Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Trọng Phụng

Đời là một cuộc chiến đấu

Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Thể loại: Văn Học Việt Nam

(Truyện vui)

Trong thiên hạ này, ai dám bảo Pierre Quyền là một người khổ sở? Ai! ừ, đứa nào dám hỗn láo đến thế? Há đó lại chẳng là một tội nặng cũng như tội phạm thượng?

Phải biết: Pierre Quyền là con bố của một tay trọc phú lừng danh. Phải biết: P. Quyền đã sang tận Pháp để làm du học sinh, rồi, về nhà, lấy được một cô vợ đẹp nõn, cho dầu chẳng giật được mảnh văn bằng nào, cái đó cũng lại là rất hợp thời trang nữa, vì ở xã hội này may mà đã có một số trí thức chân chính kia không coi văn bằng là chứng cớ về chân giá trị của con người. Lại phải biết nữa: P. Quyền, mới ba mươi tuổi đầu, cũng đã được hân hạnh là một dân bẹp tai chính thức, mỗi ngày hút xoàng mất ba đồng bạc thuốc phiện, – cái điều lý tưởng của một số đông thanh niên Nam Việt… Đứa nào nói ngoa thì không đáng gọi là giống người! Xưa kia, lý tưởng thanh niên là khôn lớn thì làm quan. Bây giờ cái lý tưởng ấy đã đổi: khôn lớn thì giầu, thì trúng số độc đắc, để có thể an tâm nằm một chỗ mà hút, và không làm một việc gì cả, bất kể là hay hoặc dở, nhưng hễ thấy ai làm việc gì cũng chửi chơi! – Nói tóm lại một câu thì Pierre Quyền là một người hoàn toàn sung sướng, vì đã là một cái gương hưởng thụ đáng cho bạn trẻ soi chung. Vậy bảo anh ta khổ sở là thằng nào? Đồ láo!

Tôi đương lấy làm ngạc nhiên vô cùng ở chỗ thấy trong đời là có sự quái gở ấy, thì, một hôm, tôi lại ngạc nhiên hơn nữa, mà khám phá ra rằng cái con người dám bảo Pierre Quyền là một kẻ khổ sở, lại chính là Pierre Quyền. Thì có lạ không?

Vậy thì… ta không nên nóng vội. Mặc dầu những điều kiện hưởng thụ của ta là “thư bất tận ngôn” đi nữa, nhưng khi óc ta đã có một cái lý tưởng, bất cứ về loại nào – chỉ có một cái thôi – ta cũng có thể rất khổ sở được, như những kẻ khổ sở nhất trần đời.

Và cũng như số đông những nhà trí thức ở nước Nam này, than ôi! Pierre Quyền của chúng ta cũng có trong óc một thứ lý tưởng.

Tôi xin kể “mặt ngang mũi dọc” cái lý tưởng ấy nó ra sao.

*

* *

Cái lý tưởng ấy, anh Quyền chơi khoảnh, cứ giữ lấy một mình như một mối tâm sự đau thương riêng, chứ không nói rõ cho tôi biết. Cho nên tôi phải đoán phỏng, nếu có võ đoán cũng mặc kệ, vì nếu Quyền lại biết rằng tôi ngờ anh là kẻ khổ sở thì có phen anh tuyệt giao với tôi! Vốn tròn, tôi không muốn mất lòng ai cả.

Lần đầu mà anh mời tôi đến nhà, lên cái gác riêng tại đó anh đóng bản doanh cho cái bàn đèn phù dung, thì đó là anh tỏ cho tôi biết rằng tôi được hưởng một cái thân mật ít có, bạn hữu anh ít kẻ được thế. Anh đã, trong khi phô phang những cái gì là đắc thắng trong đời, thì cũng đồng thời thổ lộ cho tôi biết cái gì là đau khổ của anh. Thổ lộ bằng việc, chứ tất nhiên không bằng ngôn ngữ. Quyền có là một nhà triết học chăng? Cái triết lý của con người ta ở đời này có phải là hễ sống thì phải biết mùi tân toan chăng? Mà phải chăng một bậc triết nhân là một người biết sáng tạo cho mình một cái khổ, nếu đời mình sống chưa đủ thấy khổ?

Tôi cứ băn khoăn mãi về mấy câu hỏi ấy, quên cả rằng ngay trước mặt mình, đó là một cảnh Bồng Lai hẳn hoi. Phòng hút của Quyền bài trí lịch sự đặc biệt, toàn những đồ dùng lọc lõi, thật đã đúng như câu anh vẫn kiêu ngạo nói: “Cái gì tôi đã chơi thì không ai có; cái gì ai đã có thì tôi không thèm chơi”.

