Xưa kia tôi chưa biết “đi săn” là thế nào. Nhưng mà từ thuở nhỏ, tôi vẫn ao ước có một khẩu súng để có thể được đi săn luôn luôn. Những khi trông thấy hoặc một chiếc xe hơi sau lưng có buộc một con hổ, một con nai, với bọn người đội mũ cát két tay giữ súng ngồi trên, hay là một nhà thiện xạ đeo súng sau lưng cưỡi xe “bình bịch” có đèo một chùm giẽ giun ở tay lái, vênh vang đi qua các phố xá thì lòng tôi lại nao nao lên kính phục và thèm muốn. Thú đi săn đối với tôi có một sức ám ảnh mạnh như là của ngọt đối với những ông nghiện, cái quần soóc đối với những gái tân thời, huy chương phẩm hàm đối với những ông trọc phú, thịt chó hầm rựa mận đối với các nhà sư chân tu. Đến nỗi cái tục đi săn cát két ở Tarascon tả trong sách của A. Daudet cũng làm cho tôi ước ao, khao khát…
Do những lẽ ấy, tôi không trở nên một nhà thiện xạ bao giờ.
*
* *
Nhưng mà nỗi khổ tâm của tôi là có rất nhiều bạn có súng, hay đi săn, và ai ai cũng hơi hơi thiện xạ một chút. Cách đây vài năm, tôi về nhà quê với một người bạn thì được bạn rủ đi bắn chim. Các ngài cứ việc tưởng tượng cái sướng trong lòng tôi, bữa ấy!
Sau khi đi quanh các hàng rào tre của làng đã hai lần, không gặp một con chim gáy, một con cò, một con quạ, chúng tôi đành vác súng về không. Đến cổng làng, gặp một con chào mào đậu ngay ở một cành tre, tôi giơ súng lên, thì bạn tôi vội nhặt một hòn đất ném cho con chim bay trước đi! Rồi bạn cắt nghĩa:
– Bắn thế, có trúng chăng nữa cũng là phí đạn.
Tôi tức đến cực điểm, tưởng có thể tuyệt giao với bạn ngay được. Than ôi! Cơ sự mà đến như thế, thì cái tình bạn hữu ở đời thật quả chỉ là một danh từ điêu trá của văn chương. Tôi không thể nào tha thứ cho sự phản trắc ấy của bạn được, vì lẽ, đối với tôi, điều cốt yếu chỉ là được bắn một phát mà thôi, còn trúng hay trệch, chim thịt ngon hay không ăn được, cái ấy tôi không quan tâm. Giữa lúc tôi bực mình chưa tiện nói ra, thì bạn lại nói:
– Có lẽ số chúng nó chưa chết nên hôm nay bác đi săn mà không một con nào lai vãng đây cả. Chứ mọi hôm, cò cũng nhiều, gáy cũng nhiều.
Tưởng bạn nói thật, tôi cũng nguôi giận. Rồi bạn lại cắt nghĩa rằng bữa nay bạn đi săn bằng ban, nghĩa là đạn một chứ không phải đạn ghém trong cát tút. Như vậy bắn chim nhỏ rất khó trúng. Đạn ghém thì, sau khi bị thúc khỏi miệng súng, những viên chì nhỏ nổ ra theo một vòng rộng như một cái nón, con chim rất khó lòng mà bay thoát, một khi tầm súng ngắm đừng quá sai.
