả thế) nhưng cũng nói:

– Vâng, nó giống tôi.

Cô khán hộ lại tiếp:

– Đây này: cái tai dầy chính là tai ông, cái nhân trung dài chính là nhân trung ông!

Anh ta gật đầu:

– Cám ơn bà, bẩm chính thế đấy ạ.

Rồi ngồi im như phỗng, hưởng cái sung sướng có vợ, có con. Khi cô khán hộ ra khỏi phòng, anh mới hỏi người yêu:

– Khai sinh cho con chưa thế, hở mợ?

Người yêu của anh, đến đây, ngồi lên, rầu rĩ nói:

– Thôi, tôi cũng không thể dấu anh được nữa, vậy tôi dằn lòng phải nói… Người kia nhất định khai sinh cho nó rồi.

Anh ta lặng hẳn người đi như mó phải dây điện. Vừa thở hồng hộc vừa hỏi:

– Thế nào? Nói gì thế? Người kia là đứa nào? Đứa nào là người kia?

Người vợ chung tình chép miệng làm gọn một câu:

– Cái lão mà anh đã gặp, mà tôi đã nhận là cậu tôi, chứ còn đứa nào!

Anh ta đứng hẳn ngay lên, nắm tay lại. Những người hiền lành hay cục, những kẻ ngu vẫn quen hung hăng. Nhưng người đàn bà ấy điềm tĩnh:

– ấy thế mới phiền chứ!

– Sao mày đã thề với ông?

– Ai bảo anh đi tin thế?

– á à! Gớm nhỉ! Mày nói cái mồm mày cứ gọn thon lỏn đi thôi! Chuyện dễ nghe nhỉ? Ông lại chém cổ… mày đi bây giờ…

Anh ngưng lại để mà ngạc nhiên về cái phũ mồm của mình lần đầu trong đời, anh đã nói nặng người yêu. Nhưng người đàn bà cũng nổi nóng chẳng kém:

– Thôi đi, anh câm đi! Anh ngu lắm? ừ, thử hỏi, trong một năm nay, tôi có tệ bạc gì với anh không, anh có cho tôi được lấy một đồng xu nhỏ nào không? Cái bộ mặt anh mà lại đòi có tiền à! Này tôi bảo thật, cái buồng ba chục một tháng này, tiền lão ấy đấy, cái buồng ba chục đồng ở ngõ Hàng Hành, tiền lão ấy đấy, cơm tôi ăn cũng tiền lão ấy, con sen tôi nuôi cũng tiền lão ấy, anh nghe ra chưa?

Anh ta tái người đi vì cái “lão ấy” sao nó lắm tiền thế! Anh ngồi im lặng nửa giờ để rồi tìm ra được mấy câu này:

– Mặc kệ chứ? ừ thì như thế, nhưng mà hỏi rằng đứa bé này là con nó hay con ông?

– Anh thử nhìn xem? Anh vội tin cô đỡ thế à? ấy là người ta nhầm, người ta nịnh anh. Cái mũi này mà là cái mũi anh à? Cái mồm này mà là cái mồm anh à? Hai con mắt này mà là cái mắt anh à?

Anh ta nhìn lại đứa bé mà người đàn bà giơ ra. Anh chỉ có thể biết đó là một đứa trẻ mới đẻ thôi, chứ giống chỗ nào thì anh không sao biết nổi! Tuy nhiên anh cứ nói bướng:

– Đích thị nó là con ông! Nó giống ông như đúc!

Người đàn bà xua tay:

– Thôi không phải rườm lời! Anh muốn còn tình còn nghĩa thì anh câm đi! Chứ đến luật pháp cũng không có quyền buộc tôi có bổn phận gì với anh cả! Mà người ta nhất định đứng tên trong giấy khai sinh rồi… Vả lại, anh có chắc đấy là con anh không?

Trước một lý luận cứng như thế, anh ta ngồi im như một con cóc. Thật thế, anh không có tiền, chẳng có quyền, cũng không dám tin đứa bé chính là con anh.

Anh đâm nản.

+

Anh còn ngồi ỳ ra đấy như một người đáng ghét thì người đàn bà nhìn qua cửa sổ một cách sợ hãi, nói:

– Chết chửa kìa! Người ta đến kia rồi! Anh đi đi!

Lúc ấy, ở sân nhà hộ sinh thấy có một người béo lùn – chính người anh đã gặp – hai tay ôm lễ mễ hai đống tướng những: hộp sữa, rượu bổ, lê, táo, khăn mặt bông, bí tất mới.

Tức thì anh ta thấy sợ, sợ như sợ một người cậu bên nhà vợ. Anh đứng lên đi lối cửa sau. Ra ngoài, anh lẩm bẩm: “Được, cứ nuôi cho nhớn! Để đấy! Bao giờ ông có tiền ông mới đi kiện, bắt thử máu cho mà xem!”.

Sau cùng, thấy trong túi có hai hào, anh đến một tiệm thuốc phiện để giết cái buồn cũng như số đông những kẻ khổ sở khác.

Đông Dương tạp chí,

Hà Nội, số 15; ra ngày 21.8.1937

Bình luận