Nhất là bộ khay đèn.

Thật là một kỳ công mà người sành sỏi nhất đời có thể thực hiện nổi. Thật là một lý tưởng mà một bậc anh hùng hiệp sĩ nhất đời có thể thành tựu được. Bao nhiêu cái tài hoa, bao nhiêu cái kiến thức thu lại và hiện hình ra, trong cái tiểu giang sơn ấy! Kể cũng bõ công sang Tây du học lắm thay! Đèn thì là đèn pha lê trong vắt như nước lọc. Tẩu thì là tẩu “sái tách”, nghĩa là khi ta kéo xong một mồi thuốc, nằm lơ mơ vừa được một phút, thì tự nhiên nghe thấy một tiếng “tách” rất bí mật, rất hữu tình: đó là sái trong tẩu đã rời ra tự nhiên, để cho về sau, ta chẳng cần lùa vào ruột tẩu cái móc thô lỗ nó có thể hỗn xược như một sự khám xét của tây đoan tại nhà một ông nghiện đã nức tiếng là trung quân ái quốc, Pháp Nam trung tín cả hai triều, vì xưa nay chỉ có dùng thuốc ty mà thôi. Giọc thì là thứ giọc trúc tối cổ, bóng hơn sơn quang dầu, tay mó vào, dầu có mồ hôi, không phải lau cũng không thấy ướt. Kéo khêu bấc thì không phải là thứ kéo có bán tại các hiệu tạp hoá, nhưng là thứ kéo đặc biệt dùng để cắt ruột người của những ông đốc tờ chuyên nghề mổ xẻ, mua ở hiệu thuốc tây. Còn những cái lặt vặt khác như lọ đựng rượu, vịt dầu, lọ đựng kéo, gác tiêm, cũng toàn bằng pha lê cả. Và nổi hơn hết, cầu kỳ hơn cả, là một cái bàn tính nhỏ, khung bạc, chốt ngà mà con triện là những viên ngọc tròn, đỏ và xanh. Cái bàn tính ấy, Pierre Quyền dùng để đo lường sức tiêu thụ thuốc, cái lượng của khói đã lùa vào phổi. Một ông nghiện biết tự trọng, có đâu lại tính nhẩm số những điếu thuốc đã hút bao giờ! Một bà vãi đọc kinh có đâu lại đếm cái số câu kinh đã thốt ra khỏi miệng bao giờ! Vậy thì cái bàn tính ở khay đèn này cũng có cái công dụng của giây tràng hạt của bà vãi ẻn. Một khi hút xong một điếu, Pierre Quyền chỉ việc gạt một con triện bằng cái mũi tiêm là xong.

Than ôi cũng như nhân vô thập toàn bởi cớ Tạo hóa ố toàn, cái bàn tính ấy vừa là biểu hiện, hạnh phúc lại vừa là tượng trưng đau khổ của con người có lý tưởng ấy.

Và đấng cứu thế Christ bằng gỗ vàng tâm mà anh Quyền treo bằng cách đóng đinh cả cái câu rút ấy một lần nữa trên tường, ở chỗ danh dự, lúc nào cũng như nhăn nhó, cảm động, về cái khổ sở của con chiên chỉ ghẻ lở một cách tinh thần kia. Vì tôi quên nói rằng Pierre Quyền là một tín đồ tin Kinh Thánh nữa.

Lúc mới nằm vào, tôi được hân hạnh bạn giao hẹn thế này:

– Chả mấy khi anh đến chơi, vậy đã phạm tội thì cũng nên phạm thế nào cho bõ với sự thú tội, nghĩa là tôi hút một điếu thì anh cũng phải hút một điếu.

Tôi gật đầu liền, vì lúc ấy chưa rõ cái đức tiêu sài đại lượng của anh đối với nhà Đoan. Nhưng sau, hỏi và được anh đáp là mỗi bữa anh hút ít nhất năm chục điếu, tôi mới thất đảm kinh hồn! Phải lạy van mãi mới được anh ưng cho tôi chỉ phải theo anh 1 phần 10 thôi. Tôi hút điếu thứ ba, anh Quyền hút đến điếu thứ ba mươi, thì vợ anh lên, ngồi chỗ dưới chân chúng tôi, pha cà phê một cách vô cùng ngoan ngoãn.