Sắp về đến nhà, tôi lại trông thấy một con chích chòe thấp thoáng trong một cây ổi. Tức thì tôi giằng lấy khẩu súng ở tay bạn mà rằng: “Đi săn mà lại không bắn một phát nào thì lọ lắm”. Lần này, bạn để yên…
Tôi giơ súng lên. Con chích chòe lúc ấy quay đuôi lại phía tôi, ngửa cổ hót mấy tiếng trước gió rất vui vẻ. Trước cái ngực trắng của nó, có một sợi lông vũ nhẩy ra ngoài cái trật tự của những lông mượt mà và phong phanh theo làn gió đìu hiu. Tôi cảm động lắm, biết mình sắp làm một điều ác, rồi sẽ phải hối hận như người đi bắn trong bài thơ La mort du bouvreuil. Nhưng dẫu là ác, mà thấy hứng thú, thích chí, âu ta cũng cứ làm! Tôi ngắm rất đúng. Đùng một tiếng, một làn khói lam toả ra ở miệng súng rồi tan ngay. Tôi tưởng con chích chòe phải rơi xuống ngay đấy. Nhưng không, nó không chết mà cũng không bay đi. Lúc súng nổ, nó giật mình, nhảy lên một cái rồi quay đầu nhìn về phía có tiếng nổ, với hai con mắt kinh ngạc (thật thế, nó cũng biết kinh ngạc, tôi xin cam đoan như thế). Như vậy thì có lẽ lúc viên đạn sắp xuyên qua lưng nó thì nó nhẩy lên, để cho viên đạn đi đến chỗ không địa chỉ rồi thì nó lại đậu vào chính cái chỗ viên đạn đã đi qua, lúc trước. Thật là một kỳ công của loài chim! Tôi quay lại xin bạn viên đạn khác, thì thấy bạn đương hai tay ôm bụng, đầu gục xuống ngực. Chung quanh cái mũi dọc dừa của bạn, đầy những vết nhăn là vết nhăn…
Tôi sợ hãi quá đi mất! Chết! Cái gì thế? Một tai nạn gì thế? Hay là viên đạn đã chạy giật lùi, đã trúng vào bạn đứng đằng sau tôi? Không! ấy là bạn tôi cười! Nhìn thấy mặt tôi, bạn mới thẳng người lên, phá ra cười ầm ỹ. Nghe thấy tiếng cười, con chích chòe trên cây hoảng sợ, vụt bay đi. Nó không để cho tôi thời giờ xin đạn để bắn nó phát nữa.
Về nhà, cả ngày hôm ấy, tôi dùng thời giờ để cãi nhau với bạn rằng lỗi là ở hòn đạn. Nếu tôi bắn đạn ghém, chắc con chim đã đi đời rồi. Hiểu cái ê chề của tôi bữa ấy là vô cùng, bạn tôi đem số tử vi của tôi ra xem rồi kết luận là bữa ấy tôi không đi vào hung tinh nên không bắn được chim. Vì bạn là một ông thầy số làm phúc rất giỏi nên tôi cũng được an ủi.
Sở dĩ tôi có thuật cuộc đi săn chim chích chòe này thì các ngài mới hiểu rõ cuộc đi săn khỉ tôi kể dưới đây.
*
* *
Cách đây hai tháng, vào lúc tôi nghỉ dưỡng bệnh đau phổi ở Bắc Cạn thì cuộc săn khỉ đã xảy ra ở Khao Kỳ. Tại sao tôi nói xảy ra, rồi các ngài sẽ hiểu…
Khao Kỳ là một cửa động cách xa tỉnh lỵ Bắc Cạn chừng 20 cây số, trên con đường thuộc địa từ Ngân Sơn đi ngược về Hà Nội. Nghe đồn ở đấy có rất nhiều bú dù. Nhiều đến nỗi chúng thường từ trên núi leo xuống cửa động, rủ nhau vào ruộng để ăn trộm mía hoặc bắp ngô.
Bữa ấy nhằm ngày chủ nhật nên các bạn tôi rủ nhau tổ chức một cuộc đi chơi có săn bắn: bắn khỉ ở Khao Kỳ và nhân thể đi thăm động. Anh Diễm, bạn tôi, có đủ mọi thứ tư cách: chó săn, xe hơi, một khẩu súng hai nòng. Cứ trông cách thức chúng tôi sửa soạn thì rõ ra một cuộc đi săn vĩ đại. Trước hết chưa chi hãy đi săn những thức ăn. Bánh tây, giò, chả, hộp cá, rượu vang, đầy cả mấy cái túi vải. Một cuộc đi săn xa tỉnh lỵ 20 cây số, phải biết! Cho nên phải có đủ những điều kiện nó làm cho chúng tôi hóa ra những tay thiện xạ hùng hồn. Có chó săn, có xe hơi, chưa cho là đủ, chúng tôi lại gọi một người thợ ảnh để chụp kỷ niệm nữa. Long trọng biết bao! Anh Diễm đã tuyên ngôn: “Chúng ta sẽ để anh Phụng bắn phát súng thứ nhất là phát súng danh dự!”. Đã vậy mà đạn bạn ưa dùng lại là đạn ghém, thì bảo tôi có sướng hay không! Nghĩ đến cuộc đi săn chích chòe, tôi doạ tôi: “Chuyến này, phải biết!”. Trong cái óc nông nổi của tôi thì đi săn không có gì là khó khăn. Ngắm cho đúng, ai mà không ngắm được? Kẻ nào không bắn nổi một phát súng, ấy chỉ là đồ ngu!