Thấy người vợ trẻ măng như thế, mà lại không tỏ một tí gì là oán giận chồng hoặc hổ thẹn về cái đức nghiện hút của chồng, tôi mới nhớ ra cái gia tài ba cửa hiệu thợ may tây rất to thuộc quyền sở hữu của bạn tôi. Bỗng đâu tôi có thể có được cái ý nghĩ khoan dung này: “ừ, nói cho cùng thì thằng cha này hút cũng là phải! Tội gì mà chẳng nghiện, khi ta ở giữa một xã hội khó thở, mà bao nhiêu kẻ có học thức, có tâm huyết, ngoài cái sự hy sinh làm mồi cho ngục thất và máy chém thì thôi, cũng đến khoanh tay chịu vậy, chẳng làm được trò gì!” Rồi, xa xôi, tôi khen Quyền là một người may mắn được hưởng hạnh phúc.

Nhưng Quyền lại ra ý không bằng lòng. Bảo anh sung sướng, anh cho thế cũng thí dụ như bảo anh là đồ ngu! Vì rằng anh cãi:

– Anh nói nông nổi lắm. Con người ta ở đời, phàm đã có một quả tim để sốt sắng, một khối óc để nghĩ ngợi, thì có thể nào lại sung sướng được!

Tức quá, tôi bèn hỏi:

– ừ, thế như anh, thì anh còn thiếu thốn cái gì để khao khát cái gì nữa nào?

Vợ anh Quyền cũng họa theo:

– Thưa bác, ấy nhà tôi cứ nói ương thế đấy, mà không biết rằng được thế này cũng đã là sung sướng hơn tiên.

Quyền lim dim cặp mắt, đáp bằng những lời triết lý viển vông:

– Vì rằng người ta ai cũng thế cả, dầu nghèo, hay giàu, dẫu thừa thãi hay thiếu thốn, thì đều cùng khổ sở cả, duy cái khổ của thằng giàu khác với cái khổ của thằng nghèo, thế thôi. Tôi không nói rằng tôi cũng có một hoài bão riêng, một lý tưởng riêng, nhưng tôi nói rằng đối với ai cũng vậy cả, cuộc đời chỉ là một chặng đường dài đi thì nhọc mệt, chán nản; vì rằng đời là một cuộc chiến đấu…

Tôi chưa hiểu rõ nhưng rồi chúng tôi cũng nói sang những chuyện khác. Quanh bàn đèn, ta có thiếu gì đầu đề mà bảo cứ phải bám mãi vào một lý thuyết mà ta không hiểu cho nhau!

Anh Quyền, lúc ấy đã hút đến điếu thứ năm mươi.

Tự nhiên thấy anh ngồi lên, sốt sắng mời:

– Này! Làm một điếu nữa nhé?

– Thôi chịu! Say lắm rồi.

– Thì một điếu nữa thôi thì đã làm sao? Nghiện ngay đấy mà sợ!

– Không phải sợ nghiện nhưng thấy buồn nôn rồi. Khó chịu lắm.

– Thôi thế thì anh về đi cho xong.

– Anh đuổi, chứ anh giết tôi, tôi cũng xin chịu thôi.

Tôi thấy anh Quyền nằm xuống, ruỗi thẳng cả chân lẫn tay, thất vọng hết sức. Mặt anh có những nét buồn rầu, đáng cho ta động mối thương tâm. Đến lúc này, tôi mới hiểu ra rằng tuy vậy, Quyền vẫn không là người sung sướng thật! Tôi bèn vội cứu chữa:

– ờ thì tiêm cho tôi một điếu nữa vậy.

Rồi tôi hút, rồi bạn tôi gạt con triện trên bàn tính một cái, rồi bạn tôi ngoay ngoáy tiêm một hồi dài. Để hút chứ không phải để mời tôi nữa. Trên cái mặt hốc hác ấy, ở cặp mắt lờ đờ ấy, kể từ điếu thứ 52 trở đi hạnh phúc hiện ra bằng nét và hào quang.

Tôi hỏi:

– Gớm, anh hút thêm mà sao hút nhiều thế?

Anh đáp rất tự nhiên:

– Nếu đã hút thêm, thì cứ phải hút từng mười điếu một dịp, không hơn cũng không kém được.

– Sao lại không thể nào hút thêm một vài điếu mà thôi?

– Vì kiêng. Hút thêm dưới một chục sợ sái mất Thần Tài. Nếu Thần Tài mà sái, có khi không có thuốc đâu mà hút nữa.

Câu mê tín ấy, Quyền đã nói một cách sốt sắng, cũng như đức Giáo Hoàng có thể nói quyết: “Tôi tin rằng Thượng Đế!” vậy. Từ đấy, tôi nằm yên, lim dim mắt lại xem anh ta “làm ăn” ra sao… Tiêm đến điếu thứ 59, bỗng Quyền lại gạ tôi:

– Này, lại hút một điếu cuối cùng nữa nhé?