Từ sáng sớm, bọn sáu người chúng tôi và con chó săn cao lớn đã lên ngồi xe. Chiếc xe này là một chiếc Mathis cũ, bé nhỏ. Bạn tôi mua nó có một trăm rưởi bạc, và do thế, bị cả tỉnh ghen ghét, cho là ăn chơi như đế vương! Lúc tậu xe, anh Diễm có nói: “Đáng lẽ thì để trăm rưởi cưới vợ lẽ cho nó ra vẻ một người Việt Nam xứng đáng và hoàn toàn, nhưng sau tôi lại nghĩ thà tậu xe để đi săn và đi chơi có lẽ hơn, nên không lấy vợ lẽ nữa!”. Than ôi! Có xe hay có vợ lẽ, bạn tôi cũng chỉ là một khổ chủ. Cái xe thỉnh thoảng lại giận dữ với anh. Những cái rầy rà nó gây cho anh ở dọc đường có khi lại rầy rà hơn cả những cái rầy rà gây ra bởi một người vợ lẽ nữa.
Cho nên bữa ấy, cái xe đình công bằng cái còi. Bấm điện thế nào cũng không thèm kêu. Đến nỗi lúc xe qua chợ, có cô thổ đứng nghênh ngang giữa đường làm cho sáu người chúng tôi phải kêu: “ếp! ếp!”. Tuy vậy những người hàng phố cũng cau mày nhìn khổ chủ để ghen ghét về cái tội ăn chơi đế vương. Người ta không thể nào tha thứ được cho anh Diễm, chỉ là một viên chức, mà lại có xe ôtô nhà, mặc lòng anh đã phải ếp.
Nửa giờ sau, chiếc xe đế vương ấy đến động Khao Kỳ. Anh chàng thổ, người gác am và gác đền, đã đón chúng tôi:
– Bẩm các quan, mời các quan hãy đi xem động đã, chứ bú dù thì chốc nữa chúng mới kéo nhau xuống ruộng.
Tôi chẳng thấy thú vị gì trong cuộc đi xem động. Trèo một trăm thước thềm đá, vào cửa động, nhìn các mầu, các vân của đá, các bàn thờ Phật, những nhũ đá có hình rồng, hình rùa, với những tên các ngài đến du lịch quét bằng vôi trắng khắp mọi chỗ, ngần ấy cái không khiến cho tôi khỏi nóng ruột về cái thú đi săn.
Tôi thúc giục người thợ ảnh lúc chụp chúng tôi, tôi thúc giục cả các bạn hữu nào thích ngắm cảnh, và bị họ ghét. Một giờ sau, chúng tôi ra khỏi động, xuống cái am mà người ta gọi là “đền ngoài”. Chẳng nói gì đến săn nữa, bạn hữu tôi lấy các thức ăn đem ra, chén phè phỡn! Tôi rất không bằng lòng các bạn, vì cái lương tâm thiện xạ của tôi. Tôi cho rằng người Việt Nam mình chỉ được cái bộ ăn thôi, chứ không bao giờ làm nổi trò trống gì cả. Tôi tức rằng việc đi săn mà tôi cho là rất hệ trọng, thì lại bị họ rẻ rúng như thế. Nhưng mà các bạn thân của tôi mặc kệ tôi. Tôi chỉ còn có con chó săn là cùng ý kiến.
Ăn xong, như một sự cố nhiên, có một vài người say rượu. Họ thấy nhức đầu. Họ nằm lăn ra ngủ. Ông nào chưa ngủ thì cũng kêu: Mệt lắm! Người nào không nhức đầu, không ngủ, thì uể oải châu đầu vào ống quần để nhặt cỏ may. Anh Diễm cũng nằm dài ra cái giường tre mà nói:
– Thôi, chả săn bắn gì nữa, chốc tôi còn cầm lái xe về, nếu không giữ sức khỏe thì nguy hiểm…
Thưa các ngài, như vậy thì bảo tôi có nên giết quách các bạn thân của tôi đi không? Tức quá, tôi lôi anh Diễm lên, bắt anh phải chỉ bảo tôi mọi cách mở súng, lắp đạn, đậy súng… Tôi hỏi anh thổ thì hắn đáp:
– Bẩm quan, bây giờ thì khỉ nó xuống ăn trộm ngô rồi còn gì!
Tuy vậy anh Diễm cũng bảo tôi:
– Thôi, súng đấy, đạn đấy, anh cứ việc ra ruộng mà săn. Để tôi ngủ một lát.
Tôi đáp anh như một người có điều gì đáng tự phụ:
– Được lắm! Thế thì còn gì bằng nữa!