Biết từ chối là thất sách, tôi không đáp, chỉ ngồi lên nhăn mặt, một tay nắn cổ. Rồi tôi “oẹ” một cái để chảy nước bọt vào ống nhổ, vờ như đã buồn nôn. Thì Quyền không nài ép nữa.

Anh ta hút điếu thứ 59, điếu thứ 60, rồi thở dài một cái thật là chán đời.

Anh gắt như tôi có lỗi nặng:

– Chó thật! Có một thằng bạn, mà lại không hút!

Rồi anh quay mặt vào tường, lại thở dài. Chẳng biết có phải đó là anh đương đau đớn vì có nhân ngãi mới chết đó chăng! Chẳng hiểu có phải ấy là anh đương khóc lóc đó chăng!

Nhưng bỗng anh cựa mình đánh thình một cái, quay mặt lại bàn đèn một cách rất cả quyết. Trên mặt anh, tôi thấy cả một sự sốt sắng phi thường, cả một cái can trường xuất chúng. Anh hút điếu thứ 61 để rồi thở dài một cái sung sướng như một đứa trẻ vừa uống xong thìa dầu gan cá thu. Thế là, từ điếu 62 trở đi, tiếng thuốc chui vào nhị tẩu vo vo như máy xe hơi mở tốc lực mỗi giờ 70 cây số! Anh tiêm thuốc, hút, gạt bàn tính thoăn thoắt như một cô gái quay tơ gieo thoi… Tôi đã hiểu cái gì là sự nhanh nhẹn, cái gì là mỹ thuật.

Cho đến điếu thứ 69, đã xe lại chậm chậm rồi. Người ấy lại tỏ vẻ thẫn thờ nhớ tiếc, như một người nạ giòng than phiền cái tuổi xuân qua. Quyền đã để một thời khắc khá lâu mới hút nốt điếu 70, chẳng khác một đứa trẻ rụt rè mãi mới dám ăn cái bánh ngọt mà nó vừa muốn nếm lại vừa muốn giữ.

Dẫu sao, tôi cũng tưởng thế là xong bữa rồi.

Tuy vậy, vờ dở ngủ dở thức, lúc ấy mắt tôi vẫn lim dim…

Anh Quyền lại nằm đườn ra, rất lâu… Rồi anh co chân, ruỗi chân, co tay, ruỗi tay, thở dài, khó chịu, ngán ngẩm. Rồi anh lại quay mặt vào tường, như giận nhau với đèn dầu lạc, hoặc với tôi. Sau cùng thì, chao ôi! Anh lại cựa mình đánh sầm một cái, quay mặt ra một cách vô cùng quả quyết lần thứ hai nữa! ấy thế là điếu thứ 71 và 72 nhanh nhẹn, vui vẻ, hùng hồn bao nhiêu, thì điếu thứ 78 và 79 buồn rầu, uể oải, phân vân, thất vọng bấy nhiêu… Anh để cách 15 phút mới hút điếu thứ 80, tức là điếu hạ hồi phân giải.

Vì đến thế thì thôi, chứ anh ta không quay mặt vào tường đau đớn để lại có dịp cựa mình hùng hồn.

*

* *

Trong thiên hạ này, ai dám bảo Pierre Quyền là một người khổ sở? Ai? ừ, đứa nào mà dám hỗn láo đến thế?

Tôi!

Đối với anh đời là đầy rẫy những cái tai biến, đại họa tức là những điếu thứ 8, thứ 9, và điếu chẵn chục, tuy đời cũng có nhiều hứng thú cho anh, như điếu thứ 1, 2, thứ 3, vân vân… kể từ số 50 trở đi.

Những lúc quay mặt vào tường nằm im lặng, cái xác thịt yên nghỉ ung dung ấy, chính nó đương gói một linh hồn lao đao tan tác vì giông tố, đương gắt gao chiến đấu, chẳng kém cái phương pháp trường kỳ để kháng chiến Nhật của Tàu!

Anh Quyền có thể cứu chữa cái khổ ấy bằng cách mời một vài người bạn sẵn lòng hút hộ cái điếu thứ… linh một để làm khởi điểm cho anh khỏi bứt rứt lương tâm mà kéo những điếu sau. Nhưng đó là sự tốn tiền!

Mà bắt một ông nghiện tốn tiền, thì khó khăn khác gì bắt nhân loại không đau khổ nữa.