Rồi tôi theo anh chàng thổ, lội cỏ may mà ra ruộng, vừa đi vừa vỗ đầu con chó.
*
* *
Hắn chợt bảo tôi:
– Quan đi sẽ chứ! Quan cúi đầu xuống kẻo chúng trông thấy, lại lên núi mất. Khỉ là một giống tinh lắm.
Chúng tôi chỉ đi cách am chừng vài chục bước. Trước mặt chúng tôi là một quả núi cao lừng lững, có cây cối mọc hỗn loạn, um tùm. Chợt anh chàng thổ khẽ nói:
– Kìa! Chỗ bụi kia thấy động đậy! Dễ chúng đấy!
Tôi định thần trông ra phía hắn trỏ. Quả là bụi cây có động đậy thật, xong tôi không trông thấy một con khỉ nào. Tôi bèn hỏi:
– Hay là người nào?
Hắn đáp:
– Đâu làm gì có người nào!
– Thế ta bắn chứ?
Hắn cắt nghĩa:
– Chỗ nào xanh là lá cây. Chỗ nào mầu củ nâu là khỉ. Lông khỉ hơi vàng. Quan cứ chỗ nào hơi vàng mà ngắm.
Chẳng nghĩ ngợi gì nữa, tôi bèn để súng lên vai. Tôi ngắm đúng chỗ có mầu củ nâu trong bụi xanh. Tôi bấm cò, súng nổ đùng một tiếng. Sườn núi cũng đáp bằng một tiếng đùng, do tiếng vang hắt lại.
Con chó săn chạy đến chỗ ấy lập tức.
Trên sườn núi thấy tiếng xào xạc của mấy con chim hoàng oanh vừa bay vừa kêu thất thanh. Rồi thì, từ cái bụi xanh, bỗng thấy hiện ra một thiếu nữ thổ với cái áo dài xanh, cái váy xanh, mặt mũi vừa ngơ ngác vừa tức giận:
– Rõ khéo khỉ ở đâu ấy! Đùa thế à? Chết người ta thì làm sao?
Thì ra đó là một thiếu nữ của rừng xanh đương lúi húi cắt cỏ cho ngựa, khi thấy trời râm lại thì bỏ nón ra, gài lên một cành cây. Tôi đã bắn trúng cái nón.
Tôi đương vừa lo sợ, vừa hổ thẹn, vừa mừng rỡ nữa, tim đương đập thình thình trong ngực, thì cô sơn nữ ấy đã giơ cái nón ra, kêu:
– Bắt đền đấy! Thủng nát cả nón người ta ra rồi đây này! Rõ đồ khỉ!
May đâu con chó săn cắn gâu gâu lên bênh vực tôi.
Tôi quay lại nhìn anh thổ để đổ lỗi cho hắn, thấy mặt hắn ngẩn ra một cách hết sức vô duyên. Thấy cái mặt giận dữ kia với cái mặt ngây dại này đều không phải là thuộc sự văn minh nên tôi không thèm xin lỗi cũng như không thèm trách mắng.
Thấy tiếng súng nổ và tiếng đàn bà chu chéo vang cả một góc rừng, các bạn tôi đều choàng dậy, chạy đến, tưởng dễ thường một vụ án mạng nào đã xảy ra…
Khi hiểu chuyện, họ lăn ra cỏ may để mà cười. Tôi đi săn khỉ, chính tôi bị gọi là khỉ.
*
* *
Về tỉnh, khi những người quen thuộc hỏi thăm tin tức về cuộc đi săn khỉ rất vĩ đại ấy, bạn Diễm đã nói một cách rất tự nhiên:
– Được một con!
Thành thử tôi cũng phải đáp như thế với người khác.
Thưa các ngài, từ đấy trở đi, không bao giờ tôi khao khát sự đi săn nữa. Tôi tự cho mình đã đủ từng trải. Tôi đã dùng từ súng một nòng đến súng hai nòng, từ đạn một đến đạn ghém, từ đi chân không đến đi xe hơi, từ không có chó đến có chó, và bắn từ chim muông đến mãnh thú…
Và, cũng từ đấy, mỗi khi trông thấy những tay thiện xạ có hổ, báo, hươu, nai sau ôtô hay giẽ giun ở tay lái xe bình bịch, tôi chẳng ngại lẩm bẩm như một nhà triết học ghét sự tàn sát:
– Chà! Rõ đồ dã man!
Đông Dương tạp chí,
số 16; ngày 28.8.1937
Xưa kia tôi chưa biết “đi săn” là thế nào. Nhưng mà từ thuở nhỏ, tôi vẫn ao ước có một khẩu súng để có thể được đi săn luôn luôn. Những khi trông thấy hoặc một chiếc xe hơi sau lưng có buộc một con hổ, một con nai, với bọn người đội mũ cát két tay giữ súng ngồi trên, hay là một nhà thiện xạ đeo súng sau lưng cưỡi xe “bình bịch” có đèo một chùm giẽ giun ở tay lái, vênh vang đi qua các phố xá thì lòng tôi lại nao nao lên kính phục và thèm muốn. Thú đi săn đối với tôi có một sức ám ảnh mạnh như là của ngọt đối với những ông nghiện, cái quần soóc đối với những gái tân thời, huy chương phẩm hàm đối với những ông trọc phú, thịt chó hầm rựa mận đối với các nhà sư chân tu. Đến nỗi cái tục đi săn cát két ở Tarascon tả trong sách của A. Daudet cũng làm cho tôi ước ao, khao khát…
Do những lẽ ấy, tôi không trở nên một nhà thiện xạ bao giờ.
*
* *
Nhưng mà nỗi khổ tâm của tôi là có rất nhiều bạn có súng, hay đi săn, và ai ai cũng hơi hơi thiện xạ một chút. Cách đây vài năm, tôi về nhà quê với một người bạn thì được bạn rủ đi bắn chim. Các ngài cứ việc tưởng tượng cái sướng trong lòng tôi, bữa ấy!
Sau khi đi quanh các hàng rào tre của làng đã hai lần, không gặp một con chim gáy, một con cò, một con quạ, chúng tôi đành vác súng về không. Đến cổng làng, gặp một con chào mào đậu ngay ở một cành tre, tôi giơ súng lên, thì bạn tôi vội nhặt một hòn đất ném cho con chim bay trước đi! Rồi bạn cắt nghĩa:
– Bắn thế, có trúng chăng nữa cũng là phí đạn.
Tôi tức đến cực điểm, tưởng có thể tuyệt giao với bạn ngay được. Than ôi! Cơ sự mà đến như thế, thì cái tình bạn hữu ở đời thật quả chỉ là một danh từ điêu trá của văn chương. Tôi không thể nào tha thứ cho sự phản trắc ấy của bạn được, vì lẽ, đối với tôi, điều cốt yếu chỉ là được bắn một phát mà thôi, còn trúng hay trệch, chim thịt ngon hay không ăn được, cái ấy tôi không quan tâm. Giữa lúc tôi bực mình chưa tiện nói ra, thì bạn lại nói:
– Có lẽ số chúng nó chưa chết nên hôm nay bác đi săn mà không một con nào lai vãng đây cả. Chứ mọi hôm, cò cũng nhiều, gáy cũng nhiều.
Tưởng bạn nói thật, tôi cũng nguôi giận. Rồi bạn lại cắt nghĩa rằng bữa nay bạn đi săn bằng ban, nghĩa là đạn một chứ không phải đạn ghém trong cát tút. Như vậy bắn chim nhỏ rất khó trúng. Đạn ghém thì, sau khi bị thúc khỏi miệng súng, những viên chì nhỏ nổ ra theo một vòng rộng như một cái nón, con chim rất khó lòng mà bay thoát, một khi tầm súng ngắm đừng quá sai.