Tao Đàn, số 3; ngày 1.4.1939

(Truyện vui)

Trong thiên hạ này, ai dám bảo Pierre Quyền là một người khổ sở? Ai! ừ, đứa nào dám hỗn láo đến thế? Há đó lại chẳng là một tội nặng cũng như tội phạm thượng?

Phải biết: Pierre Quyền là con bố của một tay trọc phú lừng danh. Phải biết: P. Quyền đã sang tận Pháp để làm du học sinh, rồi, về nhà, lấy được một cô vợ đẹp nõn, cho dầu chẳng giật được mảnh văn bằng nào, cái đó cũng lại là rất hợp thời trang nữa, vì ở xã hội này may mà đã có một số trí thức chân chính kia không coi văn bằng là chứng cớ về chân giá trị của con người. Lại phải biết nữa: P. Quyền, mới ba mươi tuổi đầu, cũng đã được hân hạnh là một dân bẹp tai chính thức, mỗi ngày hút xoàng mất ba đồng bạc thuốc phiện, – cái điều lý tưởng của một số đông thanh niên Nam Việt… Đứa nào nói ngoa thì không đáng gọi là giống người! Xưa kia, lý tưởng thanh niên là khôn lớn thì làm quan. Bây giờ cái lý tưởng ấy đã đổi: khôn lớn thì giầu, thì trúng số độc đắc, để có thể an tâm nằm một chỗ mà hút, và không làm một việc gì cả, bất kể là hay hoặc dở, nhưng hễ thấy ai làm việc gì cũng chửi chơi! – Nói tóm lại một câu thì Pierre Quyền là một người hoàn toàn sung sướng, vì đã là một cái gương hưởng thụ đáng cho bạn trẻ soi chung. Vậy bảo anh ta khổ sở là thằng nào? Đồ láo!

Tôi đương lấy làm ngạc nhiên vô cùng ở chỗ thấy trong đời là có sự quái gở ấy, thì, một hôm, tôi lại ngạc nhiên hơn nữa, mà khám phá ra rằng cái con người dám bảo Pierre Quyền là một kẻ khổ sở, lại chính là Pierre Quyền. Thì có lạ không?

Vậy thì… ta không nên nóng vội. Mặc dầu những điều kiện hưởng thụ của ta là “thư bất tận ngôn” đi nữa, nhưng khi óc ta đã có một cái lý tưởng, bất cứ về loại nào – chỉ có một cái thôi – ta cũng có thể rất khổ sở được, như những kẻ khổ sở nhất trần đời.

Và cũng như số đông những nhà trí thức ở nước Nam này, than ôi! Pierre Quyền của chúng ta cũng có trong óc một thứ lý tưởng.

Tôi xin kể “mặt ngang mũi dọc” cái lý tưởng ấy nó ra sao.

*

* *

Cái lý tưởng ấy, anh Quyền chơi khoảnh, cứ giữ lấy một mình như một mối tâm sự đau thương riêng, chứ không nói rõ cho tôi biết. Cho nên tôi phải đoán phỏng, nếu có võ đoán cũng mặc kệ, vì nếu Quyền lại biết rằng tôi ngờ anh là kẻ khổ sở thì có phen anh tuyệt giao với tôi! Vốn tròn, tôi không muốn mất lòng ai cả.

Lần đầu mà anh mời tôi đến nhà, lên cái gác riêng tại đó anh đóng bản doanh cho cái bàn đèn phù dung, thì đó là anh tỏ cho tôi biết rằng tôi được hưởng một cái thân mật ít có, bạn hữu anh ít kẻ được thế. Anh đã, trong khi phô phang những cái gì là đắc thắng trong đời, thì cũng đồng thời thổ lộ cho tôi biết cái gì là đau khổ của anh. Thổ lộ bằng việc, chứ tất nhiên không bằng ngôn ngữ. Quyền có là một nhà triết học chăng? Cái triết lý của con người ta ở đời này có phải là hễ sống thì phải biết mùi tân toan chăng? Mà phải chăng một bậc triết nhân là một người biết sáng tạo cho mình một cái khổ, nếu đời mình sống chưa đủ thấy khổ?

Tôi cứ băn khoăn mãi về mấy câu hỏi ấy, quên cả rằng ngay trước mặt mình, đó là một cảnh Bồng Lai hẳn hoi. Phòng hút của Quyền bài trí lịch sự đặc biệt, toàn những đồ dùng lọc lõi, thật đã đúng như câu anh vẫn kiêu ngạo nói: “Cái gì tôi đã chơi thì không ai có; cái gì ai đã có thì tôi không thèm chơi”.