Sắp về đến nhà, tôi lại trông thấy một con chích chòe thấp thoáng trong một cây ổi. Tức thì tôi giằng lấy khẩu súng ở tay bạn mà rằng: “Đi săn mà lại không bắn một phát nào thì lọ lắm”. Lần này, bạn để yên…
Tôi giơ súng lên. Con chích chòe lúc ấy quay đuôi lại phía tôi, ngửa cổ hót mấy tiếng trước gió rất vui vẻ. Trước cái ngực trắng của nó, có một sợi lông vũ nhẩy ra ngoài cái trật tự của những lông mượt mà và phong phanh theo làn gió đìu hiu. Tôi cảm động lắm, biết mình sắp làm một điều ác, rồi sẽ phải hối hận như người đi bắn trong bài thơ La mort du bouvreuil. Nhưng dẫu là ác, mà thấy hứng thú, thích chí, âu ta cũng cứ làm! Tôi ngắm rất đúng. Đùng một tiếng, một làn khói lam toả ra ở miệng súng rồi tan ngay. Tôi tưởng con chích chòe phải rơi xuống ngay đấy. Nhưng không, nó không chết mà cũng không bay đi. Lúc súng nổ, nó giật mình, nhảy lên một cái rồi quay đầu nhìn về phía có tiếng nổ, với hai con mắt kinh ngạc (thật thế, nó cũng biết kinh ngạc, tôi xin cam đoan như thế). Như vậy thì có lẽ lúc viên đạn sắp xuyên qua lưng nó thì nó nhẩy lên, để cho viên đạn đi đến chỗ không địa chỉ rồi thì nó lại đậu vào chính cái chỗ viên đạn đã đi qua, lúc trước. Thật là một kỳ công của loài chim! Tôi quay lại xin bạn viên đạn khác, thì thấy bạn đương hai tay ôm bụng, đầu gục xuống ngực. Chung quanh cái mũi dọc dừa của bạn, đầy những vết nhăn là vết nhăn…
Tôi sợ hãi quá đi mất! Chết! Cái gì thế? Một tai nạn gì thế? Hay là viên đạn đã chạy giật lùi, đã trúng vào bạn đứng đằng sau tôi? Không! ấy là bạn tôi cười! Nhìn thấy mặt tôi, bạn mới thẳng người lên, phá ra cười ầm ỹ. Nghe thấy tiếng cười, con chích chòe trên cây hoảng sợ, vụt bay đi. Nó không để cho tôi thời giờ xin đạn để bắn nó phát nữa.
Về nhà, cả ngày hôm ấy, tôi dùng thời giờ để cãi nhau với bạn rằng lỗi là ở hòn đạn. Nếu tôi bắn đạn ghém, chắc con chim đã đi đời rồi. Hiểu cái ê chề của tôi bữa ấy là vô cùng, bạn tôi đem số tử vi của tôi ra xem rồi kết luận là bữa ấy tôi không đi vào hung tinh nên không bắn được chim. Vì bạn là một ông thầy số làm phúc rất giỏi nên tôi cũng được an ủi.
Sở dĩ tôi có thuật cuộc đi săn chim chích chòe này thì các ngài mới hiểu rõ cuộc đi săn khỉ tôi kể dưới đây.
*
* *
Cách đây hai tháng, vào lúc tôi nghỉ dưỡng bệnh đau phổi ở Bắc Cạn thì cuộc săn khỉ đã xảy ra ở Khao Kỳ. Tại sao tôi nói xảy ra, rồi các ngài sẽ hiểu…
Khao Kỳ là một cửa động cách xa tỉnh lỵ Bắc Cạn chừng 20 cây số, trên con đường thuộc địa từ Ngân Sơn đi ngược về Hà Nội. Nghe đồn ở đấy có rất nhiều bú dù. Nhiều đến nỗi chúng thường từ trên núi leo xuống cửa động, rủ nhau vào ruộng để ăn trộm mía hoặc bắp ngô.
Bữa ấy nhằm ngày chủ nhật nên các bạn tôi rủ nhau tổ chức một cuộc đi chơi có săn bắn: bắn khỉ ở Khao Kỳ và nhân thể đi thăm động. Anh Diễm, bạn tôi, có đủ mọi thứ tư cách: chó săn, xe hơi, một khẩu súng hai nòng. Cứ trông cách thức chúng tôi sửa soạn thì rõ ra một cuộc đi săn vĩ đại. Trước hết chưa chi hãy đi săn những thức ăn. Bánh tây, giò, chả, hộp cá, rượu vang, đầy cả mấy cái túi vải. Một cuộc đi săn xa tỉnh lỵ 20 cây số, phải biết! Cho nên phải có đủ những điều kiện nó làm cho chúng tôi hóa ra những tay thiện xạ hùng hồn. Có chó săn, có xe hơi, chưa cho là đủ, chúng tôi lại gọi một người thợ ảnh để chụp kỷ niệm nữa. Long trọng biết bao! Anh Diễm đã tuyên ngôn: “Chúng ta sẽ để anh Phụng bắn phát súng thứ nhất là phát súng danh dự!”. Đã vậy mà đạn bạn ưa dùng lại là đạn ghém, thì bảo tôi có sướng hay không! Nghĩ đến cuộc đi săn chích chòe, tôi doạ tôi: “Chuyến này, phải biết!”. Trong cái óc nông nổi của tôi thì đi săn không có gì là khó khăn. Ngắm cho đúng, ai mà không ngắm được? Kẻ nào không bắn nổi một phát súng, ấy chỉ là đồ ngu!
Từ sáng sớm, bọn sáu người chúng tôi và con chó săn cao lớn đã lên ngồi xe. Chiếc xe này là một chiếc Mathis cũ, bé nhỏ. Bạn tôi mua nó có một trăm rưởi bạc, và do thế, bị cả tỉnh ghen ghét, cho là ăn chơi như đế vương! Lúc tậu xe, anh Diễm có nói: “Đáng lẽ thì để trăm rưởi cưới vợ lẽ cho nó ra vẻ một người Việt Nam xứng đáng và hoàn toàn, nhưng sau tôi lại nghĩ thà tậu xe để đi săn và đi chơi có lẽ hơn, nên không lấy vợ lẽ nữa!”. Than ôi! Có xe hay có vợ lẽ, bạn tôi cũng chỉ là một khổ chủ. Cái xe thỉnh thoảng lại giận dữ với anh. Những cái rầy rà nó gây cho anh ở dọc đường có khi lại rầy rà hơn cả những cái rầy rà gây ra bởi một người vợ lẽ nữa.
Cho nên bữa ấy, cái xe đình công bằng cái còi. Bấm điện thế nào cũng không thèm kêu. Đến nỗi lúc xe qua chợ, có cô thổ đứng nghênh ngang giữa đường làm cho sáu người chúng tôi phải kêu: “ếp! ếp!”. Tuy vậy những người hàng phố cũng cau mày nhìn khổ chủ để ghen ghét về cái tội ăn chơi đế vương. Người ta không thể nào tha thứ được cho anh Diễm, chỉ là một viên chức, mà lại có xe ôtô nhà, mặc lòng anh đã phải ếp.
Nửa giờ sau, chiếc xe đế vương ấy đến động Khao Kỳ. Anh chàng thổ, người gác am và gác đền, đã đón chúng tôi:
– Bẩm các quan, mời các quan hãy đi xem động đã, chứ bú dù thì chốc nữa chúng mới kéo nhau xuống ruộng.
Tôi chẳng thấy thú vị gì trong cuộc đi xem động. Trèo một trăm thước thềm đá, vào cửa động, nhìn các mầu, các vân của đá, các bàn thờ Phật, những nhũ đá có hình rồng, hình rùa, với những tên các ngài đến du lịch quét bằng vôi trắng khắp mọi chỗ, ngần ấy cái không khiến cho tôi khỏi nóng ruột về cái thú đi săn.
Tôi thúc giục người thợ ảnh lúc chụp chúng tôi, tôi thúc giục cả các bạn hữu nào thích ngắm cảnh, và bị họ ghét. Một giờ sau, chúng tôi ra khỏi động, xuống cái am mà người ta gọi là “đền ngoài”. Chẳng nói gì đến săn nữa, bạn hữu tôi lấy các thức ăn đem ra, chén phè phỡn! Tôi rất không bằng lòng các bạn, vì cái lương tâm thiện xạ của tôi. Tôi cho rằng người Việt Nam mình chỉ được cái bộ ăn thôi, chứ không bao giờ làm nổi trò trống gì cả. Tôi tức rằng việc đi săn mà tôi cho là rất hệ trọng, thì lại bị họ rẻ rúng như thế. Nhưng mà các bạn thân của tôi mặc kệ tôi. Tôi chỉ còn có con chó săn là cùng ý kiến.
Ăn xong, như một sự cố nhiên, có một vài người say rượu. Họ thấy nhức đầu. Họ nằm lăn ra ngủ. Ông nào chưa ngủ thì cũng kêu: Mệt lắm! Người nào không nhức đầu, không ngủ, thì uể oải châu đầu vào ống quần để nhặt cỏ may. Anh Diễm cũng nằm dài ra cái giường tre mà nói:
– Thôi, chả săn bắn gì nữa, chốc tôi còn cầm lái xe về, nếu không giữ sức khỏe thì nguy hiểm…
Thưa các ngài, như vậy thì bảo tôi có nên giết quách các bạn thân của tôi đi không? Tức quá, tôi lôi anh Diễm lên, bắt anh phải chỉ bảo tôi mọi cách mở súng, lắp đạn, đậy súng… Tôi hỏi anh thổ thì hắn đáp:
– Bẩm quan, bây giờ thì khỉ nó xuống ăn trộm ngô rồi còn gì!
Tuy vậy anh Diễm cũng bảo tôi:
– Thôi, súng đấy, đạn đấy, anh cứ việc ra ruộng mà săn. Để tôi ngủ một lát.
Tôi đáp anh như một người có điều gì đáng tự phụ:
– Được lắm! Thế thì còn gì bằng nữa!