Nhất là bộ khay đèn.

Thật là một kỳ công mà người sành sỏi nhất đời có thể thực hiện nổi. Thật là một lý tưởng mà một bậc anh hùng hiệp sĩ nhất đời có thể thành tựu được. Bao nhiêu cái tài hoa, bao nhiêu cái kiến thức thu lại và hiện hình ra, trong cái tiểu giang sơn ấy! Kể cũng bõ công sang Tây du học lắm thay! Đèn thì là đèn pha lê trong vắt như nước lọc. Tẩu thì là tẩu “sái tách”, nghĩa là khi ta kéo xong một mồi thuốc, nằm lơ mơ vừa được một phút, thì tự nhiên nghe thấy một tiếng “tách” rất bí mật, rất hữu tình: đó là sái trong tẩu đã rời ra tự nhiên, để cho về sau, ta chẳng cần lùa vào ruột tẩu cái móc thô lỗ nó có thể hỗn xược như một sự khám xét của tây đoan tại nhà một ông nghiện đã nức tiếng là trung quân ái quốc, Pháp Nam trung tín cả hai triều, vì xưa nay chỉ có dùng thuốc ty mà thôi. Giọc thì là thứ giọc trúc tối cổ, bóng hơn sơn quang dầu, tay mó vào, dầu có mồ hôi, không phải lau cũng không thấy ướt. Kéo khêu bấc thì không phải là thứ kéo có bán tại các hiệu tạp hoá, nhưng là thứ kéo đặc biệt dùng để cắt ruột người của những ông đốc tờ chuyên nghề mổ xẻ, mua ở hiệu thuốc tây. Còn những cái lặt vặt khác như lọ đựng rượu, vịt dầu, lọ đựng kéo, gác tiêm, cũng toàn bằng pha lê cả. Và nổi hơn hết, cầu kỳ hơn cả, là một cái bàn tính nhỏ, khung bạc, chốt ngà mà con triện là những viên ngọc tròn, đỏ và xanh. Cái bàn tính ấy, Pierre Quyền dùng để đo lường sức tiêu thụ thuốc, cái lượng của khói đã lùa vào phổi. Một ông nghiện biết tự trọng, có đâu lại tính nhẩm số những điếu thuốc đã hút bao giờ! Một bà vãi đọc kinh có đâu lại đếm cái số câu kinh đã thốt ra khỏi miệng bao giờ! Vậy thì cái bàn tính ở khay đèn này cũng có cái công dụng của giây tràng hạt của bà vãi ẻn. Một khi hút xong một điếu, Pierre Quyền chỉ việc gạt một con triện bằng cái mũi tiêm là xong.

Than ôi cũng như nhân vô thập toàn bởi cớ Tạo hóa ố toàn, cái bàn tính ấy vừa là biểu hiện, hạnh phúc lại vừa là tượng trưng đau khổ của con người có lý tưởng ấy.

Và đấng cứu thế Christ bằng gỗ vàng tâm mà anh Quyền treo bằng cách đóng đinh cả cái câu rút ấy một lần nữa trên tường, ở chỗ danh dự, lúc nào cũng như nhăn nhó, cảm động, về cái khổ sở của con chiên chỉ ghẻ lở một cách tinh thần kia. Vì tôi quên nói rằng Pierre Quyền là một tín đồ tin Kinh Thánh nữa.

Lúc mới nằm vào, tôi được hân hạnh bạn giao hẹn thế này:

– Chả mấy khi anh đến chơi, vậy đã phạm tội thì cũng nên phạm thế nào cho bõ với sự thú tội, nghĩa là tôi hút một điếu thì anh cũng phải hút một điếu.

Tôi gật đầu liền, vì lúc ấy chưa rõ cái đức tiêu sài đại lượng của anh đối với nhà Đoan. Nhưng sau, hỏi và được anh đáp là mỗi bữa anh hút ít nhất năm chục điếu, tôi mới thất đảm kinh hồn! Phải lạy van mãi mới được anh ưng cho tôi chỉ phải theo anh 1 phần 10 thôi. Tôi hút điếu thứ ba, anh Quyền hút đến điếu thứ ba mươi, thì vợ anh lên, ngồi chỗ dưới chân chúng tôi, pha cà phê một cách vô cùng ngoan ngoãn.

Thấy người vợ trẻ măng như thế, mà lại không tỏ một tí gì là oán giận chồng hoặc hổ thẹn về cái đức nghiện hút của chồng, tôi mới nhớ ra cái gia tài ba cửa hiệu thợ may tây rất to thuộc quyền sở hữu của bạn tôi. Bỗng đâu tôi có thể có được cái ý nghĩ khoan dung này: “ừ, nói cho cùng thì thằng cha này hút cũng là phải! Tội gì mà chẳng nghiện, khi ta ở giữa một xã hội khó thở, mà bao nhiêu kẻ có học thức, có tâm huyết, ngoài cái sự hy sinh làm mồi cho ngục thất và máy chém thì thôi, cũng đến khoanh tay chịu vậy, chẳng làm được trò gì!” Rồi, xa xôi, tôi khen Quyền là một người may mắn được hưởng hạnh phúc.

Nhưng Quyền lại ra ý không bằng lòng. Bảo anh sung sướng, anh cho thế cũng thí dụ như bảo anh là đồ ngu! Vì rằng anh cãi:

– Anh nói nông nổi lắm. Con người ta ở đời, phàm đã có một quả tim để sốt sắng, một khối óc để nghĩ ngợi, thì có thể nào lại sung sướng được!

Tức quá, tôi bèn hỏi:

– ừ, thế như anh, thì anh còn thiếu thốn cái gì để khao khát cái gì nữa nào?

Vợ anh Quyền cũng họa theo:

– Thưa bác, ấy nhà tôi cứ nói ương thế đấy, mà không biết rằng được thế này cũng đã là sung sướng hơn tiên.

Quyền lim dim cặp mắt, đáp bằng những lời triết lý viển vông:

– Vì rằng người ta ai cũng thế cả, dầu nghèo, hay giàu, dẫu thừa thãi hay thiếu thốn, thì đều cùng khổ sở cả, duy cái khổ của thằng giàu khác với cái khổ của thằng nghèo, thế thôi. Tôi không nói rằng tôi cũng có một hoài bão riêng, một lý tưởng riêng, nhưng tôi nói rằng đối với ai cũng vậy cả, cuộc đời chỉ là một chặng đường dài đi thì nhọc mệt, chán nản; vì rằng đời là một cuộc chiến đấu…

Tôi chưa hiểu rõ nhưng rồi chúng tôi cũng nói sang những chuyện khác. Quanh bàn đèn, ta có thiếu gì đầu đề mà bảo cứ phải bám mãi vào một lý thuyết mà ta không hiểu cho nhau!

Anh Quyền, lúc ấy đã hút đến điếu thứ năm mươi.

Tự nhiên thấy anh ngồi lên, sốt sắng mời:

– Này! Làm một điếu nữa nhé?

– Thôi chịu! Say lắm rồi.

– Thì một điếu nữa thôi thì đã làm sao? Nghiện ngay đấy mà sợ!

– Không phải sợ nghiện nhưng thấy buồn nôn rồi. Khó chịu lắm.

– Thôi thế thì anh về đi cho xong.

– Anh đuổi, chứ anh giết tôi, tôi cũng xin chịu thôi.

Tôi thấy anh Quyền nằm xuống, ruỗi thẳng cả chân lẫn tay, thất vọng hết sức. Mặt anh có những nét buồn rầu, đáng cho ta động mối thương tâm. Đến lúc này, tôi mới hiểu ra rằng tuy vậy, Quyền vẫn không là người sung sướng thật! Tôi bèn vội cứu chữa:

– ờ thì tiêm cho tôi một điếu nữa vậy.

Rồi tôi hút, rồi bạn tôi gạt con triện trên bàn tính một cái, rồi bạn tôi ngoay ngoáy tiêm một hồi dài. Để hút chứ không phải để mời tôi nữa. Trên cái mặt hốc hác ấy, ở cặp mắt lờ đờ ấy, kể từ điếu thứ 52 trở đi hạnh phúc hiện ra bằng nét và hào quang.

Tôi hỏi:

– Gớm, anh hút thêm mà sao hút nhiều thế?

Anh đáp rất tự nhiên:

– Nếu đã hút thêm, thì cứ phải hút từng mười điếu một dịp, không hơn cũng không kém được.

– Sao lại không thể nào hút thêm một vài điếu mà thôi?

– Vì kiêng. Hút thêm dưới một chục sợ sái mất Thần Tài. Nếu Thần Tài mà sái, có khi không có thuốc đâu mà hút nữa.

Câu mê tín ấy, Quyền đã nói một cách sốt sắng, cũng như đức Giáo Hoàng có thể nói quyết: “Tôi tin rằng Thượng Đế!” vậy. Từ đấy, tôi nằm yên, lim dim mắt lại xem anh ta “làm ăn” ra sao… Tiêm đến điếu thứ 59, bỗng Quyền lại gạ tôi:

– Này, lại hút một điếu cuối cùng nữa nhé?