Rồi tôi theo anh chàng thổ, lội cỏ may mà ra ruộng, vừa đi vừa vỗ đầu con chó.
*
* *
Hắn chợt bảo tôi:
– Quan đi sẽ chứ! Quan cúi đầu xuống kẻo chúng trông thấy, lại lên núi mất. Khỉ là một giống tinh lắm.
Chúng tôi chỉ đi cách am chừng vài chục bước. Trước mặt chúng tôi là một quả núi cao lừng lững, có cây cối mọc hỗn loạn, um tùm. Chợt anh chàng thổ khẽ nói:
– Kìa! Chỗ bụi kia thấy động đậy! Dễ chúng đấy!
Tôi định thần trông ra phía hắn trỏ. Quả là bụi cây có động đậy thật, xong tôi không trông thấy một con khỉ nào. Tôi bèn hỏi:
– Hay là người nào?
Hắn đáp:
– Đâu làm gì có người nào!
– Thế ta bắn chứ?
Hắn cắt nghĩa:
– Chỗ nào xanh là lá cây. Chỗ nào mầu củ nâu là khỉ. Lông khỉ hơi vàng. Quan cứ chỗ nào hơi vàng mà ngắm.
Chẳng nghĩ ngợi gì nữa, tôi bèn để súng lên vai. Tôi ngắm đúng chỗ có mầu củ nâu trong bụi xanh. Tôi bấm cò, súng nổ đùng một tiếng. Sườn núi cũng đáp bằng một tiếng đùng, do tiếng vang hắt lại.
Con chó săn chạy đến chỗ ấy lập tức.
Trên sườn núi thấy tiếng xào xạc của mấy con chim hoàng oanh vừa bay vừa kêu thất thanh. Rồi thì, từ cái bụi xanh, bỗng thấy hiện ra một thiếu nữ thổ với cái áo dài xanh, cái váy xanh, mặt mũi vừa ngơ ngác vừa tức giận:
– Rõ khéo khỉ ở đâu ấy! Đùa thế à? Chết người ta thì làm sao?
Thì ra đó là một thiếu nữ của rừng xanh đương lúi húi cắt cỏ cho ngựa, khi thấy trời râm lại thì bỏ nón ra, gài lên một cành cây. Tôi đã bắn trúng cái nón.
Tôi đương vừa lo sợ, vừa hổ thẹn, vừa mừng rỡ nữa, tim đương đập thình thình trong ngực, thì cô sơn nữ ấy đã giơ cái nón ra, kêu:
– Bắt đền đấy! Thủng nát cả nón người ta ra rồi đây này! Rõ đồ khỉ!
May đâu con chó săn cắn gâu gâu lên bênh vực tôi.
Tôi quay lại nhìn anh thổ để đổ lỗi cho hắn, thấy mặt hắn ngẩn ra một cách hết sức vô duyên. Thấy cái mặt giận dữ kia với cái mặt ngây dại này đều không phải là thuộc sự văn minh nên tôi không thèm xin lỗi cũng như không thèm trách mắng.
Thấy tiếng súng nổ và tiếng đàn bà chu chéo vang cả một góc rừng, các bạn tôi đều choàng dậy, chạy đến, tưởng dễ thường một vụ án mạng nào đã xảy ra…
Khi hiểu chuyện, họ lăn ra cỏ may để mà cười. Tôi đi săn khỉ, chính tôi bị gọi là khỉ.
*
* *
Về tỉnh, khi những người quen thuộc hỏi thăm tin tức về cuộc đi săn khỉ rất vĩ đại ấy, bạn Diễm đã nói một cách rất tự nhiên:
– Được một con!
Thành thử tôi cũng phải đáp như thế với người khác.
Thưa các ngài, từ đấy trở đi, không bao giờ tôi khao khát sự đi săn nữa. Tôi tự cho mình đã đủ từng trải. Tôi đã dùng từ súng một nòng đến súng hai nòng, từ đạn một đến đạn ghém, từ đi chân không đến đi xe hơi, từ không có chó đến có chó, và bắn từ chim muông đến mãnh thú…
Và, cũng từ đấy, mỗi khi trông thấy những tay thiện xạ có hổ, báo, hươu, nai sau ôtô hay giẽ giun ở tay lái xe bình bịch, tôi chẳng ngại lẩm bẩm như một nhà triết học ghét sự tàn sát:
– Chà! Rõ đồ dã man!
Đông Dương tạp chí,
số 16; ngày 28.8.1937