Biết từ chối là thất sách, tôi không đáp, chỉ ngồi lên nhăn mặt, một tay nắn cổ. Rồi tôi “oẹ” một cái để chảy nước bọt vào ống nhổ, vờ như đã buồn nôn. Thì Quyền không nài ép nữa.

Anh ta hút điếu thứ 59, điếu thứ 60, rồi thở dài một cái thật là chán đời.

Anh gắt như tôi có lỗi nặng:

– Chó thật! Có một thằng bạn, mà lại không hút!

Rồi anh quay mặt vào tường, lại thở dài. Chẳng biết có phải đó là anh đương đau đớn vì có nhân ngãi mới chết đó chăng! Chẳng hiểu có phải ấy là anh đương khóc lóc đó chăng!

Nhưng bỗng anh cựa mình đánh thình một cái, quay mặt lại bàn đèn một cách rất cả quyết. Trên mặt anh, tôi thấy cả một sự sốt sắng phi thường, cả một cái can trường xuất chúng. Anh hút điếu thứ 61 để rồi thở dài một cái sung sướng như một đứa trẻ vừa uống xong thìa dầu gan cá thu. Thế là, từ điếu 62 trở đi, tiếng thuốc chui vào nhị tẩu vo vo như máy xe hơi mở tốc lực mỗi giờ 70 cây số! Anh tiêm thuốc, hút, gạt bàn tính thoăn thoắt như một cô gái quay tơ gieo thoi… Tôi đã hiểu cái gì là sự nhanh nhẹn, cái gì là mỹ thuật.

Cho đến điếu thứ 69, đã xe lại chậm chậm rồi. Người ấy lại tỏ vẻ thẫn thờ nhớ tiếc, như một người nạ giòng than phiền cái tuổi xuân qua. Quyền đã để một thời khắc khá lâu mới hút nốt điếu 70, chẳng khác một đứa trẻ rụt rè mãi mới dám ăn cái bánh ngọt mà nó vừa muốn nếm lại vừa muốn giữ.

Dẫu sao, tôi cũng tưởng thế là xong bữa rồi.

Tuy vậy, vờ dở ngủ dở thức, lúc ấy mắt tôi vẫn lim dim…

Anh Quyền lại nằm đườn ra, rất lâu… Rồi anh co chân, ruỗi chân, co tay, ruỗi tay, thở dài, khó chịu, ngán ngẩm. Rồi anh lại quay mặt vào tường, như giận nhau với đèn dầu lạc, hoặc với tôi. Sau cùng thì, chao ôi! Anh lại cựa mình đánh sầm một cái, quay mặt ra một cách vô cùng quả quyết lần thứ hai nữa! ấy thế là điếu thứ 71 và 72 nhanh nhẹn, vui vẻ, hùng hồn bao nhiêu, thì điếu thứ 78 và 79 buồn rầu, uể oải, phân vân, thất vọng bấy nhiêu… Anh để cách 15 phút mới hút điếu thứ 80, tức là điếu hạ hồi phân giải.

Vì đến thế thì thôi, chứ anh ta không quay mặt vào tường đau đớn để lại có dịp cựa mình hùng hồn.

*

* *

Trong thiên hạ này, ai dám bảo Pierre Quyền là một người khổ sở? Ai? ừ, đứa nào mà dám hỗn láo đến thế?

Tôi!

Đối với anh đời là đầy rẫy những cái tai biến, đại họa tức là những điếu thứ 8, thứ 9, và điếu chẵn chục, tuy đời cũng có nhiều hứng thú cho anh, như điếu thứ 1, 2, thứ 3, vân vân… kể từ số 50 trở đi.

Những lúc quay mặt vào tường nằm im lặng, cái xác thịt yên nghỉ ung dung ấy, chính nó đương gói một linh hồn lao đao tan tác vì giông tố, đương gắt gao chiến đấu, chẳng kém cái phương pháp trường kỳ để kháng chiến Nhật của Tàu!

Anh Quyền có thể cứu chữa cái khổ ấy bằng cách mời một vài người bạn sẵn lòng hút hộ cái điếu thứ… linh một để làm khởi điểm cho anh khỏi bứt rứt lương tâm mà kéo những điếu sau. Nhưng đó là sự tốn tiền!

Mà bắt một ông nghiện tốn tiền, thì khó khăn khác gì bắt nhân loại không đau khổ nữa.

Tao Đàn, số 3; ngày 1.4.1939

Bình luận
× sticky